Trang

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Tham nhũng: Một truyền thống dân tộc?

“Muốn vào đât nước này thì phải mang theo nhiều lễ vật” – thương gia Poivre trong nhật ký về Việt Nam thế kỷ 18
Nguyễn Văn Xuân Sách: Lịch sử – Sự thật & Sử học
Bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Văn Xuân, cùng với cuốn Hồi ký Vũ Đình Hòe và chuyến đi viết tại Tân Trào đã làm thay đổi cách nhìn nhận lịch sử của tôi. Đáng tiếc là chúng ta không có dịp tiếp xúc trực tiếp với nguyên bản cuốn hồi ký bởi bài viết có nhiều điểm khó hiểu. Ví dụ, tác giả Xuân tổng kết rằng nhà buôn Poivre đã nhìn thấy :“tâm tính lương thiện, rộng lượng…của nhân dân dưới ách cai trị chuyên chế và tham nhũng phong kiến”, nhưng trong phần trích hồi ký, Poivre lại viết “chẳng còn biết tin cậy ai hết. Chung quanh chỉ thấy toàn bọn trộm cắp”. Vả lại, tôi không bao giờ tin rằng trong một xã hội mà hệ thống chính quyền đã thối nát thì dân chúng lại lương thiện và rộng lượng.

Hát Tuồng ở xứ Đàng Trong. Nguồn: William Alexander (painter) (1767–1816). A voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793 p 296-297. Trích lại từ wikipedia.org
[…]  Pierre Poivre sinh 1719, con một thương gia hàng tơ lụa lớn của Pháp. Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới, có kiến thức rộng. Có thể nói ông là một nhà bác học, một triết gia thực tế. Lúc về già, ông còn được chính phủ Pháp trọng vọng và đã được chính phủ Pháp hỏi ý kiến trong vấn đề bang giao với Việt Nam.
Ông đến Việt Nam, cụ thể xứ Đàng Trong hai lần, giao thiệp từ người bán hàng rong, chạy mối đến nguyên thủ xứ sở, tức chúa Nguyễn. Ông là người ngoại cuộc nhìn kỹ chế độ, tâm tính, tư cách nhiều hạng người, đặc biệt tâm tính lương thiện, rộng lượng cũng như những nỗi đau khổ, khốn cùng của nhân dân dưới ách cai trị chuyên chế và tham nhũng phong kiến. Do tính phức tạp của nhà tu hành lỡ dở, nhà họa sĩ nghiệp dư, nhà buôn, học giả nóng tính, suy nghĩ và hành động vừa kiên nhẫn vừa liều lĩnh, táo bạo, ông đã gây nên một vụ tai tiếng lớn nhất chưa từng thấy trong bang giao quốc tế ở Việt Nam.
Lần đầu, Poivre đến xứ Đàng Trong (1742 – 1743) thì ông chưa có phản ứng gì đáng kể. Ông đến Hội An toan tính chuyện mua bán, xem xét dân tình. Trước đó, ông học tiếng Tàu ở Trung Quốc rồi sau đó, 1744, ông trở lại Quảng Đông, viết “Hồi ký xứ Đàng Trong”: điềm đạm, bình tĩnh, lưu lại nhiều tư liệu quý.
Lần thứ hai, ngày 12 tháng 8 năm 1749, ông đến với nhiều trọng trách. Ra Huế rồi vào Quảng, ở một thương quán tại Hội An […]. Chính lần này ông mới thực sự nhìn thấy rõ bộ mặt của thương nghiệp, nghề buôn, con buôn và sự tham lam, nhũng lạm của vua quan xứ Đàng Trong.
Đi vào cụ thể vấn đề, tôi giới thiệu mấy trang nhật ký của ông về giai đoạn này. Có trang ông viết dài, tỉ mỉ, tôi tóm tắt ý chính:
Ngày 3/11/1749: Bị một tay chạy mối – mà Poivre tương là người chân thật duy nhất được gặp ở xứ Đàng Trong, hóa ra là một tên gian thương đại láu cá – mang hàng địa phương đến, nói dối mua từ Bắc vào, đòi đủ thứ tiền công khó, vận chuyển.
Ngày 4/11/1749: Phải giao thiệp khó khăn với thương gia bản xứ xảo quyệt, còn thêm sự cạnh tranh với tàu buồm Hoa, thuyền Bồ Đào Nha quen buôn bán, hốt sạch hàng hóa: Tất cả đều nghịch chống chúng tôi: nạn thiếu hàng hóa, thời tiết xấu, mưa, bệnh tật, xứ hắt hủi, ngoại kiều ganh ghét lại chưa am tường xứ sở, người cộng sự thì thì thào thào bàn tán, không tán đồng, gian thương chỉ chờ hở cơ là trộm cắp, nhưng tin tưởng với sự kiên nhẫn sẽ giải quyết được hết…
Ngày 8/11/1749: Muốn vào đất nước này thì phải mang theo nhiều lễ vật. Người xứ Đàng Trong nghèo, quan lại ở vương phủ thì vụ lợi. Ngay chúa cũng tham lam nên quan lại cũng đua theo. Muốn vào phủ chúa, dù là Poivre hay thông dịch viên đều phải đút lót. Nếu quên thì chính nhân viên bảo vệ nhắc nhở, làm khó dễ.
Ngày 11/11/1749: Tôi đến ông cai bộ, người quản lí tàu vụ. Tôi mang theo ba lễ vật: một cho ông ta, một cho bà ái phi của chúa, một cho công tử trẻ, con trai của bà ái phi này. Người ta đón lễ vật hơi lạnh nhạt, xem như đó là món thuế cống hiến tự nhiên phải có, dù lễ cống cực kỳ trọng hậu, ít thấy ở xứ sở này.
Ngày 19/11/1749: Mang hàng hóa tương đối có giá trị vào xứ sở này là sai lầm. Khi dỡ hàng xuống, viên quan khám tàu liền chộp lấy dâng lên Chúa. Nếu Chúa tán thưởng, ông ta trả giá bao nhiêu tùy ý. Còn không thì giam món hàng lại, có khi vài tháng sau mới trả, hàng đã xuống cấp, chẳng còn bao bì, thùng hộp… Dù Chúa hay các quan mua thì cũng khó nhận được tiền. Muốn nhận tiền Chúa thì phải chờ tới tháng sáu âm lịch, còn nhận trước đó thì phải chạy chọt.
Quan chức mua, họ chưa vội trả đâu, họ đi vắng, họ bắt chờ, cò kè một hai, đi đi lại lại nhiều lần, rồi khi trả thì tiền xấu, người buôn lắm lúc mất cả chỉ lẫn chài. Thế mà còn lễ lạt cho bọn thơ lại, bọn tôi tớ, khốn khiếp! Thà dính vào việc gì còn hơn dây với Chúa.
Ngày 21/11/1749: Tôi chán các người tìm đến liên lạc buôn bán! Họ đồng ý tất cả công việc đấy rồi chẳng còn ai giữ lời cam kết cả.
Ngày 24/11/1749: Có một tục lạ ở xứ này. Các thương gia khi muốn giao thiệp với tôi, họ bắt đầu bằng cách gửi món quà hoa quả hay gì đó, rồi lại hỏi han người giúp việc nào mà tôi tin cẩn nhất. Họ giao tiếp với người ấy, nhờ bán hộ hàng hóa và nếu bán được giá thỏa thuận, họ sẽ biếu tiền. Tôi có người giúp việc chân thành, đã lắng nghe các đề nghị và kể lại cho tôi.
Ngày 25/11/1749: Poivre xin được sắc chỉ cho tiêu đồng bạc (piastre) nhưng người buôn tìm cách né tránh, mặc dù Poivre tốn bao nhiêu tiền của, công sức mới có được tờ lệnh.
Ngày 29/12/1749: Poivre gặp chúa Võ Vương, nói chuyện, trình đơn từ, bàn về việc giao thương giữa hai Pháp và Việt, xin Chúa ký lệnh chỉ đặc hứa thương mại. Poivre còn xin mang theo một số thợ. Đối vói mọi công việc, kể cả việc đã hứa cho phép, Chúa chỉ lại…hứa. Poivre kể lại nhiều chi tiết dài, thú vị và đi đến kết luận: Như thế, tôi rời Phủ Chúa, chẳng kết thúc được việc nào, chẳng được chấp nhận việc gì khác việc phái viên quan đến khám xét tàu để ra đi…
Ngày 3/11/1749: Tôi chẳng còn biết tin cậy ai hết. Chung quanh chỉ thấy toàn bọn trộm cắp. Đối đầu với viên quan đặc phái và kẻ tùy tùng ở Huế vào Hội An khám tàu. Họ ừ đó rồi tránh né đó, đòi lễ cho quan chưa xong đã đến lễ bọn tùy tùng. Ai cũng xí phần mình cho tới khi bị mất đến nghìn quan. Bấy giờ, viên quan đặc phái mới lên thuyền trở về triều để chia phần bóc lột với Chúa.
Ngày 24/12/1749: Điều làm tôi bối rối nhất khi phải thương lượng với người ở đây là chẳng bao giờ họ nói một lời chân thật. Hôm nay đồng ý, mai đã chối từ. Họ hứa rồi phản hứa luôn luôn, chẳng e ngại gì. Họ kéo cà kê công việc để hưởng nhiều lợi. Họ phát biểu điều gì là cốt để lừa phỉnh. Càng cho nhiều họ càng vòi. Một điều khó chịu nữa không kém quan trọng là không có chức quan lớn nhất định để xử lý việc nhất định, nhất là với người ngoại quốc. Chúa tự ý ra lệnh để bọn chân tay bòn rút rồi Chúa bòn rút lại. Quan lại không có lương bổng, dựa vào chính sách ấy để làm giàu.
Nổi khùng vì những rắc rối, phiền toái, đau xót, thất thu, thất bại liên miên, nên khi người thông dịch Michel Cương – mà ông chán mặt vì tính bất hảo – lên tàu để đòi tiền phục vụ, Poivre tóm Cương nhốt lại rồi cho tàu Michault nhổ neo, mặc cho thông dịch viên la hét.
Võ Vương nổi giận lôi đình, hậu quả vj này cực kỳ lớn lao. Hàng giáo phẩm Công giáo liền bị buộc đi tìm lại cho được viên thông dịch dù phải băng sông vượt bỉển. (Đến sáu tháng sau, công giáo bị trừng phạt nặng, không rõ có liên quan đến vụ này không). Về phái Pháp thì náo động từ Đông Ấn đến tận nước Pháp.Một sự vụ thương mại đã náo loạn đến tôn giáo lẫn chính trị…Niềm căm phẫn, hận thù không bao giờ nguôi, Poivre còn biến thành gián điệp, khi 17 năm sau, tâu trình với chính phủ Pháp lực lượng, tình hình quân đội, súng đạn Việt Nam và (khi) được hỏi ý kiến, đã bảo thẳng, chỉ có dùng quân lực chiếm đất làm chủ tình hình để tiến hành thương mại, không có cách giao bang nào khác. Nhà học giả biến thành kẻ chủ trương xâm lược.
——————————————————- 
[*]: Bài viết của tác giả Nguyễn Văn Xuân cho tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sau đó được đăng lại trong cuốn Lịch sử – Sự thật & Sử học [Nhà xuất bản Trẻ, 1999] với tựa đề :”Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ 17”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét