Trang

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Báo cáo tham luận kinh nghiệm NTTS Hồ Ayun Hạ

  UBND TỈNH KHÁNH HOÀ            CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

nghiệp NTTS Miền trung                           Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

        SỐ 02 /BC-XN                                        Ayun Pa, ngày 10  tháng 11  năm 2007


 
BÁO CÁO THAM LUẬN

 KINH NGHIỆM NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN MẶT NƯỚC LỚN HỒ AYUN HẠ VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN


    Kính gửi:    BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN
                      NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN – BỘ THUỶ SẢN.
   Tôi tên là: Trần Anh Kiệt - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân (xí nghiệp nuôi trồng thuỷ sản Miền Trung). Hiện đang nuôi cá tại hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện Ayun Hạ tỉnh Gia Lai. Tôi rất phấn khởi được Bộ thuỷ sản mời tham dự Hội Nghị bàn biện pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản năm 2007.
  Tôi xin mạnh dạn trình bày một số kinh nghiệm trong quản lý nuôi trồng, khai thác cá hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện và một số biện pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản mặt nước lớn.
I/ Kinh nghiệm quản lý nuôi và khai thác cá tại hồ Ayunhạ, tỉnh Gia lai
   Hồ Ayun Hạ tỉnh Gia Lai được tạo nên bởi chặn dòng sông Ayun phục vụ cho thuỷ lợi và thuỷ điện. Diện tích mặt nước 3.700 ha nằm trên địa bàn năm xã của Ba huyện (Chư Sê, Ayun Pa và Đắc Đoa).
   Trải qua hơn 10 năm nuôi trồng thuỷ sản tại hồ Ayun Hạ chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:
1.   Ưu điểm của nuôi cá hồ chứa:
+ Các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện sau khi chặn dòng, chìm trong nước là một thảm thực vật dày trong đó có muôn vàn côn trùng tạo nên nguồn thức ăn phong phú, dồi dào cho cá.
+ Mặt thoáng của hồ rộng nên có thể thả được một lượng lớn cá giống và tổ chức sản xuất theo mô hình khép kín.
+ Sản lượng thu hoạch mỗi năm có thể đạt được hàng trăm tấn cá tươi sống phục vụ tại chỗ cho nhân dân quanh vùng với giá rẻ.
+ Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động là người địa phương sống quanh hồ, góp phần xoá đói, giảm nghèo và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
+ Góp phần ổn định hệ sinh thái môi trường và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương.
2.   Nhược điểm của nuôi cá hồ chứa:
+ Lòng Hồ nguyên thuỷ là rừng núi, đáy hồ cây cối, thác ghềnh nên khâu khai thác, đánh bắt gặp rất nhiều  khó khăn
+ Hàng năm tràn xả lũ cũng làm trôi mất một lượng lớn cá giống và cá thịt.
+ Ven hồ địa hình phức tạp tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dùng mìn, điện để khai thác trộm thuỷ sản, công tác quản lý, bảo vệ rất phức tạp và gặp nhiều trở ngại. Mặt khác, đồng bào dân tộc sống ven hồ trình độ dân trí thấp, ngôn ngữ bất đồng nên việc tuyên truyền, giải thích rất khó khăn, thường rải lưới mắt nhỏ để bắt cá ăn và bắt luôn cá giống mới thả làm suy giảm lượng cá giống trong hồ.
+ Công nhân của doanh nghiệp không được đào tạo chính quy, chủ yếu vừa làm vừa học, phần lớn không ổn định tư tưởng để làm việc lâu dài, thường làm việc theo thời vụ.
+ Các hồ chứa hầu hết ở các vùng sâu, xa nên không thu hút được các kỹ sư chuyên ngành tham gia doanh nghiệp.
+ Một số chính sách ưu đãi của nhà nước về nuôi trồng thuỷ sản doanh nghiệp nuôi cá thường không được hưởng do thiếu thông tin.
+ Tài sản đầu tư xuống hồ khó thế chấp cho ngân hàng để vay vốn tín dụng nên nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp chủ yếu là dựa vào vốn tự có. Do vậy hạn chế phát triển sản xuất và đổi mới công nghệ . 
3.   Kinh nghiệm nuôi trồng, đánh bắt và tổ chức quản lý sản xuất :
a/Bổ sung nguồn lợi thuỷ sản trong hồ
   Từ những ưu và nhược điểm của hồ chứa nêu trên, ngay từ khi mới tiếp nhận mặt nước hồ Ayunhạ, doanh nghiệp đã ý thức được: Song song với việc khai thác, đánh bắt phải liên tục thả giống xuống hồ để tái tạo nguồn lợi (theo phương thức đánh tỉa, thả bù) đồng thời để chủ động trong khâu giống, đơn vị  đã xây dựng một trại cá giống trên diện tích 4,6 ha, công suất ương nuôi 6 triệu con giống/năm. Liên tục từ năm 1996 đến nay tổ chức sản xuất giống và đã thả xuống hồ lượng cá giống cụ thể như sau :  
    Năm 1996   5,6 triệu con.
    Năm 1997   6,6 triệu con.
    Năm 1999   2,5 triệu con.
    Năm 2000   5,0 triệu con.
    Năm 2001   6,0 triệu con.
    Năm 2002   4,0 triệu con.
    Năm 2003   4,0 triệu con.
Năm 2004   5,0 triệu con.
Năm 2005   5.5 triệu con.

Năm 2006   5,8 triệu con.

Năm 2007   6,1 triệu con.

    Với tỷ lệ:     Cá mè    60%
    Cá trôi    20%
    Cá chép 10%
    Cá trắm 10%

b/Tái tạo nguồn lợi tự nhiên cho hồ
   Ngoài khâu giống doanh nghiệp còn tìm, chọn bãi cá đẻ, khoanh vùng cấm đánh bắt trên hồ để bổ sung nguồn cá tự nhiên. Đến mùa cá đẻ cấm sử dụng lưới có kích cỡ từ 5cm trở xuống để đánh bắt.
c/Bảo vệ môi trường sinh thái
    Song song với việc thả cá là bảo vệ môi trường, nghiêm cấm các đối tượng sử dụng mìn, điện, chất độc để bắt cá trộm.
   Trong quản lý bảo vệ: Doanh nghiệp quan hệ chặt chẽ với các lực lượng an ninh ở địa phương như công an, dân quân du kích, phối kết hợp truy bắt, tổ chức giáo dục các đối tượng sử dụng mìn, điện, chất độc để bắt cá, cụ thể:
-Năm 1998 bắt 2 vụ với 5 đối tượng dùng mìn bắt cá giao công an truy tố. Từ đó đến nay hiện tượng dùng mìn bắt cá không còn nữa.
-Về kích điện bắt được 78 vụ và một vụ dùng cây độc để suốt cá do vậy hiện tượng dùng kích điện cũng giảm hẳn.
   Với phương châm mỗi người dân sống ven hồ là một chiến sỹ bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp đã ký hợp đồng thời vụ với đồng bào dân tộc sống ven hồ, họ đã gắn bó với lòng hồ cùng tham gia với doanh nghiệp trong việc giữ gìn an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường. Năm 2003 đã có trên 100 người  là người đồng bào dân tộc trong tổng số 200 lao động của XN.
d/Tổ chức khai thác, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
- Khai thác cá bằng các loại ngư cụ: dồn, chắn, rê, chuồng, đăng, lưới  rập. Qua quá trình sử dụng và khai thác doanh nghiệp đã cải tiến hệ thống lưới chuồng và lưới rập đồng thời làm thêm giàn xa bắt cá dưới tràn xả lũ.
- Mỗi loại ngư cụ tổ chức một đội khai thác riêng chuyên ngành để tạo phong trào thi đua trong sản xuất
- Khâu bảo quản sản phẩm cũng được quan tâm chú trọng. Doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 3 kho lạnh bảo ôn, một máy nước đá công suất 5 tấn/ngày phục vụ tại chỗ cho việc bảo quản sản phẩm.
- Tổ chức mạng lưới tiêu thụ (có xe lạnh bảo ôn) nhằm mục đích đưa được sản phẩm tươi sống đến tận người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa. 
  Với những nỗ lực trên sản lượng đánh bắt, khai thác hàng năm không ngừng tăng cao, Cụ thể :

   Năm 1996     16,5 tấn

    Năm 1997     63,5 tấn
    Năm 1999     90,0 tấn
    Năm 2000   118,5 tấn
    Năm 2001   171,5 tấn
    Năm 2002   173,0 tấn
    Năm 2003   178,4 tấn
             Năm 2004   192 tấn
             Năm 2005   225tấn

             Năm 2006   250 tấn
    Song song với sản lượng tăng cao hàng năm đời sống cán bộ công nhân xí nghiệp cũng không ngừng được cải thiện, bình quân lương công nhân 700.000đ/người/tháng trong những năm đầu đến nay bình quân lương công nhân đã lên trên 1.000.000đ / người/tháng phấn đấu đến năm 2008 đạt sản lượng khai thác 300 tấn/năm và lương công nhân bình quân đạt từ 1.500.000đ đến 2.000.000đ/người/tháng.
   Hàng năm doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước đầy đủ và đúng hạn.
Ghi chú: Nộp tiền thuê mặt nước cho đơn vị chủ thể quản lý hồ: (Năm 1996-2002: 50.000.000đ/năm; năm 2002-2004: 60.000.000/năm. Năm 2005-2010: 73.000.000đ/năm) theo hợp đồng kinh tế đã ký và sửa đổi.
    Yếu tố quan trọng để đạt được những thành quả trên ngoài sự nỗ lực, tâm huyết trong nghề nuôi trồng thuỷ sản của doanh nghiệp còn có sự quan tâm, giúp đỡ tận tình và hết mức của các cấp chính quyền nhất là UBND tỉnh Gia Lai- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tạo hành lang pháp lý và có những chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
4.   Đóng góp biện pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản
+ Nghề nuôi cá là một nghề đã có trong dân từ rất xa xưa, ông cha ta đã có câu : “Muốn giàu nuôi cá,....” Thế nhưng phong trào nuôi cá lại có lúc bổng, lúc trầm do kiến thức về nuôi trồng thuỷ sản của nhân dân còn thiếu, phần lớn chỉ thả cá chứ chưa nuôi, khi nuôi hiệu quả lại chưa cao dẫn đến chán nản, bỏ bê v.v...Mỗi tỉnh cần có một tổ chức và một đội ngũ kỹ sư nuôi trồng giỏi, triển khai những buổi tập huấn, hội thảo cho các hộ nuôi cá để họ có những kiến thức nhất định về nuôi trồng thuỷ sản, như vậy việc nuôi cá của họ mới thành công cao. Ví dụ như huyện Ayunpa, Gia lai trước đây phong trào nuôi cá rất trầm lắng, nhưng chỉ sau việc triển khai thực hiện một số mô hình nuôi của Trung tâm khuyến ngư Quốc gia (tập huấn, hội thảo đầu bờ,...) của trạm thuỷ sản trực thuộc công ty KTCT thuỷ lợi Gia lai tổ chức đến nay kết quả “nhà nhà nuôi cá, người người đào ao” mà hộ nào cũng thành công và thu được kết quả cao.
+ Ngoài việc nuôi cá ao hồ nhỏ, ruộng trũng lồng bè v.v.. Nhà nước cũng nên chú trọng phát triển nuôi cá mặt nước lớn (hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện). Hiện nay, tại Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung rất nhiều hồ chứa có mặt nước lớn đang còn bỏ hoang phí chưa được khai thác, cụ thể nhất là hồ thuỷ điện Ya Ly chặn dòng đã trên 5 năm nhưng vẫn chưa được thả cá. Nếu tổ chức nuôi trồng triệt để sẽ có một lượng lớn thực phẩm cho xã hội. Tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu ngân  sách  cho Nhà nước.
+ Nhà nước, bộ thuỷ sản nên có những chính sách riêng về nuôi cá hồ chứa, như về thuế, tiền thuê mặt nước, hỗ trợ  vốn, chuyển giao con giống mới, kỹ thuật nuôi và kỹ thuật khai thác.v.v... Nhằm khuyến khích các tổ chức, và cá nhân tham gia nuôi cá mặt nước lớn.
+ Chính quyền địa phương nên qui định rõ chủ thể quản lý mặt nước (một chủ), nhất là đối với các hồ chứa nằm trên địa bàn liên xã, liên huyện, liên tỉnh. Và qui định các chủ thể quản lý mặt nước phải tổ chức nuôi trồng thuỷ sản không được để hoang phí mặt nước, hoăc để nguồn lợi thuỷ sản cạn kiệt không được tái tạo, bổ sung.
+ Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý lòng hồ nên cho đấu thầu thuê mặt nước từ khi bắt đầu đắp đập. Để các tổ chức cá nhân trúng thầu nuôi cá có điều kiện phát dọn lòng hồ phục vụ cho việc khai thác sau này. Đồng thời thả được cá giống ngay từ khi ngăn chặn dòng giảm thất thoát phù du trong nước. Hoặc đưa mục tiêu nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa ngay từ khi phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi để công tác bảo vệ môi trường được thiết lập ngay từ đầu.
+ Để nhân dân vùng lòng hồ không tái sử dụng mìn, điện, chất độc khai thác thuỷ sản. Ngoài giáo dục về pháp luật còn cần có sự trợ giúp của chính phủ nhằm tạo và ổn định công ăn, việc làm cho họ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ven hồ, như cho họ mượn vốn mua ngư cụ, trợ giúp kỹ thuật nuôi cá lồng bè, thành lập các hội nghề cá, làng nghề đưa các hoạt động sản xuất của đồng bào vào quản lý.v.v.. Hướng họ gắn với lòng hồ để cùng tham gia giữ gìn, an ninh trật tự và môi trường sinh thái. Các doanh nghiệp trực tiếp nuôi trồng thuỷ sản có thể tham gia và chịu trách nhiệm một số khâu nào đó trong chính sách nói trên.
    Cuối cùng xin kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp./.
                                                                        ĐƠN VỊ BÁO CÁO
    XN NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN MIỀN TRUNG
       GIÁM ĐỐC

                                                       TRẦN ANH KIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét