Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Bàn về tính đố kỵ, ganh ghét

Bàn về tính đố kỵ, ganh ghét


Tính đố kỵ, ganh ghét từ xa xưa đã có. Trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa” Chu Du vì ghen tức Gia Cát Lượng tài trí hơn mình đã bao lần đan tâm hãm hại mà không được, cuối cùng vì uất hận hộc máu mồm mà chết. Đó chính là một điển hình về lòng ganh ghét, đố kỵ.
Trong xã hội hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mối quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, tâm lý ganh ghét, đố kỵ càng trở nên phổ biến.Ganh ghét, đố kỵ là gì? Do đâu mà có? Khắc phục nó như thế nào? Mời các các bạn cùng tôi luận giải xem.
Người ta hay so sánh mình với những người cùng điều kiện như mình, chẳng hạn như: Bạn cùng lớp, đồng nghiệp cùng cơ quan, hàng xóm láng giềng, thâm chí anh, chị, em ruột thịt trong nhà… đối với những người càng ở gần, càng nhiều quan hệ càng dễ nảy sinh ra lòng ganh tỵ. Nếu phát hiện ra những người quen biết xung quanh mình có một vài mặt nào đó hơn mình thì thường cảm thấy trong lòng mình kém vui, sốt ruột, lo lắng, buồn bã, xấu hổ, lặng thinh, ngờ vực… rồi thì bực bội, căm ghét, thấy mình bị xúc phạm, muốn trả thù… Tất cả các tâm trạng đó tổng hợp lại thành một trạng thái tâm lý phức tạp, khó lý giải. Đó chính là tính ganh ghét, đố kỵ.  
Ganh ghét và đố kỵ hầu như thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực và mọi mặt trong cuộc sống. Dễ nhận thấy nhất là khi ai đó có thành tích, đia vị, vinh dự, chuyên môn, bằng cấp, của cải, nhân duyên, gia đình hạnh phúc, thành đạt là nảy sinh ganh ghét, đố kỵ… Có người thể hiện lòng ganh ghét, đố kỵ ra ngoài, nhưng có người lại “chôn kín” ở trong lòng. Nhưng dù bất cứ hình thức nào, lòng ganh ghét, đố kỵ đều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và công việc.
Trước hết sự ganh ghét, đố kỵ phá hoại mối quan hệ giữa người với người, hòa khí vốn có trước đây bổng chốc vì ganh tỵ mà rạn nứt, đổ vỡ, sức mạnh đoàn kết và sự hợp tác của tập thể bị tổn thương. Thứ nữa lòng ganh ghét, đố kỵ còn cản trở con người phát triển tài năng. Trong một tập thể chỉ cần phảng phất chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau được thì nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng.
Ngoài ra lòng ganh tỵ, có ảnh hưởng rất to lớn đến sức khỏe thể chất và tâm thần của con người. Người có tính ganh ghét, đố kỵ bao giờ cũng căng thẳng về tinh thần và tổn hại về sức khỏe. Họ luôn bị một chứng bệnh khổ sở “stress” hành hạ.
Ở cơ quan tôi có hai anh Trưởng phòng, một làm Hành chính, môt làm Nghiệp vụ. Trong công việc cũng như ngoài đời họ là cặp đôi lý tưởng, tình bạn, tình đồng nghiệp của họ những tưởng luôn bền chặt theo năm tháng. Thân thiện, chín chắn, thẳng thắn và đầy trách nhiệm, đó là những gì tốt đẹp mà cấp dưới dành cho họ. Thế rồi, vì khuyết một vị trí Phó giám đốc, một trong hai người đã được Ban giám đốc đề bạt. Chỉ vừa mới nộp hồ sơ để làm thủ tục, qui trình, trong buổi họp ở cơ quan, anh Trưởng phòng Nghiệp vụ có đôi lời trao đổi, anh Trưởng phòng Hành chính đã hét lên: “Mày chưa là Sếp tao đâu mà ra lệnh!” nói hết câu đã bỏ ra ngoài cuộc họp, để lại bao lời xì xào, bàn tán...
Thế rồi từ đó tình bạn rạn nứt, mấy lần anh Trưởng phòng Nghiêp vụ chủ động qua phòng anh Trưởng phòng Hành chính làm lành đều bị anh ta từ chối, bỏ ra ngoài không tiếp. Ngày anh Trưởng phòng Nghiệp vụ nhận quyết định bổ nhiệm phó giám đốc, thì cũng chính là ngày anh Trưởng phòng Hành chính nộp đơn xin từ chức. Cũng từ đó, có dịp là anh ta công kích bất luận là đúng sai, phải quấy, miễn sao trút được cơn oán giận vô cớ trong lòng mình mới thỏa mãn. Người ngoài cuộc thì lấy đó làm trò đùa để tán gẫu, người trong cuộc lại tự nhủ đó là kẻ gác cổng giúp mình biết dừng lại trước “Ba-ri-e”. Ngẫm nghĩ thật tội nghiệp!
Hơn 2500 năm trước, trong 14 điều răn, Đức Thích Ca Mâu Ni đã từng dạy chúng sinh: “Khổ tâm lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ. Sai lầm lớn nhất của đời người là tự đánh mất chính mình”.
Nhà văn Pháp De Balzac cũng đã từng nói: “Người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu lần”.
Chân tướng của sự ganh ghét và đố kỵ ta đã biết rõ, thế muốn xóa bỏ ganh ghét, đố kỵ ta phải làm gì? Xin có mấy ý kiến sau đây:
1/ Phải nhận biết cái mà người ta có, không phải tự dưng nó đến mà phần lớn là công sức lao động, học tập kết hợp với tài năng, trí tuệ hình thành. Phải biết chấp nhận trong cuộc sống một chút tài năng và may mắn sẽ đem lại sự thành đạt cho con người.Nếu họ như ta mà họ hơn ta, tức là họ có may mắn hơn ta. Còn tại sao may mắn lại cứ đến với họ mà không đến với ta thì nên xem lại các điều kiện ngoại cảnh, các mối quan hệ, bản lãnh sống của ta. Nếu có tin vào số mệnh thì hãy tự làm chủ số mệnh của mình:“việc gì đến nó sẽ đến”.
2/ Trước sự thành công của “Đối thủ” hãy bình tĩnh, tự tin và lạc quan. Hãy nhìn sự vật một cách biện chứng trong mối quan hệ vận động và phát triển. Không nản lòng, không nhụt chí trước những điều chưa đạt được, luôn tin tưởng ở bản thân, ở tương lai chính mình, thất bại chỉ là tạm thời, đời người không ai tránh khỏi thất bại. Hãy dùng phép thắng lợi tinh thần: “thất bại là mẹ thành công” chỉ cần ta có dũng khí, đứng thẳng trên đôi chân mình thế nào cũng đi đến đích. Hồn thanh thản khi ta vào cuộc chiến đấu mới.
3/ Học cái hay cái tốt của “đối phương”để bổ sung và hoàn thiện mình. Phát huy sở trường hạn chế sở đoản tìm kiếm những giá trị mới để bù đắp. Chẳng hạn, ban gái ghen tỵ với một người nào đó xinh đẹp hơn mình, cho dù bạn có đi giải phẫu thẩm mỹ, hoặc trang điểm, hoặc dùng hàng hiệu cỡ nào mọi người cũng không khen là bạn đẹp hơn. Sắc đẹp là trời phú, vậy thì làm sao? Tôi khuyên bạn hãy chú tâm vào những việc làm khác, chẳng hạn bạn siêng năng tập thể dục, chơi thể thao để có sức khỏe dồi dào, ít đau ốm. Mọi người nhìn bạn lúc nào cũng căng phồng đầy sức sống, sắc diện hồng hào, thân hình cân đối, dáng đi thanh nhã, gọn gàng… thêm nữa bạn hãy tập ăn nói lưu loát, nhẹ nhàng, thuyết phục… như thế chẳng phải “bằng chúng, bằng bạn”. Nhờ vào những giá trị mới này mà bạn vượt qua “đối thủ”.
4/ Cuối cùng, nếu không thể xóa bỏ được tâm lý ganh tỵ vì nó đã ăn quá sâu vào tâm trí ta, thì hãy làm cho nó có ý nghĩa tích cực hơn lên. Hãy cạnh tranh một cách lành mạnh, chính đáng. Bạn có thể so bì, ấm ức thì tại sao không biến những cái đó thành nghị lực để phấn đấu vươn lên. Hãy biến niềm kiêu hãnh của “người ta” thành liều thuốc kích thích cho chính mình. Tự đặt ra mục tiêu và tự kiên trì thực hiện, thực hiện bằng được. Nhưng đặt mục tiêu thì cần phải “biết người, biết ta thì mới trăm trận trăm thắng” và phải nhớ cho rằng: “Ước mơ càng lớn thì nghị lực càng cao”. Đó thử thách của lòng kiên trì và ý chí sắt đá của bạn.
Tóm lại: Chúng ta không vì sự ganh ghét, đố kỵ mà phải chán nản, đau khổ, buồn phiền. Càng không vì ganh tỵ mà thù oán, làm tổn thương, làm hại người mà ta ghen tức. Làm như thế chỉ tỏ ra ta là người yếu thế và tổn hại đến nhân cách ta mà thôi. Chúng ta không dấu ước mơ, hoài bão của mình, nhưng phải tỏ ra là người có ước mơ, hoài bão cao thượng và sẽ đạt được hoài bảo, ước mơ đó bằng các phương châm, phương thức và hành động đúng đắn.
Đối với tôi, tôi có chủ trương riêng không dám khuyên mọi người. Tôi sẳn sàng giúp đỡ, hợp tác, học tập kinh nghiệm của những người thành đạt để tỏ rõ bản lĩnh và giá trị đích thực của mình. Cách tôi tự khẳng định là học hỏi và nếu có thất bại thì cũng vượt qua được chính mình. (st)
Tính ghen tị ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống?
Tính hay ghen tị hình thành bởi cảm giác kém vui, căm ghét, bực bội; cảm thấy tức giận lẫn chút xấu hổ khi so sánh, tị nạnh với những người quen biết chung quanh như bạn học, đồng nghiệp… Tính ghen tị hầu như thể hiện ở tất cả mọi mặt của đời sống con người như sự giàu có, sự thành đạt hoặc sự hấp dẫn về ngoại hình v.v…Tuy nhiên, đối với những người càng ở xa, quan hệ càng ít thì càng khó nảy sinh lòng ghen tị.  
Sự ghen tị có khi để lộ ra ngoài hoặc chôn giấu trong lòng, nhưng dù với hình thức nào, tính ghen tị đều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống: “Ghen tị không chỉ thúc đẩy con người thực hiện các hành vi dại dột, mà còn gặm nhấm sức khỏe của chúng ta. “Nếu bạn là một người hay ghen tị, bạn sẽ có rất ít thời gian để nhận ra và hưởng thụ nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống”, Richard Smith, giáo sư tâm lý của Đại học Kentucky (Mỹ), kết luận.
Trước hết, lòng ghen tị phá hoại mối quan hệ giữa người và người, cản trở con người phát triển tài năng, đồng thời sức mạnh đoàn kết và tinh thần hợp tác ngày càng suy yếu. Sau nữa, chính tinh thần và thể chất của bản thân người có tính ghen tị bị tổn hại, bị chìm ngập trong các cảm xúc tiêu cực: buồn bực, lo lắng, căm ghét, cảm giác tự ti khiến bạn mệt mõi cả thể xác lẫn tinh thần. Nhà văn Balzac từng nói: “ Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần”.
Vậy, làm thế nào để có thể xóa đi tâm lý ghen tị?
- Học cái hay của người khác, bổ sung cho mặt yếu của mình, gắng sức vượt qua đối thủ của mình, chuyển biến ghen tị trở thành ganh đua lành mạnh. Nếu ai đó thân với bạn gặt hái được thành công, hãy vui giùm họ thay vì cảm thấy bị qua mặt.
- Phát huy sở trường, hạn chế sở đoản, tìm kiếm những giá trị mới. Mình thua kém mặt này thì phát huy mặt khác, phương diện khác, bạn cũng có những ưu điểm tiềm tàng của riêng mình.
Mới đây, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn ở Hà Nội, cho biết ông đang góp nhặt, tổng hợp và sẽ cho ra đời một tác phẩm nói về những thói hư tật xấu của người Việt Nam ta. Ông bảo rằng “người Việt cứ nghĩ ai nói ra cái xấu của mình thì là kẻ thù, và gạt đi cho bằng được. Mà như thế là tự chặt đi con đường nhận diện bản thân, thế giới, lúc nào cũng dương dương tự đắc”...
Người viết bài này cũng có suy nghĩ cho rằng, khi nói đến cái xấu, cái khiếm khuyết của người khác, dù là nói rất chân thành, nói đúng nơi đúng lúc... thì nhiều khi vẫn bị “người ta” ngấm ngầm oán trách, thậm chí tìm cách trả đũa, nặng hơn nữa là trả thù. Biết là vậy, nhưng viết một bài nói về cái tính cái tật đố kỵ, ganh ghét của người đời để cảnh báo một thói xấu đã đến lúc cần phải thay đổi, thì vẫn nên làm! Đặc biệt, trong lúc vận nước đang ngày càng sáng lên, mọi người hầu như chỉ tập trung bàn về cải cách hành chính, chuyển đổi cơ chế, tăng tốc phát triển kinh tế…, thì việc phải làm sao cho người dân ta bớt dần đi được các thói tật cố hữu, thiết nghĩ cũng là việc rất nên làm!
Còn nhớ vào khoảng giữa năm 2004, tại một diễn đàn trên mạng TS mang tựa đề “Phác thảo chân dung người Việt”, có ý kiến nêu khái quát đánh giá về 10 đặc điểm của người Việt Nam, nói rằng: Người Việt Nam cần cù lao động, song dễ thoả mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng; thông minh sáng tạo, song chỉ mang tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn và chủ động; khéo léo, song không duy trì đến cùng, ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm; vừa có tính thực tế vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận; ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học đến đầu đến cuối nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Nhiều người không coi học tập là mục tiêu tự thân. Khi còn nhỏ học vì gia đình. Lớn lên học vì sĩ diện và kiếm công ăn việc làm, ít vì ý chí, đam mê; xởi lởi chiều khách, song quan hệ không bền; tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì mục tiêu vô bổ mang tính sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời; có tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn, còn trong điều kiện sống tốt hơn thì tinh thần này rất ít khi xuất hiện; yêu hoà bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục; thích tụ tập nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh. Cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng...”
Cũng trên diễn đàn trực tuyến này, nhiều ý kiến nhận xét thẳng thắn về những tính xấu của người Việt Nam. Điển hình là tính a dua, không vững lập trường; tính không trung thực, thường là không trung thực ngay cả với chính bản thân mình; tính quá đề cao cái tôi và cá nhân; tính hay ghen tỵ, đố kỵ, tự mãn, không biết bảo vệ nhau mà ngược lại còn hay nói xấu nhau, vân vân và vân vân...
Nghe “thiên hạ” người ta nói về mình như vậy, chắc rằng nhiều người trong chúng ta đều nhận thấy “người ta” đã nói trúng. Có điều trúng vào đâu thì cần phân tích, mổ xẻ, bàn kỹ thêm xem từng cái tính xấu ấy nó biểu hiện như thế nào, vào lúc nào, có chữa được hay không?
Với chỗ đứng và tầm nhìn hạn hẹp, trong bài viết ngắn này, người viết xin được lạm bàn một số vấn đề mang tính đặc trưng về tính đố kỵ và cũng muốn góp phần nhỏ bé nhằm “giải mã” một vài vấn đề như đã nêu trên.
Theo cách hiểu thông thường, thì tính đố kỵ là tính thù ghét những ai có cái gì đó, điều gì đó hơn mình, được nhiều quyền lợi hơn mình. Thái độ đố kỵ là tỏ ra khó chịu khi thấy người khác được hơn mình. Trong lớp học thấy có người học giỏi hơn; trong cơ quan thấy có người vượt trội về năng lực chuyên môn; trong tranh luận, mạn đàm thấy có người tỏ ra thông hiểu nhiều lĩnh vực, thậm chí nghe người ta nói khúc chiết mạch lạc, mà cũng tỏ ra khó chịu(?)... Chính cái khó chịu, bực bội trong lòng ấy là nguồn cơn tiềm tàng của sự đố kỵ. Thường là trong công việc, cứ khi bắt đầu có chút quyền lợi thì cũng nẩy sinh thái độ hơn thua, đụng chạm quyền lợi với người này người khác. Nếu không phải là người có cái tâm trong sáng, thì lúc đó tâm đố kỵ sẽ xuất hiện. Sự nguy hiểm của tâm đố kỵ chính là ở chỗ ác tâm, nhiều khi mang lòng thù ghét, thậm chí nghĩ ra cách làm hại người có những cái hơn mình. Mà sự đời thường là mỗi khi yêu nhau, vun đắp cho nhau thì cuộc sống vô cùng êm ả, bình dị. Nhưng hễ khi bị người nào đó rắp tâm hãm hại mình bằng cách này hay cách khác, thì cuộc sống trôi qua một cách nặng nề, bức xúc, có khi chẳng khác gì địa ngục.
Đố kỵ
Đố : Ghen ghét, kỵ hiền đố năng: ghen người hiền ghét người giỏi.
Kỵ : Ghen ghét, Bài kị: Ghen ghét muốn hại nhau, Hiềm kị : Ngờ vực, ghen ghét.
Đố kỵ : là hiện tượng con người tự nhiên ghen ghét (thù ghét) những ai hơn mình. Thái độ đố kỵ là tỏ ra khó chịu khi thấy người khác hơn mình.
Đồng nghĩa với Ganh tỵ, Ganh ghét.
Trái nghĩa với Ái mộ, Ngưỡng mộ, Thần tượng.
Đố kỵ là tính xấu phổ biến của con người.
Trong lớp học thấy có người học giỏi hơn, đẹp hơn mình; trong cơ quan thấy có người vượt trội về năng lực chuyên môn; trong tranh luận, mạn đàm thấy có người tỏ ra thông hiểu nhiều lĩnh vực, thậm chí nghe người ta nói khúc chiết mạch lạc, thì cảm thấy khó chịu... Chính cái khó chịu, bực bội trong lòng ấy được gọi tên là đố kỵ
Hậu quả của thói đố kỵ
Nhận thức không đúng sự vật, hiện tượng có liên quan.
Tự tạo cảm giác (tâm lý) mù quáng, nặng nề, mất bình tĩnh cho chính mình.
Cô độc, dễ phát sinh kẻ thù trong cuộc sống.
Có thể trở thành tội phạm.
Nguyên nhân của thói đố kị người khác.
Do thiếu tự tin, mặc cảm, tự ti.
Do tính tự cao, tự đại.
Do lối sống cô độc, ít giao tiếp.
Do thói quen hay chỉ trích, đả kích người khác.
Do cuộc sống thiếu tình cảm.
Do thường xuyên gặp thất bại.
Làm thể nào để hạn chế tật đố kỵ:
Tôn trọng quyền con người.
Tôn trọng sự tự do, độc lập của mỗi con người.
Tôn trọng quyền sở hữu cá nhân.
Yêu thích bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng.
Có cái nhìn toàn diện về con người hoặc sự vật được xem xét.
Luôn luôn nhìn thấy cái tốt, điều tốt của người khác (đừng bao giờ đề cập đến cái xấu của họ) - Yêu thương đồng loại.
Sự đố kỵ - sản phẩm của thế giới hiện đại   
Tính đố kỵ đang trở thành một vấn đề nổi cộm của thế giới hiện đại và càng nổi bật hơn ở những xã hội đầy rẫy bất công. Mọi người đều biết đến cảm giác này. Nó xảy ra khi một đồng nghiệp được ông chủ khen, hay khi người hàng xóm bỗng dưng giảm được vài cân.
Tác giả nghiên cứu Antje Schrupp tại Frankfurt, Đức, cho rằng phụ nữ dễ nhiễm phải con quỷ ghen tị hơn bởi họ thường chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, điều trớ trêu là cảm giác ganh tị không dành cho phái nam mà lại hướng về những phụ nữ khác được sở hữu nhiều hơn, trong khi không có nhiều ưu thế hơn. Một trong những điều kiện gây nên sự đố kỵ là khi điểm xuất phát ban đầu ngang nhau.
Nhà xã hội học Sighard Neckel thì cho rằng sự ghen ghét luôn là một đặc tính của con người và không phải phát sinh từ xã hội hiện đại. Loài người là những con vật xã hội xây dựng hình ảnh cái tôi bằng cách phân biệt với người khác. "Chừng nào con người còn so sánh lẫn nhau thì còn có sự đố kỵ", Neckel nói.
Sự ghen tị là một trong bảy tội lỗi nguy hiểm bị xã hội tẩy chay, bao gồm: tính tự phụ, sự cáu giận, sự lười biếng, lòng tham, thói phàm ăn và dục vọng. Nhưng lòng đố kỵ vẫn len lỏi để trở thành một trong những cột trụ của xã hội hiện đại. "Nó từng bị coi là điều cấm kỵ, nhưng ngành kinh tế thị trường đang tận dụng nó hiệu quả như một công cụ sinh lời", giáo sư tâm lý Rolf Haubl cho biết.
Những công dân bình thường ném ánh mắt ghen tị về những nhân vật kiệt xuất, thèm muốn được như họ, và bằng cách đó, xã hội luôn vận động. Nhưng trong thời đại của sự bất bình đẳng, thì hệ thống này đang có những vết rạn nứt. "Niềm tin rằng mỗi người đều có thể tự tạo dựng cuộc sống cho riêng mình đang dần tan biến", Haubl nhận định.
Thành công không còn gắn liền với thành quả mà ở sự ngẫu nhiên. Những đặc quyền dành cho người ưu tú không còn công minh. "Điều này dẫn tới việc tranh đua trở nên mất hiệu quả và kết quả là chuyển biến thành sự đố kỵ", Neckel nói.
Tác giả Antje Balters cho rằng về bản chất, lòng đố kỵ là cuộc chiến của chúng ta với chính bản thân. "Chúng ta chỉ có thể vượt qua sự đố kỵ bằng cách thay vì mải mê nhìn theo người khác thì hãy nhìn lại mình. Mỗi người cần phải bằng lòng với bản thân trong giới hạn khả năng cho phép. Đó là cách hiệu quả nhất để xoá bỏ lòng ghen tị".
Còn theo nhà tâm lý Haubl, những người ganh tị chỉ tự làm giảm khả năng của mình bằng cách chạy theo những thứ phù phiếm. Đồng thời họ lại lãng quên việc nuôi dưỡng tài năng vốn có. "Sự đố kỵ hình thành nên một tầm nhìn chật hẹp. Chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn để đạt được những thứ trong tầm tay".
Antje Schrupp cho biết nhiều phụ nữ muốn được độc lập về mặt tài chính nhưng lại không sẵn sàng trả giá cho nó, như khả năng làm việc nhiều giờ. "Đàn ông thường thích khoe khoang về những chiến tích của họ. Nếu đàn bà ghen tị, họ sẽ không tiết lộ nữa. Và sẽ tìm đến những cô bạn thân khác để ba hoa". (Sưu tầm trên net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét