Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

SỰ KIỆN 78. KHỞI NGHĨA VŨ XƯƠNG

Theo truyền thuyết Trung Quốc, ở thời đại Nghiêu, Thuấn, Vũ, thủ lĩnh của liên minh bộ lạc là do tuyển cử, tuy thủ lĩnh có quyền tiến cử nhưng việc truyền ngôi cho con cháu bị hạn chế. Sau khi Vũ chết, con của Vũ là Khải dựa vào quyền lực và uy tín của gia tộc đã có từ bao đời, bãi bỏ chế độ nhường ngôi, thiết lập chế độ nối ngôi trị vì thiên hạ. Từ đó, thể chế chính trị của Trung Quốc  bước vào thời kỳ quân chủ thế tập, lịch sử Trung Quốc trở thành lịch sử sự thay đổi của các vương triều. Chế độ quân chủ chuyên chế kéo dài tới cuối triều Thanh.
Tuy trong lịch sử đã từng có rất nhiều những cuộc khởi nghĩa nông dân  cũng kêu gọi “vương hầu khanh tướng là việc mọi người có thể làm” nhưng đều thất bại, hoặc một khi những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa  có nắm được quyền lực cũng lại trở thành kẻ đi tìm giấc mộng làm vua và ủng hộ cách thống trị chuyên chế. Để đi tới dân chủ, Trung Quốc còn phải trải qua một con đường khá xa.
Nhưng những năm cuối của  triều Thanh, một sự thay đổi đã nảy sinh, đó chính là khởi nghĩa Vũ Xương. Khởi nghĩa Vũ Xương tuy chưa đạt được mục đích cuối cùng, nhưng sự ra đời của nó đã dẫn tới sự sụp đổ của vương triều Thanh, cuối cùng xây dựng được một nước Cộng hoà chưa từng có – không có vua.
 Hoàn cảnh của  khởi nghĩa Vũ Xương
     Sau chiến tranh Nha phiến 1840, Trung Quốc trở thành một nước nửa thực dân nửa phong kiến, đất nước như rơi xuống vực thẳm, chủ quyền bị mất, nhân dân thống khổ. Hoàn cảnh bi thảm này kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20. Trong hơn nửa thế kỷ này, có rất nhiều anh hùng, người trước ngã, người sau đứng dậy tìm nhiều phương thuốc chữa cho con bệnh nặng là nước Trung Hoa nhưng đều thất bại, trong đó có cuộc Thái Bình Thiên Quốc  của Hồng Tú Toàn đã làm chấn động cả Trung Quốc. Sau khi Thái Bình Thiên Quốc thất bại, 30 năm sau, có một người tự coi là “Hồng Tú Toàn thứ hai” bắt đầu con đường cách mạng, muốn dùng bạo lực cách mạng để lật đổ triều Thanh, xây dựng một nước Cộng hoà ở Trung Quốc. Đó chính là Tôn Trung Sơn.
    Tôn Trung Sơn tên là Văn, tự là Đức Minh, hiệu là Mục Tân, sau đổi thành Dật Tiên; lúc hoạt động cách mạng ở Nhật Bản lấy tên là Trung Sơn Tiều nên còn được gọi là Tôn Trung Sơn. Ông la người  thôn Thuý Hanh, Hương Sơn (nay là thành phố Trung Sơn tỉnh Quảng Đông.
    Năm Quang Tự thứ 5, Tôn Trung Sơn cùng mẹ đến Đàn Hương Sơn. Lúc đó, anh cả của ông là Tôn My đang là một tư sản Hoa Kiều ở đây, được sự giúp đỡ của Tôn Mi, Tôn Trung Sơn đã lần lượt đến Đàn Hương Sơn, Quảng Châu, Hương Cảng,… tiếp thu một cách có hệ thống nền giáo dục cận đại theo kiểu phương Tây. Chiến tranh Trung – Pháp 1883 – 1885 đã khích lệ nhiệt tình yêu nước để cứu nguy cho dân tộc của Tôn Trung Sơn. Ông đã tận mắt chứng kiến hành động bán nước chuyên chế và  hủ bại của chính phủ Thanh, bắt đầu hình thành tư tưởng chống Thanh và cải tạo Trung Quốc theo thể chế chính trị của giai cấp tư sản, thường xuyên phát biểu những ý kiến chống nhà Thanh, đồng thời đi lại, trò chuyện với Hà Khải, Trịnh Quan Ứng… những nhà cải lương chủ nghĩa thời kỳ đầu. Năm 1882, Tôn Trung Sơn tốt nghiệp Viện Tây y Hương Cảng, sau đó ở Áo Môn, Quyảng Châu, … ông vừa làm nghề y vừa liên hệ với những người yêu nước, chuẩn bị thành lập đoàn thể cách mạng. Năm 1894, Tôn Trung Sơn gửi thư cho Lý Hồng Chương, đưa ra chủ trương cải cách “nhân năng tận kỳ tài, địa năng tận kỳ lợi, vật năng tận kỳ dụng, hoá năng sướng kỳ lưu” (người trọng tài, đất trọng lợi, vật trọng giá trị sử dụng, hàng hoá coi trọng sự giao lưu) nhưng không được lắng nghe. Tháng 11 năm 1894,  Tôn Trung Sơn từ Thượng Hải đi Đàn Hương Sơn, tổ chức Hưng Trung hội, nhằm “đánh đuổi Thát Lỗ”, khôi phục Trung Quốc, sáng lập chính phủ hợp chúng. Tháng 2 năm 1895, ông thành lập Hưng Trung hội ở Hương Cảng. Tháng 10 năm ấy, Hưng Trung hội bí mật chuẩn bị khởi nghĩa ở Quảng Châu, việc bị lộ nên thất bại, Tôn Trung Sơn buộc phải lưu vong ra nước ngoài. Tháng 10 năm 1896 ở Luân Đôn nước Anh, Tôn Trung Sơn bị Công sứ quán bắt, nhờ người bạn Anh giúp nên mới thoát. Sau đó, Tôn Trung Sơn tìm hiểu một cách cặn kẽ hoàn cảnh kinh tế, chính trị của các nước châu Âu, nghiên cứu các học thuyết chính trị của các trường phái, tiếp xúc với các nhân sĩ tiến bộ ở các nước Âu Mỹ, sáng tạo nên lý luận của  chủ nghĩa dân chủ rất đặc sắc, từ đó sơ bộ hình thành tư tưởng chủ nghĩa Tam dân. Năm 1897, Tôn Trung Sơn từ Anh qua Canađa về Nhật Bản  kết bạn với Kỳ Triều Dã. Sau biến pháp Mậu Ngọ, nhân những hoạt động của người bạn là nhân sĩ Nhật Bản, Tôn Trung Sơn cùng Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu những đại biểu của phái Duy Tân bàn bạc hợp tác, nhưng phái cải lương kiên trì bảo vệ ngôi vua, phản đối cách mạng nên việc hợp tác chưa thể thực hiện. Năm 1904, ở Nhật Bản, Đàn Hương Sơn, Việt Nam, Xiêm La, Mỹ, … Tôn Trung Sơn tuyên truyền cách mạng trong Hoa kiều và lưu học sinh, đến 1905, lưu học sinh ở Bỉ, Pháp, Đức đã thành lập đoàn thể cách mạng, giữa họ và các đoàn thể cách mạng trong nước, các chí sĩ cách mạng  cũng xây dựng mối liên hệ.
    Năm Quang Tự thứ  26 (1900), liên quân 8 nước xâm lược Trung Hoa, cuộc vận động yêu nước chống đế quốc của Nghĩa Hoà Đoàn bị đàn áp, chính phủ Thanh cùng các nước lớn ký “Điều ước Tân Sửu”. Giai cấp thống trị triều Thanh muốn được sự ủng hộ của các nước đế quốc cam tâm bán nước cầu vinh, quay lại áp bức nhân dân làm dấy lên sự phản kháng của nhân dân cả nước. Cùng lúc này, giai cấp tư sản Trung Quốc bắt đầu bước lên vũ đài lịch sử, các tổ chức đoàn thể cách mạng xuất hiện dồn dập trong đó có Hưng Trung hội, Hoa Hưng hội, Quang Phục hội, …
    Tháng 8 năm 1905, Tôn Trung Sơn cùng Hoàng Hưng và một số người, lấy cơ sở là các đoàn thể cách mạng Hoa Hưng hội, Hưng Trung hội, sáng lập Đồng Minh hội ở Đông Kinh, Nhật Bản, Đồng Minh hội cử Tôn Trung Sơn làm Tổng lý, nêu ra cương lĩnh của Đồng Minh hội là ” Diệt trừ xâm lược, khôi phục Trung Hoa, sáng lập Dân quốc, bình quyền về ta”. Trên tờ Dân báo, cơ quan của Đồng Minh hội, trong lời ra mắt, Tôn Trung Sơn lần đầu tiên nêu Tam dân chủ nghĩa “dân tộc, dân quyền, dân sinh”. Việc thành lập Đồng Minh hội đã có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của vận động cách mạng trên cả nước. Từ năm 1906 đến 1911, ở các địa phương ở Hoa Nam, Đồng Minh hội nhiều lần tổ chức khởi nghĩa vũ trang, Tôn Trung Sơn là người đặt ra đường lối chiến lược cho các cuộc khởi nghĩa, ngược xuôi ở nước ngoài tìm kinh phí cho cuộc khởi nghĩa. Khởi nghĩa ở các nơi đều do thiếu cơ sở quần chúng, tổ chức không giữ được bí mật nên thất bại, nhưng những người cách mạng thì người  trước ngã, người sau tiếp bước, anh dũng chiến đấu, giáng cho chính phủ Thanh những đòn nặng nề, đem đến cho nhân dân cả nước sự cổ vũ to lớn; đặc biệt là ngày 27 tháng 4 năm 1911, cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Cương ở Quảng Châu đã làm chấn động cả nước, từ đó báo hiệu nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn hơn.
 Diễn biến của khởi nghĩa Vũ Xương
     Tháng 4 năm 1911, sau khi khởi nghĩa Hoàng Hoa Cương ở Quảng Châu thất bại, những người lãnh đạo Đồng Minh hội quyết định chuyển trung tâm cách mạng đến lưu vực sông Trường Giang, được sự tác động của tổng bộ Đồng Minh hội, một cuộc liên kết lớn các tổ chức cách mạng  khu vực Hồ Bắc đã được thực hiện. Đoàn thể cách mạng Văn học xã, Cộng tiến hội trong Tân quân ở Hồ Bắc đã mở rộng công tác tuyên truyền và tổ chức có hiệu quả: tiến hành công tác trường kỳ gian khổ dần dần nắm được quyền lãnh đạo của Tân quân. Đêm trước cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, trong Tân quân đã có một phần ba tham gia tổ chức cách mạng, trở thành quân chủ lực của cuộc khởi nghĩa. Mùa hạ năm đó đã nổ ra cuộc vận động Bảo lộ ở Tứ Xuyên, phần lớn Tân quân ở Vũ Hán được điều về Tứ Xuyên , lực lượng vũ trang của giai cấp thống trị ở Vũ Hán giảm bớt, đó là điều kiện thuận lợi để khởi nghĩa Vũ Xương bùng nổ.
    Ngày 24 tháng 9 năm 1911, Văn học xã và Cộng tiến hội mở hội nghị liên tịch ở Vũ Xương, tổ chức Bộ Tổng tư lệnh lâm thời cuộc khởi nghĩa, đặt tại số nhà 85 phố Tiểu Triều, Vũ Xương, lãnh tụ của Văn học xã Tưởng Dục Vũ làm Tổng tư lệnh lâm thời, lãnh tụ của Cộng tiến hội Tôn Vũ làm Tham mưu trưởng bàn bạc kế hoạch khởi nghĩa, Vốn định ngày 6 tháng 10 (lịch cũ là 15 tháng 8, tiết Trung thu) sau đó do chuẩn bị không kịp, thời gian khởi nghĩa chậm  mất mười ngày (tức 16 tháng 10). Nhưng đến ngày 9 tháng 10. Tôn Vũ ở cơ quan chỉ huy cách mạng trong Tô giới Nga ở Hán Khẩu chế tạo bom không cẩn thận để phát nổ, cảnh sát Nga nghe tiếng nổ khám xét, bắt được cờ, phù hiệu, ấn tín … bèn chuyển giao cho chính phủ Thanh, tình hình trở nên nguy cấp.
    Trong lúc khẩn cấp, những người thuộc đảng cách mạng trong Tân quân tự động liên lạc, quyết tâm chuẩn bị chống lại, tìm cái sống trong cái chết. Tối ngày 10 tháng 10, những người cách mạng ở Tiểu đoàn 8 công trình Tân quân phát lệnh khởi nghĩa, chiếm được kho quân giới  Sở Vọng đài gần cửa Trung Hoà, trong kho có hàng vạn khẩu súng, 10 khẩu pháo, mười vạn viên đạn. Cùng lúc đó, những người thuộc đảng cách mạng  của đội Hỗn Thành hiệp tư số 21 đóng ở ngoài thành cũng đốt lửa làm hiệu, phát động khởi nghĩa, tiểu đoàn pháo binh và đội công trình lập tức hưởng ứng, tập trung ở  Sở Vọng đài. Thái Tề Dân, Ngô Tỉnh Hán của trung đoàn 29, 30 cũng đưa một bộ phận thổ binh phá cửa đến Sở Vọng đài;  gần một trăm học sinh trường đo đạc bản đồ cũng nhanh chóng tập trung ở đây, người thuộc đảng cách mạng  của các tiểu đoàn khác cũng lần lượt theo quân khởi nghĩa. Lúc này, trong thành Vũ Xương, trừ số quân bảo vệ dinh Tổng đốc và các cơ quan ngoan cố chống giữ, đã có gần 3.000 người tham gia khởi nghĩa.
    10 giờ 30 phút tối, quân khởi nghĩa chia làm ba đường nhân đêm tối phát lệnh tiến công vào dinh Tổng đốc và bộ tư lệnh trấn thứ 8. Cánh quân thứ nhất qua cầu Tử Dương, phố Vương Phủ Khẩu tiến công phía sau nhà Đốc thự. Cánh quân thứ hai từ phố Vĩnh Lục tiến công bộ tư lệnh trấn thứ 8 và bên cạnh Đốc thự. Cánh quân thứ ba từ đập Tân Vĩnh qua phố chính cửa Bảo An, tiến công cửa trước Đốc thự. Đồng thời Trung đoàn pháo số 8 đã vào thành qua cửa Trung Hoà đến Xà Sơn chiếm được trận địa bắn cấp tập về Đốc thự. Sau 12 giờ đêm, quân khởi nghĩa hạ lệnh tiến công, cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt. Quân khởi nghĩa đột phá được phòng tuyến của địch, tiến đến gần Đốc thự. Ở Đốc thự và Bộ tư lệnh trấn, cửa sau, cửa trước gác chuông đều phóng hoả, dội pháo ở Xà Sơn và cửa Trung Hoà bắn cấp tập. Ba cánh quân khởi nghĩa được pháo binh yểm trợ tiến vào chiếm Đốc thự, đốt cháy toà nhà lớn. Quân chính phủ muốn dựa vào tường thành để cố thủ nhưng thấy uy thế đã mất, một bộ phận đầu hàng, phần lớn thua chạy tan tác. Đốc thự bộ tư lệnh trấn dần bị quân khởi nghĩa chiếm. Tổng đốc Hồ Quảng, thống chế trấn thứ 8 Trương Hổ chạy trốn.
    Rạng sáng ngày 11 tháng 10, các toà nhà trong thành Vũ Xương đều bị quân khởi nghĩa chiếm đóng. Vào buổi sáng, một số quân sĩ triều Thanh với thái độ dè chừng cũng kéo nhau tập  trung ở Sở Vọng Đài nghe theo sự chỉ huy của  những người thuộc đảng cách mạng. 18 lá cờ rực rỡ cắm trên thành Vũ Xương, tuyên bố cuộc khởi nghĩa Vũ Xương đã thành công. Đêm ngày 11 tháng 10, những người thuộc đảng cách mạng của Hán Dương nghe tin liền nổi dậy. Ngày 12 tháng 10, Hán Khẩu cũng nổi dậy. Cuối cùng cả ba trấn của Vũ Hán đều nằm trong tay quân khởi nghĩa.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét