Trang

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Trở lại vụ án Lệ Chi Viên


(Tưởng niệm 570 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi 1380-1442)
Những gì sắp trình bày ở đây không phải là hoàn toàn mới, bởi trước đây các nhà nghiên cứu ít nhiều đã đề cập về vấn đề này rồi. Nhưng cái mới ở đây là trên cơ sở kế thừa thành tựu đã có, kết hợp tìm tòi thêm tư liệu, bài viết này nêu lại một cách có hệ thống xung quanh vụ án Lệ Chi Viên oan nghiệt, đã tàn hại cả một tộc họ, nhất là tiêu diệt một con người tài hoa, uyên bác, lịch lãm và vĩ đại cách đây đúng 570 năm!
1. Về cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông và bản án tru di tam tộc
Sách Đại Việt sử ký toàn thư – Bản kỷ thực lục – quyển XI chép: Nhâm Tuất (tức 1442), Đại Bảo năm thứ 3, mùa thu, tháng 7, ngày 27, vua [Thái Tông] đi tuần về miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, ở hương của Nguyễn Trãi [1]. Khoảng mười ngày sau, trên đường về lại Thăng Long bằng thuyền rồng, vua Thái Tông (trị vì 1433-1442) mất đột ngột tại vườn Vải:“Tháng 8 ngày mồng 4 (tức ngày 07 tháng 9 năm 1442) vua về đến vườn Lệ Chi, huyện Gia Định, bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu hạ bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi, xã Đại Lại trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua. (…) Ngày 16 tháng 8 (tức ngày 19 tháng 9 năm 1442), giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến 3 đời. Trước là Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy thích lắm, cùng với Thị Lộ cợt nhả, đến đây đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bệnh ác mà chết, cho nên Trãi bị tội ấy [2].
Đây là bộ chính sử đầu tiên viết về vụ án Lệ Chi viên. Bộ sử này được sử thần Ngô Sĩ Liên biên soạn vào năm 1479 theo lệnh vua Lê Thánh Tông, tức 37 năm sau khi xảy ra vụ thảm án.
Cần lưu ý, dù chính sử có ghi:“Trước đây vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu hạ bên cạnh”; và: “Trước là Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy thích lắm, cùng với Thị Lộ cợt nhả” nhưng theo tôi việc này nên xem xét lại. Bởi lẽ, theo thiển nghĩ, trong hậu cung của Lê Thái Tông thiếu gì phi tần mỹ nữ trẻ trung đẹp đẽ, tại sao nhà vua lại mê đắm một phụ nữ đã có chồng, lớn hơn mình đến 30 tuổi, tức hơn tuổi của mẹ mình?[3]   
2. Các triều đại minh oan cho Ức Trai
Sau vụ án Lệ Chi viên oan nghiệt không lâu thì vua Lê Nhân Tông (trị vì 1442-1459) có lần đến Bí thư các, đã đọc Dư địa chícủa Nguyễn Trãi, có phát biểu rằng: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp loạn tặc, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng, không may bị người đàn bà gây biến, để người lương thiện mắc tội rất là đáng thương” [4]. Lời nói trên của nhà vua đã hàm ý minh oan cho Ức Trai, dù đó chỉ là lời phát biểu, có thể xem như lời dụ, chứ chưa phải là văn bản chính thức, mà sau này Lý Tử Tấn, người bạn đồng khoa, đồng liêu với Nguyễn Trãi có ghi lại trong phần Thông luận sách Dư địa chí. Nhưng lời phát biểu đó lại đổ hết mọi tội lỗi cho bà Nguyễn Thị Lộ!
Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497), mới chính thức ban chiếu minh oan cho Ức Trai, truy tặng tước Tán trù bá, sai tìm con cháu còn sót lại của ông để bổ chức quan, cấp 100 mẫu ruộng để tế tự. Rồi ba năm sau (1467), lại ban chiếu sai văn thần Trần Khắc Kiệm sưu tầm thơ văn còn lại của ông (bộ sưu tầm này đã mất, hiện chỉ còn bài Tựa viết năm 1480). Tiếp theo, năm 1494, nhà vua còn ngợi ca Nguyễn Trãi trong bài Minh lương qua câu thơ: Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo [5].
Câu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao Thánh Tông chỉ chiêu tuyết cho cụ Nguyễn Trãi mà không minh oan cho bà Nguyễn Thị Lộ, lại truy tặng tước thấp hơn trước một bậc, trong khi vợ chồng Nguyễn Trãi lại là ân nhân của mẹ con nhà vua? Thiển nghĩ, đây là một vấn đề tế nhị trong nội bộ hoàng tộc, lại là chuyện đã lỡ rồi và có lẽ nhà vua không muốn khơi lại chuyện đau lòng đã qua, tốt nhất là cứ theo lời kết tội cũ cho yên chuyện.
Sau đó, các triều đại nhiều lần minh oan Nguyễn Trãi bằng cách gia phong tước, chẳng hạn: năm Nhâm Thân (1512), vua Lê Tương Dực (trị vì 1510-1516) truy tặng tước Tế Văn hầu; năm Nhâm Ngọ (1822), vua Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng (trị vì 1820-1840), truy phong tước Khê Quận công, ban chiếu sai văn thần Dương Bá Cung là người cùng làng Nhị Khê, sưu tầm di văn của Nguyễn Trãi, dịp này ông cùng Nguyễn Thâm (là cháu trực hệ của Nguyễn Trãi) soạn lại gia phả họ Nguyễn ở Nhị Khê, và viết lời Tựa. Công trình của Dương Bá Cung Ức Trai di tập gồm 07 quyển được Phúc Khê đường khắc in vào năm Mậu Thìn (1868) dưới đời Tự Đức (trị vì 1847-1883).
Ở đây, giữa lời chính sử đã ghi và lời chiếu của triều đình minh oan có mâu thuẫn. Bởi lẽ, nếu sau năm 1442, Lê Nhân Tông khi đọc Dư địa chí có phát biểu với ý minh oan Nguyễn Trãi và trách bà Lộ, thì đến năm 1464 và 1467, vua Lê Thánh Tông đã chính thức ban chiếu minh oan. Điều đó cho thấy trong suy nghĩ và dưới cái nhìn của các vị hoàng đế bấy giờ, Nguyễn Trãi là vô tội. Vậy mà khi phụng chiếu viết sử vào năm 1479, Ngô Sĩ Liên đã chép theo lời kết luận của toà Đại hình là gán cho bà Lộ cái tội đã giết vua, làm vạ lây đến Nguyễn Trãi và ba đời của tộc họ này! Điều đó có nghĩa, bà Lộ là thủ phạm và Nguyễn Trãi là tòng phạm. Việc này, sử thần họ Ngô có lời bàn: “Nữ sắc làm hại người quá lắm thay. Thị Lộ là một người đàn bà thôi. Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, chẳng nên răn lắm ư?”[6]. Trong khi đó, theo “Ngọc phả họ Đinh” thì Toà Đại hình do Tuyên Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh và hoàng đế Lê Nhân Tông (mới 2 tuổi) chủ toạ phiên toà, Đại Đô đốc Thái sư Lân Quốc công Đinh Liệt làm chánh án xét xử vào ngày 19 tháng 9 năm 1442, có chép lại lời của Hoàng Thái hậu rằng: Nguyễn Trãi chủ mưu sai Thị Lộ đầu độc nhà vua [7], tức Nguyễn Trãi là thủ phạm và bà Lộ là tòng phạm. Vậy thực hư của vụ án ra sao?
3. Vì sao có vụ án oan nghiệt trên?
Trả lời câu hỏi này cho tường minh, thật không dễ dàng gì. Mặc dù lời ghi của bộ Đại Việt sử ký toàn thư triều Lê là lời chính thống, chẳng nên bàn cãi, dù bản thân tôi có nghi ngờ về ngòi bút của sử thần họ Ngô khi viết về vụ án này, bởi khi chép sử, có thể vị sử thần bị một thế lực nào đó thúc ép chăng, nhưng qua thời gian, lần theo manh mối từ những mảnh vụn lịch sử cách đây trên năm thế kỷ rưỡi, rồi chắp nối chúng lại, có thể nêu lại đầu mối sự việc như sau:
Một là, vợ chồng Nguyễn Trãi từng xin vua Thái Tông để giải thoát cho bà phi Ngô Thị Ngọc Dao ra khỏi lãnh cung. Sự việc theo lời truyền như sau: Khoảng gần cuối năm 1441, bà Tiệp dư Ngọc Dao nhân nằm mộng thấy tiên đồng ôm mặt trăng nhảy vào lòng, nhân đó bà có mang. Chi tiết thụ thai thần kỳ đó là điềm lành dự báo sẽ sinh quý tử, thánh nhân. Việc này đã làm cho Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh lo sợ và không thích, bởi có liên đới đến địa vị của con trai mình sau này. Trước đó, một bà phi khác tên Huệ cũng nằm mộng thấy mặt trời mà có mang. Bà Hoàng hậu lập mưu hãm hại bà phi này, bằng cách cho tay chân thân tín chôn hình nhân ở cung của bà phi Huệ, rồi vu cáo bà này mời đạo sĩ vào cung trấn ếm. Tiếp theo Hoàng hậu lại vu cho bà phi Ngọc Dao có liên can đến vụ của bà phi Huệ, nên cũng bị giam ở lãnh cung. Lúc này (từ năm 1440 trở đi), Nguyễn Trãi trở lại triều đình làm quan và Nguyễn Thị Lộ đang giữ chức Lễ nghi học sĩ trong cung. Cả hai vợ chồng ông được vua Thái Tông sủng ái, tin cậy, nhờ thế mới có điều kiện xin vua tha cho bà Ngô Thị Ngọc Dao (Bà này là ái nữ của Ngô Từ, một đại thần lo việc hậu cần thời Lam Sơn khởi nghĩa, mà Ngô Từ là người đã giúp Nguyễn Trãi yết kiến Lê Lợi tại Lỗi Giang, dâng Bình Ngô sách vào năm 1421, khi ông trở lại Lam Sơn lần thứ hai). Cho nên việc cụ Ức Trai cứu con gái của bạn là hợp đạo lý và cũng là cách trả ơn khi xưa bạn đã từng giúp mình. Vợ chồng Nguyễn Trãi đã đưa bà Ngọc Dao ra tá túc tại chùa Huy Văn (nay ở đường Chùa Bộc, Hà Nội) và đã sinh hoàng tử Tư Thành ở đấy vào ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (dương lịch 24-8-1442). Sau đó lại đưa mẹ con bà Ngọc Dao về tá túc tại một ngôi chùa ở Từ Liêm (hiện chùa mang tên Thánh Chúa, nằm trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tên chùa là do vua Lê Thánh Tông đặt khi mới lên ngôi, ý nói nơi đây vị chúa thánh minh đã từng tá túc). Việc này, văn bia ở hai ngôi chùa trên có ghi lại; tiếp theo Nguyễn Trãi mới đưa mẹ con bà Ngọc Dao ra trú ở vùng An Bang (nay là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh), nơi ông trị nhậm với cương vị Ngự sử Đông Bắc đạo. Việc làm đó, vô tình vợ chồng Nguyễn Trãi đã chuốc vạ vào thân, và đã trở thành cây đinh, thành đối thủ, thành kẻ thù số một của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh.
Hai là, trước đó Nguyễn Trãi từng được nghe Đinh Phúc, Đinh Thắng là Tổng quản nội quan trong cung, ngầm báo cho biết chuyện bà Nguyễn Thị Anh được tiến cung làm Hoàng hậu rồi chỉ mới sáu tháng sau thì sinh ra Bang Cơ! Điều đó có nghĩa, Bang Cơ chưa chắc là con đẻ của Thái Tông. Chính Ngọc phả họ Đinh có chép lại bài thơ của Thái sư Đinh Liệt nói về chuyện này:
茸新六个月開花,
不識何人寶種多.
主靠送胎為靈藥,
舊瓶新酒盛醫科.
Phiên âm:    Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa,
Bất thức hà nhân chủng bảo đa?
Chủ kháo tống thai vi linh dược,
Cựu bình tân tửu thịnh y khoa.
Bài thơ với ẩn ý sâu xa, vị Thái sư đã dùng hình thức chơi chữ kiểu nói lái để hé lộ một sự thật trong thâm cung triều đại Thái Tông, vạch rõ thủ đoạn của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, và nói rõ bí mật gốc gác của vị vua thứ ba vương triều Hậu Lê sơ: “nhung tân” đọc thành “Nhân Tông” tức Thái tử Bang Cơ; “tống thai” đọc thành “Thái Tông”; “thịnh y” (thịnh còn đọc là thạnh) nên “thạnh y” đọc thành “Thị Anh”. Từ đó, có thể dịch nghĩa bài thơ như sau:
Nhân Tông [cái mầm non (nhung tân)] mới sáu tháng đã sinh ra,
Chẳng biết dòng giống quý của người nào đây?
Nương dựa Thái Tông [bằng cách tặng biếu cái thai (tống thai)] để làm vị thuốc hiệu nghiệm,
Bình cũ rượu mới là cách thức của Thị Anh [nền y học phát triển (thịnh y)].
Dịch thơ: Nhân Tông sáu tháng đã sinh ra,
Dòng giống nhà ai, chẳng quý a?
Nương dựa Thái Tông làm thuốc báu,
Thị Anh dùng mẹo đổi dòng cha.
                                         (NCL dịch)
Việc này ngoài vợ chồng Nguyễn Trãi, Đinh Phúc và Đinh Thắng, còn có vài đại thần khác có thể đã biết như Thái sư Đinh Liệt, Thái uý Trịnh (Lê) Khả và con là Trịnh (Lê) Quát (bởi được ban quốc tính), Tư khấu Trịnh Khắc Phục và con là Phò mã Đô uý Trịnh Bá Nhai. Chính cái biết rõ này là mầm mống tai vạ về sau cho Nguyễn Trãi và tộc họ của ông cùng các vị trên.
Ba là, nay nhà vua đi tuần miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi đón vua về ngự ở Côn Sơn. Việc nhà vua ghé Côn Sơn thăm cụ Ức Trai có thể làm cho Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh lo sợ rằng Nguyễn Trãi sẽ hé lộ sự việc gốc gác con trai của mình cho nhà vua biết, thì ngôi vị Hoàng thái tử của Bang Cơ chắc chắn có nguy cơ bị mất, mà ngôi vị này trước đó là của Nghi Dân, nhờ mưu mẹo bà mới giành giật được khi Bang Cơ chưa đầy một tuổi, và dĩ nhiên là bà và tộc họ sẽ bị tội đại hình!
Để thoát khỏi tội lỗi, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh chỉ còn một cách duy nhất là: Cần phải tiêu diệt vợ chồng Nguyễn Trãi để bịt đầu mối. Mối thâm thù từ lâu của bà Nguyễn Thị Anh đối với vợ chồng Nguyễn Trãi đến đây cần phải được giải quyết cho gọn càng sớm càng tốt. Nay dịp may đã đến. Có thể là bà đã sắp đặt mưu mô từ trước. Thuyền rồng của vua trên đường từ Chí Linh về lại Thăng Long, có bà Lộ đi nhờ theo. Thực hiện âm mưu, bọn thủ túc thân tín của bà đã hạ độc thủ, đầu độc nhà vua rồi vu oan cho bà Lộ, ông Trãi giết vua. Như vậy, kẻ chủ mưu giết vua đã rõ. Vua mất, theo lệ, Thái tử sẽ kế vị, mà ngôi Thái tử lúc này là Bang Cơ, con trai riêng của bà! Có thể thấy bà Nguyễn Thị Anh đã sắp đặt mưu mẹo thật hoàn hảo! Chỉ cần bắn một mũi tên mà trúng được nhiều đích: giết được kẻ đối đầu với mình; giết chồng; giành ngôi báu cho con trai; bản thân bà thì được giữ ngôi Hoàng Thái hậu buông màn cầm quyền nhiếp chính, cai trị thiên hạ, vì nhà vua còn quá nhỏ, chưa đầy 2 tuổi (Bang Cơ sinh ngày mồng 9 tháng 6 năm Tân Dậu 1441, lập làm Hoàng thái tử ngày 16 tháng 11 năm ấy, lên ngôi ngày mồng 8 tháng 12 năm Nhâm Tuất 1442).
Nhưng vụ án chưa kết thúc ở đó.
Sau khi diệt được vợ chồng cụ Nguyễn Trãi, thì sau đó không lâu, Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh cho giết tiếp Đinh Phúc, Đinh Thắng (là người ghi chép những chuyện cụ thể ở nội cung), bắt giam Thái sư Đinh Liệt vào đại lao, hạch tội cha con Thái uý Trịnh Khả, v.v.. Cần phải giết tất cả những người đã biết về cái bí mật của riêng bà để bịt đầu mối. Việc giết người và bắt giam người hàng loạt này, toàn là những bậc tôi trung, những bậc khai quốc công thần là có chủ ý của người đàn bà cầm quyền nhiếp chính. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ngày mùng 9 tháng 9 giết hoạn quan là Đinh Phúc, Đinh Thắng, vì khi Nguyễn Trãi sắp bị tử hình có nói là hối hận không nghe lời của Thắng và Phúc”[8] và năm Quý Hợi, Thái Hoà năm thứ nhất (1443): “Mùa thu, tháng 7 bắt giam Thái phó Lê Liệt (Đinh Liệt)”[9] để rồi mãi đến mấy năm sau, Mậu Thìn, Thái Hoà năm thứ 6 (1448) mới được tha: “Mùa hạ, tháng 6 tha cho Lê Liệt ra khỏi lao hầm. Vì cớ bọn người là Lê (Trịnh) Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan, tám người làm trạng tâu khẩn khoản xin nới phép rộng ơn”[10] 
4. Tại sao sử gia Ngô Sĩ Liên lại ghi chép vụ án như thế ?
Thiết nghĩ, người đứng đầu Sử quán triều Lê Thánh Tông là Ngô Sĩ Liên khi chép lại chuyện này không thể không đau lòng và trăn trở, bởi hơn ai hết vị sử thần này biết rất rõ rằng sử biên niên phải viết theo bút pháp Xuân Thu[11], nhưng có thể ông không có thừa dũng khí như sử gia vĩ đại Tư Mã Thiên[12] khi xưa lúc viết bộ Sử ký nổi tiếng! Đau lòng và trăn trở còn là vì Nguyễn Trãi là bạn đồng chí chiến đấu từng chịu đựng gian khổ trong những năm tháng khởi nghĩa; là bạn đồng liêu tại triều; và còn là người mà có thể ông đã chịu ơn, bởi khoa thi đầu tiên dưới triều Hậu Lê sơ, khoa Đại Bảo (đầu năm Nhâm Tuất 1442), Nguyễn Trãi với tư cách là quan Độc quyển, giúp nhà vua chấm bài, duyệt quyển đã lấy cho ông đỗ học vị Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Mặt khác, khi chép lại vụ Lệ Chi Viên trong bộ chính sử, có thể vị sử thần còn vướng mắc một uẩn khúc khác, rất tế nhị, khó nói. Đó là chuyện trước đây ông có dính líu đến vụ Lê Nghi Dân giết em là Bang Cơ Lê Nhân Tông để soán ngôi vào năm 1458, nhưng hiện ông vẫn được tân vương Lê Thánh Tông tin dùng, cho trông coi Sử quán. Vì thế mà khi chép sử, ông không thể không cân nhắc, nghĩ suy, tính toán, lựa chọn cách viết, sao cho hợp với nhà vua, với tâm lý chung của triều thần, nên tốt nhất là viết lại theo lời luận tội của triều đình do bà Nguyễn Thị Anh làm chủ toạ phiên toà ngày ấy đã kết luận.  
5. Về chuyện “Rắn báo oán”
Việc này theo lời truyền thì có nhiều dị bản, riêng Phan Huy Chú trong mục Nhân vật chí, sách Lịch triều hiến chương loại chí chép rằng: “Đời truyền rằng, trong gò lớn ở làng ông có con rắn lớn. Chỗ ấy cây cối um tùm, người làng không dám chặt. Người ông nội của ông thích về phong thuỷ, mới dựng nhà học trên đó, sai người nhà chặt cây dọn dẹp, nhỡ giết phải con rắn ấy. Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai làm Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy. Ông lúc nhỏ đi đường gặp nàng ở Vũ Lăng, yêu về tài sắc mới lấy nàng làm lẽ. Khi ông lo việc nước, những chiếu chỉ từ mệnh, nàng đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng vào hầu cho làm Lễ nghi học sĩ. Bấy giờ, ông đã già, muốn về dưỡng nhàn ở Côn Sơn, mấy lần xin không được, mới lưu nàng ở lại hầu vua, vua mới cho. Ngày vua đi đông tuần, nàng hầu đêm, bỗng vua chết một cách bất ngờ. Kịp khi kết tội lâm hình, Thị Lộ chạy gieo mình xuống nước, người ta cho là rắn báo oán” [13].
Ở đây, Sử gia họ Phan đã theo lời truyền mà chép lại. Thực tế, suy cho cùng, đây là chuyện hoàn toàn bịa đặt và vu cáo bởi Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh cùng bè đãng thân tín của bà như Lương Đăng, Nguyễn Thúc Huệ, v.v.. chẳng hạn.
6. Lời kết
Những gì mà chúng tôi vừa trình bày ở trên nhằm đi đến kết luận rẳng: Vụ án Lệ Chi Viên năm 1442 là vụ án giết người diệt khẩu để bịt đầu mối.
Nhưng bà Hoàng Thái hậu gian ác kia đâu có ngờ rằng, sự việc trên, đương thời đã có nhiều người biết đến, và sau này vua Lê Thánh Tông cũng có thể đã biết, nhưng nhà vua vì thể diện của triều đình, của nội bộ hoàng tộc mà không muốn làm to chuyện ra, đành phải giữ kín. Còn chuyện giết oan một bậc khai quốc công thần là chuyện đã lỡ rồi, chỉ còn cách minh oan mà thôi, và tốt nhất là cứ đổ hết tội lỗi lên đầu một người khác: bà Lộ, thế là yên chuyện! rồi gán cho bà cái tính lẳng lơ, cợt nhả, làm nhà vua say đắm; lại gán cho bà là hiện thân của rắn chúa để báo oán Nguyễn Trãi! Thật là hoang đường hết sức! Chuyện hoang đường nhưng người ta vẫn tin, còn nếu không tin thì vẫn im tiếng để giữ mình, bởi câu chuyện đó được nói ra từ một người có quyền lực nên không ai dám trái lệnh, trái ý, nếu vi phạm có thể bị hành hình hoặc tù ngục đến rục xương! 
Hậu thế đã có phán xét của riêng mình. Cụ Ức Trai đã được minh oan từ lâu, người dân Việt Nam ai ai cũng rõ. Còn nỗi oan của bà Lễ nghi Học sĩ thì ai cũng biết nhưng không ai minh oan. May mà gần đây, nhân dân đã thấu hiểu, đã minh oan và tôn vinh bằng cách lập đền thờ, tạc tượng để hương khói. Và ít ra trên miền Bắc hiện đã có ba nơi lập đền thờ: tại Thanh Trì, gần nơi vợ chồng bà bị hành quyết khi xưa; ở Thái Bình và ở Đông Triều (Quảng Ninh). Nhà giáo Đoàn Ngọc Chức trong công trình viết về bà Lễ nghi học sĩ có kể lại rằng khi tạc tượng bà Nguyễn Thị Lộ xong, lúc rước thầy làm lễ an vị và điểm nhãn, thì mọi người thấy từ trong khoé mắt của pho tượng đã rỉ ra những giọt nước long lanh! Ôi lòng thành của cháu con hôm nay, người xưa đã hiển linh và thấu hiểu nên đã cảm động hoá thành giọt lệ đó chăng?
Tháng 8-2011 – tháng 8-2012
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Sĩ Liên và Quốc Sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải, khảo chứng, tập 3, Nxb KHXH, HN, 1972.
2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí, bản dịch, tập 1, Nxb Sử học, HN, 1961.
3. Đinh Công Vỹ, Đám sương mù quanh thảm án Lệ Chi viên, Hồn Việt số 5, tháng 11-2007 (tr 8-10).
4. Ngọc phả tộc Đinh, tài liệu photocopy từ tủ sách của cố GS. Bùi Văn Nguyên.

Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay, số đặc biệt (800) ngày 01-11-2012

[1] Đại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải, khảo chứng, tập 3, Nxb KHXH, HN, 1972, trang 131. Xin chú thêm:
1- Chùa Côn Sơn tức chùa Tư Quốc, còn gọi là chùa Hun, được tạo dựng lúc Tư đồ Chương Túc Quốc Thượng hầu Trần Nguyên Đán về đây lập động Thanh Hư, do thiền sư Pháp Loa chứng minh Lễ khởi công xây dựng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư tại Bản kỷ thực lục, quyển XI, chú thích số 85, trang 348, ghi rằng: “Chùa Tư Quốc, tương truyền do nhà sư Pháp Loa làm”. Cương mụcq.17 cũng ghi lại như thế. Về sau chùa được đổi tên là Tư Phúc cho đến nay vẫn còn. Tại nhà thờ Tổ của chùa có thờ ba vị Tổ Thiền phái Trúc Lâm: Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang và thờ quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Trước nhà thờ Tổ của chùa, hiện còn mộ tháp của thiền sư Huyền Quang.
2- Lê Thái Tông (sinh 1423, mất 1442) trong thời gian trị vì 1433–1442 đã đặt 2 niên hiệu: Thiệu Bình (1434–1439), Đại Bảo (1440–1442).
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 131. Bộ sử này lúc Ngô Sĩ Liên phụng chỉ biên soạn có tên là Sử ký toàn thư. Sử gia họ Ngô đã kế thừa bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu (thế kỷ XIII), Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên (đầu thế kỷ XV) biên soạn mới phần Ngoại kỷ, rồi chép tiếp phần Bản kỷ. Đến thời Lê trung hưng, bộ sử của họ Ngô được các sử gia đời Lê – Trịnh chép tiếp. Năm Ất Tỵ 1665, vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc sai Phạm Công Trứ khảo đính bộ sử của họ Ngô và viết thêm phần Bản kỷ tục biên, đặt tên bộ sách là Đại Việt sử ký toàn thư. Phạm Công Trứ đã sửa chữa và bổ sung mười phần nhưng chỉ mới khắc in được năm, sáu phần. Đến năm Đinh Sửu 1697, vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Căn lại sai Lê Hy và Nguyễn Quý Đức sửa chữa và viết tiếp phần Bản kỷ tục biên từ năm 1663 đến năm 1675. Như vậy, bộ Đại Việt sử ký toàn thư bản khắc in năm 1679 không phải là sách chỉ do Ngô Sĩ Liên biên soạn mà tác giả của bộ sử này là tập thể các sử gia tiếp nhau biên soạn trong các giai đoạn khác nhau: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ rồi Lê Hy và Nguyễn Quý Đức, với nội dung chép sử nước ta từ đời Hồng Bàng đến năm Ất Mão 1675 đời Lê Gia Tông.
[3] Dù hiện này không có tài liệu chính thức nào ghi chép về tuổi tác của bà Lộ, nhưng theo lời truyền thì bà nhỏ hơn cụ Nguyễn Trãi khoảng 10 tuổi, tức bà sinh khoảng 1390, trong khi đó Lê Thái Tông sinh 1423, nghĩa là bà lớn hơn nhà vua đến 33 tuổi. 
[4] Nguyễn Trãi, Dư địa chí – Phần Thông luận do Lý Tử Tấn viết, bản dịch của Phan Duy Tiếp, Nxb Sử học, HN, 1960.
[5] Về câu thơ này, trước đây nhiều người dịch là “Lòng Ức Trai sáng như sao Khuê”, đó là dịch sát nghĩa. Ở đây, sao Khuê là ngôi sao chủ về văn chương, biểu tượng cho văn chương. Lòng của Ức Trai lúc nào cũng lo cho dân cho nước với niềm ưu ái rừng rực, cuồn cuộn; và văn chương của ông cũng vậy, tức thể hiện tấm lòng ưu ái ấy, cho nên câu này nên dịch lại là: Lòng Ức Trai rực sáng như văn chương (của ông). Ý này cũng đã được PGS. Bùi Duy Tân nhiều lần khẳng định trong các bài viết của ông.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 131. 
[7] TS. Đinh Công Vỹ là hậu duệ của dòng tộc họ Đinh, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong bài “Đám sương mù quanh thảm án Lệ Chi viên, Hồn Việt số 5, tháng 11-2007 (tr 8-10), ông đã dựa vào Ngọc phả của tộc họ mà viết lại.
[8] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 132.
[9] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 135. Lúc này Đinh Liệt đang giữ chức hàm Thái phó, nhưng theo Ngọc phả họ Đinh thì chức hàm của Đinh Liệt lúc này là Thái sư (dù cùng là Tam Thái, nhất phẩm triều đình, quyền ngang Tể tướng, nhưng Thái sư có quyền hành hơn Thái phó) – NCL chú thêm. 
[10] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 142.
[11] Bút pháp Xuân Thu chỉ việc chép sử phải chí công, trung thực, chính xác như sự việc vốn có trong hiện thực đời sống. Đây là lối chép sử của Khổng Tử (551-479 tr.CN) khi ngài biên soạn bộ Xuân ThuXuân Thu là một trong Ngũ kinh, là cuốn biên niên sử nước Lỗ, quê hương của ngài, chép người thật việc thật từ đầu đời Lỗ Ân Công đến năm thứ 14 đời Lỗ Ai Công (từ năm 722 đến năm 481 tr. CN), tất cả là 242 năm. Về sau, các nhà Nho lấy kinh Xuân Thu làm chuẩn mực trong bút pháp chép sử, gọi đó là bút pháp Xuân Thu.     
[12] Tư Mã Thiên (145 hoặc 135 – khoảng 87 tr.CN), sử gia vĩ đại và là nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc thời Tây Hán. Nối nghiệp cha là Tư Mã Đàm (? –110 tr.CN), một vị quan Thái sử lệnh dưới thời Hán Vũ Đế  (140-87 tr.CN), Tư Mã Thiên được nhận chức Thái sử lệnh vào năm 108 tr.CN. Trong thời làm quan, vì cương trực và trung thực, chí công, mà có lần Tư Mã Thiên bị Hán Vũ Đế khép tội bắt giam và bị cung hình, chỉ vì ra sức biện bạch với nhà vua để gỡ tội cho tướng quân Lý Lăng (?-74 tr.CN) khi đánh nhau với Hung Nô bị thua trận, mà sau này sử sách gọi là “hoạ Lý Lăng”. Việc này làm ông đau khổ và uất ức, có lần định tự tử, nhưng vì bộ sử được viết theo lời tâm nguyện phó thác của cha, chưa hoàn thành nên ông đành nuốt hận, nén nhục, tiếp tục sống để viết. Có lần, vua Hán Vũ Đế đòi xem bộ sử đang viết, ông kiên quyết không cho vua xem với lý do sợ nhà vua không bằng lòng, vừa ý với sự thật mà ông đã chép, có thể nổi giận, đốt bộ sử và có thể làm hệ luỵ đến ông. Tính cương trực khảng khái ấy của ông đã làm cho vua Hán Vũ Đế phải kính nể.
[13] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí, bản dịch, tập 1, Nxb Sử học, HN, 1961, trang 192-193.

1 nhận xét:

  1. So với Hán Cao Tổ (Lưu Bang), vị hoàng đế sáng lập nhà Tây Hán, cuộc đời sự nghiệp của Lê Thái Tổ có nhiều điểm trùng hợp nhau: Cả hai vua đều là con thứ ba trong nhà. Trên Lưu Bang có Lưu Bá, Lưu Trọng. Trên Lê Lợi có Lê Học, Lê Trừ. Cả vua Lê và vua Hán đều xuất thân từ người áo vải chức sắc rất nhỏ trong xã hội (Lưu Bang là đình trưởng còn Lê Lợi là Hào phú), khởi nghĩa gặp rất nhiều gian nan trong nhiều năm đầu, về sau mới thuận lợi. Đều dùng thuật thiên mệnh để lấy đắc nhân tâm (Lưu Bang-Chém rắn trắng khởi nghĩa, Lê Lợi lấy mỡ viết lên lá cây cho kiến ăn hình thành chữ “Lê Lợi Vi Quân-Nguyễn Trãi Vi Thần” và thuật mỵ dân dùng sự tích được gươm và hoàn kiếm để lấy lòng thiên hạ; Khi gặp gian nguy, Lưu Bang phải nhờ Kỷ Tín ra hàng, lừa đối phương và bị Hạng Vũ giết. Lê Lợi cũng phải nhờ có Lê Lai theo gương Kỷ Tín để thoát nạn, Lê Lai bị quân Minh giết. Khởi binh dùng chiến thuật “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để thu phục nhân tài, không tham quyền khi chiến đấu với kẻ thù; Sau khi lên ngôi, hai vua đều giết công thần khai quốc (Lưu Bang giết Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt, Lê Lợi giết Trần Nguyên Hãn-Nguyễn Trãi. Lê Sát, Lê Ngân). Về sau, cơ nghiệp của hai vua đều bị họ khác cướp ngôi con cháu, nhà Hán và nhà Lê đều bị gián đoạn một thời gian: nhà Tây Hán bị nhà Tân của Vương Mãng cướp ngôi còn nhà Lê bị nhà Mạc của Mạc Đăng Dung cướp ngôi. Tuy nhiên, cả hai triều đó đều hồi phục lại được. Nhà Đông Hán kế tục nhà Tây Hán và nhà Lê được trung hưng. Cả hai điều vướng nạn đàn bà lũng đoạn triều chính Nhà Hán thì Lữ Hậu, Nhà Lê: Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh; Trị quốc cả hai đều dùng thuật “Ngoại đức-Nội pháp” do Nhà Hán rút kinh nghiệm pháp trị thất bại của nhà Tần, Nhà Lê rút kinh nghiệm Pháp trị của nhà Tống, cả hai đều phát triển nông nghiệp hạn chế tối đa thương nghiệp (vì đều cho rằng rất khó quản lý gian thương) nên cả hai nhà đều giữ được ngôi có thể nói là lâu nhất trong lịch sử của hai nước Trung Hoa và Việt Nam 400 năm và gần 400 năm; Sau khi qua đời, cả hai vua đều được đặt chữ "Cao". Lưu Bang là (Cao Tổ) Cao hoàng đế, Lê Lợi là (Thái Tổ) Cao hoàng đế. Có thể nói ngu dân để trị, mị dân để lừa đều có ở cả hai nhà (Mỵ-Đức thực hiện lúc chiến tranh và còn Ngu –Pháp thực hiện lúc thanh bình)

    Trả lờiXóa