Trang

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Tổng hợp kinh nghiệm dự báo thời tiết trong dân gian

Kỹ năng dự báo thời tiết
Tự dự báo thời tiết là kỹ năng dự đoán mưa nắng, gió bão có thể xảy ra hay không mà những người khi hoạt động ngoài trời cần phải luyện tập, mặc dù không hoàn toàn chính xác 100% nhưng là kinh nghiệm được đúc kết kế thừa từ xưa đến nay thông qua các hiện tượng mà chúng ta quan sát, lắng nghe được.
 A. THÔNG QUA MUÔNG THÚ
Tạo hóa đã ban cho loài vật một phản xạ dự báo thời tiết hay hơn loài người gấp nhiều lần. Mặc dù chúng không biết nói, nhưng những giác quan của chúng cực kỳ nhạy bén. Nếu chúng ta biết chú ý hành động của những con vật xung quanh mình, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được rất nhiều bài học rất hay về dự báo thời tiết. Những bài học từ thiên nhiên bao giờ cũng rất bổ ích.
Sau đây là những câu chuyện có thật được sách vở ghi chép lại:
1953: Tại Hy Lạp, từng đàn chim hạc bay lượn nử giờ trước khi xảy ra động đất làm sụp đổ 20.000 nóc nhà, 167 người bị thương và mất tích.
1923: tại Tokyo trước khi có động đất, từng bầy chó nghểnh mõm lên trời tru vang dậy.
1962: Tại thung lũng Chevrence (Pháp) kiến đào hang sâu xuống đất tới 60cm. Qủa nhiên năm đó ở châu Âu lạnh ghê gớm.
1963: Tại Nam Mỹ ở trường đua các con ngựa hí vang và không chịu chạy, liền sau đó một trận động đất dữ dội làm sụp đổ toàn thể khán đài.
Tháng 3/1964: tại vườn bách thú ở Tacomce thuộc tiểu bang Washington (Hoa Kỳ), tự nhiên các thú vật đều đồng thanh kêu inh ỏi, không ai ngờ rằng chúng đã tiên đoán trước một trận động đất dữ dội sẽ xảy ra ở Alaska. Cách chúng đến 2.500km.
Đêm 9/10/1963: ở Ý cả bầy thỏ vội vã chạy ra khỏi thung lũng của đập nước, băng qua đầu một chiếc ôtô. Cách đó không xa, con chim Kim Tước của gia đình nọ bỗng dưng vùng lên kêu thét trong lồng, nó hấp tấp tìm cách ra khỏi lồng bằng mọi giá, bất chấp cái đầu bị kẹt cứng giữa 2 chấn song. Gia đình chủ của con chim này vội vã chạy ra khỏi nhà thoát khỏi thung lũng. Họ đã kịp thoát chết trong gang tấc. Sáu giờ đồng hồ sau liền có một cột nước khổng lồ cả triệu tấn đổ ập bao trùm lên một đập nước và làm cho 2.500 người chết
* TRỜI TỐT (trời nắng)
- Khi trời đang mưa tầm tã, gà bỗng cất tiếng gáy là chắc chắn Mặt Trời sẽ rạng rỡ trở lại.
- Bướm xuất hiện nhởn nhơ trên cây cỏ là thời tiết không thể nào xấu được.
- Qụa bay vào buổi sáng xấu trời thì chắc chắn ngày đó sẽ nắng đẹp.
- Dơi bay lượn lúc hoàng hôn: trời khô ráo.
- Thằn lằn bò được trên vách bình thường: trời tốt.
- Nhện kéo tơ chăng lưới: trời tốt. Nếu trời sắp lặn mà nhện vẫn còn làm việc chăm chỉ: đêm đó trời quang mây tạnh.
* THỜI TIẾT KHÁC:
- Chim chóc thường im tiếng hót nửa giờ trước khi có hiện tượng nhật thực.
- Hạc bay lượn thành vòng cả bầy trên trời là điềm báo nguy sắp có động đất.
- Chó tru giữ dội là sắp có thiên tai.
- Ngựa hí vang và không chịu chạy: sắp có động đất.
- Cá heo tự nhiên từ ngoài khơi lội nhanh vào bờ là sắp có gió bão.
* TRỜI MƯA:
- Én bay thấp.
- Chim gõ kiến kêu.
- Kiến chuyển thức ăn lên chỗ cao.
- Chuồn chuồn bay vào tháng bảy: trời sắp có bão.
- Ếch nhái đồng loạt ra khỏi hang: sắp có mưa bão.
- Ong di tản chỗ ở trước khi có mưa bão có khi cả hơn 2 tuần.
- Mèo lấy chân gãi sau lỗ tai: sắp có mưa.
- Sứa biển xuất hiện nhiều: sắp có mưa to.
- Nhện rút ngắn mấy sợi tơ xung quanh lưới cho vững vàng, bền chặt. Sau đó nằm yên trong lưới: Trời sắp có mưa bão to.
- Cóc nghiến răng.
- Mối bay ra khỏi tổ.
- Con cà niễng hay con nhện nước ẩn mình dưới cỏ, bèo: trời sắp mưa.
- Tiếng đàn qụa sẽ tụ họp rồi vụt bay tán loạn là báo hiệu sắp có mưa to, bão lụt.
- Nhà nông vẫn dùng phương pháp bỏ con đỉa vào chai, nếu thấy chúng bò dần lên miệng chai thì trời sắp mưa (nếu trời tốt nó sẽ nắm lì ở đáy chai).
B. THÔNG QUA CA DAO, TỤC NGỮ VIỆT NAM
1. CÁC LOÀI VẬT
Con Kiến
- Kiến dọn tổ thời mưa.
- Kiến đen tha trứng lên cao
Thế nào cũng có mưa rào rất to.
- Tháng bảy kiến bò chỉ lo lại lụt.
- Tháng bảy kiến đàn, đại hàn hồng thủy.
- Kiến cánh vỡ tổ bay ra, bão táp mưa sa gần tới.
Con Chuồn Chuồn
- Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão.
- Chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng bay vừa thì râm.
Con Gà
- Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.
Con Én
- Én bay thấp mưa ngập bờ ao - Én bay cao mưa rào lại tạnh.
Con Chó
- Sầm đông, sáng Bắc, tía Tây,
- Chó đen ăn cỏ, trời này thì mưa.
Con Ếch-Cóc
- Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước.
- Cóc nghiến răng, đang nắng thì mưa.
Con Sếu
- Gió bấc hiu hiu, sếu kêu thì rét.
Con Quạ-Con Sáo
- Qụa tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa.
2. BẰNG MẶT TRỜI - MẶT TRĂNG
- Mặt trời có quầng thì hạn - Mặt trăng có tán thì mưa.
- Trăng quầng thì hạn, Trăng tán thì mưa.
3. BẰNG SAO
- Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.
- đêm trời tang (trời u ám), trăng sao không tỏ ấy là điềm mưa gió tới nơi.
- đêm nào sao sáng xanh trời, ấy là nắng ráo yên vui suốt ngày.
4. GIÓ
- Mùa nực gió đông thì đồng đầy nước.
- Tháng sáu heo may, chẳng mưa thì bão.
- Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy
Cơn đằng Tây vừa cày vừa ăn.
Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi.
Cơn đằng Bắc đổ thóc ra phơi (hoặc cơn đằng Bắc lắc rắc vài hột).
5. CHỚP
- Chớp thừng chớp chão, chẳng bão thì mưa.
- Chớp đằng đông, mua dây mà tát.
6. BẰNG MÂY
- Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang,
Mây kéo lên ngàn thì mưa như trút.
- Vàng mây thời gío, đỏ mây thời mưa.
- Mây xanh thì nắng, mấy trắng thì mưa.
- Thâm đông, hồng Tây, dựng mây; Ai ơi! Ở lại ba ngày hãy đi.
7. MỐNG (cầu vồng)
- Mống cao gió táp, mống áp mưa rào.
- Mống cao gió táp, mống rạp mưa dầm.
- Mống đông vồng tây, Chẳng mưa dây cũng bão giật.
- Mống vàng thì nắng, mống trắng thì mưa.
- Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa.
- Vồng chiều mưa sáng, ráng chiều mưa hôm.
- Vồng rạp mưa rào, vồng cao gió táp.
8. CÂY CỎ
- Trời đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa.
- Rễ si đâm ra trắng xóa, Mưa to gió lớn hẳn là tới nơi.
C. Bầu trời & mây
- Những người có kinh nghiệm, nhất là những ngư dân lão luyện, người ta chỉ cần nhìn Mây và Ráng trời là cũng có thể biết được phần nào về thời tiết sắp xảy ra.
- Người ta cho rằng: nếu sáng sớm hay hoàng hôn, mà bầu trời có những màu như: đỏ bầm, tím, vàng là trời sắp mưa. Còn nếu như bầu trời có màu vàng vào buổi chiều, màu đỏ vào buổi sáng là trời sẽ có gió. Nhưng nếu trời có màu đỏ cam vào buổi chiều, trắng xám vào buổi sáng là dấu hiệu trời tốt.
- Nhưng trong những điềm báo về thời tiết, dễ nhận ra hơn cả là Mây. Ngay cả những người ít kinh nghiệm, nhìn mây họ cũng đoán đuoc phần nào về những diễn biến của thời tiết sắp tới. Tuy nhiên, chỉ có những người thật lão luyện, va chạm nhiều với thiên nhiên, có đầy đủ kinh nghiệm mới có thể đoán chính xác những gì sắp xảy ra. Chúng ta nên tìm tòi, học hỏi ở những người đó. Những dạng mây sau đây sẽ giúp các bạn phần nào trong việc tiên đoán thời tiết.
1. Các loại mây
- Mây quyển cao (Cirrus or “Feather”) Loại mây này dạng như lông chim, ở độ cao 8-10 km, cao nhất trong các loại mây - thời tiết tốt.
- Mây quyển tích (Cirro stratus or “Tangled Web”) Là một loại mây mỏng ở độ cao khoảng 7-8 km, dạng như sợi tơ, tạo thành hào quang chung quanh Mặt trời; Thời tiết tốt.
- Mây quyển tầng (Cirro cumulus or “Mackerel”) Nhìn giống như những lớp bông gòn chồng lên nhau. Hình thành ở độ cao 6-7 km: Thời tiết tốt.
- Mây dải cao (Alto cumulus or “Sheep”) Từng cụm trắng, rời rạc, trông giống như bầy cừu sắp thành nhiều hàng, ở độ cao khoảng 5-6 km: Thời tiết tốt.
- Mây tích giải (Strato cumulus “Twist”) Ở độ cao khoảng 2-3 km. Trông như từng khối vặn xoắn lại với nhau, màu tối nhưng vẫn không che hết bầu trời: Trời xấu.
- Mây dù (Nimbus. “Umbrella”. “Over all”) Hình thành từng khối dày và tối, trôi lềnh bềnh ở độ cao rất thấp, loại mây này mang theo mưa.
- Mây tích trắng (Cumulus “Wool Pack”) Như những túm lông cừu màu trắng, có khi được viền sáng chung quanh bởi Mặt trời, những phần khác có thể tối, thường có đáy nằm ngang, độ cao 2-3km: Trời khá tốt.
- Mây tích vũ (Cumulo - Nimbus - “Thunder” or “Shower”) Hình thành ở độ rất thấp, đỉnh màu trắng sáng, ở đáy có dạng hình mảng nhỏ trôi lềnh bềnh. Loại mây này thường kèm theo sấm sét, báo hiệu cơn mưa lớn.
- Altostratus Mây mỏng như một bức màn lụa. Ở độ cao 4-5 km. Khi có mặt trời hay mặt trăng nằm phía trên, thì mây rạng rỡ lên một vùng.
- Stratus “Spread out sheet” Như một tấm drap trắng che kín khó nhìn thấy chân trời. Khi bị tách ra từng mảng thì gọi là “Faractor Stratus”.
D. Gió - Sương - Sấm sét
1. GIÓ
- Gió là sự chuyển động của không khí, lúc nhẹ lúc mạnh. Khi mặt đất ấm, lớp không khí trên đó cũng nóng dần và bốc lên cao. Không khí lạnh từ nơi khác bay vào thế chỗ. Sự chuyển động này của không khí sinh ra gió.
Thang đo tốc độ gió
- để đo các cấp độ gió, người ta dùng thang Beaufort (là một sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh chế tạo năm 1806) gồm 12 cấp:
- Gió Hiện tượng Tốc độ km/h
Cấp 0 Gió lặng, khói lên thẳng từ 0-1
Cấp 1 Gió rất nhẹ, khói hơi lay động Từ 1-5
Cấp 2 Gió nhẹ, lá cây hơi rung Từ 6-11
Cấp 3 Gió êm, cành cây rung, cờ bay Từ 12-19
Cấp 4 Gió vừa, bụi và giấy bị thổi Từ 20-29
Cấp 5 Gió mát, mặt nước gợn sóng Từ 30-39
Cấp 6 Gió mạnh, mặt nước nổi sóng, cành cây lớn lung lay Từ 40-50
Cấp 7 Gió cơn, cây to rung chuyển, khó đi ngược gió Từ 51-61
Cấp 8 Gió trận, cành nhỏ bị gãy, không đi ngược gió được Từ 62-74
Cấp 9 Gió trận rất lớn, mái ngói bị lật, không đi ngược gió được Từ 75-87
Cấp 10 Bão, cây to và nhà cửa bị đổ Từ 88-101
Cấp 11 Cuồng phong, nhà cửa và cây bị đổ nhiều, rất nguy hiểm cho tàu bè ở biển Từ 102-117
Cấp 12 Bão mạnh, lốc xoáy, sức tàn phá rất khủng khiếp Từ 118 trở đi
2. SƯƠNG
- Vào những đêm trời trong, không mây, bầu khí quyển mất đi một phần hơi ấm, không khí trên mặt đất mát lạnh, những hạt nước nhỏ được tạo thành, chúng ta gọi đó là Sương. Nếu nhiệt độ dưới 0oC, các hạt sương này sẽ biến thành sương giá.
3. SƯƠNG MÙ
- Sương mù cũng chính là một dạng của mây, nhưng thay vì bay lên cao, thì nó lại trôi bồng bềnh trên mặt đất do không khí ẩm và mát. Nếu gặp sương mù dày đặc, chúng ta khó mà nhìn xa hơn 3 mét.
- Ở nước ta, sương mù có nhiều ở miền Bắc và miền Trung, ít thấy ở miền Nam.
4. CHỚP VÀ SẤM SÉT
- Chớp là một tia lửa điện khổng lồ do hai đám mây mang tích điện khác điện cực bay gần nhau, chớp còn là do một đám mây mang tích điện tiếp xúc với mặt đất. Tiếng nổ lớn mà chúng ta nghe được là do tia lửa điện này gây nên khi không khí giãn nở chung quanh nó.
- Sét là một loại điện cao áp, thường đánh vào những vật thể cao trên mặt đất, rồi theo đường dẫn có điện trở nhỏ nhất truyền xuống mặt đất. Nếu người và vật đụng vào hay đứng gần vật thể bị sét đánh thì cũng có thể bị sét đánh.
* Phòng chống sét
- Hàng năm, vào mùa mưa, sấm sét đã gây rất nhiều tổn thất cho người và các sinh vật khác. Chúng ta không những phải biết cách phòng chống sét, mà còn phải phổ biến cho những người chung quanh chúng ta biết, để có thể giảm thiểu phần nào thiệt hại do thiên nhiên gây ra.
- Khi có một cơn giông ập đến, mang theo sấm sét, nếu:
* đang ở trong nhà:
- đóng mọi cửa nẻo để tránh gió lùa. Hơi ẩm có thể mang theo sét vào nhà.
- Không chạy đi chạy lại nhiều khi đang mưa giông. Nên ngồi bỏ chân trên giường. Trường hợp cần đi lại, nên mang dép guốc khô.
- Không ngồi gần bể chứa nước. Không đến gần dây ăng ten hay dây của cột thu lôi.
- Rời xa lan can bằng kim loại, dây phơi quần áo, dây treo màn hay các vật thể khác bằng kim loại.
* đang ở ngoài trời:
- Không trú mưa dưới các tàn cây cao, nhất là những cây cao đơn độc ở những vùng trống trải.
- Tránh xa các cột điện, các hàng rào dây kẽm, lưới kẽm hay các vật có thể tích điện khi sét đánh.
- Không ngồi những nơi có mặt nước rộng như: biển, hồ, ao... Nếu đang bơi hay ở trên thuyền nhỏ, phải lên bờ ngay. Nếu ở trên tàu lớn thì lập tức rời boong tàu vào trong khoang.
- Không mang vác cuốc xẻng, cần câu, dù, gậy sắt hay các vật kim loại.
- Không đi xe đạp hay xe gắn máy dưới cơn mưa giông.
- Nếu đi xe hơi có mui, hãy ở trong xe (xe hơi có mui, tàu bè lớn, hang động sâu... là nơi an toàn để tránh sét). Nếu xe không mui, hãy dừng lại kiếm chỗ trú ẩn.
- Không thả diều hay sửa dây điện khi giông bão.
- Không dừng chân đứng lâu nơi trống trải.

Trong cơn giông, nếu cảm thấy có điều bất thường như trong người nhưng nhức, tóc giật giật, lông tay lông gáy dựng lên... đó là các bạn đang ở trong khu vực sắp bị sét đánh. Phải phản ứng thật nhanh, rời khỏi nơi đang đứng bằng cách nhảy cò cò hay nhảy chụm hai chân như chim sẻ (tuyệt đối không nên chạy, vì nếu bước dài hai chân, điện áp sẽ lớn và tạo ra dòng điện đi từ chân này qua người sang chân kia, người sẽ bị điện giật chết. Cũng không nên nằm dài ra đất). Nếu không thể rời xa nơi đó được thì lậy tức ngồi ngay xuống, thu mình nhỏ lại (hoặc đứng chụm hai chân hay co một chân lên). Nếu có vật cách điện như ván, nhựa... thì nên ngồi lên đó, cúi đầu thấp xuống, hai tay che đầu.
* đối với các trang thiết bị trong gia đình
- Những thiết bị điện, điện tử trong gia đình (nhất là Radio, TV, máy vi tính...) rất dễ bị nhiễm điện khi tia chớp lóe sáng kèm theo tiếng nổ dữ dội. Dòng điện này có thể đi qua và gây thiệt hại cho các dàn máy điện tử, đôi khi còn gây thương tổn cho cả con người. Vì vậy khi có cơn giông, chúng ta nên:
- Tắt TV, máy vi tính, radio, cassette, các dàn máy hát... tháo các phít cắm điện, đầu dây ăng ten.
D. LỐC XOÁY
- Lốc xoáy (trốt, vòi rồng) được hình thành do sự gặp gỡ của các khối không khí đối kháng nhau. điều đó thường xảy ra trên các vùng bình nguyên rộng lớn (vùng Bắc Mỹ thường gặp lốc xoáy nhất).
- Lốc xoáy là một hiện tượng phức tạp, không thể dự đoán trước được. Phần lớn chỉ xuất hiện trong vài phút và di chuyển vài trăm mét. Nhưng cũng có những cơn lốc xoáy kéo dài hàng giờ và di chuyển hàng trăm cây số, gây ra sự thiệt hại không thua gì một trận ném bom.
- Người ta chỉ có thể lượng định theo dấu vết để lại của cơn lốc mà phân loại cường độ của nó theo thang Fujita dưới đây. Tuy nhiên, thang đo này không thể mô tả tính chất vật lý của cơn lốc xoáy, vì chúng rất đa dạng cả về cường độ lẫn đường kính cũng như thời gian xuất hiện.
- Lốc ( Hiện tượng và Cường độ )
F0 Cành cây gãy. Biển báo giao thông cong 60-110 km/g
F1 Mái ngói bị tốc, xe bị đẩy ngang hay lật 110-170 km/g
F2 Cây ngã, xe nhỏ bị đưa đi, nhà gỗ bị đổ 170-240 km/g
F3 Tường đổ, tàu hỏa lật, đồ vật nhẹ bốc lên 240-320 km/g
F4 Vật nặng, xe hơi, thú vật... bị bốc cao 320-410 km/g
F5 Mọi vật trên mặt đất đều bị cuốn đi 410-500 km/g
- Ngày nay, dù đã có những mạng lưới báo động ngày càng tinh xảo, nhưng con người vẫn còn bị bất ngờ do chủ quan hay thiếu thông tin, và khi cơn lốc xoáy ập đến thì đã quá muộn.

E. GIÔNG BÃO
- Giông bão là một tai họa thiên nhiên thường thấy ở các nơi trên thế giới, nhất là các nước nằm ven biển. Hàng năm, bão thường xuất hiện ở miền Trung và miền Bắc nước ta nhiều lần.
- Giông bão lớn tàn phá còn kinh khủng hơn lốc xoáy vì nó xuất hiện trên một diện tích rộng lớn. Ngoài những cơn gió giật với tốc độ cao, nó còn kèm theo mưa to kéo dài, gây ra lũ lụt, trượt đất... mang đến những tổn thất rất lớn về người và của. Vì vậy khi nghe dự báo có giông bão sẽ đi qua khu vực mình đang ở, cần phải chuẩn bị:
- Nếu đang ở đất trại, lập tức cho thu dọn lều, tìm ngay đến một điểm trú ẩn an toàn gần nhất.
- Nếu đang ở nhà thì: neo dằn nhà cửa, mái tôn, mái ngói, gia cố vách, cửa, cửa kính, cột nhà...
- Thu dọn các đồ phơi phóng, các bồn hoa hay những vật để trên lan can, bao lơn.
- đóng các cửa sổ cũng như cửa ra vào, nhất là những cửa ở trên gió (những cửa dưới gió có thể mở hé để cân bằng áp lực trong nhà).
- Khi giông bão kéo đến, nếu cần, có thể tạm ngắt điện để tránh những sự cố bất ngờ.
- Chuẩn bị sẵn đèn cầy, đèn bão, quẹt ga, đèn pin... đề phòng mất điện.
- Kiểm tra đường cống thoát nước, khai thông mương rãnh. Chuẩn bị các vật liệu chống nước tràn vào nhà.
- Không nên ra khỏi nhà.

BÀI THƠ CON NƯỚC THUỶ TRIỀU
                                Sưu tầm trong dân chài Sông Mã 1990
Thuỷ triều lên xuống cho hay
Kể trong một tháng hai ngày nước sinh
Tháng Giêng, tháng bảy phân minh
Mùng năm, mười chín Dần sinh-Tỵ hồi
Tháng Tám cho lẫn tháng Đôi
Mùng ba, Mười bảy, Tỵ lai-Ngọ hoàn
Tháng ba, tháng chín cho tường
Mười ba, đôi bảy Dần sang-Mão hồi
Tháng tư cho đến tháng mười
Đôi năm mười một, Tỵ hồi-Ngọ sinh.
Tháng năm, tháng một phân minh
Đôi ba, mùng chín Dần sinh-Mão hoàn
Tháng sáu, tháng chạp mới an
Mùng bảy, đôi một Sửu hoàn-Tý sinh
Theo Lý số Phương đông thì: Xuất phát từ ngày xưa nước ta là nước thuần nông. Công việc trồng trọt, canh tác của người dân bị sự ảnh hưởng lớn từ nguồn nước "Nhất nước, nhì phân tam cần, tứ giống ". Bởi vậy việc nắm bắt được qui luật của "con nước" là rất quan trọng.
Những ai ở miền đồng bằng, nếu để ý sẽ thấy rõ mực nuớc sông, ruộng trong những ngày con nước có sự thay đổi rõ rệt: nước có lên - có xuống hay có lớn - có ròng.
Qua thống kê, tổng hợp rút và ra qui luật ông cha ta đã tìm ra những ngày con nước. Do ảnh hưởng của mặt trăng đến hoạt động trên trái đất. Trong đó có sự lên xuống của mực nuớc ở các sông suối ao hồ.
Qui luật +14 minh chứng cho ảnh hưởng của mặt trăng đến tráí đất. Vì 14 ngày là 1 chu kỳ tròn dần hay mỏng dần của mặt trăng
"Mồng một lưỡi trai
Mồng hai lá lúa
Mồng ba câu liêm....
Mười rằm trăng náu....."
Chúng tôi đã sưu tầm được bảng lịch “Ngày con nước” như sau:
Tháng 1+ 7 : ngày 5 - 19
Tháng 2 + 8 : ngày 3 - 17 - 29.
Tháng 3 + 9 : ngày 13 - 27
Tháng 4 + 10: ngày 11 - 25
Tháng 5 + 11: ngày 9 - 23
Tháng 6 + 12: ngày 7 - 21.
Đây là bảng lịch của ngư dân vùng biển Đồ Sơn áp dụng từ xưa đến nay để đi biển, khai thác sò, cáy trên các bãi bồi. Riêng tháng 2+8 do tính chất tháng thiếu đủ nên có thêm bớt 1 ngày nữa là 29 (cách với ngày trước đó có 12 ngày, nhưng ngày kế tiếp của tháng sau vẫn cách là 14 ngày. Một năm có 26 ngày cố định, ko thay đổi so vơi trường hợp tháng thiếu ngày.
Nhận xét :
1- Lấy 364 ngày của một năm chia cho 14 được 26.
2- Bằng cách diễn giải ở trên cho thấy : cứ 6 tháng sau sẽ lặp lại như vậy : 1 +6 = 7; 2 +6 = 8……
3- Các ngày đó toàn ngày lẻ : Ở cột ngày đầu tháng : 3,5,7,9,11,13 và cột ngày cuối tháng 17, 19, 21, 23, 25, 27 và 29. Không có ngày 1 và 15 là những ngày Sóc Vọng.
Theo như bảng này thì ngày con nước trong một năm có 26 ngày.
Trong qúa trình sưu tầm tìm hiểu chúng tôi còn phát hiện một lịch “Ngày Con nước “ lưu truyền trong dân gian như sau:
Dị bản thứ nhất:
- Tháng giêng + 7: 5 - 19
- Tháng hai + 8: 3 - 17
- Tháng ba + 9 (Tháng Thìn – Tuất): 12 - 27
- Tháng tư + 10:12 - 25
- Tháng năm + 11: 9 - 23
- Tháng sáu + 12: 7 – 21
Dị bản thứ hai:
Bài này nói về giờ nước kém cho dân đi câu biển bày nhau :
" Tháng giêng, tháng bảy phân minh
Mồng năm, mười chín, thìn sinh tị hồi.
Tháng tám cho lẫn tháng đôi (Tháng Hai)
Mồng ba mười bảy tị lai, ngọ hoàn
Tam(3) cửu (9) tòng như nguyệt tiền
Ngày hai mươi chín nước liền thụ thai
Mười ba sinh con thứ hai
Tuất thăng, mão giáng chẳng sai chút nào.
Tháng tư đối với tháng mười.
Sinh con mười một cùng thời hăm lăm.
Tháng một (11) chi khác tháng năm
Đã tường mồng chín, chớ nhằm hăm ba
Tháng sáu, tháng chạp suy ra
Mồng bảy, hăm mốt ấy là nước sinh"
Nhận xét : Bài này cũng có sự khác biệt ở chữ màu xanh .
Xin đưa lên để bạn đọc tham khảo.
--------------------
* Chú thích: Tháng nhuần cách tính không khác so với tháng trước đó . Chỉ có về giờ lệch nhau sớm, muộn vài tiếng
(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét