Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 15.05. VĂN THÀNH CÔNG CHÚA XUẤT GIÁ TỚI TÂY TẠNG

Triều Đường dưới sự cai trị của Lý Thế Dân, kinh tế phồn vinh, xã hội phát triển. Trong khi ấy, trên cao nguyên Tây Tạng, Thổ Phồn, một chính quyền của các dân tộc thiểu số cũng cường thịnh.
Khi đó, Tán Phổ (1) Tùng Tán Cán Bố (Songtsän Gampo) tại vị, thống nhất các bộ lạc ở Tây Tạng, đó là thời kỳ hùng mạnh nhất.
Tùng Tán Cán Bố hâm mộ văn hóa triều Đường, muốn cùng triều Đường kiến lập quan hệ hữu hảo. Ông đã nhiều lần cử sứ thần tới thăm Trường An. Đường Thái Tông cũng đã cử sứ thần sang đáp lễ, quan hệ hai bên ngày càng mật thiết.
Năm 640, Tùng Tán Cán Bố cử Đại tướng  của ông (tương đương Tể tướng  của các vương triều ở Trung Nguyên) là Lục Đông Tán mang theo 5.000 lượng vàng cùng hàng trăm hòm châu ngọc vượt hơn nghìn cây số thảo nguyên tới Trường An xin cầu hôn với triều Đường.
Truyền thuyết nói rằng khi ấy ở Trường An có tới năm vị sứ giả của năm quốc gia, họ đều mang theo những lễ vật quý báu, muốn đón công chúa triều Đường về làm dâu nước mình. Có thể gả Công chúa cho ai? Đường Thái Tông quyết định đưa ra mấy cuộc thi giữa các sứ thần xem ai thông minh nhất rồi sẽ quyết định.
Đường Thái Tông mời các vị sứ giả vào Hoàng cung, mang ra viên ngọc “cửu khúc minh châu” cùng một sợi tơ, nói với họ:
– Ai trong số các vị có thể luồn sợi tơ này qua viên ngọc, người ấy sẽ được đón công chúa về cho Quốc vương của mình.
Vốn viên ngọc “cửu khúc minh châu” này có hai lỗ thông với nhau, nhưng chúng không nằm thẳng hàng, một lỗ ở phía trên, còn một lỗ ở phía bên cạnh. Giữa hai lỗ này là một đường cong khúc khuỷu, cho nên mới có tên “cửu khúc minh châu”. Luồn được sợi tơ qua lỗ đó là một việc vô cùng khó khăn. Trong khi mấy vị sứ thần nhìn sợi tơ và viên ngọc lộ vẻ chán nản thì  Tùng Tán Cán Bố đã rất nhanh chóng tìm được cách. Ông ta tìm một con kiến, dùng một sợi lông đuôi ngựa đâm vào lưng nó rồi đem con kiến đặt vào một lỗ của viên ngọc. Sau đó, sứ thần thổi liên tục. Con kiến chui vào và một lát sau đã xuất hiện ở lỗ phía kia mang theo sợi lông đuôi ngựa. Sứ thần chỉ việc buộc sợi tơ vào lông đuôi ngựa rồi kéo nhẹ. Chẳng bao lâu, sợi tơ đã được luồn qua viên ngọc “cửu khúc minh châu”.
Đường Thái Tông thấy Lục Đông Tán thông minh như thế, rất vui vẻ.
Sau đó, nhà vua lại đưa ra cuộc thi thứ hai, vua mời các sứ thần tới bãi nuôi ngựa. Ở đây có hai khu vực, một khu nhốt một trăm con ngựa mẹ và gần đó có khu vực nhốt một trăm con ngựa con. Đường Thái Tông yêu cầu các sứ thần phải làm sao ghép ngựa mẹ nào với ngựa con ấy. Các sứ thần lại một lần nữa bó tay, chỉ có Lục Đông Tán tìm ra được cách làm. Ông ta vận dụng kinh nghiệm phong phú của dân du mục, không cho đàn ngựa con ăn cỏ và uống nước trong một ngày. Sau đó, ông ta cho ngựa mẹ và ngựa con vào chung một nơi. Chỉ cần nghe ngựa mẹ lên tiếng gọi, các chú ngựa con đã chạy như bay tới mẹ của chúng để bú sữa. Lục Đông Tán đã vận dụng tình mẹ con của chúng để vượt qua cuộc thi này. Lục Đông Tán nói:
– Quan hệ mẹ con của ngựa đã rõ, xin bệ hạ cho Công chúa về với Tán phổ của chúng tôi.
Đường Thái Tông nói:
– Còn phải qua mấy cuộc thi nữa mới có thể quyết định.
Đêm hôm ấy, trong cung trống giong cờ mở, Hoàng đế truyền triệu các sứ thần vào cung. Các sứ thần vội vàng áo mũ tề chỉnh tuân lệnh. Chỉ có Lục Đông Tán muốn được chu đáo, ông ta lần đầu tới Trường An, đường đất chưa thuộc, sợ khi về tìm không thấy đường, bèn bảo tùy tùng trên đường vào Hoàng cung, gặp ngã tư đều đánh dấu cẩn thận. Vốn Đường Thái Tông mời các sứ thần vào Hoàng cung xem kịch, xem xong, Đường Thái Tông nói:
– Các ngươi ai theo đường cũ về chỗ ở của người ấy, ai về tới chỗ ở sớm nhất, sẽ được đưa Công chúa về cho Quốc vương của mình.
Lục Đông Tán đã có ký hiệu chỉ dẫn, rất nhanh chóng tìm được đường về tới nơi ở, còn các sứ thần khác thì cứ lúng túng mãi trong việc tìm đường, đi đi lại lại, tới sáng hôm sau mới về tới nơi.
Qua năm lần thử thách, Lục Đông Tán đều giành được thắng lợi. Đường Thái Tông vô cùng vui vẻ, trong bụng nghĩ: sứ thần của Tùng Tán Cán Bố đã thông minh, cơ trí như thế, chắc Tùng Tán Cán Bố không phải là người chỉ biết nói suông. Vì thế nhà vua quyết định gả Công chúa Văn Thành cho Tán phổ Thổ Phồn.
Đây là sự kiện lớn trong lịch sử Trung Quốc ở thế kỷ thứ 7, Văn Thánh Công chúa trở thành vị sứ giả lớn trong quan hệ hữu hảo giữa hai dân tộc Hán – Tạng.
Năm 641, Văn Thành Công chúa 24 tuổi được Giang Hạ vương Lý Đạo Tông (3) hộ tống lên đường tới Thổ Phồn. Triều Đường đã chuẩn bị lễ vật cho Công chúa vô cùng phong phú. Vàng bạc châu báu, tơ lụa vải vóc không thiếu thứ gì, ngoài ra còn có rất nhiều những đồ vật mà Thổ Phồn không có, hạt giống các loại quả, các loại rau. Công chúa cũng mang theo nhiều cây giống thuốc và các loại cây trồng khác, các đồ dùng kỹ thuật, sách vở về thiên văn, lịch pháp, …
Tin Văn Thành Công chúa xuất giá đến Thổ Phồn. Từ biên giới triều Đường tới Thổ Phồn, trên đường đi xe ngựa đều được chuẩn bị chu đáo để đón tiếp Văn Thành Công chúa. Tùng Tán Cán Bố đích thân từ La Ta (nay là La Sa, Tây Tạng) tới Bách Hải (nay là hồ Trát Lăng, Thanh Hải) nghênh tiếp. Tại đây, Tùng Tán Cán Bố và Văn Thành Công chúa đã cử hành hôn lễ long trọng. Sau khi  hôn lễ kết thúc, hai người đã vượt qua cao nguyên Tuyết Sơn, đến thành La Ta. Hôm Công chúa vào thành, nhân dân La Ta coi như ngày lễ lớn, hân hoan ca múa, đứng hai bên đường chờ đón. Ở La Ta, Tùng Tán Cán Bố còn cho xây dựng những kiến trúc theo kiểu triều Đường thiết kế một tòa cung điện cho Công chúa.
Văn Thành Công chúa sống ở Thổ Phồn 40 năm, bà đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho sự phát triển quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai dân tộc. Cho tới nay Đại  Chiêu tự  và Bố Đạt La cung (4) vẫn là một tượng đài kỷ niệm mối tình giữa Tùng Tán Cán Bố và Văn Thành Công chúa, là bằng chứng cho tình hữu hảo giữa hai dân tộc.

Chú thích:
(1)  Thổ Phồn: đầu đời Tùy, đây là một quốc gia cường thịnh. Thiết lập vương triều từ năm 629.
(2) Tán phổ (cũng gọi “Tán phủ”), phiên âm tiếng Tạng, ý chỉ người đàn ông có sức mạnh, sau trở thành tên gọi người đứng đầu Thổ Phồn.
(3)  Lý Đạo Tông (603 – 653): người đã từng sát cánh cùng Lý Thế Dân đánh Lưu Vũ Chu, Đậu Kiến Đức, Vương Thế Sung, sau cùng Lý Tĩnh diệt Đột Quyết, được phong Giang Hạ vương.
(4) Bố Đạt La cung: quần thể kiến trúc cung điện lớn nhất ở Tây Tạng nay ở tây bắc thành phố La sa.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét