Trang

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Chuyện kỳ bí về loài 'khuyển vương' ở Phú Quốc (kỳ cuối)

Đã từng là một thợ săn, từng cùng "cộng sự" của mình là những chú chó xoáy xông pha, sống chết nơi rừng thiêng nước độc, ông Ba Thành cảm thấy quặn lòng khi nhìn “siêu” khuyển ngày một ít đi.

Ông Ba nói với chúng tôi rằng, tốc độ sinh sản của đàn chó Phú Quốc sẽ không thể theo kịp nhu cầu của những người hiếu kỳ và các quán nhậu. Mỗi khi nhìn "khuyển vương" gầm gừ trong cũi sắt, chờ bị giết thịt, những thợ săn thuở nào lại cảm thấy nao lòng. Tuy nhiên, lực bất tòng tâm, họ đành nhìn "cộng sự" của mình lên bàn nhậu.
Khi sói lửa miền Tây trở thành... chó cảnh
Hiện nay ở Phú Quốc, đi bất cứ đâu cũng thấy những trang trại nuôi chó xoáy để làm... quà tặng. Bởi, bất cứ ai về đây cũng muốn mang về "báu vật" của đảo ngọc. Nhiều trang trại mọc lên, họ nuôi chó xoáy không phải để bảo tồn loài sói lửa mà để làm hàng trao đi bán lại. Trước đây, sau hàng tháng trời nghiên cứu về loài chó xoáy trên đảo, đã có lần ông Nguyễn Văn Biện (ĐH Nông nghiệp Cần Thơ) nói với chúng tôi rằng, hiện nay, không ít người dân đảo Phú Quốc đang thương mại hóa thứ "đặc sản" độc nhất vô nhị của mình.
Cứ đà này, nếu họ vẫn lựa chọn những con xoáy tốt nhất để bán cho người ngoài thì chắc chắn số chó chất lượng tốt sẽ dần biến mất. Những thế hệ sói lửa tiếp theo sẽ không thể duy trì hết đặc tính ưu việt của loài "khuyển vương" này. Có lẽ, những chiếc xoáy lưng của chúng sẽ nhỏ dần và biến mất hoàn toàn. Lúc đó, việc tìm ra gốc gác của loài chó này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ánh mắt nhìn về nơi xa xăm, ông Ba Thành ngậm ngùi tâm sự: "Thỉnh thoảng tôi cũng từ Sài Gòn về đây thăm mấy bà con. Đi qua những quán thịt chó Phú Quốc, tôi cảm thấy chạnh lòng. Trước đây, cánh thợ săn chúng tôi coi chó xoáy như người anh em vậy. Chúng sống trung thành và tình cảm lắm. Chẳng ai nghĩ rằng sẽ thịt chó để ăn. Khi chó săn già đi, chết, chúng tôi sẽ đào hố sâu trong rừng và chôn chúng. Thậm chí, có những người thợ săn đã khóc, bỏ nghề săn bắn khi "cộng sự" của mình chết trong trận chiến với con mồi".
Ở Phú Quốc, có lẽ ai cũng từng nghe câu chuyện của bác Hai Chi (thị trấn Dương Đông). Ngày còn trẻ, bác Hai được huyện đảo gán cho biệt danh người đàn ông trót "ăn gan hùm". Ông là người nổi tiếng liều lĩnh trong những chuyến đi săn thú dữ. Ngày ấy, một lần vào rừng săn hươu, ông vô tình đi qua hang rắn độc. Bỗng nhiên trong hang, một con rắn to bằng bắp chân người lớn phóng ra nhắm vào người ông Hai. Thấy vậy, chú chó săn đi cùng lao người ra cản hàm răng "tử thần" của mãng xà.
Trúng nọc kịch độc, chó xoáy chết ngay tại chỗ. Thoát chết, ông Hai Chi cứ ngồi ôm "cộng sự" đã 5 năm gắn bó với mình cứ thế khóc. Sau đó, ông chôn con chó dưới một gốc cây lớn, cứ hàng tháng lại ra thăm viếng "ân nhân" của mình vậy. Hay câu chuyện của một người thợ săn trong một chuyến đi rừng vô phúc gặp phải rắn hổ mây khổng lồ. Để cho chủ có đường chạy thoát, con siêu khuyển tên Vằn đã đánh lạc hướng để rồi phải trả giá bằng cái chết. Nhưng bây giờ, "báu vật" của người Phú Quốc nói riêng, cả nước nói chung đang phải lên bàn nhậu. Những người thợ săn ngày nào nuốt nước mắt, đành giấu những kỷ niệm vào lòng và cay đắng nhìn sói lửa bị làm thịt.
Ở Phú Quốc còn rất ít người nuôi chó để bảo tồn loài “khuyển vương” này. (Ảnh minh họa)
Cũng theo ông Ba Thành, ở Sài Gòn hiện nay, nhiều người cũng ra đảo ngọc để mua “khuyển vương” về làm "đặc sản" thu hút khách nhậu. Hay, có những người yêu chó ở các vùng khác đến Phú Quốc du lịch, biết rằng khi đem về đất liền nó sẽ không nuôi sống được nhưng họ vẫn bỏ tiền ra mua rồi gói gém đưa vào đất liền. Và, hậu quả như thế nào thì chắc ai cũng biết trước. Những chú chó xoáy chết oan uổng vì bị bán cho nhầm chủ. Điều đáng nói, đó là những con người thành phố có tiền, họ mua những con chó xoáy đẹp nhất, chất lượng nhất. "Nhưng, tôi cảm thấy buồn vì không ít cách suy nghĩ của người dân Phú Quốc. Vẫn biết là thời buổi kinh tế thị trường, họ phải bươn chải để mưu sinh.
Tuy nhiên, không nên kiếm tiền bằng mọi cách, nhất là việc thương mại hóa "báu vật" mà ngày xưa cha ông để lại. Thử hỏi xem, các tiền nhân có dạy họ rằng sẽ mở quán nhậu để làm thịt hàng loạt con chó xoáy hay bán "khuyển vương" ra ngoài khi biết rằng cơ hội sống của nó chỉ là 1%", ông Ba Thành bức xúc. Tuy nhiên, cũng theo người thợ săn già này, trong dòng chảy của cuộc sống vẫn còn những người thực sự tâm huyết với sói lửa miền Tây. Họ sẵn sàng bỏ công việc, tiền của ra để bảo tồn nguồn gen quý này. Đó là những con người đáng trân trọng.
"Khuyển vương" lên bàn nhậu
Ngoảnh mặt về phía sau, cố nén một hơi thở dài như để quên đi nỗi đau khi chứng kiến con vật mà mình cả đời tâm huyết đang ngày một ít đi, ông Ba Thành tiếp lời: "Nhiều lúc, tôi rất bức xúc khi có những du khách ra Phú Quốc tham quan luôn miệng hỏi về món thịt chó xoáy. Giá như họ hiểu được sự quý giá của loài chó này, tẩy chay những cửa hàng kinh doanh sói lửa thì có lẽ số lượng "khuyển vương" đã còn không ít như bây giờ. Đúng là, từ khi đảo Phú Quốc đón nhiều du khách đến tham quan thì cái giá phải trả đầu tiên là chó xoáy.
Thực sự, khi nghe đến đây, tôi cảm thấy rùng mình. Mặc dù không phải là người tâm huyết với loài siêu khuyển nhưng tôi cũng đau lòng khi thấy những chú chó nổi tiếng thế giới đang bị biến thành món khoái khẩu của dân nhậu. Nghe những lời giới thiệu của ông chủ quán, tôi mới thấu hiểu được nỗi lòng, tiếng thở dài của ông Ba Thành, người thợ săn nặng lòng với chó xoáy. Thấy tôi lưỡng lự, người chủ quán thịt chó T. tiếp tục chèo kéo: "Nếu đoàn của em không đến được thì anh sẽ mang thịt chó chín đến tận nơi giao hàng, chỉ 240.000 đồng/kg. Cảm thấy không tin tưởng, em có thể cử người đến đây xem bọn anh tận tay giết chó rồi làm thịt cho chắc chắn". Mặt bỗng nhiên nóng bừng, tôi tắt phụp máy. Ông ta có gọi điện cho tôi mấy lần nhưng tôi không thể nghe thêm được một lời nào nữa”.
Sau này, trao đổi với PV, anh Lê Dư Hoài, cán bộ tín dụng của NHNN ở Phú Quốc có nói rằng, hiện nay, người dân bán chó Phú Quốc ra bên ngoài rất nhiều. Siêu khuyển có giá... vô chừng, vô định. Có nghĩa là, có những chú chó chỉ vài trăm ngàn nhưng có những con sói lửa được trả cả chục ngàn đô la. Tất cả phụ thuộc vào sở thích của người mua.
Được biết, trước đây, có những thương lái ở Sài Gòn vào Phú Quốc mua những con chó đốm đẹp nhất rồi thuần hóa để bán sang nước ngoài. Họ làm mọi cách để siêu khuyển có thể thích nghi và sinh sống trên đất liền. Có những con mua chỉ với giá vài trăm ngàn đồng nhưng khi bán sang Paris lãi cả ngàn đô la.
Trở về đất liền sau một tuần công tác ở đảo ngọc, không biết từ bao giờ, tôi cảm thấy bồn chồn, lo lắng cho tương lai của loài sói lửa miền Tây. Nếu tình trạng này cứ diễn ra chẳng ai biết còn được bao lâu nữa loài chó xoáy sẽ hoàn toàn biến mất. Có lẽ tâm trạng của tôi cũng giống như những người thợ săn ngày nào đang đau đáu nhìn sói lửa miền Tây lên bàn nhậu.
Mỗi ngày làm thịt cả chục “khuyển vương”!
Hiện nay ở Phú Quốc, cứ nhắc đến thịt chó xoáy, hầu như ai cũng biết quán nhậu tên T. (phố Hoàng Văn Thụ, thị trấn Dương Đông). Lấy số điện thoại từ một trang giới thiệu đặc sản trên mạng, tôi liên hệ với chủ cửa hàng này. Từ đầu dây bên kia, một người đàn ông tuổi trung niên mời chào: "Chú là người Bắc mới ra đảo đúng không. Ra Phú Quốc mà không thưởng thức đặc sản chó xoáy thì phí lắm. Đoàn có bao nhiêu người để anh bố trí chỗ ngồi. Quán anh nổi tiếng ở đảo ngọc, toàn khách sành ăn đến đây thưởng thức thôi". Theo ông chủ quán này, thịt chó mà cửa hàng ông kinh doanh là chó Phú Quốc thuần chủng. Ông ta có một trang trại chuyên nuôi chó xoáy để làm đồ nhậu. Thời điểm đông khách, có ngày ông giết thịt cả chục con chó.
Vương Chân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét