Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 15.13. NHÀ THƠ LÝ BẠCH

 Triều Đường là thời đại hoàng kim của thơ ca của Trung Quốc, các nhà thơ xuất chúng đua nhau xuất hiện như những vì sao sáng trên bầu trời, trong đó, đại biểu kiệt xuất và vĩ đại nhất là hai nhà thơ Lý Bạch và Đỗ Phủ.
Lý Bạch sinh ra ở vùng nay là Cát Nhĩ Cát Sư thuộc Tuốc- mê- ni-xtan, 5 tuổi đã theo cha trở về quê hương ở Tứ Xuyên. Ở đây, ông đã sống qua những năm tháng thơ ấu và trưởng thành. Từ lúc này, ông đã viết được một bản nhạc ngắn.
Một hôm, Lý Bạch tản bộ trên bờ sông Cẩm Giang ở phía đông Thành Đô, vừa hay lúc đó, trên bến sông một tốp thiếu nữ đang giặt gấm. Gấm dệt rất đẹp, qua làn nước trong xanh, màu sắc càng thêm rực rỡ. Trước cảnh đẹp ấy, thi hứng bộc phát, ông đã viết bài thơ Bạch đầu ngâm:
Cẩm thuỷ đông bắc lưu, 
Ba đãng song uyên ương. 
(Sông Cẩm chảy về đông, 
Uyên ương giữa sóng vần)
Đang lúc trầm tư trong những ý thơ, bỗng ông thấy trên dòng nước có một con thuyền nhỏ, trên thuyền có mấy chàng trai khăn mũ lệch lạc, quần áo xốc xếch, vẻ mặt ngang ngược chẳng khác gì đám lưu manh. Họ lái con thuyền vào nơi các cô gái đang giặt gấm, buông lời trêu cợt. Thấy thế, Lý Bạch bỗng tức giận, chạy tới nơi, lên tiếng nhắc nhở bọn chúng. Mấy tên lưu manh  thấy Lý Bạch chỉ có một mình, ban đầu không thèm chú ý đến, sau  còn quay lại chửi rủa ông. Lý Bạch đang sức trai, cởi áo, chạy tới bên con thuyền nhỏ. Bọn lưu manh lấy mái chèo đánh ông. Lý Bạch né tránh được, nhảy tới bên cạnh con thuyền, dùng sức hất mạnh, con thuyền bị lật, bọn lưu manh rơi cả xuống nước, ướt như chuột lột. Các cô gái vô cùng cảm ơn Lý Bạch. Thấy họ nghèo khổ, ông mang tất cả số bạc mang theo trong người cho họ. Vừa quay đi, bọn lưu manh lại đuổi theo, đe dọa sẽ đánh chết Lý Bạch. Ông rút kiếm khiến cho bọn vô lại chạy tan tác. Quân lính kéo đến không phân biệt sai đúng, bắt giam cả Lý Bạch lẫn bọn người kia; lại không may gặp phải ông quan hồ đồ, chẳng cần xét hỏi, phạt tất cả mỗi người 40 roi.
Trong Lý Bạch dần hình thành hoài bão chính trị và lý tưởng sống. Nhưng từ năm 26 tuổi, ông mong muốn được ngao du sơn thủy, du lãm các danh thắng, bắt đầu bước vào một giai đoạn mới trong cuộc sống. Thời gian này, Lý Bạch tha hồ ngắm nhìn, mặc sức thưởng lãm, một hôm  đến Hạ Giang (nay là Vũ Hán, Hồ Bắc), ông gặp một nhà thơ trẻ họ Liêu, cùng trò chuyện, uống rượu và bàn luận về thơ ca mãi không dứt. Liêu Tú tài vô cùng ngưỡng mộ tài học của Lý Bạch, xin ông chỉ cho bí quyết của thơ ca. Nghe xong, Lý Bạch mỉm cười, nói:
– Làm thơ đâu cần bí quyết, câu đẹp chữ hay là do Trời cho, may mắn mà lượm được.
Liêu Tú tài không tin, lại hỏi:
– “Trường can hành” của ông là bài thơ hay, làm thế nào ông viết được?
Lý Bạch cười ha hả,  nói:
–         Đó là ta nhặt được.
–         Nhặt được? Có khó không?
Liêu Tú tài nghĩ Lý Bạch trêu đùa, có vẻ không được vui, Thấy Liêu Tú tài chưa hiểu, ông cười hồn hậu, thái độ rất chân thành, nói:
– Anh vẫn chưa tin sao, chúng ta sẽ cùng tới Nam Phố nhặt thơ, được không?
Nam Phố là một bến sông, các nhà buôn nam bắc đều tụ hội ở đây, lúc nào cũng đông đúc, náo nhiệt. Lý Bạch cùng Liêu Tú Tài  tới đây quan sát. Buổi trưa, họ tới một quán nhỏ, uống rượu, thấy trong đó một thiếu phụ khá xinh đẹp. Bà ta ngồi bên cửa sổ trông ra ngoài bến sông, nước mắt đầm đìa, thỉnh thoảng lại nghe những tiếng thút thít nhỏ. Vốn người thiếu phụ xinh đẹp này là vợ một nhà buôn. Nhà buôn đi làm ăn xa, đã ba năm chưa thấy trở về, tin tức cũng chẳng có. Bà chỉ có thể hàng ngày tới đây nhìn ra ngoài bến sông ngóng đợi chồng. Thấy cái nhìn vô vọng của bà, Lý Bạch và Tiêu Tú Tài đều vô cùng đồng cảm. Liêu Tú Tài nói nhỏ với Lý Bạch:
– Nỗi buồn này có thể thành thơ chăng. Chúng ta về thôi.
Hai người lặng lẽ trở về nơi ở. Liêu Tú Tài  hỏi Lý Bạch:
– Chuyến đi Nam Phố vừa rồi, ngài nhặt được những gì?
Lý Bạch nói:
– Đợi một chút.
Chỉ thấy Lý Bạch đưa tay thoăn thoắt, một mạch không dừng viết bài “Giang hạ hành”, ghi lại cái bi kịch khi thiếu phụ trở thành vợ của nhà buôn. Liêu Tú Tài vừa mới đọc, đã trầm trồ khen ngợi mãi không dứt. Lý Bạch nói ngậm ngùi:
–         Bình thường, trong lòng đã dồn nén, tới khi đó, chỉ cần thoáng thấy cảnh thấy vật, lập tức sẽ nẩy sinh tình cảm để thành thơ.
Liêu Tú Tài nghe xong, quỳ xuống tỏ ý khâm phục Lý Bạch.
Lý Bạch  dựa vào tài năng “diệu thủ ngẫu đắc chi”  (ngẫu hứng được ý hay) của bản thân mình, đã viết được những câu thơ làm “kinh thiên địa, khốc quỷ thần”. Nghệ thuật thơ ông đạt trình độ rất cao, tình cảm rất mãnh liệt. Trong lịch sử văn hóa cổ Trung Quốc vô cùng hiếm gặp hiện tượng như thế. Mọi người đều gọi ông là “Thi tiên” thật không phải là quá lời.

Chú thích:
(1)   Gấm: một loại hàng dệt đặc biệt, nhiều màu sắc, có hoa văn. Đến nay đã có ba nghìn năm lịch sử.
(2)   Tiên thi: Do Hạ Tri Chương nhận xét: “Tử, trích tiên nhân dã”. Đời sau gọi là Tiên thi. Sau Lý Ích, Lưu Vũ Tích, Bạch Cư Dị, … cũng được gọi là Tiên thi.  
(3)   Tiên thi: Do Hạ Tri Chương nhận xét: “Tử, trích tiên nhân dã”. Đời sau gọi là Tiên thi. Sau Lý Ích, Lưu Vũ Tích, Bạch Cư Dị, … cũng được gọi là Tiên thi.  
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét