Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Chữ Khởi

KHỞI...Chu Giang Phong

Nhân hôm rồi, Thienthuy Longdu tiên sinh có nhờ viết một chữ Khởi 起, rất hổ thẹn vì đức mỏng, nhưng cũng cố nhận lời. Mấy đêm ngồi xem nghĩa sách, đọc lại những dan díu liên đới với chữ này trong những thác bản thư tịch hiện có ở thư phòng, càng đọc, càng thấy cá nhân con người sao mà bé nhỏ, sao mà tầm thường so với ngút trùng trí tuệ nhân gian. Nên dọn lòng mà cất chứa vài ba nghĩa sách, viết chữ cho người cũng là thêm một lần mình tự học.

Trong Đạo Đức Kinh [道德經] của Lão Tử có một câu: Thiên lí chi hành, thủy ư túc hạ [千里之行, 始於足下], (Chương 64), có nghĩa là: Đi ngàn dặm, bắt đầu từ một bước chân. Quả đúng là như vậy. Ki-tô giáo quan niệm, đường ở dưới chân, đi thì tới. Lỗ Tấn tiên sinh là một nhà văn lỗi lạc, ông cũng từng phát biểu rằng: "Trái đất sơ khai làm gì có đường, đường là do con người ta đi nhiều mà thành". Nhà Phật cho rằng, có sinh thời có diệt, có diệt thời có sinh. Từ đó mà suy, sinh tất có khởi, mà diệt tất cũng có khởi. Khởi là cái sự bắt đầu, là cái mút điểm xuất phát vậy. Vũ trụ này theo quan niệm của vật lý lượng tử, cũng khởi từ Bigbang - Vụ nổ lớn. Từ đó mà hình thành theo giãn nở đều ra mọi hướng, các vật chất "ăn" dần các phản vật chất cho đến khi cố định các lực, thì vũ trụ xem như hoàn thành. Ý này trùng với khởi trong Thiên Chúa giáo về việc Chúa tạo ra thế giới trong 7 ngày, cũng bắt đầu từ những điều hư vô đâu đó. Dịch gọi là nó là ở thời điểm khởi đầu. Rồi nó phân thành lưỡng nghi (兩儀). Lưỡng nghi sinh tứ tượng (四象). Tứ tượng sinh bát quát (八卦). Bát quát quyết định may rủi. May rủi tạo nên hàng loạt hành động. (tr. Wilhelm and Baynes 1967:318-9). Những kiến thức vĩ mô mang tầm cỡ vượt ra khỏi hiểu biết của một người như thế, chung quy cũng khởi từ "KHỞI" mà thành. Thành rồi biến hóa thành vô cùng vô tận, đến mức "nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên" [ngoài người lại có người, ngoài trời lại có trời].

Khởi - là một chấm mút nhỏ đến mức "không còn gì chứa ở bên trong", nhưng lại là cái để sinh ra toàn thể, đạt đến mức "không còn gì bao được ở bên ngoài". Triết học cổ Trung Hoa gọi là "Vô cực 無極" . Nó là chỗ để từ đó mọi thứ trên đời này được sinh ra, dự mình vào chuỗi "sinh-lão-bệnh-tử".

Càng ngày, nghĩa của Khởi càng bị thu hẹp và sử dụng trong những trường huống cụ thể hơn. Biến Khởi thành động từ chỉ hoạt động, để chỉ những công việc manh mún, nhỏ mọn, như: Khởi công, khởi nghiệp, khởi điểm v.v... Sự biến hóa linh hoạt của ngôn ngữ lại đẩy khởi hợp hôn với vài từ loại khác để biểu hiện từ tính là động từ chỉ trạng thái cảm xúc của con người như: Phấn khởi. Ví dụ như: "Phấn khởi trước thành tích học tập" hay "biết tin này, chắc cha mẹ phấn khởi lắm" v.v...

Viết mấy dòng này, tôi thấy nhớ hiền huynh Phạm Lưu Vũ đến da diết. Con người ấy được ma quỷ lẫn thần tiên ban cho một bộ óc mà chỉ có phật hay ma mới định nghĩa được, loài người đụng vào có phần hơi bất-khả-tri. Trong một bài luận về Đạo của huynh ấy, đại ý nói, đạo là cái to lắm, rộng lắm, nhưng con người ta dần trở nên đếch hiểu, nên người ta thêm chữ lý vào sau, thành đạo lý, đến một thời gian nữa thì đạo lý lại là cái người ta cũng đếch hành được nữa nên thêm vô một lô xích xông những thứ vớ vỉn vào sau. Cách lập luận dí dỏm và hài hước đó thoạt tiên đọc phá lên cười, nhưng đọc xong thấy cay sè sống mũi.

"Vạn sự khởi đầu nan", chả cái chết tiết gì trên đời mới làm mà dễ dàng cả. Nhân đây cũng có vài lời nhắn với các học trò - những người bạn của tôi, phàm những việc dễ thì thiên hạ tranh cướp hết rồi, có còn cũng chỉ còn toàn xương xẩu xí quách thôi [đừng hứng vào mà biến thành loại gặm xương]. Nên cũng chỉ còn những việc khó phải làm. Việc khó thời đám ấy lại ngại, nên phần vinh quang còn lấp ló đâu đó trên các nẻo đường đời. Hãy đi đi. Làm đi. Làm chưa chắc đã thành công, nhưng không làm thì chẳng có thành công nào cả...(ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét