Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

SỰ KIỆN 89. SỰ BIẾN TÂY AN

 Ngày 15 tháng 10 năm 2001, nhà yêu nước nổi tiếng, tướng Trương Học Lương do bệnh nặng, không chữa được đã tạ thế tại đảo Haoai nước Mỹ, hưởng thọ 101 tuổi. Đây là một vĩ nhân có địa vị quan trọng trong lịch sử hiện đại Trung Quốc, tuy quá nửa đời người phải trải qua giam cầm nhưng trong suốt thế kỷ 20, ông đã để lại hai dấu ấn: thứ nhất sự kiện là Đông Bắc đổi cờ, tuyên bố Đông Bắc phục tùng chính phủ trung ương Nam Kinh; một dấu ấn nữa chính là “sự biến Tây An” tạo nên chiến tuyến thống nhất kháng Nhật của dân tộc Trung Hoa.
 Sự thực của “tướng quân đầu hàng”
 Sau “Đông Bắc đổi cờ”, thế lực quân phiệt hệ Phụng trong phạm vi ba tỉnh Đông Bắc coi như đã thống nhất thuộc chính phủ Quốc dân Nam Kinh. Sau “Đông Bắc đổi cờ” Trương Học Lương cũng tích cực ủng hộ Tưởng Giới Thạch dùng vũ lực thống nhất Trung Quốc, ủng hộ có tính quyết định cho Tưởng Giới Thạch trong đại chiến Trung Nguyên.
Ngày 18 tháng 9 năm 1931, quân Nhật khiêu khích, tiến công vào thành Thẩm Dương và doanh trại lớn của quân Đông Bắc, mở đầu cuộc xâm lược toàn diện vào vùng Đông Bắc Trung Quốc.  Quân xâm lược Nhật Bản dần từng bước mở rộng được ưu thế quân sự, chính quyền và quân đội các vùng ở Đông Bắc  nảy sinh sự phân hoá mạnh mẽ. Một số Hán gian phái thân Nhật đã sớm câu kết với quân xâm lược Nhật Bản như Hy Hiệp, Trương Cảnh Huệ, Uy Thức Nghị, Trương Hải Bằng, Vu Chỉ Sơn, … cùng đầu hàng địch, phản quốc, cấp dưới trong quân đội cũng có  những bộ phận không nhỏ quan chức phản nghịch; một số quan chức và tướng lĩnh có lòng yêu nước, liên lạc với những người cùng chí hướng kháng Nhật cứu nước, sau đó cùng hoà vào dòng chảy quân nghĩa dũng kháng chiến; ngoài ra cũng còn có rất nhiều người trong tâm trạng nghe ngóng, chờ đợi. Cùng lúc này, bọn xâm lược Nhật Bản cũng  từ  màng lưới Hán gian, chắp vá, dựng nên chính quyền bù nhìn, hòng nhanh chóng thực hiện sự thống trị thực dân toàn diện ở Đông Bắc. Đến hạ tuần tháng 9, chính quyền ở hai tỉnh Liêu, Cát đã cùng giải thể, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang cũng trong tình trạng tê liệt.
Lúc đó, tư lệnh trưởng biên phòng Đông Bắc, phó tư lệnh hải lục không quân Quốc dân đảng Trương Học Lương đang chữa bệnh tại bệnh viện Hiệp Hoà, Bắc Bình. Ông nhanh chóng xin ý kiến chính phủ Quốc dân đảng. Nhưng Tưởng Giới Thạch ra lệnh cho Trương Học Lương, không đồng ý cho quân Đông Bắc chống lại, lấy ý kiến của cái gọi là trung ương, coi như xử lý một vụ xung đột ở địa phương. Điều đó khién cho quân đội Nhật Bản dần từng  bước như tiến vào chỗ không người, chưa đầy hai tháng, cũng chẳng hề tốn sức, chúng đã chiếm được toàn bộ ba tỉnh Đông Bắc, cướp sạch tất cả khiến cho 30 triệu  đồng bào Đông Bắc  lâm vào cảnh nước mất nhà tan. Sau khi Đông Bắc bị xâm chiếm, Trương Học Lương dù sao cũng là có trách  nhiệm để mất đất. Phái phản động Quốc dân đảng muốn che giấu sai lầm trong mệnh lệnh của Tưởng Giới Thạch, đem cái sai lầm của mệnh lệnh  bất đề kháng này quy toàn bộ cho Trương Học Lương.
Sau sự kiện Thẩm Dương, Trương Học Lương cùng Tưởng Giới Thạch  phải chịu trách nhiệm trong tội đầu hàng. Trong cuộc hội đàm của hai người trên chuyến  xe lửa Hà Bắc Bảo Định, Tưởng Giới Thạch nói: “Tình thế hiện nay hiểm nghèo giống như con thuyền nhỏ giữa sóng dữ, hai người chúng ta chỉ có một người có thể dùng nó để qua sông. Nếu hai người đều muốn qua, tất là  cả hai đều chìm, vậy phải có một người nhảy ra. Vấn đề là, anh nhảy hay tôi nhảy?” Trương Học Lương nói: “Tôi nhảy!” Tưởng Giới Thạch cuối cùng dùng thủ đoạn khổ nhục kế, làm cho Trương Học Lương phải từ chức, đi chơi sang Italia. Nhưng một thời gian,  dư luận gọi Trương Học Lương là “tướng quân đầu hàng” lan rộng, những kẻ quân phiệt của phái đối địch đã lửa cháy đổ thêm dầu. Trương Học Lương nhẫn nhục chịu đựng, mang tiếng xấu “tướng quân đầu hàng” do sự xếp đặt của Tưởng Giới Thạch.
   Năm 1935, sau khi Tưởng Giới Thạch huy động quân Đông Bắc ở Dự, Ngạc, Hoản “tiễu cộng”, lại cử Trương Học Lương đem quân  Đông Bắc đến Thiểm Cam “tiễu cộng”, ở Tây An đã thiết lập bộ tổng tư lệnh tây bắc, Tưởng Giới Thạch tự đảm nhận chức tổng tư lệnh, cử Trương Học Lương làm phó tư lệnh. Âm mưu của Tưởng là làm cho quân Đông Bắc và Hồng quân của đảng cộng sản xung đột, kết quả là cả hai hoặc một bên thương vong, ông ta đều ngồi mà hưởng lợi. Trương Học Lương có mối thù giết cha, nỗi  hận mất đất với đế quốc Nhật Bản. Hai lần “tiễu cộng” đã làm cho Trương Học Lương mất mấy sư đoàn, Tưởng Giới Thạch không hề thông cảm, ngược lại còn nhân đó phiên chế làm mất hai sư đoàn. Tưởng Giới Thạch dùng đòn nội chiến để tiêu diệt người khác làm cho Trương Học Lương mãi oán hận.
 Từ khuyên can đến binh can
 “Ngày 18 tháng 9” sau khi Đông Bắc mất, đảng cộng sản Trung Quốc đã ra lời kêu gọi đề nghị Quốc dân đảng đoàn kết chống ngoại xâm, kêu gọi cả nước nhất trí chống Nhật, ảnh hưởng chính trị này càng cảm hoá được các sĩ quan trung sơ cấp của quân Đông Bắc và các nhân sĩ tiến bộ Đông Bắc đang lưu vong trong nước, họ đều hy vọng chấm dứt “tiễu cộng” ngừng nội chiến, hướng nòng súng ra bên ngoài.
Trong “tiễu cộng”, Trương Học Lương có nhận thức mới về đảng cộng sản và Hồng quân. Tại Ngạc Dự Hoản, ông thán phục Hồng quân chiến đấu dũng cảm phi thường, quần chúng nhân dân lại quên mình ủng hộ Hồng quân; “vây phỉ” ở Thiểm Cam, quân Đông Bắc bị Hồng quân tiêu diệt hai nửa sư đoàn,  bị bắt làm tù binh mấy nghìn người. Nhưng điều làm cho ông cảm động nhất là, sĩ quan và binh lính của ông bị bắt được ăn ngon hơn so với Hồng quân. Hồng quân sau khi giảng giải cho họ “người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc, kẻ thù chung của chúng ta là đế quốc Nhật Bản” liền phóng thích tất cả. Đoàn trưởng đoàn 619 Cao Phhúc Nguyên bị bắt còn tự nguyện làm người liên lạc trong quan hệ giữa quân cộng sản và  quân Đông Bắc. Trương Học Lương sau đó lại cử Cao Phúc Nguyên đi Thiểm Bắc thể hiện ý muốn liên hợp cùng Hồng quân kháng Nhật.
Dương Hổ Thành cũng có quá trình như Trương Học Lương. Dương Hổ Thành khi còn trẻ đã tham gia cách mạng Tân Hợi, là hội viên Đồng minh hội. Trong Quốc Cộng hợp tác lần thứ nhất, ông đã có thể hiểu được vẻ cao đẹp của người đảng viên cộng sản. Sau khi đại cách mạng thất bại, ông cự tuyệt chấp hành mệnh lệnh “thanh đảng” của Tưởng Giới Thạch, sắp xếp những người cộng sản trong bộ đội của ông giữ những chức vụ quan trọng. Khi Tưởng Giới Thạch phát hiện, ông bị buộc từ chức và cử đi Nhật Bản làm “chuyên sát”.
    Ngày 9 tháng 4 năm 1936, Trương Học Lương cùng đại biểu đảng cộng sản Trung Quốc  Chu Ân Lai tại Phu Phi (Diên An), nơi đóng quân của quân Đông Bắc hội đàm bí mật, hai bên quyết định không xâm phạm lẫn nhau, cùng cử đại biểu kết thành liên minh kháng Nhật Trước đó  không lâu, Trương Học Lương đã tặng Hồng quân 50 vạn đồng làm kinh phí kháng Nhật. Tháng 5, Dương Hổ Thành cũng cùng với đại biểu đảng cộng sản Trung Quốc  Vương Thế Anh thảo thuận không xâm phạm lẫn nhau, cùng ký bốn hiệp nghị kháng Nhật. Để xúc tiến việc hợp tác giữa quân Đông Bắc của Trương Học Lương và lộ quân số 17 của Dương Hổ Thành, xoá bỏ sự ngăn cách với nhau, đảng cộng sản Trung Quốc còn cử cán bộ đến trụ sở của Trương, Dương tạo nên sự đoàn kết, quan hệ qua lại với quân đội của hai ông.
Nửa đầu năm 1936, Hồng quân cùng với quân Đông Bắc và lộ quân số 17 đã hình thành đồng minh kháng Nhật Tây Bắc “tam vị nhất thể”, Tây An đã trở thành trận địa trọng yếu của công cuộc kháng Nhật cứu nước toàn quốc.
Quan hệ giữa Trương, Dương và đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng mật thiết, đặc biệt là đã xây dựng được đồng minh kháng Nhật ở Tây Bắc, khiến Tưởng Giới Thạch giật mình và phẫn nộ. Ngày 22 tháng 10, ở Tây An, Tưởng Giới Thạch lần lượt gặp Trương Học Lương và Dương Hổ Thành, ép buộc họ phải tiến công Hồng quân. Trương, Dương thể hiện ý muốn liên cộng kháng Nhật nên gặp Tưởng Giới Thạch để thuyết phục. Tưởng Giới Thạch còn điều khoảng 30 sư đoàn bộ đội nòng cốt đến Trịnh Châu làm bình hán trung tâm ven tuyến đường sắt Long Hải chờ đợi tấn công Thiểm Cam, châm ngòi nội chiến.
Ngày 4 tháng 12, Tưởng Giới Thạch lại bay đến Tây An, Một lần nữa ra lệnh cho Trương, Dương mở đầu “tiễu cộng” ở Thiểm Bắc, còn quân trung ương ở phía sau sẽ đốc chiến. Nhưng họ không chấp hành, bèn đem quân Đông Bắc điều đến Phúc Kiến, lộ quân số 17 điều đến An Huy, quân trung ương thay thế việc “tiễu cộng” ở Thiểm Cam. Ngày 7 tháng 12, Trương Học Lương lại đi thuyết phục Tưởng Giới Thạch  bỏ “tiễu cộng”, đoàn kết kháng Nhật. Nhìn lại việc mất 3 tỉnh Đông Bắc, Hoa Bắc lại đang nằm trong tầm mắt hổ đói của bọn cướp Nhật, Trương Học Lương nghẹn  ngào kể lại. Nhưng Tưởng Giới Thạch đập bàn nói: “Bây giờ chính anh đang là người cầm thương đâm chết tôi, kế hoạch “tiễu cộng” của tôi không thể thay đổi!”
Trong hoàn cảnh này, Trương Học Lương và Dương Hổ Thành không còn sự lựa chọn nào khác, chỉ có kiên quyết dùng biện pháp mạnh, thực hiện “binh gián”, buộc Tưởng Giới Thạch phải kết thúc nội chiến, chủ trương cùng kháng Nhật.
 Ngày 12 tháng 12
     Ngày 9 tháng 12 năm 1936, hơn một vạn học sinh trường Tây An xếp hàng diễu hành yêu cầu kháng Nhật. Tưởng Giới Thạch nghe tin, lập tức qua điện thoại ra lệnh cho Trương Học Lương kiên quyết giải tán. Trong điện  thoại, ông  dường như không phục tùng, cho rằng nghiêm khắc trấn áp là một mệnh lệnh  sai lầm. Trương Học Lương do có cảm tình với học sinh, nhanh chóng đến Bá Kiều, ra sức khuyên ngăn. Trương tướng quân bị lòng yêu nước chân thành của học sinh làm xúc động, trong gió rét thấu xương, ông nghẹn ngào kể lại, ông vội nói với đám đông học sinh: “Nội trong tuần này, thực tế sẽ trả lời các bạn” Học sinh nghe Trương Học Lương giảng giải, thấy thái độ của ông, nhận ra sự xúc động của ông,  bèn chỉnh đốn đội ngũ trở về.
Lúc ấy, Tưởng Giới Thạch đang ở Lâm Đồng, cùng Tưởng đến Tây An có Thiệu Nguyên Xung, Trần Thành và khoảng trên 20 viên chức cap cấp văn võ đều ở tại chiêu đãi sở Tây Kinh trong thành Tây An, trong thành còn có đoàn hiến binh trung ương và cơ quan cảnh sát đặc vụ của Tưởng. Để thực hiện nhiệm vụ “binh gián”, quân Đông Bắc và lộ quân thứ 17 được phân công thực hiện. Vì thế, nhiệm vụ đến Lâm Đồng bắt Tưởng Giới Thạch do Lưu Đa Thuyên quân Đông Bắc chỉ huy, thực tế là do Bạch Phụng Tường, Lưu Quế Ngũ, Tôn Minh Cửu và một số người nữa thực hiện.
    Căn cứ vào tự thuật của Tưởng Giới Thạch sau này, ông ta lúc ấy đã ngủ dậy, sau khi tập thể dục đang thay quần áo. Bỗng ông ta cảm thấy có việc gì xảy ra, thấy hai người đnag trèo qua tường cao khoảng 10 thước Anh, từ đó, lăn ra xa khoảng 30 thước Anh, nhảy xuống một cái cống. Đột nhiên, ông ta cảm thấy đau nhức như khoan vào tim, sau đó nhận ra đã bị thương rất nặng, ông ta còn đánh rơi cả chiếc răng giả. Tưởng Giới Thạch bò đến đầu hồi của  nhà khách, đến đây, ông ta gặp mấy người vệ sĩ,  và được họ  đưa lên núi, lên đỉnh núi, họ nhìn thấy  mấy tay súng bên dưới, có mấy cảnh vệ bị bắn chết.
    Tưởng Giới Thạch hiểu  rằng mình đã bị bao vây, lại leo lên núi  tìm cách chạy trốn. Ông ta nhảy vào một cái hang được che khuất bằng một lùm cây. Dưới ánh sáng ban ngày Tôn Minh Cửu và người cần vụ tìm thấy ông ta, lúc ấy ông ta chỉ thấy chiếc áo ngủ đã rách tung, trên mình khoác một chiếc áo dài đàn ông. Tuyết rất dày, ông ta cảm thấy rét run, những chỗ lộ ra trên hai chân và hai tay  đều trầy xước.
    Lúc ấy, như vừa nói, trời rất lạnh, không chỉ là tức giận, toàn thân ông ta run lên, lớn tiếng quát: “Đem tôi mà giết đi, một lần cho xong đi!”. Tôn Minh Cửu trả lời: “ Chúng tôi không muốn hãm hại ông, chúng tôi chỉ muốn ông lãnh đạo toàn dân kháng Nhật”. Tưởng Giới Thạch cần có một con ngựa để đưa xuống chân núi, nhưng Tôn Minh Cửu đã đưa cái lưng rộng của mình cõng ông ta xuống. Sau khi xuống dốc lại đi một đoạn rất xa, một cần vụ đem đến cho Tưởng Giới Thạch một đôi giày. Đến chỗ đất bằng, một xe ô tô đã đỗ sẵn, đưa ông ta về thành Tây An
    Nhiệm vụ ở trong thành Tây An do Triệu Thọ Sơn, lộ quân thứ 17 chỉ huy, trực tiếp thực hiện là  Tống Văn Mai, Tôn Tòng Chu, Vương Kình Tai cùng một số người nữa, họ bao vây chia cắt chiêu đãi sở Tây An với đoàn hiến binh chính quyền tỉnh cho đến cơ quan cảnh sát. Trừ cảnh sát và hiến binh có chống cự chút ít, không lâu đều bị tước vũ khí, còn lại đều giải quyết thuận lợi. Cái gọi là các viên chức cao cấp ở chiêu đãi sở Tây Kinh đều bị bắt giữ. Chỉ có Thiệu Nguyên Trung bỏ trốn, bị thương do đạn lạc, máu chảy quá nhiều mà chết. Cuối cùng là Trần Thành, luống cuống chẳng nề bẩn thỉu, chui vào một hòm chứa đồ cũng bị bắt.
 Giải quyết hoà bình
     Sau khi Tưởng Giới Thạch bị tạm giữ, phái thân Nhật trong nội bộ chính phủ Nam Kinh do Hà ứng Khâm cầm đầu, Trần Lập Phu, Trần Quả Phu, Đới Lý Đào cùng một số người kiên quyết chủ trương giải quyết bằng vũ lực. Ngày 16, hội nghị chính trị trung ương Quốc dân đảng ra nghị quyết “thảo nghịch”, bổ nhiệm Lưu Trĩ, Cố Chúc cùng làm tổng tư lệnh hai tập đoàn quâ đông tây tiến về Đồng Quan, dụng ý sẽ thay thế sau khi giết Tưởng Giới Thạch, họ còn điện báo cho Uông Tinh Vệ đang chữa bệnh ở Italia về gấp một khi Tưởng bị giết, phái thân Nhật nắm quyền, toàn quốc tất nhiên rơi vào cảnh rối loạn, bọn cướp Nhật thừa dịp đẩy mạnh xâm lược, cả dân tộc sẽ rơi vào cảnh như chìm đắm trong nước lũ.
    Với sự nỗ lực của đảng cộng sản Trung Quốc cùng nhiều lực lượng, cuối cùng, Tưởng Giới Thạch đã chủ trương cùng kháng Nhật, sự biến Tây An đã có được cách giải quyết hoà bình.
    Điều làm cho người ta xúc động là, Trương Học Lương sau khi thấy Tưởng Giới Thạch đã  chấp nhận toàn bộ điều kiện đàm phán sợ “đêm dài nhiều mộng” sinh ra những biến cố nguy cấp cho tính mạng của Tưởng Giới Thạch, bèn lặng lẽ, chiều ngày 25 cùng Dương Hổ Thành đưa Tưởng Giới Thạch cùng anh em Tống Khánh Linh ra sân bay lên máy bay, bản thân ông ta cũng đi theo hộ tống Tưởng Giới Thạch về Nam Kinh. Trương Học Lương đi chuyến này không thể trở về. Cần phải nói là Trương Học Lương đã lường trước chuyến đi Nam Kinh này lành ít dữ nhiều, ông bàn giao những việc còn lại cho Dương Hổ Thành và Vu Học Trung, một mình đến Nam Kinh chấp sự báo thù của Tưởng Giới Thạch  để bảo vệ “hình tượng” Tưởng Giới Thạch, thúc giục Tưởng Giới Thạch thực hiện lời hứa kháng Nhật. Khi đang bị giam giữ ở Khê Khẩu, tướng quân Trương Học Lương đã viết cho Dương Hổ Thành một bức thư kể lại: “Phàm là có lợi cho đất nước , đệ không ngại hy sinh, dù thế nào cũng không tiếc. Mong đừng coi là mưu kế vì cá nhân”. Sau bao nhiêu năm gặp lại Tưởng Giới Thạch lúc tướng quân Dương Hổ Thành đã bị sát hại, sau khi sự biến Tây An đã được giải quyết hoà bình, trước những bất hạnh gặp phải ông  vẫn nói thản nhiên: chỉ muốn Tưởng Giới Thạch thay đổi chính sách “an nội nhưỡng ngoại”, “vậy thì cá nhân chúng ta có hy sinh cũng xứng đáng”.
    Tưởng Giới Thạch đã tiến hành trả thù Trương Học Lương, cách chức giữ lại với Dương Hổ Thành, cuối cùng phá hoại cục diện đồng minh kháng Nhật “tam vị nhất thể” ở Tây An, nhưng ông ta chưa thể hoàn toàn xoá đựơc lời hứa “đình chỉ nội chiến, đình chỉ tiễu cộng, nhất trí kháng Nhật”, khiến cho hợp tác Quốc Cộng một lẫn nữa trở thành hiện thực, từ đó, Trung Quốc đã tiến hành   chuyển  cuộc chiến tranh cách mạng  trong nước  thành cuộc chiến tranh cách mạng dân tộc kháng Nhật có tính lịch sử.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét