Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Ai giết Lê Lai, Giặc Minh hay Lê Lợi ?

Ai giết Lê Lai, Giặc Minh hay Lê Lợi ? Tại sao "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" không chép chuyện "Lê Lai liều mình" cứu chúa;
Chuyện Lê Lai liều mình cứu chúa là một hành động hy sinh vì đại nghĩa rất đáng cho người đời sau ghi nhớ. Ở Thành Phố H.C.M, đại lộ Lê Lợi chạy từ Nhà Hát Thành Phố đến Chợ Bến Thành, nối liền là đường Lê Lai chạy cho đến Nhà Thờ Huyện Sĩ. Trong nhân gian cụm từ "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi" cũng nói lên lòng kính trọng đối với ngày giỗ của hai vị anh hùng này. Những vị cao tuổi bây giờ, ngày xưa học tiểu học cũng đã từng học chuyện "Lê Lai liều mình cứu chúa". Trong "sử ký lớp ba" do sử gia Trần Trọng Kim soạn, Nha Học Chính Bắc Kỳ ấn hành đã được dùng làm sách giáo khoa dạy trong các trường. Nếu không nghiên cứu thêm các sách sử khác mà cứ một mực tin theo như thế và lòng tin ấy vẫn kéo dài hằng mấy mươi năm, có thể cho đến khi chết vẫn yên trí như vậy, không biết điều đó có thật đúng như vậy hay không?
Với những người yêu môn sử học, có nghiên cứu thì thấy chuyện này lại khác. Nhiều nghi vấn được đặt ra:
* Lê Lai cứu chúa ở trận nào, thời gian nào ?
* Ông có bị quân Minh bắt không ?
* Hay ông còn sống và sau đó chết vì tay Lê Lợi ?
Về việc này mỗi nhà viết sử viết một khác.
     a. Theo Dực Tông Anh Hoàng Đế (vua Tự Đức) trong Ngự Chế Vịnh Sử Tổng Luận cuốn 5 trang 49 ".....Có lần vua Lê Thái Tổ tiến đóng ở Lạc Thủy bị quân nhà Minh vây sát, vua yếu thế, lén rút về ở núi Chí Linh, giặc Minh rút lui để trở lại tấn công xứ Mỹ-Lộng, sách Hà Đã.
Trong tình cảnh nguy khốn, quân ít thế cô lại nhiều lần bị quân Minh vây hiếp, vua ban hỏi các tướng lãnh "trong các tướng có ai bằng lòng đem mình thay ta ra đánh ở Tây Đô để làm mồi nhử cho giặc bắt, trường hợp đó ta sẽ rảnh tay chiêu tập quân sĩ để sau này mưu đồ đại sự."
Lê Lai liền tình nguyện đảm đương việc này bèn xuất binh đến thành Tây Đô khiêu chiến và mặc áo Ngự bào, tự xưng Bình Định Vương. Quân giặc trông thấy người mặc áo vàng tưởng là Bình Định Vương thật, bèn đem hết quân đến vây và bắt sống, đem về rồi giết ... Nhờ thế Bình Định Vương được nghỉ ngơi vài năm để lo tích dưỡng binh đội mà quân Minh không hề để ý đến.
     b. Theo Ngô Thì Sỹ trong Việt Sử Tiêu Án trang 298 thì: ... Trước Vương khởi binh ở Lam Sơn, thế quân kém và ít, người Minh lùng bắt mãi, bèn mưu cùng tướng tá rằng ai có thể đem thân ra thay ta, để cho ta đi ẩn nấp, giấu tông tích mà cho quân nghỉ để mưu đồ cử binh lần sau. Lê Lai xin đem thân nhận lấy việc ấy, Vương lạy khấn trời nói: "Lê Lai đem thân mà thay chúa, nếu sau này không nhớ đến công, nguyện cung điện hóa thành rừng núi, bảo ấn hóa thành đồng, thần kiếm hóa thành dao cùn". Lê Lai liền tự xưng là Bình Định Vương, khiêu chiến với quân Minh rồi chết. Đâu cũng truyền đi là Bình Định Vương đã chết. Người Minh cũng tin là thật không lưu ý. Đến lúc này Vương rời đồn đến Mang Thôi, .... Lý Bân Phương Chính (tướng Minh) đem 10 vạn quân đến vây. Vương phục binh ở Thị Lang tập kích địch.....
     c. Theo Phan Huy Chú, trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí trang 332, chỉ nói Lê Lai vì nước bỏ mình... cho nên không riêng chép ra mà chỉ nhân thể chú phụ vào sau thôi - trong phần chú thích có ghi "Lê Lai là người làng Dụng Tú huyện Lương Giang. Lúc mới khởi binh bị tướng Minh vây chặt, vua hỏi các tướng bàn xem đổi áo đánh lừa giặc như việc Kỷ Tín ngày xưa, Lê Lai xin đi bèn mặc áo bào đem quân xông vào hàng trận của giặc, đánh đuối sức và bị bắt, vua nhân dịp này trốn thoát.
     d. Theo Lê Quý Đôn trong Đại Việt Thông Sử: ... Đóng ở Mang Cốc trong núi Linh Sơn hơn 10 ngày, phải dùng mật ong trộn với vũ dư lương làm bữa ăn rất là khốn đốn. Hoàng Đế bèn hỏi các Tướng: "có ai dám bắt chước Kỷ Tín thời xưa không ?". Người ở thôn Dụng Tú là Lê Lai khẳng khái vâng mệnh, tự nguyện thay đổi mặc áo bào nhà vua, xưng là vua Lê Lam Sơn, dẫn quân ra đánh quân Minh, quân Minh mừng rỡ liền dồn cả lực lượng vây chặt Lê Lai, ông chống cự đến kiệt sức rối bị bắt, quân Minh dẫn ông về thành Đông Quan giết chết, chúng liền lui binh, ta thoát nạn...
     e. Trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thấy viết: ... về Chí Linh lần thứ hai tháng tư năm Kỷ Hợi (1419) quan nhà Minh biết rằng Chí Linh là chỗ Bình Định Vương lui tới bèn đem binh đến vây đánh, Vương bị vây nguy cấp lắm bèn hỏi các tướng rằng có ai làm được như Kỷ Tín ngày trước chịu chết cho vua Hán Cao không? Bấy giờ Lê Lai liều mình vì nước xin mặc áo bào cưỡi voi ra trận đánh nhau với giặc. Quân nhà Minh tưởng là Bình Định Vương thật xúm nhau lại vây đánh, bắt được giết đi rồi rút quân về Tây Đô.
     f. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí lại viết: ... Lê Lai người thôn Dựng Tú huyện Thụy Nguyên, Thái tổ khởi nghĩa bị quân Minh vây hãm, các tướng bàn mưu cho một người mặc áo bào giả làm Bình Định Vương để đánh lừa giặc theo như việc cũ của Kỷ Tín nhà Hán, Lê Lai xin làm việc ấy vì vậy Thái tổ mới lén ra đi năm Thuận Thiên thứ nhất được tặng thái ký...
     g.Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, cuốn thứ X có lẽ do Phan Phu Tiên viết là chính sau này các sử quan khác như Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Lê Tung, Phạm Công Trứ, Lê Hy nhuận sắc thêm thì chỉ có ghi theo biên niên các trận đánh mà ở đó Lê Lợi khốn đốn vì bị vây hãm và hết lương.
     1. Mùa xuân tháng giêng ngày Canh thân, vua khởi binh ở Lam Sơn (1418), ngày mồng 9 tháng ấy bọn nội quan nhà Minh là Mã Kỳ đem đại binh tới uy hiếp vua ở Lam Sơn, vua bèn lui quân đến đóng ở Lạc Thủy, ngày 13 dời quân đến núi Chí Linh. Ngày 16 giặc đi lối tắt đánh úp đằng sau vua bắt mất gia thuộc của vua và rất nhiều vợ con của quân dân. Tháng 2 vua hết lương, không còn gì để nổi lửa gặp khi giặc lui quân bèn về đắp thành ở đất Lam Sơn.
    2. Tháng 4 năm Kỷ Hợi (1419) vua đánh đồn Nga Lạc, tháng 5 đóng ở sách Đà Sơn, quân Minh tiến đánh vua phục kích ở Mường Chách... ít lâu sau dời sang Mường Thôi rồi lại về Vu Sơn.
3. Tháng 10, năm Canh Tý (1420) quân ta đánh nhau với quân Minh ở Mường Nanh.
4. Từ năm 1420 - 1422 lúc nào cũng có giao tranh với quân Minh.
5. "Mùa đông tháng 12 năm Nhâm Dần (1422) quân ta bị giặc Minh vây ở Sách Khôi, vua bảo các tướng sĩ" giặc vây ta bốn mặt, có muốn chạy cũng không có lối nào thoát. Đây chính là tử địa mà binh pháp đã nói, đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết. Vua nói xong chảy nước mắt, các tướng sĩ đều xúc động tranh nhau liều chết quyết chiến....Vua đem quân về đóng ở núi Chí Linh, quân lính hết lương, hơn 2 tháng chỉ ăn rau củ và măng tre mà thôi, vua giết 4 con voi và cả ngựa của mình cưỡi để nuôi quân sĩ....
Từ trận đó cho đến khi toàng thắng giặc Minh vào năm 1428 không có trận nào mà Lê Lợi bị vây khốn nữa.
Theo như lời của vua Tự Đức có lẽ việc Lê Lai đổi áo bào cho Lê Lợi là trong trận ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418) hoặc tháng hai năm đó - xứ Mỹ công sách Hà Đã có lẽ là vùng thượng lưu sông Chu, phía trên Lam Sơn.
Theo Ngô Thời Sĩ thì có lẽ hành động của Lê Lai được thực hiện trong trận tháng 5 năm Kỷ Hợi (1419) khi quân Minh tiến đánh Lê Lợi ở sách Đà Sơn.
Còn Phan Huy Chú thì không ghi rõ địa điểm cũng như thời gian của việc này.
Lê Quý Đôn thì ghi "đóng quân ở Mang Cốc trong núi Chí Linh hơn 10 ngày hết lương..." và hành động mặc áo bào của nhà vua xưng là Lê Lam Sơn có thể vào mùa đông tháng 12 năm 1422 trong khi đó Trần Trọng Kim thì ghi rõ là tháng 4 năm1419.
Một điều đáng ngạc nhiên là sử gia các đời về sau đều chép truyện Lê Lai liều mình cứu chúa. Trong khi nhóm sử thần đời Lê lại không ghi chuyện này. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư phần bản kỷ, quyển số 10, trang 27b chỉ thấy chép: "Ngày 13 tháng giêng năm Đinh Mùi (1427) giết Tư Mã Lê Lai, tịch thu gia sản vì Lai cậy có chiến công nói năng khinh mạn"
Điều này cho phép ta hiểu rằng chuyện Lê Lai đổi áo giả làm Lê Lợi là có thật nhưng ông đã may mắn thoát khỏi tay quân giặc để trở lại hàng ngũ kháng chiến. Nghĩa là ông vẫn còn sống cho đến năm 1427 tức là 8 năm sau mới bị Lê Lợi ra lệnh giết chết.
"Điểu tận cung tàng" chim hết thì cung tên xếp xó; thỏ hết thì chó săn bị bắt ra làm thịt, việc giết công thần sau khi đã làm nên nghiệp lớn là việc thường xảy ra dưới thời đại phong kiến. Hán Cao Tổ giết Hàn Tín, Việt Vương Câu Tiễn giết Văn Chủng, Phạm Lãi nhờ trốn sang nước Tề rồi vào đất Đào, cải tên là Đào Chu Công mới may còn sống sót.
Theo nhận xét của các tác giả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển X, trang 75b viết: "Thái Tổ từ khi lên ngôi đến nay,thi hành chính sự thực rất khả quan....song đa nghi hiếu sát là chỗ kém". Khi thành công trong việc giành lại độc lập - Lê Lợi đã giết chết nhiều công thần đã sát cánh cùng mình trong gian khổ chiến đấu. Ngày 10 tháng giêng Mậu thân (1428) giết Trần Cảo, Năm 1429 giết Trần Nguyên Hãn, Năm 1431 giết Phạm Văn Xảo ... vì lo rằng sau này họ có chí khác nên bên ngoài thì đối xử theo lẽ tiết hậu nhưng trong lòng lại rất ngờ vực.
Lê Lợi đã ra lệnh giết chết Lê Lai cũng nằm trong ý đồ này.
Thêm một yếu tố xác định việc thanh toán này là trong danh sách ban biển ngạch công thần cho 93 người vào ngày 03 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429) không có tên của Lê Lai và suốt các đời vua Lê về sau trong các lần phục hồi công trạng cho các công thần bị hàm oan cũng không thấy có tên Lê Lai mà chỉ nói đến tên của Lê Lâm và Lê Niệm là con và cháu nội của Lê Lai mà thôi. Mãi cho đến năm Nhâm Tý (1672) Lê Gia Tông niên hiệu Dương Đức năm thứ nhất mới thấy phục hồi cho Lê Lai hạ. Lê Gia Tông hạ chiếu giảm bớt ruộng thế nghiệp của các công thần thời Lê sơ, ngoại trừ Lê Lai (sách Biên Niên Lịch Sứ Cổ Trung Đại Việt Nam trang 320)
Giết một người đã chết thay cho mình, để mình được sống mà bảo toàn lực lực lượng, đổi nguy thành an, sau này lên ngôi Hoàng Đế; giết mà còn tịch thu gia sản sau khi đã thề thốt nặng lời "Lê Lai đem thân mà thay chúa, nếu sau này không nhớ đến công, nguyện cung điện hóa thành rừng núi, bảo ấn hóa thành đồng, thần kiếm hóa thành dao cùn" quả Lê Lợi đã làm một việc thật là......... Nếu các tác giả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi chuyện "Lê Lai liều mình" và sau đó còn ghi việc Lê Lai bị giết thì khác nào bêu xấu Lê Lợi, điều mà các vua Lê không lấy gì thích thú. Có thể các sử gia có chép chuyện "Lê Lai đổi áo" vì rằng đó là một sự kiện đáng tự hào, không thể không ghi, nhưng khi dâng vua xem thì e rằng vua hạ lệnh "biên tập" đi chăng !
Còn tại sao các sử gia như Lê Quý Đôn, Trần Trọng Kim và ngay cả vua Tự Đức không ghi việc Lê Lợi giết Lê Lai vào năm 1427 là vì họ đã cho giặc Minh bắt và giết Lê Lai ngay lần cứu chúa vào năm 1419 rồi còn đâu nữa ! Chỉ có Ngô Thì Sĩ là không ghi ai đã giết Lê Lai, còn Phan Huy Chú thì chỉ nói khái quát là "Lê Lai vì nước bỏ mình"...
Trong sách Lịch Sử lớp 7 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo ấn bản lần thứ 9 tháng 7/1996 đang được dạy tại các trường Phổ Thông, trang 69 viết: "Trước tình thế hết sức nguy hiểm, Lê Lai liền cải trang làm Lê Lợi chỉ huy một đội quân cảm tử xưng là chúa Lam Sơn, xông thẳng vào vòng vây của địch. Quân Minh dồn hết sức hướng về phía Lê Lai. Chúng bắt được Lê Lai và đội quân cảm tử đem giết hết."
Vậy lịch sử nằm trong sách, hay sách nằm trong lịch sử???
Trong sử Việt Diễn Ca của tác giả Xuân Sơn có đoạn nói về đời nhà Lê
                      
                         Chí Linh rừng núi chập chùng
                         Chúng liền vây hãm tới chừng mười hôm
                         Lương ăn cạn hết chẳng còn
                         Phải thui ngựa chiến đến con cuối cùng
                         Lê Lai cứu chúa tận trung
                         Cải trang Lê Lợi oai hùng ra quân

                         Giặc Minh tưởng giết vương thần
                         Bèn cho giải tỏa rút quân tướng về
                         An toàn Lê Lợi chỉnh tề
                         Nằm gai nếm mật sớm khuya tập tành
                         Kinh qua sương máu thạo thành                    
                         Dựng xây cứ địa tiến hành quy mô
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét