Trang

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

TRUYỆN KIỀU DIỄN NGHĨA

TRUYỆN KIỀU DIỄN NGHĨA
1
Cuốn “Kim Vân Kiều Truyện”
Của Thanh Tâm Tài Nhân
Được Nguyễn Du viết lại
Thành thơ Việt, có vần.

Tức là thơ lục bát,
Ba nghìn hai trăm câu,
Bằng chữ Nôm mộc mạc,
Âm vang mãi trong đầu.

Tên gốc của tác phẩm
Là “Đoạn Trường Tân Thanh”,
Còn “Kiều”, do người đọc
Gọi ngắn gọn mà thành.

Ôi, “Tiếng Kêu Đứt Ruột”.
Ôi, Thúy Kiều, Thúy Kiều,
Đọc mà lòng tê tái,
Viết chắc đau hơn nhiều.

Sách viết khi Cụ Nguyễn
Đi sứ nhà Thanh về,
Đi ba năm ròng rã,
Vất vả đủ trăm bề.

Thơ chữ Hán của Cụ,
Tôi dịch cũng khá nhiều,
Bây giờ xin viết lại
Nội dung cuốn Truyện Kiều.

Số là nay giới trẻ
Sống trong thời a còng,
Nhiều đứa không chịu đọc -
Mất thì giờ, tốn công.

Chúng bảo, thơ dài quá,
Đầy điển cố nước Tàu,
Rằng hay thì hay thật,
Nhưng khó hiểu, đau đầu.

Đúng là bọn ưa dễ,
Thích văn hóa ăn liền.
Cháu con tôi cũng thế,
Hời hợt và vô duyên.

Chúng bảo tôi viết lại,
Hay tóm lược nội dung,
Đơn giản và dễ hiểu -
Một việc làm điên khùng.

Vậy mà tôi chiều chúng.
Giờ bố mẹ, than ôi,
Con nói gì, không cãi,
Bảo ngồi đâu cứ ngồi.

Và đây, xin tóm lược
Rất nôm na, Truyện Kiều.
Được, chỉ có cốt truyện,
Mất thì nhiều, rất nhiều.

Nên tóm thì cứ tóm,
Nhưng bọn trẻ chúng mày
Phải đọc Kiều nguyên bản
Được đính kèm theo đây.

Một áng thơ tuyệt đẹp,
Một viên ngọc lung linh
Trong vườn thơ quốc nội,
Về chữ hiếu, chữ tình.

Có lẽ người dân Việt,
Không ai không từng yêu
Hoặc ngâm nga, học thuộc
Một vài câu trong Kiều.

Thế mà, thưa Cụ Nguyễn,
Lớp trẻ giờ ít người
Đọc và yêu thơ Cụ.
Đơn giản vì chúng lười.

Thành ra con mạn phép,
Tóm lược Kiều ra đây.
Kính mong Cụ lượng xá
Tha cho tội láo này.

2
Thời nhà Minh, Trung Quốc,
Có gia đình họ Vương,
Sống hòa thuận, thanh bạch,
Gia sản cũng “thường thường”.

Bố mẹ già đáng kính,
Ba người con trưởng thành.
Vương Quan là con út,
Chuyên lo chuyện học hành.

Lo nữ công gia chánh,
Hai cô chị đáng yêu,
Nổi tiếng rất xinh đẹp -
Thúy Vân và Thúy Kiều.

Thúy Kiều là chị cả,
Đẹp nết, đẹp cả người,
Như Nguyễn Du đã nói,
Đúng “mười phân vẹn mười”.

Một hình mẫu lý tưởng
Người đẹp thời bấy giờ,
Dịu dàng và trong trắng,
Tiết nghĩa và ngây thơ.

Cô em nàng cũng đẹp,
Kiểu đôn hậu, hồn nhiên,
Kiều thì đẹp kiểu khác,
Buồn buồn và dịu hiền.

Lại mùa xuân nữa đến,
Hoa lá rợp trên cành.
Cả nhà đi dự hội,
Tên hội là Đạp Thanh.

Vốn là người đa cảm,
Khi thấy mộ Đạm Tiên,
Nàng khóc người kỹ nữ,
Một tài sắc kiếp tiền.

Thế mà giờ nấm mộ,
Không hương khói, úa tàn,
Ôi, đớn đau, chua xót
Kiếp “bạc mệnh hồng nhan”.  

Đêm, Đạm Tiên báo mộng,
Bảo đời Kiều sau này  
Sẽ long đong nhiều nỗi,
Đầy oan nghiệt, chua cay.

Vốn thường buồn, tư lự,
Kiều hay tin, bần thần,
Thấp thỏm lòng đa cảm
Kiếp bèo bọt, trầm luân.

Cũng buổi chiều hôm ấy,
Khi bóng đã xế tà,
Nàng gặp chàng Kim Trọng,  
“Phong nhã” và “hào hoa”.

Chàng thư sinh Kim Trọng
Vốn “thuộc nhà trâm anh”.
Bạn Vương Quan từ nhỏ,
Quen nhau qua học hành.

Chàng từ lâu nghe tiếng,
Đã thầm yêu Thúy Kiều,
Giờ may mắn được gặp,
Yêu lại càng thêm yêu.

Không một lời trao đổi,
Hai người còn rụt rè,
Nhưng “tình trong như đã”
Tuy “mặt ngoài còn e”.

Nàng Kiều thì tự vấn:
Chao, “gặp gỡ làm chi”,
Như Đạm Tiên bạc mệnh,
Liệu “biết có duyên gì?”

Kim Trọng thì mê mẩn
Quên mọi chuyện vì yêu,
Chàng tìm cớ dọn đến
Ở cạnh nhà Thúy Kiều.

Một hôm chàng nhặt được
Chiếc kim thoa, và chàng
Lấy đó làm cái cớ
Để trò chuyện với nàng.

Rồi hai người hò hẹn.
Rồi nàng Kiều, thật ghê,
Vốn bẽn lẽn, gia giáo,
Thế mà “buông rèm che”,

Nàng “xăm xăm băng lối”
Sang nhà chàng Kim Lang.
“Bóng trăng vàng đã xế”
“Giấc mộng xuân mơ màng”.

Rồi hai người thề thốt,
Trao kỷ vật cho nhau,
Nguyện suốt đời chung thủy
Đến răng long, bạc đầu.  

Để chiều lòng Kim Trọng,
Nàng đã đàn một bài,
Bài “Bạc Mệnh” day dứt,
Não lòng và bi ai.

Tiếng đàn buồn đến mức
Kim Trọng “lúc chau mày,
Lúc ôm đầu, tựa gối”
Thấy “ngậm ngùi, đắng cay”.

Rồi tình nồng, duyên đượm,
Đêm, lại chỉ hai người,
Nên “xem ra Kim Trọng
Đã có phần lả lơi”.

Nhưng nàng Kiều lúc ấy
Nghĩ tới chuyện Trương Quân
Và Oanh Oanh ngày trước
Mà không chịu trao thân.

Mới lần đầu gặp mặt,
Mà Kim Trọng, ghê chưa,
Đã lả lơi chuyện ấy.
Cũng là tay không vừa.

Hôm sau, có tin khẩn
Nhắn Kim Trọng, rằng chàng
Có ông chú vừa mất,
Phải về nhà chịu tang.

Than ôi, tình mới bén,
Giờ đã phải chia tay.
Lại thề non, hẹn biển,  
Lại dài ngắn dãi bày.

Rồi bất ngờ tai họa
Ập xuống đầu Vương gia:
Các em và bố mẹ
Vừa ăn cỗ, về nhà

Thì bỗng bọn nha lại
Kéo đến bắt Vương ông.
Toàn một lũ trâu ngựa,
Đánh đập rất đau lòng.

Hỏi ra thì mới biết
Do một thằng bán tơ
Đã dựng chuyện vu cáo,
Thật vô lý, bất ngờ.

Chẳng còn cách nào khác,
Nàng bán mình, chuộc cha.
Ôi, chua xót, đau đớn,
“Đau đớn phận đàn bà.”

Rồi nàng ôm mặt khóc:
“Kim Lang hỡi, Kim Lang,
Thôi thôi, thế là thiếp
Phải phụ bạc tình chàng!”

Nàng gọi Thúy Vân lại,
Cúi thấp lạy, ân cần:
Em hãy lấy Kim Trọng,
Hằng sửa túi, nâng khăn.

Romeo, Juliet,
Yêu đến thế là cùng,
Nhưng theo tôi được biết,
Chưa đến mức chồng chung.  

Đúng, người xưa nhân nghĩa.
Ta, hiện đại, cũng yêu,
Say đắm nữa là khác,
Nhưng mấy ai bằng Kiều?

3
Bỏ ra bốn trăm lạng,
Mã Giám Sinh mua Kiều.
Hắn là tên vô lại,
Gian tà và rất kiêu.

Hứa lấy nàng làm lẽ,
Thực ra hắn lõi đời
Mua nàng làm kỹ nữ
Để tiếp khách làng chơi.

Còn Tú Bà, vợ hắn,
Chủ thanh lâu Lâm Truy,
Sai nàng ra tiếp khách,
Nhưng Kiều không chịu đi,

Nói, nàng là vợ lẽ
Của ngài Mã Giám Sinh.
Mụ Tú Bà nghe vậy
Liền “nổi cơn tam bành”.

Mụ bảo nàng quyến rũ
Thằng chồng mụ, và rồi
Cho đánh nàng tàn nhẫn
Bằng gậy và bằng roi.

Nhục nhã và phẫn uất,
Nàng liền rút con dao,
Đinh tự vẫn thì ngất,
Và trong cơn chiêm bao

Kiều gặp lại người cũ,
Tức là nàng Đạm Tiên.
Nàng dặn, khoan, chưa chết,
Hẹn gặp ở sông Tiền.

Còn Tú Bà thì nghĩ
Mất nàng là mất lời,
Cho ra lầu Ngưng Bích
Để nàng tạm nghỉ ngơi.  

Một mình trên lầu vắng,
Sông nước bốn xung quanh,
Kiều thực sự mừng rỡ
Khi gặp chàng Sở Khanh.

Hắn có vẻ nho nhã,
An ủi rất ân cần,
Còn hứa giúp trốn thoát,
Nên nàng đã trao thân.

Mấy hôm sau, trời tối,
Hắn đưa ngựa đón nàng,
Giữa đường, bỏ nàng lại,
Lo sợ và hoang mang.

Tú Bà liền xuất hiện
Cùng một lũ đầu trâu,
Bắt nàng vì tội trốn,
Còn đánh đập rất đau.

Nàng đã phải van khóc
Xin Tú Bà ngừng tay,
Hứa nhẫn nhục tiếp khách,
Không trốn khỏi nơi này.

“Thân lươn đâu sợ bẩn”,
Xin hầu hạ sớm trưa.
“Ôi tấm lòng trinh bạch,
Nguyện từ nay xin chừa”.

Thì ra chính mụ Tú
Đã thuê thằng Sở Khanh,
Lừa nàng, đưa vào bẫy.
Thôi, trót nhỡ thì đành.

Tên hắn kể từ đấy
Có thêm nghĩa xấu xa,
Tức là thằng chim gái,
Kẻ thù các cô, bà.

4
Vậy là Kiều cam chịu
Để số phận an bài,
Ở thanh lâu nổi tiếng
Cả về sắc, về tài.

“Sớm tiễn đưa Tống Ngọc”,
“Chiều vui với Tràng Khanh”,
“Lúc tiệc tan, tỉnh rượu,
“Giật mình, lại thương mình”.

Ở thanh lâu, Kiều gặp,
Tiếp một khách làng chơi,
Rất hào hoa, phong nhã,
Tử tế và thương người.

Lúc đầu chỉ ong bướm,
Người ấy, tên Thúc Sinh,
Sau yêu Kiều thực sự,
Thương cảm và chân tình.

Định lấy Kiều làm lẽ,
Đưa tiền cho Tú Bà,
Chàng đem Kiều giấu kín,
Sau khi chuộc nàng ra.

Vốn người huyện Vô Tích,
Chàng cùng cha, Thúc ông,
Đến Lâm Truy buôn bán,
Khá ý hợp, tâm đồng.

Cha chàng, khi biết chuyện,
Trách mắng rất nặng nề,
Bắt trả về nhà chứa,
Nhưng chàng không chịu nghe.

Với Kiều, ông kết tội,
Đã quyến rũ Thúc Sinh,
Rồi nhờ quan xét xử
Thật chí lý, chí tình.

Quan sai đem Kiều đánh,
Nhưng Thúc Sinh vội vàng,
Đứng ra bênh, biện bạch
Đủ điều tốt về nàng.

Nghe nói nàng gia giáo,
Lại am tường thơ văn,
Quan bảo nàng thử vịnh
Chiếc cùm đeo dưới chân.

Nàng đọc thơ, quan huyện
Rất khâm phục trong lòng,
Bèn xử cho nàng thắng,
Lựa lời khuyên Thúc ông.

Thúc ông đành chịu nhún,
Không cản trở hai người,
Phần vì “thương nết hạnh”,
Phần vì sợ chê cười.

Sau nửa năm chung sống,
Kiều khuyên chàng về quê
Nói mọi chuyện với vợ,
Rồi tính kế, liệu bề.

Hoạn Thư, vợ chàng Thúc,
“Ăn ở, nết cũng hay”,
Về khoản ghen mà nói
Thì nàng rất cao tay.

Biết chồng có vợ lẽ,
Tỉnh bơ, không nói gì,
Lại chiều chồng nhất mực,
Không mảy may hoài nghi.

Vì thế chàng do dự,
Không dám kể sự tình
Như nàng Kiều đã dặn.
Ôi, ôi, chàng Thúc Sinh.

Tiễn chồng quay trở lại
Với vợ hai, Thúy Kiều,
Hoạn Thư liền sang mẹ,
Than và khóc khá nhiều.

Rồi họ sai Ưng, Khuyển
Cùng một bầy lâu la
Kíp đến gặp Kiều trước
Rồi phóng lửa đốt nhà.  

Chúng ném một xác chết
Vào nhà nàng, thật ghê,
Đưa nàng tới Vô Tích
Trước khi Thúc Sinh về.

Thấy nhà mình bị cháy,
Lại thêm một xác người,
Tưởng rằng Kiều đã chết,
Chàng ôm mặt kêu trời.

Lại nói bọn Ưng, Khuyển,
Đưa nàng Kiều về quê,
Nàng bị Hoạn Thư mẹ
Đánh một trận ê chề,

Rồi bắt nàng hầu hạ
Như con ở trong nhà,
Luôn bị đánh, bị chửi,
Ngẫm mà lòng xót xa.

Mỗi lần Hoạn Thư đến,
Nàng cũng phải theo hầu.
Nàng kia cười, ngon ngọt,
Không trách cứ một câu.

Đàn bà ghen, không lạ,
Thường vẫn thế xưa nay,
Nhưng Hoạn Thư ghen khác,
Thật cao tay nàng này.

Cứ công bằng mà nói,
Ấy cũng là sự thường.
Hoạn Thư, ghét thì ghét,
Nhưng cũng thấy thương thương.

Hỏi bây giờ, thậm chí,
Thời bình đẳng, bình quyền,
Mấy ai đủ bình tĩnh
Như nàng này khi ghen?

Một năm sau, chàng Thúc
Về quê thăm vợ hiền.
Nàng Hoạn Thư cười nụ
Trong bữa tiệc đoàn viên,  

Rồi vẫy tay cho gọi
Mời Kiều ra hầu chàng,
Phải rót rượu cung kính,
Phải đi đứng nhẹ nhàng.

Thúc Sinh thì tê tái,
Biết mình là nạn nhân
Một âm mưu thâm độc,
Ngồi đực mặt, bần thần.

Sợ vợ, chàng gạt lệ,
Không dám nhận nàng Kiều,
Vẫn cười cười, nói nói
Với bà vợ thân yêu.

Tất nhiên chàng đáng trách,
Nhưng xin hỏi thực lòng,
Nếu ta, gặp cảnh ấy,
Ta làm khác được không?

Làm nhục thế chưa đủ,
Hoạn Thư còn bắt nàng
Ngồi phệt xuống, rũ tóc,
Cầm đàn gẩy tình tang.

Và Kiều, ôi, nhẫn nhục
“Trước rèm the, vặn đàn”,
“Bốn dây kêu như khóc”
Khiến “cõi lòng nát tan”.

Ôi, cho người trong cuộc,
Cùng “một tiếng tơ đồng”,
Người thì “ngoài cười nụ”,
Người “khóc thầm bên trong”.

Cả Hoạn Thư, tôi nghĩ,
Như Kiều, cũng xót xa,
Vì cùng chung một phận,
“Xót xa phận đàn bà.”

Một thời gian sau đó,
Khi thấy Kiều chịu thua,
Hoạn Thư cho nàng sống
Và chép kinh trong chùa.

Một lần, vợ đi vắng,
Thúc Sinh lén thăm Kiều,
Lại mừng mừng, tủi tủi,
Lại thề thốt thương yêu,

Mà không biết ngoài cửa
Hoạn Thư đang cả cười,
Rồi bước vào, nhỏ nhẹ,
Khen, vỗ về hai người.

Thế mới thật đáng sợ,
Thế mới là cao tay.
Lần nữa phải nhắc lại:
Hiếm ai như nàng này!

Kiều thì lại càng sợ,
Để mất - chẳng còn gì,
Nên ngay tối hôm ấy
Nàng vượt tường trốn đi.

5
Thương cho Kiều bạc mệnh,
Phiêu dạt kiếp thăng trầm.
Dài, còn dài trước mặt
Bể khổ mười lăm năm.

Ôi, vì sao số phận
Luôn cay đắng, phũ phàng?
Nàng chạy trốn? Thử hỏi,
Cái gì đang chờ nàng?

Lần nữa trời dun dủi
Kiều bước vào cửa thiền.
Đó là chùa Chiêu Ẩn,
Trụ trì là Giác Duyên.

Sư trụ trì rộng lượng
Cho nàng trú nơi này,
Tưởng nàng người nhà Phật,
Lại từ xa đến đây.

Khi trốn khỏi Vô Tích,
Nàng lấy của nhà chùa
Chiếc chuông và chiếc khánh,
Gọi là để làm bùa.

Một hôm có thí chủ
Nói với sư trụ trì,
Chiếc chuông và khánh ấy
Giống hệt, chẳng khác gì

Với chuông khánh chùa nhỏ
Trong vườn nhà Hoạn Thư.
Sư bà gọi Kiều đến
Để làm rõ thực hư.

Kiều đành phải thú thật
Tung tích mình, thế là
Được Giác Duyên cho đến
Sống tạm với Bạc bà.

Bạc bà là phật tử,
Hay đến chùa dâng hoa,
Thấy Thúy Kiều xinh đẹp,
Liền nảy ý gian tà.

Mụ đánh nàng, dọa dẫm,
Cũng có lúc van nài
Lấy cháu mụ, Bạc Hạnh,
Một người ở châu Thai.

Bạc Hạnh vờ cưới, hỏi,
Đưa nàng về Thai châu.  
Ở đấy, lại lần nữa,
Kiều rơi vào thanh lâu.  

6
Trong may có cái họa,
Trong họa có cái may.
Sự đời thường vẫn vậy,
Cả xưa và cả nay.

Số là nơi mới đến,
Khi tiếp khách làng chơi,
Kiều ngẫu nhiên được gặp
Rất đặc biệt, một người.

Người đó là Từ Hải,
Đúng một “đấng anh hào”,
Loại “râu hùm, hàm én”,
Vai rộng, “mười thước cao.”

Chàng là một chiến tướng
Người thuộc vùng Việt Đông,
Thích “đội trời, đạp đất”,
“Vùng vẫy khắp non sông”.

Anh tài và giai nữ
Thế là được gặp nhau,
Bén tình và bén nghĩa,
Rất ý hợp tâm đầu.

Từ Hải bỏ tiền chuộc,
Thúy Kiều về nhà chàng,
Nửa năm sống hạnh phúc,
Đậm đà tình tao khang.

Rồi một mình, một ngựa,
Từ Hải lại lên đường,
Hẹn ngày quay trở lại
Với người mình yêu thương.

Xong đại sự, Từ Hải,
Tức khoảng một năm sau,
Cho người về đón vợ
Theo nghi lễ vương hầu.

Thanh thế chàng lúc ấy
Lừng lẫy một phương trời.
Một võ tướng phản loạn,
Thu phục trăm vạn người.

Một hôm, nhân rỗi việc
Kiều kể lại với chồng
Cảnh hàn vi ngày trước,
Nước mắt chảy hai dòng.

Từ Hải nghe, phẫn nộ,
Liền cho người đi ngay
Tới Lâm Truy, Vô Tích,
Lo nhanh chóng việc này.

Khi mọi người có mặt,
Ngồi cao giữa trung quân,
Kiều công bằng xét xử,
Báo oán và đền ân.

Nàng hậu thưởng chàng Thúc,
Cụ Giác Duyên nhân từ,
Bà quản gia tốt bụng
Trong nhà mẹ Hoạn Thư.

Rồi nàng ra lệnh chém
Tú Bà, Mã Giám Sinh,
Bạc Bà và Bạc Hạnh,
Bọn Ưng Khuyển, Sở Khanh.

Ân oán thế là rõ,
Nhưng máu đổ cũng nhiều.
Đành rằng ác trả ác,
Ôi ôi, nàng Thúy Kiều.

Còn Hoạn Thư, đáng lẽ
Phải chết như Tú Bà,
Vì “chính danh thủ phạm”,
Thế mà Kiều lại tha.

Vì nàng kia khôn khéo
Tự bào chữa cho mình.
Rằng “đàn bà nhẹ dạ,
Ghen tuông cũng thường tình.”

Rằng “càng cay nghiệt lắm,”
Thì “càng oan trái nhiều.”
Rằng “chồng chung ai dễ
Nhường cho ai khi yêu...”

Kiều nghe nàng nói vậy,
Phải chép miệng mà rằng:
Dẫu trong lòng độc ác,
Nhưng “giỏi bề nói năng”;

Rằng giết thì đáng giết,
Có ác, phải có đền,
Nhưng giết khi nói phải,
“E là người nhỏ nhen.”  

Vậy là Hoạn Thư thoát.
Thật đúng là cao tay.
Nói rồi, xin nói lại:
Hiếm ai như nàng này!

7
Quyền uy của Từ Hải
Cứ lớn dần, lớn dần.
Chàng xưng vương, lập quốc,
Cai trị cả muôn dân.
  
Chàng chia đôi thiên hạ
Với vương triều nhà Minh,
Triết Giang và Phúc Kiến
Coi như đất của mình.

Rồi năm năm sau đó,
Vua nhà Minh vội vàng
Sai tướng Hồ Tôn Hiến
Đem quân đến đánh chàng.

Biết Từ Hải dũng mãnh,
Đấng anh hùng vô biên,
Khó dùng binh mà thắng,
Nên hắn lập kế hèn.

Hắn cho người mang lễ
Gồm rất nhiều bạc vàng
Cùng lời hứa trọng dụng
Để dụ chàng ra hàng.

Hắn còn sắm lễ vật
Dành riêng cho Thúy Kiều,
Cốt nhờ nàng nói hộ -
Nói chùng nhiều, rất nhiều.

Phần vì lễ quá hậu,
Phần chưa hiểu sự tình,
Nàng đã khuyên Từ Hải
Ra đầu hàng triều đình,

Để muôn dân đỡ khổ,
Để thành quan đại thần,
Để nàng về quê cũ
Mong gặp lại người thân.

Dẫu còn nghi, Từ Hải
Vẫn nghe vợ, tiếc thay.
Các ông chồng có lẽ
Nên học bài học này.

Từ Hải mặc nhung phục
Rời doanh trại, đầu hàng.
Hồ Tôn Hiến lập tức
Cho quân ra giết chàng.

Ôi, “râu hùm, mày én”,
Ôi, một “đấng anh hào”,
Từng “đội trời đạp đất”,
Thế mà chết buồn sao.

Lại thêm bài học nữa:
Không được tin chính quyền.
Xưa hay nay cũng vậy.
Chúng, một lũ đê hèn.

Đêm ấy, Hồ Tôn Hiến
Mở tiệc mừng rất to.
Hắn bắt Kiều rót rượu,
Hết vò lại đến vò.

Khi ngà ngà quá chén,
Hắn bắt nàng chơi đàn.
Cả “bốn dây nhỏ máu,”
“Gió thảm, mưa tuôn tràn.”

Hắn ngồi nghe, tư lự,
Rượu và đàn cùng say.
“Thật lạ cho mặt sắt,
Cũng vì tình, biết ngây.”

Rồi lâng lâng, loạng choạng,
“Vì rượu và vì tình,”
Hắn giữ Kiều ở lại,
Bắt ăn nằm với mình.  

Sáng hôm sau, tỉnh dậy,
Nghĩ mình bậc cao sang,
Vướng vào Kiều không tiện,
Hắn quyết định gả nàng

Cho một thổ quan nhỏ,
Và rồi lễ tơ hồng
Giữa Kiều và quan thổ
Được tổ chức trên sông.

Lòng ê chề nhục nhã,
Hận chồng chết vì mình,
Nàng Thúy Kiều bạc mệnh
Quyết một lòng quyên sinh.

“Ôi, Đạm Tiên, nàng hỡi,
Dưới suối vàng có hay,
Nàng hẹn ta, thì đấy,
Xin đón ta nơi này!”

Và rồi, giữa sông nước,
Khi trời còn đầy sương,
Nàng ôm hận, lặng lẽ
Nhảy xuống sông Tiền Đường.

Lại nói, sau hậu thưởng,
Sư trụ trì Giác Duyên
Gặp đạo cô Tam Hợp,
Một tín đồ Đạo thiền.      

Tam Hợp báo sư biết
Chuyện ở sông Tiền Đường,
Khuyên nhanh chóng đến đấy
Cứu nàng Kiều đáng thương.

Sư Giác Duyên vội vã
Thuê ngư phủ nhiều giờ
Rà quét khúc sông ấy,
Vớt được nàng lên bờ.

Thật may, Kiều còn sống.
Nằm bất động trên thuyền,
Trong cơn mê nàng thấy
Bóng hình nàng Đạm Tiên.

Nàng báo: Trời đã thấu
Nỗi khổ và lòng nàng,
Và rằng đã đến lúc
Cuộc đời mới sang trang.

Rồi từ đấy sư cụ
Và cháu bà, nàng Kiều,
Bên sông, trong am cỏ
Cùng vui vầy sớm chiều.

8
Vậy là biển cũng lặng,
Và trời cũng ngớt giông.
Sóng gió không còn nữa,
Sóng cũng lặng trong lòng.

Đời Kiều nay đã khác,
Như vừa nói - sang trang    .
Thư thản và yên tĩnh.
Ta hãy mừng cho nàng.

Lại nói chàng Kim Trọng,
Sau khi chịu tang về,
Hay tin Kiều bị bán,
Mà nước mắt dầm dề.

Vương ông cho chàng biết
Rằng Kiều đã buộc lòng
Nhờ Thúy Vân thay chị
Lấy Kim Trọng làm chồng.

Sau nhiều lần từ chối,
Tìm Kiều không thấy đâu,
Cuối cùng, bị thúc dục,
Hai người đã cưới nhau.

Rồi Kim Trọng thi đậu,
Được bổ về Lâm Truy,
Nơi Thúy Kiều ngày trước
Buộc phải làm ca nhi.

Ở đấy, các nha lại
Kể chàng nghe một phần
Cuộc đời Kiều đã chịu,
Cơ cực và gian truân.

Chàng không biết lúc ấy
Ở tít vùng Thai Châu
Thúy Kiều và Từ Hải
Đang vui sống bên nhau.

Khoảng năm năm sau đó,
Nhận được chiếu triều đình,
Chàng đi nhậm chức mới,
Làm quan huyện Nam Bình.

Vương Quan thi, cũng đỗ,
Được bổ về Phú Dương,
Nên hai người lần ấy
Đi cùng lúc, cùng đường.

Đến Hàng Châu, bất chợt
Họ hay tin, rùng mình,
Rằng Từ Hải bị giết,
Còn Kiều thì quyên sinh.

Họ quay về, lập tức
Hai gia đình Kim, Vương
Soạn lễ, mang đến cúng
Bên bờ sông Tiền Đường.

Giác Duyên, nhân có việc,
Đi ngang, thấy tên Kiều
Trên bài vị giải oán,
Dừng lại hỏi đôi điều.

Hóa ra Kiều còn sống!
Kiều còn sống, mừng sao!
Mắt mở, nhìn thấy rõ,
“Mà những tưởng chiêm bao!”

Vậy là dẫu chìm nổi
Số phận một cuộc đời,
Vẫn có cái kết hậu
Cho nàng và mọi người.

Trong buổi tiệc đoàn tự
Thúy Vân ép chị mình
Phải lấy chàng Kim Trọng,
Mới hợp lý, hợp tình.

Kiều thoạt đầu không chịu,
Bảo “tấm thân ngọc ngà”
Giờ không còn trong trắng
Mà “dư thừa xấu xa.”

Cuối cùng nàng chấp nhận,
Nhưng trong đêm động phòng
Nàng không cho Kim Trọng
Ân ái như vợ chồng.

“Tấm thân thiếp ô uế,
Không đáng được gần chàng.”
Biết làm sao, đành vậy.
Tội nghiệp chàng Kim Lang.

Từ đấy họ hạnh phúc
Sống bên nhau trọn đời,
Chàng Kim cùng hai vợ
(Thực ra chỉ một người!)

Mười lăm năm lưu lạc,
Mười lăm năm trầm luân,
Giờ lòng Kiều phẳng lặng
Như nước lặng hồ xuân.

Và đều đều cứ chảy
Dòng nước sông Tiền Đường,
Rửa sạch bao oan trái
Một kiếp sống đoạn trường...

9
Thế là tôi kể hết,
Giản dị và trung thành
Truyện “Tiếng Than Đứt Ruột,”
Tức “Đoạn Trường Tân Thanh.”  

Truyện có nhiều bài học,      
Về thế thái, nhân tình.
Đọc đi, các bạn trẻ,
Rồi ngẫm người, ngẫm mình.

Hà Nội, 5. 2. 2012
Thái Bá Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét