Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

VƯỜN QUỐC GIA BẾN EN

Vườn Quốc gia Bến En cách Thành phố Thanh Hóa 46km về phía Tây Nam, thuộc địa phận xã Hải Vân, huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Đây là một vùng rừng núi, sông hồ rộng khoảng hơn 16.000ha còn mang vẻ hoang dã với hệ động thực vật đa dạng và phong phú. Có nhiều loại động thực vật quý hiếm như: Voi, Gấu, Hổ, Vọoc má trắng, Lim, Lát hoa, Chò chỉ ... có cây Lim xanh đã tồn tại cả ngàn năm tuổi. Bến En còn có cả hơn 3.000ha mặt hồ (Hồ Sông Mực) với 21 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng quyến rũ. Dãy núi đá Hải Vân có nhiều hang động đẹp như hang Ngọc, động suối tiên... lôi cuốn du khách ưa khám phá và mạo hiểm.
I. GIỚI THIỆU VỀ VƯỜN QUỐC GIA BẾN EN
1. Giới thiệu chung
- Tên Vườn Quốc gia: Vườn Quốc gia Bến En
- Quyết định thành lập: Quyết định số 33-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ngày 27/01/1992.
- Toạ độ địa lý: 19 độ 31' đến 19 độ 43' vĩ độ Bắc và 105 độ 25' đến 105 độ 43 kinh độ Đông.
- Quy mô diện tích: 16.634ha; Vùng đệm: 31.172ha với chức năng làm giảm sức ép của cộng đồng lên Vườn Quốc gia.
- Mục tiêu, nhiệm vụ: Bảo tồn hệ sinh thái núi đất nhiệt đới ẩm thường xanh và nửa lá dụng (đặc trưng kiểu rừng Lim - Săng lẻ); Bảo tồn các loài thú quý hiếm (Voi, Khỉ vàng, Sóc bay, Hổ, Báo,...); Phục vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực nghiệm, bảo tồn nguồn gen; Tuyên truyền giáo dục bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Phát triển du lịch sinh thái.
- Cơ quan/cấp quản lý: Trực thuộc Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Thanh Hoá
2. Lịch sử hình thành
Năm 1979, công trình xây dựng đập sông Mực được hoàn thành tạo nên quang cảnh hồ nhân tạo, khu hệ động thực vật xung quanh hồ sau đó được quan tâm bảo vệ. Năm 1986, khu vực này được thiết kế thành lập khu bảo tồn thiên nhiên với tên gọi là Bến En có diện tích 12.000ha (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 1997). Theo Quyết định số 194/CT ngày 09/08/1986 của Thủ tướng Chính phủ, mục đích thành lập khu bảo tồn để bảo vệ "Voi hoang dã, Nai và rừng đầu nguồn sông Mực" (Cao Văn Sung, 1995). Tuy nhiên mãi đến năm 1992, khu vực mới thực sự được quản lý bảo vệ khi Vườn Quốc gia Bến En chính thức thành lập và luận chứng kinh tế kỹ thuật được phề duyệt theo Quyết định số 33/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 27/01/1992 với diện tích 16,634ha và vùng đệm gần 30.000ha. Trước năm 1992, Bến En trực thuộc hai Lâm trường Sông Chanh và Như Xuân (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, 2003).
Hiện nay, diện tích của hai xã Bình Lương và Xuân Thái (1295ha) nằm trong Vườn Quốc gia Bến En đã được chuyển thành vùng đệm chuyển giao cho UBND Tỉnh Thanh Hoá quản lý theo công văn số 99/CP-NN của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/01/2002. Sau khi chuyển giao, diện tích Vườn Quốc gia Bến En còn lại 15.339ha, diện tích vùng đệm tăng lên 31.054ha (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, 2003).
Năm 1995 đã có đề xuất mở rộng phạm vi Vườn Quốc gia tới khu vực giáp gianh với Tỉnh Nghệ An, khi đó Diện tích của Vườn Quốc gia sẽ tăng lên 38.153ha (Anon, 1995). Bản đề xuất đã được UBND Tỉnh Thanh Hoá trình Bộ Lâm nghiệp cũ phê duyệt ngày 19/06/1995 (Ha Dinh Duc et al. 2000). Ngoài ra còn có một số đề xuất đã được đề cập trong "Kế hoạch hành động Đa dạng sinh học Việt Nam" mở rộng Vườn Quốc gia Bến En lên 50.000ha (Chính phủ, 1994). Hiện tại chưa có bất kỳ đề xuất nào nêu trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Bến En có trong danh lục các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 được xây dựng bởi Cục kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Kiểm lâm, 2003) với diện tích 16.634ha (Cục Kiểm lâm, 2003), danh lục này hiện vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. Diện tích của Vườn Quốc gia trong danh lục này không phản ánh sự thay đổi ranh giới trong thời gian gần đây.
3. Địa hình và thuỷ văn
Vườn Quốc gia Bến En nằm trên địa bàn hai huyện Như Thanh và Như Xuân, Tỉnh Thanh Hoá. Vườn Quốc Gia Bến En thuộc vùng đồi thấp xung quanh hồ nước nhân tạo. Độ cao dao động từ 20 đến 497m, hầu hết địa hình dưới 200m. Hồ ở độ cao 50m so với mặt nước biển, có diện tích 2.281ha. Địa chất khu vực đặc trưng bởi đá trầm tích, đặc biết là đá than bùn. Có một diện tích nhỏ núi đá vôi, vùng có diện tích lớn núi đá vôi thuộc vùng đệm phía Đông Bắc ranh giới vườn. Trong vùng lõi của vườn có hệ thuỷ lớn là Sông Mực, trong phương án mở rộng vườn sẽ có thêm hệ thuỷ Sông Chàng (Tordoff et al. 2000).
4. Đa dạng sinh học
Vườn Quốc gia Bến En có mức độ đa dạng sinh học vào loại trung bình. Vườn quốc gia hiện đang bảo vệ một phần hệ sinh thái vùng rừng thường xanh núi thấp ở Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên hệ sinh thái rừng này đã bị tác động mạnh trước đây do khai thác, nên rừng hiện tại là rừng thứ sinh, cây gỗ đường kính nhỏ và phần lớn là tre nứa. Tuy nhiên từ khi ngừng khai thác, chất lượng rừng đã đang được phục hồi (Tordoff et al. 2000).
Mặc dù các hệ sinh thái rừng đã và đang bị tác động mạnh nhưng khu hệ động thực vật Vườn Quốc gia Bến En vẫn khá đa dạng và phong phú. Tại Bến En ghi nhận số lượng đáng kể các loài thực vật đang bị đe dọa trên toàn cầu, đáng chú ý nhất trong số này là loài Lim xanh Erythrophleum fordii, đây là loài đã từng là đối tượng khai thác chính của các lâm trường trước năm 1992, hiện nay Lim xanh vẫn đang đối tượng khai thác với qui mô nhỏ bởi các lâm trường cũng như đang bị các đối tượng lâm tặc khai thác trộm.
Bên cạnh đó, một số loài động vật có giá trị bảo tồn ở mức độ toàn cầu cũng đã được ghi nhận tại Vườn Quốc gia như Vượn má trắng Hylobates leucogenys, Lửng chóc Chrotogale owstoni, Báo lửa Catopuma temminckii (Tordoff et al. 2000). Tuy nhiên, số lượng cá thể của hầu hết các quần thể thú lớn tại Bến En là rất thấp, đây là hậu quả của tình trạng săn bắn quá mức, một số loài đã bị khai thác cạn kiệt (Tordoff et al. 2000).
Trước đây, Voi Châu Á Elephas maximus được ghi nhận thường xuyên tại Vườn Quốc gia, gần đây mặc dù đã có một số báo cáo đề cập đến loài này tại khu vực (Tordoff et al. 1997, Ha Dinh Duc ed. 2000) nhưng thực tế vẫn chưa có bất kỳ ghi nhận chính thức về sự hiện diện của loài này trong Vườn Quốc gia từ năm 1993 (Tordoff et al. 1997). Năm 2000, A. W. Tordoff đã có kết luận loài này có thể không còn tồn tại trong khu vực vùng lõi của Vườn Quốc gia và chỉ có khả năng còn một quần thể rất nhỏ phân bố giới hạn trong khu vực vùng đệm ở phía tây của vùng lõi.
5. Các vấn đề bảo tồn
Khai thác gỗ ở khu vực vườn kéo dài cho đến năm 1992, không có nơi nào rừng chưa bị tác động. Hơn 3.600 người hiện đang sinh sống bên trong Vườn Quốc gia và gần 30.000 người sống tại vùng đệm (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, 2003) tiếp tục là mối đe dọa ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên Vườn Quốc gia. Sự khai thác trái phép tài nguyên rừng của người dân ở đây và ở những nơi khác tới Vườn đang làm chậm quá trình tái sinh phục hồi rừng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng khai thác gỗ trái phép cũng như các tác động khác của con người vào Vườn Quốc gia đã giảm đáng kể (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, 2003). ( Về mặt báo cáo thì đã giảm đáng kể nhưng về thực tế thì "Về cơ bản đã hoàn thành xong việc phá rừng cũ để trồng cây mới........" )
Sự tồn tại lâu dài của các loài thú lớn và trung bình ở vườn đang bị đe dọa do diện tích vùng lõi có thể quá nhỏ đối với quần thể của các loài này. Bởi vậy việc đề xuất mở rộng vườn tới ranh giới Tỉnh Nghệ An được chấp nhận là hết sức quan trọng. Rất tiếc là dân cư đã di chuyển tới vùng đề xuất mở rộng, phá rừng làm nương rẫy và trồng mía. Nếu hiện tượng phá rừng không được kiểm soát ngay, sẽ dẫn đến sự cô lập giữa rừng ở vùng lõi với các vùng xung quanh và giảm tầm quan trọng về bảo tồn của vườn quốc gia (Tordoff et al. 2000).
Ban Quản lý vườn dự định di chuyển 4.000 người ra ngoài vùng lõi của vườn. Cho đến nay kế hoạch này vẫn không thực hiện được do không có kinh phí và người dân không ủng hộ. Vì họ hiểu rằng kế hoạch di chuyển tới vùng đệm được thực hiện, trong tương lai sự khai thác sử dụng tài nguyên rừng của họ sẽ bị hạn chế và ít có cơ may quay trở lại (Tordoff et al. 2000). Tordoff et al (2000) kiến nghị rằng cần phải có nghiên cứu kỹ trước khi đi đến quyết định di chuyển các cộng đồng trong vùng lõi của vườn. Nếu có thể phải tổ chức di chuyển càng sớm càng tốt. Nếu để họ ở lại phải khuyến khích họ tham gia vào chương trình lâm nghiệp xã hội và các kế hoạch khác nhằm nâng cao thu nhập và giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng.
6. Các giá trị khác
Vườn Quốc gia đang bảo vệ rừng đầu nguồn Sông Mực, hồ Sông Mực là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của toàn bộ các xã vùng hạ lưu. Sau khi xây dựng đập và hình thành hồ, đơn vị thuỷ sản hình thành để quản lý hồ và thuỷ sản. Trong các năm từ 1983 đến 1987, sản lượng cá đánh bắt tăng lên từ 14 đến 30 tấn nhưng năm 1989 giảm xuống còn 7 tấn. Năm 1993, đơn vị thuỷ sản ngừng hoạt động. Người dân địa phương tiếp tục đánh cá ở trên hồ và các hệ thuỷ liên quan đến hồ, mặc dù các hoạt động này đã vi phạm tới các quy chế quản lý của Vườn Quốc gia (Tordoff et al. 2000). Trong những năm gần đây, với việc tăng cường thể chế trong công tác quản lý, bảo vệ của Vườn Quốc gia, sản lượng cá trong hồ đã tăng đáng kể (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, 2003).
Hầu hết các hộ gia đình trong vùng lõi và vùng đệm của vườn đã khai thác các sản phẩm của rừng ở các mức độ khác nhau. Nhiều sản phẩm của rừng, như tre nứa, song mây ở khu vực khá phong phú điều đó thể hiện rừng tự nhiên đã bị thay thế. Tuy nhiên, sự khai thác quá mức một số tài nguyên trong những năm trước đây, như gỗ, các loài thú lớn đó là nguyên nhân chính làm chúng trở nên hiếm trong khu vực (Tordoff et al. 2000).
Vườn Quốc Gia Bến En có tiềm năng du lịch cao, dịch vụ này đã đang hấp dẫn nhiều du khách trong nước. Vườn có phong cảnh đẹp, đường đi lại thuận tiện. Vườn có nhà khách và khách du lịch có thể du ngoạn bằng thuyền trên hồ. Dịch vụ du lịch có tiềm năng mang lại diện mạo mới cho vườn và thu nhập cho công tác quản lý (Tordoff et al. 2000). Nguồn: Facebook TH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét