Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 15.11. LÝ LÂM PHỦ “MIỆNG MẬT LÒNG GƯƠM”

Triều Đường dưới sự cai trị của Đường Huyền Tông, có một người nổi tiếng xấu xa nhưng đã giữ chức Tể tướng  thời gian dài nhất, đó là Lý Lâm Phủ (1). Ông ta làm Tể tướng suốt 19 năm. Trong thời gian nắm quyền, mọi việc đều bê trễ, bị người người chê trách.
Năm Khai Nguyên thứ 22 (734), Lý Lâm Phủ bắt đầu làm Tể tướng. Về học vấn, ông ta chẳng có gì dù không phải là mù chữ, mỗi lần chuyện trò vè chính sự với các bạn đồng liêu, ông ta đều giống như người ngốc, kẻ say, tuyệt không nói lời nào, Mỗi khi bàn tới những chuyện tào lao, ông ta hăng hái, cứ như nước chảy không bao giờ ngừng, Vì thế, Trương Cửu Linh (2) đã từng nói với tân khách của mình:
– Lý Lâm Phủ bàn tới quốc sự, cũng giống như anh say nói chuyện say. Không tin được!
Nhưng đó lại chính là con người được nhiều kẻ nịnh nọt, bợ đỡ để giành được sự tín nhiệm của Hoàng đế. Ông ta là người “miệng mật lòng gươm”, hãm hại các đại thần để đảm bảo chức Tể tướng của mình được dài lâu.
Nói Lý Lâm Phủ “miệng mật lòng gươm” chính vì ông ta chuyên đả kích các trung thần, chuyên dở trò hãm hại người khác. Ngoài mặt, ông ta luôn tỏ ra thân thiện, thậm chí dùng lời lẽ đường mật để khiến đối phương nói ra mọi việc hoặc nói ra những lầm lỡ của mình. Sau đó, sau lưng, ông ta sẽ tâu bẩm tất cả với Hoàng thượng. Những người này nếu không bị biếm chức thì cũng mất cơ hội thăng thưởng, thậm chí có thể bị giết hại. Có lần, Lý Long Cơ cùng Lý Lâm Phủ chuyện về Nghiêm Đình Chi. Lý Long Cơ nói:
– Nghiêm Đình Chi giờ đang ở đâu? Ta nghe nói ông ta là người có tài, cần phải trọng dụng.
Lý Lâm Phủ vốn đã đố kỵ, ghen ghét, sợ có ngày Nghiêm Đình Chi sẽ giành mất chức Tể tướng  của mình. Giờ lại nghe Hoàng thượng nói như thế, trong lòng rất e ngại. Sau khi trả lời vài câu qua loa với nhà vua, ông ta vội tìm đến em của Nghiêm Đình Chi là Nghiêm Tổn Chi, ra vẻ rất thân mật, cởi bỏ nỗi lòng, nhắc lại tình cũ khi tiến cử Nghiêm Tổn Chi làm Viên ngoại lang (3), rồi sau đó nói:
– Hoàng thượng rất thích tài năng anh của ông. Tại sao không bảo anh ông giả nói bị phong hàn, xin Hoàng thượng trở về kinh thành chữa bệnh. Như thế sẽ có cơ hội để Hoàng thượng trọng dụng.
Nghe nói, Nghiêm Tổn Chi mừng lắm, vội đến Giáng Châu đem chuyện Lý Lâm Phủ đã nói với mình kể lại với anh là Thích sử Nghiêm Đình Chi. Nghiêm Đình Chi thấy việc này rất tốt, không suy nghĩ cẩn thận, làm theo lời Lý Lâm Phủ, viết một tờ biểu, nhờ người đưa cho Lý Lâm Phủ. Lý Lâm Phủ thấy Nghiêm Đình Chi trúng kế, rất sung sướng, mang tờ biểu dâng lên Hoàng thượng, nói:
– Nghiêm Đình Chi giờ tuổi cao sức yếu, lại đang bị bệnh, nên giao cho chức quan nhàn để còn chữa bệnh.
Huyền Tông nhận lấy tờ biểu, vừa xem, vừa thở dài:
– Thật đáng tiếc, đáng tiếc!
Kết quả, tháng 4 năm Thiên Bảo nguyên niên (742), Huyền Tông hạ lệnh cử Nghiêm Đình Chi làm Thái tử chiêm sự (4) ở Lạc Dương để chữa bệnh.
Lý Lâm Phủ thường biểu hiện tử tế với cả hai bên, ngầm thực hiện thủ đoạn khiến người bị hãm hại khó biết được mọi việc diễn ra như thế nào. Còn rất  nhiều thí dụ về những việc như vậy.
Cùng với Lý Lâm Phủ còn có một vị Phó Tể tướng  là Lý Quát Chi, ông ta là cháu của Đường Huyền Tông, người trong Hoàng tộc, lại cũng có tài năng, rất được Huyền Tông tin cậy. Nhưng do Lý Quát Chi thường bày tỏ ý kiến về nhiều việc với Huyền Tông nên Lý Lâm Phủ không thích. Một hôm sau khi thoái triều, Lý Lâm Phủ kéo tay áo Lý Quát Chi, khẽ khàng nói:
– Ở Hoa Sơn có mỏ vàng, nếu mà khai thác được có thể bổ sung cho quốc khố. Hoàng thượng chưa biết việc này đâu.
Nghe xong, Lý Quát Chi cũng không hề nghĩ xem Lý Lâm Phủ nói với mình việc này để làm gì, ngược lại, cho rằng Lý Lâm Phủ có ý tốt bèn bẩm báo với Huyền Tông. Huyền Tông nghe tin này rất vui, liền hỏi ý kiến Lý Lâm Phủ. Lý Lâm Phủ chờ cho các đại thần đã lui hết, ra vẻ thận trọng,  nói với Huyền Tông:
– Thần đã sớm biết việc này, chỉ có điều, đất Hoa Sơn là bản mệnh của bệ hạ, sinh khí tụ ở đó, không thể khai quật cho nên mới không dám tâu với bệ hạ.
Huyền Tông nghe xong, lập tức đổi sắc mặt, cho rằng Lý Quát Chi không có ý tốt chẳng được như Lý Lâm Phủ là người tuyệt đối trung thành, triệu Lý Quát Chi tới, nghiêm giọng nói:
– Từ lần sau, khi ngươi định tấu điều gì, phải bàn bạc với Lý lâm Phủ trước, sau đó mới được bẩm báo, không được tùy tiện.
Từ đó, Huyền Tông bắt đầu xa lánh Lý Quát Chi và càng thêm tin cậy Lý Lâm Phủ.
Lý Lâm Phủ cứ lừa gạt như vậy để ích mình hại người. Ông ta cón lợi dụng thủ đoạn dâng lễ, kết giao rộng rãi với các phi tần, hoạn quan, hình thành một mạng lưới rộng khắp xung quanh Huyền Tông để nắm vững mọi hành động hay lời nói của nhà vua nhằm đạt tới mục đích của mình.
Một lần, Huyền Tông tới Cần Chính lầu buông rèm xe ca múa. Binh bộ thị lang Lô Huyến tới, nghĩ Huyền Tông đã đi khỏi, xuống ngựa, mang theo roi ngựa chậm bước lên lầu. Phong độ Lô Huyến đàng hoàng, Huyền Tông nhìn thấy, thầm khen:
– Lô Huyến phong độ lắm.
Hoạn quan Cao Lực Sĩ đứng bên nhà vua nghe thấy bèn ngầm nói lại với Lý Lâm Phủ.
Lý Lâm Phủ thấy Huyền Tông có vẻ thích Lô Huyến, sợ ảnh hưởng tới mình, đã nói với con của Lô Huyến:
– Cha của ông trong triều rất có uy tín. Bây giờ ở Giao Châu, Quảng Châu đang có biến loạn. Hoàng thượng muốn cử cha ông đi trấn dẹp, không biết cha con ông có muốn đi không?
Giao Châu là miền biên viễn vô cùng xa xôi, thường có bệnh dịch, Lý Lâm Phủ tất nhiên biết Lô Huyến không muốn đi nhưng cố ý nói để gây hoang mang, rồi sau đó, ông ta còn đe dọa:
– Nếu có ý cự tuyệt thánh chỉ, sợ sẽ bị tù tội.
Con của Lô Huyến sợ hãi, nhờ Lý Lâm Phủ lựa lời nói với Hoàng thượng.
Lý Lâm Phủ làm ra vẻ việc này khó lắm, nghĩ một lát rồi nói:
– Thế này, ta giúp các ngươi thì được. Nhưng cha người phải tới kinh đô Lạc Dương nhận chức Thái tử tân khách hoặc là Thái tử chiêm sự, có được không? Đó cũng là chức quan có lộc, người về nói với cha ngươi xem sao.
Lô Huấn không muốn tới việc làm quan ở nơi xa, lại sợ bị giáng chức, đành phải dâng thư xin giữ chức Thái tử chiêm sự. Để cho người là tai mắt của mình thay.ông ta giữ chức Thích sử Hoa Châu, sau đó ít lâu, Lý Lâm Phủ tâu với Minh Hoàng rằng Lô Huyến không được khỏe mạnh, khó đảm đương được công việc nên cho ông ta về đông đô làm Thái tử chiêm sự.
Truyền thuyết nói ở phố Nam phường Bình Khang, Trường An có một khuôn viên chính vốn là nhà của Lý Lâm Phủ. Ở phía sau phòng ngủ, ông ta xây dựng một sảnh đường, hình dáng quanh có uốn khúc, như hình trăng non, cho nên gọi là “Yển nguyệt đường”. Ngôi nhà kiến trúc xa hoa, điêu khắc đẹp đẽ, cứ theo như người ta nói thì chẳng đâu sánh được. Lý Lâm Phủ mỗi lần muốn hại ai, hoặc phá hoại gia đình nào đều tới đây tính toán mưu kế. Nếu khi ra về, bộ mặt của ông ta bình thường thì cái người ấy sẽ không có chuyện gì, nhưng nếu khi ra về, trên mặt ông ta xuất hiện nụ cười thì người ấy chắc là “đi đứt”.
Lý Lâm Phủ không biết đã hãm hại bao nhiêu người hiền tài, lừa gạt bao nhiêu lương thần, khiến cho trong triều đình, các gian thần lên ngôi, bọn tiểu nhân tha hồ giương oai giễu võ, tạo nên thế lực xấu xa và đen tối trong xã hội, từ đó dẫn tới biến loạn An Lộc Sơn những năm cuối đời Thiên Bảo. Lý Lâm Phủ cùng với Đường Huyền Tông cuối đời mê đắm thanh sắc, tham lam hưởng lạc không cần biết tới tương lai của triều đình.

Chú thích:
(1) Lý Lâm Phủ (? – 752), người trong tông thất nhà Đường, từng làm Quốc tử tư nghiệp, làm Tể tướng  suốt 19 năm.
(2) Trương Cửu Linh (673 hoặc 678 – 740), người Khúc Giang (tây bắc Khúc Giang, Quảng Tây ngày nay), từng làm tới Trung thư lệnh. Cuối cùng do Lý Lâm Phủ hãm hại mà bị bãi chức quan.
(3)Viên ngoại lang: đặt từ đời Tùy, chức cao nhưng việc nhàn, thường dùng cho các đại thần đã cao tuổi.
(4) Thái tử chiêm sự: chức quan có từ đời Đường, chức cao nhưng việc nhàn, thường dành cho các đại thần đã cao tuổi.
(5) Binh bộ thị lang: Phó trưởng quan bộ Binh.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét