Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Văn tế thập loại chúng sinh-Lễ Vu lan và Lễ cúng Cô hồn nhân ngày rằm tháng 7

VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH
                                                      Nguyễn Du
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng...

Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Dịp đường lê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh...
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người

Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên...
Còn chi ai khá, ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu!
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi
Giải oan cứu khổ độ về tây phương.
Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh
Chí những lăm cất gánh non sông
Nói chi những buổi tranh hùng
Tưởng khi thế khuất, vận cùng mà đau!
Bỗng phút đâu mưa sa, ngói lở
Khôn đem mình làm đứa thất phu
Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng, xương khô rụng rời
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa
Cho hay thành bại là cơ
Mà cô hồn biết bao giờ cho tan.
Cũng có kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung quế Hằng Nga,
Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Trên lầu cao dưới dòng nước chảy
Phận đã đành trâm gãy, bình rơi
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.
Đau đớn nhẽ không hương không khói
Hồn ngẩn ngơ dòng suối, rừng sim.
Thương thay chân yếu, tay mềm
Càng lăm càng héo một đêm, một dài.
Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son thác sống ở tay
Kinh luân găm một túi đầy
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu.
Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm,
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh
Ngàn vàn khôn đổi được mình
Lầu ca viện hát tan tành còn đâu?
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén nhang?
Cô hồn thất thểu dọc ngang
Nặng oan khôn nhỏ tìm đường hóa sinh?
Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đổi mình vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Phơi thây trăm họ nên công một người.
Khi thất thế tên rơi đạn lạc
Bãi sa trường thịt nát máu rơi
Mênh mông góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?
Trời thăm thẳm mưa gào gió thét
Khí âm huyền mờ mịt trước sau
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?
Cũng có kẻ tính đường trí phú
Mình làm mình nhịn ngủ kém ăn
Ruột rà không kẻ chí thân
Dẫu làm nên để dành phần cho ai?
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ
Của phù vân dẫu có như không
Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi.
Khóc ma mướn, thương gì hàng xóm
Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm
Ngẩn ngơ trong quảng đồng chiêm
Nén hương giọt nước biết tìm vào đâu?
Cũng có kẻ rắp cầu chữ qúy
Dẫn mình vào thành thị lân la
Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn chương đã chắc đâu mà trí thân.
Dọc hàng quán gặp tuần mưa nắng
Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng
Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng
Anh em thiên hạ láng giềng người dưng
Bóng phần tử xa chừng hương khúc
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang
Cô hồn nhờ gửi tha phương
Gió trăng hiu hắt lửa huơng lạnh lùng.
Cũng có kẻ vào sông ra bể,
Cánh buồm mây chạy xế gió đông
Gặp cơn giông tố giữa dòng
Đem thân chôn rấp vào lòng kình nghê.
Cũng có kẻ đi về buôn bán
Đòn gánh tre chín dạn hai vai
Gặp cơn mưa nắng giữa trời
Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?
Cũng có kẻ mắc vào khóa lính
Bỏ cửa nhà gồng gánh việc quan
Nước khe cơm vắt gian nan
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời
Buổi chiến trận mạng người như rác
Phận đã đành đạn lạc tên rơi
Lập lòe ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương!
Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con tá biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Cũng có kẻ nằm cầu gối đất
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi
Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ chết vùi đường quan.
Cũng có kẻ mắc oan tù rạc
Gửi mình vào chiếu rách một manh
Nắm xương chôn rấp góc thành
Kiếp nào cỡi được oan tình ấy đi?
Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế xót xa
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cối sa cây
Có người leo giếng đứt dây
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.
Người thì mắc sơn tinh thủy quái
Người thì sa nanh sói ngà voi
Có người hay đẻ không nuôi
Có người sa sẩy có người khốn thương.
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?
Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi
Hoặc là nương ngọn suối chân mây
Hoặc là điếm cỏ bóng cây
Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ
Hoặc là nương thần từ Phật tự
Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông
Hoặc là trong quãng đồng không
Hoặc nơi gò đống hoặc vùng lau tre
Sống đã chịu một bề thảm thiết
Ruột héo khô dạ rét căm căm
Dãi dầu trong mấy mươi năm
Thở than dưới đất ăn nằm trên sương
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi bồng trẻ dắt già
Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh.
Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ
Phóng hào quang cứu khổ độ u
Rắp hòa tứ hải quần chu
Não phiền trút sạch oán thù rửa không.
Nhờ đức Phật thần thông quảng đại
Chuyển pháp luân tam giới thập phương
Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương
Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.
Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao
Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.
Kiếp phù sinh như hình như ảnh
Có chữ rằng:"Vạn cảnh giai không"
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo
Của có khi bát cháo nén nhang
Gọi là manh áo thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.
Ai đến đây dưới trên ngồi lại
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêụ
Phép thiên biến ít thành nhiều
Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sanh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không.
Nam mô chư Phật, Pháp, Tăng
Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.
Các loại chúng sinh được nhắc đến trong văn tế:
1. Những kẻ "tính đường kiêu hãnh" tham danh vọng mà quên mạng sống.
2. Những kẻ giàu sang sống trong "màn loan trướng huệ" tự kiêu, tự mãn về nhan sắc...
3. Những kẻ làm quan to "mũ cao áo rộng" cầm ngọn bút sinh sát trong taỵ..
4. Những tướng sĩ "bài binh bố trận" "đem mình vào cướp ấn nguyên nhung" phơi thây trăm họ để dành công cho bản thân mình...
5. Những kẻ tính đường trí phú bôn ba lìa bỏ quê nhà để mong được giàu sang...
6. Những kẻ "rắp cầu chữ quý"
7. Những kẻ vào sông ra bể, trong sóng gío hiểm nguỵ..
8. Những kẻ thương buôn đường xa
9. Những kẻ phải đi lính
10. Những kẻ sa cơ thất thế rơi vào "buôn nguyệt bán hoa"
11. Những người hành khất "sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan"
12. Những kẻ mắc vòng tù ngục oan khiên
13. Những kẻ hữu sinh vô dưỡng
14. Những trẻ sơ sinh mất mẹ cha
15. Những kẻ chết vì các loại nạn tai: thủy, hỏa, ác thú...
16. Những kẻ vô tự tức không con cái, thân thuộc
Ấy mới là:
"Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người!
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu"
"Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi"
Tham khảo một bản dịch khác
Nguyễn Du
Văn tế thập loại chúng sinh
Tiết tháng bảy mưa dầm xùi xụt Lọt hơi sương lạnh buốt xương khô
Não người thay bấy chiều thu
Ngàn lau khảm bạc, giếng ngô rụng vàng

Đường bạch dương bóng chiều man mác
Ngọn đường lê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm

Trong trường dạ tối tăm trời đất
Xót khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay Thập loại chúng sinh
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người

Hương khói đã không nơi nương tựa
Phận bồ côi lần lữa đêm đen
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu

Tiết đầu thu, dựng đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hắt dương chi
Muôn nhờ Phật lực từ bi
Giải oan cứu khổ, hồn về Tây phương

Nào những kẻ tính đường kiểu hạnh
Chí những lăm cướp gánh non sông
Nói chi đang thủa thị hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau

Bổng phút đâu tro bay ngói giỡ
Khôn đem mình làm kẻ thất phu
Cả giàu sang, nặng oán thù
Máu tươi lai láng, xương khô rã rời

Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc
Quỉ không đầu van khóc đêm mưa
Đã hay thành bại là cơ
Mà u hồn biết bao giờ cho tan

Nào những kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung Quế Hằng Nga
Một phen thay đổi sơn hà
Tấm thân mảnh lá biết là làm sao

Lên lầu cao, xuống dòng nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương

Thảm thiết nhẽ không hương không khói
Hồn vẩn vơ bãi cói ngàn sim
Thương thay chân yếu tay mềm
Càng năm càng héo, càng đêm càng dàu

Nào những kẻ mão cao áo rộng
Ngòi bút son thác sống ở tay
Kinh luân chất một xải đầy
Đã đêm Quản Cát, lại ngày Y Chu

Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm
Trăm loài ma xắm nắm chung quanh
Nghìn vàng khôn chuộc được mình
Lầu ca viện xướng tan tành còn đâu

Kẻ thân thích vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén hương
Cô hồn thất thưởng dọc ngang
Nặng oan, khôn lẽ tìm đường hóa sinh

Nào những kẻ bài binh bố trận
Vâng mệnh sai lĩnh ấn nguyên nhung
Gió mưa thét rống đùng đùng
Phơi thây trăm họ làm công một người

Khi thất thế cung rơi tên lạc
Bãi sa trường thịt nát máu trôi
Bơ vơ góc bể chân trời
Bó thân da ngựa biết vùi vào đâu
Trời xâm xẩm mưa gào gió thét
Khí âm ngưng mù mịt trước sau
Năm năm sương nắng dãi dầu
Còn đâu tế tự, còn đâu chưng thường

Cũng có kẻ tính đường trí phú
Làm tội mình nhịn ngủ bớt ăn
Ruột rà không kẻ chí thân
Dẫu làm nên nữa, dành phần cho ai

Khi nằm xuống không người nhắn nhủ
Của phù vân dẫu có như không
Tuy rằng bạc chảy tiền dòng
Khi đi mang được một đồng nào đi

Khóc ma mướn thương gì hàng xóm
Hòm gỗ đa, bó đóm đưa đêm
Thẩn thơ nội rộc đồng chiêm
Tàn hương giọt nước biết tìm vào đâu

Cũng có kẻ muốn cầu chữ quý
Dấn thân vào thành thị bôn ba
Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn chương đã chắc đâu mà trí thân

Dọc hàng quán phải tuần mưa nắng
Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng
Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng
Anh em : thiên hạ, láng giềng : người dưng

Bóng tang tử xa chừng hương khúc
Bãi sa ma kẻ dọc người ngang
Cô hồn nhờ gửi tha hương
Gió trăng heo hắt, khói sương lạnh lùng

Lại có kẻ vào sông ra bể
Cánh bum dơi chạy xế gió đông
Gập cơn giông tố giữa dòng
Đem thân vùi rập vào lòng kình nghê

Lại có kẻ đi về buôn bán
Đòn gánh tre chèn dán hai vai
Gập cơn mưa gió, khí trời
Hồn đường sá, biết lạc loài vào đâu

Lại có kẻ mắc vào ngũ lính
Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan
Nước bầu cơm ống gian nan
Dãi dầu muôn dậm, lầm than một đời

Trong chiến trận xem người như rác
Thân đã đành đạn lạc tên rơi
Lập lòe ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng, tối trời càng thương

Lại có kẻ lỡ làng một tiết
Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con nấy, biết là cậy ai

Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu

Lại có kẻ nằm cầu gối đất
Dõi những ngày hành khất ngược xuôi
Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ, thác vùi đường quan

Lại có kẻ mắc oan tù rạc
Gửi thân vào chiếu lác một manh
Gói xương chôn rấp góc thành
Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi

Lại như đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh, lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
Ư ư tiếng khóc xót xa nỗi lòng  
 Cũng có kẻ đắm sông chìm suối
Cũng có người sẩy núi ngã cây 
Có người leo giếng đứt giây
Người trôi nước lụt, người lây cháy thành

Người thì mắc sơn tinh thủy quái
Người thì lâm răng khái ngà voi
Có người có đẻ không nuôi
Có người sinh sẩy, mệnh người gian nguy

Mắc phải lúc đường đi lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Một người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ

Hoặc là ẩn dọc bờ dọc bụi
Hoặc là nương ngọn suối chân mây
Hoặc là bãi cỏ lùm cây
Hoặc là cầu nọ quán nầy bơ vơ

Hoặc là tựa thần từ Phật tự
Hoặc là quanh đầu chợ cuối sông
Hoặc là thơ thẩn đồng không
Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre

Mấy thu chịu nhiều bề thảm thiết
Dạ héo khô, gió rét căm căm
Dãi dầu biết mấy trăm năm
Khóc than dưới đất, ăn nằm trong sương

Nghe gà gáy, tìm đường lánh ẩn  
Tắt mặt trời, lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi ẵm trẻ giắt già
Có khôn thiêng hỡi, lại mà chứng minh

Nhờ Phật lực siêu sinh Tịnh độ
Phóng hào quang cứu khổ độ u
Khắp trong tứ đại bộ chu
Não phiền thoát sạch, oán thù rửa xong

Đạo Vô thượng thần thông quảng đại
Chuyển pháp luân tam gii thập phương
Nhơn nhơn Tiêu Diện qu vương
Linh kỳ một lá dẫn đường độ sinh

Nhờ Phật lực uy linh dũng mãnh
Trong giấc mê, phút tỉnh chiêm bao
Mười loài là những loài nào
Gái trai già trẻ cũng vào nghe kinh

Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
Có câu rằng : Vạn cảnh giai không
Ai ai lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi

Đàn chẩn tế theo lời Phật giáo
Vật có gì, lưng cháo nén hương
Gọi là manh áo thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đàng siêu thiên

Ai tới đó, dưới trên ngồi lại
Lấy chút lòng, chớ ngại bao nhiêu
Phép thiên biến ít ra nhiều
Trên nhờ Tôn giả chia đều chúng sinh

Phật hữu tình từ bi tế độ
Chớ ngại rằng có có chăng chăng
Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng
Nam Mô nhất thiết siêu thăng thượng đài 

DU GIÀ KHOA NGHI TRIỆU THỈNH THẬP LOẠI CÔ HỒN
                                                       (Tham khảo thêm)
      Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh là áng văn hay nhất của Nguyễn Du sau Truyện Kiều. Ý tưởng toàn bộ áng văn này dựa vào Du Già Khoa nghi của Cổ Đức, một áng văn trác tuyệt được lưu truyền trong Thiền môn, sử dụng khi Đăng Đàn Chẩn Tế Thập Loại Cô Hồn. Vào năm 1995, có dịp về Việt Nam, tôi đến chùa Linh Phước, Định Tường thăm viếng và lễ tháp cố Hoà Thượng Pháp Sư Thích Quảng Ân một Cao Tăng có nhiều đóng góp trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Việt Nam. Lục trong di cảo của Hòa Thượng có bản dịch Du Già Khoa nghi trong xấp tài liệu để đăng báo Từ Bi Âm, một tờ Tạp Chí Phật Học truyền bá giáo lý mạnh mẽ ở miền Nam và cũng là cơ sở ngôn luận chính cho phong trào chấn hưng Phật Giáo. Nhận thấy bản dịch rất sát với nguyên tác, lời văn súc tích, ý nghĩa đậm đà, có thể dùng làm mẫu trong việc cúng tế hương linh và đăng đàn chẩn tế bằng tiếng Việt. Nhân mùa Vu Lan xá tội vong nhân, chúng tôi chân thành gởi đến quý vị một tác phẩm dịch rất có giá trị của một bậc tiền bối hữu công trong phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam.
                                 Trân trọng, Hương Đạo 3-2002
Quảng Hạnh cẩn bút.
Du Già Khoa Nghi
Triệu Thỉnh Thập Loại Cô Hồn.
Hương hoa thỉnh (cô hồn)
Một lòng triệu thỉnh:
Kim ô qua tợ tên bay
Ngọc thố lặn mọc cũng tày thoi đưa
Chia ly khóc mấy cho vừa
Tình thâm chỉ có ảnh xưa đeo sầu
Hương trà cung thỉnh lần đầu
Cô hồn đến nhận phép mầu Phật ban (ân).
Kính Nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
Hương hoa thỉnh
Một lòng triệu thỉnh:
Xa nhìn núi biếc một mầu,
Lắng nghe dòng nước thì thào hư vô,
Xuân đi hoa vẫn còn trơ,
Người đến chim vẻ ngẩn ngơ vô tình.
Hương trà lần nữa mời xin!
Cô hồn hãy lắng nghe kinh thoát nàn.
Kính Nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
Hương hoa thỉnh
Một lòng triệu thỉnh:
Cõi đời như giấc nam kha
Mong manh huyển chất khó mà dài lâu.
Như Lai có sẳn phép mầu
Dẫn người khổ não dứt sầu về Tây.
Hương trà ba lượt thỉnh đầy
Cô hồn thọ lãnh của này Phật ban.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
1. Hương hoa thỉnh (Vương hầu)
Một lòng triệu thỉnh:
Vua chúa mấy triều ngự trị
Hầu vương bao lớp sang giàu
Chín tầng điện ngọc trên cao
Muôn dặm núi sông độc chiếm.
Nhưng:
Phía Tây chiến hạm kéo cờ
Nghìn năm vượng khí một giờ tan hoang
Xe loan phía Bắc vừa sang
Nhân dân năm nước tiếng than ngập thành.
Than ôi!
Đổ uyên kêu suốt tàn canh
Máu hồng nhuộm mãi tên cành đào hoa,
Xưa nay vương bá những là,
Hôm nay xin chứng tiệc hoa bỉ bàng.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
2. Hương hoa thỉnh (Tướng Soái)
Một lòng triệu thỉnh:
Bái tướng lập đàn nghiêm chỉnh
Phong hầu cắt đất hiến dâng
Sức dời đnh nặng nghìn cân
Thân trải thành
Tướng beo sương lạnh canh tàn
Uổng công hạn mã gian nan một đời
Khói lang gió dứt ngàn khơi
Chẳng kể thánh thượng cuộc đời chìm sâu.
Than ôi!
Tướng quân ngựa chiến còn đâu!
Hoa vàng cỏ nội, đất sầu căm căm!
Anh hùng tướng soái ngàn năm
Mau về pháp hội, thành tâm cúng dường.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
3. Hương hoa thỉnh (Văn quan tể phụ)
Một lòng triệu thỉnh:
Văn sĩ năm thành nể mặt
Hiền lương mười quận tiếng vang
Ba năm trong sạch làm quan
Một tấc lòng son giúp chúa.
Nhưng:
Châu Nam, huyện Bắc ngàn khơi
Xa lìa làng mạc, cách rời quê hương
Chân trời gốc bể thảm thương
Bồng lai hải đảo khôn đường tới lui.
Than ôi!
Chức quan sóng nước cuốn trôi
Hồn lìa khỏi xác mộng đời còn đâu?
Văn thần tể tướng đeo sầu!
Xin về hưởng thực pháp mầu Phật ban.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
4. Hương hoa thỉnh (Văn nhân cử tử)
Một lòng triệu thỉnh:
Tài tử danh vang muôn dặm
Thư sinh nổi tiếng mười phương
Thám hoa bước thẳng đường mây
Xạ sách thân cao thí viện.
Nhưng:
Đóm đèn bay mất đi rồi
Mười năm nấu sử xôi kinh đêm ngày
Sách nghiên quyết chí dồi mài
Biết bao tân khổ mưa bay ngoài thành.
Than ôi!
Lụa hồng bảy thước ghi danh
Đất vàng một nắm lấp thành văn chương
Văn nhân cử tử thảm thương
Về đây nhận lấy hoa hương đở lòng.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
5. Hương hoa thỉnh (Trung y Thích Tử)
Một lòng triệu thỉnh:
Thượng sĩ xuất trần có một,
Cao Tăng cõi tích không hai,
Người chuyên năm giới tịnh tu,
Chứng Tỳ Kheo, Ni, Phạm hạnh.
Nhưng:
Hoa vàng trúc biếc không suông,
Chơn thuyên bí mật nói luôn ích gì!
Mèo đen, trâu trắng có chi!
Khổ không diệu kệ nghĩa thì mênh mang.
Than ôi!
Áng kinh gối lạnh trăng tàn
Thất thiền trống vắng bóng tràn hắt hiu
Áo nâu Thích tử bao nhiêu
Về đây Pháp thực ít nhiều Phật ban.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
6. Hương hoa thỉnh (Huyền môn đạo sĩ)
Một lòng triệu thỉnh:
Vào núi, từ quan chẳng đoái
Theo tiên, mặc áo công phu
Động đào nguyên ở ẩn chơn tu
Châu lãng uyển sống yên dưỡng tánh.
Nhưng:
Ba hoa, chín luyện chẳng thành
Nam Tào chưa hứa nêu danh tiên đài
Vô thường tứ đại tan ngay
Âm cung hồn chẳng đổi thay số trời.
Than ôi!
Động tiên nồi thuốc sương đầy
Đàn trăng gió cuốn hoa bay lạnh lùng
Huyền môn, đạo sĩ ở chung
Theo phang triệu thỉnh đến dùng bửa đơn.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này giúp cho.
7. Hương hoa thỉnh (Tha hương lữ khách)
Một lòng triệu thỉnh:
Dòng bán giang hồ nổi tiếng
Họ buôn Nam Bắc nghe danh
Kinh thương muôn dặm dạo chơi
Hàng hóa ngàn vàng đổi chác.
Nhưng:
Gió sương bất trắc khôn lường
Thân vào hang thẳm chẳng đường tới lui
Núi rừng nguy hiểm đơn côi
Rơi vào miệng cọp biết hồi nào ra.
Than ôi!
Mịt mờ mây tiển hồn ma
Đìu hiu nước cuốn phách xa dặm trường
Những phường buôn bán tha hương
Nương nhờ Phật pháp đoái thương chẩn bần.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
8. Hương hoa thỉnh (Binh tốt trận vong)
Một lòng triệu thỉnh:
Chiến sĩ áo nhung uy dũng
Kiện nhi múa kiếm trận trung
Cờ hồng dưới bóng tranh hùng
Kiếm bạc trùng trùng liều mạng.
Nhưng:
Trống vàng vừa thúc tên bay
Đầu rơi, bụng vỡ bên ngoài gò hoang
Cuộc cờ thắng bại chưa tan
Thây nằm đầy đất máu loang ngập tràn.
Than ôi!
Mịt mờ quỷ khóc cát vàng
Sa trường xương trắng mênh mang nhuốm sầu
Quân binh các loại thương đau
Xin về thọ lãnh cháo rau đỡ lòng.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
9. Hương hoa thỉnh (Huyết hồ sản nạn)
Một lòng triệu thỉnh:
Mười tháng mang thai mong đợi
Ba hôm ngồi cỏ trọn nguyền
Mới mừng loan phụng hòa duyên
Vừa ước hùng bi thỏa mộng.
Nhưng:
Chúc mừng chưa được trọn lời
Kiết hung nào biết cuộc đời ra sao?
Ngọc đá chưa phân được nào?
Mẹ con đã bị âm tào gọi tên.
Than ôi!
Hoa vừa hé nhụy bão lên
Nguyệt vừa ló dạng mây đen phủ đầy
Huyết hồ sản nạn về đây
Cành dương Phật pháp hôm này rưới thân.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
10.A Hương hoa thỉnh (sản ngoan bội nghịch)
Một lòng triệu thỉnh:
Thổ dân, mán mường, mọi rợ,
Tàn tật, đui điếc, ngọng câm,
Chết vì nô dịch lao tâm
Mất mạng khi làm tể thiếp.
Nhưng vì:
Khinh khi Tam Bảo tham sân
Tội khiên chứa nhóm ví bằng hà sa
Ngỗ nghịch cãi lại mẹ cha
Hung ác tạo nghiệp tính ra bằng trời.
Than ôi!
Đêm dài mờ mịt cuộc đời
Trong hang thăm thẳm biết ngày nào ra
Ngu khờ dại dột hồn ma
Về đây hưởng thực hương hoa lãnh phần.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
10.B Hương hoa thỉnh (Quần thoa phụ nữ)
Một lòng triệu thỉnh:
Người đẹp cung vàng ngọc thốt
Giai nhân gác tía hoa cười
Son phấn tô điểm đẹp tươi
Xạ rồng, dồi y, chuốc điệu.
Nhưng:
Mây tan nước cạn đìu hiu,
Trong vườn kim cốc hồn tiêu lạnh lùng,
Hoa tàn, nguyệt khuyết, lãnh cung,
Mã ngôi phơi xác tủi cùng nước non.
Than ôi!
Phong lưu ngày cũ đâu còn!
Khô lâu lạnh lẽo lối mòn lê thê!
Quần thoa phụ nữ mau về!
Nhận tiền, hưởng thực đề huề lạc bang.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
10.C Hương hoa thỉnh (Thương vong hoạnh tử)
Một lòng triệu thỉnh:
Kẻ ăn mày cam đói lạnh
Người phạm pháp chịu hình nhân
Gặp nước, lửa, phải nát thân
Bị cọp, beo, làm mất mạng.
Nhưng vì:
Thuốc độc treo cổ liều mình
Ngàn năm uất hận điêu linh trọn đời
Sét đánh, núi lở, chết trôi
Hồn tan phách lạc chơi vơi bến bờ.
Than ôi!
Khói xanh mưa tối đâu ngờ
Gió thu lá rụng dật dờ muôn phương
Chết ngang, tai nạn một phường
Về đây thọ hưởng hoa hương chẩn bần.
Kính nguyện:
Nương sức Tam Bảo oai thần
Nhờ theo mật chú bước lần về đây
Linh sàng thực phẩm dọn đầy
Dự vào pháp hội của này cấp cho.
                                (Còn tiếp)
Nhìn nhận và bình bài văn tế theo quan điểm phật giáo
Tôi đã đọc ở đâu đó một câu thơ Tiền chiến :
“Trong những cảnh rừng sâu cây lả ngọn
Muôn  ma  Hời  sờ  soạng  dắt  nhau  đi …”
Đó là một câu thơ lạ, càng lạ hẳn đối với thơ Tiền chiến. Nhưng nếu ai biết được những uẩn khúc của Chế Lan Viên đối với dân tộc Chiêm Thành, thì bất quá cũng sẽ bảo họ Chế có mối đồng cảm sâu sắc với giống dân Hời. Dẫu sao thì cũng không có nhiều nhà thơ có giàn Ăng-ten dễ bắt sóng với tần số cõi âm như thế. Nếu có, phải kể đến trước Chế Lan Viên hơn 100 năm, khoảng cách giữa hai thế kỷ, hai thời đại, hai tâm hồn và muôn trùng cảnh ngộ, ta dựng cả tóc gáy lên khi đọc mấy câu thơ :
“Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Lặn mặt trời lần thẩn tìm ra
Lôi thôi m trẻ dắt già…”
Vâng ! Thơ ở đây không còn là thơ nữa, mà là Văn tế, Văn chiêu hồn, đúng hơn là một bài kinh trong nghi lễ cúng thí, được bình dân hóa thành thể thơ song thất lục bát, một thể thơ rất gần với dân tộc Việt, qua tâm hồn bát ngát của Đại thi hào dân tộc : Nguyễn Du.
Hẳn không thừa khi nhắc lại nơi đây lời tán thán của Mộng Liên Đường chủ nhân đối với Tố Như Tử : “Tố Như Tử dụng tâm chi khổ, tự sự chi thần, tả cảnh chi công, đàm tình chi thiết, tự phi nhãn phù lục hợp, tâm quán thiên thu vị tất hữu thử bút lực dã …”
Tôi hạ bút viết bài này khi ngoài kia trời đang mưa sùi sụt. Tôi ngồi đây với những câu chữ của Nguyễn Du, những câu chữ có hồn (hiểu theo đúng nghĩa đen của nó), nhưng không phải là hồn đơn bóng chiếc, mà là :
“Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc
không đầu van khóc đêm mưa”.
Hay :
“Trăm loài ma xắm nắm chung quanh”.
Tôi chợt nghĩ tới những trai đàn chẩn tế, trên cao là Tiêu Diện Đại Vương cầm linh kỳ trợn mắt, tiếng Kinh sư xướng cao cùng tang linh mỏ khánh, tiếng chiêng trống xập xèng, từng đoàn trẻ nhỏ nhào lên giật bánh, không biết những oan linh hồn xiêu phách lạc có vào được trai đàn … hưởng thọ hương hoa ? Nếu không, hãy chờ lúc hạ đàn, khi bốn bề lạnh vắng, đọc lại “Văn Chiêu Hồn” của Nguyễn Du, hẳn cũng có kẻ hưởng phần lợi lạc. Bởi chính Nguyễn Du đã viết :
“Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
Có câu rằng “Vạn cảnh giai không”
Ai ai lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi …”
Chỉ có người “lấy Phật làm lòng” mới có được cái nhìn thấu thị với tất cả chúng sanh trong mười phương lục đạo bằng chính tấm lòng Từ bi bác ái như thế.
Nghĩ đến đây tôi chợt ngờ ngợ rằng “Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh” của Nguyễn Du  là một tác phẩm diễn Nôm từ một khoa nghi của Phật giáo ? 

ĐI TÌM NGUỒN GỐC VĂN CHIÊU HỒN
Chưa ai biết đích xác Nguyễn Du viết bài này trong thời gian nào. Trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của ông Trần Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo” năm 1939, rằng Nguyễn Du trước tác bài này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn. Ông Hoàng Xuân Hãn cho rằng có lẽ Nguyễn Du viết “Văn Chiêu Hồn” trước cả Truyện Kiều, khi ông làm Cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812) (Sđđ, tr.415). Không có tài liệu nào để chứng minh Nguyễn Du diễn Nôm “Văn Chiêu Hồn” này từ một tác phẩm của Phật giáo. Ngay cả xuất xứ của tác phẩm này, dù đã được minh định là của Nguyễn Du nhờ phong cách, tình điệu và nhất là nhờ hợp với chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du qua tác phẩm Truyện Kiều hay thơ chữ Hán, song các phát hiện về bản văn này cũng chỉ nhờ 2 bản Nôm, 1 bản khắc ván năm 1895, gọi là bản Chính Đại, được tàng  trữ ở chùa Hưng Phú, xã Hạ Lôi, huyện Vũ Giàng, tỉnh Bắc Ninh; 1 bản do cụ Lê Thước phát hiện ở chùa Diệc (phía Bắc thành Nghệ An xưa), phiên âm và công bố năm 1924 (Sđđ, tr.409). Như vậy việc phát hiện tác phẩm này cách thời gian viết ra nó đến gần cả trăm năm. Từ đó người ta chỉ lo chú ý đến việc phân tích và chú giải, ít có ai nghĩ đến xuất xứ của bản văn, ngoại trừ một số vị sư am tường nghi lễ Phật giáo, song cũng chưa có một bài khảo cứu rạch ròi chuyện này.
Có thể ở thời đại Nguyễn Du, các khoa nghi cúng thí bằng Hán văn quá xa lạ với quần chúng, Nguyễn Du đã vì số đông người không hiểu chữ Hán nên diễn Nôm lại nghi thức này cho mọi người được hiểu, như đã từng diễn Nôm tiểu thuyết Đoạn Trường Tân Thanh của Thanh Tâm Tài Nhân thành Truyện Kiều vậy. Về giá trị nghệ thuật cũng như sự sáng tạo độc đáo của tác phẩm ta sẽ bàn ở một phần sau, vấn đề ở đây là làm sao chứng minh nhận định ở trên là đúng ?
Đọc lại Văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du, tất cả gồm 184 câu thơ song thất lục bát, ta thấy tác phẩm gồm 3 phần chính : Phần đầu giới thiệu cảnh vật não nề thê thiết của “tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt”, hơi may lạnh buốt, lá thu rụng vàng … Một cảnh tượng dương gian đầy u ám ấy để giới thiệu một cõi âm nhập nhòa hồn thiêng phách lạc : “Cõi dương còn thế huống là cõi âm …”. Phần 2 cũng là phần chính của tác phẩm, tác giả cung chiêu tất cả 13 loại cô hồn từ anh hùng tướng soái đến những kẻ tiểu nhi tấm bé, rồi kể hết những trường hợp hoạnh tử oan khiên của những người đã khuất bằng tất cả sự cảm thông sâu sắc. Phần cuối của tác phẩm là những lời nhắn nhủ đối với người cõi âm, lấy Phật làm lòng, hướng về nẻo thiện, nương nhờ Phật lực để siêu sanh Tịnh độ. Một tác phẩm có bố cục chặt chẽ như thế mà nói rằng Nguyễn Du chỉ mượn cõi âm để nói chuyện cõi dương, mượn tâm sự để vẽ lên bức tranh đời sống hiện tại, đồng thời tố cáo những cường hào ác bá theo kiểu “chủ nghĩa hiện thực phê phán” như một vài người đã nhận định là hoàn toàn không hợp lý.
Để chứng minh rằng Văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du là diễn Nôm từ một khoa nghi Phật giáo, không gì hơn là tìm hiểu chính những khoa nghi của Phật giáo, sau đó đối chiếu và tìm những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm. Hiện tại chúng ta cũng không biết chính xác thời điểm ra đời của tác phẩm, nên cũng không biết được Nguyễn Du đã sử dụng bản văn nào để diễn Nôm. Tuy nhiên, dạng văn học chiêu hồn trong nghi lễ Phật giáo đã xuất hiện rất sớm từ Trung Quốc, nghi thức cúng cô hồn đã có trước Nguyễn Du hàng ngàn năm, đồng thời cách trình bày các loại cô hồn trong Văn Chiêu Hồn cũng rất giống với khoa nghi, nên không thể xem văn chiêu hồn hoàn toàn là sáng tạo của Tiên sinh. Ở đây cần phải nói thêm rằng dù chứng minh đây là tác phẩm phóng tác thì cũng không hề làm giảm giá trị tuyệt vời của tác phẩm, giống như Truyện Kiều không hề kém giá trị khi nó được phóng tác từ một tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân.
Nghi thức cúng thí thực cô hồn vốn là một loại hành nghi của Mật giáo. Nghi thức này đầu tiên căn cứ vào Kinh Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà-la-ni do ngài Bất Không dịch vào đời Đường, Trung Quốc. Kinh này thuật lại việc Đức Phật dạy ngài A-nan cách thức cúng thí để thoát khỏi khổ nạn ng quỷ, đồng thời tăng phước tăng thọ. Nguyên bản kinh này đầu tiên là do ngài Thật-xoa-nan-đà dịch, ngài Bất Không chỉ dịch lại cùng với một số kinh điển liên quan khác như Kinh Du-già Tập Yếu Cứu A-nan Đà-la-ni Nghi Quỹ, Thí Chư Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập Thủy Pháp …
Đến đời Tống, các Danh tăng Trung Quốc lại hưng khởi pháp thí thực, phần nhiều các Ngài đưa thêm những kinh điển Hiển giáo có liên quan đến Mật giáo vào nghi thức để tác pháp cúng dường, trì tụng chân ngôn, rồi biên soạn ra nhiều nghi thức để lưu hành. Đến đời Nguyên, do Mật giáo chiếm địa vị trọng yếu ở Trung Quốc, các vua quan Nguyên triều tôn sùng Mật giáo nên pháp Du-già thí thực lại càng hưng thịnh. Đương thời cuốn Du-già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi, 1 quyển (không rõ dịch giả) là tác phẩm được lưu hành rộng rãi nhất. Nghi thức này chia làm 2 phần : Nửa phần đầu tụng 35 danh hiệu Phật, “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Tụng” và bài cúng dường Tam bảo; nửa phần sau là Quán Âm Định, Phá Địa Ngục chân ngôn và bài Thí Ngạ Quỷ Thực. Hiện tại các nghi thức thí thực đều dựa theo tác phẩm này rồi thêm bớt mà thôi.
Đến đời Minh, các nghi quỹ thí thực được dùng trong các tông phái bất đồng. Về sau, Thiền sư Thiên Cơ dựa trên cơ sở “Du-già Diệm Khẩu Thí Thực Khoa Nghi” san lược những phần phồn tạp, soạn thành “Tu Tập Du-già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi”, thường được gọi là “Thiên Cơ Diệm Khẩu”. Sau, Đại sư Vân Thê Châu Hoằng lại lượt bớt và hiệu đính, soạn thành “Du-già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ”, đồng thời có chú giải tỷ mỷ. Đến đời Thanh, ngài Đức Cơ ở núi Bảo Hoa lại biên tập tác phẩm này thành “Du-già Diệm Khẩu Thí Thực Yếu Tập, thường được gọi là “Hoa Sơn Diệm Khẩu”. “Thiên Cơ Diệm Khẩu” và “Hoa Sơn Diệm Khẩu” là 2 nghi thức được lưu hành rộng rãi vào đời Thanh. Tất cả các tác phẩm kể trên hiện đều được xếp vào Đại Chánh Tạng hoặc Vạn Tục Tạng Kinh.
Ở Việt Nam, không rõ nghi thức Thí thực này được truyền vào từ lúc nào. Nhưng theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang thì từ đời Trần, nghi thức cúng cô hồn cũng rất thịnh hành. Song song với các kinh sách của thiền phái Yên Tử, các nghi quỹ thí thực cũng được lưu hành rộng rãi. Câu chuyện Tam tổ Huyền Quang đăng đàn chẩn tế và có sự linh nghiệm trước mặt vua quan cũng đã chứng minh điều đó. Hiện chúng tôi đang có trong tay một bản “Mông Sơn Khoa” do hiệu Phúc Nguyên khắc bản (không rõ năm nào) mà tương truyền là tác phẩm này từng được Tam tổ Huyền Quang dự soạn. Không rõ Nguyễn Du đã được đọc tác phẩm này chưa ?
Nghi thức Chẩn Tế cô hồn ở Việt Nam hiện tại gồm có 3 loại : Đại khoa, Trung khoa và Tiểu khoa nghi. Bản Đại khoa mà chúng tôi hiện có là “Diệm Khẩu Du-già Tập Yếu Thí Thực Khoa Nghi”, gọi là “Thiên Hòa Tự Tàng Bản” do Tỳ-kheo Tánh Tình phụng khắc vào mùa Phật đản năm Minh Mạng thứ 2 (tức năm Tân Tỵ, 1821). Nếu so với thời điểm Nguyễn Du viết văn Chiêu Hồn (khoảng 1808-1812 hoặc sau nữa) thì bản văn này khắc sau không lâu, điều đó chứng tỏ nghi quỹ này đã có ở Việt Nam cùng hoặc trước thời Nguyễn Du. Trong bản này có khắc lại lời tựa của chính ngài Vân Thê Châu Hoằng viết vào niên hiệu Vạn Lịch thứ 34 (1607). Đối chiếu toàn văn tác phẩm này với tác phẩm của ngài Châu Hoằng trong Tục Tạng Kinh quyển 59 thì đúng là 1 bản. Chúng tôi còn có trong tay 2 bản Trung khoa, 1 là “Sắc Tứ Báo Quốc Tự Tàng Bản”, do công chúa An Thường cùng một số hoàng thân triều Nguyễn mộ khắc vào năm Mậu Tý niên hiệu Đồng Khánh có sự chứng minh của Hòa thượng Hải Thuận Lương Duyên; bản thứ 2 là Giác Viên Tự Mộng Sơn tàng bản, được Giáo thọ Minh Khiêm Hoằng Ân (1856-1914) chứng minh khắc tại chùa Giác Viên (trong khuôn viên Đầm Sen, Tp. HCM hiện nay). Trung khoa chỉ là phần lược của Đại khoa. Nội dung khoa nghi này đều có hai phần: Đàn thượng và Đàn hạ. Đàn thượng là các nghi thức nhập đàn, ấn chú, chân ngôn; đàn hạ chính là phần thỉnh Thập loại cô hồn. Nói là Thập loại, kỳ thực thỉnh đến 13 loại và một số loại cô hồn được thỉnh chung. Nội dung văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du thì đại đồng tiểu dị với phần Đàn hạ này. Chúng ta thử đối chiếu sơ lược hai phần này để xem chúng giống và khác nhau như thế nào.
Về điểm giống nhau, khoa nghi thỉnh 13 loại cô hồn, tác phẩm của Nguyễn Du tuy nói “Văn tế thập loại cô hồn”, kỳ thực cũng kể đến 13 loại. Ngoài 13 loại được thỉnh riêng, cả hai tác phẩm còn thỉnh chung nhiều loại khác nữa. Khó mà có thể tin được sự sáng tác của Nguyễn Du lại ngẫu nhiên trùng hợp một cách khít khao với một tác phẩm khoa nghi đương thời đã lưu hành như thế. Còn sự khác nhau của 2 tác phẩm, có thể nói nằm ở thứ tự của các loại. Ta thử so sánh.
Mười ba loại của khoa nghi là :
1.Hoàng vương đế bá.
2.Anh hùng tướng soái.
3.Quan văn.
4.Văn nhân.
5.Người xuất gia.
6.Đạo sĩ.
7.Thương nhân.
8.Chiến sĩ.
9.Sản phụ.
10. Di địch.
11. Cung phi.
12. Cái bang.
13. Thập loại cô hồn.
Mười ba loại của văn tế là :
1.Vương giả.
2.Công nương.
3.Quan văn.
4.Quan võ.
5.Thương nhân.
6.Trí thức.
7.Ngư phủ.
8.Nông dân.
9.Chiến sĩ.
10.Kỷ nữ.
11. Hành khất.
12. Tù nhân.
13. Tiểu nhi.
So sánh hai tác phẩm thì chúng ta thấy rõ ràng 13 loại cô hồn có phần tương đồng, khác chăng là ở quan niệm sắp xếp trước sau. Đặc biệt là ở tác phẩm của Nguyễn Du, tác giả không kể đến người xuất gia (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni) như ở trong khoa nghi, phải chăng Nguyễn Du cho rằng những người xuất trần thượng sĩ thì sau khi chết sẽ được tiêu dao thoát tục, không còn bị đọa làm cô hồn ? Đây cũng là một điều đặc biệt nói lên thái độ của Nguyễn Du dành cho hàng xuất gia. Theo chú giải của ngài Vân Thê Châu Hoằng thì hàng xuất gia nếu hiện đời không liễu sanh thoát tử vẫn có thể bị đọa làm cô hồn, nên vẫn được thỉnh trong khoa nghi. Còn Nguyễn Du, có lẽ tâm hồn ông dành cho những người đau khổ, quằn quại, cô đơn, kể cả hạng Hoàng vương đế bá, còn hàng xuất gia thì không. Có người cho rằng có thể khi Nguyễn Du đọc khoa nghi, ông không hiểu các thành ngữ dành cho hạng xuất gia như : “Hoàng hoa thúy trúc, không đàm bí mật chơn thuyên; Bạch cổ lê nô, đồ diễn khổ không diệu đạo” … nên đã bỏ qua không kể hạng này. Tôi e rằng như thế có phần võ đoán, bởi lẽ kiến thức uyên thâm về Phật học của Nguyễn Du mà không hiểu mấy câu trên là vô lý.
Điểm thứ hai, mà cũng là điều dễ hiểu, ngôn ngữ trong khoa nghi là ngôn ngữ cung đình, các tầng lớp được kể trong khoa nghi rất đặc trưng và ước lệ, còn trong tác phẩm của Nguyễn Du thì rất cụ thể và gần gũi, sát với thực tế, hiện trạng người Việt đương thời. Nguyễn Du đã Việt hóa khoa nghi bằng thái độ và tâm hồn của mình. Đây là điểm sáng tạo độc đáo.
Bằng sự so sánh và dẫn chứng ở trên, chúng tôi kết luận rằng Nguyễn Du đã diễn Nôm khoa nghi thí thực của Phật giáo thành văn Chiêu Hồn chứ không phải là một sáng tác.
GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT VÀ CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO TRONG VĂN CHIÊU HỒN
Vì khuôn khổ của bài viết, chúng tôi sẽ không đề cập đến quan điểm tín ngưỡng cũng như tác dụng tôn giáo của tác phẩm. Chúng tôi chỉ xin sơ lược về nghệ thuật sáng tạo và chủ nghĩa nhân đạo của tác phẩm mà thôi.
Trước hết để độc giả tiện theo dõi phần đối chiếu, chúng tôi xin giới thiệu một tác phẩm dịch Nôm nổi tiếng khoa nghi thí thực của Hòa thượng Bích Liên (Trí Hải, 1876 - 1950). Đây là một bản  dịch rất hay, ngôn ngữ quý phái và rất sát với chánh văn. Từ đây về sau, chúng tôi sẽ dùng bản này để so sánh thay vì phải dùng chánh văn bằng chữ Hán khó hiểu.
Đầu tác phẩm này có bài tán, được xem như phần dẫn nhập :
“Dấu người thập loại biết  là  đâu
Hồn phách mơ màng trải mấy thu
Cồn biển nghinh ngang bầu thế giới
Những  mồ  vô  chủ  thấy  mà  đau”.
Thay vì nói thẳng vào cõi âm, văn chiêu hồn của Nguyễn Du bắt đầu bằng một buổi chiều thu ảm đạm ở cõi dương :
“Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô” …
Sau khi dẫn từ cõi dương vào cõi âm, kể về Thập loại chúng sanh … “Hồn đơn phách chiếc … không nơi nương tựa … Hồn mồ côi …”, tác giả cảm thán :
“Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu”.
Lời cảm thán vừa bi đát, vừa toát lên được cái ngậm ngùi tang thương của một kiếp người. Phải chăng đó cũng là lời cảnh tỉnh cho bất cứ ai còn tham danh đoạt lợi để phải gánh chịu những kết cuộc bi thảm như những oan hồn mà Tố Như Tử đã chiêu triệu phía sau.
Khi cảm thán những kẻ Hoàng vương đế bá, khoa nghi ghi : “Ôi thôi ! Đỗ quyên kêu trót tàn canh, máu hồng nhuộm mãi trên cành đào hoa. Trước sau vương bá những là, hồn hương xin chứng tiệc hoa sẵn sàng”. Đầy trang trọng với những điển cố xưa, khoa nghi nặng chất cung đình và chất Tàu, cái chất mà các nhà sư Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng nặng nề. Nguyễn Du thì cụ thể hơn :
“Bỗng phút đâu tro bay ngói dỡ
Khôn đem mình làm đứa thất phu
Cả giàu sang nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời”.
Hay thuyết giáo một cách đầy cả quyết :
“Cho hay thành bại là cơ
Ma oan hồn biết bao giờ cho tan”.
Khi triệu thỉnh anh hùng tướng soái, khoa nghi viết : “Ôi thôi ! Ngựa nhà chiến tướng vắng không, hoa hèn cỏ nội mấy vòng buồn thiu …”. Nguyễn Du viết :
“ … Bơ vơ góc bể chân trời
Nắm  xương vô chủ biết vùi nơi đâu
Trời xâm xẩm mưa gào gió thét
Khí âm ngưng mờ mịt trước sau
Năm năm xương trắng dãi dầu
Nào đâu điếu tế nào đâu chưng thường” …
Tác giả có vẻ như thấu được nỗi khổ của oan hồn người chết, cảm được nỗi đau của họ như chính nỗi đau của mình. Khi nói về hạng trí phú hay kẻ rắp cầu chữ Quý, Nguyễn Du viết :
“Sống  thì  tiền  chảy  bạc  dòng
Thác không đem được một đồng nào đi
Khóc ma mướn thương gì hàng xóm
Hòm  gỗ  đa  bó  đóm  đưa  đêm …”
Hay:
“Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng
Anh em: thiên hạ, láng giềng: người dưng”.
Hơn ai hết, Nguyễn Du đã ý thức rõ luật vô thường của nhà Phật. Có lẽ chứng kiến bao bi kịch thời Lê Mạc, tác giả đã đem từng khúc ruột quặn đau của mình làm bút, trích từng giọt lệ rớm máu của mình làm mực, viết nên một tình tự nồng nàn da diết, nỗi lòng Tố Như hay tiếng ngậm hờn thiên cổ kiếp sống phù du ? Ai đó trong cõi mang mang trường dạ hẳn đã nghe ra niềm cảm thông buốt lạnh tồn sinh, rưng rưng kiếp số và thổn thức nhân tình. Chưa bao giờ trong thi ca Việt Nam lại ngậm ngùi đến thế.
Nói chi đến cảnh “chinh chinh biến loạn sông nghiêng, mờ mờ hồn bướm ly miền dương quan …” (khoa nghi), nói chi đến những “Lụa hồng bảy thước đề tên, đất vàng một cụm lấp nền văn chương”, hay “Mưa chiều khói lạnh thước reo, lá thu gió thổi dập dìu …(?) bay” … (khoa nghi); đã nói rằng “Còn chi ai khá ai hèn” rồi thì :
“Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm
Trăm loài ma xắm nắm xung quanh”.
Đã nói rằng “còn chi mà nói kẻ hiền người ngu” thì :
“Lập lòe ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương”.
Ở đây chúng ta gặp lại nghệ thuật sử dụng từ ngữ của thiên tài Nguyễn Du. Ông rất tinh xảo khi dùng từ láy cụ thể để đặc tả từng loại cô hồn. Kẻ tính đường kiêu hãnh thì “lạc loài nheo nhóc”, hàng cung phi thì “Hồn ngẩn ngơ bãi cói nghìn sim”, những kẻ mũ cao áo rộng thì “thất thểu dọc ngang”, những kẻ bày binh bố trận thì “bơ vơ góc bể chân trời” … Cũng như Truyện Kiều, ở đây Nguyễn Du đã dùng rất nhiều các loại tiểu đối để vẽ nên cái trùng điệp của nỗi khổ và cô đơn. Những cặp đối luôn làm câu thơ cứ triền miên chìm trong sự bi đát đến tận cùng: Ngàn lau nhuốm bạc / lá ngô rụng vàng; Máu tươi lai láng / xương khô rụng rời. Có khi dùng các cặp đối song song ngay trong một ý : “Hồn xiêu phách lạc”, “hồn đường phách sá”, “trâm gãy bình rơi”, “thịt nát máu trôi” … Tất cả nghệ thuật dùng chữ đã làm toàn thể tác phẩm toát lên một vẻ tang thương đến khốc liệt, ngậm ngùi đến thống thiết mà chỉ có người cảm được thế giới ấy một cách sâu sắc, đầy lòng từ bi mới viết nên được những vần điệu làm kinh động hồn ta đến thế, những câu chữ mà Xuân Diệu từng nói: “có thể làm gãy lưng các nhà nghiên cứu”. Thử đọc một câu Nguyễn Du viết về người lao động:
“Cũng  có  kẻ  đi  về  buôn  bán
Đòn gánh tre chín dạn hai vai”.
Hai chữ “chín dạn” cho thấy Nguyễn Du có sức cảm thông với người lao động, chính tác giả cũng quặn đau, nát vai chín thịt như người gánh gánh mới dùng được một chữ đắc địa như thế.
Khác hẳn cách dùng chữ quý phái trong khoa nghi, một thứ văn học được hòa âm cùng tang linh mỏ khánh và giọng tán tụng đặc thù của Kinh sư thỉnh triệu, tác phẩm của Nguyễn Du có vẻ thích hợp hơn với lối đọc âm thầm lặng lẽ trước huyệt mộ thi phần hay giữa “bãi cói nghìn sim”. Tuy nói chiêu hồn người chết, mà cũng khóc than cho số phận những người đang sống bị khổ đau dằn vặt. Khi kể về hạng kỹ nữ, Nguyễn Du viết :
“Cũng  có  kẻ  lỡ  làng  một  tiết
Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai  chồng  con  nấy  biết  là  cậy  ai”.
Thương thay chân yếu tay mềm
Càng năm càng héo càng đêm càng dàu”. ….
So với khoa nghi, Nguyễn Du đã không thỉnh các bậc “xuất trần phi tích”, nhưng lại kể thêm một hạng cô hồn, mà theo chúng tôi, nội chừng ấy cũng đã nói hết lên chủ nghĩa nhân đạo hay nói khác hơn là lòng Từ bi của Tiên sinh họ Nguyễn, đó là những hài nhi yểu mạng. Trong thẩm cùng cõi mịt mờ tăm tối, Nguyễn Du đã nghe ra tiếng khóc u ơ của những bé thơ với nỗi lòng tha thiết. Thật là cảm động khi đọc những câu :
“Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé
Lỗi  giờ  sanh  lìa  mẹ  lìa  cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng”.
Vâng ! Bấy nhiêu cũng đủ nói lên giá trị của tác phẩm không tiền khoáng hậu này.
Trở lại vấn đề Văn bản học, như chúng tôi đã giới thiệu một bản khoa nghi miền Bắc, khoa nghi này văn thỉnh ngắn gọn nhưng đầy đủ, và văn thỉnh dù là Hán văn vẫn thoát khỏi cách dùng điển cố quá nhiều của người Trung Hoa. Phải chăng Nguyễn Du cũng đã từng được đọc tác phẩm này, rồi kết hợp với chính khoa nghi Trung Quốc để chiêu thỉnh những âm hồn của hoàn toàn người Việt ? Tôi không muốn nói đến tính tự chủ, độc lập trong tư duy văn hóa dân tộc của Tiên sinh, tôi chỉ muốn nói đến tính sáng tạo và hiện thực hóa tác phẩm, một kỹ năng bậc thầy của “linh hồn văn học Việt Nam”.
Đọc một tác phẩm viết về cô hồn, nhưng ta không hề thấy ma quái, rùng rợn như một số tác phẩm khác, mặc dù tác giả đã dùng nhiều hình tượng rất ma quái, đó cũng là chỗ lạ lùng của tác phẩm này. Có khi người ta cũng nói đến ma, nhưng nói ma để đặc tả một không gian, một cảnh vật, hay muốn nói đến một cái gì khác đằng sau cảnh ấy. Như khi Thúc Tề viết “Trăng mơ” :
“Nhịp cầu Bạch Hổ mấy bóng ma
Biến mất vì nghe giục tiếng gà”.
Mượn cái động để tả cái vô hình vô ảnh như thế quả là đạt, nhưng đọc hai câu tiếp thì ta lại quên mất bóng ma kia :
“Trăng tỉnh giấc mơ lười biếng dậy
Động lòng  lệ  liễu  giọt  sương  sa”.
Có khi người ta viết về cảnh ma quái với trí tưởng tượng rùng rợn, chỉ làm cho ta sợ hãi chứ không thương:
“Rồi  lấy  ra  một  mảnh  xương  rợn  trắng
Nuốt  bao  lòng  huyết  đẫm  khí  tanh  hôi
Tìm những “miếng trần gian” trong tủy cạn
Rồi  say  sưa  vang  cất  tiếng  reo  cười”.
(Chế Lan Viên).
Còn Nguyễn Du nói đến cảnh ma mà ta lại ngậm ngùi, thương cảm, có khi người đọc có thể nghe ra một triết lý nào đó. Giấc mộng hoàng vương đế bá hay khát vọng trường sinh rồi thì cũng tan tành sương khói, mọi bọt bèo ảo ảnh bồng bềnh trên mặt bể hiện tượng, rồi ra cũng sẽ bị đánh chìm trong quên lãng nghìn đời :
“Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”.
Hay :
“Mỗi người một  nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ” …
Tôi đã từng thấy vài nhà sư dùng Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh để thỉnh cô hồn trong khi cúng thí. Một tác phẩm văn học, một bài thơ mà được dùng như kinh điển, có thể nói là độc nhất vô nhị. Mùa Vu Lan lại đến, mùa báo hiếu của người con đất Việt. Hiếu từ không phải chỉ riêng đối với cha mẹ, mà là với tất cả chúng sanh. Đọc văn Chiêu hồn của Nguyễn Du, chúng ta đã cùng Tố Như Tử tụng đọc lại những lời chỉ dạy của Đức Phật với tất cả tâm hạnh của một Phật tử, lấy Tứ hoằng thệ nguyện làm mục đích bước đi trên lộ trình Bồ-tát đạo thiêng liêng.
Mùa Vu Lan năm Canh Thìn
 
Tìm hiểu thêm tập quán cúng cô hồn của người xưa
Trần Trọng Khoái
Khi xem chương trình đại lễ Vu Lan có phần cúng Mông Sơn Thí Thực, nhiều em trong gia đình Phật tử luận bàn với nhau, rồi đưa một em hỏi chúng tôi về xuất xứ và xin giảng giải về điển tích "Mông Sơn", bởi lẽ người hay đi chùa chỉ nghe nói cúng Mông Sơn, đương nhiên họ đã tạm hiểu rồi, nhưng sao người ta không nói cúng Tịnh Thủy để thêm ý nghĩa thanh đạm tự nhiên, hay nói "cúng thí" như ngày xưa cho dễ hiểu, mà phải dùng từ lạ lại thêm phiền? Nhớ lại năm xưa viết về Giai Tiết Vu Lan, tôi có sơ lược về cúng Âm Linh Cô Hồn, tác tạo phước duyên, cầu âm siêu dương thái. Tôi tìm hồ sơ lưu và đọc thêm các tài liệu ngoài đời, chúng tôi viết bài bổ túc về hậu Vu Lan để cống hiến chư đồng hương, đồng đạo thưởng lãm, đồng thời đáp ứng nhu cầu học hỏi của giới trẻ rất ngộ nghĩnh kỳ thú, nhưng hàng phụ huynh lắm lúc ít quan tâm.
Theo nghi lễ Á Đông, khi chiến cuộc kết thúc, kẻ được ca khúc khải hoàn thường tế lễ các bậc anh hùng đã xả thân vì quốc gia dân tộc, truy điệu các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn, chẳng hạn như Vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789) đã hạ chiếu làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hữu công và tiến cúng cô hồn, kể cả mấy vạn quân Thanh đã thành ra oan hồn uổng tử. Vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà cũng thiết tràng siêu độ cho quan quân tử sĩ và những oan hồn vì chiến cuộc do ông Nguyễn Văn Thành giữ chức Tổng Trấn Bắc Thành soạn bài văn tế Tướng Sĩ Trận Vong và Cô Hồn Thập Loại bằng quốc âm là một áng văn kiệt tác trong nền quốc văn cận đại (1802).
Bộ Lễ của tiền triều cũng có phần tế cô hồn vào tiết tháng 7 mà những áng văn của các danh nhân biên soạn như Phan Huy Ích nguyên là sứ thần của Tây Sơn sang thăm xã giao, đã xướng họa thi văn với vua Càn Long, được Thanh triều trọng vọng. Lúc về nước ông được gia phong Thượng Đại Phu Thị Trung Ngự Sử, hay cụ Nguyễn Du, tác giả tập Đoạn Trường Tân Thanh còn lưu lại Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh bằng chữ Nôm, được tìm thấy ở Chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, sau này được in trong quyển "Ứng Phó Dư Biên Tổng Tập".
Cụ Lê Thước cũng tìm được một bản nôm khác của soạn giả Nguyễn Tiên Điền ở Chùa Diệc miền bắc Nghệ An, cụ phiên âm sang quốc ngữ và ấn hành vào năm 1924. Năm 1926 Trần Trung Viên cho in vào tập I, trong Văn Đàn Bảo Giám và năm 1927 lại xuất hiện trên Nam Phong Tạp Chí số 178, Tạp Chí Văn Học số 2 năm 1977 cũng đăng lại bản hiệu đính của cụ Hoàng Xuân Hãn với 8 câu đầu:
"Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Gió heo may lạnh buốt xương khô
Não người thay bấy chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng
Đường bạch dương, bóng chiều mang mác,
Ngọn đường lê lác đác mưa sa,
Làng nào lòng chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm!"
Chư độc giả đồng hương muốn rõ Thập Loại Cô Hồn là những ai, xin vui lòng đọc tiếp:
"Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Chút khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay Thập Loại Chúng Sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người,
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,  
Còn chi ai khá, ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hiền, người ngu"
"Thế sự nhược đại mộng", khi thăng hoa, lúc thất bại đôi khi cũng cận kề, có ai ngờ nhà văn Phan Huy Ích, một danh sĩ lỗi lạc được trích dẫn vừa rồi và em vợ là Ngô Thời Nhiệm, nhà văn học lẫy lừng, nhà chính khách có biệt tài và nhiều sáng tạo, cả hai đều thi đỗ Tiến Sĩ từ lúc tuổi xuân, vang danh một thuở, nhưng chung cuộc với cái chết lạnh lùng đơn bạc của hai ông khác gì sự ra đi âm thầm của vị cựu Thủ Tướng tài ba Phan Huy Quát tại Sài Gòn năm 1979!
Người nằm xuống, thì người còn lại phải khói hương truy niệm, nhất là nhờ uy đức của Tam Bảo giải oan bạt độ cho hương linh được cao siêu tịnh giới, chứ phẩm vật tiến cúng chỉ là ý niệm của thế nhân, tưởng không cần thiết lắm, nên soạn giả viết tiếp:
"Tiết đầu Thu lập đàn giải thoát,
Nước Tịnh Bình rưới hạt Dương Chi,
Muốn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan cứu khổ, hồn về Tây phương." Trước đây từ phố thị đến thôn trang, đâu đâu cũng thấy có "đàn âm linh" hay "am chúng sinh", nơi tương đối hoang vu tịch mịch hoặc tại các vùng mộ địa tha ma, với tập tục hằng năm nhân dân địa phương chọn ngày thuận tiện để cùng nhau sửa chạp những mồ vô chủ và tiến cúng âm hồn. Sau phần cúng vái thì bánh quà, phẩm vật... dành cho người nghèo khó neo đơn, hay các trẻ em được tự do chung hưởng.
Nhiều nơi, nhiều vùng được quân dân dấy nghĩa chống xâm lăng, nhưng việc không thành, có người tuẫn tiết, hay nhiều kẻ vong nhân! Do sự kính ngưỡng tôn vinh người hy sinh vì đại nghĩa, nên nhân dân khói hương tưởng nhớ, sau cúng vái quân binh các ngài, thành ra mỹ tục từng địa phương, như tại vùng Chợ Lớn, Tân An, Gò Công, Cần Giuộc, rộng ra là 6 tỉnh Nam Kỳ có tục lệ truy niệm vị anh hùng chống Pháp Trương Công Định và các nghĩa quân của ông vào mùa ông đền nợ nước năm 1864. Trong thơ ai điếu Trương Tướng Quân, cụ Đồ Chiểu viết:
"Trăm nấm mộ binh, vầy lớn nhỏ.
Một gò cô lũy, chống hôm mai!
rồi cụ kết luận:
Hay dở phải chăng trời đất biết?
Một tay chống đỡ mấy năm dài?
Nhà văn Nguyễn Đình Chiểu, bậc lão thành trung dũng còn lưu lại mấy bài văn tế nổi tiếng như "Văn Tế Sĩ Dân Lục Tỉnh" và "Văn Tế Vong Hồn Mộ Nghĩa".
Cùng một ý nghĩa trên, tại vùng Kiên Giang, Rạch Giá có tập tục truy niệm ông Nguyễn Trung Trực và quân binh tử sĩ, đồng bào nạn vong gần thập niên 1861 - 1868 trong phong trào anh dũng chống Pháp của nhà chiến sĩ ái quốc Kiên Giang, đã hy sinh tại Rạch Giá. Mỹ tục này đã lan ra hải ngoại, nơi có đông người Kiên Giang - Rạch Giá định cự Đặc biệt ở Thừa Thiên - Huế sau khi vua Tự Đức băng hà, trong triều có phe "chủ hòa" với nhiều quan lại và nhóm hoàng thân quốc thích muốn cầu an thụ hưởng, ngược lại nhóm "chủ chiến" do vị Phụ chính đại thần kiêm Binh Bộ Thượng Thư Tôn Thất Thuyết cầm đầu, ông lo huấn luyện quân binh, thành lập đội quân "Đoàn Kết" và "Phấn Nghĩa" trong hoàng thành, lập Tân Sở ở Quảng Trị làm hậu cứ chống Pháp. Thực dân Pháp ngày càng gây áp lực với Nam Triều. Khi Trung tướng De Courcy vào hoàng thành, đòi mở cửa Ngọ Môn cho quân Pháp cùng vào là điều nhục quốc thể, buộc lòng ông Tôn Thất Thuyết tạo ra cuộc binh biến chống Pháp lúc giờ Tý ngày 23/5 năm Ất Dậu (05/7/1885). Đại sự bất thành, Tôn Thất Thuyết và nhóm chủ chiến phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở, rồi tiến về Hà Tỉnh xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân chống Pháp.
Cuộc hưng binh chống Pháp đền nợ non sông của vua Hàm Nghi, ông Tôn Thất Thuyết và quân chủ chiến có chính nghĩa, nên được nhiều nhân sĩ khắp nơi hưởng ứng. Thường những cuộc chiến chinh đương nhiên phải đổ máu, phần đông là lương dân lúc bấy giờ nghe tiếng súng ì ầm với việc động binh là mạnh ai nấy chạy không cần biết đường lối nào cả, nhất là khi quân Pháp vào hoàng thành càn quét thanh toán, lại gây ra chuyện tổn thương nhân mạng không sao kể xiết!
Từ đó về sau, nhân dân Thừa Thiên - Huế có tập tục cúng Cô Hồn Tử Sĩ, kỷ niệm ngày "Kinh Thành Thất Trận Ất Dậu Niên Gian". Ở Huế có rất nhiều văn tế của giới trí thức và những bài vè trường thiên khích lệ tinh thần chống Pháp rất lâm ly tha thiết, nên nhiều người đã thuộc lòng.
Ai cũng nghĩ rằng có cô hồn vất vưởng nên cần các thức ăn, đồ mặc, tiền bạc để chi tiêu... tạo ra tập tục đốt vàng mã, áo giấy tốn kém khá nhiều. Lúc Phật giáo chấn hưng, chùa chiền không cần đồ giấy cúng vong linh nữa, nên nhiều nơi đã thay vì chi tiền mua vàng mã cúng đốt vu vơ, để mua ít vải vóc, gạo bánh hay vật dụng phân cấp cho các bạn nghèo với dụng ý là cầu "âm dương đều lợi lạc".
Luận bàn về việc tế tự người đã khuất, tưởng không nên nặng về "sự việc" tức là chuộng hình thức, rồi sinh ra tập tục cúng bái dị đoan mà chỉ xét về "ý nghĩa", lấy tinh thần làm căn bản là hơn. Nói rộng ra, chẳng những người Phật tử thường tỏ lòng hiếu kính với nội ngoại tôn thân, nêù có thể được họ còn thể hiện hạnh từ ái, vị tha, giúp đỡ được chút gì cho các đồng hương, đồng loại là thiết thực. Qua truyền thống Vu Lan, người Á Đông còn ghi ân các chiến sĩ trận vong, truy niệm đồng bào tử nạn, tiến cúng Thập Loại Cô Hồn như đã nói trên, tốt nhất là phần nguyện cầu để chuyển nghiệp cho nhau, do đó ta thấy phẩm vật tiến cúng Âm Linh rất đạm bạc, giản đơn, nói chung là không cần mỹ vị cao lương cho khó kiếm, mà chỉ dùng hương hoa trà quả, thêm xôi chè bánh mứt, ít cháo hoa, chén cơm trắng, tượng trưng về trai phạn nhà chùa là tốt.
Việc thiết cúng Mông Sơn hay chẩn tế cô hồn với hậu ý bày tỏ chân tình với đồng loại, chứ người đã khuất bóng, thì ngũ uẩn tuồng như mất hết! Thân uẩn tức là sắc tướng không còn, thì có đâu lớn bé rộng hẹp mà ta lo may áo xống, sắm xe cộ gởi về cho hương linh? Suy ra, 3 uẩn tiếp theo tức là thô, tưởng, hành uẩn cũng không có, chỉ còn thức uẩn mịt mờ mênh mang, khiến cho linh hồn hay thần thức cảm nhận sự vui buồn, no đói hay thanh thoát, tủi hờn... là do nghiệp lực đã tạo ra từ lúc sinh tiền vậy thôi, chứ không thực hữu. Tỉ như ban ngày ta tiếp bà con từ xa đến, ăn uống vui vẻ, chuyện vãn thân thương ... sự việc ấy lắng đọng trong tiềm thức, khi gặp thuận duyên có thể tái phát trong giấc mơ với đầy đủ chương trình thứ lớp, nào là tiếp khách trong phòng sang trọng, nhận tặng phẩm đẹp, mừng vui được ăn ngon, uống trà thơm...
Trong cơn mộng đẹp đó, nếu có tiếng động mạnh làm ta thức giấc, thử hỏi có còn gì chăng? Tất cả đều không thực hữu, chỉ còn chút thức uẩn cảm nhận lờ mờ, vì vậy mà có giấc mơ ta còn nhớ lâu, vài chuyện không cần thiết sẽ quên luôn. Nói cách đơn giản thì hương linh cũng vậy thôi, nếu sinh thời không gây nghiệp sát sinh, thì thần thức hòa ái tự nhiên. Không bỏn sẻn hay tham lam tiền tài vật thực, thì thức uẩn rất bình thản về vật chất. Sinh thời không tị hiềm, đố kỵ thì linh hồn luôn hỉ xả thanh cao. Bởi lẽ đó nên nói chung việc tiến cúng người đã khuất, cần thể hiện lòng thành khẩn cầu nguyện, để chư hương linh cởi bỏ phàm tâm thâm nhập Phật tánh, như kẻ lầm đường lạc lối được thiện hữu dẫn dắt đưa về hướng quang minh thật là hợp lý.
Việc siêu độ cô hồn có thể phát xuất từ đời nhà Đường bên Trung Quốc khi ngài Huyền Trang trở về sau chuyến Tây Du, lập đàn siêu độ cho tứ sanh đang luân hồi trong lục đạo. Qua đời Tống, ngài Bất Khinh Tam Tạng chuyên tu Mật Giáo ở Mông Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, quán biết các cô hồn đang vất vưởng, đòi hỏi những nhu cầu cần thiết, nên Ngài vận dụng pháp lực để cung ứng và siêu độ cho họ.
Việc cúng Mông Sơn thí thực tại chùa hay bạt độ chẩn tế cô hồn có thể khởi đầu từ đời nhà Tống tại Mông Sơn, Tứ Xuyên nên trong khoa nghi mệnh danh là "MÔNG SƠN THÍ THỰC", hiện nay ở các tự viện thường có bàn thờ đức Hộ Pháp Bồ Tát, ngụ ý là vọng bái các vị thiện thần, hàng phục tà ngụy, hộ trì chánh pháp lợi lạc sinh linh, đối diện với án thờ ngài Tiêu Diện Đại Sĩ, thống lĩnh chư âm linh cô hồn văn kinh thính pháp thọ cam lồ vị vào mỗi buổi chiều, là giờ ăn của ma quân ngạ quỷ, hay là sau những tiết lễ long trọng có phần Mông Sơn Thí Thực trước khi hoàn mãn, nhất là trong tiết Thu lá rụng mưa ngâu, mùa rét lạnh đến... người ta dễ chạnh lòng tưởng nhớ đến các cô hồn còn phảng phất bên chân trời góc biển mù khơi mà lập đàn tiến bạt cầu siêu, với chân tâm thành ý:
"Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Người còn với kẻ khuất,
Đều trọn thành Phật Đạo."
Nguồn gốc lễ Vu Lan và nghi thức Bông hồng cài áo
Hàng năm cứ vào độ trăng tròn tháng Bảy âm lịch, tức khoảng trung tuần tháng Tám dương lịch là ngày lễ Vu Lan trở về. Vào ngày này các chùa Việt Nam và Trung Hoa thường thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ, cùng là được nghe các thầy giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan và đạo hiếu của người con đối với các bậc sinh thành. Nguồn gốc Lễ Vu lan Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa "Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn", do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 750-801 sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam, không rõ từ năm nào. Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit: Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”. Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ. Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời. Nguồn gốc thật sự của nghi thức "Bông Hồng Cài Áo" Nghi thức "Bông Hồng Cài Áo" thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi chùa Việt Nam hằng năm để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các em Phật Tử, với hai giỏ hoa hồng, màu đỏ và màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Đây là một nghi thức thật dễ thương, nhiều ý nghĩa và rất hữu hiệu trong việc giáo dục đại chúng về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức Bông hồng cài áo đó được giới thiệu đến người Việt từ một cuốn sách cùng tên của thày Nhất Hạnh được viết vào tháng 8, 1962 và sau đó, được phổ thông hóa nhờ bản nhạc, cũng cùng tên cùa nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ. Rằm tháng 7 Âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. Nhưng lễ cúng chúng sinh khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng Tháng 7 còn là tháng mưa Ngâu – gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích Ngưu Lang - Chức Nữ.

         
Ý NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC LỂ VU LAN HAY VU LAN BỒN
“Trung Nguyên ngày hội vong Vu Lan,
Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn
Mùa của chư Tăng ngừng tưởng niệm,
Bảy đời cha mẹ thoát u quan.”
                                     (Trúc Diệp) 

“Vu Lan”, hay “Vu Lan Bồn” có nghĩa là gì? “Vu Lan Bồn” là dịch âm từ chữ Phạn Ullambana (chữ cổ dùng để viết trong Kinh Phật). Ý dịch là “cứu đảo huyền”. Theo ngài Tông Mật, Vu Lan nghĩa là đảo huyền, ám chỉ cực mình bị treo (huyền) ngược (đảo) của linh hồn trong địa ngục. “Bồn” tức là cái chậu, cái thau, tượng trưng cho vật cứu hộ những linh hồn ấy. Do đó cách dịch thông thường của lễ Vu Lan là lễ "cứu đảo huyền, giải thống khổ" Về ý nghĩ đầy đủ của Vu Lan thì trong kinh Vu Lan đã nói rất rõ, rất chi tiết. Bắt nguồn từ tích ngài Mục Kiền Liên sau khi tu hành đắc đạo, chứng được 6 phép thần thông, nghĩ đến công ơn sanh thành dưỡng dục cha mẹ - không có công ơn nào có thể đem so sánh được, và được ví là công ơn trời biển - đã dùng đạo nhãn xem trong thế gian, Ngài nhận thấy mẹ mình sanh làm loài ngạ quỷ, than thể ốm gầy, da bọc xương, thân hình tiều tụy, bụng lớn, đầu to, cổ nhỏ như ống chỉ, đói khát suốt năm không được ăn uống. Thương xót quá, Ngài vận thần thông, bưng bát cơm đang ăn đi đến chỗ mẹ ở mà dâng mẹ. Bà mẹ đang đói khát, nên khi được cơm, lòng tham nổi lên, sợ người cướp giựt, lấy tay trái che giấu bát cơm, tay mặt bốc ăn. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp trước của bà quá nặng, nên cơm mới đưa vào miệng, thì hóa thành ra lửa, bà chẳng ăn được. Ngài Mục Kiền Liên thấy vậy, vô cùng đau xót, không biết làm sao cứu vớt mẹ được, bèn về bạch với đức Phật. Ngài dạy: Tội lỗi của mẹ ngươi, dù có thần thông phép lạ của hàng thiên thần địa kỳ cũng không cứu được đâu! Duy chỉ có dùng thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư, tinh tấn tu hành thanh tịnh tập trung chú nguyện cho, may ra mới chuyển hóa được nghiệp lực của mẹ ngươi, thì mẹ ngươi mới được thoát khổ cảnh mà thôi. Cũng như tảng đá dù nặng trăm cân, song có nhiều người khiêng, thì dời đi đâu cũng được Nghe vậy, Ngài Mục Kiền Liên thưa với đức Phật: Bạch Thế Tôn, con nay làm sao mà mời chư Tăng mười phương cúng dường một lúc như vậy được? Đức Phật dạy rằng: Ngày rằm tháng 7 là ngày Tự tứ của chư Tăng, ông nên sắm các thứ cúng dường chư Tăng trong ngày Tự tứ, ngày đó dầu các vị trong thiền định, hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhơn gian, cũng tập trung lại để Tự tứ và cầu nguyện cho mẹ ngươi, thì mẹ ngươi sẽ được thoát khổ, rồi Ngài Mục Kiền Liên thực hành theo lời dạy của đức Phật và chính trong ngày đó, mẹ Ngài Mục Kiền Liên thoát được cảnh ngạ quỷ mà về cõi cực lạc. Do vậy, Ngài Mục Kiền Liên hết sức vui mừng và thưa với đức Thế Tôn, nếu sau này có người nào muốn phát tâm hiếu để mà cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ được vui thì có làm như con được không? Đức Phật dạy là có thể làm được trong ngày Tự tứ. Do đó, mà trong Phật giáo truyền lại một Pháp cứu độ cho tiền nhân (như cha mẹ, ông bà…) trong ngày Tăng Tự tứ gọi là lễ VU LAN. Tháng Bảy, mùa Vu Lan về cùng với ngày Rằm xá tội vong nhân mà người ta còn gọi là Tết Trung nguyên, đã trở thành ngày truyền thống trong dân gian, ngày của những người con hiếu thuận hướng về các đấng sinh thành dưỡng dục, ông bà cha mẹ tổ tiên của mình. Riêng người Phật tử lại là ngày hội lớn của mùa báo hiếu. Ngày "Vu Lan thắng hội". Ngày noi theo gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên. 
TỔNG HỢP CÚNG CÔ HỒN XƯA VÀ NAY:
                                                              Vũ Ðình Trọng/Người Việt
 
   Vu Lan hay còn gọi là Tết Trung Nguyên (vì rơi vào ngày Rằm Tháng Bảy Âm Lịch) là một trong những ngày lễ chính của Phật Giáo, còn được hiểu là Lễ Báo Hiếu. Ngoài ra, Rằm Tháng Bảy còn có nhiều ý nghĩa:
   Thứ nhất, Rằm Tháng Bảy được gọi là ngày Phật Hoan Hỷ, chấm dứt ba tháng an cư thanh tịnh của Chúng Tỷ Kheo.
   Thứ hai, ngày Tăng Tự tứ. Tự tứ là cầu cho người khác chỉ ra lỗi của mình để biết mà sám hối. Sau ba tháng an cư tu tập, Ðức Phật dạy hàng Tỷ Kheo phải cầu mong những vị có giới đức thanh tịnh hơn mình chỉ lỗi lầm cho. Nếu mình tự thấy mắc phải lỗi lầm đó thì phải phát lộ sám hối để tâm được thanh tịnh.
   Thứ ba, ngày Tăng Thọ tuế. Thọ tuế là nhận tuổi. Theo thế gian, cứ một năm tăng một tuổi, nhưng theo Luật Phật Chế, hàng xuất gia thọ giới của Ðức Phật được tính tuổi theo hạ lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiết hạ trọn vẹn thì năm đó được tính thêm một tuổi. Hạ lạp được tính vào ngày Rằm Tự tứ, sau khi đã tu hành tròn ba tháng hạ. Nếu vị Tỷ Kheo nào thọ giới rồi mà không an cư lần nào thì không có tuổi hạ. Hạ lạp còn được gọi là giới lạp hay pháp lạp.
   Thứ tư, ngày Vu Lan xá tội vong nhân. Ðây là một đại lễ nhằm báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất của người con Phật. Tích Vu Lan bắt nguồn từ tích báo hiếu của Tôn Giả Mục Kiều Liên trong kinh Vu Lan Bồn. Ý nghĩa của câu chuyện là những người nào tạo tội ác trên thế gian thì khi chết đi bị quả báo nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chịu sự hành hạ cùng cực như người bị treo ngược. Người sống, nghĩ đến công ơn cha mẹ kiếp này và nhiều kiếp trước, trong ngày Vu Lan, Phật tử thường đem tâm trí thành, chí hiếu sắm sửa lễ vật cúng dường Tam Bảo cầu nguyện cho thân nhân, tiền vong của mình được thoát khỏi cảnh khổ đau.
    Lễ Cúng Cô Hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng ngày Rằm Tháng Bảy. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng. Theo wikipedia.org, sự tích Cúng Cô Hồn đại khái như sau:

   Cứ theo “Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh” mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ng quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên”. A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng Diệm Khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Phóng Diệm Khẩu mà nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”, về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành “tha tội cho tất cả những người chết”. Vì vậy, ngày nay mới có câu: “Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.
Cúng cô hồn xưa...
Ðể cúng cô hồn, người ta hay thắp hương, đèn (hoặc nến). Thường thì người ta khấn vái thầm thì với nội dung mời “bà con cô bác” (ý nói các cô hồn) thụ hưởng các món cúng. Ðôi khi người ta đọc một bài văn tế cô hồn. Bài văn tế nổi tiếng nhất là bài Văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du. Nhiều bài tế cô hồn phóng tác dựa theo tác phẩm này với nội dung phù hợp với hoàn cảnh của địa phương nơi cúng.
   Các món đem cúng thường luôn có hương, hoa, đèn; gạo, muối, nước lã là những đồ cúng thô hầu như luôn có, kèm theo là các món ăn, tráng miệng v.v... Trong chùa hoặc tại các gia đình có truyền thống Phật Giáo, người ta cúng bằng các món ăn chay. Một món đặc biệt hay gặp trong mâm cỗ cúng cô hồn là món cháo loãng, người ta tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.
   Buổi cúng thường kết thúc với việc vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã. Nhiều nơi, người ta cho phép trẻ con cướp cỗ cô hồn khi việc cúng được tiến hành xong.
   Tại Hội An, lễ cúng cô hồn được gọi là Lễ Xô Cộ. Lễ này thường tổ chức vào Tháng Giêng hay Tháng Bảy Âm lịch, với mục đích dâng cúng các phẩm vật lên các vị thần hộ mạng thờ trong chùa các Bang Hội, cầu xin sự an bình trong cuộc sống, sự tiến đạt trong công việc làm ăn, buôn bán, và dâng cúng cho các giới vô hình như ma, quỷ, các cô hồn... khỏi quấy phá địa phương.
   “Theo trang mạng xuquang.com, Hội An có 5 bang hội lớn của người Hoa, mỗi bang đều có riêng một chùa, vừa làm chỗ thờ tự vị Thần Bổn Mạng. Ngoài việc tổ chức các ngày rằm lớn: Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên để dâng lễ cúng bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị thần bảo hộ các thuyền nhân trên biển cả, Quan Thánh Ðế Quân hay Phục Ba đại tướng Mã Viện, các bang hội còn tổ chức trọng thể lễ Xô Cộ tại các chùa bang hội. Mỗi bang hội tổ chức xô cộ riêng biệt của bang hội mình. Tùy theo khả năng tài chánh thu hoạch mỗi năm, tùy theo sự cầu nguyện của mỗi bang hội, các cộ quả phẩm dâng cúng được đặt làm theo tiêu chuẩn khác nhau, như cộ heo, cộ bánh, cộ gạo nếp, cộ muối, cộ trái cây v.v... Mỗi cộ có một sườn cốt làm bằng tre, đan vành tròn làm đế, và trên đế tre nầy, người ta đan một vĩ tre hình chóp nón, bên ngoài phất bằng giấy màu, thường là màu vàng hay đỏ từ dưới đến lên tận trên chóp cộ. Nếu là cộ heo, thì phải dùng 3 con heo quay, rọc xẻ trước ngực, căng 4 chân, gắn úp vào trên sườn giàn tre chóp nón. Nếu là cộ bánh, thì sườn tre được đắp bằng bánh như bánh thun, bánh bò ngũ sắc, bánh lá đủ màu mang các danh hiệu các cửa tiệm buôn, hay các công ty đắp từ dưới đế lên tận trên chóp cộ, trông từ xa như một trái bắp mà các bánh là các hột bắp sắp theo hàng lối đủ màu. Nếu là cộ gạo muối thì sắp các bao vải đủ màu, to bằng nắm tay, độn gạo và muối cho căng đầy, may miệng bao lại, sắp từ dưới lên tới chóp, gắn trên đầu chóp một trái châu đỏ quay tròn theo gió như một chong chóng. Nếu là cộ bánh lá, bánh chưng hay bánh giò thì các bánh nầy cũng được sắp như vậy. Các cộ được đặt trên một giàn tre cao hơn 3 thước, dựng trước cổng chùa.”
   “Một vị cao tăng, đầu đội mũ hiệp chưởng, mặc điều y, ngồi trên giàn tre, tay bắt ấn, miệng trì chú lâm râm giữa âm thanh của chiêng trống vang rền pha lẫn với tiếng tang, linh theo nghi lễ Phật Giáo, kêu gọi các linh hồn uổng tử, cô hồn thập loại tập trung đông đủ tại lễ đàn. Theo tiếng hú của vị hòa thượng vừa dứt thì lệnh đẩy các cộ đầy quả phẩm được xô từ trên giàn tre xuống đất, do đó người ta mới đặt cho cái tên là Xô Cộ. Một số cư dân trong phố, trang bị gậy gộc, nai nịt gọn gàng đã tập trung sẵn dưới chân giàn, chờ cộ xô xuống là nhào vô giành chiếm. Những binh sĩ các đồn trại cũng đứng chờ sẵn, xông vào giựt cả một cộ heo quay ôm chạy về đồn, có các đàn em bao che tập hậu, trong khi các băng đoàn khác đuổi theo giành lại trong tiếng la ó gào thét. Theo tin tưởng dân gian, người ta tin rằng những phẩm vật bắt được từ các cộ xô xuống mang nhiều may mắn, vì đó là các tặng phẩm của các vị thần linh đã làm phép, có khả năng làm cho những bệnh nhân kinh niên mau lành, con trẻ khó nuôi sẽ khỏe mạnh chóng lớn. Lễ xô cộ nầy không còn tổ chức hằng năm nữa, vì Trung Hoa đã bị Nhật Bản chiếm đóng và quân đội Nhật đổ bộ ở bán đảo Ðông Dương nên cư dân người Hoa bỏ lễ hội nầy từ năm 1940.”
   Trong bài Giựt Giàn (Cúng Cô Hồn) trên trang mạng nguoivietboston.com, tác giả Nguyễn Thị Lộc Tưởng tả cảnh cúng cô hồn ở quê bà năm xưa thật sống động và thú vị. Lễ Xô Cộ được đổi thành “Lễ Thí Thẻ”. Xin được trích:
   “Cái thời xa xưa đó, mỗi năm ngày rằm Tháng Bảy cảnh chùa Châu Viên thị xã Châu Ðốc thật là náo nhiệt, trước cổng chùa lúc nào cũng có vài anh xe lôi ngồi chờ khách, trong chùa người đông như kiến, trẻ già trai gái, người chánh điện đốt nhang lạy Phật, kẻ lang thang ngoài sân hút thuốc nói chuyện nắng mưa, trẻ con tụ năm tụ bảy ở mấy cây me tây, đứa dưới gốc, đứa trên cành, mặt mày hồ hởi nói chuyện, cười giỡn, múa tay, múa chân, trèo lên, nhảy xuống như bầy ‘khỉ’ con. Mọi người đang chờ đợi màng náo nhiệt sắp diễn ra.”
   “Khoảng 2 giờ, tiếng trống chùa nổi lên như hồi trống thúc quân ‘ra trận’ trong mấy tuồng hát. Sư Ông cầm một đống thẻ tre có ghi số, khi hồi trống dứt Sư Ông gõ mõ tụng kinh mọi người im lặng, không biết là họ đang đưa hồn theo lời kinh tiếng kệ hay đang trong tư thế ‘hồi hộp’ đợi chờ. Khi tiếng kinh vừa dứt nhà Sư quăng thẻ tre từng đợt, khi quăng bên phải, lúc quăng bên trái, sân chùa trở nên hỗn loạn người nầy đè người kia. Tiếng la hét của người giựt lẫn người coi ‘vang dội’ cả ‘góc trời’. Người bắt được thẻ tiền vui mừng hớn hở, kẻ bắt được thẻ ‘tiền giấy’ mặt buồn như ‘đưa đám’. Nhưng cái cảm giác hơn thua chỉ trong chốc lát mọi người trở lại vui vẻ, cười giỡn ‘chọc quê’ nhau. Sau phần thí thẻ tới phần lãnh cộ, cảnh chen lấn không còn nữa, người được thẻ lần lượt trình với Sư Ông. Tùy theo số, Sư Ông sẽ phát cộ, có người được 2, 3 cộ bánh phải cởi áo bọc đem về. Gần 4 giờ chiều phần giựt giàn ở chùa đã xong, anh em tôi hối hả về nhà để tham gia phần giựt giàn trong xóm.”
   “Trước khi mặt trời lặn chúng tôi chia thành từng nhóm bàn ‘kế hoạch hành quân’, nhà nầy cúng trước nhà kia không có bao lâu, đôi khi họ cúng cùng một lúc (nhà quê người ta cúng sau khi mặt trời lặn), chúng tôi phải tính thật kỹ nhà nào thường cúng lớn mới ‘dừng chân’. Phận sự tôi giữ chiến lợi phẩm để đàn anh rảnh tay, vì có lần sau khi ‘tàn cuộc chiến’ ông anh phát hiện tôi nằm trong cái nia như ‘con tôm kho tàu’ hai tay chỉ giữ được khúc mía, trán thì ‘rướm máu’. Ðể khỏi mang ‘tang chứng’ về nhà, từ đó mỗi lần giựt giàn tôi chỉ làm ‘thủ kho’”.
   “Cúng ở nhà không cần cộ như ở chùa, bánh cấp, bánh cúng, mía khúc, trái cây để trong cái nia lớn hoặc trong chiếc chiếu trước sân nhà, chè xôi nước cúng trên bàn Ông Thiên còn gọi là Thông Thiên, đứa nào muốn ăn thì cho. Trong lúc chủ nhà đốt nhang vái lạy, bọn con nít ngồi xung quanh cái nia chờ lịnh, đến khi nghe 'xong rồi đó' thế là cả bọn nhào vô đụng gì thì lấy thứ đó, do dự chọn lựa thì chỉ có tay không, có đứa 'ma giáo' thấy trong nia không còn bánh liền giựt trong tay của đứa khác thế là từ giựt giàn thành giựt cùi chỏ rồi tới vật lộn. Giựt bánh xong tới phần giựt tiền, chủ nhà rải bạc cắc trẻ con tranh nhau đứa nầy nhảy lên mình đứa kia như bầy chim se sẽ giành ăn. Chúng tôi giựt giàn không phải vì thiếu ăn, thiếu xài, mà ham vui đôi khi muốn chứng tỏ cho bè bạn biết mình khỏe mạnh hơn người, hoặc đây là cơ hội trả thù ngàn năm một thuở, trong lúc lộn xộn cứ ‘dộng’ vào mặt kẻ thù vài cú cho đã giận chỉ có trời biết, đất biết người không biết.”
   “Tôi không bao giờ quên lần giựt giàn nhà bà ‘Ba Ðen’ ở xóm dưới. Gần bến đò Châu Giang. Bà có tiệm hàng xén, rất hung dữ muốn giựt nợ của bà chỉ khi nào ‘nằm xuống lỗ’, nếu không dù bệnh liệt giường còn chút hơi thở vẫn còn nghe giọng ‘chanh chua’ đòi nợ của bà. Ðối với người sống bà ‘đanh đá’ bao nhiêu, đối với ‘người khuất mặt, khuất mày’ bà hiền lành bấy nhiêu. Tối nào cũng đốt nhang cúng lạy, ngoài đường cúng trời, trong nhà cúng Phật. Bà cũng có cúng ‘cô hồn’ với đầy đủ bánh trái như bao nhiêu nhà khác, nhưng không bao giờ chúng tôi được giựt giàn dù một khúc mía sâu của bà vì sau khi cúng bà đem đồ ngon để một bên rồi kêu mấy đứa cháu ra lấy chỉ còn xôi, cháo trắng, đường thẻ trong nia. Có một lần chúng tôi bàn nhau và quyết định đến nhà bà làm một chuyện để đời, thấy chúng tôi bà ra lệnh: ‘Tụi bây phải chờ tao cúng xong chừng nào tao cho mới được giựt biết không?’ chúng tôi trả lời ‘Dạ biết’ y như học trò cùng hát Quốc Ca. Nhìn cái nia nhà bà nào bánh cấp, bánh cúng, mía 'thâm diệu' đỏ bầm, có cả mận và quít ngon ơi là ngon, chúng tôi nhẫn nại nghe bà khấn vái: 'Xin cô hồn các đảng bơ vơ không nơi nương tựa, hữu sinh vô dưỡng, sinh non chết dại, chết bờ chết bụi, chết đâm chết chém, đạn lạc tên bay, xe cán cây đè, rắn mổ rít cắn, thần vòng thắt cổ, một lỗ nhiều thây, hãy về đây... ' Ôi!! sao bà nói lâu quá tay chân bọn tôi bắt đầu ngứa ngáy, theo chương trình chờ bà dứt lời mới ra tay nhưng vì bà nói dài quá nên thằng Hiệp đầu đàn nhịn hết nỗi la lên: ‘Giựt’ thế là cả bọn nhào vô thích gì lấy đó, phần còn lại hất cho đổ xuống đất. ‘Ðánh nhanh rút lẹ’, tôi ‘ụt ịt’ nhất cũng phải ráng sức chạy thật nhanh nếu để bà ta nắm đầu là mang họa, bà vừa rượt vừa chưởi: ‘Ðồ cô hồn sống, đồ có cha sanh không có mẹ dạy, quỷ sứ sao không vặn họng bây chết hết cho rồi, bà nội cha bây tao chưa lạy xong...”
   Chúng tôi chỉ giựt được một lần đó thôi, những năm sau đó bà “Ba Ðen” chỉ cúng cháo trắng và đường thẻ!
Cúng cô hồn nay...
   Tập tục cúng cô hồn tại Việt Nam vẫn được duy trì. Tại những ngôi chùa nghèo hay những xóm lao động người ta thường cúng nhang đàn, giấy tiền vàng mã cho cô hồn “chết”; mía khúc, cóc, ổi, khoai lang, khoai mì, những gói bánh snack và các loại kẹo rẻ tiền cho cô hồn “sống”. Các thứ quà này cho trẻ em nhà khá giả chắc chúng liệng vào thùng rác, thế những trẻ em xóm nghèo sẵn sàng chịu “bể đầu, sứt trán” giành giựt cho bằng được.
   Báo chí trong nước từng đưa tin có nhiều vụ đâm chém nhau giữa các băng nhóm chỉ vì giành giựt đồ cúng cô hồn, và trong Tháng Bảy, không ít cô hồn “sống” trở thành cô hồn “chết”!
   Những nhà giàu có, các công ty tư nhân hay cơ quan nhà nước thì ngoài những phẩm vật thông thường họ còn cúng cả heo quay, rượu ngoại. Hàng mã thì đủ loại từ tiền đô la Mỹ cho đến nhà lầu, xe hơi, thẻ tín dụng, vé máy bay... có món lên đến cả triệu đồng. Không chỉ là chuyện mê tín dị đoan, những tay “áp phe thời đại” còn dùng buổi lễ cúng cô hồn để “thắt chặt tình hữu nghị” giữa mình và cán bộ có chức có quyền nhằm dành được những hợp đồng béo bở sau này.
   Tại Little Saigon, cửa chùa luôn rộng mở trong suốt Tháng Bảy. Mở đầu cho Mùa Vu Lan là buổi Ðại Lễ Vu Lan tại chùa Diệu Quang, Santa Ana vào ngày 27 Tháng Bảy vừa qua (nhằm ngày 24 Tháng Sáu Âm Lịch). Sau đó rất nhiều chùa trong vùng cũng lần lượt lên lịch tổ chức lễ Vu Lan như chùa Phổ Ðà, chùa Quan Âm, chùa A Di Ðà... Các buổi lễ tại hải ngoại đều không mang màu sắc chính trị mà hướng vào tâm linh con người, phẩm vật cúng bái cũng đạm bạc, đơn giản. Mục đích chính là cùng nhau tỏ lòng hiếu kính với nội ngoại tôn thân nhiều đời, nhiều kiếp; mở lòng Bồ Tát với người nghèo khó; tri ân các chiến sĩ trận vong, những đồng bào tử nạn trên đường tìm tự do; tiến cúng Thập Loại Cô Hồn đồng thời không quên cầu cho đất nước dân tộc sớm được tự do, dân chủ, nhân quyền.
   Cũng trong Tháng Bảy, một số chùa tổ chức cho Phật tử rải tro cốt người thân đã khuất ra biển với mong ước vong hồn được sớm siêu thoát.
   Một số gia đình theo đạo Phật, các cơ sở thương mại cũng tổ chức lễ cúng cô hồn nhưng hầu như không có cảnh trẻ em “giựt cỗ” như trong nước. Ðó cũng là một điều tốt, nhưng thiếu vắng cái không khí hồi hộp đợi chờ, chen lấn xô đẩy để lấy được một khúc mía, một cái oản cũng làm nhiều người chạnh lòng khi hồi tưởng.
Ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân
- Bày lễ và cúng ngoài trời
IMG_7837.jpg image by hoangvinh_010
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật,
Chư Phật mười phương,
Con lạy Đức Phật Di Đà.
Con lạy Bồ Tát Quan Âm.
Con lạy Táo Phủ Thần quân Chinh thần.
Tiết tháng 7 sắp thu phân
Ngày rằm xá tội vong nhân hải hà
Âm cung mở cửa ngục ra
Vong linh không cửa không nhà
Đại Thánh Khảo giáo
– A Nan Đà Tôn giả
Tiếp chúng sinh không mả, không mồ bốn phương
Gốc cây, xó chợ, đầu đường
Không nơi nương tựa đêm ngày lang thang
Quanh năm đói rét, cơ hàn
Không manh áo mỏng – che làn heo may
Cô hồn năm bắc đông tây
Trẻ già trai gái về đây hợp đoàn
Dù rằng: chết uổng, chết oan
Chết vì nghiện hút chết tham làm giàu
Chết tai nạn, chết ốm đâu
Chết đâm, chết chém, chết đánh nhau tiền, tình
Chết bom đạn, chết đao binh
Chết vì chó dại, chết đuối, chết vì sinh sản giống nòi
Chết vì sét đánh giữa trời
Nay nghe tín chủ thỉnh mời
Lai lâm nhận hưởng mọi lời trước sau
Cơm canh cháo nẻ trầu cau
Tiền vàng quần áo đủ màu đỏ xanh
Gạo muối quả thực hoa đăng
Mang theo một chút để dành ngày mai
Phù hộ tín chủ lộc tài
An khang thịnh vượng hòa hài gia trung
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lại về tín chủ thành tâm thỉnh mời
Bây giờ nhận hưởng xong rồi
Dắt nhau già trẻ về nơi âm phần
Tín chủ thiêu hóa kim ngân
Cùng với quần áo đã được phân chia
Kính cáo Tôn thần Chứng minh công đức
Cho tín chủ con
Tên là:………………………………
Vợ/Chồng:…………………………
Con trai:……………………………
Con gái:…………………………….
Ngụ tại:……………………………..
Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét