Trang

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Bản hương ước ngày xưa

MỘT BẢN HƯƠNG ƯỚC CÓ GIÁ TRỊ
HƯƠNG ƯỚC LÀNG GIÁP NHẤT, TỈNH HÀ
NAM
THẠCH QUỐC HÀ - HOÀNG HOA VINH
Sở Văn hoá Thông tin Hà Nam
Nguồn tư liệu hương ước mà cha ông ta để lại tương đối phong phú. Chỉ riêng kho hương ước (tục lệ) được lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã là 646 quyển, mỗi quyển lại gồm nhiều bản của làng (thường được xếp theo đơn vị tổng cũ) của các tỉnh từ Bắc Trung bộ trở ra, trong đó, khu vực đồng bằng chiếm tuyệt đối (497 quyển, bằng 76,94%). Ngoài ra, còn có khá nhiều bản hương ước đang được lưu giữ trong nhân dân nhiều địa phương và những văn bản này chứa đựng ít nhiều giá trị khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu một bản hương ước có nội dung khá phong phú: hương ước làng Giáp Nhất, nay là thông Giáp Nhất, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Bản hương ước này hiện còn đang được lưu giữ tại đình làng, chúng tôi được tiếp xúc và sao chụp lại trong dịp về làng công tác vào tháng 2-2000.
Trước cách mạng tháng Tám 1945, Giáp Nhất là một trong 6 thôn nằm trong xã Bạch Sam gồm: Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Ba, Giáp Tư, Giáp Ngũ (dân trong vùng quen gọi tắt là làng Nhất, làng Nhì, làng Tam…) và Thuỷ Chú thuộc tổng Bạch Sam, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Qua nghiên cứu bước đầu chúng tôi thấy, các làng này vốn là những giáp mang tính chất địa vực của một làng lớn (làng Bạch Sam) chuyển thành những làng độc lập có địa giới riêng, đình chùa đền miếu riêng, cơ cấu tổ chức, lệ tục (hương ước) riêng. Quá trình này kết thúc muộn nhất vào đầu thế kỷ XIX. Đây là hiện tượng không phổ biến của các làng xã trên vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
I. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA HƯƠNG ƯỚC CỦA LÀNG GIÁP NHẤT
Theo ghi chép trong Lời nói đầu thì bản hương ước này được lập lại vào ngày 20 tháng 11 năm Thành Thái thứ 10 (1898) trên cơ sở bản cũ bị mất do thiên tai vào năm Canh Dần cùng triều vua trên (năm 1890), được giáp Bắc của làng là giáp đương cai sao lại vào ngày 10 tháng 9 năm Duy Tân thứ 4-1910 (dưới đây, xin được gọi là bản hương ước Thành Thái hay bản Thành Thái). Văn bản gồm 50 tờ (100 trang), giấy bản khổ 15 x 30cm. Mỗi trang có 8 dòng, đa số các dòng đều có bình quân 28 - 29 chữ. Chữ viết nhỏ, láu, khó đọc, nhiều đoạn là chữ đá thảo rất khó đọc. Nhiều trang giấy bị rách nên một số đoạn chữ bị mất chỉ có thể luận được một số chữ, đoạn; còn nhiều chữ, đoạn không thể luận được. Cuối văn bản không có con dấu của cơ quan hành chính nào. Sau Lời nói đầu, bản hương ước liệt kê 260 điều theo 53 vấn đề các mặt đời sống, được ấn định dưới dạng “lệ” hay “ước” hoặc “ước lệ”. Cụ thể như sau:
1- Ngũ phái ước lệ: 21 điều quy định về việc chia làng thành 5 phái (tức 5 giáp) để gánh vác các công việc trong làng.
2- Tiên chỉ ước lệ: 2 điều về người tiên chỉ làng.
3- Thứ chỉ ước lệ: 1 điều về người thứ chỉ.
4- Kỳ mục ước lệ: 1 điều về nguyên tắc tổ chức và nhiệm vụ của hội đồng kỳ mục.
5- Hương dịch ước lệ: 1 điều về nhiệm vụ những người trong bộ máy chức dịch.
6- Tuyển bình ước lệ: 1 điều về việc cắt người đi lính cho nhà nước, quyền lợi của người đi lính, việc xử phạt người đi lính đào ngũ.
7- Giáp trưởng ước lệ: 22 điều về việc bầu giáp trưởng, nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi của giáp trưởng (còn gọi là các ông lềnh).
8- Lềnh nguyệt ước lệ: 1 điều quy định sự luân phiên công việc hàng tháng của các ông lềnh.
9- Quan viên lệ (mại xã cựu ước lệ): 1 điều về việc mua quan viên (xã cựu).
10- Hoá nhân hành dịch ước lệ: 1 điều về nghĩa vụ của người làm hoá (người đến tuổi 18) của giáp.
11- Thứ nhì kỳ làng ước lệ: 1 điều quy định về nhiệm vụ của lềnh nhì.
12- Trung nam ước lệ: 1 điều về nghĩa vụ của người trung nam (nam giới từ 19 đến 41 tuổi).
13- Thăng lão tứ thập nhị tuế ước: 1 điều quy định về việc lên lão ở tuổi 42.
14- Thăng lão ngũ thạp ngũ tuế ước: 1 điều về việc lên lão ở tuổi 55.
15- Thăng lão khánh ước: 1 điều về việc thăng lão ở các tuổi 60, 70, 80, 90.
16- Tòng học ước lệ: 1 điều về việc miễn dịch phu dịch cho những người đang đi học.
17- Tuần phòng ước lệ: 8 điều về việc cắt cử tuần phiên, tổ chức canh phòng trong làng, nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi của tuần phiên.
18- Kiều lương đạo lộ ước: 4 điều về việc trồng cây trên các con đường và bảo vệ đường trong đồng.
19- Công điền thổ ước lệ: 2 điều về việc sử dụng số công điền, công thổ của làng (các đối tượng được cấp ruộng đất công, nghĩa vụ của họ tỏng việc biện lễ thờ thần).
20- Khuyến nông lộ ước: 3 điều về việc bảo vệ tu bổ và các con đường khuyến nông trong đồng làng.
21- Trúc đê điều ước: 1 điều về việc tu bổ và bảo vệ đê.
22- Phụ địa mạch ước: 1 điều về việc những người có trách nhiệm phải bồi trúc, bảo vệ các gò đống, địa mạch linh thiêng trong làng.
23- Thương hộ đê ước: 1 điều về xử lý sự cố về đê trong địa phận của thôn và của xã.
24- Trí điền ước: 1 điều về việc mua bán ruộng đất trong làng.
25- Điền bạ ước lệ: 1 điều về việc triển khai sổ sách khi có thay đổi về sở hữu ruộng đất.
26- Đình điền tương phí ước: 4 điều về nghĩa vụ đóng góp của các chủ ruộng đối với các hoạt động chung của làng.
27- Nông gia tương ích: 2 điều về việc giúp đỡ nhau trong cày cấy, nhất là trong việc điều phối nguồn nước để cày cấy, chăm sóc lúa.
28- Tống hoả ước: 1 điều về việc phòng ngừa hoả hoạn.
29- Chủ tế ước: 1 điều về việc bầu chủ tế, nghĩa vụ, quyền lợi củ chủ tế.
30- Tả văn ước: 5 điều về việc cử người tả văn, nhiệm vụ của người viết văn tế của làng.
31- Thủ từ ước: 3 điều về việc cử người thủ từ, nghĩa vụ và quyền lợi của thủ từ (người trông giữ đình, miếu).
32- Thụ đương cai lệ: 36 điều về nghĩa vụ của giáp Đương cai và người Đương cai trong việc thờ thần hàng năm.
33- Hành lễ văn hội ước: 2 điều về việc hành lễ trong các tiết lệ thờ thần của hội Tư văn.
34- Văn hội ước: 1 điều về việc lập hội Tư văn, chức năng và nhiệm vụ của hội.
35- Cổ phương lạc công ước: 2 điều về nhiệm vụ, quyền lợi của phường trống, nhạc của làng.
36- Phụng thần ước: 44 điều về việc thờ thần trong các lễ tiết hàng năm.
37- Ca trù ước: 1 điều về việc tổ chức ca hát trong các dịp lễ tiệc tháng giêng, lễ thượng điền, trung thu.
38- Sóc vọng ước: 1 điều về việc dâng lễ vật tại đình vào các dịp sóc vọng hàng tháng.
39- Tọa thứ ước lệ: 1 điều quy định việc ngôi thứ đình trung (phần này văn bản bị rách nát nên không đọc được tường tận nguyên văn).
40- Hậu kỳ ước: 2 điều về việc đặt hậu thần, hậu Phật.
41- Biếu đãi ước: 5 điều về việc chia phần biếu theo ngôi thứ đình trung.
42- Tráng hạ ước: 6 điều về việc làng chúc mừng đối với những người có phẩm hàm, chức tước, các cụ thọ từ 60, 70, 80, 90 trở lên khi chết.
43- Khao vọng ước: 5 điều về việc khao vọng.
44- Điếu lễ ước: 1 điều về việc làng phúng viếng những người có bằng cấp, phẩm hàm, những người thọ 70, 80, 90 trở lên.
45- Hôn thú ước: 2 điều về việc con gái đi lấy chồng phải nộp cheo cho làng.
46- Tang lễ ước: 1 điều về việc mời hội Tư văn đến tế khi có việc vui buồn.
47- Thỉnh tế ước: 2 điều về việc mời hội Tư văn đến tế khi có việc vui buồn.
48- Đình cổ ước: 1 điều quy định việc nổi hiệu trống trong đình.
49- Trạch thông ước: 1 điều về nhiệm vụ thông báo các công việc trong làng của mõ làng.
50- Ký kết ước lệ: 2 điều về việc ký kết, mua bán trong làng.
51- Tróc phạt ước: 25 điều về các hình thức và mức độ xử phạt đối với các trường hợp vi phạm các quy định của làng.
52- Trạch nhân ước: 1 điều về việc cấp ruộng cho mõ làng.
53- Tự sự ước: 12 điều về các nghi lễ, hoạt động ở chùa.
Cuối hương ước có phần phụ lục chép về các sự tích “cổ điển” trong làng (sự hình thành và phân chia các xóm, các giáp, việc xây dựng đình, chùa, văn chỉ, miếu, danh sách các vị hậu thần, hậu Phật của làng).
Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện lưu giữ một bản hương ước khác của làng Giáp Nhất có tiêu đề “Hà Nam tỉnh, Duy Tiên huyện, Bạch Sam tổng, Bạch Sam xã, Giáp Nhât thôn tục lệ”, ký hiệu AF.a 10/15, thừa sao ngày 10 tháng 7 năm Khải Định thứ 3 – 1918 (dưới đây xin gọi tắt là bản hương ước Khải Định hay bản Khải Định). Trang đầu văn bản có dấu của Thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Cuối văn bản có dấu và chữ ký của lý trưởng) của xã Bạch Sam, tổng Bạch Sam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cùng chữ ký của tiên chỉ và 6 vị kỳ mục khác. Đây là bản hương ước gốc của làng do Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp thu thập từ giữa những năm 30 của thế kỷ này. Văn bản gồm 10 tờ (20 trang), viết trên giấy bản, khổ 15x30cm, mỗi trang có 8 dòng, đa số các dòng có bình quân 19 chữ. Chữ viết chân phương, dễ đọc. Sau Lời nói đầu về mục đích của việc soạn thảo, bản hương ước trình bày nội dung cụ thể 18 điều về từng mặt đời sống của làng được cố định thành “lệ” hay “ước lệ”. Dưới đây là sơ bộ nội dung của từng điều:
- Điều 1 - lệ về số lượng các loại lễ vật trong 4 kỳ kỳ phúc hàng năm của làng.
- Điều 2 – (Tiên chỉ ước lệ), điều 3 (Thứ chỉ ước lệ), điều 4 (Kỳ mục ước lệ), điều 5 (Hương dịch ước lệ) quy định về tiêu chuẩn bầu, quyền hạn và nhiệm vụ của tiên, thứ chỉ, hội đồng kỳ mục và các chức viên trong bộ máy hành chính cấp xã.
- Điều 6 (Tuyển binh ước lệ): thể lệ về việc cử người đi lính, nghĩa vụ và quyền lợi của người đi lính.
- Điều 7 (Giáp trưởng ước lệ): quy định về viêc bầu giáp trưởng, nhiệm vụ của giáp trưởng đối với các công việc trong làng, quyền lợi của giáp trưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
- Điều 8 (Thăng lão hạ ước lệ): thể lệ lên lão đối với người đến tuổi 60.
- Điều 9 (Tuần phòng ước lệ): gồm 3 khoản, quy định về việc cử phiên tuần, quyền hạn, nhiệm vụ, quyền lợi của phiên tuần.
- Điều 10 (Kiều lương đạo lộ ước lệ): quy định về việc trồng cây để bảo vệ đê, đường trong làng.
- Điều 11 (Công điền thổ ước lệ): quy định về việc sử dụng 43 mẫu ruộng đất công của làng.
- Điều 12 (Khuyến nông lộ ước lệ): các quy định về việc tu bổ, bảo vệ các con đường khuyến nông trong đồng.
- Điều 13 (Điền hạ ước lệ): quy định về việc khai báo chủ ruộng khi thay đổi sở hữu.
- Điều 14 (Đinh điền tương phí ước lệ): quy định các chủ ruộng phải nộp tiền để làng cấp cho những người đi lính.
- Điều 15 (Điếu lễ khánh lệ): quy định về việc làng phải phúng viếng đối với những người có khoa mục, phẩm hàm, các tiên chỉ, những người 70, 80 và 100 tuổi trở lên khi họ mất.
- Điều 16 (Hôn thú ước lệ): quy định về việc con gái trong làng đi lấy chồng phải nộp cheo cho làng (cheo nội và cheo ngoại).
- Điều 17 (Tang lễ ước lệ): quy định về việc đặt mồ mả trong đồng làng.
- Điều 18 (Khao vọng ước lệ): quy định những người có bằng sắc của nhà nước phải làm lễ khao làng mới được ngồi ở vị trí ngôi thứ theo lệ làng.
- Điều 19 (Tọa thứ ước lệ): quy định về hệ thống ngôi thứ ở đình cho các hạng dân trong làng.
Đối chiếu hai bản hương ước cho thấy, bản Thành Thái có nội dung tổng hợp hơn, còn bản Khải Định chỉ nêu lại (không trọn vẹn) một số điều khoản của bản Thành Thái theo một lệnh chỉ nào đó của các quan trên. Điều này thể hiện ở lời mở đầu của văn bản: “Ngày mồng 2 tháng 8 năm Khải Định thứ 3 (1918), các bậc tiên thứ chỉ, kỳ mục cùng toàn thôn Giáp Nhất xã Bạch Sam, tổng Bạch Sam vâng mệnh khai thần săc cùng các điều lệ, phong tục, khoán ước của thôn. Tất cả liệt kê như sau…”. Vì vậy, hai văn bản này có một số điểm chung và riêng, cụ thể:
- 18 vấn đề được đề cập ở cả hai bản hương ước là các quy định về các chức danh trong làng như tiên chỉ, thứ chỉ, kỳ mục, hương dịch, giáp trưởng; về các hoạt động chung của làng như tuần phòng bảo vệ an ninh chia ruộng đất công, trồng cây trên đường khuyến nông, việc bảo vệ đường khuyến nông, việc quản lý sổ sách ruộng đất, việc nộp các khoản tiền theo lượng đinh điền phục vụ cho các hoạt động chung của làng, việc tuyển binh; về các phong tục lên lão, ngôi thứ, khao vọng, hôn thú, tang ma, điếu lễ. Ở bản Thành Thái, việc tuần phòng, bảo vệ an ninh làng xóm còn được trình bày thêm tại vấn đề số 51, gồm những quy định xử phạt của làng, như phạt những người trộm cắp, đánh chửi nhau, rượu chè cờ bạc, gian dâm.
- 35 vấn đề chỉ được phản ánh trong bản Thành Thái mà không có bản Khải Định. Đó cũng là những vấn dề lớn của đời sống làng xã như việc tổ chức thờ thần, một số phong tục khác, việc xử phạt các cá nhân vi phạm quy định của làng..
II. GIÁ TRỊ CỦA BẢN HƯƠNG ƯỚC THÀNH THÁI LÀNG GIÁP NHẤT
1. Về mặt văn bản học
Tuy có niên đại tương đối muộn, nhưng với nội dung tương đối tổng hợp, bao quát gần hết các mặt đời sống của làng qua 260 điều khoản, bản hương ước niên hiệu Thành Thái làng Nhất là một trong những bản có số lượng điều khoản lớn nhất trong số hương ước cổ còn lại ở nươc ta. Các công trình nghiên cứu về hương ước đã chỉ ra những bản hương ước có số lượng điều khoản lớn là hương ước làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) có 115 điều, hương ước làng Dương Liễu (huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) có 88 điều, hương ước làng Tam Sơn (huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh) có hơn 80 điều… Tuy nhiên, các bản hương ước trên phải qua một quá trình sửa đổi, bổ sung lâu dài mới có được số lượng điều khoản như trên (hương ước làng Mộ Trạch sửa đổi 16 lần trong 132 năm, làng Dương Liễu 9 lần trong 134 năm).
Mặt khác, các bản hương ước trên là của các làng lớn, có truyền thống Nho học và khoa bảng, do đội ngũ nho sĩ (cả nho sĩ “bình dân” và nho sĩ “quan liêu”, trong đó, một số lớn là quan lại có trình độ Nho học soạn thảo. Việc Giáp Nhất là một làng nhỏ, không có đội ngũ nho sĩ đông đảo, không có người đỗ đạt nhưng soạn thảo ra bản hương ước có tới 260 điều, lại chỉ được soạn thảo trong một năm (đương nhiên có kế thừa một phần nội dung bản hương ước bị thất lạc) là hiện tượng khá độc đáo trong số các bản hương ước làng Việt ở đồng bằng trung du Bắc Bộ…
2. Về mặt sử học và dân tộc học
Nhìn tổng quát, bản hương ước niên đại Thành Thái của làng Giáp Nhất có nội dung rất phong phú, phản ánh hầu hết các mặt của đời sống làng xã và của văn hoá làng. Đây là nguồn tài liệu quý và đáng tin cậy để nghiên cứu các vấn đề về mặt lịch sử và dân tộc học làng Giáp Nhất trước Cách mạng Tháng Tám. Cùng với các bản hương ước của các làng Giáp Nhì, Giáp Tam, Giáp Tứ, Giáp Ngũ (cùng có ký hiệu AF a 10/15, được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm), bản hương ước làng Giáp Nhất còn là nguồn tài liệu quý để nghiên cứu các làng xã trong vùng, đặc biệt đối với việc nghiên cứu thiết chế giáp, việc chuyển từ các giáp mang tính địa vực thành các làng độc lập.
Đây là một vấn đề sử học và dân tộc học lý thú, cần tiếp tục được nghiên cứu thêm
Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.144-155

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét