Trang

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

HUYỀN THOẠI KIM THIẾP VŨ MÔN

Cuốn tiểu thuyết lịch sử về thép và súng của người Việt
Nguyên Hải
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Sau nhiều năm đi tìm lời giải cho mấy chữ Kim-Thiếp Vũ Môn, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đã bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép về hai sáng tạo tuyệt vời của tổ tiên ta.
Cầm quyển sách lên, những người biết chữ Hán sẽ lập tức chú ý đến dòng chữ vuông trên trang bìa, bởi chữ vuông khổ lớn thứ nhất với bộ Kim 金 (vàng) bên trái, chữ Thiếp 妾 (vợ lẽ) không thấy có trong bất cứ từ điển Hán tự nào, chỉ biết tạm đọc là Kim Thiếp. Vậy Kim Thiếp là gì? Điều băn khoăn ấy bám theo độc giả cho tới khi đọc gần hết cuốn sách.
Tiếp đó, bốn chữ Mấy lời cẩn bạch ở trang đầu, với ghi chú từ cẩn bạch là  Kính trọng bày tỏ, đã cho thấy Trần Gia Ninh thạo chữ Hán - điều kiện tiên quyết của người nghiên cứu sử Việt cổ.
Lịch sử là tài sản chung của mọi người, nói lịch sử là nói sự thật. Nhưng tiểu thuyết lại đòi hỏi phải hư cấu. Vậy hư cấu thế nào thì vừa? Có lẽ nên hư cấu sao cho độc giả đã bắt đầu đọc là muốn đọc tới cùng; khi ấy họ không còn câu nệ lắm với sự thật lịch sử. Tác giả “Ba chàng ngự lâm (Les Trois Mousquetaires)” Alexandre Dumas từng nói, “sự thật lịch sử” chỉ là cái đinh để nhà văn móc chiếc áo (ý nói câu chuyện) của mình lên.
Vậy Trần Gia Ninh có “móc chiếc áo của mình” lên sự thật lịch sử hay không?
Đọc Huyền thoại KTVM ta nhận thấy, tác giả hoàn toàn tôn trọng các sự thật có ghi chép trong chính sử, ngoài ra còn bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép. Đây là một điểm sáng làm nên giá trị về nội dung của tác phẩm. Cũng có thể sử sách từng chép những sự kiện ấy, nhưng xâm lược phương Bắc thi hành chính sách tiêu diệt văn hóa bản địa đã tiêu hủy hết mọi thư tịch do người Việt viết. Vì thế vườn lịch sử nước ta còn có vô số báu vật bị vùi sâu dưới lớp đất thời gian, đang chờ những người tâm huyết dày công dò tìm, đào bới lấy lên để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Trần Gia Ninh là một trong những “thợ đào vàng” hiếm hoi ấy.
Từ tấm bìa có ba chữ ��雨門 (Kim-Thiếp Vũ Môn) di bút của ông nội còn giữ được, anh phỏng đoán đây là bìa một cuốn sách viết những sự việc có liên quan tới thác Vũ Môn ở quê mình. Vì thế mấy chục năm qua, anh cất công tìm kiếm khắp nơi các thư tịch, tư liệu liên quan, nhằm giải mã mấy chữ vuông thần bí ấy. Và bây giờ, khi được cử giữ ghế trưởng lão của họ Trần Gia Phố nổi tiếng đất Hoan Châu (Nghệ An-Hà Tĩnh), anh tráp lại các tư liệu đã sưu tầm và viết nên Huyền thoại KTVM, coi đó là tấm lòng của kẻ hậu sinh tưởng nhớ ông cha tổ tiên mình.
Huyền thoại KTVM dường như muốn chứng minh một sự thật: Tổ tiên ta giỏi lắm! Đây không phải là lời “mẹ hát con khen”. Năm 971 khi sang thăm nước ta, sứ thần nhà Tống là Lý Giác đã làm bài thơThiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu, nghĩa là  Ngoài trời này còn có trời khác, nên soi cho thấu - tác giả kể, và cho rằng Lý Giác muốn khuyên người Trung Hoa chớ nên coi thường người Việt, một dân tộc rất có bản lĩnh trí tuệ.
Đọc KTVM, bạn như được xem cuốn phim nói về một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu thế kỷ XV.
Năm 1404, vua Minh Thành Tổ mượn cớ “Phù Trần diệt Hồ” cho quân hộ tống Trần Thiêm Bình1 tiến vào nước Việt. Khi chúng mới sang tới đất Bắc Giang, Hồ Quý Ly bày mưu dùng súng thần cơ do người Việt chế tạo đánh cho địch đại bại phải cút về nước. Năm 1407, giặc Minh kéo đại binh sang, bắt được Hồ Quý Ly và con là Hồ Nguyên Trừng tại Hà Tĩnh. Nhà Minh thi hành chính sách cai trị hà khắc khiến dân ta điêu đứng suốt hai chục năm trời. Chúng đốt hết mọi thư tịch do người Việt sáng tác, mang về Trung Quốc tất cả các loại hỏa khí cùng nhiều nhân tài, thợ giỏi, gái đẹp người Việt.
Các ghi chú trong cuốn tiểu thuyết lịch sử này nhiều và nghiêm túc, tới mức độc giả ngạc nhiên như đang đọc một khảo cứu khoa học. Tác giả chú giải từ nhiều ngôn ngữ Hán, Nôm, Phạn, Anh, Pháp. Nội dung chú giải gồm đủ thứ, từ niên đại sự kiện, công thức hóa học của sắt thép, quặng, cho tới các nghi thức tôn giáo của đạo Bà La Môn. Tác giả còn sưu tầm được một số chữ Việt cổ hiện còn ở Nghệ Tĩnh, như rào(sông), nác (nước), mấn (váy),cân gấy (con gái)... 
Các ghi chú về lịch sử, địa lý, nhân vật, thư tịch cổ rất đáng chú ý. Nhiều sách sử của Việt Nam và Trung Hoa được trích dẫn, như Minh Thực Lục, Lam Sơn Thực Lục, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư,.. thậm chí cả Nghệ An Ký ít người biết, như để cho thấy nội dung cốt lõi của sự việc nêu trong sách đều có căn cứ, vì đây là một tiểu thuyết khảo luận-học thuật!
Năm 1418, Lê Lợi ở Lam Sơn (Thanh Hóa) dấy binh nổi dậy, tập hợp được nhiều nhân tài văn võ như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn... Mới đầu, Lê Lợi thua nhiều thắng ít, sáu năm sau, nhờ Nguyễn Chích bày mưu tiến về Hoan Châu, xây dựng căn cứ địa trên vùng núi. Xứ này địa linh nhân kiệt lại có địa thế hiểm yếu. Một số cựu tướng sĩ nhà Trần ở đây đã tổ chức đội quân Cốc Sơn chống giặc Minh. Nhờ có tài chế thuốc nổ và luyện sắt tốt đúc súng, đội quân này rất mạnh. Lê Lợi xin kết nghĩa huynh đệ với họ. Được các anh tài Hoan Châu hợp sức, lực lượng Lê Lợi ngày càng mạnh. Cuối cùng quân ta vây địch ở Đông Quan (Hà Nội), giết Liễu Thăng chỉ huy quân Minh sang tiếp viện ở Chi Lăng. Chủ tướng Vương Thông phải giảng hòa xin rút quân về nước. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua. Đáng tiếc là, như mọi chính quyền chuyên chế xưa nay, sau đại thắng, khi chuyển sang thời bình, triều nhà Lê suy thoái dần. Lê Sát lộng quyền, hãm hại nhiều công thần tài giỏi, kể từ Nguyễn Trãi. Tên tuổi các anh tài Hoan Châu cùng di sản sáng tạo của họ bị lãng quên dần.
Trần Gia Ninh chuyển tải giai đoạn lịch sử bi hùng kể trên dưới hình thức tiểu thuyết võ hiệp chương hồi, một thể loại không dễ viết nhưng hợp với việc ca ngợi những nhân vật những anh tài trí tuệ có số phận bi hùng trong thăng trầm của lịch sử. Xem ra tác giả đã thành công khi dẫn bạn đọc vào những trường đoạn hấp dẫn với lối hành văn khoa trương, ngôn từ cổ xưa, đồng thời sử dụng các bút pháp hiện thực, trữ tình lãng mạn, các yếu tố đời thường pha trộn với truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích. Cấu trúc tiểu thuyết khá linh hoạt về thời gian, không gian, nhân vật, sự kiện. Như đang kể chuyện Hồ Nguyên Trừng năm 1445 được vua nhà Minh thăng chức lại nhảy sang chuyện sinh viên Việt Nam tại Đại học Bắc Kinh năm 2007 đi tìm mộ Trừng nhưng chỉ tìm thấy tấm bia do Trừng soạn.
Cuối cùng, khi đọc tới đoạn Vĩ Thanh, độc giả mới hết băn khoăn: thì ra ��雨門 (Kim-Thiếp Vũ Môn), chính là  Thép Vũ Môn, thứ kim loại do những người thợ Việt tài giỏi ở vùng thác Vũ Môn luyện được và thích hợp dùng để đúc Thần Cơ Thương - một loại súng nòng dài cầm tay từng giúp Trần Khát Chân đánh tan cuộc xâm lăng của Chế Bồng Nga năm 1390, rồi lại giúp cuộc kháng chiến do Lê Lợi lãnh đạo (1418-1427) đuổi được giặc Minh ra khỏi nước ta.
Ai đó sẽ hỏi: Trung Quốc phát minh ra thuốc súng và làm được súng trước ta cơ mà? Đúng thế, nhưng họ làm súng thần công chứ không làm súng vác vai như tổ tiên ta sau khi học được cách chế thuốc súng. Vả lại phải có thứ thép như thế nào mới làm ra được loại súng ấy chứ!
Tra Từ điển chữ Nôm bạn sẽ thấy �� (Kim-Thiếp) tiếng Việt đọc là  thép. Người thợ tài hoa Trần Hằng lấy chữ Kim-Thiếp ấy làm gia huy khắc trên các sản phẩm của mình.
Tóm lại, những người thợ xứ Hoan Châu (Nghệ-Tĩnh) đã sáng tạo ra hai công nghệ hàng đầu thế giới hồi thế kỷ XIV-XV: công nghệ luyện thép Vũ Môn và công nghệ dùng thép này để đúc súng nòng dài. Đáng tiếc là chuyện ấy sách sử nước ta không chép.
Nhưng lạ thay sử sách Trung Hoa và nước ngoài lại có chép! Như Minh Sử2 viết: Minh Thành Tổ đánh Giao Chỉ lấy được phép Thần Cơ Thương Pháo, lập riêng Thần Cơ Doanh luyện tập. (Doanh là một cấp đơn vị quân đội, ngày nay gọi là tiểu đoàn).
Đúng thế, năm 1407, Hồ Quý Ly và con là Hồ Nguyên Trừng (còn gọi là Lê Trừng) bị quân Minh xâm lược bắt sống đưa về Bắc Kinh; để cứu mạng cha mình, Trừng đã dâng phép chế súng cho nhà Minh. Người Trung Hoa giữ tuyệt mật kỹ thuật này và năm 1410 đã dùng nó để đánh cho quân Mông Cổ tan tác. Trừng được vua Minh hậu đãi, sau làm tới chức Thượng thư Bộ Công (tương đương hàm Bộ trưởng, lo về Quân giới ngày nay), quân đội nhà Minh khi tế súng đều phải tế Trừng 3 ! Nhà kỹ nghệ quân giới tài hoa biệt danh Nam Ông (Ông già nước Nam) ấy đã viết một tập ký sự lấy tên là  Nam Ông Mộng Lục (Ghi chép giấc mơ của Nam Ông) để bày tỏ nỗi lòng luôn nhớ về cố quốc. Năm 2011 người Trung Quốc đã xuất bản sách này.
Huyền thoại thế mà có thật!
Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) với trữ lượng 550 triệu tấn hiện đã bắt đầu được khai thác. Hơn trăm năm trước, Cao Thắng đã lập xưởng chế súng trường giống như của Pháp cho nghĩa quân Phan Đình Phùng cũng tại cứ địa Hương Khê. Trần Gia Ninh4 là hậu duệ của họ Trần Gia Phố có chính tổ là Trần triều Phò mã Khâm sai Ngự sử Trần Hằng, người đầu tiên luyện được Thép Vũ Môn. Gia tộc này có truyền thống trọng trí tuệ, khinh danh vọng; hậu duệ của họ hiện nay đa phần là nhà trí thức hoạt động khoa học kỹ thuật, văn học, y học ở khắp đất Việt và các nước khác.
Như vậy là sau nhiều năm đi tìm lời giải cho mấy chữ ��雨門 (Kim-Thiếp Vũ Môn), Trần Gia Ninh đã dầy công viết nên cuốn tiểu thuyết Huyền thoại KTVM để bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép dưới hình thức văn học. Những cố gắng đầy tâm huyết ấy của Trần Gia Ninh xứng đáng để chúng ta tìm hiểu và ngưỡng mộ.
Sử Việt gọi là Hỏa súng, Trung Hoa đời nhà Minh gọi là Thần Cơ Thương (súng thần), là một loại súng cầm tay nòng dài (như súng hỏa mai ngày nay), do người Việt sáng chế. Vật liệu cần nhất để chế súng là sắt mềm (nhuyễn thiết), tức là sắt ít carbon. Kỹ thuật luyện kim của người Việt theo truyền thuyết đã có truyền thống từ thời Thánh Gióng Hùng Vương và phát triển mạnh nhờ giao du với Ấn Độ và Trung Hoa. Người Việt luyện được sắt này nhờ tìm ra bí quyết sử dụng than có nhiệt lượng của gỗ quý rừng Trường Sơn để nâng nhiệt độ lò lên cao, cùng quặng sắt và phụ gia tốt, đặc biệt là có chứa các nguyên tố vi lượng (như Mo) của Hoan Châu. Cùng thời điểm đó, người Trung Hoa chỉ luyện được sắt cứng (như gang, là sắt chứa nhiều carbon và tạp chất), nên không thể dùng để chế tạo súng cầm tay nòng dài được. Sử sách Trung Hoa thừa nhận, nhà Minh đã chiếm đoạt bí quyết chế tạo súng thần khi đánh chiếm nước Việt đầu thế kỷ 15 (rồi để nó bị rò rỉ sang phương Tây qua các cuộc chiến với người Tatar, cho nên vào nửa cuối thế kỷ 15, người Ottoman rồi người Bồ Đào Nha mới học được cách chế tạo súng hỏa mai (matchlock musket). 
Về Hỏa súng, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi một câu: “Trần Khát Chân liền ra lệnh các Hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết”. Sử sách  cũ Trung Hoa thì ghi chép tỉ mỉ hơn và ngày nay được các tài liệu nghiên cứu của Trung Hoa và thế giới thừa nhận. Những sáng tạo này đến giờ vẫn được lưu truyền trong dân gian ở các vùng Nghệ -Tĩnh.
* 432 trang, NXB Văn học ấn hành năm 2015
Chú thích:
1. Một kẻ tự nhận con cháu vua Trần nước ta, chạy sang cầu cứu nhà Minh đưa hắn về làm vua nước Việt.
2. "Minh Sử" là một sách lịch sử theo thể kỷ truyện do Trương Đình Ngọc thời Thanh viết và biên soạn từ năm 1645 đến năm 1739.
3. “Minh sử cảo” của Chu Quốc Trinh (1557-1632) chép trong cung đình tế “Kim cổ hiệu giác thiết pháo chỉ thần” (tạm dịch: “Xưa nay tế thần súng bằng sắt”, mà theo “Vạn Lịch dã hoạch biên” của Thẩm Đức Phù (1578-1642) thì Lê Trừng chính là người đầu tiên chế tạo hỏa khí cho Trung Quốc; sách “Dã ký” chép thêm “Nay phàm tế binh khí đều tế Lê Trừng”.
2. Trần Gia Ninh là bút danh của một tiến sĩ khoa học đã và đang hoạt động năng nổ trong ngành vật lý nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét