Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 13.04. BỘ MẶT THẬT CỦA LƯƠNG VŨ ĐẾ

Năm 502, đại thần của Nam Tề (1) là  Đại Tư mã Tiêu Diễn nhân cơ hội chính trị Nam Tề hỗn loạn, giành lấy ngôi vua, đổi quốc hiệu thành Lương. Đó là Lương Vũ Đế.
Nhìn sang Tống, Tề, hai triều đại do nội bộ hoàng tộc vì tranh giành quyền lực mà sinh ra nội loạn, Lương Vũ Đế có thái độ khoan dung với những người thân thuộc. Trong Hoàng tộc có người phạm tội, ông ta chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, chứ không trị tội, rõ là muốn tỏ ra là một người nhân nghĩa.
Lương Vũ Đế có người em thứ sáu là Lam Xuyên vương Tiêu Hoằng vốn là kẻ thích làm giàu, ra sức vơ vét tiền của. Nhà của Lam Xuyên vương có tới mấy chục gian nhà kho, hàng ngày cửa đóng then cài rất kỹ càng. Có người nghi ngờ trong đó tàng trữ binh khí, tâu lên Lương Vũ Đế, nói Tiêu Hoằng giấu cất vũ khí có âm mưu phản loạn.
Nghe nói người em mình muốn giành quyền đoạt ngôi, ông có vẻ bất ngờ, đích thân mang cấm quân tới kiểm tra. Vừa thấy mặt Lương Vũ Đế, Tiêu Hoằng thất sắc khiến Lương Vũ Đế càng nghi ngờ, hạ lện cho Tiêu Hoằng phải mở tất cả các cửa kho để lần lượt xem xét. Nhìn vào từng kho, mọi người mới phát hiện, hơn ba mươi gian nhà kho toàn là tiền, cộng có tới ba mươi triệu quan tiền. Các kho khác đều chật cứng nào vải, nào lụa, nào tơ, … không thể nào đếm xuể.
Tiêu Hoằng tránh mặt Lương Vũ Đế, kinh hồn bạt vía, sợ Lương Vũ Đế phát hiện mình quá nhiều của cải sẽ trị tội. Không ngờ, sau khi kiểm tra xong, lương Vũ Đế quay lại, tìm Tiêu Hoằng cười, nói:
– Chú sáu cũng không đến nỗi kém, nhỉ!
Sau đó, biết Tiêu Hoằng không có ý làm phản, lại càng thêm tin cậy Tiêu Hoằng.
Với những người thân thuộc và giới sĩ tộc, Lương Vũ Đế dung túng, nhưng với dân chúng, ông ta có thái độ khác hẳn. Ai vi phạm pháp luật sẽ bị trừng trị thẳng tay. Nếu kẻ đó bỏ trốn, cả nhà sẽ bị trừng phạt bằng làm việc khổ sai. Cho nên giới sĩ tộc quan liêu càng không có gì phải e ngại, tha hồ ngang ngược, coi thường luật pháp, thậm chí có kẻ còn công khai giết người trên đường phố mà chẳng có ai dám can thiệp.
Có một viên quan chính trực tên Hạ Trân dâng một bản tấu chương, đề xuất với Lương Vũ Đế bốn điều, nói giờ đây, quan lại các châu quận vơ vét rất tàn bạo, dân chúng không thể nào chịu nổi; các quan cũng xa xỉ vô độ, lãng phí rất nghiêm trọng, gian thần nắm quyền, tác oai tác phúc, hãm hại dân lành; suốt năm phục dịch, người dân không thể nào chịu nổi.
Những điều Hạ Trân nói đều là sự thực, nhưng Lương Vũ Đế bỏ hết ngoài tai. Ông ta ban một đạo chiếu thư, khiển trách Hạ Trân. Trong đó, ông ta còn tự cho mình là một ông vua hiền minh hiếm có, vừa  chăm chỉ, vừa tiết kiệm, chẳng chú ý gì tới ý kiến của Hạ Trân.
Lương Vũ Đế cũng là một tín đồ của Phật giáo. Ở Kiện Khang, ông ta cho xây dựng một ngôi chùa có quy mô hoành tráng, đặt tên là Đồng Thái tự (2), hàng ngày sớm tối, ông ta đều tới thắp hương lễ Phật, giảng giải kinh pháp, nói làm như thế để thay mặt dân chúng trừ họa tích đức. Càng nhiều tuổi lại càng làm những việc rất kỳ lạ không ai hiểu nổi.
Một lần, ông ta đến Đồng Thái tự “xả thân” (ý là xuất gia thành hòa thượng). Hoàng đế lại đi làm Hòa thượng, lần đầu tiên có một chuyện kỳ lạ như thế. Nhưng Hoàng đế nói mình xuất gia, ai dám ngăn cản?
Lương Vũ Đế làm hòa thượng bốn ngày, người trong cung tới mời ông về. Nhưng ông ta cho rằng, không thể cứ muốn về là về được. Bởi vì theo phong tục khi ấy, hòa thượng hoàn tục, phải có tiền nộp cho chùa để “chuộc thân”. Hoàng đế đang là hòa thượng, sao có thể ngoại lệ. Lần thứ hai, ông ta lại tới Đồng Thái tự “xả thân”. Các đại thần muốn mới vua về cung, nhưng vua nhất định không chịu.
Về sau, các đại thần đã hiểu ý của vua, phải mang mười triệu quan tiền tới chùa để “Hoàng đế Bồ Tát” “chuộc thân”. Nhờ vua làm hòa thượng, nhà chùa có thể thu được rất nhiều tiền, sao họ  không vui. Thế là chùa đồng ý để vua hoàn tục. Các đại thần mang theo nghi trượng, tới chùa đón vua trở về.
Lần thứ ba, Lương Vũ Đế lại muốn làm như trước. Nhưng khi tới Đồng Thái tự “xả thân”, ông ta nói để biểu thị lòng chân thành với Đức Phật, không chỉ một mình ông ta “xả thân”, mà ông ta còn đem toàn bộ người trong cung  và đất đai cả nước “xả thân”.
Xả nhiều như thế, dĩ nhiên chuộc cũng phải nhiều tiền. Sau một tháng, các đại thần phải mang hai mươi triệu quan tiền tới chùa để chuộc ông ta về.
Chẳng hiểu sao, bỗng một buổi tối, Đồng Thái tự bị cháy. Hòa thượng vội tâu lên Lương Vũ Đế. Nhà vua chắp hai tay, nói nhất định đây là do ác quỷ. Vua còn soạn một đạo chiếu thư, nói: “Đạo càng cao, ác quỷ càng nhiều. Cần phải xây dựng một tháp cao để áp đảo tà khí của ác quỷ.”
Cứ mỗi năm, nhà vua lại “xả thân” một lần, các đại thần lại phải mang bao nhiêu tiền để chuộc về. Lương Vũ Đế trước sau làm hòa thượng bốn lần, các đại thần đã tiêu tốn bốn mươi triệu quan tiền để “chuộc thân”. Những đồng tiền này, tất nhiên  bổ vào đầu dân chúng.
Lương Vũ Đế tin Phật, dân chúng chưa được hưởng phúc gì, ngược lại, chỉ è cổ chịu cái gánh nặng, triều chính thì chẳng ai quan tâm. Về cuối đời ông ta, đại loạn xảy ra – Hầu Cảnh chi loạn (3). Trong cuộc loạn này, Lương Vũ Đế bị giam lỏng, rồi đói mà chết.
Chú thích:
(1) Nam Tề, một triều ở phương nam
(2) Đồng Thái tự: nay ở thành phố Nam Kinh, Giang Tô. Bắt đầu xây dựng năm 527, đến đời Minh được trùng tu.
(3) Hầu Cảnh (503 – 552) người trấn Hoài Sóc, Nam Bắc triều (nay là tây nam Cố Dương, Nội Mông Cổ), vốn là Đại tướng Đông Ngụy. Nhân triều Lương suy bại, khởi binh chống Lương, chiếm được Kiện Khang, cầm tù Lương Vũ Đế,. Sau bị dẹp.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét