Trang

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Tây Sơn Ngũ Phụng Thư

1. Bùi Thị Xuân

Bùi Thị Xuân người thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định.
Bà là con gái của Bùi Đắc Chí, gọi Bùi Đắc Tuyên bằng chú, Bùi Thị Nhạn bằng cô.
Thuở thiếu thời, Bùi Thị Xuân vừa xinh đẹp vừa dũng mãnh; nữ công khéo, chữ viết đẹp, nhưng thích "làm con trai" thích đi quyền, múa kiếm. Nghe kể chuyện bà Triệu, bà Trưng cõi voi đánh giặc, Bùi Thị Xuân náo nức muốn noi gương. Còn những chuyện Tô Tiểu Muội cùng chồng xướng họa, chuyện bà Mạnh Quang "cử án tề mi" thì Bùi Thị Xuân lại cho là nhảm nhí.
Lúc nhỏ, Bùi Thị Xuân đi học thường mặc quần áo con trai. Lớn lên bà tự chế các kiểu áo hiệp nữ trong sách mà mặc. Cha mẹ chiều con không nỡ trách cứ. Còn tiếng khen chê của người ngoài thì Bùi Thị Xuân không bận tâm.
Năm 12 tuổi, Bùi Thị Xuân đến trường học chữ. Một hôm bàn bè diễu cợt ra câu đối:
Ngoài trai trong gái, dưa cải dưa môn.
Có người đối:
- Đứng xuân ngồi thung, lá vông lá chóc.
Rồi đồng vỗ tay cười vang.
Bùi Thị Xuân cả thẹn, vung quyền đánh vào mặt hai người sanh sự rồi bỏ về nhà. Từ đấy thôi học văn, ở nhà chuyên học võ. Thầy dạy tên Ngô Mãnh, là ông của Ngô Văn Sở, được gia đình cho tạm trú trong vườn nhà. Cảm ơn sự giúp đỡ, võ sư Ngô Mãnh chăm dạy cô học trò thông minh. Được ba năm thì thầy mất, Bùi Thị Xuân phải tự rèn luyện. Một đêm nọ, bà đang tập luyện nơi sân nhà thì có một bà lão đến đứng coi. Bùi Thị Xuân niềm nở tiếp đón. Từ đó, đêm đêm bà lão đến dạy võ cho Bùi Thị Xuân. Dạy từ đầu hôm đến quá khuya thì bà lão lui gót. Không ai rõ lai lịch ra sao? Suốt ba năm trời, trừ những khi mưa gió, đêm nào bà lão cũng đến, cũng đi đúng giờ giấc. Dạy quyền, dạy song kiếm. Tập nhảy xa, nhảy cao, luyện công. Đêm học, ngày tập. Đến 18 tuổi thì tài nghệ đã điêu luyện.
Một hôm, bà lão đến, cầm tay Bùi Thị Xuân khóc và nói:
- Ta có duyên cùng con chỉ bấy nhiêu. Đêm nay ta đến từ biệt con.
Bùi Thị Xuân khóc theo và năn nỉ xin cho biết danh tánh và quê quán. Bà lão đáp:
- Ta ở gần đây. Trong ba hôm nữa con sẽ biết tin tức. Nhưng con phải giữ bí mật.
Nói rồi, vụt một cái nhảy thoắt vào bóng tối. Ba hôm sau, tại thôn An Vinh có một đám ma của một bà lão. Bà lão nhà nghèo, góa bụa, sống với vợ chồng người con gái làm nghề nông. Khi Bùi Thị Xuân được tin, tìm đến thì việc chôn cất đã xong. Biết đây chính là thầy của mình, nhưng nhớ lời thầy dặn, Bùi Thị Xuân chỉ điếu tang như một người thường. Về nhà, đợi đêm khuya vắng, thiết hương án nơi "vườn dạy võ" mà thành phục. Nhưng chỉ để tâm tang (đó là bà cao tổ của một võ sư trứ danh ở An Vinh, ông Hương mục Ngạc).
Một hôm tình cờ trông thấy người hầu gái dùng đôi đũa bếp múa kiếm một mình, Bùi Thị Xuân gạn hỏi thì được biết cô này hằng ngày trông thấy cô chủ mình luyện tập nên bắt chước tập theo lâu ngày thành quen. Từ ấy, Bùi Thị Xuân thu thập đệ tử. Chị em trong xóm ban đầu chỉ một vài người đến xin học, sau mỗi ngày một đông, không mấy lúc nhà họ Bùi thành một trường dạy võ. Võ sinh đủ các hạng tuổi, từ 15 đến 35. Có nhiều người đã có con, tay dắt tay bồng mà cũng đến xin học. Tài nghệ đã tinh mà cách đối xử, cách dạy dỗ lại đứng đắn nên Bùi Thị Xuân được chị em kính yêu, quý trọng. Trong số đệ tử xuất sắc có bà Bùi Thị Nhạn.
Một phú ông họ Đinh ở thôn Lai Nghi, để đền ơn dạy con gái, tặng Bùi Thị Xuân một con ngựa trắng toàn sắc mới tập kiệu, vóc to, sức mạnh, chạy hay. Bùi Thị Xuân tập ngựa trở thành một chiến mã chạy suốt buổi không đổ mồ hôi. Con ngựa này lúc bà ra phò vua Quang Trung ở Phú Xuân vẫn còn và bà thường cưỡi ra mặt trận. Cụ nghè Nguyễn Trọng Trì khi viết về bà đã ca tụng:
Bạch mã trì khu cổ chiến trường
Tướng quân bách chiến thanh uy dương
Một hôm, lên chợ Phú Phong, Bùi Thị Xuân thấy hai thớt voi đang đứng ăn chuối cây. Chung quanh người coi đông đảo, Bùi Thị Xuân chen vào đứng gần. Voi lấy vòi cạ lên vai, lên lưng có vẻ trìu mến. Bùi Thị Xuân xin cưỡi thử. Voi co một chân trước cho Bùi Thị Xuân leo ngồi lên cổ, rồi đi tới đi lui theo sự điều khiển của người cưỡi. Cưỡi hết thớt voi này đến thớt voi kia, Bùi Thị Xuân nhận thấy điều khiển voi còn có phần dễ hơn điều khiển ngựa. Từ ấy cái chí muốn làm bà Trưng bà Triệu lúc còn thơ trở lại nung nấu tâm hồn.
Ngày ngày lo luyện tập cho mình, cho chị em trong xóm trong làng. Tiếng đồn đi xa, các chị em ở các làng khác, huyện khác cũng tìm đến xin thụ giáo. Bùi Thị Xuân lòng mong muốn có tiền mua voi, mua ngựa cho chị em tập. Tuy gia đình thuộc hàng khá giả, lòng thương và chiều con cũng rộng nhưng ông bà họ Bùi không sao làm vui lòng con được.
Bùi Thị Xuân càng lớn lên càng xinh đẹp. Khách "rấp ranh bắn sẻ, ngấp nghé trông sao" ở gần có, ở xa có, ngày nào cũng có người đến xin, nhưng phần đông hễ thấy mặt Bùi Thị Xuân thì "run như run thần tử thấy long nhan" vì trong vẻ đẹp kiều diễm của bà lại chứa đầy vẻ uy nghiêm. Mắt ngước lên nhìn như đôi lằn điện chiếu. Vịnh Bùi Thị Xuân, cụ Nghè Trì có câu:
Hoàng hôn thành dốc bi già động
Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều
Những chàng trai nhát gan thì vừa đến sân đã vội lùi ra khỏi ngõ. Còn những chàng có ít nhiều đởm lược thì bước vào đến thềm. Nhưng mới bị hỏi sơ vài câu về võ, về văn thì lưỡi tự nhiên cứng lại.
Vì vậy mà cho đến 20 tuổi mà Bùi Thị Xuân vẫn "tay không, chân rồi". Thời xưa, con gái 17, 18 tuổi mà chưa có chồng thì cha mẹ rất lấy làm lo, nhà họ Bùi cũng thế. Một hôm, bà mẹ tỏ ý lo ngại cùng con, Bùi Thị Xuân cười:
- Bà Trưng có chồng chớ bà Triệu đâu có chồng. Nhưng ai dám cười chê?
Để giúp một phần về việc chiêu đãi các môn sinh, Bùi Thị Xuân thường đi săn thú như hươu, nai, heo rừng. Vùng truông gò Thuận Ninh là địa bàn săn bắn của Bùi Thị Xuân. Nơi đây bà quen được hai tráng sĩ: Lý Văn Bưu và Trần Quang Diệu.
Lý Văn Bưu dạy cho bà cách nuôi ngựa, rèn luyện ngựa chiến và huấn luyện ngựa trên các địa hình hiểm trở tại gò hoang, núi đá. Và luôn cả nghệ thuật tập voi.
Trần Quang Diệu thì nhờ Bùi Thị Xuân cứu nạn nên giới thiệu Bùi cùng anh em Tây Sơn. Và chính nhờ anh em Tây Sơn đứng làm mai mối cho hai người kết nghĩa vợ chồng.
Bùi Thị Xuân đã giúp nhà Tây Sơn trong thời gian gây dựng cơ sở, tổ chức huấn luyện tân binh. Song nhiệm vụ chính của bà là phụ tá Nguyễn Lữ tổ chức kinh tế và tài chính. Trong lĩnh vực này, có người phú nông Nguyễn Thung của thôn Thuận Nghĩa, ngay từ ngày đầu đã đem hết tài sản nhập vào ngân quỹ Tây Sơn, rồi tham gia đi làm kinh tế cho nghĩa quân.
Năm Quí Tị (1773), Nguyễn Nhạc khởi nghĩa, đem quân đánh thành Quy Nhơn. Bùi Thị Xuân được phong làm Đại Tổng lý cùng với Võ Đình Tú, Võ Xuân Hoài phụ tá dưới trướng Đại Tổng quản Nguyễn Huệ, quản lý tòan vùng Tây Sơn. Khi về với Tây Sơn, bà đem theo đoàn nữ binh tình nguyện theo đại nghĩa. Ở hậu cứ, bà phụ trách huấn luyện, tổ chức và sau này điều khiển 4 lữ đoàn nữ binh (một lữ gồm 5 tốt, tức 500 người). Trợ giúp cho việc huấn luyện có bốn nữ tướng thân cận của bà: Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc.
Đoàn nữ binh ngày ngày lo luyện tập võ nghệ, kỷ luật nghiêm minh, thưởng phạt công bình, nên không bao lâu đã thuần thục. Đứng xa nhìn chị em luyện tập thì chẳng khác nhìn cánh đồng hoa chập chờn vờn theo ngọn gió nồm. Nhưng nếu bước đến gần thì sát khí đằng đằng đến lạnh mình dựng tóc gáy.
Còn voi thì do đích thân bà Bùi Thị Xuân huấn luyện.
Nguyên trước khi về cộng tác với nhà Tây Sơn, Bùi Thị Xuân đã nhờ ở tài cao chí lớn và sự ủng hộ của phụ thân, nên đã tụ hội dưới trướng một số nữ quân. Được phụ thân cấp tiền, bà mua được hai con voi ngà tại vùng Tây Sơn thượng. Sau khi tập luyện thuần thục, bà thường cưỡi voi đi săn tại các khu Đồng Sim, Đồng Trăng, Thuận Ninh.
Một hôm đang cưỡi voi đi săn ở Đồng Sim, bà bỗng nghe tiếng voi kêu thét trầm thống đau thương. Bà bèn giục voi đi về hướng có tiếng voi kêu cầu cứu. Đến một vùng thung lũng, bên một khe suối nước bạc tuôn cuồn cuộn, Bùi Thị Xuân trông thấy một con voi trắng ngà dài đến hai thước đang bị một con trăn to lớn quấn chặt lấy bốn chân. Tiếng voi thét yếu dần lẫn trong tiếng thác nước ầm ầm. Lập tức Bùi Thị Xuân bắn ngay một mũi tên vào mắt con trăn. Đau quá, trăn bỏ bồi quăng mình tấn công vào Bùi Thị Xuân. Chỉ chờ có thế, Bùi Thị Xuân phóng ngay ngọn lao vào cái miệng há ra của trăn. Ngọn lao xuyên thấu suốt ra sau đầu và ghim chặt vào một gốc cây. Quá đau, con trăn đã quấn chặt lấy thân cây siết mạnh. Cây đổ, trăn duỗi mình ra chết. Con voi trắng đứng lên rồi quỳ gối gục đầu trước Bùi Thị Xuân. Vốn biết rõ đặc tính của voi, Bùi Thị Xuân hiểu là voi tỏ cử chỉ tạ ơn và thuần phục, nên bà vỗ lên đầu voi nói một cách thân ái.
- Bạch tượng, từ đây chúng ta sẽ trở thành bạn thân nhé?
Như hiểu biết tiếng người, voi trắng đưa vòi cạ vào vai Bùi Thị Xuân rồi đứng dậy vươn vòi thét lên mấy hồi vang xa khắp núi rừng. Từ phía xa, tiếng chân chạy rầm rập, cây rừng xào xạc, rồi một đàn voi xuất hiện chung quanh bạch tượng. Sau một tiếng thét dài của bạch tượng, đoàn voi đồng loạt quì xuống, co vòi như hành lễ bái kiến Bùi Thị Xuân. Trước cảnh tượng bầy voi rừng tạ ơn cứu tử cho chúa đoàn, lòng bà Bùi Thị Xuân ban đầu bỡ ngỡ sau đến vui mừng. Đàn voi theo bà về làng Xuân Hòa. Thế là bà có được một đàn voi trên mười con. Bà thường đem voi ra tập trận tại gò Xuân Hòa. Nhân đó, nhân dân địa phương gọi gò Xuân Hòa là gò Tập Voi.
Sau khi Tây Sơn khởi nghĩa, các sắc dân miền núi đem tặng nhiều thớt voi nữa thành ra càng ngày đàn voi càng nhiều. Sau do cống phẩm, chiến lợi phẩm, đàn voi có trên 100 con.
Quản tượng đa số là nữ binh chỉ có một vài nam binh điều khiển khi tập luyện. Khi luyện voi được thuần thục rồi thì không cần quản tượng nữa. Để điều khiển, bà thường dùng một ngọn cờ đỏ có cán dài. Khi bà chưa ra thao trường thì voi đi lại lộn xộn, lúc bà xuất hiện thì con voi đầu đàn vội chạy lại đứng nghiêm chỉnh trước mặt, chân trước co lên. Bà lẹ làng nhảy lên, chân điểm nhẹ trên đầu gối voi rồi tung mình vút lên lưng voi. Được vỗ nhẹ hai cái trên đầu, con voi đầu đàn rống lên một tiếng dài. Cả đàn răm rắp chạy đến xếp hàng ngay ngắn trước mặt voi đầu đàn. Bà dùng cờ phất ngang, dọc, trước sau để điều khiển đàn voi tiến tới, rẽ sang phải, sang trái, thối lui, nhịp nhàng đều đặn.
Tập voi đánh trận, ban đầu tập từng thớt một. Trên mỗi thớt có một nữ quản tượng, khi thuần thục rồi mới tập thành đoàn. Khi đó, nữ quản tượng nào đi kèm theo voi nấy. Hàng ngũ chỉnh tề rồi, các nữ quản tượng mình mặc áo quần gọn gàng, đầu chít khăn đỏ, theo lệnh phất cờ đồng một lượt nhảy vút lên mình voi. Nhanh, gọn và nhịp nhàng. Cờ hiệu được tung lên, khi nam khi bắc, lúc tả, lúc hữu. Đàn voi thân vóc to lớn trông nặng nề, song bước chân thật nhẹ nhàng lanh lẹ. Khí thế dũng mãnh như gió cuốn sóng dồn, nhưng thao trường lại im phăng phắc. Khách tham quan không nghe tiếng chỉ thấy hình: những hình ảnh sống động vừa mạnh mẽ vừa nhịp nhàng, nửa cổ kính, nửa tân kỳ. Các hình nhân bó bằng rơm, bện bằng lá cây hoặc bằng cây chuối được vòi voi cuộn lấy tung thẳng lên cao, rồi dùng chân chà đạp.
Cờ hiệu phất cao, buổi diễn tập chấm dứt, đoàn voi lại xếp hàng ngay ngắn và nữ quản tượng nhảy xuống voi cũng lẹ làng, nhịp nhàng với những nụ cười xinh tươi đắc ý.
Khi Nguyễn Nhạc chiếm được thành Quy Nhơn và truyền Nguyễn Huệ xuống Quy Nhơn để lo việc Nam chinh thì Bùi Thị Xuân ở lại phòng giữ Tây Sơn.
Năm 1778 Nguyễn Nhạc xưng đế, Bùi Thị Xuân rời Tây Sơn xuống Quy Nhơn, được phong làm Đại tướng quân, tự hiệu là Tây Sơn Nữ tướng, quản đốc mọi việc quân dân trong Hoàng thành và tuần sát vùng Tây Sơn.
Hạ tuần tháng 11 năm Giáp Thìn (1785), quân lực của nước Xiêm đem sang giúp Nguyễn Phúc Ánh rất mạnh, Trương Văn Đa liệu đánh không lại nên vừa cầm cự vừa gởi báo cáo về Quy Nhơn xin binh cứu viện.
Vua Thái Đức sai Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu đem đại quân vào tảo trừ. Bùi Thị Xuân xin tháp tùng cùng phu quân Trần Quang Diệu.
Trong trận Rạch Gầm, tướng Xiêm là Lục Cổn chỉ huy một đạo quân phối hợp với thủy quân hơn 3 vạn, nương theo dọc tả ngạn sông Tiền Giang tiến đến chiếm Mỹ Tho. Đoàn quân Xiêm bị phục binh tại Rạch Gầm. Khi chiến sự bùng nổ, Lục Cổn còn đang phân vân không biết tiến hay lui thì Bùi Thị Xuân xuất hiện. Oai phong trên lưng ngựa trắng, Bùi nữ tướng vung gươm chém giết quân Xiêm. Đường kiếm tuyệt luân loang loáng dưới ánh trăng. Ngựa tiến đến đâu, xác quân thù ngã lăn đến đấy. Tướng Lục Cổn trông thấy Bùi nữ tướng vừa oai hùng vừa tuyệt sắc nên đứng ngó sững sờ. Trông thấy tướng địch, Bùi nữ tướng vội giục Ngân câu phi thẳng đến. Ngựa trắng như một đường mây lao thẳng đến Lục Cổn. Bằng một đường kiếm tuyệt lung, Bùi nữ tướng đã chém bay đầu Lục Cổn trong khi tên này chưa kịp ra tay chống đỡ. Đầu giặc văng thật xa, rồi rơi dính lên ngọn cây cao. Quân giặc hết hồn, bỏ chạy tán loạn. Nhưng sau lưng có quân chận, tả hữu có quân đánh, nên chúng phải ùa nhau chạy về phía trước. Nhưng lại gặp dòng sông và rừng dừa nước, chúng xô nhau nhảy ào xuống sông, xuống sình. Hai vạn quân Xiêm, lớp bị đao kiếm, lớp vùi trong sình lầy, lớp trôi theo dòng nước, chết không còn một mống.
Năm 1786, sau khi dẹp yên chúa Trịnh ở Thăng Long, đánh đuổi chúa Nguyễn ra khỏi Gia Định, vua Thái Đức xưng là Trung Ương Hoàng Đế, phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, thống trị đất Thuận Hóa từ Hải Vân đến Hoàng Sơn. Bùi Thị Xuân cùng chồng là Trần Quang Diệu theo phụng sự Nguyễn Huệ. Bà được đặc trách trấn giữ nội thành. Bởi vậy, nên trong trận chiếm đánh tan 10 vạn quân Thanh, bà không được tham dự, vì phải ở lại giữ thành Thuận Hóa.
Sau khi bình xong phương Bắc, vua Quang Trung sai Trần Quang Diệu làm Đại Tổng trấn và chấp thuận cho bà Bùi Thị Xuân được phò tá chồng đi tảo trừ đồng bọn Lê Duy Chỉ, Hùng Phúc Tân và Huỳnh Văn Đồng cấu kết với thổ dân ở Vạn Tượng định đánh chiếm thành Nghệ An.
Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), hai vợ chồng Bùi, Trần chiếm được Trấn Ninh, bắt tù trưởng là Cheo Nam và Cheo Kiêu. Tháng 10 tấn công Vạn Tượng, tướng thủ thành bỏ trốn, quân Tây Sơn thu được vô số chiêng trống và vài chục thớt voi. Voi được nhập vào đàn voi của Bùi Thị Xuân.
Mùa xuân năm Tân Hợi (1791) Bùi Thị Xuân sang Ai Lao và đóng quân tại đây một thời gian. Trong thời gian này, bà đã tổ chức được nhiều buôn làng có nếp sống tương tự Việt Nam. Ví dụ như việc tổ chức hợp chợ là một. Người dân Ai Lao trước đây không hợp chợ. Việc buôn bán chỉ là đem đến ngay tại buôn làng trao đổi các sản vật hay vật dụng cần thiết để dùng. Bà Bùi Thị Xuân đã tổ chức được các điểm hội tụ của các buôn làng đem đến trao đổi nhau, thay vì phải đến từng nhà. Đó là một hình thức hợp chợ của Việt Nam. Hiện nay các khu chợ này vẫn còn tồn tại di tích. Và hiện vẫn còn một vài gia đình người Lào giữ được cách tổ chức "kinh tế vườn" của bà Bùi Thị Xuân khi bà đóng quân tại cánh đồng Chum, như nhà có rào chung quanh, có vườn rau, ao cá và nuôi gia cầm.
Chiến thắng xong, trở về Trần Quang Diệu ra trấn thủ Nghệ An, Bùi Thị Xuân ở lại Thuận Hóa giữ chức vụ trấn thủ nội thành. Uy danh hai vợ chồng Bùi tướng quân vang xa tới Gia Định. Nguyễn Phúc Ánh khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến uy danh.
Năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung băng hà, bà thọ mệnh phò tá ấu chúa, Quang Toản lên ngôi đến năm Quý Sửu (1793), cải nguyên là Cảnh Thịnh nguyên niên để quyền bính vào tay thái sư Bùi Đắc Tuyên, mầm nội loạn bắt đầu nảy sinh.
Năm Ất Mão (1795), Võ Văn Dũng từ Bắc Hà về Phú Xuân bắt Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ và Ngô Văn Sở đem dìm xuống sông Hương.
Năm Kỷ Mùi (1799), bị bọn gian thần Trần Văn Kỷ, Trần Viết Kiết, Hồ Công Diệu sàm tấu, Trần Quang Diệu kéo quân từ Quy Nhơn về Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh phải cầu cứu đến Bùi Thị Xuân.
Bùi nữ tướng đến gặp chồng. Vợ chồng bàn với nhau:
- Mối họa trong triều chỉ do bọn gian thần gây nên. Tận diệt bọn ấy thì mối giềng lập lại không đến nỗi khó.
Quang Diệu tâu xin vua diệt bọn Kỷ, Kiết, Diệu rồi mới kéo quân vào Nam.
Cuối tháng 4 năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Phúc Ánh kéo thủy binh ra đánh Phú Xuân. Quân Nguyễn vào cửa Tư Dung, tướng Tây Sơn là phò mã Nguyễn Văn Trị, em rể vua Cảnh Thịnh, đem quân ra Quy Sơn lập đồn chống cự. Tiền quân Nguyễn không tiến được. Lê Văn Duyệt và Lê Chất đem quân lén đánh tập hậu, lưỡng đầu thọ địch, Văn Trị không chống nổi, bỏ đồn thoát thân. Thủy binh nhà Nguyễn vào cửa Thuận An rồi kéo lên đánh thành Huế. Vua Cảnh Thịnh phải thân chinh chống địch. Tướng tài không còn ai, Bùi nữ tướng phải đem nữ binh và tượng binh theo hộ giá. Hai bên đánh nhau từ sáng đến trưa thì quân Tây Sơn tan rã. Bùi nữ tướng vừa chỉ huy nữ binh vừa điều khiển tượng binh, khi thủ khi công, tả xông hữu đột mới bảo vệ vua Cảnh Thịnh được an toàn. Nhưng liệu thế không trì thủ được nữa, nữ tướng bèn phò vua chạy vào thành.
Trong thành các đình thần võ cũng như văn đều đem gia đình bỏ trốn. Nữ tướng bèn thúc quân mở cửa hậu phò vua cùng thái hậu và cung quyến chạy ra Bắc. Lê Chất đem kỵ binh đuổi theo. Nữ tướng truyền nữ binh phò ngự giá đi trước, còn mình thì quay lại điều khiển trượng binh ngăn chặn quân truy kích.
Bầy voi lúc trước ở thành Phú Xuân vì lo bảo vệ vua nên chỉ giữ thế thủ, lúc này được dịp chiến đấu nên mặc sức tung hoành. Cả đàn thét lên vang dậy, rồi xông vào đoàn ngựa đang rầm rộ chạy đến. Trước đàn voi hung dữ, ngựa thất kinh lồng lên, hí vang trời, rồi quay mình bỏ chạy. Quân Nguyễn không đánh mà tan. Lê Chất vội quay ngựa chạy về thành Phú Xuân. Bùi nữ tướng cũng thu voi chạy theo ngự giá.
Ngày 5 tháng 5 năm Tân Dậu (1801), đoàn quân Cảnh Thịnh do Bùi nữ tướng hộ giá qua sông Linh Giang. Đến Thanh Hóa có Nguyễn Quang Thùy đón rước về Bắc Thành.
Hạ tuần tháng 5 năm ấy, Cảnh Thịnh đổi niên hiệu là Bửu Hưng. Tháng 11, nhà vua giao Bắc Thành cho hai em là Quang Thiệu và Quang Khanh, sai Nguyễn Quang Thùy vào trấn Nghệ An rồi đích thân kéo quân trấn xứ Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An. Non 3 vạn người đến Linh Giang, nữ tướng Bùi Thị Xuân đem 5.000 thủ hạ theo hộ giá.
Tháng giêng năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Quang Thùy và Tổng Quản Siêu được lệnh tiến quân lên đánh Trấn Ninh. Đô đốc Nguyễn Văn Kiên và Tư Lệ Tiết tiến đánh Đâu Mâu. Thiếu úy Đặng Văn Tất và Đô đốc Lực đem 100 chiến thuyền trấn ngang cửa sông Nhật Lệ. Trấn Ninh, Đâu Mâu, Nhật Lệ đều thuộc tỉnh Quảng Bình. Đó là ba căn cứ quân sự rất trọng yếu ở địa đầu trấn Thuận Hóa.
Núi Đâu Mâu ở phía Tây huyện Phong Lộc, tọa lạc tại xã Lê Kỳ, núi gò trùng điệp, cây cối sầm uất, đỉnh núi cao nhọn như mão đâu mâu; khí thế hùng vĩ, chân núi gối sông Nhật Lệ. Lũy Đâu Mâu do Chúa Nguyễn đắp để ngăn quân Trịnh, chạy dài dưới chân núi. Lũy Đâu Mâu đã kiên cố lại được phòng vệ nghiêm túc, đánh mãi không hạ nổi. Vua Bửu Hưng bèn tập trung tất cả binh mã tấn công Đâu Mâu. Quân trong lũy dùng súng đại bác bắn xuống và lấy đá lớn ném xuống chân thành. Quân Tây Sơn lớp chết, lớp bị thương rất nhiều. Vua Bửu Hưng hoảng sợ tỏ ý muốn rút chạy. Bùi nữ tướng lên tiếng can ngăn, xin cho được đích thân đốc chiến.
Nhận thấy tại những chỗ đặt súng thì không có đá lăn xuống và súng không thể bắn gần liên tiếp, nên Bùi nữ tướng bèn nhanh nhẹn nhảy vào chân thành, nơi không có đá ném xuống. Các nữ binh noi gương nữ tướng, đồng loạt nhảy vào chân thành, chuyền lên vai nhau làm thang leo lên mặt thành. Lính bắn súng bất ngờ bị tấn công vỡ chạy. Quân Tây Sơn đồng loạt dùng phương pháp "chuyền vai" xông lên mặt thành đánh xáp lá cà. Đánh từ sáng đến chiều, mồ hôi và máu ướt đầm áo giáp.
Trong bài Bùi phu nhân ca của cụ Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì có đoạn:
Xuân hàn lãnh khí như tiễn đao
Xuân phong suy huyết nhiễm chinh bào
Hoàng hôn thành đốc bi già động
Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều
Phu cổ trợ chiến Lương Hồng Ngọc
Mộc Lan tòng quân Hoàng Hà Khúc
Thùy quân cân quắc bất như nhân
Dĩ cổ phương kim tam đỉnh túc

Nghĩa là:
Khí xuân lạnh như khí lạnh nơi lưỡi đao bén thoát ra
Gió xuân thổi máu bay thấm đầm tấm chinh bào
Nơi gốc thành tiếng tù và lay động bóng hoàng hôn
Có người dung nhan kiều diễm như đóa hoa phù dung
Thật chẳng khác Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến cho ba quân
Và nàng Mộc Lan xông trận nơi sông Hoàng Hà.
Ai bảo khăn yếm không bằng người?
Từ xưa tới nay vững vàng thế ba chân vạc.
Đây là đoạn tả Bùi nữ tướng lúc đánh thành Đâu Mâu.
Thành sắp sửa chiếm được thì có tin thủy quân nơi cửa sông Nhật Lệ bị quân nhà Nguyễn đánh tan. Nguyễn Quang Toản hốt hoảng ra lệnh lui binh. Không sao cản được, Bùi nữ tướng phải mở đường máu để tháo quân. Đô đốc Kiên và Tư Lệ Tiết theo không kịp phải đầu hàng.
Vua Bửu Hưng chạy đến Linh Giang, tướng Nguyễn là Nguyễn Văn Trương chận đánh, quân Tây Sơn không còn sức chống cự, Bùi nữ tướng và nữ quân một phen nữa phải xông pha tên đạn để đưa Quang Toản sang sông.
Về đến Nghệ An, kẻ tùng giá không còn đến vài trăm. Bùi nữ tướng mình đầy thương tích, nhìn thấy đoàn nữ binh sống sót máu me đẫm áo thì lệ anh hùng khôn ngăn tuôn chảy.
Hợp cùng Quang Thùy ở Trấn Ninh rút về, vua Bửu Hưng rút binh về Bắc Hà. Nguyễn Văn Thân ở lại giữ Nghệ An. Bùi nữ tướng vì thương tích chưa lành nên xin được ở lại Nghệ An điều dưỡng.
Năm Giáp Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh xưng đế, niên hiệu Gia Long, kéo đại binh ra đánh Bắc Hà. Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng cùng tướng sĩ vượt núi từ Quy Nhơn trở về Nghệ An. Đến Hương Sơn thì bị đột kích và bị bắt. Bùi nữ tướng đang ở Diễn Châu hay tin liền đem nữ binh đi giải cứu. Đến Giáp Sơn thì giải cứu được Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng các tướng sĩ. Cả đoàn đưa nhau chạy về Bắc. Chạy về sông Thành Chương thì gặp quân nhà Nguyễn chận đánh. Quân Tây Sơn liều chết chống cự kịch liệt. Bùi nữ tướng và đoàn nữ binh xông vào đâu thì binh nhà Nguyễn rã đến đấy. Nhưng quân nhà Nguyễn quá đông, quân Tây Sơn lần lần thì bị yếu thế. Các tùy tướng lớp chết, lớp bị thương và bị bắt trở lại. Chỉ còn Bùi nữ tướng, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng thoát khỏi. Song Trần Quang Diệu hai chân bị sưng phù, kiệt sức đi không nổi nữa. Bùi nữ tướng vừa cõng chồng vừa mở đường máu thoát thân. Nhưng vì thương tích chưa lành, quân Nguyễn quá đông, nên hai vợ chồng Bùi, Trần đành phải sa cơ để giặc bắt được. Một mình Võ Văn Dũng thoát được, nhưng chạy đến Nông Cống (Thanh Hóa) thì cũng bị bắt. Cả ba bị đóng cũi giải về Nghệ An. Trên đường đi, Võ Văn Dũng phá cũi thoát thân. Bùi nữ tướng không nỡ bỏ chồng, nên ở lại cùng chết.
Tháng 7 năm Nhâm Thân (1802), tất cả các võ tướng nhà Tây Sơn bị bắt đều bị tử hình. Trần Quang Diệu bị lột da, các tướng khác bị voi chà, người bị trảm quyết. Riêng đối với Bùi Thị Xuân, Gia Long hình phạt khốc liệt, tàn nhẫn quán cổ kim.
Hằng năm vào ngày mồng sáu tháng mười một âm lịch, dòng họ Bùi tại thôn Xuân Hòa (thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) đều tổ chức một buổi cúng tế Bùi nữ tướng tại ngôi từ đường dòng họ. Buổi lễ tuy đơn giản, song rất trang nghiêm. Con cháu tụ hội về đông đủ, cơ quan chính quyền địa phương đều đến tham dự.
Ngôi từ đường dòng họ Bùi đã được tu sửa khang trang, quanh năm nghi ngút khói hương thờ kính.
2. Bùi Thị Nhạn
Bùi Thị Nhạn người thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là Tây Sơn), tỉnh Bình Định.
Bà là con gái út của Bùi Đắc Lương. Ông là một cự phú thôn Xuân Hòa. Ông Lương có ba người con trai là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung và Bùi Đắc Tuyên cùng hai cô con gái là Bùi Thị Loan, Bùi Thị Nhạn.
Vừa giỏi võ nghệ, vừa là con gái út nên được cha mẹ cưng chiều, Bùi Thị Nhạn rất chăm học văn lẫn võ. Bùi Thị Xuân, con của Bùi Đắc Chí, gọi Bùi Thị Nhạn bằng cô. Tuy vậy, hai người tuổi gần bằng nhau, nên rất thân thiết với nhau. Bùi Thị Xuân kèm cặp võ nghệ cho cô. Bùi Thị Nhạn tuy thân phận lớn hơn, nhưng tuổi lại kém hơn và sau này theo dưới trướng trong quân binh. Trong việc dạy võ nghệ, Bùi Thị Xuân rất nghiêm minh nên Bùi Thị Nhạn mau chóng trở thành nữ kiệt.
Tuy có võ, song tính tình Bùi Thị Nhạn rất nhu hòa. Bà khác với Xuân là luyện tập võ nghệ chỉ để phòng thân chứ không phải để làm nên nghiệp lớn. Nhiều kẻ anh tài đến cầu thân, song bà vẫn chưa vừa ý ai cả. Trong các vị anh hùng qua lại với Bùi Thị Xuân, bà Nhạn rất hợp ý với Nguyễn Huệ. Song Nguyễn Huệ đã có vợ là bà Phạm Thị Liên. Sau khi bà Phạm Thị Liên sinh được hai con là Nguyễn Quang Thùy và Nguyễn Quang Bàng thì bị bạo bệnh qua đời. Mãn tang vợ, Nguyễn Huệ mới kết duyên cùng Bùi Thị Nhạn. Trước đó, hai người đã quen nhau khi bà Nhạn cùng bà Bùi Thị Xuân phụ trách việc luyện quân và xây dựng kinh tế cho phong trào Tây Sơn. Nguyễn Huệ lại lại là Tổng chỉ huy quân đội hậu cần. Khi được lệnh bình Nam, Nguyễn Huệ mới giao hậu cần Tây Sơn lại cho Bùi Thị Xuân.
Sau khi kết duyên cùng Nguyễn Huệ, bà rời quân ngũ về chăm lo gia đình bên chồng. Bà sanh được ba trai và hai gái. Ba trai là Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu, Nguyễn Quang Khanh. Con gái gả cho phò mã Nguyễn Văn Trị.
Khi chưa xuất giá, bà phục vụ dưới trướng Bùi Thị Xuân, được nhân dân tôn tặng danh hiệu là Tây Sơn Ngũ Phụng Thư. Lúc vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế thì phong cho bà làm Chánh cung Hoàng hậu. Khi Quan Toản lên ngôi, bà được tôn làm Hoàng thái hậu.
Năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Phúc Ánh đánh Phú Xuân, khi vua Cảnh Thịnh và bà Bùi Thị Xuân kéo quân ra chống giặc, Bùi Thị Nhạn đã lên ngựa cầm gươm dẹp tan được những người hùa theo địch quân cướp phá kinh thành. Bà tổ chức lại các toán cấm vệ quân và sắp xếp hàng ngũ tùy tùng chuẩn bị theo vua Cảnh Thịnh ra Bắc, vì lúc bấy giờ các quan văn võ đều trốn biệt không người chỉ huy. Một toán người có võ trang định xông vào thành nội cướp giựt tài sản của triều đình, bà một mình đánh tan hết lũ giặc cướp. Sau đó, bà theo vua về Bắc Hà.
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh đem quân đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, rồi kéo quân ra Bắc Thành.
Lực lượng Bắc Thành lúc bấy giờ đã quá yếu. Bao nhiêu tinh binh, vua Cảnh Thịnh đã đem đi đánh Trấn Ninh, tân quân tuyển ở các trấn về, chưa tập luyện được thành thục nên vừa giáp trận đã rã rời. Đại Đô đốc Tuyết cùng vợ đưa vua về cung quyến qua sông Nhị Hà lên phía Bắc có Đô đốc Nguyễn Văn Tứ và Tư mã Nguyễn Quang Dung theo hộ giá.
Khi đến Xương Giang, đêm bị giặc vây, Đô đốc Tứ và Tư mã Dung tử trận. Hai vợ chồng Đô đốc Tuyết cùng với Bùi Thái Hậu tả xung hữu đột phá được vòng vây phò xa giá chạy được mươi dặm nữa thì Lê Chất đem quân đuổi kịp. Một trận thư hùng xảy ra. Đô đốc Tuyết tử trận. Trần phu nhân và Bùi Thái Hậu đâu lưng lại với nhau đánh tan nhiều cuộc tấn công của quân nhà Nguyễn. Sau cùng, sức người cạn kiệt, quân địch quá đông, hai bà đều bị bắt. Không để địch làm nhục, Trần phu nhân và Thái hậu Bùi Thị Nhạn dùng gươm tự sát. Đó là ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), trời đang nắng sáng bỗng vần vũ mây đen.
3. Trần Thị Lan
Trần Thị Lan người thôn Trường Định, huyện Tuy Viễn (Tây Sơn), con của võ sư Trần Kim Báu, cháu nội của danh sư Trần Kim Hùng. Trần Thị Lan cùng chị là Trần Thị Huệ, mẹ mất sớm, cha buồn bỏ đi giang hồ, nên hai chị em sống với ông bà nội Trần Kim Hùng.
Trần Thị Lan thích học tập võ nghệ, nên luôn luôn quấn quít theo ông nội.
Trần Thị Huệ lại thích nữ công gia chánh nên suốt ngày hầu hạ chuyện trò cùng bà nội.
Trần Kim Báu trên bước viễn du dừng lại huyện Quảng Phước, phủ Bình Khang (tức Vạn Ninh, Khánh Hòa) lập gia đình và sinh được một trai là Trần Kim Sư được hai năm thì mất. Lan và Huệ theo ông vào Quảng Phước thọ tang cha, lúc bấy giờ Huệ đã 17 tuổi, Lan chỉ mới 12 tuổi. Trên đường đi và về, Trần Thị Lan đã được ông nội chỉ dạy thêm về kinh nghiệm trên giang hồ. Trần Thị Lan được ông nội rèn luyện từ thuở mới lên năm. Tư chất thông minh, thân thể cường tráng, Trần Thị Lan nhờ chuyên luyện tập nên sớm nổi danh là một tiểu cô nương giỏi võ nghệ. Lan chẳng những võ nghệ tinh thông, kiếm pháp tinh nhuệ và thân pháp lại nhẹ nhàng linh hoạt, nên được ông nội đặt cho biệt hiệu là "Ngọc Yến". Ông cháu rất tương đắc, nên đi đâu ông cũng dẫn cháu theo một bên mình. Ngày ngao du, tối luyện tập võ công. Thời gian luyện tập không bao giờ lơi lỏng.
Trên đường từ Quảng Phước trở về, tại Gò Chàm, ba ông cháu gặp được Nguyễn Văn Tuyết và Trần Kim Hùng đã thu nhận làm đệ tử. Sau khi gởi hai cháu lại cho bà nội, hai thầy trò lại lên đường vân du.
Sau đó Trần Thị Huệ kết duyên cùng Nguyễn Nhạc, theo chồng lên ở tại Kiên Mỹ.
Nghe tiếng Bùi Thị Xuân võ nghệ cao cường. Trần Thị Lan lên thăm chị rồi tìm cách kết thân với Bùi Thị Xuân.
Buổi tương kiến ban đầu xảy ra trong buổi luyện tập võ nghệ giữa các đệ tử. Đó là một buổi luyện cưỡi ngựa bắn cung. Trên một vùng gò rộng rãi, toán nữ binh đang phi ngựa bắn vào hồng tâm các tấm bia cách đó chừng 30 thước. Cuộc tập dợt đang độ sôi nổi thì bỗng nhiên một con ngựa dở chứng lồng lên mang nữ kỵ sĩ chạy quanh võ trường. Dù tìm đủ mọi cách, người cưỡi ngựa không thể nào kìm nổi con ngựa chứng. Đột nhiên trong đám người đứng xem chạy vụt ra một bóng người áo trắng, nhẹ nhàng nhảy lên ngồi phía sau người kỵ mã, tay cướp lấy dây cương chân kẹp chắc vào bụng ngựa. Ngựa bỗng chồm hai chân trước, đứng thẳng lưng hòng hất hai người xuống đất nhưng dây cương đã siết chặt hông ngựa như bị kiềm sắt khóa cứng. Cuối cùng, ngựa cuồng đành phải ngoan ngoãn đứng yên.
Bùi Thị Xuân giục Ngân câu phi lại, đúng lúc nữ nhân áo trắng trao lại cương cho nữ kỵ mã và nhảy xuống đất. Cuộc tương kiến trong niềm vui cởi mở. Bùi Thị Xuân hớn hở cầm tay Trần Thị Lan đi thẳng về nhà. Chị em chuyện trò rất tâm đắc. Từ đó, Trần Thị Lan ở lại cùng Bùi Thị Xuân huấn luyện nữ binh.
Sáu năm sau, một hôm binh trại của Nguyễn Nhạc có một tráng sĩ cưỡi một con tuấn mã màu hồng đến xin nhập ngũ. Đó là Nguyễn Văn Tuyết.
Được trọng dụng, Nguyễn Văn Tuyết phục vụ dưới trướng Nguyễn Nhạc và có dịp gặp lại cô cháu của sư phụ. Mối lương duyên được kết nên từ đó. Tuy có chồng, song Trần Thị Lan vẫn hoạt động dưới trướng Bùi Thị Xuân. Bà được đứng trong hàng ngũ Tây Sơn Ngũ Phụng Thư.
Khi Nguyễn Văn Tuyết được phong Đại Đô đốc, đi ra Bắc đánh Thăng Long thắng trận thì bà Trần Thị Lan ra sống cùng chồng tại Bắc Thành.
Năm Mậu Thân (1788), quân Thanh sang đánh nước ta, bà Trần đã theo chồng chinh chiến.
Tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), bà Trần đã theo đoàn quân của chồng tấn công quân Thanh đóng ở Hải Dương. Giặc Tàu lớp bị tiêu diệt, lớp đạp lên nhau mà chạy. Bà Trần Thị Lan sau chiến trận, máu quân thù ướt đẫm khắp người. Diệt xong quân Thanh, vợ chồng Trần, Nguyễn theo vua Quang Trung về Thuận Hóa.
Vua Quang Trung mất, ông bà phò vua Cảnh Thịnh cùng với bà Bùi Thị Xuân lo việc trấn thủ thành Phú Xuân. Sau này vợ chồng được ra Thăng Long, phụ trách việc tuần phòng. Khi quân Nguyễn Phúc Ánh rầm rộ tiến vào Thăng Long quan quân phần đông bỏ trốn. Đại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cùng phu nhân là bà Trần Thị Lan đưa vua Bửu Hưng cùng cung quyến sang sông Nhị Hà lên vùng phía Bắc. Đến Xương Giang bị vây đánh, Đại Đô đốc Tuyết ở lại ngăn giặc để Trần Thị Lan phò ngự giá chạy trước. Đô đốc Tuyết tử trận, giặc đuổi theo kịp. Trần Thị Lan một mình tả xông hữu đột. Bùi Thái Hậu cũng tham gia trận chiến. Quân Gia Long ỷ đông ùa vào đao gươm loạn đả. Nhẹ nhàng như cánh bướm vờn hoa, Trần Thị Lan qua lại giữa đám ba quân như vào chỗ không người.
Cuối cùng, địch quân quá đông và sức lực hai bà càng lúc càng yếu. Rồi cả đoàn bị bắt. Để giữ vẹn tấm thân trung nghĩa, Trần Thị Lan đã cùng Thái hậu Bùi Thị Nhạn dùng gươm tuẫn tiết.
4-5. Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc
Hai nữ tướng Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc vốn người tỉnh Quảng Ngãi, song vì gia nhập vào phong trào Tây Sơn lập được nhiều thành tích nên được ghép vào hàng ngũ "Tây Sơn Ngũ Phụng Thư".
Nguyễn Thị Dung là em ruột của Huỳnh Văn Thuận là người đồng hương và bạn thân với Nguyễn Văn Xuân.
Hai ông là người có tài văn học, nghe tiếng thầy Trương Văn Hiến nên rủ nhau đem theo em gái vào An Thái xin thọ giáo.
Sau khi diện kiến, hai ông được thầy giáo Hiến thu nhận làm môn sinh. Riêng hai cô gái thì vì môn qui không nhận dạy nữ môn sinh, nên thầy giáo Hiến từ chối. Tuy nhiên, nhìn tướng mạo hai cô gái, biết là bậc cân quắc anh hùng, nên giáo Hiến viết thư giới thiệu cùng Bùi Thị Xuân. Được tiếp đón niềm nở và đối xử thân tình, nên hai bà Dung, Cúc yên tâm học tập và cùng với bà Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan kết làm chị em, tôn bà Bùi Thị Xuân vừa lớn tuổi vừa tài đức hơn trội làm chị cả. Nhân dân xưng tụng năm bà là Tây Sơn Ngũ Phụng Thư.
Kể từ đấy, hai bà Dung, Cúc đã nhập vào phong trào Tây Sơn và xem Bình Định là quê hương thứ hai của mình.
Nguyễn Thị Dung, người khỏe mạnh, rất ham mê cưỡi ngựa múa đao, làm tì tướng cho Bùi Thị Xuân, bà đã giúp rất nhiều công trong việc huấn luyện nữ binh. Bà kết duyên cùng một danh tướng Tây Sơn là Trương Đăng Đồ, người làng Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Đồ là chú ruột của Trương Đăng Quế, một danh tài văn võ kiêm toàn của triều Nguyễn sau này. Tướng Đăng Đồ lập được nhiều công lớn, được vua Quang Trung phong tước Tú Đức Hầu, chức Đô đốc. Bà Nguyễn Thị Dung luôn luôn theo sát bên chồng, lúc thì xông pha trận mạc, khi thì rèn luyện binh sĩ, đôn đốc việc canh tuần.
Năm Nhâm Tuất (1802), hai vợ chồng Tú Đức Hầu theo Nguyễn Quang Thùy lên đánh Trấn Ninh. Thành Trấn Ninh được phòng giữ nghiêm ngặt, nên đánh mãi không hạ được. Sau khi nghe tin đại binh ở Đâu Mâu rút lui, Nguyễn Quang Thùy cùng vợ chồng Trương tướng quân theo đường núi về Nghệ An rồi ra Bắc.
Khi quân nhà Nguyễn tràn ra Thăng Long, vua Bửu Hưng chạy về phía Bắc để thành Thăng Long lại cho Nguyễn Quang Thùy và vợ chồng Tú Đức Hầu chống giữ. Sau vài trận giao tranh, biết thế không chống nỗi, bà Nguyễn Thị Dung cùng chồng mở đường máu hộ giá Nguyễn Quang Thùy chạy về ngả Sơn Tây. Mục đích để nhử giặc chạy theo hướng này mà không đuổi theo xa giá vua Bửu Hưng.
Lên đến Sơn Tây thì nghe tin vua Bửu Hưng bị bắt. Thế cùng, binh tận, sau một trận chiến oai hùng cả ba đều bị bắt. Nguyễn Quang Thùy đập đầu tuẫn tiết. Hai vợ chồng Tú Đức Hầu cũng rút gươm tự sát.
Huỳnh Thị Cúc người mảnh mai. Tuy không nhan sắc nhưng dịu dàng nết na. Ra ngoài đường như một thôn nữ hiền lành không ai biết là một nữ hiệp tài ba. Bà được Bùi Thị Xuân đặc biệt mến yêu, xem như là em út ruột thịt. Bà được chân truyền môn song kiếm và cưỡi ngựa không yên cương, chỉ dùng hai chân điều khiển. Luôn luôn ở cạnh chị, Huỳnh Thị Cúc nhất định không lấy chồng, mặc dù có nhiều danh tướng Tây Sơn đã từng nhờ Bùi nữ tướng làm mai mối. Ngoài việc giúp chị huấn luyện nữ binh, Huỳnh Thị Cúc phụ trách luôn việc văn phòng hành chánh dưới trướng Bùi Thị Xuân, khi Bùi nữ tướng về quản trấn thị thành. Huỳnh Thị Cúc cũng đã từng theo chị đi bình Xiêm La và đánh Lào.
Trong trận chiến công phá Đâu Mâu, nữ tướng họ Huỳnh đã sát cánh cùng Bùi nữ tướng hợp lực chiến đấu khi công thành. Khi Bùi nữ tướng vượt được lên thành thì bên cạnh đã có Huỳnh Thị Cúc. Bà luôn luôn che chở phía sau cho Bùi nữ tướng bảo giá vua Cảnh Thịnh qua sông. Quân địch bị Huỳnh Thị Cúc ngăn chặn dồn lại bên bờ Linh Giang. Các nữ binh đã một lòng với chủ tướng, nên trận chiến kéo dài qua một đêm.
Sáng hôm sau, Huỳnh Thị Cúc cùng mươi nữ binh còn sống sót, áo ướt đẫm máu về đến thành Nghệ An. Vừa trông thấy Bùi nữ tướng, Huỳnh Thị Cúc vội chạy đến ngã vào lòng chị. Bùi nữ tướng ôm lấy em. Huỳnh Thị Cúc nhìn chị lần cuối cùng rồi tắt thở.
Võ nhân Bình Định – Quách Tấn, Quách Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét