Bạn đang ngồi tại
bàn họp với các đồng nghiệp để tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề. Nhiều ý
kiến được nêu ra nhưng không có cái nào thực sự xuất sắc.
Đột nhiên bạn nảy ra một ý tưởng hay. Cả căn phòng im lặng. Ý tưởng đó bị gạt đi, và sự hỗn loạn quay trở lại.
Một
tuần sau đó, sếp của bạn trình bày một ý tưởng giống hệt. Sếp bạn tỏ ra
tự hào trước sự tán thưởng của mọi người. Trong khi đó trong đầu bạn
chỉ nghĩ cách làm sao để tố cáo sự gian lận của bà sếp.
Nhiều người đã trải qua những tình huống tương tự.
Trong
một cuộc khảo sát vào năm 2015 đối với 1.000 lao động, cứ năm sếp thì
có một người thừa nhận thường xuyên ăn cắp ý tưởng của nhân viên.
Tệ
hơn cả, tất cả mọi người đều thừa nhận đã từng đánh cắp ý tưởng ít nhất
một lần. Gần một nửa những người được khảo sát nói họ cho rằng ý tưởng
của mình đã bị đánh cắp để đánh bóng tên tuổi cho người khác.
Tuy
nhiên các nghiên cứu chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp, các đồng nghiệp
của bạn thậm chí còn không nhận ra là họ đang đánh cắp ý tưởng của bạn.
Đó
là hội chứng 'cryptomnesia' - một vấn đề về trí nhớ khiến người ta nhầm
tưởng một ký ức là một ý tưởng sáng tạo. Nó đã được nhắc đến trong
những trường hợp các bài nhạc kinh điển bị tố đạo nhạc hay một bác sỹ
tuyên bố đã tìm ra một phương pháp mới dù nó đã được sử dụng nhiều năm
trời.
Những người thích ăn cắp có lẽ sẽ nghĩ lý thuyết này khá tiện cho họ.
Thế
nhưng hãy thử nghĩ xem: Bạn có thể nhớ gì được mình đã nghe về cái chết
của David Bowie ở đâu? Hay bạn đã biết được về emoji (các ký tự biểu
cảm) khi nào?
Rất khó để nhớ về nguồn gốc của những gì bạn biết.
Đó là bởi vì có hai loại ký ức dài hạn có thể được nhớ lại một cách có ý
thức.
Ví dụ như bạn đang tham dự một cuộc họp. Trong khi ngồi họp
thì não của bạn lại bận bịu với việc cập nhật về những sự kiện trong
cuộc đời bạn - những thông tin như nơi chốn, thời gian, ai đang nói gì,
thời tiết ra sao - một chuỗi những trải nghiệm cá nhân nối tiếp nhau. Đó
là 'ký ức tình tiết'.
Ngoài ra, bạn còn phải nhớ về nội dung thực sự của các cuộc nói chuyện.
Dù
những thông tin này ban đầu được lưu trữ ở cùng một nơi với ký ức tình
tiết, nhưng tất cả những kiến thức thu thập được sẽ được tách ra và nối
với những kiến thức thu thập trước đó trong 'ký ức nội dung'.
Được lưu giữ trong phần 'ký ức nội dung' là những thứ như các thành phố thủ đô trên thế giới, hay các công thức toán học.
Hệ thống kép này giúp việc nhớ lại các thông tin hiệu quả hơn.
Tuy
nhiên, nếu không có những ngữ cảnh ban đầu, việc nhớ lại các ký ức có
thể mang lại cảm giác phấn chấn nguỵ tạo. Và nếu bạn chợt nhớ ra một đề
nghị từ cuộc họp trước đó, bạn sẽ khó nhớ ra nó xuất phát từ ai.
Một khi đã hiểu về điều này, bạn sẽ nhận ra những trường hợp này xuất hiện khá thường xuyên.
Bạn
sẽ luôn bị ám ảnh là mình đang kể lại một chuyện đùa trước mặt người
đã nghĩ ra nó, hay những lý lẽ bạn đang sử dụng là sao chép từ một bài
báo mà bạn vừa đọc khi sáng.
Đây không phải là một hiện tượng hiếm thấy.
"Hầu
hết thời gian chúng ta luôn có những ký ức được dựng lên bên trong bộ
nhớ của mình mà không hề hay biết," Elizabeth Loftus, một nhà tâm lý học
tại Đại học Washsington, nói.
Thế nhưng tại chốn văn phòng thì
không phải mọi hành động đánh cắp ý tưởng đều là do vô tình. Vậy điều
này phổ biến tới đâu? Và làm sao bạn biết là nó đang xảy ra?
Quy trình vô thức
Trong
một thử nghiệm, những người tình nguyện được yêu cầu liệt kê các tên
vào những danh mục, ví dụ như danh mục động vật bốn chân.
Sau đó, những người tham gia được yêu cầu chỉ ra những từ mà họ đã đóng góp - chó, cừu, voi, v.v... Những người tình nguyện tham gia đã 'nhận vơ' một cách vô thức các từ mà người khác đưa ra ở mức 9,8%.
Khó để biết chắc chắn, nhưng có những điều kiện phổ biến khiến crytomnesia xảy ra.
Đầu tiên, điều dễ hiểu nhất là những ý tưởng hay thường dễ bị ăn cắp hơn những ý tưởng tồi.
Thêm
nữa, các nghiên cứu cho thấy không chỉ chất lượng của một ý tưởng là
quan trọng, mà còn uy tín của những người đưa ra nó nữa.
Bạn sẽ dễ
bị ăn cắp ý tưởng từ những đồng nghiệp cùng giới tính, và trong những
môi trường hỗn loạn, sẽ khó để mọi người có thể nhớ ai đã đưa ra những
sáng kiến nào.
Bên cạnh đó, hiệu ứng 'người kế tiếp' cũng có tác động lớn.
Người
tiếp theo phát biểu sẽ dễ đánh cắp ý tưởng của người trước đó, có thể
vì họ bận đợi tới lượt phát biểu của mình nên không để ý.
Ngay cả
việc họp nhóm cũng không an toàn, vì việc tham gia vào thảo luận để dẫn
đến một ý tưởng nào đó có thể khiến các thành viên nhóm nghĩ rằng nó là
của mình.
Hội tụ sự sáng tạo
Trong
ngành quảng cáo, nơi việc tham khảo các ý tưởng khác là một phần của
quy trình công việc, các lãnh đạo phải chiến đấu với hội chứng
cryptomnesia mỗi ngày.
Karen Corrigan, nhà sáng lập hãng quảng cáo Happiness Brussels, hiểu rất rõ điều này.
"Nó
xảy ra, và xảy ra khá thường xuyên", bà nói. "Những chuyên gia thiết kế
ý tưởng, vốn thường xuyên nghiên cứu các quảng cáo trước đó, thường ghi
nhớ chúng một cách vô thức và sau đó lại đưa ra những ý tưởng tương
tự."
Chất lượng của một nhân viên tuỳ thuộc vào phản ứng
của họ khi nhận ra điều này. Sự sáng tạo là vấn đề danh dự - hầu hết
thời gian đó là một lỗi do vô ý. "Những nhân viên tốt sẽ nghĩ rằng 'à,
cái này đã được làm rồi', và ngưng tại đó. Họ muốn sử dụng ý tưởng của
chính mình."
Thế nhưng sự việc không quá tệ.
Có câu nói rằng
không có gì là nguyên bản thực sự. Trong một thử nghiệm, các nhà nghiên
cứu đã cho những người tham gia xem những tấm hình vẽ các sinh vật phi
thực ngoài vũ trụ, và sau đó yêu cầu họ tự vẽ sinh vật của riêng mình.
Mặc
dù sản phẩm sau đó là của riêng họ, nhưng những người tình nguyện này
cũng đã lấy rất nhiều ý tưởng từ các sinh vật họ được xem trước đó. Cái
mà người này gọi là hội chứng cryptomnesia lại có thể được người khác
gọi là sự học hỏi.
Đây là điều mà Richard Beer, Giám đốc mảng sáng tạo tại Don't Panic London, có thể hiểu được.
"Khi
tất cả mọi người đều đọc cùng một báo cáo, họ dễ có cùng một suy nghĩ.
Ngay cả khi bạn ghi lại một buổi thảo luận và xem lại, cũng sẽ rất khó
để biết ai đã nghĩ ra ý tưởng nào đó trước."
Rất khó để nhận biết
hành động ăn cắp là có chủ đích hay không. Vì thế, Loftus khuyên nên tập
trung vào việc tránh bị ăn cắp ý tưởng.
Điều này bao gồm việc
tham gia các cuộc họp một cách có tổ chức - hãy ghi ra giấy khi cần
thiết và luôn luôn để ý ai đang nói gì - một thao tác mà các nghiên cứu
đã chứng minh là giúp tránh hộ chứng cryptomnesia tốt hơn.
Và có
những kẻ cắp mà bạn không thể thắng được: Pabllo Picasso, Steve Jobs,
Thomas Edison, Henry Ford... Rất nhiều thiên tài trong lĩnh vực của mình
đã sao chép từ đối thủ. Có lẽ điều quan trọng không phải là bạn đã nghĩ
ra ý tưởng đó ở đâu, mà là bạn sẽ làm gì với nó.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên
BBC Capital.