Trang

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Hồ Con Rùa và khám Chí Hòa trong thế trấn yểm long mạch Sài Gòn

Hai kiến trúc độc đáo này không chỉ nổi tiếng ở Sài Gòn mà còn có rất nhiều giai thoại mang màu sắc huyền bí, ly kỳ xung quanh.

Con rùa lớn yểm đuôi rồng
Hồ Con Rùa có tên chính thức là Công trường Quốc tế (trước là Công trường Chiến sĩ trận vong). Đây là nút giao của 3 con đường Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân. Tuy không chính thức được xác nhận, nhưng rất nhiều giai thoại cho rằng hồ Con Rùa được thiết kế thêm hồ phun nước hình bát giác, con rùa đội bia. Và trụ đứng vươn lên cao ở giữa hồ chính là biểu tượng bát quái đồ, Kim Quy cùng chiếc đại đinh đóng xuống đất là để yểm đuôi rồng.
Các vị cao niên kinh qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của vùng đất này đã kể những giai thoại rằng, vốn là người đa nghi và cuồng tín. Bởi vậy, sau khi nhậm chức tổng thống, ông luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng cho vị thế của mình. Vào năm 1967, nghe tin có thầy địa lý cao tay ở Hong Kong, Thiệu liền cho người mời sang Việt Nam để trấn yểm Dinh Độc Lập.
Thầy địa lý nghiên cứu đến mấy ngày sau rồi phán: “được xây trên long mạch, trấn ngay vị trí đầu rồng. Đuôi rồng nằm cách đó non 1 km, rơi vào vị trí Công trường Chiến sĩ trận vong. Cần phải dùng một con rùa lớn trấn yểm đuôi rồng lại thì sự nghiệp của tổng thống mới mong bền vững”.
Hồ Con Rùa năm 1972
Vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu lập tức tin theo, cho xây hồ nước theo hình bát giác, phỏng theo bát quái đồ, một biểu tượng phong thủy thường dùng để của người xưa. Hồ có 4 đường đi bộ xoắn ốc đều hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm và hình tượng con rùa bằng hợp kim đội bia đá.
Ngoài ra, khu vực trung tâm còn có một cột cao mang hình cánh hoa xòe phía trên. Cột cao này được xem như một chiếc đinh lớn đóng xuống giữa hồ để ghim đuôi rồng lại. Năm 1972, Công trường Chiến trị trận vong được đổi thành Công trường quốc tế. Vào đầu năm 1976, tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ. Tuy con rùa không còn nhưng người dân vẫn quen gọi là hồ Con Rùa, thay cho tên gọi chính thức.
Lại có giai thoại khác liên quan đến việc hồ Con Rùa là sản phẩm trấn long mạch Sài Gòn. Giai thoại này gắn liền với nguồn gốc xây Dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, lấy núi giả trong Thảo Cầm Viên làm bình phong, sông Thị Nghè làm lưu thủy, tạo thế long chầu, hổ phục.
Người Pháp biết rõ điều này, liền cho xây nhà thờ Đức Bà mặt trước bên phải Dinh, hòng phá vỡ thế chữ Vương (gồm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Pastuer – Phạm Ngọc Thạch hiện nay), thêm một chấm thành chữ Chủ nhằm phá luôn long mạch của Dinh. Do vậy phải xây thêm hồ Con Rùa để phá thủy, làm nước phun lên.
Nhưng còn một điều rất huyền diệu về hồ Con Rùa mà rất ít người bình thường để ý đến, chỉ có các thầy phong thủy và các kiến trúc sư học thêm bộ môn trấn yểm mới hiểu tận tường những bí ẩn trong thiết kế tổng quan của Sài Gòn xưa. Đó là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nằm ngay giữa ngã tư Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn xưa chính là chùa Khải Tường. Chùa Khải Tường là nơi chúa Nguyễn Phúc Ánh trên đường bôn tẩu tránh sự truy đuổi của Tây Sơn có ghé qua tá túc. Và hoàng tử Đảm – sau này trở thành vua Minh Mạng – đã được sinh tại nơi đây.
Tương truyền, khi hoàng tử Đảm – chân mệnh đế vương – ra đời, chùa Khải Tường đã phát ra hào quang đến 3 đêm liền. Nếu nhìn trên bản đồ chụp từ vệ tinh thì chùa Khải Tường thẳng trục với Dinh Độc Lập và vuông góc với hồ Con Rùa. Việc trấn yểm này còn liên quan đến ngũ hành, âm dương, phá thủy, giả sơn mà các thầy chiêm tinh, địa lý nào cũng phải biết.
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà hồ Con Rùa nằm thẳng trục với nhà thờ Đức Bà trên đường Phạm Ngọc Thạch, còn chùa Khải Tường thẳng trục Dinh Độc Lập. Bốn công trình nổi tiếng này đều được xây dựng tại những địa điểm mà xưa kia ít nhiều đều dính dáng đến long mạch của Sài Gòn và càng không phải ngẫu nhiên mà tạo thành một hình vuông, nếu chiếu bóng sẽ trở thành một đường thẳng.

Bát quái trận giam giữ linh hồn người đã khuất
Một kiến trúc khác được cho là biểu tượng phong thủy thứ hai của Sài Gòn là trại giam Chí Hòa. Toàn bộ khu trại giam này rộng khoảng 7 ha, được người Pháp xây dựng từ những năm 1943.
Sở dĩ người ta cho rằng khám Chí Hòa là một biểu tượng phong thủy dùng để trấn yểm Sài Gòn là bởi kiến trúc của nó khá đặc biệt. Trại giam này được một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo thuyết ngũ hành, bát quái. Khám Chí Hòa cao 3 tầng lầu, có hình bát giác với 8 cạnh đều nhau, 8 góc A, B, C, D, E, F, G, H, tượng trưng cho 8 quẻ: càn, khôn, chấn, tốn, cẩn, khảm, đoài, ly.
Đây là công trình được đánh giá khá cao, bởi nó hòa hợp được những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Pháp, vừa mang nét huyền bí âm dương ngũ hành của phương Đông.
Khám Chí Hòa nhìn từ trên cao xuống
Một vài tài liệu nghiên cứu cho rằng, khám Chí Hòa được xây dựng dựa trân bát quái trận đồ của Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín phía ngoài, còn phía trong toàn song sắt. Toàn khu trại giam chỉ có một cửa vào, người ta gọi đó là cửa Tử. Qua cửa này là hệ thống đường hầm.
Điều đặc biệt nhất của khám Chí Hòa là tất cả các lối di chuyển bên trong đều được thiết kế theo cung vị. Chính vì thế, người bình thường khi bước qua cửa Tử sẽ mất hết phương hướng, như lạc vào một mê cung trận đồ, không thể tìm thấy lối ra. Chính giữa hình bát giác là một sân rộng cũng được thiết kế theo hình bát quái đồ, với 8 khu hình tam giác chụm vào nhau.
Ngay tâm của bát quái trận đồ cũng có một đài phu nước như cột cao của hồ Con Rùa đã nói ở phần trên. Nhìn từ trên cao, đài phun nước này có hình dáng như một thanh gươm đâm thẳng xuống đất. Những giai thoại về khám Chí Hòa đều ghi lại vai trò mấu chốt của thanh gươm này và gọi tên nó là “tru tiên kiếm”.
Tru tiên kiếm trấn yểm khám Chí Hòa, khiến những tên tội phạm dù có xảo quyệt, tinh ranh đến đâu cũng không thể trốn được. Nếu tru tiên kiếm bị nhổ lên thì toàn bộ bát quái trận đồ được thiết kế công phu sẽ tự vỡ.
Chính lối kiến trúc áp dụng bát quái trận đồ nhuốm màu sắc huyền linh này mà người ta gọi lối vào duy nhất của khám Chí Hòa là cửa Tử. Nghĩa là đã vào rồi thì không có cách nào để nhận biết đường ra nếu không thông lý số, kinh dịch vốn là môn khoa học không phải bất kỳ ai cũng nghiên cứu và tiếp nhận được.
Người ta xem khám Chí Hòa là một bát quái trận đồ giữa lòng Sài Gòn, bởi lịch sử khám Chí Hòa chỉ có 2 trường hợp vượt ngục thành công. Một là của người tù cộng sản vào năm 1945, và hai là của tên giang hồ khét tiếng Phước “tám ngón” sau đó 50 năm.
Hiện tại, bát quái trận đồ đã bị san bằng một nóc nhà cũng bởi tính quá hoàn hảo của nó. Trước kia, các nhà nghiên cứu kinh dịch, lý số khi nhìn vào khám Chí Hòa đều lắc đầu bởi âm binh, chướng khí tại nơi này quá nặng. Vì những tù nhân chẳng may qua đời ở đây thì linh hồn bị bát quái trận đồ giam giữ, không tài nào thoát ra được.
Không biết thật giả ra sao, nhưng chính tổng thống Ngô Đình Diệm cũng tin vào điều này. Ông Diệm đã cho mời một thầy địa lý cao tay nhằm hóa giải một phần trận đồ. Và sau đó, nóc nhà khu GF của bát quái trận đồ vô cùng hoàn hảo đã bị san bằng. Thuận theo ý trời, lòng người, ngoài cửa Tử, cửa Sanh đã được mở để cho các linh hồn được bay đi và sớm siêu thoát.
Có thể những truyền thuyết, giai thoại nhuốm màu huyền linh, kỳ bí nhưng xét về khía cạnh khoa học ngày nay thì không có thật. Nhưng cũng phải thừa nhận, khám Chí Hòa là một bát quái trận đồ hoàn hảo, ở đó giống như một mê cung đồ khiến ta mất hết mọi khái niệm về phương hướng lẫn không gian và thời gian.
Theo Lý học phương Đông.org.vn/ Nguồn: Thế giới vô hình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét