Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Cầu chữ Y trước 1975

Theo Facebook Thanh Qch
Nói đến cầu chữ Y, ít nhiều gì cũng dính dáng tới lực lượng Bình Xuyên do Bảy Viễn lãnh đạo. Tôi được sinh và lớn lên ở Saigon nên cũng nghe qua về sự việc này, chỉ nghe chớ chưa từng thấy tận mắt, xin được góp vài dòng cùng quý vị: Bình Xuyên do Bảy Viễn cầm đầu có từ thời Pháp, hoạt động rộng rãi ở Saigon trên hai lãnh vực cờ bạc (Đại Thế Giới chạy dài vô miệt Chợ Lớn), đĩ điếm, khu Dân Sinh, giờ là Chợ Dân Sinh đường Yersin quận 1, có nhà chứa điếm hoạt động công khai. Những gái hành nghề đều phải được khám sức khỏe định kỳ. Trong Khu dân sinh có đủ thứ, quán nhậu, sòng bài, đĩ điếm. Bình Xuyên là một lực lượng ô hợp, cướp giật, côn đồ du đãng. Riêng cầu chữ Y, có "lính" Bình xuyên canh gác hàng ngày, đàn bà đi qua cầu thường bị chặn xét, để cướp nữ trang. Có người dấu cất còn bị tát tai chửi mắng "đàn bà hư" chiếc nhẫn cũng không sấm nổi. Năm 1954, khi ông Ngô Đình Diệm về Việt Nam làm Thủ Tướng sau đó lật đổ chế độ Bảo Đại, lập đệ nhất Cộng Hòa. Ông Diệm quyết định thống nhất binh lực, chỉ có quân lực VNCH, nên ra lệnh dẹp bỏ Bình Xuyên, Ba Cụt, Năm Lửa và được xem như các sứ quân. Dương văn Minh, lúc đó là Đại Tá, chỉ huy đánh Bình Xuyên. Bình Xuyê tan rả, Bảy Viển trên đường tẩu thoát, chạy về hướng Vũng Tàu, dọc đường vừa chạy vừa rải tiền để binh lính thay vì rượt đuổi, lo lượm tiền, do đo Bảy Viển chạy thoát và sau đó định cư bên Pháp. Giờ nói đến Ba Cụt. Ba Cụt tên thật là Lê Quang Vinh, trú đóng vùng Long Xuyên, Châu Đốc. Có vợ là Cao Thị Nguyệt (sông bên Pháp). Lực lượng của Ba Cụt cũng là lực lượng có vũ trang, thuộc giáo phái Hòa Hảo. Không nghe nói nhiều về hoạt động của Ba Cụt, chi biết Ba Cụt bị bắt và bị xử tử. Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, người gốc Long Xuyên, được trao nhiệm vụ chiêu hàng Ba Cụt, qua trung gian Cao Thị Nguyệt. Vụ nầy nghe giống giống như những nhân vật Hồ Tôn Hiến, Thúy Kiều và Tử Hải, trong Truyện Kiều. Ở Cần Thơ thì có Năm Lửa, Năm Lửa được quân đội Pháp phong cấp thiếu tướng (nhưng chỉ gắn một sao thay vì hai sao), quân đội Pháp không có cấp chuẩn tướng. Sau đó không còn nghe gì về Năm Lửa. Như vậy thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Ngô Đình Diệm đã dẹp được cái ông cho là nạn sứ quân, Bình Xuyên, Ba Cụt, Năm Lửa. Vài dòng đóng góp, nếu còn thiếu sót xin quý vị vui lòng hoặc bổ túc hoặc bỏ qua. Cám ơn;
Sưu tầm

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Hậu duệ nhà Trần của Đại Việt trở thành Hoàng đế Trung Hoa?

Mặc dù còn nhiều dấu hỏi xoay quanh thân thế của vị Hoàng đế Trung Hoa này, nhưng người ta không thể phủ nhận một khả năng lớn rằng ông là người mang dòng máu Đại Việt. Đánh bại quân Nguyên, và ngồi trên ngôi Hoàng đế trong vỏn vẹn 3 năm, ông là ai?

Hậu duệ nhà Trần của Đại Việt trở thành Hoàng đế Trung Hoa?
Hoàng đế Trung Hoa. (Ảnh minh họa qua kienthuc.net.vn)

Câu chuyện ly kỳ này phải bắt đầu kể từ vua Trần Thái Tông: Lúc bấy giờ, vua Trần Thái Tông đã có sáu hoàng tử là Trần Quốc Khang, Trần Hoảng (vua Trần Thánh Tông sau này), Trần Quang Khải, Trần Nhật Vĩnh, Trần Ích Tắc và Trần Nhật Duật; cùng hai công chúa là Thiều Dương và Thụy Bảo. Trong đó, Trần Ích Tắc là người đã đem cả gia quyến đầu hàng quân Nguyên Mông, nên thường bị các sử gia chê trách. Tuy nhiên nếu nhìn lại thì Trần Ích Tắc có lẽ không phải là một kẻ hèn nhát, mà là một kẻ sinh nhầm thời…

Trần Ích Tắc – Kẻ sinh nhầm thời hay định mệnh?

Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có viết về Trần Ích Tắc như sau:
“Khi Ích Tắc chưa sinh, vua Thái Tông nằm mộng thấy một vị thần có 3 mắt từ trên trời xuống nói rằng: Thần bị Thượng Đế trách phạt, xin ký thác vào vua, sau này lại về phương Bắc. Khi Ích Tắc sinh, giữa trán có vết giống như con mắt, hình dáng cũng giống như người trong mộng”.
Đồng thời, Đại Việt sử ký toàn thư cũng mô tả về Trần Ích Tắc là con người “thông minh hiếu học, thông hiểu kinh sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu v.v… gồm 20 người, đều được dùng cho đời”.

Hậu duệ nhà Trần của Đại Việt trở thành Hoàng đế Trung Hoa?
Trần Ích Tắc cũng là một người rất tài giỏi. (Tranh minh họa)

Tuy nhiên, khi Huệ Túc phu nhân xem lá số cho hoàng thân quốc thích nhà Trần đã nói với vua Trần Thái Tông rằng: “Thiếp xem Tử Vi cho các thiếu niên trong Hoàng Tộc thấy họ đều là các vị anh hùng xã tắc mai sau. Sự nghiệp của Quang Khải, Quốc Tuấn mai sau rực rỡ vô cùng. Số của Quốc Tuấn là số của một vị anh hùng, là bậc thánh nhân chắc không có việc tạo phản đâu. Trong số các vị thái tử, thiếp chỉ lo có số của đệ tứ thái tử Trần Ích Tắc thông minh, nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi”. Đây là điều được ghi lại trong cuốn “Đông A di sự”.

Ly kỳ chuyện người đã giúp Trần Quốc Tuấn giữ chức “Quốc Công Tiết Chế” đánh bại quân Nguyên Mông
Huệ Túc Phu Nhân khi còn trẻ là một người am hiểu tướng số, đã từng dựa vào tử vi mà đánh cuộc với Thái sư Trần Thủ Độ (Ảnh minh họa)

Trần Ích Tắc là hoàng tử thứ năm của vua Thái Tông, nhưng Huệ Túc Phu Nhân lại dùng từ “đệ tứ”, là do bà không tính hoàng tử Trần Quốc Khang, vốn là con của bà Thuận Thiên với anh ruột vua Trần Thái Tông là Trần Liễu. (Xem bài: Người phụ nữ giúp Trần Quốc Tuấn giữ chức “Quốc Công Tiết Chế” đánh bại quân Nguyên Mông)
Trong khi hoàng tộc nhà Trần hầu như ai cũng giỏi võ nghệ vì kế thừa phái võ Đông A từ thời Trần Tự Viễn (582-637), thì Trần Ích Tắc lại không thích võ thuật. Tuy nhiên về văn thì Trần Ích Tắc lại giỏi nhất trong tất cả các hoàng tử. Ông cũng chê bai anh em của mình chỉ là bậc “võ biền”.
Nhưng Trần Ích Tắc là kẻ sinh nhầm thời. Khi quân Nguyên đánh bại nhà Tống, chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, thì tình thế giang sơn nguy ngập, các võ tướng đều rất được trọng dụng. Trong khi đó, Trần Ích Tắc lại chỉ giỏi văn, còn như võ thuật hay cách bày binh bố trận đều không am tường, nên không được trọng dụng như những người khác. Văn tài giỏi nhất nhưng không được trọng dụng, tâm tật đố và bất bình của Trần Ích Tắc nổi lên…

Hậu duệ nhà Trần của Đại Việt trở thành Hoàng đế Trung Hoa?
Đất nước lâm nguy, võ tướng được trọng dụng (Tranh qua Ybook.vn, sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)

Năm 1285, khi đại quân Nguyên Mông tiến đánh Đại Việt, Trần Ích Tắc bèn đưa cả gia quyến ra đầu hàng, và được phong làm An Nam quốc vương. Nếu như quân Nguyên Mông đánh bại nhà Trần thì Trần Ích Tắc sẽ được lên ngôi vua. Có người nói rằng Trần Ích Tắc tham lam, cũng có người nghĩ ông ta hèn nhát sợ giặc, nhưng có lẽ phần nhiều là vì tâm tật đố. Trần Ích Tắc thật là kẻ sinh nhầm thời vậy.
Quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã đánh bại đại quân Nguyên Mông. Không chỉ thế, đến năm 1288, quân Nguyên lại một lần nữa thảm bại trước Đại Việt.

Nguyen Mong
Trận Bạch Đằng – Quân Nguyên ba lần thảm bại trước Đại Việt. (Tranh minh họa)

Quân Nguyên thua trận, Trần Ích Tắc mang theo cậu con trai đầu sinh năm 1275 là Trần Hữu Thành cùng gia đình đến ở Ngạc Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), giữ chức quan Hồ Quảng bình chương chính sự.
Nhưng nếu nhìn lại điềm báo trong giấc mơ của vua Trần Thái Tông về Trần Ích Tắc thì phải chăng đây cũng là định mệnh?
“Thần bị Thượng Đế trách phạt, xin ký thác vào vua,

sau này lại về phương Bắc

Việc Trần Ích Tắc phải tha hương cũng ứng với dự báo của Huệ Túc phu nhân rằng “số của đệ tứ thái tử Trần Ích Tắc thông minh, nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi”.
Hậu duệ nhà Trần ở Trung Quốc Ở phương Bắc, Trần Ích Tắc có được thêm người con thứ đặt tên là Trần Hữu Lượng, nhưng đến đây có sự mâu thuẫn trong sử sách nhà Minh và Đại Việt.Theo Minh sử thì Trần Hữu Lượng sinh ở tỉnh Hồ Bắc trong gia đình đánh cá. Ông nguyên họ Tạ, nhưng vì tổ tiên ở nhà họ Trần nên đổi sang họ Trần. Ông là con Trần Phổ Tài. Sau khi Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương bình định xong Vũ Xương có phong cho Trần Phổ Tài làm Thừa Ân hầu, con thứ của Trần Hữu Lượng làm Quy Đức hầu.

Hậu duệ nhà Trần của Đại Việt trở thành Hoàng đế Trung Hoa?
Trần Hữu Lượng nhận sắc phong từ nhà Nguyên (Tranh qua Ybook.vn, sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)

Theo các bộ sử Việt như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ, Đại nam thực lục, Đại Việt sử ký bản kỷ cùng gia phả nhà Trần để lại thì những ghi chép về Trần Hữu Lượng chi tiết và rõ hơn. Nhưng khác với sử nhà Minh, các bộ sử Việt đều khẳng định Trần Hữu Lượng là con thứ của Trần Ích Tắc.
Các bộ sử Việt khác như Đại Việt Sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều có nhắc đến Trần Hữu Lượng qua các sự kiện có liên quan, đặc biệt là hai lần Trần Hữu Lượng muốn được liên minh với Đại Việt đều có ghi chép.
Theo ghi chép của nhà Trần thì Trần Ích Tắc có người con là Trần Hữu Lượng ở Hồ Bắc. Khi ông qua đời, con cả là Trần Hữu Thành thay cha dạy học cho Trần Hữu Lượng. Vì thế câu chuyện về cha mình xưa kia đúng sai thế nào thì Trần Hữu Lượng không tỏ tường, nhưng nguồn gốc từ nhà Trần của Đại Việt thì Trần Hữu Lượng lại rất rõ.
Trần Hữu Lượng biết tổ tiên mình là cụ tổ Trần Tự Minh thuộc nhóm tộc người Bách Việt ở vùng Mân Việt (nay thuộc Phúc Kiến – Trung Quốc), theo dòng người Bách Việt xuống phía Nam giúp vua An Dương Vương. Trần Tự Minh cùng Cao Lỗ từng là những vị tướng tài ba trụ cột, là hai cánh tay đắc lực giúp An Dương Vương nhiều lần đánh bại quân Triệu Đà.
Lúc bấy giờ, ở Trung Quốc nổi lên phong trào noi gương Đại Việt từng 3 lần đánh bại quân Nguyên, khiến nhiều cuộc khởi nghĩa chống Nguyên nổ ra. Trần Hữu Lượng âm thầm dùi mài kinh sử, học theo cuốn sách Đông A võ phái của cụ tổ là Trần Tự An.

Khởi nghĩa chống quân Nguyên, xin “hòa thân” với nhà Trần

Năm 1354, Trần Hữu Lượng tham gia khởi nghĩa chống quân Nguyên. Nhớ lại nguồn gốc từ nhà Trần ở Đại Việt của mình, ông cho người sang gặp vua Trần Dụ Tông muốn được “hòa thân”.
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép rằng: “Giáp Ngọ, [Thiệu Phong] năm thứ 14 [1354], (Nguyên Chí Chính năm thứ 14). Mùa xuân, tháng 2, quan trấn giữ biên giới phía Bắc cho chạy trạm tâu việc Trần Hữu Lượng nước Nguyên dấy binh, sai sứ sang xin hòa thân (Hữu Lượng là con Trần Ích Tắc)”.
Sách Việt sử tiêu án có ghi chép rằng: “Trần Hữu Lượng khởi binh ở Giang Châu, sai sứ giả sang nước ta xin hòa (Hữu Lượng là con của Ích Tắc, cuối đời Nguyên cùng vua Minh Thái Tổ khởi binh).”
Tuy nhiên từ khi Trần Ích Tắc chạy theo quân Nguyên, nhà Trần đã xem ông ta như kẻ phản bội và không công nhận là dòng tộc nữa, nên đã từ chối “hòa thân”.

Hậu duệ nhà Trần của Đại Việt trở thành Hoàng đế Trung Hoa?
Nhà Trần xử rất nghiêm đối với những kẻ phản bội (Tranh qua Ybook.vn, sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)

Việc Trần Hữu Lượng mới khởi binh đã muốn “hòa thân” với nhà Trần cho thấy nhiều khả năng ông ta là con Trần Ích Tắc. Nếu không phải con của Trần Ích Tắc thì một người lúc mới khởi binh, không có tên tuổi hay sự nghiệp gì, thì dựa vào cớ gì mà dám “hòa thân” với nhà Trần? Nhà Trần đương nhiên cũng chẳng có lý do gì để “hòa thân” với một cuộc khởi nghĩa chưa hề có tiền đồ gì cả.
Sự việc Trần Hữu Lượng tham gia khởi nghĩa cũng được ghi chép trong cuốn gia phả của hậu duệ Trần Quốc Toản là “Viêm phương Trần tộc lưu phả”. Theo đó thì hậu duệ Trần Quốc Toản theo quân khởi nghĩa của Trần Hữu Lượng rất đông. Điều này cho thấy Trần hữu Lượng thật sự có khả năng chính là hậu duệ nhà Trần. Vì thời đó có rất nhiều cuộc khởi nghĩa chống quân Nguyên khác còn mạnh hơn, vậy mà hậu duệ của Trần Quốc Toản lại về theo Trần Hữu Lượng. (Xem bài: Viêm phương Trần tộc Lưu phả: Trần Quốc Toản không hề tử trận)

Trở thành Hoàng đế Trung Hoa

Theo Minh sử ghi chép thì năm 1354, nhờ sự giới thiệu của Từ Thọ Huy, Trần Hữu Lượng tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Nghê Văn Tuấn và trở thành một trong những trụ cột của nghĩa quân.
Năm 1357, ông giết Nghê Văn Tuấn vì y âm mưu định giết Từ Thọ Huy. Sau đó Trần Hữu Lượng tự xưng là Tuyên úy sứ kiêm Bình chương chính sự, khởi binh tấn công các lộ thuộc Giang Tây. Ông trở thành tổng chỉ huy quân đội các vùng Giang Tây, An Huy, Phúc Kiến.
Năm 1359, sau nhiều trận thất bại, quân Nguyên hoàn toàn suy yếu. Trong số các cuộc khởi nghĩa chống Nguyên thì mạnh nhất chính là quân của Trần Hữu Lượng, yếu hơn là đội quân của Trương Sĩ Thành, Chu Nguyên Chương. Cũng trong năm này Trần Hữu Lượng xưng làm Hán vương.

(Ảnh qua Kknews.cc)
Năm 1360, trước sức mạnh vượt trội của mình, Trần Hữu Lượng xưng là Hoàng đế. (Ảnh minh họa qua Kknews.cc)

Năm 1360, trước sức mạnh vượt trội của mình, Trần Hữu Lượng xưng là Hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Hán, niên hiệu là Đại Nghĩa, tiếp tục đánh đuổi tàn dư của quân Nguyên và thu phục các cuộc khởi nghĩa chống Nguyên khác.
Nếu như Trần Hữu Lượng thật sự là con của Trần Ích Tắc, thì thực chất hậu duệ của nhà Trần đã trở thành Hoàng đế Trung Hoa.

Lưu Bá Ôn – Tiếc nuối lớn nhất của Trần Hữu Lượng

Năm 1360, Trần Hữu Lượng dẫn đại quân thủy bộ tiến đánh Chu Nguyên Chương. Quân Chu Nguyên Chương dù yếu hơn nhiều, nhưng ông ta lại có được vị quân sư lừng danh trong lịch sử là Lưu Bá Ôn. Người Trung Quốc vẫn có câu rằng:
Vạn thế quân sư Gia Cát Lượng

Nhất thống thiên hạ Lưu Bá Ôn

Khi đại quân do đích thân Trần Hữu Lượng tiến đến, quân tướng của Chu Nguyên Chương nhiều người e sợ, xuống tinh thần, có ý kiến nên lui binh về cố thủ Trung Sơn (Tử Kim Sơn, Đông Giao, Nam Kinh), có mưu sĩ cho rằng tốt nhất nên đầu hàng rồi sáp nhập vào quân của Trần Hữu Lượng. Chu Nguyên Chương lắng nghe chưa biết thế nào, nhìn lại thấy Lưu Bá Ôn vẫn lặng thinh, đoán biết ông ta đã có diệu kế nên ra lệnh ngừng tranh luận để gặp riêng Lưu Bá Ôn.
Chu Nguyên Chương mời Lưu Bá Ôn vào phòng riêng rồi hỏi: “Địch đã tới gần, tiên sinh có cao kiến gì chăng?”. Lưu Bá Ôn đáp rằng: “Kẻ địch kiêu ngạo, thì nên dụ địch vào sâu rồi dùng phục binh tiêu diệt”.
Sau khi bàn tính, Chu Nguyên Chương cho bạn cũ trước đây của Trần Hữu Lượng là Triệu Khang Mậu Tài trá hàng, sai một lão bộc mang thư đến cho Trần Hữu Lượng nói cứ đưa quân đánh vào thành Ứng Thiên, còn mình sẽ làm nội ứng ở cửa thành vào bắt Chu Nguyên Chương.

Lưu Bá Ôn (Tranh sưu tầm)
Lưu Bá Ôn (Tranh sưu tầm)

Trần Hữu Lượng rất mừng, nhưng cũng nghi ngờ, cất vấn lão bộc đưa thư nhiều điều nhưng lão này đều trả lời rất trôi chảy.
Trần Hữu Lượng đưa quân đến nhưng rất thận trọng vì nghi có thể chỉ là trá hàng. Tuy nhiên đến cầu Giang Đông thì quân Trần Hữu Lượng vẫn bị tập kích bất ngờ, thiệt hại nhiều không kể xiết. Trần Hữu Lượng nhờ các tướng hộ vệ, lên thuyền nhỏ mới chạy thoát.
Năm 1361, Chu Nguyên Chương tiến đánh Giang Châu, nhờ mưu kế của Lưu Bá Ôn mà quân Chu Nguyên Chương thắng trận, Trần Hữu Lượng phải cho quân rút về Vũ Xương. Biết mình bại bởi mưu kế của Lưu Bá Ôn, Trần Hữu Lượng đã nói rằng: “Dưới tay ta thiếu một mưu sĩ như Lưu Bá Ôn. Sau này kẻ tiêu diệt ta, chắc chắn chính là Bá Ôn rồi. Chả lẽ ý trời nghiêng về Chu Nguyên Chương, nên mới sai Bá Ôn tới trợ giúp đó chăng?”
Trận chiến cuối cùng Đại Việt sử ký toàn thư cùng các sách sử khác đều đề cập đến sự việc vào năm 1361, để đương đầu với Chu Nguyên Chương, Trần Hữu Lượng lại cho người sang Đại Việt xin hợp quân. Tuy nhiên vua Trần Dụ Tông vẫn cự tuyệt với dòng họ của Trần Ích Tắc và nhất quyết không mang quân trợ giúp.
Theo Minh sử các cuộc giao tranh giữa Trần Hữu Lượng và Chu Nguyên Chương sau đó đều bất phân thắng bại. Năm 1363 diễn ra trận chiến trên hồ Bà Dương, quân của Trần Hữu Lượng có 60 vạn, Chu Nguyên Chương có 20 vạn quân.

Trận chiến trên hồ Bà Dương. (Ảnh minh họa qua Pinterest)

Với lực lượng mạnh hơn, sau ba ngày đại chiến dữ dội, quân của Trần Hữu Lượng giành được chiến thắng. Tuy nhiên khi nhận thấy các thuyền của Trần Hữu Lượng đều to lớn và sát vào nhau, Chu Nguyên Chương đã nghe lời khuyên, dùng hỏa công lật ngược được thế cờ. Trần Hữu Lượng bị tử trận trong cuộc chiến này.
Trần Hữu Lượng mất, con là Trần Lý lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Đức Thọ. Năm sau Chu Nguyên Chương đưa quân đến thành Vũ Xương đánh bại Trần Lý, chính thức đánh bại triều đại do Trần Hữu Lượng dựng lập nên.
Dù Vương triều của Trần Hữu Lượng chỉ tồn tại vài năm ngắn ngủi, nhưng nếu theo như sử Việt ghi chép, thì đã có một Hoàng đế Trung Hoa mang dòng máu Đại Việt.

Nuối tiếc lớn nhất của nhà Trần?

Sau khi Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh, thì năm 1368, vua Trần Dụ Tông của Đại Việt phải sang thần phục nhà Minh. Ở Đại Việt, năm 1399, Hồ Quý Ly xử tử 370 tướng lĩnh tôn thất nhà Trần, năm 1400 thì lên ngôi vua. Tuy nhiên, cha con Hồ Quý Ly cũng nhanh chóng đầu hàng khi bị quân Minh tiến đánh.
Đây là lần duy nhất Đại Việt bị mất quyền tự chủ bởi phương Bắc tính từ thời Ngô Quyền (năm 939) đến nay. Quân Minh đã vơ vét rất nhiều tài nguyên của Đại Việt. Nhiều người tài giỏi, thầy thuốc có tiếng bị bắt sang phục vụ cho nhà Minh, ví như Hồ Nguyên Trừng là nhân tài người Việt đã sang nhà Minh và sáng tạo ra súng thần công rất nổi tiếng thời đó.

(Tranh qua Ybook.vn, sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)
Quân Minh đối xử tàn bạo với người dân Đại Việt (Tranh qua Ybook.vn, sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)

Một số nhà nghiên cứu tiếc nuối cho rằng, nếu vua Trần Dụ Tông liên minh với Trần Hữu Lượng, thì nhiều khả năng Trần Hữu Lượng sẽ thống nhất Trung Hoa với một triều đại vững chắc, không phải chỉ vài năm ngắn ngủi mà là tồn tại hàng trăm năm. Hai triều đại nhà Trần của hai nước sẽ tương hỗ với nhau, và như thế cũng sẽ không xảy ra cái họa Hồ Quý Ly cướp ngôi, Đại Việt cũng không bị xâm chiếm đô hộ bởi nhà Minh. Lịch sử quả thật đã có thể đi theo một chiều hướng khác.
Trần Hưng

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Người Đà Lạt

        Hơn 50 năm trước, có một tân sinh viên nghèo đi từ Huế vào Đà Lạt. Anh học trò nghèo tay trắng, xách vali vào Đà Lạt để theo học tại Trường cao đẳng Kiến trúc. Người đầu tiên anh gặp là một nữ sinh cấp hai: “Cô ơi cho tui hỏi đường tới nhà trọ này”. Nghe chỉ đường xong, anh đi và ngoái lại hỏi thêm một câu: “Gạo một ký bao nhiêu?”, cô gái giơ hai ngón tay: “Hai đồng”.
Sau đó, vì học giỏi, anh được giới thiệu dạy kèm cho các gia đình ở trung tâm thành phố. Cậu sinh viên trở thành gia sư cho cô gái và các em của cô, rồi trở nên thân thiết với gia đình. Nhiều năm sau, họ thành vợ chồng.
Đó là câu chuyện của cha mẹ tôi. Sau này, hai ông bà giao hẹn là mỗi khi giận nhau, không quan trọng là lỗi của ai, chỉ cần một người giơ hai ngón tay lên thì xí xóa làm hòa, không giận nữa.
Cha tôi, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, sau này có lần nói, ông thành công ở xứ người, vì luôn tự nhủ phải ráng học thật giỏi để xứng đáng với tình cảm của mẹ tôi. Một trong những điều tự hào nhất mà cha tôi đã làm cho mẹ, là đánh điện tín báo tin mừng cho mẹ biết đầu tiên ngay sau khi thắng giải Khôi nguyên La Mã, và sau khi tin đó lan truyền ra toàn Đà Lạt và cả nước, nhiều lãnh đạo và những người thân quen tấp nập đến chúc mừng ông bà ngoại và mẹ tôi. Sau khi du học Pháp về, một trong những nơi đầu tiên ông quay lại để giúp xây dựng chính là Đà Lạt. Ông thường nói với tôi, Đà Lạt là một trong những nơi rất khó làm quy hoạch, vì giá trị cốt lõi của thành phố không phải công trình, mà là thiên nhiên.
Sau này, cha mẹ tôi về TP HCM sống và làm việc, dù lên phố núi nhiều lần lúc còn bé, nhưng mãi tới khi học cấp hai, tôi mới thực sự "phải lòng" Đà Lạt. Đó là một buổi sáng, thức dậy, mở cửa sổ, tôi thấy xung quanh chỗ nào cũng mờ ảo sương mù. Tôi cảm giác mình bỗng chốc rơi vào xứ thần tiên nào đó. Những tháng ngày niên thiếu ấy đối với tôi, sương mù trở thành người nghệ sĩ tuyệt vời. Bất kỳ công trình nào sau làn sương đều biến thành lâu đài. Cảm xúc ấy vẫn còn trong tôi đến tận bây giờ. Mà đến sau này, cho dù ở Paris, London, Rome, New York, ... tôi đều không thể có được cảm xúc tương tự.
Đà Lạt với tôi là nơi rất đẹp, mộng mơ, người dân thân thiện. Nhưng càng về sau này, tôi cảm thấy buồn vì Đà Lạt mất dần đi những thứ đó. Mà sự mất mát là bởi con người.
Một trong những điều làm tôi lo lắng là dự án quy hoạch lại trung tâm Đà Lạt sẽ biến cô gái má hồng e thẹn thành cô gái thành thị lạnh lùng. Đề án đó, theo tôi chưa giải quyết được các vấn đề quan trọng nhất của thành phố: lợi ích về kinh tế, văn hóa lịch sử, và môi trường.
Thứ nhất, về khía cạnh kinh tế. Phải phân biệt sự khác nhau hoàn toàn giữa một quy hoạch trung tâm của thành phố du lịch cao nguyên với quy hoạch dự án địa ốc.
Tại sao nói đây là một dự án địa ốc? Bởi những thay đổi quan trọng nhất của dự án là lấy đất công chuyển thành mục đích thương mại: đẩy Dinh Tỉnh trưởng về một góc để nó thành công trình phụ và xây lên một khách sạn cao tầng trên đồi Dinh; lấy một khu đất công khác xây lên một trung tâm thương mại ngay giữa khu Hòa Bình - trái tim Đà Lạt. Những khu nhà phố trung tâm, dãy nhà cao tầng chạy từ Hồ Xuân Hương đến chợ và chung quanh, trong đó có nhiều miếng đất công sẽ bị đập bỏ.
Nếu nhà nước giao đất cho nhà đầu tư, đền bù giải tỏa hết những khu vực này thì chỉ có chủ dự án bất động sản được lợi bởi vì họ sẽ có tầm nhìn đẹp hơn, thoáng hơn, giá trị của bất động sản tăng lên. Gánh nặng ngân sách để giải tỏa thì nhà nước chịu. Người dân, du khách cũng không được lợi bao nhiêu, vì dịch vụ thương mại thì làm ở đâu mà chẳng được.
Không cần các dự án bất động sản lớn như khách sạn cao tầng đem thêm vào trung tâm thương mại, mà Dinh Tỉnh trưởng, rạp Hòa bình, chợ Đà Lạt, và quần thể những con đường nối vào khu trung tâm hoàn toàn có thể biến thành một khu trung tâm đi bộ hấp dẫn, thơ mộng và gia tăng giá trị rất nhiều cho Đà Lạt. Đầu tiên, chỉ cần làm vài việc: trồng cây xanh, sơn phết lại các công trình, chấn chỉnh lại biển quảng cáo, khuyến khích người dân dần dần thay mái nhà thành mái ngói và mái bằng thành vườn cây, giấu bồn nước tôn dưới mái ngói, sơn lại và trồng thêm nhiều cây và hoa trước sân nhà. Bộ mặt trung tâm Đà Lạt ngay lập tức sẽ đẹp hơn rất nhiều, mà không tốn kém bao nhiêu.
Ai đến Đà Lạt cũng muốn được đi bộ trên những con phố nhỏ xinh để tận hưởng không khí, nhìn ngắm cảnh quan. Nếu ta tiếp cận theo hướng lấy cộng đồng làm trung tâm, cho người dân tham gia vào dự án này, tạo điều kiện để họ tham gia chỉnh trang khu phố, và kinh doanh bằng chính ngôi nhà họ đang ở như làm dịch vụ thương mại, lưu trú bằng cách biến những con đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bùi Thị Xuân, Ba tháng Hai... thành những con phố đi bộ thì càng có lợi về lâu dài. Người dân có thu nhập, du khách thích thú vì được sống trong cộng đồng, họ sẽ đóng thuế cho nhà nước nhiều hơn. Trong khi nhà nước không tốn nhiều tiền đầu tư, đất công vẫn thuộc về thành phố, để cải tạo thành những công trình phúc lợi cộng đồng như bảo tàng, nhà hát đa năng, thư viện,... chứ không bị giao cho ai hết.
Nói về lợi ích kinh tế, cuối cùng vẫn phải nhìn vào thu nhập của ngân sách. Ngân sách có thể được lợi ban đầu bằng cách bán đất thu tiền, nhưng nếu mình không bán đất thì đất vẫn nằm đó và giá trị còn tăng lên trong tương lai. Nếu bán, tiền đó có khi không đủ để nâng cấp hạ tầng phục vụ các dự án mới của nhà đầu tư, và thu nhập của ngân sách có thể còn bị âm.
Thứ hai, về mặt lịch sử, đây là một sai lầm chiến lược. Đà Lạt là một đô thị có trên 100 năm phát triển, đã có khu lịch sử phố Pháp ở phía Nam và đừng quên là nó cũng có khu phố Việt. Đó chính là khu phố lịch sử của người Việt đã xây dựng hàng trăm năm tại khu vực Hòa Bình. Khu này có vai trò như khu vực 36 phố phường của Hà Nội, có tính vai trò lịch sử của riêng nó và gắn bó với người dân từ rất lâu. Nên nếu phá khu vực Hòa Bình để xây thành công trình hiện đại, tức chỉ trân trọng khu phố Pháp, phá bỏ khu phố Việt lịch sử, thì có lỗi lớn với tiền nhân.
Một thành phố du lịch phải kể được rất nhiều câu chuyện hấp dẫn, trong đó có câu chuyện nó đã phát triển như thế nào, có những sự kiện gì. Nếu mình đập đi xây lại hết thì Đà Lạt sẽ vô hồn. Du khách cũng không cần đi cả hàng trăm, nghìn km để để thấy Đà Lạt cũng giống như Singapore, TP HCM.
Thứ ba là giá trị môi trường. Những ai sống hoặc đã mến Đà Lạt thì đều biết, điều quan trọng nhất của Đà Lạt là khí hậu mát mẻ và sương mù - đặc sản của Đà Lạt. Cả hai thứ đó chỉ có được nếu giảm bê tông và tăng thêm cây xanh. Một phần giá trị của đô thị du lịch nghỉ dưỡng đã bị mất mát bởi sương mù bây giờ rất hiếm. Đà Lạt không hợp với những công trình có khối tích lớn, bởi triết lý phát triển của Đà Lạt phải là một thành phố ở trong rừng, đi theo hướng môi trường, cảnh quan, văn hóa, lịch sử chứ không cần thêm bản copy của các thành phố khác.
Để giải bài toán tương lai của thành phố chính là phải trồng thêm cây và tăng không gian mặt nước chứ không phải chặt cây đi. Việc mất bớt cây cối, tăng bê tông, sử dụng nhiều máy lạnh sẽ làm khí hậu Đà Lạt nóng lên, và có thể làm Đà Lạt mất sương mù mãi mãi.
Tôi rất hy vọng khi phát triển Đà Lạt, chúng ta hãy cân nhắc, đừng nên quá chạy theo tư duy mét vuông như ở TP HCM để có thể trả lại cho người yêu Đà Lạt và du khách những cảm giác nên thơ như tôi từng được hưởng.
Khi mình nhìn nhận khu trung tâm thành phố với một tầm nhìn rộng mở, tất cả mọi người sẽ đều có lợi. Và quan trọng nhất, ta vẫn giữ được giá trị của một đô thị nghỉ dưỡng, giúp cho ngân sách thành phố tăng lên. Còn nếu vội vã theo những quy hoạch dự án địa ốc không phù hợp thì có thể sau này, ta phải bỏ ra rất nhiều tiền của và công sức mà chưa chắc sửa chữa được sai lầm.
-----------------------
Theo bài viết của KTS Ngô Viết Nam Sơn - Con trai KTS Ngô Viết Thụ, người từng gắn bó và có những công trình kiến trúc tiêu biểu cho thành phố mộng mơ như Chợ Đà Lạt, Viện Nguyên Tử Đà Lạt...




Sưu tầm

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

VUA TRẦN NHÂN TÔNG CŨNG KHÔNG PHẢI NGƯỜI TRÊN MẶT ĐẤT



Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ (1258), là con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng thái hậu. Khi mới sinh toàn thân màu da như vàng ròng – sáng chói. Vua cha đặt tên là Phật Kim.

Sách Thánh Đăng ngữ lục chép: “Đến khi vua ra đời, màu da như vàng ròng. Thánh Tông đặt tên là Kim Phật…”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Được tinh anh của Thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng ròng, thần khí tươi sáng… tai cũng dài và mắt cũng dài. Vô cùng dị tướng

Vai bên tả có một nốt ruồi đen, các nhà tướng số cho rằng: ngày sau sẽ gánh vác việc lớn”.

Trần Nhân Tông: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần, song để tâm nơi kinh Phật”.

Có những giai thoại kỳ bí về ông vua này.

Mùa hạ năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông (lúc này đã xuất gia từ lâu) vào núi Yên Tử bảo hết những người cư sĩ theo hầu xuống núi, chỉ để lại 10 thị giả thường theo. Ngài lên ở am Tử Tiêu trên núi Yên Tử để giảng Truyền Đăng Lục cho thị giả Pháp Loa.
Theo sách "91 thiền sư Việt Nam" của Hòa thượng Thích Thanh Từ, từ đây Trần Nhân Tông leo khắp các núi, tìm kiếm các hang động và ở trong thạch động. Thị giả Pháp Loa thấy thế bèn thưa: “Tôn đức tuổi đã già yếu mà xông pha trong sương tuyết, lỡ có bề gì thì mạng mạch Phật pháp trông cậy vào ai?”. Ngài bảo: “Ta thời tiết đã đến, muốn tạo cái kế lâu dài vậy”.

Ta đã đến đây. Muốn tạo cái kế lâu dài. Phải chăng có một ẩn ý trong đó. Cái kế lâu dài phải chăng là đang nói tới điều chắc ai đọc tới đây cũng đã hiểu.

Vẫn theo tài liệu nói trên, ngày mùng 5 tháng 10 năm ấy, người nhà Công chúa Thiên Thụy lên núi bạch ngài rằng: “Công chúa Thiên Thụy bệnh nặng mong được thấy Tôn đức rồi chết”. Ngài bùi ngùi bảo: “Thời tiết đã đến vậy”. Ngày mùng mười ngài về đến kinh, dặn dò xong, ngày Rằm ngài trở về núi.

Phần về câu chuyện Trần Nhân Tông nói với công chúa Thiên Thụy thì sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép như sau: Năm 1308, niên hiệu Hưng Long thứ 16, ngày mồng 3 tháng 11, thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử. Bấy giờ Thượng hoàng xuất gia, tu ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Bà chị là Thiên Thụy ốm nặng, Thượng hoàng xuống núi, tới thăm và bảo: “Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay”.
Nói xong, Thượng hoàng trở về núi, dặn dò người hầu là Pháp Loa các việc về sau, rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa. Thiên Thụy cũng mất vào hôm đó”.

Theo sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ, ngày 19 Phật hoàng Trần Nhân Tông về tới núi Yên Tử. Ngài bèn sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu gọi đệ tử Bảo Sát đến gấp.
Hôm sau Bảo Sát quảy gói sang. Đi đến Doanh Tuyền thì thấy một vầng mây đen từ ngọn Ngọa Vân bay qua Lỗi sơn và hạ xuống Doanh Tuyền, nước đầy tràn lên cao mấy trượng, giây lát lại bình xuống. Lại thấy hai con rồng đầu bằng đầu ngựa, ngóc cao hơn trượng, hai con mắt như sao, chốc lát lại lặn xuống. Đêm ấy Bảo Sát nghỉ trong quán trọ dưới núi, mộng thấy điềm chẳng lành.

Ngày 21 Bảo Sát đến được am Ngọa Vân. Trông thấy Bảo Sát, Phật hoàng mỉm cười bảo: “Ta sắp đi đây, nhà ngươi sao đến trễ vậy? Đối với Phật pháp, ngươi có chỗ nào chưa rõ hãy hỏi mau”. Kế đó ngài vì Bảo Sát mà trả lời những điểm còn hoài nghi chưa rõ. Đến đêm ngày 1 tháng 11, ngài hỏi Bảo Sát: “Hiện giờ là giờ gì?”. Bảo Sát bạch: “Giờ Tí”. Ngài nói: “Đến giờ ta đi” rồi sau đó nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch.
Sau khi Phật hoàng diệt độ, theo lời di chúc, đệ tử Pháp Loa làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình đem về kinh sư. Lại nói chuyện đưa xá lị của Phật hoàng về kinh.
Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: “Pháp Loa thiêu xác Thượng hoàng được hơn 3.000 hạt xá lỵ mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư. Vua có ý ngờ. Các quan nhiều người xin bắt tội Pháp Loa. Hoàng thái tử Mạnh mới 9 tuổi, đứng hầu bên cạnh, chợt thấy có mấy hạt xá lỵ ở trước ngự, đưa ra cho mọi người xem, kiểm lại trong hộp, thì đã mất một số ít hạt. Vua xúc động đến phát khóc, trong lòng mới khỏi nghi ngờ".
Vua Trần Nhân Tông là một vị vua sáng trong lịch sử nước ta. Khi còn tại vị ngài đã góp công sức vào hai cuộc kháng chiến chống Nguyên lần 2 và lần 3. Đến khi nhường ngôi và xuất gia, ngài quyết chi vào núi tu tập và đã lập ra phái thiền Yên Tử quảng dương Phật pháp và làm sáng danh Phật giáo Việt Nam.

Tướng mạo và màu da thì chúng ta đã biết Trần Nhân Tông Thuộc chủng loại người không phải trên mặt đất rồi.

Điểm lại lịch sử lúc Vạn Hạnh hay Trần Nhân Tông xuất hiện đều là lúc đạo phật bị suy đồi, và không Hưng thịnh và lúc những người này xuất hiện lại làm cho đạo phật Hưng thịnh và mạnh trở lại

Chứng tỏ đã rõ ràng. Chúng là loại chống lại Thiên Chúa và cũng đã biết rõ ý đinh của Thiên Chúa. Ngài sẽ đổi vận mạng cho Dân Tộc Ammon con cái Ngài vào ngày sau này.

Nên chúng đã làm cho dân tộc này phải lún sâu và chìm đắm trong việc thờ tà thần. Để dân tộc này ra ngu muội và bị hư mất.

Satan quả thật đã tốn rất nhiều công sức ! Muốn tạo cái kế lâu dài như Trần Nhân Tông đã nói là đây.

Những khai quật Khảo cổ cho thấy những vị vua Ai cập xưa kia tướng mạo kỳ dị và màu da kỳ dị là có thật.

Chúng cũng chính là dân Aryan cổ. Dân dưới lòng đất tràn lên chiếm mặt đất.


Những tích truyện ngay xưa cứ cho rằng người tài giỏi dị tướng là như thế, giờ thì đã hiểu nguồn gốc của những người tài giỏi này. Ngày nay người tài giỏi cũng nhiều mà đâu có ai có dị tướng đâu. phải không?
Sưu tầm trên Facebook

CÂU HỎI ĐỘC ÁC TỪ NHỮNG ĐỨA TRẺ

Rồi đến một ngày, chúng sẽ đứng trước xã hội một cách ngạo mạn, hống hách và ác độc cất tiếng đòi hỏi và đe dọa xã hội bằng bạo lực.
Và nếu không được xã hội thỏa mãn những dục vọng của mình, chúng sẽ tàn phá xã hội một cách không thương tiếc...
Tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện mà nhà văn Mỹ Toni Morison đã kể trong bài diễn văn nhận giải Nobel văn học của bà năm 1993. Trong diễn văn quan trọng này, bà kể về một nhà tiên tri mù. Một hôm, có những đứa trẻ cầm một con chim đến trước bà. Chúng nhìn bà với một đôi mắt vô cảm và đầy thách thức rồi cất tiếng: "Này bà tiên tri, bà là một mụ già mù nhưng lại nhìn được tương lai. Vậy bà hãy nói cho chúng ta biết: con chim chúng ta đang cầm trong tay sống hay chết".
Bà tiên tri mù đã không trả lời câu hỏi của bọn trẻ. Bà ngước đôi mắt mù nhìn về phía xa. Bà nhìn thấy tương lai của những đứa trẻ và nhìn thấy một phần tương lai của thế giới thông qua những đứa trẻ đó, một tương lai của nỗi sợ hãi và sự đe dọa. Lòng bà đau đớn vô cùng. Bà biết rõ rằng: nếu bà nói con chim trong tay những đứa trẻ còn sống thì ngay lập tức chúng sẽ bóp chết con chim có trái tim bé bỏng đang đập những nhịp đập sợ hãi trong tay chúng. Số phận con chim kia phụ thuộc vào tình yêu thương của đứa trẻ. Cũng như số phận thế gian này phụ thuộc vào chính lòng yêu thương của con người. Câu hỏi của những đứa trẻ đã sinh ra từ sự vô cảm và đầy thú tính.
Câu hỏi xấc xược và độc ác ấy của những đứa trẻ đã minh chứng một cách hãi hùng về một thế giới mà con người bắt đầu không dùng tình yêu thương để xây dựng nó mà dùng bạo lực để thống trị nó. Sức mạnh để điều hành thế giới này đã và đang không còn là chủ nghĩa nhân văn nữa mà là bạo lực. Bạo lực của một kẻ mạnh (những đứa trẻ) đối với một kẻ yếu (con chim) cũng giống như bạo lực của một quốc gia này với một quốc gia khác. Những đứa trẻ hiện diện trước bà tiên tri mù chính là sự hiện diện của độc ác trước một giá trị tinh thần của thế giới. Bà tiên tri mù ấy, trong cách nhìn và suy ngẫm của tôi, chính là khát vọng, là trí tưởng tượng kỳ diệu và ngập tràn tính nhân văn và đó cũng là vẻ đẹp huyền ảo của đời sống thế gian. Và tất cả những điều tốt đẹp này đang càng ngày càng bị đe dọa, thách thức và nhạo báng một cách công khai.
Sự xuất hiện của những đứa trẻ với một câu hỏi xấc xược và độc ác đã gửi cho chúng ta một thông điệp cấp bách: thời đại của bạo lực đã công khai hóa và đang trở thành chiếc gậy điều khiển xã hội loài người. Bạo lực ấy cho đến ngày nay, chúng ta có thể hiểu rộng hơn các phía của nó. Một phía của nó được thể hiện bằng vũ khí và phía khác thể hiện bằng sự áp đặt xã hội con người và đe dọa xã hội con người phải tuân theo những luật lệ có lợi cho một nhóm người hay một quốc gia nào đó.
Bây giờ, nếu chúng ta khoanh sự lý giải của chúng ta vào những đứa trẻ đã cất lên câu hỏi xấc xược và độc ác kia, chúng ta nhận thấy, nền giáo dục của xã hội loài người chúng ta đã và đang đổ vỡ thảm hại. Có một đặc điểm khác biệt giữa những đứa trẻ trong thế kỷ 21 này và những đứa trẻ của mấy chục năm trước. Đó là sự rời bỏ tuổi thơ của những đứa trẻ bây giờ quá nhanh. Chúng đã không sống đủ và sống hết tuổi thơ của chúng. Đấy chính là điều nguy hiểm nhất khi mà những đứa trẻ kia lớn lên thành những chủ nhân của thế giới.
Thế giới đang từng ngày ăn cướp một cách trắng trợn tuổi thơ của những đứa trẻ. Trẻ em đang trở thành mục đích thương mại hóa của người lớn. Người lớn bóc lột sức lao động trẻ em trong các hầm mỏ, các công xưởng... và bóc lột sức lao động chúng ngay trong ngôi nhà của mình. Người lớn đang kinh doanh tình dục trẻ em. Người lớn dùng chiêu bài trẻ em để kinh doanh tiền bạc và chính trị. Chúng ta áp đặt những phương pháp giáo dục trẻ em từ gia đình đến nhà trường một cách quá nguyên tắc. Chúng ta quên lãng tuổi thơ của chính con cái mình. Chúng ta sống với một cuộc sống đầy tham vọng và mưu mô, chúng ta thực sự đang trẻ em hóa những dục vọng của chúng ta.
Một đứa trẻ hiện nay trong một ngày được tiếp cận bao nhiêu phần trăm những điều tốt đẹp so với những gì thuộc về một đời sống bạo lực? Thực tế cho thấy rất ít. Các thông tin về bạo lực và xung đột trên các phương tiện thông tin đại chúng của thế giới đã lấn át những thông tin văn hóa và nhân văn. Cùng lúc đó, một khoảng trống quá lớn đã bày ra trước những đứa trẻ mà chúng phải tự quyết định lấy những vấn đề vô cùng quan trọng để hình thành nhân tính. Đó là khoảng trống tạo nên bởi sự vô trách nhiệm và bỏ mặc của người lớn.
Tất cả những gì chúng ta đã và đang làm đã trực tiếp và gián tiếp cướp đi những tơ non, những trong sáng, những tưởng tượng... của trẻ em. Chính những điều ấy đã làm cho những đứa trẻ phải rời bỏ tuổi thơ của mình. Những đứa trẻ ấy bước vào cuộc sống tự lập quá sớm và phải chống chọi lại tất cả những điều tệ hại, xấu xa nhất đang hiển hiện trong xã hội. Những đứa trẻ vô tình trở thành những con ngựa đua vô ý thức cho những cuộc cá cược tài chính và cả chính trị của người lớn.
Thay vào sự chiêm ngưỡng đầy run rẩy và đầy tưởng tượng những tổ chim hay những con chim là một thách thức giá lạnh đến hãi hùng. Trong khi chờ câu trả lời của bà tiên tri mù, những ngón tay bé bỏng nhưng vô cảm như những gọng kìm sắt của những đứa trẻ đang từ từ xiết chặt. Và chỉ cần câu trả lời của bà tiên tri mù cất lên chạm vào sự thách thức độc ác của chúng, những đứa trẻ sẽ xiết chặt những ngón tay ấy để bóp nát trái tim bé bỏng như một hạt đỗ đang đập run rẩy và hoảng sợ của con chim một cách không thương tiếc. Nhưng sự thật thì những bàn tay độc ác trong tâm hồn đã giết chết con chim nhỏ bé kia một cách dửng dưng ngay từ khi chúng có ý định đến trước nhà tiên tri mù để thách thức bà. Đó chính là sự kiêu khích và đe dọa của một xã hội bạo lực. Nó kiêu khích và đe dọa chủ nghĩa nhân văn của xã hội loài người.
Hình ảnh những đứa trẻ kia không còn là một hình ảnh của sự sáng tạo mang tính cảnh báo của một nhà văn và cũng không phải là một hình ảnh đơn biệt trong xã hội nữa. Nó là một hiện thực có ở quanh đời sống chúng ta. Hiện thực đó đã và đang công khai cưỡng dâm một đứa bé, công khai chém xối xả một bà già để cướp của, công khai xả súng như một trò chơi vào một đám đông, công khai xúm vào đánh đập cho đến chết một sinh viên ngoại quốc, công khai túm tóc một người mẹ sinh ra chúng, công khai vừa đua xe vừa trêu chọc cảnh sát giao thông, công khai đánh hội đồng một bạn học rồi quay clip đưa lên mạng như một trò tiêu khiển...;
Tất cả những hành động đó cũng chính là hình ảnh những đứa trẻ, hiện thân của cái ác đang thách thức chủ nghĩa nhân văn của toàn nhân loại, mà nhà văn Toni Morison nói đến. Nó cho thấy một xã hội đang quá sợ hãi cái ác và nhiều dấu hiệu của sự nhụt trí trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác. Nếu không muốn nói ở đâu đó và một lúc nào đó đã vô tình sống chung với cái ác. Nó cho thấy những giá trị nhân văn đang bị lấn át và đang bị dồn vào những phần đất hẹp. Nó cho thấy chúng ta đã mắc quá nhiều sai lầm trong việc nhận thức những giá trị đích thực của đời sống và trong việc làm cho cái đẹp lan tỏa vào đời sống.
Nếu chúng ta lùi sâu hơn nữa vào đời sống ngay sau bậc cửa ngôi nhà của mình, chúng ta sẽ nghe được những câu nói của con cái chúng ta. Những câu nói tưởng giản đơn nhưng là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy những đứa trẻ đó đang lớn lên trong một đời sống hưởng lạc và vô trách nhiệm. 
- Mẹ phải trả cho con 100.000 đ thì con mới quét nhà;
- Con trông bà nội cả sáng nay trong bệnh viện, bố phải trả công con đấy;
- Bố phải chi tiền cho con hàng ngày con mới đi học;
- Không có Vespa là con ngày nào cũng đi học muộn đấy;
- Nếu bố mẹ còn tiếp tục nói con, con sẽ không về nhà nữa.
Và không ít những bậc cha mẹ đã vui vẻ chấp hành những đòi hỏi vô lý ấy của con cái. Họ đã và đang đầu hàng trước những đòi hỏi hay có thể nói đó là những thách thức đầu tiên của những đứa trẻ này. Rồi đến một ngày nào đó, những đứa trẻ này có thể đến trước mặt cha mẹ hay những người khác trong xã hội và đưa ra những yêu cầu vô lý, láo xược và bắt mọi người phải phục tùng chúng. Nếu không chúng sẽ có những hành động trừng phạt như chúng từng trừng phạt cha mẹ chúng bằng cách bỏ ăn, bỏ học, bỏ nhà và làm những điều mà cha mẹ chúng sợ hãi. Rồi đến một ngày, chúng sẽ đứng trước xã hội một cách ngạo mạn, hống hách và ác độc cất tiếng đòi hỏi và đe dọa xã hội bằng bạo lực. Và nếu không được xã hội thỏa mãn những dục vọng của mình, chúng sẽ tàn phá xã hội một cách không thương tiếc như những đứa trẻ cầm trên tay con chim đang sống kia./.

Theo Tuanvietnamnet