Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Yếu tố phong thủy giúp Thành Cát Tư Hãn chinh phục thiên hạ


Ly kỳ yếu tố phong thủy giúp Thành Cát Tư Hãn chinh phục thiên hạ

Phong thủy chính là một trong những yếu tố giúp Nguyên Thái Tổ Thành Cát Tư Hãn chinh phục thiên hạ, tạo nên những kỳ tích từ cổ chí kim chưa ai vượt qua được.

Vào thế kỷ 13, đại lục châu Âu và châu Á từng xuất hiện một đội quân thiết kỵ thảo nguyên mà chỉ vừa nhắc đến tên đã khiến người ta sợ mất mật. Thống lĩnh của đội quân này chính là Hoàng đế khai quốc Nguyên triều – Thiết Mộc Chân.
Thiết Mộc Chân còn được biết tới với cái tên Thành Cát Tư Hãn. Trải qua thời niên thiếu đầy khó khăn, Thành Cát Tư Hãn khi lớn lên đã trở thành một anh hùng chân chính của đại mạc.
Ông kết thúc thời đại cát cứ loạn lạc từ sau khi nhà Đường chấm dứt, chinh phục hơn 750 dân tộc từ Á sang Âu, thành lập một đế quốc khổng lồ sở hữu lãnh thổ trải dài 2 lục địa.
Vậy một gia tộc như thế nào lại có thể hình thành nên một bậc anh hùng khí phách như Thành Cát Tư Hãn? Điều gì đã giúp con người này có thể một tay thống nhất giang sơn, lập nên những thành tự từ cổ chí kim chưa có ai vượt qua được?
Từ mảnh đất Mông Cổ phúc địa...
Dân tộc Mông Cổ có ảnh hưởng mạnh mẽ với Trung Quốc và lịch sử nhân loại. Khi đó, chỉ cần tên gọi này được xướng lên, đã đủ khiến nhiều người sợ xanh mắt. Người thống lĩnh dân tộc này, thu một nửa thế giới về tay mình, không ai khác chính là Thành Cát Tư Hãn.
Thành Cát Tư Hãn – Thiết Mộc Chân sinh ra trong bộ tộc Khất Nhan thuộc Mông Cổ, nằm ở phía tây bắc Trung Quốc, nay thuộc vào khu hồ Bối Gia Nhĩ.
Hồ Bối Gia Nhĩ hiện nằm trên lãnh thổ nước Nga, thời cổ đại thuộc vào phạm vi khống chế của dân tộc phía bắc Trung Quốc. Người Trung Hoa gọi đó là Bắc Hải, cũng là nơi bắt nguồn của điển tích nổi tiếng “Tô Võ mục dương” (ông Tô Võ chăn dê).
Từ thời nhà Hán trải qua Tam Quốc, Tần triều, Ngũ Hồ thập lục quốc, Bắc triều, cho tới Đường triều, Tống triều, hồ Bối Gia Nhĩ trở thành nơi sinh sống của người Tiên Bi, Ô Hoàn, Hồi Hột, Khiết Đan và các dân tộc thiểu số khác.
Có lúc nơi đây thuộc vào phạm vi khống chế của Trung Nguyên, có khi lại cùng chính quyền Trung Nguyên song song tồn tại.
Đến khi dân tộc Mông Cổ gặp lúc hưng khởi, hồ Bối Gia Nhĩ trở thành “Long Hưng thủy thành” của Mông Cổ. “Thủy thành” là thành được xây trên hình thế của nước, có tác dụng tạo nên ranh giới nước.

Yếu tố phong thủy của hồ Bối Gia Nhĩ đã giúp dân tộc Mông Cổ có được số mệnh phi phàm.
Yếu tố phong thủy của hồ Bối Gia Nhĩ đã giúp dân tộc Mông Cổ có được số mệnh phi phàm.
Theo quan niệm của phong thủy: Khí nhân gặp gió ắt tiêu tán, gặp nước ngăn lại sẽ dừng. Cổ nhân tụ tập lại và không cho tản mát, cho đi rồi bắt có dừng, nên mới gọi là phong thủy.
Vậy nước có giới hạn sẽ khiến long khí không tiêu tan, mà còn giúp long khí tụ vào một nơi, đó chính là “phong thủy bảo địa” (mảnh đất có phong thủy tốt).
Nếu là nơi có nước biển, thì chỗ có thủy triều dâng cao nhất chính là “đại cát”. Nơi có nước của sông Trường Giang hay Hoàng Hà, thì “đại cát” là chỗ có dòng chảy uốn khúc quanh co. Còn với khu vực có suối nước, nơi dòng chảy chậm chính là "đại cát".
Riêng nơi có nước hồ, thì khu vực “đại cát” là chỗ có nước trong, tĩnh lặng như mặt gương. Tuy nhiên những điều trên mới chỉ suy ra từ cái thế của nước. Xét về yếu tố con người, vận cát – hung lại được nhìn nhận theo cách khác.
Bối Gia Nhĩ là một hồ nước rộng. Nhìn từ thế nước mà đánh giá thì nơi đây quả là một mảnh đất “cát địa” hiếm có. Hơn nữa, Bối Gia Nhĩ cho tới ngày nay vẫn là hồ nước sâu nhất.
Sở hữu thủy thành sâu như vậy chính là điềm lành mang lại cho dân tộc Mông Cổ số mệnh phi phàm hiếm có.
Mặt khác, Bối Gia Nhĩ hồ không chỉ là một tòa “thủy thành" rộng lớn, mà còn được ví như “thiên nhiên chi hải” (đại dương tự nhiên). Bản thân tên gọi “Bối Gia Nhĩ” trong tiếng Mông Cổ cũng có nghĩa là “đại dương tự nhiên”.
Nơi đây nước hồ trong suốt, không bị vẩn đục, đứng trên nhìn xuống còn có thể thấy cá bơi ở độ sâu mấy chục mét. Khi ấy, người dân sống bên hồ cũng thường nghĩ rằng chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm tới đáy.
Dân tộc Mông Cổ thường chăn thả bên bờ, vào những dịp đại lễ hay đón dâu thì tổ chức yến tiệc ven hồ, hằng ngày thường xuyên dùng nước hồ để ăn uống, tắm giặt.
Tổ tiên của Thiết Mộc Chân là Hải Đô xưa kia đã từng ở nơi đây dựng nên trung tâm đầu tiên của Mông Cổ. Khi đó, trong mắt người Trung Nguyên, dân tộc này chẳng qua chỉ là “Man tộc” (dân tộc man di) ở mạn bắc, hoàn toàn không coi họ là mối đe dọa.
Nhưng các bậc thầy phong thủy lại cho rằng: “Phúc”, “Họa”, “Hưng”, “Suy” đều có liên quan tới vị trí địa lý. Hồ Bối Gia Nhĩ là là một khối đất có phong thủy tốt hiếm thấy, nhất định sẽ có “chân long xuất thế”.
Trên thảo nguyên Á – Âu khi xưa có nhiều bộ tộc Mông Cổ khác nhau. Mối liên quan đến long mạch đã định trước về một cuộc đấu một mất một còn chắc chắn sẽ xảy ra giữa các bộ tộc này.
Mọi việc diễn ra quả thật đúng như tiên định. Khi Hải Đô (tổ tiên của Thành Cát Tư Hãn) còn nhỏ, bà nội của ông là Na Mạc Luân đã trở thành thủ lĩnh bộ tộc. Trong một lần chinh chiến, Na Mạc Luân không may vong mạng, chỉ có Hải Đô may mắn sống sót.
Sau này lớn lên, việc đầu tiên Hải Đô làm chính là thảo phạt những kẻ năm xưa đã sát hại người thân của mình.
Đến thời đại của Hải Đô, gia tộc của Thành Cát Tư Hãn chính thức bắt đầu công cuộc đánh đông dẹp bắc. Bằng sự dũng mãnh và trí tuệ của mình, Hải Đô đã tiêu diệt hoặc thu phục nhiều bộ lạc khác, sáng lập nên vương triều Mông Cổ đầu tiên bên bờ Bối Đa Nhĩ.
Thời gian trôi qua, hồ Bối Đa Nhĩ không những không hề khô cạn, mà ngược lại ngày càng nhiều nước.
Đây chính là điềm báo may mắn, tiên định rằng thảo nguyên Mông Cổ sẽ hình thành một lực lượng lớn mạnh, hợp nhất tất cả các long mạch thành một thể, hoàn thành sự nghiệp thống trị.
...đến sự bảo vệ của ngọn núi Thánh
Hồ Bối Đa Nhĩ dù có cung cấp cho gia tộc Thiết Mộc Chân vương khí, nhưng cũng không thể bảo hộ họ đến muôn đời. Nhiều năm sau khi thời đại của Hải Đồ qua đi, gia tộc của của ông buộc phải tìm một nơi định cư khác, và họ đã tìm đến Bất Nhi Hãn Sơn.
Một hồ nước linh khí cùng một ngọn núi tráng lệ hợp lại báo trước ngày “chân long xuất thế” đã đến gần.
Ngọn núi Bất Nhi Hãn Sơn không những bảo hộ cho gia tộc Thành Cát Tư Hãn, mà còn nhiều lần giúp người trong tộc thoát khỏi nan nguy để đợi tới ngày xuất hiện vị đế vương thực sự.

Bất Nhi Hãn Sơn từng được Thành Cát Tư Hãn ban cho danh hiệu núi Thánh.
Bất Nhi Hãn Sơn từng được Thành Cát Tư Hãn ban cho danh hiệu "núi Thánh".
Theo cuốn “Mông Cổ bí sử”, khi gia tộc của Thiết Mộc Chân di cư đến vùng núi Bất Nhi Hãn, phát hiện ra ngọn núi này thậm chí còn cao hơn nhiều ngọn núi xung quanh, liền cho rằng đây là ngọn núi cao nhất thế giới và đặt tên là “Hãn Sơn” (Hãn nghĩa là hiếm có).
Ngọn núi ấy cũng chính là núi Đại Khẳng Đắc ở Mông Cổ ngày nay. Đặc biệt xung quanh ngọn núi còn có nhiều sông. Nơi đây ngoài con sông Oát Nan còn có sông Khắc Lỗ Lôn, sông Thổ Lạp, nên được gọi là “Tam hà nguyên đầu” (nơi khởi đầu của ba sông).
Nhờ nguồn nước dồi dào, đồng cỏ tốt tươi, đất đai màu mỡ, núi Bất Nhi Hãn đã cung cấp những điều kiện thuận lợi để bộ tộc Mông Cổ phát triển. Ngọn núi này còn có tên gọi là “Lang Cư Tư Sơn” vì nơi đây là địa bàn cư ngụ của Lang tộc.
Bất Nhi Hãn Sơn có hình dáng uy vũ, khí thế bất phàm, lưng tựa vào dãy núi, phía trước trông ra một khoảng không rộng lớn, hai bên tả, hữu còn có Bạch Hổ, Thanh Long bao quanh, có đủ sông ngòi, rừng rậm.
Cuốn “Sơn kinh” khi nhận định về hướng long mạch đã khẳng định nơi đây là phần giao của hai đuôi rồng là Đoái Long ở phía bắc và Chấn Long ở phía đông Hoa Hạ.
Có sự tác động của hai long mạch này, người được coi là “chân long xuất thế” ắt sẽ làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa.
Đó là chưa kể đây cũng là nơi an táng phụ thân của Thành Cát Tư Hãn. Dựa theo thuyết pháp của phong thủy, nếu tổ tiên an táng tại “long huyệt”, đời sau ắt sẽ sinh ra “thiên tử”.
Như vậy có thể nói việc Thành Cát Tư Hãn thành lập Nguyên triều cùng việc phụ thân an táng tại “long huyệt” có liên hệ chặt chẽ.
“Sơn kinh” còn nói nơi đây mỗi ngọn núi đều là nơi đánh trận, mỗi dãy núi kéo dài tưởng như bất tận, tới cả vùng sa mạc Gobi ở phía bắc (Gobi là sa mạc lớn nhất Mông Cổ). Vì vậy nơi này khí thế tràn đầy, phong tục cởi mở, có tính kiên nghị.
Trên thực tế, Thành Cát Tư Hãn suốt đời chinh chiến vô số, cũng có không ít lần được ngọn núi thiêng này phù hộ tránh khỏi kiếp nạn. Đó chính là lý do vì sao Nguyên Thái Tổ cả đời yêu thích ngọn núi ấy, còn phong cho danh hiệu “Thánh Sơn”.
Mỗi khi có việc hệ trọng, Thành Cát Tư Hãn đều vào đây làm lễ, hỏi ý “Thánh” để giải quyết vấn đề. Ngọn núi Bất Nhi Hãn Sơn có thể coi là “long mạch” của Thành Cát Tư Hãn.
Khi Thiết Mộc Chân – Thành Cát Tư Hãn còn nhỏ, cha ông là Dã Tốc Cai bị người Tháp Tháp Nhi hại chết. Từ đó về sau, gia tộc của ông bước vào thời kỳ suy sụp, thường xuyên bị các bộ tộc khác gây khó dễ.
Khi bộ lạc Thái Diệc Xích Ngột Thích chuẩn bị di cư tới một vùng đất màu mỡ hơn, còn cố ý bỏ lại gia đình của Thiết Mộc Chân.
Mẹ của ông là Hạ Ngạch Luân khi ấy phải đem theo các con lưu lạc, nhờ vào quả dại, rau rừng qua ngày, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Thiết Mộc Chân dù khi ấy còn nhỏ tuổi, nhưng tộc Thái Diệp Xích Ngột Thích đã thấy ông là người có khí thế bất phàm. Vì vậy để tránh khỏi việc bị trả thù về sau, bộ tộc này muốn giết ông để “nhổ cỏ tận gốc”.
Trước tình huống nguy cấp ấy, Thiết Mộc Chân chạy vào khu rừng trong núi Bất Nhi Hãn để lẩn trốn. Mặc dù không thể chạy ra khỏi núi và cuối cùng vẫn bị bắt giữ, nhưng lần lẩn trốn ấy đã giúp ông thông thạo về ngọn núi này.
Điều này vô cùng có ý nghĩa đối với cuộc đời Thiết Mộc Chân. Sau khi bị bắt, ông tìm được cơ hội trốn thoát, tiếp tục cuộc sống lang bạt vất vả đến khi trưởng thành, trở thành một anh hùng đại mạc.
Tộc Thái Diệp Xích Ngột Thích dù không giết được Thiết Mộc Chân, nhưng vẫn coi gia đình ông như kẻ thù. Tộc này đã 3 lần tấn công lều trại của gia đình Thiết Mộc Chân.
May thay, mỗi lần đều có người báo tin và được Bất Nhi Hãn Sơn bao bọc, các thành viên trong gia đình mới bảo toàn được tính mạng.
Từ sau những lần đó, Thiết Mộc Chân có tình cảm đặc biệt với Bất Nhi Hãn Sơn, cho rằng ngọn núi ấy đã cứu cả nhà mình.
Ông tặng cho nơi đây danh hiệu “Thánh sơn” (ngọn núi Thánh), hằng năm đều đến tế lễ và đặt ra quy định con cháu đời sau đều phải tiếp nối tục lệ này.
Như vậy, ngọn núi Bất Nhi Hãn Sơn không chỉ chứng kiến từng buổi thịnh – suy của gia tộc Thành Cát Tư Hãn, mà còn nhiều lần bảo vệ ông thoát khỏi nan nguy, bảo vệ “chân long” đến ngày “xuất thế” làm nên đại cuộc.
 Theo: http://soha.vn/doi-song/ly-ky-yeu-to-phong-thuy-giup-thanh-cat-tu-han-chinh-phuc-thien-ha-20151031145107534.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét