Trang

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Phú Thiện: Chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản

 Huyện Phú Thiện Gia Lai có 370ha ao trong đó có 96,8ha ao được cấp nước từ công trình Ayun Hạ, còn lại 273,2 ha ao nước tự sinh thủy giống như hồ chứa nước Tơ Nưng (Biển hồ A) thành phố Pleiku....có lẽ vì vậy mà năng suất thủy sản rất cao giá thành sản xuất hạ kinh doanh hiệu quả hơn các huyện khác trong tỉnh...
(GLO)- Công trình thủy lợi Ayun Hạ không chỉ góp phần cung cấp nước tưới cho hơn 6.000 ha lúa nước 2 vụ mà còn là điều kiện hết sức thuận lợi để huyện Phú Thiện phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Xã Chrôh Pơnan là địa phương có diện tích mặt nước tương đối lớn của huyện Phú Thiện, là điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Do đó, những năm qua, qua công tác tuyên truyền, định hướng, người dân địa phương đã mạnh dạng chuyển đổi dần diện tích lúa cho năng suất kém sang nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, xã Chrôh Pơnan có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 32 ha, tập trung nhiều tại các thôn như: Yên Phú 1A, 1B, 2B, Bôn Sô Ma Biơng…
 
Huyện Phú Thiện có nguồn lợi thủy sản khá dồi dào từ Công trình thủy lợi Ayun Hạ. Ảnh: Q.T
Huyện Phú Thiện có nguồn lợi thủy sản khá dồi dào từ Công trình thủy lợi Ayun Hạ. Ảnh: Q.T
Gia đình ông Lê Văn Chương, thôn Yên Phú 1B, xã Chroh Pơnan là một trong những hộ dân có diện tích ao nuôi cá lớn trên địa bàn xã. Nhờ chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại vườn nên cá lớn nhanh, với diện tích ao nuôi cá khoảng 7 sào, hàng năm thu hoạch 2 đợt với hơn 5 tấn cá các loại như cá trê, rô phi, trắm, trôi… sau khi trừ các chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình ông lãi được trên 150 triệu đồng. Ông Lê Văn Chương chia sẽ: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa nước hai vụ vừa tốn nhiều công sức nhưng lợi nhuận chẳn được bao nhiêu, từ khi chuyển sang nuôi cá thì thu nhập của gia đình tôi cải thiện đáng kể, cao hơn 60% đến 70% so với trồng lúa”.

Ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch UBND xã Chrôh Pơnan, cho biết: “Ngoài canh tác lúa và các cây trồng truyền thống thì hoạt động nuôi trồng thủy sản đã góp phần đáng kể trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Để nâng cao giá trị hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thì thời gian qua, chúng tôi cũng khuyến khích người dân tìm kiếm các giống vật nuôi phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của địa phương cũng như làm việc với các ngành chức năng thuộc huyện để khảo nghiệm, triển khai các mô hình nuôi các giống thủy sản có giá trị, phù hợp với tập quán nuôi trồng của nhân dân địa phương”.

Xã Ia Peng cũng là địa phương đi đầu trong việc phát huy mạnh mẽ lợi thế nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, nhất là trong việc áp dụng các thành tựu mới về giống và kỹ thuật canh tác đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu có mô hình nuôi cá rô phi đầu vuông, cá rô phi đơn tính, mô hình nuôi cá thát lát cườm sinh sản… Đặc biệt, xã đã thành lập được Tổ hợp tác xã nuôi trồng thủy sản xã Ia Peng với 10 hội viên tham gia, có tổng diện tích nuôi trồng 12 ha, hàng năm cung cấp cho thị trường hơn 10 tấn cá và khoảng 1 tấn cá giống.
 
Ông Trần Văn Xô, thôn Hồng Hà, xã Ia Peng, cho biết: “Qua tìm hiểu trên các phương tiên thông tin đại chúng thì gia đình tôi triển khai mô hình nuôi cá thát lát cườm sinh sản, trải qua nhiều khó khăn, thất bại, đến nay gia đình tôi đã làm chủ quy trình kỹ thuật, đảm bảo khâu chăm sóc để cung ứng cá giống có chất lượng cho thị trường. Hàng năm, gia đình tôi cung cấp cho thị trường từ 4 đến 5 ngàn con cá giống, đem lại thu nhập khá cao, nhờ đó kinh tế của gia đình ngày càng ổn định ổn định”.

Không chỉ biết đến là một trong những huyện có thế mạnh về canh tác cây lúa nước, huyện Phú Thiện còn được biết đến với trữ lượng thủy sản dồi dào nhờ hoạt động nuôi trồng và khai thác của nhân dân. Đến nay, toàn huyện có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 370 ha, tập trung nhiều nhất tại xã Ayun Hạ, Ia Peng, Chrôh Pơnan, cùng với công trình thủy lợi Ayun Hạ có diện tích gần 40 km2 được coi như là vựa cá của khu vực Đông Nam. Hàng năm, huyện Phú Thiện cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện trên 810 tấn thủy sản các loại, hơn 5 tấn cá giống.

Ông Nguyễn Hữu Khóa-Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện cho biết: “Bên cạnh khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất thì thời gian qua, huyện đã chú trọng triển khai chuyển giao việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc nuôi trồng thủy sản cho người dân. Tiêu biểu, huyện đã triển khai nhiều mô hình nuôi cá thí điểm như mô hình nuôi cá rô phí đầu vuông, cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng… bước đầu các mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh nhân rộng các mô hình cho hiệu hiệu quả cao, cũng như tìm kiếm các loại thủy sản phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để đưa vào nuôi trồng đại trà”.
Quang Tấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét