Trang

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Những bài thơ hay về xứ Nghệ

"Ai ơi cà xứ Nghệ,
Càng mặn lại càng giòn
Nước chè xanh xứ Nghệ
Càng chát lại càng ngon...
Khoai lang vàng xứ Nghệ
Càng nhai kĩ càng bùi
Cam xã Đoài xứ Nghệ
Càng chín lại càng tươi...
Ông đồ xưa xứ Nghệ
Càng dạy chữ càng nhiều
Tính tình người xứ Nghệ
Càng biết lại càng yêu...

                 *   *
Ai ơi vô nơi đây
Xin dừng chân xứ Nghệ
Ai ơi qua nơi này
Xin dừng chân xứ Nghệ...
Ăn xứ Nghệ ăn đậm
Đã nói, nói hết lòng
Đất này bền nghĩa bạn
Đất này tình thủy chung...
Tình xứ Nghệ không mau
Nhưng bén rồi sâu lắng
Quen xứ Nghệ quen lâu
Càng tình sâu nghĩa nặng”...

Nghệ an choa miền trung lắm gió
Có cửa lò biển hát quanh năm
Cùng quê Bác xứ sở nước tương
Với thanh chương, nhút mặn chua cà
Bà già con trẻ có ngôn ngữ riêng
Đứa mô chưa ghé một lần
Ráng học cho kỹ điển từ sau đây
Con trâu thì gọi là tru
Con giun thì gọi là trùn đó nha
Con gà thì gọi con ga
Còn con cá quả gọi ra cá tràu
Con sâu lại gọi là trâu
Bồ câu thì gọi cu cu đó nà
Con ruồi lại gọi là ròi
Con troi thì gọi con giòi nhớ chưa
Con bê còn gọi là con me
Con mọi là muỗi khi nghe đừng cười
Mà cười là choa chửi thẳng tưng
Trốc cha mi khái cạp là đầu bố mày hổ tha
Mả cha là ngôi mộ của ba
Mải thằng cha mi xéo là thằng bố mày cút đi
Muốn yêu gái nghệ phải biết chuyên cần
Học nhiều từ ngữ âm vần nghe chưa
Con người thì gọi con ngài
Cơn – cây, nước – nác, sân – cươi, đường - đàng
Chủi – chổi, đọi – bát, mươn – bàn
Nhởi – chơi, lười – nhác, mần – làm đó nghe
Khủy chân thì gọi lắc lè
Còn từ ni nữa nói nghe cùng rầy(ngượng)
Mà có nói thì bây mới biết
Hun là hôn đó, nhơ ghi cho kỹ kẻo rồi lỗ to
Nếu yêu người của mảnh đất gió lào
Thì nên chịu khó học từ nhiều mà cưa(tán)
Nhưng học ri vẫn chưa ăn thua
Vì từ ngài (người) nghệ còn lưa (còn) rất nhiều

 
Bắt Đầu Yêu
Ơ chú ni răng lạ rứa
Răng chú cứ nhìn tui
Chú cứ nhìn tui hoài
Làm cho tui thẹn lắm
Toàn những lời chi chi
Thôi chú đừng nói nữa
Tui có biết chi mô
Răng chú ni hay rứa?
Làm cho tui mất ngủ
Mai không học được bài
Lại còn rủ đi chơi
Hai người đi mới chết
Thôi thôi , tui xin chú
Tha cho tui được nhờ
Rồi một hôm chú đến
Nói với cha mẹ tui
Xin cho tui đi chơi
Eo ơi nói như thật
Tui không đi mô cả
Tui có biết chi mô
Hôm sau chú lại đến
Rủ tôi đi bằng được
Ừ thì cứ thử đi
Đời sợ cái **** chi
Vì tui là con nít
Chú đưa tui đi chơi
Nơi công viên tuổi trẻ
Hai người ngồi gần nhau
Chú nói to nói nhỏ
Chú quàng tay quàng vai
Kéo đầu tui hỏi nhỏ
Tui tưởng chú cho quà
Ai ngờ anh yêu em
Rồi hôn tui đắm đuối
Tui ngồi yên chấp nhận
Vì hôn cũng hay hay
Làm cho tui ngất ngây
Trong men say tinh ái
Rứa là từ hôm đó
Tui cứ muốn chú sang
Tặng quà tui như rứa
Nếu vắng chú một ngày
Là tui nhớ tui thương
Và cũng từ hôm đó
Tui đã nói " YÊU ANH.........."
Sưu Tâm


Tau ở nhà tau tau nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi nhủ"răng không đến?"
Đến mi lại nhủ "đến mần chi"?
Mần chi tau đến mần chi được?
Mần được thì tau đã mần chi


Tau ở bên ni tau nhớ mi
Nhớ mi bên nớ nhớ lạ ri
Ngái ngôi chi mô mà nỏ chộ
Răng rứa?Tủi tau trách mần chi.


Tau ở lộ mô nỏ nhớ mi
Mà chừ ngái quá biết mần chi
Bọ chui vô net tìm mi đó
Sáp mặt đây rồi vui cách chi.


Bọ chui vô net tìm khi mô?
Có gửi tau cá gộ kho khô?
Mà dừ trốc cúi còn hay dức
Chộ mi nhớ rưa,học hết vô?


Mi chộ thăng mô học hết vô?
Hấn ngài cao thấp ,ở chổ mô?
Nhơ tau ,ba lap ! đừng nói trạng
Biết tỏng mi rồi ô hô hô...


Bà trợn bà trạo! mi nói răng
Ngái ngôi cách nớ biết mần răng
Nỏ chi cũng nói tau ba láp
Ngoài đàng ngài cười: 2 cái răng


Quê choa rứa đó vui ả hầy
Choa cư bốp chát kệ cha bây
Ả em ngái ngôi chừ xáp mặt
Bên nớ ,bên ni họp sum vầy


Cha tổ mi hè vui quá ta
Tau mần thơ mãi mà không ra
Đọc thơ mi post cười bể bụng
Thôi choa về choa tắm ao choa


Ao choa tắm mặc kệ choa
Bây lang thang mãi tìm không ra
Bây ăn bơ sứa răng nhớ được
Cơm chan rau muống có cả cà


Cà thì có cuộng cá có đuôi
thân thương dọng nghệ lắm ai ơi
Đi mô cũng nhớ về đất nghệ
Mắt chớp rưng rưng ,miệng mỉn cười

 
 
 
Mời em về xứ nghệ quê anh
Thăm dòng lam rọi bóng núi hồng
Về để nhìn mênh mông đồng ruộng
Xanh rì rào ngọn lúa trổ bông

Mời em về xứ nghệ quê anh
Để được nghe mô, tê, răng, rứa
Cùng anh đi bẫy chim trưa hạ
Con gió lào thổi rát cả hàng me

Mời em về xứ nghệ một lần
Đến Cửa Lò biển xanh dịu mát
Thông nhẹ nhàng ru theo bờ cát
Đùa với gió như hát lời yêu

Sóng dịu dàng ôm chân bé nhỏ
Biển ghen thầm kéo sóng ra xa
Ru chiều vào nhẹ nhàng êm ả
Dang rộng tay ôm cả bầu trời

Về làm dâu xứ nghệ đi em
Để nghe câu: Gừng cay muối mặn
Đất thành Vinh quê anh chất phác
Đón con dâu dịu hiền là em

Về xứ Nghệ ân tình sẽ nhớ
Người xứ nghệ lầm lũ bao năm
Đất thành Vinh anh hùng ngày ấy
Trống 30 vẫn dậy trong tim

Thăm Núi Quyết ngàn năm anh hùng
Vua Quang Trung một thời dựng nước
Quảng trường lớn mang tên vĩ đại
Hồ Chí Minh sống mãi cùng non sông

Về quê anh đồng xanh lúa mát
Đất Đô lương dào dạt chè xanh
Thăm Thanh Chương thăm đền Võ Liệt
Nếm nhút nhà mặn mà tình anh

Anh sẽ đưa em về quê Bác
Ngắm sen hồng nở rộ hạ sang
Em ngỡ ngàng một hương vị lạ
Tương Nam Đàn xa nhớ gần mong

Về Yên Thành mình ăn thịt chuột
Đừng sợ nha ngon tuyệt nhất đời
Rời Yên Thành qua thăm Nghi Lộc
Cam xã Đoài nước ngọt em ơi
....................
Về quê anh đi nhé bé ơi
Mời em về thăm rồi nhớ mãi
Đất anh hùng người dân mộc mạc
Chào đón em cô dâu mới về nhà


Có lẽ em chê câu:"Gừng cay muối mặn"
Không chịu về thăm dòng Lam giang
Hay em chê anh mô tê răng rứa
Giọng khó nghe câu nói vụng về

Hay em chê quê anh chất phác
Người dân cày lam lũ một câu thơ
Em không về gió lào buồn ngẩn ngơ
Trưa nắng hạ thổi rạo rạc hàng me

Hay là vì Thanh chương Nhút mặn
Tương Nam đàn mang vị quê hương anh
Cũng có thể Chè Đô lương quá chát
Bánh đa dày ăn vào khát nước thay

Cửa lò buồn biển vào thu se lạnh
Hàng thông buồn rơi lệ trong mưa Thu
Bãi cát dài để yến con sóng kéo
Em không về Biển thơ thẩn làm thơ

Hay em chê phà Bến thủy mộng mơ
Soi bóng mình dòng Lam cũng ngừng chảy
Hay là vì Thành Vinh nắng cháy
Con phố nhỏ chẳng làm mát lòng em

Nếu là vì gió Lào thì em nhé
Anh sẽ làm tường chắn dãy trường sơn
Hay là vì Thu buồn lặng lẽ
Anh sẽ gọi xuân về nhanh hơn

Về xứ Nghệ quê anh em nhé
Câu ân tình vẫn nặng cả giang sơn
Đất Thành Vinh vẫn nặng nỗi nhớ
Chờ em về Anh thỏa ước mơ 

Nghệ An đích thị quê choa
Người người chắc nịch,làn da đen sì.
Nói về việc học hành thì
Dân choa vô đối so bì mần chi?
Sĩ tử lều chõng đi thi
Không về giải nhất cũng nhì hoặc ba (hê hê)
Ta đây không phải ba hoa
Vì ta vốn tình thật thà dân quê
"Kia" thì choa nói là "tê"
Con me đích thị con bê bêy hềy!!
Dân choa cụng nỏ bít rầy (đúng nà)
Nhưng kô có tính cù nhầy dây dưa
Tính tình chỉ nắng không mưa (nóng tính mừ)
Có chi nói thằng khó vừa lòng ai (cộc cằn mừ)
Quê choa rành lắm người tài
Thông minh cộng với miệt mài mà nên  
À,choa phải nói thêm
Nghệ An choa vốn "búa liềm công nông" (Xô viết Nghệ Tĩnh đấy ạ)
Đập thì chỉ đập hội đồng
Chưa ăn vài đấm đừng mong mà về (đấm là còn nhẹ đơ)

Về Làm Dâu Thanh Chương

Em có muốn cùng anh về Thanh Chương?
Về với mảnh đất nghèo chỉ giàu gió nắng.
Và anh đây chỉ có tấm chân tình sâu nặng.
Cũng đặm đà như vị nhút quê hương

Em có muốn cùng anh về Thanh Chương?
Sánh bước bên anh trên con đường quê mẹ.
Xem ruộng lúa, làng quê qua những gì anh kể.
Nơi đó máu thịt anh rồi nhưng sẽ thuộc về em

Nếu em muốn cùng anh về Thanh Chương.
Hãy vững tin lên em nhé.
Mùa này quê anh đất khô cằn nứt nẻ.
"Gió lào bào mòn thổi rạc cả bờ tre"

Nếu yêu anh mà em muốn cùng về.
"Mà em nỏ chê quê anh nghèo đói
Mà em nỏ chê đường về quê anh xa ngái"
Thì anh sẽ đưa em chốn ấy ngày mai
Bạn bè, mẹ cha anh vẫn mong đợi em hoài

Anh chưa rảnh đưa em về xứ Nghệ
Để uống nước sông Lam và nghe mệ chuyện trò
Thăm mảnh đất đã đi vào lịch sử
Với Đền Trìa, Bến Thủy, Cồn Mô...

Dẫu ngày xưa có thể khác bây giờ
Nhưng chất Nghệ anh tin là vẫn chảy
Trong huyết quản mỗi người quê anh đấy
Sống nơi nào cũng muối mặn, gừng cay

Giọt mồ hôi trước khi chạm luống cày
Gió Lào thổi đã vơi ngay một nửa
Nắng thản nhiên mà sao hòn gạch vỡ
Khi xa rồi càng thêm nhớ thêm thương

Em về Vinh hay đến Đô Lương
Qua Hưng Nguyên hay Thanh Chương, Nghi Lộc
Ở đâu cũng kiên cường bất khuất
Bởi anh hùng từ chân đất đứng lên

Mình sẽ về quê Bác Làng Sen
Để thêm hiểu trái tim Hồ Chủ Tịch
Trong cát nóng hay mùa đông giá rét
Nhận ra mình yêu tha thiết quê hương!

Xứ Nghệ 
Chập chờn ngủ vẫn nhận ra xứ Nghệ
Tiếng xe lăn khó nhọc dọc miền đồi
Trong hơi gió nghe mặn mòi muối biển
Bụi con đường đất đỏ, thấm mồ hôi

Nơi cây cỏ cũng cỗi cằn, khắc khổ
Tựa vai vào vách núi đỡ thiên tai
Mặt gió nóng,lưng đã là bão lụt
Cơm độn khoai đắp đổi tháng năm dài

Tiếng mộc mạc nhận ra người xứ Nghệ
Đi muôn nơi, giọng nói vẫn quê nhà
Bền chí lớn, chịu nhọc nhằn lam lũ
Trên đất nghèo mơ sải cánh bay xa

Sống tằn tiện, chắt chiu từng hạt muối
Cần hy sinh, hiến hết cả gia tài
Người xứ Nghệ rạch ròi yêu với ghét
Đã hứa rồi, chẳng một chút đơn sai

Đi tìm nhận đồng hương trên đất khách
Cứ ngỡ như gặp bạn cũ lâu ngày
Một bát gạo cũng sẵn lòng san sẻ
Chim thêm đàn, tay nối những bàn tay

Thật kỳ lạ, mảnh đất cằn xứ Nghệ
Mỗi cổng làng thành trang sử biên niên
Nơi đòn gánh gồng hai đầu đất nước
Nơi sinh ra những hào kiệt, thánh hiền.

Nỗi Niềm Người Xứ Nghệ

Xứ Nghệ quê tôi - mảnh đất khô cằn
Đến giọng nói nghe cũng nhọc nhằn đến lạ
Gió lào thổi xác xơ ngày mùa hạ
Mùa đông dầm dề, mưa rả rích kéo lê thê
Bao lớp người đã xa mảnh đất quê
Nhưng người xứ Nghệ vẫn đậm đà chất nghệ
Quen biết nhau qua giọng nói, câu chào «trọ trẹ»
Ở khắp chốn, cùng trời vẫn nhận ra được người quê
Chất giọng quyện với gió lào nằng nặng khó nghe
Từ ngữ thường dùng mô - tê - răng - rứa
Dấu nặng, ngã phát âm vụng về như không rõ
Ngại dấu ngã điệu đà dù biết đó là sai
Nên đã biết bao nhiêu cô gái, chàng trai
Yêu người khác quê, lại sợ ngày mai, người ta chê cảnh đường dài
Họ lại chẳng hiểu giọng người quê, nên nhiều khi hơi ái ngại
Dù sống tha phương họ vẫn hướng về xứ Nghệ
Mong muốn tìm người cùng quê để chia sẻ nỗi niềm
(Sưu tầm)

Tiếng Nghệ
Cái "gầu" thì gọi cái "đài"
Ra "sân" thì bảo ra ngoài cái "cươi"
"Chộ" tức là "thấy" em ơi
"Trụng" là "nhúng" đấy, đừng cười nghe em
"Thích" chi thì bảo là "sèm"
Khi ai bảo "đọi" thì đem "bát" vào
"Cá quả" thì gọi "cá tràu"
"Vo trôốc" là bảo "gội đầu" đấy em
***
Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
Khi "mô" sang "nhởi" nhà "choa"
Bà "o" đã nhốt "con ga" trong chuồng!
Em cười bối rối mà thương
Thương em một, lại trăm đường thương quê
Gió lào thổi rạc bờ tre
Chỉ qua giọng nói cũng nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.

AI VÔ XỨ NGHỆ

Ai vô xứ Nghệ thì vô
Quê hương của các cụ đồ còn đây
Gió lào thổi suốt đêm ngày
Khô cả ngọn cỏ cành cây bên đường

Không khô chữ nghĩa văn chương
Trái tim người Nghệ yêu thương dạt dào
Lắm cổ tích, nhiều ca dao
Tuổi thơ còn đó ngọt ngào lời ru

Người đi viếng mộ Nguyễn Du
Người lên quê Bác đông như hội làng
Và bao điểm đến rộn rầng
Cả vùng văn hóa, sông Lam núi Hồng

Ai vô xứ Nghệ đang mong
Tiếng đồn cá gỗ chỉ trong truyện cười
Bây giờ cá bạc, tôm tươi
Bãi tắm khách sạn nghỉ ngơi đàng hoàng

Hoàng Mai cho tới Đèo Ngang
Vinh - gương mặt mới Phượng Hoàng Trung Đô
Ai vô xứ Nghệ thì vô...

Thương Mẹ Thanh Chương
 Em hẹn anh về thăm Thanh Chương
 Nhưng lụt lớn mần răng mà về được
 Nước mênh mông, nhiều đoạn đi bằng nôốc*
 Thèm nhút, thèm cà đành hẹn lần sau
 
 Em nhớ ngày xưa mẹ bảo :
 Chịu thương, chịu khó, mẹ sẽ nhận làm dâu
 Muối nhút, muối cà từ từ mẹ dạy
 Con nhà giáo tay không quen liềm, hái
 Cứ về rồi mai mốt học sau !
 
 Em đỏ mặt dạ mẹ một câu
 Rồi nắm áo kéo anh ra hái ổi
 Anh khoái chí cười, còn em giận dỗi
 Ngừi ta đạ chi mô mà dám nói ?.. Ghét không !...
 
 Anh gõ trán em, lớn rồi phải lấy chồng
 Cứ chảnh chẹ coi chừng ê sắc ế
 Em phụng phịu chạy vào nhà méc mẹ
 Mẹ cười hiền "bay thật giống trẻ con"
 
 Mẹ gấm, mẹ sàng, thóc gạo chạy vòng tròn
 Gạo tuôn xuống, thóc nhón đều tay mẹ
 Gấm, gãy, dần, sàng... mẹ ơi khó thế ?!...
 Mẹ đứng cười, con không biết làm nông
 
 Lâu lắm rồi em không về Thanh Chương
 Ăn nhút, ăn cà từ tay mẹ muối
 Mấy hôm rồi gió mưa, lụt lội
 Thương câu : Mẹ nghèo con có chịu làm dâu ?!...
 
 Anh xa quê, hai đứa xa nhau
 Trong kí ức em dâu hiền của mẹ
 Chiều nay anh về, cho em gửi lời anh nhé
 Thương lắm quê nghèo, thương mẹ - Thanh Chương !..

Tản mạn trên dòng Sông Lam

Xuôi ngược dòng Lam
Mênh mang nỗi nhớ
Ôi con sông quê bên bồi bên lở
Bãi vắng, sông dài để lòng ai ngẩn ngơ

Theo dòng nước trôi ta đi tìm lại tuổi thơ
Dòng sông Lam vẫn mang vẻ nguyên sơ như thưở đó
Cây gạo ven sông vẫn đến mùa rực đỏ
Năm tháng đi qua vẫn còn đó tuổi thơ tôi

Ta vẫn xuôi dòng theo con nước đầy vơi
Ô kìa! Bên sông thấp thoáng những ngôi nhà mới
Theo chiều gió thuyền ta trôi rất vội
Gặp lại nhịp cầu Dùng nối bờ vui
Gặp lại ngôi trường xưa phía xa tít sườn đồi
Thuyền ta vẫn trôi gặp bãi bồi, bãi nổi
Văng vẳng bên tai tiếng gọi ai nghe rất vội
Gọi nhau về - chiều tối - triền đê
Miền ký ức xưa chợt lông lốc hiện về
Nhớ buổi chiều quê cùng bạn thả diều trên triền đê ngập gió
Ì oạp mạn thuyền sóng vỗ
Núi Nguộc bao đời vẫn đứng đó chơ vơ

Thuyền lại ngược dòng ta như thực như mơ
Mặt sông lặng như tờ, in bóng trăng mờ mờ, tỏ tỏ
Thoang thoảng trong làn gió
Có vị hương nào của lúa, khoai, ngô...

Ôi con sông Lam! Dòng sông tuổi thơ
Bao đời nay sông vẫn miệt mài chở phù sa bồi đắp cho bãi bờ màu mỡ
Đối với người đi xa con sông đã trở thành miền thương nhớ
Mong ước một lần được về thăm lại dòng sông tuổi thơ

Sự tích con Cá gỗ
Năm tròn bẩy tuổi đầu
Theo cha ra Hà Nội
Biết con ai bằng cha
Đang lập lòe lớp một

Cơ quan ở Ngọc Hà
Trường mượn Đình Hữu Tiệp
Tan học băng về nhà
Ôm hơi cha ngủ thiếp

Lớp Một trong làng hoa
Hương thơm tràn trang vở
Cạnh sân xanh bóng nước
Ao làng mây trắng qua

Cả lớp toàn người Bắc
Riêng mình con xứ Nghệ
Hay giơ tay thắc mắc
Mà giọng thì oang oang

Cô giáo nghe không rõ
Nhiều khi xuống tận bàn
Giọng cô trong như gió
Nói chậm cho rõ ràng

Ngay buổi học đầu tiên
Đã bị nhà trường phạt
Đứng úp mặt vào tường
Trán bây giờ vẫn rát

Bữa ấy đến phiên trực
Của nhóm ngồi bàn đầu
Con trai trèo lau bảng
Con gái xếp ghế bàn

Con chỉ cái giẻ lau
Nói với hai bạn gái
Đưa hộ cái nùi trồi
Bạn lại mang mũ đến

Chuyện bắt đầu chỉ vậy
Cả nhóm ra rửa tay
Đằng ấy người mô rứa
Nói như Chi-ca-gô

Hai bạn cười ngặt nghẽo
Tóc đuôi gà cười theo
Lại còn nheo cả mắt
Lại còn dẩu cả môi

Đúng là dân cá gỗ
Giẻ lau gọi nùi trồi
Đã thế còn hay nói
Phát biểu nghe không ra

Tức thì con bốc hỏa
Không nói cũng không rằng
Ngồi giữa đứng bật dậy
Gạt phăng bạn xuống ao

Con gái không biết bơi
Suýt nữa thì chết đuối
Cả lớp nháo nhào nhào
Như bầy ong vỡ tổ

Vốn là con rái cá
Của hai bờ sông Lam
Con nhào ngay xuống nước
Kéo hai bạn lên bờ

Trường mời cha đến vội
Lo lắng con mò theo
Thầy đón cha trước cổng
Ngực con trống đổ hồi

Không biết cha thưa gì
Thầy bắt tay thật chặt
Tủm tỉm nhìn con cười
Còn dắt tay vào lớp

Lớp Một ơi lớp một
Thật chẳng hiểu làm sao
Hai bạn gái ngã ao
Lại chơi thân con nhất

Trái sấu non xanh mướt
Que kem giờ ra chơi
Bạn giấu mang đến lớp
Dúi vào tay tớ mời

Mỗi lần qua trường cũ
Tôi bần thần bờ ao
Soi tìm trong bóng nước
Đôi bím tóc đuôi gà

Về nhà gạn hỏi cha
Sự tích chuyện cá gỗ
Cha cười hẹn buổi tối
Cùng nhau ra vườn hoa

Dọc đường níu tay cha
Con luôn mồm lục vấn
Cặp con toàn sách vở
Có con cá nào đâu

Xoa đầu con cha kể
Tục truyền từ ngày xưa
Có ông đồ hay chữ
Người xứ Nghệ - quê mình

Ông đồ ham học lắm
Chữ của làng hết rồi
Ông cất đường lên tỉnh
Tìm thầy toát mồ hôi

Đói cơm còn chịu được
Đói chữ thì khổ to
Trong làng người già bảo
Phải ra thị thành thôi

Tìm thuê nơi ở trọ
Cùng nhà lắm kẻ giàu
Mình áo nâu tráp vá
Phận nghèo ăn muối rang

Học chữ thì ông giỏi
Cái nghèo giấu vào đâu
Nằm vắt tay qua trán
Suốt đêm ông ôm đầu

Hôm sau ông lẳng lặng
Mượn trăng khuya làm đèn
Lấy một khúc củi nhỏ
Ngồi gọt cả màn đêm

Thế rồi từ khúc củi
Một con cá ra đời
Một con cá bằng gỗ
To bằng ba ngón tay

Ông lật ngang lật dọc
Trổ thêm vây thêm vi
Con cá trông như thật
Nhìn qua chẳng biết gì

Lựa một nơi quạnh vắng
Xa tít tận ngoài đồng
Ông cho rơm bén lửa
Và đem cá lên hơ

Con cá gỗ được nướng
Toàn thân đã rộm vàng
Lưng trông như cá chép
Bụng lại giống cá tràu

Nướng xong đem rang muối
Muối mặn bám đầy vây
Trông xa tưởng cá ướp
Nhìn gần hóa cá kho

Thế rồi từ buổi đó
Cứ bữa cơm hàng ngày
Ông cho thêm nước mắm
Bày cá gỗ ra mâm

Cơm hết cá vẫn còn
Ông toàn chan nước mắm
Bạn bè ko ai biết
Xong rồi cá vẫn nguyên

Cứ mỗi lần ăn xong
Nhè lúc ko ai thấy
Ông bọc lá chuối khô
Giấu cá vào trong tráp

Ông ngày càng học giỏi
Không còn ai chê nghèo
Được ăn cơm với cá
Nhà trọ khối người ghen

Như cái kim trong túi
Lâu ngày cũng lòi ra
Rồi một bữa vô tình
Bị mọi người phát hiện

Hôm ấy ông lơ đãng
Hết sạch lá chuối khô
Ông vội chạy ra vườn
Bỏ cá nằm trên đĩa

Bà chủ trọ đi dọn
Vô tình đánh rơi mâm
Bát đĩa vỡ tung tóe
Con cá vẫn cứng đơ

Thấy lạ bà nhặt lên
Săm soi nhìn kỹ lắm
Thì ra con cá gỗ
Của ông đồ miền Trung

Khe khẽ đặt lên bàn
Bà lặng người vào bếp
Ông thầy đồ trở lại
Trong mắt đầy bóng đêm

Từ đó khắp nhà trọ
Chuyện cá gỗ loang xa
Chuyện ông đồ xứ Nghệ
Học giỏi nhưng giấu nghèo

Rồi khoa thi năm ấy
Ông giật lèo Trạng nguyên
Sau làm quan to lắm
Thượng thượng thượng đẳng thần

Ban đêm ngồi luyện chữ
Ban ngày giải oan gia
Làm quan mà liêm khiết
Bạc đầu vì thiên thư

Ngày ông về với đất
Lương dân lập đền thờ
Cái tráp cũ vẫn cất
Con cá gỗ gầy xơ

Sự tích con cá gỗ
Là giai thoại mà thôi
Con cố học cho giỏi
Để mai sau thành người

Giọng cha tối hôm đó
Còn đượm ấm đến giờ
Trời đêm bằn bặt gió
Mắt con đầy mộng mơ

Cá gỗ ơi, cá gỗ
Là người dân đất này
Trầm mình cùng đói khổ
Vẫn thả hồn gió bay

Như bát cà trắng muốt
Mặn mà và giòn tan
Như nước chè xanh đặc
Chát môi lại đậm lòng

Cần cù và học giỏi
Chịu khó lại chăm làm
Trọng nghĩa tình khí khái
Đối đầu cùng gian nan

Cá gỗ ơi, cá gỗ
Nghe vừa giận vừa thương
Giận một thời giông tố
Bạc mặt vì quê hương

Thương một thời quá khứ
Tự mình với mình thôi
Giấu nghèo như giấu nhục
Đổi đắp khoảng yên bình

Vùng đất của địa linh
Tít tắp chân trời rộng
Những người dân đất này
Chưa ngơi tay chèo chống

Sông đặt tên sông Lam
Mộng trùm xanh biển cả
Núi thì kêu rú Quyết
Chí vững tựa thạch bàn

Ôi! Xứ Nghệ, xứ Nghệ
Đất vàng của xưa sau
Giữa mưa bào nắng phế
Lung linh vẫn giữ màu

Yêu thì thật là yêu
Ghét thì rành là ghét
Những người dân đất này
Không nhùng nhằng khoảng giữa

Người xứ Nghệ có lửa
Tự thuở còn sơ sinh
Muối tẩm vào măng nứa
Thích rau sống bốn mùa

Đã chơi chơi hết mình
Đã làm làm kiệt sức
Thẳng thắn và đẫm tình
Nói xong là hết chuyện

Khi vui nhường bè bạn
Khi buồn chịu một mình
Thời chiến là xung lính
Súng lằm lằm trong tay

Trung thành mà quyết đoán
Tỉnh táo đầy đam mê
Có lỗi thường nhận hết
Được thưởng ít mang về

Không nói thì ngồi im
Đã nói là nói thật
Dối trá chui xuống đất
Vẫn lật đá móc lên

Gìm đầu vào công việc
Vẫn lo toan gia đình
Như người mặc áo gấm
Đi về lẫn vào đêm

Xứ Nghệ ơi, xứ Nghệ
Cực đoan đến vô cùng
Có rừng chen với bể
Buốt lạnh cùng nắng nung

Ai người đi ra bể
Ai người ngược lên rừng
Vẫn đậm chất xứ Nghệ
Nóng nẩy đầy bao dung

Biết ngày mai gạo hết
Sấp mặt xuống luống cày
Rít thuốc lào ăn khói
Trằn mình trả nợ vay

Xứ Nghệ ơi xứ Nghệ
Hiện trình cùng miền Trung
Đã thế và mãi thế
Giữa tháng năm điệp trùng

Bây giờ con cá gỗ
Thong dong giữa đại ngàn
Nghe nói rồi hóa thạch
Lặn vào dòng sông Lam.


CON SẼ VỀ
      (Sưu tầm, không rõ tác giả)

Cho con về thăm lại Thanh Chương
"Nhút mặn cà chua" câu hát xưa còn đó
Thanh Chương quê nghèo suốt đời con nhớ
Thương câu nói "vụng về"...anh chê.

Nay xa quê hương con muốn tìm về
Nhút có mặn cà có chua con cũng về cho bằng được
Thanh Chương quê mình mặn mà sau trước
Nghĩa xóm tình làng mộc mạc thân thương
.
Mấy chục năm rồi con sống tha phương
Mỗi lúc nhớ quê trở mình không ngủ được
Cha có giở cày hò trâu hút thuốc
Mẹ có còn gánh nước mỗi sớm mai

Lúc sống giữa quê nhà con chỉ biết miệt mài
Ôm sách vở cúi đầu lo chuyện học
Để nước mắt mẹ chảy qua bao khó nhọc
ĐỂ mồ hôi cha chảy giữa những lầm than

Con bây giờ chẳng thiếu cái để ăn
Mà vẫn thích nhút cà mẹ muối
Con nhớ ăn thêm khoai đêm nằm đỡ đói
Câu nói mẹ xưa mà nước mắt con nay

Cho con về đi trên những đường cày
Ngắm lũ trẻ mò cua lưng trần nắng cháy
Thanh chương quê mình thân yêu biết mấy
Dù ở đâu con cũng sẽ tìm về!

VẮNG MẸ CON KHÔNG DÁM VỀ NHÀ 
Từ bấy đến giờ con không dám về quê,
Dẫu nhớ Sông Lam, nhớ đuồi thủ cá *,
Nhắm mắt lại là ùa về tất cả
Bạn bè, Anh em, Chợ Rộ, bến phà

Nhưng Mẹ ơi ! Con sợ gặp lại chính ngôi nhà,
Ngôi nhà Mẹ con ta chơ vơ bên bến nước,
Ngôi nhà ấy nhìn sang hòn Rú Nguộc,
Vẫn ngày Đêm thấp thoáng dưới hàng tre,

Nhưng Mẹ ơi , nếu bây giờ con Về
Ai ra sông rửa vội nắm chè,
Ai chạy đi khoe con về khắp xóm,

Mẹ đã đi rồi Con như một người thừa
Có thể là tất cả vẫn như xưa,
Vại nhút, vại dưa, cái bàn cái tủ,
Chúng đứng đó làm sao con ăn, con ngủ,
Khi Mẹ không còn trong ngôi nhà mình

Con như là một kẻ vô tình,
Mỗi lần qua Vinh không dám về Chợ Rộ,
Nơi ấy với Con là Quê Cha Đất Tổ,
Day dứt lòng con biết đến bao giờ.

Đến bao giờ con có thể làm ngơ
Khi bước vào nhà mình mà không oà khóc,
Đã bao đêm con nằm trằn trọc,
Muốn về quê nhưng sợ gặp lại nhà mình.
                                     Võ Thanh An
                                   (Võ liệt -Thanh Chương - Nghệ An)

* Đuồi thủ cá là làng Văn phú (thanh chi), cù lao sông rộ, nơi sông rộ gặp sông lam
NHỚ TIẾNG GỌI ĐÒ NƠI BẾN RỘ... CON ĐI ! 
(Bài thơ sưu tầm không rõ tác giả)
Có phải vi mẹ sinh con trên một bến đò
Nên cuộc sống hôm nay con ngược xuôi nhiều chỗ
Từ bãi cát lún chân bên bờ con sông  Rộ
Con đã đi muôn dặm đất trời
Đã gặp bao con sông và tiếng gọi đò ơi !
Nghe thân thiết nhớ về ngồi nơi bến cũ
Gặp con nước dâng đầy, con lại lo mùa lũ.
Sông quê bây giờ, bờ cát ngập chưa ?
Kháng chiến thành công, đất nước đẹp màu cờ
Con đang ước chiếc cầu bắc qua  Rú Nguộc
Con lại trở về những nẻo đường thân thuộc
Đi qua cầu, nhắc tiếng gọi. đò ơi !
Nhìn mặt sông dưới chân, nước chảy xanh ngời
Thuyền tấp nập, căng buồm lên chở quặng.
Có ai ngờ hôm nay chúng con lại hành quân lên Xứ Lạng
Giặc phá cầu chìm dưới dòng sâu
Trong đêm khuya chúng con phải bắc tạm chiếc cầu
Khi đặt chân lên nhịp đầu, con lại nhớ về bến  Rộ
Nhớ Con sông quê, nhớ tiếng gọi đò, nhớ mẹ !
Lo trận gió Lào, cơn lũ, tóc mẹ bạc thêm
Mẹ vẫn chưa yên, được thấy bóng thuyền
Nơi con vẫn bằng mơ bắc chiếc cầu qua Rú Nguộc
Con lại đi, lại đi, như thuở xưa nơi rừng măng rừng khộp
Cùng bạn bè lên biên giới, con đi !
Lại qua những bến sông mặt nước rầm rì.
Nghe vẳng tiếng gọi đò xao xuyến.
                  Na Dương 25/4/1979
XỨ NGHỆ

Nơi Bác Hồ sinh ra và lớn lên
Nơi đất cằn không giấu nổi những ánh nhìn bất khuất
Nơi ngọn gió Lào đi qua rồi cúi đầu lẩn mất
Vì hổ thẹn với ngọn lửa trong những con tim.

Hỡi con đường xứ Nghệ đẹp như tranh
Kim Liên và ngôi nhà Bác đó
Đơn sơ giữa vườn cây đầy hoa gió
Bác chẳng chăm nhiều như chăm cả giang san.

Vườn cây rì rào hát khúc miên man
Chân khách thẽ thọt như bước vào ngôi đền thiêng liêng nhất
Khi Trái đất dần trở nên quá chật
Về làng sen lại thấy hóa bao la.

 
Chồng Nghệ
(Nguyễn bùi Vợi-1990)

Lấy chồng xứ Nghệ vui lắm nhé!
Bữa cơm ăn no là đứng lên
Mặc cho khách ngồi nhai nhỏ nhẻ
Cười hì: - Cái tính bầy tui quen!

Bạn đến chơi nhà thì hỏi thẳng
- Có ăn tao bảo vợ nấu nào!
Bạn về vợ trách thì mắng lại
- Thật thà với hắn có làm sao!

Nói giọng thì nặng như bổ củi
Mô, tê, răng, rứa nghe nhức đầu
Được cái trời cho tài chịu khó
Nhà tranh cơm độn chẳng kêu đâu!

Đã nói khi nào cũng nói to
Đã nhìn ai thì nhìn thẳng mặt
Biết bao nhiêu bận bị mất lòng
Đánh chết cũng không thừa thói thật!

Đã viết, viết thâu đêm suốt sáng
Đã yêu, yêu đổ cả cây ngàn
Vừa hay nói to lại hay khóc
Trong chồng có một đứa trẻ con

Mười chín tuổi yêu giờ tóc bạc
Nghĩ thương quê Nghệ mấy cho vừa
Ai đã vương vào sông nước ấy
Xin vững tay chèo vượt sóng xô.

Lấy chồng xư Nghệ
“Sưu tầm”
      Dù đã được anh dặn dò chu đáo và kỹ lưỡng trước khi về thăm quê, em vẫn nhiều phen dở khóc, dở cười trước những tình huống không có trong "bài giảng" của anh.
      Chuyện khó nói đầu tiên là cái toilet. Gọi là toilet cho oai chứ nó chỉ được quây bằng bốn tấm cót cao ngang ngực, gió lộng bốn bề. Ngồi trong đó mà cứ đưa nguyên bản mặt ra ngoài, mắc cỡ gần chết. Đã vậy, bà con đi qua đi lại thấy cô dâu mới còn dừng lại... chào hỏi rất chi rôm rả và nhiệt tình.
      Khó nói thứ hai là chuyện tắm. Nhà không có phòng tắm, em cứ phải đợi tối mịt mới lò dò ra giếng, mặc nguyên quần áo mà xối ào ào. Giếng nằm giữa vòm tre trúc um tùm, em vừa xối vừa run. Run vì gió lạnh đã đành. Em còn run vì... sợ ma nữa. Vợ chồng có lúc cãi nhau vì những chuyện bên nhà chồng.
      Chuẩn bị cho chuyến ra mắt lần này, em đã cố tập nghe và hiểu chất giọng trọ trẹ quê anh. Vậy mà ngay bữa tối đầu tiên ở nhà chồng, khi mẹ bảo em "lấy cho mạ cái nắp bờn", em đã ngớ người ra. Hóa ra, ngoài những thứ ngôn ngữ trong sách vở, còn có một thứ ngôn ngữ chỉ dùng riêng trong nhà do kỵ húy. Những tên gọi trùng với tên của những người lớn tuổi đã khuất phải được nói trại đi để tỏ lòng tôn kính. Và thế là em học được từ mẹ và anh những từ thật ngộ: nắp bờn là nắp bàn (nắp nồi), "con càng" chính là "con kiến", "hũ tao "đích thị là "hũ tiêu"... Dù vậy, quê chồng trong mắt đứa con gái thành phố như em là một thế giới mới, đầy những khám phá thú vị và hấp dẫn.
      Em đã vui như đứa con nít khi theo mẹ ra chợ. Chợ quê, nghèo mà đầm ấm nghĩa tình. Tôm cá nhảy lách tách trong những rổ tre lấm bùn. Rau trái tươi xanh, mỡ màng. Những người bán hàng thuần hậu, chất phác. Em chọn mua một miếng mít tươm mật và bật cười khi thấy người bán ra giá tám trăm đồng. Nhận hai trăm đồng thối lại được gói kỹ trong mấy lần áo sờn bạc của o bán hàng, em nghe cay nơi khóe mắt. Về thành phố, em biết làm gì với hai trăm đồng? Mẹ còn dẫn em đi thăm ruộng và dạy em cả cách làm phép đuổi chuột trên đồng. Cầm cây roi tre vung vẩy đi quanh thửa ruộng, em vừa đi vừa lẩm bẩm câu thần chú dọa nạt: "Chuột nhỏ chuột to, có mang con so, thèm ăn thịt chuột" (mẹ bảo làm vậy ông Tý sẽ sợ mà không cắn lúa). Bàn chân trắng mịn của đứa con gái thành phố e dè bấm xuống mặt bùn mịn mượt, nghe lòng dậy lên một thứ tình cảm gắn bó ruột rà.
      Còn nhiều thứ lắm mà "giáo trình" của anh quên không nói tới. Em đã kinh ngạc biết mấy khi thấy người nông dân đang tất tả với gánh lúa oằn vai vẫn cố dừng lại giữa đường, chỉ để nhặt một bông lúa rụng. Em đã nao lòng khi thấy ba anh loay hoay ngồi tháo cuốn lịch bốn tờ để phát cho hàng xóm mỗi người một tờ "dán cho đẹp nhà”, trong khi những cuốn lịch biếu ở cơ quan em nằm lăn lóc cả năm chẳng ai thèm rờ tới. Em sẽ nhớ mãi khuôn mặt ngời sáng và nụ cười hàm ơn của bác hàng xóm khi nhận từ em tờ lịch có in hình nhành mai rực rỡ, dù đó chỉ là tờ lịch lẻ bầy. Có vẻ như em đang bắt đầu học những bài học vỡ lòng từ cuộc sống - những bài học giản dị, chân tình mà sâu sắc, khó quên.
      Kỳ nghỉ qua thật nhanh. Ngày về lại thành phố, em đã có cả một kho chuyện để kể cho bạn bè. Trong ví em vẫn còn ép phẳng phiu hai trăm đồng - tờ giấy bạc thấm mồ hôi của một vùng quê nghèo khó. Và trong máy ảnh của em có nguyên một file ảnh rất ngộ nghĩnh, được chộp bằng con mắt háo hức của đứa con gái thành phố lần đầu về quê: những nụ cười nông dân hồn hậu; bàn tay chai sần nâng niu bông lúa nhặt được giữa đường; cái góc bếp ám khói và cọng khói chiều lơ lửng, thanh bình...
HẸN VỚI THANH CHƯƠNG.
“Ngái ngôi chi mà em nỏ về
Hay là em chê quê anh nghèo đói”…
Câu hát thoảng đưa cho lòng tiếc nuối
Chưa một lần em được đến Thanh Chương
Nỏ phải chê nghèo đói mô anh
Nỏ lạ chi chua cà, mặn nhút
Cũng mẹ cấy rọng su, cha cày rọng cạn
Cũng câu hò ví dặm người ơi
Cũng mô tê răng rứa mặn mòi
Nỏ ai nghe ra ngoài đây với đấy
Dòng sông Lam thượng nguồn phía ấy
Đây cuối dòng chậm chảy bởi phù sa
Dù chẳng phải là nơi sinh ra
Nhưng câu ca nghe sao mà gần gũi
Mới mong có ngày đuợc về nơi ấy
“Đất Thanh Chương Nhút mặn chua cà …”
Học làm “Bánh mướt chợ Dùng”,
Với “Thính trộn măng chua”
Học chằm mo cau để mà muối nhút
"Canh gà Thanh Chương" ăn kèm bánh mướt
Lội rào Gang bắt hến nấu canh

Xứ Nghệ
Chập chờn ngủ vẫn nhận ra xứ Nghệ
Tiếng xe lăn khó nhọc dọc miền đồi
Trong hơi gió nghe mặn mòi muối biển
Bụi con đường đất đỏ, thấm mồ hôi
Nơi cây cỏ cũng cỗi cằn, khắc khổ
Tựa vai vào vách núi đỡ thiên tai
Mặt gió nóng,lưng đã là bão lụt
Cơm độn khoai đắp đổi tháng năm dài

Tiếng mộc mạc nhận ra người xứ Nghệ
Đi muôn nơi, giọng nói vẫn quê nhà (Trừ bọn mất gốc).
Bền chí lớn, chịu nhọc nhằn lam lũ
Trên đất nghèo mơ sải cánh bay xa

Sống tằn tiện, chắt chiu từng hạt muối (cá gộ)
Cần hy sinh, hiến hết cả gia tài
Người xứ Nghệ rạch ròi yêu với ghét
Đã hứa rồi, chẳng một chút đơn sai
Đi tìm nhận đồng hương trên đất khách
Cứ ngỡ như gặp bạn cũ lâu ngày
Một bát gạo cũng sẵn lòng san sẻ(Mần chi phải ai cũng rứa )
Chim thêm đàn, tay nối những bàn tay
Thật kỳ lạ, mảnh đất cằn xứ Nghệ
Mỗi cổng làng thành trang sử biên niên
Nơi đòn gánh gồng hai đầu đất nước
Nơi sinh ra những hào kiệt, thánh hiền.
        (HH_ Moscow )
TIẾNG LÒNG
Tuổi thơ tôi không có dòng Lam
Không có Truờng Thi, Truông Bồn, Rú Quyết
Không biết đến "răng" là "sao" nữa
"Mô" là "đâu" theo cách nói thông thuờng

Chỉ nghe trên Tivi, đài, báo
Nói về những trận lũ năm nào
Và đâu đó vang vang câu ví dặm
"Giận mà thuơng" sao mà da diết thế

Ngày đầu tiên tôi vào đại học
Mới lần đầu nghe thằng bạn giường trên
Hỏi mần răng mi buồn như rứa
Không hiểu gì nhưng thấy thân thuơng
Tháng năm qua đi.....
Tôi càng hiểu càng thêm yêu, thêm nhớ
Dẫu chẳng phải quê mình nhưng da diết, khôn nguôi
Và trong tôi tâm hồn là xứ Nghệ.
 MIỀN TRUNG, MƯA
Mưa như trút nước trời mờ đục
Đường vắng người qua cảnh hắt hiu
Cây buồn đứng lặng im xơ xác
Mái rạ trễ tràng mưa liêu xiêu
Líu ríu chân trần dáng nhỏ nhoi
Dầm mưa quần áo bó thân người
Mặc mưa gió quất run giá rét
Mòn mỏi từng qua với đất trời
Nặng trên vai mẹ đôi giành nhỏ
Mấy mớ rau lang mấy bước xa
Mưa dầm trĩu nặng theo chân mẹ
máu giữa tim con cũng nhạt nhoà.
KHÔNG ĐỀ
                      Đàm Huy Thông
Áo em trắng mấy mùa trăng thiếu nữ
Thêm một phen tôi hen lại không về
Em hờn giận hay là mong nhớ?
Giọt nắng vuông tròn buổi ấy triền đê
Giờ ở quê mình hồng bếp lửa
Tôi còn như lửa ở tim em?
Giọt mưa nào len vào nỗi nhớ quê
Nhớ góc chợ chiều con con, bến đò vắng vắng
Giờ ở quê con gái lấy chồng sớm lắm
Nhớ một lần em nói xa xôi
Tôi hen không về em có nhớ tôi?
Còn hờn giận hay là em đã?
Đắng lòng mây những giọt mưa mùa hạ
Đời rất đời, thơ lại rất hư không
Tôi hen không về em có mong?
Áo em trắng mấy mùa trăng thiếu nữ.
ÁO TƠI
 Thơ của Phlanhoa
Hà tĩnh quê tôi
     Người nông dân
                Bốn mùa áo tơi quen thuộc
Cha ra đồng cày cuốc
Nắng  tháng bảy đỏ đồng thiêu đốt
Áo tơi làm mái hiên che nắng rát lưng người.

Tháng mười một, mẹ xoay áo tơi
Che ngọn gió heo may lùa khỏi buốt.
Người chồng ngủ trần mình trên chõng
Vợ thường chồng kéo tơi đắp thế chăn.

Đứa trẻ cắp sách đến trường
Những chiếc áo tơi biết đùa biết nghịch,
Lúp xúp chạy trên đường làng uỳnh ụych
Tay xách ống bơ than vừa nhảy vừa quay.*
Áo tơi
        Những chiếc lá nón già lợp thành hình trụ
Mà che được cả trời bão tố,
Thách đố cả mặt trời hừng hực lửa,
 Và những ngọn heo may
                                 Như muốn cắt thịt người.
Phiên chợ đường xa,
           Áo tơi là giường để nghỉ ngơi
                   Lúc gồng gánh đường trường mệt mỏi;
Rồi lại biến thành mâm bàn lúc người đói
Trải áo tơi bày cơm nắm muối vừng;
Đến cả con trâu đêm đông;
Cũng được người nông dân khoác áo tơi vào cổ
Trâu cũng cần sức để cùng người gian khổ
Chắt chiu từng hạt lúa ngô.

“Hà Tĩnh – dân áo tơi”
Người xứ khác nhạo cười
              bởi  vì nguời ta chưa biết
Về cái rét cắt da và những ngọn gió lào khô rát
Mà nên ân tình cái gọi – Áo tơi
                                                   Bao đời
                                                               Quê tôi !
NHỚ VINH
Do Nghệ Sỹ Kim Oanh thể hiện trong đại hội

Đừng đứng giữa  thành Vinh ngơ ngác thế
Hình như Anh mới ở đâu về
Tôi chỉ biết Vinh ngày tiêu thổ
Chỉ biết ngày dân chết đói thảm thê
Cống Đệ Nhị bây giờ không còn nữa
Ai kể các em nghe thời đó nhục vô cùng
Gió mát ở tận xa ngoài biển rộng
Chỉ gió Lào quạt lửa cháy như nung
Người chết vùi năm đói sọ còn nguyên
Ai đào móng xin hãy đào nhè nhẹ
Bom nổ chậm bom bi còn đâu đó
Giặc Mỹ đi rồi cái chết vẫn gieo đây
Vinh năm ấy vạn người ra mặt trận
Người ở nhà vẫn tay súng hiên ngang
Vinh bắn hạ máy bay giặc Mỹ
Đêm đêm phà Bến Thủy chẳng ngừng sang
Một làng đỏ cho làng nào cũng sáng
Một Trường Thi Bến Thủy sinh sôi
Lớp thợ trẻ lớp thợ già trùng điệp
Nhà máy nào cũng mang dáng Vinh tôi
Không ngơ ngác làm sao được hở anh
Khi chuyện kể về Vinh như thần thoại
Một chặng dài con người Vinh sáng mãi
Nay Vinh to Vinh lớn quá đi rồi
Tôi nhớ Vinh tôi nhớ những con người
Những con người không che khuất ai cả
Những con người chẳng có gì xa lạ
Và không gì che khuất được người Vinh
               Lê duy Phương

KÝ ỨC
Nhà thơ: Nguyễn Huy Hoàng
Quê quán: Can Lộc – Hà Tĩnh

Em ở tận thành Vinh
Về làng tôi sơ tán
Làng tôi ít mưa lắm nắng
Quả bưởi xiêm rám vỏ tận tháng mười

Em ở sát nhà tôi
Thưa một bờ liếp gỗ
Đủ hắt sáng một ngọn đèn hạt đỗ
Đủ nhận ra mùi cơm quá lửa
Đủ để nghe tiếng quạt muỗi sau màn.

Tóc em dài qua mùa chiến tranh
Tôi vụng dại, đầu trần, chân đất
Một buổi sáng, em rời làng ngơ ngác
Mái tranh buồn rộng rãi, gió hoang liêu...

Tôi lớn lên từ giã luỹ tre nghèo
Cứ lần lữa, xa làng quê biền biệt
Bao bất hạnh thổi mây vào mái tóc
Lòng vẫn xanh thăm thẳm thưở dại khờ

Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi vinh hoa
Để có lại tuổi mười lăm vụng dại
Đèn hạt đỗ ngượng ngùng, leo lét cháy
Tóc em dài chảy dọc tấm gương soi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét