Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

TỔNG HỢP THÓI XẤU CỦA NGƯỜI VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI VÀ NGÀY XƯA

Bốn thói xấu của người Việt đương đại
  (TuanVietNam)- Nói “của rất nhiều người Việt ” là để dễ lọt tai, thật sự cầu thị thì phải nói là Một số thói xấu của người Việt thời nay bởi vì những thói xấu này đang rất thịnh hành và phổ biến. Nói “người Việt hiện nay” là để giới hạn thời gian trong một số những thập kỷ gần đây, có thể người Việt xa xưa và người Việt trong tương lai không mắc những thói xấu này.
Thói gian lận

Nhiều thủ thuật gian lận cước taxi.
Ảnh thethao&vanhoa






Từ điển Tiếng Việt 1994 định nghĩa gian lận là “có hành vi dối trả, mánh khóe, lừa lọc”. Dẫn từ điển cho chắc ăn thôi chứ nhắm mắt vào cũng thấy rõ người ta gian lận, dối trá thế nào, có khi còn thấy rõ hơn.
Trong buôn bán, từ nửa lạng cà chua, dăm ba quả táo đến hàng tấn cá ba sa, hàng tấn xi măng sắt thép đều có thể bị cân điêu, chỉ cần gian lận lấy nửa lạng là người ta đem nhét thật nhiều bánh đúc vào cái diều con gà, nếu gian lận được nửa yến thì sẵn sàng bơm thuốc phọt cho gà lợn rau quả mau tăng trọng, bất chấp những tai hại khôn lường, đồ xấu đánh tráo vào với đồ tốt rồi tính thành tiền đồ tốt, hàng ôi thiu thối rữa kém chất lượng đem tẩy rửa mông má lại để bán ra thành hàng tươi ngon…
Trong sản xuất thì bớt xén nguyên vật liệu, rút ruột công trình, làm hàng giả hàng nhái, gian lận giấy tờ sổ sách kế toán để moi tiền dự án bất chấp là dự án ODA hay dự án quốc gia, rút được tiền chia chác thì làm, không thì bỏ, bất kể chất lượng tốt xấu…Lại còn cái kiểu hùa nhau bỏ thầu thật thấp, chộp giật, cứ thắng thầu cái đã, làm nửa chừng thì bỏ đấy, một bên hết vốn, bên kia muốn hoàn thành kế hoạch lấy thành tích thi đua thì xin mời bỏ tiền vào…
Trong giáo dục thì trường trường lớp lớp đua nhau cho điểm vống lên, học sinh lên lớp hết để lấy thành tích, cán bộ cỡ muốn có bằng thì có người đi học thay, dân tứ chiếng muốn có bằng thì mua, điểm thi thì tẩy xóa xin xỏ, giấy báo kết quả thì mạo điểm mạo danh, vào thi thì mang theo phao, cấm đoán thế nào cũng không xuể, cha mẹ thì chạy trường chạy lớp phờ cả người, nghĩ mà kinh…
Về mặt xã hội thì kể không biết bao nhiêu thí dụ cho xuể, này nhé: lên phường lên xã vào bệnh viện thì bị xoay đủ kiểu nhưng cứ có ít “ngan nằm” là được việc, ra đường gặp đủ cách gian lận giao thông, kể từ bằng lái rởm đến xe rởm, kể từ người đi bộ, đi xe máy đến công-tơ-nơ siêu trường siêu trọng, hễ gian lận được đường là gian lận, có mắc mớ thì kẹp “nó” vào giấy tờ rồi nhờ nộp hộ vào kho, em vội phải đi không cần lấy hóa đơn, thế là xong.

Tiền của chính phủ cho người nghèo ăn tết, tiền từ thiện cũng bị ăn chặn ăn bớt. Trộm đạo tứ tung, trộm to như tham nhũng, man trá thuế khóa, nhập lậu xuất lậu …đến nhỏ như trộm cái đinh bù loong, cái thanh tà vẹt, con gà con cá… (trộm cá bằng kích điện là phổ biến từ Nam chí Bắc !). Người dân xây nhà hễ gian lận được dù chỉ một vài mét đất công là lấn tới, người dân buôn bán hễ làm luật được là chiếm luôn vỉa hè…
Trong văn hóa tư tưởng thì đạo văn đạo nhạc, đạo thơ đạo họa đủ cả, cũng chạy giải thưởng cho có danh, đánh bóng mạ kền cho sáng tên tuổi…Một phần không ít thanh niên học hành làm việc thì lười mà chỉ muốn có tiền nhanh, chỉ muốn tiêu xài xì tin, váy cộc chân dài tóc bờm dựng ngược, nay vũ trường mai nhà nghỉ…

Có những cuộc vận động hoặc thi tìm hiểu mà ai cũng biết có phần không phải, ai cũng có phần không phải nhưng vẫn bất chấp, vẫn bỏ tiền bỏ của bỏ thời gian lao vào làm. Khủng khiếp nữa là gian lận giữa ý nghĩ với lời nói, người ta sẵn sàng nói cái điều mà người ta không nghĩ thế, từ đấy dẫn đến gian lận giữa lời nói và việc làm, tôi có thể rao giảng anh đừng vào nhà nghỉ khi tôi vừa từ nhà nghỉ bước ra…
Gian lận dối trá giằng chéo đan xen ngang dọc trên dưới lớn bé to nhỏ trong suốt một thời gian rõ dài đã vượt quá một cái nếp xấu, một thói quen xấu để trở thành một thói xấu của tôi của anh của chúng ta nếu bạn không muốn nói là của người Việt bây giờ.
Thói vô trách nhiệm
Lại dẫn từ điển tiếng việt 1994 Trách nhiệm: 1-phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả. 2- Sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai thì phải gánh chịu phần hậu quả.
Cứ theo như định nghĩa trên, cho tới bây giờ, hầu hết những kết quả không tốt đều chưa có đâu phải gánh chịu. Như thế là thói vô trách nhiệm.
Nếu như trách nhiệm của mình chưa ba năm rõ mười thì ai ai cũng nghĩ rằng đó là trách nhiệm của người khác, của ngành khác, của cơ quan khác. Phủi tay.
Ngày trước, người ta bảo vệ cây ven đường bằng cách quét vôi quanh gốc. Lúc đầu người công nhân quét rất cẩn thận, nước vôi trắng vừa đủ, vôi không rớt xuống chung quanh. Càng về sau, nước vôi càng loãng, vôi tung tóe ra đường, cho tới một lúc thấy họ chỉ gạch chéo vào gốc cây mấy cái, coi thế là xong.
Quần áo loại dành cho người ít tiền mua về thì đường chỉ xiêu vẹo, chưa mặc đã tụt khuy, xe máy đem đi bảo dưỡng thì người ta mở ra lau qua rồi lại lắp vào như thế gọi là bảo dưỡng, nhiều công trình bị rút ruột dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, nhà bị đổ, cầu bị sập…
Người dân lên xã phường quận huyện hoặc những cơ quan công quyền khác thường bao giờ cũng phải dăm lần bảy lượt, nhẹ nhàng cũng là người có trách nhiệm đi tập huấn, cô chú cứ chờ. Đầy đủ cả rồi mà không thích thì hỏi tại sao cái đơn lại viết thế này, chữ như chữ bác sĩ ai mà đọc được, về viết lại rồi đem lên đây…
Cả con đường mới làm to đẹp như thế tự nhiên chình ình ra một phần cái nhà, rõ là phải giải phóng ngay từ đầu mà vẫn không đi không dỡ không phá. Lại còn cái việc đổ trộm vật liệu phế thải ra đường nữa chứ, cứ đêm đến đổ ra ngồn ngộn, nói xin lỗi chẳng khác gì cái việc ị ra đường hàng đống tướng. Những gì là của công, của cộng đồng thì việc giữ gìn bảo quản thật khó, chặt phá xâm lấn vẽ bậy bỏ bẩn một cách hết sức hồn nhiên. Ra đường thấy kẻ cắp móc túi mà không hô hoán, gặp người bị nạn thì rất đông người xúm lại để…xem nhưng vẫn dửng dưng.
Công chức ở cơ quan, xin nói thật nhé, chẳng lấy đâu ra chuyện tám giờ vàng ngọc, trừ một vài người làm cật lực còn đâu thì tranh thủ đi chợ, đưa đón con, giặt quần áo khi nhà mất nước, sắc thuốc cho đỡ tốn điện nhà, trà nước, đọc báo buôn chuyện chơi gêm…Đủ cả. Người dân ở đường phố thì vứt rác vứt chuột chết ra đường, thải rác xuống sông xuống cống thoải mái, có khi ngang nhiên đào ống nước ngang qua đường, rửa xe máy thì phun cả nước vào người qua lại, mở cửa hàng bún chả thì cả phố hít khói với mùi thịt nướng, mở cửa hàng sắt thì ngày đêm bốn chung quanh nghe uỳnh uỵch xuống hàng, mở cửa hàng bán vô tuyến thì loa eo éo suốt ngày, bước ra đường thì bụi cát mù trời…
Nhiều người có tiền, bỗng dưng có rất nhiều tiền thì phè phỡn và bất chấp.
Nhiều nhà báo nhúng bút vào sự thật thì bị đe dọa, có trường hợp bọn xấu bắn đạn chì nhà báo lại trượt vào đùi nhà thơ mới bi hài làm sao !
Rất đông thanh niên công khai nói rằng sống trung thực thì chỉ thiệt thòi. Cũng rất đông thanh niên chỉ ham chơi, đua đòi, sống ngày qua ngày không lý tưởng (lý tưởng hiểu theo nghĩa có mục đích tốt để phấn đấu), không có mẫu hình nào để noi theo (như một thời những Nguyễn Văn Trỗi, Lê Mã Lương…)…
Không kể hết được. Chỉ tóm lại một câu hỏi : đâu chịu trách nhiệm về những kết quả không tốt ấy ?
Đã nhiều năm rồi người ta quen vô trách nhiệm, vô trách nhiệm nghề nghiệp, vô trách nhiệm lương tâm, tới mức trở thành dửng dưng, vô cảm, trở thành tín đồ của chủ nghĩa ma-ke-no, một thói xấu của tôi, của anh, của chúng ta nếu như bạn không muốn nói đó là của người Việt bây giờ.
Thói cơ hội chủ nghĩa
Định nghĩa một cách đơn giản nhất theo Từ điển tiếng Việt 1994 là: 1- Quan điểm, chủ trương lợi dụng cơ hội, mưu cầu những lợi ích trước mắt và cục bộ, bất kể việc làm đúng hay sai. 2- Khuynh hướng tư tưởng-chính trị trong phong trào công nhân, chủ trương chính sách tùy thời, thỏa hiệp.
Chủ nghĩa cơ hội đã len lỏi, xâm nhập vào từng cá nhân, trở thành một thói xấu là thói cơ hội chủ nghĩa theo đó người ta bất chấp đúng sai, tùy thời thỏa hiệp, đón gió trở cờ để mưu cầu lợi ích cho riêng mình.
Xu thời nịnh bợ tràn lan, còn quyền thì còn đeo bám bợ đỡ, hết quyền thì lập tức quay lưng nói xấu, xoay ngay sang kẻ khác đang quyền. Những người được nịnh bợ thì đều biết chúng nó nịnh mình, nghe mãi thành quen, nghe điều trái tai thì chịu không được, lại cũng có yêu cầu phải dùng chúng nó, biến chúng nó thành lũ đệ tử em út để mà sai bảo mưu cầu lợi ích riêng, kể từ chuyện nhỏ như con thỏ là đi nhà nghỉ mát-xa đến chuyện lớn là xí phần đất cát, chung cư, dự án…Thế là kẻ xu nịnh và đứa được bợ đỡ hai bên đều cần nhau, xoắn vào nhau, đều tùy thời thỏa hiệp, tạo thành một thể thống nhất, có anh này thì có anh kia, cứ thế luân hồi tưởng như không bao giờ chấm dứt.
Đấy là chưa nói đến những mưu đồ phản trắc, lừa lọc cài bẫy, vu oan giá họa, bơm vá xì tút bóp méo sự thật, xúi bẩy khích bác, a dua….chỉ vì những lợi ích cá nhân. Suy cho cùng, đấy cũng chính là thói cơ hội chủ nghĩa
Lại còn hiện tượng này nữa : những kẻ xấu thì kéo bè kéo cánh, có nịnh bợ trên có đe nẹt dưới, có tham mưu có tư vấn, có liên kết móc nối, còn người tốt thì đơn độc, trơ trọi, không biết dựa vào đâu. Đành ngu ngơ ngậm miệng, nhắm mắt cho qua, bực dọc bức xúc thì về nhà chửi bâng quơ cho bõ tức thế thôi, suy cho cùng cũng là cơ hội chủ nghĩa.
Thói cơ hội chủ nghĩa đang làm biến dạng trái tim và tâm hồn tôi, anh, đang phá hoại niềm tin của chúng ta đối với những giá trị tinh thần cao đẹp.
Thói chí phèo


Không cần phải dẫn định nghĩa, ai cũng hiểu thói chí phèo là gì. Chỉ nói thêm dân gian còn một từ khác để chỉ thói xấu này, đó là từ “bầy hầy”.
Nhìn chung quanh mình thấy không ít những kẻ “cào lưng ăn vạ”. Xin kể ra đây một thí dụ điển hình. Trong một cuộc họp, một cán bộ bị phê bình, tức quá không kìm được bèn rút điện thoại di động ra nói để tôi gọi cho Chủ tịch nước hỏi xem phê bình thế có đúng hay không ! Anh ta thường khoe là quen với Chủ tịch mà. Chí phèo đến thế thật đã hết chỗ bình luận.
Trong mỗi cơ quan thế nào cũng có một vài anh cứ xoay ngang ra, mọi người làm một đường anh ta phát biểu ý kiến một nẻo. Một số người sai toét mà cứ ôm đơn đi kiện, không ăn được thì đạp đổ, bầy hầy hết chỗ nói mà phải chịu đấy. Một số anh về hưu rồi nhưng hàng ngày cứ đến cơ quan, cứ giữ phòng làm việc, cứ góp ý tùm lum hết cả. Trong sinh hoạt dân phố, đốt bếp than tổ ong khói xộc vào nhà người ta hàng ngày, người ta có ý kiến thì quắc mắt thách đứa nào dám động vào bếp của ông. Vứt rác ra đường, có ý kiến thì la lối tao vứt ra đường chứ tao có vứt vào nhà vào mả chúng mày đâu, vác cưa máy mang ô tô đi cưa trộm cây gỗ quý giữa lòng Hà Nội…Khiếp quá !
Tham gia giao thông thì thấy ngay thế nào là chí phèo. Những chuyện bầy hầy như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng xe trên vỉa hè…chả là cái đinh gì so với chuyện khi phạm luật thì hất cảnh sát giao thông lên nắp ca-pô rồi bỏ chạy mấy chục cây số, bật diêm đốt xe máy giữa đường, ngồi lỳ trên xe máy để cảnh sát phải khiêng cả người cả xe về trạm, gây tai nạn rồi bỏ chạy, mặc xác người bị nạn…
Rủ nhau đi cướp gà toi, khi phóng viên chụp ảnh lại còn giơ mấy con gà dịch lên khoe, đi hội hoa thì chen chúc, dẫm đạp, bẻ cành ngắt hoa, hành khách đi xe thì bị nhốt vào tiệm cơm tù, xe buýt bị chặn lại để cướp khách, ra đường động va chạm một tí là đe chém đe giết, rải đinh ra đường cho xe xịt lốp rồi hành nghề vá xe…..Đúng là có đến một ngàn lẻ một kiểu chí phèo.
Thói chí phèo làm cho người ta nhờn với pháp luật và coi nhẹ một số những giá trị tinh thần, là thói xấu mà tôi, anh và chúng ta bây giờ có thể nhận rõ trong rất nhiều những hành xử hàng ngày. Dân gian gọi những người mắc thói chí phèo là những người bị đứt dây thần kinh xấu hổ, những dân ngụ cư ở phố hàng thớt !
Trên đây là một số thói xấu của nhiều người Việt chúng ta trong nhiều thập kỷ vừa qua. Những thói xấu này gắn bó với nhau, liên quan qua lại, có khi cái này là cái kia, trong cái này có cái kia, không khó để nhận biết bởi vì người ta cũng chẳng cần che dấu là mấy.
Chủ đề không mới nhưng vẫn đáng nhắc lại để một lần nữa chúng ta nhìn lại và nhận biết hơn chính chúng ta, với tư cách là một cá nhân, một tập thể, một tổ chức. Nhắc lại với nhau mà cùng biết xấu hổ, đó là điều may, còn nhắm mắt bịt tai, coi như mình đã tốt cả rồi thì đó là bất hạnh.
Thế nào cũng có bạn hỏi những thói xấu trên có là thuộc tính, là bản chất bản ngã gì gì đấy của người Việt hay không. Chắc chắn là không. Những nghĩa cử tốt đẹp, những trái tim trung hậu giàu lòng nhân ái, vị tha, đồng cảm còn nhiều lắm và đó mới là bản tính người Việt. Thế thì những thói xấu trên ở đâu quàng vào chúng ta? Nếu thực sự có một câu hỏi như thế thì nó đã vượt quá sức của người viết bài này, bởi vậy phải xin ý kiến của các nhà quản lý xã hội, các nhà nghiên cứu về xã hội, về văn hóa, lịch sử…Và để mọi người cũng có cơ hội bày tỏ ý kiến, nói cho rõ ra đâu là đen đâu là trắng thì phải chăng nên mở mục thăm dò ý kiến rộng rãi về mấy thói xấu trên và nguồn gốc của nó.
Thăng Sắc
Thói hư tật xấu của người Việt: Gánh nặng đông dân, lỗi giáo dục, kiêu ngạo hão huyền
Nhiều thói xấu của người Việt ngày xưa
Gánh nặng tăng theo dân số (Nguyễn Văn Huyên, Vấn đề nông dân VN ở Bắc Kỳ năm 1939)
Tính thiếu lo xa, sự đam mê vô độ cờ bạc và lòng tin ngây thơ vào sự cứu giúp của may rủi và cúng lễ, những sự kình địch giai cấp nẩy sinh từ những phân biệt giả tạo, đầu óc thích kiện cáo làm cho hai kẻ láng giềng chống lại nhau vì mót mảnh đất cỏn con hoặc vì một phần đồ cúng chia không đều, các vụ tranh chấp liên miên vì đất công, sự thụ động trước những yêu sách quá đáng của bọn cho vay... đó là những nhân tố làm trầm trọng thêm tình trạng khốn khổ của những gia đình làm ruộng.
Những hậu quả này - nảy sinh từ truyền thống - ngày xưa còn chịu đựng được nhờ mật độ người ổn định, nay trở thành một gánh nặng cứ mỗi năm một nặng thêm, do dân số tăng lên nhanh chóng.
Trăm sự đều do lỗi ở giáo dục (Phan Khôi, Trung Lập, Sài Gòn, năm 1930)
Xứ ta lâu nay việc giáo dục rất bơ thờ(1). Những trường học dạy cho biết ba cái chữ không đủ gọi là giáo dục được. Vì cái cớ không có giáo dục đứng đắn đó mà người ta không biết trọng danh dự không biết chuộng khí tiết, không biết giữ nhân cách mình cho cao, đã vậy thì cái lòng ham danh lợi nồi lên mà cai trị cả con người chúng ta, tùy nó xui giục đi đâu mình đi đó, ấy là sự mà chúng ta không thể chối được. Coi kia rất đỗi người(2) học thức tạo thành(3) mà còn không khỏi bị nhử cái mo tài lợi, phương chi là kẻ khác!
Trong xã hội hay có thói ngó mặt nhau. Một người làm việc xấu, nhiều người khác thấy mà phân bì: sức như ông ấy đó mà còn làm bậy, huống chi mình - rồi thì tập nhau mà làm quen chẳng ai lấy làm chướng tai gai mắt hết.
Nghe những người đứng lên nói vầy nói khác chế báng một ông nào đó ta tự hỏi nếu đem thay người nói vào cái địa vị ông ấy thì sao? Không dám vội tin rằng người thế cho ông ấy sẽ hơn được, vì người ấy vẫn thở chung một cái không khí với đám quần chúng này.
Chúng ta trách một người vì mấy trăm đồng bạc mà bán mình, song có ai chắc đến lượt mình không bán. Sự dễ thấy nhất là trong quần chúng An Nam luôn luôn có kẻ bán cái ý kiến của mình, bán cái quyền lợi của mình.
(1) vô ý, không cẩn thận.
(2) lắm người.
(3) đã tới trình độ thành thục.
Kiêu ngạo hão huyền (Nguyễn Đỗ Mục, Gõ đầu trẻ, Đông Dương Tạp chí, năm 1914)
Kiêu ngạo lộ ra ngoài mặt là những kẻ làm bộ làm tịch, ta đãy kẻ giờ(1) khinh người bằng nửa con mắt. Lại có thứ kiêu ngạo kín ở trong bụng, nghe điều trái tai không cãi, thấy điều chướng mắt không chê, chỉ nói mát một câu hay cười nhạt một tiếng. Có kẻ bụng dạ nhỏ nhen thì sinh ra kiêu ngạo, hơi một tí đã có tính hợm. Vậy nên đấng nghiêng tin lệch đất không kiêu ngạo bằng những kẻ đội lốt sư tử, trên rừng bạc bể không kiêu ngạo bằng những kẻ mầu mỡ riêu cua.
Có kẻ tư tưởng sai lầm thì sinh ra kiêu ngạo, ăn tàn phá hại lại tự cho là sang trọng vào nhòng, lừa dưới dối trên lại tự cho là khôn ngoan chẻ vỏ.
Kiêu ngạo lại thường là một người ngu, ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vụng, vịt lội dưới ao chê sấm là nhỏ.
Kiêu ngạo không chỉ là cái cớ riêng của đám người không có giáo dục mà còn tại tập tục và trình độ cả đám đông xã hội. Còn người thì thào những canh thua canh được thì con bạc mới sĩ diện đổ hào, cong người bình phẩm những cỗ to, cỗ nhỏ thì nhà đám mới lên câu thịnh soạn, còn người ước ao những tấm lòng tróc hổ thì thầy địa lý mới lên mặt chỉnh tôn, còn người mê mẩn những tính quỷ hồn ma thì phù thủy mới rung đùi đắc pháp.
(1) một thứ "anh hùng thời đại".
(2) những chữ in nghiêng: một số tiếng nóng, chỉ sự hoàn hảo ở trình độ cao mà dám bịp bợm trong các nghề thường mang ra khoe.
Tinh thần gia tộc quá nặng (Vũ Văn Hiền, Những nhận xét nhỏ
về dân quê Bắc Kỳ, Thanh Nghị, năm 1944)
Ta có thể thấy vì một mối tư thù, một viên lý trưởng, phó lý hay trương tuần bắt trói trái phép một người họ khác đã trái lệ làng vì một việc cỏn con, nhưng ta không thể thấy những viên chức dịch ấy lập biên bản để đưa ra đình hay giải lên quan một ông chú một người anh em họ bên nội hay bên ngoại, dẫu người đó đã phạm vào tội do hình luật trừng trị.
Cái tinh thần đại gia tộc ở xứ này đã diệt mất hẳn tinh thần công dân.Tình họ hàng ở thôn quê đã làm cho tê liệt hẳn bộ máy cai trị của làng vốn tự nó đã không được khỏe gì. Nhờ có sức mạnh thói quen mà làng Việt Nam còn giữ được những cổ lệ và cái đời sống thụ động của mình. Nhưng hiện tình thì ta không thể coi nó là một công cụ giúp vào việc tiến hóa của dân quê.
Học đòi vặt vãnh, bỏ qua nhiều chuyện lớn (Nguyễn Bá Học, Di ngôn, do Nguyễn Bá Trắc thuật, Nam Phong, năm 1921)
Quái lạ cho người đời, hễ ai bảo cải lương lối nhà cửa ở, hay là cải lương cách ăn mặc bắt chước theo lối Âu Tây, thời đua nhau như vịt, còn nhỡ ai khuyên bảo nên cải lương những thói xấu nết hư - chốn hương thôn không nên tranh giành kiện tụng nhau, ở với bè bạn thời phải giữ lòng trung tín - thời dẫu nói rát cổ bỏng họng cũng chỉ lờ đi, chớ thêm nghe.
Buôn bán không thành nghề (Lê Đức Mậu, Bàn về thương nghiệp, Hữu thanh, năm 1921)
Nói đến cuộc thương mại nước nhà mà thêm chán. Bất quá(1) trong nước được vài nhà buôn, còn thử đi qua các phố mà xem, chỉ những Chiệc với Chà(2) họ chiếm mất cả. Còn về buôn bán với các nước, lại càng chẳng có ai gọi là tay đại doanh nghiệp.
Vì cớ từ xưa đến nay đàn ông ở ta chỉ lo học hành thơ phú ngâm nga, hy vọng làm quan, chứ buôn bán cho là mạt nghệ(3).
Hai nữa là từ xưa không có học làm các sổ sách buôn bán, không có một trường nào dạy buôn bán như ở nước Tàu cũng như các nước bên Âu Mỹ.
Nhẽ thứ ba, ta có buôn chỉ buôn quanh bán quẩn với nhau, không thực thà không đồng tâm, không thạo việc, không biết cách đối đãi với khách mua hàng.
Vả lại bây giờ nước ta không giữ cái chủ nghĩa bế quan nữa, cửa ải đã mở rộng, nhưng mà cuộc thương mại với các nước ở tay ai chứ có ở trong tay mình đâu mà dẫu có để cho mình cũng vị tất có đủ tài sức mà gánh vác.
(1) Chẳng qua
(2) Người Trung Hoa và người Ấn Độ.
(3) Nghề hèn kém, đáng khinh.
Cái tốt lẫn với cái xấu (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, năm 1925)
Về đàng trí tuệ và tính tình, người Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức.
Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi qủy quyệt và hay bài bác nhạo chế. Thường nhút nhát hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.
Tâm địa nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trang hoàng bề ngoài, hiếu(1) danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma tin quỷ, sùng(2) sự lễ bái nhưng mà vẫn không nhiệt tín(3) tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.
(1) ham thích.
(2) chuộng.
(3) tin một cách mãnh liệt.
Lớp trẻ hỗn xược, thô lỗ (Nguyễn Văn Huyên, Vấn đề
nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ, năm 1939)
Song song với vấn đề nghèo khổ, còn phải giải quyết vấn đề giáo dục. Khi ta tò mò đi vào các làng xóm ngày nay, ta bị sửng sốt vì vẻ hỗn xược vì thô lỗ của trẻ con nông thôn. Xưa kia hầu như nơi nào cũng có một ông thầy đồ. Xung quanh chiếc sập của ông, lũ trẻ dù không học được bao nhiêu chữ cũng đều nom thấy chiếc roi mây dài treo trên vách và nghe đi nghe lại câu răn dạy của đạo nho "Tiên học lê hậu học văn".
Ngày xưa, thầy và bạn học bao quanh lũ trẻ và ngăn chúng làm điều xấu. Ngày nay chẳng ai chú ý đến chúng. Trong vòng mười năm nữa, sẽ rất khó dắt dẫn các dân tộc lúc đó đã mất hết đạo lý. Một trào lưu cá nhân chủ nghĩa đã phát huy hết hiệu quả của nó trong một số môi trường.
Nguồn:  Thể thao & Văn hóa
Chê bai bừa bãi, sinh nghi kỵ nhau (Phan Khôi, cái ảnh hưởng của Khổng giáo
ở nước ta, Thần chung, Sài Gòn, năm 1930)
Phủ huyện nào cũng đều có hội Văn chỉ, các hội ấy làm giêng mối chủ trương dư luận cả xã hội, người ta quen gọi là cái nền danh giáo hay ca quan thanh nghị(1). Chẳng những người trong hội cho đến người thường ở ngoài, nếu có làm việc gì nhắm tới luân lý trái với đạo đức thì không thể nào tránh khỏi sự công kích của hội.
Người An Nam mình kém học ít nghe cạn nghĩ lại thêm không biết phán đoán, mà cái lòng ghét điều ác quá nồng nàn, bao biếm(2) nhiều khi thất thiệt, bị người ta lợi dụng mà gieo điều nghi kỵ, thành ra ngờ vực nhau chia rẽ nhau.
(1) Bàn bạc, xét đoán, đánh giá người đời.
(2) Khen chê.
Dễ dãi trong quan hệ (Phan Khôi, cái quyền sở hữu trung lập, Sài Gòn, năm 1930)
Người An Nam mình có tính hay xều xào(1) ra chỗ đồng tiền phân bạc thế nào xong thì thôi không có nè nóc(2) gì cho lắm. Cái tính ấy ở đời nay là tính xấu. Vì khi xều xào của mình chẳng nói làm chi, cón khi mà xều xào đến của người ta thì họ không có nể đâu, nói ngay trước mặt mình rằng chú là đồ ăn cắp.
(1) Làm ra vui vẻ, không quản thiệt hơn.
(2) Chưa rõ nghĩa. Có thể hiểu là suy bì hơn thiệt (?)
Thói hư tật xấu của người Việt: trống rỗng, dễ dãi, chê bai bừa, thô lỗ
Vương Trí Nhàn
Thể thao & Văn hóa
Đời sống tinh thần suy đồi trống rỗng (Vũ Văn Hiền, Thanh nghị số đặc biệt,
vài vấn đề Đông Dương, năm 1945)
Ở các làng quê đâu đâu cũng thấy một sự mê muội bướng bỉnh gian dối, đâu đâu cũng thấy những thói rượu chè cờ bạc khao vọng ma chay kiện cáo. Sự nghèo nàn về tinh thần và từ khi nền học cũ đã tàn, sự thiếu thốn về luân lý đổ thêm vào sự đói rét và ốm đau để làm cho người dân quê Việt Nam cực kỳ khổ sở.
Sở dĩ mọi cải cách thất bại vì dựa trên nguyên tắc không hợp thời "các làng xã cần được hoàn toàn tự trị". Khi giao việc cai trị trong làng cho những người sống trong làng (tức mỗi làng là một đơn vị tự túc về cai trị) các làng càng trở nên cô lập, không chung sống với lân bang, mỗi làng thường không đủ năng lực làm việc gì cho to tát.
Các chức vụ chỉ để thỏa mãn lòng khát khao danh vọng của dân quê. Thật ít khi người ta thấy nhiều người lãng phí thời giờ và nghị lực vào những công việc hão huyền như trong một làng Việt Nam . Và thật khó lòng tìm ở một nơi nào khác nhiều bộ phận vô ích như làng xứ ta.
Mô phỏng đã thành thói quen (Hoa Bằng, Phải có cái gì để làm
đặc tính của người mình chứ. Tri tân, năm 1941)
Hết thảy mọi phương diện, chẳng hạn, từ văn học tới nghệ thuật - chúng ta đều ăn của người, nhưng đã biết hóa để làm của riêng của mình chưa?
Bình tĩnh mà xét, từ hình thức đến tinh thần ta nay cũng có một đôi phần tiến. Nhưng cái óc mô phỏng hay còn rõ sờ sờ trung hết thảy mọi mặt.
"Chúng ta phải làm con cháu cửa cổ nhân chữ không nên làm nô lệ của cổ nhân". Đối với cổ nhân ta nay còn phải dè dặt thay, huống chi đối với gió bốn phương, há lại nên bạ chiều nào che chiều ấy?!
Nguồn:  Tạp chí Thể thao & Văn hóa
Khéo tay mà trí không khôn
(Phạm Quỳnh, Pháp du hành trình nhật ký, năm 1922)
Xét ra ở nước Nam ta mới có các nghề mỹ nghệ là thịnh, phàm nghề khéo toàn là các nghề trang sức cả, còn mỹ thuật thì chưa có gì sánh được với các nước, nhưng ngay trong mỹ nghệ cũng chưa có kỷ luật, chưa có thể thống gì, chưa phân rõ các kiểu cách, các thời đại, các lề lối, các phương pháp, thợ thuyền phần nhiều là những người vô học, phi quen tay phóng lại lối cũ, thời bắt chước chép của người ngoài, thành ra tay có khéo mà trí không khôn, không biết biến báo mà vẫn giữ được tinh thần cốt cách cũ , tồn cổ mà khéo ứng dụng về đường sinh hoạt mời, nói tóm lại là không có trí sáng khởi(1) khôn ngoan, gây ra trong mỗi nghề một cái thể thức trang nghiêm mà đặc biệt. Cho nên các nhà nghề ta không thể bằng cả ở cái tay khéo được, cũng phải tập cho có cái trí khôn nữa.
Nay muốn gây lấy cái trí khôn ngoan trong mỹ nghệ, khiến cho có tinh thần có thể thức, thời không gì bằng lập ra một nhà bảo tàng mỹ nghệ, sưu tập lấy những đồ đẹp trong nước, chia ra từng thời đại, bày cho có thống hệ(2), để cho những nhà nghề đến đấy mà xem, mà học cho biết nghề mình duyên cách(3) thế nào, thể cách làm sao, rồi hoặc trông đấy mà giữ lấy cái cốt cách tinh thần cũ, hoặc nhân đấy mà biển đổi dần
(1) bắt đầu dựng lên, ngây nay hay viết là sáng tạo.
(2) quen hệ của những cái liên tiếp. Cũng nghĩa như hệ thống.
(3) duyên (có khi đọc diên) ở đây lá thủ cựu, cách là đổi mới. Duyên cách: Tình hình trong một khu vực nào đó cái cũ thế nào, cái mới ra sao.
Thói hư tật xấu của người Việt: Khéo tay mà trí không khôn, thiếu tinh thần cầu học
Vương Trí Nhàn
Tạp chí Thể thao & Văn hóa
Học vấn một đẳng, công nghệ một nẻo (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)
Tính người mình không biết quý trọng công nghệ, người làm nghề tựa hồ như bất đắc dĩ không học được làm quan chẳng lẽ ngồi khoanh tay chịu chết mới phải xoay ra làm nghề thôi. Mà làm nghề thì không cần gì tinh xảo chỉ cốt bán rẻ tiền được nhiều người mua là hơn. Công nghệ suy nhược lại còn là vì người có học thức không chịu làm, người chịu làm thì lại là người không có học thức, chẳng qua chỉ theo lối cũ nghìn năm xưa chớ không nghĩ được cách thức nào mới.
Ít năm nay, có trường bách công dạy dỗ, có lắm lời tân học cổ động thì cũng đã tỉnh ngộ ra ít nhiều và cũng đã có người sinh được nghề khéo, học được nghề mới tranh được lợi buôn bán. Song cái tính khinh đường công nghệ thì vẫn chưa bỏ được. Có người nhờ công nghệ mà nên giàu có song vẫn tự coi mình là đê tiện, phải mượn cái phấn ông hàn ông bá mới là vẻ vang.
Thiếu tinh thần cầu học (Nguyễn Văn Tố, theo Lê Thanh, Cuộc phỏng vấn các nhà văn, năm 1943)
Phải nhận rằng người mình không ham học mấy. Thí dụ như người đỗ bằng tốt nghiệp, có công ăn việc làm thì thôi , không chịu học thêm. Tôi cho thế là nhầm lắm. Người ta dạy cho bấy nhiêu là để cho mình tạm đủ sức mà học lấy, khi ở trường ra mắt là chỗ khởi hành, mình lại tưởng đến nơi rồi. Nếu tôi được phép, tôi sẽ khuyên anh em thanh niên học rõ nhiều, vừa đọc văn Tây, vừa học lại tiếng ta, vì phần đông người ta mà viết văn ta còn sai nhiều.
Đời sống tôn giáo hời hợt (Nguyễn Văn Huyên, Hương Sơn hành trình, Đông Dương Tạp chí, năm 1914)
Mặc dù sự có mặt của vô số ma quỷ và thần linh, người Việt vẫn có một đời sống tôn giáo không lấy gì làm sâu sắc cho lắm. Người ta chỉ có những niềm tin mơ hồ về linh hồn, về sự sống ở thế giới bên kia, về các thần. Một số lớn thần được định tính không rõ ràng và thường thường là phi nhân cách. Không có sự giáo dục tôn giáo cụ thể, cũng như không có sự tuyên truyền tôn giáo có tổ chức.
Mọi người chỉ cầu tới tôn giáo do nhu cầu vật chất. Ở một số trường hợp, người ta tìm kiếm một kết quả trước mắt như khỏi bệnh, có con, có tiền tài . Người ta cũng cầu thần để cho đời sống một người đã khuất ở thế giới bên kia được dễ dàng, để thi đỗ, để nhanh chóng trong một việc, để đi xa một chuyển được bình yên... Thường thường trong ý thức dân gian, tôn giáo được quy lại chỉ còn là một lô thực hành thờ cúng đã trở thành bắt buộc. Lễ nghi là tất cả, nó đôi khi bao gồm những nghi thức rắc rối hoặc núp dưới một hình thức long trọng có tính cách bề ngoài.
Nguồn:  Thể thao & Văn hóa
Tầm thường hóa những giáo lý sâu xa (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)
Phật giáo là một tôn giáo riêng, cũng có lý tưởng. Mà lời thiện ác báo ứng cũng đủ khuyên răn người. Nhưng hiềm ta không cứu(1) đến nguyên lý mà chỉ tin những lời trần hủ(2), sùng tín cái vỏ xác ngoài cón cái lý cao xa của người ta, không mấy người nghĩ đến. Đã không ích gì, mà làm hại của cải cũng chỉ bởi lòng tin sai vậy.
(1) xét đoán, tra hỏi.
(2) cũ kỹ, không hợp thời.
Thói hư tật xấu của người Việt: quá viển vông, tầm thường hóa, quá tin sách, tín ngưỡng nông
Vương Trí Nhàn
Thể thao & Văn hóa
Quá tin ở những điều viển vông (Phan Bội Châu, Cao đẳng quốc dân, năm 1928)
Mê tín sinh ra những việc nực cười. Ngày giờ nào cũng là trời bây định mà bảo rằng có ngày dữ ngày lành, núi sông nào cũng là đất tự nhiên mà bảo rằng có đất tốt đất xấu, vì nấu ăn mới có bếp mà bảo rằng có ông thần táo, vì che mưa gió mới có nhà mà bảo rằng có ông thần nhà , cho đến thần cửa thần đường, thần cầu tài, thần cầu tử, trăm việc gì cũng trông mong vào thần, kết quả thần chẳng thấy đâu, chỉ thấy những cửa nát nhà tan, của mòn người hết, tin thần bao nhiêu thì tai họa bấy nhiêu...
Vớ được sách nào theo sách ấy (Nguyễn Văn Vĩnh, Hương Sơn hành trình, Đông Dương Tạp chí, năm 1914)
Có kẻ sáng ngày ra vào phủ thờ bà cô, ông mãnh nào, chiều lại vào làm tôi con ông Trần Hưng Đạo là thần hay trị những tà ma, những ông hoàng bà chúa. Đến sáng hôm sau cũng người ấy có thể chay lòng thực dạ mà nghe giảng những lời đạo đức của ông Khổng, ông này không có dạy phải tin thờ ông thần ông thánh nào cả hoặc lá đi lễ Phật là một đạo trái hẳn với mọi ma thiêng thần dữ.
Nói rút lại, thì người An Nam ta tin bậy hình như theo lý tưởng này: Dẫu không có mà tin cũng chẳng hề chi, ngộ có mà không tin, có lẽ hại đến mình. Cho nên cứ tin liều đi.
Người ta theo lý tưởng ấy cho nên sinh ra những đạo không có tôn chỉ, quy tắc pháp ở trong tay mấy anh sư mô, thầy cúng, ngày nay làm theo sách này, ngày mai bịa ra sách khác, có ngược nhau cũng chẳng ai bảo sao. Mà người tin, người tộc trưởng, người làm lễ tang lễ hỷ, cũng cứ tùy bện mà theo, vớ được sách nào theo sách ấy, tùy cách lịch sự tùy gia tư(1) mà theo lễ này hay lễ kia, chứ không theo tôn chỉ nào cả.
Còn như sự đi chùa Hương và các chùa chiền khác, nhiều người cho như một cái tật của các cụ già và của người đàn bà. Cũng có kẻ bảo là việc hay, cũng có người cho là việc dở. Hay là vì các bà các cô đi lễ bái như thể nó cũng thêm được cái dáng đạo đức, cái nếp nhà ra một chút. Dở là vì các bà ganh nhau tốn kém và mấy ông sư ông vả lại cũng chưa quên hẳn sự đời.
(1) của cải, tài sản trong gia đình.
Thói hư tật xấu của người Việt: Hư danh, kém hợp quần, không hiệp tác, hư hỏng
Vương Trí Nhàn
Thể thao & Văn hóa
Tham gia các hội nghề nghiệp chỉ cốt hư danh (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)
Tục ta nghề nào lập hội ấy, một là để giữ gìn công việc cho nhau, hai là để liên lạc tình nghĩa với nhau, ba là để binh vực nhau cứu giúp nhau, vậy là cái chủ ý cũng hay, mà lại có thể sinh lợi để làm được sự công ích nữa.
Tiếc thay dân trí ta hẹp hòi, chỉ biết có tiền thì lo ngay đến một mảnh danh giá cúng về dân, để lấy cái tên ghi ở trong các đồ sự thần(1), cho ai nấy trong thấy đồ thờ thì lại nhớ đến tên mình, thế cho là vinh hạnh rồi. Giả sử hội nào cũng gây lấy một cái vốn to rồi cùng nhau mà mở một nghề buôn bán hoặc công xưởng gì cho có ích lợi thì chẳng hay lắm ru?
(1) thờ thần.
Kém óc hợp quần (Nguyễn Bân, Tình hữu ái quan hệ cho xã hội như thế nào? Hữu Thanh, năm 1921)
Đem so sánh nước ta và các nước khác như nước Tàu nước Nhật, xưa chẳng hơn ta là mấy, mà sao nay ta kém người ta xa thế? Người ta mười mình chưa được một: tư tưởng, văn chương, học thuật, công nghệ, thương nghiệp... đều kém hết cả. Thế thì tại cớ làm sao? Dám quả quyết rằng chỉ tại người mình ít biết kính trọng mấy chữ "xã hội đồng bào" không coi mấy chữ đó làm quan hệ đến sự sinh tồn tiến hóa, nên trong xã hội không có tình tương thân tương ái, không có đoàn thể hợp quần. Có xã hội mà vẫn lẻ loi, ai biết phận nấy, khôn sống mống chết.
Giữa chủ và thợ không tìm được hình thức cộng tác thích hợp (Khuyết danh, Nghề làm đường ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thực nghiệp dân báo, năm 1923)
Những nhà nông trồng ra cây mía, nấu thành muống đường(1). Những người làm nên đường cát mà mang đi bán lại là người khác, tức là nhà buôn đường. Người có tư bản xuất vốn ra và làm chủ rồi rủ dăm ba người trai tráng làm bạn(2), gọi là công - xi(3), một bên xuất tài(4) một bên xuất lực. Mãn mùa rồi tính trừ tiền vốn và tiền tổn ra còn lãi bao nhiêu chia thành hai, chủ phần nửa, các bạn phần nửa. Song ở trong có sự rất xấu là những người chủ thường ăn lấn các bạn. Hạng trai tráng đi làm bạn phần nhiều là ngu dốt không biết gì, chủ tính trời tính đất chi thì tính, họ cứ việc dạ, miễn còn dư đôi ba đồng đem về cho vợ đã là quý rồi. Thường thấy những công - xi làm đường chủ nhân làm nhà gạch mua đất tư còn các bạn thì khố một vẫn hoàn khố một.
(1) tạm hiểu lá đường sơ chế.
(2) người đàn ông đi làm thuê theo mùa, theo công.
(3) khái niệm Công ty ngày nay.
(4) tài ở đây không phải tài năng, mà là tiền của.
Thiếu niên hư hỏng (Thái Phỉ (Nguyễn Đức Phong), Một nền giáo dục Việt Nam mới, năm 1941)
Đa số thiếu niên lầm tưởng rằng tuổi trẻ là tuổi có thể nói hay làm bất cứ cái gì chướng tai gai mắt mà có tính cách vui đùa, chẳng sợ ai chấp trách gì cả. Họ sỗ sàng cấc lấc. Họ nói bô bô ở ngoài phố những chuyện người ta thường chỉ nói nhỏ ở trong buồng kín. Đứng trước những bậc huynh trưởng, họ cũng vô tình buột ra những ngôn ngữ hay lộ ra những cử chỉ rất khả ố. Bị các báo chí hài hước và trào phúng làm hại, họ không còn coi cái gì là nghiêm trang đứng đắn cả, họ hoài nghi tất cả. Cái gì đối với họ cũng như trò đùa.
Gặp việc gì hơi khó nhọc, có tính cách trừu tượng hay cần đến kiên nhẫn là họ ngại ngùng. Đi học, họ thích nghe thầy giáo nói chuyện hơn là nghe giảng bài hay phải chép bài. Họ không thể và không muốn nỗ lực. Ở nhà họ không muốn mó đến một công việc gì, dù là việc rất nhẹ nhàng.
Nguồn:  Thể thao & Văn hóa
 
Óc tồn cổ (Hoàng Đạo, Bùn lầy nước đọng, năm 1939)
Trong làng, hễ động mưu công cuộc gì thoát ra ngoài lề lối tục lệ trong làng người ta đều bị coi như những sự quái gở, những tội ác đáng phạt. Khi óc tồn cổ tha hồ còn hoành hành thì bao nhiêu sáng kiến đều bị dìm dập.

Lễ nghi phong tục phiền phức (Nam Cổ, Sự biến đổi của hương thôn từ xưa đến nay, Nam Phong, năm 1923)
Trong xã hội ta ở chốn thốn quê ngày xưa, hầu hết mọi người dẫu là không học mà trong sự cư xử hàng ngày cũng không lạc ra ngoài đường gia tộc luân lý. Tiền nhân ta nhiễm cái học chuyên chế của Tàu, đặt ra những lê nghi phong tục rất là phiền phức, đặt ra trật tự thượng hạ tôn ti bằng cái nóng quyền công chức, khiến con người ta có cũng như không, sống cũng như chết...

Chỉ biết lo thân (Vũ Văn Hiền (Tân Phong), Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ Thanh Nghị, năm 1944)
Công tâm(1) là một thứ khó tìm thấy ở mọi người. Nghĩ cho cùng không nên trách dân quê là thiếu công tâm, vì họ phải sống trong một đời thiếu yên ổn về mọi phương diện bắt buộc họ phải nghĩ đến mình trước đã. Vả chăng trước mắt họ nào có ai treo một tấm gương sáng về việc nghĩ đến cái chung?!
(1) ngày nay có nghĩa ngay thẳng không thiên vị, nhưng trước đây, ở đây hiểu là sự lo lắng cho công việc chung.
Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ
Vương Trí Nhàn
Thời báo kinh tế Sài Gòn
Nhìn vào các nghề thủ công, nhiều người có tuổi và kỹ tính một chút thường nhận ngay ra rằng nếu so với một người thợ ngày xưa thì thợ bây giờ non tay hơn nhiều. Những ngôi đình ngôi chùa nổi tiếng, giá bảo bây giờ dựng lại không sao dựng nổi. Thử đặt những cái chuông cũ trước cánh thợ đúc, những pho tượng trước cánh thợ mộc… Có cho tiền tỉ các vị cũng lắc đầu không dám nhận làm.
Nói tới thợ thủ công là phải nói sự tinh tế, cái hoa tay. Thợ bây giờ hơn hẳn người xưa ở các phương tiện hiện đại trợ giúp. Nhưng máy móc, trong khi giúp con người đỡ vất vả, lại làm thui chột đi năng khiếu mà chỉ con người mới có.
Nhân nhà có việc cần, tôi đi mua một cái cuốc. Lưỡi cuốc nhập từ Trung Quốc, không nói làm gì. Nhìn vào cái cán. Xưa chỉ cán tre, nay có cán gỗ. Chết nỗi, gỗ chỉ được đẽo gọt qua loa. Chưa bao giờ tôi thấy có một cái cán cuốc nham nhở như vậy.
Đã nhiều ý kiến ghi nhận con người thời nay suy thoái so với ngày xưa. Dối trá lừa lọc làm bậy bất chấp luật pháp… Còn một khía cạnh khác đơn giản hơn: Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ con người với công việc. Sự kém cỏi trong chất lượng công việc mà họ hoàn thành.
Có lẽ không nước nào như ở nhiều cơ sở sản xuất nước ta, hàng hóa chỉ được những mẻ đầu, càng về sau càng hỏng.
Nhiều con đường mới làm đã nứt vỡ toe toét.
Đình chùa được tu bổ ngày một lai căng xa lạ.
Trong nghề viết văn viết báo, văn chương chữ nghĩa chưa bao giờ bị rẻ rúng như bây giờ. Người viết viết bừa viết ẩu, người duyệt bài cứ ký đại đi cho in - chỉ cốt không sai chính trị còn tội lỗi gì cũng tha bổng hết.
Xảy ra tình trạng lộn xộn không chỉ do sự dễ dãi thiếu chuẩn mực cùng sự kém cỏi của những người cầm trịch mà còn do sự tha hóa của bản thân người lao động. Nhiều người thiếu hẳn sự tha thiết với công việc hàng ngày vốn là lẽ sống của mình. Cứ ngong ngóng những chuyện đâu đâu trong khi chính nghề nghiệp bị thả nổi.
Ở Hà Nội những năm sau 1954 có một tình trạng khá kỳ quặc. Chủ nghĩa bình quân bộc lộ ra thành những biến tướng kỳ lạ. Những người lao động đơn giản được tôn lên vị trí rất cao trong khi người trí thức thì lại luôn luôn bị đặt thành vấn đề. Trước mắt là phải cải tạo họ bằng những thứ lao động đơn giản, người ta bảo vậy!
Ở nhiều cơ quan, người dọn dẹp vệ sinh (lúc ấy gọi là lao công) được bố trí đi học văn hóa ngay trong giờ làm việc, còn các nhân viên khác thì phải bỏ việc của mình đi làm những việc như lau nhà lau cửa, dọn dẹp vệ sinh. Công thức tóm lại là “Người quét rác đi học văn hóa, các nhà khoa học lo đi quét rác”. Từ đây đẻ ra cái tình trạng nhấp nhổm, chả ai yên tâm làm việc gì.
Trong các cuốn lịch sử nghệ thuật Nhật Bản, tôi đọc thấy họ hay nói là có những người theo nghề một cách hết lòng tới mức có những cô gái tự nguyện không lấy chồng để yên tâm cống hiến cả đời cho nghề.
Ở ta thì lâu lắm tôi không nghe thấy nói có ai “điên” kiểu ấy. Kiểu sống hết mình với một niềm tin nào đó được coi là lập dị và không chấp nhận được. Khi chuyển hóa vào trong cách ứng xử người lao động, nó hiện ra thành sự coi thường những việc nhỏ mọn.
Trong điều kiện một nước mới chuyển từ nông nghiệp lên hiện đại, xưa phố xá đi đâu cũng gặp những người thợ chữa những thứ lặt vặt như chữa khóa chữa giày. Nay thì nghề này ngày càng ít người làm.
Thằng cháu con đứa em tôi đang ở bên Đức thỉnh thoảng về chơi. Nó kể thời học đại học, mùa hè nó đi vác lợn trong lò sát sinh rồi lái xe chở lợn đến các cửa hàng. Nghe chuyện, hàng xóm bảo nhau: Ở Việt Nam không ai làm thế. Thanh thiếu niên có nghèo mấy nhưng bảo đi làm những việc có vẻ bẩn thỉu một chút là lảng xa. Nhiều gia đình ngấm ngầm khuyến khích con cái khôn ranh lừa lọc hơn là lặng lẽ trau dồi nghề nghiệp.
Sự hư hỏng công nhiên phô phang ra và biến thành sự trơ tráo không biết từ lúc nào. Những tiền đề tạo nên sự vô cảm, bạo lực ngày một tích tụ. Những nghề phục vụ ăn chơi đàng điếm chưa bao giờ phát triển nhiều như bây giờ, tuy ngó vào thì thấy cả ở đây nữa, người ta chỉ có một trình độ nghề nghiệp loàng xoàng.

Người Việt và căn bệnh “Đáng là bao”
Nguyễn Đức
Người đô thị
Thử hỏi có bao nhiêu vị lãnh đạo đủ thanh liêm kỷ luật nhân viên chỉ vì lỗi hành vi biếu quà?
Nếu làm một bản liệt kê chi tiết N "kể tội" sự lãng phí của người Việt có lẽ cái danh sách ấy sẽ dài bất tận…
Chuyện ở một đám cưới
Nhà có dâu và chú rể cùng trên phố Bạch Mai (Hà Nội), cách nhau chưa đầy 300m. Ấy vậy mà nhà trai rình rang huy động tới đoàn xe 6 chiếc xế hộp đi... đón dâu. Sau khi xong xuôi thủ tục bên nhà gái, họ bước lên xe hoa (là chiếc Mercedes S500 đi thuê với giá 3,2 triệu đồng chỉ để chạy trong buổi sáng) và cả đoàn rồng rắn nối đuôi lăn bánh theo hướng phố Huế. Dân tình trong khu phố được phen mắt tròn mắt dẹt, họ không quay về nhà trai "bá cáo" ông tiên bà tổ mà còn chạy đi đâu? Mãi 45 phút sau, cái đoàn xe ấy ầm ĩ trở về rồi đỗ cả một đoạn dài khiến cho con đường Bạch Mai vốn chẳng được rộng rãi trở nên ùn tắc.
Trong khi pháo giấy bên nhà trai phụt ra tới tấp hân hoan chào đón thì cô dâu phờ phạc, son phấn lấm lem, mặt mũi tái xanh tái mét vì say xe... Thì ra, chỉ vì hai nhà quá gần, nên người ta bàn nhau bày vẽ làm một "tua khép kín" (mất hơn 10 phố vòng lên Hồ Gươm) diễu qua các con phố để quay phim, chụp ảnh cho xôm tụ. Biết hoàn cảnh nhà trai chẳng phải khá giả, có người buột miệng góp ý thì gia chủ xông xênh: "Cả đời mới có một lần, đáng là bao"!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét