Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

MIỀN TRUNG VIỆT NAM VÀ VĂN HOÁ CHĂMPA

MIỀN TRUNG VIỆT NAM VÀ VĂN HOÁ CHĂMPA
MIỀN TRUNG VIỆT NAM VÀ VĂN HOÁ CHĂMPA
(MỘT CÁI NHÌN ĐỊA - VĂN HÓA) 
Trần Quốc Vượng 
 I. Lời mở
Từ một hai thế kỷ đầu Công nguyên cho đến các thế kỷ XVII-XVIII, trên dải đất miền Trung Việt Nam hiện tại, chủ yếu là từ Đèo Ngang cho đến Hàm Thuận, nhiều thời bao gồm cả Tây Nguyên, đã nảy sinh, phát sáng rực rỡ rồi tắt dần một nền văn minh độc đáo, ta gọi là văn minh Chămpa mà sợi dây liên kết (theo F. Engels: "sợi dây liên kết văn minh là Nhà nước" (xem Nguồn gốc gia đình tư hữu và Nhà nước, 1882) là các nhà nước mà sử sách Trung Hoa, Đại Việt gọi bằng những tên Lâm ẤpHoàn VươngChiêm Thành, với các miền lãnh thổ - cũng có thể là các "tiểu quốc" xuất hiện trong sử sách Hoa Việt dưới những cái tên Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, châu Ô, châu Lý, Chiêm Động, Cổ Lũy, Thi Bị, Thượng Nguyên, Bôn đà lãng..., hay trong bi ký Phạn - Chàm với những tên Chămpapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga, Virapura, v.v...
Văn minh Chămpa đã tắt, hay đúng hơn, các nhà nước Chămpa đã không còn tồn tại từ vài trăm năm nay, song tộc Chăm và các tộc bà con theo mẫu hệ còn đó: Chăm H'rê, Chăm H'roi, Raglai, Jarai, Rhaday... Văn hóa Chăm vẫn còn đây, sống động ở Ninh Thuận (với làng gốm Bàu Trúc), Bình Thuận hay là các phế tích "thành lồi', "giếng Hời", "cánh đồng chăm" theo cách gọi của người Kinh - Việt ở Bình - Trị - Thiên, Nam - Ngãi - Bình - Phú, Khánh Hòa - Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết..., những "thánh địa" (sanctuaive) Mỹ Sơn, Đồng Dương, Phong Nha, những cụm/nhóm đền - tháp Chămpa trong thung lũng, trên sườn đồi, chân núi, ven biển, trong rừng sâu..., những dòng họ Ông, Ma, Trà, Chế... với những con người da đồng hun, mũi cao, mắt sâu, tóc xoăn, những huyền tích, những lễ hội Katé, nhiều di tích Chăm và ảnh hưởng văn hóa Chăm còn "nhìn" thấy được và có thể tìm hiểu, nghiên cứu được ở Thanh, Nghệ, Tĩnh, ở châu thổ Bắc Bộ, ở ngay nội đô và ven đô Hà Nội... Và ngôn ngữ Chăm vẫn là sinh ngữ (Ngôn ngữ là sản phẩm/thành phần văn hóa). Người ta bảo "chính trị qua đi, văn hóa ở lại" (Les poliques passent, les cultures restent)".
Văn hóa Chămpa đã và vẫn là một bộ phận hợp thành, là những thành tố của phức thể (multiplex) văn hóa việt Nam...
Dưới đây, tôi muốn trình ra một cái nhìn địa - văn hóa về Chămpa dựa trên những kết quả thăm dò điền dã nhiều năm qua từ những làng Việt vốn là khu biệt cư (isolat) Chăm ở châu thổ sông Hồng và đặc biệt ở miền Trung, từ chân đèo Ngang tới Xuân Lộc - Biên Hòa, lưu vực Đồng Nai thượng, hạ...
Tôi rất yêu quý tộc người Chăm - một tộc người có một nền văn hóa đặc sắc trải mấy phong sương... Một anh bạn Chămpa học (không bao giờ nghĩ rằng tôi giỏi như và hơn anh ấy) bảo rằng có lẽ vì tôi nặng tình với Chămpa nên có duyên với các di tích Chămpa. Có lẽ vậy...
II. Bối cảnh và tảng nền địa văn hóa miền Trung
1. Trong bài này, tôi xin phép không nói đến Thanh - Nghệ - Tĩnh cũng thuộc miền Trung, đúng hơn Bắc Trung bộ. Có nhà địa lý học nói rằng trên một ý nghĩa nào đó thì châu thổ sông Mã, sông Lam chỉ là sự "nối dài" của châu thổ Bắc bộ. Tôi không dám nghĩ thế, song về văn hóa - khảo cổ học, từ trước Công nguyên, Thanh - Nghệ - Tĩnh đã là thuộc không gian văn hóa Đông Sơn (chỉ cần kể hai khu di chỉ mộ táng lớn: Đông Sơn (Thanh Hóa), Làng Vạc (Nghệ An). Trước đó nữa, di chỉ Cồn Chân Tiên, xứ Thanh hoàn toàn có chất Gò Bông (Phùng Nguyên) - Đồng Đậu của sơ kỳ Kim khí trung châu sông Nhị và gốm Hoa Lộc (sơ kỳ Kim khí đặc trưng ven biển xứ Thanh) tìm thấy ở nhiều di chỉ xứ Đoài miền Bắc (Gò Mả Đống, Gò Ghệ, Gò Giạ). Trước đó nữa, thì cồn sò hến Đa Bút, cồn Cổ Ngựa và các di chỉ hang động xứ Thanh là thuộc về không gian văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Cả giới địa học và dân tộc - văn hóa học đều xem miền núi Thanh - Nghệ là sự nối dài cùng một dải của sơn hệ Tây Bắc Bắc bộ.
Cố nhiên, Thanh - Nghệ - Tĩnh đã là không gian Việt cổ (Lạc Việt) và cũng như Giao chỉ (Bắc bộ), Cửu Chân, Ái châu (Thanh), Diễn châu, Hoan châu (Nghệ), Đức châu (Tĩnh) từ đầu Công nguyên (Hán) đã nằm chung trong "lồng" Bắc thuộc Giao Châu rồi An Nam đô hộ phủ thời Hán - Đường, và cùng giành quyền tự chủ chung ở thế kỷ X. Thế kỷ X và đầu thế kỷ XI. Ranh giới phía Nam của Đại Cồ Việt - Đại Việt là Đèo Ngang - Hoành Sơn hayNam Giới (vùng cửa Sót, Hà Tĩnh nay, bên bắc đèo Ngang một chút).
Tuy nhiên, cũng cần để ý đến ba chuyện:
+ Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng văn hóa Quỳnh Văn (Nghệ) là cội nguồn của văn hóa Bàu Tró (Quảng Bình) và văn hóa Bàu Tró lại là cội nguồn của văn hóa Sa Huỳnh (Trung Trung bộ): Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có quan hệ hữu cơ về Di truyền văn hóa.
+ Thời gian gần đây đã tìm được trống đồng loại I Heger và đồ đồng Đông Sơn ở nhiều địa điểm Quảng Bình (Phù Lưu), trống Thanh Khê (thố) (Bố Trạch), Quảng Trị (Dak Krông, Hướng Hóa), rìu lưỡi xéo, trống đồng Thừa Thiên (Ô Lai, Phong Điền)... Ngược lại, cũng tìm khuyên tai hai đầu thú kiểu Sa Huỳnh ở Xuân An (nay là thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) dưới chân dải Hồng Lĩnh bên hữu ngạn sông Lam. Gốm Sa Huỳnh ở Cồn Yàng[1] (Hương Trà, Huế) có nhiều mô típ trang trí kiểu Phùng Nguyên - Đông Sơn.
Do vậy:
+ Cái giả thuyết khoa học cho rằng Bình - Trị - Thiên là khu đệm trước công nguyên dăm thế kỷ giữa văn hóa Sa Huỳnh từ Trung Nam Trung bộ tỏa ra và văn hóa Đông Sơn từ Bắc Trung Bộ lan vào, hay đó là vùng giao thoa văn hóa Sa Huỳnh - Đông Sơn vẫn tỏ ra có lý, tuy các di tích cả Sa Huỳnh, cả Đông Sơn, tìm và đào được ở Bình Trị Thiên còn khá mờ, khá ít, thua xa Sa Huỳnh Quảng Nam hay Đông Sơn Thanh Nghệ. Có lẽ còn cần thâm canh khảo cổ sơ kỳ kim khí ở Bình Trị Thiên nhiều hơn nữa mới hiểu được cội nguồn văn hóa Chămpa.
+ Nghệ An có người Bồ Lô (Poulo = Đảo nhân) ở Cửa Lò, cửa Hội, có Bà Lỗ Man ở cửa Cờn Quỳnh Lưu, Diễn Châu mà sử biên niên ghi ở thế kỷ X (thời Lê Hoàn). Từ đầu Công nguyên, Cửu Chân (Thanh Nghệ), Nhật Nam (Quảng Bình - Quảng Nam) luôn luôn theo biên niên sử Trung Hoa - phối kết nổi dậy chống Bắc thuộc, đặc biệt năm Xích Ô 11 (248) Lâm Ấp đánh chiếm đến Hoành Sơn thì ở xứ Thanh có khởi nghĩa Bà Triệu. Lâm Ấp, Chiêm Thành thường đánh phá Cửu Đức, Đức Châu (Tĩnh) và có lúc chiếm Thanh Nghệ một thời gian (đầu IX). Do vậy cần lý giải thêm quan hệ tộc người và văn hóa Việt (Thanh - Nghệ - Tĩnh) - Chăm (Bình Trị Thiên) ở vùng này. Tôi cho rằng có cư dân ngữ hệ Mã Lai - tiền Chăm ở vùng ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh, chủ nhân các văn hóa Hoa Lộc, Bàu Tró.
+ Chưa kể sau này (từ XI-XII trở đi) văn hóa Mường - Việt được lan truyền từ Thanh Nghệ Tĩnh vô Bình Trị Thiên và giao thoa với văn hóa Chămpa vùng Bắc.
+ Hay lại có giả thuyết cội nguồn tiếng nói và tộc người Tiền Việt - Mường hay/và Việt - Mường chung là từ miền Tây Nghệ - Tĩnh - Bình lan tỏa ra miền Bắc của nhiều học giả trong và ngoài nước (P. Ferlus, P. Schneider, G. Diffloth...).
+ Và từ H. Quarich Wales, Olov Janse ở thập kỷ 30 cho đến nay vẫn có giả thuyết là Chămpa đã là một trong những người thừa kế văn hóa Đông Sơn như G. Condominas đã tìm ra di duệ nghệ thuật Đông Sơn ở cột đâm trâu Tây Nguyên. Vậy cứ còn phải nghiên cứu nữa, nghiên cứu mãi... mà vai trò khảo cổ học là có tầm quan trọng quyết định đối với văn hóa Chămpa.
Tiếc rằng Bình Trị Thiên cũng như Tây Nguyên còn là miền yếu của Khảo cổ - Văn hóa học Việt Nam.
2. Kèm theo đây là một sơ đồ - mô hình địa văn hóa Việt Nam, thể hiện cái nhìn của tôi về các vùng địa - văn hóa đa dạng của một Việt Nam thống nhất hôm nay. Nhưng bài này chỉ nói về miền Trung và văn hóa Chămpa.
3. Nói đến miền Trung, ai cũng biết đấy là miền có địa thế hẹp chiều Tây - Đông, dằng dặc chiều Bắc - Nam.
Tây là dải Trường Sơn, người Pháp gọi là Chaine annamitique; GS.TS Trần Kim Thạch chia đoạn Trường Sơn Nam, từ Quảng Nam đến Vũng Tàu, gọi nó là Nam Sơn. Trường Sơn mênh mông rừng rậm, với nhiều tầng cây nhiệt đới. Có một dải đồi ở miền chân núi (piérmont) mà người Nga gọi là miền trước núi (pretgorie = sơn cước). Từng đoạn, từng đoạn dải núi - đồi này lại đâm ngang ra biển Đông, chia cắt miền Trung thành từng vùng - xứ - tỉnh; đi từ Bắc vô Nam Trung bộ là ta cứ lần lượt vượt ra "một dèo, một đèo, lại một đèo": đèo Ba Dội, đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông, đèo Cả... ấy là ta chỉ kể các đèo lớn, chứ thật ra còn nhiều đèo khác, chẳng hạn đèo Hoàng Mai - Khe nước lạnh - Lèn Hai Vai khoảng giữa Thanh Nghệ, đèo Lý Hòa - núi Lễ Đế (hay núi Ma Cô - tên này có ghi trong sử) ở giữa Quảng Bình, đèo Bình Đê ở khoảng giữa Quảng Ngãi và Bình Định...
Dưới chân đèo là các sông lớn nhỏ, đều chảy ngang theo chiều Tây - Đông ra biển, sông ngắn, nước xanh biếc, ít phù sa, châu thổ hẹp, nhiều cửa sông sâu, tạo thành vịnh cảng là nơi đậu thuyền (landing) rất tốt. Vận động tạo sơn còn "ném" ra biển xa các đảo và quần đảo. Chưa kể các quần đảo san hô xa khơi (Hoàng Sa, Trường Sa), chỉ nói các đảo gần bờ như Hòn Mê - Biện Sơn - Nghi Sơn (Thanh), Song Ngư, Hòn Mát (Nghệ Tĩnh), Hòn Cỏ - Hòn La (2 Hòn La), Hòn Nồm (2 Hòn Chùa), Hòn Gió (Quảng Bình), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Phú Yên), Hòn Tre (Khánh Hòa)... tạo ra những "bình phong" ngăn chặn bớt sóng gió biển Đông.
Bờ biển miền Bắc "lõm" vào đất liền thành vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, kỳ quan di sản văn hóa thế giới năm 1994, song lại bị đảo Hải Nam"thút nút" ở bên ngoài. Chất văn hóa biển của Giao Châu - Đại Việt buổi đầu là nhạt. Bắt đầu từ miền Trung, đường bờ biển Việt Nam "ưỡn" cong, "lồi" ra phía biển Đông, hứng gió bão sóng thần thật đấy, song "chất biển" trong văn hóa Chămpa ngày trước, văn hóa các vùng Trung bộ Việt Nam ngày nay rất mặn mòi, như chượp, mắm ruốc, mắm nêm, nước mắm, các loại đặc sản miền Trung. Luồng cá biển cũng chạy gần bờ miền Trung hơn miền Bắc.
Miền Trung lại có mùa mưa lệch pha với hai đầu Bắc Nam đất nước (mùa khô Bắc - Nam là từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 4). Ở miền Trung mùa hè (tháng 4 - tháng 10) khô nóng, lại gặp gió Tây (gió phơn) rất khô nóng thổi từ Lào qua (xưa bà con ta gọi là "gió Lào") nên, nói như một câu ca dân gian Quảng Trị: "Tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn...". Bốn năm liền, từ 1992 đến 1995, cứ vào tháng 7 - tháng 8 tôi vô công tác Quảng Trị, Quảng Bình và hưởng trọn 30/30 ngày nắng gió Tây ngoài cồn cát nóng khô. Càng nóng càng ăn cay, và đấy là một bản sắc văn hóa ăn Chămpa - Trung bộ (Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tìm cách giải thích hiện tượng này).
4. Để dễ hình dung, tôi đã mô hình hóa miền Trung thành hình hộp chữ nhật đứng - cạnh Tây là núi đồi - cạnh Đông là biển, với các đèo - sông, chia nó thành các xứ - vùng hình chữ nhật ngang. Từ đó với phương pháp tiếp cận tổng thể (system analysis), tôi "nhìn" miền Trung như một phức sinh thái (multiplex), với 7 hằng số địa lý sau:
a) NÚI ĐỒI là sự ngăn cách mà cũng là sự nối tiếp: ĐÈO chính là cái gạch nối: Đèo nối Đông Tây:
- Mụ Giạ (Nghệ Tĩnh)
- Cha Lo (Quảng Bình)
- Lao Bảo (Quảng Trị) - nay là cửa khẩu Quốc tế
- Đèo Kiền Quảng Nam, đèo An Khê (Bình Định) qua Gialai và Kontum, Daklak, Dakmil...
Đèo nối Bắc - Nam: Đèo Ngang chẳng hạn, mà nhà thơ PTD nói vui: núi ngang (T-Đ), đèo dọc chứ (B-N), sao gọi Đèo Ngang? Hay ở đó có câu của cổ nhân (Bùi Dương Lịch):
Thạch thành Lâm Ấp trúc
Lục lộ Tử An bình
(Lũy đá Lâm Ấp xây
Đường bộ Tử An đắp)
- Ngô Tử An thời Lê Hoàn được sai làm đường vượt đèo Ngang sang miền Địa lý của Chiêm Thành: "Mùa thu, tháng Tám, Nhâm Thìn (992), sai Phụ quốc là Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam giới đến châu Địa lý" (Toàn thưBản kỷ, q.I).
Hè 1995, tôi đã di dọc dài lần theo cái gọi là "Lâm Ấp thế lũy" này, từ Hoành Sơn quan (Đông) đến vùng núi Chóp Chài, Quảng Lưu - Quảng Trạch (Tây); Dân gian cũng có người gọi là "Lũy Hoàn vương" - Lũy này là đắp nối các đỉnh của dải đồi trước núi Hoành Sơn về phía Nam (phía Quảng Bình), kè đá tảng rất to chắc, bề mặt có nơi đo được 25m, cao 3-5m (tuy nay bị phá đã nhiều).
Sách Tấn thư (q.95) chép năm Vĩnh Hòa thứ 3 (347) vua Lâm Ấp là Phạm Văn đánh Nhật Nam, thông báo với thứ sử Giao Châu Chu Phiên (Phồn) đòi lấy Hoành Sơn làm phân giới, Phạm Văn sai lấy đá đắp lũy và cũng bắt đầu xây thành Khu Túc trên sông Thọ Linh (sông Giang theo Đào Duy Anh). Thơ văn Nguyễn Hàm Ninh (giữa XIX) nói về núi Chóp Chài và núi Vọng Bái ở Quảng Lưu, Quảng Trạch có câu:
"Tảng đá vua Lồi còn sót lại[2]
Việc công hầu giành giật núi Thành Thang"
Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn Nam sông Gianh) sử dụng - cải tạo lại thành Cao Lao (≈ thiềng Kẻ Hạ ≈ thành Khu Túc (theo đoán định của Đào Duy Anh), còn ở Bắc Bố Chính (Bắc sông Gianh), chúa Trịnh cải tạo sử dụng lại hệ lũy Lâm Ấp và núi Vọng Bái. Cũng thơ văn Nguyễn Hàm Ninh viết:
Cột cờ chúa Trịnh đổ rồi
Dấu dinh lũy còn chơn vơn trên hòn Vọng Bái
(Vọng Bái, nay thuộc thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu, Quảng Trạch). Thời chống Pháp, chống Mỹ, đây là chiến khu Trung Thuần, với các tướng lĩnh Trần Hường, Đồng Sỹ Nguyên...
Các nhà quân sự, từ Chămpa, qua Trịnh - Nguyễn đến ngày nay đều "nhìn" ra tầm quan trọng của các vị trí chốt trên các địa hình vùng Đèo Ngang là việc thường của binh pháp. Theo cán bộ và dân gian Quảng Bình, khoảng năm 1970, tướng quân Võ Nguyên Giáp cũng đã vô đây tổ chức các binh đoàn để chuẩn bị chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (tháng 3-1971).
b) Chúng ta cũng nên "nhìn" SÔNG - BIỂN như đã "nhìn" NÚI - ĐỒI - ĐÈO, đó là cái nhìn biện chứng, vừa thấy mặt cắt ngăn vừa thấy mặt nối tiếp. Do một trăm năm nay, từ thời thực dân Pháp, với tư duy giao thông bộ, hễ cứ thấy miền nào bị sông ngăn (mà họ lại ít xây dựng cầu đường) là nhà cầm quyền chia đôi bờ sông thành hai đơn vị hành chính khác nhau: ở Bắc: Sơn Tây/Vĩnh - Phúc Yên, Thái Bình/Nam Định (qua sông Hồng)... Bắc Giang/Bắc Ninh (qua sông Cầu)...
Ở miền Trung: Nghệ/Tĩnh (qua sông Lam), Bình/Trị (qua sông Sa Lung), Trị/Thiên (qua sông Ô Lâu), v.v...
Thật ra, qua tư duy giao thông thủy của bản sắc văn hóa sông nước của việt Nam và miền Trung, đôi bờ sông chỉ là hai nửa của một, từ một làng, một huyện đến một tỉnh, xứ...
Từ Chămpa đến Đại Việt - Việt Nam chẳng hạn, đôi bờ sông Thu Bồn - sông Chợ Củi chỉ là hai nửa của một Amaravati - Quảng Nam, đôi bờ sông Côn chỉ là hai nửa của một Vijaya - Bình Định...
Sông không chỉ được "nối" bằng các bến đò ngang và hình ảnh "các cô lái đò" đã vào rất sâu folklore và văn hóa Việt Nam.
Sông còn là sự nối tiếp Núi - Biển bằng các con đò dọc, bằng bè mảng... Tôi rất thích câu ca dao của hai cảng Hội An, Thi Nại - hai cảng rất cổ từ thời Chămpa đến nay:
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le (mít non) chở xuống, cá chuồn gửi lên.
Hè 1994, tôi lên công tác ở một huyện trung du xứ Quảng và làm ra cái vẻ có "hiểu biết" về kinh tế, tôi hỏi cán bộ huyện: "Sao các đồng chí không học lối nuôi "cá lồng" dọc sông của miền Bắc?" và được trả lời: "Có đấy, nhưng thất bại vì dân tôi quen ăn đồ hải sản rồi, mà ngày nào chả có thuyền ngược lên đây mua bán hải sản!" Sự ngu ngốc này của tôi có cội nguồn lịch sử: Tôi là người Hà Nội, thuộc châu thổ Bắc bộ đã ở quá xa biển (# 100km) và ở thế hệ bố - mẹ - ông - bà tôi, hầu hết người Hà Nội đều không thích/không ăn được đồ biển, từ cá thu phải nấu lót bằng lá chè tươi (nhiều chất tanin khử mùi tanh) và "chả Sài Gòn" (nem rán) có "đệm" thêm thịt cua bể với thịt lợn, giá, miến...
Qua kinh nghiệm điền dã ở miền Trung và cả Tây Nguyên, tôi thấy dân vùng này hay "xài" đồ biển. Tôi cho đó là bản sắc địa - văn hóa, được người Việt thừa kế từ người Chăm, cũng như nươc smắm, mắm nêm, chượp... và rau diếp cá (cho đến nay đa số người châu thổ Bắc bộ không thích/không ăn được rau diếp cá, họ chỉ dùng làm một vị thuốc nam). Bà tiến sĩ Pamela Gutman, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Đại học Sidney (Australia) có thông báo cho tôi biết rằng: Các nhà khảo cổ học biển (maritime archaeology) đã tìm thấy một con tàu đắm chở các thùng nước mắm từ Chămpa sang bán cho Roma cổ đại. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong một cuốn sách của L. Ferrand về các nguồn tài liệu của Ả Rập - Ba Tư từ thế kỷ VIII - đến thế kỷ XIV, khách thương hồ quốc tế đều gọi biển Đông là biển Chămpa. Biển là cái gạch nối giữa không gian văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa - Óc Eo với thế giới Đông Nam Á hải đảo - Mã Lai và các không gian văn hóa biển khác, từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ dương và v.v....
c- Ngoài NÚI - ĐỒI - ĐÈO - SÔNG - BIỂN, Chămpa cổ miền Trung nay còn có CỒN - BÀU - ĐẦM PHÁ... Để tiện theo dõi có hệ thống, tôi và bạn tôi là GS Mai Đình Yên sẽ đề cập đến các hệ sinh thái ở ngay sau đây.
5. a) Những nghiên cứu mới nhất (xem Mai Đình Yên, Trần Quốc Vượng và các tác giả khác, Môi trường học, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1994) đã phân loại các hệ sinh thái tự nhiên làm 3 nhóm:
- Nhóm các hệ sinh thái trên cạn.
- Nhóm các hệ sinh thái ở nước.
- Nhóm các hệ sinh thái ngập nước.
Như đã nói ở phần trên (mục 4) miền Trung nay - Chămpa cổ - nằm hẹp giữa núi và Biển, có đầy đủ các kiểu sinh thái trên cạn chính, như:
- Hệ sinh thái núi cao; hệ sinh thái hang động.
- Hệ sinh thái núi trung bình và thấp.
- Hệ sinh thái đồi gò.
- Hệ sinh thái châu thổ (đồng bằng).
- Hệ sinh thái ven biển.
- Hệ sinh thái các đảo.
Với cấu trúc đặc trưng là các thảm thực vật - thành phần quan trọng của quần xã rất phồn tạp (GS.TS Thái Văn Trừng, nhà lâm - sinh học tài danh, từ 1978 đã phân thành 19 kiểu thảm thực vật).
Các hệ sinh thái ở nước cũng được phân thành các nhóm, các kiểu khác nhau như sau:
+ Nhóm hệ sinh thái nước ngọt, nước đọng.
- Ao - Vũng
- Hồ - Đầm (miền Trung gọi là Bàu)
- Ruộng nước
- Đập nước (Chămpa, theo Ấn Độ, gọi là Barak)
- Đất ngập nước
Đất ngập nước, từ Quảng Bình đến Nam - Ngãi... nằm giữa hai dải cồn cát Đông/Tây (theo L. Cadieriè) hay Đại/Tiểu Trường Sa (theo Lê Quý Đôn). Dưới chân các Cồn (Dune), thường có các Bàu (Stew) hay các rạch nước. Các nhà khảo cổ thường phát hiện được các di chỉ cư trú ở ven bàu và di chỉ mộ táng ở trên cồn. Vài ví dụ về văn hóa Bàu Tró và Sa Huỳnh - tiền Chămpa:
Quảng Bình - Bàu Khê, Bàu Tró, Cồn Nền, Ba Đồn, Cường (Khương) Hà...
Quảng Trị - Bàu Đông, Cồn Cổ Lũy, Cồn Lâm Xuân...
Thừa Thiên - Cồn Yàng
Quảng Nam - Bàu Dũ, Bàu Trám, cồn Hậu Xá, cồn An Bang...
Khánh Hòa - Xóm Cồn, Cồn Cam Ranh, Bích Đầm.
v.v... và v.v...
Do CỒN và BÀU là hai thực thể âm - dương của một hệ sinh thái nhân văn đặc sắc của miền Trung, từ 1989, tôi đã đề nghị giới khảo cổ và sinh thái nhân văn học Việt Nam định danh các nền văn hóa cuối Đá Mới - sơ kỳ Kim khí ở miền Trung là văn hóa Cồn - Bàu.
Có vẻ như khái niệm hay công cụ khái niệm (outilconcept) này được giới khảo cổ - sinh thái nhân văn hoan nghênh.
+ Nhóm hệ sinh thái nước ngọt - nước chảy  
- Suối
- Sông
- Cửa sông
Như tôi đã nói ở trên, so với hệ sông Nhị - Hồng và hệ sông Cửu Long, các sông ở miền Trung nói chung ngắn, nước xanh, ít phù sa, do vậy mà chuỗi châu thổ miền Trung hẹp, độ phì không cao. Nước mặn lên rất xa về phía thượng nguồn. Chẳng hạn, theo kết quả đi điền dã 1992-1995, tôi thấy ở sông Gianh, nước mặn lên tới trên ngã ba Nguồn Nậy phía trên cầu Minh Lệ, nay phải đắp đập ngăn mặn ở trên làng Thọ Linh (xã Quảng Sơn, Quảng Trạch); ở sông Bến Hải - Minh Linh - Sa Lung, nước mặn lên quá cầu Hiền Lương, ở sông Thạch Hãn, phải vượt qua cầu Đông Hà lên Cam Lộ mới có nước ngọt, ở sông Thu Bồn, thủy triều vẫn ảnh hưởng tới cầu Câu Lâu trên quốc lộ 1, v.v…
Chính vì vậy, cần bổ sung ở nhóm sinh thái nước ngọt - nước đọng một loạt giếng (xếp đá hay/và xây gạch) của người Chămpa ("Giếng Hời" theo cách gọi của dân gian hiện tại). Đi dọc ven biển từ cửa Ròn - cửa Gianh (Quảng Bình) qua Hội An - Cửa Đại - Trung Phường - Tam Kỳ (Quảng Nam) tới cam Ranh (Khánh Hòa)... từ 1982, tôi và giới khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được một loạt giếng Chàm ngay ở bờ biển, nước rất ngọt, không bao giờ cạn, nhiều giếng ấy hiện dân gian Kinh - Việt vẫn đang sử dụng và theo thư tịch cổ Ả Rập - Ba Tư (Xem L, Ferrand 1912) từ thế kỷ VIII-XVI người Chămpa vẫn cung cấp - xuất khẩu nước ngọt từ các giếng ấy cho thuyền buồm quốc tế. Điều bất ngờ nhất, tháng 8-1995, khi chúng tôi phát hiện cái giếng Chàm ở sát cửa Ròn, bà chủ nhà đang quản lý cái giếng đó nói với chúng tôi rằng cho đến nay, thuyền tàu Trung Hoa đi đánh cá vẫn ghé xin nước ngọt ở giếng của bà. Mùa khô nóng cạn kiệt mà mức nước giếng vẫn trên 50cm, mùa mưa, nước giếng dâng lên trên 1m.
Xây dựng hệ giếng Chàm ngay cả sát tháp Chàm Khương Mỹ, Thanh - Tây (Quảng Nam)... là một thiên tài, một thần thái (genius) bản sắc văn hóa Chămpa.
Cũng cần nói đến hệ thủy lợi xếp đá ở Gio Linh - Vĩnh Linh (ở vùng bắc Quảng Trị) với hệ giếng mội ở vùng đồi basaltic sử dụng nước mạch chảy từ chân đồi ra, ngăn thành nơi nước ăn, nước rửa, nơi nước trâu, bò, ngựa tắm... rồi có kênh dẫn ra ruộng nước... mà M. Colani đã mô tả từ 1943-1944 và cùng với L. Cadierè, M. Colani cho đó là của người "Indonésien", nhưng gần đây Đoàn Trung tâm Văn hóa Việt Nam ĐHTH (nay ĐH KHXH&NV Hà Nội đã đi nghiên cứu lại (xem Lê Duy Sơn, Lâm Mỹ Dung... trên Tạp chí Quảng Trị, 1993-1994) và chứng minh có sức thuyết phục rằng đó là hệ thủy lợi Chămpa.
+ Nhóm hệ sinh thái nước ngầm
- Hang suối nước ngầm
Mấy năm qua, nhiều học giả Anh (ở  Royal Society) và Việt (Khoa Địa ĐHQG Hà Nội) đã hợp tác nghiên cứu hang - động học (Speleology), đặc biệt là nghiên cứu vùng khối đá vôi karstic Kẻ Bàng, đo vẽ chi tiết chiều dài động Phong Nha 7.729m, phát hiện ra hang mới - hang Vòm trên thượng nguồn sông Chày - cạnh đường mòn Hồ Chí Minh cùng một vài hang động khác (hang khô, hang tối v.v...).
Từ cuối thế kỷ trước, cố đạo R.P. Cadierè đã đi sâu vào Động Phong Nha 600m và tìm thấy dấu tích một bàn thờ (của người Việt) và một số chữ Chàm trên vách hang (sau này M. Colani nói các chữ ấy đã mờ quá và rất khó đọc, không dịch được...). A. Pavis (1901 BEFEO, T. I) nói bàn thờ ấy bằng gạch của người Chàm do người An Nam trét lại, "Có lẽ đây là một di tích văn hóa Chăm". Khu vực này được gọi là Chùa Hang - có tượng Phật ngồi kiết già, có chữ "Vạn" trước ngực... Pavis đọc được một chữ Chàm "Capimala" (?) nó xác định tính chất Phật giáo của hang động ấy (nếu đúng là Capimala  Kapimala thì là tên một vị La Hán/tổ thứ 13).
Cũng vậy, người ta cứ theo mặt chữ mà đoán mãi về ý nghĩa tên Phong Nha, nào là "Răng gió"! nào là Phong Gia (theo Đại Nam nhất thống chí) nghĩa là "Nhà gió"... Theo Từ điển Phật học thì Phong Ta (Ta tức đại - Phong đại (tên Phạn Vayu) là một trong 4 nguyên tố tạo tác vật chất và Phong tam muội còn gọi làPhong phấn tấn tam muội là một phép Thiền định khiến làm khơi lên một trận gió lớn. Tôi nghĩ tên Phong Nha (Gia) gắn với tính chất Phật giáo của chùa Hang này.
Tháng 7-1995 tôi, Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Sở VHTT Quảng Bình và nhiều cán bộ Bảo tàng - Quản lý di tích Quảng Bình đã tới thăm lại động Phong Nha, đặc biệt khu vực Chùa Hang. Dưới một lớp xi măng vôi (nơi dày nhất 26cm), chúng tôi đã phát hiện (phát hiện lại?) được 03 nền "xây" gạch Chăm (quy mô 27x16x5cm), nhiều tảng đá lớn (granit, không phải đá vôi như trong vùng karstic Kẻ Bàng - Phong Nha) và rất nhiều mảnh gốm Chàm đỏ nâu - mềm, giống Trà Kiệu, Hội An (Quảng Nam), Lâm Xuân, Bàu Đông (Quảng Trị) nằm lẫn với đồ bán sứ và sứ Đường - Tống Trung Hoa (IX-X) có hình cánh sen. Tượng Phật/Chăm Phong Nha thuộc thế kỷ IX (thời đại Đồng Dương) còn được lưu giữ ở Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh... Ngay ngoài cửa động Phong Nha là các làng có gốm cổ Chăm, mang tên Trắm, Hà Lời.
Có vẻ như không còn nghi ngờ gì là hang - suối nước ngầm ở Phong Nha/ở Kẻ Vàng cũng như hang Minh Cầm trên thượng nguồn sông Gianh là vùng Thánh địa Phật giáo Bắc Chămpa khoảng thế kỷ IX-đầu X. (Bia Bắc Hà ở cửa sông Ròn - do người Pháp tìm ra và chúng tôi tìm thấy lại, bị chôn ở đáy giếng Chăm thôn Bắc Hải, xã Quang Phú, Quảng Trạch) có 4 dòng chữ Phạn nói về việc cúng dường đất đai của vua Chăm cho một Phật Viện, theo tiến sĩ Ấn Độ R.C. Majumdar, cũng có nét chữ Phạn phong cách thế kỷ IX-X.
+ Nhóm hệ sinh thái nước lợ
- Đầm - Phá
- Bãi biển bờ đá, nền bùn, nền cát...
Phá nước lợ - cũng như Bàu nước ngọt - là một nét bản sắc của cảnh quan sinh thái ven biển miền Trung (tôi không thấy khái niệm "Phá" ở ven biển châu thổ Bắc bộ). Ai trong chúng ta cũng biết bài ca dao nổi danh của vùng văn hóa Quảng Trị:
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Song chắc ít người biết một câu ca dao có vẻ "mới" hơn của vùng Quảng Bình.
Thương anh em cũng muốn ra
Sợ sông Lệ Thủy, sợ phà sông Gianh
Đến Quảng Bình 7-1995 tôi mới học được từ Hác (đọc "nặng" thì thành Hạc là vùng cửa (ngã ba sông con chảy ra (vào) sông lớn: Từ cửa Hác xuống phà Gianh hiện tại 3km; ở sông Kiên Giang (Lệ Thủy) cũng cócửa Hác (Đâu Giang chảy ra Kiến Giang, cạnh thành nhà Ngo. Vẩn Áo cách thị trấn Lệ Thủy 2km gọi là Hác Lẩy; phía dưới Kiến Giang gặp Bình Giang là Hác (Hạc) Hải (thuộc xã Đại Phong anh hùng). Từ đó tôi liên hệ với Hát Giang - Hát Môn (cửa cũ sông Đáy/Nhị Hà). Và dân Quảng Bình dạy/bảo thẳng tôi "Hác là cửa (sông) nước").
Ai cũng biết ở Thừa Thiên - Huế, phía bắc thì có sông Bồ chảy ra Phá Tam Giang, trên đó có tòa thành Chàm: châu Rí (sau 1306 đổi là Hóa Châu) và phía Nam có sông Truồi chảy ra Phá Cầu Hai bên bờ là núi Linh Thới (Thái) có tháp Chàm và bia chữ Phạn (nay đã bị bom đạn phá hủy một phần: Đấy chính là vùng cửa Tư Hiền - Tư Dung - Tư Khách xưa, cảng chính của vùng Thừa Thiên - Huế thời Chămpa (thế kỷ XI-XII).
+ Nhóm hệ sinh thái nước mặn
- Rạn san hô (ở Quảng Bình có nhiều và nhiều học giả địa lý cho đó là một/những lý do khiến ở đây có nhiều cá - tôm vì giữa các rạn có nhiều sinh vật phù du).
- Thềm lục địa.
- Biển khơi.
Nổi lên trên hệ sinh thái này là các ĐẢO. Tôi đã nhấn mạnh ở rất nhiều bài viết rằng:
- Từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIV, các thuyền buôn ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập... đều gọi vùng biển miền Trung hiện nay là BIỂN CHĂMPA cả trong các bài du ký lẫn các hải đồ. Hồi ấy, chưa hề có khái niệm Biển Đông(Việt), Nam Hải (Hoa).
- Các từ "Đảo", "Cù Lao"... đều bắt nguồn ở một từ gốc Mã Lai - Chàm là "Pulo".
Điều thú vị là các chính sử Trung Hoa từ Lục Triều - Đường đều gọi vùng đảo ngoài khơi Hội An làChiêm Bất Lao (Hán Việt,  pulo Chăm) và thư tịch cùng bản đồ Đại Việt đều ghi vùng cửa sông/biển ấy là Đại chiêm hải khẩu và do tính hay nói tắt của người Việt, nay cửa ấy mang tên cửa ĐẠI (ĐỢI theo cách phát âm địa phương).
Tôi rất tự hào là ngay từ Hội nghị toàn quốc đầu tiên về Hội An (1985), tôi đã bác bỏ quan niệm cổ truyền "nhìn" Hội An (Faifo) như một thương cảng Việt chỉ mới phát triển khoảng XVI-XVII-XVIII bằng bản tham luận "Chiêm cảng - Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt" (in trong Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Quảng Nam cùng với bài Tổng kết Hội nghị của tôi, 1985-1986). Trước đó, là người chủ biên cuốn Quảng Nam thời Tiền sử và Sơ sử (Đà Nẵng, 3/1985), tôi đã cho rằng người Chàm hướng ra biển giỏi hơn người Kinh - Việt và miền Trung không nghèo cố hữu như là ta tưởng theo một thứ lý luận "định mệnh chủ nghĩa" khác xa với lý thuyết địa - văn hóa (geoculturatl Theory) có lúc đã bị "phê" là phản động!
Hãy noi gương chủ nhân văn hóa Chămpa khi họ biết khai thác và tận dụng mọi thế mạnh của các hệ sinh thái.
+ Hệ sinh thái núi - rừng
- Khai thác các mỏ VÀNG - SẮT - NGỌC (hồng ngọc - ruby), hổ phách (amber), mã não (agate)...).
- Đặc biệt là khai thác và xuất khẩu trầm hương. Trầm hương Chàm là mặt hàng được ưa chuộng nhất ở thế giới Ả Rập và Ả Rập hóa.
+ Hệ sinh thái đồi - basaltic và cao nguyên basaltic
Trồng và xuất khẩu Hồ Tiêu (Pepper). Hồ tiêu Chàm cũng là mặt hàng xuất khẩu, được ưa chuộng nhất khi thế giới Tây Á và châu Á săn tìm các đồ gia vị (épices  spices) phương Đông. Tất nhiên ở đây còn trồng lúa nương.
+ Hệ sinh thái châu thổ
Theo Thủy kinh chú (thế kỷ VI) người Chiêm Thành biết trồng lúa 2 vụ (xích điền và bạch điền, lúa đỏ và lúa trắng) tử đầu Công nguyên. Từ 1993 khi đập các gạch vụn ở tháp Chàm thấy nhiều vỏ trấu, tôi, TS Lâm Mỹ Dung và Hồng Kiên đã gửi các "mẫu" đó cho GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn ở Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông nghiệp và ít tháng sau đã nhận được bảng xét nghiệm và trả lời tuyệt vời về các loại LÚA NƯƠNG (trồng khô trên đồi), LÚA NƯỚC ở vùng trũng (giữa 2 cồn cát Tây - Đông)... Chúng tôi "dấu" nhau (vì khoa học thôi) về địa điểm phát hiện và niên đại các Tháp Chàm, song khi phối kết lại thì "cực kỳ" linh nghiệm. Cũng theo kết quả điền dã dân tộc - thực vật học (ethno-botanique) ở miền Trung, từ Quảng Bình đến Quảng Nam, Khánh Hòa, chúng tôi (Trung tâm Văn hóa và sinh thái nhân văn ĐHQG Hà Nội) đã ghi và dựng bản đồ nhiều cánh đồng Chăm và nhiều loại lúa Chăm - chiêm - mùa, gieo mạ, vãi thẳng..., trắng và đỏ của Hệ lúa miền Trung.
Có lẽ cũng vẫn không thừa khi nhắc lại rằng: Theo các nguồn thư tịch Hoa - Tây, người/Nhà nước Chapa tranh thủ xuất khẩu đủ mọi thứ, nước lã ngọt ngào ở các giếng Chàm ven biển đến trầm hương, mã não ở núi rừng, duy chỉ một món hàng cấm xuất khẩu, vì THIẾU, đó là LÚA GẠO!
+ Ở vùng cồn cát - một trong những điều hay nhất mà tôi "học" được ở Quảng Bình - Huế... là ngoài những cái gì của người Chămpa cổ cũng gọi là Lồi, như giếng Lồi, thành Lồi, đền Lồi, chùa Lồi... lại có từ cát Lồi là chỉ loại cát trắng ở vùng cồn ven biển cổ (cát vàng không bao giờ gọi là cát Lồi) - về cơ bản là vùng trồng KHOAI CỦ. Hình ảnh bà mẹ Gio Linh thời kháng Pháp.
Mẹ già cuốc đất trồng KHOAI
Nuôi con đánh giặc đêm ngày...
là một hình ảnh rất đúng với thực tại!
+ Ở vùng ven biển, như đã nói ở trên, có cả một hệ thống giếng Chàm để cung cấp nước ngọt cho tàu thuyền quốc tế ven biển. Trong Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 9 (135)/1995 và trước đó trong Tuổi trẻ chủ nhật (7/1994), tôi đã công bố tư liệu và luận điểm Về một nền văn hóa cảng thị ở miền Trung. Các cảng thị (nagara) này không phải chỉ mới xuất hiện thời Đại Việt thế kỷ XVII-XVIII hay thời thuộc Pháp mà với các cứ liệu khai quật được và định niên đại được, ta có thể biết chắc chắn các cảng Ròn, Gianh, Lý Hòa, Nhật Lệ (Quảng Bình), Cửa Tùng (Luật), Mai Xá (trên cảng cửa Việt hiện nay 3-4km) (Quảng Trị), cửa Eo, cửa Tư Hiền (Thừa Thiên - Huế), Hội An (Quảng Nam), Thị Nại (Cri Bonei ≈ thị (lị) (bì) nại ≈ Quy Nhơn) (Bình Định), Khánh Hòa, Nha Trang, Phan Rang (Ninh Thuận) v.v... đều đã từng là các cảng thị Chămpa và thậm chí, như ở Hội An, Mai Xá... còn là các cảng thị Sa Huỳnh muộn tồn tại từ đầu Công nguyên (chúng tôi đã có khá đầy đủ tư liệu khảo cổ để chứng minh cái gọi là Sa Huỳnh muộn, lớp nằm lẫn với gốm văn in hình học Đông Nam Trung Hoa, tiền Ngũ Thù và tiền Vương Mãng năm 8-23 sau CN)... là văn hóa Chămpa cổ.
+ Và cuối cùng, trên các đảo Hòn La (phiên âm từ gốc Chăm Rah có nghĩa là Yến sào). Sách Ô Châu Cận Lục (1555) chép về vụng Chùa và Hòn La (Quảng Bình) nơi có đặc sản Yến Sào (Nay còn). Yến sào có nhiều ở vùng Cù Lao Chàm:
Ra  (Pulo), đốn Lụi cho Dài
Chờ cho Khô xuống Tai mà về
(Những từ gạch dưới là tên các đảo ở vùng Cù Lao Chàm, Quảng Nam).
Yến sào còn có nhiều hơn ở vùng đảo Yến - quần đảo Hòn Tre ngoài khơi Nha Trang. Trong Hội thảo khoa học Yến Sào Nha Trang 1993 tôi đã đọc bài Đề dẫn (đăng trên Tạo chí Nha Trang 9-1993) nêu rõ Văn hóa Yến sào là một bản sắc biển của văn hóa Chămpa được hội nhập vào văn hóa Việt từ thế kỷ XVI và được xuất khẩu sang Trung Hoa và các China Town thế giới. Chim yến và yến sào là đặc sản của vùng biển nhiệt đới ấm nóng (Việt Nam, Inđônêxia, Malaixia...), không phải là có gốc gác Trung Hoa như nhiều người lầm tưởng.
Như vậy, tôi đã chứng minh rằng người Chàm và văn hóa Chămpa trong khoảng 15, 16 thế kỷ tồn tại đã thích nghi và ứng biến tài tình với mọi hệ sinh thái từ núi rừng tới biển khơi.
Cái ý kiến cho rằng văn hóa Chămpa chỉ là văn hóa biển, thậm chí còn cho rằng người Chàm chỉ là một bọn cướp biển (pirates de mer) là một ý kiến quá cũ kỹ và sai lầm từ căn bản.
III. Mô hình quy hoạch một vùng văn hóa Chămpa
1. Các nhà viết sử Trung Hoa về Chiêm Thành, Phù Nam, Chân Lạp thường đưa ra một hình ảnh sai lệch, theo mô hình chính quyền quan liêu tập quyền thời Tần Hán - để mô tả các nước này - cũng như Trung Hoa từ Tần Hán là các vương triều thống nhất, tập trung. Mấy chục năm nay những nghiên cứu mới chẳng hạn của Claude Jacques, O.W. Wolters... đã chứng minh rằng đó là một hình ảnh sai lầm. Chiêm Thành, Phù Nam, Chân Lạp... thậm chí cả "Văn Lang", "Âu Lạc" nữa là một khối liên hiệp có nhiều nét tương đồng về văn hóa của nhiều tiểu quốc đa tộc (cố nhiên là có tộc chủ thể). GS O.W. Wolters dùng khái niệm mandala để chỉ các thực thể này và mệnh danh những thủ lĩnh là "man of proess" (người dũng mãnh). Học trò ông GS.TS Keith Taylor thì gọi các thủ lĩnh (ví dụ Lạc tướng là "lord" và người thủ lĩnh tối cao (như vua Hùng) là "overlord").
Theo Tống sửChiêm Thành truyện chẳng hạn thì nước này có 3 châu: châu Ô Lý ở Bức, châu Thi Bị (Thi - lị - Bì - nại = Sri Bonei (Quy Nhơn, Bình Định) ở Nam, châu Thượng Nguyên ở Tây. Thực ra, châu Thượng Nguyên tức Tây Nguyên chỉ phụ thuộc lỏng lẻo vào Chămpa; Nhiều tộc người ở vùng này cho đến thế kỷ XIX vẫn giữ quyền tự chủ. Nói đến Thi Bị mà Tống sử lại "quên" mất địa bàn cơ bản của Chămpa là Quảng Nam (Amaravati) mà Nguyên sử (nhà Nguyên có phái quân đánh Chămpa 1282) gọi là miền Bình Định là Tân Châu và miền Quảng Nam là Cựu Châu.
Ở phía Nam Chămpa cho đến thế kỷ XVII còn có một "tiểu quốc" là vương quốc của người Mạ, chủ yếu là ở khu vực Đồng Nai (Thượng - Hạ) mà qua các cuộc khai quật khảo cổ chủ yếu sau 1975 và gần đây, ta lại được biết về một nền văn hóa khác (khác Đông Sơn, khác Sa Huỳnh) phát triển, ở trước sau Công nguyên, không kém phần rực rỡ.
03.2 Từ đầu thập kỷ 80, sau vài lần đi điền dã ở Quảng Nam, đứng trên ngọn Bửu Châu ở Kinh đô Trà Kiệu (Simhapura) nhìn về Tây thấy ngọn núi Chúa - mà dưới chân núi Chúa là thánh địa Mỹ Sơn, nhìn về Đông thấy Cù Lao Chàm. Cả ba ngọn núi này gần như ở trên cùng một đường thẳng, tôi bỗng nhiên "đốn ngộ" rằng Quy hoạch một "vùng", một "tiểu quốc" Chămpa có lẽ là như sau:
Sau này, tôi được biết nhiều địa danh NÚI CHÚA khác ở miền Trung, nhiều ngọn được vua chúa "phong" là "Linh sơn" đưa vào từ điển để cúng tế. Đấy là các ngọn "tiêu phong" (Point de repère) mà ngư dân đi thuyền đánh cá ngoài khơi "nhìn" và để "định hướng" về bến cảng của vùng/tỉnh mình.
Sau này, đi điền dã nhiều hơn ở vùng văn hóa Chămpa, tôi càng khẳng định mô hình quy hoạch mà mình phát kiến là đúng. Xin thưa vài thí dụ:
Nhiều người nói đi nói lại, chép đi chép lại của nhau rằng "Thành Đồ Bàn" là "Thành Trà Bàn" xưa của Chiêm Thành, được Nguyễn Nhạc sửa lại thành Hoàng Đế thành. Thật ra vùng "Đồ Bàn - Thập Tháp - Tháp Con Gái (Cánh Tiên) là thánh địa Chàm có tường xây bao nên người Việt "tưởng" là thành. Tra thành ở hạ nguồn sông Công mới lớn và cho đến 1988 vẫn còn gần như nguyên vẹn (tôi đã đo, vẽ, chụp ảnh). Các nhà Chămpa học Ngô Văn Doanh, Lê Đình Phụng, Đinh Bá Hòa... cũng đồng ý với tôi như vậy.
Thành Diên Khánh đời Nguyễn là xây trên nền cũ của một thành Chămpa, ở đây đã tìm thấy giếng Chăm và nhiều pho tượng Chăm (đang để thờ ở chùa Diên Khánh).
Tôi chưa "thạo" vùng Quảng Ngãi (với thành Châu Sa mà anh bạn Chămpa học Nguyễn Chiều còn hồ nghi). Phú Yên với thành nhà Hồ (thành Chămpa) cũng như Ninh Thuận (với làng Bàu Trúc, làng gốm nổi tiếng của người Chăm. Bản sắc văn hóa gốm - gạch/sứ của người Chăm (và văn hóa Chămpa) là không đắp lò mà chỉ nung ở ngoài trời, ngoài sân hay trong bếp. Bởi vậy, cái gọi là Gò Sành với nhiều lò nung (ở Bình Định) mà TS Trịnh Cao Tưởng cho là Lò Chàm XIII-XIV (hình như có mấy học giả Nhật nói theo) là rất đáng ngờ vực. Nhiều nhà gốm - sứ học Việt Nam như TS Phạm Quốc Quân, TS Nguyễn Quốc Hùng, TS Quang Văn Cậy, TS Hồng Kiên... cũng đồng tình với quan điểm này: Người Chàm nay không đắp lò gạch/gốm/sứ...), Bình Thuận (Đây là mặt yếu nhất trong rất nhiều mặt yếu của vốn tri thức ít ỏi của tôi); vậy tôi xin "nhảy cóc' sang vùng lãnh địa của người Mạ ("vương quốc Mạ" giáp ranh với Chămpa ở Hàm Thuận - La Ngà - Lâm Đồng).
Theo Gia Định thành công chí thì thành Biên Hòa đời Nguyễn được "xây đắp trên một thành xưa của người Man". Cũng như trường hợp thành Diên Khánh ở Khánh Hòa. Theo kinh nghiệm điền dã tại chỗ của tôi thì các thành Chămpa sau đây đều bị "cải tạo" lại thành thành lũy Việt:

Quảng Bình:


- Lâm Ấp thế lũy

- Thành Cao Lao (Thiềng Kẻ Hạ)

- Lũy Thày

- Thành nhà Ngo (Ninh Viễn thành)


Quảng Trị:


- Cổ Lũy

- Thành Vệ Nghĩa (Thuận Châu)


Thừa Thiên - Huế:


- Thành Hóa Châu (thành Trung)

- Thành Lồi


Quảng Nam:


- Thành Trà Kiệu

- Thành Đồng Dương


Quảng Ngãi:


- Thành Châu Sa


Bình Định:


- Tra Thành

- Thành Đồ Bàn


Phú Yên:


- Thành nhà Hồ


Khánh Hòa:


- Thành Diên Khánh


Đồng Nai:


- Thành Biên Hòa…


 (Tôi chưa có điều kiện đi thăm các thành khác)
Khi xem mô hình quy hoạch không gian văn hóa Chămpa của tôi, nhiều học giả già - trẻ đã tỏ ý đồng tình: Nguyễn Hồng Kiên, Nguyễn Tiến Đông, Đặng Văn Thắng, Trần Đức Anh Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường...
Song Hồng Kiên, Hoàng Phủ, Đinh Bá Hòa... đều hỏi lại tôi:
- Có nhiều tháp Chàm ở riêng lẻ, không chỉ tập trung ở "thánh địa" (Sanctuaire).
Điều đó hoàn toàn đúng. Thánh địa ở miền chân núi là nơi hành hương - hành lễ hàng năm. Còn ngày tháng thường, vua - quan - dân vẫn cần đến lễ bái ở những ngôi tháp gần vùng quê làng hay Kinh đô (như tháp Chiêm Đông, ngay phía Tây Kinh đô Trà Kiệu). Thì có khác chi Hương Tích là thánh địa ở chân núi (Hồng Lĩnh hay Mỹ Đức) nhưng mỗi năm "hôm nay đi chùa Hương" bất quá 1-2 lần hoặc vài năm một lần còn ngày Rằm, mồng Một người Việt vẫn đi lễ ở chùa làng - vùng cho dù có quan niệm "bụt chùa nhà không thiêng".
- Vì sao ở ngay ven biển vẫn có tháp, ví như tháp Đôi ở Quy Nhơn hay tháp Bà ở Nha Trang, ấy là chưa kể tháp Nhạn ngay bên núi bờ biển Phú Yên?
Ngoài các lý do tôi đã kể ở phần trên, thì còn một lý do quan trọng này:
- Đền bà Yàng ở cửa biển Hội An.
- Tháp Bà (Yang Po Nagara) ở Nha Trang.
- Pò Nagar Taha Cak chân núi Po Dan, bờ biển Ninh Thuận, Phan Rang.
- Pò Nagar Tawait ở bờ biển Thuần Vãng trên Phan Rí.
v.v... đều thờ Nữ Thần Biển hay/và Nữ thần xứ sở của người Chàm.
Đấy là một bản sắc tâm linh văn hóa độc đáo của Mẫu hệ chàm mà dù sự "Ấn Độ hóa" (hindouisation, indianisation) dù có mạnh đến đâu cũng không xóa bỏ được.
Lời tạm đóng
Bài này tôi viết với nhiều tâm huyết với người Chăm và văn hóa Chămpa dù khá dài và khá lan man. Còn 2 điểm tôi định nói/viết nữa nhưng xin "nợ" lại và sẽ trả "sòng phẳng" ở bài khác:
1. Mẫu hệ Chăm. Cái quan điểm tiến hóa luận đơn tuyến mẫu hệ tiến lên phụ hệ rồi phụ quyền và nhà nước là không ổn ở xã hội Chăm và Tây Nguyên.
2. Người ta thường gọi vương quốc Chămpa là một nhà nước "Ấn hóa". Chớ nên quên rằng miền Trung đã từng là quận (Nhật Nam), huyện (Thọ Linh, Lô Dung, Chu Ngô, Tây Quyền, Tượng Lâm) của Trung Hoa Lưỡng Hán (và một phần nào Tam quốc, Tùy, Đường). Càng chớ nên quên là thuyền buôn Trung Hoa hay ghé các cảng thị miền Trung (tôi có đủ chứng cứ vật chất). Và vua Chàm (Phạm Văn chẳng hạn) đã học ở Trung Hoa kỹ thuật xây thành, làm gạch ngói v.v...
Các tài liệu tham khảo chính
1.      M.A.J. Beg, Concepts of civilization, Kuala Lumpur, 1980.
2.      Anne M. Bailey & Josep R. Leobera, The asiatic mode of production, London, 1981.
3.      David Marr & A.C. Milner, Southeast Asia in the 9th to 14th centuries, Singapore, 1986.
4.      Keith Weller Taylor, The birth of Vienam, California, 1982.
5.      Hajime Nakamura, Ways of thinking of Eastern Peoples, Honolulu, 1974.
6.      Carl Heffey, Le Royaume de Champa, Paris, 1928.
7.      Bernard Philippe Groslier L'Art de L'Indochine, Paris, 1962.
8.      Các tài liệu tiếng Việt của các học giả việt Nam viết về người Chăm và văn hóa Chămpa: Trần Kỳ Phương, Ngô Văn Doanh, Nguyễn Hồng Kiên, Phạm Văn Mý, Cao Xuân Phổ, Lương Ninh, Hà Văn Tấn...
Nguồn: Trần Quốc Vượng, Việt Nam cái nhìn địa - văn hóa,
Nxb. Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, H., 1998, tr.308-340.
[1] Có học giả viết là Cồn Ràn, Cồn Ràng...
[2] Tảng đá đó hiện vẫn còn (8-1995).
theo Khoalichsu.edu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét