Trang

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

EINSTEIN VÀ BÀI HỌC VỀ GOLF

Ông đã từng đến với golf và không trở thành một golf thủ, vì định mệnh đã trói buộc ông với khoa học. Ông từ chối tất cả, kể cả ngôi vị Tổng thống, để đeo đuổi các phương trình. Theo ông, chính trị là cho hiện tại,còn phương trình là cho vĩnh viễn. Ông chính là Albert Einstein – người đàn ông của thế kỷ, nhà bác học vĩ đại nhất trong 100 năm gần đây.

Albert Einstein đã đến với golf trong một thời gian ngắn,tuy không trở thành một golf thủ, nhưng ông đã để lại bài học quý giá cho những ai đam mê golf và nhất là những người dạy golf.

Mỗi lần chỉ một thứ

Năm 1932 Albert Einstein được mời đến làm việc tại Viện nghiên cứu cao cấp thuộc Đại học Princeton Hoa Kỳ. Đây là nơi quy tụ những nhà khoa học xuất sắc hàng đầu thế giới để nghiên cứu các lý thuyết mới và phát minh ra những sáng chế mang tính bước ngoặt của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đại học Princeton là Đại học số một của Hoa kỳ về khoa học tự nhiên, sánh vai cùng Đại học Havard lừng danh về đào tạo khoa học xã hội. Được mời làm việc tại Princeton là niềm vinh hạnh lớn lao cho bất cứ nhà khoa học nào.

Tiến sỹ Abraham Flexner, người sáng lập Viện nghiên cứu cao cấp đã giới thiệu với Einstein về môn thể thao golf mà Flexner rất đam mê. Bị khuất phục bới lời chào hấp dẫn của một nhân cách uy tín, tuy không có nguyện vọng, nhưng Einstein đã quyết định thử làm quen với golf.

Ông đến học golf tại câu lạc bộ golf Springdale gần Princeton. Thầy hướng đẫn golf cho Einstein là Gigi Carneval - một trợ lý chuyên nghiệp trẻ đầy nhiệt huyết. Rất hãnh diện được dạy cho một thiên tài của nhân loại, Gigi hăm hở mang hết những gì mà mình có để truyền đạt cho Einstein. Anh thao thao chỉ dẫn hết kỹ thuật này sang kỹ thuật khác, còn Einstein thì lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Rồi đột nhiên Einstein bỏ gậy golf sang một bên, và nhờ Gigi trao cho ông mấy quả bóng. Gigi nhìn Einstein một cách dò xét, không hiểu lý do, nhưng cũng miễn cưỡng trao cho ông bốn quả bóng golf. Einstein nói to: “ Hãy bắt lấy”, rồi ông tung nhanh cùng lúc cả bốn quả bóng cho Gigi. Anh giáo viên trẻ huơ tay đón bóng nhưng không bắt được quả bóng nào. “ Anh thấy không, khi tôi ném cho anh mỗi lần một quả bóng thì anh bắt được. Còn khi tôi ném cho anh cùng lúc bốn quả thì anh không bắt được quả nào. Vì vậy, khi anh dạy, mỗi lần chỉ một thứ”. Gigi tròn xoe mắt ngạc nhiên vì người học trò của anh đã cả gan hướng dẫn lại cho thầy. Nhưng thực sự đó là những nhận xét rất tinh tế của một thiên tài khoa học và sư phạm.

Nếu bộ óc của Einstein không có khả năng thu nhận nhiều thứ cùng một lúc thì những người bình thường có cơ hội được bao nhiêu. Phương pháp của Einstein cho thấy, những điều phức tạp nhất có thể học được rất nhanh nếu từ từ học dần từng điều một. Đó cũng là cách mà cha ông chúng ta truyền dạy: “Muốn đi nhanh thì phải đi chậm”. Điều tưởng chừng như phi lý nhưng lại rất biện chứng. Còn ứng dụng sang nghề nghiệp thì câu tục ngữ tương đồng có thể là: “Một nghề không kín, chín nghề không xong”. Quả là những bài học quý giá.

Tưởng tượng là tất cả

Einstein để lại nhiều nhận xét triết lý, trong số đó có những điều có thể là bổ ích cho những ai yêu golf. Ông viết: “ Tưởng tượng là tất cả.Tưởng tượng là cách nhìn trước cuộc sống. Tưởng tượng quan trọng hơn tri thức.”

Thông thường, trước khi chuẩn bị cho một cú put,các golf thủ thường quan sát cả từ bốn phía để đọc green, xác định quỹ đạo của quả bóng.Tuy nhiên khi bước vào thế và bắt đầu cú put thì golf thủ tập trung và lãng quên mất sự hình dung về đường đi của quả bóng sắp xẩy ra. Và đó là điều mấu chốt cần phải thay đổi.Sự tưởng tượng hay sự hình dung ra toàn bộ sự kiện sắp xẩy ra rất quan trọng. Ở một chừng mực nhất định nó có tác động đến kết quả của hành động sắp thực hiện. Không chỉ ở những cú put, mà ở bất cứ cú đánh nào, trước khi thực hiện, nếu biết tưởng tượng ra diễn biến của tương lai thì hiệu quả có thể có cơ gia tăng đáng kể.

Bài học về tưởng tượng của Einstein có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Vì thực chất, tưởng tượng hay ý thức là sự chuyển động của vật chất và đương nhiên sẽ có hiệu ứng tương tác lên thế giới liên quan, không khái giản và mông lung như cách hiêủ về thần giao cách cảm. (ST)

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

TINH THẦN TƯ DUY ĐẾN CÙNG, CẢI THIỆN KHÔNG NGỪNG CỦA NGƯỜI NHẬT

 HÃY HỌC NGƯỜI NHẬT TINH THẦN LÀM VIỆC "TƯ DUY ĐẾN CÙNG, CẢI THIỆN KHÔNG NGỪNG VÀ LUÔN TÌM CÁCH TỐI ƯU ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ"

HAI CÂU CHUYỆN ĐÁNG SUY NGẪM
Một kỹ sư Nhật khi về nước đã không ngại ngần nói với người công nhân Việt Nam: "Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ. Đấy là vì các anh chỉ biết nghĩ đến những cái lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không biết nghĩ đến cái lợi lớn của chung".
Rồi viên kỹ sư minh hoạ: "Một cái vít chúng tôi phải mang từ Nhật sang giá 40.000đ mà rơi xuống đất thì công nhân Việt Nam các anh thản nhiên dẫm lên hoặc đá lăn đi mất vì nó ko phải của các anh. Nhưng các anh đánh rơi điếu thuốc lá đang hút dở giá 1.000đ thì các anh sẵn sàng nhặt lên và hút tiếp cho dù nó bị bẩn chỉ vì nó là của các anh.
Hay như cuộn cáp điện chúng tôi nhập về giá 5 triệu/m, nhưng các anh cắt trộm bán được có vài trăm nghìn/m. Tất cả những việc làm đó mang lại chút lợi lộc cho các anh nhưng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì chúng tôi phải nhập bổ sung hoặc nhập thừa so với cần thiết".
Còn lái xe của viên kỹ sư đó thì được nghe ông ấy tặng quà có giá trị và được nghe ông ấy "tâm sự" như sau: "Tôi rất cảm ơn anh lái xe an toàn cho tôi suốt 5 năm qua. Vì anh là người bảo đảm mạng sống của tôi nên anh làm gì tôi cũng chiều nhưng anh đừng tưởng anh làm gì sai mà tôi không biết.
Anh đưa đón tôi ra sân bay quãng đường chỉ hơn 30km anh khai là hơn 100km tôi cũng ký, anh khai tăng việc mua xăng, thay dầu tôi cũng ký là vì tôi cần anh vui vẻ lái xe để tôi được an toàn. Nhưng anh và các công nhân Việt Nam đừng tưởng là các anh vặt được người Nhật. Các anh nên biết rằng lẽ ra chúng tôi có thể trả lương cao hơn hoặc tăng lương nhiều hơn cho các anh. Nhưng đáng phải tăng lương cho các anh 500.000 thì chúng tôi chỉ tăng 200.000. Còn 300.000 chúng tôi phải giữ lại để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt hay phá hoại của các anh. Cuối cùng là tự các anh hại các anh thôi. Còn chúng tôi cũng chỉ là lấy của người Việt cho người Việt chứ chúng tôi không mất gì cả".
Học tinh thần "tư duy đến cùng" của doanh nghiệp Nhật Bản
"Luôn có một cách khác tốt hơn để giải quyết một vấn đề" – Có một câu nói đại ý như vậy để mô tả nỗ lực "tư duy đến cùng" và "cải tiến không ngừng" của người Nhật.
Khái niệm Kaizen hay còn gọi là "cải tiến không ngừng" là một đặc trưng cơ bản trong văn hóa kinh doanh Nhật Bản nay đã trở thành thuật ngữ quốc tế. Tuy vậy, chỉ trong các doanh nghiệp có yếu tố Nhật Bản, tinh thần này mới được thể hiện rõ nét hơn cả.
Doanh nghiệp Nhật luôn tự đề ra cho họ những "điểm chuẩn tuyệt đối". Họ liên tục xác lập những mục tiêu mang tính tuyệt đối để vươn tới như: "khiếm khuyết bằng 0", "thời gian bằng 0", "khoảng cách bằng 0", "sự cố bằng 0", "tỉ lệ vận hành máy là 100%", "mức độ thỏa mãn của khách hàng là 100%"…
Lối suy nghĩ này của người Nhật được gọi bằng thuật ngữ "tư duy đến cùng". Người Nhật cho rằng khi công việc chưa "chạm" tới "điểm chuẩn tuyệt đối" thì có nghĩa là vẫn có một vấn đề gì đó có thể được cải thiện. Vì thế, phải luôn "cải thiện không ngừng" để hướng tới cái tuyệt đối.
Tập quán tư duy Kaizen này đã ăn sâu bén rễ trong văn hóa kinh doanh Nhật Bản, góp phần tạo nền tảng cho những tập đoàn hàng đầu thế giới như Toyota, Honda, Sony định hình, phát triển và trường tồn cho đến ngày nay.
Học Kaizen qua một câu chuyện
Ít có câu chuyện nào mô tả tập quán tư duy Kaizen rõ ràng hơn câu chuyện nổi tiếng của Masanori Ino, một công nhân nhà máy Sayama của Honda, nơi đã cho ra đời những mẫu xe Regent Accord và Prelude đầu tiên. Ông bắt đầu làm việc cho Honda khi đã 52 tuổi với nhiệm vụ lắp những tấm thép vào thân xe, hàn lại và đảm bảo không bị gỉ.
Khi được công ty thông báo mỗi công nhân phải nghĩ ra 3 đề xuất để công việc của mình hoàn hảo hơn, ông đã tới gặp một đồng nghiệp và hỏi:
"Ông làm ơn cho tôi biết đề xuất cải tiến là cái gì thế?"
"Anh có thấy sàn nhà bẩn không?" – Anh đồng nghiệp trả lời.
"Đúng là bẩn thật".
"Vậy anh hãy lau chùi nó đi".
Một lúc sau, Masanori làm xong, ông quay lại nhưng vẫn nhận được cái lắc đầu của đồng nghiệp:
"Anh cho rằng đã lau xong ư? Vẫn còn bẩn".
Masanori nhìn xuống và thấy quả là sàn nhà vẫn có chút vết bẩn nhỏ. Ông đổ nước và kỳ cọ lại một lần nữa. Khi lau kỹ ông mới phát hiện vết bẩn nhỏ là do nước bẩn rò rỉ từ đệm lót tiếp đất của máy bơm. Khi Masanori tìm cách vặn chặt miếng lót thì ông lại thấy mối nối quá hẹp còn ống lại quá dài. Ông cắt ngắn một đầu cút lớn để nối ống lại. Ông còn cắt một rãnh để cặn bẩn có thể thoát hết ra ngoài và lấy tấm thép đậy lại cho an toàn. Không xấu hổ khi 52 tuổi còn bị đồng nghiệp trẻ bắt lau nhà nhiều lần, ông mới hiểu thế nào là tầm quan trọng của các sự cải thiện không ngừng.
Chỉ có một câu chuyện ngăn nắp vệ sinh và an toàn lao động nơi làm việc nhưng người Nhật có lý do khi xác lập ra các nguyên tắc khắt khe như vậy: Phải hoàn thiện tới mức tối hảo những việc tưởng như nhỏ nhất để hình thành thói quen “tư duy đến cùng” và “cải thiện không ngừng”. Có vậy, cuộc sống của bạn mới tốt lên được!
Nguồn sưu tầm

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

KHỦNG HOẢNG NHÂN TÀI VÀ BI KỊCH CỦA MỘT NỀN GIÁO DỤC

 

Góc nhìn của nhà văn, nhà phê bình lý luận Vương Trí Nhàn.

Cho đến giờ phút này giáo dục Việt Nam vẫn chỉ tạo ra những thành quả lóp lép, khiến cái “phi chuẩn” lại thành đại trà… khiến giáo dục của ta sứt sẹo.

Nền giáo dục dễ nhận thấy nhất là cái “phi chuẩn”

Cao Bá Quát từng nói: “Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái/ Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” rất giống tinh thần giáo dục Việt Nam đến cả thời điểm hiện tại.

Nền giáo dục của ta đơn sơ, nghèo nàn, thậm chí là chưa thành hình hài. Nền giáo dục này khó có thể sinh ra cái gì hơn hẳn nó, mà chỉ sinh ra cái gì bằng hoặc kém nó thôi.

Giáo dục Việt Nam vẫn đậm tư duy tiểu nông. Tức là nó tản mạn, mỗi người, mỗi nơi mỗi kiểu dạy. Chưa kể, sách vở, tài liệu rất kém.

Trước đây, khi Nhật Bản đưa những đoàn tàu Nhật Bản sang Trung Quốc để kiếm sách mới về, bởi nghề in ở Trung Quốc rất phát triển, thì ở Việt Nam, sách giáo khoa khi ấy là bản chép tay, ông thầy này chép cho người khác dạy.

Những người đi thi đỗ khoa cử toàn đi làm quan. Ai không thi đỗ quan mới về dạy học. Tất nhiên cũng có những ông quan về hưu rồi mở lớp dạy học, nhưng số đó ít lắm.

Giáo dục sau 1945 vẫn có sự lặp lại, có những trường không ra trường.

Tôi thấy có trường Chu Văn An ở Hà Nội có truyền thống bởi nó được thừa hưởng từ hồi Pháp thuộc. Thời chống Mỹ cũng mỗi tỉnh, mỗi huyện một trường cấp 3 giống nhau, không có bản sắc riêng.

Tại Việt Nam, làm quản lý giáo dục thì ai làm cũng làm được dù thực tế, đó là công việc khó nhất. Hiệu trưởng chỉ dùng quyền lực hành chính để quản lý, vậy mà người ta nói ai giỏi thì làm hiệu trưởng. Nhưng thực tế, người giỏi phải đi dạy chứ không phải đi quản lý.

Thời chiến tranh chống Mỹ có một điểm đặc biệt là hy sinh tất cả cho tiền tuyến, thầy giáo cũng phải đi bộ đội. Lúc đó cứ ai trẻ, khoẻ sẽ được ưu tiên đi bộ đội. Lúc đầu còn có chủ trương người giỏi là cho đi học ở Nga, Pháp… nhưng có nhiều người giỏi đi học về vẫn lại phải đi ra trận. Nếu đã đọc cuốn sách Quân khu Nam Đồng thì thấy rất rõ điều này, nên có đứa học sinh nó không chịu học vì biết có học thì ngày mai nó cũng đi bộ đội rồi…

Thành ra nền giáo dục Việt Nam sau 1945 đến những năm gần đây có cái dễ nhận thấy nhất là cái “phi chuẩn”.

Ở Việt Nam “9 bỏ làm 10” mà “3, 4 cũng bỏ làm 10” miễn sao đáp ứng được các yêu cầu của một lãnh đạo. Một khi đã “phi chuẩn” thì sẽ không phát triển bình thường mà sẽ méo mó. Giống như người bị thiếu sót bộ phận trên thân thể vậy.

Giáo dục Việt Nam tạo ra những thành quả lóp, lép

Các ông giáo sư đời đầu còn khá, các ông giáo sư sau ngày càng kém đi, nếu không đi học nước ngoài thì khó nên người.

Tôi rất mong có thêm các trường nước ngoài mở tại Việt Nam, bởi một trường đại học lớn của nước ngoài phải đáp ứng được bao nhiêu giáo sư, cơ sở vật chất đầy đủ,… đặc biệt là thư viện. Sách giáo khoa nước ngoài được thay đổi mỗi năm. Giáo viên soạn giáo trình giang dạy, cuối năm nộp lại cho nhà trường, sang năm lại soạn giáo trình mới.

Chúng ta cứ 10 năm, 20 năm, 30 năm vẫn thế, chọn giáo trình cho tất cả mọi người. Người ta cứ nói xã hội nhiều khủng hoảng nhưng với tôi khủng hoảng lớn nhất là con người. Thế hệ sau ít người tài hơn thế hệ trước.

Tôi nghĩ chúng ta không biết quản lý giáo dục, cũng không biết học cách quản lý giáo dục từ nước khác.

Nhiều bạn đi học ở nước ngoài không mặn mà với việc học mà chỉ tập trung đi làm thêm kiếm tiền, vì họ nghĩ rằng có học về nước cũng không biết làm gì. Bởi vì bộ máy đã hỏng, cái ốc vít chuẩn mang về cũng không thể lắp ráp lại được hoàn chỉnh. Trong khi, mỗi con người như một cái ốc vít, lắp ở đâu cũng có thể phù hợp.

Với sách giáo khoa cũng vậy, những người giỏi đi học ở nước ngoài về có thể viết sách chuẩn quốc tế nhưng giáo viên đại trà của chúng ta lại không thể dạy được.

Vậy nên, cho đến giờ phút này giáo dục Việt Nam vẫn chỉ tạo ra những thành quả lóp lép, khiến cái “phi chuẩn” lại thành đại trà, đột biến đáng lẽ là ít thì cũng thành phổ biến, khiến giáo dục của ta sứt sẹo. Tôi bi quan về nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Từ Minh (ghi)

Theo VIETNAMNET