Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Nỗi buồn phụ nữ miền Tây

“Nước mình chỗ nào chả nghèo, nhưng tại sao những nơi khác ít người lấy chồng ngoại, làm nhân viên mát-xa, cà phê ôm, bán bia ôm… như phụ nữ miền Tây. Do vậy không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế”.
women in Mekong provinces_image_20120502
Không thiếu những người phụ nữ miền Tây chịu khó kiếm từng đồng tiền lẻ để lo cho gia đình. (Võ Thái)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan An, khi còn làm việc tại Viện Phát triển bền vững Vùng Nam bộ, nhìn thấy vấn đề và ông đã dành nhiều công sức nghiên cứu về phụ nữ miền Tây để tìm lời giải thích.
“Làm công nhân không chịu nổi”
Con đường Tân Sơn nối quận Tân Bình và Gò Vấp ở TP.HCM chỉ dài hơn 2 km mà có không dưới 20 quán nước, cà phê, hớt tóc… đèn mờ. Treo biển là một chuyện, nhưng quán không cần bán cái mình đã rao, nhân viên ở đây cung cấp một dịch vụ khác cho khách.
Tôi chọn quán cà phê T&K nằm giữa con đường này. Hai cô gái ăn mặc rất thiếu vải đang ngồi trước quán. Vừa thấy tôi bẻ tay lái lên vỉa hè, một cô đon đả chạy ra đón khách.
Gọi nhà cho oai chứ quán chỉ rộng chưa đầy 20m2. Phía trong được chia một bên làm nhà vệ sinh cùng với một phòng đủ trải một chiếc chiếu rộng khoảng 1,5m, còn bên kia là bếp, quầy pha chế. Sáu chiếc ghế cùng với ba cái bàn. Vài dây điện nhấp nháy được treo trên mấy chậu cây cảnh làm bình phong phía trước.
Quán chỉ có mình tôi với hai cô tiếp viên. Cô tên Bích Ngân(*) ngồi cạnh tôi liên tục ‘rót’ vào tai: “Anh vào đây không mát-xa tụi em đói đó”.
Bích Ngân cho biết cô ở huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, là con thứ ba trong gia đình có bốn anh chị em, học hết lớp 8 thì nghỉ học.
Ba năm trước, Ngân làm công nhân cho một nhà máy thủy sản ở Cần Thơ. Nhưng từ giữa năm 2011, nhà máy không còn hàng thường xuyên, nên Ngân phải lên TP.HCM tìm việc. Ban đầu Ngân làm ở xí nghiệp may nhưng do tăng ca nhiều quá, lương lại thấp nên chỉ gắng gượng được bốn tháng.
“Làm công nhân em không chịu nổi nên từ Tết đến giờ ra bán cà phê ở đây. Tuy nhiên, ở nhà vẫn cứ nghĩ em làm công nhân may”, Ngân tâm sự.
Ngồi chưa đầy 5 phút, một thanh niên chạy xe thẳng vào quán. Cánh cửa chính được kéo lại. Cô tiếp viên còn lại, mà Ngân vừa cho biết tên Trinh (*), quê Sóc Trăng, đưa người thanh niên vào căn phòng phía trong. Khoảng hơn 10 phút sau, anh ta ra và trả tiền cho Trinh. Cánh cửa chính lại được mở ra.
Ngân nói mỗi lần như thế khách trả 100 nghìn đồng, tiếp viên được một nửa, còn lại của chủ. Tiền nước tính riêng nếu khách có uống.
Tôi vào thêm hai quán khác và vẫn chỉ là bài cũ lặp lại. Khách chạy thẳng xe vào quán, những em gái vùng sông nước đon đả đón khách. Sau khoảng 15-20 phút, khách lại vội vã ra đi không cần uống nước hay cà phê.
Tìm một lối thoát
Giải thích lý do nhiều cô gái ở miền Tây chấp nhận đi làm tiếp viên phục vụ trong các quán nhậu, cà phê, karaoke, mát-xa… ‘đen’, hay lấy chồng ngoại quốc mà đa phần không xuất phát từ tình yêu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan An nói: đất đai không còn nhiều như xưa, dân đông lên; tỷ lệ đói nghèo cao; thiên nhiên giờ cũng khắc nghiệt hơn xưa, do vậy họ muốn tìm một lối thoát khỏi hiện trạng khó khăn.
Trước đây, các cô có phong trào lấy chồng Việt kiều, gần đây là chồng Hàn Quốc, Đài Loan… Những dịch vụ không lành mạnh từ Bắc chí Nam đều gặp con gái miền Tây.
Tuy nhiên, trong số họ cũng có người đua đòi.  Theo Tiến sĩ Lê Thị Mai, Trưởng bộ môn Xã hội học, Đại học Tôn Đức Thắng, đồng bằng sông Cửu Long có đặc trưng “gạo trắng nước trong”, môi trường sống quá dễ làm cho người ta lười và chỉ muốn hưởng thụ.
“Tại nhiều vùng quê nghèo vô cùng nhưng các cô ở đây tay lại đeo đầy nhẫn giả, vòng xanh, đỏ, tím, vàng. Các cô gái lười học, muốn xài sang, có nhiều tiền… Lười mà muốn hưởng thụ, tất yếu phải như vậy”, Tiến sĩ Mai tiếp lời.
Thế nhưng, cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho phụ nữ miền Tây khi nhiều quý ông vẫn thích nghiện ngập, chè chén, vũ phu làm cho phụ nữ cảm thấy sợ. “Khổ nỗi vấn đề bất bình thường đó lại đang được xã hội coi là bình thường”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trăn trở.
Hậu quả của giáo dục kém
“Cùng với văn hóa thoáng, điều kiện thiên nhiên ưu đãi, chính nền giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long còn quá yếu, đặt biệt với phụ nữ, đã đưa đến những hệ lụy trên”, Tiến sĩ Giang nhìn nhận.
Có cùng nhận định, Tiến sĩ Mai cho rằng vì tính cách của nhiều người dân ở vùng này lười nên không nhận thấy tầm quan trọng của tri thức, tự bằng lòng với bản thân, tính cạnh tranh thấp và an phận. Cùng với vùng miền núi phía Bắc, miền Tây đang có thành quả giáo dục kém nhất nước, đặc biệt là giáo dục cho phụ nữ.
“Để thoát ra khỏi tình trạng chưa tốt hiện nay, trước tiên cần nâng tầm học vấn. Cùng với đó, chính cuộc sống sẽ tự dạy cho họ biết phải làm gì để sống tốt hơn”, Tiến sĩ Mai nói. Bà dẫn chứng bây giờ phụ nữ ở miền Tây không còn nhiều người có xu hướng lấy chồng ngoại như cách đây 4, 5 năm do họ nhìn thấy những mảnh đời làm dâu bất hạnh ở nước ngoài.
Bên cạnh một lối sống dễ dãi, thích hưởng thụ, vẫn còn rất nhiều phụ nữ miền Tây ham học hỏi, hy sinh cho gia đình, thành công trong công việc. Chính họ sẽ là động lực để con người nơi đây ngày một tốt đẹp hơn.
(*) Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
Võ Thái
http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/noi-buon-phu-nu-mien-tay.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét