Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 15.01. LÝ UYÊN NỔI DẬY Ở THÁI NGUYÊN

Khi tiến hành đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân cuối triều Tùy, thế lực của lưu thủ (1) Thái Nguyên Lý Uyên dần mạnh lên, sau đó, ông nổi dậy chống nhà Tùy, kiến lập triều Đường.  Trong quá trình đó, người con thứ hai của ông là Lý Thế Dân có công rất lớn, đóng góp nhiều công sức, qua đó thể hiện là một người có tài năng xuất chúng.
Lý Uyên có bốn người con trai: Lý Kiến Thành, Lý Thế Dân, Lý Huyền Bá và Lý Nguyên Cát, trong đó Lý Thế Dân tỏ rõ một con người có nhãn quan chính trị, biết phân tích tình thế đương thời, cho rằng sự thống trị của triều Tùy sẽ chỉ tồn tại không được bao lâu, chỉ có nhân cơ hội xã hội đang hỗn loạn, giành lấy chính quyền mới có thể đảm bảo địa vị và lợi ích  cho gia tộc.
Lúc đó, có một viên quan địa phương là Lưu Văn Tĩnh bị Tùy Dạng Đế bãi miễn chức vụ, tống giam vào ngục. Lý Thế Dân nghe nói ông ta là người biết suy xét, thường tới thăm hỏi. Lưu Văn Tĩnh thấy Lý Thế Dân là một nhân tài, có thể làm nên sự nghiệp lớn đã khuyên cha con Lý Thế Dân nổi dậy chống Tùy. Sau đó, hai người cùng bàn bạc kế sách.
Hôm sau, Lý Thế Dân cử một người thân tín của mình là Cao Bân Liêm, có sở trường về cờ bạc mang theo một số tiền lớn tới gặp Bùi Tịch ở cung Tấn Dương đánh bạc. Chẳng bao lâu, Cao Bân Liêm đã mất hết số tiền cho Bùi Tịch. Bùi Tịch sung sướng cười ha hả, mời Cao Bân Liêm uống rượu. Cao Bân Liêm nói:
–         Ngài có biết ngài đã thắng số tiền của ai không?
Bùi Tịch ngạc nhiên lắm. Cao Bân Liêm ghe sát tai Bùi Tịch, nói nhỏ một câu gì đó. Bùi Tịch lộ niềm vui ra mặt, nói:
–         Công tử là một nhân tài khó thấy.
Mấy hôm sau, Lý Thế Dân mời Bùi Tịch uống rượu. Sau đó, Bùi Tịch lại mời Lý Thế Dân. Cứ đi lại như thế, chẳng bao lâu, quan hệ giữa hai người đã vô cùng thân thiết.
Một hôm, hai người đang trò chuyện rất vui vẻ, Lý Thế Dân bỗng tỏ ra buồn phiền. Bùi Tịch hỏi:
– Công tử có điều gì khó nghĩ hay sao?
Lý Thế Dân thở dài, nói:
– Hoàng thượng coi gia tộc tôi như cái gai trong mắt, miếng thịt mắc trong cổ, tình cảnh thật là bấp bênh. Xem tình thế hiện nay sớm muộn cũng sẽ có thay đổi, tôi rất muốn nhân cơ hội này làm nên nghiệp lớn, chỉ sợ cha tôi không bằng lòng, ngài xem có cách nào không?
Bùi Tịch và Lý Uyên có quan hệ rất thân mật, nghe Lý Thế Dân nói vậy, suy nghĩ rồi nói:
– Công tử không có gì phải bận tâm, tôi sẽ có cách.
Bùi Tịch suy nghĩ, nhớ chuyện Lý Uyên đã nhận hai cung nữ trong cung Tấn Dương. Một hôm, Bùi Tịch mời Lý Uyên tới uống rượu, khi hai người đã trông một thành hai, Bùi Tịch nói:
– Thật tôi đã hại ngài, cái việc tôi mang cho ngài hai cung nữ trong cung Tấn Dương, sợ có người biết…
Lý Uyên thất sắc, tỉnh rượu. Giữ cung nữ là thuộc tội chết. Làm thế nào bây giờ?
Bùi Tịch nói:
– Nhị công tử Lý Thế Dân sợ việc này bại lộ sẽ mang tai họa nên đang chiêu binh mãi mã, thu góp nhân tài. Tôi thấy cũng phải ra tay, nguy khốn có thể trong sớm tối, nổi dậy chống Tùy việc chắc thành công.
Không lâu sau, Lý Uyên phụng mệnh triều đình tổ chức trưng binh, yêu cầu dân chúng Thái Nguyên, Tây Hà, Nhạn Môn, Mã Ấp phàm là đàn ông trong độ tuổi từ hai mươi tới năm mươi nhất loạt phải nhập ngũ. Mọi người đều phải tập hợp ở quận Trác, Hà Nam, ai không có mặt sẽ chịu tội chết. Dân chúng đọc thông cáo này, nguyền rủa không ngớt. Trong thời gian ngắn, cả vùng Sơn Tây, người người muốn chống lại, chỉ do không có người cầm đầu.
Sau đó, Lý Thế Dân lại thực hiện diệu kế để trưng binh. Lưu Vũ Chu là người đang cầm đầu thế lực cát cứ chống Tùy, chiếm cung Phần Dương. Lý Uyên mượn cớ đánh dẹp Lưu Vũ Chu triệu tập phó lưu thủ Thái Nguyên Vương Uy và Cao Quân Nhã bàn bạc. Hai người này đều là tâm phúc của Tùy Dạng Đế đang ngầm giám sát Lý Uyên. Lý Uyên nói:
– Phàm có việc gì đều phải bẩm báo với triều đình. Bây giờ, đạo tặc ở ngay trước mắt, mà Thiên tử lại ở xa đến ngoài ba ngàn dặm, không biết nên làm thế nào?
Vương Uy, Cao Quân Nhã nói:
– Sự việc khẩn cấp, lưu thủ là quan lớn ở một vùng, để bình định đạo tặc có thể tự mình quyết  định.
Lý Uyên thấy họ nói như thế, đã danh chính ngôn thuận giương ngọn cờ “thảo tặc”, cử Lý Thế Dân, Lưu Văn Tĩnh tới các nơi chiêu binh, lại ngầm cho người tới Hà Đông báo cho Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát, tới Trường An báo cho con rể là Sài Thiệu, tới Thái Nguyên bàn bạc.
Chưa đầy nửa tháng, họ đã thu nạp được gần vạn lính. Vương Uy, Cao Quân Nhã thấy Lý Uyên chiêu binh được bao nhiêu đều giao cho những người thân tín chỉ huy sinh nghi ngờ. Sau một hồi  bàn bạc, hai tên này quyết định giết Lý Uyên. Vừa lúc đó, khu vực Thái Nguyên bị hạn hán, sau ba ngày Lý Uyên tổ chức lễ cầu mưa ở đền Tấn, chúng bèn lệnh cho Lưu Thế Long, hương trưởng làng Tấn mang hương binh mai phục ở đền Tấn, chờ cơ hội ra tay. Lưu Thế Long ngoài mặt chấp hành nhưng ngầm báo cho Lý Uyên. Lý Uyên và Lý Thế Dân quyết định ra tay, thủ tiêu hai cái tai mắt của Tùy Dạng Đế.
Ngày hôm sau, Lý Uyên tới đền làm lễ. Bên phải có Cao Quân Nhã, bên trái có Vương Uy, Bỗng nhiên Lưu Lạc Hội  ở phủ Khai Dương chạy tới  nói có việc cơ mật cần bẩm báo. Lý Uyên để cho Vương Uy nhận văn thư, Lưu Lạc Hội không đưa, nói:
–  Người nhận không phải là Phó lưu thủ, chỉ có Đường Quốc công có thể đọc.
Lý Uyên vô cùng ngạc nhiên, nói:
–  Có việc gì thế?
Nói rồi, tiếp lấy tờ văn thư, đọc:
“Vương Uy, Cao Quân Nhã âm mưu dẫn người  Đột Quyết tới.
Cao Quân Nhã chưa nghe đọc hết đã nổi giận, quát lớn:
–  Đây là lời tố cáo hại người, kẻ mưu phản muốn giết chúng ta!
Nói xong bèn bỏ đi. Lý Thế Dân đã có sự chuẩn bị từ trước, hơn chục người lính đã có mặt ở đấy, bắt trói Vương Duy và Cao Quân Nhã lại, giam vào nhà lao.
Sự tình thật cũng khéo sắp đặt, hai ngày sau, mấy vạn quân Đột Quyết tiến đánh vào thành Thái Nguyên. Lý Uyên bố trí bọn Bùi Tịch mang quân mai phục khắp nơi, sau đó cho mở toàn bộ các cửa thành. Quân Đột Quyết không biết hư thực ra sao, không dám tiến vào thành, quay lại, rút lui. Mọi người trong thành Thái Nguyên đều tin rằng Vương Uy và Cao Quân Nhã đã thông đồng với kẻ địch, quân Đột Quyết chính do họ đưa tới. Lý Uyên nhân cơ hội đó, ra lệnh giết ngay hai kẻ đang theo dõi mình.
Sau đó, Lý Uyên tuyên bố khởi nghĩa. Lúc ấy, quân Ngõa Cương đang bao vậy Đông Đô, Lạc Dương, một bộ phận quân Tùy ở Quan Đông bị quân khởi nghĩa nông dân đánh cho phải tháo chạy. Quân khởi nghĩa lập tức đánh chiếm một loạt các cứ điểm ở ngoại vi Trường An. Trong tình thế vô cùng thuận lợi, Lý Uyên cũng mang quân tiến về Trường An. Đại tướng  Tùy Tống Lão Sinh đang chỉ huy quân ở Hoắc Ấp, chặn đường tiến về phía tây của Lý Uyên. Khi đó, mưa lớn mãi không dứt, lương thực không có nhiều, Lý Uyên đã phải nghĩ tới chuyện rút quân. Lý Thế Dân khuyên ngăn:
– Chúng ta vốn là nghĩa quân nổi dậy để cứu dân chúng, bây giờ nếu rút lui, lòng quân sẽ sinh phân tán. Quyết không thể lui quân!
Rồi Lý Thế Dân đích thân chỉ huy quân sĩ đánh thẳng vào Hoắc Ấp, quả nhiên giành thắng lợi, Tống Lão Sinh bị giết. Tranh thủ thuận lợi, họ vượt sông Hoàng Hà, đang giữa mùa thu đánh thẳng vào Trường An. Để thu phục nhân tâm, Lý Uyên hạ lệnh mở kho lương, phát cho dân nghèo, hoàn toàn trái ngược với những cư xử  hà khắc của triều Tùy, được dân chúng ủng hộ. Chỉ trong mấy tháng, quân đội đã phát triển tới hai mươi vạn người.
Sau khi  đánh chiếm Trường An, Lý Uyên lập cháu của Tùy Dạng Đế mới 13 tuổi là Dương Hựu lên ngôi làm Hoàng đế, đó là Tùy Cung Đế, tôn Tùy Dạng Đế (khi chưa chết) làm Thái thượng hoàng, bản thân mình làm Thừa tướng . Như vậy, Lý Uyên chưa giành ngôi của nhà Tùy, có thể lợi dụng Dương Hựu làm chiêu bài để tập hợp văn võ bá quan triều Tùy, thao túng đại quyền trong tay mình.
Sau 14 năm, ở Nam Phương, Tùy Dạng Đế bị bức tử (618). Lý Uyên lật đổ Tùy Cung Đế, tự xưng Hoàng đế, kiến lập triều Đường. Ông chính là Đường Cao Tổ. Triều Tùy diệt vong sau thời gian ngắn ngủi.
Chú thích:
(1)   Lưu thủ: đời Tùy gọi quan đứng đầu Thái Nguyên là lưu thủ.
(2) Tấn Dương cung là hành cung Tùy Dạng Đế đặt ở Thái Nguyên.
(3)   Hương binh: lực lượng vũ trang ở làng xã.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét