Trang

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Kỳ bí ngôi làng "hình cá chép" độc nhất Việt Nam

Làng Hành Thiện từ lâu đã nổi tiếng khắp nước với việc học hành khoa cử, không chỉ có vậy mà nơi đây còn lưu truyền những câu chuyện kỳ bí và hấp dẫn cho hậu thế.
"Tung mình ra biển Đông" từ hơn 500 năm trước
Lật giở theo những trang sách "Hành Thiện xã chí" thì được biết làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định vốn có tên gọi là "Hành Cung Trang" được thành lập vào khoảng năm 1500. Đến năm 1823, vua Minh Mạng cho đổi tên thành Hành Thiện với ý nghĩa "nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện" và ban cho làng 4 chữ "Mỹ Tục Khả Phong".
Điều đáng khâm phục là ngay từ khi lập làng các cư dân nơi đây đã có ý thức quy hoạch một không gian sống hết sức khoa học, quy củ.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Làng Hành Thiện có hình một chú cá chép đang tung mình lao ra biển Đông
Bao quanh làng là hai nhánh của một con sông nhỏ rộng khoảng 7m, được gọi là sông Con (để phân biệt với sông Cái – sông Ninh Cơ là một nhánh của sông Hồng). Theo các bậc cao niên trong làng, có hai giả thiết về việc hình thành lên con sông này.
Giả thiết thứ nhất cho rằng chúng được tạo thành một cách tự nhiên, những cư dân đến ở chỉ là người khai khẩn, chỉnh trang lại như địa thế ngày nay. Giả thiết thứ hai được nhiều người tán thành hơn, đó là chính những cư dân đầu tiên đã "quy hoạch" ngôi làng và tiến hành đào lên hai con sông theo ý đồ trước đó, nhằm mục đích phù hợp với phong thủy và ngăn giặc cướp.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Điều làm nên sự kì ảo của hai nhánh con sông này chính là việc nó đã tạo hình dáng con cá chép của ngôi làng. Nhìn từ trên cao, hai nhánh con sông như những đường viền ngăn cách ngôi làng với vùng đất bên cạnh, khiến cho khu đất bên trong hiện lên hình dáng "lý ngư", những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá, tại phần đầu cá còn có một chiếc giếng khơi, nước trong vắt nên được gọi là giếng Mắt cá.
Quả thực nếu nhìn trên bản đồ ta sẽ thấy làng Hành Thiện xuất hiện rõ nét với hình ảnh của một chú cá chép khổng lồ, đầu hướng về Nam, đuôi vòng phía Bắc đang trong tư thế vẫy vùng như muốn tung mình lao ra biển Đông.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Những cây cầu được xây dựng tại vị trí tương ứng với vây cá
Nếu coi làng Hành Thiện như một chú cá chép thì vùng đất từ giữa bụng cá trở lên đến mang cá được quy hoạch làm nơi sinh sống của dân cư trong làng. Trong khu vực này hình thành lên 14 dong (xóm), mỗi dong cắt ngang theo thân cá như chia khúc, gồm một con đường chạy dọc ở giữa và các ngôi nhà được xây dựng hai bên. Phần đầu cá được quy định làm nơi họp chợ của cả làng, tại đuôi cá là khu nghĩa trang và chùa miếu để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Nhìn tổng thể mặt địa lý làng Hành Thiện ta không thể không khâm phục óc tưởng tượng của các cư dân cách đây hơn 510 năm, theo như tài liệu để lại, trước đây toàn bộ đường đi trong làng đều được lát đá xanh, "mưa gió bùn đất không bén gót chân", bên cạnh đường xóm là rãnh thoát nước được xây bằng gạch mộc, chính vì thế làng không bao giờ phải chịu cảnh ngập lụt bởi tất cả nước mưa, nước sinh hoạt đều theo các rãnh này chảy ra hai nhánh con sông quanh làng và từ đó thoát ra sông Ninh Cơ.
Ngày nay về cơ bản làng vẫn giữ nguyên hình dạng như thửa sơ khai, có chăng chỉ thay đổi về kiến trúc. Nhìn những dãy nhà thẳng tắp, đường đi phong quang, sạch sẽ, hai bên bờ sông là hàng liễu xanh mát mắt uốn lượn bao bọc lấy ngôi làng mới thấy hết được cái nhìn sâu xa của người xưa.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Hàng liễu xanh mát mắt bao bọc quanh làng
Vùng đất địa linh nhân kiệt
Theo như câu chuyện dân gian được lưu truyền rộng rãi trong làng thì một trong những giai thoại nổi tiếng nhất của cụ Tả Ao là chữa "thế đất" cho làng Hành Thiện. Khi tới đây, cụ đã nhận thấy đất làng có hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ hiềm con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh.
Dân làng nghe cụ nói bèn hậu đãi trà rượu và khẩn khoản xin cụ đặt lại hướng làng. Cụ Tả Ao thấy dân làng tử tế liền chỉ cho làng đào một cái giếng lớn làm mắt cho con cá chép, từ đấy dân làng bắt đầu đại phát khoa danh.
Tính xác thực của câu chuyện trên còn chưa được kiểm chứng, nhưng sự "đại phát khoa danh" của làng thì không thể bàn cãi. Có thể những số liệu dưới đây khiến nhiều người nghi ngờ nhưng quả thật đó chính là những gì ngôi làng này đã và đang đóng góp cho đất nước.
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng (Hội trưởng Hội khuyến học làng) thì thời phong kiến, Hành Thiện có 419 người đỗ đạt, trong đó có đến 7 người đỗ đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Làng có 4 người làm quan thượng thư, 4 người là quan tuần phủ, 4 người là tổng đốc, 69 người làm tri phủ, tri huyện...
Từ sau Cách mạng Tháng tám đến nay, Hành Thiện có 45 người là giáo sư, phó giáo sư; 166 người là tiến sĩ, thạc sĩ; 1.493 người tốt nghiệp đại học. Cố Tổng Bí thư - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu) cũng được sinh ra ở vùng đất địa linh nhân kiệt này.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Nhà bia và đình làng, nơi ghi danh những người đỗ đạt
Chuyện là mấy năm trước, để tiện việc đi lại cho bà con trong làng, xã đã quyết định xây thêm một chiếc cầu ngay vị trí mõm cá, nhiều vị bô lão đã lên tiếng phản đối vì cho rằng chiếc cầu đó như chiếc lưỡi câu, cá chép mà bị mắc lưỡi câu thì không thể "vượt vũ môn".
Vào năm 2005 chiếc cầu đã bị dỡ bỏ do xuống cấp và cũng để hợp lòng dân, ngay lập tức năm đó làng có 75 con em trong làng đỗ đại học trong số gần 100 em dự thi.
Tuy vậy theo GS Đặng Vũ Khiêu thì nguyên nhân chính của việc học hành đỗ đạt là do truyền thống ham học hỏi cộng với sự cần cù chăm chỉ của người dân sống nơi đây.
Chùa Thần Quang - Ngôi cổ tự "kỵ sư"
Được xây dựng vào thời nhà Lý, chùa Thần Quang (hay còn gọi là chùa Keo - Hành Thiện, để phân biệt với chùa Keo Thái Bình) được biết đến như ngôi chùa cố kính nhất miền Bắc. Năm 1061, thiền sư Dương Không Lộ (Quốc sư triều Lý) dựng chùa Thần Quang bên hữu ngạn sông Hồng. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần đến nền chùa, đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Gác chuông chùa Thần Quang
Dân làng Keo phải dời bỏ quê cha đất tổ, một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng (về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình); một phần xuống vùng Xuân Trường, và dựng lại chùa Keo - Hành Thiện.
Vào thời Pháp thuộc, ngôi chùa đã được chính quyền Pháp liệt vào hàng "Cổ tự Đông Dương". Năm 1962 chùa đã được Nhà nước xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa".Ngoài các giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ và tư duy triết học, thì một trong những điều làm cho ngôi chùa trở lên nổi tiếng chính là việc tại đây không hề có bóng dáng của một vị sư sãi, mặc cho ngôi chùa đã tồn tại gần 1000 năm.
Những năm trước, để quản lý ngôi cổ tự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần cử các bậc cao tăng về làm trụ trì, nhưng chỉ được ít lâu sau những vị này đều lần lượt khăn gói ra đi chỉ với một lý do "thấy trong người khó ở". Vào các dịp lễ hội tại đây vẫn có các vị tăng, ni đảm nhận việc làm lễ nhưng chỉ sau khi kết thúc là tất cả lại cất bước lên đường.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Làng Hành Thiện có hình một chú cá chép đang tung mình lao ra biển Đông (Theo http://infonet.vn)

Theo Wikipedia – Wikipedia tiếng Việt Hành Thiện: là tên một làng cổ, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là một trong những ngôi làng cổ nổi tiếng có truyền thống văn hóa được nhiều người biết đến cũng như là quê hương của nhiều nhân vật được ghi nhận trong lịch sử tại Việt Nam.[1]

Nguồn gốc: Nguyên thủy gốc tích làng Hành Thiện xuất phát từ ấp Hộ Xá, làng Giao Thủy, huyện Hải Thanh (sau được nâng thành phủ). Làng Giao Thủy, có tên Nôm là làng Keo, là một làng cổ có từ trước thế kỷ thứ X, vị trí được cho là thuộc xã Hộ Xá, huyện Giao Thủy, Nam Định ngày nay. Thiền sư Dương Không Lộ là người làng, được nhà Lý phong đến bậc Quốc sư, vào năm 1061 thời Lý Thánh Tông đã cho dựng ở ven sông Hồng ngôi chùa Nghiêm Quang tự, chính là tiền thân của chùa Keo ở Hành Thiện (Nam Định) và chùa Keo ở Dũng Nhuệ (Thái Bình) ngày nay.
Cuối đời Lý, phần đất của ấp Hộ Xá bị sạt lở. Một bộ phận dân cư của làng Giao Thủy di cư đến phía Nam vùng Lạc Quần, lập thành làng Hộ Xá (sau đổi thành Nghĩa Xá), thuộc phủ Hải Thanh (nay thuộc huyện Nam Trực, Nam Định). Cả 2 làng cùng thờ phụng chung một ngôi chùa Keo (bấy giờ tên chữ được đổi thành Thần Quang tự). Thời nhà Trần, phủ Hải Thanh được đổi thành phủ Thiên Trường. Gần làng Nghĩa Xá có một vườn kim quất (cam ngọt), được các vua nhà Trần thường hay đến chơi, nên lập thành một trang ấp có tên là Hành Cung Trang.
Năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, gây sạt lở cả làng Nghĩa Xá. Dân làng Nghĩa Xá di dời vào định cư tại trang Hành Cung cũ, bờ ở hữu ngạn sông Hồng. Dân làng Giao Thủy định cư ở bờ tả ngạn, chếch về phía Tây Bắc, lập thành trang Dũng Nhuệ. Các dân làng cũng cho xây dựng các chùa Keo mới tại gần trang ấp định cư, từ đó hình thành tên gọi làng Keo Thượng (hay Keo Trên) để chỉ trang Dũng Nhuệ và làng Keo Hạ (hay Keo Dưới) để chỉ trang Hành Cung. Trang Dũng Nhuệ, đến thời Tự Đức được đổi tên thành xã Dũng Nghĩa, thuộc phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định (nay thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình). Còn trang Hành Cung từ năm Minh Mạng thứ tư (1823) đã được đổi thành xã Hành Thiện, thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.[1]
Đặc điểm địa lý
Ngã ba sông Hồng và sông Ninh cơ, nơi bắt nguồn của sông con chạy quanh làng
Làng Hành Thiện nằm ở ngã ba sông Hồngsông Ninh Cơ, tiếp giáp với huyện Vũ Thư (Thái Bình) và huyện Trực Ninh[1]. Đất làng có hình "Lý Ngư", ở tư thế sinh động như đang vẫy vùng trong nước. Đầu cá quay ra sông Ninh Cơ, đuôi quẫy về phía sông Hồng. Làng chia làm 14 dong ứng với 14 xóm. Các đường dong thong từ lối trước ra lối sau như chia hình cá ra làm 14 khúc. Dân cư sống tập trung hai bên đường dong đông đúc. Hành Thiện trở thành khu dân cư sầm uất đông vui từ rất lâu đời.[1]
Truyền thống văn hóa
Trang Hành Cung đến cuối thời Hậu Lê thì được nâng lên thành xã Hành Cung. Năm 1823, vua Minh Mạng cho đổi tên thành Hành Thiện (chữ Hán: 行善) với ý nghĩa "nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện" và ban cho làng 4 chữ "Mỹ tục khả phong" (chữ Hán: 美俗可風) với hàm ý khen ngợi.
Lời ban tặng này cũng hàm ý khen ngợi làng Hành Thiện nổi tiếng là làng Nho học từ xưa, đã sản sinh rất nhiều danh nhân. Dân số của làng cao nhất chỉ khoảng 6.000 người nhưng đã nổi tiếng có nhiều người học hành đỗ đạt.
Xưa vùng này có câu Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện ngụ ý phía Đông có làng Cổ Am (nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng), phía Nam có làng Hành Thiện có nhiều người học hành đỗ đạt cao. Hoặc câu Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện để chỉ làng Thủy Nhai, cách Hành Thiện không xa, là một làng nổi tiếng với đặc sản đậu phụ; còn Hành Thiện, dường như gia đình nào cũng có người đỗ Tú tài.
Tại làng Hành Thiện còn có câu Trai học hành, gái canh cửi để nói rằng cái đáng trọng nhất của con trai Hành Thiện là chuyện đèn sách; cái đáng yêu nhất của con gái Hành Thiện là chuyện kéo tơ, dệt vải. Một câu thơ nổi tiếng của Sóng Hồng diễn tả điều này:
"...Trăng xuống làm gương em chải tóc
Làm đèn anh học suốt đêm dài..."
Trong suốt lịch sử của làng được ghi nhận:
Thời Nho học, làng Hành Thiện có 419 người đỗ đạt. Trong đó: 7 đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Người khai khoa cho làng là cụ Nguyễn Thiện Sĩ sinh năm 1501, đỗ Cử nhân năm 1522. Người đỗ cao nhất là cụ Đặng Xuân Bảng (ông nội của ông Trường Chinh) sinh năm 1828, đỗ Tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh năm 1856. Làng có 4 người làm Thượng thư; 4 người làm Tuần phủ; 4 người làm Tổng đốc; 23 người làm quan giúp việc triều đình; 69 người làm quan Tri phủ, Tri huyện; còn lai số người đỗ đạt trên đi làm thầy giáo, thầy thuốc ở khắp nơi.
Thời học chữ Pháp, làng có 51 người đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân, trong đó có Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) tốt nghiệp cao đẳng Thương mại Đông Dương. Thời hiện đại, làng Hành Thiện vẫn là ngôi làng có nhiều người học hành giỏi giang thi cử đỗ đạt nhiều nhất so với mọi ngôi làng trong tỉnh Nam Định với 88 người được phong hàm giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ và trên 600 người có bằng cử nhân.
Làng có 7 tướng lĩnh quân đội là Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Đăng Kính, Đặng Quân Thụy, Nguyễn Sĩ Quốc, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Việt Tiến, Phạm Hòa Bình; 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang là Phạm Gia Triệu, Nguyễn Đăng Kính. Hàm Bộ trưởng có Đặng Hồi Xuân, Đặng Vũ Chư. Hàm giáo sư có: Đặng Vũ Khiêu, Đặng Xuân Kỳ, Đặng Vũ Minh, Nguyễn Sĩ Quốc, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Việt Tiến. Làng có 2 người được Giải thưởng Hồ Chí Minh là ông Đặng Vũ Hỷ (thân phụ đồng chí Đặng Vũ Minh) và ông Đặng Vũ Khiêu. Nhà văn Đặng Vũ Khiêu (Vũ Khiêu) còn là Anh hùng Lao động. Ngoài ra còn có giáo sư, tiến sĩ y khoa Đặng Vũ Thiên Thanh sinh năm 1981, từng là trưởng phòng thí nghiệm chuyên khoa não Đại học Harvard. Hiện là giáo sư y khoa người Việt trẻ tuổi nhất tại Montréal [2]...


GIAI THOẠI GIẾNG MẮT CÁ LÀNG HÀNH THIỆN
Sau khi đi qua khắp tỉnh Bắc, tỉnh Đông, ông Tả Ao khoác tay nải đi về tỉnh Nam. Ông đi hết vùng duyên hải, qua các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu rồi sang phủ Xuân Trường. Khi qua đò H.T, chẳng may nước đò cạn, đò không áp vào bến được, các hành khách đều phải vén quần, xắn áo, tụt xuống sông lội vào bờ.
Thấy ông cứ loay hoay, không muốn lội xuống bùn, một người khách liền nói với ông xin để cõng ông vào bờ. Tức thì người đó ghé vào cõng ông khỏi quãng lầy lội, rồi lại còn trở lại mang tay nải giúp ông.
Cảm kích về cử chỉ quý hoá đó, ông liền lấy ở tay nải ra hai quan tiền đãi người khách đó để uống nước và hỏi thăm danh tính cùng quê quán ở đâu; nhưng người đó nhất định không lấy tiền, chỉ cho biết là người họ Đặng, buôn tơ ở làng này, rồi chào ông đi ngay.
Sau đó, ông Tả Ao khoác tay nải lên vai, lững thững đi quanh vùng để ngắm nhìn kiểu đất làng H.T và tấm tắc khen ngợi làng này có một địa thế rất đẹp. Càng đi sâu vào làng, ông càng thấy rõ kiểu đất đẹp: dân cư đông đúc, nhà cửa san sát như bát úp, xung quanh lại có kênh lạch bao bọc, khiến thuyền bè qua lại làng một cách rất thuận tiện.
Mải ngắm cảnh làng nên trời đã sẩm tối mà ông vẫn chưa muốn tìm chỗ trọ. Nhân đi qua chùa, thấy mấy chú tiểu đang quét lá ở sân chùa, ông liền bảo mấy chú vào thưa với sư cụ để xin trú tạm một đêm.
Một lát sau, sư cụ ra niềm nở đón ông dẫn vào phòng khách, rồi lại sai mấy chú tiểu dọn cơm thết ông.
Chờ cho ông Tả Ao cơm nước xong, sư cụ mới ra tiếp chuyện. Lúc đó, ông mới xưng danh là thầy địa lý Tả Ao, nhân qua làng này thấy đất đẹp có thể phát to, nên muốn nán lại chơi, tìm xem họ nào phúc đức thì tác phúc cho.
Sáng sớm hôm sau, ý chừng sư cụ đã đem câu chuyện của ông Tả Ao nói với các huynh thứ trong làng, nên khi ông Tả Ao vừa thức dậy đã thấy tiên chỉ cùng mấy ông kỳ mục trong làng và hai trai tráng mang lễ vật đến biếu ông, rồi cụ tiên chỉ nói ngay đến chuyện nhờ ông xem đất, để cát cho làng được kết phát.
Phần cảm mến sự trọng đãi của các ông kỳ mục, phần lại nhớ đến cử chỉ của người làng họ Đặng giúp đỡ ông hôm trước, ông Tả Ao bằng lòng giúp và bảo các ông kỳ mục dẫn ông đi xem làng.
Khi ra đến bờ đê, ông Tả Ao đứng ngắm làng, lấy tay chỉ, bảo các ông kỳ mục:
- Kìa, các ông trông, kiểu đất làng này rất đẹp, trông chẳng khác gì một cù lao hình con cá nằm chầu ra bể, dân cư ở chỗ kia là khoảng đầu và mình cá, còn cánh đồng mầu kia là khúc đuôi. Sau này kết phát, khúc đuôi đó sẽ nở to dần, do đất phù sa ở con sông kìa bồi vào.
Ngừng một lát, ông lại tiếp:
- Lại thêm những con lạch bao bọc quanh làng kia là những mạch nước nuôi sống con cá, quanh năm chẳng bao giờ bị cạn, nhờ đó dân trong làng được thịnh vượng, làm ăn phát đạt, ít bệnh tật, ốm yếu.
Bây giờ chỉ cần đào một cáci giếng ở cuối làng, đúng vào chỗ mắt cá, tức thì người trong làng học hành thông minh, đi thi nhất định đỗ đạt, và bách nhật sẽ phát to; trong làng sẽ bắt đầu có người làm quan, phi văn thì võ. Chẳng những thế, gái làng ăn nước giếng đó sẽ trắng trẻo, xinh đẹp, không phải lam lũ, chân lấm tay bùn như các gái làng khác.
Nói xong, ông đứng ngắm hướng rồi dẫ các ông kỳ mục đi về phía cuối làng. Tới chỗ mỏm đất trước cửa đền Thần hoàng, ông bảo:
- Đúng giờ Ngọ ngày mai, các ông cho tuần tráng mang mai cuốc ra đào một cái giếng theo nét vạch đây, sâu chừng một đầu một với. Giếng nước này, dân làng phải giữ sạch sẽ, không được để bẩn thỉu; giữ được vậy thì trong làng sẽ vạn đại có người làm quan, làm thầy, giàu sang nhất vùng này.
Cắm đất xong, ông cáo biệt đi ngay. Các ông kỳ mục cố nằn nì giữ ông lại, nhưng ông nói rằng bận việc. Các hương lý mang một trăm quan tiền ra tạ ông, nhưng ông không lấy, chỉ lấy một quan tiền làm lộ phí, còn bao nhiêu ông bảo đem chia làm phúc.
Đúng giờ Ngọ hôm sau, các ông kỳ mục huy động trai làng ra đào giếng. Vừa đào chừng ba thép mai, thì đã thấy mạch nước đùn lên; rồi càng đào nước càng lên, cho đến khi đào xong thì mực nước đã lên cao ngập đầu. Dân làng lúc đó đổ xô ra, kẻ mang nồi, người mang chậu ra múc nước. Họ kháo nhau là giếng thần, mang nước về nhà uống để lấy phước.
Công việc xong xuôi, các bô lão trong làng liền mở hội tế thần, dân làng ăn uống, chè chén linh đình đủ ba đêm ngày, như lời ông Tả Ao dặn.
Quả nhiên từ ngày đào giếng, làng càng ngày càng thịnh đạt, dân làng họ Đặng thi cử đỗ đạt, thi nhau ra làm quan; gái làng thì chuyên nghề ươm tơ, dệt lụa, không phải lam lũ vất vả, nên cô nào cô nấy má đỏ hây hây, trông rất xinh đẹp. Ngay cả bãi đất bồi ở đầu làng cũng càng ngày càng bồi rộng ra, mở mang cho đất làng ngày thêm rộng lớn.
Cho đến ngày nay, làng H.T vẫn còn nổi tiếng là đất văn học, người họ Đặng vẫn còn được hưởng lộc làm quan rất nhiều. Ai qua đây đều phải nhận rõ cảnh trù phú, thịnh vượng của làng này: các đường ngõ đều lát gạch sạch sẽ, nhà ngói mọc lên san sát, chợ búa tấp nập bán buôn. Và chiều chiều, khi dòng nước lên, các cô gái H.T lại ôm lụa ra giặt ở con lạch quanh làng, tô điểm thêm cho vẻ đẹp nên thơ của đất làng, cô nào cũng xinh tươi như mộng.
---
Bài viết GIẾNG MẮT CÁ được trích từ Truyện ông Tả Ao do Đỗ Nam sưu tầm và biên soạn. Sách do NXB Văn nghệ TP. HCM ấn hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét