Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Xứ Đàng Trong năm 1621

dangtrong_EKJP
Một chuyến đi của vị quan xứ Đàng Trong Ảnh: Tư liệu
Cristophoro Borri
Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích
LỜI GIỚI THIỆU
Vào đầu thế kỷ 17, nghĩa là trước đây gần 400 năm, đã có một người Ý tới Đàng Trong. Trong gần năm năm trời, ông đã xem xét và nhận định về đất nước và con người Việt Nam. Rồi vào năm 1621-1622 ông đã viết một bản tường trình rất lạc quan, rất trìu mến. Không phải chỉ mới trong mấy chục năm nay, người ta mới biết nước Việt Nam là một rừng vàng biển bạc. Trong bản tường trình, tác giả đã nói tới đất đai phì nhiêu, tới rừng vàng có nhiều cây quý như lim, như trầm hương, kì nam, hai thứ sau này được bán ra nước ngoài. Người Nhật mua về làm gối, người Malaixia buôn về làm củi hỏa thiêu theo tôn giáo của họ. Còn về biển thì biết bao thứ cá đủ loại, nhất là ở một miền ven biển, có rất nhiều thứ chim người ta lấy tổ làm thức ăn rất quý, và đó cũng là một món xuất khẩu rất được trọng, một món ăn của bậc đế vương. Tác giả đã đề cập tới món ăn quốc hồn quốc tuý là nước mắm. Ông so sánh: người Việt Nam dự trữ nước mắm trong nhà như thể người châu Au dự trữ rượu trong hầm lạnh để dùng cho cả năm.
Đất đai Việt Nam sinh sản ra thứ lúa mỗi năm ba mùa, đủ và dư cho người dân dùng. Người ta còn trồng dâu chăn tằm và tơ lụa thì vô cùng dồi dào đến nỗi những người lao động khuân đất làm đồng cũng mặc toàn đồ tơ lụa. Thứ này còn bán qua các nước lân cận, sang cho tới Tây Tạng. Ông cũng không quên những cách sinh sống riêng của chúng ta như tục uống trà, tục ăn trầu. Ông nói: người có một vườn cau thì không khác ở Châu Au, người ta có được vài ba nương cây ô liu.
Về các gia súc và dã thú ông kể khá nhiều, nhưng đặc biệt ông tả con tê giác và cách đi săn tê giác. Ông rất có cảm tình với voi: chính ông đã tiếp xúc với quản tượng, chính ông đã nhiều lần được cưỡi voi trong những quãng đường rừng, đường mé biển. Ông cũng biết một con voi người ta gọi tên nó là Nhơn.
Về các cây ăn trái, ông cũng khá tinh tường, đặc biệt ông thích thú được dùng trái sầu riêng mà ông coi như một món ăn tráng miệng vào bậc sang nhất Châu Au. Ông nói tới với một xác tín và yêu mến. Ông còn biết mấy món ăn khá đặc biệt, thí dụ ngoài món ăn yến đế vương, còn có món tim gan tê giác, món tắc kỳ nướng trên than hồng, những món mà ông chỉ nhìn chứ không dám động tới.
Về văn hóa phong tục, tuy không đồng ý về nhiều điểm, ông nhận thấy có rất nhiều điều tích cực có thể làm cho người Việt Nam dễ dàng tin theo Kitô giáo. Ông coi Khổng Tử như một nhà hiền triết trứ danh Hy Lạp, Aristote. Cũng vậy, ông đề cập tới nhiều giáo lý uyên thâm của Phật tổ và cũng coi Đức Phật như một Aristote bên phương Đông. Tựu trung ông cho rằng người Việt Nam có hai tin tưởng căn bản này: tin có một thượng đế thưởng phạt và tin linh hồn bất tử.
Về con người Việt Nam, ông nhận thấy họ hiền lành, hiếu khách. Họ còn có lòng quảng đại: không bao giờ họ từ chối người đã cất lời xin họ. Bao giờ họ cũng lịch thiệp và hòa nhã.
Về học thuật, người Việt Nam cũng có nhiều trường dạy học. Họ chuyên chú học sách thánh hiền. Tuy họ không có trường đào luyện y khoa và dược khoa, nhưng họ có những lương y rất thời danh, có những lá thuốc rất hiệu nghiệm. Chính ông đã có cơ hội nhờ tay khéo léo các thầy thuốc Đông y chữa cho lành mạnh.
Về chính thể và võ bị thì tác giả nói là người Việt Nam không như người Trung Hoa quá chuyên chú về ngành văn, cũng không giống người Nhật hiếu võ: tuỳ trường hợp, tuỳ hoàn cảnh mà chúng ta trọng lúc thì võ khi thì văn. Ông cũng nói về lực lượng của chúa Đàng Trong lúc đó, sự việc một công chúa Việt Nam kết hôn cùng vua Campuchia, và dĩ nhiên sự bang giao thân thiện giữa hai nước làng giềng, việc gửi phái đoàn ngoại giao tới nước bạn.
Chúng tôi không nói hết những thích thú khi đọc bản tường trình này, những thích thú mà từ gần bốn thế kỷ nay, các độc giả đều cảm nhận, nhận thấy. Nhưng có vài ba nét đặc biệt nơi tác giả làm cho chúng tôi rất yêu mến con người đó. Thứ nhất, ông nói về tục đi chân không của người Việt Nam, và nếu có đi giày thì cũng chỉ là một thứ dép có quai rất thô sơ. Vì không ai biết đóng giày như ở Châu Au nên ông đành phải đi chân không trên đường cát sỏi cũng như bùn lầy. Thế rồi cũng quen đi đến nỗi khi trở về Macao hay Châu Au ông thấy khó chịu phải đút chân vào ống giày. Không còn là một thích thú, trái lại còn là một cái gì lòng thòng vướng víu. Thứ hai, có nhiều người ngoại quốc tới Việt Nam và rất khổ sở vì thiếu bánh mì. Đàng này ông cũng làm quen với cơm, cho tới khi trở về Châu Au, ông thấy thiếu thốn và khổ sở vì thiếu cơm. Thứ ba, khi trở về Châu Au ông đã đem theo một cây gọi là cây đại hoàng để làm giống, nhưng vì thay đổi khí hậu, nên lúc về tới nơi thì nó đã biến chất và không thể cho ông thí nghiệm như lòng ông mong mỏi. Mấy điều trên đây tỏ ra tính tình ông rất dễ thương và ông rất dễ chinh phục được lòng người. Cũng phải nói là vì có chút vốn liếng khoa học, nhất là về thiên văn học, nên ông đã nổi tiếng từ nơi nhà chúa Đàng Trong lúc đó cho tới các bậc cận thần, từ chúa Sãi cho tới hoàng tử Kỳ, từ các nho gia cho tới các vị sãi.
Một việc nữa phải nhắc qua ở đây là ông đã cố gắng học tiếng Việt, tuy không thạo lắm, nhưng ông cũng hiểu biết đủ để giảng giáo lý Kitô. Có một vài câu chữ quốc ngữ trong bản tường thuật của ông cho chúng ta biết: ngay từ những năm 1618-1620 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ này. Cái đặc biệt ở nơi ông, cái làm cho khác với De Rhodes sau này, đó là ông đã phiên âm tiếng Việt theo chữ viết của người Ý, chứ không phải người Bồ. Rõ ràng ông phiên âm và viết gn chứ không nh như nho (trái nho) ông viết là gnoo, nhỏ (trẻ nhỏ) ông viết là gno. Cũng vậy xin ông viết scin, bởi vì theo tiếng ý nếu viết cin thì đọc uốn lưỡi còn nếu viết sc thì đọc cũng như x.
Về bản thân ông, người ta được biết, ông sinh tại Milan (Ý) năm 1583, nhưng không rõ vào tháng nào ngày nào. Trong cuốn tường trình, ông viết: Tôi tới xứ Đàng Trong vào chính ngày tôi sinh ra ở trần gian này và suýt nữa là ngày tôi bỏ về trời. Nhưng là ngày nào tháng nào thì ông không nói.
Vào Dòng Tên năm 1601, Ông qua An năm 1615 và tới Đàng Trong, cải trang làm bồi tàu năm 1618. Ông ở đó cho tới năm 1622 thì về Macao.
Ở Bồ, ông giảng dạy tại Đại học Coimbra về môn thiên văn và toán học. Ông lại sành về ngành hàng hải và viết một cuốn sách về nghệ thuật đi biển bằng tiếng Bồ. Ông cũng viết chưa xong cuốn “Chỉ dẫn hành trình đi An”. Nhưng cuốn sách làm sôi nổi dư luận là cuốn: Luận về ba tầng trời: khí, hành tinh, thiên khung. Thế là ông bị gọi về Roma. Ông bất mãn với Dòng Tên và xin ra khỏi Dòng năm 1632 để vào Dòng Bernadins de Sainte Croix. Nhưng sau ba tháng, ông lại xin bỏ Dòng này để vào Dòng Citeaux. Nhưng sau mấy tuần ông bị Dòng này trục xuất. Vì thế ông làm đơn kiện. Kết quả là ông được kiện, nhưng khi ông đi đưa tin cho một giáo chủ bạn thân của ông, thì ông bị nạn. Người ta đem ông về nhà và ông đã tắt thở khi được đem lên giường ngày hôm sau. Đó là ngày 24 tháng 5 năm 1632 lúc ông không thuộc Dòng Tên, cũng không thuộc Dòng nào, cũng không ở tu viện nào, mà lại ở nhà một người thân.
Ông mất đi, nhưng tác phẩm về Xứ Đàng Trong còn truyền tụng cho tới ngày nay và được độc giả nhiệt liệt hoan nghênh. Viết bằng tiếng Ý và ấn hành năm 1631, cuốn này đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Latinh, tiếng Hà Lan, tiếng Đức, tiếng Anh vào những năm 1631-1633. Sau ba thế kỷ, ông Bonifacy năm 1931 dịch lại sang tiếng Pháp và cho in ở tạp chí Đô thành Hiếu cổ Huế tháng 7-12 năm 1931.
Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị
Chương 1: VỀ QUỐC HIỆU, VỊ TRÍ VÀ DIỆN TÍCH CỦA XỨ NÀY
DongNamA1710
Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel (Baixos de Chapar de Pullo Scir)), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710
Xứ Đàng Trong 1 được người Bồ gọi như vậy nhưng trong tiếng bản xứ là Annam 2 có nghĩa là miền Tây. Đối với nước Tàu, xứ này thực sự nằm ở phía Tây. Nhưng người Nhật gọi xứ này là Cochi 3, trong tiếng bản xứ của họ, cũng có nghĩa là Annam trong tiếng Đàng Trong. Nhưng người Bồ đã vào nước Annam để buôn bán, họ dùng tiếng Nhật Coci và tiếng Tàu Cina mà làm thành tiếng thứ ba là Cocincina để chỉ xứ này, chủ ý phân biệt Cocin cạnh Cina với tỉnh Cocin thuộc An Độ, do người Bồ chiếm đóng. Còn trong các bản đồ thế giới thì xứ Đàng Trong thường được ghi là Cauchinchine hay Cauchine hay tương tự, ấy chỉ là vì do ghi sai hoặc vì tác giả làm bản đồ muốn cho người ta biết xứ này như là cửa vào và là khởi đầu của Trung Quốc.
Xứ này, về hướng Nam, giáp vĩ tuyến 11 4, về hướng Bắc, xế về Đông Bắc, giáp xứ Đàng Ngoài, về hướng Đông, có biển Đông và về hướng Tây, xế về Tây Bắc, giáp nước Lào. Còn về diện tích thì tôi chỉ nói về Đàng Trong vốn là một phần của đại vương quốc Đàng Ngoài, trước kia thuộc về ông cố của chúa đương thời 5 cai trị Đàng Trong, người đã chống lại chính vua nước Đàng Ngoài. Cho tới nay người Bồ chỉ buôn bán với xứ này và các cha Dòng chúng tôi cũng chỉ hoạt động ở xứ này để thiết lập đạo Kitô.
Xứ Đàng Trong trải dài hơn một trăm dặm theo bờ biển, ở vĩ tuyến 11, cho tới khoảng vĩ tuyến 17 6, chỗ bắt đầu quốc gia của chúa Đàng Ngoài. Bề rộng không lớn lắm, chỉ chừng hai mươi dặm Ý, đất bằng, một bên là biển và một bên là dãy núi chạy dài có Kẻ Mọi ở 7, tên gọi này có nghĩa là man di. Mặc dầu họ là người Đàng Trong, nhưng họ không nhìn nhận chúa cũng không thần phục ngài. Họ đóng đô và chiếm giữ miền núi rất hiểm trở. Xứ Đàng Trong chia thành năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi chúa ở ngay sát xứ Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa. Tỉnh thứ hai là Cacciam 8, nơi hoàng tử làm trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamguia 9. Thứ tư là Quingnim 10, người Bồ đặt tên là Pulucambis và tỉnh thứ năm là Renran 11.
Chú thích (1) Chúng ta đang ở thời kỳ Nam Bắc phân tranh, chúa Trịnh ở Bắc và chúa Nguyễn ở Nam. (2) An Nam, miền Nam được bình định, chứ không phải miền Tây như Borri nói. Lý Anh Tôn được nhà Tống tôn làm An Nam quốc vương. Đó là năm Giáp Thân 1164. (3) Có thể gốc là Giao Chỉ. Thực ra chữ Cocincina được nhận để phân biệt với tỉnh Cochin ở An Độ. (4) Về ngành hàng hải, người Bồ và người Tây rất thành thạo. Người Hà Lan cũng đã giỏi về thuật đi biển và người ta đã bắt đầu vẽ bản đồ thế giới với những vĩ tuyến, đường xích đạo. Vào thế kỷ 15, 16 trung tâm địa dư là ở Roma. (5) Lúc ngày Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) làm chúa ở Đàng Trong tục gọi là chúa Sãi. Như vậy ông cố tức là Nguyễn Kim thân sinh của Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng (1600-1613), tục gọi là chúa Tiên. (6) Kỳ lạ thay, Hiệp định Genève đã coi vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời giữa hai miền Nam-Bắc (1954). (7) Dãy núi Trường Sơn. Chữ “Mọi” đối với ta vẫn còn nghĩa hèn kém (ở đây chỉ dân tộc ít người) (8) Quảng Nam (9) Quảng Ngãi (10) Quy Nhơn (11) Theo bản đồ 1651: 1. Quảng Bình (Dinh Công); 2. Thuận Hóa (Dinh Cả); 3. Quảng Nam (Dinh Chiêm); 4. Quảng Ngãi; 5. Quy Nhơn (Nước Mặn, Nước Ngọt); 6. Phú Yên (Ranran, Dinh Phó An)

Chương 2: VỀ KHÍ HẬU VÀ ĐẶC TÍNH LÃNH THỔ ĐÀNG TRONG
Saigoncuoitk19-04.jpg
Như đã nói ở trên, xứ này ở vào giữa vĩ tuyến 11 và 17, do đó, nóng chứ không lạnh. Tuy vậy xứ này lại không nóng như An Độ, mặc dầu cũng vĩ tuyến như nhau và thuộc về miền nhiệt đới như nhau. Lý do sự khác biệt này là ở An Độ không phân rõ bốn mùa. Mùa hạ kéo dài tới chín tháng liên tục. Trong thời gian đó, không thấy có một chút mây trên trời, ngày cũng như đêm, thành thử không khí luôn luôn bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời. Ba tháng còn lại được kể là mùa đông, không phải vì thiếu nóng, mà là vì mưa liên tục, thường là cả ngày lẫn đêm trong mùa này. Nói theo kiểu bình thường thì mưa liên tục như thế hẳn phải làm không khí mát dịu. Tuy nhiên, vì mưa vào tháng năm, tháng sáu, tháng bảy, lúc mặt trời ở điểm cao nhất, ở tột đỉnh của An Độ và lại không hề có ngọn gió nào khác ngoài những ngọn gió thật nóng, nên không khí rất ngột ngạt, làm cho nhiệt độ khó chịu hơn là vào chính giữa mùa hạ vì lúc này thường có gió nhẹ thổi từ biển vào đem khí mát cho nội địa. Nếu không có sự an bài đặc biệt, thì không sao ở được trong những xứ sở này.
Ở Đàng Trong thì không thế bởi vì có đủ bốn mùa trong năm, tuy không rõ ràng như ở Châu Au vốn có khí hậu ôn hòa hơn. Mùa hạ gồm ba tháng sáu, bảy, và tám, cũng rất nóng vì ở vào miền nhiệt đới và mặt trời trong những tháng đó cũng ở điểm cao nhất trên đầu chúng ta. Nhưng vào tháng chín, mười và mười một thuộc mùa thu thì hết nóng và khí hậu dịu bởi có mưa liên tục, nhất là ở miền núi Kẻ Mọi. Do đó nước lũ làm ngập khắp xứ, đổ ra biển, như thể đất liền và biển chỉ còn là một. Cứ mười lăm hôm lại xảy ra một trận lụt và mỗi lần kéo dài ba ngày. Ích lợi của nước lũ là không những nó làm cho không khí mát mẻ, mà còn đem phù sa làm cho đất phì nhiêu và dồi dào về mọi sự, nhất là về lúa là thức ăn tốt nhất trời ban và là lương thực chung cho khắp xứ. Còn vào ba tháng mùa đông – tháng chạp, tháng giêng và tháng hai thì có gió bắc thổi, đem mưa đủ lạnh để phân biệt mùa đông với các mùa khác trong năm. Sau cùng vào các tháng ba, tư và năm, hiện rõ các hiệu quả của một mùa xuân thú vị, tất cả đều xanh tươi và nở hoa. Nhân tiện nói về lụt, tôi xin kể thêm ở chương này một vài sự kỳ lạ người ta gặp thấy trong dịp này.
Trước hết mọi người ở đây đều mong nước lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, mà còn để cho đồng ruộng được mầu mỡ. Thế nên khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại “đã đến lụt, đã đến lụt” 1 có nghĩa là nước đã tới, nước đã tới rồi. Nói tóm lại là không ai là không bày tỏ niềm vui, từ kẻ thế gia đến chúa cũng vậy.
Nhưng thường thì nước lũ tới bất thần, không ai ngờ, ban chiều chưa ai nghĩ tới, nhưng sáng ra nước đã kéo vào tư bề, và người ta bị nhốt trong nhà, tình trạng này diễn ra khắp xứ. Do đọ họ thường mất hết gia súc vì không kịp đưa chúng chạy lên núi hay những nơi cao hơn.
Vào trường hợp này, có một luật kì lạ ở xứ này là bò, dê, lợn và các vật khác bị chết đuối thì không còn thuộc về chủ, nhưng đương nhiên thuộc về người thứ nhất vớt được. Đây cũng là một điều làm cho người ta vui thích một cách lạ lùng: vừa có lụt, mọi người đều nhảy xuống thuyền bơi đi tìm vớt gia súc chết đuối, để rồi làm thịt và dọn cỗ linh đình. Còn trẻ con thì tuỳ theo tuổi, chúng để mắt và vui thú rình trên cánh đồng lúa mênh mông đầy rẫy chuột lớn, chuột bé, vì hang ngập nước nên chúng phải ngoi ra, bò lên cây để thoát, thành thử thật là rất vui mắt khi được nhìn thấy những cảnh cây nặng trĩu những chuột thay vì lá hay quả. Từng đám trẻ con trên các chiếc thuyền nhỏ của chúng tới rung cây làm các con vật này rớt xuống nước và chết đuối. Trò đùa nghịch và giải trí của trẻ con, nhưng thực ra có ích lợi lớn cho đồng ruộng vì thoát được những con vật gây thiệt hại nặng cho những cánh đồng rộng lớn.
Cái lợi cuối cùng, không phải là nhỏ, đó là người ta đều có thể sắm sửa cho đủ mọi thứ cần dùng. Vì trong ba ngày này, nước lụt làm cho người ta có thể đi lại khắp nơi bằng thuyền một cách rất dễ dàng đến độ không có gì mà không chuyển được từ nơi này qua nơi khác. Do đó, người ta dành thời gian này để họp chợ, những phiên chợ có tiếng nhất trong xứ, số người đến họp chợ trong dịp này đông hơn bất kỳ buổi họp chợ nào khác trong năm. Cũng trong ba ngày này, người ta đi lấy cây để thổi nấu và dựng nhà. Họ chất cây từ trên núi vào thuyền và dễ dàng bơi qua các nẻo, các ngõ và tới tận nhà vốn được cất trên các hàng cột khá cao để cho nước ra vào tự do. Ai cũng leo lên sàn cao nhất và phải khen họ vì không bao giờ lụt bén tới bởi họ đã lấy kích thước chính xác, do kinh nghiệm lâu năm, của mực nước cao thấp, do đó họ không sợ vì họ biết chắc là nước luôn ở phía dưới nhà họ.
Chú thích(1) Buzomi tới Đàng Trong năm 1615, de Pina tới năm 1617 và Borri với Marquez tới năm 1618. Cha De Pina rất thông thạo tiếng Việt và là thầy dạy De Rhodes sau này.

Chương 3: ĐẤT ĐAI PHÌ NHIÊU
barrow-0_1.jpg
Người ta dễ dàng nhận thấy là nước lụt đã làm cho đất đai ở xứ Đàng Trong phì nhiêu, như chúng tôi vừa nói. Tuy nhiên, tôi thấy còn phải kể nhiều sự đặc biệt khác nữa. Nước lụt làm cho đất mầu mỡ và phì nhiêu nên mỗi năm có ba vụ lúa 1, đầy đủ và dồi dào đến nỗi không ai phải lam lũ vất vả để sinh sống, ai cũng sung túc.
Quanh năm có rất nhiều và có đủ thứ trái cây như ở An Độ, vì xứ Đàng Trong có cùng khí hậu như ở An. Nhưng đặc biệt là cam ở Đàng Trong trái lớn hơn ở Châu Au to và rất ngọt. Vỏ rất dể bóc, mềm và ngon, cam có thể ăn được cả vỏ lẫn ruột và có mùi vị thơm như trái chanh 2 ở Ý. Ở đây người ta cũng thấy một số trái khác người Bồ gọi là chuối, người khác gọi là vả An Độ. Theo ý tôi thì không xác đáng vì ở An không có cây nào được gọi là vả, và cây ở Đàng Trong không có gì giống cây vả của chúng ta, về thân cây cũng như về trái. Về thân cây thì nó giống như cây chúng ta gọi là “lúa mì Thổ Nhĩ Kỳ” tuy cao lớn hơn, là rất dài và rất to bản, đến độ chỉ cần hai lá cũng đủ để có thể che một người từ chân đến đỉnh đầu và bao quanh cả người. Do đó mà có người muốn gọi cây này là “cây vườn địa đàng” và Ađam đã lấy lá của nó để che giấu sự trần truồng của mình 3. Cây này trổ ngay trên ngọn một buồng gồm hai mươi, ba mươi hay bốn mươi trái cột chặt với nhau, mỗi trái về hình thù, bề dài và độ lớn, đều giống trái chanh thông thường ở Ý. Khi trái chưa hoàn toàn chín thì vỏ xanh và sau đó trở nên vàng giống hệt như chanh. Không cần dùng dao để bổ hay gọt vỏ, người ta lột vỏ rất dễ dàng như bóc đâu mới hái. Mùi thì rất thơm, ruột vàng và khá cứng chắc như một trái lê bergam chín muồi của ta, dễ tan trong miệng. Do đó không thể nói là nó giống cây vả của chúng ta được, trừ vị thơm ngon và dịu ngọt. Cũng còn một thứ trái khác thuộc loại này, người ta sấy và ngâm rượu 4.
Hàng năm, sau khi cây có trái, sẽ héo đi và một nhánh con trổ ở gốc để cho năm sau. Ở Ý chúng ta gọi là cây vả An Độ, nhưng thực ra không có gì giống về cây cũng như về trái chuối này. Bây giờ chúng tôi nói tới cây (chúng ta gọi là cây vả An Độ, nhưng không phải là cây người ta thấy ở những miền này).
Trái này có rất nhiều ở hầu hết các tỉnh An Độ, nhưng ở Đàng Trong còn một thứ không thấy ở Trung Quốc cũng như ở khắp An Độ. Trái nó to, như trái chanh lớn nhất ở Ý và to đến nỗi chỉ căn một trái cũng đủ no. Ruột thì trắng và có rất nhiều hạt nhỏ đen và tròn, người ta nhai lẫn với ruột. Các hạt này có vị thơm ngon và rất tốt cho dạ dày.
Ở Đàng Trong cũng còn một loại trái cây nữa, tôi không thấy có ở An Độ, người ta gọi là cam 5. Về hình thù và chất vỏ, nó giống như lựu của ta, nhưng ruột bên trong hơi lỏng phải dùng thìa để múc và có vị thơm và có màu gần giống trái sơn trà chín. Họ cũng có thứ giống như trái anh đào của ta, nhưng mùi vị thì lại như trái nho theo tiếng họ gọi là gnoo.
Họ không thiếu dưa, nhưng không ngon bằng dưa của ta, nên phải ăn với đường hay mật. Dưa gang hay dưa nước, như nhiều người gọi, rất to và rất tuyệt.
Có một trái gọi là mít. Trái này cũng có ở An Độ, nhưng không ngon bằng trái ở Đàng Trong. Trái mọc ở trên một cây cao như cây hồ đào và cây dẻ của ta, nhưng gai thì dài hơn nhiều. Trái to như trái bí ngô lớn ở Ý và chỉ cần một trái cũng đủ cho một người vác. Bề ngoài nó có hình thù của một nón thông, nhưng ruột thì dịu và mềm. Bên trong thì đầy những múi vàng có hột dẹp và tròn như đồng tiền ở Ý hay đồng “teston” (ở Pháp). Ở giữa mỗi múi có hạt 6 người ta bỏ đi không ăn. Có hai loại7, một loại người Bồ gọi là “giaca barca”, dóc hột, ruột cứng. Loại thứ hai không dóc hột và ruột không cứng bằng, rất mềm và nát như keo. Mùi vị của cả hai loại này rất ngon gọi là sầu riêng chúng tôi sẽ nói sau đây.
Trái “durion” (sầu riêng) là một trong những trái ngon nhất hoàn cầu, không thấy có ở đâu trừ ở Malacca, Bornéô và mấy đảo xung quanh. Không có gì để nói giữa cây này và cây mít. Bên ngoài, trái này cũng giống trái mít và trái thông của ta, cả về kích thước cũng như độ cứng của vỏ. Còn thịt thì bám vào hột như keo, rất trắng, còn mùi vị thì giống như món đông hạnh nhân của người Ý 8. Thịt và nước ngọt của nó được chứa trong mười hay mười hai ngăn nhỏ, mỗi ngăn có nhiều múi thịt trắng bọc quanh hột, to bằng hạt dẻ lớn nhất của ta. Khi mở ra thì xông mùi khó chịu như mùi hành thối, nhưng ở trong thì không có mùi và lại rất thơm ngon. Tôi kể ở đây một câu chuyện xảy ra trước mắt tôi. Số là có một người muốn cho một giáo sĩ cao cấp mới tới Malacca thưởng thức trái này và không báo trước. Ông mở một trái ngay trước mặt vị giáo chủ. Mùi khá nặng và khó chịu xông ra làm cho giáo chủ ghê sợ và nản không dùng được. Nhưng lúc ngồi vào bàn tiệc, trong các món ăn có một món chỉ toàn là trái cây có mùi vị thơm giống món đông hạnh nhân làm cho giáo chủ dễ lầm cũng như bất cứ ai chưa được biết trước. Ông vừa đưa tay lấy một miếng thứ nhất và nếm thì thấy rất ngon làm ông bỡ ngỡ và hỏi xem người đầu bếp nào khéo dọn món đông hạnh nhân ngon đến thế. Chủ nhà mỉm cười trả lời là chẳng có hỏa đầu quân nào ngoài Thiên Chúa cao cả đã cho xứ này một trái hiếm gọi là sầu riêng mà lúc đầu ông đã ghê sợ. Nghe tới đây vị giáo chủ sửng sốt và hết lời ca ngợi, ông dùng rất ngon miệng. Thế nhưng trái này ngon đến độ ngay ở Malacca là nơi sản sinh, nhiều khi giá lên tới một đồng “êcu” một trái.
Xứ Đàng Trong còn có một loại trái khác người Bồ gọi là dứa. Và tôi biết trái này cũng rất thông thường ở khắp An Độ và ở Brésil. Tuy nhiên, vì tôi thấy người ta tả không đúng theo ý tôi lắm, nên tôi nghĩ là phải nói một chút. Trái này không trổ trên cây, cũng không do hạt giống, nhưng do rễ như thể cây atisô của ta. Thân và lá hoàn toàn giống như cây các đông và atisô của ta. Trái hình tròn dài bằng chín ngón tay 9 và to như thể lấy hai vốc tay ôm vừa. Ruột ở trong thì dày như ruột cải củ, nhưng vỏ thì cứng hơn và sờm như vây cá. Khi chín bên trong vàng và sau khi lấy dao gọt vỏ thì ăn sống. Trái có vị chua dịu và khi chín thì thơm ngon như trái lê “bergam”.
Ở xứ Đàng Trong còn một trái khác đặc biệt của xứ này người Bồ gọi là “aerca” (cau). Cây nó mọc thẳng như cây dừa, rỗng ở trong và chỉ đâm lá ở chóp đỉnh, lá tựa như lá dừa: ở giữa các tàu lá, nảy các ngành nhỏ có trái. Trái có hình thù và kích thước của trái hồ đào 10, sắc xanh cũng như vỏ hồ đào, còn ruột thì trắng và cứng như trái dẻ 11 chẳng có mùi vị gì hết. Trái này không ăn một mình, nhưng ăn với lá trầu không, thứ cây rất thông dụng ở khắp An Độ, lá như lá thường xuân 12 ở Châu Au và thân bám vào cây chống như giống cây thường xuân. Người ta hái lá cắt thành từng miếng nhỏ và trong mỗi miếng để một miếng cau, như vậy mỗi trái có thể làm thành bốn hay năm miếng. Người ta còn thêm vôi với cau. Vôi ở xứ này không làm bằng đá như ở Châu Au, nhưng bằng vỏ sò hến 13. Vì trong nhà thường có những người chuyên lo việc bếp núc, chợ búa và các việc khác, nên ở Đàng Trong mỗi nhà đều có một người không có việc gì khác hơn là việc têm trầu, những người dùng vào việc này thường là đàn bà, nên gọi là các bà têm trầu. Những miếng trầu đã têm sẵn thì để vào trong hộp và suốt ngày người ta nhai trầu, không những khi ở trong nhà mà cả khi đi lại trong phố chợ, cả lúc nói, ở mọi nơi, mọi lúc. Và sau khi đã nhai trầu lâu và nghiền trong miệng người ta không nuốt mà nhả ra, chỉ giữ hương vị và phẩm chất tăng thêm sức mạnh cho dạ dày một cách kỳ lạ. Trái này được têm thành miếng rất thông dụng đến nỗi khi tới thăm ai, người ta đem theo một túi đầy trầu và mời người mình tới thăm, người chủ nhà lấy một miếng cho ngay vào miệng. Trước khi người khách từ biệt ra về, chủ nhà sai người têm trầu của nhà mình đem ra một túi để mời người khách đến thăm mình, như để đáp lại sự lịch thiệp mình đã nhận được. Do đó vì cần phải có sẵn coi trầu cau và có liên tục, nên cau cũng là một nguồn lợi lớn ở xứ này, có vườn cau thì cũng như ở xứ chúng ta có ruộng nho và ruộng ôliu. Họ cũng hút thuốc lá, nhưng thuốc lá không thông dụng bằng trầu cau. Cũng có đầy đủ các loại mướp và có cả mía nữa. Các trái cây ở Châu Au thì cho tới nay chưa được đưa tới xứ Đàng Trong. Tôi tin rằng nho và vả sẽ mọc được ở đây, những thứ rau như rau diếp, rau diếp xoắn, sú và những thứ rau tương tự hiện có ở Đàng Trong như ở khắp An Độ, nhưng chúng chỉ ra lá mà không có hạt và nếu muốn gieo thì phải đem hạt từ Châu Au qua.
Thịt thà thì rất nhiều ở đây vì có vô số súc vật bốn chân nuôi trong nhà như bò, dê, lợn, trâu và các giống tương tự, và thú rừng như hươu nai to lớn hơn ở Châu Au, lợn rừng và mấy loại khác. Gia cầm như gà nhà và gà rừng rất nhiều ở thôn quê, chim gáy, chim bồ câu, vịt, ngỗng, sếu, thịt thơm ngon và sau cùng là mấy thứ khác ở Châu Au không có. Ngành ngư nghiệp cũng rất thịnh vượng và cá ở đây có hương vị tuyệt diệu và rất đặc biệt, tôi đã qua nhiều đại dương, đã đi nhiều nước, nhưng tôi cho rằng không nơi nào có thể so sánh được với xứ Đàng Trong. Và như tôi đã viết, xứ này chạy dọc bờ biển, nên có rất nhiều thuyền đánh cá và rất nhiều thuyền tải cá đi khắp xứ, từng đoàn người chuyển cá từ biển tới tận miền núi, có thể nói trong một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ thì ít ra họ dùng tới hai mươi tiếng để làm việc này. Thực ra người Đàng Trong ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Họ chuyên chú đánh cá chủ yếu là vì họ rất ham thứ nước “sốt” 14 gọi là balaciam 15 làm bằng cá ướp muối cho mềm và làm nhão ra trong nước. Đây là một thứ nước cốt cay cay tựa như mù tạt (moutarde) của ta, nhà nào cũng dự trữ một lượng lớn đựng đầy trong chum, vại như tại nhiều nơi ở Châu Au, người ta dự trữ rượu. Thứ nước cá này dùng một mình thì không nuốt được nhưng được dùng để gợi nên hương vị và kích thích tì vị để ăn cơm vốn nhạt nhẽo và không có mùi vị nếu không có thứ nước đó. Vì cơm là thức ăn chung và thông thường của xứ Đàng Trong, nên cần phải có rất nhiều balaciam (nếu không thì không có mùi vị) và do đó phải có một lượng lớn nước mắm và cũng do đó phải liên tục đánh cá. Cũng không ít sò, hến và các hải sản khác, nhất là một thứ họ gọi là cameron 16.
Nhưng ngoài tất cả những gì đã nói, Thiên Chúa quan phòng còn dành cho họ một thức ăn hiếm và ngon, theo thiển ý tôi, chỉ có thể so sánh được với manna 17 Thiên Chúa dùng để nuôi dân riêng của Người trong sa mạc và thức ăn này rất đặc biệt chỉ có ở xứ Đàng Trong chứ không đâu có. Những điều tôi sẽ nói thì không phải bởi tôi đã nghe hay theo người khác kể lại, nhưng chính tôi có kinh nghiệm, tôi đã thấy và thường được ăn. Ở xứ này có một thứ chim be bé giống như chim én, nó làm tổ 18 ở các cồn đá và hốc đá sóng biển vỗ vào. Con vật nhỏ này dùng mỏ lấy bọt biển và với chất toát ra từ dạ dày, trộn cả hai thứ lại làm thành một thứ tôi không biết là bùn hay nhựa để làm tổ. Tổ này khi đã khô cứng thì trong suốt và có sắc vừa vàng vừa xanh. Dân xứ này nhặt những tổ đó về ngâm trong nước cho mềm và tan rã, rồi dùng làm đồ gia vị trộn với thịt, các thứ thịt, cá, rau, hoặc thứ nào khác làm cho các món ăn có một hương vị khác nhau tuỳ món như thể đã sẵn cho hồ tiêu, quế, đinh hương hay các thứ gia vị khác, như vậy chỉ một tổ yến mà có thể làm gia vị cho hết các thứ thịt, không cần thêm muối, dầu, mỡ hay thứ gì tương tự. Vì thế tôi nói, nó giống như manna, có hương vị của hầu hết các món thơm ngon nhất, chỉ khác, một đàng là do công trình của một con chim bé nhỏ và một đàng là do tay các thiên thần của Thượng Đế nhào nặn. Thứ này nhiều đến nỗi chính tôi đã thấy người ta chất đầy mười chiếc thuyền nhỏ những tổ yến nhặc ở dọc các hốc núi đá, trong khoảng chưa đầy nửa dặm. Và đây là món rất ngon, nên chỉ có chúa độc quyền sử dụng, người ta dành tất cả cho ngài và ngài đem một số lớn cống vua Tàu là người rất chuộng.
Dân ở đây không dùng sữa, họ cho là trọng tội nếu vắt sữa bò, họ sợ nếu làm việc đó là mang tội, vì theo thiên nhiên thì sữa dành để nó nuôi con. Như thể bò nuôi con mà không được sử dụng thứ lương thực dành riêng cho con.
Họ còn ăn mấy thứ chúng ta rất sợ và chúng ta coi như độc, thí dụ con tắc kè, con vật này nhỉnh hơn những con đã phơi khô nhập cảng từ ngoại quốc và thường đem về Ý. Tôi đã thấy người bạn tôi mua mấy con, buộc lại thành bó và đem nướng trên than hồng. Giây buộc đứt và chúng bò lê thê theo kiểu của chúng trên than hồng cho tới lúc thấy sức nóng thì chúng chống đỡ một chút vì lúc này rất lạnh, nhưng cuối cùng chúng bị thiêu và nướng chín. Thế là ông bạn tôi lôi ra, lấy dao lóc lớp da đã cháy, thịt nó rất trắng, ông bạn tôi nghiền thịt ra và trộn với một thứ “nước sốt” đem đun chín rồi bỏ bơ vào ăn như một thứ thịt rất thơm ngon. Ông mời tôi, nhưng tôi không dùng, chỉ nhìn theo mà thôi.
Còn về tất cả những gì thuộc đời sống hằng ngày, xứ Đàng Trong cũng rất đầy đủ. Thứ nhất là áo mặc, họ có rất nhiều tơ lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày. Vì thế đã hơn một lần tôi rất thích thú khi thấy đàn ông, đàn bà khuân vác đá, đất, vôi và những vật liệu tương tự mà không hề cẩn thận giữ cho áo đạp và quý họ mặc khỏi rách hay bẩn. Điều này không có gì lạ, nếu biết rằng có những cây dâu cao lớn người ta hái lá để nuôi tằm được trồng trong những thửa ruộng rộng lớn như cây gai ở bên ta, và mọc lên rất chóng. Thế nên chỉ trong một ít tháng là tằm được đưa ra nuôi ngoài khí trời và đồng thời nhả tơ, làm thành những cái kén nhỏ với số lượng rất nhiều và dư thừa đến nỗi người Đàng Trong đủ dùng riêng cho mình mà còn bán cho Nhật Bản và gửi sang nước Lào để rồi đưa sang Tây Tạng 19. Thứ lụa này tuy không thanh và mịn nhưng bền và chắc hơn lụa Tàu.
Nhà cửa và đền đài, mặc dầu chỉ bằng gỗ, nhưng không thua kém bất cứ nước nào, bởi vì không nói quá chút nào, gỗ ở xứ này là gỗ quý nhất hoàn cầu, theo nhận xét của những người ở các nơi đó. Trong vô số cây và vô số loại cây ở đây, có hai thứ thường được dùng để làm nhà cửa và là thứ không bao giờ hư mặc dầu bị ngâm trong nước hay vùi trong bùn, và rất chắc, rất nặng đến nỗi không bao giờ nổi trên mặt nước và dùng làm neo tàu. Một thứ là gỗ đen, nhưng không phải đen như mun, loại thứ hai có mầu đỏ hung. Cả hai sau khi được lóc vỏ thì nhẵn và trơn không cần phải bào. Các cây đó gọi là Tin 20 và rất có thể người đó không lầm khi nói rằng thứ gỗ không bao giờ hư đó là gỗ chính vua Salomon đã dùng để dựng Đền thánh và chúng ta được biết qua Kinh Thánh rằng thứ cây này được gọi bằng một cái tên rất gần với tên này, ligna thying 21. Núi xứ Đàng Trong mọc đầy loại cây này, thẳng tắp và cao ngất nghểu, như thể ngọn chạm tới mây và lớn bằng hai người ôm. Người Đàng Trong dùng gỗ này để dựng nhà và ai nấy đều có thể lên núi chặt tuỳ thích. Tất cả kiến trúc nhà đều dựa vào hàng cột cao, chắc và đóng rất sâu, rồi lắp ván, nhưng người ta có thể tháo gỡ ra và thay thế bằng phên liếp, bằng tre, sậy đan rất tài tình để thông khí trong mùa nóng bức và một phần nào cho nước và thuyền qua lại tự do vào mùa lụt lội như chúng tôi đã nói ở trên. Họ cũng làm rất nhiều hoa lá nhỏ xinh và nhiều hình hài khéo léo để tô điểm trang trí nhà của họ, họ chạm trổ và đẽo gọt gỗ ván rất công phu.
Vì chúng tôi đang nói về cây cối và trước khi qua đề tài khác, tôi xin thêm ít điều về một loại gỗ vốn là món hàng quý nhất có thể xuất từ xứ Đàng Trong ra các nước ngoài. Đó là thứ gỗ nổi tiếng gọi là aquila và calamba 22; cùng loại gỗ nhưng khác về tác dụng và sự quý chuộng người ta dành cho chúng.
Loại cây này có rất nhiều, nhất là trên núi Kẻ Mọi, cây rất to và rất cao. Nếu gỗ cắt ở thân cây non thì là trầm hương, có rất nhiều và ai muốn lấy bao nhiêu tuỳ thích. Nhưng khi lấy ở gốc già thì đó là kỳ nam rất khó hiếm, vì hình như thiên nhiên cho những cây đó mọc lên ở những ngọn núi cao nhất và hiểm trở nhất để được thảnh thơi già cỗi đi, không ai làm hại được mình. Thỉnh thoảng có ít cành gẫy và rời khỏi thân rơi xuống, hoặc vì khô quá hoặc vì già cỗi quá khi người ta nhặt được thì đã mục nát và mốc thếch. Nhưng đó lại là thứ có giá nhất và lừng danh nhất gọi là kỳ nam vượt hẳn thứ trầm hương thông thường rất nhiều về tác dụng và về hương thơm. Trầm hương thì ai cũng có thể bán tuỳ thích nhưng chúa giữ độc quyền mua bán kỳ nam vì hương thơm và tác dụng đặc biệt của nó. Thực ra ở chính nơi nhặt được, nó rất thơm, rất dịu, tôi đã muốn thử mấy miếng người ta cho tôi, tôiđem chôn dưới đất sâu chừng hơn năm chân 23 thế mà vẫn ngửi thấy hương thơm. Kỳ nam nhặt tại chỗ thì giá năm đồng đuca 24 một líu, nhưng ở hải cảng xứ Đàng Trong, nơi buôn bán thì đắt hơn, nghĩa là hai trăm đuca một líu. Nếu tìm được một tấm lớn có thể làm gối để gối đầu, còn hay làm gối dài 25 thì người Nhật mua tới ba trăm hay bốn trăm đuca một líu. Là vì người ta nghiệm thấy, vì sức khỏe thì nên dùng làm gối một thứ gì cứng hơn là thứ gối làm bằng lông vừa không lành vừa hay sinh bệnh. Thường thì họ dùng một phiến gỗ, và tuỳ theo khả năng, người ta mong có được thứ gỗ quý nhất có thể sắm được 26. Trầm hương thì ít được trọng hơn và giá cũng rẻ hơn kỳ nam, nhưng chỉ một tàu chở đầy trầm hương cũng đủ cho thương gia trở nên giàu có và sung túc suốt đời. Thế nên phần thưởng lớn nhất chúa ban cho thuyền trưởng Malacca, đó là cho phép ông buôn trầm hương. Bởi vì người Bàlamôn và người Banian 27 ở An Độ có tục hỏa thiêu xác người chết bằng gỗ rất thơm, nên họ cần có ngay một số lượng lớn.
Sau cùng, xứ Đàng Trong có rất nhiều mỏ kim khí quý và nhất là vàng. Và để hiểu biết thêm bằng vài lời những gì đáng được kể dài dòng hơn nữa về sự giàu có của xứ này thì tôi kết thúc chương này bằng lời của các thương gia Châu Au đã có dịp tới đây. Họ quyết rằng xứ Đàng Trong có nhiều của cải hơn Trung Quốc mà chúng tôi biết là rất dồi dào về mọi thứ.
Phải nói thêm ở đây chút ít về các thú vật chúng tôi đã nói là có rất nhiều ở Đàng Trong, nhưng để khỏi nói nhiều, tôi chỉ xin nói về voi và tê giác, nhất là ở xứ này và nhiều chuyện kỳ lạ chưa bao giờ nghe thấy.
Chú thích (1) Ba vụ lúa: chúng tôi chưa biết rõ việc này. (2) Chanh ở Ý lớn hơn chanh của ta, màu vàng chứ không xanh như ta. (3) Theo Kinh Thánh, sau khi phạm tội ăn trái cấm, tổ tiên thấy mình trần truồng và phải lấy lá che thân. (4) Có thể là một thứ chuối “ngự” thơm và nhỏ, hay một thứ trái cây nào khác. (5) Trái nói ở trên có thể là trái ổi còn trái “cam” này có thể là trái thanh long. (6) Có thể cho trái mít cũng thuộc về loại “sầu riêng” (7) Mít mật và mít dai (8) Món hạnh nhân tán nhỏ hòa với đường, rồi để vào tủ lạnh, món ăn rất sang của người Châu Au vào thời này. (9) “Pouce” cách đo thời xưa cũng như kiểu đo gang tay hay sải. (10) Tiếng Pháp: noix (11) Tiếng Pháp: châtaignes (12) Tiếng Pháp: lierre, thứ như nho dại, lá xanh và leo trên tường (13) Thứ vôi này có màu hồng (14) Nước sốt (sauce), một thứ nước dùng riêng đằng đặc gồm nước thịt và mỡ béo để tưới vào các thức ăn khô và nhạt. (15) Nước mắm rất danh tiếng của ta (16) Chúng tôi chưa rõ đây là thứ gì (17) Thức ăn từ trời rơi xuống, có mùi vị theo sở thích người dùng. (18) Chim yến, tổ yến. “Người ta cho rằng, ban ngày chim yến đi kiếm ăn, nuốt cả con trong biển, rồi đêm đến nhả nước dãi thành những vành tròn hình xoáy ốc để xây tổ (Đỗ Tất Lợi: Những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam, Hà Nội 1981, tr.945) (19) Vào thế kỷ 15, 16, 17 người Châu Au qua phương Đông nhất là Trung Quốc để buôn hồ tiêu và tơ lụa, vì thế có con đường gọi là con đường tơ lụa (route de la soie) (20) Gỗ lim (21) Chúng tôi chưa nghiên cứu xem danh từ này có nghĩa thế nào. Nếu là lim thì theo Đỗ Tất Lợi, sách dẫn, là những thứ cây mọc phổ biến của nước ta, nhất là tại những khu rừng miền Bắc và miền Trung. Còn thấy ở Lào, miền Nam Trung Quốc. Thường người ta khai thác gỗ làm nhà, làm đồ dùng. Có thể cao hơn mười thước hoặc hơn nữa (tr.361) (22) Trầm hương: kỳ nam là loại trầm hương quý nhất, xem: Đỗ Tất Lợi, sd tr.449-450. (23) Pied: chân, cách đo thời xưa, chừng 0.3407m (24) Đồng tiền này thường đúc bằng vàng vào thế kỷ 13 tại Venise (Ý) lúc đó là một cộng hòa độc lập và rất thịnh vượng. Líu: livre, tức nửa cân. (25) Gối dài là thứ gối theo suốt bề ngang của chiếc giường lớn. (26) Ở xứ nóng thường dùng gối mây hoặc gỗ, khác hẳn các xứ lạnh. (2) (27) Không rõ thuộc tôn giáo nào, còn đạo Bàlamôn là đạo chính yếu của An Độ.
Chương 4: VOI VÀ TÊ GIÁC
Rừng xứ Đàng Trong có rất nhiều voi, nhưng người ta không sử dụng được vì chưa biết cách bắt và luyện chúng. Vì thế phải đưa những con voi đã thuần phục và dạy dỗ từ nước láng giềng Campuchia. Voi ở đây lớn gấp hai voi ở An Độ. Chân và vết chân nó để lại đường kính đo được chừng nửa mét. Răng thò ra từ miệng gọi là ngà voi thì dài tới 4.7m, đó là voi đực. Ngà của voi cái thì ngắn hơn nhiều. Vì thế người ta dễ nhận thấy voi ở xứ Đàng Trong to lớn hơn voi người ta vẫn dẫn đi diễu ở Châu Au tới mức nào: ngà của các con voi này chưa được 8 tấc.
Voi sống lâu năm. Một lần tôi hỏi tuổi một con voi tôi gặp thì người quản tượng đạp là đã sáu mươi tuổi ở Campuchia và bốn mươi ở Đàng Trong. Vì tôi đã di chuyển nhiều lần trên lưng voi ở xứ Đàng Trong nên tôi có thể kể lại mấy câu chuyện kỳ lạ, nhưng có thật. Voi thường chở tới mười ba hay mười bốn người, theo cách thức sau đây. Cũng như chúng ta thắng yên trên lưng ngựa, người ta cũng đặt trên lưng voi một bành lớn như cỗ kiệu trong đó có bốn chỗ ngồi và người ta buộc bằng chão sắt luồn dưới bụng voi như yên và đai ngựa. Bành có cửa mở hai bên và có thể chứa được sáu người, ngồi làm hai hàng, mỗi hàng ba người, một người ngồi ở đằng sau với hai người nữa, và cuối cùng là người ngồi trên đầu voi để điều khiển và chỉ huy gọi là quản tượng. Không phải tôi chỉ đi đường bộ theo kiểu trên đây, nhưng đã có mấy lần tôi theo đường thuỷ, qua một nhánh biển xa đất liền chừng hơn nửa dặm. Thật là kỳ diệu đối với người chưa bao giờ thấy, đó là chứng kiến một khối thịt rất lớn, rất to, chở một trọng lượng lớn như thế, lội trong nước như một chiếc thuyền có chèo đun đẩy. Thực ra nó cũng cực lắm, phần vì phải mang một khối lớn, phần vì khó thở đến nỗi để cho bớt nhọc và được mát mẻ, nó dùng vòi lấy nước và tung lên rất cao làm cho người ta có cảm tưởng là một con cá voi trong lòng biển cả.
Cũng vì nó to lớn như vậy nên rất khó cúi mình. Thế nhưng nó cần phải khom xuống để cho hành khách tiện lên xuống. Nó không bao giờ khom nếu không có lệnh của quản tượng, và nếu trong khi nó khom xuống mà có ai còn quá nhởn nhơ mất thời giờ, hoặc còn chuyện vãn chào hỏi bè bạn hay làm việc nào khác, tức thì nó chồm chân đứng lên vì không thể đợi được. Như thế mới biết nó rất khó chịu khi phải giữ tư thế đó lâu. Không có gì phải bỡ ngỡ khi thấy quản tượng ra lệnh và nó thu xếp làm cho mình nó thành một thứ thang, có thể nói được như vậy, rất tiện cho người ta leo lên bành. Để làm bậc thứ nhất, nó đưa chân khá cao đối với đất. Nó giơ cổ chân cũng khá xa để làm bậc thứ hai, và để làm bậc thứ ba, nó gấp đầu gối lại. Bậc thứ bốn là cái xương ở bên hông hơi dô ra một chút, rồi nó lấy vòi đỡ bạn và đưa bạn tới chiếc xích buộc ở bành.
Ở đây mới thấy rõ sự lầm lẫn của những người đã nói và còn để lại bút tích rằng voi không cúi mình được, cũng không nằm được, thế nên muốn bắt nó chỉ có cách độc nhất là cưa thân cây nó dùng để dựa mà ngủ, bởi vì khi thân cây đổ thì nó cũng ngã theo và cứ năm như thế không sao trỗi dậy được, nên làm mồi ngon cho người săn. Tất cả chỉ là chuyện huyền hoặc vì thực ra khi nó ngủ, nó không bao giờ nằm, tư thế đó không tiện cho nó và gây khó nhọc như chúng tôi đã nói. Thế nên, nó luôn ngủ đứng, đầu luôn luôn ngoe nguẩy.
Khi có chiến tranh và trận mạc thì người ta nhấc mui bành đi để làm thành một thứ chòi chở lính giao chiến với nỏ, với súng và có khi với khẩu đại bác: voi không thiếu sức để chở vì là con vật rất khoẻ, nếu không có gì khác. Chính tôi đã thấy một con dùng vòi chuyên chở những vật rất nặng, một con khác chuyển một khẩu súng lớn và một con nữa một mình kéo tới mười chiếc thuyền, chiếc nọ theo sau chiếc kia, giữa đôi ngà một cách rất khéo và đưa xuống biển. Tôi cũng thấy những con khác nhổ những cây to lớn mà không mấy vất vả như thể chúng ta nhổ su hào hay rau diếp. Chúng cũng dễ dàng ném xuống đất và lật đổ nhà cửa, triệt hạ từng dãy phố khi được lệnh trong trận chiến để phá hoại quân địch và trong thời bình để không cho ngọn lửa bén khi có hoả hoạn.
Vòi nó dài so với bề cao của thân mình, nên không cần nghiêng hay cúi, nó dễ dàng lượm đồ vật dưới đất tuỳ ý. Vòi này gồm nhiều bó gân kết lại và xoắn với nhau, một đàng làm cho nó rất mềm dẻo và dễ xoay trở đưa ra khi cần để cầm những món đồ rất nhỏ, và đàng khác làm cho nó cứng và khoẻ như chúng tôi đã nói. Toàn thân mình nó bọc lớp da cứng và ráp, màu tro. Mỗi ngày nó thường đi được chừng mười hai dặm. Đối với những người không quen thì sự vận chuyển của nó gây khó chịu cũng như người chưa quen đi biển bị say sóng vì thuyền chòng chành.
Về sự dễ bảo của voi thì tôi sẽ kể những việc kỳ diệu hơn những chuyện người ta thường kể, để cho biết là người nói câu này rất có lý: Elephanto belluarum nulla prudentior: trong các con vật khổng lồ, không con nào khôn bằng voi 1 vì thấy nó thực hiện được những việc làm cho người ta tưởng nó có trí thông minh và khôn ngoan. Trước hết, mặc dầu quản tượng dùng một dụng cụ bằng sắt dài chừng bốn gang tay ở đầu có móc để đánh và đâm cho voi tỉnh và chú ý tới lệnh truyền, thế nhưng thường thường họ điều khiển và chỉ huy bằng lời nói, đến nỗi tưởng như nó hiểu biết ngôn ngữ và có mấy con biết tới ba hay bốn thứ tiếng rất khó tuỳ theo lãnh thổ và quốc gia trong đó nó đã sống. Thí dụ con voi đã đưa tôi đi thì hiểu tiếng Campuchia vì gốc nó ở đó, rồi tinh thông tiếng Đàng Trong là nơi nó tới. Ai cũng lấy làm lạ khi thấy quản tượng trò chuyện với voi, dặn dò về hành trình và đường đi lối bước, qua nơi nào, dừng lại và nghỉ ở đâu, và sau cùng kể chi tiết tất cả các việc nó phải làm trong ngày.
Và voi làm phận sự mình một cách chính xác như một người có lương tri và phán đoán có thể làm được. Đến nỗi sau khi voi coi như đã biết nơi phải đi thì nó cứ thẳng tắp thi hành bằng con đường ngắn nhất, không lần chần do sự tìm lối quá quen hay không bỡ ngỡ vì gặp sông lớn, rừng già hay núi cao. Nó cho rằng nó dễ dàng vượt qua hết, nó cứ lên đường và theo lộ trình, vượt hết mọi thứ khó khăn. Nếu gặp sông phải qua thì nó hoặc bước sang chỗ cạn hoặc ngoi lội chỗ nước lớn. Nếu phải qua rừng thì nó đè bẹp cành cây ngáng trở, dùng vòi nhổ cây dọn thành con đường rộng và dễ đi, rừng rậm rạp đến đâu đi nữa cũng có lối đi nếu thấy voi đã qua và đã mở đường. Tất cả những việc này voi làm theo lệnh của quản tượng, một cách dễ dàng, nhanh chóng và mẫn cán. Chỉ có một bất tiện cho con vật này và làm cho nó khổ sở, đó là khi có gai hay vật gì tương tự đâm vào bàn chân nó vốn mềm và nhạy cảm một cách lạ lùng, mặc dầu nó rất cẩn thận bước từng bước, khi qua nơi hiểm trở. Có lần trong cuộc hành trình có bảy hay tám con voi đi tiếp theo nhau, tôi nghe thấy các quản tượng mỗi người đều dặn dò voi của mình phải thận trọng khi đặt chân vì trong một quãng đường chừng nửa dặm chúng phải qua một bãi cát trong đó thường có gai.
Nghe thế, các con voi đều cúi đầu, mở to mắt như khi người ta vất vả tìm một vật gì nhỏ rơi mất. Chúng bước từng bước, rất chăm chú, trong suốt quãng đường nguy hiểm, cho tới khi nghe báo là không còn phải sợ nữa, lúc đó chúng mới ngẩng đầu và tiếp tục hành trình như trước. Ngày hôm sau phải đỗ lại ở một nơi không có rừng cây nên mỗi quản tượng đều đem một bó cây tươi và khá lớn cho voi. Tôi rất thích thú nhìn xem một con dùng vòi với lấy cây một cách khéo hơn các con khác, rồi dùng răng bóc vỏ và ăn rất nhanh, rất ngon như chúng ta ăn trái vả hay một trái nào khác vậy. Ngày hôm sau, tôi ngồi trò chuyện với những hành khách khác, chừng hai mươi người. Tôi cho họ hay về sự thích thú đặc biệt của tôi khi thấy con voi ăn cành cây một cách ngon lành. Lúc ấy, quản tượng theo lệnh của người chủ voi lớn tiếng gọi con voi với cái tên của nó là gnin và vì nó ở hơi xa nên nó ngẩng đầu vểnh tai lắng nghe xem người ta muốn nói gì với nó.
Quản tượng bảo nó rằng: mi làm vui lòng ông cha đi đường này đi, hôm qua ông đã thích thú nhìn mi ăn, bây giờ mi cầm lấy một cây như cây hôm qua và tới trước mặt ông ta và làm như mi đã làm. Quản tượng vừa nói dứt lời thì voi đã đến trước mặt tôi, vòi quấn một thân cây, rồi nhìn tôi trong đám người khác, giơ cho tôi coi rồi bóc vỏ và ăn, sau đó cúi đầu chào tôi và rút lui như thể mỉm cười, với những dấu hiệu thích thú và mừng rỡ. Còn tôi, tôi rất ngạc nhiên thấy ở nơi một con thú có nhiều khả năng hiểu biết và thi hành điều người ta truyền cho nó như vậy. Thực ra nó chỉ vâng theo quản tượng hay chủ nó mà thôi. Nó cũng không để cho người nào lạ leo lên cưỡi: nó mà thấy thì nó sẽ quăng bành xuống đất và dùng vòi mà sát hại người ấy. Vì thế, khi có người phải leo lên thì quản tượng lấy tai nó che mắt nó, tai nó to và xấu xí. Khi nó không chịu nghe lệnh truyền và không nhanh nhảu làm theo thì quản tưởng đứng hai chân trên đầu nó, đánh và trị nó rất nặng, rất cương quyết, lấy roi quất mạnh trên trán nó. Có lần mấy người chúng tôi cùng đi chung một voi chở chúng tôi, người quản tượng đánh nó như chúng tôi vừa nói, mỗi lần roi quất trên nó, chúng tôi tưởng như nó sẽ ném chúng tôi xuống đất. Thường thường người ta quất sáu bảy cái vào giữa trán nó, và mạnh đến nỗi làm voi rùng cả mình: phải nhận là nó rất kiên nhẫn chịu đựng.
Chỉ có một trường hợp nó không vâng theo quản tượng và bất cứ ai, đó là khi nó bất thần động đực, vì lúc đó hình như nó không tự kiềm chế nổi, nó không chịu ai, nó lấy vòi ném bành và mọi người trong đó, nó giết, nó huỷ và phá vỡ tan tành. Thường thì quản tượng biết trước qua một vài dấu hiệu. Lập tức, mọi người xuống đất, tháo gỡ bành và để nó một mình ở một chỗ xa cho tới khi nó hết cơn. Sau đó, như thấy mình đã gây nên xáo trộn và như tự lấy làm hổ thẹn, nó cúi đầu chịu đánh đập như một kẻ phạm tội.
Thời xưa người ta dùng voi rất có ích trong chinh chiến và đạo binh nào ra trận với những con vật như vậy thì thật là đáng sợ. Nhưng từ khi người Bồ tìm được cách ném tàn lửa và đuốc vào mũi chúng thì càng làm cho chúng gây hại hơn trước. Bởi vì chúng không thể chịu được lửa đốt làm cay mắt nên chúng đùng đùng chạy trốn và làm tan tác đạo binh, giết hại và phá phách tất cả những gì cản đường chúng. Voi nhà chỉ sợ hai con thú khác là voi rừng và tê giác, nó có thể thắng được tê giác, nhưng đối với voi rừng thì thường nó chịu thua.
Tê giác là một thú vật có một cái gì giống bò và ngựa, nhưng lại to lớn như một con voi con. Mình nó đầy vẩy 2 như những yếm để tự che thân. Nó chỉ có một sừng ở ngay giữa trán, thẳng tắp và có hình kim tự tháp, còn chân và móng thì như bò. Khi tôi ở Nước Mặn một xã thuộc tỉnh Quy Nhơn, có biết một viên quan lần nọ đi săn tê giác ở trong khu rừng gần nhà chúng tôi. Ông đem theo hơn một trăm người, một phần đi bộ, một phần đi ngựa cùng với tám hay mười con voi. Con tê giác ra khỏi khu rừng và một số đông địch thù, nó không những không tỏ vẻ sợ hãi mà còn thu hết sức lực giận dữ xông tới, thế là đạo binh phân tán làm hai cánh để cho con tê giác lọt vào giữa và chạy tới hậu quân có viên quan đứng chờ để giết nó. Viên quan ngồi trên lưng voi, voi cố lấy vòi chộp lấy tê giác, nhưng không sao làm nổi vì tê giác nhảy tứ tung, cố dùng sứng để đâm voi. Viên quan biết rõ tê giác vì có vẩy nên không dễ gì bị thương nếu chỉ đánh vào bên cạnh. Ông chờ đến lúc nó nhảy lên và phơi bụng ra, lúc đó ông nhắm, và rất thiện nghệ, ông ném ngọn đao đâm suốt từ bụng tới lưng, giữa tiếng hò hét vui mừng của cả đạo quân. Không chờ đợi gì nữa họ lập tức quơ một đống củi lớn, châm lửa đốt, trong khi vẩy con thú bị thiêu và thịt nướng chín thì họ nhảy múa chung quanh, mỗi người tiếp theo nhau xẻo thịt đang chín dần dần và ăn vui vẻ. Sau đó họ mổ lấy tim, gan và óc để dọn món mĩ vị đem hầu viên quan lúc này đã lui ra xa một chút, ở một nơi khá cao, vui mừng và thích thú nhìn xem cuộc vui. Còn tôi, tôi có mặt trong cuộc, tôi cũng có phần và phần của tôi là móng con vật viên quan cho tôi, móng đó cũng có những tác dụng và tính chất như móng voi, dùng làm thuốc chống ngộ độc một cách tuyệt diệu không hơn không kém sừng kỳ lân 3
Chú thích
(1) Tiếng Latinh trong văn bản: “Elephanto belluarum nulla prudentior” (2) Theo Đỗ Tất Lợi, sách đã dẫn: “da nhẵn không sùi màu, biểu bì có rãnh nhỏ chia làm nhiều đĩa nhỏ nhiều cạnh. Bề mặt thân chia làm nhiều mảnh giáp với nhau bởi nhiều nếp, nếp trước và sau vai cũng như nếp trước đùi kéo dài qua lưng. Nếp gáy tương đối kém phát triển. Màu da xám thẫm toàn thân” (Sd, tr.984) Thường có một sừng, nhưng cũng có tê giác hai sừng, Sd tr.985 (3) Tiếng Pháp “La licorne”. Nhưng kỳ lân phải chăng là thú hoang đường?
Chương 5: VỀ TÍNH TÌNH, PHONG HÓA, TỤC LỆ NGƯỜI ĐÀNG TRONG, CÁCH SỐNG, CÁCH ĂN MẶC VÀ THUỐC MEN CỦA HỌ
dang torng.gif
Về màu da thì người Đàng Trong không khác người Tàu, tất cả đều có sắc xám xanh 1, nếu là người ở ven biển, còn những người khác từ nội địa cho tới biên giới Đàng Ngoài thì cũng trắng như người Châu Au. Về nét mặt thì cũng giống, như người Tàu, cũng có mũi tẹt, mắt bé. Còn về kích thước thì trung bình, tôi có ý nói, họ không quá lùn như người Nhật, không quá cao như người Tàu. Nhưng về thân hình vạm vỡ thì họ vượt cả hai, về can đảm thì hơn người Tàu, chỉ có người Nhật là hơn họ về một điểm độc nhất là coi thường mạng sống trong gian nguy và chiến trận. Người Nhật không kể chi, không sợ chết bằng bất cứ giá nào. Người Đàng Trong dịu dàng hơn và lịch thiệp hơn khi đàm đạo, hơn tất cả các dân phương Đông nào khác, tuy một đàng dũng cảm, nhưng đàng khác họ lại rất dễ nổi giận. Tất cả các nước phương Đông đều cho người Châu Au là những kẻ xa lạ và dĩ nhiên họ ghét mặt đến nỗi khi chúng ta vào lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng trái lại ở xứ Đàng Trong, họ đua nhau đến gần chúng ta, trao đổi với chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta dùng cơm với họ. Tóm lại họ rất xã giao, lịch sự và thân mật đối với chúng ta. Điều này đã xảy ra với tôi và các đồng sự của tôi, khi lần đầu tiên chúng tôi vào xứ này, người đã coi chúng tôi như những người bạn rất thân và như thể người ta đã quen biết chúng tôi từ lâu. Đó là một cánh cửa rất tốt đẹp mở ra cho các nhà truyền giáo của Chúa Kitô đến rao giảng Phúc âm.
Từ tính tình rất trọng khách và cách ăn ở giản dị đó mà họ rất đoàn kết với nhau, rất hiểu biết nhau, đối xử với nhau rất thành thật, rất trong sáng, như thể tất cả đều là anh em với nhau, cùng ăn uống và cùng sống chung trong một nhà, mặc dầu trước đó chưa bao giờ họ thấy nhau, biết nhau. Họ coi là một nết rất xấu, nếu ai ăn món gì dù rất nhỏ mịn mà không chia sẻ cho bạn, bẻ cho mỗi người một miếng. Họ có tính quảng đại, hay bố thí cho người nghèo, họ có thói quen không bao giờ từ chối, không cho kẻ xin bố thí. Họ nghĩ là sẽ không làm đủ bổn phận nếu từ chối, họ coi như bị ràng buộc bởi phép công bằng. Do đó có lần có mấy người ngoại quốc bị đắm tàu và được cứu tại một cảng Đàng Trong. Họ không biết tiếng để xin người ta cho thức ăn để sống, họ chỉ cần học một chữ thôi cũng đủ, đó là chữ đói, có nghĩa là tôi đói. Bởi vì vừa nghe thấy người ngoại quốc than thở như vậy và đi qua các cửa nhà người dân mà kêu đói, thì tất cả đều động lòng thương và cho họ ăn, đến nỗi chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ thu được rất nhiều thức ăn dự trữ, đến khi chúa cấp cho họ một chiếc tàu để trở về quê quán thì chẳng ai muốn đi vì họ quyến luyến một lãnh thổ ở đó họ gặp được những người rộng rãi cho họ các thứ để sống mà không phải làm việc. Cuối cùng người thuyền trưởng buộc phải vác gậy đánh đập họ, thì họ mới chịu sửa soạn xuống tàu, đem chất trong tàu thóc gạo họ đã xin được, khi họ đi gõ cửa các nhà và kêu đói.
Nếu người Đàng Trong nhanh nhảu và rộng rãi hay cho, thì mặt khác họ lai hay xin những gì họ thấy. Thế nên khi họ vừa đưa mắt nhìn thấy những vật họ cho là hiếm và lạ là họ đem lòng thèm muốn và nói ngay xin một cái, có nghĩa là cho tôi xin cái đó. Họ coi là rất bất lịch sự nếu người ta từ chối dù đó là vật quý và hiếm, và chỉ có một cái mà thôi. Ai từ chối họ thì liền bị coi là người xấu. Do đó một là nên giấu đi, hai là sẵn sàng cho người nào xin.
Một thương gia người Bồ không ưa cách cư xử lạ lùng đó, bởi vì hễ họ trông thấy ông cầm đồ vật gì đẹp trong tay là họ xin liền. Một hôm ông nhất quyết cũng làm thử như họ. Ông tới gần thuyền của một người đánh cá nghèo và để tay trên một cái rổ lớn đầy cá, ông nói bằng tiếng bản xứ xin một cái, nghĩa là cho tôi xin cái này. Chẳng nói chẳng rằng, người thuyền chài đưa ngay cho ông rổ cá để ông đem về. Người Bồ đem về nhà, rất sửng sốt và khen ngợi lòng quảng đại của người Đàng Trong. Thực ra vì thương người thuyền chài nghèo khổ, nên sau đó ông trả tiền rổ cá theo giá của nó.
Những từ ngữ về đối thoại, giao tiếp và lịch sự thì cũng giống như từ ngữ Trung Hoa. Người dưới rất kính trọng người trên, cũng như kẻ bằng vai đối xử với nhau, họ dùng tất cả cách thức tỉ mỉ và những lời khen tế nhị mà chúng ta biết rõ rất riêng biệt nơi người Trung Hoa, nhất là họ đặc biệt kính trọng người già nua tuổi tác, bao giờ họ cũng nể người có tuổi hơn. Trong mọi việc, ở vào bất cứ cấp bậc nào, gia thế nào, bao giờ họ cũng nhường ưu tiên cho người già hơn. Vì thế có một lần mấy viên quan lớn tới thăm nhà chúng tôi, mặc dầu đã được người thông dịch cho họ biết là có một cha có tuổi hơn cả, nhưng không phải là Bề trên, thế nhưng không tài nào ngăn cản họ chào người có tuổi đó trước hết, sau mới chào Bề trên, là người trẻ tuổi hơn. Trong tất cả các nhà cửa người Đàng Trong, dầu nghèo nàn đến đâu đi nữa, người ta cũng giữ ba cách ngồi. Cách thứ nhất kém hơn cả là ngồi trên chiếu trải trên đất bằng và đó là cách ngồi của những kẻ cùng cấp bậc. Cách thứ hai là ngồi trên những thứ giây bố hay giây da căng thẳng có trải chiếu nhỏ và mịn hơn, dành cho người đáng kính hơn. Cách thứ ba là trên một thứ bục 2 cao hơn đất chừng tám tấc làm thành như cái giường và chỉ dành cho các quan và bậc chức vị bản địa hay những người lo việc thiêng liêng, như các cha dòng chúng tôi thường được ngồi.
Vì người Đàng Trong tử tế và có tính tình hòa nhã, nên họ rất trọng người ngoại quốc, họ để cho mỗi người tự do sống theo đạo của mình và ăn mặc tuỳ sở thích của mình. Do đó họ khen cách làm của người nước ngoài, phục giáo thuyết của người nước ngoài và dễ dàng chuộng đạo giáo của người nước ngoài hơn đạo giáo của mình: trái hẳn với người Tàu, họ chỉ khen ngợi xứ sở họ cùng cách làm và đạo giáo của họ mà thôi.
Còn về y phục thì như chúng tôi đã nói, tơ lụa rất thông dụng ở xứ Đàng Trong đến nỗi ai cũng mặc hàng tơ lụa. Bây giờ chỉ nói về cách họ mặc mà thôi. Bắt đầu từ phái nữ 3, phải nhận rằng cách mặc của họ tôi vẫn coi là giản dị hơn khắp cõi An Độ, vì họ không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả trong những mùa nóng bức nhất. Họ mặc tới năm hay sáu váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không trông thấy đầu ngón chân. Sau đó là cái thứ hai ngắn hơn cái thứ nhất chừng bốn hay năm đốt ngón tay, rồi tới cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai và cứ thế trong số còn lại theo tỉ lệ cái nọ ngắn hơn cái kia, để cho các màu sắc đều được phô bày trong sự khác biệt của mỗi tấm. Đó là thứ phái nữ mặc từ thắt lưng xuống bên dưới. Còn trên thân mình thì họ khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả một tấm voan rất mịn và rất mỏng cho người ta nhìn qua thấy tất cả màu sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng, nhưng cũng không kém trịnh trọng và giản dị.
Họ để tóc xõa và rủ xuống vai, có người để tóc dài chấm đất, càng dài càng được coi là càng đẹp. Họ đội trên đầu một thứ mũ lớn riềm rộng che hết mặt khiến họ chỉ có thể trông xa hơn ba hay bốn bước trước mắt họ. Thứ mũ đó cũng đan bằng lụa và kim tuyến tuỳ theo gia thế của từng người. Phép xã giao không buộc người phụ nữ làm gì khác khi phải chào hỏi những người mình gặp, ngoài việc cất nón đủ để trông thấy mặt.
Đàn ông 4 thì không nai nịt, nhưng quàng cả một tấm, rồi cũng thêm năm hay sáu áo dài và rộng. Tất cả đều bằng lụa màu sắc khác nhau với ông tay rộng và dài như ống tay các tu sĩ Biển Đức. Còn từ thắt lưng trở xuống thì tất cả đều sắp đặt các màu rất khéo và rất đẹp. Thế nên khi ra phố thì họ phô trương màu sắc hài hòa, nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói là những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình.
Họ cũng để tóc dài như đàn bà, cho xõa tóc tới gót chân và cũng đội nón. Người có râu thì hiếm, họ không bao giờ cắt. Về điểm này, họ làm theo người Tàu. Họ còn để móng tay dài: người quý phái không bao giờ cắt, nhưng cứ để dài, coi đó như dấu hiệu của sự quý phái, và để mình khác biệt với thường dân và thợ thuyền, những người này không để dài được vì vướng tay trong khi hành nghề, tỉ như kị mã để móng tay dài thì không sao nắm chặt dây cương trong lòng bàn tay. Họ không thể thưởng thức cách cắt tóc ngắn và cắt móng tay của chúng ta, họ nại lý do là thiên nhiên ban cho các thứ đó để trang trí bản thân con người. Có lần nói chuyện về tóc, họ bác bẻ chúng ta và không dễ gì đáp lại được lúc đầu. Họ nói, nếu Đức Chúa Cứu Thế mà các ông khoe là các ông bắt chước hết mọi việc Người làm, nhưng chính Người để tóc dài theo kiểu người Nagiarét, như chính các ông quả quyết và cho chúng tôi coi hình ảnh, thì tại sao các ông không làm theo như Người. Họ nói thêm để cho có thế lực hơn nữa là Đấng Cứu Thế còn để tóc dài, như vậy là Người muốn cho chúng ta biết đó là cách tốt nhất. Nhưng họ cũng hài lòng khi chúng tôi trả lời là bắt chước không phải là làm theo một cách lố lăng.
Các văn nhân và tiến sĩ thì ăn mặc trịnh trọng hơn, không màu mè loè loẹt. Họ choàng lên trên tất cả một áo dài đen. Họ còn khoác một thứ khăn quấn cổ và ở cổ tay một khăn bằng lụa màu da trời, còn đầu thì thường đội một thứ mũ kiểu như mũ giám mục. Cả đàn ông đàn bà đều ưa cầm quạt rất giống như ở Châu Au. Họ cầm là cầm lấy lệ thôi. Người Châu Au chúng ta khi để tang thì mặc đồ đen, còn họ dùng màu trắng. Khi họ chào nhau, không bao giờ họ cất nón cất mũ, cho đó là không lịch sự, cũng giống như người Tàu, họ cho đó là không phải phép đối với người thế gia và rất vô lễ. Vì thế, để cho hợp với họ các cha dòng chúng tôi đã thấy cần phải được đức giáo hoàng Phaolô V cho phép dâng thánh lễ đầu đội mũ trong những miền đất này.5
Sau cùng người Đàng Trong không đi dép cũng không đi giầy, cùng lắm thì họ chỉ mang một miếng da buộc mấy giây lụa và khuy trên mu bàn chân như kiểu săn đan của ta để cho bàn chân không bị đâm: Họ cho rằng đi chân không không phải là không biết cách ăn ở, họ đi dép hay đi chân không thì chân họ vẫn lấm bẩn, họ biết lắm, nhưng họ không ngại vì trước nhà họ bao giờ cũng có một chậu đầy nước để rửa chân. Còn kẻ đi dép thì phải để dép ở ngoài lúc ra mới xỏ vào, vì trong nhà không cần, họ đã trải chiếu nên họ không sợ bẩn. 6
Dân Đàng Trong rất trọng những tục lệ của họ. Họ khinh những tục lệ của người ngoại quốc như người Tàu. Các cha không cần thay đổi y phục, thực ra không khác cách ăn vận chung ở khắp An Độ. Các ngài mặc áo chùng bằng sợi bông rộng gọilà elingon thường làm màu thanh thiên và ra nơi công chúng như thế không thêm áo dái hay áo choàng 7. Cũng không đi giầy như tục người Châu Au hay người bản xứ: vì giầy Châu Au thì làm gì có mà đi và cũng không ai biết làm 8, còn dép bản xứ thì không sao đi được vì rất bất tiện cho người chưa quen, nên đau chân, bởi vì các khuy làm cho ngón chân dãn ra, ngón nọ cách xa ngón kia, do đó, các ngài ưa đi chân không và bị đau chân hoài nhất là trong lúc đầu, vì đất ẩm ướt, và vì chưa quen. Vẫn biết là sau một thời gian thì theo tính tự nhiên cũng quen dần, da cứng lại đến nỗi không có thấy khó chịu, mặc dầu phải đi trên đường có nhiều đá sỏi và gai. Riêng tôi, tôi đã quen lắm đến nỗi khi trở về Macao, tôi không chịu được giầy, cảm thấy chúng thật nặng nề và làm chân tôi vướng víu làm sao. 9
Thức ăn thông thường nhất của người Đàng Trong là cơm và thật là điều kỳ lạ: toàn lãnh thổ có rất nhiều thứ thịt, gà, vịt, cá và trái cây đủ loại, thế mà bữa ăn ngon nhất lại là cơm, họ xới thật nhiều cơm, ngay khi ngồi vào mâm, rồi chỉ gắp sơ sơ và nếm náp các món thịt như để theo nghi lễ. Lương thực chính yếu của họ là cơm như bánh mì là lương thực chính của chúng ta; họ ăn không, nghĩa là chỉ có cơm, không cần nước sốt hay món gì khác vì sợ dần dần đâm chán. Họ không bỏ thêm bơ hay muối hay dầu mỡ hay đường. Họ thổi cơm bằng nước lã. Họ đổ vừa vừa nước thôi để cho cơm không dính vào nồi hay bị cháy. Vì thế hạt cơm còn nguyên vẹn, chỉ mềm một chút và dẻo. Họ còn kinh nghiệm thấy rằng không thêm mắm muối vào cơm, nên cơm dễ tiêu hơn. Vì thế hầu hết các người sống ở phương Đông thường ăn mỗi ngày bốn lần và ăn rất nhiều để cung cấp cho đủ sự cần dùng thiên nhiên đòi hỏi.
Người Đàng Trong ngồi trên đất để ăn, chân xếp lại, trước một bàn tròn (mâm) cao ngang bụng, mâm được khắc vẽ chạm trổ tỉ mỉ, riềm bịt bạc hay vàng tuỳ gia thế và khả năng của người dùng. Mâm này không lớn vì theo tục lệ mỗi người một mâm riêng 10, cho nên trong bữa tiệc có bao nhiêu khách mời thì là bấy nhiêu mâm. Khi ăn riêng ở nhà họ cũng giữ như vậy trừ khi thỉnh thoảng vợ chồng, cha con dùng chung một mâm. Họ không dùng dao hay xiên trong mâm, thực ra họ không cần dao, xiên. Họ không cần dao vì họ đã thái thịt thành từng miếng nhỏ ở trong bếp và thay vì xiên thì họ dùng những đũa nhỏ rất nhẵn nhụi họ cầm giữa các ngón tay để gắp một cách rất khéo léo, rất sành sỏi, nên không cần gì khác. Họ cũng không cần khăn ăn vì không hề dùng tay, không bao giờ lấy thịt mà không dùng đũa.
Tiệc tùng cũng khá thông thường giữa lân bang với nhau, trong đó họ dùng nhiều thứ thịt khác nhau, những thứ tôi đã nói trước đây. Họ không cần cơm vì cho là ai cũng sẵn ở nhà mình. Và mặc dầu người mời là người nghèo, người ta không tin ông thành thực, nếu mỗi khách mời không có trong mâm ít nhất là một số các món ăn. Bởi vì họ có thói quen mời tiệc tất cả bạn bè, họ hàng lân bang, nên bao giờ bữa tiệc cũng có chừng ba mươi, bốn mươi, năm mươi người, có khi một trăm và tới hai trăm. Có lần tôi được mời dự một đám tiệc rất linh đình có tới gần hai, ba nghìn người. Cho nên tiệc này phải làm ở thôn quê là nơi có chỗ rộng để bày mâm. Không ai cho là kỳ lạ khi thấy những mâm nhỏ như chúng tôi đã nói. Trên đó bày tới cả trăm món, vả trong những dịp này, họ có một kế hoạch rất khéo, họ đặt mâm trên một cái gác với những thanh nứa nhiều tầng. Trên đó họ bày và chồng chất rất ngoạn mục hết các món, gồm tất cả những thổ sản trong xứ như thịt, cá, gà vịt, thú vật bốn cẳng, gia súc hay dã thú, với hết các thứ trái cây có thể có trong mùa. Nếu chẳng may thiếu một thứ gì thì gia chủ bị quở trách nặng, và người ta không coi bữa ăn đó là bữa tiệc. Chủ nhà ăn trước còn gia nhân bậc trên thì đứng hầu, khi chủ ăn xong thì tới phiên toán gia nhân bậc trên có đầy tớ bậc kém hơn phục dịch. Sau cùng mới đến lượt những người đầy tớ bậc thấp này. Và để không làm phí phạm tất cả những món đầy rẫy đó và theo tục lệ thì tất cả các món phải dùng cho hết và phải dùng cho thoả thuê. Một mâm khác dành cho đầy tớ cấp thấp nhất: chúng ăn thuê thỏa, còn thừa thì cho vào những túi dành riêng cho việc này và đem về nhà cho vợ con được no nê 11. Thế là chấm dứt hết các nghi lễ ở đây.
Đàng Trong không có nho, do đó cũng không có rượu nho, họ dùng làm rượu một thứ gạo cất có mùi vị như rượu của ta, giống cả về màu sắc, về vị cay gắt, tinh tế và độ mạnh. Có rất nhiều rượu đến nỗi mọi người đều uống rất thông thường tuỳ sở thích và không hề buồn vì không có rượu nho ở những miền này. Thế nhưng, những người khá giả thường có thói quen pha thêm một thứ rượu cất ở cây trầm hương làm cho mùi vị có một hương thơm đặc biệt, sự pha trộn này rất thành công.
Trong ngày họ có tục dùng một thứ nước rất nóng, trong đó nấu một thứ rễ cỏ 12 gọi là trà, cũng là tên thứ nước uống đó, thứ nước này rất bổ và giúp cho tan các chất xấu trong dạ dày và làm cho dễ tiêu. Ngừơi Nhật và người Tàu cũng dùng, trừ ở Tàu, người ta không dùng rễ mà dùng lá và ở Nhật người ta tán nhỏ, nhưng hiệu lực thì cũng giống nhau và tất cả đều gọi là trà.
Thật là một sự không thể tin được là người Châu Au chúng ta ở đây có rất nhiều thịt thà và dồi dào về đủ mọi thứ, thế mà chúng ta vẫn còn đói, còn khát, không phải vì thiếu thịt mà vì không quen với các thứ đó, bản tính không chịu nổi sự thiếu bánh mì và rượu nho một cách đột ngột. Và tôi tin rằng người Đàng Trong cũng sẽ cảm thấy như thế, nếu họ tới Châu Au ở đó không có cơm, mặc dầu có nhiều thứ thịt ngon và rất dồi dào. Tôi kể ở đây một việc đã xảy đến với một quan cai trị xứ Đàng Trong. Ông này là bạn thân của chúng tôi, chúng tôi mời ông đến nhà chúng tôi dùng cơm và để tỏ mối thịnh tình khăng khít của tôi đối với ông thì chúng tôi dọn nhiều món theo lối Châu Au của chúng tôi. Ông ngồi vào bàn và thay vì như chúng tôi tưởng ông sẽ chiều ý chúng tôi mà khen ý tốt lành của chúng tôi và cảm ơn về sự mới lạ này, bởi vì chúng tôi đã không tiếc công, nên thử dọn cho ông hết các món liên tiếp. Thế nhưng không có món nào ông có thể dùng được, mặc dầu ông cố gắng tỏ ra hết sức lịch thiệp và thành tâm 13. Đến nỗi chúng tôi đành phải đem lên những món thịt làm theo lối bản xứ. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng cố gắng hết sức. Lúc ấy ông mới ăn ngon lành và hài lòng, còn chúng tôi mới thỏa dạ. Thế nên, về việc ăn uống cũng như về những gì chúng tôi đã nói như về việc đi chân không, bản tính tự nhiên cũng cho quen dần với nếp sống bản xứ, tập cho thành thục và làm rất đúng đến nỗi thức ăn ban đầu trở nên kỳ dị khi dùng trở lại. Điều này chúng tôi đã nghiệm thấy, khi tôi về từ những nước đó: bởi vì tôi không ao ước gì bằng được ăn cơm xứ Đàng Trong mà tôi thấy dễ chịu hơn tất cả những gì ở đây người ta đem cho tôi.
Còn về thầy thuốc và cách chữa các bệnh nhân, tôi phải nói là có rất nhiều, người Bồ cũng như người bản xứ, và người ta thường thấy nhiều bệnh vô danh và các thầy thuốc Châu Au không chữa được thì đã được khám phá và được các lương y bản xứ chữa khỏi một cách dễ dàng. Không ít lần các thầy thuốc người Bồ đã chê một bệnh nhân, coi như xong rồi, thế nhưng bệnh nhân này sẽ được chữa lành một cách dễ dàng nếu gọi được một lương y bản xứ.
Phương pháp của họ là thoạt vào phòng người bệnh, họ ngồi nghỉ một lát gần giường bệnh, để cho dịu cảm xúc khi tới đây. Rồi họ bắt mạch, rất chuyên chú và cẩn thận. Sau đó họ nói ông hay bà mắc chứng gì và nếu là chứng nan y thì họ cũng thành thật cho biết, tôi không có thuốc chữa bệnh này. Nếu họ đoán là bệnh nào và có thể chữa được bằng thứ thuốc nào của họ thì họ cũn cho biết, tôi có cách chữa ông, bà và trong bao lâu, tôi sẽ chữa ông bà khỏi bệnh. Sau đó họ bàn về tiền thù lao cho lương y trong trường hợp khỏi bệnh. Tiền nhiều ít tuỳ theo tính chất và sự nặng nhẹ của bệnh và có lần hai bên có hợp đồng với nhau. Rồi chính lương y bốc thuốc, không cần tới dược sĩ, vì thế họ không có dược sĩ, họ làm lấy và sợ lộ bí mật của các liều thuốc họ cho, vì thê họ hết sức giấu, một phần cũng vì họ không dám tin tưởng vào một người nào khác bốc thuốc theo đơn họ đưa ra. Nếu bệnh nhân phục hồi sức khoẻ trong thời gian đã ấn định khi bàn về giá cả, thường diễn ra như vậy, thì buộc phải trả tiền như hai bên đã thỏa thuận với nhau, nhưng nếu không khỏi thì lương y mất cả công, mất cả thuốc.
Thuốc họ cho bệnh nhân uống thì không như thuốc chúng ta, vừa khó uống lại làm yếu và làm cho bụng ươn lười, nhưng dễ uống như canh 14 và cũng rất bổ, không cần ăn thêm món nào khác. Vì thế họ cho bệnh nhân uống mỗi ngày mấy lần như chúng ta thỉnh thoảng cho uống nước thịt. Các vị thuốc đó không biến đổi cơ thể, nhưng giúp các chức năng hoạt động thông thường, làm khô kiệt những chất hư mà không động tới người bệnh. Có một điều phải tường thuật lại ở đây vào chương này. Số là có một người Bồ ngã bệnh cho mời lương y Châu Au tới và lương y này sau khi đã chữa chạy ít lâu thì bỏ bệnh nhân coi như chết không trở lại thăm nữa. Người ta liền mời thầy thuốc bản xứ, ông này hứa chữa trong một thời gian, và căn dặn rất nghiêm khắc là trong thời gian ông chữa bệnh, người bệnh phải kiêng đàn bà, nếu không thì cực kỳ nguy hiểm và ông không thấy có thuốc nào trong y khoa có thể cứu thoát cơn nguy hiểm bệnh nhân đang chịu và chỉ cần điều kiện đó thôi. Hai bên thỏa thuận là lương y sẽ chữa khỏi trong vòng ba mươi ngày. Người bệnh uống thuốc theo đơn lương y cho và trong một ít ngày, bệnh nhân đã khỏi, nhưng không chịu nghe theo điều thầy thuốc đã cấm đoán rõ ràng. Thế là lương y đến thăm và bắt mạch thì thấy có sự thay đổi. Ông biết chắc là người bệnh đã không chịu kiêng. Lương y liền cho biết là bệnh nhân phải chuẩn bị chết vì không còn hy vọng gì và không còn thuốc nào cứu chữa được nữa. Nhưng bệnh nhân vẫn phải trả tiền thù lao như đã thỏa thuận bởi vì người bệnh chết nhưng lỗi không phải tại thầy thuốc. Người ta xử việc này và tòa ra lệnh cho bệnh nhân phải trả tiền cho lương y, sau đó người bệnh nhắm mắt lìa đời.
Họ cũng dùng cách chích máu, nhưng họ tiết kiệm máu hơn cách người ta làm ở Châu Au và họ không dùng kim chích thông thường: họ có nhiều lông ngỗng, trong đó có ghép những mảnh sứ nhỏ rất sắc và được dùng như những lưỡi cưa, có cái lớn có cái nhỏ. Và khi phải đâm vào mạch máu thì họ lấy một trong số các lông ngỗng này, lớn nhỏ tuỳ theo nhu cầu và lấy ngón tay ấn nhẹ lên trên, để mở mạch máu, mũi mảnh sứ chỉ đâm đủ theo nhu cầu mà thôi. Nhưng điều kỳ diệu hơn hết là khi đã lấy đủ máu thì họ không cần băng bó, không cần miếng gạc, không cần buộc cột gì cả: họ liếm ngón tay cái cho có nước bọt và ấn trên vết thương, làm cho da khép lại, máu ngừng tức thì và vết thương lành ngay. Được vậy tôi cho là do cách thức họ mở mạch máu với mũi sứ nhọn làm cho sạch máu bít lại và lưu thông dễ dàng.
Không nhiều nhà giải phẫu có nhiều bí quyết kỳ diệu. Tôi không muốn đưa ra chứng cớ nào khác bằng việc họ đã làm cho chính bản thân tôi và một bạn đồng sự của tôi. Tôi ngã từ một nơi cao xuống và bên chỗ có dạ dày va phải một tảng đá, tức thì tôi bắt đầu thổ ra máu và ngực tôi cũng bị đau. Thế rồi người ta cho tôi mấy liều thuốc theo cách bên Châu Au của chúng ta, nhưng tôi chẳng thấy bớt chút nào. Trong khi đó may có một thầy giải phẫu bản xứ tới, thầy lấy một thứ cỏ nào đó giống như cỏ xổ 15 làm thành một thứ cao và đắp trên dạ dày, rồi cũng sắc những thứ cỏ đó cho tôi uống, lại cho ăn sống nữa và trong mấy ngày tôi hoàn toàn hồi phục. Để thí nghiệm lại, chính tôi đập gãy chân một con gà mái ở nhiều chỗ, sau đó lấy cỏ xổ làm thành cao và đắp trên những vết chân gãy, thế là sau ít ngày nó khỏi hẳn.
Một con bọ cạp đã cắn vào cổ một bạn đồng sự của tôi và ở xứ này đây sẽ là vết tử thương. Tức thì cổ sưng vù và khi chúng tôi chuẩn bị làm phép sức dầu thì người ta mời một thầy giải phẫu tới. Thầy cho nấu tức khắc một thứ bột gạo, rồi đắp vào chân người bệnh, lấy vải quấn chung quanh cho hơi và khói nóng không bay đi. Thế là hơi bốc lên tận vết thương và người đồng sự của tôi cảm thấy bớt đau nhức, cổ bớt sưng vù và được khỏe mạnh như thể chưa bao giờ bị đau.
Người ta còn có thể thêm nhiều thí dụ tương tự, nhưng tôi chỉ nói rằng thuốc ở những miền này có hiệu lực hơn thuốc ở đây (Châu Au). Và riêng tôi, tôi có thể thêm rằng tôi đã đem theo tôi cây đại hoàng16 trong một hũ nhỏ, vốn là một thứ thuốc rất tốt. Khi tôi về tới Châu Au sau hai năm hành trình, tôi thấy cây đại hoàng của tôi đã biến chất khiến tôi không nhận ra nữa, nguyên chất mất hết công dụng khi chuyển từ những xứ đó về xứ chúng ta.
Chú thích (1) Bản Pháp văn “olivâtres” xám xanh như trái ô liu. (2) Cách thứ hai: một thứ võng? Cách thứ ba: khó tưởng tượng ra được, một thứ bục. Phải tìm hiểu cách xếp đặt trong nhà vào thế kỷ 17, nhất là miền Nam lúc đó. (3) Về y phục phụ nữ, cũng khó nhận cho rõ. Trong câu ngạn ngữ thường thấy “Mớ bảy mớ ba”, có thể nghĩ như vậy. (4) Cũng thế, y phục phái nam thời đó trong địa phương đó, như đã nói, có thể có ảnh hưởng người Chàm. (5) Một trong những điều xin Tòa thánh chuẩn là dâng Thánh lễ đội mũ như cách thức người Trung Hoa, khi tế tự bao giờ cũng đội mũ. Đức Piô V (1504-1572) làm giáo hoàng 1566-1572. Là tu sĩ dòng Đaminh và làm quan toà Inquisition trước khi ngôi toà thánh Phêrô. Ngài thực thi công đồng Trente, ban hành sách Giáo lý công đồng Trente, sửa lại sách Kinh nguyện (1568) và sách Lễ (1570). Được phong hiển thánh năm 1712. (6) Theo tục người Châu Au, đi chân không là vô lễ. (7) Thời đó, bên Châu Au, linh mục ra ngoài đường phố thì khoác thêm một áo choàng. Philipphê Bỉnh có nói tới tục này trong sách “Sổ Sang chép các việc”. (8) Nhận xét rất đúng, người Việt Nam chưa biết đóng giầy như ở Châu Au. (9) Giáo sĩ quen nếp sống bản xứ: xem thêm việc ăn cơm. (10) Theo Borri thì trong khi hội họp đình đám vẫn mỗi người một mâm (11) Tục lấy phần về (12) Thường thì lá cây chứ không phải rễ. (13) Theo lịch sự, thì cho dù mình không thích nhưng cố gắng dùng và khen cái mối thịnh tình của người ta. (14) Không phải là canh, cũng không hẳn là cháo, nhưng là thứ “potage” bằng nước thịt hay nước các thứ rau nấu chín. (15) Mercurialle, theo Đỗ Tất Lợi thì có Mercurialis indica Lour (lộc mai) thuộc loại thầu dầu, không biết có phải vậy không? (16) La rhubarbe. Đỗ Tất Lợi, sd, về cây đại hoàng, tr.468. Ở Pháp người ta làm mút với thân cây này.
Chương 6: VỀ HÀNH CHÍNH VÀ DÂN CHÍNH NƠI NGƯỜI ĐÀNG TRONG
7b
Lính Đàng Trong năm 1793
Tôi sẽ nói vắn tắt đủ để hiểu biết một cách ngắn gọn. Bởi vì nếu tôi trình bày dài dòng quá thì tôi sẽ đi xa ý tôi đã định cho tôi trong bản tường trình này. Nói chung thì việc hành chính có cái gì giống như ở Nhật và ở Tàu. Thế nhưng, người Nhật trọng nhiều về võ thuật hơn về học thuật. Trái lại người Tàu trọng nhiều về học thuật và coi thường võ thuật. Người Đàng Trong không hoàn toàn xa người Nhật và lại cũng gần người Tàu, nghĩa là ở giữa và cũng theo tinh thần của dân tộc mình, vừa trọng võ vừa chuộng văn tuỳ theo cơ hội. Do đó họ thưởng và đặt lên các chức vụ và cấp bậc trong nước, khi thì là các tiến sĩ, lúc thì là các tướng sĩ, họ chỉ định và cắt đặt lúc thì người này khi thì người kia tuỳ theo nhu cầu.
Xứ Đàng Trong có nhiều trường đại học1 trong đó các giảng viên và các cấp bậc được cất nhắc lên theo lối khoa cử, cũng như ở Tàu. Họ cũng dạy các khoa, dùng những sách và tác giả như nhau, như Khổng Tử theo kiểu nói của người Bồ. Ông là một tác giả uyên thâm, với giáo thuyết sâu sắc và có uy tín nơi họ, cũng như nơi chúng ta, chúng ta có Aristote2. Và thực ra ông kỳ cựu hơn. Sách của ông chứa đầy lý lẽ bác học, nhiều chuyện lạ, nhiều châm ngôn sâu sắc, nhiều tục ngữ và nhiều sự tương tự, tất cả đều bàn về thuần phong mỹ tục, như chúng ta có Seneca, Caton, và Ciceron 3. Phải mất nhiều năm học mới có thể đọc được các câu, các chữ, và các hình để viết. Cuốn sách họ chuộng hơn cả và họ quý trọng hơn cả là cuốn bàn về triết học luân lý gồm có đạo đức học, kinh tế học và chính trị học. Thật là thích thú khi thấy và nghe họ học trong lớp, họ đọc và lớn tiếng xướng bài như thể ca hát. Họ phải làm như thế để cho quen và tập cho mỗi lời một cung giọng riêng của nó, vì có rất nhiều, mỗi lời chỉ nhiều việc, tất cả đều khác nhau. Vì thế, để đàm thoại với họ thì cần phải biết những lý thuyết về âm nhạc và phép đối âm.
Tiếng nói thông thường thì khác với chữ viết họ dạy và họ đọc khi học và viết. Cũng như ở nơi chúng ta tiếng bình dân chung cho tất cả thì khác, còn tiếng Latinh chỉ dạy trong trường thì khác 4. Đây là điểm khác với Trung Hoa, văn nhân hay quý phái cũng chỉ có một thứ tiếng nói gọi là quan thoại, nghĩa là tiếng các tiến sĩ, quan tòa và quan cai trị.
Còn chữ viết như chữ in trong sách thì có tới tám mươi ngàn chữ tất cả đều khác nhau. Vì thế các cha dòng Tên phải mất tám và có khi mười năm để học những sách ấy trước khi trở nên tinh thông và có thể đối đáp giao thiệp với họ. Nhưng người Đàng Trong đã rút bớt rất nhiều, chỉ còn giữ lại chừng ba ngàn chữ họ thường dùng để viết văn bài, thư tín, đơn từ, ký sự và những sự khác không liên quan tới sách in, thiết yếu phải soạn bằng chữ Hán. Người Nhật còn tài giỏi hơn, mặc dầu về sách viết và sách in, họ gắng theo người Tàu, nhưng về các việc thường thức họ đã sáng chế ra bốn mươi tám chữ phối hợp với nhau để diễn đạt và trình bày tất cả những gì họ muốn, không hơn không kém gì những vần a, b, c của chúng ta.
Nhưng mặc dầu có thứ chữ này, chữ Hán vẫn rất thông dụng ở Nhật. Bốn mươi tám chữ này tuy tiện lợn hơn để diễn đạt tư tưởng, nhưng không được trọng bằng, đến nỗi người ta khinh chê coi như chữ của đàn bà.
Việc phát minh tốt đẹp và tài tình về ngành in đã được thực hiện ở Trung Hoa và Đàng Trong trước khi được biết đến ở Châu Au, mặc dầu chưa được hoàn bị. Họ không xếp chữ nhưng dùng cái đục hay dao mà khắc hay đục trên một tấm gỗ những hình thái chữ mà họ muốn in trên sách. Rồi họ trải giấy trên bàn gỗ đã khắc đã gọt và cho vào ép cũng như cách chúng ta làm ở Châu Au khi người ta in trên phiến đồng hay vật gì tương tự. Ngoài những sách chúng tôi đã nói là những luận thuyết về luân lý, họ còn có những sách khác, như họ nói, giảng về những sự thần linh như về việc sáng tạo và khởi thuỷ vũ trụ, về linh hồn, về ma quỷ thần thánh và nhiều giáo phái khác, những sách này gọi là sách kinh khác với những sách đời gọi là sách chữ 5. Chúng tôi sẽ nói về lý thuyết các đạo chúa đựng trong những sách đó ở phần thứ hai bản tường trình này, như vậy đúng chỗ của nó hơn.
Mặc dầu ngôn ngữ của người Đàng Trong cũng giống ngôn ngữ người Trung Hoa, vì cũng như người Trung Hoa, họ chỉ dùng những từ có một vần nhưng đọc và xướng lên với nhiều cung và giọng khác nhau, nhưng có sự khác biệt vì tiếng Đàng Trong phong phú hơn và dồi dào hơn về nguyên âm, vì thế dịu dàng và êm ái hơn. Họ có tài sành âm nhạc và có khả năng phân biệt các cung giọng và các dấu khác nhau 6.
Tiếng Đàng Trong, theo tôi, là một tiếng dễ hơn các tiếng bởi vì không có chia động từ, không có biến cách các danh từ 7 nhưng chỉ có một tiếng hay lời nói rồi thêm vào một phó từ hay đại từ để biết về thời quá khứ, hiện tại hay tương lai, về số ít hay số nhiều. Tóm lại là thay thế cho tất cả những biến cách và tất cả những thì, tất cả những ngôi cũng như những sự khác liên quan tới số và biến cách. Thí dụ động từ avoir trong ngôn ngữ Đàng Trong có nghĩa là có, từ này không thay đổi gì. Người ta thêm một đại từ vào là người ta có thể thay đổi cách sử dụng và như thế chúng tôi chia động từ này như sau: tôi có, anh có, nó có 8. Họ chỉ cần một đại từ mà không trực tiếp thay đổi động từ. Cũng vậy, để chỉ các thì khác nhau thì họ nói, về thì hiện tại: tôi bây giờ có, về thì quá khứ: tôi đã có; về thì vị lai: tôi hoặc sau hoặc sẽ có. Ở cả hai thí dụ trên, từ có không bao giờ thay đổi 9.
Do đó người ta dễ thấy là ngôn ngữ này rất dễ học, và thực ra trong sáu tháng chuyên cần, tôi đã học được đủ để có thể nói chuyện với họ và giải tội được nữa, tuy chưa được tinh thông lắm, vì thực ra muốn cho thật thành thạo thì phải học bốn năm trọn 10. Nhưng để bắt đầu lại câu chuyện chính của tôi, tôi đã nói rằng người Đàng Trong không những chỉ trọng các văn nhân, tán thưởng trình độ học vấn uyên thâm của họ, nâng họ lên những chức vụ cao và có thế giá, phát cho họ lương bổng hậu hĩ, mà còn rất quý trọng những người can tràng, có giá trị và giỏi giang về võ bị. Nhưng họ cai trị và khác chúng ta, họ không có tục lệ làm như ở Châu Au chúng ta. Bởi vì đáng lý ra họ ban phát cho các tướng lãnh có tài có công, như người ta thường làm nơi chúng ta, một lãnh thổ, một bá tước địa, một thái ấp hầu tước để thưởng công họ, thì họ lại thưởng bằng cách đặt dưới quyền người họ thưởng một số nhân đinh và một số nhân khẩu và lính hầu nhất định của chính nhà vua 11. Những người này ở bất cứ nơi nào trong nước đều phải nhận người được thưởng là chủ, phải phục dịch bằng binh khí, trong tất cả mọi trường hợp người này cần tới, nộp tất cả các khoản thuế mà cho người này như trước đó họ nộp cho chính nhà vua vậy.
Vì thế, thay vì chúng ta nói người này là chúa cai quản một địa điểm nào, là bá tước hay vương hầu cai trị một lãnh thổ nào thì họ lại nói người này là một nhân vật có năm trăm đinh, người kia có một ngàn đinh, chúa cứ tăng số đinh cho người này, người khác một ngàn, hai ngàn là tăng thêm quyền, thêm thế giá, thêm nguồn lợi và tăng thêm của cải cho họ khi cho họ thêm lính hầu mới. Về các cuộc chiến tranh của họ, tôi sẽ nói ở chương sau. Còn ở đây, tôi phải nói về một việc đáng được biết, có liên quan tới dân chính. Thứ nhất họ xét xử các sự việc rất nhanh chóng, như người ta thường làm trong quân đội và như người ta thường nói “trong thời chiến” (more belli), chứ không kéo dài nơi tòa án qua đường lối các quan tòa, các công chứng viên, các biện lý với tất cả tờ bồi, thủ tục. Các vị khâm sai và các quan trấn thủ các tỉnh làm hết các chức vụ đó. Các ông ngồi tòa mỗi ngày bốn giờ liền, trong một cái sân đẹp và rộng, ngay giữa tư dinh của mình, hai giờ buổi sáng và hai giờ buổi chiều.
Những ai tranh tụng thì tới đó, trình bày khiếu nại và tố tụng. Vị khâm sai hay quan trấn thủ tự vào cửa sổ mà nghe người này người kia lần lượt trình bày, kêu cả. Thường thì các quan này là những người có óc phán đoán ngay thẳng, biết nghe và có kinh nghiệm trong các vụ tố tụng. Các ngài tra hỏi hai bên một cách xác đáng, nhất là để ý tới ý kiến của người phụ tá. Rồi hội ý với nhau, chấp nhận cho bên nguyên hay bên bị, nên họ dễ dàng nhận ra sự thực của vụ việc và tức thì không trì hoãn, họ lên tiếng công bố án xử và người ta tức khắc cho thi hành không khiếu nại hay hình thức tố tụng nào khác nữa, hoặc là án tử hình hoặc là án phát vãng hay phạt trượng, phạt tiền: các ngài lên án phạt tội mỗi người theo hình phạt luật định.
Các trọng tội thông thường phải thú nhận và bị phạt nặng thì rất nhiều. Nhưng người ta trừng phạt nghiêm khắc nhất những kẻ gian dối, trộm cướp và ngoại tình. Khi hạng thứ nhất thú nhận là đã vu cáo một người về một trọng tội mà người đó không phạm thì sẽ bị phát rất ngặt, nghĩa là chịu hình phạt đáng lý ra người kia phải chịu nếu thực sự đã phạm cái tội người ta tố cáo. Nếu trọng tội người ta cáo gian đáng phải tử hình thì người cáo gian này sẽ phải xử tử. Và thực tế cho thấy cách xử này là cách tốt nhất để biết đích xác sự thực. Còn kẻ trộm cướp thì bị phạt chiếu theo của ăn trộm, ăn cướp, nếu chúng lấy một của gì quan trọng thì phải chém đầu, nếu là của không đáng giá bao nhiêu, thí dụ một con gà, thì bị chặt ngón tay nếu là lần thứ nhất, nếu còn tái phạm thì bị chặt ngón khác, nếu bị bắt lần thứ ba thì bị cắt tai, lần thứ tư thì bị cắt cổ.
Kẻ ngoại tình, phái nam cũng như phái nữ bất kể, sẽ bị trừng phạt về trọng tội của họ bằng cách để cho voi giày theo cách thức như sau. Người ta dẫn phạm nhân ra khỏi thành tới một thửa ruộng và trước mặt rất đông người đến coi, người ta đặt thủ phạm ở giữa, tay chân bị trói, ở ngay cạnh con voi. Rồi người ta tuyên án phạt kẻ sắp bị xử và thi hành án xử theo từng điểm một. Trước hết voi dùng vòi quấn, rồi nắm và ép chặt tội nhân và nâng tội nhân lên cao, đưa ra cho mọi người trông thấy, rồi tung lên cao và đón tội nhân rớt xuống trúng ngà. Tội nhân từ cao rớt xuống và vì nặng nên cắm sâu vào ngà, tức thì voi hất người đó xuống đất rồi dẫm chân lên và đạp cho tan nát. Voi làm việc này mà không bỏ sót một điểm nào làm cho mọi người có mặt sửng sốt và sợ hãi. Vì chứng kiến hình phạt kẻ khác chịu mà mọi người phải giữ trung thành trong đạo vợ chồng.
Không phải ngoài đề vì chúng tôi vừa nhắc tới hôn nhân, nếu chúng tôi kể qua ở đây mấy đặc điểm riêng biệt để kết thúc chương này. Không bao giờ thấy người Đàng Trong, tuy còn là lương dân, lại kết hôn trong những bậc bị luật Thiên Chúa và luật tự nhiên cấm đoán, rất ít trong bậc thứ nhất thuộc hàng ngang giữa anh chị em họ 12. Những cấp bậc khác được phép thì ai cũng được, miễn là chỉ có một vợ. Thực ra, những người giàu có, càng có thế giá và có của thì họ có tục lấy nhiều vợ mọn. Họ còn cho là biển lận và keo kiệt nhựng ai không cưới nhiều vợ khi mình có đủ tiền của để dễ dàng làm việc này.
Những vợ mọn được gọi bà hai, bà ba, bà tư tuỳ theo thứ tự mỗi người. Tất cả đều là nàng hầu của bà vợ cả. Bà này được trọng nể là vợ đích thực, vợ chính thức. Chính bà vợ này chọn các nàng hầu tuỳ theo ý mình và cưới về cho chồng. Hôn nhân của họ không bền chặt vì luật xứ Đàng Trong cho phép li dị, tuy không phải chỉ để tuỳ ý và tuỳ thích của bên này hay bên kia. Để ly dị, điều cần thiết phải làm trước tiên là chứng tỏ được tại sao mình xin ly dị, vì có nhiều tội nặng tỏ tường, nếu có tội thật thì được xin ly dị và lấy người khác. Vì chồng quản lý tài sản của vợ nên họ cũng bỏ nhà mình đến ở nhà vợ mới. Họ được vợ nuôi, vợ lo cho hết các việc trong nhà, còn chồng ở trong gia đình chẳng làm gì, không vất vả gì và nếu chỉ có một vài đồng thi họ cũng bằng lòng vì được mọi sự cần dùng về ăn uống và ăn mặc.
Chú thích (1) Nhưng thực ra có hoàn toàn như Borri nói không? Ở Đàng Trong, nhà Nguyễn cũng bắt chước Đàng Ngoài mở các khoa thi. (2) Aristote nhà triết học thời danh Hy Lạp thế kỷ 4 tr.c.n. (3) Các văn sĩ Latinh, Roma; Seneca thế kỷ 1 s.c.n, Caton thế kỷ 3-2 tr.c.n, Ciceron nhà hùng biện đại tài thế kỷ 1 tr.c.n. (4) Thời đó người ta còn dùng Latinh để giảng dạy ở các trường đại học, còn tiếng mẹ đẻ thì mới manh nha. (5) Kinh là kinh điển như Tứ thư, Ngũ kinh, còn sách là sách viết thông dụng không thuộc kinh điển. (6) Hoa ngữ có năm thanh, còn Việt ngữ có sáu thanh. (7) Chia động từ: conjugaison, biến cách: déclinaison, trong La ngữ. (8) Động từ tiếng Pháp avoir (có) j’ai (tôi có), tu as (anh có), il a (nó có), nous avons (chúng tôi có), vous avez (các anh có), ils ont (chúng nó có). (9) Một động từ avoir có thể thay đổi hình dạng rất nhiều tuỳ theo khi nói về hiện tại, quá khứ, tương lai, nghi vấn, truyền khiến v.v… (10) Borri thú nhận, tuy biết tiếng Việt, nhưng chưa đủ để giảng dạy giáo lý cho chu đáo. (11) Ở Châu Au nhà vua ban bổng lộc cho công hầu bá tước bằng đất đai thuộc quyền sở hữu của họ và họ có thể truyền lại cho con cháu. Ở Việt Nam, họ chỉ được lợi tức, nghĩa là thay mặt vua thu thuế các hộ, hoặc một trăm hoặc một nghìn hay hơn nữa. Họ không có quyền để lại cho con cháu, nhà vua vẫn giữ quyền sở hữu. (12) Thường gọi là anh em thúc bá.
Chương 7: LỰC LƯỢNG CỦA CHÚA ĐÀNG TRONG
barrow4.jpg
Như đã nói ở đầu bản ký sự này là Đàng Trong trước kia là một tỉnh tách rời khỏi xứ Đàng Ngoài. Cụ cố 1 của chúa đương thời đã vô cớ chiếm đoạt, lập nhà nước và phản nghịch cùng chúa Đàng Ngoài. Rồi họ trở nên mạnh dạn hơn khi được cung cấp trong một thời gian rất ngắn, nhiều thứ súng lớn tịch thu và lượm nhặt được do tàu và thuyền chiến bị đắm trôi dạt vào bờ biển: thực ra tàu người Bồ cũng như người Hòa Lan 2 thường đâm vào cồn đá và người bản xứ vớt được như ngày nay có thấy.
Nguyên trong phủ chúa cũng có tới sáu mươi cỗ và có những cỗ rất lớn. Ngừơi Đàng Trong tinh xảo và có kinh nghiệm sử dụng, họ vượt cả người Châu Au đến nỗi họ chẳng làm gì khác mà chỉ ngày ngày bắn đạn giả và rất lấy làm hãnh diện. Vì thế họ tự cho là có thế lực đến nỗi vừa thấy những chiếc tàu của Châu Au chúng ta cập bến của họ thì liền bắn súng để thách thức, nhưng người của chúng ta biết rằng súng của họ chẳng địch lại được súng của chúng ta, nên người của chúng ta hết sức tránh né tầm bắn. Người của chúng ta biết rằng theo kinh nghiệm, ta có thể chắc chắn bắn vào chỗ nào ta muốn với súng của mình, còn họ với súng hỏa mai là một thứ gậy thì không nhằm bắn trúng được.
Điều giúp chúa rất đắc lực trong cuộc dấy binh chống chúa Đàng Ngoài, đó là ngài có một trăm thuyền chiến và hơn nữa, chúa rất mạnh về đường biển, như đã mạnh về đường bộ vì có súng ống. Thế là chúa dễ dàng thi hành ý đồ và âm mưu chống chúa Đàng Ngoài là chủ mình. Việc họ buôn bán thường xuyên với người Nhật đã đem lại cho chúa rất nhiều đao hay gươm đao theo kiểu Nhật Bản, với nước thép rất tốt. Trong nước còn có rất nhiều ngựa, tuy thấp bé hơn, nhưng rất tốt và rất can đảm, dùng để cưỡi và bắn nỏ, hằng ngày không ngớt thao luyện. Thế lực của chúa rất mạnh đến nỗi khi ngài muốn, ngài có thể cho tuyển ngay được tám mươi ngàn quân binh chiến đấu. Với tất cả lực lượng này ngài vẫn còn sợ chúa Đàng Ngoài vốn có lực lượng lớn hơn gấp bốn lần. Vì thế, để có sự thỏa hiệp và giao hảo tột thì chúa nhận triều cống về những gì vương quốc của ngài có thể có cho xứ Đàng Ngoài, nhất là vàng, bạc, lúa gạo, cung cấp ván và gỗ để đóng thuyền chiến. Về binh pháp và cách cai trị trong chinh chiến thì cũng gần như ở Châu Au. Họ cũng giữ các luật lệ để huấn luyện binh lực, đánh du kích, tấn công và rút quân.
Ngoài ra chúa còn chuẩn bị vũ khí liên tục và mộ binh giúp vua Campuchia, cung cấp cho vua này thuyền chiến và quân binh để cầm cự với vua Xiêm. Vì thế mà vũ khí của Đàng Trong đã lừng danh và nổi tiếng khắp các nơi qua đường biển cũng như đường bộ. Ngoài biển họ chiến đấu trên thuyền như đã nói, mỗi thuyền có súng đại bác và nhiều súng musqueton. Và người ta sẽ không lấy làm lạ khi biết chúa Đàng Trong luôn luôn có tới một trăm thuyền chiến có đủ súng ống và nghiêm chỉnh nghênh chiến khi người ta biết những thứ này đuợc thành lập như thế nào.
Cần phải biết rằng người Đàng Trong không có lệ dùng những phạm nhân hay người bị án khổ sai để chèo thuyền 3. Khi họ cần người để chiến đấu trên biển hay để làm một việc gì đó thì tức khắc họ có thể tuyển mộ ngay được đủ số theo cách thứ sau đây: Họ ngấm ngầm phái đội trưởng và uỷ viên lúc không ai ngờ rảo khắp xứ đem lệnh chúa bắt ngay lập tức tất cả những trai tráng có sức cầm tay chèo và dẫn cả tới thuyền, không đếm xỉa tới con nhà sang hay người có thế giá, bởi vì không ai được miễn. Việc này thực ra không khó khăn gì như lúc đầu người ta tưởng, vì thứ nhất họ được đối xử tốt trong thuyền cũng như bất cứ nơi nào khác và được trả lương cao. Hơn nữa, vợ con họ và cả gia quyến họ đều được chúa cung cấp hết tất cả những gì họ cần, tuỳ theo cấp bậc, thanh thế, trong suốt thời gian chồng họ vắng nhà. Và những người này không phải chỉ được dùng để chèo mà còn chiến đấu khi cần và họ chiến đấu rất anh dũng. Để làm việc này, người ta trao cho mỗi người một súng hỏa mai hay musqueton với đạn, dao hay mã tấu. Người Đàng Trong không giả đò, họ rất hăng hái và dũng cảm, với mái chèo, súng và dao, họ can đảm tấn công và trong hỗn chiến, họ tỏ rõ lòng dũng cảm hiếm có của họ. Thuyền chiến của họ không lớn cũng không đặc biệt rộng như của ta, nhưng rất lẹ và được trang trí vàng bạc trông rất ngoạn mục. Đặc biệt mũi thuyền vốn được coi là chỗ trọng vọng nhất thì toàn bằng vàng. Đó là chỗ của thuyền trưởng và của những người có chức vị cao, và lý do là vì người thuyền trưởng luôn luôn phải là người đầu tiên xuất trận, thế cho nên rất hợp lý, vì mục đích đó mà ông đứng ở đằng đầu và ở chỗ nguy hiểm nhất trong chiếc thuyền.
Trong số những vũ khí tự vệ dùng trong trận chiến thì có những chiếc khiên nhỏ hình bầu dục, hoàn toàn rỗng, cao, có thể dễ dàng chắn cả thân người và rất nhẹ, dễ cầm và không hề vướng víu bận bịu chút nào. Cũng rất có ích cho việc bảo vệ thành trì ở xứ này, đó là cách thức họ dựng nhà chỉ toàn bằng ván và trên cột gỗ như chúng tôi đã nói. Nếu quân địch hùng mạnh kéo tới và họ không muốn chống cự, lúc đó mỗi người đem theo nồi niêu bát đũa và trốn lên núi, sau khi châm lửa đốt nhà và chỉ để lại không gì khác ngoài đống tro tàn. Quân địch không thể tìm ra được thứ gì để ăn và sinh sống nên họ phải rút quân về, và họ trở về dựng lại những căn nhà khác trong một thời gian rất ngắn và khôi phục lại thành phố như trước.
Chú thích (1) Ông cố, chỉ Nguyễn Kim. (2) Coi Pierre Yves Manguin, Les Portugais sur les côtes du Viet Nam de du Campa EFEO, 1972. Tác giả chứng minh cụ thể là vào thế kỷ 16-17 thương gia người Bồ, Hà Lan thường đi dọc bờ biển Đàng Trong, rồi chiếu thẳng đi Macao hay Nhật Bản, ít khi lên tới Đàng Ngoài. Vì thế trong một thời gian, chưa ai để ý tới xứ Bắc. (3) Bên Châu Au người ta dùng tù binh khổ sai để chèo thuyền, vì thế nói đến galères là nói hình khổ nhục nhã, trái với Việt Nam, chèo thuyền chiến là việc của quân binh thiện nghệ.

Chương 8: VỀ THƯƠNG MẠI VÀ CÁC HẢI CẢNG Ở XỨ ĐÀNG TRONG
khubuonban-hoian1234.jpg
Xứ Đàng Trong có rất nhiều thứ thuận lợi cho sinh hoạt con người như chúng tôi đã nói trước đây. Vì thế mà dân xứ này không ưa và không có khuynh hướng đi đến các nơi khác để buôn bán, cũng như không bao giờ ra khơi quá xa đến độ không còn trông thấy bờ biển và lãnh thổ của tổ quốc yêu quý của họ 1, mặc dầu họ dễ dàng cho người ngoại quốc vào hải cảng của họ và họ thích thú thấy người ta tới buôn bán trong lãnh thổ của họ, không những từ những nước và tỉnh lân cận mà từ cả những xứ rất xa. Về vấn đề này, họ không cần phải dùng những mánh lới gì lớn, người ngoại quốc đủ bị quyến rũ bởi đất đai phì nhiêu và thèm muốn những của cải tràn đầy trong xứ họ. Không những người xứ Đàng Ngoài, xứ Campuchia và Phúc Kiến và mấy xứ lân cận đến buôn bán, mà mỗi ngày người ta còn thấy các thương gia đến từ những miền đất xa xôi như Trung Quốc, Macao, Nhật Bản, Manila và Malacca. Tất cả đều đem bạc tới xứ Đàng Trong để đem hàng hóa xứ này về. Thực ra không phải là mua hàng hóa mà là trao đổi với cùng một thứ bạc kể như hàng hóa, lúc cao lúc hạ tuỳ theo có nhiều hay có ít bạc, tuỳ theo có nhiều hay ít tơ lụa và những mặt hàng khác.
Tiền dùng để mua mọi thứ là thứ tiền bằng đồng và tất cả đều có giá trị bằng gần một đồng “double” và năm xu của đồng này thì bằng một “êcu”. Đồng tiền này rất tròn, có khắc con dấu và biểu hiệu nhà vua. Mỗi đồng đều có lỗ ở giữa để xâu thành từng nghìn đồng, mỗi chuỗi hay mỗi dây giá bằng hai “êcu”.
Người Tàu và người Nhật là những người làm thương mại chính yếu ở xứ Đàng Trong tại một chợ phiên họp hàng năm ở một hải cảng và kéo dài tới chừng bốn tháng. Người Nhật chở trên thuyền của họ giá trị bằng bốn hay năm triệu bạc, còn người Tàu chở trong tàu họ gọi là “somes” 2, rất nhiều thứ lụa mịn và nhiều hàng hóa khác của xứ họ. Chúa thu được lợi nhuận lớn trong việc buôn bán này bằng thuế hàng hóa và thuế hải khẩu ngài đặt ra và cả nước đều kiểm tra được rất nhiều mối lợi không thể tả hết. Vì người Đàng Trong không có đồ kỹ nghệ và thủ công nào, không biết kỹ thuật cơ giới, vì đất đai phì nhiêu và thổ sản dồi dào nên họ ăn không ngồi rồi, và mặt khác họ dễ dàng chuộc những của lạ từ các nơi khác đưa tới, nên họ rất hám và chạy theo mua cho bằng được với bất cứ giá nào. Họ không biết tiết kiệm tiền khi sắm những thứ thực ra chẳng đáng giá bao nhiêu, tỉ như bàn chải, kim khâu, vòng tay, hoa tai bằng thuỷ tinh và những hàng lặt vặt. Tôi nhớ có một người Bồ đem từ Macao tới Đàng Trong một lọ đầy kim khâu, tất cả chỉ giá hơn ba mươi “ducat”, nhưng đã được lời tới hơn một ngàn, vì ông ta bán mỗi chiếc một đồng “rêal” ở xứ Đàng Trong, trong khi ở Macao ông ta mua không tới một “double”. Sau cùng họ tranh nhau mua tất cả những gì họ thấy miễn đó là đồ mới lạ và từ xa tới, họ tiêu tiền một cách dễ dàng. Họ ham chuộng tất cả các mặt hàng mũ nón, mũ bonnet, thắt lưng, áo sơ mi và tất cả các loại áo của chúng ta vì rất khác các đồ vật của họ. Nhưng họ thích san hô nhất.
Còn về hải cảng thì thật là lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm một chút mà người ta đếm được hơn sáu mươi cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền. Là vì ở ven bờ có rất nhiều nhánh biển lớn. Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam 3. Người ta cập bến bằng hai cửa biển: một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Pulluciambello (Hội An). Các cửa biển cách nhau chừng ba hay bốn dặm, kế đó biển chia thành hai nhánh đi sâu vào đất liền chừng bảy hay tám dặm, làm thành như hai co sông luôn tách rời nhau để rồi cuối cùng gặp nhau và đổ vào một con sông lớn. Tàu bè từ hai phía tới cũng đi vào con sông này4.
Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán như chúng tôi đã nói. Thành phố này gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng, và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu và người Nhật cũng vậy.
Hơn nữa, chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ. Vì thế người Bồ ở Macao mới có ý định sai một sứ giả tới chúa để nhân danh mọi người khẩn khoản chúa trục xuất người Hà Lan là địch thù của họ. Để làm việc này, họ dùng một thuyền trưởng tên là Ferdinand de Costa. Ông này đã thành công, dĩ nhiên với nhiều khó khăn. Ông đã làm cho chúa ra sắc lệnh cấm người Hà Lan tới gần lãnh thổ ngài, nếu không nghe thì nguy tới tính mạng. Nhưng vì người Bồ ở Macao sợ sắc lệnh đó không được tuân thủ nghiêm chỉnh, nên họ lại sai một phái đoàn mới tới Đàng Trong, để nắm chắc lệnh cấm đó. Họ cũng căn dặn đoàn đại biểu phải làm cho chúa hiểu là, vì ích lợi của ngài và nếu ngài không cẩn thận thì e rằng, với thời gian người Hà Lan vốn rất khéo léo và rất quỷ quyệt, sẽ dám xâm chiếm một phần xứ Đàng Trong như chúng đã làm ở mấy nơi trong nước An Độ. Nhưng có mấy người am hiểu tình hình xứ này bàn là không nên nói thế với chúa, nhưng cách thế đích thực phải dùng là cho phép người Hà Lan tới buôn bán trong xứ và mời cả nước Hà Lan tới nữa. Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới. Thật là hoàn toàn trái ngược với vua Trung Hoa, ông này sợ tất cả, đóng cửa không cho người ngoại quốc vào và không cho phép buôn bán trong nước ông. Các sứ giả phải nại nhiều lý do mới được như ý sở cầu.
Chúa Đàng Trong tỏ ra thích để cho người Bồ đến buôn bán ở nước ngài một cách lạ lùng. Và đã mấy lần ngài cho họ ba hay bốn địa điểm ở nơi phì nhiêu nhất và phong phú nhất trong vùng hải cảng Đà Nẵng, để họ xây cất một thành phố, với tất cả những gì cần thiết, cũng như người Tàu và người Nhật đã làm. Và tôi mạn phép nói lên cảm tưởng về việc này với hoàng đế công giáo 5, tôi xin nói rằng ngài nên ra lệnh cho người Bồ nhận lời đề nghị rất lịch thiệp chúa Đàng Trong đã đưa ra và sớm xây cất ở đó một thành phố tốt đẹp, làm nơi an toàn và cư trú, lại dùng để nhanh chóng bảo vệ hết các thuyền tàu đi Trung Quốc. Cũng có thể giữ một hạm đội sẵn sàng chống lại người Hà Lan. Họ đi Tàu hay đi Nhật, dù muốn dù không, họ bó buộc phải qua giữa eo biển nằm trong bờ biển xứ này thuộc về các hoàng tử trấn thủ Phú Yên và Quy Nhơn với những quần đảo Chàm.
Đó là một ít điều tôi tưởng là nên tường thuật một cách chính xác về tình hình vật chất ở xứ Đàng Trong, theo sự hiểu biết của tôi, trong thời gian mấy năm tôi ở đó 6 như sẽ biết nhiều hơn trong phần thứ hai của bản tường trình này.
Chú thích (1) Trong Lịch sử Đàng Ngoài, De Rhodes nói rõ hơn tại sao người Việt Nam không thành thạo ngành hàng hải, mặc dầu có nhiều bờ biển và nhiều hải cảng tốt, xem sd. ch.16, phần 1. (2) Thuyền mành hay thuyền tam bản? (3) Hội An (4) Hội An ở phía bắc sông Thu Bồn, gần cửa sông Cửa Đại. Hàng từ sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện, sông Trường Giang chuyển đến cũng dễ dàng. (5) Các vua Bồ, Tây, Pháp thời đó thường xưng mình là các vua hay hoàng đế công giáo (les rois catholiques).

Chương 9: QUAN TRẤN THỦ QUY NHƠN ĐƯA CÁC CHA DÒNG ĐẾN TỈNH ÔNG CAI QUẢN VÀ CHO DỰNG MỘT TRÚ SỞ VÀ MỘT NHÀ THỜ CHO CÁC CHA
Quan_doi_Gia_Long.jpg
Cha Buzomi, cha De Pina và tôi, chúng tôi bỏ Hội An để đi Quy Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế. Ông luôn luôn để chúng tôi ở cùng nhà với ông và đối xử với chúng tôi một cách rất đặc biệt. Thực ra chúng tôi chẳng có thế giá gì về mặt con người bắt buộc ông phải xử như thế.
Ông dành một chiếc thuyền để phục dịch riêng cho một mình chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến 1. Thường thì các hải cảng đều ở cạnh các thành phố đẹp nhất thuộc tỉnh Quảng Nghĩa. Nơi đây ông có quyền như ở Quy Nhơn, mọi người đều ra đón, chúc mừng và tỏ lòng quy phục ông với rất nhiều lễ vật quý và chúng tôi cũng là những người thứ nhất được dự phần, do lệnh quan trấn thủ vì ông muốn thế. Mọi người đều lấy làm lạ khi thấy chúng tôi được trọng đãi và vì thế người ta quý mến chúng tôi, có thịnh tình với chúng tôi. Và đó cũng chính là điều quan trấn thủ muốn, ông cũng nghe theo lời chúng tôi thỉnh cầu trong rất nhiều trường hợp phải xử trị một trọng tội nào đó. Chúng tôi chưa kịp mở miệng xin ân xá thì ông đã bằng lòng ban ngay rồi. Do đó chúng tôi được nổi tiếng, có thế giá không kém quan trấn thủ. Thấy chúng tôi có lòng bác ái và thương xót hết mọi người nên mọi người đều quý mến và tìm đến chúng tôi.
Ngoài ra ông muốn trong suốt cuộc hành trình người ta đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi là những quan lớn, tới đâu ông cũng cho tổ chức trò chơi và hội hè cho dân chúng, khi thì cho đấu chiến thuyền, lúc thì cho đua thuyền, đặt giải thưởng cho thuyền nào thắng cuộc. Không ngày nào ông không thân chinh sang thuyền chúng tôi. Ông rất thích trao đổi với chúng tôi, nhất là khi chúng tôi nói về sự cứu rỗi đời đời và về đức tin đạo thánh của chúng tôi. Cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Quy Nhơn. Nhưng chúng tôi còn phải đi mấy ngày đường nữa mới về được tới dinh quan trấn thủ. Ông muốn cho chúng tôi đi đường bộ để được thoải mái và vui thú.
Thế là ông truyền đưa bảy cỗ voi tới, tất cả đều đã sẵn sàng. Ông còn muốn dành cho chúng tôi cái danh dự đặc biệt là mỗi người chúng tôi có riêng một cỗ voi, kèm theo một trăm người, một phần đi bộ, một phần đi ngựa. Vì cuộc hành trình này chỉ là để tiêu khiển, nên chúng tôi đi mất tám ngày, tới đâu cũng được tiếp đón và đối xử như một ông hoàng, nhất là ở nhà một bà chị của ông, người ta tiếp chúng tôi rất long trọng trong một bữa tiệc rất linh đình. Không những vì có rất nhiều món khác nhau, mà còn vì có nhiều cách nấu nướng đặc biệt và nhiều thứ thịt thà, dọn theo bếp Châu Au 2 của chúng tôi, mặc dầu cả quan trấn thủ, cả mọi người trong nhà đều không dùng được.
Rồi sau cùng, chúng tôi tới tư dinh. Sau tất cả những cuộc vui và cỗ bàn trong cuộc hành trình, chúng tôi được tiếp đón một cách rất trịnh trọng và đặc biệt thường chỉ dành cho các ông hoàng bà chúa. Tám ngày tiệc tùng liên tiếp và cỗ bàn linh đình, ông còn để chúng tôi ngồi ngai của chúa. Chính ông, bà vợ và con cái ông săn sóc chúng tôi, ăn chung với chúng tôi, làm cho cả dinh đều bỡ ngỡ. Ai cũng đồng thanh quả quyết rằng người ta chỉ dành những danh dự này cho bản thân các chúa mà thôi. Đó là cơ hội cho mấy người nói và đồn thổi khắp xứ này rằng chúng tôi là những bậc đế vương tới xứ này để bàn những việc rất quan trọng. Nghe lời đồn đó, quan trấn thủ rất lấy làm hài lòng và tuyên bố trong cuộc họp chung các quan trong phủ rằng: thật ra các cha là con vua con chúa, tức là các thiên sứ đến những vùng đất này, không phải vì thiếu thốn hay cần thiết thứ gì, vì ở nước các cha không thiếu gì, trái lại, mọi của cải đều dư dật, nhưng chỉ vì các cha hăm hở sốt sắng cứu vớt các linh hồn.
Viên quan đức độ này, khi hoàn toàn còn là lương dân, đã là người rao giảng Phúc âm. Ông làm cho mọi người nghe ông thì đều kính phục ông, nhất là ở bất cứ nơi nào người ta cũng coi ông là một người rất mực thông thái.
Tám ngày qua đi, chúng tôi cho ông biết là chúng tôi thích ở trong thành để dễ bề rao giảng Phúc âm hơn, còn nếu ở trong tư dinh thì không dễ dàng cho công việc chúng tôi, vì ở xa tỉnh chừng một dạm rưỡi, trong miền thôn quê, theo kiểu ở đây. Quan trấn đã vui lòng giữ chúng tôi ở lại với ông vì rất quý chuộng chúng tôi, và ông đã buồn phiền khi phải xa chúng tôi: thế nhưng vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn. Ông còn thêm, trong tư dinh của ông có tới hơn một trăm nhà, chúng tôi có thể chọn một nhà nào xứng đáng nhất để làm nhà thờ và chúng tôi cứ cho ông biết thì tức khắc ông sẽ định liệu cho đủ sự cần thiết. Chúng tôi khiêm tốn cảm tạ ông về tất cả những ơn huệ ông đã ban cho chúng tôi trong cuộc hành trình và những việc ông vẫn còn tiếp tục làm cho chúng tôi, và sau khi từ biệt, chúng tôi leo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tuỳ tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi. Ở đây chúng tôi cũng được tiếp đãi với tất cả sự sang trọng, quan trấn đã truyền phải dành cho chúng tôi. Nhưng vì không chịu được vắng mặt lâu hơn, ngay ngày hôm sau, ông thân hành đến thăm chúng tôi và kiểm tra xem người ta có sửa soạn nhà chúng tôi tươm tất và thuận tiện không. Ông còn nói với chúng tôi rằng chúng tôi là người ngoại quốc không có nhiều tiền bạc, không có nhiều của cải, không có đủ sự cần dùng, nên ông nhận cung cấp cho chúng tôi mọi sự cần thiết.
Thế là ông truyền mỗi tháng người ta đem đến cho chúng tôi một món tiền khá lớn và mỗi ngày người ta đưa tới nào là thịt thà, cá mú, thóc gạo, không phải chỉ đủ cho chúng tôi mà còn cho các người thông ngôn và người làm nữa. Không chỉ có thế, ngày nào ông cũng gửi cho chúng tôi quà bánh, rất đầy đủ, không kể các đồ vật khác để bồi dưỡng chúng tôi một cách hậu hĩ. Để tỏ lòng trọng kính chúng tôi và tạo uy tín cho chúng tôi trước mọi người, một ngày nọ, ông mở một phiên tòa ngay trong sân nhà chúng tôi, theo cách thức được thực hiện ở Đàng Trong như chúng tôi đã nói. Trong phiên tòa này, ông phải xử mấy người phạm trọng tội, mỗi người đều được xử theo tính chất của tội phạm. Trong số các phạm nhân có hai người bị xử tử bằng vũ khí và phải chịu hình tên bắn. Nhưng trong khi người ta trói các người này thì chúng tôi can thiệp để xin ân xá cho họ. Ông liền tha ngay và truyền cho cởi dây trói tức thì. Ông tuyên bố lớn tiếng là chưa bao giờ ông ban ân xá này cho một người nào cả. Nhưng vì những vị nhân đức này, ta không thể khước từ được.
Rồi quay về phía chúng tôi, ông giục chúng tôi quyết định về nơi chúng tôi thấy thuận tiện để dựng một nhà thờ. Chúng tôi liền chỉ cho ông thấy một địa điểm chúng tôi cho là rất hợp và rất tiện để làm việc đó. Ông chấp thuận ngay, rồi ông trở về tư dinh ở ngoài thành phố. Ba ngày sau, người ta đến cho chúng tôi biết là nhà thờ đã được đem đến. Được tin đó chúng tôi rất vui mừng và sung sướng, chúng tôi ra khỏi nhà, hăm hở tới coi sự lạ lùng này, chúng tôi cũng muốn biết xem nhà thờ có thể đem đến bằng cách nào.
Chúng tôi biết là nhà thờ phải được làm bằng ván lắp, theo họa đồ đã vẽ. Chúng tôi cũng được biết là tòa nhà này rất lớn và rất cao, phải được đặt trên những cột cao và lớn. Tức thì chúng tôi phát hiện ra trong cánh đồng một đạo quân trên một nghìn người khuân vác các bộ phận của nhà thờ. Mỗi cột có ba mươi người lực lưỡng và khoẻ mạnh nhất khênh. Còn những người khác thì vác xà, người khênh ván, người khênh nóc, kẻ mang sàn, người khuân cái này kẻ mang cái khác. Tất cả đều trật tự mang đến, mỗi người một bộ phận. Sân nhà chúng tôi chật ních người. Chúng tôi niềm nở đón tiếp họ với niềm hân hoan các bạn có thể nghĩ được là như thế nào. Chỉ có một điều làm cho chúng tôi buồn phiền là trong nhà không có gì để ít ra cho họ ăn qua loa. Đám người rất đông này tuy được quan trấn trả công hậu hĩ nhưng chúng tôi cũng thấy xấu hổ và bẽ mặt nếu để họ ra đi mà không cho họ chút gì lót dạ.
Nhưng chúng tôi không phải lo lắng lâu khi thấy mỗi người ngồi trên đồ vật người ta căn dặn phải kỹ càng giữ lấy và khi đã sẵn sàng họ mở khăn gói ra, trong đó có tất cả dụng cụ nhà bếp gồm có nồi, thịt, cơm và cá. Họ nhóm lửa và tự nấu nướng lấy. Không ồn áo. Không xin xỏ gì. khi họ ăn xong thì một người chủ thầu lấy dây đo địa điểm, đo khoảng giữa hai cột, rồi ông cho gọi người đem tới dựng vào chỗ. Sau đó ông gọi tất cả lần lượt khuân các bộ phận khác tới và mỗi người đem lắp xong là ra về ngay. Cứ thế, tất cả đều làm việc trong trật tự không nhầm lẫn. Ai cũng làm đúng cách thức, và tất cả khối lớn lao đó được dựng nội nhật trong một ngày, làm cho chúng tôi rất mực sung sướng. Nhưng hoặc là vì người ta làm quá vội vã, hoặc là vì người lắp đặt không cẩn thận nên ngôi nhà không đứng thẳng lắm, trái lại hơi nghiêng một chút. Người ta kể cho quan trấn biết, thế là ông cho gọi kiến trúc sư tới và truyền cho phải làm lại ngay, nếu không sẽ bị cắt gân chân và phải gọi tất cả ngần ấy thợ trở lại để làm cho xong. Kiến trúc sư tuân lệnh và cho dỡ hết, rồi với tất cả khéo léo và thận trọng hơn, ông cho làm lại thật đúng và trong không bao lâu công việc đã hoàn thành.
Để biết rõ về quan trấn đạo hạnh đã tận tâm lo việc của chúng tôi và rất quý trọng công việc đó, thì tôi sẽ kể một việc rất đặc biệt để kết thúc chương này. Số là có những làn gió nồm rất nồng nực thường nổi lên và thổi liên tục vào các tháng sáu, bảy và tám gây nên một sức nóng bức lạ lùng làm cháy, làm khô héo và thiêu huỷ nhà cửa vì chỉ làm bằng gỗ. Do đó chỉ một tia lửa nhỏ vì vô ý hay do cách nào khác rơi vào thì cũng có thể làm lửa bốc lên ngay lập tức như châm diêm đốt vậy. Vì thế, thường xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn lớn ở khắp lãnh thổ trong ba tháng đó. Một khi lửa đã bén vào một nhà thì trong nháy mắt ngọn lửa từ nhà này sẽ lan sang hết các nhà khác, lần lượt thẳng tắp theo hướng gió thổi và biến tất cả thành tro một cách thảm hại. Để tránh nguy cơ này, nhất là tránh cho nhà thờ chúng tôi ở ngay giữa thành phố và cũng để cho người ta biết chúng tôi được quan trên quý trọng đến mức nào, ông ra sắc lệnh bắt tất cả các nhà ở cùng hàng với nhà chúng tôi, theo hướng luồng gió nóng thổi, phải dỡ mái xuống trong hai tháng đó. Và số nhà phải để trống mái đó nhiều đến độ có thể chiếm một khoảng rộng ít là hai dặm Ý. Và ông đã chủ ý ra lệnh như vậy để nếu lửa bén vào một nhà nào trong những nhà ấy thì dễ ngăn cản không cho nó bén sang nhà chúng tôi. Mọi người đều nghiêm chỉnh thi hành vì danh dự và sự trọng kính họ dành cho ông.
Chú thích (1) Từ Hội An đi Quy Nhơn bằng đường biển (2) Các cha khoản đãi viên quan bằng các món ăn Au.
Chương 10: QUAN TRẤN TỈNH QUY NHƠN QUA ĐỜI
Công việc của chúng tôi tiến triển tốt đẹp ở thành phố này và có rất nhiều thành công. Khu truyền giáo ngay buổi đầu đã thu được thành quả tốt đẹp, như chúng ta đã thấy ở chương hai. Nhưng sau đó nổi lên cơn bão táp dữ dằn của cuộc bắt bớ do vụ hạn hán và mất mùa, tưởng như đã nhận chìm giáo đoàn.
Bây giờ mọi sự thật là yên ổn và vui tươi do sự biệt đãi và che chở của quan trấn thủ Quy Nhơn. Và ruộng nho mới nở hoa, hứa hẹn một mùa quả rất thơm ngon. Nhưng bất thần xảy đến cái chết của quan trấn thủ, khác nào ngọn gió bấc khắc nghiệt làm tan tác và cuốn theo trong chốc lát tất cả các hy vọng tốt đẹp. Tai họa đã xảy đến như sau. Quan trấn một hôm cưỡi voi đi săn rất thích thú. Ông hứng chí đến độ không còn biết giữ gìn đã chạy suốt một ngày trong ánh nắng gay gắt của mặt trời. Nóng bốc lên đầu đến nỗi chiều hôm đó ông lên cơn sốt kịch liệt. Được tin, chúng tôi đến ngay phủ để thăm ông. Chúng tôi ở bên ông hai ngày, nài xin ông sửa soạn chịu phép thánh tẩy, như đã nhiều lần ông ngỏ ý muốn chịu, nhưng lại luôn cho biết là chỉ chịu khi nào ông thu xếp xong các công việc, nhưng ra ông chẳng thu xếp gì cả. Tới ngày thứ ba, ông mất trí và lên cơn hoảng hốt. Ông vẫn tiếp tục mê sảng trong ba ngày cho tới khi kiệt lực vì cơn bệnh, ông tắt thở khi chưa nhận phép thánh tẩy.
Mọi người đều có thể hiểu một cách dễ dàng tai nạn này làm chúng tôi đau đớn đến chừng nào. Chúng tôi thấy mình ở trong một vương quốc xa lạ, bị bỏ rơi và thiếu thốn mọi trợ lực của loài người. Nhưng điều làm chúng tôi đau lòng hơn hết là thấy một người tắt thở trước mặt chúng tôi mà chưa chịu phép rửa tội. Người đó đã giúp đỡ chúng tôi và chúng tôi đã thăm nom săn sóc cho tới hơi thở cuối cùng. Về các nghi lễ ma chay phúng điếu chúng tôi không thể tường thuật hết các chi tiết vì sẽ không bao giờ cùng.
Chương 11: THIÊN VĂN
Trước hết nên biết về một ít tục lệ thịnh hành trong xứ này có liên quan tới thiên văn học, nhất là về những thiên thực. Họ ham hiểu biết khao này đến nỗi trong viện đại học 1 của họ có những phòng rất rộng lớn để giảng khoa này một cách công khai và người ta trích ra nhiều tiền thưởng và dành cho các nhà thiên văn lợi tức đặc biệt gồm có nhiều ruộng vườn để làm một thứ tiền lương. Chúa có các nhà thiên văn của chúa. Hoàng tử có các nhà thiên văn của hoàng tử. Những người này chuyên chú học hỏi để rồi thông báo cho đúng thời kỳ có thiên thực. Nhưng họ không có bộ lịch cải cách và những khoa chuyên nghiệp bàn về sự vận chuyển của mặt trời và mặt trăng nên họ thường tính rất sai về mặt trăng và nguyệt thực, do đó thường thường họ nhầm tới hai hay ba giờ và nhiều khi, tuy hiếm hơn, tới một ngày trọn, còn họ chỉ tính đúng về điều chính yếu của thiên thực 2.
Khi họ tính đúng thì họ được ban thưởng cho đất ruộng, trái lại nếu tính sai thì mất cả những ruộng đất đã được từ những lần trước. Khi có thiên thực, xứ này trở nên rất náo động. Trong thời gian đó, họ giữ những tập tục xung quanh mặt trời và mặt trăng. Họ sửa soạn các nghi lễ rất linh đình. Chúa được báo trước ra sắc lệnh cho tất cả các tỉnh trong nước và bắt các văn nhân cũng như thường dân phải chuẩn bị đợi ngày đó. Khi ngày đó tới thì tất cả các quan trấn tỉnh, các hàng quan khác, các tướng lãnh, kị binh và dân chúng cùng các viên chức, tất cả hội họp nhau trong mỗi thành phố và lãnh thổ. Nhưng cuộc tập họp chính yếu là ở trong phủ chúa, nơi có mặt tất cả các quan cao cấp trong nước, tất cả đều ra ngoài đem theo vũ khí và cờ hiệu. Chúa đứng đầu mặc y phục tang chế, rồi tất cả triều đình, họ nhìn ngắm mặt trời và mặt trăng, và trong khi thấy thiên thực thì họ quỳ xuống lạy một hay hai hay nhiều lần, nói mấy lời thương xót vị hành tinh đang chịu cực nhọc và thống khổ. Bởi vì họ cho rằng thiên thực không là gì khác, nếu không phải là mặt trời và mặt trăng bị con rồng nuốt và thay vì nói như chúng ta là mặt trăng bị khuất một nửa hay bị khuất hết, thì họ lại nói. Da an nua, da an het, có nghĩa là con rồng đã ăn một nửa, con rồng đã ăn hết tất cả.
Cách nói của họ tuy có vẻ quá đáng, nhưng lại nói lên được cái cơ bản của thiên thực, cũng một nguyên tắc như chúng ta, nghĩa là do đường hoàng đạo là đường chính và là đường của mặt trời gặp đường của mặt trăng trong khi vận chuyển, đó là hai điểm gọi là đầu và đuôi của con rồng, như các nhà thiên văn thường nói, do đó dễ đi đến kết luận là họ cũng có cùng một lý thuyết với chúng ta về thiên thực, sử dụng cùng từ ngữ và tên gọi con rồng, họ cũng có những từ như Lâu (Aries), Tất (Taurus), Tĩnh (Gemini) và những từ khác để chỉ các cung hoàng đạo.
Nhưng chúng ta hãy trở lại việc các dân tộc này thương xót các hành tinh: sau khi họ đã thờ lạy rồi thì chỉ còn nghe thấy tiếng súng hỏa mai, súng musqueton, súng đại bác người ta bắn, thứ nhất là từ phủ chúa, sau từ khắp kinh thành, hết các chuông đều đổ inh ỏi, nào kèn thổi, nào trống đánh, tóm tắt là người ta không bỏ một dụng cụ nào, kể cả soong nồi và những dụng cụ làm bếp khác mà không đem ra khu vang trong thời gian đó, nghe rất ồn ào và inh ỏi. Họ nói là làm thế để ngăn cản không cho con rồng nuốt mặt trời và mặt trăng hay để bắt nó phải nhả và mửa vật nó đã nuốt.
Nói chung thì như vậy. Bây giờ tôi xin nói riêng đến việc có liên quan tới vụ nguyệt thực xảy ra ngày mồng 9 tháng 12 năm 1620 vào 11 giờ thiên văn, nghĩa là một giờ trước nửa đêm. Vào chừng thời gian này tôi đang ở Nước Mặn thụôc tỉnh Quy Nhơn, tại đây có một tướng lãnh cai quản khu chúng tôi ở. Một lần ông đến thăm chúng tôi, mấy ngày trước khi xảy ra nguyệt thực, chúng tôi có bàn về việc đó. Ông quả quyết là sẽ không có và ông cực lực bác lại lời chúng tôi, mặc dầu chúng tôi đã cho ông thấy sự thực bằng cách tính toán của chúng tôi và cả cách thức nguyệt thực sẽ xảy ra, tất cả đã được vẽ trong sách của chúng tôi. Nhưng không tài nào làm cho ông tin được. Ông rất cố chấp và quả quyết là nếu có nguyệt thực thì hẳn chúa đã cho biết trước một tháng trong toàn cõi, theo tục lệ. Bây giờ chỉ còn tám ngày mà vẫn chưa có sắc lệnh ban hành trong nước, như thế là dấu hiệu hiển nhiên cho thấy là không có nguyệt thực xảy ra. Mà vì ông cứ cố chấp quả quyết ngược lại những điều chúng tôi nói, nên ông thách chúng tôi, ai thua thì phải mất cho người được một Cabaia (là một thứ áo bằng lụa). Chúng tôi vui lòng thỏa thuận như thế, nếu chúng tôi thua, chúng tôi cũng sẽ vui lòng biếu ông chiếc áo dài còn nếu chúng tôi được thì thay vì áo dài, ông phải đến nghe giáo lý tám ngày 3 trong nhà chúng tôi và nghe những gì thuộc về đạo thánh của chúng tôi. Ông đáp, tôi bằng lòng và không những thế mà còn tin theo Kitô giáo nếu quả thực tôi thấy có nguyệt thực, và hơn nữa, ông nói: nếu những sự bí ẩn ở trên trời như các thiên thực, các cha hiểu biết xác đáng và chắc chắn, còn hiểu biết chúng tôi chỉ là sai lầm, thì là đạo của các cha và sự hiểu biết về Thiên Chúa thật, không thể không đích đáng và đạo của chúng tôi hoàn toàn sai lầm. Thời điểm xảy ra nguyệt thực mà chúng tôi đã tiên đoán đã đến, viên tướng lãnh đến nhà chúng tôi, đem theo nhiều học trò và nho sĩ để làm chứng về những gì sẽ xảy ra, nhưng vì nguyệt thực chỉ bắt đầu từ 11 giờ thiên văn, nên trong thời gian đó tôi đi đọc kinh nguyện, tôi cũng nhớ quay trở đồng hồ cát chừng một giờ trước. Nhưng họ liên tục đến gọi tôi như có vẻ thách thức ra coi nguyệt thực, họ cho rằng tôi lui vào nhà trong không phải để đọc sách nguyện mà để che giấu sự hổ thẹn vì thực ra không xảy ra. Họ rất bỡ ngỡ thấy tôi trả lời quả quyết là chưa tới giờ và phải kiên nhẫn một chút cho đến khi đồng hồ cát của tôi mà họ nhìn ngắm như một đồ vật từ ở thế giới bên kia rơi xuống 4. Và khi tôi bước ra ngoài, tôi chỉ cho họ thấy là vòng mặt trăng không hoàn toàn tròn như thường lệ vào lúc bắt đầu có nguyệt thực, rồi tối dần tối dần, thế là sáng tỏ sự thật như tôi đã tiên đoán. Viên tướng lãnh và các văn nhân đều ngạc nhiên về sự việc xảy ra, tức thì họ truyền lệnh cho người ta tới các nhà trong khu phố và tới khắp các phố phường loan tin có nguyệt thực, mọi người chạy ra để khua chuông đánh trống và làm các nghi lễ như thường lệ để cứu mặt trăng trong cơn nguy khốn.
Một trường hợp tương tự đồng thời đã xảy ra, giữa những người và ở một địa điểm quan trọng hơn nhiều. Chúng tôi biết rằng các nhà toán học của chúa không biết nguyệt thực này, trái lại các nhà toán học của hoàng tử lần này chuyên chú học hỏi nên biết là có nguyệt thực ở Quảng Nam nhưng với một sai lầm quan trọng, không phải họ chỉ lầm hai hay ba giờ mà một ngày tròn. Họ công bố sẽ có nguyệt thực vào ngày Rằm nghĩa là một ngày trước khi xảy ra nguyệt thực thực sự. Cha Francois de Pina lúc đó đang ở trong phủ, cha báo tin cho một cận thần, ông này ở gần hoàng tử hơn các vị khác, lúc nào cũng theo ngài với tính cách người chủ nghi lễ, và theo chức vụ được gọi là ông nghè 5, và nhờ vị này thưa với ngài là nguyệt thực không thể xảy ra vào thời điểm như nhà chiêm tinh đã loan báo, mà là vào ban đêm hôm sau như cha Cristoforo Borri đã nói. Cha nhờ ông cho chủ ông là hoàng tử biết tin đó và cũng cho ngài thấy sự sai lầm của các nhà chiêm tinh. Nhưng ông nghè chưa tin lời cha cho lắm. Vì không hoàn toàn tin tưởng nên cũng không muốn nói. Thế rồi đến giờ các nhà chiêm tinh đã đoán thì chúa và cả phủ ra xem nguyệt thực theo cách thức của họ và cứu mặt trăng mà họ tưởng là sắp bị ăn. Nhưng thấy rõ là đã bị lừa, ngài rất giận các nhà toán học và truyền bớt một tỉnh lợi tức họ đã được theo tục lệ chúng tôi đã nói trên, khi họ tính sai. Bấy giờ ông nghè lợi dụng cơ hội thưa với chúa là đạo trưởng Tây dương đã nói với mình, trước khi xảy ra, là đêm sau mới có. Thế rồi ông nghè đến tìm cha để biết chắc chắn thời điểm nguyệt thực. Cha cho biết theo đồng hồ và các dụng cụ khác, là sẽ xảy ra đúng 11 giờ đêm sau. Nhưng ông cũng chưa lấy làm chắc và vì ngờ vực, ông không muốn đánh thức chúa khi chưa thấy rõ nguyệt thực bắt đầu. Chờ cho tới lúc đó ông mới chạy đến đánh thức ngài và vội vã cùng mấy người cận thần làm các nghi lễ kính bái và cúng tế theo tục lệ khi có nguyệt thực. Ông cũng không dám công bố biến cố này ra vì sợ làm mất uy tín của các nhà toán học và sách vở họ dùng.
Sau khi nói về nguyệt thực thì chúng tôi xin kết thúc chương này bằng một vụ nhật thực xảy ra vào ngay 22 tháng năm năm 1621. Trong vụ này, các nhà thiên văn của chúa tiên đoán là sẽ xảy ra và kéo dài trong hai tiếng đồng hồ. Nhưng vì họ rất tín nhiệm chúng tôi về vấn đề này và để biết chắc chắn hơn, họ đến tìm chúng tôi để xem chúng tôi nghĩ sao. Tôi cho họ biết rằng chắc chắn sẽ có nhật thực và không gì xác đáng hơn. Chúng tôi cho họ coi đường vẽ trong lịch của chúng tôi. Nhưng tôi cố ý không nói cho họ biết là vì thị sai của mặt trăng với mặt trời nên trong xứ Đàng Trong không thể trông thấy được. Họ không biết thế nào là thị sai. Do đó theo sách và cách tính của họ, họ thường nhầm lẫn, không tìm đúng thời điểm. Tôi khất họ một thời gian ngắn để coi rõ lại điểm này.
Tôi chỉ nói chung chung với họ là cần phải đo lại trời với đất để xem nhật thực có thể thấy được ở Đàng Trong hay không và như vậy tôi có ý hoãn câu trả lời cho tới lúc họ công bố có nhật thực. Sau cùng, họ thích thú vì thấy sách của chúng tôi phù hợp với ý kiến của họ và không đào sâu hơn nữa, họ chắc chắn là sẽ có nhật thực và đưa tin cho chúa. Chúa liền công bố sắc lệnh và truyền giữ và làm những việc theo thông tục. Khi sai lầm của các nhà thiên văn đã được phổ biến đi khắp nơi thì tôi cho biết là nhật thực này không thể xem thấy ở bất cứ nơi nào trong xứ Đàng Trong. Điều này đến tai hoàng tử. Để biết rõ sự thật, ông sai các nhà toán học đến hỏi ý kiến tôi và tranh luận về vấn đề này. Kết quả cuộc tranh luận là về phía họ, họ rất lúng túng và phân vân làm cho hoàng tử lưỡng lự, không biết trong lãnh thổ thuộc quyền ông, có nên theo ý kiến là sẽ có nhật thực như đức thân phụ ông đã công bố hay nên nói ngược lại. Điều làm ông khó xử hơn cả và là điều ông chú ý hơn hết, đó là không những các sách của họ mà cả sách của chúng tôi cùng nói là sẽ có nhật thực và ông sẽ mất uy tín nếu không công bố như thường lệ. Thế nhưng lòng tin tưởng vào lý thuyết của chúng tôi, trong dịp nguyệt thực mới xảy ra đây, ngăn cản không cho ông giải quyết. Đến nỗi để khỏi nghi ngờ, ông lại phái người tới hỏi chúng tôi một lần nữa để cho biết chúng tôi còn quả quyết nữa không. Tôi đáp là sau khi đã làm tất cả các phép toán và đã tính rất kỹ thì tôi thấy một cách không thể sai lầm rằng không một nơi nào trong nước ông có thể thấy nhật thực vì thế ông không phải lo lắng cho công bố gì nữa.
Ngày đó trời đẹp, sáng và trong, không có chút mây nào. Vả lại vào tháng 5, mặt trời ở xứ này chiếu thẳng trên đầu và vào khoảng 3 giờ chiều, giờ phải xảy ra điều họ kể, giờ mọi người chịu nóng bức. Thế nhưng chúa không quên ra khỏi phủ với các cận thần, chịu mệt nhọc trong thời gian chờ đợi, nhưng không có chuyện gì xảy ra chúa bực tức đã khiển trách họ rất nặng lời và quở mắng họ rất nghiêm khắc. Họ tạ lỗi, và cho là nhật thực chắc chắn xảy ra, nhưng trong khi tính toán họ đã nhầm lẫn một ngày liên quan tới sự giao hội của mặt trăng và chắc chắn là ngày mai cũng vào giờ này sẽ có nhật thực. Chúa tin lời họ nói và ngày hôm sau vào đúng giờ này, chúa chẳng nhận thấy được gì ngoài cái nóng bức như ngày hôm trước. Các nhà toán học lại một phen nữa bị chúa trách phạt.
Chú thích (1) Có thể là quá đáng không? (2) Trình độ nghiên cúu lịch và khoa học thiên văn của ta thời đó khá thấp kém. Xem Hoàng Xuân Hãn, Lịch và Lịch Việt Nam, tập san KHXH Paris 1982, tr.54-58 (3) Nghe giáo lý trong tám ngày. Có liên hệ tới Phép giảng tám ngày của De Rhodes không? (4) Hẳn không ngoa vì trình độ khoa học, cơ giới của ta thời đó quá thấp, ngay cả chúa Sãi cùng cận thần cũng không hơn. (5) Có thể lúc này Sãi vương có mặt ở Quảng Nam, vì ngài ở Ai tử thuộc Quảng Bình. Như vậy Borri thuật lại vụ nguyệt thực ở Quy Nhơn (Nước Mặn) và Quảng Nam nữa, lúc này có De Pina

Chương 12: ĐỜI SỐNG TINH THẦN Ở ĐÀNG TRONG
barrow3
Xứ Đàng Trong còn có nhiều đền chùa rất đẹp với tháp cao và lầu chuông. Mỗi địa điểm dù nhỏ bé đến đâu thì cũng có đền chùa thờ cúng thần Phật. Có những pho tượng rất lớn có vàng có bạc chứa chấp và tàng trữ ở trong. Thật không hơn không kém là một kho tàng thánh trong ngực hay trong bụng pho tượng. Không ai dám sờ mó vào trừ khi bị lâm vào cơn túng quẫn cùng cực. Một tên ăn trộm nào đó thò tay lục trong bụng tượng mà không nghĩ đến tầm quan trọng của việc phạm thánh, vì ở đây người ta vẫn quan niệm rằng làm như vậy là phạm thượng. Lại nữa họ đeo ở cổ nào là tràng hạt, chuỗi hột. Họ tổ chức rước sách, lễ lạt rất long trọng, để kính thần Phật như chúng ta thấy nơi những giáo dân sốt sắng nhất của ta. Và hơn nữa có những ông sãi có chức tương ứng với chức tu viện trưởng, giám mục và tổng giám mục cũng cầm gậy dát vàng dát bạc không khác những gậy chúng ta dùng trong Giáo hội.
Tất cả giáo phái của họ không có mục đích nào khác ngoài việc tôn thờ Thượng Đế hay ao ước vinh quang và hạnh phúc đời sau hoặc công nhận hồn bất tử hoặc quả quyết mọi sự đều chấm dứt khi thân xác chết. Tất cả lương dân phương Đông đều công nhận hai nguyên lý này. Các giáo phái đếu phát nguyên từ kinh sách của một đại triết gia và nhà siêu hình học trứ danh gọi là Thích Ca. Vị này còn có trước Aristote 1 và không thua kém ông về tài trí và tinh thông các sự thiên nhiên. Với trí óc minh mẫn, ngài suy nghĩ về thiên nhiên và sự thành lập vũ trụ. Ngài chiêm ngưỡng nguyên lý và cứu cánh vạn vật, nhưng nhất là về bản thể con người làm chủ lâu dài đại thế giới này.
Giáo thuyết ngài Thích Ca công bố được người Trung Hoa đón nhận. Họ rất mong muốn được giải thoát nên đã đón nhận giáo thuyết này và chủ trương thành mười hai giáo phái khác nhau trong đó có một giáo phái được người ta theo và sùng hơn cả và là phái chủ trương vạn vật là hư không họ gọi là Genfiu, thiền phái. Những người theo phái này có tục cùng nhau hẹn ngày về miền thôn quê để nghe một vài thượng tọa thuyết pháp về đề tài cực lạc.
Thế nhưng bây giờ phải trở lại với người xứ Đàng Trong 2, họ không đón nhận toàn bộ thứ giáo lý quá khích và phi lí chối bỏ hình thức bản thể và quy mọi sự về hư không. Khắp nơi trong nước, tất cả đều công nhận hồn là bất tử và do đó có phần thưởng đời đời cho người lành và hình phạt trường cửu cho kẻ dữ, làm cho chân lý đó mờ nhạt đi vì đầy những điều vô lý và sai lầm. Thứ nhất họ không phân biệt hồn người dữ tách rời khỏi thân xác với các thần xấu và gọi tất cả là tà ma, và cho rằng không những thần xấu mà cả hồn người dữ đều tìm cách làm hại người sống. Thứ hai là một trong những phần thưởng của hồn người đã sống lành thánh đó à chuyển3 từ một thân này tới một thân khác tốt hơn, trọng hơn, như từ thân xác một người dân thường đến thân xác một đế vương hay quan cao cấp. Thứ ba là hồn người quá cố cần ăn uống và bồi dưỡng thân xác, do đó đôi khi trong năm họ có tục dọn cỗ bàn thịnh soạn và long trọng, con cái cúng tế cha mẹ đã khuất, chồng cúng tế vợ, bạn bè cúng tế người thân thích.
Chú thích (1) Borri sánh Khổng Tử với Aristote, ở đây cũng coi Phật tổ như nhà hiền triết Hy Lạp đại tài Aristote (2) Tin tưởng của người Đàng Trong về hồn (3) Thuyết luân hồi
Chương 13: VỀ XỨ ĐÀNG NGOÀI
Trong năm năm 1 ở Đàng Trong, tôi chuyên cần tìm hiểu và học để biết chắc chắn những gì liên quan đến Đàng Ngoài; ngôn ngữ là ngôn ngữ chung vì cả hai xứ đều thuộc về một quốc gia. Theo những câu chuyện những người từ Đàng Trong tới tỉnh Quy Nhơn, nơi tôi thường trú, kể lại, tôi sẽ chỉ thuật lại những gì cần thiết cho việc tìm hiểu xứ Đàng Trong và việc cai trị xứ này vẫn còn thuộc về Đàng Ngoài.
Về địa thế, không kể Đàng Trong phụ thuộc vào Đàng Ngoài, thì gồm có 4 tỉnh có bề rộng và bề dài bằng nhau, ở giữa là kinh thành của Đàng Ngoài, tên kinh thành này cũng là tên cho cả nước 2, ở đây có triều đình và có vua cai trị. Kinh thành thì ở giữa có bốn tỉnh vâyquanh như một hình vuông góc, các tỉnh khá lớn, diện tích cả nước gấp bốn lần Đàng Trong. Phía Đông là vịnh Hải Nam, giữa có con sông lớn, thuyền bè đi lại được, nó bắt nguồn từ tỉnh Đàng Ngoài xa chừng 18 dặm, có một số thuyền Nhật Bản.
Nước sông này thường dâng lên vào tháng sáu và tháng một, làm ngập hầu như cả nửa kinh thành, nhưng lụt này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Về phía Nam thì gần Thuận Hóa, như chúng tôi đã nói, thuộc về Đàng Trong; về phía Bắc thì giáp với Trung Quốc, nhưng không cần có luỹ tường che chở, vì thế sự giao thông đi lại giữa người Trung Hoa và người Đàng Ngoài rất thường xuyên, không cần tường luỹ, không cần cửa đóng then cài, họ đều buôn bán với các người ngoại quốc khác. Sau cùng, về phía Tây là nước Lào, nơi cha Alexandre de Rhodes người thành Avignon thuộc dòng chúng tôi đã từ Đàng Trong mà tới 3. Tôi cho rằng nước Lào cũng ở cạnh Tây Tạng là đất mới khám phá ra, tôi cũng cho là Tây Tạng cách xa và rộng ở cạnh nước Lào, theo vị trí thì thấy hai nước này đều rộng lớn. Cho nên tôi nghĩ là không thể có nước nào chen vào giữa hai nước đó và cũng vì các cha đã tới đó đều khẳng định là tỉnh cuối cùng của Tây Tạng, về phía Đông thì ở cạnh và thông thương với dân tộc bán nhiều tơ lụa và bát đĩa bằng đất nung tinh xảo và quý như ở Trung Quốc với nhiều hàng hóa khác, mà chúng tôi biết rằng là Đàng Ngoài có rất nhiều người thường bán cho người Lào.
Về việc cai trị ở xứ này thì các vua chúa nối tiếp nhau như sau. Quyền tối cao của nhà vua thì ở trong tay một người gọi là bua, thế nhưng vị này không dính vào việc nước, ông trao tất cả quyền hành cho một người thân tín gọi là chúa với đủ mọi thế lực rộng lớn và biệt lập, khi hòa bình cũng như lúc chiến tranh, đến nỗi vị này hầu như không còn nhận ai là kẻ trên mình nữa. Nhà bua thì ngự trong đền, xa hết mọi việc trong nước, chỉ giữ lại cho mình một sự tôn sùng bề ngoài như thể một vị thần thiêng liêng với quyền ban hành luật pháp, chuẩn y sắc lệnh hay chỉ dụ. Khi chúa mất thì bao giờ cũng để cho con mình kế vị trong việc trị nước; thế nhưng thường xảy ra cái nạn, các người quản trị những người con đó cũng ham chức vị và cho giết đi để tranh giành quyền làm chúa 4.
Thế lực của các chúa rất rộng lớn, vì đi liền với một nước rộng lớn có dân số đông gấp ba hay bốn lần dân Đàng Trong; còn quân đội thì như chúng tôi đã nói ở trên, có thể lên tới 80.000 người. Nên không khó gì khi chúa muốn thì chúa có thể cho mộ thêm cho tới 300.000 hoặc hơn với đầy đủ vũ khí, bởi vì các tướng lãnh trong nước như ở nước chúng ta có các công hầu bá tước, họ phải tự lực cung cấp đủ cho cuộc chiến tranh 5. Còn lực lượng của nhà vua thì không quá 40.000 binh lính hộ vệ; thế nhưng các chúa Đàng Ngoài và cả Đàng Trong đều công nhận ông là kẻ bề trên và cả một chúa khác chúng tôi đã nói ở phần một, ông này đã trốn lánh trong tỉnh giáp với Trung Quốc, mặc dầu ông vẫn luôn làm ngụy 6.
Khi chúng tôi nói vương quốc này theo dòng truyền kế thì chúng tôi cũng nói về nhà vua, bao giờ cũng có thế tử kế nghiệp để giữ dòng truyền thống đế vương; đó là tất cả những gì tôi muốn vắn tắt nói về Đàng Ngoài theo những điều tôi được biết khi tôi trở về Châu Au.
Chú thích (1) Lại một lần nữa, chúng ta xem năm 1622 là năm Borri bỏ Đàng Trong chứ không phải năm 1621, Đỗ Quang Chính cũng sai vì chỉ cho Borri ở Đàng Ngoài trong 3 năm, chứ không phải 5 năm (xem: Sd, tr.27) (2) Từ đời Lê, đổi Đông Đô thành Đông Kinh, và người ngoại quốc gọi xứ Bắc là Đông Kinh (Tunquim, Tonquin, Tonkin) (3) Thực ra không bao giờ De Rhodes tới Lào, chỉ có Raphael de Rhodes là người con tinh thần của Alexandre de Rhodes đã tới Lào rồi lập nghiệp ở xứ Bắc (xem Lịch sử việc truyền giáo Tây Tạng của Launay) (4) Thực ra chưa bao giờ xảy ra, con các chúa Đàng Ngoài thảy đều kế nghiệp cha: Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn… (5) Chế độ phong kiến ở Bắc cũng khác chế độ phong kiến ở Châu Au. Các công hầu bá tước chỉ có quyền trong khi sống, sau đó thuộc về nhà vua nhà chúa; các hoạn quan đứng đầu một tỉnh, sau khi mất thì thuộc về nhà vua; khi có đám rước thì chúa đi voi, còn vua đi kiệu; nhà chúa tổ chức hết các cuộc đón tiếp phái đoàn ngoại giao, các cuộc thi đua tập dượt, trừ có phái đoàn ngoại giao Trung Quốc thì thuộc về nhà vua. (6) Nhà Mạc ở Cao Bằng
KẾT LUẬN
Bản tường trình nhỏ mọn này không thể không kích động những người ít thích đi khám phá các lãnh thổ mới và chỉ biết quý trọng xứ sở và đền đài riêng của mình, để họ có một ít kiến thức, đó là trong thế giới có biết bao điều đẹp đẽ, những điều này, tuy không vượt giới hạn của những điều tự nhiên, nhưng cũng có thể được gọi là những phép lạ của thiên nhiên. Đó chính là điều tôi đã trình bày, bởi chính mắt tôi đã thấy ở xứ Đàng Trong: lãnh thổ có khí hậu và các mùa khác nhau rất dễ chịu để ở. Lãnh thổ có rất nhiều đồng ruộng thênh thang và phì nhiêu, với mọi thứ lương thực, lúa thóc, trái cây, chim chóc và thú vật, biển thì vô số các loại cá rất thơm ngon. Lãnh thổ có khí hậu rất trong lành và dân cư chưa biết thế nào là dịch hạch. Lãnh thổ có rất nhiều vàng, bạc, tơ lụa, kỳ nam và các thổ sản khác rất có giá. Lãnh thổ phát triển thương mại rất mạnh, nhờ có các hải cảng và tất cả các quốc gia cập bến. Sau hết, lãnh thổ có dân cư dễ giao du, có tình và rất mực quảng đại. Người ta có thể tiếp xúc và sống an toàn, không những vì giá trị và đức can trường lớn lao của người Đàng Trong, được tất cả các nước lân cận đều công nhận, vì có lực lượng quân sự và tất cả các thứ vũ khí mà họ sử dụng rất tài tình và thiện nghệ không ai sánh kịp mà còn vì chính thiên nhiên như đã bảo vệ họ, bao bọc họ, một bên là biển trời cho để làm hào hố và một bên là dãy Trường Sơn Alpes và Pyrénées 1 hiểm trở của Kẻ Mọi. Đó là phần lãnh thổ người ta gọi là Đàng Trong. Người bản xứ thì thông minh đĩnh ngộ, họ dễ dàng và sẵn sàng đón tiếp hết các người ngoại quốc đến xứ họ và rất dễ dàng để cho mỗi người sống theo luật lệ riêng của mình, cũng không cần nghiên cứu tường tận về học thuật và chữ viết 2 của họ trước khi giảng dạy họ, như các cha dòng ở Trung Quốc phải làm và tiêu phí những năm đầu tiên là những năm tốt nhất, bởi vì chỉ cần học tiếng nói của họ, thứ tiếng rất dễ, như chúng tôi đã viết, đến nỗi chỉ trong một năm là đã có thể nói được dễ dàng 3. Những người bản xứ còn rất dễ giao thiệp, họ không chạy trốn khi thấy người ngoại quốc như các dân tộc khác ở các miền phương Đông. Họ có đến chùa, họ cúng tế và rước kiệu. Họ tin có hình phạt đời đời cho kẻ dữ và hạnh phúc trường cửu cho người lành.
Chú thích (1) Dãy núi Alpes ranh giới Pháp – Ý, dãy núi Pyrénées ranh giới Pháp –Tây Ban Nha. (2) Chữ nho rất khó đọc đối với người ngoại quốc. Tiếng Việt tương đối dễ học, nhất là khi đã dùng thứ chữ phiên âm hay quốc ngữ. (3) Hẳn lúc đầu đã khởi sự một công cuộc ghi chép theo tự mẫu Latin. Như vậy dễ hơn rất nhiều.
 Nguồn bài đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét