Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

CỬU HUYỀN THẤT TỔ

TÌM HIỂU Ý NGHĨA VỀ BỐN CHỮ “CỬU HUYỀN THẤT TỔ”
HUỲNH VĂN ƯU

Đa số gia đình Việt Nam dù ở nông thôn, thành thị, nghèo hay giàu đều có bàn thờ tổ tiên hết sức tôn nghiêm đặt chính giữa căn nhà, trên khuôn kiếng lớn nổi lên hai màu đỏ vàng có viết 4 chữ Nho “Cửu huyền Thất tổ” 九玄七祖 chính giữa bàn thờ và hai câu đối hai bên: Tôn công thất tổ nghĩa cao thâm. Sùng đức cửu huyền ân thượng trọng 尊功七祖義高深. 崇 德九玄恩上重. Dù chưa biết cặn kẽ, nhưng nội dung không ngoài ý nghĩa: Có ông bà, cha mẹ mới có ta và… cây có cội nước có nguồn.
Vậy thờ “Cửu huyền Thất tổ” là thờ những ai?
Theo bài “Cửu huyền Cửu tộc” của Đào Hữu Chủ thì “Cửu huyền Thất tổ” là chỉ 7 vị tổ cách người cháu hiện tại (người chủ lễ) là 9 đời (tính luôn đời người cháu). Chữ “Huyền” ở đây có nghĩa là đã xa. Cháu đời xa là Huyền tôn, xa nữa gọi là Viễn tôn.
Trong gia phả thường dùng: Gọi cụ tổ thứ nhất là Thủy tổ, con của thủy tổ là tổ thứ hai, cháu của thủy tổ là tổ thứ ba, tiếp tục đến tổ thứ 4, tổ thứ 5, tổ thứ 6, tổ thứ 7. Xếp ngược lại, ông nội của chủ lễ là tổ đời thứ ba, cụ nội của người chủ lễ là tổ đời 4, kỵ nội của người chủ lế là đời thứ 5... cụ tổ cửu đại đời 9 thì vừa đúng 7 cụ tổ (thất tổ). Do vậy hai chữ “Cửu huyền”có nhiệm vụ bổ nghĩa cho“Thất tổ” để làm rõ bảy vị tổ.
Còn với ý nghĩa của Thiện Mộc Lan trong bài “Gia lễ Việt Nam với đạo thờ cúng ông bà” thì cho rằng: “Cửu huyền thất tổ” là biểu tượng chung.
Cửu: chín, thứ chín. Huyền: cháu 4 đời gọi là huyền tôn ở đây chữ huyền có nghĩa là đời, thế hệ. Thất: bảy/ Thất tổ: Bảy ông tổ nhà mình. Thờ “Cửu huyền thất tổ” là thờ Tổ tiên 9 đời của dòng họ.
Nho giáo thời xưa quy định cách thờ Tổ tiên có thứ bậc từ dân đến vua như sau:
- Sĩ và thứ dân chỉ được thờ tới nhất tổ (ông nội).
- Các quan đại phu được thờ tới Tam tổ (ông sơ).
- Hoàng đế (thiên tử) thì thờ tới thất tổ (tức ông sơ của ông sơ)
Theo quy định này, thứ dân không được thờ Thất tổ. Nhưng muốn thờ những bậc cao hơn thì thứ dân phải thờ “Cửu huyền” tránh dùng chữ “Thất tổ” để khỏi bị tội phạm thượng.
Từ bản thân đến ông thỉ tổ là chín đời, cho nên mới gọi là “Cửu huyền” lại còn cách xếp và giải thích khác lấy bản thân làm gốc, lên trên 4 đời, dưới 4 đời: 1- Cao tổ (ông sơ) 2- Tằng tổ (ông cố) 3- Nội tổ (ông nội) 4 - Phụ thân (cha) Bản thân. 1- Tử (con trai) 2- Tôn (cháu nội) 3- Tằng tôn (Chắt, cháu cố) 4- Huyền tôn (chít, cháu sơ).
Như vậy, ta thấy có sự mâu thuẫn, thờ Cửu huyền, cúng lạy Cửu huyền tức là bản thân ta cũng lạy ta và lạy cả con cháu của mình nữa sao? Điều này được lý giải nhiều lẽ: Vấn đề trên chỉ nhắm phân định cho dễ hiểu, trong đó gồm có người sống và người chết,  tượng trưng đủ âm, dương. Gọi như thế để chỉ 3 đời (tam thế) tiếp nối nhau. Đời quá khứ là Tổ tiên. Đời hiện tại là mình. Đời tương lại là con cháu mình. Gọi như thế để hiểu rằng trong cuộc đời còn có sự vay trả. Bản thân mình đứng giữa, vay lớp trên 4 đời, trả lớp dưới 4 đời. Cũng từ ý nghĩa trên, bản thân ta, xuất phát từ những việc làm tốt hay xấu đều có ảnh hưởng đến Tổ tiên, đời trước mình, đồng thời cũng ảnh hưởng đến con cháu, đời sau mình.
Còn theo Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh) thì “Cửu huyên thất tổ” được biên khảo từ tác phẩm Sự Lý Dung Thông viết bằng thể thơ song thất lục bát của Thiền sư Hương Hải được ghi trong Toàn tập Minh Châu có đề cập bốn chữ này trong câu:
               Thích độ nhân miễn tam đồ khổ
               Thoát cửu huyền thất tổ siêu thăng.
Nghĩa là: Giáo lý đức Phật Thích Ca hóa độ chúng sinh để thoát khỏi ba đường khổ: Đại ngục, ngạ quỷ, súc sinh và có khả năng cứu thoát Cửu huyền và Thất tổ được siêu thăng.
Cửu huyền: “Huyền” ở đây vốn có nghĩa theo nhà Phật là “đen”, có từ vô lượng kiếp chúng sanh luân hồi sống chết, khi thân xác này rã rời, phân ly trả về cho tứ đại, những chất tinh tủy xương máu và thịt tan rã, hủy hoại đều biến thành màu đen nên gọi là “Huyền”. Bởi chín thế hệ này vẫn xoay, sống chết như vậy nên gọi là “Cửu Huyền”.
Thất tổ: Bảy đời (bảy ông tổ): Cao, Tằng, Tổ, Cao Cao, Tằng Tằng, Tổ Tổ, Cao tổ. Tổ là ông nội của đời mình, đi ngược lên sáu đời nữa gọi là Thất tổ. Như vậy, chữ Cửu huyền bao quát hơn chữ Thất tổ. Vì Thất tổ chỉ các thế hệ đi trước, còn Cửu huyền không chỉ bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau. Chính vì vậy nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là “Nhà thờ Cửu huyền”.
Dù hiểu theo nghĩa nào chăng đi nữa, thì bốn chữ “Cửu huyền Thất tổ” không ngoài ý nghĩa bổn phận làm con cháu phải kính trọng, khắc sâu trong tâm khảm nhớ ơn ông bà cha mẹ.
                Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ
               Nước chảy vào nhớ mẹ thương cha.
Dù lịch sử trải qua bao thăng trầm, dù chiến tranh cướp mất nhiều nhà cửa, nơi thờ tự Tổ tiên, nhưng với lòng hiếu kính ông bà cha mẹ luôn được giữ gìn sâu lắng. Đây là niềm tự hào, người Việt Nam luôn biểu hiện lòng tôn trọng, nhớ ơn Tổ tiên, cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp qua việc thờ cúng. Từ lâu các vua chúa thường đi Tế giao (cúng trời đất) ở một nơi được xem là linh thiêng, hoặc cúng tổ tiên bên trong Thái miếu. Nền văn hóa Việt Nam từ thời cổ, trung đại cũng vậy. Các vua thường đi cúng tế nơi Thái Miếu, Người dân dã thì thờ cúng tại nhà và hàng năm làm lễ cúng giỗ. Nền văn hóa tinh thần này đã được duy trì, phát huy trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Đó là bàn Thờ “Cửu huyền Thất tổ” hàng đêm luôn hương khói bàn thờ “Cửu huyền thất tổ” trước để nhớ Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, sau hồi hướng trong một ngày mình làm được điều gì tốt và điều gì chưa tốt, cần phải sửa đổi, đó cũng là cách “Uống nước nhớ nguồn”. “Cây có gốc mới đâm chồi xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Chúng ta nên nhớ từ mọi ý nghĩ, việc làm, bản thân (thân, khẩu, ý) luôn ảnh hưởng đến “Cửu huyền Thất tổ” trong hiện tại, tương lai cũng như quá khứ.
http://chuaxaloi.vn/thong-tin/tim-hieu-y-nghia-ve-bon-chu-cuu-huyen-that-to/1140.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét