Trang

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Chùa Thiên Mụ xứ Huế

Chùa có nguồn gốc từ câu chuyện truyền thuyết:Năm Tân Sửu (1601) Đoan Quốc Vương Nguyễn Hoàng nhân đi du ngoạn các nơi núi non sông biển, khi đặt chân đến nơi đây thấy giữa chốn đồng bằng đột khởi một đồi cao dáng tựa như chiếc đầu rồng đang ngoái nhìn về phía núi mẹ, trước cuốn nước trường giang
Thiên Mụ xưa
Cảnh trí tuyệt đẹp trong bụng lấy làm thích thú bèn leo lên trên đồi cao ngắm nhìn bốn phía xung quanh, chợt thấy một đoạn hào cắt ngang dưới chân núi, tìm hỏi người sở tại được họ tâu rằng: Núi này rất linh thiêng, đời nhà Đường có viên tướng là Cao Biền từng đi khắp đất nước ta xem những nơi nào có vượng khí linh thiêng thì cắt yểm đi. Cao Biền thấy trên núi này có khí thiêng bèn cho đào phía sau chân núi để cắt long mạch khiến cho về sau linh thiêng không tụ được...
Thiên Mụ ngày nay
Lại có đêm, có người trông thấy một bà già đầu tóc bạc phơ, mặc áo đỏ quần xanh ngồi chơi ở đỉnh mà nói: Rồi đây sẽ có một vị chân Chúa đến lập chúa thờ Phật cầu thỉnh linh khí trở về nơi núi này để cầu phúc dân giúp nước tất không có gì phải lo. Nói xong người đàn bà đó biến mất. Từ đó dân chúng gọi tên núi ấy là Thiên mụ sơn (núi bà trời).
Nguyễn Hoàng nghe nói cả mừng, tự cho mình là chân Chúa, sai người cất dựng chùa, viết biển đề chữ Thiên mụ Tự. Sách ô Châu Cận lục soạn vào giữa thế kỷ 16 (đời nhà Mạc) của tác giả Dương Văn An cũng có nói tới chùa Thiên Mỗ (hay Thiên Mộ) chứng tỏ ở đây từ xa xưa hơn nữa đã có chùa nhưng chắc là còn đơn sơ hoặc đã bị hoang tàn, đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (vị Chúa Nguyễn đầu ở Đàng trong) thì chùa mới được xây dựng lại quy mô. Đến năm Ất Tỵ (1665) Chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa. Tháng 4 năm Canh Dần (1710) Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc một quả chuông lớn đường kính 1,4m cao 2,5 m nặng 3.285 cân. Đây là quả chuông lớn nhất ở Huế đồng thời là một tác phẩm mỹ thuật quý giá khẳng định nghệ thuật đúc đồng Việt Nam ở thế kỷ 18. Chúa thân làm bài văn khắc vào bia.
Tháng 6 năm Giáp Ngọ (1714), Chúa Nguyễn Phúc Chu lại tiếp tục cho sửa sang và xây dựng thêm nhiều điện, đường huy hoàng, tráng lệ. Chúa tự làm một bài ký để ghi công đức của mình trong việc chấn hưng đạo Phật và những chi tiết mỹ thuật trong các bộ phận kiến trúcchùa rồi cho khắc vào một tấm bia lớn cao 2,6 m rộng 1,2 m dựng trên lưng một con rùa bằng đá cẩm thạch chạm trổ tinh vi. Chúa còn cho người qua Trung Quốc mua Đại tạng kinh và luật luận hơn một nghìn bộ đem về để tại chùa.
Nội thất chùa Thiên Mụ
Cuối thế kỷ 18, chùa bị chiến tranh tàn phá nặng nề, năm 1815 và năm 1831, Vua Gia Long và Vua Minh Mạng cho trùng tu và sửa sang lại đẹp hơn. Năm 1844, Vua Thiệu Trị cho dựng thêm ngoài cửa Nghi Môn một cái tháp hình bát giác cao 21,24 m bảy tầng, mỗi tầng thờ một đức Như Lai, tầng cao nhất thờ Đức Thế Tôn. Tượng thờ ngày ấy đúc bằng vàng sau này được thay bằng tượng đồng. Vua đặt tên tháp là Từ Nhân, sau đổi lại là tháp Phước Duyên.
Trước tháp, Vua cho dựng Đình Hương Nguyện ba gian, bộ sườn bằng gỗ được chạm khắc công phu, tinh xảo, hai bên còn dựng thêm hai cái nhà để bia của Vua khắc vào năm 1846, mỗi bia cao 1,70 m rộng 0,9 m, bia bên hữu ghi nội dung kiến trúc tháp Phước Duyên và đình Hương Nguyện, bia bên tả ghi nhiều bài thơ của Vua.
Năm Giáp Thìn (1904), bão lớn ở Huế làm cho chùa bị đổ nát. Năm 1907, Vua Thành Thái cho trùng tu, quy mô chùa từ đây không còn to lớn như trước nữa nhưng vẫn cổ kính trang nghiêm.
Chùa Thiên Mụ được tạo dựng trên đồi Hà Khê trên một khoảnh đất bằng phẳng hình chữ nhật, diện tích khoảng 6 mẫu cách trung tâm thành phố Huế 5 km về phía tây thuộc địa phận xã Hương Long. Chùa được bao quanh bằng khuôn tường xây đá hai vòng trong ngoài.

Đêm Thiên Mụ
Khuôn viên chùa được chia làm hai khu vực: Khu vực trước cửa Nghi Môn gồm có các công trình kiến trúc: Bến thuyền đúc bê-tông có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây sát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện (nay chỉ còn lại nền đất và bộ móng xây bằng đá thanh) sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vòi vọi, hai bên đình Hương Nguyện có hai lầu bia hình tứ giác (dựng thời Thiệu Trị), lui về phía trong có hai lầu hình lục giác một lầu để bia và một lầu để chuông (dựng thời Nguyễn Phúc Chu).
Đây là những công trình có tính chất lưu niệm (bia, tháp). Khu vực phía trong cửa Nghi Môn gồm các điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan âm, nhà Trai, nhà Khách, vườn hoa, phía sau cùng là vườn thông tĩnh mịch.
Thiên mụ là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế. Vua Thiệu Trị liệt cảnh chùa Thiên Mụ vào một trong số 20 thắng cảnh của đất thần kinh trong bài thơ đề là Thiên Mụ chung thanh. Năm 1695, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mở đại giới đàn rất long trọng tại chùa Thiên mụ. Lịch sử huy hoàng của các Chúa Nguyễn trong quá trình khai phá, lập nghiệp ở Đàng trong có thể nói được mở đầu bằng công trình xây dựng chùa Thiên mụ.
Chùa Thiên mụ ngày nay vẫn huy hoàng, tráng lệ chính nhờ công lao trùng tu và xây dựng lại của Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Những năm 1943 - 1945, chùa Thiên mụ lâm vào cảnh hoang tàn đổ nát, Hòa thượng Thích Đôn Hậu đứng ra nhận chức vị trụ trì. Bằng sự nỗ lực chưa từng có, Hòa thượng phát nguyện gây dựng lại ngôi chùa lịch sử trong suốt 30 năm. Đến mùa xuân năm 1968, chùa Thiên mụ đã trở lại phong quang tươi đẹp như xưa.
Đến với Thiên mụ, du khách không khỏi cảm kích trước vẻ đẹp thiên nhiên, trước công trình đời xưa để lại với ngọn tháp hùng vĩ đứng soi mình trên dòng Hương Giang duyên dáng. Nơi đây, từ bốn thế kỷ nay, sớm chiều tiếng chuông chùa ngân vang vọng cùng với khói hương ngào ngạt tỏa ra giữa thanh không vắng lặng, đã hấp dẫn và say đắm biết bao lòng người xứ Huế, và du khách bốn phương. Tiếng chuông chùa Thiên mụ từ bao đời đã đi vào ca dao, để lại nỗi nhớ nhung trong lòng người xứ Huế và bạn bè gần xa thiết tha với Huế.

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét