Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

BÀI TOÁN VÔ NGHIỆM!!!

Bài toán của người thầy giáo giành cho học sinh năm cuối... Ngày kết chia tay thời học trò.
Thầy giáo vào lớp, vẻ mặt nghiêm nghị thường ngày thoảng nét buồn xa xăm. Thầy lẳng lặng viết lên bảng đề bài tập toán:
Giải phương trình: 0x + 2014 = 0
Rồi chỉ một trò ngồi dãy bàn đầu: - Em lên bảng giải đi!
Trò ngập ngừng đứng dậy:
- Thưa, thưa thày... bài này vô nghiệm...
- Em cứ lên bảng giải!
Cậu học trò ngần ngừ trong giây lát rồi cũng lên bảng viết nắn nót:
0x + 2014 = 0 <=> 2014 = 0 => phương trình vô nghiệm.
- Ai có ý kiến gì khác?
Cả lớp im phăng phắc. Quái lạ, thì phương trình vô nghiệm rõ quá rồi mà...
Thầy ôn tồn nói tiếp:
- Những bài trước thầy đã giảng ý nghĩa các điểm cực đại, cực tiểu, điểm uốn... trong đồ thị hàm số cho các trò. Hôm nay, thày muốn nói về ý nghĩa của BÀI TOÁN VÔ NGHIỆM.
Toán học cũng như trong cuộc sống, chúng ta chớ coi thường những trường hợp bài toán vô nghiệm. Chẳng hạn, nếu các trò thi không đủ điểm thì có nên chạy chọt, lo lót để mua cho được tấm bằng tốt nghiệp hay không?
- Thưa không!
- Rất đúng! Tấm bằng tốt nghiệp của các trò trong trường hợp ấy chẳng khác gì cố gán một giá trị cho ẩn số x ở bài toán trên. Vì sao chúng ta không chấp nhận bài toán vô nghiệm để giải một bài khác, tức là học để thi lại kỳ khác?
Sau này vào đời, các trò sẽ chọn cho mình một ngành nghề thích hợp. Và đừng bao giờ quên ý nghĩa của phương trình vô nghiệm này.
Nếu các trò làm trong ngành cứu hộ, và được lệnh tìm kiếm một chiếc máy bay nghi ngờ bị rơi ở vùng biển nào đó. Suốt cả ngày tận tâm tận lực lùng sục kỹ lưỡng không phát hiện được gì cả, thì các trò sẽ về báo cáo cấp trên như thế nào?
(Cả lớp im lặng)
- Thì báo cáo là chưa tìm thấy gì cả! Hết sức bình thường, chúng ta đừng cố dựng nên một manh mối hay chứng cứ vu vơ nào đó để chối bỏ trường hợp vô nghiệm của bài toán tìm kiếm ngày hôm đó.
Nếu các trò làm công việc điều tra tội phạm, hết thời hạn cho phép mà vẫn không tìm ra được bằng chứng phạm tội của nghi can, thì sao?
(Không gian như chùn xuống trong tĩnh lặng)
- Nói lời xin lỗi và trả tự do cho họ chứ sao nữa! Tại sao chúng ta không chấp nhận trường hợp vô nghiệm của bài toán điều tra để rồi dùng nhục hình tra tấn bức cung nhằm cố gán một giá trị vu vơ nào đó cho ẩn số x? Trường hợp nhẹ thì nghi can nhận tội bừa, nặng thì có thể gây tử vong. Các trò có thấy tai hại khi xem thường ý nghĩa của bài toán vô nghiệm không?
Nếu các trò đem lòng yêu một bạn nam/nữ nào đó, nhưng qua thời gian dài theo đuổi, tình yêu không được đáp trả và bạn ấy đã yêu một người khác, thì sao?
(Trúng chủ đề nhạy cảm, cả lớp rì rào xao động...)
- Thì ngậm ngùi tiễn biệt một mối tình đơn phương về miền quá khứ chứ sao nữa! Tại sao nhiều người không chịu chấp nhận trường hợp vô nghiệm này để làm những chuyện tiêu cực đáng trách như nhảy cầu tự vẫn, hay sát hại người yêu để "cùng chết bên nhau"? Nhảm hết sức!
(Cả lớp ồ lên cười, xua tan bầu không khí căng thẳng)
Trên đây thầy vừa chỉ ra một vài ví dụ thực tế, trò nào có thể khai triển thêm các trường hợp khác trong cuộc sống quanh ta?
- Thưa thầy, nếu sự thật một người không hề có tư tưởng nào đáng giá, thì chúng ta chớ nên tìm mọi cách để gán một hệ tư tưởng vu vơ nào đó cho họ. Vì như vậy là chúng ta không chấp nhận trường hợp vô nghiệm trong bài toán đi tìm tư tưởng của một người không có tư tưởng gì.
- Rất giỏi! Trò nào có khai triển khác?
- Thưa thầy, nếu chúng ta đang ở trên một lộ trình không rõ phương hướng và chưa biết đích đến của nó thì tốt nhất là đừng tiếp tục nữa. Bởi vì đây là trường hợp còn tệ hơn cả việc cố gán một giá trị cho ẩn số x trong bài toán vô nghiệm. Nó tương tự như việc yêu cầu chúng ta đi giải một "phương trình" nhưng chỉ có một vế bên trái:
ax + b + c + ... + n
- Xuất sắc! Thầy rất vui khi thấy các trò có được những suy nghĩ tự do, phóng khoáng mà vẫn không xa rời tư duy logic. Đó là nền tảng căn bản của con người trong xã hội hiện đại. Và thầy cũng rất lấy làm tiếc vì đây là buổi học cuối cùng, chúng ta không còn được gặp mặt nhau hàng ngày nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể kết nối với nhau qua mạng xã hội Facebook nhé!

Thương mến các trò!
Sưu tầm Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét