Tôi là sinh viên ngành toán kinh tế thuộc khoa toán kinh tế đại học kinh tế kế hoạch Hà Nội năm 1975 - 1976 có học loại máy này hôm nay tình cờ trên trang của Giáo sư Tin học Phan Huy Khánh có đăng bài viết này xin phép chủ trang lưu lại đây làm kỷ niệm một thời nhập môn tin học của Toán học Việt Nam;
TÓM TẮT
Tác giả
kể lại câu chuyện máy tính điện tử (MTĐT) Minsk-22 (gọi tắt là máy Minsk-22)
vào Đà Nẵng năm 1982. Máy Minsk-22 thuộc thế hệ 2, sử dụng linh kiện bán dẫn,
thuộc dòng máy Minsk, được sản xuất tại thành phố Minsk, thủ độ nước CH Belarus
(thuộc Liên Xô cũ). Máy Minsk-22, đầu tiên đến Hà Nội, sau đó đến Đà Nẵng, là
chiếc MTĐT thế hệ 2 cuối cùng (cũng là loại MTĐT duy nhất ở Việt Nam thời đó)
chứng kiến một giai đoạn lịch sử trong tiến trình phát triển CNTT ở Việt Nam
nói chung, ở Đà Nẵng, Miền Trung nói riêng. Qua các sự kiện chảy theo dòng thời
gian của những năm 70, 80 thế kỷ trước, bài báo nhắc lại những kỷ niệm khó quên
về những người thầy, những người bạn học, những bài tập thực hành lập trình
bằng ngôn ngữ máy lần đầu tiên trên MTĐT Minsk-22 khi tác giả còn theo học lớp
Toán Tính K19, Khoa Toán-Lý, trường ĐHBK Hà Nội. Câu chuyện làm sống lại một
hành trình gian khổ không kém phần thú vị để đưa MTĐT Minsk-22 từ trường ĐHBK
Hà Nội về trường ĐHBK Đà Nẵng và những ngày lắp đặt, vận hành cho đến khi máy Minsk-22
bị người ta “thanh lý”, rồi hoàn toàn biến mất từ đó đến nay.
1. Hồi tưởng lại
Cách đây
không lâu, tình cờ vào mạng tìm kiếm tài liệu với Google, tôi tìm đọc được một
bài báo thú vị nói về thầy giáo Nguyễn Bá Hào của anh Nguyễn Đăng Hà, cựu sinh viên
K13, thuộc khoa Toán-Lý (trước đây là Khoa Cơ bản), trường ĐHBK Hà Nội. Thầy
Nguyễn Bá Hào cũng là thầy cũ của tôi. Đó là thời gian tôi được phục viên, rời
quân ngũ về tiếp tục học lại đại học với lớp K19 Toán-Tính (viết tắt cụm từ
“Toán học Tính toán”), cùng khoa Toán-Lý. Hồi đó chúng tôi được gọi là “bộ đội
đi học”, do đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Nhớ lại, tôi vào học K14 Toán-Lý
được hai năm, từ năm 1971 đến 1976, tôi nhập ngũ, vào Đoàn Pháo 75 tại chiến
trường B2 Miền Đông và Miền Tây Nam Bộ. Thầy Nguyễn Bá Hào đã dạy chúng tôi các
môn “Hệ điều hành”, “Ngôn ngữ lập trình COBOL”. Tôi cũng được học với các thầy
khác, thầy Nguyễn Văn Ba, Đỗ Xuân Lôi… Các thầy đã dẫn dắt chúng tôi đi vào thế
giới mới lạ của MTĐT, tạo dựng niềm say mê và ham thích lập trình cho đến ngày
nay. Ngành Toán-Tính, lập trình cho MTĐT (nay là Tin học, CNTT), hồi đó vẫn còn
rất mới mẻ. Đến tháng 10 năm 1979, tôi tốt nghiệp ra trường và “được” Bộ Đại
học và Trung học Chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân công, bổ nhiệm
vào trường ĐHBK Đà Nẵng. Thấm thoắt đã 34 năm trôi qua. Năm 2013 này, trường
ĐHBK Hà Nội tuyển sinh khoá K58.
Điều đáng nói, anh Nguyễn Đăng Hà đã
nhắc lại những kỷ niệm về thực hành lập trình trên máy MTĐT Minsk-22 tại nhà 39
Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Chình điều này đã thôi thúc tôi tìm cách để viết bài báo
này, hồi tưởng lại một thời đã học đại học ở Hà Nội, có dịp làm việc với máy
Minsk-22. Tưởng rằng sẽ không có dịp nào để trở về lại quá khứ đó, nhưng như
một cơ duyên, tôi lại gặp lại máy Minsk-22 “bằng xương bằng thịt” ở trường ĐHBK
Đà Nẵng vào đầu những năm 80, với bao sự kiện đáng nhớ.
Câu
chuyện này kể lại từ lúcMTĐT Minsk-22 có mặt tại Phòng Toán học Tính toán,
thuộc Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (UBKHKTNN) năm 1968, sau đó được bốc
chuyển đến trường ĐHBK Hà Nội năm 1980, rồi được bốc chuyển bằng ô tô vào Đà
Nẵng năm 1982, từ đó vĩnh viễn biến mất. Qua các sự kiện chảy theo dòng thời
gian của những năm 60, 70 và 80 của thế kỷ trước, từng bước hồi tưởng lại những
kỷ niệm khó quên mà tôi được biết, được làm người trong cuộc.
2. MTĐT Minsk-22 đến Hà Nội
2.1. Thời gian đầu
Theo tài liệu trên mạng, vào những năm 1960 của thế kỷ trước, nước ta bắt đầu xây dựng ngành MTĐT. Vào khoảng cuối năm 1968, đầu 1969, MTĐT Minsk-22 (Электронно-Вычислительной Машине Минск-22) được Liên Xô tặng và nhập đường biển về nước qua Cảng Hải Phòng, rồi theo đường tàu hoả về Hà Nội. Lúc này, miền Bắc đang ở trong thời kỳ chiến tranh. Để tránh bị bom đạn máy bay Mỹ phá hoại, máy Minsk-22 được “trú ẩn” tại tầng hầm của toà nhà 39 Trần Hưng Đạo, UBKHKTNN. Những người đầu tiên phụ trách Minsk-22 là GS. Nguyễn Lãm và các kỹ sư của Phòng Toán học Tính toán.
Hình 1. Nhà 39 Trần Hưng Đạo có tầng hầm đặt MTĐT Minsk-22Máy
Minsk-22 thuộc thế hệ hai, dòng máy tính lớn (Macro Computer), dùng linh kiện
bán dẫn (chưa phải mạch tổ hợp), kết hợp kỹ thuật cơ khí chính xác, được chế
tạo tại Belarus, thuộc Liên Xô cũ . Phiên bản sau của họ Minsk[1] là MTĐT
Minsk-32, sản xuất năm 1968. Năm 1974, máy Minsk-32 được Nhà nước mua về, đặt
tại 34A Trần Phú, Hà Nội, thuộc Bộ Quốc Phòng và Tổng cục Thống kê. MTĐT
Minsk-32 sử dụng ngôn ngữ máy hai địa chỉ, do được sản xuất sau nên có thể làm
việc với các ngôn ngữ lập trình (NNLT) bậc cao như COBOL, FORTRAN và ALGAMS
(một phiên bản của ALGOL).
Hình 2. Bàn điều khiển MTĐT Minsk-22, bên trái là máy đọc băng giấy đục lỗ, bên phải là hai tủ băng từ.
Hình 3. Các tủ linh kiện MTĐT Minsk-22.
Vào thời điểm đó, Minsk-22 là một trong những MTĐT hiện đại nhất của Liên Xô và các nước Đông Âu. Diện tích đặt máy khoảng 80m². Hệ thống Minsk-22 gồm một đơn vị trung tâm, dung tích bộ nhớ trong là 4096 ô, mỗi ô có 37 ngăn (Bit), khoảng 19KB, là một ma trận xuyến ferit từ, tốc độ xấp xỉ từ 5 đến 6 ngàn phép tính/giây sử dụng hệ 2 . Máy Minsk-22 chưa có hệ điều hành như những máy tính hiện nay.
Hình 4. Đoạn băng giấy đục lỗ 5 kênh mã M-2.
Thiết bị vào/ra gồm máy đọc/máy đục băng giấy đục lỗ, máy đọc/máy đục bìa giấy đục lỗ và teletip (dạng máy đánh chữ). Tuy nhiên thực tế chỉ dùng băng giấy đục lỗ 5 kênh theo mã điện tín quốc tế M-2 (H.4) để đưa chương trình và số liệu vào máy. Thiết bị đưa ra chủ yếu là máy in khổ hẹp (16 cột), máy in khổ rộng (128 cột). Thiết bị nhớ ngoài là băng từ có dung tích 400 ngàn ô (~15MB), băng giấy (35 ngàn ký tự), hay bìa giấy (vô hạn).
Hình 5. Cơ chế hoạt động của tủ băng từ.
Máy Minsk-22 có hai tủ băng từ (h.5 do tôi tự vẽ). Trong mỗi tủ, dải băng từ (màu nâu đỏ) được thả rơi tự do xuống hai thùng hai bên cánh cửa tủ, phía trên vắt ngang qua hệ thống điều khiển, mỗi bên có hai bánh xe ép vào băng để chuyển băng từ qua trái hay qua phải, đi qua đầu đọc/ghi nằm ở giữa. Nhìn từ bên ngoài qua cửa kính có thể thấy băng từ khi làm việc kêu lạch xạch, rơi tự do, loằng ngoằng như hai con rắn hai bên. NNLT chủ yếu là ngôn ngữ máy hai địa chỉ. Khi lập trình, sử dụng hệ 8 để viết các dòng lệnh lên giấy mẫu (H.6). Số liệu hệ 10 khi đưa vào máy bằng băng giấy đục lỗ phải đổi sang hệ 2-10, mã M-2 với những quy ước rất phức tạp.
2.2.
Những ngày làm quen với Minsk-22
Đến cuối
năm học thứ ba, tôi mới được đặt chân đến 39 Trần Hưng Đạo, để bắt đầu thực
hành lần đầu tiên việc lập trình trên MTĐT.
Số hiệu của lệnh |
Mã phép tính |
Địa chỉ |
ô chỉ số α |
Địa chỉ |
Giải thích |
||
Dấu |
θ |
a1 |
a2 |
||||
|
|
|
|
|
|
|
|
Hình 6. Giấy mẫu viết chương trình.
Những ngày đó, cả 14 người lớp K19 Toán-Tính chúng tôi, ai cũng háo hức và xen lẫn hồi hộp. Máy Minsk-22 được đặt trong phòng lạnh. Vào phòng phải tụt hết dép, guốc bỏ ngoài. Khi mở cửa vào, một luồng khí lạnh tràn ra làm cái nóng Hà Nội dịp hẻ tháng bảy như dạt hết ra phía sau. Tôi nghe tiếng máy kêu vo vo khác lạ (thực chất là các máy điều hoà đời cũ, kêu to). Đập vào mắt tôi là bảng điều khiển trung tâm (H.3) với các đồng hồ, các hàng phím đèn vàng nhấp nháy, các công tắc (khoá) và phím nhấn, cứ hoa cả mắt. Phía sau bảng điều khiển là dãy các tủ khá to đứng bao quanh sừng sững. Tất cả đều được sơn một màu xanh men ngọc, rất đặc thù của dòng máy Minsk. Tôi còn nhớ có một vật trang trí trong suốt (có lẽ bằng pha-lê) đặt trên nóc bảng điều khiển trung tâm rất lạ mắt. Ngoài ba hay bốn cán bộ đang chạy máy thường trực, chúng tôi chỉ được vào phòng máy lần lượt mỗi người một lần khoảng 30 phút.
Đề được vào chạy máy, chúng tôi phải viết chương trình bằng ngôn ngữ máy trong hệ 8. Cả chương trình và số liệu lại phải được viết bằng tay lên giấy mẫu quy ước. Sau đó cả lớp gom giấy mẫu đưa đến Phòng đục lỗ để các cán bộ ở đó đục ra băng giấy. Mày đục lỗ giống máy đánh chữ, vừa đục lỗ lên băng giấy, vừa đánh mực in lên băng giấy khổ hẹp để kiểm tra lổ đục. Có lỗ đục là 1, không có lỗ đục là 0 trong hệ 2.
Bài tập
chạy máy là giải hệ phương trình, tính toán ma trận, tính gần đúng hàm số… của
môn “Phương pháp tính”. Sau khi đục lỗ, mỗi người nhận được cuộn băng giấy đục
lỗ và một mẩu giấy in chương trình, số liệu để kiểm tra. Phải thuộc lòng mã M-2
và dò băng giấy trước khi đến phòng máy. Nóng đổ mồ hôi để dò tương ứng các lỗ
theo hệ 2 với các chữ số hệ 8 và hệ 2-10 quy ước. Khi phát hiện sai sót, máy
đục thiếu lỗ, cán bộ kỹ thuật đục sai, lại phải dùng lưỡi dao cạo (phải tìm
bằng được lưỡi CROMA của CHDC Đức, rất hiếm hồi đó) để cố gắng khoét tròn lỗ bị
thiếu hay lỗ chưa thủng (đường kính cỡ 1,5 mm), hoặc dán che lỗ lại.
Hình 6. Một đoạn chương trình bằng ngôn ngữ máy.
Tuy
nhiên chương trình vẫn chưa chạy được. Hồi hộp xem kỹ thuật viên lắp giấy vào
máy đọc. Chưa kịp định thần thì máy đã đọc xong rồi. Chỉ trong tích tắc, đoạn
băng (3 – 5m) đã chạy vèo qua dãy tế bào quang điện. Ngay lập tức trên bảng điều khiển, đèn báo lỗi (Останов)
sáng lên, chương trình sai, hoặc do lỗi đục lỗ. Thất vọng, hụt hẫng. Lại phải
cuộn vội băng giấy mang về nhà chuẩn bị lại từ đầu. Có người chưa kịp nhìn hết
phòng máy, chưa kịp thấy mặt kỹ thuật viên là ai, chưa kịp cảm nhận không khí
mát lạnh, tiếng máy chạy vo vo và mùi vị rất lạ, đã phải ra ngoài dáo dác tìm
dép để đến lượt người khác đang háo hực chờ ở ngoài.Nhìn nhau, mệt mỏi, nhưng
ai cũng rất vui và có vẻ tự hào, quên cả cái nóng táp sầm sập vào người. Trước
khi vào phòng máy chạy chương trình, ai cũng đã tìm cách tự tính bằng tay biết
trước được kết quả rồi, nhưng phải vào máy nhiều lần (vừa hết đợt thực hành) để
có được kết quả gần giống vậy. Cầm trong tay đoạn giấy khổ hẹp in kết quả, các
chữ số in lượn sóng nhích lên, thụt xuống, chữ đậm, chữ nhạt, vỏn vẹn vài ba
hàng, mà vui như mở cờ trong bụng.
2.3. Về trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Khoảng
năm 1974, Viện Tính toán và Điều khiển học, Viện Khoa học Việt Nam, nhận được
máy tính mới ODRA của Ba Lan và quyết định đưa máy Minsk-22 về Bộ Đại học và
Trung học Chuyên nghiệp. Năm 1977, Bộ giao máy Minsk-22 cho trường ĐHBK Hà Nội.
Máy Minsk-22 vẫn đặt tại 39 Trần Hưng Đạo. Năm 1979, Trường ĐHBK Hà Nội lại được
nhận máy tính mới EC-1022 và thành lập Trung tâm Máy tính (TTMT) trực thuộc Khoa Toán-Lý. Máy EC-1022
là thế hệ sau cũa họ Minsk, là sản phẩm hợp tác của khối COMECON (SEV), phỏng
IBM, thuộc đầu thế hệ 3, dùng mạch tích hợp IC (Integrated Circuit), sản xuất
tại Belarus . Để sử dụng máy EC-1022, trường ĐHBK Hà Nội đã cử nhiều đoàn cán
bộ của TTMT sang Liên Xô học tập. Máy hoạt động từ năm 1981-1982, đến khoảng
năm 1989 thì bị “thanh lý”.
Do diện
tích đặt máy EC-1022 chiếm nhiều phòng, trường đã cải tạo một phần lầu 2 nhà C1
để lắp đặt máy. Cùng lúc, cán bộ của TTMT phải làm việc ở cả hai nơi, vừa ở 39
Trần Hưng Đạo với máy Minsk-22, vừa ở trường với máy EC-1022. Do có ít cán bộ
chuyên môn, TTMT không thể làm việc hiệu quả và khó quản lý, trường đã quyết
định chuyển máy Minsk-22 về trường. Năm 1980, TTMT đã tháo dỡ và bốc chuyển máy
Minsk-22 về đặt cạnh phòng máy EC-1022.
3. MTĐT Minsk-22 vào Đà Nẵng
Trước
khi kể lại câu chuyện MTĐT Minsk-22 đã vào Đà Nẵng như thế nào, cũng cần nhắc
lại một vài sự kiện. Sau khi tốt nghiệp trường ĐHBK Hà Nội năm 1979, tôi được
Khoa Toán-Lý giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Tuy nhiên sau đó, tôi lại được Bộ
điều động “vào Nam” đưa vào trường ĐHBK Đà Nẵng (cũng như nhiều người khác
những năm đó). Thời gian đầu, tôi về Bộ môn Toán, thuộc Khoa Cơ Bản. Về trước
tôi một năm (1978) và cùng Bộ môn là chị Bùi Thị Hoàng (nay đã nghỉ hưu), xem
là cùng ngành Toán-Tính với tôi. Trước đó, chị công tác tại UBKHKTNN, Hà Nội.
Sau một học kỳ tham gia chữa bài tập toán và chuẩn bị bài giảng, năm học
1980-1981, tôi được Bộ môn Toán phân công dạy môn học “Kỹ thuật tính toán” cho
lớp 77K3, hồi đó thuộc ngành Ngoại thương. Những năm đó hai chị em chỉ giảng
dạy môn học này cho Khoa Kinh tế, thuộc trường ĐHBK Đà Nẵng (từ năm 1990 tách
ra thành trường ĐH Kinh tế). Nội dung môn học gần với môn “Tin học đại cương”
bây giờ, tuy nhiên chúng tôi dạy NNLT FORTRAN. Dạy “chay”, học “chay”, vì không
có MTĐT. Chúng tôi đã thử đề nghị cho sinh viên được đi thực tập máy điện toán
IBM360/50 ở Sài Gòn, dĩ nhiên trường không đồng ý.
Năm sau,
Bộ môn Toán có thêm anh Phan Đinh Lợi, vừa tốt nghiệp K20 cùng Khoa Toán-Lý với
tôi, gốc người Hà Nội. Cả ba chị em lúc đó đều mong mỏi được tách khỏi Bộ môn
Toán để thành lập riêng một Bộ môn Toán-Tính và được giảng dạy chuyên ngành. Có
thể những năm 80 và 81, khi máy Minsk-22 đã trải qua một thời kỳ vẻ vang, trở
nên cũ kỹ hơn so với máy EC-1022 thế hệ sau đứng bên cạnh, trường ĐHBK Hà Nội
tìm được trường ĐHBK Đà Nẵng để tặng lại máy Minsk-22. Cho đến nay, không còn ai
nhớ những ngày tháng đó.
Cuối năm
1981, PGS. Lý Ngọc Sáng, hiệu trưởng trường ĐHBK Đà Nẵng và GS. Hà Học Trạc,
hiệu trưởng trường ĐHBK Hà Nội, đã gặp gỡ nhau và đi đến quyết định chuyển máy
Minsk-22 vào trường ĐHBK Đà Nẵng. Sau Tết Âm Lịch, khoảng tháng 3/1982, 5 chiếc
xe ô tô “Zin Khơ” trọng tải 5 tấn mỗi chiếc lập thành đoàn chạy thẳng ra trường
ĐHBK Hà Nội để nhận máy. Anh Huỳnh Đốc, trưởng Phòng Thiết bị của trường, làm
trưởng đoàn (anh đã mất năm 2010), anh Doãn Văn Tân làm quản lý. Ba chị em chúng
tôi cũng được tham gia, đi ra bằng tàu hoả, khi về Đà Nẵng mới theo xe ô tô của
đoàn.
3.1. Đường vào Đà Nẵng
Máy
Minsk-22 có khoảng 10 tủ sắt (lớn hơn tủ quần áo) và rất nhiều thùng sắt, hòm
gỗ đựng máy móc, thiết bị, linh kiện, tài liệu… Một cần cẩu lớn được thuê cẩu
từ lầu 2 nhà C1 xuống 5 thùng xe tải. Các tủ máy rất nặng và cồng kềnh. Để giảm
xóc và tránh va đập, chúng tôi phải mua mấy xe rơm khô chở từ ngoại thành Hà
Nội vào để chèn giữa các tủ, các thùng. Cận thận hơn nữa, mỗi tủ máy lại được
trùm bọc kín một lớp chăn chiên. Dịp đó, Bộ môn Mac-Lênin trường ĐHBK Hà Nội
gửi nhờ xe chở vào Đà Nẵng mấy thùng gỗ lớn chứa sách “Tuyển tập V. I. Lênin”
được Liên Xô tặng, bìa cứng màu xanh dương, in giấy trắng tinh, rất đẹp (số
sách này sau này vẫn còn nhiều, chất đống ở Bộ môn Máy tính). Do thiếu chỗ,
chúng tôi quyết định tháo các thùng sách ra và chèn vào các chỗ trống trong các
tủ máy. Chúng tôi bảo nhau vậy là gặp điều may mắn rồi. Có Lênin trên xe, thế
nào cũng thượng lộ bình an trên cả quãng đường gần 800 cây số vào Đà Nẵng. Sáng
hôm đó, trời lạnh cóng. Chúng tôi hãnh diện nhìn cán bộ, sinh viên trường ĐHBK
Hà Nội dừng lại hai bên đường xuýt xoa, tò mò nhìn đoàn xe phủ bạt kín mít chạy
lầm lũi qua cổng Parabol.
Qua Bệnh
viện Bạch Mai, qua ga Giáp Bát, rồi ra ngoại thành Hà Nội. Miền Bắc vừa trải
qua chiến tranh, bị bom đạn cày xới, phố xá, làng quê đói nghèo xơ xác. Trên
hành trình xuống phương Nam, đoàn xe men theo Quốc lộ 1 rất nhỏ hẹp, nhiều đoạn
như đường làng, quanh co, khúc khuỷu, đầy ổ voi, ổ gà, nước đọng vũng… Cả đoàn
xe đánh võng, gầm rú, thỉnh thoảng dừng lại chờ một đàn bò ngơ ngác lửng thững
qua đường, hay một xe đạp thồ thủng xăm nằm vật vã giữa đường…
Sau một
ngày một đêm, rạng sáng hôm sau máy Minsk-22 vào đến Đà Nẵng. Dỡ bạt ra, hầu
như các tủ máy đều bị cong vênh, trầy xước. Cửa kính một tủ băng từ bị vỡ.
Nhiều linh kiện bị đứt chân, bong tróc cả mối hàn… Phòng Thiết bị lại thuê cần
cẩu để cẩu toàn bộ thiết bị, linh kiện lên hai phòng kề nhau ở lầu 1, nằm giữa
Khu A, vốn là phòng khách, nay là phòng Truyền thống của trường. Xúm xít, hò
hè, nâng, đỡ, kê, bẩy, đẩy qua, vật lại, cuối cùng, cả hệ thống máy móc
Minsk-22 cũng vào hết trong phòng.
Những
ngày sau đó, tôi có cảm giác như cả trường ĐHBK đều biết đến sự kiện này, có cả
tò mò và ngạc nhiên. Phòng Thiết bị vừa phải tu sửa phòng đặt máy (trước đó
chưa chuẩn bị gì, mới di chuyển hết đồ đạc ra ngoài), vừa đục khoét tường lắp
máy điều hoà và tiến hành lắp đặt máy. Phòng ngoài, phía nhìn ra sảnh, dùng nơi
đặt máy. Phòng sau làm kho chứa linh kiện, thiết bị…. Phòng máy được lắp 6 máy
điều hoà Westinghouse loại cũ đã qua sử dụng. Loại máy này chỉ có một thùng,
vừa làm dàn lạnh vừa làm dàn nóng, mỗi lần bật lên, chạy kêu ầm ĩ, nước chảy
giọt lênh láng ra hành lang. Những ngày đó, trừ hôm bị cắt điện, gần như được
mở chạy làm lạnh cả ngày, cả đêm, 24/24, 7/7.
Nhờ
“thành tích” chuyên chở, lắp đặt, và cũng đúng vào dịp đang diễn ra Đại hội
Đảng CSVN lần thứ V ở Hà Nội, chúng tôi vinh dự được trường tặng ngay cho mỗi
người một chiếc “Huy hiệu Đại hội Đảng V”.
3.2. Đánh vật với Minsk-22
Mấy ngày
sau, trường ĐHBK Hà nội cử hai cán bộ của TTMT là Trần Quốc Hưng (thầy giáo cũ
của tôi) và Lê Minh Tân vào Đà Nẵng để trợ giúp lắp đặt. Phải mất hơn một tuần
để kê dịch đặt lại các tủ đúng vị trí, rồi tháo lắp, chữa chỉnh, cắm các đầu
giắc dây dữ liệu và điều khiển. Máy Minsk-22 có rất nhiều dây dẫn đủ màu sắc,
được bó thành từng bó lớn và dài, chạy loằng ngoằng quanh phòng. Bên trong mỗi
tủ sắt có đến hàng trăm bản mạch điện tử với hàng chân cắm mạ đồng màu vàng rực
trên các giá đỡ. Có thể nói, tài liệu, bản vẽ mô tả cấu trúc máy và hướng dẫn
sử dụng kèm theo máy thật nhiều. Tất cả đều được đóng kẹp bìa cứng theo từng đơn
vị điều khiển, từ CPU, bộ nhớ trong, các thiết bị vào/ra, đến các khối chức
năng. Nhiều tài liệu khi mở ra trải dài cả mét. Mất rất nhiều công sức (nhiều
hôm hỳ hục đến tận khuya) để vận hành, chạy thử, máy Minsk-22 được bàn giao
chính thức cho trường.
Những
ngày đó, chị Hoàng, anh Lợi và tôi luôn có mặt để lắp máy và làm quen dần cách
sử dụng. Ban Giám hiệu cũng thường xuyên đến quan sát, thăm hỏi và động viên.
Mỗi lần máy được khởi động, tôi nhìn thấy hai dải băng từ trong hai tủ băng từ
chạy qua vắt lại, kêu lạch xạch mỗi lần ngắt. Trên mặt bảng điều khiển, cả vùng
bao quanh hàng phím mã (Набор Кода, có 37 phím bấm tương ứng với 37 ô nhớ của
bộ nhớ trong) sáng bóng, dùng lâu ngày nhẵn hết cả nước sơn xanh men ngọc vốn
có. Được hướng dẫn, tôi bắt đầu nhớ quy trình điều khiển. Bắt đầu nhấn phím
ΠУСK (Start) khởi động máy, nhấn các phím xoá bộ nhớ trong, hạn chế vùng làm
việc và chỉ định địa chỉ vùng nhớ đọc vào. Lắp cuộn băng giấy đục lỗ vào một
vòng nhựa và lắp tiếp vào bánh xe bên trái của máy đọc (giống máy chiếu phim).
Nhấn phím đưa vào bằng băng giấy ΠЛbbод, cuộn băng giấy đục lỗ chạy vèo qua máy
đọc đưa chương trình số liệu vào máy. Để vận hành suôn sẻ máy Minsk-22, cần
nhiều công đoạn phức tạp và tốn kém, kể cả nhân lực và tiền bạc. Chỉ nói riêng
việc phải có phòng đục băng giấy cũng đã gây tranh cãi về khâu tổ chức và quản
lý và quy trình khai thác…
Sau khi
bàn giao được vài tuần, máy lại hỏng. Anh Trần Quốc Hưng lại lặn lội từ Hà Nội
bay vào Đà Nẵng một lần nữa để tìm nguyên nhân khắc phục. Khi phát hiện được do
hỏng bộ nhớ trong (Мозу), ai cũng mừng, vì may mắn là vẫn còn được dự trữ một
thiết bị nhớ mới tinh để sẵn sàng thay thế. Đó là một ma trận 64×64 xuyến sắt
từ, tròn nhỏ cỡ hạt gạo. Xuyên qua nó là 16 sợi dây đồng vàng rất mảnh. Cầm
nâng niu thiết bị nhớ trên tay, thấy cả mảng xuyến rung rinh, cứ có cảm giác lo
sợ bị đứt dây. Sau đó thì máy cũng chạy được, chủ yếu là chạy kiểm tra mấy
chương trình nhỏ đã được đục lỗ sẵn trên băng giấy mang từ Hà Nội vào. Theo yêu
cầu, máy phải để chạy liên tục ngày đêm không ngưng nghỉ (kể cả hệ thống máy
điều hoà). Về sau, vì phòng máy tính tiêu tốn nhiều điện quá, máy điều hoà lại
hư hỏng thường xuyên, nên trường đã đề nghị tắt máy Minsk-22, chỉ khi nào sử
dụng mới cho bật máy lên.
Sau khi
máy Minsk-22 được lắp đặt, trường thành lập Bộ môn Máy tính, do anh Huỳnh Đốc
làm Tổ trưởng Bộ môn, vừa làm trưởng Phòng Thiết bị. Khoảng một năm sau, đầu
năm 1983, anh Nguyễn Ngọc Diệp ở Khoa Cơ khí đi thực tập một năm ở Pháp vừa về.
Anh mang về chiếc máy tính cá nhân Sinclair ZX80 có thể nói “siêu nhỏ nhẹ” và
độc đáo (nhỏ hơn bàn phím máy tính bàn). Bộ nhớ chỉ 1KB. Để đưa ra màn hình,
anh Diệp phải lôi tivi đen-trắng 11 inch của nhà ra để cắm máy vào mỗi khi
chạy. Hồi đó máy Sinclair đã có thể lập trình với ngôn ngữ BASIC, mà đối với
tôi, hết sức lạ lẫm.
Sau đó,
anh Nguyễn Ngọc Diệp được trường bổ nhiệm làm Tổ trưởng Bộ môn Máy tính. Thời
gian này, Bộ môn lần lượt được nhận về những chiếc MTĐT để bàn (vi tính) mới.
Đầu tiên là hai chiếc máy Apple IIe do Việt kiều Pháp mua tặng, sau đó là một
chiếc máy NEC cũng được Việt kiều Nhật mua tặng. Câu chuyện đi nhận máy ở Sân
bay Tân Sơn Nhất, cũng như ở Cảng Hải Phòng, sau này kể lại, cứ cười ra nước
mắt. Năm 1984, tôi được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Bộ môn Máy tính. Những năm tháng
này, việc giảng dạy môn “Tin học đại cương” bắt đầu được triển khai cho hầu hết
các khoa trong trường. Do được trang bị nhiều máy tính để bàn mới, và với những
tính năng ưu việt của thế hệ máy tính này (thay đổi liên tục, chóng mặt cho đến
nay), hầu hết mọi hoạt động khai thác máy của Bộ môn đều chỉ tập trung vào các
máy để bàn. Tất cả các máy tính này đều được lắp đặt cùng chỗ trong phòng máy
Minsk-22. Từ những ngày đó trở đi, gần như máy Minsk-22 đứng bất động, im lìm.
Nhờ có máy tính mới, rất mới lạ đối với cả Đà Nẵng, Miền Trung Tây Nguyên, Bộ
môn Máy tính đã tiếp thị và triển khai được một số hợp đồng kinh tế xây dựng
các phần mềm quản lý cho các công ty, xý nghiệp ngoài trường. Nhiều cán bộ của
trường và cơ quan ngoài cũng tham gia sử dụng máy vi tính. Cùng với Xí nghiệp
Tính toán (nay là Trung tâm Tin học Thống kê Khu vực III), Cục Thống kê Quảng
Nam-Đà Nẵng đã tổ chức các cuộc xêmine về lập trình BASIC. Ngày đó họ có máy
tính một địa chỉ C8205, còn gọi là Celeron, bộ nhớ dùng trống từ (Drum).
3.3. Xẻ thịt Minsk-22
Năm
1987, tôi đi làm NCS. Cuối năm 1993, tôi về lại Bộ môn thì không còn máy
Minsk-22 nữa. Cũng như số phận của các dòng MTĐT thế hệ trước, máy Minsk-22 bị
xẻ thịt, “thanh lý”. Nhiều năm sau đó, ở Bộ môn, từ năm 1995 thành Khoa CNTT,
vẫn còn hai hay ba tủ sắt đã gở bỏ hết linh kiện bên trong, dùng đựng đồ lặt
vặt, đứng chơ chỏng ở góc phòng, chung số phận với các máy Apple IIe.
Năm
2004, Hội thảo Quốc gia lần thứ VII “Một số vấn đề chọn lọc của CNTT &
Truyền thông” diễn ra tại ĐH Đà Nẵng. GS. Bạch Hưng Khang, Viện trưởng Viện
CNTT, Viện KH&CN VN, đã hỏi tôi về máy Minsk-22, nếu còn thì Viện sẽ mua
lại. Tôi nghĩ có thể anh Khang hỏi đùa cho vui. Tuy nhiên tôi nghĩ nếu bây giờ
mà vẫn còn hệ thống máy Minsk-22 như ngày nào, thì thật là một bảo tàng quý giá
về một thế hệ MTĐT dùng bán dẫn. Có thể tìm thấy ở đó thật sống động kiến trúc
và nguyên lý Von Neumann phát triển từ mô hình Turing, cấu trúc phần cứng, cơ
chế biểu diễn thông tin, sử dụng các thiết bị vào/ra, lập trình bằng ngôn ngữ
máy 2 địa chỉ, v.v… Tất cả những kiến thức có được từ hiểu và khai thác máy
Minsk-22 giúp chuyên sâu về Tin học. Ngày nay, với thế giới vi tính đa dạng, từ
máy để bàn (Desktop) đến máy xách tay (Laptop), từ điện thoại thông minh đến
máy tính bảng (tablet), NSD không còn biết phía sau màn hình, bàn phím là gì
trong đó, và như thế nào… như là một lẽ dĩ nhiên. Có thể vài ba năm nữa, máy
tính cầm tay sẽ là một phép tích hợp của tất cả những loại máy này, kể cả tivi,
điện thoại… Nhưng cũng nên nhớ rằng, tất cả đều là MTĐT ở thế hệ 4, sử dụng
mạch tổ hợp lớn CMOS (Complementary Metal-Oxide-Semi-conductor), hoạt động theo
kiến trúc cơ sở và nguyên lý tuần tự Von Neumann.
Trong
câu chuyện có kể lại sự kiện Bộ môn Máy tính đã được tham gia “thanh lý” kho
băng giấy cho Làng Pháo Nam Ô nức tiếng một thời ở Hoà Hiệp, phía Bắc Đà Nẵng.
Những năm 80, có được băng giấy Liên xô trắng tinh, dày, rộng 25mm, vừa dai,
vừa đóng thành cuộn dài cỡ 80m, để quấn làm vỏ pháo, chắc chắn là tuyệt vời.
Tôi cứ tưởng tượng dịp Tết đến Xuân về khi nhà nhà nổ pháo Nam Ô, trong xác
pháo bay tung trời có thể có những mảnh giấy của máy Minsk-22 bay lả tả.
Cũng muốn kể thêm về hành trình nhận máy Minsk-22. Tôi với anh Phan Đinh Lợi đã tranh thủ chuyến đi để thực hiện “chiến dịch KT”. Khi đi ra Hà Nội bằng tàu hoả, nghe nói ở Hà Nội có vài mặt hàng rất đắt giá, nên khi tàu dừng ở Ga Đồng Hới, Quảng Bình, chập choạng tối, hai anh em nhảy bổ xuống, dồn hết tiền mang theo, ngả giá mua được một thúng trứng vịt quê và khăn mặt (xuất xứ Lào, tuồn về qua cửa khẩu Lao Bảo). Mang khăn mặt (K) và trứng (T) lên tàu, không dám lại về chỗ ngồi (sợ chị Hoàng cười cho), mà nằm ngủ vạ vật canh hàng tại hành lang một toa giường nằm. Nửa đêm có cô nhân viên đi qua xốc dậy la ầm lên “Gớm hai ông tướng này, buôn trứng như điên, mà ngủ như điên !”. Ra Hà Nội chúng tôi bán tống bán táng ở Chợ Đồng Xuân (kể lại rất dài dòng), chẳng lãi bao nhiêu mà tôi lại bỏ quên cái áo đi mưa quân đội. Trên chuyến về, theo gợi ý của gia đình anh Lợi, chúng tôi lại “tranh thủ” chất nhiều bì khoai tây (KT) lên ô tô mang vào Đà Nẵng. Thế nhưng kết cục cũng chẳng hơn gì. Bán không được, suốt nhiều ngày sau, vừa ăn vừa cho, mãi mới hết.
4. Thay lời kết
Đã hơn 32 năm trôi qua. Còn có bao nhiêu sự kiện thú vị đáng kể nữa tính từ ngày Bộ môn Máy tính được thành lập. Để viết được bài này, tác giả đã gọi điện, nhắn tin cho nhiều người, tìm kiếm trên Google. Tác giả lục tìm được trong tủ sách gia đình cuốn sách cũ “Lập chương trình cho máy tính điện tử” do trung tâm tính toán của Viện HLKH Liên Xô xuất bản năm 1965, do ông Nguyễn Văn Kỷ và hai người khác cùng dịch ra tiếng Việt. Đây là một tài liệu hướng dẫn lập trình ALGOL-60, cách sử dụng và lập trình ngôn ngữ máy Minsk-22, rất bổ ích trong suốt thời gian tôi học đại học ở Hà Nội và sau đó theo thầy Trần Quốc Hưng lắp đặt tại Đà Nẵng.
Ngày nay, khi nghe tên Minsk, người ta nghĩ ngay đến “xe máy bình bịch” Minsk, nổi tiếng “trâu bò”, từ Belarus đến nước ta những năm 60 đến nay, một loại “xe thồ” rất thịnh hành ở vùng núi, biên giới phía Bắc. Giới trẻ, kể cả người nước ngoài, dùng xe Minsk thành “câu lạc bộ”, thành “mốt” du lịch bụi (phượt) hay kiếm sống.
It người nhớ đến chuyện Làng Pháo Nam Ô, chuyện máy Minsk-22…
Lời cảm ơn
Tác giả
gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả những người đã giúp tác giả, qua trao đổi,
ghi chép lại sự kiện máy Minsk-22 vào Đà Nẵng. Đặc biệt tác giả bày tỏ lòng
biết ơn đến thầy giáo cũ Trần Quốc Hưng, thầy Nguyễn Ngọc Diệp, anh Đỗ Văn Uy
(K17 Toán-Lý), Nguyễn Thành Sự (K18 Toán-Lý).
[1]
Minsk (tiếng Belarus: Мінск, tiếng Nga: Минск, đọc Minxcơ hay Minxcơva), thủ đô
của nước Cộng hòa Belarus thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập SNG, trước đây
thuộc Liên bang Xô viết.