Trang

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Tiếng nói người Hà Nội

Tiếng nói người Hà Nội - Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau

Chúng ta đang tiến rất gần tới mốc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Có lẽ có rất ít thành phố lớn trên thế giới có lịch sử tới một ngàn tuổi như thủ đô Hà Nội. Và cũng rất ít thủ đô có nhiều bước thăng trầm, ẩn chứa nhiều nét văn hoá độc đáo như thành phố cổ kính này. Trong đó, ngôn ngữ - mà nói cụ thể hơn là lời ăn tiếng nói - của người Hà Nội xưa và nay là một yếu tố làm nên văn hoá, tinh hoa đặc sắc của văn hiến Việt Nam.
Vậy tiếng Hà Nội hôm qua thế nào và hôm nay ra sao?
Cái cầu nối giữa truyền thống và hiện đại có giữ được trong câu ca dao cửa miệng đất Hà Thành:
Chẳng thơm cũng thể hoa lài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An?

Phương ngữ Hà Nội: Có hay không?

Phương ngữ, là biến thể của ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương, một vùng đất cụ thể. Quốc gia nào cũng có nhiều phương ngữ. Ở Việt Nam, các nhà chuyên môn đã chia ra 3 vùng chính: Phương ngữ Bắc Bộ, phương ngữ Trung Bộ, phương ngữ Nam Bộ. Vậy nếu nói phương ngữ Hà Nội là ta đã tiếp tục phân nhánh phương ngữ Bắc Bộ, vì Hà Nội cũng chỉ là một địa danh (dù là địa danh đặc biệt) của Bắc Bộ mà thôi. Nhưng chính điều khác biệt này mà nhiều nhà ngôn ngữ chỉ thừa nhận tiếng Hà Nội là một “siêu phương ngữ” do tính đa dạng, tổng hoà của nó. Là Thủ đô, Thăng Long - Hà Nội hội đủ các yếu tố của trăm vùng đất nước : con người, phong tục, sở thích, tiếng nói...  Phồn hoa thứ nhất Long Thành / Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ (ca dao). Cái hay, cái đẹp (và dĩ nhiên cả cái dở) muôn nơi đều có thể tìm thấy ở đây.
Đặc trưng của Kinh thành Thăng Long xưa là đặc trưng của một đô thị thương nghiệp và thủ công nghiệp. Mà về thương nghiệp, Thăng Long - Kẻ Chợ là một trung tâm thương mại sầm uất với “ba mươi sáu phố phường”. Ba mươi sáu phố,  nhưng có cả trăm phố  “hàng” lớn nhỏ (một hàng là một sản phẩm đặc thù): Hàng Buồm, Hàng Cháo, Hàng Chiếu, Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Thùng... Và về thủ công nghiệp, hơn một trăm làng nghề trải dài từ nội đô ra ngoại ô đã làm nên bức tranh đa dạng vào loại bậc nhất của nền sản xuất tự cấp, tự túc: Dệt vải, tơ lụa Nghi Tàm, Bưởi; Đúc đồng Ngũ Xã; Rèn Mai Dịch; Tranh Hàng Trống; Gốm Bát  Tràng; Rượu Kẻ Mơ; Bánh cuốn Thanh Trì; Cốm Vòng; Trái cây Xuân Đỉnh; Đào Nhật Tân; Quất Nghi Tàm; Hoa Ngọc Hà; Rau thơm Láng; v. v. Chính sự phong phú của làng nghề đã tạo nên lớp từ vựng đa dạng nhiều màu trong giao lưu và thông thương buôn bán, với địa thế  Kinh thành Thăng Long xưa “trên bến dưới thuyền”.
Sự khác biệt về mặt phương ngữ được căn cứ vào nhiều yếu tố: giọng nói (ngữ âm), vốn từ vựng  và cách nói năng, ứng xử trong giao tiếp riêng (so với ngôn ngữ toàn dân). Mà ứng xử muốn chuẩn, muốn hay phải qua tiếp xúc, va chạm. Đất và người Thăng Long trăm hình nghìn vẻ. Chính thực tế đó đã điều chỉnh làm cho tiếng nói của người xứ Kinh Bắc trở thành tiêu biểu, mẫu mực và rất giàu truyền thống văn hoá.

Hay như tiếng Hà Nội

Rất nhiều du khách thập phương (kể cả du khách ngoại quốc) đều nhận định : Cùng với nét đẹp ngoại hình (hình thể, trang phục...), giọng nói người Hà Nội có một giọng nói rất quyến rũ. Nghe tiếng nói, người ta cảm nhận các thiếu nữ Hà thành nhẹ nhàng, dễ thương, đáng yêu hơn. Không chắc nặng như tiếng miền Trung, cũng không khác biệt quá xa về từ ngữ (đến mức khó nghe) như ở một vài nơi khác, tiếng Hà Nội phát âm “chuẩn” hơn. Cấu trúc âm tiết tiếng Hà Nội hợp với tiếng Việt chuẩn, có đầy đủ 6 thanh điệu (không, huyền, sắc, hỏi ngã nặng, chỉ thiếu 3 âm quặt lưỡi là [r], [s], [tr])) đã giúp cho mọi người ở các nơi khác đến dễ nghe, dễ hiểu. Nhưng trong cái “dễ thương” cần có, thì chất giọng chỉ giữ một vị trí nhất định. Cái quan trọng gây thiện cảm nhất đối với người nghe là cách nói năng, ứng xử hợp lí của người đối thoại trong các bối cảnh giao tiếp khác nhau.
Cũng là một hành vi cám ơn, nhưng lúc nào nói “cho tôi xin”, “tôi cám ơn”, “không dám, anh chu đáo quá”,... là một vấn đề của phong cách. Người Hà Nội từ xưa đã rất lịch lãm trong ăn nói, thưa gửi. Trong các sách về phong tục Hà Nội, ta thấy cách nói năng của mỗi tầng lớp có khác nhau: gia đình Nho phong gia giáo, gia đình giàu có tầng lớp trên, đối tượng buôn bán... A. G. Haudricourt một học giả người Pháp chuyên gia nghiên cứu về tiếng Việt đã rất chí lí khi nói rằng “Nền tảng ngôn ngữ một cộng đồng hình thành không phải từ một đời mà phải qua năm bảy đời mới có được”.
Người Hà Nội hội tụ từ tứ xứ, cha mẹ ông bà tổ tiên vốn gốc ở thủ đô cũng có, hoặc chỉ thế hệ con cái mới sinh ra và lớn lên tại đây cũng có, hoặc những người phương xa mới đến kiếm kế sinh nhai cũng có. Kiếm một người Hà Nội gốc (đã qua bốn năm thế hệ) không dễ trong một thành phố hơn 3 triệu dân này. Nhưng cái “lề” của văn hoá giao tiếp từ ngàn năm Thăng Long vẫn còn đó. Nó không hiển hiện như các di tích vật chất khác, như Văn Miếu, Tháp Rùa, tranh Hàng Trống hay Hoàng Thành. Mà ản chứa giá trị tiềm tàng như một di sản “hoá thạch” trong tâm khảm và nối truyền qua bao thế hệ.  Tiếng Hà Nội đã và đang được coi là tiếng Việt chuẩn mực, là tiếng Việt văn hoá. Đó là thứ tiếng mà người dân Hà Nội sử dụng hàng ngày trong giao tiếp, trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Hiển nhiên nó được coi là chuẩn mực cho ngôn ngữ toàn dân.
Lớp trẻ Hà Nội phải biết giữ gìn và làm đẹp tiếng nói Hà Nội
thứ ngôn ngữ được coi là chuẩn mực của tiếng Việt.

Tiếng Hà Nội hôm nay: Nhiều điều trăn trở

Với một cộng đồng xã hội phức tạp về cư dân, về sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất (như nhà cửa, khu công nghiệp, khu buôn bán, những nhu cầu trong thời đại mới ...) thì sự phức tạp về quan hệ, lối sống, văn hoá bắt đầu nảy sinh.
Trình độ văn hoá, mức thu nhập và kéo theo là nhu cầu hưởng thụ khác nhau đã làm lệch lạc nhiều hành vi ngôn ngữ hiện nay. Điều đáng lưu tâm là hiện tượng này biểu hiện rõ nét trong nhóm đối tượng đại diện cho cái mới là lớp trẻ. Chỉ cần hoà vào một đám đông học sinh phổ thông trung học của bất kì trường nào ở Hà Nội là ta đã có thể thu thập được vô vàn những lối nói “không bình thường”. "sáng tạo" thiên hình vạn trạng như: trứng ngỗng (điểm 0), vác gậy Trường Sơn (điểm 1), bật mí (giúp), bã đậu (kém thông minh), biến (đi khỏi), cháy vở (không đạt yêu cầu khi mở vở), chặt hèo (chơi bài ăn tiền), chết (bị điểm kém), chào cờ (bị làm kiểm điểm).
Đầu tiên có khi chỉ là để đùa vui, trêu chọc nhau. Sau đó thì quen, dẫn đến quá đà, không sửa được nữa. Điều đáng chú ý và đáng lo ngại là có rất nhiều từ đã “chuyển di” từ các nhóm xã hội tiêu cực, như dân bụi đời ăn chơi, trộm cắp... vào giới học sinh, sinh viên, được giới này nhiệt tình hưởng ứng sử dụng và truyền bá.
Trong một kết quả nghiên cứu gần đây, TS Đức Uy đã cảnh báo một điều: Tệ nạn văng tục, nói tục đang lan tràn phổ biến trong ngôn ngữ Hà Nội. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân: nhận thức kém, thiếu ý thức,  ngoại cảnh môi trường tác động, bắt chước a dua, giải toả những bức xúc trong cuộc sống... Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là (cũng theo tác giả Đức Uy), 74,4 % những người mắc thói xấu này nằm ở độ tuổi 30 trở xuống. Như vậy là lớp trẻ “chiếm ưu thế” (!). Đây quả là điều đáng báo động.

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

Xét cho cùng, có nhiều lối nói khác nhau cũng góp phần làm đa dạng thêm bức tranh ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, sự tồn tại các hành vi nói năng phá lệ, thiếu chuẩn mực, thiếu văn hoá là những biểu hiện khác nhau về trình độ, văn hoá, lối sống... và rất cần có sự điều chỉnh, uốn nắn. Muốn hạn chế điều này, người ta phải có một cung cách giáo dục dựa trên “áp lực” của cộng đồng. Đó là nền tảng cơ bản về nhận thức, về văn hoá. Một hành vi kém văn hoá sẽ không có cơ tồn tại nếu nó bị mọi người phê phán, thậm chí lên án, tẩy chay. Và cứ thế, dần dần nó thành một phản xạ mang tính bản năng, tự điều chỉnh cho mỗi người.
Đã có nhiều người Việt Nam ao ước mình có cơ hội được làm ăn sinh sống tại Thủ đô. Đó là một nguyện vọng bình thường. Nhưng nếu ai đó thoả mãn được mong muốn này thì họ cũng phải tự nhìn về quá khứ ngàn năm văn hiến Thăng Long để xem mình cần thể hiện thế nào cho xứng đáng. Dân tộc ta đã trường tồn và lớn mạnh qua bốn ngàn năm lịch sử. Và không ai có thể trưởng thành mà không có kế thừa truyền thống cha ông. Người Hà Nội hôm nay có quyền tự hào về mảnh đất mà Lý Công Uẩn đã có công gây dựng cách đây gần 10 thế kỷ (1010). Nhưng tự hào sẽ không có ý nghĩa gì nếu bản thân mỗi người không “hiện thực hoá” thành một giá trị cho hiện tại. Vậy thì, nói thế nào cho hay, cho phải cũng là một bổn phận cần có với mỗi cư dân Hà Nội. Khi gặp người lạ, bạn biết nói một lời hay, ấy là bạn đã khéo léo giới thiệu quê hương mình một cách tốt nhất. Vàng thì thử lửa, thử than / Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử  lời (ca dao). Lời ở đây là câu nói, là giọng nói, là cách hành xử hợp lí, đúng mực trong các tình huống giao tiếp khác nhau. Nó vẫn là một tiêu chí quan trọng của người Hà Nội trong một xã hội đang ngày càng hiện đại, thanh lịch và văn minh.
PGS.TS Phạm Văn Tình

2 nhận xét:

  1. DU LỊCH CHẬM LÀ GÌ?
    ♦ Nói nôm na, đây là những chuyến tham quan, trải nghiệm thong thả, thiên hướng về nghỉ dưỡng dành cho những cao niên.
    ♦ Khi thời gian và tiền bạc không còn là rào cản, người cao tuổi mong muốn những chuyến du lịch chậm để tìm kiếm niềm vui và tận hưởng trọn vẹn cuộc sống.Vé máy bay đi Mỹ

    Trả lờiXóa