Chu Đạt Quan
周達觀
CHÂN LẠP PHONG THỔ KÝ
真臘風土記
Năm 1296 & 1297 sau Công Nguyên
Ngô Bắc dịch
*****
Hình 1, Khu Đền Angkor
nguồn hình: http://wikimedia.org/
Lời Người Dịch:
GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC
PHẨM
I. Về Tác Giả:
1. Sơ
lược về tiểu sử:
Chu
Đạt Quan: Chou Ta-Kuan (周 達 觀theo phiên âm Wade-Giles) hay Zhou Daquan (周 达 观theo phiên âm Pinyin): (1266-1346 sau Công Nguyên) là một nhà
ngoại giao Trung Hoa dưới thời Hoàng Đế Thành
Tông (Chengzong) nhà Nguyên. Ông được hay biết nhiều
nhất nhờ tập bút ký về các phong tục của
Căm Bốt và toàn thể khu vực đền đài
Angkor trong thời gian ông đến thăm viếng nơi
đó. Ông đã đến Angkor vào Tháng Tám năm 1296, và
đã ở lại triều đình của Nhà Vua Indravarman
III cho đến Tháng Bẩy, 1297. Ông không phải là
đại điện Trung Hoa đầu tiên hay cuối
cùng đến thăm viếng Kambuja. Tuy nhiên, sự
lưu ngụ của ông được biết đến
là bởi sau này ông đã viết một tập tường
trinh chi tiết về đời sống tại Angkor, quyển
Chân Lạp Phong Thổ Ký (Zhenla feng tu ji). Sự tường
thuật của ông ngày nay là một trong những nguồn
tài liệu quan trọng nhất để tìm hiểu
lịch sử Angkor và Đế Quốc Khmer. Cùng với
sự mô tả nhiều ngôi đền vĩ đại,
chẳng hạn như Bayon, Baphuon, Angkor Vat, và các ngôi
đền khác, bản văn cũng cung cấp các tin tức
quý giá về đời sống hàng ngày và các thói quen của
cư dân ở Angkor.
2. Cuộc
Du Hành Ngoại Giao Sang Căm Bốt
Vào ngày 20
Tháng Hai 1296, Chu Đạt Quan rong buồm từ Wenzhou (Ôn
Châu), thuộc tỉnh Chiết Giang, trên một chiếc tàu
được hướng dẫn bởi la bàn, ngang qua các
hải cảng Fuzhou (Phúc Châu), Guangzhou (Quảng Châu) Quanzhou
(hay Zaitong) và Hải Nam, lái thuyền đi qua đảo
Taya Island [một trong bẩy hòn đảo của Thất
Châu Dương?], An Nam, Qui Nhơn, Bà Rịa, Đảo Côn
Sơn (Poulo Condor), Can tien [?], sau đó hướng lên phía
bắc trên sông Mekong và đến thị trấn Kampong Cham
của Căm Bốt; từ đó ông lên một chiếc thuyền
nhỏ, lái đi trong mười hai ngày, cho đến khi
đến được biển hồ và Angkor Thom, kinh
đô của Căm Bốt trong Tháng Tám, 1296.
II. Về Tác
Phẩm Chân lạp Phong Thổ Ký
1. Các
Bản Dịch Sang Pháp, Anh,Đức và Việt Ngữ:
Tập
sách của Chu Đạt Quan được hoàn tất
trước năm 1312, sau khi ông đã trở về quê nhà.
Theo dịch giả Lê Hương (1973) được nói
đến dươi đây, tác phẩm của Chu
Đạt Quan đến đời nhà Minh (1368-1680)
được ông Ngô-Quán, quê ở Tân-An, huyện Hấp,
tỉnh An Huy hiệu đính.
Quyển
sách này đã được dịch đầu tiên sang
tiếng Pháp bởi nhà trung hoa học Jean-Marie Abel-Rémusat
năm 1819 và sau đó được dịch lại
bởi Paul Pelliot trong năm 1902. Sau đó nó đã được
chuyển ngữ sang Anh văn và Đức Văn. Theo
Wikipedia, các bản dịch sang Anh Ngữ, Pháp Ngữ, và
Đức Ngữ được liệt kê như sau:
·
Jean-Pierre Abel-Rémusat: Description du royaume de Cambodge par un
voyageur chinois qui a visité cette contrée à la fin du XIII siècle, précédée
d'une notice chronologique sur ce même pays, extraite des annales de la Chine,
Imprimerie de J. Smith, 1819
· Paul
Pelliot: Mémoires sur les coutumes du Cambodge de Tcheou Ta-Kouan,
1902
· Chou Ta-Kuan, The Customs of Cambodia, transl. by John
Gilman d'Arcy Paul, Bangkok: Social Science Association Press, 1967.
· Chou Ta-Kuan, The Customs of Cambodia, transl. by John
Gilman d'Arcy Paul, Bangkok: The Siam Society 1993.
· Zhou Daguan, The Customs of Cambodia, transl. by
Michael Smithies, Bangkok: The Siam Society, 2001.
· Zhou Daguan, The Customs of Cambodia, transl. by John
Gilman d'Arcy Paul, Phnom Penh: Indochina Books, 2nd edition, 2010.
· Zhou Daguan, Sitten in Kambodscha. Leben und Alltag in
Angkor im 13. Jahrhundert, Phnom Penh: Indochina Books, 6th edition 2010.
· Chou Ta-Kuan: Sitten in Kambodscha. Über das Leben in
Angkor im 13. Jahrhundert. Keller und Yamada, Frankfurt: Angkor Verlag, 2nd
edition 2006. ISBN 3-936018-42.
· Zhou Daguan, A Record of
Cambodia, transl. by Peter Harris, Chiang Mai: Silkworm Books, 2007. ISBN 978-974-9511-24-4
Năm
2007, nhà ngữ học Hán văn Peter Harris, chuyên viên cao
cấp tại Trung Tâm Center for Strategic Studies New Zealand, đã
hoàn tất bản dịch trực tiếp đầu tiên
từ Hán tự sang Anh ngữ, sửa chữa nhiều
lỗi lầm trong các phiên bản trước đây. Harris
đã làm việc tại Căm Bốt trong nhiều năm
và bao gồm các ảnh chụp và bản đồ hiện
đại liên hệ trực tiếp với bản văn
tường thuật nguyên thủy của họ Chu.
Quyển sách này cũng bao gồm hơn 100 tham chiếu
thư tịch, hai phụ lục và một chỉ dẫn
(index) chi tiết, bằng tiêng Anh và tiêng Hán. Đây hẳn
phải là một tài liệu quan trọng để
đối chiếu với các bản dịch có
trước, và rất tiếc người dịch không có
trong tay bản dịch của Harris để làm việc so
sánh này.
Danh
sách liêt kê bên trên của Wikipedia còn thiếu bản dịch
sang Việt Ngữ của Lê Hương, do nhà xuất
bản Kỷ Nguyên Mới xuất bản tại Saigòn
năm 1973, cũng được dịch thẳng từ
bản Hán tự với sự sử dụng nhiều chú
thích của Pelliot. Người dịch cũng đã
sử dụng các từ ngữ về địa danh, nhân
danh và các thành ngữ trong nguyên bản Hán tự mà dịch
giả Lê Hương đã sử dụng, vì nhiều phần
chính xác hơn. Tuy thế, điều khá thú vị và phân
nào nghich lý rằng dịch giả Lê Hưong cho rằng
đôi khi nguyên bản bằng chữ Hán khó hiểu, và
bản dịch của Pelliot có nghĩa rõ hơn vì có chua
bằng chữ Căm Bốt. Được biết
ở Việt Nam có xuất hiện gần đây một
bản dịch không ghi tên người dịch, nhưng có
ghi tắt là (LH, 1973), không rõ có phải chính là bản
dịch của Lê Hương hay không. Người
dịch có in lại Lời Đề Tựa quyển Chân
Lạp Phong Thổ Ký của dịch giả Lê
Hương xuất bản tại Sàigòn năm 1973
để người đọc tiện theo dõi, nơi
Phụ Lục 1 của người dịch.
Danh
sách bản dịch của Wikipedia cũng còn thiếu
bản dịch sang tiếng Anh của Jeannette Mirsky, nhân viên
thỉnh giảng của Department of Oriental Studies,
Đại Học Princeton University, được
đăng tải trong quyển The Great Chinese Travelers
của cùng dịch giả Jeannette Mirsky, xuất bản
năm 1964 tại Princeton, New Jersey. Bản dịch
được đăng tải nơi đây chiếu
theo bản dịch sang Anh ngừ của Jeannette Mirsky, và
được đối chiếu với bản dịch
sang Việt Ngữ của Lê Hương cùng các chú thích
phần lớn của Pelliot mà dịch giả Lê
Hương đã viện dẫn. Người dịch có
kèm theo nguyên bản tiếng Hán quyển Chân Lạp
Phong Thô Ký để độc giả tiện tham
khảo nơi Phụ Lục 2 của người dịch.
Một
nét chính về tôn giáo tại Căm Bốt cần ghi
nhớ trong đầu khi đọc quyển Chân Lạp
Phong Thổ Ký này. Cả hai tôn giáo Phật Giáo và Ấn
Độ Giáo đã hiện diện bên nhau tại vùng
đất này cùng với các đoàn giao thương
đến từ Ấn Độ. Vào thời Chu
Đạt Quan đến thăm viếng Căm Bốt,
Phật Giáo Tiểu Thừa đã được chính
thức thừa nhận là quốc giáo kể từ thế
kỷ thứ 13. Một thiên niên kỷ trước đó,
với các tiền thân của Căm Bốt như Phù Nam,
Chân Lạp, Ấn Độ Giáo (Hinduism) nhiều phần
lấn áp và mạnh hơn. Angkor Wat đích thực là ngôi
đền của Ấn Độ Giáo lớn
được xây dựng trên thế giới
2. Một
Công Dụng Thực Tế:
Tập
bút ký của Chu Đạt Quan rất hữu dụng
để xác định rằng tháng thứ nhất trong
lịch của Khmer là “kia-to”, được gọi
là Karttika. Không có bia ký Khmer nào sử dụng việc
đánh số tháng, nhưng trong ba hệ thống sau này
được dùng tại Thái Lan, Karttika
được gọi là tháng 1 tại một phần
của vùng Lanna và đôi khi cũng được đánh
số như thế tại Lào. Mặt khác, năm mới
theo chiêm tinh, bắt đầu trong tháng được
đánh số là tháng 6 (Caitra). Thời sai này
được xác nhận khi Chu Đạt Quan nói rằng
ông không hiểu tại sao họ chỉ có tháng nhuận
trong tháng 9. Theo khuôn khổ được áp dụng
tại đây, tháng 9 là tháng Ashadha, tháng nhuận
độc nhất tại Thái Lan và Lào. Ashadha
được biết đến nhiều hơn là “tháng 8”
bởi vì đó là tháng tương đương của nó
tại phía nam ( tức tại Bangkok).
Sự áp
dụng tại Căm Bốt tháng Ashadha như tháng
nhuận duy nhất một cách khác đã không
được chứng nhận một cách an toàn mãi cho
tới thập niên 1620 sau Công nguyên khi một năm (Saka 1539;
IMA no. 9) được nói là có tháng Ashadha thứ nhì
khi hệ thống cũ không có một tháng dư ra trong
năm đó. Tài liệu theo bia ký giữa các năm 1296 sau
Công Nguyên và 1617 sau Công Nguyên rất rời rạc, nhưng
các tài liệu như thế đã sống sót từ
phần đầu tiên của thời khoảng có vẻ
tán đồng hệ thống tính toán niên lịch cũ, cho
thấy rằng các kẻ cung cấp thông tin của Chu
Đạt Quan vào lúc có sự thăm viếng của ông
thuộc vào phe thiểu số. (Phần lớn các dữ
kiện trong phần Lời Người Dịch này
được rút ra từ Wikipedia, ngoại trừ các ý
kiến rõ rệt có tính cách cá nhân của người
dịch.)
*****
DẪN NHẬP
Chân Lạp (Chen-La), như một xứ
sở được gọi bởi người Trung Hoa,
cũng còn được gọi là Chan-la (Chiêm Lạp) (sau
khi nó đã chinh phục xứ Chàm (Champa) vào năm 1199) [chua
của Jeannette Mirsky, từ giờ viết tắt là JM, chú
của người dịch, từ giờ viết tắt
là ND]. Tại địa phương, tên của nó là
Căm Bốt (Cambodia). [Một sử gia hồi đầu
thế kỷ thứ mười chín nói răng hoàng tộc
đã chọn tên của nó theo tên một thứ trái cây: màu
đỏ và màu trắng, tròn và chia thành vệt bởi ba đường
vạch, nó mang các đường nét được
nghĩ đáng mong ước nơi người phụ nữ
của Kamboja]. [Phần này do JM có lẽ vì không hiểu rõ
nên giải thích đoạn đã được dịch
trong bản của Lê Hương (từ giờ viết tắt
là LH) như sau: “Triều đại hiện thời căn
cứ vào kinh sách Tây Phiên, gọi tên nước là Cầm Phổ
Chi (Kan-p’ou-Tche) đọc ra gần giống như Cam-Bội-Trí
(Kan-po-Tche) “ (LH)
Lên tàu tại Wen-chou [Ôn Châu, Chiết
Giang] và lái theo hướng nam tây nam [nguyên bản ghi hướng
Đinh Vị, chú của ND], chúng tôi đi ngang các thành phố
nằm trên bờ biển của Đông Kinh (Tonkin: Bắc
Kỳ) và Quảng Đông (Kwang-tung); chúng tôi đi ngang qua Biển
Hoàng Sa (Sea of Paracels) và Biển Giao Chỉ (Sea of Chiao-chih) và
đến xứ Chàm [Đoạn này JM dùng các địa danh
hiện thời nhưng cũng không có gì sai lạc, ND]. Từ
đó, khi thuận gió, trong mười lăm ngày có thể
tới Chen-pu [Chân Bồ?, theo LH là Vũng Tàu ngày nay, ND], biên
cương của Căm Bốt. Từ Chen-pu (Chân Bồ),
lái theo hướng tây tây nam [nguyên bản theo hướng Khôn-Thân,
ND], chúng tôi băng qua Biển K’un-lun (Sea of K’un-lun: Biển
Côn Sơn hay Côn Lôn) và tới vùng châu thổ của một
con sông. Trong một số cửa mà xuyên qua đó con sông
đổ nước ra biển, chỉ có cửa sông thứ
tư là có luồng lưu thông; tất cả các cửa sông
khác đều có các cồn cát trên đó các tàu lớn có thể
bị mắc cạn. Tất cả những gì trong tầm
mắt nhìn là các đợt sóng xô dâng cao, các cây bị chết,
cát vàng, và mỏm san hô trắng; không có tiêu mốc trên mặt
đất và ngay các thủy thủ cũng gặp khó
khăn để chấm định được luồng
nước thực sự. Từ nơi khởi đầu
luồng nước với một dòng chảy êm dịu
cho phép một chiếc tàu có thể lên tới Ch’a-nan [theo
LH, Tra-Nam tức Kompong Chnang ngày nay, ND], một trong các tỉnh
của Căm Bốt về phía bắc, trong khoảng mười
lăm ngày. Tại Ch’a-nan (Tra-Nam), chúng tôi đổi sang một
chiếc thuyền nhỏ hơn, và với dòng nước
thuận lợi, chúng tôi đi ngang ngôi làng giữa lộ đường
là Pan-lu-tsun [(Bán lộ thôn), không rõ nơi đâu], kế
đó làng của Đức Phật, được gọi
là Fo-ts’un [Phật Thôn, theo LH là tỉnh Pursat ngày nay, ND], và cứ
thế băng ngang Tonle-sap [Biển Hồ, JM dùng địa
danh ngày nay, trong nguyên bản là Đạm Dương, tức
hồ nước ngọt, ND], một danh xưng phát sinh từ
tiếng Căm Bốt để chỉ vũng nước
ngọt, chúng tôi đến Gan-pang [Can-Bàn, theo LH, có lẽ từ
“danh từ Kongpom có nghĩa bến ghe đậu… Đây là
bến ghe đậu trên Biển Hồ thuộc tỉnh
Siem Reap, từ đó người ta đi đường bộ
đến kinh đô Angkor”], vào khoảng mười bẩy
dặm tính từ thành phố. [Mặc dù Angkor không được
nêu tên ra, đó chính là thành phố mà Chu Đạt Quan nói tới,
chua của JM].
Theo văn bản Hán tự của chúng
tôi, tập Mô Tả Các Giống Dân Man Rợ (Description of
Barbarians) [nguyên bản là quyển “Chư Phiên Chí”, ND],
Căm Bốt đo được vào khoảng 2500 dặm:
về phía bắc, sau hành trình mười lăm ngày, tới
xứ Chàm; về phía tây nam, với cùng khoảng cách, là xứ
Xiêm La; và một hành trình mười ngày xa hơn nữa về
hướng nam là P’an-yu [Phiên-Ngu, theo LH, không rõ thuộc vùng
nào?]; về phía đông là đại dương. Xứ sở
này trước đây đã tham dự vào mậu dịch
tích cực.
Khi triều đại Trung Hoa thần
thánh của chúng tôi nhân được sự Ủy Nhiệm
oai nghiêm của Mệnh Trời để tỏa ra khắp
bốn biển, Tướng Quân So-tu (Toa Đô) phụ trách
việc mang luật lệ và trật tự đến xứ
Chàm. Ông đã phái hai viên chức chỉ huy các đội
quân khá lớn, nhưngb họ đều bị bắt giữ
và không quay trở về. [Đoạn này JM không hiểu hai
chức quan “Hổ Phù Bá Hộ” và “Kim Bài Thiên Hộ” trong
nguyên bản nên dịch chung như thế, ND] Trong tháng Sáu
năm 1295 [nguyên bản ghi năm Ất Vị, ND], hoàng
đế thánh linh của chúng tôi đã gửi một sứ
giả với quyền đối thoại chính thức
[để chiêu dụ dân nước này], và tôi được
giáo phó bổn phận tháp tùng sứ giả với tư
cách tùy viên thương mại [trong bản dịch LH, không
thấy ghi tư cách tùy viên thương mại này, ND].
Trong Tháng Hai năm sau đó [nguyên bản ghi là năm Bính
Thân, ND], tôi đã rời Ming-chou [huyện Minh Châu, theo LH nay
là Ninh Ba (Ning-Po), Chiết Giang, ND] và trong ngày hai mươi
chúng tôi đã xuống tàu tại Wen-chou (Ôn Châu); ngày mười
lăm Tháng Ba chúng tôi tới xứ Chàm. Từ đó chúng
tôi đã gặp quá nhiều trở ngại bởi ngược
chiều gió đến nỗi chúng tôi chỉ tới
được nơi muốn đến vào mùa thu, trong
tháng Sáu. Chúng tôi đã ở đó trong gần một
năm [theo bản dịch LH, đoạn này như sau:
“Chúng tôi triều kiến Quốc Vương (ChânLạp) và
trở về thuyền nhổ sào trong Tháng Sáu năm
Đinh Dậu, niên hiệu Đại Đức tức
khoảng Tháng Sáu năm 1297, ND]. Vào ngày thứ mười
hai của Tháng tám, năm 1297, chúng tôi đã trở về thả
neo tại Ssu-ming [bến Tứ Minh, theo LH, là một trấn
thuộc Ninh Ba, Chiết Giang, ND] ]. Khỏi nói, các phong tục
và hoạt động của xứ sở này không thể
nào được hay biết toàn diện trong một thời
khoảng quá ngắn ngủi, nhưng có thể nhận thức
được các đường nét chính.
*****
THÀNH PHỐ CÓ TƯỜNG THÀNH BAO QUANH
(THÀNH QUÁCH, theo nguyên bản)
Hình 2: Cửa Nam
[Tác giả Pelliot xác
định đây là Yasodharapura, thành phố được
đặt tên theo người xây dựng của nó,
Yasavarman I, được dựng lên khoảng 900 sau Công
Nguyên. Sự mô tả của Chu Đạt Quan phù hợp
đáng kể với những gì mà các nhà khảo cổ tìm
thấy, chua của JM]
Hình 3: Tượng Đá Bên Thành Cầu
Bức tường bao quanh thành phố
đo được gần bẩy dặm. Có năm cổng
giống nhau, mỗi cổng được kèm bởi hai cửa
bên hông [LH dịch: “mỗi cửa có hai lớp, ND]; có một
cổng ở mỗi cạnh, trừ cạnh phía đông có
hai cổng. Trên mỗi cổng là năm đầu tượng
Phật bằng đá; mặt tượng hướng về
phía tây,và tượng ở giữa được tô điểm
bằng vàng. Các con voi được chạm khắc bằng
đá ở cả hai bên của các cổng. Bên ngoài tường
thành là một hào rộng được vắt ngang bởi
các chiếc cầu đáng nể dẫn tới các con
đê. Ở hai bên của các chiếc cầu là năm
mươi bốn tượng quỷ thần bằng
đá, mà, giống như các bức tượng của các
tướng quân, trông oai nghiêm và khủng khiếp. Các thành
(lan can) cầu bằng đá, chạm khắc theo hình các con
rắn chín đầu. Năm mươi bốn quỷ thần
ôm giữ các con rắn trong tay như thể ngặn chặn
sự trốn thoát của chúng. Bức tường cao vào
khoảng hai mươi bốn bộ Anh (feet) [nguyên bản
ghi là hai “trượng”, ND] và được làm bằng các
tảng đá ăn khớp với nhau rất khít khao khiến
không còn lỗ hổng để cỏ dại có thể bám
rễ. Không có vọng gác với lỗ châu mai để
chiến đấu. Một số nơi nào đó trên các bờ
thành được trồng với loại thứ cây
đặc biệt [Caryota ochlaudra, một trong các loại
cây thốt bốt đuôi cá, JM dùng tên khoa học để
giải thích như thế, theo bản dịch của LH, là
cây quáng-lang, dịch từ âm tiếng Hán ND]. Cách quãng có các
ngôi nhà trống tí hon. Bên trong bức tường thành là các
dốc thoai thoải dài hơn một trăm bộ Anh với
các cổng lớn ở trên đỉnh; các cổng này được
đóng vào buổi tối và mở ra vào buổi sáng. Các người
canh cổng chặn lại các nô lệ và các tội phạm
là các kẻ có ngón chân bị chặt không được
đi qua [Bản dịch của LH ghi: “Có lịnh cấm
không cho chó chạy vào”, ND]. Các bức tường tạo
thành một hình vuông và tại mỗi góc bốn tháp bằng
đá vươn lên. Tại trung tâm của hoàng thành là một
tháp bằng vàng [đền Bayon, nguyên bản không ghi tên các
ngôi đền, ND] bao quanh bởi hơn hai mươi tháp bằng
đá và hàng trăm các căn phòng bằng đá. Ở
tường phía đông, hai con sư tử bằng vàng
đứng hai bên hông một chiếc cầu bằng vàng và
tám tượng Đức Phật bằng vàng được
đặt tại chân các căn phòng bằng đá.
Hình 4 Đền Bayonhttp
Cách một phầm ba dặm về
phía bắc từ tháp vàng và còn cao hơn nữa là một
tháp bằng đồng [đền Baphuon, ND] là nơi mà
quang cảnh thực sự đáng nể. Dưới chân
của nó có hơn mười ngôi nhà bằng đá nhỏ.
Một phần ba dặm nữa về phía bắc là nơi
cư ngụ của nhà vua và đi kèm bên các nhà ngủ của
ông còn một tháp bằng vàng khác. Chính các đền đài
như thế, theo chúng tôi nghĩ, đã là hình ảnh đầu
tiên gợi hứng khởi cho các thương nhân Trung Hoa
để ca ngợi Căm Bốt, như một đất
nước giàu có và cao quý.
Hình 5 Đền Baphuon
Khi rời từ cổng
phía nam chúng tôi sẽ sớm đến gặp một tháp bằng
đá [đền Phnom Bakheng, ND]. Tháp này theo tương truyền
đã được dựng lên trong một buổi tối
bởi một Lu Pan bản xứ (Lỗ Ban). [Bản Dịch
của LH có thêm một câu kế tiếp: “Ngôi mộ của
ông Lỗ Ban (Angkor Wat) ở ngoài cửa nam lối một dặm,
trong một vòng thành gần mười dặm, có hàng
trăm căn nhà bằng đá” được JM chua
như sau: “ [sự đề cập của Chu Đạt
Quan về khu Angkor Vat như là ngôi mộ của Lu Pan (Lỗ
Ban), vị thần theo truyền thuyết Trung Hoa là tổ
nghiệp các nhà kiến trúc, là phiên bản Trung Hoa về một
truyền thuyết địa phương gán việc xây dựng
một cấu trúc vĩ đại như thế cho
Visnukarman, nhà thủ công và kiến trúc siêu việt của người
Ấn Độ. Pelliot nêu ý kiến rằng sự im lặng
của Chu Đạt Quan về Angkor Vat – ông ta chỉ ghi nhận
rằng nó bao gồm hàng trăm ngôi nhà bằng đá, nhỏ
-- tạo ra cảm tưởng rằng khu Angkor Vat bị cấm
đóan đối với người Trung Hoa, JM].
Hình 6 Đền Phnom Bakheng
Hồ nước phía đông [theo
LH, phải là phía Tây mới đúng, vì giữa hồ có ngon
tháp Mébon với tương Phật nằm được
nói đến ngay sau này, ND] , khoảng ba dặm quá tường
thành hướng đông [Tây?], có chu vi dài hơn ba mười
dặm. Vươn lên trên đó là một ngọn tháp bằng
đá [đền Mébon, ND] và các ngôi nhà bằng đá, nhỏ.
Bên trong tháp là một bức tựng bằng đồng
hình đức Phật nằm mà từ rốn ngài dòng nước
chảy ra thường trực.
Hình 7 đền Mébon
Vào khoảng hai dặm về phía bắc
của thành phố là hồ phía bắc. Nó gồm hàng chục
ngôi nhà bằng đá, nhỏ, một tháp bằng vàng hình
vuông, một tượng sư tử bằng vàng, một
tượng Phật bằng vàng, và một con voi, một
con bò và một con ngựa bằng đồng; không thiếu
gì cả [theo bản dịch LH, “Hồ này đã khô cạn
từ lâu, mặt đất hóa thành rừng không còn dấu
vết gì ngoài ngôi đền Néak Pean, ta gọi là Tháp Rồng
vấn”, ND]
Hình 8 đên Néak Pean
nguồn hình: http://wikimedia.org/
*****
CUNG THẤT
(theo nguyên bản, chỉ chung mọi loại
nhà cửa):
Cung điện, các kiến trúc chính
thức, và các lâu đài của các nhà quý tộc được
quay hướng về phía đông. Hoàng cung, ở phía bắc
của tòa tháp bằng vàng và chiếc cầu bằng vàng, có
nhiều tháp [bản dịch của LH: “gần cửa ra
vào” và LH chú thích không biết cửa [cổng] nào, ND] được
vây quanh bởi một bức tường dài khoảng ba dặm.
Ngói lợp của các căn phòng riêng [theo LH, của cung Vua]
bằng chất chì, trong khi mái ngói của các bức tường
[? Của các cung điện khác, theo LH, có lẽ đúng hon,
ND], bằng đất sét và có màu vàng. Chiếc cầu dựa
trên các chiếc cột khổng lồ; các tượng Phật
được chạm khắc và sơn phết; kích thuớc
thì tráng lệ [bản dịch của LH, “”Những cây
đà ngang và cột thật lớn đều có chạm
hình Đức Phật và sơn màu. Nóc cung thật là hùng
tráng.”]. Các ngôi đình chạy dài và hàng lang có mái che không theo
quy tắc một cách táo bạo; không có sự đối xứng
bó buộc. Các cửa sổ của phòng hội đồng
có khung bằng vàng [bản dịch của LH, “Tại
đây, nơi nhà Vua thiết triềucó một cửa sổ
bằng vàng] và bên trái và bên phải của chúng là các cột
vuông trên đó có treo khoảng bốn mươi hay năm
mươi tấm gương. Bên dưới chúng là một
gờ viền, khắc hình các con voi. Được nghe
nói rằng bên trong cung điện có nhiều kỳ quan;
nhưng không thể nhìn được chúng bởi các sự
ngăn cấm không cho vào hoàng cung được giữ rất
nghiêm ngặt. Chẳng hạn như tháp vàng trong cung
điện có đỉnh tháp là phòng ngủ của nhà vua.
Các cư dân bản xứ tuyên bố rằng trong tháp có sinh
sống vị thần rắn chín đầu, vị chủ
thần của toàn thể vương quốc, kẻ hàng
đêm biến thành hình dạng của một người
đàn bà. Chính với vị thần siêu nhiên này mà nhà vua [mỗi
đêm] đã cùng ngủ trước tiên và sau đó đã
giao hợp. Ngay cả các bà vợ chính của nhà vua
cũng không dám bước vào tòa tháp. Sau đó, vào canh hai,
nhà vua có thể đi ra và ngủ với các bà vợ và các
nàng hầu. Nếu đêm nào vị thần rắn không xuất
hiện, điều đó loan báo thời khắc băng hà
của nhà vua; nếu chỉ một đêm nhà vua không giữ
đúng cuộc hẹn, một số tai ương sẽ
đổ xuống.
Các nơi cư ngụ của các
hoàng tử và các quan chức cao cấp thì khác biệt về
kiểu cách và kích thước với các nhà cửa của người
dân thường. Ngạch trật của mỗi quan chức
xác định kích thước ngôi nhà của ông ta. Tất
cả mọi kiến trúc công cộng và các nơi cư trú
đặc biệt đều được che bằng
tranh; chỉ đền thờ gia tộc và các căn phòng
riêng mới có thể được lợp bằng ngói.
Các ngôi nhà của thường dân được che bằng
tranh và họ sẽ không dám dùng ngói. Cũng thế, kích
thước của chúng tùy thuộc vào phương tiện
của chủ nhà, nhưng trong bất kỳ trường
hợp nào họ không dám bắt chước theo kiểu các
lâu đài của nhà quý tộc.
*****
Y PHỤC
Tất cả mọi người –
từ các nhà quý tộc trở xuống, đàn ông cũng
như đàn bà – đều bện tóc họ thành một
búi tóc; vai của họ để trần. Họ
đơn giản quấn một mảnh vải quanh hông.
Khi đi ra ngoài, họ choàng một chiếc khăn lớn
chùm lên mảnh vải nhỏ. Họ có hàng vải thuộc
nhiều phẩm chất khác nhau; hàng được dùng bởi
nhà quý tộc trị giá hai hay ba chỉ (hay phân vàng của
Anh: ounce) – vải dệt có màu tuyệt diệu và mỏng.
Mặc dù họ dệt vải trong xứ này, các hàng vải
dùng bởi các nhà quý tộc được nhập cảng
từ Xiêm La hay Chàm; hàng vải đắt tiền nhất là
các tấm sa (the) mỏng nhập cảng từ biển tây
(vải thưa mỏng (muslins) của Dacca, JM) [trong nguyên bản
là Tây Dương, chỉ Ấn Độ ngày nay, ND].
Chỉ có ông hoàng mới
có thể mặc các loại vải hoa[ bản dịch của
LH, “vải thêu dính liền nhau”]. Vương miện bằng
vàng của ông thì cao và nhọn giống như các mũ trên
đầu các vị thần oai vệ. Khi không mang vương
miện, ông quấn lên búi tóc của mình bằng các vòng hoa
nhài thơm dịu. Cổ ông đeo các chuỗi ngọc
trai khổng lồ (chúng nặng khoảng gần ba cân Anh
(pound) [?]; cổ tay và cổ chân của ông đeo các vòng xuyến
và trên các ngón tay của ông là những chiếc nhẫn bằng
vàng có nhận đá tỏa sáng như mắt mèo. Ông ta
đi chân trần – các gót chân của ông, giống như các
lòng bàn tay, được tô điểm bằng một loại
phấn đỏ. Khi xuất hiện trước công
chúng, ông mang Gươm Bằng Vàng.
Trong dân chúng, các người
phụ nữ được phép tô màu các lòng bàn chân và lòng
bàn tay của họ; đàn ông không dám làm như thế. Các
quan chức cao cấp cũng như các nhà quý tộc được
phép mặc loại vải trên đó rải rác có hình các loại
hoa; các hầu cận cung điện được phép sử
dụng vải với hai cành hoa, trong khi trong số thường
dân, chỉ có các phụ nữ là được phép dùng loại
này. Một người Trung Hoa, mới tới hồi gần
đây, mặc vải được trang điểm khắp
nơi bằng các cành hoa – ông ta không bị trừng trị
bởi ông ta không biết các quy luật.
*****
QUAN THUỘC (VIÊN CHỨC CHÍNH QUYỀN)
Trong xứ sở này có các đại
thần cố vấn, các tướng lĩnh, các nhà chiêm
tinh, v.v…, và dưới họ, đủ mọi loại các
viên chức thấp hơn. Họ chỉ khác nhau ở tước
vi.. Trong phần lớn các trường hợp, họ lựa
chọn các nhà quý tộc cho các chức vụ cao cấp. Nếu
không, các kẻ được bổ nhiệm sẽ tiến
cung các con gái của họ để làm các cung tần. Huy
hiệu cũng như đoàn tùy tùng của họ được
xác định bởi thứ bậc: các nhân vật cao cấp
nhất có các chiếc kiệu với đòn khiêng bằng vàng
và bốn cái lọng có tay cầm bằng vàng; một số
trong các tùy tùng của họ có cùng quyền để có kiệu
với đòn khiêng bằng vàng nhưng bị giới hạn
chỉ có một lọng với tay cầm bằng vàng; một
số chỉ có lọng kể sau. Sau đó đến các
quan chức đi kiệu có đòn khiêng bằng bạc –
chính cấp bậc ấn định là liệu một quan
chức có quyền dùng vàng hay bạc, có một hay nhiều
lọng vinh dự. [câu sau cùng này trong bản dịch của
LH ghi, “Quan chức nào được che lọng vàng gọi
là ba đinh (pa-tinh) hoặc ám đinh (ngan-ting), quan nào
được che lọng bạc gọi là tê-lạc-đich
(sseu-la-ti)]. Các chiếc lọng này được làm bằng
vải lụa bóng Trung Hoa màu đỏ, và có các tua thả
xuống sát mặt đất. Các chiếc dù, mà họ
cũng sử dụng, được làm bằng vải bóng
màu xanh lục tẩm dầu và có các tua rèm ngắn.
*****
TAM GIÁO (BA TÔN GIÁO)
[Chu Đạt Quan đã giải thích các
truyền thống địa phương tương ứng
với các thuật ngữ và phong tục Trung Hoa của
chính ông, JM]
Ba tôn giáo là tôn giáo của Các Nhà Học
Giả hay ban-cật (Scholars tức pan-ki), Các Nhà Sư gọi
là đinh cô (tức ch’ou-ku) và Các Tín Đồ Bà-La-Môn-Giáo
[Taoists, JM dùng chữ Taoists ở đây dễ gây ngộ nhận
là người của Đạo Giáo Trung Hoa, trong khi thực
sự đó là các tín đồ của Bà La-Môn-Giáo, ND] gọi
là bát-ti-duy (pa-sseu-wei). [Pan-ch’i, có phần để chỉ
pandit [trí thức thời đó], hay các Brahmans (thuộc
giới tăng lữ của Bà La Môn giáo); Ch’ou-ku [theo
LH, tiếng Thái Lan], chỉ các nhà sư Phật Giáo, và pa-ssu-wei,
“Các Đạo Sĩ” trong tiếng Căm Bốt, có thể,
theo ý kiến của Pelliot, là các tín đồ của một
giáo phái đặc biệt thờ vị thần Ấn
Độ, Siva, chua của JM]. Tôi không biết các học giả
thờ phượng ai: họ không có gì giống như một
trường học hay bất kỳ loại cơ sở
giáo dục gì cả; thật khó để biết được
loại kinh sách mà họ đọc. Ngoại trừ một
sợi dây màu trắng được đeo quanh cổ và
không bao giờ rời họ chừng nào còn sống, họ
ăn mặc giống như mọi người khác. Giới
pan-ch’i đảm đương nhiệm vụ trở
thành các quan chức cao cấp.
Các nhà sư Phật Giáo, ch’ou-ku,
cạo đầu trọc, mặc y phục màu vàng để
lộ vai bên phải; ở phần dưới của
cơ thể, họ thắt một váy bằng vải màu
vàng. Họ đi chân trần. Các ngôi chùa của họ được
lợp mái ngói và chứa một tượng duy nhất mà họ
goi là Po-lai (Bột-Lại) và trong mọi khía cạnh giống
như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakymuni Buđha).
Tượng được làm bằng đất sét, được
tô son đỏ và xanh da trời, và được mặc
màu đỏ. Các tượng Đức Phật này rất
khác với các tượng trên các ngọn tháp, được
đúc bằng đồng. Không có chuông, không trống hay
các chũm chọe, không có lễ vật bằng lụa làm
rèm rũ xuống, không bệ đài. Các nhà sư ăn cá
và thịt, nhưng không uống rượu. Trong các đồ
cúng lên Đức Phật, họ gồm cả cá và thịt.
Họ dùng một bữa cơm hàng ngày với một gia
đình mời họ, bởi vì không có nhà bếp trong các tu
viện. Họ thuyết giảng từ một khối
lượng lớn lao các thánh kinh được viết
trên các lá dừa (lá gồi) được chất cao một
cách ngay ngắn. Trên mặt lá là các chữ màu đen,
nhưng bởi họ không dùng bút vẽ hay mực, tôi không
rõ làm sao các chữ được viết ra [theo LH, “người
Miên dùng mũi kim viết trên lá gồi, đoạn thoa lọ
nồi hoặc lọ chảo lên, màu đen dính vào nét chữ
lộ hẳn ra”.]. Một số nhà sư nào đó có quyền
sử dụng một chiếc kiệu với đòn khiêng
bằng vàng hay bạc và một chiếc lọng được
trang trí tương tự như kiệu và lọng của
những kẻ được ông hoàng tham khảo về
các vấn đề trọng đại [theo LH, “đó là vị
Sãi Cả, coi sóc Giáo Pháo trong toàn quốc gọi là Vua Sãi, hiện
vẫn còn chức vụ ấy.”] Không có các ni cô Phật
Giáo.
Các pa-ssu-wei (bát-ti-duy) [LH dịch
là các tin đồ Bà La-Môn-Giáo, không phải các giáo sĩ, ND]
ăn mặc giống như mọi người khác ngoại
trừ một khăn trên đầu màu đỏ hay trắng,
giống như chiếc khăn ku-ku (Cổ-cô) được
khoác bởi các phụ nữ Tartar [một sắc dân Hồi,
ND] nhưng được đội hơi thấp hơn
một chút. Các ngôi đền của họ, nhỏ hơn
các ngôi chùa Phật Giáo và xem ra Bà-La-Môn-Giáo không đạt được
sự phát triển của Phật Giáo. Hình tượng tôn
sùng của họ không có gì ngoài một khối đá trông rất
giống như viên đá bàn thờ Thần Thổ Địa
(God of the Soil) tại Trung Hoa. [Pelliot tin răng đây là một
linga, JM.] Tôi thực sự không biết họ thờ
phượng vị Thần nào [bản dịch của LH,
“Đối với họ tôi cũng không biết họ tu
theo nguồn gốc nào”]. Có các nữ tín đồ
Bà-La-Môn-Giáo. Các tín đồ Bà-La-Môn-Giáo không chia sẻ
đồ ăn với các người khác và không ăn ở
chỗ công cộng; họ không uống rượu. Tôi
chưa bao giờ nhìn thấy họ cất lời cầu
nguyện hay thi hành các công đức cho kẻ khác. Trẻ
con của thường dân theo học tại trường được
dạy dỗ bởi các sư sãi này, khi lớn lên, chúng quay
về đời sống thế tục. Tôi không có khả
năng học hỏi chi tiết về mọi việc.
*****
NHÂN VẬT (CÁC CƯ DÂN)
Người dân Căm
Bốt làm tôi nhớ về người Man [Mán?], giống
dân man rợ phương nam của chúng ta: họ có vẻ
thô lỗ và rất đen. Bất luận họ sinh sống
tại các ngôi làng xa xôi, hay trên các hòn đảo ngoài biển,
hay tại trung tâm thành phố -- họ đều trông giống
nhau. Chỉ khi nào chúng tôi gặp được các người
tại cung điện và các phụ nữ của các nhà quý
tộc chúng tôi mới tìm thấy các người trắng
như ngọc, một tình trạng có thể là do họ
không bao giờ ra ngoài mặt trời. Phụ nữ
cũng như đàn ông chỉ quấn một tấm
khăn ngang hông và phơi trần phần trên của cơ
thể họ; vú của họ trắng như sữa. Họ
cũng búi tóc thành búi tó và đi chân trần, ngay các bà vợ
của nhà vua.
Nhà vua có năm bà vợ; một cho
căn phòng riêng mà tôi đã nói đến và bốn người
kia theo bốn hướng chính. Tôi có nghe rằng số các
nàng hầu và các cung nữ từ ba đến năm nghìn người
và được chia làm nhiều hạng; họ hiếm
khi xuất hiện bên ngoài cung điện. Riêng về phần
mình, tôi có thể nói rằng mỗi khi tôi nhìn thấy nhà
vua, ông ta được tháp tùng bởi người vợ
cả và ngồi tại Cửa Sổ Bằng Vàng tại
căn phòng riêng của ông. Các cung nhân tự xếp hàng tại
hàng hiên bên dưới hai bên cửa sổ để chờ
đến phiên yết kiến họ. Tôi đã có thể
nhìn thoáng qua. Bất kỳ gia đình nào được ban
cho một đứa con gái xinh đẹp không bỏ lỡ
cơ hội để dẫn cô gái đến hoàng cung. Ở
thứ hạng thấp là các phụ nữ phục dịch
tại cung điện [bản của LH dịch âm là “Trần-gia-lan
(tch’en-kia-lan] -- không dưới một hai hai nghìn người
– là các kẻ đã lập gia đình và sinh sống tại
nơi mà họ lựa chọn. Họ cạo tóc phần
trán theo kiểu dân phương bắc và bôi một vết
son đỏ ở đó cũng như ở hai bên màng
tang. Đây là dấu hiệu phân biệt của họ. Đây
là những người đàn bà duy nhất được
vào cung điện; những người ở cấp thấp
hơn không dám vào. Luôn luôn có một số người trong
họ trên đường tới lui cung điện. Trong
khi người bình dân không mang kẹp tóc, lược, hay bất
kỳ đồ trang điểm trên tóc nào khác, hay đeo các
vòng vàng, hay nhẫn vàng, các phụ nữ phục dịch
cung điện này tự trang điểm hết cỡ.
Các người đàn ông và đàn bà xức các nước
hoa mùi gỗ trầm, xạ hương, và các mùi khác.
Mọi người đều thờ
phượng Đức Phật.
Tại xứ sở này các nhóm người
đồng tính [LH đã chú thích như sau: “Nguyên văn: Nhị
hình nhân là đàn bà làm hai nghề, có nghĩa là gái giang hồ.
Có thuyết lại cho là kẻ ái nam ái nữ. Ông Paul Pelliot
dịch là Mignon: kẻ được thương mến,
hãnh thần, long dương của Vua, Chúa”] ra chợ hàng
ngày nơi họ tìm cách quyến rũ người Trung Hoa,
hỵ vọng có được các tặng phẩm đắt
tiền. Thật đáng ghê tởm, vô tư cách.
*****
SẢN PHỤ (ĐẺ CON)
Khi một phụ nữ vừa sinh
con, bà ta nấu cơm, lăn nắm cơm với muối,
và đắp nó vào các bộ phận sinh dục của
mình. Sau một ngày và một đêm, bà ta gỡ nó ra và
chính nhờ thế việc mang thai của bà ta không có các hậu
quả không hay; người đàn bà bảo tồn một
dáng vẻ của thời thiếu nữ. Khi lần đầu
tiên nghe thấy điều này, tôi lấy làm sững sờ
và không khó có thể tin điều đó. Nhưng tôi đã
có thể nhìn thấy điều này cho chính mình khi, trong gia
đình mà tôi cùng sinh sống, một thiếu nữ sinh ra một
đứa nhỏ, và ngay trong ngày kế tiếp, cô ta đã
ôm đứa bé khi đi tắm tại một dòng sông.
Đó là một điều thực sự kỳ lạ!
Điều được nói là phụ
nữ xứ này rất dâm dật. Chỉ một hay hai
ngày sau khi sinh đẻ, họ ăn nằm với chồng
họ. Khi một người chồng không thỏa mãn các
khát khao của họ, họ bỏ rơi anh ta. Nếu
người chồng bị gọi đi xa trong một thời
gian kéo dài, người vợ có thể vẫn còn chung thủy
trong nhiều đêm, nhưng sau hai tuần lễ, bà ta sẽ
thường nói, “Tôi không phải là một con ma,làm sao tôi có
thể ngủ một mình được?” Đối với
một thời gian dài như thế, hành động sa
đọa lôi họ đi! Tôi có nghe rằng có một số
đàn bà vẫn giữ lòng chung thủy. Các phụ nữ
chóng già; có thể bởi họ kết hôn khi còn trẻ và
sinh con quá sớm. Ở tuổi hai mươi hay ba
mươi, họ trông như phụ nữ Trung Hoa ở tuổi
bốn mươi hay năm mươi.
*****
THẤT NỮ (GÁI CHƯA CHỒNG)
Các cha mẹ của một
đưa con gái thường đưa ra điều cầu
nguyện này: “Mong con có thể được khao khát bởi
đàn ông! Cầu có hàng trăm nghìn người chồng hỏi
xin cưới con!” [bản dịch của LH, “…Vái cho con sau
này thành vợ của trăm và ngàn người chồng”!].
Khi đứa con gái của một
gia đình giàu có ở vào tuổi từ bẩy đến
chín tuổi – đối với đưa con gái của một
người nghèo khổ, là sau khi cô bé được mười
một tuổi – họ giao phó đứa con cho một tu
sĩ Phật Giáo hay Bà-La-Môn-Giáo để được
phá trinh theo nghi lễ. [Bản dịch của JM không có câu
kế tiếp như sau trong bản dịch của LH:
“Người ta gọi lễ đó là Trận-Thảm
(Tchen-T’an)”. Có thể JM không hiểu rõ nghĩa tên gọi lễ
này nên đã bỏ qua, không dịch câu này, ND]. Mỗi
năm một viên chức chọn một ngày vào đầu
mùa hè [bản dịch của LH, “ …tương
đương với Tháng Tư của Trung Hoa” đúng
theo nguyên bản chữ Hán, xem phần giới thiệu về
công dụng xác định niên lịch chính xác hơn của
tác phẩm Chân Lạp Phong Thổ Ký này, nơi phần
giới thiệu trên cùng của người dịch] và ngày
đó được loan báo mọi nơi. Mọi gia
đình có một đứa con gái hợp lệ thông báo với
viên chức, kẻ giao cho gia đình một ngọn sáp (nến)
trên đó ông ta đánh một dấu hiệu. Vào ngày chỉ
định, khi tối buông xuống, ngọn nến
được thắp sáng và, khi nó cháy tới dấu hiệu
đã khắc, giây phút cho nghi lễ Trận Thảm bắt
đầu. Một tháng, hay mười lăm ngày, hay ngay cả
mười ngày trước, gia đình đã lựa chọn
một tu sĩ Phật Giáo hay Bà-La-Môn-Giáo từ những
ngườì sinh sống gần một ngôi chùa Phật Giáo
hay ngôi đền Bà-La-Môn-Giáo. Một số nhà sư nào
đó có một số thân chủ thường lệ và những
nhà sư nổi tiếng được ưa thích bởi
các quan chức và gia đình giàu có; đối với người
nghèo, không có sự lựa chọn. Các gia đình giàu có và những
kẻ thuộc giai cấp quan chức biếu các nhà sư
với các tặng phẩm như rượu, gạo, vải
vóc, lụa, hạt cau, và cả tiền bạc – nhiều tới
cả trăm piculs [tạ Trung Hoa, chú của người
dịch], có trị giá từ hai đến ba trăm taels
(lạng) bạc Trung Hoa. Các tặng phẩm của các gia
đình ít giàu có hơn có trị giá từ mười, hai
mươi, ba mươi hay bốn mươi piculs (tạ
Trung Hoa), tùy theo gia sản của họ. Nếu một
đưa con gái nghèo lên đến mười một tuổi
mà chưa có tổ chức buổi lễ, đó là vì cha mẹ
cô bé không thể đài thọ nổi. Với những kẻ
kém may mắn như thế, có các tu sĩ từ chối các
tặng phẩm và cử hành nghi lễ miễn phí; hành vi của
họ được coi là một công đức [bản dịch
của LH ghi, “Cùng có người cho các cô gái nghèo tiền sở
phí cuộc lễ Trận Thảm và người ta gọi
đó là “thực hành một việc tốt đẹp] bởi
một nhà sư chỉ có thể được phá tân một
người con gái trong một năm; một khi một nhà
sư đã chấp nhận, ông ta không thể hứa hẹn
cử hành nghi lễ với bất kỳ ai khác nữa.
Chính buổi tối được
cử hành với âm nhạc và một bữa tiệc lớn
được chuẩn bị để thết đãi các
thân nhân và hàng xóm. Bên ngoài cửa một sàn trình diễn được
dựng lên, trên đó nhiều tượng bằng đất
sét nặn hình người đàn ông và các thú vật được
xếp đặt, và giữ nguyên như thế trong một
tuần lễ [bản dịch của LH, “… có khi nhiều
hơn mười có khi ba hay bốn tượng”.]. Người
nghèo không phải tuân theo tục lệ cổ xưa này. Sau
đó, với các chiếc kiệu, lọng và âm nhạc, họ
ra ngoài và mời gọi vị sư và đón vị sự
về với họ. Hai đình bằng lụa nhiều
màu sắc được dựng lên – một đình có cô
gái ngồi trong đó, đình kia là nhà sư. Không ai biết
họ nói những gì với nhau bởi tiếng nhạc làm
điếc tai. Trong đêm đó không ngăn cấm âm nhạc
quấy rầy sự yên tĩnh.
Tôi nghe nói rằng khi thời khắc
đã đến, nhà sư tiến vào đình của cô gái;
ông phá trinh cô gái bằng bàn tay sau khi đó ông đã nhúng vào
rượu. Cô gái, tất cả các thân nhân và hàng xóm, đều
dùng rượu đó để bôi lên trán của họ.Tôi
cũng được cho hay rằng họ đã nếm
rượu đó. Một số người nói nhà sư
thực sự giao hợp với cô gái, những người
khác nói ông ta không làm như thế. Bởi vì người
Trung Hoa không thể chứng kiến buổi lễ, họ
không thực sự hay biết về những gì đã xảy
ra. Ngay trước lúc bình minh ló dạng, cùng đám rước
bằng kiệu, lọng, và âm nhạc đến hộ tống
nhà sư. Chính vào lúc đó, như để chuộc lại
cô gái từ nhà sư, ông ta được biếu những
tặng phẩm bằng vải và lụa; nếu không cô gái
bị xem sẽ là của nhà sư vĩnh viễn và sẽ
không bao giờ có thể kết hôn với bất kỳ người
nào khác. Khi tôi ở đó, buổi lễ diễn ra vào
đầu mùa hè năm 1297 [bản dịch của LH theo
nguyên văn chữ Hán như sau: “Những gì tôi trông thấy
diễn ra trong đêm thứ sáu, Tháng Tư năm Đinh Dậu
(Ting-yeou), niên hiệu Đại Đức (Ta-to) (nhằm
ngày 28 Tháng Tư D.L., 1297)].
Đôi khi có hơn mười gia đình
trên cùng một phố cùng cử hành nghi lễ và các đám
lễ tiếp dẫn các nhà sư chạm trán nhau [trên
đường phố]. Không có nơi nào mà không nghe thấy
tiếng nhạc inh tai.
Người con gái, trước buổi
lề ngủ gần cha mẹ, giờ đây bị đuổi
ra khỏi phòng của họ, và đi đến nơi mà
cô ta muốn mà không có sự kiềm chế hay giám sát. Khi một
cuộc hôn phối diễn ra, theo phong tục hay tặng
cho hai người các tặng phẩm bằng vải,
nhưng việc đó chỉ mang tính hình thức chứ
không có mấy tầm quan trọng. Thường người
đàn ông cưới nhiều cô gái về làm thiếp của
họ và việc này xảy ra không có gì lấy làm xấu hổ
hay ngạc nhiên. [Bản dịch của LH ghi, “Trong lễ
cưới, dù tục lệ có điểm tặng hàng lụa,
đó là một hình thức không quan trọng, nhiều kẻ
ăn ở với nhau trước rồi mới cưới
sau, phong tục không cho đó là điều xấu hổ,
không đáng ngạc nhiên]
*****
DÃ NHÂN (CÁC NGƯỜI MAN RỢ)
Có hai loại người man rợ:
các kẻ có biết chữ và được bán làm nô lệ;
các kẻ kia không hiểu ngôn ngữ và không thể tự
thích ứng với văn minh. Các người kể sau
không có các nơi cư ngụ thường trực,
nhưng, thường dẫn gia đình theo họ, lang thang
trong vùng núi, đội ít thực phẩm của họ
trong các bình bằng đất sét trên đầu của họ.
Nếu họ tìm thấy một con thú hoang, họ sẽ giết
nó bằng các cây giáo hay bằng cung tên, nhóm lửa bằng
cách đánh các viên đá vào nhau, nấu con thú, cùng nhau ăn
nó, và tiếp tục đi lang thang. Hung dữ bởi bản
chất, họ sư/ dụng các độc chất giết
người. Trong nhóm riêng của họ, họ vẫn
thường giết lẫn nhau. Thời gần đây một
số ít người khởi sự trồng cây bạch
đậu khấu và bông vải và vải dệt trông còn
thô và kiểu mẫu không đều đặn.
*****
NÔ TÌ (CÁC NÔ LỆ)
Các kẻ man rợ thường được
mua để làm việc của các đầy tớ. Khi
còn trẻ và khỏe mạnh, họ bán được một
trăm tấm vải; già và yếu, đang giá từ ba
mươi đên bốn mươi tám vải [Câu này trong
nguyên bản nằm bên dưới, JM có thể rút lên trên
để dịch để giữ cho ý tưởng
được liên tục, ND]. Các gia đình giàu có có thể
có hơn một trăm đầy tớ, ngay những gia
đình với phương tiện khiếm tốn có thể
có mười hay hai mươi nô tì; chỉ có người
nghèo không có đầy tớ nào cả. Các kẻ man rợ
cư trú tại vùng núi non hoang dã và thuộc vào một chủng
tộc khác; họ được gọi là chuangs tức
Chàng, các kẻ trộm [theo LH, “Chàng là tiếng người
Tàu gọi theo lối phát âm của người Miên. Đây
là giống dân trên núi phía Tây Biển Hồ] Nếu, trong một
cuộc cãi cọ, một người gọi kẻ khác là “Chàng
tặc: chuang”, đó là một sự sỉ nhục gây chết
người, thật đáng khinh miệt biết bao các kẻ
man rợ, các kẻ bị xem là dưới con người.
Được mang đến thành phố, họ không bao giờ
dám xuất hiện trên đường phố. Họ bị
buộc phải sống tại gầm bên dưới các
ngôi nhà được dựng trên các chiếc cột [nhà sàn]
và khi được lên trên nhà để làm việc, trước
tiên họ phải quỳ gối và bày tỏ sự vâng lời
thích đáng, phục lạy trước khi họ có thể
tiến về phía trước. Họ gọi các chủ
nhân của họ là “cha mẹ: ba-đà (pa-t’o: cha; mề
(mi: mẹ)”. Nếu phạm lỗi lầm, họ bị
đánh. Họ nhận sự trừng phạt với
đầu cúi xuống và không làm một sự động
đậy nhẹ nhàng nhất. Các người đàn ông
và đàn bà này [các từ ngữ là chữ được
dùng để chỉ các súc vật] cặp đôi với
nhau. Không chủ nhân ông nào lại mong muốn ngủ với
một nữ nô tì bao giờ. Khi – và điều đó
đã xảy ra – một người Trung Hoa, độc
thân và cư trú lâu năm tại xứ sở đó, có các quan
hệ với một phụ nữ nô lệ và việc này
được khám phá bởi chủ nhân của cô ta, vị
chủ nhân từ đó trở đi sẽ cự tuyệt
không ngồi xuống cùng với người Trung Hoa bởi
những gì mà người đó đã làm. Và nếu một
kẻ nô lệ mang thai bởi một người lạ,
chủ nhân ông không cần viết đến lý lịch của
người cha – ông ta chỉ nhìn đứa bé sơ sinh
như một nô lệ khác sẽ phục dịch cho các nhu
cầu gia đình của ông ta. Khi một nô tì chạy trốn
bị bắt lại, mặt của anh ta bị đánh dấu
bằng một dấu màu xanh da trời. Đôi khi một
vòng sắt được buộc quanh cổ anh ta, đôi
khi tay và chân anh ta bị xiềng xích lại.
*****
NGÔN NGỮ
Xứ sớ này có ngôn ngữ riêng của
nó. Mặc dù các âm thanh nghe khá giống nhau, người dân
xứ Chàm và của Xiêm La không hiểu được. [JM
bỏ, không dịch một đoạn các từ ngữ
thông dụng trong tiếng Căm Bốt, được ghi
trong bản dịch của LH như sau: “Một gọi là
mai (mei), hai: biệt (pie), ba:ti (pei), bốn: ban (pan), năm:
bột giám (po-lan), sáu: bột giám mai (po-lan-mei), bẩy: bột
giám biệt (po-lan-pie), tám: bột giám ti (po-lan-pei), chín: bột
giám ban (po-lan-pan), mười: đáp (ta), cha: ba-đà
(pa-t’o), mẹ: mề (mi), cô, dì, và láng giềng có tuổi
đáng kính trọng cũng gọi là mề (mi), anh: ban
(pang), chị cũng gọi là ban (pang), em: bồ ôn (pou-wen),
cậu: ngật lại (K’I-lai), chồng của cô cũng gọi
là ngật-lại (K’i-lai).] [Dịch giả Lê Hương có
ghi lại một chú thích thú vị khi dịch đoạn
về ngôn ngữ này như sau: “Tác giả [Chu Đạt
Quan] phiên âm đúng như tiếng Miên. Khi chúng tôi dịch
ra theo lối phát âm chữ Nho thì sai bét, nhưng vì cần phải
giữ y nguyên văn nên vẫn để như thế, xin
quý vị coi những chữ phiên âm theo Việt ngữ: một:
mui, hai: pi, ba: bây, bốn: buôn, năm: pram, sáu: pram-mui, bảy:
pram-pi, tám: pram-bây, chín: pram-buôn, mười: đốp, cha:
patau, mẹ: mê, anh: bon, em: bon-ôn, cậu: Khlai.”]
Một cách tổng
quát, có thể nói rằng họ đảo ngược thứ
tự của các từ của họ. [Tác giả
đưa ra các thí dụ, đối chiếu thứ tự
từ của Căm Bốt với thứ tự từ
trong tiếng Hán, JM không dịch đoạn này, được
ghi trong bản dịch của LH như sau: “ … ví như chúng
ta nói: “người này là của Trương Tam (Tchang-San)
đứa em” thì họ nói “bồ-ôn (pou-wen) Tchang-San”: Em của
Trương Tam; “người này là của Lý Tứ (Li-Sseu)
ông cậu”, họ nói: “ngật lại (K’i-lai) Li Sseu”: cậu
của Lý Tứ. Ví dụ khác, họi gọi nước
Trung Hoa là “Bị thế” (Pei che), ông quan là “ba-đinh”
(pa-ting), nhà học giả là “ban-cật” (pan-k’i). Nhưng
khi gọi “một ông quan Trung Hoa” thì họ không nói “Pei-che
pa-ting” mà nói “pa-tinh Pei-che”, để gọi “một nhà học
giả Trung Hoa”, họ không nói “Pei-che pan-k’i” mà nói “pan-k’i
Pei-che”, thường thường họ nói như vậy.
Đây là những nét đại lược.”]
Các quan chức có một
văn thể chính thức cho các cuộc thảo luận của
họ; các học giả nói theo cách văn chương; các
nhà sư Phật Giáo và các Giáo Sĩ Sĩ Bà-La-Môn-Giáo có ngôn
ngữ riêng của họ; và các làng khác nhau phát ngôn một
cách khác nhau. Tình trạng cũng tuyệt đối giống
như tại Trung Hoa.
*****
VĂN TỰ:
Văn bản bình thường và
các điệp văn chính thức được viết
trên tấm da con dê hay hươu hay cừu nhuộm
đen. Các tấm da có thể lớn hay nhỏ theo sở
thích của họ quyết đoán. Một loại phấn
giống như “đất trắng” của Trung Hoa được
đóng thành từng bánh và với loại mực trắng
này họ viết trên các mảnh da các chữ không thể
xóa đi được; muốn tẩy nó, cần phải
lau bằng một khăn vải ướt. Khi họ hoàn
tất việc viết chữ, họ dắt cục phấn
này lên (vành ) tai của họ. Một người viết
chữ có thể được nhận diện một
cách dễ dàng bởi nét chữ của mình. Phần lớn
chữ viết trong giống như chữ viết của người
Uighurs [người Hồi ở Tân Cương, Trung Hoa, ND];
chữ được viết từ trái qua phải và không
phải từ trên xuống dưới. Yeh-hsien Hia-ya có nói
rằng nhiều chữ của họ được phát
âm gần như các chữ của người Mông Cổ,
chỉ có hai và chữ là không giống nhau [về câu này, bản
dịch của LH như sau: “Tôi [tác giả Chu Đạt
Quan] nghe nói ở Giả Tiên Hải Nha (Asan-qaya) những chữ
đọc gần giống chữ Mông Cổ, chỉ có hai
hoặc ba chữ không phù hợp với nhau mà thôi.”]. Trước
đây họ không có con dấu. Khi dân chúng muốn viết
đơn thỉnh cầu, họ đến các quầy
nơi các người viết thuê sẽ viết điều
họ muốn nói xuống.
*****
CHÍNH SÓC THỜI TỰ
(NGÀY ĐẦU NĂM VÀ CÁC MÙA)
Họ chọn làm tháng đầu
tiên của họ là tháng ba của Trung Hoa [(Tháng Ba-Tháng
Tư dương lịch), [JM tính theo nghi lễ Đầu
Năm bây giờ và đổi thành Tháng Ba Trung Hoa là không
đúng, trong nguyên bản viết là Tháng Mười như
bản dịch của LH dưới đây, ND][Đoạn
này được dịch sát nguyên bản Hán tự và chú
thích bởi dịch giả Lê Hương như sau: “Những
người này luôn luôn dùng Tháng Mười của Trung Hoa
làm tháng thứ nhứt của họ. Tháng ấy gọi là
Giai Đắc (Kia-to) (Chú Thích của LH: Tác giả [Chu Đạt
Quan] ghi đúng theo giọng nói của người Miên, Kiato
là Katik: Tháng Mười. Chúng ta dịch theo chữ Nho không
có nghĩa gì cả. Ngày nay người Miên làm lễ Đầu
năm vào giữa Tháng Tư dương lịch, không còn giữ
tục lệ cũ nữa)].
Đằng trước cung điện,
ho dựng lên một khán đài rộng lớn có khả
năng chứa được hơn một nghìn người
và trang trí nó bằng đèn treo và hoa. Đối diện, và
cách chừng vài bước, họ làm ra một vòng tròn bằng
trụ gỗ có chu vi khoảng hai trăm năm mươi
bộ Anh và trên đó họ giăng thành giàn khung của một
ngọn tháp cao hai trăm năm mươi bộ Anh. Trên
đỉnh họ để pháo bông và pháo đốt. Họ
có thể xây dựng nhiều đến nửa tá tháp chỉ
trong một đêm duy nhất. Các chi phí được
đài thọ bởi các tỉnh và các nhà quý tộc. Họ
kính cẩn mời nhà vua tham dự cùng với họ trong
các lễ hội và khi đêm buông xuống, họ sẽ
đốt pháo thăng thiên và bắn hỏa pháo. Cuộc
biểu diễn có thể trông thấy từ nơi xa
hơn ba mươi dặm. Các pháo đốt có kích cỡ
súng xoay vòng và tiếng nổ của chúng làm rung chuyển
toàn thể thành phố.
Các quan chức và các nhà quý tộc
đài thọ cho các lễ hội cũng phân phát nến và
hạt cau; sự hào phóng của họ thật là to tát.
Để chứng kiến cuộc lễ ngoạn mục
này, nhà vua có mời các sứ giả ngoại quốc tham dự.
Cuộc lễ này kéo dài trong mườì lăm ngày, rồi
ngừng lại.
Mỗi tháng có lễ hội của
nó. Trong Tháng Tư họ “Ném Trái Cầu”; trong Tháng Chín họ
cử hành lễ Ya-lieh (Áp-Lạp, có nghìa kiểm kê?) khi toàn
thể dân chúng diễn hành trước cung điện;
trong Tháng Năm họ có lễ “rước nước từ
Đức Phật”, khi, với sự hiện diện của
nhà vua, các tượng Đức Phật được
mang về từ mọi phần của đất nước
và được tắm rửa. Tại một cuộc lễ
khác, “chèo thuyền trên Đất liền”, nhà vua tham dự
vợi sự xuất hiện trên một đài cao. Vào
Tháng Bẩy có lễ “đốt lúa”; vào dịp này lúa vừa
mới chín được đốt bên ngoài cổng nam
như một lễ vật dâng lên Đức Phật. Các
đám đông phụ nữ, cỡi trên các xe kéo hay trên các
con voi, cử hành lễ hội này, nhưng nhà vua không tham dự.
Tháng Tám, khi họ nhảy múa lễ Ai-Lan [ngai-lan, có nghĩa
là nhảy múa?], các nhạc sĩ tài giỏi nhất được
gọi đến cung điện hàng ngày để chơi
nhạc. Trong sáu ngày của cuộc lễ có đá gà và chọi
heo cùng đấu voi. Với lễ này, nhà vua một lần
nữa mời các sứ giả ngoại quốc. Tôi không
nhớ chính xác các cuộc lễ xảy ra trong các tháng khác.
Tại Căm Bốt, có những người
thông hiểu về thiên văn là các kẻ có thể tính toán
các vụ nhật thực và nguyệt thực. Về các
tháng dài [ba mươi ngày] và các tháng ngắn [hai mươi
chín ngày], họ tính toán rất khác biệt với các nhà
chiêm tinh của chúng ta. Họ cũng phải có năm nhuận,
nhưng họ chỉ xen vào tháng chín, hay tháng cuối cùng, và
tôi không hiểu lý do. Buổi tối chỉ được
chia thành bốn canh. Bẩy ngày tạo thành một chu kỳ
[tuần Ấn Độ trong đó mỗi ngày được
đặt tên theo một trong các hành tinh]. Họ có các ngày
mà trong lịch của Trung Hoa gọi là k’ai-pi-pen-chou: khai bế
kiến trừ [mười hai dấu hiệu của
điềm tốt]. Mười hai thú vật của hoàng
đới (zodiac) tương ứng với các thú vật của
Trung Hoa, chỉ tên gọi của chúng là khác biệt.
Các người man rợ này không có
họ cũng như không có tên gọi cá nhân và không nhớ
ngày sinh của mình. Nhiều người lấy tên của
ngày mà họ được sinh ra làm tên riêng của mình. Họ
liên kết các phẩm tính với các ngày [trong nguyên bản
không có câu này, dịch giả JM nhiều phần đã thêm
câu này vào để giải thích cho xuôi tai nửa đoạn
dịch kế tiếp, xem phần so sánh với bản dịch
của LH bên dưới, ND] – chính vì thế ngày thứ hai rất
là bất trắc, ngày thứ ba bình hòa, ngày thứ tư có
điềm xấu [bản dịch của LH ghi: “Có hai ngày
trong tuần thật tốt, ba ngày bình thường, hai
ngày thật xấu”. Cả hai bản dịch của JM và
LH có phần không đúng, vì trong nguyên bản câu này ghi rõ
như sau: “ hữu lưỡng nhật tối cát, tam nhật
bình bình, tứ nhật tối hung, …” dịch sát nghĩa:
“có hai ngày tốt nhất, ba ngày bình thường, bốn
ngày xấu nhất”. LH dịch ở đầu câu là “trong
tuần” (mà trong nguyên bản không thấy có chữ chỉ
“tuần” trong câu này), nên có thể đã chỉ nghĩ về
số lượng ngày trong tuần thời nay là bảy, vì
thể, đã giảm “tứ nhật tối hung” thành “hai
ngày thật xấu”, cho vừa con số bẩy ngày!!! Mặt
khác, JM cũng có phần sai lạc, vì Trung Hoa đã chấp
nhận tuần gồm 10 ngày từ thời nhà Đường
(thế kỷ thứ 7 – 9), vì thế một tháng có 3 tuần
là thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Mãi
đến năm 1912, khi thành lập Trung Hoa Dân Quốc, Trung
Hoa mới chính thức chấp nhận lịch với tuần
7 ngày, nhưng lại gọi Ngày Thứ Hai (Monday) là Ngày 1
(Tinh Kỳ 1), do đó Chủ Nhật là ngày thứ 7 (Tinh Kỳ
7). Trong khi đó các ngày trong lịch Trung Hoa từ thời
cổ thường được đặt tên theo các
hành tinh như Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ … Vì thế
khó có thể dịch như JM đã làm rằng “ngày thứ
hai thì bắt trắc v.v”… bởi khái niệm ngày theo số
đếm của tây phương này chắc chắn không
phải là điều mà tác giả Chu Đạt Quan đã
nghĩ tới khi viết ra đoạn này, chú của ND];
trong một số ngày nào đó chúng ta có thể du hành về
hướng đông; và trong các ngày khác, theo hướng tây.
Ngay cả các phụ nữ cũng biết cách để thực
hiện các sự tính toán này. {Bản dịch của JM không
có câu tiếp nối sau này, như đã được dịch
và chú thích bởi Lê Hương: “Mười hai con thú của
chu kỳ cũng giống như mười hai con thú của
Trung Hoa nhưng tên gọi khác nhau. Con ngựa gọi là “Bốc-trại”
(pou-sai), con gà gọi là “loan” (man), con heo gọi là”trực-lư”
(tche-tou), con bò gọi là “cá” (Ko), v.v…” (Chú Thích của Lê
Hương: “12 con thú của chu kỳ Cao Miên giống
như lối gọi của người Trung Hoa và Việt
Nam, chỉ khác tuổi Sửu là con Bò, tuổi Mẹo là con
Thỏ”, và “Tác giả [Chu Đạt Quan] phiên âm gần
đúng theo tiếng Miên, chúng tôi dịch theo chữ Nho sai
bét: Ngựa: sèk, gà: mon, heo: chruk, bò: kô.”)]
*****
TRANH TỤNG (THƯA KIỆN)
Các sự tranh chấp liên quan đến
bất kỳ đề mục nào, bất kể nhỏ
nhoi đến đâu, đều được trình lên nhà
vua. Trước kia, họ chỉ định mức phạt
tiền; họ đã không có bất kỳ hình thức trừng
phạt trên thân xác nào. Trong các trường hợp rất
nghiêm trọng, họ không chặt đầu hay thắt cổ;
thay vào đó, bên ngoài cổng phía tây, họ đào một
hào, đặt phạm nhân vào đó, và lấp đầy nó
bằng đất và đá được dằm xuống
rất chắc. Các tội phạm nhẹ hơn bị trừng
phạt bằng việc cắt các ngón tay hay ngón chân, hay cắt
một cánh tay [bản dịch của LH ghi: …”hoặc lắt
mũi.”]. Ăn chơi trác táng và cờ bạc không bị
cấm đoán, nhưng một người chồng bắt
được người vợ ngoại tình, anh ta có thể
xiết bàn chân của tên tình địch vào một cái kẹp
bằng gỗ cho đến khi sự đau đớn chết
người buộc tình địch phải trao mọi của
cải của y. Họ cũng có các vụ lừa bịp
và gạt tiền.
Nếu một xác chết được
tìm thấy trên đường phố, họ kéo nó đến
một khu đất trống ngoài thành phố; không có cuộc
điều tra nào được thực hiện. Bất
kỳ ai bắt được một kẻ trộm có thể
trừng trị y tùy ý.
Nhưng họ có một thủ tục
đáng kính nể. Nếu một đồ vật bị
mất và một người bị nghi ngờ lấy trộm
nó phủ nhận tội của mình, nghi can có thể chứng
minh sự vô tội bằng cách đặt mình trước
một sự thử nghiệm. Họ đun dầu trong một
nồi để nghi can nhúng tay mình vào; nếu anh ta có tội,
bàn tay sẽ bị phỏng hoàn toàn, nếu anh ta vô tội,
làn da anh ta rõ ràng hoàn toàn y nguyên. [theo chú thích của LH, “Tục
lệ này có từ triều đại Phù Nam (1-627), nhưng
thuở ấy, người Phù Nam nấu nước sôi].
Đúng là một phương pháp của các kẻ man rợ
này [bản dịch của LH: “Đó là phương pháp kỳ
diệu của giống dân này.”]
Nếu hai gia đình cãi nhau, và không
thể nói rằng bên nào đúng hay sai, họ sẽ sử
dụng đến mười hai tháp bằng đá, nhỏ,
phía trước hoàng cung. [Theo chú thích của LH, “Mười
hai ngôi tháp đá đến ngày nay vẫn còn trước
Sân voi gọi là Khléang, chia làm 2 khóm, 6 ngôi ở hướng
Bắc và 6 ngôi ở hướng Nam.”] Mỗi bên đối
thủ ngồi trên nóc của một tháp trong khi gia đình
quay quần ở chân tháp để trông chừng kẻ bên
kia. Sau một, hai, ba, hay bốn ngày bên có lỗi sẽ tự
phát lộ trong một số cung cách – hoặc là anh ta có vết
đau hay sưng lên, hay anh ta bị cảm hay sốt nặng.
Bên vô tội không bị xây xát gì và khỏe mạnh. Theo
đó, họ xác định ai là phải và ai là trái. Họ
gọi đây là “lẽ trời” – theo các cách như thế
các vị thần linh can thiệp vào việc của con người
tại xứ sở này [bản dịch của LH: “Họ gọi
là “nhà ngục của Trời”. Đây là vị Thần của
non sông linh ứng mới có như vậy.”]
*****
BỊNH LẠI (BỊNH CÙI)
Người Căm Bốt đau ốm
thường xuyên. Tôi nghĩ sự kiện này xảy ra
là vì họ tắm rửa quá thường xuyên và không ngừng
gội đầu của họ. Thường họ tự
chữa trị lấy. [Ban dịch của LH ghi: “Người
dân xứ này thường mắc nhiều bịnh nhẹ
mà họ trị rất dễ dàng bằng lối lặn
dưới nước và gội đầu liên tiếp.”]
Nhiều người cùi hủi được nhìn thấy
trên các đường lộ, và mặc dù dân chúng ăn và
ngủ với người bệnh, họ không bị lây chứng
bệnh [bản dịch của LH, “…dân bổn xứ
cũng không phản đối]. Từ những gì họ
nói, đó có vẻ là một chứng bịnh quen thuộc
đối với họ [bản dịch của LH: “Có
người nói đó là một chứng bệnnh phát khởi
do tình trạng thời tiết trong xứ”]. Trước
đây một vi vua mắc bệnh hủi, nhưng dân chúng không
vì lẽ này mà thiếu tôn kính với ông [bản dịch của
LH, …”vì thế dân chúng không xem là chứng bệnh đáng ghê
sợ”]. Theo thiển ý của tôi, họ dễ bị mắc
chứng bịnh này bởi vì sự đam mê thái quá và thói
quen hay tắm quá nhiều của họ. Tôi có nghe thấy
rằng người Căm Bốt đi tắm tức thời
ngay sau khi thỏa mãn các dục vọng của họ.
Bệnh kiết lỵ đã giết
chết đến tám hay chín trong số mười người
chết [bản dịch của LH, “Về bệnh kiết
lỵ, mười người đau chết từ tám
đến chín”]. Các thuốc men được bán ngoài chợ,
nhưng chúng hoàn toàn khác với các dược phẩm được
bán tại Trung Hoa và tôi không biết tí gì về chúng. Họ
có các thày phù thủy thực hành ma thuật trên quần chúng
và thực là nực cười.
*****
TỬ VONG (NGƯỜI CHẾT)
Họ không có quan tài cho người
chết, chỉ dùng một loại chiếu để gói
xác lại. Tại đám ma, họ cũng trương các
phướn, trướng, và các nhạc cụ và rải gạo
rang dọc đường đi. Một khi ra ngoài thành phốp,
họ để thân xác tại bất kỳ địa
điểm cách biệt, xa xôi và lui về, đợi cho các
con chim kên kên hay các dã thú đến ăn xác chết. Nếu
việc này xảy ra mau chóng, họ nói rằng thân nhân bị
chết đã được đền đáp nhờ các
công đức của họ; nếu việc riả xác xảy
ra chậm chạp, hay chỉ một phần, họ nói rằng
sự việc này là do có một số tội lỗi. Giờ
đây có một số người đã thiêu người
chết; họ là các con cháu ở địa phương của
các người Trung Hoa. Sau khi có sự từ trần của
một bậc cha mẹ, các người con không để
tang, nhưng các con trai cạo trọc đầu và các con
gái cắt tóc phía trên trán [bản dịch của LH, “…cắt
tóc phía trên trán lớn bằng đồng điệu “
nhưng không có câu kế tiếp “trông hơi giống theo kiểu
trong quân đội chúng ta” như trong bản dịch của
JM]], trông hơi giống theo kiểu trong quân đội chúng
ta; đó là dấu hiệu của lòng hiếu thảo của
họ. Nhà vua được táng tại một ngọn
tháp, nhưng tôi không biết là họ đã chôn thân xác hay chỉ
phần xương cốt của ông ta. [Pelliot ghi chú rằng
Chu Đạt Quan đã không phân biệt giữa ba loại
mai táng của họ; bằng cách hỏa thiêu, để bị
ria xác bởi chim kên kên, hay thủy táng.] Sau khi một thân
xác bị thiêu đốt, phần tro được thu gom
và để vào trong một bình chứa – bằng bạc hay
vàng đối với người giàu có, bằng gốm
cho người nghèo – sau đó được ném xuống
sông. Về các thi thể để dành các con chim kên kên, việc
này được thực hiện như một hành vi mộ
đạo trong cùng tinh thần đã thúc đẩy Đức
Phật xẻ thịt mình để cứu sống một
con chim bồ câu bị đe dọa bởi một con hổ
cái đói khát. Bất luận cách thức chôn cất lựa
chọn ra sao, các thân xác được thiêu đốt hay
phơi xác cho chim kên kên đến rỉa, các xương cốt
được thu lại đặt vào trong một bình
đựng tro cốt, và ném xuống sông. [Tất cả
đoạn nói về các cách mai táng này không có trong nguyên bản.
Dịch giả JM nhiều phần đã tóm tắt các ghi
chú của Pelliot và thêm vào đây, ND].
*****
CANH CHỦNG (TRỒNG TRỌT)
Tổng quát, người Căm Bốt
gặt ba hay bốn vụ mùa trong một năm. Quanh
năm của họ giống như các tháng mùa hè của chúng
ta bởi họ không có sương hay tuyết. Nửa
năm trời mưa vào mọi buổi chiều, nửa
năm kia không có lấy một hạt mưa. Vào cuối
mùa hè và mùa thu trời mưa mọi buổi chiều và nước
của Đại Biển Hồ bị lụt cho đến
khi các cây cối cao to bị nhận chìm xuống và chỉ
còn các ngọn cây nhô lên. Những kẻ sống cạnh hồ
di chuyển lên vùng đồi núi. Khi mùa mưa ngừng
đổ -- và không có một hạt nước nào trong mùa
xuân – Đại Biển Hồ chỉ có thể được
tiếp cận bởi các chiếc thuyền nhỏ, bởi
các chỗ sâu nhất chỉ đo được từ ba
đến năm bộ Anh. Khi đó các cư dân ven hồ
quay trở lại.
Các nhà canh tác tính toán thời gian chính
xác khi lúa chín, thời điểm của đỉnh lũ,
bao nhiêu mặt đất sẽ bị lũ tràn ngập,
và tùy theo vị trí cánh đồng của mình mà gieo hạt.
Họ không dùng trâu bò để cày. Cày, lưỡi hái, và cuốc
của họ cùng loại như của chúng ta nhưng được
chế tạo một cách khác biệt. Họ cũng có các
cánh đồng lúa nơi mà sự thu hoạch xảy ra mà
không cần đến việc gieo hạt, nơi, khi nước
dâng lên, cây lúa cũng mọc cao lên. Tôi nghĩ đó là một
loại lúa gạo đặc biệt. [Đó là loại lúa
nước nổi tiếng với phần trên lúa thường
xuyên nhô lên khỏi mặt nước bất kể luông nước
dâng cao và mau chóng đến đâu. JM]
Để bón ruộng, họ trồng
các loại rau; họ không dùng phân thú vật, khinh chê rằng
nó không được tinh khiết. Người Trung Hoa sống
ở đó không nói cho dân chúng về điều này, và tôi
nghĩ các người Căm Bốt xem phương pháp bón
phân của Trung Hoa là đáng tởm. Hai hay ba gia đình
đào một hào tại đó họ ném các rau cỏ vào; khi
hào đã được phủ đầy lá mục, họ
lấp nó lại và đào một hào khác.
Sau khi đi cầu, họ ra ao
để tự rửa ráy bằng tay trái – bàn tay phải được
giữ sạch sẽ để ăn – và khi họ nhìn thấy
người Trung Hoa lau chùi bằng giấy, họ chế
nhạo và tránh xa người Trung Hoa. Cũng có các phụ
nữ đái khi đứng, trông thật lố bịch. [Sự
phân biệt này giữa bàn tay trái dơ dáy và bàn tay phải sạch
sẽ được nhận xét bởi người Trung
Hoa; nó phổ biến từ Ấn Độ đến
Đông Dương và các hải đảo, JM].
*****
SƠN XUYÊN (NÚI, SÔNG):
CẤU TẠO ĐỊA HÌNH CỦA XỨ
SỞ
Sau khi tiến vào Chen-pu (Chân-Bồ),
vùng biên cương của Căm Bốt, không có gì ngoài lùm
cây rậm rạp của các cánh rừng thấp; các vũng
cửa sông rộng lớn của con sông uy mãnh, dài hàng
trăm dặm, chảy xuyên qua bóng tôi âm u của một khu
rừng có cây cối già cỗi và cây sậy vươn cao.
Một bản hòa tấu các tiếng kêu thú vật được
nghe thấy. Ngược lên giữa dòng sông chúng tôi nhìn thấy
lần đầu tiên đồng bằng bao la trên đó
không có ngay cả một cọng gỗ. Xa đến cuối
mắt nhìn không có gì ngoài cỏ. Ở đó các con trâu hoang
ngặm cỏ tới cả trăm và nghìn con. Sau đó
đến các luống tre kéo dài đến hàng trăm dặm
khác. Thân của loại tre này có các gai nhọn và các đọt
măng của chúng có vị rất chua chát. Núi cao hiện
ra ở chân trời bốn hướng.
*****
XUẤT SẢN (CÁC SẢN PHẨM)
Nhiều loại cây lạ được
tìm thấy tại vùng núi đồi và tại các khu đất
trống, các đàn tê giác và voi sinh sống, các loại chim
hiếm và nhiều thú vật lạ thường được
tìm thấy. Các vật phẩm quý giá nhất là lông của
các con chim bói cá [có giá trị tại Quảng Đông để
trang điểm nữ trang bằng vàng, JM], ngà voi, sừng
tê giác, và sáp ong; cây bạch đậu khấu và các lâm sản
khác thường có nhiều hơn [bản dịch của
LH ghi nhiều chi tiết hơn, “Về sản phẩm
thường có cây giáng chân, đậu khấu, cây vang nhựa
(họa hoàng), cây cánh kiến, dầu cây máu-chó (đại
phong từ du).”]
Chim bói cá [LH dịch là “chim thằng
chài”] thì khá khó khăn để bắt nó. Tại các rừng
rậm có các ao nước và tại các ao nước có cá.
Chim bói cá rời khu rừng để đi bắt cá. Nấp
dưới tàn lá, bên cạnh hồ nước, người
Căm Bốt ẩn mình. Trong một cái lồng anh ta có một
con chim mái để quyến rũ chim đực và trong tay
anh ta có một lưới nhỏ. Có ngày anh ta bắt được
nhiều đến năm con; có ngày anh ta chờ đợi
vô ích chẳng bắt được một con.
Ngà voi được thu nhặt bởi
dân đồi núi. Từ một con voi chết chúng tôi thu được
hai ngà voi. Trước kia được nghĩ rằng
con voi rụng ngà hằng năm; điều này không
đúng. Ngà voi được lấy từ con vật bị
sát hại bởi ngọn giáo là tốt nhất. Kế
đó là ngà được tìm thấy không lâu sau khi con vật
đã chết một cách tự nhiên; kém giá tri nhất là ngà
được tìm thấy tại vùng núi non nhiều năm
sau khi con voi chết đi. [Dịch giả Lê Hương
chú thích về đoạn này như sau: “Tác giả viết
câu này chứng tỏ người Tàu không biết con voi là
gì. Ở Trung Hoa không có voi.”]
Sáp ong được tìm thấy tại
các cây khô chưa đổ xuống tại các làng xã. Nó được
sản xuất bởi côn trùng có cánh với eo thắt nhỏ
như con kiến. Người Căm Bốt thu lượm
sáp ong từ các con ong; một thuyền có thể chuyên chở
được từ hai đến ba nghìn tổ ong cho
đầy một lố hàng [bản dịch của LH có
nhiều chi tiết hơn: “Mỗi thuyền có thể chở
từ hai đến ba ngàn tang ong, tàng lớn nặng từ
ba chục đến bốn chục cân, tang nhỏ nặng
không dưới mười tám đến mười chín
cân”.].
Sừng tê giác có màu trắng và có gân
là có giá trị cao nhất; loại màu đen có phẩm chất
kém hơn.
Cây bạch đậu khấu được
trồng tại miền núi bởi dân man rợ.
[Bản dịch của LH có thêm nhiều
chi tiết hơn nơi đây: “Cây vang nhựa (họa
hoàng) là chất nhựa của một giống cây riêng biệt.
Người bổn xứ rạch thân cây một năm
trước để nhựa chạy ra và năm sau đến
lấy.
Cây cánh kiến mọc
trên nhánh một loại cây đặc biệt và có hình dáng
thật giống loại ký sinh của cây dâu. Cũng rất
khó tìm thứ này.
Dầu cây máu chó (đại
phong từ) do hột của một loại cây lớn.
Trái cây giống trái dừa, nhưng hình tròn có mấy
mươi hột.”]
Hạt tiêu đôi khi
cũng được tìm thấy. Nó leo lên các bụi cây và
tự xoắn lại giống như một loại dây leo
thông thường. Loại màu xanh lục pha xanh da trời
có vị đắng chát nhất.
*****
MẬU DỊCH (MUA BÁN)
Tại Căm Bốt, các phụ nữ
tham dự vào việc mua bán. Ngay một người Trung
Hoa đến đó và lấy một phụ nữ sẽ được
hưởng lợi một cách lớn lao từ các khả
năng mua bán của người đàn bà đó. [Bản dịch
của LH có thêm một câu: “Mỗi ngày họp chợ từ
sáu giờ đến trưa thì tan.”] Họ không có các cửa
hàng thường trực, mà chỉ trải một mảnh
chiếu lên trên mặt đất. Mọi người có
khu riêng của mình. Tôi có nghe nói rằng họ trả tiền
cho một quan chức để có quyền bán hàng trên một
địa điểm. Trong các giao dịch nhỏ, người
ta trả bằng gạo, ngũ cốc, sản phẩm
Trung Hoa, và sau cùng, vải vóc; trong các giao dịch lớn, họ
dùng vàng hay bạc.
Một cách tổng quát, người
dân trong nước rất ngây thơ. Khi họ nhìn thấy
một người Trung Hoa, họ tỏ ra rụt rè, kính
trọng, gọi ông ta là Fo – ông Phật. Ngay khi họ nhìn
thấy người đó, họ liền quỳ xuống
mặt đất và vái lạy. Sau này, một số người
trong họ có lừa gạt và làm phương hại
đên người Trung Hoa. Việc này xảy ra cho nhiều
người Trung Hoa đi về các làng xã [bản dịch của
LH ghi, “Đó là việc đã xảy ra cho một số
đông người Trung Hoa đến xứ này”.]
*****
DỤC ĐẮC ĐƯỜNG HÓA:
HÀNG HÓA TRUNG HOA ĐƯỢC MONG MUỐN
Tôi không nghĩ Căm Bốt sản
xuất ra vàng hay bạc, và những gì mà người
Căm Bốt xem đáng giá nhất là vàng và bạc Trung Hoa,
sau đó là lụa, có hoa văn nhẹ nhàng bằng chỉ
hai màu. Sau các sản phẩm này đến thiếc của
Chen-chou (Chân Châu), đồ sơn mài từ Wen-chou (Ôn Châu),
đồ sứ màu xanh da trời của Ch’uan-Chou (Tuyền
Châu) [địa điểm nổi tiếng thời Trung Cổ
dưới tên gọi trong tiếng Ả Rập là Zayton, JM],
thủy ngân, son đỏ, giấy, diêm sinh (sulfur), thuốc
súng, trầm hương, irisroot [rễ cây dùng làm thuốc,
có vị thơm], xạ hương (musk), vải gai (gai),
dù, nồi sắt, khay đồng, sàng (nia), lược gỗ,
và kim. [bản dịch của LH có thêm câu này: “Những đồ
vật thường dùng và nặng xấu như chiếu ở
vùng Minh Châu.”] Sản phẩm mà họ muốn có nhất
trong mọi thứ là đậu và lúa mì – nhưng sự xuất
cảng của các sản phẩm này bị cấm đoán.
*****
THẢO MỘC (CÂY CỎ)
Chỉ có cây lựu, mía đường,
hoa sen và củ sen, khoai sọ, quả đào, và chuối là
sản phẩm cùng có tại Căm Bốt và Trung Hoa. Trái vải
và cam cũng giống nhau, nhưng chua hơn. Tất cả
các thảo mộc khác không được nhìn thấy tại
Trung Hoa. Loại cây có nhiều, hoa còn phong phú hơn, đẹp
hơn, thơm ngát hơn;có hàng nghìn loại hoa mọc
dưới nước, nhưng tôi không biết tên của
chúng. Họ không có các loại cây khác như mận, mơ,
thông, cây trắc bá, tùng, cây đỗ tùng (junipers), cây lê, cây
bạch dương, cây liễu, quế, hoa lan, hoa cúc. Vào lúc
bắt đầu năm mới Trung Hoa, hoa sen đã sẵn
nở tại Căm Bốt.
*****
PHI ĐIỂU (CÁC LOẠI CHIM)
Trong số chim, con công, chim bói cá, con
vẹt không được biết đến tại Trung
Hoa. Các chim khác, như chim ưng, quạ, cò trắng, chim sẻ,
chim cồng cộc, thiên nga, hạc, vịt trời, chim kim
tước, chúng ta cũng có. Họ không có chim ác là, chim
hoàng oanh, chim én, và chim bồ câu.
*****
TẨU THÚ (LOÀI THÚ CÓ CHÂN)
Các thú vật của họ như
tê giác, voi, trâu rừng, và “ngựa rừng” là không thấy
có tại Trung Hoa. Có rất nhiều hổ, báo, gấu, heo
rừng, nại hươu, dê rừng, vượn, chồn
cáo, một ít sư tử [giờ đây hoàn toàn biến mất],
và hsing-hsing (tinh tinh?, một loại khỉ to lớn huyền
bí có các đặc tính khác thường), [bản dịch của
LH có ghi thêm nơi đây, “lạc đà.”]. Không cần kể
đến gà, vịt, trâu bò, ngựa, lợn, và cừu.
Các con ngựa của họ rất nhỏ, trâu thì có nhiều,
và chúng được cỡi. Khi con trâu chết đi nó
không bị ăn thịt hay lột lấy da, nhưng được
để cho rữa nát bởi được nghĩ rằng
các con vật này đã đem hết sức lực của
chúng để phục vụ cho con người. Chúng sẽ
chỉ làm việc khi được ách vào một xe kéo. Trước
đây họ không có ngỗng, nhưng nhờ ở các thủy
thủ đã đem chúng đến từ Trung Hoa, sau này họ
có được một số. Các con chuột của họ
to như các con mèo; họ cũng có một loại chuột
có đầu trông y như đầu của một con chó.
*****
SƠ, THÁI (CÁC THỨ RAU CẢI ĂN
ĐƯỢC)
Trong số các thực vật ăn
được có hành, mù-tạt, tỏi tây, quả cà,
dưa tây, bí ngô; họ không có củ cải, rau diếp, rau
diếp xoăn, hay mồng tơi. Họ có các loại bầu
bí vào tháng đầu tiên của năm; các cây này tiếp tục
được thu hoạch trong nhiều năm. Các cây bông
gòn mọc cao hơn nhà của họ; nó sống hơn mười
năm. Họ cũng có nhiều loại rau mà tôi không biết
tên; và cũng có nhìều loại rau mọc dưới nước
ăn được.
*****
NGƯ, LONG (CÁ VÀ CÁC LOÀI BÒ SÁT)
Trong số cá và ba ba [rùa biển], loại
cá chép đen có số lượng phong phú nhất. Cũng
có đầy rẫy loại giả cá chép [trông giống
như không phải cùng loại, chú của người dịch.]
Có “cá phun nước” (spitting fish) [cá heo: dolphins], các con lớn
cân rất nặng. Tôi không biết tên của tất cả
các loại cá được tìm thấy tại Biển Hồ;
họ cũng có nhiều cá biển mọi loại và các con
lươn cùng lươn biển. Người Căm Bốt
không ăn thịt ếch kêu ộp oạp dọc các đường
lộ suốt đêm. Họ ăn thịt rùa và thằn lằn;
tôm sông thì khổng lồ. [bản dịch của LH có thêm
chi tiết nơi đây: “Loại tôm ở Tcha-nan (Tra-Nam:
Kompong Chnang) nặng một cân và có khi năng hơn nữa.
Chân rùa ở Tchen-pou (Chân Bồ) dài từ tám đến chín
tấc.”] Có cá sấu to như một chiếc xuồng
độc mộc, chúng có bốn chân và trông giống y
như một con rồng không có sừng. Tại Biển Hồ,
chúng tôi có thể thu lượm được các loại
hai mảnh vỏ -- sò, trai, hến. Không nhìn thấy cua; tôi
nghĩ có cua nhưng người dân ở đó không ăn
thịt cua.
*****
ÔN NHƯỠNG (NẤU RƯỢU)
Họ có bốn loại rượu.
Thứ nhất, loại mà người Trung Hoa gọi là
“rượu mật ong”, được chế tạo bằng
việc làm dậy men một hỗn hợp gồm nửa
mật ong, một nửa nước. Thứ nhì, loại
mà người Căm Bốt gọi là bằng-nha-tứ:
p’eng-ya-ssu, mang tên và hợp chất chế tạo là từ
các chiếc lá của cây mang tên đó (p’eng-ya-ssu). Loại
thứ ba là rượu gạo, được chế tạo
từ gạo sống và đã nấu chín. Loại cuối
cùng là rượu làm từ cây mía đường. Ngoài ra,
dân chúng sống tại vùng sâu xa trong nội địa có một
loại rượu được chế tạo bằng
cách cho dậy men nước cốt của cây chiao
(cây giao), một loại cây mọc dọc các bờ sông.
*****
DIÊM, THỐ, TƯƠNG, MIẾN (MUỐI,
DẤM, TƯƠNG, MEN)
[bản dịch của LH ghi tiểu
đề mục này là: Muối, Dấm, Tương, Bún, tức
dịch chữ “Miến” là “Bún” có phần không đúng cho bằng
bản dịch của JM, bởi các câu cuối của
đoạn này nói về “men” chứ không có gì liên hệ
đến “bún”, ND]
Không trở ngại nào được
đặt ra trong việc sản xuất muối. Tại nhiều
địa điểm [bản dịch của LH có ghi các
địa danh là Chân Bồ (Tchen-P’ou) và Ba-Giàng (Pa-Kien), và chú
thích “Ông Aymonier cho rằng Ba-Giàng là vùng Sóc Trăng, Bạc-Liêu
ngày nay] dọc bờ biển, họ cho nước biển
bốc hơi bằng cách nấu nước biển. Tại
vùng núi, một khoáng chất mang lại vị muối được
tìm thấy; nó đủ cứng để được
cắt gọt theo bất kỳ hình thể nào. Người
Căm Bốt không biết cách chế tạo ra dấm. Khi
muốn có một dung dịch với vị chua, họ dùng
một sự pha chế từ các lá của cây hàm bình:
hsien-p’ing. Nếu cây có mầm, hay các chồi, họ sẽ
dùng chúng; nếu cây có sinh ra hạt mầm, họ sẽ
dùng hạt mầm. Họ không có cách nào để chế tạo
ra nước tương, bởi thiếu cả ngũ cốc
và hạt đậu cần thiết. Họ không gây men bất
kỳ loại hạt ngũ cốc nào của họ. [bản
dịch của LH như sau: “Họ không làm men bằng hột
trái cây [ ? hạt ngũ cốc]. Họ chế rượu
với mật, nước và lá cỏ, đó là một thứ
rượu cốt mà họ dùng giống như rượu
cốt màu trắng ở trong làng chúng ta.”]
*****
TẦM TANG (TRỒNG DÂU NUÔI TẰM)
Người Căm Bốt không nuôi
tằm. Gần đây người Xiêm La có dạy cho họ
cách nuôi tằm; các cây dâu và các con tằm đến từ
Xiêm La. Các người phụ nữ của họ không biết
cách may cắt mà chỉ biết cách dệt ra vải bông. Hơn
nữa, họ xe tơ bằng tay, không có bánh xe quay; họ
cũng không có khung củi chính danh để dệt. Thay
vào đó, họ buộc một đầu tấm vải
vào thắt lưng của họ và dệt ở đầu
kia của miếng vải. Một ống tre dùng làm con
thoi. Họ không có ramie [một cây thuộc họ tầm
ma (nettle) được dệt thành các sợi mịn, JM]
mà chỉ có một loại gai. Chính người Xiêm La
đã dệt ra một loại lụa tussah đậm
màu cho quần áo của họ và cũng biết cách để
may cắt và vá lại. Khi một người Căm Bốt
bị rách quần áo, anh ta phải thuê một người
Xiêm La để vá lại chúng.
*****
KHÍ DỤNG (CÁC ĐỒ GIA DỤNG)
Người thuộc tầng lớp
trung lưu có nhà nhưng không có bàn và ghế ngồi, xoong chảo
hay thùng. Để nấu cơm, họ dùng một nồi
bằng đất; để nấu canh họ nấu trên
một bếp bằng đất. Ba viên đá đặt
trên mặt đất tạo thành lò bếp của họ
và một gáo dừa là môi múc canh. Họ dùng cơm bằng
mâm hoặc đĩa Trung Hoa bằng gốm nung hay bằng
đồng. Họ đổ nước canh vào các chén nhỏ
làm bằng một chiếc lá xoắn lại, mà ngay dù khi được
đổ đầy nước canh, giữ nó không trào ra
ngoài. Các lá của cây chiao (cây giao) được chế
tạo thành một muỗng múc và đồ để xúc nhỏ,
và một khi đã dùng xong, họ vứt chúng đi. Họ
cũng làm y như vậy khi họ dâng đồ cúng lên
Đức Phật và các vị thần linh. Vào lúc ăn, họ
đặt một thau bằng thiếc hay đất nung chứa
đầy nước bên cạnh mà họ sẽ nhúng các
ngón tay vào trước khi bốc cơm. Nếu không làm
ướt bàn tay, gạo sẽ dính vào các ngón tay và khiến
họ không thể nào vo được các nắm cơm.
[Các chiếc đũa, được nói đến đầu
tiên trong thế kỷ thứ ba, đã là một sáng chế
quan trọng trong lịch sử của các cung cách ăn uống.
Sự sử dụng chúng cho thấy rằng người
Trung Hoa đã tiến bộ vượt quá trình độ
ăn bốc bằng ngón tay, JM]
Rượu được uống
từ các ly bằng thiếc; các bát sâu bằng đất
nung được dùng bởi người nghèo. Trong nhà các
quý tộc và kẻ giàu có, đôi khi họ dùng các ly bằng
bạc, đôi khi bằng vàng. Các bình chứa bằng vàng nhiều
kích thước và hình dạng được dùng trong nhiều
lễ hội Căm Bốt.
Họ trải chiếu tốt [bản
dịch của LH ghi: “chiếu làm ở Minh Châu
(ming-tcheou)”…], hay da hổ, báo, và nai và ngay các chiếc chiếu
bằng cói trên mặt đất., mặc dù sau này họ
đã bắt đầu dùng các chiếc bàn thấp, cao khoảng
một bộ Anh (feet). Họ nằm ngủ trên chiếu được
trải lên sàn bằng gỗ, nhưng họ bắt đầu
dùng đén các chiếc giường thường được
đóng bởi các người Trung Hoa. Họ đậy
các dụng cụ nhà bếp bằng một tấm vải [bản
dịch của LH: “Người ta đậy thức ăn
bằng một miếng vải”…]; trong cung điện, nhà
vua dùng các đồ gấm vàng được dâng tặng
lên ông bởi các thương nhân ngoại quốc.
Họ không dùng các cối đá
để xay lúa, mà dùng các cối giã.
*****
XA, KIỆU (XE VÀ KIỆU)
Các kiệu của Căm Bốt chế
từ một mảnh gỗ duy nhất được uốn
cong ở giữa và nâng cao ở hai đầu. Được
chạm khắc với các họa tiết hoa lá, sau đó
chúng được phủ bằng các tờ thiếp vàng
hay bạc để tạo ra kiệu mà họ gọi là kiệu
vàng hay kiệu bạc. Cách mỗi đầu khoảng một
bộ Anh, một chiếc móc được vặn vào và họ
buộc một miếng vải lớn xếp nếp vào
các chiếc móc này; trong loại đồ chuyển vận
giống như chiếc võng này, một hành khách được
khiêng đi bởi hai người. Ngoài kiệu hai người
khiêng này, họ có loại khác, với chiếc võng rộng
hơn cánh buồm của một chiếc tàu và được
trang trí bằng lụa in hoa (figured silk). Bốn người
khiêng kiệu này, theo sau một kiệu nhỏ hơn. Khi
đi đường xa, họ cỡi trên lưng voi,
lưng ngựa, và trong các xe kéo, giống y như xe kéo tại
các nước khác, riêng ngựa không có yên và voi không có ghế
bành cho người cỡi.
*****
CHÂU, TIẾP (GHE VÀ MÁI CHÈO)
Các chiếc thuyền lớn được
đóng từ các mảnh gỗ cứng. Bởi các thợ
đóng tàu không có cưa và chỉ dựa vào rìu, công việc
của họ kéo dài và khó khăn. Để khoét gỗ --
ngay để trang trí cho một ngôi nhà – họ dùng dùi đục.
Trong việc đóng thuyền họ dùng các đinh bằng
sắt và bọc thân tàu bằng lá chiao (giao), được
giữ chặt với nhau bởi các nẹp bằng [thân
cây] dừa. Một thuyền loại này được gọi
là tân-nô: sin-na và được di chuyển bằng
các mái chèo. Các thuyền được trét bằng một
hỗn hợp gồm mỡ cá và một khoáng chất được
nung nóng. Các thuyền nhỏ được khoét từ một
cây lớn được nung mềm bằng một ngọn
lửa và được cạo bằng gỗ; các thuyền
này thì sâu và rộng ở giữa, nhọn ở hai đầu.
Chúng có thể chở được nhiều người;
chúng không có buồm và được điều khiển bằng
chèo. Ghe này được gọi là bì-lan: p’i-lan.[?]
*****
THUỘC QUẬN (CÁC QUẬN THUỘC TỈNH)
Có hơn chín mươi tỉnh lệ
thuộc: Chen-pu (Chân Bồ), Ch’a-nan (Tra-Nam), Pa-chien (Ba-Giảng),
Mu-liang (Mạc Lương), Pa-hsieh (Bát Tiết), P’u-mai (Bồ-Mãi),
Chik-ku (Tri-Côn), Mu-chin-po (Mộc-Tân-Hạ), Lai-kan-k’eng (Lại-Cảm-Khanh),
và Pa-ssu-li (Bát-Tê-Lý). Tôi không thể nhớ được
tên các tỉnh khác. Mỗi tỉnh có các quan chức của
nó và mỗi tỉnh được bảo vệ bởi
hàng rào phòng vệ bằng gỗ.
*****
THÔN LẠC (CÁC LÀNG XÃ)
Mọi làng xã có một ngôi chùa hay một
ngọn tháp. Bất kể dân số ít đến đâu,
chúng có một quan chức được gọi là mai-shih
(mãi tiết). Có các nhà nghỉ dọc các đường
lộ, như chúng ta có trạm dành cho các kẻ chuyển
thư của chúng ta. Các nhà nghỉ này được gọi
là sen-mou: xâm-mộc. Trong cuộc chiến tranh gần
đây với Xiêm La, xứ sở bị tàn phá hoàn toàn.
*****
THỦ ĐẢM (LẤY MẬT NGƯỜI)
Trước đây, trong Tháng Tám, mật
người được thu gom. Việc này xảy ra bởi
hàng năm, nhà vua xứ Chiêm Thành đòi hỏi một vại
chứa đầy mật người; cần có mật của
cả hàng nghìn người để đủ số
lượng yêu cầu. Người ta được bố
trí tại nhiều địa điểm trong các thành phố
và các làng xóm và khi họ tìm thấy bất kỳ kẻ nào
ra ngoài ban đêm, họ chùm một túi lên đầu nạn
nhân, thắt dây buộc chắc lại, và với một
con dao nhỏ, mổ lấy mật từ phía bên phải
lưng kẻ đó. Họ tiếp tục làm việc này
cho đến khi có đủ số lượng nạp lên
nhà vua Chiêm Thành. Họ không bao giờ lấy mật từ
một người Trung Hoa, bởi một năm, họ
đã làm như thế và khi họ trộn lẫn túi mật
đó với túi mật của các kẻ khác, nguyên cả vại
bị thối nát và không thể dùng được.
Gần đây, tập tục này
đã bị bãi bỏ, nhưng vẫn còn hiện diện một
người thu gom mật được an trí chính thức
[và] sinh sống trong thành phố, gần cổng phía bắc.
[Pelliot ghi chú rằng tập tục này thực sự đã
xảy ra tại Đông Dương. Họ lưu giữ
một tín điều ở Viễn Đông rằng túi mật
là vị trí của sự can đảm – trong tiếng Hán,
túi mật và sự can đảm có cùng từ ngữ [đảm].
Mật các thú vật, giống như mật của con người,
có một chỗ đứng danh dự trong sách y dược
Trung Hoa, JM]
*****
DỊ SỰ (CHUYỆN KHÁC THƯỜNG)
Trong thành phố, ở phía cửa
đông, đã có một người Căm Bốt man rợ
có các quan hệ loạn luân với em gái anh ta [bản dịch
của LH ghi, “gian dâm với đứa con gái”]. Hai thân xác cứ
dính chặt vào nhau, và sau ba ngày không ăn uống gì cả,
cả hai đã chết đi. Một người Trung Hoa
[bản dịch của LH ghi, “Bạn tôi, họ Tiết”]
sinh sống ở đây hơn ba mươi năm xác nhận
rằng người đó đã nhìn thấy chuyện này xảy
ra hai lần. Tuy thế, tất cả các sự việc
này không chứng minh được sự can thiệp siêu
nhiên của Đức Phật [bản dịch của LH
ghi, “Nếu quả vậy, đó là dân chúng biết áp dụng
uy lực thiêng liêng của Đức Phật.”]
.
*****
TÁO DỤC (TẮM GỘI)
Xứ Căm Bốt nóng khủng
khiếp: không thể nghĩ rằng một ngày đi qua mà
không tắm nhiều lần và cả một hay hai lần
vào buổi tối. Trước đây không có nhà tắm hay
bồn tắm; hoặc một gia đình có một loại
ao hay hồ tắm, hay hai hay ba gia đình cùng dùng chung một
ao tắm, tại đó mọi người đều trần
truồng, đàn ông cùng với đàn bà. Tuy nhiên, khi người
cha, người mẹ, hay người lớn tuổi
hơn đang trong hồ tắm, các con trai, con gái hay các người
trẻ tuổi hơn sẽ không xuống ao. Hay, nếu
các người trẻ đang sẵn tắm rửa, các người
lớn tuổi hơn sẽ để yên cho họ.
Nhưng những người cùng tuổi không câu nệ -- một
người chỉ lấy bàn tay trái che bộ phận sinh
dục của mình, rồi trườn xuống nước,
và thế là xong.
Cứ vài ngày các nhóm nhỏ phụ
nữ thành phố đi ra dòng sông bên ngoài các tường
thành. Trên bờ sông, họ cởi tấm vải mà họ
khoác và, hoàn toàn trần truồng, trầm mình vào dòng nước.
[Bản dịch của LH có thêm chi tiết nơi đây,
“Hàng ngàn người tựu họp dưới sông như
thế.”] Ngay các phụ nữ quý tộc cũng đi đến
đó để bơi lội và không cảm thấy xấu
hổ; mọi người có thể ngắm nhìn họ từ
đầu đến chân. Như thế, dòng sông lớn
bên ngoài thành phố không ngày nào mà không có việc này xảy
ra. Người Trung Hoa, vào ngày nhàn rỗi, thường ra
đó để ngắm nhìn. Tôi có nghe thấy rằng có một
số kẻ trong lúc ở dưới nước đã lợi
dụng cơ hội này.
Nước sông lúc nào cũng nóng
như thể được đun trên một ngọn lửa;
chỉ vào canh cuối của buổi tối nước mới
dịu mát một chút. Ngay khi mặt trời vừa mọc,
nước lại trở nên rất ấm.
*****
LƯU NGỤ (NGƯỜI XỨ KHÁC
ĐẾN Ở)
[Đoạn này có trong nguyên bản tiếng
Hán, nhưng bị bỏ sót, không thấy có trong bản dịch
của JM, nay chép lại theo bản dịch của Lê
Hương]
Người thủy thủ Trung Hoa
nhận thấy ở xứ này rất thuận tiện,
người ta không cần mặc quần áo và ngoài ra gạo
rất dễ tìm, đàn bà dễ kiếm, nhà dễ cất,
đồ đạc dễ mua, việc mua bán dễ thao
túng, nên thường có kẻ trốn ở lại.
*****
QUÂN MÃ (QUÂN ĐỘI)
Binh sĩ thì ở trần và đi
chân đất. Họ cầm một cái giáo bên tay phải
và một cái khiên bên tay trái. Người Căm Bốt không
có cung hay tên, không có súng hay đạn dược, không có mũ
hay áo giáp. Điều được nói là trong cuộc chiến
tranh chống người Xiêm La, mọi người bị
buộc phải tham chiến, nhưng họ khôngcó sự hiểu
biết gì về chiến thuật hay chiến lược.
*****
QUỐC CHỦ XUẤT NHẬP
(NHÀ VUA XUẤT HIỆN TRƯỚC CỦA
CÔNG CHÚNG)
Tôi có nghe nói rằng vào các thời
trước đây, nhà cai trị không bao giờ đặt
chân ra ngoài cung điện của ông ta; nếu ông có làm vì
tình cờ, ngay vết chân đi của ông cũng được
tôn kính. [bản dịch của LH ghi, “Tôi nghe nói rằng
dưới triều các Vua trước, dấu bánh xe của
các Ngài không bao giờ in khỏi cửa cung, đó là để
đề phòng những trường hợp bất trắc.”]
Nhà vua mới là con rể của vi
vua cũ. Xây dựng chức nghiệp trong quân đội,
ông ta cưới một trong các người con gái được
sủng ái của nhà vua, kẻ đã ăn trộm Thanh Kiếm
Vàng của vua cha (biểu hiệu của quyền lực)
và trao kiếm cho người chồng. Người con trai
của nhà vua, bị tước mất sự kế ngôi,
âm mưu gầy dựng các binh sĩ. Khi nhà vua mới nghe
được điều này, ông đã cho chặt các ngón
chân của vị hoàng tử và bắt giam hoàng tử vào
trong một ngục tối. Nhà vua mới mặc một bộ
áo giáp bằng sắt mà ngay các dao găm hay cung tên không thể
xuyên qua được. Với chiếc áo giáp này bảo vệ
mình, ông ta dám đi ra ngoài. Trong năm tôi trải qua tại
Căm Bốt, tôi đã nhìn thấy ông ra ngoài bốn hay
năm lần.
Khi nhà vua ra khỏi cung điện,
đi đầu là kỵ binh, hướng dẫn đoàn hộ
tống, tiếp theo sau bởi một loạt cờ quạt
và ban nhạc. Kế đó là một đoàn các thiếu nữ
trong cung từ ba đến năm trăm người, mặc
hàng vải in hoa, đầu của họ có đeo các tràng
hoa và giữ một cây nến thắp sáng ngay giữa ánh
sáng ban ngày chói chang. Sau họ còn có các thiếu nữ trong
cung mang các đồ dùng trong hoàng triều bằng vàng và bạc
và một loạt đủ các đồ trang hoàng mà tôi
không hiểu cách sử dụng của chúng. Kế đó là
các thiếu nữ trong cung, trang bị với giáo và khiên, tạo
thành toán hộ vệ cá nhân cho nhà vua; họ cũng vây, tạo
thành một đội ngũ. Họ được theo
sau bởi các chiếc xe trang hoàng bằng vàng và được
kéo bằng các con dê và con ngựa. Các đại thần
thượng thư và các nhà quý tộc cỡi trên voi nhìn thẳng
về phía trước, trong khi bao quanh họ là nhiều, rất
nhiều lọng màu đỏ theo cấp bậc của họ.
Sau họ trong các chiếc kiệu, xe kéo, và trên lưng voi là
các bà vợ và nàng hầu của nhà vua; họ có hơn một
trăm lọng trang trí bằng vàng. Đàng sau họ là nhà
vua. Cầm thanh kiếm quý báu, ông ta đứng trên con voi của
hoàng triều, có ngà được bọc bằng vàng. Hơn
hai mươi lọng trắng, viền vàng và với cán bằng
vàng, bao quanh nhà vua. Một số rất đông các con voi tạo
thành một vòng đai bao quanh ông và toán kỵ binh bảo vệ
ông.
Nếu nhà vua rời khỏi hoàng
cung để thăm viếng gần đó, ông chỉ dùng
một kiệu bằng vàng, được khiêng bởi bốn
thiếu nữ trong cung. Phần lớn cuộc thăm viếng
như thế là để đến một ngôi chùa vàng nhỏ
trước nó là một tượng Phật bằng vàng.
Những kẻ trong thấy nhà vua phải tự nằm xuống
và để trán họ họ sát với mặt đất.
Họ gọi sự tuân phục này là san-pa: tam bãi. Bất
kỳ ai không bày tỏ sự kính phục thích hợp bị
bắt giữ bởi lính hầu trực, các kẻ trừng
trị người vi phạm trước khi thả
người đó ra.
Hai lần trong ngày, nhà vua cho mở
cuộc yết kiến để điều hành các công việc
của chính phủ. Không thủ tục ấn định
gì cả. Bất kỳ ai muốn gặp nhà vua – các quan chức
hay bất kỳ cá nhân riêng tư nào – ngồi trên nền
đất và chờ nhà vua. Sau một lúc, chúng tôi nghe thấy,
tiếng nhạc văng vảng tại cung điện
đàng xa; bên ngoài, họ thổi tù và báo tin nhà vua đang tới.
Tôi nghe nói rằng nhà vua chỉ dùng một chiếc kiệu
vàng và không đến từ nơi rất xa. Chốc lát
sau đó, hai cung nữ vén tấm màn tại Cửa Sổ Bằng
Vàng và nhà vua, kiếm trong tay, xuất hiện. Tất cả
các kẻ hiện diện tại đó – các thượng
thư và quần chúng – chắp tay và đập trán chạm
mặt đất. Khi tiếng tù và ngừng thổi, họ
mới có thể ngẩng đầu lên được. Tùy
theo ý muốn của nhà vua, họ có thể tiến tới
và ngồi xuống trên một tấm da sư tử, được
xem là một quốc bảo của hoàng triều [bản dịch
của LH dịch câu này như sau, “Liền khi ấy, Nhà Vua
ngồi xuống. Nơi Ngài ngồi có một miếng da
sư tử là bảo vật của Hoàng Triều truyền
lại”]. Khi mọi vấn đề được giải
quyết xong, nhà vua trở về, hai cung nữ hạ màn cửa
xuống, mọi người đứng dậy. Chính từ
đó, chúng tôi nhìn thấy, mặc dù xứ sở này thì man
rợ và lạ lùng, người dân không đến nổi
không nhận thức được thế nào là một ông
vua./-
-----
Nguồn:
Jeannette Mirsky, biên tập và giới thiệu, The Great
Chinese Travelers, Pantheon Books, A Division of Randome House, 1964, chương
Recollections of The Customs of Cambodia, của Chou Ta-kuan, năm 1296
sau Công Nguyên, các trang 203-233. Bản tiếng Anh này được
dịch từ bản dịch bằng tiếng Pháp của
Pelliot, tạp chí Bulletin de l’École Franҫaise d’Extrême Orient,
No. 1 (123), 1902, các trang 137-177).
*****
PHỤ LỤC 1 CỦA NGÔ BẮC:
Lời Đề Tựa Của Dịch
Giả Lê Hương, năm 1973
Quyển sách duy nhất
mô tả vùng Angkor, đế đô nước Cao Miên ngày
xưa giữa thời cực thịnh là tập ký ức
"Chân Lạp Phong Thổ Ký" của ông Châu Đạt
Quan.
Ông Châu Đạt Quan,
hiệu là Thảo Đình Di Dân, quê ở Vĩnh Gia, huyện
Ôn Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Hoa, năm thứ 2 niên hiệu
Nguyên Trinh (Bính Thân 1296) triều Vua Thành Tông (1295-1308) nhà Nguyên
(1277-1368) theo một phái đoàn sứ giả sang Cao-Miên
dưới triều vua Cindravarman (1295-1307). Ông ở đất
Miên hơn một năm, ghi những điều mắt thấy
tai nghe về cuộc du hành xuyên qua miền Nam Việt Nam
ngày nay và mọi phương diện sinh hoạt của
người bổn xứ. Năm thứ 1 niên hiệu
Đại Đức (Đinh Dậu 1297), ông trở về
và hoàn thành tác phẩm này trước năm 1312, đến
đời nhà Minh (1368-1680) được ông Ngô-Quán, quê ở
Tân-An, huyện Hấp, tỉnh An Huy hiệu đính.
Đối với các
nhà khảo cổ, tập ký ức của họ Châu là một
tài liệu vô cùng quý giá để tìm hiểu về Cao Miên,
một quốc gia không có để lại lịch sử
trên giấy mực, còn đối với người Miên
thì chính họ phải nhờ những dòng chữ vàng ngọc
kia để biết tổ tiên họ trong khoảng thời
gian ấy.
Người đầu
tiên phiên dịch tập ký ức này ra Pháp ngữ là ông Abel
Rémusat trong năm 1819 đăng từng đoạn trên tạp
chí của nhà xuất bản Dondey-Dupré và trong tập thứ
3 tạp chí Novel les Annales des Voyages của nhà xuất bản
Eyriès et Maltebrun nhan đề: "Description du Royaume de
Cambodge par un voyageur Chinois qui a visité cette contrée à la fin du XIIIe
siècle" có kèm theo bức địa đồ. Năm 1829,
bản dịch được đăng lại trên tạp
chí Nouveaux Mélanges Asiatiques et Recueil de Morceaux de Critiques et de
Mémoires của nhà xuất bản Schuber et Heide Joff ở
Paris, từ trang 100 đến 152, không có bức địa
đồ.
Năm 1902, ông Paul
Pelliot cũng dịch ra Pháp ngữ đăng trên tạp
chí của trường Bác Cổ Viễn Đông (Bulletin de
L'Ecole francaise d'Extrême Orient) tập II, 1902 từ trang 123
đến 177.
Năm 1954, nhà xuất
bản Adrien-Maison-neuve ở Paris ấn hành bản trên
đây do dịch giả sửa chữa nhiều nơi kèm
theo phần bình giải rất phong phú, nhưng tiếc thay
chỉ được có ba trong bốn mươi
chương của nguyên bản thì ông từ trần.
Năm 1967, ông J. Gilman
d'Arcy Paul phiên dịch tác phảm của ông Paul Pelliot ra Anh
ngữ nhan đề: Chou-Ta-Kuan Notes on the customs of Cambodia ấn
hành ở Bangkok (Thái Lan) do nhà xuất bản Social Sciences
Association Press.
Chúng tôi soạn phần
Việt ngữ theo nguyên văn tập ký ức do Bác sĩ
Otto Karow, giáo sư tại Viện Đại Học Goethe ở
tỉnh Frankfurt (Tây Đức) gởi tặng qua sự giới
thiệu của Giáo sư Bùi Hữu Sủng, được
ông Hoàng Đẩu Nam, chuyên viên Hán học ở Phủ Quốc
Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa và Giáo sư Việt gốc
Hoa Quách Chí Dân ở Phan Thiết giải thích những điểm
cần thiết, sao cùng là vài điều nhận xét của
chúng tôi mạo muội chua thêm.
Dịch giả: Lê Hương - Nhà xuất
bản Kỷ Nguyên Mới - Ấn hành lần thứ nhất
(1973), Saigon, Việt Nam.
***
PHỤ LỤC 2 CỦA NGƯỜI DỊCH:
NGUYÊN BẢN TIẾNG HÁN
真臘風土記(元)周達觀
提要
真臘風土記一卷,元周達觀撰。達觀温州人。真臘本南海中小國,為扶南之屬。其後漸以强盛,自隋書始見于外國傳,唐宋二史並皆紀録。而朝貢不常至,故所載風土方物往往踈畧不備。元成宗元貞元年乙未,遣使招諭其國,達觀隨行。至大徳元年丁酉乃歸,首尾三年,諳悉其俗,因記所聞見為此書。凡四十則,文義頗為賅贍。惟第三十六則内記瀆倫神譴一事,不以為天道之常,而歸功于佛,則所見殊陋。然元史不立真臘傳,得此而本末詳具,猶可以補其佚闕,是固宜存備叅訂,作職方之外紀者矣。達觀作是書既成,以示吾衍。衍為題詩,推挹甚至,見衍所作竹素山房詩集中。葢衍亦服其敘述之工云。 真臘風土記
○總敘
真臘國或稱占臘,其國自稱曰甘孛智。今聖朝按西番經名其國曰澉浦只,蓋亦甘孛智之近音也。自温州開洋,行丁未針,厯閩廣海外諸州港口,過七洲洋,經交趾洋,到占城。又自占城順風可半月到真蒲,乃其境也。又自真蒲行坤申針,過崑崙洋入港,港凡數十,惟第四港可入,其餘悉以沙淺,故不通巨舟。然而彌望皆修藤古木、黄沙白葦,倉卒未易辨認,故舟人以尋港為難事。自港口北行,順水可半月抵其地曰查南,乃其屬郡也。又自查南換小舟,順水可十餘日,過半路村、佛村,渡淡洋,可抵其地曰干傍取,城五十里。按諸番志稱其地廣七千里,其國北抵占城半月路,西南距暹羅半月程,南距番禺十日程,其東則大海也。舊為通商來往之國。聖朝誕膺天命,奄有四海,索多元帥之置省占城也,嘗遣一虎符百戸、一金牌千戸同到本國,竟為拘執不返。元貞之乙未六月,聖天子遣使招諭,俾余從行。以次年丙申二月離明州,二十日自温州港口開洋,三月十五日抵占城,中途逆風不利,秋七月始至,遂得臣服。至大徳丁酉六月回舟,八月十二日抵四明泊岸,其風土國事之詳雖不能盡知,然其大畧亦可見矣 。
○城郭
州城周圍可二十里,有五門,門各兩重。惟東向開二門,餘向皆一門。城之外巨濠,濠之外皆通衢大橋。橋之兩傍各有石神五十四枚,如石將軍之狀,甚巨而獰。五門皆相似。橋之闌皆石為之,鑿為蛇形,蛇皆九頭,五十四神皆以手拔蛇,有不容其走逸之勢。城門之上有大石佛頭五,面向西方。中置其一,飾之以金。門之兩傍,鑿石為象形。城皆疊石為之,可二丈,石甚周宻堅固,且不生繁草,却無女墻。城之上,間或種桄榔木,比比皆空屋。其内向如坡子,厚可十餘丈。坡上皆有大門,夜閉早開。亦有監門者,惟狗不許入門。其城甚方整,四方各有石塔一座,曾受斬趾刑人亦不許入門。當國之中,有金塔一座。傍有石塔二十餘座;石屋百餘間;東向金橋一所;金獅子二枚,列於橋之左右;金佛八身,列於石屋之下。金塔至北可一里許,有銅塔一座。比金塔更髙,望之鬱然,其下亦有石屋十數間。又其北一里許,則國主之廬也。其寢室又有金塔一座焉,所以舶商自來有富貴真臘之褒者,想為此也。石塔出南門外半里餘,俗傳魯般一夜造成魯般墓。在南門外一里許,周圍可十里,石屋數百間。東池在城東十里,周圍可百里。中有石塔、石屋,塔之中有卧銅佛一身,臍中常有水流出。北池在城北五里,中有金方塔一座,石屋數十間,金獅子、金佛、銅象、銅牛、銅馬之屬皆有之 。
○宫室
國宫及官舎府第皆面東。國宫在金塔、金橋之北,近門,周圍可五六里。其正室之瓦以鉛為之,餘皆土瓦。黄色橋柱甚巨,皆雕畫佛形。屋頭壯觀,修廊複道,突兀參差,稍有規模。其莅事處有金欞,左右方柱上有鏡,約有四五十面,列放於窗之旁。其下為象形。聞内中多有竒處,防禁甚嚴,不可得而見也。其内中金塔,國主夜則卧其上。土人皆謂塔之中有九頭蛇精,乃一國之土地主也,係女身。每夜(則)見國主,則先與之同寢交媾,雖其妻亦不敢入。二鼔乃出,方可與妻妾同睡。若此精一夜不見,則番王死期至矣;若番王一夜不往,則必獲災禍。其次如國戚大臣等屋,制度廣袤,與常人家迥别。周圍皆用草蓋,獨家廟及正寢二處許用瓦。亦各隨其官之等級,以為屋室廣狹之制。其下如百姓之家止草蓋,瓦片不敢上屋。其廣狹雖隨家之貧富,然終不敢傚府第制度也 。
○服飾
自國主以下,男女皆椎髻,袒裼,止以布圍腰。出入則加以大布一條,纒於小布之上。布甚有等級。國主所打之布,有直金三四兩者,極其華麗精美。其國中雖自織布,暹羅及占城皆有來者,往往以來自西洋者為上,以其精巧而細様故。人惟國主可打純花布。頭戴金冠子,如金剛頭上所戴者。或有時不戴冠,但以線穿香花,如茉莉之類,周匝於髻間。頂上戴大珍珠三斤許。手足及諸指上皆帶金鐲、指展,上皆嵌猫兒眼睛石。其下跣足,足下及手掌皆以紅藥染赤色,出則手持金劒。百姓間惟婦女可染手足掌,男子不敢也。大臣國戚可打踈花布,惟官人可打兩頭花布,百姓間惟婦人可打之。新唐人雖打兩頭花布,人亦不敢罪之,以其暗丁八殺故也。暗丁八殺,不識體例也。
○官屬
國中亦有丞相、將帥、司天等官,其下各設司吏之屬,但名稱不同耳。大抵皆國戚為之,否則亦納女為嬪。其出入儀從亦有等級,用金轎扛四金傘柄者為上;金轎扛二金傘柄者次之;金轎扛一金傘柄者又次之;止用一金傘柄者又其次之也;其下者止用一銀傘柄者而已;亦有用銀轎扛者。金傘柄以上官皆呼為巴丁,或呼暗丁。銀傘柄者呼為厮辣的。傘皆用中國紅絹為之,其裙直拖地;油傘皆以緑絹為之,裙却短。
○三教
為儒者呼為班詰,為僧者呼為苧姑,為道者呼為八思。惟班詰不知其所祖,亦無所謂學舎講習之處,亦難究其所讀何書。但見其如常人打布之外,於項上掛白線一條,以此别其為儒耳。由班詰入仕者則為髙上之人,項上之線終身不去。苧姑削髪穿黄,偏袒右肩,其下則繫黄布裙,跣足,寺亦許用瓦蓋,中止有一像,正如釋迦佛之狀,呼為孛賴,穿紅,塑以泥,飾以丹青,外此别無像也。塔中之佛,相貌又别,皆以銅鑄成,無鐘鼔鐃鈸與幢幡寳蓋之類,僧皆茹魚肉,惟不飲酒,供佛亦用魚肉,每日一齋,皆取辦於齋主之家。寺中不設厨竈,所誦之經甚多,皆以貝葉疊成,極其齊整,於上寫黑字,既不用筆墨,不知其以何物書冩。僧亦有用金銀轎扛傘柄者。國王有大政亦咨訪之,却無尼姑。八思惟正如常人打布之外,但於頭上戴一紅布或白布,如韃靼娘子罟姑之狀而略低,亦有宫觀,但比之寺院較狹,而道教者亦不如僧教之盛耳。所供無别像,但止一塊石,如中國社壇中之石耳。亦不知其何所祖也。却有女道士。宫觀亦得用瓦。八思惟不食他人之食,亦不令人見食,亦不飲酒,不曾見其誦經及與人功果拢字喝雽W者皆先就僧家教習,暨長而還俗,其詳莫能考也 。
○人物
人但知蠻俗人物麤醜而甚黑,殊不知居於海島村僻、尋常閭巷間者,則信然矣;至如宫人及南棚(南棚乃府第也)婦女,多有瑩白如玉者,蓋以不見天日之光故也。大抵一布纒腰之外,不以男女,皆露出胷酥椎■〈髟上告下〉跣足,雖國主之妻,亦只如此。國主凡有五妻,正室一人,四方四人。其下嬪婢之屬,聞有三五千,亦自分等級,未嘗輕出戸。余每一入内見番主,必與正妻同出。乃坐正室,金窻中諸宫人皆次第列於兩廊窻下,徙倚窺視,余備獲一見。凡人家有女美貌者,必召入内其下。供内中出入之役者呼為陳家蘭,亦不下一二千,却皆有丈夫。與民間雜處,只於■〈悤頁〉門之前削去其髪,如北人開水道之狀,塗以銀硃及塗於兩鬢之傍,以此為陳家蘭别耳。惟此婦可以入内,其下餘人不可得而入也。内宫之前後,有絡繹於道途間,尋常婦女椎髻之外,别無釵梳頭面之飾。但臂中帶金鐲,指中帶金指展,且陳家蘭及内中諸宫人皆用之,男女身上常塗香藥,以檀麝等香合成,家家皆修佛事。國中多有二形人,每日以十數成羣,行於虗場間,常有招徠唐人之意,反有厚饋,可醜可惡。
○産婦
番婦産後,即作熱飯抺之,以鹽納於陰戸,凡一晝夜而除之。以此産中無病,且收歛常如室女。余初聞而詫之,深疑其不然,既而所泊之家有女育子,備知其事。且次日即抱嬰兒,同往河内澡洗,尤所恠見。又每見人言番婦多淫,産後一兩日即與夫合,若丈夫不中所欲,即有買臣見棄之事。若丈夫適有逺役,只可數夜。過十數夜,其婦必曰:“我非是鬼,如何孤眠?”淫蕩之心尤切。然亦聞有守志者。婦女最易老,蓋其婚嫁産育既早,二三十歲人已如中國四五十人矣 。
○室女
人家養女,其父母必祝之曰,願汝有人要,將來嫁千百箇丈夫。富室之女自七歲至九歲,至貧之家則止於十一歲,必命僧道去其童身名曰陣毯。蓋官司每歲於中國四月内擇一日,頒行本國應有養女當陣毯之家,先行申報官司。官司先給巨燭一條,燭間刻畫一處,約是夜遇昏點燭,至刻畫處,則為陣毯時候矣。先期一月或半月或十日,父母必擇一僧或一道,隨其何處寺觀,往往亦自有主顧。向上好僧皆為官戸富室所先,貧者不暇擇也。官富之家,饋以酒米、布帛、檳榔、銀器之類,至有一百擔者。直中國白金二三百兩之物,少者或三四十擔或一二十擔,隨家豐儉。所以貧人家至十一歲而始行事者,為難辦此物耳。亦有捨錢與貧女陣毯者,謂之做好事。蓋一歲中一僧止可御一女,僧既允受,更不他許。是夜大設飲食、鼔樂,會親隣,門外縛一髙棚,裝塑泥人、泥獸之屬于其上。或十餘,或止三四枚,貧家則無之。各按故事,凡七日而始撤。既昏,以轎傘鼔樂迎此僧而歸。以綵帛結二亭子,一則坐女於其中,一則僧坐其中。不曉其口説何語,鼓樂之聲喧闐。是夜不禁犯夜,聞至期,與女俱入房,親以手去其童,納之酒中。或謂父母親隣各點於額上,或謂俱嘗以口,或謂僧與女交媾之事,或謂無此。但不容唐人見之,所以莫知其的。至天將明時,則又以轎傘鼓樂送僧去。後當以布帛之類,與僧贖身,否則此女終為此僧所有,不可得而他適也。余所見者,大徳丁酉之四月初六夜也。前此父母必與女同寢,此後則斥於房外,任其所之,無復拘束隄防之矣。至若嫁娶,則雖有納幣之禮,不過茍簡從事,多有先姦而後娶者。其風俗既不以為恥,亦不以為怪也。陣毯之夜,一巷中或至十餘家城中迎僧道者,交錯於途路,間鼓樂之聲無處無之。
○奴婢
人家奴婢皆買野人以充其役。多者百餘,少者亦有一二十枚,除至貧之家則無之。蓋野人者,山野中之人也。自有種類,俗呼為撞賊。到城中亦不敢出入人之家,城間人相罵者一呼之為撞,則恨入骨髓,其見輕於人如此。少壯者一枚可直百布,老弱者止三四十布可得。秪許於楼下坐卧,若執役方許登樓,亦必跪膝、合掌、頂禮,而後敢進。呼主人為巴駞,主母為米巴。駞者,父也;米者,母也。若有過撻之,則俯首受杖,畧不敢動。其牝牡者自相配偶,主人終無與之交接之理。或唐人到彼,久曠者不擇,一與之接,主人聞之,次日不肯與同坐,以其曾與野人接故也。或與外人交,至於有姙,養子主人亦不詰問其所從來。蓋以其所不齒,且利其得子,仍可為異日奴婢也。或有逃者,擒而復得必於面刺以青,或於項上帶鐵以錮之,亦有帶於臂腿間者。
○語言
國中語言自成音聲,雖近而占城暹人皆不通話説。如以一為梅,二為别,三為卑,四為般,五為孛監,六為孛監梅,七為孛監别,八為孛監卑,九為孛監般,十為荅呼。父為巴駞,叔伯亦呼為巴駞,呼母為米,姑、姨、嬸、姆以至鄰人之尊年者亦呼為米。呼兄為邦,姊亦呼為邦。呼弟為補溫,呼舅為吃賴,姑夫亦呼為孛賴。大抵多以下字在上。如言此人乃張三之弟,則曰補溫張三。彼人乃李四之舅,則曰吃賴李四。又如呼中國為備世,呼官人為巴丁,呼秀才為班詰。乃呼中國官人不曰備世巴丁,而曰巴丁備世。呼中國之秀才不曰備世班詰,而曰班詰備世,大抵皆如此。此其大略耳,至若官府則有官府之議論;秀才則有秀才之文談;僧道自有僧道之語説;城市村落,言語各自不同;亦與中國無異也
○野人
野人有二種。有一等通往來話言之野人,乃賣與城間為奴之類是也。有一等不屬教化不通言語之野人,此輩皆無家可居,但領其家屬巡行於山頭,戴一瓦盆而走。遇有野獸,以弧矢標槍射之而得,乃擊火於石,共烹食而去。其性甚狠,其藥甚毒,同黨中常自相殺戮。近地亦有種荳蔻木綿花織布為業者,布甚麤厚,花紋甚别。
○文字
尋常文字及官府文書,皆以麂鹿皮等物染黑,隨其大小濶狹,以意裁之;用一等粉如中國白堊之類,磋為小條子,其名為梭,拈於手中,就皮畫以成字,永不脱落,用畢則挿於耳之上。字跡亦可辨認為何人書寫,須以濕物揩拭方去。大率字様正如回鶻字。凡文書皆自後書向前,却不自上書下也。余聞之額森哈雅,云其字母音聲,正與蒙古音相鄰,但所不同者三兩字耳。初無印信,人家告狀,亦有書鋪書寫。
○正朔時序
每用中國十月為正月,是月也,名為佳得,當國宫之前縛一大棚,上可容千餘人,盡掛燈毬花朶之屬。其對岸逺離二十丈地,則以木接續,縳成髙棚,如造塔撲竿之狀,可髙二十餘丈,每夜設三四座或五六座,裝煙火爆杖於其上,此皆諸屬郡及諸府第認直。遇夜則請國主出觀,點放煙火爆杖,煙火雖百里之外皆見之,爆杖其大如砲,聲震一城。其官屬貴戚,每人分以巨燭、檳榔,所費甚夥。國主亦請奉使觀焉。如是者半月而後止。每一月必有一事,如四月則抛毬,九月則壓獵。壓獵者,聚一國之衆皆來城中,教閲於國宫之前。五月則迎佛水,聚一國逺近之佛皆送水與國主洗身,陸地行舟,國主登樓以觀。七月則燒稻,其時新稻已熟,迎於南門外燒之,以供佛。婦女車象,往觀者無數。主却不出。八月則挨藍,挨藍者,舞也。點差伎樂,每日就國宫内挨藍且鬭猪、鬭象。國主亦請奉使觀焉,如是者一旬。其餘月分不能詳記也。國人亦有通天文者,日月薄蝕皆能推算,但是大小盡却與中國不同。閏歲則彼亦必置閏,但只閏九月,殊不可曉。一夜只分四更,每七日一輪,亦如中國所謂開閉建除之類。番人既無名姓,亦不記生日,多有以所生日頭為名者。有兩日最吉,三日平平,四日最凶,何日可出東方,何日可出西方,雖婦女皆能算之。十二生肖亦與中國同,但所呼之名異耳,如以馬為卜賽,呼鷄之聲為欒,呼猪之聲為直盧,呼牛為箇之類也。
○争訟
民間爭訟,雖小事,亦必上聞。國主初無笞杖之責,但聞罰金而已。其人大逆重事,亦無絞斬之事,止於城西門外掘地成坑,納罪人於内,實以土石堅築而罷。其次有斬手足指者,有去鼻者,但姦與賭無禁。姦婦之夫或知之,則以兩柴絞姦夫之足,痛不可忍,竭其資而與之,方可獲免。然裝局欺騙者亦有之。或有死於門首者,則自用繩拖置城外。野地初無所謂體究檢驗之事,人家獲盜亦可施監禁、拷掠之刑。却有一項可取。且如人家失物,疑此人為盜,不肯招認,遂以鍋煎油極熱,令此人伸手於中。若果偷物則手腐爛,否則皮肉如故云。番人有法如此。又兩家爭訟,莫辨曲直。國宫之對岸有小石塔十二座,令一人各坐一塔中,其外兩家自以親屬互相隄防。或坐一二日,或三四日。其無理者必獲證候而出,或身上生瘡癤,或咳嗽熱證之類;有理者畧無纎事。以此剖判曲直,謂之天獄,蓋其土地之靈有如此也。
○病癩
國人尋常有病,多是入水浸浴及頻頻洗頭,便自痊可。然多病癩者,比比道途間。土人雖與之同卧同食亦不校。或謂彼中風土有此疾,曾有國主患此疾,故人不之嫌。以愚意觀之,往往好色之餘,便入水澡洗,故成此疾。聞土人色慾纔畢,皆入水澡洗。其患痢者十死八九,亦有貨藥於市者,與中國不類,不知其為何物。更有一等師巫之屬,與人行持,尤可笑。
○死亡
人死無棺,止以■〈差〉席之類,蓋之以布。其出喪也,前亦用旗幟鼔樂之屬,又以兩柈炒米,繞路抛撒。擡至城外僻逺無人之地,棄擲而去。俟有鷹犬畜類來食,頃刻而盡,則謂父母有福,故獲此報;若不食,或食而不盡,反謂父母有罪,而至此今。亦漸有焚者,往往皆唐人之遺種也。父母死,别無服制,男子則髠其髪,女子則於■〈悤頁〉門翦髪似錢大,以此為孝耳。國主仍有塔葬埋,但不知葬身與葬骨耳。
○耕種
大抵一歲中可三四番收種,蓋四時常如五六月天,且不識霜雪故也。其地半年有雨,半年絶無。自四月至九月,每日下雨,午後方下。淡水洋中,水痕髙可七八丈,巨樹盡没,僅畱一杪耳。人家濵水而居者,皆移入山。後十月至三月,點雨絶無,洋中僅可通小舟,深處不過三五尺。人家又復移下耕種者,指至何時稲熟。是時,水可渰至何處,隨其地而播種之。耕不用牛,耒、耜、鎌、鋤之器,雖稍相類,而制自不同。又有一等野田,不種常生水,髙至一丈,而稻亦與之俱髙,想别一種也。但糞田及種蔬皆不用穢,嫌其不潔也。唐人到彼,皆不與之言及中國糞壅之事,恐為所鄙。每三兩家,共掘地為一坑,蓋其草滿則填之,又别掘地為之。凡登溷既畢,必入池洗浄。止用左手,右手畱以拿飰。見唐人登厠用紙揩拭者,笑之。甚至不欲其登門,婦女亦有立而溺者,可笑可笑。
○山川
自入真蒲以來,率多平林叢昧,長江巨港,綿亘數百里。古樹修藤,森陰蒙翳,禽獸之聲,雜遝其間。至半港而始見有曠田,絶無寸木,彌望芃芃,禾黍而已。野牛以千百成羣,聚於此地。又有竹坡,亦綿亘數百里。其間竹節相間,生刺筍,味至苦。四畔皆有髙山。
○出産
山多異木,無木處乃犀象屯聚養育之地。珍禽竒獸不計其數,細色有翠毛、象牙、犀角、黄臘;麤色有降真、荳蔻、畫黄、紫梗、大風子油、翡翠。其得也頗難,蓋叢林中有池,池中有魚,翡翠自林中飛出,求魚番人以樹葉蔽身,而坐水濱,籠一雌以誘之,手持小網,伺其來則罩,有一日獲三五隻,有終日全不得者。象牙則山僻人家有之,每一象死方有二牙。舊傳謂每歲一換牙者,非也。其牙以摽而殺之者上也,自死而隨時為人所取者次之,死於山中多年者斯為下矣。黄臘出於村落朽樹間其一種細腰蜂如螻蟻者,番人取而得之。每一船可收二三千塊,每塊大者三四十斤,小者亦不下十八九斤。犀角白而帶花者為上,黒為下。降真生叢林中,番人頗費砍斫之勞,蓋此乃樹之心耳。其外白木可厚八九寸,小者亦不下四五寸。荳蔻皆野人山上所種,畫黄乃一等樹間之脂,番人預先一年以刀斫樹,滴瀝其脂,至次年而始收。紫梗生於一等樹枝間,正如桑寄生之状,亦頗難得。大風子油乃大樹之子,狀如椰子而圓,中有子數十枚。胡椒間亦有之,纒藤而生,纍纍如緑草子,其生而青者更辣 。
○貿易
國人交易,皆婦人能之。所以唐人到彼,必先納一婦人者,兼亦利其能買賣故也。每日一墟,自夘至午即罷。無居鋪,但以蓬席之類鋪於地間,各有處。聞亦有納官司賃地錢,小交關則用米穀及唐貨,次則用布若乃,大交關則用金銀矣。往往土人最朴,見唐人頗加敬畏,呼之為佛,見則伏地頂禮。近亦有脱騙欺負唐人,由去人之多故也。
○欲得唐貨
其地想不出金銀,以唐人金銀為第一。五色輕縑帛次之,其次如真州之錫鑞,溫州之漆盤,泉州之青甆器及水銀、銀硃、紙劄、硫黄、熖硝、檀香、白芷、麝香、麻布、黄草、布雨傘、鐵鍋、銅盤、水硃、桐油、箆箕、木梳、針。其麤重則如明州之蓆。甚欲得者則菽麥也,然不可將去耳。
○草木
惟石橊、甘蔗、荷花、蓮藕、芋桃、蕉芎與中國同;荔枝、橘子狀雖同而酸;其餘皆中國所未。曽見樹木亦甚各别;草花更多,且香而艶;水中之花,更有多品,皆不知其名。至若桃、李、杏、梅、松、栢、杉、檜、梨、棗、楊、栁、桂、蘭、菊蕊之類皆所無也。其中正月亦有荷花。
○飛鳥
禽有孔雀、翡翠鸚哥乃中國所無。餘如鷹、鴉、鷺鷥、雀兒、鸕鷀、鸛鶴、野鴨、黄雀等物皆有之。所無者喜鵲、鴻鴈、黄鶯、杜宇、燕鴿之屬。
○走獸
獸有犀象、野牛、山馬乃中國所無者。其餘如虎、豹、熊羆、野猪、麋鹿、麞麂、猿狐之類甚多。所少者獅子、猩猩、駱駞耳。鷄、鴨、牛、馬、猪、羊所不在論也。馬甚矮小,牛甚多,生敢騎,死不敢食,亦不敢剥其皮,聽其腐爛而已,以其與人出力故也,但以駕車耳。在先無鵝,近有舟人自中國攜去,故得其種。鼠有大如猫者,又有一等鼠頭腦,絶類新生小狗兒。
○蔬菜
蔬菜有蔥、芥、韭、茄瓜、西瓜、冬瓜、王瓜、莧菜。所無者蘿蔔、生菜、苦蕒、菠薐之類。瓜茄正月間即有之。茄樹有經數年不除者。木綿花樹髙可過屋,有十餘年不換者。不識名之菜甚多,水中之菜亦多種。
○魚龍
魚鱉惟黑鯉魚最多;其他如鯉、鯽、草魚最多;有吐哺魚,大者重二斤已上;有不識名之魚亦甚多,此皆淡水洋中所來者。至若海中之魚,色色有之。鱔魚、湖鰻、田雞,土人不食,入夜則縱横道途間。黿鼉大如合苧,雖六藏之龜,亦充食用。查南之蝦,重一斤已上。真蒲龜脚可長八九寸許,鰐魚大者如船,有四脚,絶類龍特無角耳,肚甚脆美。蛤蜆、螺螄之屬,淡水洋中可捧而得,獨不見蟹,想亦有之,而人不食耳。
○醖釀
酒有四等,第一唐人呼為蜜糖酒,用藥麴以蜜,及水中半為之。其次者土人呼為朋牙四,以樹葉為之。朋牙四者,乃一等樹葉之名也。又其次以米或以剰飯為之,名曰包稜角。蓋包稜角者,米也。其下有糖鑑酒,以糖為之,又入港濱水。又有茭漿酒,蓋有一等茭葉生於水濱,其漿可以釀酒。
○鹽醋醬麫
醝物國中無禁。自真蒲巴澗濱海等處,率皆燒山間。更有一等石,味勝於鹽,可琢以成器。土人不能為醋,羮中欲酸,則著以咸平樹葉。樹既莢,則用莢。既生子,則用子。亦不識合醬,為無麥與豆故也。亦不曽造麴,蓋以蜜水及樹葉釀酒,所用者酒藥耳。亦如鄉間白酒藥之狀,蠶桑土人皆不事。
○蠶桑
婦人亦不曉針線縫補之事,僅能織木綿布而已。亦不能紡,但以手理成條。無機杼以織,但以一頭縳腰,一頭搭上梭,亦止用一竹管。近年暹人來居,却以蠶桑為業,桑種蠶種皆自暹中來。亦無麻苧,惟有絡麻,暹人却以絲自織皁綾衣著,暹婦却能縫補。土人打布損破,皆倩其補之。
○器用
尋常人家房舎之外,别無桌凳盂桶之類。但作飯則用一瓦釡,作羮又用一瓦銚。地埋三石為竈,以椰子殻為杓。盛飯用中國瓦盤或銅盤。羮則用樹葉造一小碗,雖盛汁亦不漏。又以茭葉製一小杓,用兠汁入口,用畢則棄之。雖祭祀神佛亦然。又以一錫器或瓦器盛水於傍,用以蘸手。蓋飯只用手拏,其粘於手非此水不能去也。飲酒則用鑞注子,貧人則用瓦缽子,若府第富室則一一用銀,至有用金者。國之慶賀多用金為器皿,制度形狀又别。地下所鋪者,明州之草席,或有鋪虎豹麂鹿等皮及藤簟者。近新置矮桌髙尺許,睡只竹席,卧於板,近有用矮床者,往往皆唐人制作也。食品用布罩,國主内中以銷金縑帛為之,皆舶商所饋也。稻不用礱,止用杵舂碓耳 。
○車轎
轎之制,以一木屈其中,兩頭豎起,雕刻花様,以金銀裹之。所謂金銀轎扛者,此也。每頭一尺之内釘鉤子,以大布一條厚摺,用繩繫於兩頭,鉤中人挽於布,以兩人擡之。轎則又加一物,如船蓬而更闊,飾以五色縑帛,四人扛。有隨轎而走。若逺行亦有騎象騎馬者。亦有用車者,車之制却與他地一般。馬無鞍,象無凳可坐 。
○舟楫
巨舟以硬樹破版為之。匠者無鋸,但以斧鑿之開成版,既費木且費工也。凡要木成段,亦只以鑿鑿斷,起屋亦然。船亦用鐵釘,上以茭葉蓋覆,却以檳榔木破片壓之。此船名為新拏用櫂。所粘之油,魚油也。所和之灰石,灰也。小舟却以一巨木鑿成槽,以火薰軟,用木撑開。腹大,兩頭尖,無蓬,可載數人,止以櫂划之,名為皮闌。
○屬郡
屬郡九十餘,曰真蒲、曰查南、曰巴澗、曰莫良、曰八薛、曰蒲買、曰雉棍、曰木津波、曰賴敢坑、曰八厮里。其餘不能悉記。各置官屬。皆以木排栅為城 。
○村落
每一村或有寺,或有塔。人家稍宻,亦自有鎮守之官,名為買節。大路上自有歇息如郵亭之類,其名為森木。近與暹人交兵,遂皆成曠地。取膽前此於八月内 。
○取膽
蓋占城王每年索人膽一甕,萬千餘枚。遇夜則多方令人於城中及村落去處,遇有夜行者,以繩兠住其頭,用小刀於右脇下取去其膽。俟數足,以饋占城王。獨不取唐人之膽,蓋因一年取唐人一膽,雜於其中,遂致甕中之膽俱臭腐而不可用故也。近年已除取膽之事,另置取膽官屬,居北門之裏。
○異事
東門之裏,有蠻人淫其妹者,皮肉相粘不開,厯三日不食而俱死。余鄉人薛氏居番三十五年矣,渠謂兩見此事。蓋其用聖佛之靈,所以如此。
○澡浴
地苦炎熱,每日非數次澡洗則不可過。入夜亦不免一二次,初無浴室盂桶之類,但每家須有一池,否則兩三家合一池。不分男女,皆裸形入池,惟父母尊年在池,則子女卑幼不敢入。或卑幼先在池,則尊長亦迴避之,如行輩則無拘也。但以左手遮其牝門入水而已。或三四日,或五六日,城中婦女,三三五五,咸至城外河中漾洗。至河邊,脱去所纒之布而入水。會聚於河者動以千數,雖府第婦女亦預焉。畧不以為恥,自踵至頂,皆得而見之。城外大河,無日無之。唐人暇日頗以此為遊觀之樂,聞亦有就水中偷期者。水常溫如湯,惟五更則微凉,至日出則復溫矣。
○流寓
唐人之為水手者,利其國中不著衣裳,且米糧易求,婦女易得,屋室易辦,器用易足,買賣易為,往往皆逃逸於彼。
○軍馬
軍馬亦是裸體、跣足,右手執摽槍,左手執戰牌,别無所謂弓箭、砲石、甲胄之屬。傳聞與暹人相攻,皆驅百姓使戰,往往亦别無智畧謀畫。
○國主出入
聞在先,國主轍迹未嘗離戸,蓋亦防有不測之變也。新主乃故國主之壻,原以典兵為職,其婦翁愛女。女宻竊金劒,以往其夫,以故親子不得承襲。嘗謀起兵,為新主所覺,斬其趾而安置於幽室。新主身嵌聖鐵,縱使刀箭之屬著體,不能為害,因恃此遂敢出戸。余宿畱歲餘,見其出者四五。凡出時諸軍馬擁其前,旗幟鼓樂踵其後。宫女三五百,花布花髻,手執巨燭,自成一隊,雖白日亦照燭。又有宫女,皆執内中金銀器皿及文飾之具,制度迥别,不知其何所用。又有宫女,執摽槍摽牌為内兵,又成一隊。又有羊車、馬車,皆以金為飾。其諸臣僚國戚,皆騎象在前。逺望紅凉傘,不計其數。又其次則國主之妻及妾媵,或轎或車,或馬或象,其銷金凉傘何止百餘。其後則是國主,立於象上,手持寳劒。象之牙亦以金套之。打銷金白凉傘,凡二十餘柄,其傘柄皆金為之。其四圍擁簇之象甚多,又有軍馬護之。若遊近處,止用金轎子,皆以宫女擡之。大凡出入,必迎小金塔,金佛在其前,觀者皆當跪地頂禮,名為三罷。不然則為貌事者所擒,不虚釋也。每日國主兩次坐衙治事,亦無定文。及諸臣與百姓之欲見國主者,皆列坐地上。以俟少頃,聞内中隱隱有樂聲,在外方吹螺以迎之。聞止用金車子,來處稍逺,須臾見二宫女纎手捲簾,而國主乃仗劒立于金窻之中矣。臣僚以下皆合掌叩頭,螺聲方絶,乃許擡頭。國主特隨亦就坐,坐處有獅子皮一領,乃傳國之寳。言事既畢,國主尋即轉身,二宫女復垂其簾,諸人各起。以此觀之,則雖蠻貊之邦,未嘗不知有君也。
Ngô Bắc
dịch và phụ chú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét