Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 12.01. VƯƠNG MÃ HAI NHÀ CÙNG CAI TRỊ THIÊN HẠ

Cuối đời Tây Tấn, người Hung Nô tiến vào Trung Nguyên. Năm 316, Lưu Diệu (1) đưa quân đánh phá Trường An, bắt Tấn Mẫn Đế làm tù binh, nhà Tây Tấn diệt vong.
Năm 317, sau khi Tây Tấn mất, Tư Mã Duệ, người trong Hoàng tộc dựa vào sự ủng hộ của Vương Đạo, lên ngôi Hoàng đế ở Kiến Khang (nay là Nam Kinh, Giang Tô), khôi phục triều Tấn. Lịch sử gọi là Đông Tấn. Tư Mã Duệ là Tấn Nguyên Đế.
Khi Tư Mã Duệ mới tới phương nam, do thế lực còn yếu, phải dựa vào sự ủng hộ của các sĩ tộc ở đây. Vương Đạo do lợi ích của bản thân, muốn giúp đỡ Tư Mã Duệ bèn lôi kéo các sĩ tộc. Sau khi  bàn bạc, Vương Đạo cùng anh họ là Vương Đôn thống nhất kế hoạch này.
Trong một ngày lễ truyền thống ở địa phương, Tư Mã Duệ do sự xếp đặt của Vương Đạo, ngồi trên kiệu trang hoàng rực rỡ, có đội quân oai vệ mở đường cùng kèn trống đi trước, phía sau có anh em Vương Đạo, Vương Đôn cùng các danh sĩ từ phương bắc mới tới phương nam trên lưng ngựa càng thêm uy nghiêm làm náo động cả một vùng. Đoàn tuần du đang trên đường, bỗng  một toán sĩ tộc phương nam do Cố Vinh cầm đầu, nghe nói Tư Mã Duệ du hành bảo nhau nghênh đón. Thấy Tư Mã Duệ dáng vẻ khác thường, vô cùng kinh ngạc, không ngớt lời khen:
– Giang Đông đã có chủ! Đất Giang Đông đã có chủ!
Rồi cùng mọi người đứng hai bên đường chào đón.
Nhờ sự sắp xếp của Vương Đạo, uy tín của Tư Mã Duệ được đề cao, sau đó, Vương Đạo lại nói với Tư Mã Duệ:
– Cố Vinh, Hạ Tuần là thủ lĩnh của sĩ tộc phương nam, nếu giao chức quan cho họ, sẽ thuận lợi trong quan hệ với giới sĩ tộc.
Thấy lời nói hợp lý Tư Mã Duệ bèn để Vương Đạo bố trí cuộc gặp gỡ. Cố Vinh, Hạ Tuần đang muốn làm thân với Hoàng thất, nhờ Vương Đạo được toại nguyện. Hai người được làm quan, sĩ tộc Giang Nam như mở cờ trong bụng, tất cả đều theo Tư Mã Duệ. Chính quyền Đông Tấn được sự ủng hộ của sĩ tộc phương nam, đã vững chân trên đất Giang Nam.
Tư Mã Duệ rất cảm kích sự giúp đỡ của Vương Đạo, tôn Vương Đạo làm “trọng phụ” (có ý coi như cha đẻ). Về sau, trong buổi lễ chính thức lên ngôi, năm lần bảy lượt mời Vương Đạo ngồi trên ngự sàng (2) cùng mình, tiếp nhận lời chúc của văn võ bá quan. Vương Đạo đương nhiên không dám nhận lời, phải chối từ. Nhưng việc làm này chứng tỏ trước sự mở rộng quyền hành của sĩ tộc phương nam, quyền của vua nhỏ bé như thế nào. Chẳng phải vô lý khi dư luận dân gian lúc ấy đã từng nói: “Hai họ Vương và Mã cùng cai trị thiên hạ” (Vương Mã cộng thiên hạ).
Thực tế lúc ấy, thế lực của họ Tư Mã còn lâu mới sánh được với thế lực của họ Vương. Vương Đạo làm Tể tướng , khống chế đại quyền chính trị, anh là Vương Đôn, làm Đô đốc nắm quân đội sáu châu Giang, Dương, Kinh, Tương, Giao, Quảng, thao túng lực lượng quân sự. Các chức quan trọng yếu phần lớn cũng do họ Vương nắm giữ. Tư Mã Duệ chỉ do mang họ Tư Mã, vốn là người trong gia tộc Hoàng đế Tây Tấn, còn không có thực quyền.
Khi Tư Mã Duệ còn chưa có đủ uy tín, cần phải dựa vào Vương Đạo, nhưng sau khi ngôi vị đã chắc chắn, ông ta cũng không thể vừa lòng với vị thế “Hai họ Vương Mã cùng cai trị thiên hạ”, muốn làm sao thế lực của họ Vương suy yếu để mình trở lại nắm quyền hành. Ông ta cư xử tốt với Lưu Quỳ, một kẻ quen xu nịnh, bất chấp hắn chỉ là kẻ thích rượu chè, coi là người tâm phúc., bí mật cùng hắn chuẩn bị lực lượng., dần xa dời Vương Đạo. Quan hệ giữa hai nhà Vương Mã bắt đầu có rạn nứt.
Vương Đạo là kẻ mưu sâu kế hiểm. Thấy Tấn Nguyên Đế Tư Mã Duệ có những toan tính khác thường, Vương Đạo làm như không hay biết. Nhưng Vương Đôn không nén được giận dữ, ông ta nghĩ: Chẳng lẽ đây là qua cầu rút ván sao? Rồi mượn cớ quan hệ giữa hai họ Vương Mã rạn nứt, làm cuộc “Thanh quân tắc”, khởi binh từ Vũ Xương, đánh bại Lưu Quỳ, tiến quân vào Kiến Khang, dùng vũ lực uy hiếp Tư Mã Duệ. Vương Đạo phản đối hành động công khai soán quyền này của Vương Đôn, khuyên Vương Đôn trở về Vũ Xương, cuộc xung đột mới tạm thời được hòa hoãn. Tấn Nguyên Đế thấy không thể làm gì được thế lực của họ Vương, từ đó lo nghĩ sinh bệnh, không lâu sau thì chết. Tư Mã Thiệu là con ông ta kế thừa ngôi vua, đó là Tấn Minh Đế (3). Năm sau, Vương Đôn bị bệnh chết, Tấn Minh Đế thừa cơ mang quân đánh bại quân của Vương Đôn. Vương Đôn tức giận mà chết. Nhưng Tấn Minh Đế chưa dám xúc phạm tới Vương Đạo, vẫn giữ thái độ kính trọng vì sợ mang tội với các sĩ tộc.
Tầng lớp thống trị Đông Tấn chỉ chú ý tới việc tranh giành quyền lợi, làm mất thể diện quốc gia, hoàn toàn không có ý định chuẩn bị khôi phục Trung Nguyên. Vương triều Đông Tấn tiếp tục “Vương Mã cộng thiên hạ” (Hai họ Vương Mã cùng cai trị thiên hạ) ngày càng đi tới chỗ hủ bại.

Chú thích:
(1) Lưu Diệu: (? – 329)Vua Tiền Triệu thời Thập lục quốc. Năm 328 bị Thạch Lặc đánh bại, sau bị giết,
(2)  Sàng: (giường) Từ Tây vực tryền vào, có bốn chân, ban đầu để ngồi nghỉ ngơi, sau mới dùng để nằm ngủ.
(3) Tấn Minh Đế (299 – 325), ở ngôi 322 – 325, con trưởng của Nguyên Đế, sau bị bệnh chết.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét