Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

AI LÀ CHỦ KHẢO TRƯỜNG HÀ NAM KHOA ĐINH DẬU (1897) ?

Đồng Sĩ Vịnh hay Cao Xuân Dục ?
Trước khi vào chính đề, tôi xin nói qua về Trường Hà Nam, Khoa Đinh Dậu và Cao Xuân Dục.
 
I - Trường Hà Nam khác Trường Nam Định ở điểm nào ?
Triều Nguyễn có tất cả 8 trường, sau rút lại còn 5 là : Gia Định, Thừa Thiên, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Nam.
Trường Hà Nam là hai trường Hà Nội và Nam Định hợp thí ở Nam Định sau khi trường Hà bị lính Pháp chiếm, phải đóng cửa từ năm 1882. Khoa cuối của trường là khoa Kỷ Mão (1879).
Năm 1884, sĩ tử hai trường này phải vài Thanh Hoá hợp thí, nên gọi là " Khoá Thanh ". Lý do chính thức : trường Hà bị đóng cửa, trường Nam bị đốt từ năm 1883. Lý do khác : sĩ tử Baéc hà nổi loạn chống Hoà ước Giáp thân (Patenôtre 1884).1884, sĩ tử hai trường này phải vào Thanh Hoá
Đến 1886, vua Đồng Khánh mới cho hai trường hợp thí ở Nam Định, lấy tên chung là " trường Hà Nam ". Từ đó, nhân vì loạn lạc, thành lệ hợp thí ở Nam cho đến khoa cuối là khoa Ất Mão (1915). Dựa vào đây, ta có thể đưa ra hai nhận xét :
1) Tú Xương không thể viết hai câu thơ sau đây trước năm 1886 :


" Được gần trường ốc vùng Nam Định,
Thua mãi anh em đám Bắc kỳ ".

2) Nguyễn Tuân trong truyện " Báo oán " (Vang bóng một thời " đặt khoa cuối của trường Hà Nam vào năm Mậu Ngọ (1918), thực ra đấy là khoa cuối của miền Trung (và đây là một trong những " kỳ thị " của triều Nguyễn đối với sĩ tử Baéc hà).
Như vậy " trường Hà Nam " dùng để trỏ vào đám sĩ tử thuộc vùng Hà Nội và vùng Nam Định (1), còn " trường Nam Định " trỏ vào cái trường xây bằng gạch ngói ở ngoại thành Nam.
Theo Trần Văn Giáp, và một số người khác, thì trường Nam xây ở làng Năng Tĩnh. Chính ông Giáp đã đến thăm tận nơi khi trường " chỉ còn chơ vơ cái nhà Thập đạo (2) ", nhưng Tú Xương, trong bài " Phú Hỏng thi " viết khác :
" Năm vua Thành Thái mười hai,
Lại mở khoa thi Mỹ Trọng ".
Vậy thì trường thi nằm ở đâu, Năng Tĩnh hay Mỹ Trọng ? Nếu vào thời Lê hay Nguyễn sơ, trường thi còn bằng nhà tranh, vách nứa, sau mỗi kỳ thi phá đi để lấy chỗ trồng trọt, cầy cấy thì chuyện di chuyển trường không khó, còn nếu trường bằng gạch thì không thể mỗi chốc phá đi xây lại được. Sử chép rằng từ 1845, trường Nam theo chỉ thị của vua Thiệu Trị, được xây cất bằng gạch ngói theo mẫu mực trường Ninh Baéc (Thừa Thiên) chỉ trừ chỗ cho sĩ tử ngồi thi vẫn để đất trống, học trò đi thi vẫn phải mang lều chõng như xưa. Trường đã bằng gạch, không di chuyển được, nên tôi tạm đặt nằm giữa hai làng Năng Tĩnh và Mỹ Trọng, ở chân thành Nam, vì theo Ngô Vi Liễn cả hai làng này cùng thuộc tổng Mỹ Trọng và ở cạnh nhau.
 
II - Khoa Đinh Dậu có gì đặc biệt ?
1) Trước hết chúng ta có loạt ảnh của Salles chụp cảnh trường Hà Nam. Đây là những sử liệu rất hiếm và quý báu.
2) Nhà thơ Trần Tế Xương (hay Kế Xương) khoa này nghiễm nhiên đội danh " ông Tú " đi thi, dù chỉ là " Tú rốt bảng trong năm Giáp Ngọ (1894) ".
Ai cũng biết Tú Xương " lảo đảo trường ốc " rất nhiều (tám khoa mà chỉ được " một tí Tú tài quèn " và ngâm vịnh về thi cử cũng không ít, riêng khoa này ông để lại cho chúng ta ít nhất hai bài, một vịnh " Chủ khảo Cao Xuân Dục " và một vịnh cảnh đi thi :
" Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường (3) miệng thét loa.
Lọng caém rợp trời, quan Sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó ?
Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà !
3) Toàn quyền Paul Doumer vừa ở Pháp sang nhậm chức, lần đầu chứng kiến cảnh thi của ta (và cũng là lần đầu trường Nam có một " quan Tây to " đến dự lễ Xướng danh và phát quà thưởng (1 đồng hồ vàng hay bạc v.v...). Sau này trong hồi ký L�Indo-Chine française (Souvenirs) Doumer dành mấy tờ nhaéc lại quang cảnh trường thi, nhưng vì không hiểu rõ nên viết nhiều điều sai lầm, chẳng hạn : sĩ tử vào trường được mang theo người hầu, trong khi thầy ngồi làm văn thì tớ nằm khểnh một góc đợi giờ sửa soạn cơm nước v.v...có lẽ Doumer đã lầm quan trường với Thí sinh ? Doumer còn ở lại đến 1901 mới về nước, và được chứng kiến thêm khoa 1900 nữa ở Nam Định.
4) Không khí trường Hà Nam và thành Nam Định lúc ấy rất sôi nổi vì hai vấn đề :
- Chữ Hán saép bị bỏ hẳn, chữ Quốc ngữ baét đầu được dự tính thay thế và sĩ tử còn phải làm toán bằng con số Ả rập nữa. Lúc ấy tinh thần ái quốc đang cao, học chữ Quốc ngữ thường bị ngộ nhận là " vọng ngoại " và "vô sỉ" nên nhiều người không chịu học, bỏ thi. (Trần Quý Cáp thuộc số người hiếm, nhìn nhận ưu điểm của Quốc ngữ, gọi là " hồn trong nước ").
-Nhưng sôi nổi hơn nữa là phong trào chống Pháp đang hăng của " Kỳ Đồng (1875-1929) tên thực là Nguyễn Văn Cẩm, trẻ tuổi và thông minh nên được mệnh danh là " Kỳ Đồng ". Vì chống Pháp, năm 1887 đã bị " gửi " sang học 9 năm Alger (Baéc Phi). Năm 1896 về nước, tiếp tục hoạt động và liên kết với Đề Thám nên đến 1901 lại bị đầy sang Tahiti (theo Nguyễn Tuân, sau thành bạn của hoạ sĩ Gauguin).
Vì có vụ " Kỳ Đồng " nên Pháp phòng biến động chuẩn bị rất ngặt : từ một tuần trước đã cho hai pháo thuyền Avalanche và Le Jacquin chĩa mũi vào trường thi dọa nạt. Doumer nói cứng rằng ông ta tin chaéc chaén không ai dám làm gì, bọn nổi loạn chẳng qua là hạng thi hỏng bất đaéc chí, tuy vậy vẫn nên thị uy để cảnh cáo những phần tử còn nuôi ý báo động.
5) Khoa này tại trường Nghệ An, nhà cách mạng Phan Bội Châu, vì một lý do không được nêu ra, đã can án " Hoài hiệp văn tự nhập trường, chung thân bất đaéc ứng thí " tức là " mang sách có chữ viết vào trường, bị phạt cấm suốt đời không được đi thi ".
 
III - Cao Xuân Dục
Tuy làm quan đến nhất phẩm và là một trong " Trứ Trụ Triều Đình ", song có lẽ Cao Xuân Dục được ít người biết.
Cao Xuân Dục (1842 � 1923), hiệu là Tử Phát, người xã Thịnh Khanh, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, đỗ Cử nhân năm 1877, làm quan đến Học bộ Thượng Thư, hàm Đông Các Đại Học Sĩ (hàm = có trách nhiệm mà không ăn lương), tước An Xuân Nam.
Cao Xuân Dục có hai người con đỗ Cử nhân và một người đỗ Phó bảng (Cao Xuân Tiếu, được cử làm Giám khảo trường Hà Nam cùng một khoa với cha) và là nhạc gia Hoàng Tăng Bí.
Rất trọng việc học, ông đã xuất tiền thuê người chép lại những sách quí hiếm chia cho các con giữ mỗi người một bản lưu lại về sau. Chính ông cũng là tác giả hai bộ sách có giá trị : Quốc triều Hương khoa lục (chép tất cả các khoa thi Hương của tất cả các trường dưới triều Nguyễn) và Quốc triều Đăng khoa lục (chép các khoa thi Tiến sĩ triều Nguyễn).
Mặc dầu chỉ đỗ Hương thí, ông được cử đi chấm thi Hội mấy lần,và hay nâng đỡ học trò. Chính ông đã xin cho các Phó Bảng (4) được hưởng những quyền lợi như các ông Nghè. Khi ông làm Chủ khảo trường Hà Nam, Tú Xươngđã vịnh ông như sau :
" Này này Hương thí đỗ khoa nào ?
Nhân hậu thay lòng quan Thượng Cao !
Người ta thi chữ, ông thi phúc,
Dù dở, dù hay cũng được vào ! "

IV - Ai là chủ khảo Trường Hà Nam khoa Đinh Dậu ?
Theo ảnh của Salles thì Chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu là Cao Xuân Dục. Salles là một nhà nhiếp ảnh làm việc tỉ mỉ và có qui củ, ban ngày chụp, ban đêm rửa ngay, sợ để lâu khí hậu nóng bên ta sẽ làm hỏng kính ảnh (lúc ấy chưa có phim). Hơn thế, Salles chua rất rành mạch không những " năm " mà cả " ngày, tháng " cùng tên họ, chức tước người trong ảnh, với đủ cả các dấu saéc, huyền, hỏi v.v...Trong loạt ảnh ấy có một chiếc chú thích là " Thân Trọng Koái, Giám sát " (5) (có lẽ ngày nay ta viết là " Quới " ?) chụp một người còn trẻ măng. Raéc rối là năm 1941, Trần văn Giáp cũng sử dụng loạt ảnh này trong Tập San Khai Trí Tiến Đức, số 2 và 3, nhưng " Thân Trọng Koái " thì lại biến thành " Nguyễn Gia Thoại, Phó Chủ khảo ". Dĩ nhiên Trần văn Giáp biết nhiều về thi cử của ta, viết như thế hẳn có lí do, song Salles là một người làm việc nghiêm túc, biết tin ai ? Tôi trông cậy vào cuốn Hương Khoa Lục để tìm ra manh mối. Cuốn này không được phổ biến như cuốn Đăng Khoa Lục (đã được dịch ra Quốc ngữ) nhưng trường Bác cổ Viễn Đông (Ecole d�Extrême Orient) ở Paris có một bản chữ Hán.Thật chẳng khác nào " sét đánh ngang tai " khi tôi thấy Cao Xuân Dục chép rằng ông là Chủ khảo khoa 1894 còn Chủ khảo khoa 1897 thì lại là ...Đồng Sĩ Vịnh ! Thế là vụ Thân Trọng Koái / Nguyễn Gia Thoại chưa giải quyết xong lại nẩy ra vụ Cao Xuân Dục / Đồng Sĩ Vịnh còn quan trọng hơn. Không lẽ Salles cẩn thận như thế mà dự khoa 1894 lại chép nhầm là khoa 1897 ? Còn nếu Salles quả dự khoa 1897 thì moi đâu ra được cái tên " Cao Xuân Dục " để đặt cho Chủ khảo khoa này, vốn phải là Đồng Sĩ Vịnh, theo chính Cao Xuân Dục ? Nếu Salles không lầm, Chủ khảo khoa 1897 đúng là Cao Xuân Dục thì chẳng lẽ Cao Xuân Dục lại lầm, không rõ mình là Chủ khảo khoa nào ?
Sau một thời gian loay hoay điều tra sách vở và " chứng nhân " không đi đến kết quả nào, tôi trở lại với mớ ảnh của Salles, thấy có một chiếc chụp cảnh lễ Xướng Danh chú thích " với sự hiện diện của các ông Doumer (Toàn quyền), Lenormand (Công sứ Nam Định) và Picanon (6) ", như thế là Doumer có mặt khi Cao Xuân Dục làm Chủ khảo. Trong hồi ký, Doumer cho biết ông ta sang Đông Dương ngày 21/1/1897,Doumer có thể lầm khi tả trường thi, nhưng khi viết về sự nghiệp bản thân aét không nhầm. Rõ ràng Cao Xuân Dục không thể làm Chủ khảo khoa 1894 được. Và người cho Thí sinh Trần Tế Xương (hay Kế Xương) đỗ Tú tài đội bảng chính là Đồng Sĩ Vịnh.
Đọc lại mấy bài Tựa cuốn Đăng Khoa Lục thì thấy không còn hồ nghi gì nữa : Cao Xuân Dục đã hoàn tất cuốn Hương Khoa Lục vào năm 1892, Đăng Khoa Lục vào năm 1893 và có ý sẽ tiếp tục chép thêm các khoa sau dần dần. Song theo lời người bạn giúp tôi tra cứu cuốn Hương Khoa Lục (lưu trữ tại Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Paris) thì nét bút của người chép phần sau khác hẳn phần trước, tức là phần sau không chaéc do Cao Xuân Dục viết. Đăng Khoa Lục cũng có hai bản, bản của ông Hoàng Xuân Hãn thiếu mấy khoa sau, bản của Lê Mạnh Liêu dịch mới đầy đủ. Đọc bài Tựa của Vũ Phạm Hàm ta có thể nghĩ người viết tiếp chính là trưởng nam của Cao Xuân Dục, tức Cao Xuân Tiếu. Song Cao Xuân Tiếu cùng đi chấm thi khoa 1897 với cha, chaéc không thể lầm được. Trên bìa cuốn Đăng Khoa Lục, quyển 1, đề rõ tên ba người hiệu đính là Cao Xuân Tiếu, Đặng Văn Thuỵ và Nguyễn Duy Nhiếp. Nếu ba người cùng hiệu đính cuốn Hương Khoa Lục thì sự lầm lẫn do hai người kia hợp lí hơn.
Vấn đề " Ai là Chủ khảo... " đã giải quyết, nhưng vẫn còn vụ Thân Trọng Koái / Nguyễn Gia Thoại cần phải " thanh toán ". Hương Khoa Lục chỉ cho biết khi Cao Xuân Dục làm Chủ khảo thì Nguyễn Gia Thoại làm Phó, nhưng không thêm chi tiết nào. Lại cũng nhờ một tấm ảnh khác của Salles mà vụ này được đưa ra ánh sáng. Trong một chiếc ảnh chụp lễ Xướng Danh ở Cổng Tiền môn, các quan theo thứ tự phẩm trật ngồi ghế tréo chứng kiến, có ông ngồi đầu hàng bên trái, mặt để râu, bên cạnh tấm biển " Phụng chỉ ". Chúng ta biết rằng : " Khi triều đình cử ban Giám khảo xong, ông Chủ khảo được ban lá cờ " Khâm sai ", ông Phó được lĩnh biển " Phụng chỉ ". Như vậy ông có râu đích thực là Phó Chủ khảo Nguyễn Gia Thoại không còn nghi ngờ gì nữa, và khuôn mặt ông không giống mặt Thân Trọng Koái một tí nào, Thân Trọng Koái không có râu.
Vì sao Trần văn Giáp lại chú thích như thế ? Có lẽ thấy Salles " quên " không chụp ảnh riêng ông Phó Chủ khảo mà lại chụp tới những hai ông Giám sát nên ông Giáp nghĩ : " bớt một ông Giám sát chaéc không ai lưu ý chứ để thiếu ông Phó Chủ khảo quan trọng như thế thì có điều bất tiện. Oâng liền " mượn " tạm ảnh Thân Trọng Koái, xoá tên thật đi và điền Nguyễn Gia Thoại " vào. Với ông đây chỉ là một ảnh " tượng trưng " cho ban Giám khảo đủ bộ, còn đích thực là ảnh chụp Thân Trọng Koái hay Nguyễn Gia Thoại thì với bọn hậu sinh chúng ta không quan hệ. Dĩ nhiên đây chỉ là một giả thuyết.
(Thế kỷ 21, số 2, tháng 6 , 1989)
Tài liệu rút trong Khoa Cử ở Việt Nam (chưa in)
 
Chú thích
1) Sĩ tử trường Hà gồm các tỉnh : Hà Nội, Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh.Sĩ tử trường Nam gồm : Nam Định, Hưng Yên, Quảng Yên, Hải Dương.
2) Trong trường thi, khu dành cho học trò có hai con đường chạy gặp nhau, thành hình chữ thập, chia khoảng đất này làm bốn vi, ở giữa chỗ hai đường gặp nhau, người ta xây nhà Thập Đạo, nơi các sĩ tử đến lấy dấu Nhật Trung và nộp quyển v.v...
3) " Quan trường " đây trỏ vào các ông Giám sát Ngự sử ngồi trên chòi canh cao quá muốn truyền hiệu lệnh gì phải dùng loa.
4) " Phó bảng " triều Nguyễn khác với " Phụ Bảng " các triều trước. " Phó Bảng " chỉ những người thi Tiến sĩ không đỗ nhưng được điểm cao � cũng như những người đi thi Hương đỗ Tú tài � còn " Phụ Bảng " chỉ các ông Tiến sĩ hạng ba (Tam Giáp Tiến sĩ) ; càng không nên nhầm với " Bảng Nhãn " là các ông đỗ Tiến sĩ hạng nhất, đứng sau Trạng nguyên. Nhà Nguyễn theo lệ " Ngũ Bất Lập " của Minh Mệnh đặt ra, không lấy Trạng nguyên, nên Bảng Nhãn đương nhiên là người đỗ Tiến sĩ cao nhất.
5) Giám sát tuy thuộc hàng quan trường nhưng không chấm thi mà phụ trách giám thị quan trường và học trò.
Nguyễn Tuân, trong Chuyện Nghề, nói có cả Công sứ Darles cũng dự khoa này. Darles là một trong " Baéc kỳ tứ hung " (ác) : " Nhất Đac (Darles), nhì Ke (Eckert), tam Be (Wintrebert), tứ Bích (Bride) " (Bride là Chánh án phiên xử Phan Bội Châu năm 1925).
 
 
Sách tham khảo
- Đại nam thực lục chính biên. Bản dịch của Viện sử học Hà Nội, 1962 - 70.
Doumer Paul, L'Indo-Chine française, Souvenirs Paris : Vuibert & Nony, 1905.
Ngô Vi Liễn, Nomenclature des Communes du Tonkin. Hà Nội : Lê Văn tân, 1928.
Nguyễn Tuân, Chuyện Nghề. Hà Nội : Tác phẩm mới, 1986.
Trần Văn Giáp, " Lược khảo về Khoa cử Việt Nam ", Khai Trí Tiến Đức tập san số 2 & 3, Hà Nội, Janvier-Juin 1941.
Bài này viết xong từ năm 1989, hai năm sau tôi được một người bạn sao chụp cho tập Lược khảo về Khoa cử Việt Nam (trích trong Tập san Khai Trí Tiến Đức, cũng xuất bản năm 1941) của Trần Văn Giáp.
Điều đáng chú ý là đề tựa 10 chiếc ảnh của Salles, ông Giáp viết :
" Kỷ niệm thi Nam khoa, Thành Thái Giáp Ngọ và Đinh Dậu (1894-1897) " .
Có lẽ ông Giáp phân vân không rõ Salles phải hay Cao Xuân Dục đúng nên ông đề tên cả hai khoa, mặc dầu ảnh chỉ chụp có một khoa và các khảo quan cũng chỉ được đề cử ra cho một khoa mà thôi, đề tên cả hai khoa cho một lô ảnh chụp một khoa như thế không ổn.
Phụ đề của bài này trước là : " Nguyễn Khuyến hay Cao Xuân Dục ? " nay xin sửa lại là : " Đồng Sĩ Vịnh hay Cao Xuân Dục ? " vì Nguyễn Khuyến chỉ là Phó Chủ khảo khoa 1894.
Nguồn: http://chimviet.free.fr/vanhoc/chquynh/loixua1/loixua03.htm#phepthinghiemmat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét