Trang

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Tầm quan trọng của kế toán trưởng trong doanh nghiệp

Quy mô hoạt động kinh tế càng lớn, sản xuất, xã hội càng phát triển thì nội dung công tác kế toán càng mở rộng vị trí, vai trò của kế toán càng được nâng cao, trách nhiệm, quyền hạn của mọi người đứng đầu bộ máy kế toán là Kế toán trưởng ngày càng quan trọng
I. Vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Kế toán trưởng trong các văn bản pháp luật của Việt Nam.
Kế toán là công cụ quản lý kinh tế, tài chính cần thiết cho bất cứ chế độ kinh tế – xã hội nào. Quy mô hoạt động kinh tế càng lớn, sản xuất, xã hội càng phát triển thì nội dung công tác kế toán càng mở rộng vị trí, vai trò của kế toán càng được nâng cao, trách nhiệm, quyền hạn của mọi người đứng đầu bộ máy kế toán là Kế toán trưởng ngày càng quan trọng. Vị trí, vai trò của kế toán trưởng qua các thời kỳ tuy có biến động về kinh tế, chính trị nhưng vẫn được quan tâm và được xác định cụ thể trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, có thể kể ra như sau:

1. Thời kỳ từ 1946 đến 1980: Thời kỳ khởi đầu hình thành, xây dựng củng cố và thống nhất hệ thống kế toán Việt Nam.
Trong những năm đầu xây dựng đất nước và kháng chiến chống Pháp hoạt động tài chính là phục vụ công cuộc kháng chiến cứu quốc, công cụ kế toán được hình thành để ghi chép thu, chi tài chính sơ khai của Chính phủ vừa bằng hiện vật, vừa bằng tiền. Năm 1948 Bộ Tài chính ban hành Nghị định số 1535VP/TĐQ ngày 25/9/1948 về Thể lệ thu chi và Kế toán đại cương. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về kế toán, trong đó có quy định chức danh Chủ nhiệm hoặc Phụ nhiệm thu, thu chi ở các đơn vị trung ương và địa phương (nay là Kế toán trưởng và Phó kế toán trưởng) có quyền ký duyệt và kiểm soát các hoạt động thu, chi, số dự thu, dự chi và tổ chức kế toán các hoạt động thu, chi tại các đơn vị kinh tế, ngân sách.
Ngày 22/10/1961 Chính phủ ban hành Nghị định số 175/CP về Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước trong đó có chương III nói về Kế toán trưởng và sau đó 10/9/1970 ban hành Nghị định số 176/CP thay thế chương III trong Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước, trong Điều lệ khẳng định: Ở các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp phải đặt chức vụ Kế toán trưởng, Kế toán trưởng tổ chức và lãnh đạo công tác kế toán là kiểm soát viên của Nhà nước đặt vị tại xí nghiệp.Riêng lĩnh vực kế toán các đơn vị dự toán Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 27/TC/TDT ngày 2/11/1966 về chế độ kế toán Tổng hợp dự toán, trong đó quy định các cấp đều bổ nhiệm Kế toán trưởng chịu trách nhiệm tổ chức công việc kế toán của đơn vị giúp Thủ trưởng đơn vị giám đốc các hoạt động kinh tế tài chính tại đơn vị.

2. Thời kỳ từ 1981 đến 1990: Thời kỳ hoàn thiện và phát triển hệ thống kế toán Việt Nam.
Thời kỳ này là những năm tháng khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra mọi biện pháp để thoát ra sự nghèo nàn và có xu thế tụt hậu. Hệ thống kế toán Việt Nam phải xem xét lại để phù hợp với sự phát triển đa dạng của nền kinh tế, đặc biệt chú ý đến việc phát triển kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân. Đầu năm 1984 Bộ Tài chính tổ chức thành công hội nghị Kế toán trưởng toàn quốc lần thứ nhất rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quan trong trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kế toán trưởng. Từ kết quả trên Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội ký Lệnh số 06/LCP/HĐNN ngày 20/5/1998 công bố “Pháp lệnh Kế toán và Thống kê” Chính phủ ban hành Nghị định số 25/HĐBT ngày 18/3/1989 “Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước” và sau đó Bộ Tài chính ban hành hàng loạt chế độ kế toán mới. Trong pháp lệnh Nghị định cũng như CĐKT quy định rất rõ vị trí, vai trò của kế toán trưởng là giúp Giám đốc xí nghiệp tổ chức chỉ đạo thực hiện toàn bộ công tác kế toán thống kê, thông tin hoạt động kinh tế và hạch toán kinh tế, đồng thời làm nhiệm vụ kiểm soát kinh tế – tài chính của nhà nước tại xí nghiệp. Việc bổ nhiệm kế toán trưởng là do giám đốc xí nghiệp đề nghị, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Giám đốc quyết định sau khi có sự thoả thuận của kế toán trưởng cấp trên. Kế toán trưởng được hưởng mức lương quy định cho Phó Giám đốc và các quyền lợi khác như Phó Giám đốc xí nghiệp.

3. Thời kỳ từ 1991 đến nay:
Giai đoạn này cải cách đổi mới hệ thống kế toán theo nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế phát triển hệ thống dịch vụ kế toán, kiểm toán của Việt Nam.
Giai đoạn này hình thành 2 công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán độc lập (tháng 5/1991) đó là VACO và AASC, Hội Kế toán Việt Nam ra đời tháng 4/1994. Điều đó khẳng định kế toán, kiểm toán được là 1 nghề nghiệp mang tính kỹ thuật chuyên sâu, hoạt động kế toán trở thành 1 loại dịch vụ kỹ thuật cao trong nền kinh tế thị trường.
Tiếp theo Bộ Tài chính trình Chính phủ đề án cải cách hệ thống kế toán doanh nghiệp và ngày 11/11/1995 Bộ Tài chính ban hành CĐKT doanh nghiệp, tháng 11/1997 được phép của Chính phủ Bộ Tài chính tổ chức thành công hội nghị quốc tế và kế toán, kiểm toán, bạn bè quốc tế đã biết đến sự hoạt động mạnh mẽ của kế toán, kiểm toán Việt Nam. Từ năm 1999 đến 2003 Bộ Tài chính ban hành hơn 20 chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, đến nay là 26 chuẩn mực kế toán. Ngày 17/6/2003 Quốc hội đã thông qua Luật kế toán, ngày 31/5/2004 Chính phủ ban hành Nghị định 128/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật kế toán trong lĩnh vực kế toán Nhà nước, Nghị định 129/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật kế toán trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt Liên Bộ Tài chính – Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư số 13/2005/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 7/12/2005 hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế và xếp lương Kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các tổ chức hoạt động kinh doan; Liên Bộ Tài chính – Nội vụ ban hành Thông tư số 20/2005/TTLT-BTC-BNV hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế và xếp phụ cấp Kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong lĩnh vực kế toán Nhà nước.

II: Đánh giá thực trạng về vị trí, vai trò Kế toán trưởng, kinh nghiệm rút ra để thực hiện tốt vai trò, vị trí Kế toán trưởng.

1. Đánh giá thực trạng về vị trí, vai trò của Kế toán trưởng

1.1. Kết quả đạt được: Một là: Thành công lớn nhất là tư duy nhận thức của phần lớn cán bộ lãnh đạo đơn vị về vai trò, vị trí của Kế toán trưởng không thuần tuý chỉ là công việc ghi chép phản ánh nghiệp vụ kinh tế, công việc giữ tiền, khoá sổ, lập báo cáo tài chính mà Kế toán trưởng thực sự là người tổ chức thông tin kinh tế tại đơn vị, kiểm tra giám sát các hoạt động kinh tế, giúp lãnh đạo đơn vị phân tích kinh tế đưa ra quyết định quản lý: Kế toán trưởng được thừa nhận là trợ thủ đắc lực trong phân tích đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị; Hai là: Mọi quy định pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi của Kế toán trưởng đều được cụ thể rõ ràng tạo điều kiện cho Kế toán trưởng phát huy mọi tiềm năng của Kế toán trưởng; Ba là: Đội ngũ Kế toán trưởng ngày càng đông về số lượng, có bản lĩnh vững vàng xử lý công việc có chất lượng, hiệu quả cao, được đào tạo có hệ thống, có thước đo tiêu chuẩn điều kiện để bổ nhiệm, được trang bị hệ thống kiến thức nghiệp vụ thống nhất, ổn định thông qua hệ thống pháp luật về kế toán, hệ thống CMKT và các CĐKT. Từ đó làm cho Kế toán trưởng có đủ nghị lực, tự tin, bằng quyết tâm, đủ trí tuệ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng tự hào có nhiều Kế toán trưởng trở thành nhà lãnh đạo trong cương vị lập pháp, quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp giỏi hay những chuyên gia tư vấn hành nghề kế toán có uy tín trong và ngoài nước; Bốn là: Điều đáng quý là phần lớn Kế toán trưởng là tấm gương về giữ vững tư cách và đạo đức nghề nghiệp kế toán: Chính trực, khách quan, thận trọng, tư cách nghề nghiệp, bảo mật và tuân thủ chế độ tài chính kế toán quy định. Đồng thời, họ chính là người dám đấu tranh chống tham ô, lãng phí, chống tiêu cực, giữ gìn bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; Năm là: Kế toán trưởng là đầu mối là người trực tiếp đào tạo bằng môi trường thực tiễn để sản sinh ra nhiều cán bộ kế toán có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt, đạo đức tác phong nghề nghiệp vững vàng; Sáu là: Kế toán trưởng là người tiên phong thực hiện công tác hiện đại hoá, cơ giới hoá công tác kế toán, triển khai thực hiện các chương trình phầm mềm kế toán, đảm bảo số liệu kế toán minh bạch, công khai, tiết kiệm sức lao động trong thực hiện công việc kế toán ở cơ sở;
1.2 Một số tồn tại: Thứ nhất: Trên thực tế ở một số ít đơn vị trong đó kể cả một số lãnh đạo đơn vị còn vô tình hoặc cố tình chưa hiểu đúng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Kế toán trưởng; Người ta cho rằng Kế toán trưởng cũng như các Trưởng phòng nghiệp vụ khác hoặc không ngang với Trưởng phòng nghiệp vụ, chỉ là người quản lý bộ phận ghi chép sổ kế toán, tổng hợp số liệu phục vụ lập báo cáo tài chính. Do vậy, việc sử dụng công cụ kế toán, sử dụng số liệu kế toán để tính toán hiệu quả kinh doanh, giúp lãnh đạo đơn vị đưa ra quyết định quản lý chưa được quan tâm chú ý; có lúc, có nơi công cụ kế toán bị buông lỏng, bị coi nhẹ, vì thế vị trí, vai trò của Kế toán trưởng không được phát huy.
Một số đơn vị khác coi vị trím vai trò của Kế toán trưởng đó là nơi tính toán chế biến số liệu biến lỗ thành lãi, có thể nguỵ tạo tình hình, che dấu sai sót khiếm khuyết trong SXKD, hoạt động của đơn vị.
Thứ hai: Trong thực tế cho thấy Kế toán trưởng ở xã, phường, thị trấn chỉ khoảng 5% có trình độ Đại học, 50% trình độ trung cấp, còn lại là sơ cấp hoặc không được đào tạo nghiệp vụ kế toán. Hiện nay cả nước chỉ có 1.304 người được cấp chứng chỉ trong nước, 88 người được cấp chứng chỉ nước ngoài về hành nghề kế toán, kiểm toán, chiếm 1 tỷ lệ hết sức nhỏ trong lực lượng đông đảo làm kế toán và làm Kế toán trưởng. Điều đó có thể khẳng định tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp kế toán là chưa cao cũng ảnh hưởng tới vị trí, vai trò nói chung của Kế toán trưởng; Thứ ba: Thực trạng hiện nay phần lớn Kế toán trưởng có phương pháp công tác tốt kết quả công tác rất cao, tuy nhiên 1 bộ phận Kế toán trưởng vẫn có phương pháp công tác chưa tốt do vậy, vị trí vai trò của họ chưa được coi trọng. Một số Kế toán trưởng chỉ biết chuyên môn phải giỏi nghĩa là tổ chức chứng từ, sổ, báo cáo tài chính phải chính xác, đúng chế độ, phải kịp thời. Nếu như vậy thì phương pháp công tác chỉ mới đúng 1 phần. Phương pháp đúng ngoài chuyên môn, nghiệp vụ phải tuyên truyền để mọi người hiểu công việc của mình, phải tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên, phải phối hợp công tác tốt với các phòng ban nghiệp vụ, phải quan tâm đến công tác khác (công đoàn, đoàn thanh niên phụ nữ...) của cơ quan và không quên quan tâm đến gia đình mình nữa. Như vậy mới gọi là phương pháp công tác tốt. Ngoài ra Kế toán trưởng phải thường xuyên bổ túc kiến thức xã hội, kiến thức tiếp thị, giao tiếp. Thứ tư: Hiện nay hoạt động của Kế toán trưởng chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, nghiệp vụ chuyên môn giỏi nhưng kiến thức phân tích lại không được phát huy, đặc biệt là các Kế toán trưởng ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Chính vì vậy, tham mưu giúp lãnh đạo đơn vị đưa ra quyết định quản lý phù hợp là chưa nhiều. Thậm chí ở một số phòng tài chính – kế toán chưa tổ chức bộ phận phân tích hoạt động kinh tế – tài chính của đơn vị để sử dụng số liệu kế toán có hiệu quả nhất, biến số liệu kế toán thành số liệu biết nói; Thứ năm: Việc đào tạo, bồi dưỡng Kế toán trưởng cũng còn nhiều hạn chế. Nhà nước mới tập trung đào tạo kiến thức ban đầu qua trường Đại học, Trung cấp hoặc đào tạo đủ tiêu chuẩn, chuyên môn nghiệp vụ, đủ điều kiện để bổ nhiệm Kế toán trưởng. Việc cập nhật kiến thức mới về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán hàng năm cho Kế toán trưởng của các ngành, các cấp chưa được thực hiện thường xuyên; Chúng ta mới dừng lại ở việc phổ biến chế độ mới vào các đợt có CĐKT mới ban hành hoặc qua sinh hoạt CLB, hội nghề nghiệp. Vì vậy, bổ túc kiến thức nghiệp vụ thường xuyên, kịp thời cho Kế toán trưởng chưa có hiệu quả và chưa tốt, phải xem xét có là tiêu chuẩn để bổ nhiệm lại Kế toán trưởng; Thứ sáu: Trong thời đại ngày nay là thời đại cơ giới hoá, hiện đại hoá. Trong hoạt động kế toán hơn lúc nào hết phải được tin học hoá, xây dựng chương trình phần mềm kế toán áp dụng các khâu nghiệp vụ kế toán, từ đó tổ chức lại bộ máy kế toán, tiết kiệm công sức lao động cho người làm kế toán. Một số Kế toán trưởng chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này, nhiều đơn vị còn làm kế toán thủ công hoặc có áp dụng phần mềm chỉ là cục bộ ở bộ phận tài chính kế toán mà chưa nối mạng trong toàn đơn vị để các phòng ban khác cùng sử dụng số liệu kế toán, lãnh đạo đơn vị ký duyệt chứng từ, sổ, báo cáo tài chính trên máy;
2. Bài học kinh nghiệm.
Từ đánh giá thực trạng về những kết quả đạt được và tồn tại về vị trí, vai trò của Kế toán trưởng trong cơ chế kinh tế hiện nay, chúng ta có thể rút ra 1 số bài học kinh nghiệm sau:

2.1. Kế toán trưởng là người hơn ai hết phải có chữ tâm về kế toán và phải rèn luyện để có tính đạo đức nghề nghiệp kế toán. Đạo đức nghề nghiệp kế toán không chỉ đơn thuần là đạo đức của cán bộ, công nhân viên chức mà bao gồm cả phẩm chất của nghề nghiệp kế toán theo nguyên tắc cơ bản: Độc lập, chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn, tính thận trọng, tính bảo mật, tư cách nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật quy tắc, chuẩn mực nghiệp vụ;

2.2. Kế toán trưởng trước hết phải là người yêu nghề kế toán và sau đó còn phải làm cho người khác biết về kế toán và cùng yêu nghề kế toán. Thực tiễn cho thấy Kế toán trưởng có yêu nghề thì mới có hứng thú hành nghề (có máu nghề nghiệp) thì mới phát triển tài năng và mới có hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện công tác kế toán. Điều này xuất phát từ nguyên lý “Tư tưởng là gốc, sáng kiến là hoa, hiệu suất là quả”. Từ việc yêu nghề Kế toán trưởng mới có hoài bão phát triển nghề nghiệp có định hướng lâu dài, mục tiêu và trước mắt để phát huy công tác kế toán ở đơn vị mình. Ngoài ra Kế toán trưởng cũng phải làm cho người khác trước hết là đồng nghiệp của mình yêu nghề thông qua tuyên truyền và việc làm hàng ngày của mình. Có như vậy mới tạo ra 1 tập thể yêu nghề, công tác kế toán mới tốt và phát huy vị trí, vai trò của Kế toán trưởng;

2.3. Xã hội thừa nhận kế toán là một nghề, Kế toán trưởng là người đứng đầu tổ chức hoạt động nghề nghiệp, hoạt động dịch vụ kế toán tại một đơn vị cơ sở. Do vậy, cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động kế toán mà trước hết Kế toán trưởng phải rèn luyện về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để được xã hội thừa nhận thông qua phải có chứng chỉ hành nghề kế toán. Đó chính là thước đo chất lượng nghề nghiệp của Kế toán trưởng;

2.4. Kế toán trưởng cần luôn cập nhật kiến thức, trau dồi nghiệp vụ tự đào tạo mình để trở thành người có chuyên môn sâu để đáp ứng mọi yêu cầu và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kế toán trưởng cần thực hiện đúng quyền hạn của mình là người tham mưu giúp thủ trưởng đơn vị kiểm tra giám sát tài chính của đơn vị, phải luôn đấu tranh bảo vệ cái đúng, chống lại những hành vi vi phạm quy chế tài chính kế toán chống tham ô, tham nhũng tài sản của nhà nước, của tập thể. Đây chính là bản lĩnh nghề nghiệp của Kế toán trưởng;

2.5. Kế toán trưởng nên tránh sa đà vào công việc sự vụ hàng ngày như tiếp khách, giao tiếp khách hàng, ký giấy tờ nhỏ, lẻ... cần phân loại công việc, uỷ quyền cho cấp phó hoặc tổ trưởng các tổ chuyên môn xử lý. Kế toán trưởng nên tập trung vào nghiên cứu phân tích số liệu kế toán, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đưa ra quyết định quản lý phù hợp, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm công tác, tuyên truyền phổ biến chính sách kinh tế, tài chính, kế toán, đào tạo bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm cho cán bộ cấp dưới. Xác định hiệu quả công tác của Kế toán trưởng không chỉ xác định hiệu quả công việc cụ thể ở phòng (ban) tài chính kế toán mà là ở toàn ngành, ở cấp trên, cấp dưới, ở tác động trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của đơn vị, ở ý kiến tham mưu đề xuất có giá trị;

2.6. Kế toán trưởng cũng cần rèn luyện có phương pháp công tác tốt, sâu sát thực tế, ý thức quan hệ quần chúng, tạo dựng phong trào thi đua và tham gia nhiệt tình các công tác khác.

III. Một số định hướng để phát huy vị trí, vai trò Kế toán trưởng trong cơ chế kinh tế hiện nay
1. Tổng kết, đánh giá về đội ngũ kế toán hiện nay kể cả số lượng và chất lượng hoạt động theo dõi cập nhật số liệu tình hình về Kế toán trưởng. Cán bộ kế toán ở các ngành, các cấp, ở TW và địa phương;
2. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, quyền lợi cho Kế toán trưởng, phụ trách kế toán về người làm kế toán và người được thuê làm Kế toán trưởng, đặc biệt là trong Luật Kế toán, Nghị định Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính;
3. Quy định cụ thể về đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, người làm Kế toán trưởng trong cơ chế kinh tế hiện nay trong điều kiện phù hợp với từng thành phần kinh tế và từng lĩnh vực hoạt động của nhà nước và hoạt động kinh doanh;
4. Nâng cao tính chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ của Kế toán trưởng. Xác định mức độ chuyên môn nghiệp vụ của Kế toán trưởng ở từng cấp quản lý, xem xét tổ chức thi tuyển cấp chứng chỉ hành nghề cho Kế toán trưởng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao;
5. Thường xuyên tổ chức cập nhật kiến thức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Kế toán trưởng thông qua Hội nghề nghiệp, các Trường Đại học bằng các kiến thức bắt buộc theo số tiết quy định hoặc tự nghiên cứu trên mạng thông tin điện tử hoặc sách, báo, tạp chí...;
6. Tổ chức sinh hoạt sôi nổi, có hiệu quả thiết thực các hoạt động của Kế toán trưởng như: Kiểm tra chéo Kế toán trưởng, thi Kế toán trưởng giỏi, thi kiến thức Kế toán trưởng toàn ngành từng cấp quản lý./.

NGƯỜI VIỆT NAM THẬT ĐÁNG SỢ

Nguyễn Văn Hoàng
Người Việt Nam có bản lĩnh không, bản lĩnh quá đi chứ, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Thế nên thực phẩm nhiễm độc vẫn bán chạy, chẳng ai kinh. Con số 150 nghìn người mắc, 80 nghìn người chết vì ung thư một năm quá nhàm chán, vô nghĩa với cuộc sống và được đổ tại số.
Nhưng người Việt sợ cái khác nhẹ hơn cái chết rất nhiều lần, thậm chí là mơ hồ, không tồn tại. Cái người Việt sợ hơn cả cái chết đó được mọi người gọi chung là “nhạy cảm”. Người Việt sợ "nhạy cảm" ngay cả khi truyền thông báo chí, mọi người xung quanh mình ông ổng tuôn ra.
Người Việt có tự hào không, kiêu hãnh không, kiêu hãnh tự hào quá đi chứ ngay cả khi chả có gì đáng để kiêu hãnh tự hào. Vì thế một ánh mắt bị cho là nhìn đểu, một cử chỉ bị cho gây khó chịu nhiều khả năng phải trả giá bằng mạng sống.
Thế nhưng người Việt lại hèn kém nhục nhã tới đốn mạt khi không dám nói ra điều mình nghĩ, lẽ phải, sự thật, không dám đòi hỏi quyền lợi chính đáng của bản thân mình, bố mẹ mình, vợ con mình. Nhịn nhục, cam chịu.
Người Việt có tự tin không, tự tin quá đi chứ, tự tin cả từ nguồn gốc hư ảo, lúc nào cũng muốn thể hiện, khẳng định. Cho rằng mình làm được tất cả nhưng thực tế chả làm được cái gì ra hồn ngoài copy vay mượn. Luôn vỗ ngực là đỉnh cao nên mới ngày càng lùi xa, ngày càng bị bỏ rơi ngay cả so trong khu vực. Tự tin nhưng dễ dàng bị khuất phục bởi đám đông và chịu để đám đông thao túng.
Người Việt có đạo đức không, đạo đức quá đi chứ, không đạo đức sao suốt ngày nườm nượp đi lễ bái cầu cúng, hướng về cội nguồn, sao hình thành du lịch tâm linh? Không “thương người như thể thương thân”, không có “tình đồng bào" sao cứ bão gió lũ lụt là sẵn sàng đóng góp hoặc lên đường làm từ thiện?
Thế nhưng sau khi làm những điều tuyệt vời tưởng chừng rất cao cả nhân văn của con người ấy rồi, trở về với cuộc sống hàng ngày, họ lại phun thuốc trừ sâu vô tội vạ, lại tẩm ướp hoa quả, thực phẩm bằng các hóa chất cực kỳ độc hại, lại sử dụng lợn chết, bì thối, mỡ thối, nội tạng thối, gà thải loại… bán cho người tiêu dùng. Cả xã hội lại dẫm đạp lên nhau, bằng mọi giá để làm giàu, quay cuồng theo tiếng gọi của đồng tiền. Ai cũng có thể trở thành cướp trong những vụ tai nạn, hôi của.
Người Việt có tinh khôn không, tinh khôn quá đi chứ, đi đến đâu trên trái đất cũng có tiếng, đến ngay cả anh Trung Quốc nổi tiếng thâm còn bị người Việt dạy lên dạy xuống. Thế mà vẫn cứ có phun nước lã chữa bá bệnh, ngoại cảm mọc ầm ầm để rồi cho ra lò không biết bao nhiêu hài cốt liệt sĩ bằng xương động vật.
Người Việt có văn hóa không, văn hóa quá đi chứ lại. Trên dưới 10 nghìn GS, PGS, hàng trăm nghìn TS, Th.S, hàng chục triệu cử nhân đai học… Văn hóa thừa tới mức tốt nghiệp đại học, Th.S còn đi bán trà đá, chạy xe ôm hoặc làm công nhân. Văn hóa nhiều thế nhưng mọi quan hệ trong xã hội đều được quy bằng tiền, không có tiền không nói chuyện.
...
Mỗi con người chứa đựng quá nhiều con người, người Việt Nam quả thực đáng sợ và mông lung. Đáng tiếc là người Việt bảo thủ cố chấp nhỏ nhen tham lam không nhìn ra điều ấy.
N.V.H

Tân Việt Nam



Tân Việt Nam (viết năm 1906-1907 bởi Phan Bội Châu)
Tâm tư của người nước ta không phải là không thông minh, tai mắt người nước ta không phải là không tinh xảo, tay chân khí phách không phải là không hùng tráng, nhưng tại sao trong nước thì xưng là vua của dân, bên ngoài thì lại chịu làm bề tôi, cam chịu ở dưới của kẻ khác? Kể từ đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh cho đến Pháp ngày nay thì sự nô lệ đã khá là đấy đủ rồi, thế là bởi tại sao? Là tại vì mọi người không có ý chí mạo hiểm, tiến thủ, cho nên an phận ngu hèn, tự vui bề mềm yếu. Chỉ biết lấy việc ăn uống, trai gái làm điều kinh bang tế thế tuyệt vời, coi cửa nhà, tấm phản là đất trời cao rộng. Người khác ngồi ỉa đái lên đầu mình mà vẫn lì lợm mà nói: “Ta chỉ biết an phận”. Dân tộc khác có nuốt hết giống nòi mình thì cũng cứ ngạo nghễ mà nói: “Ta sẽ chờ đợi thời cơ”. Than ôi! Gặp thời cạnh tranh xâu xé, lòng người dữ như con rắn độc, con chim chiên đuổi con chim sẻ, con rái cá đuổi bắt con cá, có ai là miệng Phật đâu? Các anh mà không lo tiến thủ thì người ta sẽ diệt các anh, các anh mà không chịu mạo hiểm thì ai người ta thương các anh! Người nước ta cho đến nay mà còn chưa biết phấn khích lên được hay sao? Xin mọi người hãy giương mày mở mặt, hãy vì non sông mà rửa thẹn. Người ta đều có thể trở thành anh hùng mà sao mình lại chịu thua kém hèn? Người ta đều có thể là bá vương, sao mình lại chịu làm tôi tớ? Mọi người đều có tấm lòng phấn đấu như thế thì mọi người đều có thể được độc lập. Chí tiến thủ càng mạnh, lòng mạo hiểm càng hùng, thì việc bắt sư tử, bắt cọp bằng tay không, câu cá kình ngoài biển lớn nếu sức một người không được thì hợp sức 10 người lại sẽ thành, sức 10 người không đủ thì hợp sức 100, 1000 người lại thì chắc chắn sẽ thành công. Nếu cả nước mọi người đều cùng ý chí, cùng anh hùng thì người Pháp một ngày không thể ở yên được trên đất nước ta. Đó là điều duy tân tiên phong thứ nhất.
Nước ta nhân khẩu không phải là không đông, đất đai không phải là không phì nhiêu, tài sản không phải là không dồi dào. Theo sổ công sưu của Pháp thì người nước ta có 25 triệu, nhưng kể toàn thể thì dân số không dưới 50 triệu người, thế thì dân phải nói là đông. Diện tích nước ta rộng hơn 25 vạn vuông Anh, năm thứ kim loại quý đều có cả, năm giống lúa cũng đều có, đất đai thì mầu mỡ phì nhiêu. Lúa gạo Sài Gòn (Nam Kỳ), của cải Bắc Kỳ có thể nuôi người Thanh, Ấn Độ, Mã Lai, Tiêm La, Diến Điện no đủ, huống hồ còn kể đến các ông Tây, bà đầm, chó Tây, ngực Tây, bồi Tây mặc sức bòn rút bóc lột ăn uống no say phè phỡn biết bao của cải nhà ta nữa. Thế thì phải nói của cải nước ta cũng lắm chứ. Người nước ta đông, đất đai phì nhiêu, tài sản dồi dào như thế, dù làm việc gì mà chẳng thành công được. Thế nhưng mà con người vẫn khốn nạn, chịu làm nô lệ, sản vật bị tan nát hao mòn, buôn bán thì quẫn bách, nghề nông thì đình đốn, bách công thì sứt mẻ vụng về! Ô hô! Trời có phải là eo hẹp với ta đâu? Đất có phải là hiểm trở đối với ta đâu? Xét lí do vì sao như thế mới hay rằng: Chẳng qua người trong nước ta không có tinh thần yêu mến, tin yêu nhau, cho nên mới coi anh em đồng bào như người nước Tần, nước Việt, đối xử đồng chủng như giặc thù. Nhà nào cũng đắp tường ngăn dậu, cửa nhà nào cũng khoét lỗ đắp hang, đưa nửa đồng tiền cho anh em mà nặng như 5 cân, bạn bè thân thuộc cách nhau gang tấc mà lòng xa vạn dặm, lại còn chửi bóng gió lẫn nhau; đau ốm không quan tâm lẫn nhau. Nhà tôi cứ hát xướng mặc cho nhà anh than khóc; xóm Đông cứ việc no say mặc cho xóm Tây đói khát. Đương khi giang sơn tro tàn cần cộng sức chân tay lại giúp đỡ mà sao lại còn riêng danh, riêng lợi, lìa đức, lìa lòng? Chủng tộc sắp bị diệt như sợi tơ sắp đứt, nỡ nào lại còn giơ cánh tay đánh nhau? Họa đã đến gần cả ba họ mà sao anh em vẫn đánh nhau ở trong nhà, ghen ghét nhau, ngờ nhau. Thật hết chỗ nói? Than ôi! Thế lực có đông đủ mới thành, cơ sở phải tập trung đầy đủ mới nên được vậy! Diễn một trò vui, làm một tiệc vui, chí ít cũng có tới vài mươi người, huống chi lo liệu cái lợi hàng ức triệu. Dựng công lao lại cho núi sông mà bảo lấy tâm lực của một vài người làm để làm, quyết không thể nào làm được! Chi bằng hãy kết đoàn thể, liên tính tình, tập trung mưu kế, hợp tiền của, vứt bỏ hết lòng ghen ghét nhau, cùng nhau một đường sống chết. Lấy của cải của nghìn vạn người làm của chung, lấy sức của ngàn vạn người làm sức chung, áo tôi anh mặc, cơm tôi anh ăn, anh đau ốm tôi mang thuốc cho anh uống, nhà tôi tối lấy đèn anh mà thắp sáng, ngàn vạn người chung vai mà gánh vác, nặng mấy cũng mang nổi. Ngàn vạn người chung tay mà đỡ, yếu mấy cũng vực lên được. Người nước ta ai ai cũng thành thực cùng thương yêu nhau, tin nhau như thế thì trong mắt ta còn thấy có người Pháp nữa hay không? Đó là điều duy tân tiên phong thứ hai.
Thời nay, người nước ta nói trong mắt không thấy có xe hơi, tàu thủy; trong tai không nghe tiếng súng Tây, pháo Tây, trong lòng không biết việc học theo Tây, kĩ xảo của Tây, thực không phải thế. Thế thì mắt thấy gì mà như mù, tai nghe gì mà như điếc, lòng biết gì mà như dại như say là tại sao? Xét nguyên nhân thì một là người nước ta sống một cách nhớn nhác, hai là sống một cách dằng dai theo nếp cũ mà không chịu đổi mới. Các môn học như quang học, động học, hóa học, lí học khi nghiên cứu tới chúng thì cho rằng khó khăn vất vả, có bắt chước theo thì cũng lơ mơ, mù tịt. Người lớn tuổi ngày càng không còn mấy, người trẻ tuổi thì vợ con trói buộc. Xe hơi, tàu thủy để cho người khác làm cả, còn ta thì làm đầy tớ cho người Pháp. Súng Tây, pháo Tây để cho người Pháp làm, còn ta thì làm chó cho người Pháp. Ta không có học thuật như Tây, nhưng cũng đường đường là một ông tiến sĩ, cử nhân Việt Nam! Ta không có kĩ nghệ như Tây, nhưng mà cũng đàng hoàng là người thông sự ở Phủ Toàn quyền, là người phán sự ở Tòa Công sứ! Suy ra như thế thì thấy rằng kiến thức, khả năng bàn luận của ta làm sao mà biết hỏi đáp được văn mình là cái gì? Vả lại mọi thứ vật dụng tinh xảo, bền đẹp, nếu mình không chế tạo ra thì ở trên trời rơi xuống chăng? Một cái đài cao đẹp nếu chẳng phải do xây đắp nên thì nó ở dưới biển trồi lên hay sao? Sự nghiệp văn minh nếu không từng bước thực hiện thì tự nó đến với mình sao được? Người ta có máy móc, sao ta không tự mình mà làm? Người ta biết đổi mới, sao chỉ riêng mình là cổ hủ? Viêc học tập tinh thông các nghề ở Anh, Nhật, Đức, Mỹ tuy nhanh cũng phải đến hai năm, ta cũng đừng cho đó là điều khó. Các khoa học về binh, công, nông, thương tuy họ học nhanh cũng phải đến năm năm, ta chớ cho rằng học tinh tường như thế mà chán nản. Muốn học kĩ năng của các nước, trước hết phải học ngôn ngữ, văn học, luyện cách phát âm, cách nói của các nước đó thật nhuần nhuyễn đã, hoặc một năm, hoặc hai năm, nếu là người có chí thì phỏng có khó gì. Ta muốn lên vũ đài của văn minh, muốn hấp thụ hết những tinh túy của nước ngoài, đều phải tự mình đi khắp các kinh đô, đô thành của các nước, dù phải chịu cảnh đắt đỏ gạo châu củi quế, dù tốn kém tiền bạc thì người có sức lực há sợ gì tốn kém. Ta muốn vượt lên trên chiến lũy của văn minh, nếu nước khác phải đi một tháng mới đến đích, thì ta phải gắng sức đi đến đích chỉ một vài tuần, người khác có đôi chân đi được ngàn dặm thì ta phải cố đi được vạn dặm. Mới đầu thì ta lấy họ làm thầy, sau ta sẽ lại làm thầy của họ. Nước Nhật Bản bây giờ, có khác gì nước Việt Nam ngày mai. Đó là điều duy tân tiên phong thứ ba.
Sóng gió lớn thì biển phải dâng, ai có mắt cũng đều thấy rõ. Mưa dông to sấm chớp rầm trời, hỏi hồn nào mà không tỉnh lại? Người nước ta bây giờ nói đến yêu nước, đánh chuông trống yêu nước cũng biết bao rồi. Tuy nhiên, chỉ nói thôi mà không làm, đó là lời nói ở đầu lưỡi vậy. Biết mà không làm thì sự hiểu biết đó có khác chi hồ bột ở trong lòng. Núi sông ta đã 50 năm nay như say mà chết. Ô hô! Có thể như vậy được sao? Chí khí của kẻ trượng phu còn đương sống đây, sao không biết bay nhảy theo thời? Tôi xin bái chúc đồng bào ta: kính xin bày tỏ cùng đồng bào ta có hai phương kế phải thực hành.
1. Tưới máu tươi mà trừng phạt kẻ gian nô, hãy vì việc nghĩa mà trả thù cho đồng bào;
2. Đem mồ hôi nghĩa mà mưu nghiệp tốt, hãy quyên góp tiền mà mưu nghiệp lớn.
Tôi rất hổ thẹn vì không có khả năng làm được như thế, còn như đồng bào ta đây có ai mà không được? Mười ông Nhiếp Chính, trăm ông Kinh Kha [i] thì trong thế giới này không có khả năng nào mà không làm được! Một ông Tử Phòng, hai ông Lỗ Túc [ii] thì núi sông đều có thể chuyển xoay gánh vác được. Đó là điều duy tân tiên phong thứ tư.
Tiếng tăm về công đức, đường phố ngõ thôn đâu đâu cũng bàn tới, chỗ nào cũng cho là hay cả. Phong trào làm theo công đức, từ phụ nữ đến trẻ con nhi đồng, mọi người đều làm theo cả. Xin hỏi đồng bào ta ngay bây giờ: Da thịt đâu? Xương tủy đâu? Hồn phách đâu? Phải nên xem xét rõ để phân biệt hay không xét để phân biệt? Việc xem xét phải ở thực tế, việc nghiên cứu phải dựa vào hình ảnh có thực, không được bên Tây cái mâu và bên Đông cái thuẫn, không được như ngọc châu nước Tần với ngọc bích nước Triệu [iii]. Cung của người nước Sở thì người nước Sở mới được dùng [iv] không được lấy gì làm của riêng, dù là rất nhỏ cũng không được làm điều mờ ám. Từ một người cho đến một nước, hỏi có sự việc gì mà lại không thể làm được điều công đức? Ôi điều công đức! Đồng bào ai ai cũng nói đến công đức, mong mọi người hãy làm điều công đức. Người anh có lỗi lầm, không được hại người em. Người em có tài trí cũng phải dạy cho người anh cùng có. Tính mạng còn có thể đổi cho nhau được, huống hồ của cải tiền bạc lại không thể cho nhau được sao. Thân thể còn có thể cùng chung, huống chi là mảnh áo da ngựa không thể chung nhau được sao? Nước là nước ta, ta chỉ có biết có nước mà thôi. Mọi người ai ai cũng có tư tưởng hết lòng lo lắng, người nào cũng phải đem hết nghĩa vụ của mình ra đóng góp cho đất nước. Nếu anh đau ốm thì tôi thấy lo lắng buồn thương như cùng chung cái đau của một cơ thể, người kia cùng đi trên một con đường vất vả, há đâu phải hai con đường mà tính toán suy bì? Rồi sau đó sẽ tập hợp liên kết đông đảo tối đa con em ta lại để cùng tranh giành với một nhóm tối thiểu người Pháp, người Pháp liệu có may mắn thoát chết được không. Đó là điều duy tân tiên phong thứ năm.
Nói về đạo đức thì kẻ sĩ tránh nói về danh, nói về cốt cách của người anh hùng thì người ta tránh bàn tới điều lợi. Than ôi! Danh và lợi làm tổn thương tới đạo đức, cũng làm phương hại tới người anh hùng hay sao? Sợ rằng chưa biết rõ cái chân thực của những điều ham muốn đó thôi. Vì cái danh trong sớm tối mà xét rằng nó không bao giờ thay đổi, thì cũng tức là giữ lại một cái gì xấu xa nhất; vì cái lợi trước mắt nhưng một khi thế cục đã chuyển vần mà không chịu sửa đổi thì sẽ phải gặp một cái họa khôn cùng. Những điều ấy nếu gọi đó là danh thì không thể là cái danh thực được. Nếu thực sự ham muốn làm cái danh thực thì cái danh đó muôn đời cũng chẳng ai dị nghị. Cũng như các ông Hoa Thịnh Đốn [v], Tây Hương Long Thịnh [vi] cũng là vì cái danh thực mà đô thành nước Mỹ rất trọng cái giá trị tự do của ông, nên ở Đông Kinh dựng tượng đồng ông như là một mẫu đài kỉ niệm. Lòng hi vọng danh dự của hai người ấy, thật là điều sung sướng vô hạn. Mong rằng người nước ta ai ai cũng làm theo cái danh như thế. Những cái đó mà gọi là lợi thì cũng chẳng thể gọi là cái lợi chân chính. Nhưng nếu ham muốn làm điều thực thì cái lợi tất sẽ đến với mình mà muôn dân cũng được nhờ ơn. Như việc mở mang Châu Phi hao tổn biết bao là tiền của, như việc đào Kênh Tô Di Sĩ [vii] tốn biết bao mồ hôi xương máu. Hai việc đó rõ ràng là lợi phi thường vậy. Mất hơn mười năm phí tổn mà có được một châu lớn như thế, dời được nghìn vạn dân đến ở, tốn hơn 10 trăm triệu đồng mà chuyển được bao nhiêu hàng hóa từ biển Đông sang biển Tây. Con đường vận chuyển đó, tuy rằng đó là sự hi vọng lợi ích của một vài nước, nhưng cái lợi đã được thỏa nguyện. Mong người nước ta ai cũng đều làm được điều lợi.
Cơ bản mà nói thì danh một ngày với danh muôn đời, danh nào hơn? Có cái lợi riêng của mình với cái lợi của cả nước thì lợi nào lớn hơn? Chọn lấy cái danh hay thì dù muốn chết cũng chẳng từ; vứt đi nghìn vàng cũng không tiếc để cầu cho được cái danh dự cũng cứ phải mua, đó mới là làm theo cái danh thực. Chọn được cái lợi lớn thì dù cái quyền lợi của nước phải lấy sắt và máu để giành lại, văn minh phải lấy thân mình, nhà mình ra mua đề cầu cho được cái lợi ích cũng cứ phải hợp lại, đó mới là làm theo cái lợi ích chân chính vậy. Người nước ta đều có hi vọng về danh dự và lợi ích thì nước Việt Nam ta lại không giàu không cường thịnh được sao? Đó là điều duy tân tiên phong thứ sáu.
Có làm được sáu điều mong muốn ấy thì mới có được mười điều sung sướng. Thực hiện được sáu điều mong muốn ấy thì tất cả mọi quyền hành tự ta ta cầm, khuôn phép tự ta ta đúc. Trời không thể đoạt được cái mong muốn đó của ta, đất không thể giữ được cái then chốt đó của ta. Nếu người trong nước ta đều đồng lòng thì việc dời đất trời, xoay sông núi đều làm dư sức. Người nước ta há lẽ nào lại tụt lùi mà không làm được hay sao? Gom chí khí của muôn người để xây nên thành cao ngút trời, góp trí tuệ lớn rung chuyển cả núi cao thì biển nào mà không lấp nổi. Xin cúi đầu lạy, xin cúi đầu chào nước Việt Nam mới muôn muôn năm! Đồng bào nước Việt Nam mới muôn muôn năm!
Chú thích:
[i] Nhiếp Chính, Kinh Kha: hai người kiếm khách đời Chiến Quốc. Nhiếp Chính đâm Hàn Tường, Kinh Kha mưu sát Tần Thủy Hoàng. Sau người ta thường gọi chung hai người là Nhiếp Kinh.
[ii] Tử Phòng: tên tự của Trương Lương người nước Hàn. Sau khi Hàn bị Tần diệt, để báo thù, Trương Lương đã giúp nhà Hán diệt Tần, nhưng sau đó đã trả ấn phong hầu mà đi tu tiến. Lỗ Túc: tự là Tử Kinh, người nước Ngô thời Tam Quốc, là người có tráng tiết và hảo tâm, được Chu Du tiến cử lên Tôn Quyền. Có công giúp Chu Du đại phá Tào Tháo trong trận Xích Bích.
[iii] Tần là tên một nước mạnh đời Chiến Quốc ở vào đầu địa phận tỉnh Thiểm Tây bây giờ. Theo Sử kí, vua Tần tin vua Triệu có ngọc bích quý, muốn đoạt viên ngọc đó, bèn sai đưa thư vờ xin đổi 15 thành. Nhưng nhờ có mưu thần Lạn Tương Như mà vua Triệu vẫn giữ được viên ngọc quý đó mà không bị mất vào tay vua Tần.
[iv] Sở là một nước lớn đời Xuân Thu ở vào vùng Hồ Bắc – Hồ Nam bây giờ, nổi tiếng về giỏi săn bắn. Vua nước Sở đi săn bị mất cung, có người nói rằng cung đó lại do người nước Sở bắt được, không lạc đi đâu cả. Ý nói của ai thuộc người đó, không xâm phạm đến đất đai, tài sản của người khác.
[v] Hoa Thịnh Đốn: George Washington (1732-1799) là tổng tư lệnh trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho nước Mỹ. Năm 1789 được cử làm Tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
[vi] Tây Hương Long Thịnh: Saigo Takamori (1828-1877) là người có công đầu trong cuộc Duy Tân của Nhật Bản, từng giữ chức vụ tham mưu đại đô đốc từ năm Minh Trị và từng làm đại tướng lạc quân, có nhiều công lao trong việc xây dựng nước Nhật hùng cường.
[vii] Kênh Tô Di Sĩ: kênh Suez nối liền Địa Trung Hải với Hồng Hải, chiều dài 161 Km từ Port Said đến Cảng Suez. Việc đào kênh để rút ngắn con đường biển nối liến Âu Á do kĩ sư Ferdinand de Lesseps đế xuất thực hiện và khánh thành vào năm 1869.

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

GIẢI MÃ SỰ THÀNH CÔNG CỦA ISRAEL VÀ NGƯỜI DO THÁI

Thành công của người Do Thái nhiều người đã biết, đã nghe từ lâu và có thể kể cả ngày, cả tháng cũng không hết. Là người đã tìm hiểu câu chuyện này cả chục năm nay, càng đi sâu tìm hiểu về những thành công của Israel và người Do Thái, tôi càng thấy phức tạp nhưng cũng hết sức thú vị. Chuyến đi Israel lần này, ngoài các công việc thường lệ, rất nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, thảo luận với nhiều người, nhiều giới, nhiều nơi khác nhau giúp tôi kiểm chứng, củng cố thêm các nhận định trước đây của mình; biết thêm nhiều vấn đề mới; đồng thời cũng xóa bỏ một số các định kiến một chiều, phiến diện.
Có rất nhiều câu hỏi đeo đẳng trong suốt quá trình tìm hiểu để có câu trả lời thấu đáo, đại loại như:
1. Tại sao chỉ chiếm một phần nhỏ của dân số thế giới, nhưng người Do Thái lại có sự thông tuệ vượt thời gian, hơn hẳn các dân tộc khác trên thế giới? Nếu tính theo chỉ số IQ, chỉ số trung bình của người Do Thái là 110 so với chỉ số trung bình 100 của thế giới. Tuy mức chênh lệch IQ chỉ là 10, nhưng tỷ lệ thiên tài trong nhóm những người có IQ 110 cao hơn nhóm có chỉ số IQ 100 tới 120-150 lần!
2. Phải chăng người Do Thái có “gien” thông minh hơn người và “gien” này được lưu giữ và truyền từ đời này qua đời khác?
Câu chuyện này đã được nhiều nhà khoa học âm thầm nghiên cứu để tìm câu trả lời thấu đáo. Tuy nhiên, người Do Thái lại “bác bỏ” điều nay, cho rằng sở dĩ người Do Thái thành công là do điều kiện, hoàn cảnh bắt buộc họ phải nỗ lực, sáng tạo và vươn lên không ngừng để thích nghi với hoàn cảnh. Vậy thực, hư câu chuyện này ra sao?
3. Nếu như có “gien” Do Thái như vậy thì “gien” này được “lưu giữ” và phát triển ra sao từ thời “Cụ Tổ” của người Do Thái đến nay và trong hoàn cảnh họ bị ly tán, tha phương cầu thực?
Người Do Thái hiện nay đều coi Thủy tổ của mình là ông Abraham (và cũng là của người Hồi giáo – Người Hồi giáo gọi là Ibrahim) ra đời cách đây khoảng 4000 năm, và Nhà Tiên tri Moses, ra đời cách đây khoảng 3600 năm. Ông Mosses đã dẫn dắt các nô lệ người Do Thái chạy trốn khỏi Ai Cập và đến khu vực Bắc Israel hiện nay, thống nhất 12 bộ lạc khác để lập ra nhà nước Do Thái. Hiện nay Israel là quốc gia Do Thái duy nhất trên thế giới, người dân đa phần là người Do Thái và quốc đạo là Đạo Do Thái. Để dễ hình dung, nếu có một nước khác có đặc trưng tương tự như Israel, chẳng hạn Trung Quốc, thì đặc trưng nước đó sẽ là: Người Trung Quốc, nước Trung Quốc, Đạo Trung Quốc. Nhưng trên thực tế ta thấy: người Hán, nước Trung Quốc và Đạo Khổng.
4. Tại khu vực hiện gồm phía Bắc Ai Cập, lãnh thổ Israel, Palestine, Gioóc-đa-ni hiện nay, khu vực phía Nam Syria, và phía Đông Bắc Iraq vốn trước đây là khu vực tranh chấp quyết liệt giữa bộ lạc Do Thái với các bộ lạc khác trong khu vực, cũng như giữa các đế chế lân bang với nhau như Roma, Assyria, Babilon, Ottoman… nhằm kiểm soát khu vực đồng bằng ven biển Israel và khu đồi cao Jerusalem để cho được gần với Đức Chúa trời. Sau sự kiện Ngôi đền thứ nhất của người Do Thái bị đốt năm 586 trước Công Nguyên thì mục tiêu xâm lược là để chiếm miền đất thánh Jerusalem, nơi cả 3 tôn giáo (Do Thái, Thiên chúa, Hồi giáo) đều coi là đất thiêng của mình.
Vậy tại sao trong khi hầu hết các bộ tộc du mục khác bị đồng hóa, hoặc bị tuyệt diệt, nhưng người Do Thái lại “thoát” được nạn này (tuy rằng người Do Thái cũng trải qua nạn diệt chủng Holocaust và một số cuộc truy sát tập thể trong quá khứ)? Vậy họ đã “thoát” bằng cách nào?
5. Tại sao người Do Thái lại có truyền thống hiếu học và tỷ lệ biết chữ rất cao so với những dân du mục cùng thời? Tại sao người Do Thái lại đi tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, luật, khoa học chính trị, công nghiệp giải trí…?
Từ hàng ngàn năm trước công nguyên trẻ em Do Thái hầu hết biết đọc biết viết, và khi lưu lạc ở châu Âu, người Do Thái cũng có tỷ lệ biết đọc, biết viết cao hơn người bản địa. Cần nhớ, trước thời kỳ Phục Hưng cả châu Âu chìm đắm trong u muội, tỷ lệ mù chữ lên tới 80-90% dân số. Đến những năm 1930 của thế kỷ trước, người Do Thái gần như độc quyền trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng nguyên tử, thậm chí thời kỳ đó người ta còn gọi ngành khoa học này là “ngành khoa học Do Thái”.
Nhìn rộng hơn, không chỉ người Do Thái quan tâm đến chuyện học hành của con cái, mà người Đông Á, kể cả Việt Nam, cũng vậy và có thể kể ra không ít các tấm gương thành công đáng ngưỡng mộ. Nhiều gia đình sẵn sàng bán nhà, bán cửa để đầu tư chuyện học hành của con cái. Tuy nhiên đạt đến đỉnh cao trí tuệ như Albert Einstein, Karl Marx, Noam Chomski và rất nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel gốc Do Thái lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tại sao người Do Thái làm được chuyện đó?
6. Trên thế giới đã từng có dân tộc nào bị trục xuất, sống lưu vong trên hai ngàn năm mà vẫn giữ được bản sắc, tiếng nói, chữ viết và tập tục của mình như người Do Thái không?
7. Các giáo sĩ (Rabbi), Hội đồng giáo sĩ và những người Do Thái chính thống là những người có địa vị và tiếng nói quan trọng trong xã hội. Vậy họ có vai trò ra sao trong việc duy trì tập tục, bản sắc và “nòi giống” Do Thái?
8. Tại sao mô hình Kibbudz của người Do Thái lại thành công và có sức sống kỳ diệu ở Israel, trong khi mô hình này lại không thành công hoặc không thể thành công ở các quốc gia khác. Cốt lõi tạo nên thành công của các Kibbudz là gì?
9. Khi người Do Thái được thực hiện giấc mơ “Phục quốc” năm 1948, hàng trăm ngàn người Do Thái từ trên 70 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới đổ về mảnh đất Israel, họ đã sát cánh cùng nhau bắt tay xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiếp đó, sau các biến động ở Liên Xô và châu Âu trong những năm 1989-1990, 1,5 triệu người Do Thái (tức trên 1/4 dân số) trở về “cố quốc”. Mỹ, Australia, Canada cũng là quốc gia của những người nhập cư, nhưng chưa từng chứng kiến lượng lớn người nhập cư đổ về (tính theo tỷ lệ dân số) trong một thời gian ngắn đến vậy. Tuy đến từ nhiều xứ sở khác nhau, nhưng hầu hết những người Do Thái không bị gặp các rào cản ngôn ngữ và nhanh chóng hội nhập vào xã hội mới. Chuyện này thực hư thế nào và được thực hiện ra sao?
Còn rất nhiều các câu hỏi khác nữa. Vấn đề đặt ra là mô hình Israel và bài học thành công của người Do Thái (tạm bỏ qua một bên các khiếm khuyết và một số “thói hư, tật xấu” của người Do Thái) có thể học được không và áp dụng ở quy mô nào (gia đình, dòng họ, công ty, thiết chế, đất nước…)?
Israel: Cường quốc nông nghiệp giữa sa mạc
Do điều kiện tự nhiên, sa mạc chiếm đến 60% tổng số 20.000 km2 diện tích, nên đất đai canh tác còn lại của Israel rất ít và chủ yếu nằm ở khu vực đồng bằng ven biển. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Israel trở thành nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới, chủ yếu nhờ đi tiên phong trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Đi thăm các cơ sở nông nghiệp Israel mới thấy trình độ công nghiệp hóa nông nghiệp và khả năng lập kế hoạch sản xuất, dự báo thị trường của Israel đạt đến trình độ rất cao. Có lẽ dùng từ “nông dân” đối với họ là không chính xác, mà là công nhân nông nghiệp. Ngoài ra, đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa 4 “Nhà”, gồm: (i) Nhà nước; (ii) Nhà khoa học; (iii) Nhà buôn; và (iv) Nhà nông. “Nhà nông” ở đây cần được hiểu là người bỏ vốn đầu tư, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình sản xuất nông nghiệp.
Đất đai ở Israel được nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Nhà ở của dân thì xây trên các triền núi đá, khó cải tạo thành đất nông nghiệp, còn đất đồng bằng tuyệt đối sử dụng cho trồng trọt và canh tác. Thậm chí đất hoang mạc, nhưng tương đối bằng phẳng có thể cải tạo thành đất nông nghiệp thì cũng không được làm nhà ở trên đó.
Israel đi tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực cải tạo đất hoang mạc, sa mạc thành đất nông nghiệp trù phú. Quy trình như sau (để đơn giản hóa): (i) San bằng đất hoang mạc, sỏi đá; (ii) Phủ lên đó 1 lớp đất dày, ít nhất là 1/2 m; (iii) Trồng các loại cỏ hoặc cây dại không cần tưới nước khoảng từ 3-5 năm, để biến đất chết thành đất màu; (iv) Sau quá trình cải tạo này, đất hoang mạc biến thành đất nông nghiệp và được giao cho các chủ đất (nhà đầu tư) để tiến hành sản xuất.
Về mặt sinh thái, bước vào thế kỷ 21, Israel là nước duy nhất trên thế giới đã mở rộng được diện tích rừng và quỹ đất nông nghiệp.
Tuy là nước nhỏ, có 8 triệu dân, nhưng Israel lại có hệ thống đường dẫn nước tái sử dụng dài nhất thế giới. Toàn bộ lượng nước thải được dẫn trở lại các trung tâm xử lý, lọc lại, sau đó được dẫn ngược trở lại theo các đường ống để sử dụng tưới tiêu cho nông nghiệp.
Hệ thống ống dẫn nước tưới được dẫn đến từng khoảnh vườn, tới từng cây và việc tưới được vi tính hóa qua hệ thống điều khiển ở trung tâm về thời gian tưới, lượng nước tưới sao cho phù hợp nhất với thời tiết, độ sinh trưởng của từng loại cây. Cũng từ trung tâm, các kỹ sư nông nghiệp sử dụng luôn đường ống dẫn nước để dẫn phân bón hoặc chất dinh dưỡng cần cho cây theo định kỳ.
Tại đầu từng khoảnh vườn, có bảng ghi chi tiết vườn trồng cây gì, giống nào, từ khi nào… Nhìn chung các cây trồng (cam, bưỏi, cà chua, ớt..) là những loại cây trồng có năng suất cao, đã được lai ghép cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Israel là chịu nắng, chịu khô, chịu sâu bệnh nhưng lại cho năng suất cao và chất lượng quả, trái cây tốt.
Mỗi cây cam hoặc bưởi trông thấp như vậy nhưng lại rất sai quả và có thể cho đến vài tạ quả/cây khi đến mùa thu hoạch. Với lợi thế là trồng cây quả nhiệt đới có chất lượng cao, ổn định, hệ thống kiểm định chất lượng chặt chẽ, ở ngay sát châu Âu và cung cấp những hoa quả nhiệt đới “trái vụ” khi châu Âu bước vào mùa đông nên hoa quả Israel có rất nhiều lợi thế về giá và thị trường.
Đây có lẽ chính là mô hình đầu tư, sản xuất, phát triển và kinh doanh nông nghiệp mà một nước nông nghiệp như chúng ta cần học hỏi và để làm giàu tại ngay chính mảnh đất quê hương mình. Nếu so với Israel, có lẽ đất đai miền Trung Việt Nam còn màu mỡ và có các điều kiện tự nhiên để sản xuất tốt hơn nhiều. Ngay một nước có nền nông nghiệp phát triển nhất ở khu vực như Thái Lan cũng có hàng ngàn thực tập sinh lao động trong các trang trại, mà thực chất là lao động xuất khẩu.
Có điều ít người để ý là trong khi thực tập sinh Việt Nam chăm chỉ làm lụng, tiết kiệm từng đồng gửi về cho gia đình, vợ con, thì khá nhiều “lao động” Thái là các “tình báo” nông nghiệp. Họ là các kỹ sư, con cái các chủ nông trại Thái, những người nuôi chí làm giàu bằng nghề nông và sử dụng thời gian lao động tại Israel như một hình thức “khổ nhục kế”, âm thầm tìm hiểu quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý… để tìm đường khởi nghiệp làm giàu cho mình và cho nước Thái sau này.
Vậy ta nên và sẽ làm gì? Xin nhường câu trả lời cho các bạn trẻ.
Kinh Do Thái, lối sống, bản sắc, và tiếng Hebrew
Có ba câu chuyện ngồi ngẫm lại thấy khá hay và cũng phần nào liên quan đến chủ đề sắp bàn dưới đây.
CÂU CHUYỆN 1: Công việc đã xong, nhưng rủi một cái là không thể bay về được vì là ngày Thứ 7 nên hãng hàng không Israel El Al không làm việc. Nhưng lại có cái may là nhờ đó hiểu được thêm về kỳ nghỉ cuối tuần Thứ 6 và Thứ 7 (lễ Sabbath, người Do Thái đi làm từ Chủ nhật đến hết Thứ 5) của người Do Thái. Khi đi trên đường, đặc biệt ngày Thứ 7, thấy đường phố vắng ngắt và gặp không ít đàn ông Do Thái chính thống (Jewish Orthodox) mặc bộ đồ đen, đầu cũng đội mũ đen rộng vành, đứng trên vỉa hè, hai tay cầm quyển Kinh thánh Do Thái đọc lẩm nhẩm hàng tiếng đồng hồ với động tác hết sức thành kính và giữa trời nắng chang chang, trong khi đầu gật tới gật lui. Điều này không chỉ gây cho tôi sự ngạc nhiên thích thú, mà còn gợi ra rất nhiều điều.
CÂU CHUYỆN 2: Trước đó, khi chia tay Đại sứ Dan Stav, người tháp tùng trong suốt chuyến đi, tôi có nói rằng “Khi tôi mới đến nơi, ông Đại sứ có nói Bộ Ngoại giao Israel có khoảng 1000 nhà ngoại giao. Giờ đây khi đã xong các cuộc tiếp xúc tôi chỉ đồng ý một nửa. Các ông không chỉ có 1000 nhà ngoại giao, mà đó còn là 1000 Giáo sư nữa”. Dan ngửa mặt cười ha hả. Quả thực, hiếm có nước nào, kể cả các cường quốc, lại có nhiều nhà ngoại giao nắm giữ các vị trí chủ chốt nhưng lại có trình độ khá đều tay, am hiểu sâu chuyên môn và có thể trình bày vấn đề mạch lạc như một giáo sư đại học. Không chỉ rành chuyên môn, họ còn thể hiện tác phong hết sức chuyên nghiệp, động tác mạnh mẽ, dứt khoát.
CÂU CHUYỆN 3: Khi vào phòng làm việc với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc Phòng của họ, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy phòng khách bày biện khá đơn giản, không rõ chỗ ngồi của chủ và khách. Bèn hỏi cô lễ tân là ngồi thế nào, cô để “Sếp” cô ngồi đâu. Câu trả lời là: Các ông ngồi thế nào thì tùy và chỉ cần để một chỗ cho ông ấy ngồi là OK. Sau này mới thấy rõ hơn, trừ một số cuộc gặp phải tuân thủ một số nghi lễ ngoại giao bắt buộc, việc ngồi tự do (free sitting) tạo không khí thảo luận thoải mái và bình đẳng giữa chủ và khách, càng ngạc nhiên hơn khi đây cũng chính là cách người Israel ngồi khi thảo luận nội bộ!
Quay trở lại Phần 1, tôi thấy rằng các câu trả lời về nguyên nhân thành công của người Do Thái, sự cố kết của dân tộc này đều khởi nguồn từ 3 yếu tố chính (i) cuốn Kinh Do Thái (Jewish Bible), (ii) cách thức duy trì Đạo, bản sắc và lối sống Do Thái; và (iii) tiếng Hebrew. Các vấn đề khác như “gien” và tố chất thông minh của người Do Thái; tính hiếu học, ham hiểu biết và sáng tạo; cách duy trì và tổ chức cuộc sống, đời sống xã hội một cách văn minh, lành mạnh của họ đều bắt nguồn từ 3 yếu tố trên. Và cũng thật trớ trêu, đây lại là nguyên nhân chính khiến họ bị xua đuổi, miệt thị, truy sát trong hơn 20 thế kỷ qua. Tôi cũng nghiệm thấy rất ít dân tộc, quốc gia có thể học được theo họ, trừ phi anh cũng trở thành… người Do thái như họ!
Ta hãy đi từng vấn đề một:
Thứ nhất, Israel là đất nước duy nhất trên thế giới được định hình bởi 4 yếu tố mang đậm chất Do Thái là: (i) Dân tộc Do Thái, (ii) Đạo Do Thái, (iii) văn hóa Do Thái, và (iv) Đất nước Do Thái.
Trong các tôn giáo trên thế giới, Đạo Do Thái được ghi nhận là đạo có tuổi đời lâu thứ hai trên thế giới (ra đời cách đây khoảng 3000 năm), sau Đạo Hindu (ra đời cách đây khoảng 4000 năm). Tuy nhiên, do Hindu là đạo đa thần, nên Do Thái giáo có thể xem là đạo độc thần (Monotheistic) ra đời sớm nhất thế giới. Đạo Độc thần là đạo chỉ thờ 1 vị chúa/thần/hoặc thánh duy nhất. Đạo Do Thái chỉ thờ duy nhất Chúa trời, nên trên bàn thờ trong nhà thờ Do Thái họ trang trí đơn giản, không thờ người hoặc động vật. Họ cho rằng, người là người, dứt khoát không thể là chúa hay thánh được và chỉ có một Đức Chúa trời duy nhất. Phải chăng điều này làm cho người Do Thái cũng như sinh hoạt tôn giáo của họ “dân chủ” hơn do không bị phân tán, mất bớt quyền lực qua các nhân vật trung gian?
Một điều rất đặc biệt là trong cuốn Kinh Torah (gồm 5 tập, ghi lại các lời của Nhà tiên tri Moses) có ghi người Do Thái được Đức chúa trời chọn (the Chosen People) để truyền đạt thông điệp của Chúa cho các dân tộc khác, dẫn dắt và khai sáng các dân tộc khác. Người Do Thái rất tin vào điều này, tin vào “sứ mạng” được Chúa giao phó. Đây có lẽ là động lực lớn nhất khiến người Do Thái luôn tìm cách đạt đến đỉnh cao của khoa học, phấn đấu đủ tầm trí tuệ “dẫn dắt” nhân loại như họ nghĩ đã được “Chúa lựa chọn”. Do đó, điểm nổi bật nhất ở người Do Thái là họ thấy mục đích cao nhất của cuộc sống là sáng tạo, chứ không chỉ là kiếm tiền, và kiếm tiền cũng như sự giàu có của họ thực ra là hệ quả của các lao động sáng tạo chứ không phải mục đích mà họ theo đuổi.
Thứ hai, trong bất kỳ tôn giáo nào, tính “Giáo điều” đều tồn tại, duy chỉ khác nhau về mức độ. “Giáo điều” là những điều được ghi trong kinh/kinh thánh hoặc được các Bề trên giảng và được coi mặc nhiên đúng, không bàn cãi. Tuy nhiên, bản kinh Torah của người Do Thái lại rất gợi mở để mọi người suy nghĩ, khám phá. Trong 5 cuốn Kinh Torah thì có đến 4 cuốn nói về luật và 1 cuốn về các vấn đề trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Torah ghi các vấn đề trong cuộc sống, đặt ra các câu hỏi, gợi mở để suy nghĩ, nhưng lại không chỉ có một câu trả lời, mà có nhiều câu trả lời tùy thuộc bối cảnh khác nhau, và thậm chí còn để khoảng trống để mọi người cho trí tưởng tượng bay bổng với các hỏi và câu trả lời. Trong bữa cơm gia đình cuối ngày, hoặc trong ngày Sabbath, các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng đọc và tranh luận các điều ghi trong kinh thánh, và có thể chính điều này làm tăng thêm năng lực trí tuệ, làm cho họ rất giỏi về luật.
Thứ ba, các bạn Israel cho biết, cuốn Kinh Torah giống như một cuốn sách khoa học hơn là một cuốn kinh với các “Giáo điều”. Chẳng hạn, trong Kinh Torah ghi rõ ngày Thứ 7 là ngày Chúa nghỉ ngơi, nên tất cả mọi người Israel, kể cả các nô lệ và súc vật không được làm việc trong những ngày này. Ngày lễ Thứ 7 của họ gọi là ngày lễ Do Thái (Sabbath) được xem là ngày “nghỉ tuyệt đối”, theo đó Chúa khuyên các thành viên trong gia đình dành thời gian này bên nhau, cùng trò chuyện, đi chơi, vợ chồng “yêu” nhau, gia đình cùng nhau đi đến nhà thờ (Synagogue). Trong ngày này, mọi người không được bật lửa (vì thời xa xưa, bật lửa có nghĩa là phải vào bếp nấu nướng, tức vẫn “đi làm”) và ăn đồ ăn được chuẩn bị từ hôm trước. Thậm chí thang máy trong các cao ốc cũng để “chế độ Sabath”, tức người Do Thái không dùng tay bấm nút (biểu hiện của “làm việc”), mà để thang tự chạy automatic và mở cửa trước từng tầng một từ tầng thấp nhất đến tầng cao nhất của tòa nhà. Ngày Chủ nhật là ngày làm việc đầu tiên của họ, và điều ngạc nhiên là theo cách gọi trong Kinh thánh Do Thái các ngày làm việc trong tuần theo tuần tự là các ngày “sáng tạo”, chứ không phải ngày “đi làm”.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng gợi ra một số điều thú vị:
Ngày thứ 7 nghỉ tuyệt đối để lấy sức lao động cho các ngày khác trong tuần và đây có thể là nguồn cảm hứng cho việc đấu tranh đòi quyền của người lao động sau này;
Lễ Sabbath tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình (khi cả nhà cùng ngồi ăn quay quần bên nhau), và giữa các thành viên trong cộng đồng (khi hàng xóm cùng kéo nhau đến nhà thờ);
Là cơ sở của việc đấu tranh giành quyền bình đẳng phụ nữ (không lao động trong ngày Sabbath) sau này, cũng như quyền của động vật;
Vợ chồng “sản xuất” em bé trong ngày nghỉ khi tinh thần thoải mái thì đứa trẻ sau này cũng sẽ thông tuệ hơn.
Người Do Thái coi trọng chuyện học hành
Người Do Thái rất chú trọng đến chuyện học hành và chữ nghĩa của con cái. Cuốn Kinh Talmud từ cách đây trên 2000 năm đã yêu cầu các ông bố, bà mẹ phải dạy cho con cái biết đọc, biết viết từ năm lên 6 tuổi. Điều này, cũng như một số giáo lý khác trong kinh Talmud, được người Do Thái thực hiện hết sức nghiêm túc (sẽ nói kỹ sau), một phần vì thấy đúng, một phần vì sợ bị cộng đồng xa lánh. Do đó, từ cách đây trên 2000 năm người Do Thái cơ bản xóa được nạn mù chữ, với trên 90% người dân biết đọc, biết viết.
Đối với cuộc sống của con người hiện đại thời nay, điều này là quá sức bình thường. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh người Do Thái là những người du mục, nông dân, thậm chí tha phương cầu thực mà vẫn giữ được truyền thống này, trong bối cảnh tới trên 90% dân châu Âu và các sắc dân khác ở Bắc Phi, Trung Đông ở xung quanh thời đó mù chữ thì đây quả là điều phi thường. Không chỉ thời nay người Do Thái mới được trọng dụng và phát huy vai trò, mà vào thời cực thịnh của Đạo Hồi (thế kỷ IX-XIII) sau Công nguyên, người Do Thái được người Hồi giáo tin dùng và đóng vai trò nổi trội là các thương gia biết tính toán, “ăn nên, làm ra” với hệ thống buôn bán kéo dài từ Trung Đông, qua Nam Á và Đông Nam Á, thậm chí tới Thượng Hải.
Vậy trong điều kiện bị chiếm đóng và lưu lạc, họ duy trì được chữ viết và tiếng nói của mình ra sao trong hàng ngàn năm mà không bị mai một? Câu trả lời chính là sự sùng đạo và cuốn kinh Do Thái viết bằng tiếng Hebrew.
Hầu hết những người Do Thái mà tôi gặp, dù là người Chính thống hay người Do Thái bình thường, đều nói rằng khi gặp nạn, vật đầu tiên và cũng là vật quý giá nhất mà người Do Thái đem theo đầu tiên đó chính là CUỐN KINH THÁNH, chứ không phải bất cứ vật dụng nào khác. Cuốn Kinh thánh Do Thái (Hebrew Bible) đối với họ vừa là đức tin, vừa là lịch sử, vừa là nguồn tri thức, vừa giúp họ giữ được bản sắc, vừa giúp họ có tương lai:
Một là, sự sùng đạo, khiến người Do Thái phải đọc kinh liên tục, đọc thuộc làu, đọc ở trong nhà, đọc ngoài đường, đọc ở nhà thờ… giúp người Do Thái giữ được tiếng nói, nhận diện được ngôn ngữ đặc trưng của mình và được truyền từ đời này qua đời khác.
Hai là, khi lưu lạc sang các xứ khác nhau, ngữ âm của họ có bị thay đổi do phát âm theo thổ ngữ địa phương, nhưng cơ bản họ vẫn hiểu được nhau dù lang bạt hàng ngàn năm, và tới tận 73 quốc gia và lãnh thổ khác nhau. Điều đó giải thích tại sao người Do Thái từ “tứ xứ” đổ về, nhưng đã nhanh chóng gắn kết với nhau ngay sau khi Israel được tái lập năm 1948.
Ba là, không chỉ thạo tiếng Hebrew, mà người Do Thái còn thạo tiếng bản địa nơi họ sinh sống. Như vậy trên thực tế, người Do Thái sử dụng thông thạo hai ngoại ngữ từ rất sớm. Khoa học đã chứng minh, những người hoặc nhóm cộng đồng sử dụng được trên 1 ngoại ngữ thường có chỉ số IQ lớn hơn nhóm, hoặc người sử dụng ít ngôn ngữ hơn. Không chỉ vậy, kinh thánh không chỉ là phương tiện duy trì ngôn ngữ, mà còn giúp họ mở mang các kiến thức luật, kinh tế và khoa học thông thường ở trong đó.
Bốn là, niềm ao ước tột cùng trở về Jerusalem cũng được ghi trong Kinh thánh. Thời cổ đại, dù muốn đi đâu, làm ăn gì, thì người Do Thái cũng quy ước về quần tụ tại Jerusalem để hành lễ ít nhất là 4 lần 1 năm. Đến nay, truyền thống đó vẫn được duy trì và người Do Thái ở Israel thường về Jerusalem mỗi năm một lần, còn người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới thì về ít nhất 1 lần trong đời. Kinh Thánh Do Thái ra đời trong bối cảnh người dân Do Thái đã từng mất tổ quốc, mất Jerusalem trong một thời kỳ dài từ hàng trăm năm trước đó. Do đó, Kinh Thánh nhắc nhở người Do Thái rất kỹ về điều này. Truyền thống có từ cả ngàn năm nay và đến nay vẫn được duy trì trong cộng đồng Do Thái, là khi gặp nhau, hoặc khi viết thư, họ thường nói đến việc “sớm hẹn gặp nhau tại Jerusalem”, “hẹn gặp tại Jerusalem vào năm tới”. Do đó, ước nguyện trở về Jerusalem, lấy lại Jerusalem luôn cháy bóng trong mỗi người Do Thái và họ không bao giờ quên điều này khi tha hương.
Đạo Do Thái và việc duy trì nòi giống
Việc thực hiện nghiêm ngặt các phong tục tập quán của Do Thái giáo giúp người Do Thái sàng lọc gien “xấu”, lấy và nhân giống gien “tốt”. Thực ra, không chỉ người Do Thái làm vậy, mà các dân tộc khác như ngoài Hoa và Việt Nam cũng có những vần thơ để chọn người xứng đôi, vừa lứa như “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”, “Nữ tuệ tam tài nguyên thị đối” (Gái giỏi trai tài nom thật đối), v.v…. Chắc chắn đây không chỉ là chuyện “tâm đầu, ý hợp” của trai gái, mà còn liên quan đến việc duy trì nòi giống sau này.
Nếu như người Đông Á chỉ dừng lại ở mức “khuyên răn” thì người Do Thái đã “luật hóa” và “hệ thống hóa” được việc chọn lọc có chủ đích thay cho việc chọn lọc tự nhiên, vô thức để “hoàn thiện” và “phát triển” gien của mình:
Một là, trong Đạo Do thái, Giáo sĩ (các Rabbis) là những người được chọn từ những người thông minh nhất. Các Rabbis là người diễn giải Kinh thánh có uy tín và trọng lượng nhất, duy trì các giá trị “chính thống” và được xã hội hết sức trọng vọng. Tuy là thầy tu, nhưng các Rabbis vẫn có con như những người bình thường, và thậm chí có rất nhiều con. Do có uy tín cao trong xã hội, nên họ dễ dàng chọn hôn thê và hôn thê được họ ưu tiên chọn thường là con cái của các học giả (scholars), rồi sau đó mới đến con các nhà buôn.
Hai là, không chỉ các Rabbis chọn như vậy, kinh thánh Do Thái thậm chí còn khuyên mọi người là nếu có tiền của thì hãy tìm cách cho con cái của mình lấy con gái của các học giả. Kinh thánh khuyến khích người Do Thái sinh nhiều con, cho rằng sinh 13 con thì sẽ có nhiều may mắn. Nhưng trên thực tế lại có các “phanh hãm” đối với người nghèo, người ít học là sinh ra con cái nhưng phải đảm bảo các điều kiện kinh tế và tài chính. Chính điều này làm cho người nghèo, người ở tầng lớp thấp không “sinh tràn lan”, mà sinh có trách nhiệm và số người này chiếm tỷ lệ ngày một ít đi trong so sánh tương đối với những người có “gien” tốt, hoặc có điều kiện vật chất tốt hơn. Trải qua hàng ngàn năm chọn lọc có điều kiện như vậy nên việc có được nhiều gien tốt trong người Do Thái là điều dễ hiểu.
Ba là, trong quan niệm Do Thái chính thống, và ngay tại các khu vực người Do thái chính thống sinh sống hiện nay tại Israel, phụ nữ, con gái không bao giờ được “bén mảng” đến Nhà thờ. Trái lại, đàn ông dù bận công việc đến mấy cũng tìm cách đến nhà thờ vào lúc 6h chiều hàng ngày để làm lễ trước khi về nhà. Tuy nhiên, phụ nữ Do Thái lại được xem là có “quyền năng” tuyệt đối trong việc duy trì nòi giống. Con của một phụ nữ Do Thái đương nhiên được coi là người Do Thái, còn con của người đàn ông Do Thái với một phụ nữ không phải Do Thái thì chỉ được coi là người Israel (nếu như sống ở Isael), chứ không được coi là người Do Thái. Thời xa xưa, việc gia đình người Do Thái có một cô con gái lấy chồng không phải người Do Thái bị coi là “nỗi nhục” của cả gia đình và dòng họ, và người bố “từ con” bằng cách đào một nấm mộ giả coi như đứa con mình dứt ruột đẻ ra đã chết.
Nhiều nhà thần học mà tôi có điều kiện tiếp xúc cho rằng Đạo Do Thái hiện là một trong số ít tôn giáo “giữ” được “kỷ cương” khá tốt. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện này và cần nghiên cứu sâu hơn mới có câu trả lời thỏa đáng. Quả thực, bất kỳ tôn giáo lớn hoặc quan trọng nào đều đứng trước 3 thách thức lớn trong quá trình phát triển, đó là:
Duy trì được sự thống nhất, giữa các dòng, nhánh, xu hướng khác nhau trong cùng một tôn giáo, duy trì một đức tin chung trong thể thống nhất. Ví dụ, sự phân liệt rõ nhất thể hiện ở Đạo Hồi hiện nay với các dòng Shia, Suni, rồi nhánh Wahabis thuộc Suni, nhánh Alewite, Druze thuộc dòng Shia…, mà dòng, nhánh nào cũng cho mình mới là “chính thống”, còn những dòng, nhánh khác là “ngoại đạo”, cần bị loại bỏ để làm “trong sạch” Đạo Hồi;
“Đồng hành” cùng xã hội hiện đại, nhưng vẫn duy trì các giá trị, các nguyên tắc “cốt lõi” (tức tính chất “chính thống”, mặc dù việc diễn giải và tự nhận các tính chất này còn nhiều điều phải bàn);
Tránh việc tạo ra một tầng lớp “tăng lữ” mới, với các đặc quyền, đặc lợi, hủy hoại chính tôn giáo của mình.
Do Thái giáo cũng không phải là ngoại lệ, nhưng ít gặp các “vấn nạn” ở trên hơn, do:
Ngay khi ra đời, Do Thái giáo đã không có “vấn nạn”, đưa đến sự kình chống nhau sâu sắc giữa các dòng tu. Đạo Hồi chẳng hạn, ngay sau khi Nhà tiên tri Mohamed qua đời, sự giằng xé giữa những người cho rằng cần phải chọn người thừa kế hoặc có dòng màu trực hệ để “hướng đạo” hạy chọn những người có khả năng nhất trong việc kế thừa và phát triển di sản của Mohamed đã đưa đến việc phân chia Hồi giáo thành 2 nhánh lớn là Shia và Suni. Do Thái giáo cũng có những dòng hết sức cực đoan, thậm chí không công nhận Nhà nước Israel, nhưng họ vẫn hợp tác, và không đi đến chỗ đối đầu nhau bằng bạo lực. Những người có tác dụng giữ sự hòa hợp và thống nhất Đạo Do Thái là các giáo sĩ và Hội đồng giáo sĩ.
Trong hệ thống luật dân sự của Israel, còn có luật Do Thái Halakha tương tự như luật Sharia của Hồi giáo mà một số nước như Arab Saudi, Brunei… áp dụng. Halakha bao gồm 613 điều răn (commandments) với hệ thống tòa án riêng, và các “bản án” tôn giáo đối với người có đạo thậm chí còn đáng sợ và nghiêm khắc hơn các bản án dân sự. Luật Halakha tồn tại trong mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, can thiệp sâu và điều chỉnh rất nhiều quy tắc, tập tục của đời sống xã hội. Nếu không tuân theo Halakha, các Rabbis có quyền rút “Phép thông công” (excommunicate) – tương đương với một bản án tử hình – và điều này cũng đồng nghĩa với việc khi qua đời, linh hồn người chịu hình phạt đó không được bay lên Thiên đàng.
Người theo Đạo chính thống Orthodox tin và tự chọn cho mình lối sống theo các giá trị truyền thống và nguyên tắc nguyên thủy. Tuy nhiên, họ không tìm cách áp đặt lối sống của mình hay kỳ thị những người thế tục. Bản thân các Giáo sĩ (Rabbis) và những người Orthodox không được hưởng đặc quyền, đặc lợi, họ thỏa mãn với cuộc sống thanh bạch của mình. Trong đạo Hồi chẳng hạn, những người Wahabbis cũng có cuộc sống thanh bạch, khắc khổ, nhưng điều nguy hại là họ lại tìm cách áp đặt lối sống của mình lên những dòng, nhánh khác.
Khác với các Đạo giáo khác là tìm mọi cách truyền đạo để mở rộng thành viên, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, để trở thành một người Do Thái rất khó, phải có căn cứ, bằng chứng xác nhận tới ít nhất 4 đời trước đó và quy theo mẫu hệ. Họ cho rằng, đã là “thiên sứ nhà trời”, “được chúa chọn” thì chỉ có ít người được hưởng vinh dự, chứ đâu có thể kết nạp tràn lan, cứ vào đến synagogue (nhà thờ Do Thái) là trở thành Do Thái ngay được.
Trong những điều kiện khắc nghiệt thời kỳ Đế quốc La mã là bá chủ khu vực Trung Đông, để tránh bị truy đuổi và tận diệt, người Do Thái buộc phải cải đạo sang đạo Thiên chúa. Tuy nhiên họ lại cải đạo trở lại thành người Do Thái khi điều kiện cho phép. Bản thân Hitler là người rất căm thù dân Do Thái, một cộng đồng đoàn kết nhưng sống tách biệt với người bản xứ. Trong con mắt Hitler, đã sinh ra là một người Do Thái thì sẽ luôn luôn là một người Do Thái, cải đạo chẳng giúp ích gì, và quyết truy sát 1 người nếu tìm được bằng chứng trước đó 4 đời họ là người Do Thái.
Tản mạn thay lời kết: Chuyện ăn uống và tố chất của người Do Thái
Đồ ăn Kosher (Kosher food) là đồ ăn được chế biến và ăn theo kiểu Do Thái. Đối với người Do Thái Chính thống, việc sử dụng Kosher là điều gần như bắt buộc, còn đối với người thế tục thì tùy lựa chọn. Các canteen phục vụ tai các cơ quan chính phủ Israel như Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng nghiễm nhiên là các nhà hàng phục đồ ăn Kosher. Đồ ăn Kosher hiện ngày càng trở nên phổ biến tại Israel và trên khắp thế giới và không chỉ người Do thái chính thống mới dùng. Hiện nay, có 100.000 loại thực phẩm Kosher khác nhau được bán trên phạm vi toàn thế giới.
Vậy Kosher là gì và ăn như thế nào? Trong Halakha quy định rất rõ, chi tiết và khá phức tạp, nhưng chung quy lại có một số điểm chính:
Về các thức ăn Kosher:
Một số con vật ăn được: chỉ ăn những con vật có móng chẻ, ăn cỏ và nhai thức ăn lại như bò, dê, cừu. Các con vật không ăn được là lợn, ngựa, và lạc đà. Lợn tuy có móng chẻ nhưng không nhai lại, còn ngựa, lạc đà tuy ăn cỏ nhưng không có móng chẻ.
Ăn các loài có cánh như gà, vịt, ngỗng, bồ câu… Không ăn các loài chim ăn thịt như diều hâu, chim ưng, đại bàng.
Ăn các loài cá có vây và vẩy như các hồi, cá ngừ, cá trích… Không ăn các con cá không vảy như lươn, các trê, cá tầm, tôm, tép, nghêu sò, ốc hến, các loài bò sát, côn trùng.
Các thức ăn trung tính như trái cây, nước trái cây, ngũ cốc, trứng gà vịt, mật ong, rượu vang, chè, café.
Về cách ăn đồ Kosher:
Chỉ uống sữa và các vật phẩm chế biến từ sữa của các con vật Kosher như bò, dê, cừu. Chỉ được dùng sữa và các vật phẩm chế từ sữa 6 tiếng sau khi dùng thịt, hoặc 30 phút trước khi ăn thịt chứ không được ăn, uống đồng thời. Đồ chế biến sữa và thịt, kể cả chậu rửa bát nhất thiết phải dùng riêng.
Lúa mì, gạo, và một số loại rau, củ nhất định thì ăn được. Không ăn, uống nước trái cây hoặc đồ chế biến từ các loại loại quả như cam, quýt, bưởi… dưới 3 tuổi.
Không ăn nội tạng động vật hay gia cầm; không ăn phần phía sau của con thú và không ăn thịt, cá đồng thời.
Khi ăn thịt phải lấy hết sạch máu và người chế biến phải học cách giết con vật sao cho con vật chết nhanh nhất, không đau đớn, nhưng lại ra được hết tiết. Thậm chỉ còn phải rửa sạch và ngâm miếng thịt trong nước 30 phút trước khi chế biến để ra hết máu,
Các nhà hàng Kosher nhất thiết phải do đầu bếp Do thái chính thống trực tiếp nấu nướng và bị phạt rất nặng, kể cả tước giấy phép kinh doanh, hành nghề nếu vi phạm.
Có lẽ trên thế giới không có dân tộc nào có kiểu ăn “kiêng, khem” phức tạp và rườm rà như người Do Thái chính thống. Các nhà hàng phục vụ đồ ăn Kosher thường đắt hơn từ 20-30% so với nhà hàng thông thường, vậy mà lúc nào cũng đông khách ăn.
Theo tôi, đây không chỉ là đồ ăn kiêng của người Do Thái, mà THỰC CHẤT KOSHER LÀ ĐỒ ĂN, CÁCH ĂN THÔNG MINH, KHOA HỌC, THẬM CHÍ LÀ LÝ TƯỞNG không chỉ của người Do Thái, mà của con người nói chung. Nếu chỉ khuyên nhủ thông thường sẽ ít người theo, nhưng khi khoa học được “phủ” một lớp màu tôn giáo thì Kosher đã trở nên thành món ăn kỳ ảo, mê hoặc và quyến rũ.
Tạm cắt nghĩa một số thứ:
Theo người Do Thái, con vật cũng như con người đều có linh hồn. Nếu làm cho con vật chết đau đớn thì nó sẽ oán trách và cả người thịt lẫn người ăn nó đều bị “quở phạt”. Do đó, giết nhanh để con vật mau chóng được hóa kiếp lên thiên đàng.
Khi con vật cắt được tiết nghĩa là con vật còn tươi, chứ không phải ăn đồ ôi. Thú tính và sự ngu muội của con vật nằm ở “dòng máu”, và ăn thú vật hay gia cầm có tiết sẽ làm con người lâu dần nhiễm “thú tính” và đầu óc trở nên trì độn, còn nòi giống đi đến chỗ thoái hóa.
Thịt ăn cùng với cá không còn tác dụng bổ dưỡng nữa, mà triệt tiêu lẫn nhau. Còn trái cây trong 3 năm đầu thường chứa nhiều chất, độc tố có hại cho cơ thể.
Uống sữa sau khi ăn thịt không tốt cho sức khỏe vì bản thân thịt nhiều chất đạm, lâu tiêu lại có thêm chất bổ dưỡng khác nữa làm cho cơ thể không thể hấp thụ nổi và dễ sinh bệnh.
Trong điều kiện thiên nhiên hết sức khắc nghiệt của vùng Bắc Phi – Trung Đông, việc ăn uống tốt giúp người Do Thái chống chọi tốt hơn với khí hậu khắc nghiệt, làm cho không chỉ thể trạng khỏe khoắn mà trí tuệ của họ cũng hơn người. Các cụ nhà ta chả nói bệnh vào từ mồm đó sao?
Như vậy, trải qua cả ngàn năm, với cuốn Kinh Thánh Hebrew, người Do Thái không chỉ thành công trong việc bảo tồn, mà còn phát triển bản sắc, văn hóa, tôn giáo của mình. Không những vậy, thông qua ăn uống, cuộc sống tinh thần lành mạnh, làm cho “gien Do Thái” vốn đã ưu việt, ngày một trở nên ưu việt hơn. Khác với các tôn giáo khác, người Do Thái không tìm cách phát triển tôn giáo của mình qua con đường truyền đạo như Đạo Hồi, Đạo Thiên chúa, hay Đạo Phật, mà tìm cách giữ sao cho Do Thái giáo càng “thuần khiết” càng tốt. Phải chăng những người được Chúa “chọn mặt gửi vàng” đâu có thể phát triển tràn lan được!
Có lẽ chính vì vậy mà cách đây từ trên 3.000 năm Nhà tiên tri Moses của người Do Thái đã lường trước điều này khi ông, ngay từ khi đó, đã hình dung ra rằng nếu người Do Thái làm theo các lời răn dạy của ông thì họ sẽ trở thành đối tượng bị săn đuổi và tận diệt của nhiều sắc dân khác và vì vậy đã chuẩn bị cho họ hành trang đầy đủ trong cả ngàn năm thiên di trước khi “trở về Jerusalem”. Điều ngạc ngạc nhiên là người Do Thái không than thân, trách phận mà họ coi đó là “sự thử thách” của Chúa trời đối với dân tộc Do Thái!
Tác giả: Hoàng Anh Tuấn
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế
TS. Hoàng Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bài viết tổng hợp những ghi chép đăng lần đầu trên trang Facebook của tác giả về chuyến công tác tới Israel gần đây, thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác.

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Lịch sử Trung hoa-Nhà Thanh đến Mao

1. Vận động Duy Tân và chính biến Mậu Tuất (1898)
Sau vụ Trung Nhật chiến tranh, thấy một nước lớn như Trung Quốc mà bị một nước nhỏ xưa nay mình vẫn khinh khi là Nhật Bản đánh thua, kẻ sĩ có kiến thức hoảng hốt, thức tỉnh, nhận rằng công cuộc tự cường hơn hai chục năm không có kết quả gì cả, “thuyền vững, súng mạnh” không đủ để cứu nước, phải cải cách từ gốc, thay đổi chế độ, như Wang Tae đã cảnh cáo thì mới được. Nếu không canh tân chính trị, tổ chức lại điều đình, cải tạo phung phí trong xã hội, tinh thần của quốc dân, nếu không bỏ lối khoa cử cũ đi, tuyển quan lại theo một cách mới, thì khống sao chống lại được với liệt cường. Do đó mà có cuộc vận động duy tân khắp trong nước.
Người đề xướng là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, đưa ra khẩu hiệu là “toàn biến, tốc biến” (thay đổi triệt để và mau).
Khang sinh năm 1858 ở tỉnh Quảng Đông (huyện Nam Hải) miền tiếp xúc nhiều với người Âu, có nhiều nhà cách mạng lớn mới. Gia đình ông mấy đời nổi tiếng về cự học. Ông là con trưởng, người em thứ là Quảng Nhân cũng làm cách mạng. Ông rất thông minh, thâm cựu học, đậu tiến sĩ, nhưng rất chú y tới thời cuộc, đọc nhiều sách phương Tây do người Nhật dịch, mở trường dạy học, thường họp bọn thanh niên, diễn thuyết về biến pháp. Ông đã nhiều lần dâng thư lên triều đình Mãn Thanh xin biến pháp, nhưng thư không tời tay vua.
Ngoài giờ dạy học ông trứ tác được nhiều; ba tác phẩm chính của ông là.
   - Tân học ngụy kinh, nghiên cứu về các kinh của Khổng học mà ông cho là ngụy tạo dưới đời Vương Mãng (nhà Tần đời Hán). Trong cuốn đó ông vạch ra những chỗ không đáng tin và bảo cái bọc đó không thực là của Khổng Tử.
   - Khổng Tử cải chế khảo, nghiên cứu về cuộc cải cách chế độ phong kiến của Khổng Tử.
   - Đại đồng thư. Ông cho rằng nhân loại sắp bước vào thời đại đồng rồi, lúc đó mọi người sẽ bình đẳng, ai cũng có lòng bác ái, coi thiên hạ vạn vật là một, không ai còn khổ não nữa; và để sửa soạn cho thời đại đó, ông đề nghị: Phá ranh giới giữa các quốc gia; bỏ chế độ giai cấp; bỏ quan niệm về chủng tộc; không phân biệt phái trai gái, nam nữ hoàn toàn bình đẳng, phá bỏ gia đình, bỏ tư sản; nông công thương không còn chủ thợ nữa, những cái gì bất bình, bất đồn, bất công, trừ diệt.
Công việc khảo cứu của ông không vững, ông chủ quan quá, mà thuyết của đại đồng của ông pha Khổng, Phật và Tây học, nhiều người chê là không tưởng, nhưng ai cũng phải nhận ông có tư tưởng khác người, là một triết gia quan trọng thời Thanh mạt, mà tư tưởng cách của ông đán trọng, công lao của ông với dân tộc đáng kể: Ông là người mở đường cho cách mạng Tân Hợi.
Trong nhóm môn đệ của ông có Lương Khải Siêu và Đàm Tự Đồng đa tài hơn cả. Lương cũng gốc ở Quảng Đông, là một nhà văn, nhà báo chứ không phải là một triết gia. Cũng thông minh, 17 tuổi đậu cử nhân, lên Bắc kinh thi hội. Khi trở về, nghe tiếng Khang Hữu Vi, xin được yết kiến. Nghe Khang hùng hồn mạt sát cựu học là vô dụng, ông hoang mang, vừa thẹn vừa mừng, xin làm môn đệ của Khang. Học với Khang được ba năm, rồi lên Bắc Kinh làm quen với Đàm Tự Đồng. Đàm đáng là một triết gia, có nhiều tư tưởng lạ và kịck liệt soạn cuốn Nhân học để phát huy thêm thuyết đại đồng của Khang. Đàm trọng dân mà khinh vua, ghét chế độ quân chủ chỉ ức hiếp dân, mà phục Hoàng Tôn Hi. Ông lại chê văn minh phương Tây là tự ti tự lợi, quá ham vật chất. Ông muốn đúc cả Đông Tây vào một lò để tạo thế giới đại đồng. Rất tiếc ông hi sinh cho cách mạng chết sớm (coi ở dưới) nếu không thì còn cống hiến cho dân tộc Trung Hoa nhiều tư tưởng lạ nữa.
Năm 1895, buồn về nỗi Hoa thua Nhật, Lương Khải Siêu làm đại biểu cho một nhóm 190 cậu cử Quảng Đông lên kinh thi, dâng thư lên triều đình bàn về thời cuộc. Khang Hữu Vi cùng nhóm 3.000 cậu cử khác dân thư xin biến pháp, hai nhóm họp làm một. Từ thế kỉ XII, đời Nam Tống đến bây giờ, trên bảy thế kỉ, mới lại thấy một phong trào học sinhdâng thỉnh nguyện lên vua. Lần đó, thỉnh nguyện của nhóm Khang, Lương không được chấp nhận.
Năm 1896, Khang dân thư xin biến pháp nữa, lần này đạt được đến Quảng Tự, nhờ một vị đại thần, thầy học cũ của Quang Tự.
Quang Tự lúc này đã thực sự cầm quyền. Từ Hi Thái Hậu lui về nghỉ ở Di Hòa viên, dĩ nhiên vẫn theo dõi hành động của ông. Ông tuy sợ “Phật bà” – Từ Hi – như cọp, nhưng sáng suốt, nhiệt tâm muốn noi gương Minh Trị Thiên Hoàng và hoàng đế Pierre, cứu Trung Quốc, cho vời Khang, Lương lên kinh bàn việc nước. Ông tiếp Khang, Lương suốt một buổi, 5-6 giời liền, phong cho chức tước để cùng mưu việc biến pháp.
Đề nghị nào họ đưa ra Quang Tự cũng chấp nhận hết: Cải cách việc triều đình cho mới mẻ, bỏ lối văn bát cổ trong các khoa thi mà lấy môn luận về thời vụ thay vào, lập học hiệu, khuyến khích kẻ viết sách mới và kẻ chế khí cụ mới, bỏ những nha thự ít việc, luyên tập quân đội theo lối mới, trù lập ngân hang, làm đường xe lửa, khơi mỏ, mở nông và công nghiệp, lập hội buôn, mỏ rộng đường ngôn luận, cầu nhân tài…
Trong khoảng chưa đầy ba tháng, mà một trăm mấy chục đạo chiếu ban ra, làm cho cả trong trièu lẫn ngoài tỉnh, mọi người xôn xao. Đúng là “toàn biến” và “tốc biến”.
Khang Hữu Vi biết rằng bọn cựu thần tất phản đối, nên khuyên vua đừng vội bỏ hết các nha môn, mà giữ hết họ, cho họ các chư hầu, không mất lộc, vị. “Phật bà” ở Di Hòa Viên biết hết, không ưa trò biến pháp đó, bổ nhiệm một người về phe bà là Vinh Lộc, tổng đốc Trực Lệ làm thống lãnh quân đội ở vùng Kinh kỳ để củng cố thế lực của bà. Vua Quang Tự cương quyết, bảo: “ Không cho ra biến pháp thì giết ta còn hơn”.
Đàm Tự Đồng thấy Từ Hi cản trở công việc duy tân, khuyên Quang Tự đoạt lại chính quyền. Quang Tự nghe lời, triệu Viên Thế Khải, (học trò của L‎ Hồng Chương trong việc đào tạo quân mới) lúc đó đương thống lĩnh 7.000 quân tâm phúc, về Bắc Kinh bàn việc, có ‎ dùng quân của Viên để bao vây Di Hòa Viên. Chẳng may việc đó tiết lộ (chính Viên phản vua, vì thấy Từ Hi còn mạnh), Từ Hi hay được, vội vàng từ Di Hòa Viên trở về Bắc Kinh, họp Quang Tự và các đại thần lại, bắt Quang Tự quì một bên, các đại thần quì một bên, trừng mắt, lớn tiếng mắng Quang Tự một cách tàn nhẫn: “Thiên hạ này là thiên hạ của tổ tiên, mày sao dám tự ‎ làm bậy? Các quan đây đều do tao tuyển dụng trong nhiều năm để họ giúp mày, mày sao dám tự y không dùng người ta? … Rồi bà quay sang phía các đại thần mắng là bất lực, không tận tâm với quốc sự…”
Sau cùng bà tuyên bố rằng Quang Tự đau, bà phải thinh chính trở lại, và đem giam Quang Tự ở Doanh Đài, trong hồ Tây Uyển. Vậy là cuộc biến pháp thành cuôc chính biến.
Bà ban lịnh cấm dân dâng thư, phế bỏ cục Quan Báo, đình chỉ việc lập học hiệu trung, tiểu ở các tỉnh, các huyện; dùng lại lối văn tám vế để lựa kẻ sĩ, bỏ khoa thi đặc biệt về kinh tế; bỏ các tổng cục nông công, thương, cấm báo quản, truy nã chủ bút, cấm hội họp, dùng lại các vũ khí cung đao…; tóm lại là chỉ trong một hai tuần toàn hủy, tốc hủy các canh tân của Quang Tự. Sử gọi vụ đó là “Chính biến Mậu Tuất” (1898); cũng gọi là vụ “duy tân 100 ngày”.
Khang Hữu Vi hay tin trước, trốn vào sứ quán Anh ở Thượng Hải rồi xuống Hương Cảng, qua Nhật Bản. Lương Khải Siêu, sau khi việc xảy ra mới trốn qua Nhật. Đàm Tự Đồng không chịu trốn, muốn lấy máu mình nuôi cách mạng, nên bị giết với năm người nữa: Khang Quảng Nhân, (em Khang Hữu Vi) Lưu Quang Đệ, Lâm Húc, Dương Nhuệ, Dương Thâm Tú, người bấy giờ gọi là “Lục quân tử” có ‎ sánh với lục quân tử thời Minh, tức là sáu kẻ bi tên hoạn quan Ngụy Trung Hiền hãm hại, chết trong ngục.
Khang Hữu Vi ở Nhật lập đảng Bảo hoàng mông lật đổ Từ Hi, phò trợ Quang Tự lên cầm quyền; Lương Khai Siêu xuất bản tờ báo Thanh Nghị mạt sát Từ Hi.
Từ Hi xin Anh, Nhật giao Khang, Lương cho bà ta, nhưng họ không nghe, còn bảo vệ cho Khương, Lương mà họ coi là quốc sự phạm. Bà ta còn muốn bắt Quang Tự thoái vị để bà đưa một người khác lên, sai người cho dò ‎ công sứ các nước, họ đều phản đối. Hoa kiều ở hải ngoại đánh điện về ủng hộ Quang Tự, bà ta càng ghét ngoại nhân đã mớm cho Trung Hoa những y phản động: Hiến pháp, dân chủ… Đó là nguyên nhân gây ra nạn Quyền phỉ hai năm sau. Vận nhà Thanh đã tới lúc mạt. Mà mầm cách mạng Tân Hợi đã nhú.
3. Nga Nhật chiến Tranh
Năm 1895 Nhật uất hận vì Nga đã can thiệp, bắt phải nhả mồi ngon Liễu Đông ra nhưng thời đó chưa đủ sức chọi với Nga, Pháp, Đức nên phải nuốt hận.
Năm 1901, Nga lại chiếm Đông Tam Tỉnh rồi tranh mất Lữ Thuận (ở bán đảo Liễu Đông) của Nhật. Lần này, trên sau 30 năm duy tân, Nhật mạnh hơn nhiều, nên phải tìm cách trả thù, chuẩn bị kĩ, kết đồng minh với Anh vì Anh không ưa Nga (họ xung đột nhau về quyền lợi ở Trung Á); Nga hay được kết đồng minh với Pháp, Mỹ thấy có thể gây ra chiến tranh được, đề nghị với Thanh đình khai phóng Đông Tam Tỉnh cho mọi nước thông thương, không nước nào chiếm để cho tình hình quốc tế hòa hoãn. Thanh bằng lòng nhưng Nga không chịu.
Thế là Nhật, Nga tuyên chiến với nhau (1904). Các nước phương Tây trung lập. Trung Hoa cũng trung lập để mặc họ đánh nhau ở Liêu Đông, trên đất nước của mình, chỉ yêu cầu họ đừng phạm vào Liêu Tây (miền phía Tây sông Liêu).
Đô đốc Nhật là Đông Hương Bình Bát Lang (Togo) một mặt phái một đội cảm tử phong tỏa cảng Lữ Thuận (Port Arthur) – nơi có pháo đài rất kiên cố của Nga. Không cho hải quân Nga tự do ra vào, một mặt đem lục quân đổ bộ tiến vào Liêu Đông, đánh phía sau Lữ Thuận.
Tháng 8 năm 1904, hạm đội của Nga ở Lữ Thuận và Hải Sâm Uy cùng nhau mưu thoát vòng vây, một số bị đánh chìm, một số chạy thoát ra được Sakhaline (Khổ Liệt), Yên Đài, Thượng Hải. Vậy là hạm đội Nga ở Thái Bình Dương không còn sức chiến đấu nữa. Về phía lục quân, Nga cũng đại bại ở Phụng Thiên (Moukden), mất 100.000 quân. Kế đó Nhật đem toàn lực tấn công Lữ Thuận, Nga phải đầu hang: Non 900 tướng tá và trên hai vạn sĩ tốt bị bắt làm tù binh, Nhật chiếm được rất nhiều chiến lợi phẩm (1905).
Nga cho hạm đội biển Baltique qua đánh nữa. Vì Anh là đồng minh của Nhật, không cho họ qua kinh Suez, nên họ phải đi vòng ngã Hảo Vọng Giác, tới Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, nhiều chiếc xin Pháp ghé vịnh Cam Ranh của ta để sửa chữa và lấy thêm dầu, than.
Tàu của Nga không tối tân bằng tàu Nhật, hải quân Nga lại kém tinh thần, nên khi tới eo biển Đối Mã (Toushima) ở giữa Triều Tiên và Nhật Bản thì hải quân Nhật đã được Thiên hoàng kích thích: “Quốc gia cương thịnh hay suy vong là do trận này”, nên hết thảy đều cảm tử tấn công và đại thắng: Hạm đội Nga gồm 38 chiếc thì 35 chiếc bị Nhật đánh đắm hoặc bắt được, quân Nga tử trận 4.000, bị cầm tù 7.000 còn phía Nhật thì chỉ tử trận 16, bị thương 538.
Lúc đó một đoàn lục quân Nga theo đường xe lửa xuyên Sibérie qua nhưng Nga hoàng chán nản vì vụ đại bại ở Đối Mã, lại lo lắng về nổi loạn (cách mạng Nga năm 1905), nên không ham chiến nữa; Nhật tuy thắng nhưng lục quân chết cũng nhiều, khi tấn công Lữ Thuận, nên yêu cầu tổng thống Mỹ Roosevelt đứng làm trung gian để hai bên nghị hòa.
Tháng 9 năm 1905, hai bên kí hòa ước ở Pertsmouth (Mỹ) gồm 15 khoản mà các khoản trọng yếu như sau:
   - Nga nhận rằng Nhật được quyền bảo hộ nước Hàn và được tự do kinh doanh ở đó.
   - Nga nhường cho Nhật quyền tô tá ở Lữ Thuận, Đại Liên.
   - Nga nhường cho Nhật những đường xe lửa cùng những tài sản phụ thuộc ở miền từ Trương Xuân tới Lữ Thuận (tưc mien mà nga mới khai thác từ sau hòa ước Tân Sửu (1901))
   - Nga cắt cho Nhật nửa phía đảo Nam đảo Khố Liệt (Sakhaline)
   - Cả hai bên đều đúng kì hạn triệt hết binh ở Đông Tam Tỉnh. Tất cả nhưng đất nhường đó đều do Nga chiếm của Trung Hoa. Chung qui chỉ Trung Hoa là bị thiệt thòi và chỉ Nhật là được lợi. Sau hòa ước đó, nửa sau phía nam Đông Tam Tỉnh thuộc phạm vi của Nhật, nửa phía Bắc thuộc phạm vi của Nga.
Nhật không được bồi thường nào cả. Tài chánh kiệt quệ, nên Nhật gấp muốn nghị hòa, Nga đưa ra điều kiện nào, Nhật chấp nhận ngay chứ không đòi gì thêm.
Trận hải chiến Đối Mã làm cho cả thế giới ngạc nhiên. Ảnh hưởng của nó có phần lớn hơn ảnh hưởng củ trận hải chiến Trafalgar Anh diệt hạm đội của Pháp và Y Pha Nho, đúng 100 năm trước, năm 1805. Để đánh dấu một khuc quẹo trong lịch sử hiện đại.
Nó đưa Nhật lên hàng liệt cường, Nhật thành một đế quốc có được ba đất thực dân: Đài Loan, Triều Tiên, Nam Mãn.
Ảnh hưởng của nó đối với Á Đông cực lớn. Nó làm ngưng trong một thời gian sự bành trướng của Nga ở Trung Hoa; Á Châu bắt đầu phục sinh là nhờ nó. Toàn cõi Á Châu khi nghe tin khổng lồ Nga “con gấu trắng Bắc Cực” bị “chú lùn da vàng” hạ thì nhảy múa, reo hò như chính mình đã thắng trận. Người Á có cảm tình ngay với Nhật vì Nhật đã rửa cái nhục chung của giống da vàng. Trung Hoa mong lật đổ gấp nhà Thanh để duy tân như Nhật; Ấn Độ, Việt Nam, Miến Điện, Mã Lai… đều mơ tưởng độc lập và hai tên Minh Trị Thiên Hoàng, Y Đằng Bác Vân vang lên trong miệng các nhà ái quốc. Người ta mong nhờ Nhật giúp để đuổi người Âu ra khỏi nước, người ta đổ xô nhau qua Nhật học. Và người Nhật tỏ ra kiêu căng, nuôi cái mộng là bá chủ Đông Á. Đảo Sakhaline, Triều Tiên, quần đảo Lưu Cầu, đảo Đài Loan thì chỉ là bước đầu, là cái vòng trong, phải mở thêm một vòng ngoài nữa gồm quần đảo Marianmes, Phi Luật Tân, Mãn Châu, Đông Trung Hoa, Sibére, sau cùng là vong thứ ba rộng hơn gồm trọn Trung Hoa, Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai… Toàn da vàng mà Nhật làm chủ, sẽ cung cấp thực phẩm cho người Nhật, tài nguyền sản vật cho người Nhật, sẽ là một thị trường tiêu thụ các sản phẩm kỹ nghệ của Nhật. Mộng đó họ sẽ thực hiện lần lần từng bước và tin sẽ thực hiện được.
Sau hòa ước nhục nhã Tân Sửu (1901, Từ Hi bị dân chúng vạch tội, muốn mua chuộc lại lòng dân, mới chỉnh sửa đổi chính sách, bao nhiêu sắc lịnh biến pháp của Quang Tự mà năm 1898, bà hủy bỏ thì bây giờ thực hiện hết, lại lập nhiều cơ quan mới như hội nghị chính vụ xứ, thượng bộ, học bộ, luyên tân quân, chấn hưng công, thương.
Khanh Hữu Vi ghét Từ Hi nhưng vẫn chưa oán người Thanh, lập Đảng Bảo Hoàng, hi vọng ở Quang Tự, nhưng tư tưởng ông hơi thay đổi, đòi quân chủ lập hiến; Lương Khải Siêu theo Khang xuất bản tờ Tân Dân tùng báo để cổ súy lập hiến đối lập với tờ báo Dân báo của Đảng Cách mạng lúc ấy.
Năm 1905, dân Trung Hoa thấy Nhật theo Quân chủ lập hiến mà mạnh, thắng được Nga theo Quân chủ chuyên chế, nên càng tin ở chế độ lập hiến, và đòi Thanh đình phải lập hiến, chứ chỉ sửa đổi chính sách (Thanh đình gọi là tên chính: Chính sách mới) chỉ duy tân thì không đủ. Ngay một số đại thần Hán trung với thanh như Trương Chi Động, Viên Thế Khải cũng chủ trương lập hiến. Phong trào lập hiến sôi nổi trong nước, Từ Hi bất đắc dĩ phải phái năm đại thần đi Nhật, Anh, Đức để khảo sát chế độ lập hiến của ba quốc gia đó.
Năm sau họ trở về đều chủ trương lập hiến. Từ Hi xuống dụ:
“Trước hết cải cách quan chế rồi đến chính trị, khiến sĩ dân hiểu rõ quốc chính để dự bị cơ sở cho việc lập hiến, vài năm sau, xét lại tình hình, xem tiến bộ mau chóng mà định kì hạn xa gần.”
Rồi họ sửa đổi quan chế : Đặt ra Tư chính viện ở kinh sư, Tư nghị cuộc ở các tỉnh để làm cở sở cho Quốc hội và Tỉnh nghị hội, lập thẩm kê viện, thẩm phán sảnh, ban bố Hình luật mới…, nhưng một số biện pháp không thực hành được, có danh mà không thực.
Họ lại hạ chiếu lập một nội các mới bề ngoài có vẻ tiến bộ mà sự thực chỉ là để phá nguyên tắc Mãn và Hán ngang nhau, vì trong số 12 thượng thư chỉ có 4 người Hán, 1 người Mãn, 2 thị lang Mãn, 2 thị lang Hán), còn 8 người kia là Mãn, mà 5 người là hoàng tộc; vì vậy người Trung Hoa gọi nội các đó là nội các hoàng tộc.
Sau cung năm 1908, họ ban bố Hiến pháp đại cương gồm 15 điều mà điều số 1 là: Hoàng đế Đại Thanh thống trị Đế Quốc Đại Thanh, nối tiếp nhau tời vạn đời, và điều số 2 là: Hoàng đế tôn nghiêm như thần, thánh, bất khả xâm phạm. Nội dung là quyền vua rất lớn, quyền dân rất ít, nghị viện chỉ là một cơ quan tư vấn. Họ dự bị 9 năm sau mới hoàn thành hiến pháp. Rõ rang là họ không thành tâm chút nào cả.
Trong năm đó, sau khi ban bố Hiến pháp đại cương thì Quang Tự chết trước rồi Từ Hi chết sau, chỉ cách nhau có mấy giờ. Dân chúng ngờ rằng Từ Hi biết mình sắp chết, không muốn cho Quang Tự sống nên đầu độc Quang Tự.
Con của thuần Thân Vương (em cùng mẹ với Quang Tự) tên là Phổ Nghi, mới ba tuổi lên ngôi, hiệu là Tuyên Thống. Mẹ Phổ Nghi là thái hậu Long Dụ cũng thùy liêm chính thính chính như Từ Hi, cũng nắm quyền, xa xỉ, dâm đãng, tin dùng một tên kép hát đẹp trai, đã có hai con rồi, cho làm Thái giám, chỉ trong mấy năm tiêu 5-6 triệu lạng bạc vào việc xây cất cung điện, và sắm châu báu để làm của riêng.
Thanh đình còn đồi trụy hủ bại hơn thời Từ Hi nữa. Hai người Hán trung với họ và có tài năng nhất là Trương Chi Động và Viên Thế Khải, thì Động đã chết, mà Khải đã bị cách chức.
Năm 1909, Tư nghị cuộc các tỉnh thành lập, đại diện của dân hai lần vào kinh xin khai Quốc hội, sinh viên Bắc kinh và Thiên Tân bãi khóa để ủng hộ. Năm sau, Tư Chính viện ở Kinh Sư cũng khai hội, thông qua phải dùng kế hoãn binh, bất đắc dĩ rút ngắn kì hạn dự bị hiến pháp từ 9 năm xuống còn 6 năm, nhân dân phản đối, Thanh đình ra lệnh đàn áp.
Sinh viên du học ở Nhật và Âu châu biết rằng không còn hi vọng gì lập hiến được, quyết tâm lật nhà Thanh, và chuyển qua phe Cách mạng rất đông. Phong trào cách mạng lên mạnh.
Năm 1911, phát sinh cuộc nổi loạn hỏa xa ở Tứ Xuyên. Dân tứ xuyên góp cổ phần để làm đường xe lửa cho tỉnh. Khi hay tin chính phủ muốn quốc hữu hóa các đường xe lửa thì các sinh viên hầu hết là con cháu thương nhân, địa chủ có cổ phần trong công ty xe lửa, cầm đầu một cuộc phản Thanh mà triều đình không dẹp được.
Tiếp theo là cuộc khởi nghĩa của dân quân ở Vũ Xương (một trong ba thị trấn của Vũ Hán ngày nay, hai thị trấn kia là Hán Dương, Hán Khẩu); ngày 10.10.1911 (19.8 năm Tân Hợi) (1); họ thành công một cách dễ dàng, bất ngờ, các tỉnh hưởng ứng, Trung Hoa Dân Quốc thành lập, vua Thanh thoái vị (năm Tuyên Thống thứ ba). Trước kia, Thái Bình Thiên Quốc trong 14 - 15 năm, dùng hằng triệu quân mà không lật đổ được nhà Thanh. Nay chỉ một nhóm quân có mấy tuần mà kết quả rực rỡ. Nhà Thanh như một trái đã chin mùi, chỉ khẽ đụng tới là rụng.
(1) Viết tới đây tôi nhìn lên tấm lịch, thấy đúng là ngày 19 tháng 8 Nhâm Tuất (5.10.82), sau ngày khởi nghĩa đó đúng 71 năm âm lịch, thật thú vị!
Tới đây chấm dứt đời Thanh dài trên 260 năm và cũng chấm dứt chế độ quân chủ dài trên 2.000 năm, chúng ta nên ôn lại vài nét
- Nhà Thanh
Văn minh nhà Thanh đạt mức cao nhất ở đời Tống, mặc dầu về kinh tế và võ bị họ kém. Sau Tồng tới Nguyên, Minh, Thanh thì Thanh hơn cả, chề độ quân chủ bừng thịnh lên được trên một trăm năm dưới triều Khang Hi và Càn Long rồi lại lụn bại luôn.
Ở trên tôi đã xét nguyên do thành công của Mãn Thanh trong việc thống trị người Hán: Họ không quá nghi kỵ người Hán mà tôn trọng văn hóa Hán và sau đồng hóa gần hoàn toàn với người Hán, vì vậy nhiều kẻ sĩ Hán có tài năng, muốn bảo tồn văn hóa Hán, đã cứu họ trong những vụ nội loạn và ngoại ưu.
Nhưng khi đụng đầu với người phươnh Tấy, nhờ cơ giới mà hùng cường hơn họ nhiều thì họ vừa vụng về, vừa quá tự cao tự đại mà thua nặng, đến nỗi chịu hết nhục này đến nhục khác, cắt hết đất này đến đất khác, nhường gần hết quyền lợi kinh tế, gần như mất chủ quyền nữa, thì người Hán kkhông tin nữa, đòi họ thay đổi chính sách, duy tân như Nhật Bản. Họ vẫn ngoan cố thẳng tay đàn áp.
Chính sách đàn áp này đã chẳng có hiệu quả tốt mà chỉ thúc đẩy cho cách mạng mau phát, học sử Pháp và sử Trung Hoa, ta thấy dân chúng bao giờ cũng ôn hòa, không đòi hỏi gì nhiều, bất dắc dĩ lắm mới phải kêu nài. Chính sách của triều đình Louis XVI và Từ Hi hủ bại quá, họ không chịu được nữa nên mới xin cải cách. Nếu nhà cầm quyền sáng suốt, họ đòi 10, ban cho họ độ 6,7 thì chẳng bao giờ có những cuộc đổ máu mà lại được dân chúng ngưỡng mộ, mang ơn. Nhưng nhà cầm quyền thường thủ cựu, tham lam không chịu nhả một chút quyền lợi rốt cuộc làm mất hết.
Thực may mắn cho vua chúa và đại thần Mãn Thanh, không ai bị giết trong cách mạng Tân Hợi, người Hán đối với họ quả là tốt. Nhưng triều đình Mãn Thanh sụp đổ thì dân tộc Mãn còn độ 2 triệu người ở quê hương họ đã giữ được ngôn ngữ truyền thống, chẳng bao lâu cũng bị 400 triệu người Hán thu hút mà Hán hóa hết không còn quốc gia nữa. Sức mạnh của dân tộc Hán, của văn minh Hán ở đó. Dòng nước nào chảy vào Trường Giang ( sông Dương Tử) cũng tan hòa với nó và chỉ làm cho nó mênh mông hơn thôi.
Một số học giả Âu Mỹ tự hỏi tại sao Trung Hoa văn minh hơn Nhật Bản (Đời Đường, Nhật phải học Hoa) mà lại không biết duy tân sớm như Nhật, phản ứng với phương Tây một cách thông minh, mạnh mẽ như Nhật. Họ đưa ra nhiều nguyên nhân( Trung Hoa không có võ sĩ đạo, xã hội bị Lý học của Tống Nho đầu độc ...), tôi tóm tắt lại dưới đây ba nguyên nhân chính:
- Đất đai Trung Hoa lớn quá, hai ba chục năm sau chiến tranh nha phiến. Anh, Pháp mới chỉ chiếm được mươi thương khẩu ở ngoài, còn những miền Tây ( Tứ Xuyên) , Tây Nam ( Quí châu, Vân Nam), họ chưa đặt chân tới. Sau có nhiều nước theo gót Anh, Pháp nhưng họ gờm nhau, không nước nào đủ sức gạt những nước kia mà chiếm trọn Trung Hoa như Anh ở Ấn Độ được, nên sự phản ứng của trung Hoa cũng không toàn diện.
- Tinh thần dân tộc quốc gia của người Hán và người Mãn còn thấp: Họ không cho người da trắng là kẻ thù chung , không cho sự xâm nhập của da trắng là nguy hại, nên không đoàn kết với nhau để chống da trắng, mà còn nhờ da trắng giúp để trợ diệt lẫn nhau nữa: Thanh đình, Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương ...xin Anh Pháp giúp để diệt Thái Bình Thiên Quốc, Hồng Tú Toàn cũng đề nghị
nhường ít quyền lợi cho Anh, Mỹ để họ đừng giúp Mãn Thanh....Tầng lớp lãnh đạo cách mạng như vậy, còn nông dân thì không có chủ trương gì cả, chỉ cần được yên ổn làm ăn, và phe nào mạnh thì theo.
- Giới sĩ phu và địa chủ xét chung có tinh thần dân tộc cao, nhưng trừ một số ít ởmiền Đông Nam tiếp xúc với văn minh phương Tây, có óc tân tiến còn thì rất thủ cưụ, mà lại tự phụ, không chịu duy tân, y như các nhà Nho của ta thời Tự Đức. Họ quen với nếp suy tư, nếp sống từ hai ngàn năm trước rồi, ngại sự thay đổi mạnh mẽ. Vì Vậy mà mãi tới sau khi thua Nhật nhục nhã ở Triều Tiên (1895), phong trào duy tân của Khang Lương mới được một số người hưởng ướng, và tới hòa ước Tân Sửu ( 1901) có nguy cơ mất nước, nó mới lan rộng hơn . Nhưng thực sự cải cách pạnh thì phải đợi hai chục năm sau, khi có một tốp thanh niên Âu Hóa khá đông đứng ra lãnh đạo . Lớp người đó có thể ví với giai cấp Bourgeois của phương Tây ( coi phần sau).
Chế độ quân chủ của trung Hoa.
Người Âu thế kỷ XVIII khen Trung Hoa có tinh thần dân chủ trong chính sách tuyển quan lại bằng thi cử, có tinh thần khoan dung về tôn giáo, nên không có chiến tranh tôn giáo như họ, khen Hoàng đế Trung Hoa như Khang Hi vừa giỏi trị dân, sáng suốt vừa hiếu học, vừa tìm hiểu khoa học phương Tây, mà lại làm nhiều thơ văn nữa. Những điều đó đúng cả. Nhưng có người ( Voltaire ?) còn bảo chế độ quân chủ của Trung Hoa tốt đẹp hơn chế độ quân chủ của Pháp, đáng làm kiểu mẫu. Lời khen này quá đáng. Họ chỉ đượcđọc những báo cáo, bút ký , sách của Dòng Tên rất có cảm tình với Trung Hoa nên không thấy được sự thực.
Will Durant trong cuốn Bài Học của lịch sử ( The Lessons of History. New Yorks, 1968) để kết thúc bộ Lịch sử văn minh viết:
“Xét toàn thể thì chế độ quân chủ đã thành công một cách trung bình chứ không hơn. Tích cách liên tục- cũng gọi là “chính thống” của nó có lợi bao nhiêu thì những chiến tranh kế tiếp do nó gây ra cũng có hại cho nhân loại bấy nhiêu. Khi ngôi vua mà cha truyền con nối thì hạng vua ngu dộn, vô trách nhiệm, cuồng bạo, lạm dụng quyền hành để cất nhắc, người thân thích nhiều hơn hạng minh quân tâm hồn cao thượng hoặc có tài chính trị. Người ta thường đưa vua Louis XIV ( Pháp) làm gương cho các ông vua cận đại, nhưng khi ông băng thì dân Pháp mừng rỡ .....”
Lời phán đoán của Durant ôn hòa , ai cũng nhận là đúng. Ông xét chung chế độ quân chủ trong lịch sử nhân loại. Tôi thấy chế độ quân chủ Trung Hoa thành công nhất định là kém Anh, Nhật, có lẽ kém cả Pháp, Đức nữa, nghĩa là chưa đạt được mức trung bình.
Ở Âu, con gái được hưởng gia tài của cha mẹ. Một ông vua, nước Áo chẳng hạn cưới một công chúa nước Anh, Công chúa này được hưởng một vương quốc hay một công quốc của cha ở Y Pha Nho thế chồng. Vua Áo, đồng thời có thể làm vua vương quốc hay công quốc đó thành thần dân của ông, đất đai của ông hóa rộng quá làm mất thế quân bình lực lượng ở Âu và một nước Pháp có thể xúi dân Y Pha Nho nổi lên chống ông, hoặc liên kết với Anh, Bồ Đào Nha để chống ông, mà gây nên những chiến tranh kế vị tai hại cho người Âu.
Trung Hoa không có tục đó, nên sự kế vị tranh giành ngôi báu chỉ gây những cuộc nổi loạn trong hoàng tộc, cung đình, hại cho hoàng tộc hoặc nhiều lắm là cho dân Trung Hoa thôi. Nhưng tránh được cái vạ đó, thì lại bị cái vạ ngoại thích.
Tệ nhất là vua Trung Hoa tha hồ muốn tuyển bao nhiêu cung phi cũng được như các vua Á rập do đó sanh ra cái tệ hoạn quan mà phương Tây không có.
Đạo Khổng hạn chế quyền của vua bằng nhiều biện pháp: Dùng tể tướng quyền gần ngang vua, dùng gián quan , sử quan để can vua, nhắc vua một cách gián tiếp đừng quên bổn phận của mình, nhưng không có hiệu quả bao nhiêu, cho nên Hoàng Tôn Hi mạt sát chung các vua là “chỉ nghĩ đến tư lợi, ly tán con trai, con gái của thiên hạ, cướp giật sản nghiệp của thiên hạ để giữ làm của riêng, truyền lại cho con cháu”rồi ông đề nghị phải bắt vua chia quyền với tể tướng , phải hạn chế quý phi, cung tần của vua, số hoạn quan . Ông đáng là môn đồ của Mạnh Tử.
Từ Hán đến Thanh, mỗi triều đại lớn có từ chín, mười đến trên hai chục ông vua, mà triều đại nào cũng chỉ được hai hay ba ông vua giỏi, vài ba ông nữa tạm được, còn hoàn toàn là bọn bịnh hoạn, ngu xuẩn, nhu nhược để cho bọn hoạn quan xỏ mũi. Xét chung thì kết quả ở dưới mức trung bình xa.
Suốt hai ngàn năm như vậy, đời sau cứ nối theo vết xe của đời trước, hoặc muốn tránh mà tránh không được. Xã hội Trung Hoa về phương diện đó, thật ổn định, gần như không thay đổi gì cả, như một cái ao tù.
Về kinh tế họ theo truyền thống từ đời Chu chỉ trọng nông – nông mới là gốc – không khuyến khích công, mà còn ức thương nữa, mặc dầu họ có câu “phi thương bất phú”. Cho nên công, thương của họ không phát đạt lớn được như các nước Âu Tây.
Dân chúng chỉ trông vào nghề nông, mà nghề này không đủ nuôi dân, vì đấy cày cấy được của họ ít, chỉ có hai cánh đồng lớn của Hoàng Hà và Dương Tử Giang, còn lại là những cánh đồng nhỏ xen vào miền đồi núi. Đã vậy họ bị cái nạn lụt của Hoàng Hà ( trung bình cứ 4 năm vỡ đê một lần, lớn thì hàng triệu người , nhỏ thì hàng vạn người chết đói) và nạn hạn hán ở phương Bắc, nhiều khi hai ba năm liền. Họ nghèo hơn ta nữa, nghèo vào hạng nhất thế giới.
Bổn phận của nhà cầm quyền là phải nuôi dân mà nuôi không nổi. Dân nghèo không nuôi nổi vợ con, phải bán vợ đợ con, và khi đã có ba bốn đứa con rồi thì có thêm con gái, họ bóp mũi , gìm nước cho chết hoặc bỏ lên bờ rãnh, trong khu rừng.
Nạn đói đó trong 2.000 năm cũng không sao giải quyết được. Triều đại nào mới lên cũng nghĩ ngay việc chia đất cho dân nghèo, nhưng không có biện pháp nào che chở họ, nên chỉ khoảng nửa thế kỷ sau, đâu lại vào đó, ruộng vào tay các điền chủ, quan lớn hoặc thầy chùa, đa số nông dân lại hoá ra vô sản, làm thuê , làm mướn, hoặc cầu bơ, cấu bất, cùng khổ quá thì đi ăn cướp, nổi loạn. Dân tộc Trung Hoa nổi tiếng là có nhiều cuộc nông dân bạo động thành công , viên thủ lãnh lập một triều đình mới, rồi lịch sử lại tiếp tục như cũ: Thịnh được ít lâu rồi suy, loạn , mất ngôi. Cứ như thế suốt hai ngàn năm cũng không có cách nào giải quyết được. Những cuộc cách mạng của Vương Mãn, Vương An Thạch đều thất bại.
Dân nghèo thì quốc gia cũng nghèo. Thuế thu vào không được bao nhiêu. Thời Chu , thuế ruộng chỉ vào khoảng 10% số thu hoạch , các đời sau , có khi thu tới 30% , 50%, nhưng cao quá thì dân trốn thuế , bọn giàu có lại càng giỏi trốn thuế Thuế thu được ít triều đình trả lương quan lại tất phải rất ít, họ không đủ sống, tất phải ăn hối lộ , ăn cắp của công, thời nào cũng vậy, nước nào cũng vậy. Do đó, nạn tham những thành một luật tự nhiên; một luật kinh tế. Ông quan nào ăn hối lộ ít thôi thì được coi là thanh liêm. Như vậy là triều đình bắt dân phải nộp một thứ thuế vô danh để nuôi quan lại.
Triều đình không làm tròn nhiệm vụ trong việc nuôi dân, mà cũng không có cách nào diệt được nạn ngoại xâm của các dân du mục phương Bắc và phương Tây.
Từ đời Hán, đế quốc đã mênh mông quá, khó giữ được cả chục ngàn cây số biên giới. Hán Võ Đế dẹp được nhiều bộ lạc , thu phục được một số bộ lạc nữa, dân du mục phải lùi, nhưng khi nhà Hán suy thì họ lại lần lần thâm nhập vào đất Hán ( thời Nam Bắc triều) ; đời Đường đẩy lui được họ, trong vài trăm năm rồi lại suy, lại bị họ chiếm một phần ở phương Bắc; qua đời Tống , họ mạnh lên , chiếm được trọn phương Bắc, ngưới Hán phải lùi xuống phương Nam, tới đời Nguyên thì họ chiếm trọn Trung Quốc trong suốt trăm năm đời Minh may mắn tự chủ được hai trăm rưỡi năm, nhưng sau đó, người Hán lại bị rợ Mãn Châu tròng ách vào cổ trên 250 năm. Như vậy mới đầu họ yếu, sau mạnh dần, Trung Quốc không dùng võ lực mà trị hõọ được. Có một đế quốc rộng quá thì điêu đứng như vậy.
Về phương diện đó, chính quyến quân chủ - có thời rất chuyên chế như đời Minh, nhà Thanh đỡ hơn, cũng chỉ “thành công” dưới mức trung bình thôi: Non ba trăm rưỡi năm hoàn toàn mất chủ quyền và non 500 năm mất một nửa đất đai. Chỉ nhờ văn hóa của Trung Hoa cao hơn các rợ du mục nhiều, nên đồng hóa họ được, hậu quả bất ngờ là mở mang thêm được non sông, tăng thêm được số dân. Trung Hoa như con phượng hoàng ( Phénix) trong huyền thọai phương Tây, cứ mỗi lần chết thì lại phục sinh từ đám tro tàn của nó, mà hóa đẹp đẻ hơn. Công về văn hóa đó là của đời Thương, đời Chu các vua chúa thời quân chủ chỉ bảo tồn và phát huy nó thôi.
Đọc sử thời quân chủ của Trung Hoa , tôi buồn cho dân tộc đó thông minh, giỏi tổ chức mà không diệt được cái họa ngoại thích và hoạn quan gây biết bao thống khổ cho dân chúng đời này qua đời khác. Nhưng tôi cũng trọng họ , mến họ vì triều đại nào cũng có hằng ngàn hằng vạn người coi cái chết nhẹ như lông hồng, tuẫn tiết vì nước chứ không chịu nhục, và những thời triều đình “vô đạo” thì vô số kẻ sĩ coi công danh, phú quý như dép cỏ, kiếm nơi non xanh nước biếc dắt vợ con theo, cày lấy ruộng mà ăn, đào lấy giếng mà uống, sống một đời thanh khiết, làm thơ, vẽ để tiêu khiển , hoặc trứ tác về triết, sử, tuồng, tiểu thuyết để lưu lại hậu thế. Đọc đời các vị đó tôi luôn luôn thấy tâm hồn nhẹ nhàng. Chưa có một bộ sử nào của Tây phương cho tôi được cảm tưởng đó .
( Đúng lý , tôi phải gọi phần này là Thời Đảng Trị ( chuyên chính) vì ngày nay ở Trung Hoa cũng như ở khắp các nước khác tự xưng là Dân Chủ, dân không thực sự làm chủ; họ chỉ bầu lên một cách tự do hay bị bắt buộc một đảng và chính đảng đó mới trị dân, nhiều khi ngược hẳn nguyện vọng của dân.
Danh từ dân chủ sai, nhưng nó thông dụng quá rồi, khó bỏ được.
Đời Tống cũng đã có hai đảng tân và cựu thay nhau lên cầm quyền, nhưng vẫn là theo sự chỉ định của nhà vua, chưa thật là Đảng trị hay đảng Quốc Dân và đảng Cộng Sản ngày nay )
LỜI NÓI ĐẦU
Thế kỷ XVIII Âu Châu cho Trung Hoa là nước văn minh nhất thế giới, thế kỷ sau họ gọi Trung Hoa là con sư tử ngủ, chính Napoléon cũng bảo "Khi Trung Hoa cựa mình thức dậy thì thế giới sẽ rung động" ( Quand la Chine s éveillera , le monde tremblera). Qua đầu thế kỷ chúng ta, Trung Hoa đã thức dậy; từ cách mạng 1911 tới nay mới được bảy chục năm thời gian này còn ngắn quá trong lịch sử loài người thế giới chưa rung động nhưng cũng đã ngạc nhiên và ngài ngại.
Khi ngủ thì họ ngủ cả ngàn năm mà khi thức dậy thì họ tiến rất mau: từ một nước quân chủ chuyên chế, mới đầu họ chỉ muốn tiến thành một nước quân chủ lập hiến; ý đó chưa kịp thực hiện thì họ đã nhảy một bước nữa, thành một nước Cộng Hòa Dân Chủ, đồng thời lại có một phe muốn thành lập một nước Cộng sản; trong khoảng hai chục năm hai phe tranh giành nhau và tới 1949 thì phe Cộng sản thắng. Như vậy là chỉ trong bốn chục năm , Trung Hoa , về chính trị, đã " mới " nếu không muốn gọi là " tiến " hơn Anh, Pháp, Đức, Ý , Mỹ , Nhật... Tôi nói về " chính trị ", vì về kinh tế , kỹ nghệ, văn hóa... họ vẫn còn lẹt đẹt.
Hiện nay họ nhận thấy nhược điểm đó, nên đã có ý chuyển hướng, không ai dám kiên đoán về tương lai của họ cả.
Vì có hai phe tranh hùng : phe Quốc Đảng và phe Cộng Sản, tức phe Tưởng Giới Thạch và phe Mao Trạch Đông, nên việc chép sử thời nay khó được minh bạch biến cố rất nhiều, tác động lến cả hai phe , chép riêng về phe Quốc Dân Đảng trước rồi mới phe Cộng Sản thì vô nghĩa, tôi phải chép chung lịch sử của hai phe tới năm 1949, cho vào chương II, nhan đề là thời Dân Quốc ; chương III chép về thời Cộng Sản ( 1) Thời này phe Tưởng chỉ chỉ còn giữ được đảo Đài Loan, tồn tại được nhờ sự x che chở của Mỹ, không có ảnh hưởng gì cả. Còn chương I tôi dành cho những vận động của Tôn Văn, « cha của Cách Mạng « , và sự thành lập hai đảng Quốc và Cộng.
Nói khó khăn lớn nhất là việc kiếm và lựa tài liệu. Viết về các triều đại thời Quân Chủ, tài liệu chúng tôi kiếm được không nhiều : dăm ba bộ sử Trung Hoa và khoảng mười cuốn của Pháp, Anh, Mỹ. Đại khái thì sự nhận định của các tác giả tuy có khác nhau, nhưng không đến nổi mẫu thuẫn nhau . Do đó việc lựa chọn tương đối dễ.
Trái lại, về thời hiện đại, sách Trung Hoa, ngoài vài cuốn giao khoa của phe Dân Quốc chép rất vắn tắt, tới năm 1949 thôi, không có gì cả , còn sách của người Âu thì viết rất nhiều , không sao đọc hết được , nếu kể cả những bài báo, những tập phóng sự , hồi ký, du ký. Mà càng nhiều lại càng khó lựa, khó biết được sự thật ở đâu. Ví dũ vụ Tưởng Giới Thạch bị bắt cóc ở Tây An, mỗi tác giả chép một khác, tới bây giờ vẫn còn có điều bí ẩn.
Vì vậy để lựa chọn cho đỡ lầm, tôi tự đặt bốn tiêu chuẩn dưới đây :
1- Tin các học giả hơn các phóng viên, chính khách, nhất là khi các học giả đó không theo Cộng thuộc vào các nước Trung lập trong chiến tranh Quốc Cộng.
2- Lựa sách theo sự hướng dẫn của các học giả có uy tín, như của Lucien Blanco trong mục Biographie annotée ( Les origines de la Révoluction Chinoise Gallimard).
3- Khi có hai thuyết khác nhau của những học giả đáng tin thì tôi dẫn cả hai ;
4- Từ năm 1950 chính quyền cách Mạng ( Cộng Sản ) của nước ta theo sát đường lối, chính sách , tổ chức giống của Trung Hoạ tôi chỉ thấy « công xã nhân dân « , « cách mạng văn hóa » của họ là không truyền qua ta). Vậy cuốn nào viết về xã hội Trung Quốc, mà có nhiều điểm giống với xã hội của ta thì cuốn đó đáng tin ( chẳng hạn cuốn La Chine devant l’échec của Fernand Gigiou Flammarion 1962 mà tôi cho là có giá trị mặc dầu ít người nhắc tới )
Chép sử thì không ai có thể hoàn toàn khách quan được chỉ có thể thành thực được thôi. Chỉ ghi lại những việc xảy ra, không tìm hiểu nguyên nhân, không khen, không chê, thì theo tôi, không phải là viết sử. Có những giá trị tinh thần mà chúng ta phải tôn trọng, phải bênh vực, trái lại thì phải chê. Có như vậy mới la thành thực với người đọc và với chính mình.
N. H. L
( Các sách Hán đều gọi chế độ của Tưởng Giới Thạch là Trung Hoa Dân Quốc ; của Mao Trạch Đông là Trung Hoa nhân dân Cộng Hòa Quốc. Các sách Pháp, Mỹ thì gọi là Trung Hoa Quốc Dân Đảng ( Chine du KouôMin Tang ) hay Trung Hoa Cộng Hòa ( République Chinoise) và Trung Hoa Nhân Dân ( Chine Populaire) hay Trung Hoa Cộng Sản ( Chine Communiste). Lộn xộn quá. Tôi dùng tên Dân Quốc ( Tưởng ) và Cộng Sản ( Mao ) cho gọn và dể nhớ
A - Tôn Văn và cuộc cách mạng tiểu tư sản 1911 ( Tân Hợi )
Trong số các nhà cách mạng Trung Hoa , Tôn Văn là người đầu tiên biết ngọai ngữ và đi nhiều nước nhất, từ Á qua Âu. Hai phần ba đời ông ở ngoại quốc.
öng sanh năm 1889 ở huyện Hương Sơn, Quảng Đông, trong một gia đình trung nông. Lớn lên ông có hai tên hiệu nữa : Trung Sơn và Dật Tiên
Ông học ở huyện tới 14 tuổi rồi xin phép cha mẹ qua quần đảo Hawaï ( thuộc Mỹ) ở với người anh cả lập nghiệp tại Honolulu. Ông vào học một trường đạo ở Honolulu, bắt đdầu được biết các môn học phương Tây và đạo Ki Tô.
Mới học được ba năm , ông anh đuổi về nước vì thấy ông mau mau Âu hóa quá.. Nhưng ông không ở quê nhà được lâu vì ông báng bổ một vị thần của làng. Cha ông cho ông qua Hương Cảng học y khoa. Trong thờI gian đó gia đình ông cướI cho ông một thiếu nữ quê mùa (sau sanh được ba người con) , và ông xin rửa tội, theo đạo Ki Tô.
Học hết ba năm, ông qua Hạ Môn ( Ma Cao) , muốn hành nghề, nhưng không được vì ông chỉ có bằng cấp của Anh chứ không có bằng cấp của Bồ đào Nha ( Ma Cao thuộc Bồ Đào Nha).
Ông phải lên Hoa Bắc và bắt đầu có tư tưởng chính trị: muốn cứu nước thì phải lật đổ nhà Thanh, lập Dân Quốc
Năm 1894 ông lập Hưng Trung Hội, mới đầu chỉ có độ mười đồng chí.Năm sau Thanh đình thua Nhật một cách nhục nhã, toàn dân phẩn uất , ông thành một nhà cách mạng nhiệt tâm nhất , được một phú thương Mỹ hoá Charles Jone Song ( Tống ) giúp. Ông họ Tống này có bốn người con , ba gái , một trai (út) đều học ở Mỹ và theo đạo Tin Lành. Sau Tôn Văn cướ cô lớn : Tống Khánh Linh; cô thứ nhì thành vợ Tưởng Giới Thạch; cô thứ ba thành vợ Khổng Tường Hi ( cháu bảy mươi mấy đờI của Khổng Tử?) ngườI nắm hết tài chánh của Quốc Dân Đảng, nên dân chúng gọI là ông Thần Tài ( khổng tài thần) còn cậu út, Tống Tử Văn sau thành một nhân viên rất quan trọng trong nộI các của Tưởng Giới Thạch. Không có gia đình nào mà quyền khuynh thiên hạ và đoàn kết với nhau như vậy. Đoàn kết lúc đầu thôi, về sau Tống Khánh Linh , quả phụ Tôn Văn , theo cộng làm phó chủ tịch Trung Cộng.
Năm 1895, Tôn khởi nghĩa lần đầu, mưu đánh chiếm Quảng Châu, việc tiết lộ , đồng đảng bị giam và bị giết hơn 70 người. Ông phải trốn qua Nhật rồi qua Honolulu ( Hawaï) . Năm sau ông qua Anh để tìm hiểu thêm phương Tây, học thêm môn xã hội học.
Öng bị Thanh đình truy tầm , sứ thần Trung Hoa ở Londres dụ ông tới sứ quán rồi bắt. May nhờ có thầy học cũ người Anh, tên là Contlie cứu cho. Thoát nạn rồi, ông ở lại Âu Châu hai năm nữa, hiểu rằng vấn đề dân sinh rất quan trọng ngang hàng với vấn đề chính trị.
Năm 1900, sau khi cuộc biến chính của nhóm Khang Lương thất bạI, Tôn về Nhật để tiện mưu đồ cách mạng trong nước.
Khi Nghĩa hoàn toàn khởi sự, ông ra lệnh cho đồng chí khởi nghĩa lần nữa, mưu giết Tổng Đốc Quảng Châu, lại thất bại, một số đồng chí tuẩn nạn.
Thấy lực lượng của đảng còn yếu, ông đi tuyên truyền gần khắp Đông Á trong vài năm . Từ Việt Nam tới Xiêm, Mã Lai Singapore ….chỗ nào có nhiều Hoa Kiều, ông đều tới. Số người này được trên mười triệu ( có sách nói mười lăm triệu), gần hết là thương nhân gốc Phúc Kiến Quảng Đông, quê ông nên rất quí ông, tiếp ông rất niềm nở. Họ có lòng ái quốc, có tinh thần tiến bộ, lại biết đoàn kết, giúp ông được nhiều tiền, thành một lực lượng đáng kể của đảng ông.
Năm 1905, ông đổi Hưng Trung Hội thành Đồng Minh Hội, để mở rộng đảng và cho ra tờ Dân Báo vạch đường lối của đảng, chú trọng vào dân sinh, chia lại ruộng đất . Sinh viên gia nhập khá đông, trong số đó có một thanh niên tên là Uông Tinh Vệ, thông minh, hoạt bát, học về chính trị ở Nhật, cộng tác với ông, sau thành ký giả họat động nhất của tờ Dân Báo.
Thấy đảng ông hoạt động mạnh quá. Nhật không muốn chứa chấp ông nữa, ông để Uông Tinh Vệ ở lại thay ông, còn ông thì qua Mỹ quyên tiền Hoa Kiều.
Uông muốn gây một tiếng Vang lớn , tổ chức một cuộc ám sát bằng lựu đạn viên phụ chính Thanh, Chưa kịp thi hành thì bị phát giác. Uông bị bắt giam. Danh của Uông càng lên, Dó là vụ bạo động thứ tám.
Vụ khởi nghĩa thứ 9, năm 1907 ( trong khi Tôn ở Âu Châu, ) thành công một chút. Nghĩa quân đánh Hà Khẩu, Mông Tự ( gần biên giớI Việt), thắng được quân Thanh một trận nhỏ, rồI thiếu viện trợ phảI rút lui.
Vụ thứ 10, ở Quảng Châu, Tháng ba năm 1911, lực lượng đã khá mạnh, đảng quyết định đánh lớn, lựa ở các lộ 500 cảm tử , hợp với tàn quân và quân địa phương mà đảng đã cài thanh niên vào , thuyết phục được , giao cho Hoàng Hưng điều khiển để đánh vào dinh Tổng đốc Quảng Đông; định hể chiếm được Quảng Đông rồI, thì một mặt ti&ên lên Hồ Nam, Hồ Bắc, một mặt tiến lên Giang Tây để đánh Nam Kinh. Không ngờ khí giớI va quân cảm tử không cùng tới một lượt, chưa kịp thi hành kế hoạch thì bị tiết lộ. Bọn người đánh vào dinh Tồng Đốc phải tuẫn mạn, sau tìm được 72 tử thi đem chôn ở Hoàng Hoa Cương, một đồi ở Quảng Châu ( 1).
Vụ đó , nghĩa quân tuy thất bại nhưng cũng làm cho Thanh đình lo ngại, đánh điện cho các tỉnh, bắt đề phòng nghiêm ngặt. Tổng Đốc Hồ Bắc ra sức lùng bắt được nhiều đảng viên, lại có cả một danh sách nữa. Binh sĩ theo cách mạng trong các doanh thấy nguy, phải làm liều, tấn công liền, không đợi chỉ thị của đảng mà cũng chảng kịp chuẩn bị. Vậy mà lại thành công rất dễ dàng không ngờ. Ngày 10- 10- 1911, bảy tháng sau vụ ở Quảng Châu, họ nổi dậy, tự xưng là dân quân, vây đánh dinh Tồng Đốc. Viên Tổng Đốc đem gia quyến xuống trốn trong một chiến hạm, viên Thống Chế cũng đào tẩu. Dân quân lúc đó không có ai cầm đầu, nửa đêm xông vào nhà một viên Đô Đốc , tên là Lê Nguyên Hồng, dí súng vào người, buộc phải lãnh đạo họ. Lê tính tình vui vẻ, thân mật, hiền từ, nên được lòng quân lính, ông miễn cưỡng theo, còn mọi việc do “ dân quân “ quyết định lấy. Họ chiếm được Võ Xương, rồi Hán Dương, Hán Khẩu, ba thị trấn sát nhau, trên bờ sông Dương Tử, nơi trung tâm Trung Hoa, mà lại thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc . Xưởng binh công, nơi chế tạo binh khí vào tay họ. Lãnh sự các nước điều động binh thuyền để tự vệ. Họ cho lãnh sự đoàn biết đại nghĩa của họ, yêu cầu các nước trung lập , và cam đoan giữ cho các cơ quan giao thông và tài chính được yên ổn, tài sản của ngoại nhân được bảo vệ. Chỉ trong năm chục ngày, 14 trên 18 tỉnh của Trung Hoa hưởng ứng phong trào cách mạng , đuổi các Tổng Đốc của Thanh đi, lập chính quyền cách mạng địa phương , luyện tập dân quân, nhiều thanh niên tự nguyện gia nhập. Ngay ở chung quanh Bắc Kinh đảng cũng hoạt động ngầm.
Thanh triều sai một tướng Mãn xuống dẹp nghĩa quân ở Võ Xương, nhưng hắn thua. Bất đắc dĩ, họ phải kêu Viên Thế Khải ( mà mấy năm trước họ đã nghi kị, cách chức) trở lại, cho làm Tổng Đốc Hồ Quảng, đem thủy lục quân khắc phục lại Hán Khẩu. Nhưng đồng thời nghĩa quân cũng chiếm được Nam Kinh.
Viên Thế Khải là một tên đại gian hùng, đã phản phe Cách mạng Khang Lương , phản vua Quang Tự năm 1898, để cứu Từ Hi, vì lúc đó thấy thế của Từ Hi còn mạnh, Quang Trị không có quyền gì cả. May mắn sáng suốt nhận ra rằng toàn quốc muốn lật nhà Thanh, nhà Thanh khó đứng vững được , nên hắn ráng chiếm lại Hán Khẩu để tỏ với Cách Mạng và Thanh đình rằng hắn đứng về phía nào thì cán cân nghiêng về phía đó.
Biểu diễn một màn ở Hán Khẩu rồi, hắn không tấn công mạnh nữa, hai bên chỉ đụng độ nho nhỏ với nhau, trong khi hắn phái đại biểu cùng với Lê Nguyên Hồng nghị hòa.
Khi được tin dân quân chiếm được Võ Xương , Tôn Văn đưong ở Mỹ, không về nước vội, ở lại Âu Mỹ để lo việc ngoại giao. Việc này theo ông, quan trọng ngang với quân sự. Trong số liệt cường, có 6 nước quan hệ lớn với Trung Quốc: Mỹ và Pháp đồng tình với Cách Mạng, Đức và Nga phản đối, Nhật thì dân chúng đồng tình mà chính quyền phản đối , Anh thì dân chúng đồng tình mà chính phủ còn chờ xem, chưa tỏ rõ thái độ . Ông nghĩ phải vận động Anh, hể Anh ngã theo Cách mạng thì Nhật không làm gì được, vì quyền lợI của Anh ở Trung Quốc lớn nhất mà thế của Anh trên bàn cờ quốc tế cũng mạnh nhất.
Ông bèn qua Anh, yêu cầu bộ NgoạI Gioa Anh hai điều:
1- Đừng cho Thanh đình vay tiền nữa.
2- Thuyết phục Nhật ngưng viện trợ cho Thanh đình . Anh nhận lời.
Ông lạI yêu cầu ngân hàng bốn nước ( Mỹ, Pháp, Anh, Nhật) từ nay chỉ giao thiệp vớI tân chính phủ ( Chính phủ Cách mạng) về việc cho vay tiền thuế. Sau đó ông qua Paris tiếp xúc với một số chính khách và nhân sĩ Pháp.
Xong việc rồI ông mớI về nước ( ngày 25- 12- 1911). Bốn ngày sau, đạI biểu 14 tỉnh bầu ông làm Lâm Thời ĐạI Tồng Thống ở Nam Kinh. Ông tựu chức , cử Lê Nguyên Hồng làm phó Tổng Thống. Trung Hoa dân quốc chính thức thành lập. Nội các tuyên cáo với các nước công nhận hết thảy những điều ước, bồi khỏan, tài khoản nhà Thanh đã ký, hứa tôn trọng, bảo hộ tính mạng, tài sản của nhân dân các nước trên đất Trung Hoa.
(1) Năm 1924, liệt sĩ Việt Nam Phạm Hồng Thái, sau khi ám sát hụt toàn quyền Merlin, nhảy xuống sông tự tử, cũng được chôn ở đó.
2-Vua Thanh thoái vị - Nhà Thanh chấm dứt
Tôn về nước thấy Viên Thế Khải có một đạo quân mạnh, mà quân Cách mạng chưa được tổ chức. Riêng ông, tuy được bầu lên, được đồng chí ngưởng mộ , nhưng đại chúng còn xa lạ với ông, cho nên ông nghĩ rằng muốn cho Cách Mạng thành công thì phải có Viên giúp sức. Trong khi hai bên vẫn tiếp tục đụng độ nhau nho nhỏ, ông tiếp xúc với Viên . Viên chịu nhận làm trung gian giữa Cách Mạng và Thanh đình. Hắn thuyết phục được nhà cách mạng rằng vua Thanh chỉ chịu trao quyền cho hắn thôi; mặt khác hắn lại thuyết phục Thanh đình rằng nhà vua phải thoái vị, trao quyền cho hắn thì mới khỏi mất đầu. Rốt cuộc Tôn Văn bằng lòng trao chức Tổng Thống cho hắn sau khi vua Thanh thoái vị, và hắn phải tuyên thệ tuân giữ lâm thời ước pháp do tham nghị viện ( coi các trang sau) thảo ra . Viên chấp nhận đề nghị đó và sai Đoàn Kì Thụy với một số tướng lãnh hiếp vua Thanh thoái vị với những điều kiện như sau:
- Được giữ tôn hiệu như cũ để đối đãi với các nước ngoài trong các lễ tiết.
- Tôn miếu, lăng tẩm được bảo tồn.
- Các tước vương, công đều được thế tập như cũ, người trong hoàng tộc không phải đi lính
- Người Mãn, Mông, Hồi, Tây Tạng được bình đẳng với người Hán, tài sản được bảo đảm.
Thái Hậu Long Dụ triệu tập nội các họp hội nghị ngự tiền.... Mọi người khóc nức nở. Một hồi lâu. Long Dụ mới bảo Phổ Nghi ( vua Tuyên Thống) lúc đó mới khoảng 7 tuổi; " Con được như ngày nay đều là do công của Viên đại thần, con phải bước xuống tạ ơn Viên đại thần đỉ.
Viên hoảng hốt, vội vàng quỳ xuống từ tạ khóc không dám ngẩng mặt lên.
Ngày 12-2-1912 Phổ Nghi hạ chiếu thoái vị, trong có đoạn :
- Chính thể của nước một ngày không định thì dân sinh một ngày không an. Nay lòng của nhân dân toàn quốc đa số khuynh về chế độ Cộng Hòa, các tỉnh phương Nam đã đề xướng, rồi các tướng ở phương Bắc cũng theo. Coi nhân dân hướng về đâu thì biết được mệnh trời rồi. Ta đâu nhẫn tâm vì các tôn vinh của một họ mà không nghĩ tới lòng chiếu cố của dân. nay ta.... đem quân thống trị làm việc cùng cho toàn quốc , định cho chính thể là Cộng Hòa lập hiến để gần thì thỏa lòng mong trị, chán loạn của trăm họ, xa thì hợp với nghĩa " thiên hạ của công " của thánh hiền thời trước (...) Viên Thế Khải được toàn quyền tổ chức chính phủ Cộng Hòa, cùng với dân quân thương nghị đề thống nhất điệu pháp"
Vậy là Cách mạng đã thành công: lật đưọc nhà Thanh, lập được chính thể Cộng Hòa một cách dể dàng mà không phải đổ máu bao nhiêu. Nhà Thanh được ưu đãi hơn nhà Nguyên nhiều.
Năm Tân Hợi 1911 được coi là năm đầu của chế độ Cộng Hòa Dân Quốc, bỏ âm lịch dùng dương lịch.
So với tất cả các cuộc Cách Mạng trước, cách mạng Tân Hợi có nhiều điểm tiến bộ.
* Thủ lãnh là người có tân học, lịch duyệt, hiểu tình hình thế giới.
* Đảng viên hầu hết là thị dân , thương dân, thanh niên ái quốc, do đó mà người Ậu gọi cách mạng này là cách mạng tiểu tư sản ( révoluction bourgeoise)
* Đảng viên không tuyên truyền , lôi kéo nông dân mà tuyên truyền trong giới quân nhân của nhà Thanh;
* Cách mạng lật đổ nhà Thanh không phải để thay ngôi, mà cốt để thay một chế độ; các nhà cách mạng trước mong thành công rồi để được làm vua, Tôn Văn hy sinh cho cách mạng chỉ để cãi tạo xã hội, mua hạnh phúc cho dân. Ông hoàn toàn bật vị lợi.
Người ta có thể trách ông; đại biểu 14 tỉnh bầu ông lên chức Tổng Thống , mà ông lại nhường chức đó cho Viên Thế Khải. Đành rằng ông phải tùy cơ ứng biến , cứu cách mạng đỡ phải đổ máu, nhưng lẽ nào ông không biết Viên là người tráo trở, phản bội, nhiều thủ đoạn? Chỉ có mỗi một cách biện hộ cho ông là cách mạng Tân Hợi thành công bất ngờ quá, đảng của ông không kịp chuẩn bị, không có tài chánh , quân đội cũng không được tổ chức , không thể nắm được các tỉnh mà chính ông cũng chưa được dân chúng biết , nên ông phải tạm thời nhường Viên Thế Khải.
3- Viên Thế Khải phản Cách Mạng
Ngày 15- 2- 1912 , Viên được Tôn nhường chức, thành tổng thống của chính phủ Cộng Hòa Nam Bắc liên hợp, Thái Nguyên Bồi một học giả giỏi cả cổ học lẩn tân học vì đã qua Âu Châu học một thời gian , sau làm viện trưởng viện Đại Học Bắc Kinh, được Tôn Văn phái lên Bắc Kinh mời Viên Thế Khải xuống Nam Kinh tuyên thệ, nhưng hắn không muốn rời căn cứ của mình, bí mật khiến một số binh sĩ ( do Tào Côn thống lĩnh) nổi loạn. Thái Nguyên Bồi sợ phương Bắc có biến, đề nghị để Viên tuyên thệ và tựu chức ở Bắc Kinh. Do đó mà kinh đô là Bắc Kinh , trái với ý muốn của Cách Mạng.
Viên nhận theo ước pháp Tôn Văn đã công bố ở Nam Kinh để tổ chức chính phủ:
1- Chủ quyền của Trung bHoa Dân Quốc thuộc về toàn thể quốc dân.
2- Quyền thống trị chia ba theo nguyên tắc phân quyền: lập pháp về Nghị Viện, hành chánh về Tổng Thống, tư pháp về Pháp viện.
Được cả vua Thanh lẫn Cách Mạng trao quyền, địa vị của Viên thật danh chính ngôn thuận, nên các cường quốc từ đó chỉ giao thiệp với Viên.
Năm đầu Viên công bố luật bầu cử; một Tham nghị viện ( Thượng Viện) gồm 264 nghị viện do hội đồng tỉnh bầu lên , một Chúng Nghị Viện ( như Hạ Viện ), gồm 296 nghị viên do dân ( đàn ông thôi) trên 21 tuổi, có tài sản hoặc có bằng cấp , bầu lên.
Trong nước có hai đảng: đảng Quốc Dân đảng( của Cách Mạng ) đông nhất, cấp tiến và đảng Tiến Bộ ( gồm đảng Dân chủ của Lương Khải Siêu ở Nhật về, hợp với vài đảng nhỏ khác) ôn hòa hơn.
Mặc dầu Viên đã dự phòng kĩ mà Quốc dân Đảng vẫn được nhiều ghế nhất ở cả hai viện và Viên phải tìm cách triệt họ để không còn phe chống đối nữa. Muốn vậy phải có nhiều tiền, phải hỏi vây Ngân hàng đoàn ( một Ngân hàng do sáu nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Nga (1) bỏ ra vốn để cho riêng Trung Hoa vay) 25 triệu Anh bảng mà không đợi Quốc Hội thông qua. Số tiền phải trả trong 47 năm bằng thuế muối, và Viên phải để cho Ngân hàng kiểm soát tài chánh riêng về muối. Quốc Hội phản kháng , nhưng hắn bất chấp.
Các đô đốc theo Quốc dân đảng ở nhiều tỉnh nổi dậy, hắn sai đem quân dẹp, trong hai tháng dẹp được . Phe Quốc dân đảng ít binh đành chịu thua . Lúc đó Tôn Văn ở Nhật, Viên đã cử ông qua đó viớ chức bộ trưởng bộ Hóa xa để nghjiên cứu rồi lập kế hoạch mở mang các đường xe lửa ở Trung Hoa, ông nhận lời, bảo rằng bất cứ việc gì có mục đích tân thức hóa Trung Hoa thì ông cũng làm. Nhưng trong thâm tâm ông có muốn tránh Viên không?
Viên một mặt mua chuộc những kẻ lưng chừng trong Quốc Hội, mặt khác dùng một quỷ kế để loại Quốc Dân đảng . Quốc Hội đang soạn thảo hiến pháp, hắn đòi được dự vào việc đó. Quốc Dân đảng vội thảo cho xong, trước khi hắn tới họp, để thành một việc đã rồi, hắn không sửa đổi gì được nữa. Hắn tuyên bố rằng những đảng viên Quốc Dân đều khả nghi, và sắc lệnh trục xuất họ ra khỏi Bắc Kinh, bắt giam những người cầm đầu.
Đã tiến vào con đường độc tài, thấy thành công được vài lần, hắn càng sấn tới , ra lệnh giải tán lưỡng viện, thay bằng một ủy ban chính trị gồm toàn những tay sai của hắn, rồi ban bố một hiến pháp mới do hắn thảo. Theo hiến pháp đó, Tổng Thống có qquyền chuyên chế, quyết định mọi việc không cần có sự thỏa thuận của Quốc Hội . Thi hành hiến pháp mới, hắn cử hành cuộc bầu cử chính thức Tổng Thống. Ngày bỏ phiếu , hắn cho Công Dân đoàn ( do hắn tổ chức ) bao vây Quốc Hội để uy hiếp phe đốI lập.
Dĩ nhiên hắn đắc cữ Đại Tổng Thống , Lê Nguyên Hồng làm phó.
Các nước Tây Phương và Nhật đều thừa nhận Trung Hoa Dân quốc. Ngày 10 thánh 10 hắn nhận chức , giao tất cả địa vị quan trọng cho bọn tay chân. Bọn này tụi đại thần cũ, hủ bại, chỉ biết trung thành với chủ , không có chút ý niệm gì về dân chủ, dân quyền, hắn bảo gì cũng làm.
Ở các tỉnh miền Bắc từ khi nhà Thanh suy, các tổng đốc , đô đốc , quen cai trị theo ý riêng, xưa nhân danh Hoàng Đế thì nay cũng nhân danh Tổng Thống, chỉ nghĩ tới lợi riêng chứ không biết lợi của nước. Còn ở miền Nam thì nhiều tỉnh bất bình, nhưng chưa phản kháng, còn chờ xem.
Tóm lại, Trung Hoa Dân Quốc chính thức thành lập rồi, nhưng chỉ hạ bệ được Phổ Nghi, còn ý nghĩa của Cách Mạng Tân Hợi thì hoàn toàn mất cả.
Được làm Tổng Thống chính thức trong ba năm, Viên chưa mãn nguyện, muốn làm Hoàng Đế kia, Hắn tiến lần lần từng bước để g dò xem có phản ứng không. Hắn khéo lợi dụng ước pháp, kéo dài nhiệm kỳ Tổng Thống từ 3 năm lên 10 năm; thắng êm, hắn kéo dài thêm thành chung thân Tổng Thống, bãi chế độ tự trị của địa phương , giải tán hội nghị ở các tỉnh, như vậy là biến chế độ Cộng Hòa thành chế độ chuyên chế.
Thấy việc lộng hành ấy không gây phản đối, chỉ trừ Lương Khải D Siêu, rút ra khỏi nội các, viết báo chỉ trích, hắn vận động khôi phục để chế , phái một bọn đàn em đi thu tiền lời, thỉnh cầu của đoàn thể các tỉnh trình lên Tổng Thống xin triệu tập đại biểu quốc dân giải quyết vấn đề quốc thể ( 2). Tháng 10 năm Dân Quốc thứ 4 ( 1915), đại biểu quốc dân các tỉnh đều bỏ phiếu chủ trương quân chủ lập hiến và ủy Tham Chính viện thay mặt Quốc Dân tôn Viên Thế Khải lên ngôi Hoàng Đế.
Tôn Văn lúc đó có lẽ vẫn còn ờ Nhật (?) thấy công cuộc Cácnh Mạng của mình sụp đổ , Kỹ luật đảng lỏng lẻo, một số đồng chí bị Viên mua chuộc, bàn cải tổ Quốc Dân Đảng, đổi tên là Trung Hoa Cách Mạng đảng, để củng cố hàng ngũ, và mưu đồ lật đổ Viên, Đảng tiến bộ của Lương Khải Siêu cũng liên kết với đảng của Tôn Văn để Vận động phản đế chế.
Lần này Viên đã tính sai. Sức phản động rất mạnh, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng tây, Hồ Nam nổi lên choi-&ng đối. B Vân nam, Quí Châu, Chiết Giang, Thiểm Tây cũng lần lượt tuyên bố độc lập, thành ra cục diện Bắc nam chia rẻ. Thấy Vậy, ngay bộ hạ của Viên là Đoàn Kỳ Thụy và Phùng Quốc Chương cũng theo phe Nam mà phản đối đế chế.
Đã chuẩn bị lể đăng quang để leo lên ngai vàng rồi, đã lựa cả niên hiệu là Hồng Hiến nữa ( Hiến pháp lớn ). Viên vội vàng bỏ ý xưng đế chỉ giữ chức Tổng Thống thôi, nhưng phe phản đối cũng không chịu. Tháng 5 năm 1916, bọn Cách mạng ở Quảng Châu thời trước( đầu năm 1911, vụ Hoàng Hoa Cương ) thành lập chính phủ Cộng Hòa và bầu Lê Nguyên Hồng làm Tổng Thống. Viên ưu uất chết tháng sáu năm đó, có sách nói là hắn tự tử, có sách bảo là vì bệnh niếu độc ( urémie).
Lê nguyên Hồng lấy tư cách là phó Tổng Thống lên kế vị, khôi phục ước pháp cũ, tuyển Phùng Quốc Chương làm phó Tổng Thống , bỗ Đoàn Kỳ Thụy làm Tổng Lý Nội Các. Nhưng họ không đoàn kết với nhau được, và bọn tướng quân gây thành cuộc tương tranh đưa Trung Hoa vào cảnh hỗn loạn trên mười năm
(Sau Mỹ rút ra vì thấy họ bốc lột Trung Hoa quá, vì vậy mà có sách chỉ kể năm trước)
Thừa dịp Trung Hoa gặp nhiều khó khăn, Nga , Anh và Nhật lại tính xâu xé thêm Trung Hoa, và Viên Thế Khải một phần vì không đủ sức, một phần vì phải nhờ họ ( thừa nhận địa vị của mình, giúp đỡ tài chánh....) nên theo một chính sách hòa dịu, nhượng bộ
Ở trên chúng ta đã biết trong việc vay tiền, Viên đã phải để cho Ngân hàng đoàn của 6 nước bóc lột và kiểm soát tài chánh của Trung Hoa.
Vụ thứ nhì, năm 1912 là Anh xúi Tây Tạng gây khó khăn với Trung Hoa, rồi bênh vực Tây Tạng, đòi Trung Hoa phải để cho Tây tạng hoàn toàn độc lập. Viên không chịu và Tây Tạng thấy phải lệ thuộc Anh, thà lệ thuộc Trung Hoa còn hơn, nên Anh bỏ qua không làm tới.
Ở Mông Cổ, Nga cương quyết hơn. Ngoại Mông lúc đó chịu nhiều ảnh hưởng của Nga. Cuối năm 1911 , vị Lạt Ma ở Ourga ( Khổ Luân) tuyên bố độc lập và trục xuất người Trung Hoa ra khỏi nước, dĩ nhiên là do Nga xúi, Viên Thế Khải phải ký một hiệp ước với Nga ( 1913) nhận Ngoại Mông được độc lập, nhưng phải phụ thuộc Trung Hoa. Còn Nội Mông thì vẫn là đất của Trung Hoa như cũ.
Nhật hung hăng hơn cả, mỗi ngày mỗi mở rộng ảnh hưởng ở Nhiệt Hà ( Mãn Châu), mượn cớ 3 con buôn Nhật bị hại, đem sáu chiến hạm đến Nam Kinh buộc Trung Hoa phải cho họ xây cất 5 con đường xe lửa ở Mãn Châu. Viên Thế Khải mới được đắc cử chính thức Đại Tổng Thống , muốn Nhật thừa nhận Dân Quốc, nên thuận cho cả.
Rồi thế giới chiến tranh 1914- 1918 nổ. Nhật đứng về phía Đồng Minh ngay từ 1914 ( Trung hoa mãi tới 1917 mới gia nhập) và tức thì đem quân tấn công Đức ở Trung Hoa, chiếm Giao Châu mà Trung Hoa đã tô tá cho Đứa từ 1898. Họ chiếm được dễ dàng sau một cuộc tấn công ngắn và cuối năm 1914, họ nghiễm nhiên thay Đức làm chủ Sơn Đông. Lúc đó , Viên Thế Khải đương thương thguyết với Đức để lấy lại Giao Châu, chưa xong thì Nhật phỗng tay trên mất. Sơn Đông là đất của Trung Hoa, để cho Nhật làm chủ thì nguy , Viên muốn chiếm lại mà không đủ sức. Thánh Giêng năm 1915, Nhật đưa ra " Hai mươi mốt điều yêu cầu " mà dưới đây là những điều quan trọng nhất
- Nhật đòi kế thừa tất cả quyền lợi Đức ở Sơn Đông, được có địa vị ưu việt ở Nam Mãn và Đông Mông.
- Nhật được đặc quyền ở tỉnh Phúc Kiến
- Được kiểm soát công cuiộc khai mỏ ở Hoa Trung ( khu vực sông Dương Tử)
- Trung Hoa không được nhường hgoặc cho thuê các của bể, vịnh, cù lao của mình cho nước khác;
- Kiều dân Nhật được quyền mua đất đai, lập trường học, dưỡng đường tại Trung Hoa;
- Trung Hoa muốn dùng cố vấn ngoại quốc về chính trị, quân sự, tài chánh thì phải lựa người Nhật trước hết.
- Trung Hoa phải dùng một số khí của Nhật, số ấy phải hơn già nữa số Trung Hoa cần dùng.
Thật lá tai ác! Trung Hoa mà chịu nhận hết những " yêu cầu " đó thì thành một thuộc địa của Nhật rồi. Nhật biết rằng lúc đó liệt cường đương lo chống với Đức ở Âu Châu, không rảnh để nghĩ tới đất đai Trung Hoa , vả lại chính Nhật là đồng minh của họ rồi mà, nên chẳng dùng thủ đoạn đàm pjhán nữa, gởi ngay tối hậu thư cho Trung Hoa ( 7-5-1915) Chính phủ Bắc Kinh dưới sự uy hiếp của hải lục quân Nhật, phải thừa nhận các điều yêu Cầu , có sửa đổi đôi chút. Từ đó Nhật thay Anh, Nga làm chủ tình hình quốc tế ở Đông Nam Á.
Tức thì xảy ra một cảnh tượng hoàn toàn bất ngờ cho ngay cả những người tự hào là biết rõ tâm hồn dân tộc Trung Hoa. Lần đó là lần đầu tiên mà toàn dân Trung Hoa nổi lên chống kẻ xâm lăng. Thời Nha phiến, chiến tranh, Anh, Pháp cắt xẻo Hoa Nam mà Hoa Bắc thản nhiên, rồi năm 1900, liên quân tám nước vào phá Bắc Kinh , đóng quân ở miền Bắc mà miền Nam cũng dửng dưng , coi như việc của nước khác. Bây giờ thì cả Nam lẫn Bắc đều nghiến răng nguyền rủa Nhật và Viên Thế Khải.
Họ biết rằng họ là kẻ yếun, không thể chống với Nhật bằng súng ống và tàu chiến được, nhưng kẻ yếu có khí giới của kẻ yếu; họ đông và đồng lòng tẩy chay hàng Nhật. Nhật không bán được hàng hóa cho Trung Hoa thì kinh tế sẽ lung lay, vì còn bán cho nước nào được nữa. Họ gọi ngày ngũ thất ( bảy tháng năm, Trung Hoa giống Anh , Mỹ , kể tháng trước rồi mới kể ngày, trái với Việt Nam và Pháp), tức ngày Nhật gởi tối hậu thư , là ngày " quốc sỉ "( ngày nhục của nước ). Trên các bao thư, bưu điện đóng thêm con dấu : " Người Trung Hoa đừng bao giờ quên ngày quốc sỉ ". Họ ra truyền đơn hô hào tẩy chay Nhật. Phong trào lan từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng tẩy chay đồ Nhật, chống Nhật. Họ quyên tiền để cho vào quỹ tuyên truyền. Họ thay phiên nhau đứng trước các cửa hàng Trung Hoa bán đồ Nhật, vừa khuyên nhủ , vừa de dọa cả người bán lẫn người mua. Trước kia họ rời rã như đống cát thì bây giờ họ thành một khối cứng ; họ quên hết mọi tranh chấp, mọi ý kiến bất đồng, mà chỉ còn nhắm vào mỗi một mục đích là phá kinh tế của Nhật.
Gerges Dubarbier trong cuốn La Chin moderne ( P.U.F - 1966) bảo đó là ảnh hưởng của Quốc Dân đảng. Những tư tưởng của đảng đó truyền bá thấm lần vào lòng dân chúng , gây tinh thần ái quốc của mọi giới và bây giờ mới bắt đầu kết trái. Dubarbier còn nói thêm: Giá bấy giờ Trung Hoa có một lãnh tụ khác , không nghĩ đến tư lợi đến quyền thế của riêng mình như Viên Thế Khải thì có thể Trung Hoa đã thống nhất được ngay và tránh đươợc cái họa nội chiến kéo dài nhiều năm saủ Lời đó có thể đúng. Mà vị lãnh tụ do Trung Hoa đã có: Tôn Văn, nhưng Tôn Văn lại đương ở Nhật, nghiên cứu về xe lửa với bà vợ sau, thư ký của ông Tống Khánh Linh! Lòng phẩn uất của toàn dân Trung Hoa còn phát lên nhiều lần nữa, một lần vô cùng sôi nổi khi các cường quốc ký hòa ước Versailles, năm 1919 ( sẽ chép ở sau)
5- Họa Quân Phiệt Sau Khi Viên Chết
Viên Thế Khải là một chính trị gia có tài, thông minh, biết tổ chức, mưu mô, cương quyết, có bản lãnh , có thủ đoạn, chỉ tiếc hắn ham quyền quá, nhiều tham vọng quá, không dùng tài của mình vào việc giúp nước, mà chỉ để nhắm cái ngai vàng như Napoléon ( hắn có đọc sử Pháp không mà hành động giống Napoléon thế) và những thất bại bi đát hơn Napoléon.
Viên chết rồi, Lê Nguyên Hồng lên làm tổng thống nhưng sự đoàn kết giữa các tướng lĩnh không còn nữa. Phe quân nhân Bắc Dương ( đàn em của Viên) là Đoàn kì Thụy , Phùng Quốc Chương, Tào Côn, Trương Tác Lạm xưng hùng ở phương Bắc ; ở phương Nam thì Đường Kế Nghiêu , Lục Vĩnh Đình, quật khởi để gây cuộc tương tranh quân phiệt giữa Nam và Bắc sau này.
Di nhiên, ở cùng địa phương, họ tranh chấp nhau còn mạnh hơn giữa phương này và phương khác. Mỗi ông tướng ( đốc quân) chiếm một tỉnh có khi hai tỉnh và tìm cách " mở mang bờ cõi), hoặc uy hiếp chính phủ trung ương.
Chép lại các tranh ch&âp đó là điều vô ích, nhưng chúng ta cũng nên biết qua hành động của họ. Họ là những ông vua nhỏ, bắt dân phải nộp thuế (có kẻ bắt dân phải nọp thuế cho ba bốn chục năm sau ( như một quân phiệt ở Tứ Xuyên , năm 1933 thu thuế đến năm 1974) phải đi lình mà không trả lương , cho nên lính phải cướp bóc của dân để sống, do đó mà nơi nào cũng có cướp, miền Hà Nam có năm có tới 400.000 tên cướp.Dân không còn làm ăn gì được hết, ruộng nương bỏ hoang, trường học đóng cửa điêu đứng vô cùng, mà các ông tướng đa số vô học, nhưng giàu kinh khủng , ăn nhậu, xa xí, dâm dật, bắt cóc con gái lương dân tàn nhẫn vô cùng hơn các ông tướng tá Hòa Hảo của ta thời Pháp sau thế chiến rất nhiều. Cũng có một số đốc quân khá như Yeng Si Chang (?) ở Sơn Tây, Đường Kế Nghiêu ở Vân Nam , dân ở dưới quyền họ đở khổ hơn
Họ đánh nhau liên miên , hể thua thì chạy trốn vào các tô tá điạ của ngoại nhân, mà hể thắng cướp được nhiều của cải thì đem gỡi vào ngân hàng ngoại nhân, mua khí giới của ngoại nhân. Anh, Mỹ ủng hộ phe quân phiệt ở Hà Bắc ( phe Trực Lệ : Ngô Bội Phu), còn Nhật thì ủng hộ phe Hoản( tỉnh An Huy) : Đoàn kì Thụy và phe Phụng Tiên : Trương tác Lâm ( 1). Vì biết đâu chừng , mấy ông tướng đó mà thắng, uy hiếp được chính phủ Lê Nguyên Hồng , thì còn lợi nào bằng. Một ông tướng Trương Huân đã chẳng đem quân vào Bắc Kinh, bắt Lê Nguyên Hồng giải tán Quốc Hội, rồi thoái vị đấy ư ? Khang Hữu Vi còn ở Nhật, lúc dó đã về nước, vẫn chủ trương bảo hoàng, muốn khôi phục ngôi vua cho Phổ Nghi, có lẽ vì ông thấy những vụ tranh giành, rối loạn trong những năm đầu Dân Quốc mà thất vọng,. Ông làm quân sư cho Trương Huân, khi Lê Nguyên Hồng thoái vị rồi, Trương vào trong cun,g, mời phế đế Phổ Nghi lên làm vua trở lại, sử gọi vụ đó là « phục tích « , và có sử già ví nó vụ phục tích của giòng họ Bourbois ở Pháp sau khi Napoléon bị hạ bệ.
Lê Nguyên Hồng trốn v ào sứ quán Nhật, mời Phùng Quốc Chưong thay ông làm Tổng Thống, Phùng sai Đoàn Kì Thụy về đánh Bắc kinh, Trương Huân thua, trốn vào sứ quán Hà Lan. Phục tích chưa được mười ngày đã chấm dứt. Từ đó Khang Hữu Vi sống cô đơn, ảm đạm, đóng vai « di lão triều Thanh », lãnh một số trợ cấp nhỏ của chính phủ.
Sau vụ Phục tích , ngoài Phùng Quốc Chưong, còn vài tổng thống nữa : Từ Thế Xương, một kẻ sĩ hiền lành, thủ cựu đã làm sư phó của Phổ Nghi, sau cùng là Tào Côn, nhưng họ không có quyền gì cả, quyền ở trong tay của quân phiệt Đòan Kì Thụy, Ngô Bội Phu, Phùng Ngọc Tường, Trương tác lâm. Lâm hợp tác với Nhật, sau bị Nhật giết ( 1925)
Các quân phiệt phương nam không chấp nhận, chính phủ Bắc Kinh, thỉnh thoảng đem quân lên đánh các quân phiệt phương Bắc , không bên nào thắng hẳn bên nào. Lại có nhiều tỉnh tách hẳn ra ; không theo Bắc, không theo Nam, tuyên bố độc lập thảo một hiến pháp riêng ( như tỉnh Hồ Nam, rồi tỉnh Chiết Giang, Hà Nam, Tứ Xuyên, vân Nam) thành một phong trào địa phương tự trị, không muốn thống nhất mà muốn chính thể liên bang.
Các ông tướng như vậy, còn dân chúng thì chỉ lo làm ăn để nuôi gia đình ; họ cần cù , nhẫn nại. Chịu đủ các ức hiếp của bọn tướng , đủ các tai nạn, lụt, hạn, cướp bóc…cho đó là mạng trời, là số phận của họ. Từ xưa tới nay, mỗi khi một triều đại chấm dứt, thì luôn luôn, họ phải chịu cái họa đó.
Để lại một món nợ 25 triệu Anh bảng phải trả trong 47 năm, một cái ách nặng Nhật tròng vào cổ quốc dân ( 21 yêu cầu) , và một xã hội chia rẽ, loạn lạc, nghèo khổ, đó là tội của Viên Thế Khải. Giá hắn đừng ham ngai vàng, cứ chung thân Tổng thống thì khỏi phải chết sớm mà có thể giúp quốc dân được nhiều
(1) Phùng Ngọc Tường ( Ki Tô Giáo) mới đầu theo Ngô Bội Phục rồi sau theo Trương Tác Lâm
6. Ngũ Tứ Vận động
(Hòa hội Versailles và Hội Nghị Washington). Chúng ta đã biết ngày 7 – 5- 1915, toàn dân Trung Hoa nỗi dậy chống Nhật, vì Nhật uy hiếp Trung Hoa tới mức coi Trung Hoa như một thuộc địa của họ.
Ngày ngủ tứ 4-5- 1919, lại xảy ra một vụ nổi dậy của dân chúng nữa, lớn hơn lần trước nhiều, trong sử gọi cuộc ngủ tứ vận động.
Đầu thế chiến I, Nhật đứng thế phía đồng minh để chiếm Giao Châu , đấy tô tá của Đức. Hồi đó Trung Hoa còn Trung lập, tới năm 1917 , thấy Đức sắp thua , chính phủ phương Bắc mới tuyệt giao với Đức, nhưng Tôn Văn và Quốc hội phản đối .
Chiến tranh kết liễu, hòa hội ở Versailles ( Paris) năm 1919. Chính phủ Bắc Kinh và chính phủ Quảng Châu,( của Tôn Văn coi ở sau) đều phái đại biểu đến dự, tin chắc thế nào các bạn đồng minh cũng trả lại cho Trung Hoa những quyền lợi của Đức ở Sơn Đông và thủ tiêu những điều Viên Thế Khải đã ký với Nhật. Nhưng Anh, Pháp, Ý lại ủng hộ Nhật, trách Trung Hoa . Chỉ tuyên Chiến và gởi thợ qua giúp trong các xưởng vũ khí chứ không dự chiến, chính Nhật mới giúp đồng minh được nhiều. Lúc đó Lương Khải Siêu đương ở Paris, đánh điện về báo tin rằng phái đoàn Trung Hoa hoàn toàn thất bại .
Các báo đăng tin đó lên trang nhất và nêu rõ nguyên nhân thất bại : năm 1916 chính phủ ngoại giao Trung Hoa Chương Tôn Tường , công sứ Trung Hoa ở Nhật đã ký hiệp ước Sơn Đông với bốn chữ < hân nhiên đồng ý > ( vui vẻ đồng ý ) và Lục Tôn Dữ do Đoàn Kì Thụy thay chính phủ Bắc Kinh vay tiền của Nhật để mua khí giới Trung Hoa không thể cải vào đâu được, mà Tổng Thống Mỹ ( Wilson) cũng không sao bênh vực Trung Hoa được. Đại biểu Trung Hoa bỏ về, không chịu ký. Tức thì toàn dân phẩn nộ, 3.000 học sinh ở Bắc Kinh biểu tình diểu qua các đường phố, yêu cầu chính phủ trừng trị ba tên bán nước : Tào Như Lâm ( người ra lệnh ký hiệp ước với Nhật) Chương Tôn Tường và Lục Tôn Dữ ;
Hủy bỏ điều ước 21 khoản năm 1915 ;
Và đả đảo đế quốc.
Bị cảnh sát ngăn cản , họ lại nhà Tào Nhữ Lâm, gặp Chương Tôn Tường mới về nước . Tào bỏ trốn. Chương không kịp trốn, bị học sinh đánh gần chết.
Chính phủ càng đàn áp ( 30 học sinh bị giết, 1000 bị nhốt khám) thì sức phản động càng mạnh. Học sinh Bắc Kinh họp nhau thành một hội , quyết định bãi khóa, các giáo sư cũng từ chức để phản đối việc truy tố học sinh. Phong trào lan tràn toàn quốc. Liên hiệp học sinh toàn quốc thành lập. Họ tổ chức các đoàn diễn giảng vạch cho nhân dân biết những tội ác của Nhật và của chính phủ.
Tới đầu tháng 6, giai cấp công thương càng hưởng ứng. Trong hai ngày đêm , hàng ngàn quần chúng tụ tập trước Quốc môn ( một cửa thành ở Bắc Kinh ), khóc lóc, than vãn về cái nhục mất nước , mất chủ quyền . Rốt cuộc cuối tháng 6, chính phủ phải nhượng bộ, bãi chức những tên bán nước.
Về phương diện ngoại giao, cuộc vận động ngũ tứ có kết quả : Trung Hoa phản kháng với liệt cường và hội nghị chín nước họp ở Whasington ( 1921 – 22 ) xét lại vấn đề Sơn ông, ép Nhật trả lại Trung Hoa một số quyền lợi : trả đất tô tá Giao Châu cho Trung Quốc chuộc lại con đường sắt Giao Tế, và Nhật phải chia từng kỳ rút quân về . Các nước Anh, Pháp , Đức, Ý nhất là Mỹ thấy Nhật mạnh lên mau quá, sẽ có một lực lượng hải quân bậc nhất ở Thái Bình Dương, nên đè Nhật xuống hàng ba ( 1) Nhật phải nuốt hận , chấp nhận . Hội nghị lại đưa ra bốn quy tắc :
1- Liệt cường phải trọng sự độc lập và chủ quyền của Trung Hoa ;
2- Cho Trung Hoa có cơ hội phát triển và duy trì một chính phủ vững chãi ;
3- Giữ sự bình đẳng của các nước về thương mãi và kỷ nghệ trên đất Trung Hoa.
4- Liệt cường không được nhân lúc Trung Hoa đương loạn lạc mà mưu chiếm những quyền lợi đặc biệt.
Thật là may mắn cho Trung Hoa. Đó là công duy nhất của chính phủ Bắc Kinh, mà được vậy là nhờ học sinh Bắc Kinh trước hết rồi tớI tất cả c ác giới trong nư ớc
Cuộc ngũ tứ vận động còn nhiều ảnh hưởng quan trọng nữa, nó thúc đẩy cuộc cách mạng chính trị, nó đầu tiên đưa ra khẩu hiệu đả đảo đế quốc, làm cho nhiều nhà cách mạng trong Quốc dân đảng đổI hướng, mà đảng cộng sản Trung Hoa sớm thành lập , lực lượng thợ thuyền được đoàn kết, gây cuộc phản đế sôi nổI ngày 30 – 5 – 1925 , sử gọi là cuộc Ngũ táp vận động, mà tôi sẽ xét ở sau.
Chính vì nó có tác động lớn như vậy nên một số sử gia cho nó mớI là cuộc cách mạng dầu tiên của Trung Hoa, còn cuộc cách mạng Tân Hợi chỉ là một vụ đảo chánh bất ngờ mà thành công quá dễ, nên thất bại cũng mau
( 1) tỷ lệ chiến hạn của Anh, Mỹ , Nhật ở Thái Bình Dương là 5, 5 , 3 . Anh và Mỹ bằng nhau 5, Nhật 3.
1- Tôn Văn lập chánh phủ , tiếp xúc với Nga
Văng mặt bốn năm năm, năm 1971 Tôn Văn mới lại xuất hiện đúng lúc các đốc quân ở Bắc can thiệp vào chính trị , giải tán Quốc Hội và các đốc quân phương Nam nổi lên phản đối. Tổng trưởng hải quân là Trình Bích quang từ chức; Tôn cùng với Trình suất lĩnh hải qua-n đến Quảng Đông, đánh điện đi các tỉnh mời nghị viên Quốc Hội Quảng Châu khai hội và tổ chức chính phủ để chống với phương Bắc. Ông được bầu làm đại nguyên súy và đại biểu Trung Hoa dân Quốc trong việc đổi ngoại. Lục Vĩnh Đình , đốc quân Quảng tây và Đường kế Nghiêu, đốc quân Vân nam làm phó nguyên súy. Cuộc thế nam Bắc đối lập bắt đầu từ đó.
Nhưng ở Bắc có nhiều phe chống đối lẫn nhau mà ở Nam thì Tôn và Lục , Đường ý kiến cũng bất đồng. Về thực lực , Tôn chỉ điều khiển được một bộ phận hải quân, còn lục quân ở trong tay hai phó nguyên súy , nên Tôn không làm được gì cả. Rồi Lục và Đường lại chia rẽ. Thế của chính phủ phương Nam rất yếu. Một đốc quân đem quân đánh Quảng Đông , Lục Vĩnh Đình chống không nổi.
Trần Quýnh Minh, rước Tôn Văn c về Quảng Châu, cãi tổ chính ohủ, cũng nhóm quốc hội, cử Tôn làm Tổng Thống , nhưng địa hạt của chính phủ Quảng Châu chỉ có mỗi một tỉnh Quảng Đông ( 1921).
Uy tín của Tôn đã xuống nhiều, Trần Quýnh Minh cũng lại bất đồng ý kiến với ông. Ông muốn Bắc phạt không được, mà muốn lấy lại uy quyền cũng không xong. Ông sửa lại đảng chương ( 1) ( coi ở sau mục " tư tưởng chính trị của Tôn Văn "), nhưng cũng không thi hành được nữà, sau cùng Trần Quýnh Minh tấn công đốt nhà công, tính giết ông , may mắn ông trốn thoát, được lên Thượng Hải.
Ông đã thất bại, rút được kinh nghiệm , hiểu rằng phải bỏ đường lối tấn công, đảo chánh ở nhiều nơi cùng một lúc, mà phải chiếm được một địa bàn vững, phải tổ chức đảng và huấn luyện cán bộ, phải lập được một đạp quân tân thức; rồi từ địa bàn đó chiếm đất lần
lần, chiếm đưọc miền nào thì đảng viên và cán bộ cai trị miền đó, dùng tuyên truyền để thu phục dân chúng , như vậy lần lần sẽ chiếm được trọn nước.
( 1) Chương trình chính trị của đảng
Bây giờ ông mới thấy ông lẻ loi. Vẫn còn nhiều người ngưỡng mộ ông đấy, nhưng người ta thấy ông bất lực: đảng của ông ít người, quân đội ông không có, mà tiền thì các nước tư bản không giúp ông. Năm 1911, trước khi về nước , ông có qua Anh, xin chính phủ cho vay tiền , chính phủ Anh từ chối, chỉ hứa không giúp tiền cho Thanh đình nữa thôi.
Bây giờ họ có thêm một lý do nữa để từ chối; họ đã thừa nhận chính phủ hợp pháp Bắc Kinh rồI. Vả lại tâm lý của họ là giúp kẻ mạnh chứ không giúp kẻ yếu, mà ông là kẻ yếu ; trong mười năm từ 1912 đến 1921 ông đã thất bại , để cho Viên Thế Khải phá hoại cách mạng, phá hoại hiến pháp, như vậy ai dám tin ông nữa.
Simon Lays trong cuốn Les habis neuf du Président Mao ( Edition Chant libre 1977) trách phương Tây ( Anh, Mỹ, Pháp …) chỉ nâng đở bọn thối nát như Thanh triều, Viên Thế Khải, mà không biết đứng về phe các nhà cách mạng được dân chúng quý như Hồng Tú Toàn, Tôn Văn . Chê như vậy là cố ý khen Nga đã biết giúp Tôn Văn.
Tháng 10- 1917, cuộc cách mạng vô sản của Nga thành công, Trung Hoa cũng như các nước khác , chưa thừa nhận Liên Xô,. Trong hai năm 1919 – 1920 chính phủ Nga nhiều lần tuyên bố bãi bỏ các điều ước bất bình đẳng mà Nga hoàng đã ký với Trung Hoa.
Năm 1921 đảng Cộng Sản Trung Hoa thành lập, đứng vào hàng ngũ Đệ Tam quốc tế. Các nhà lãnh tụ buổI đầu là Trần Độc Tú, Mao Trạch Đông, Trương Đại Lôi; đảng viên chỉ được 50 ngườI. Cũng năm đó , Chu Ân Lai học ở Pháp về.
Tôn Văn bị Anh, Mỹ , Pháp , Nhật hất hủi , không giúp gì cả, phải quay về phía Nga Xô y như Nasser năm 1956, khi Mỹ không bán khí giới cho. Năm 1922, vì bất hòa vớI Trần Quýnh Minh. Ông phải bỏ Quảng Châu mà lên Thượng Hải, rồi tiếp xúc với nhân viên cơ quan thông tin quốc tế của Nga Xô để rút kinh nghiệm cách mạng của họ.
Họ đem thuyết Mác Lê giảng cho ông. Theo thuyết đó, chế độ tư bản đạt tớI tột đỉnh thì đưa tớI chủ nghĩa đế quốc, vì muốn giữ mức sống cao cả của giai cấp tư sản ( bourgeois ) thì bọn tư bản phảI bóc lột chẳng những các giai cấp khác trong nước, mà còn bốc lột các dân tộc chậm tiến nữa, những thuộc địa ở Á, Phi : mua rẻ hoặc cướp tài nguyên của những nước này , dùng nhân công rẽ mạc của họ để sản xuất cho rẻ rồi bán lại cho họ với một giá đắt. Trung Hoa là một bán thuộc địa của các nước tư bản, đã bị bóc lột tám chục năm rồi, muốn thoát khỏi ách của Âu, Mỹ và Nhật thì phải làm cách mạng vô sản như Nga, Nga có thể giúp Trung Hoa được.
Tôn Văn nghe vậy, thấy có lý và trong một số hội nghị Quốc Dân đảng , ông bảo : “ Lénine bị các nước tư bản bôi nhọ vì ông ta dám nói trắng ra rằng 1.250.000.000 người ức hiếp, bốc lột “.
Tuy nhiên ông rất thực tế , bảo Trung Hoa chưa thể thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản được, mà hãy thực hiện chủ nghĩa Tam dân của ông đã.
Năm sau ( 1923) Nga phái một ủy viên về ngoại giao , Adolphe Joffe qua. Hai bên tuyên bố chung : Tôn chỉ cho phép đảng Cộng sản tự do hoạt động trong việc chiến đấu dân tộc để giành lại độc lập, mà cuộc chiến đấu là bước đầu đưa tới xã hội chủ nghĩa, chứ không nhận ngay Cộng Sản là một chủ nghĩa chính thức, vì nó không hợp với tình hình Trung Hoa thời đó, Joffe cũng nhận rằng Trung Hoa cần được thống nhất và độc lập trước hết và Nga Xô sẵn sàng giúp cuộc cách mạng dân tộc của Trung Hoa trong việc tổ chức quân đội, đào tạo cán bộ tuyên truyền.
Tức thì hai bên hợp tác với nhau liền. Mùa hè năm 1923, Tôn phái một đại tá trẻ mà ông mà ông rất tin cậy qua Moscou, tức Tưởng Giới Thạch , Tưởng học ở Nga 6 tháng rồi về nước lập trường võ bị Hoàng Phố ở gần Quảng Châu, làm hiệu trưởng trường lục quân đó. Tưởng được một số chuyên viên Nga giúp sức. Chu Ân Lai cũng lãnh một chân giáo sư, về chính trị( ?). Mỗi khóa học chỉ có sáu hay tám chín tháng . Số học viên khóa đầu được dăm trăm, ( 1) chính họ có công trong việc Bắc phạt sau này.
Đầu thu năm đó Nga lại gởi qua Borodine ( Trung Hoa gọi là Pháo La Đình) một người rất giỏi về tổ chức , đã có hồi ở Mỹ . Ông ta dùng Nguyễn Ái Quốc ( tức Hồ Chí Minh sau này ) làm thư ký riêng, thông ngôn và phiên dịch, vì Nguyễn thông bốn ngôn ngữ : Hán, Anh, Pháp , Nga Borodine làm cố vấn kỹ thuật về cách mạng, lập một viện đào tạo một bọn tuyên truyền để lôi kéo quần chúng. Học viên đều là những người trong đảng cộng sản Trung Hoa, nhất là trong giới lãnh đạo . Đảng được tổ chức lại theo Nga, thành từng tổ, thường họp hội nghị ( hội nghị đầu tiên vào đầu năm 1924) . Trên cùng có ủy ban trung ương thi hành đường lối của đảng . Borodine thuyết phục Tôn Văn cho phép đảng viên Cộng Sản được vô Quốc Dân đảng, thành thử đảng này có một hạt nhân mà khi nào nhân ( noyau) của Cộng Sản mà khi nào Quốc Dân đảng thành công thì Cộng Sản đương nhiên được dự vào việc nước . Đồng thời Nga tuyên bố thừa nhận Ngoại Mông thuộc lãnh thổ Trung Hoa, hủy bỏ hết các điều ước Trung Hoa ký với Nga hoàng. Công việc đào tạo cán bộ tuyên truyền của Borodine có kết quả rất mau. Một cuộc bãi công của công nhân Hỏa xa trên đường Bắc Kinh – Hán Khẩu xảy ra, nhưng chưa đủ kinh ngjiệm nên bị Ngô Bội Phu ( ?) đàn áp kịch liệt, chết rất nhiều, mẵc dầu các tổ chức khác cũng bãi công để ủng hộ
Sau đó xảy ra cuộc Ngũ táp vận động ( táp là ba mươi : 30-5-1925) Nguyên do chỉ tại thái độ ngạo mạn, tàn nhẫn của bọn đế quốc . Họ không coi người Trung Hoa ra gì cả,(2) hơi một chút là chất vấn chính phủ Bắc Kinh, đòi hỏi bồi thường và bắn xả vào dân bản xứ.
Lần này trong một xưởng dệt ở Thượng Hải, một người thợ Trung Hoa bị một nhân viên Nhật bắn chết. Hai tuẩn lễ sau, học sinh và thợ thuyền Trung Hoa ở Thượng Hải làm lễ truy điệu kẻ xấu số và biểu tình phản đối Nhật trong khu vực tô giới của Anh. Cảnh sát Anh bắn vào đám biểu tình : mười hai người chết và mười bảy người bị thương.
Dân chúng khắp nơi phẩn nộ ; tại các khắp khu kỷ nghệ và ở Hương Cảng , phong trào phản đế nổi lên rầm rộ, thợ đình công ở các xưởng ngoại quốc, dân chúng tẩy chay hàng hóa ngoại quốc đặc biệt là hàng hóa Anh và Nhật
Chưa chắc phong trào do Cộng sản tổ chức và phát động, nhưng ta có thể tin rằng Cộng Sản đã chỉ huy một phần nào rồi lợi dụng để gây uy thế cho đảng. Ở Thượng Hải cuộc đấu tranh kéo dài tới một năm rưỡi , được mọi người ủng hộ , và gây chấn động khắp thế giới , làm tê liệt công việc kinh doanh của Anh ở Hoa Nam đến nổi Hương Cảng ( Cảng thơm) đã thành một ( tử cảng) ( cảng chết), và người Trung Hoa mỉa mai gọi nó là “ xú cảng “ ( cảng hôi thối )
Chưa đầy một tháng sau, lạI xảy ra một vụ sôi động nữa: chiến hạm Anh, Pháp , Nhật, Bồ bắn cvãi vào dân biểu tình tẩy hàng ngoạI quốc, lòng căm phẩn của dân càng bừng bừng lên .
Cuộc vận động ngũ táp đó gây ảnh hưởng quan trọng về văn hóa, làm cho phái tả thêm được nhiều cây bút có tài và tràn trề nhiệt huyết. Nhưng đó là chuyện sau, chúng ta hãy xét tiếp hoạt động của Tôn Văn đã.
Có một địa bàn ở (Quảng Châu ) một đạo quân do Nga tổ chức huấn luyện , một đảng đã cải tổ vớI một thành phần mới ( Cộng Sản ); lại được quần chúng ủng hộ , ngoài giớ trí thức tiểu tư sản ra, thêm giới thợ thuyền, nông dân , thương nhân nữa. Tôn văn bắt đầu gây lại được uy quyền, có thể nghĩ tới việc Bắc phạt. Theo J J . Brieux trong La Chine du nationlisme au communisme ( Seuil- 1950) thì hồi này ông rất phấn khởi , lại đeo đuổi cái mộng không tưởng của ông từ trước là liên kết Hoa - Nhật. Năm 1924 ông qua Nhật ngày 25- 11, tuyên bố ở Nagasaki: “ Tình thân ái của chúng ta vớI Nhật phải mỗI ngày mỗi tăng. Mọi bất hòa và nghi ngờ lẫn nhau phải xóa bỏ cho hết. Nhật tiến bộ hơn chúng ta nhiều lắm về kỹ nghệ , khoa học, văn minh. Nếu chúng ta muốn thực tâm cộng tác với Nhật thì chúng ta sẽ tiến chắc chắn mà Nhật cũng được lợi; hàng hóa của hai nước sẽ được tự do xuất, nhập, không phải đóng thuế, hai nước tất phải giàu “ ( la Chine của Roger Lévy PUF 1904 )
Lần này ông ở Nhật không lâu rồi về, kế đó chính phủ Bắc Kinh bị các quân phiệt lật đổ ; Đoàn Kì Thụy , Trương Tác Lâm và Phùng Ngọc Tường mời ông lên Bắc Kinh để bàn việc thống nhất, lập chính phủ trung ương Borodine khuyên ông đừng nhận , nhưng ông cứ nhận, một phần vì t-hấy bệnh ung thư không cho ông sống được lâu nữa. Nhưng mới tới Bắc Kinh , hai bên chưa kịp thảo luận với nhau thì ông từ trần ( 12- 3- 1925) thọ 59 tuổI ( 1866- 1925).
Di chúc ông đọc cho Uông Tinh Vệ (đồng chí trẻ thân nhất của ông ) chép, và ông ký một ngày trước khi mất, trước mặt chín người . Tống Khánh Linh, Tống Tử Văn ( em trai Khánh Linh) Tôn Khoa ( con bà vợ trước của ông ) ….những ngườI này cũng ký sau ông.
Dưới đây tôi dịch bản chữ Hán trong Trung Cận đại sử
“ Trong bốn chục năm, tôi tận lực với cách mạng , mục đích để Trung Quốc được tự do bình đẳng. Kinh nghiệm bốn chục năm cho tôi thấy rằng muốn đạt mục đích đó phải kêu gọi toàn dân đứng dậy và liên hợp với những nước nào trên thế giới đãi ta một cách bình đẳng , để cùng nhau phấn đấu.
Hiện nay cách mạng còn chưa thành công. Các đồng chí phải theo phương lược kiến quốc và đại cương kiến quốc, cùng tam dân chủ nghĩa …của tôi mà tiếp tục gắng sức cho đạt thắng lợI cuối cùng …. Việc gấp nhất là mở Quốc Đân Đại Hội , và từ bỏ các điều ước bất bình đẳng , phải thực hiện cho thật mau . Đó là di chúc của tôi "
(1) Một số nhà cách mạng của ta học ở trường đó
(2) Tới mỗI tại một công viên ở Tô Giới Thượng Hải, người Anh cấm một cái bảng < cấm chó và người Trung Hoa vào >
............ 
2. Học thuyết Tôn Văn
Trong cuộc đời trôi nổI , ông ghi chép được nhiều tính soạn một tác phẩm lớn nhan đề là Tam Dân chủ nghĩa, nhưng tài liệu không còn gì sau vụ Trần Quýnh Minh, phán ông ở Quảng Châu năm 1922 . Gần cuối đời, ông rán nhớ lại và thu vào trong 16 diễn văn. Văn nghiệp của ông chỉ còn bấy nhiêu
Những diễn văn đó được nhiều người dịch, người thì cho nó có màu sắc mác xít , người thì bảo có màu sắc tự do.
Ông trích dần Mạnh tử , nhất là câu : "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh " , và câu này :" Thiên thị tại ngã dân thị , thiên thính tại ngã dân thính " .
Öng bảo: " Tôi muốn mọi người hiểu thế nào dân chủ, phải hiểu rồi mới bỏ được cái ý muốn làm hoàng đế đi. Nước ta thành nước Cộng Hòa rồi thì ai làm hoàng đế? Bốn trăm triệu dân làm hoàng đế? "
Nhưng ông chê chính quyền đại diện. Vì có nhiều thói xấu, mà cho chính quyền chuyên chế của dân ( vô sản ) như ở Nga tốt hơn. öng muốn rằng dân là kỹ sư mà chiúnh quyền là cái máy, máy phải mạnh, và viên kỹ sư tức dân phải có đủ sức để điều khiển máy.
Chủ nghĩa tam dân của ông là dân tộc, dân quyền , dân sinh. Chủ nghĩa dân tộc chống chính sách xâm lăng của đế quốc Âu Mỹ. Dân tộc nào cũng được tự g do, bình đẳng và không được xâm phạm đến tự do của dân tộc khác. Các dân tộc Hán , Mãn, Mông.... phải đoàn kết với nhau để giải thoát Trung Hoa rồi giải thoát các dân tộc bị áp bức khác
Chủ nghĩa dân quyền đặt quyền chi phối chính trị vào tay toàn thể nhân dân , còn quyền chính trị về phần chính phủ. Nhân dân có quyền tuyển cử , đề nghị phúc quyết ( nghĩa là bãi bỏ những quyết định nào của nghị viện mà trái với công ích rồi quyết định lại) và quyền bãi miền những quan lại bất lực hoặc có thành tích xấu xa.
Chính phủ có năm quyền, gọi là ngũ quyền hiến pháp : quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và quyền Giám sát.
Chủ nghĩa dân sinh làm thỏa mãn bốn nhu cầu của nhân dân là ăn, mặc,ở , đi ; tư bản cá nhân phải tiết chế cho tư bản quốc gia được phát đạt, địa quyền về người cày và phải lần lần tiến tới sự bình quân. Ông bảo : « Cải cách điền địa của ông sẽ tránh cho nước khỏi bị các cuộc nông dân nổi loạn , các cuộc cách mạng mà chính sách kỹ nghệ sẽ bỏ được giai đoạn tư bản và cuộc cách mạng vô sản ; vì sự giai cấp đấu tranh là một bệnh xã hội, không phải là một yếu tố tấn bộ ! ( …)
Chính sách tôi đề nghị đó không đưa tới một chương trình tàn bạo hoàn toàn không thích hợp với thời đại chúng ta…. Tôi muốn ngăn sự thành lập các đại tư bản cá nhân, mà xã hội sau này khỏi bị cái họa do sự bất bình đẳng giữa kè giàu, người nghèo gây ra ( La Chine sách đã dẫn ).
Một điểm nữa trong học thuyết của ông là ngay từ năm 1905, ông đã tính phải có ba thời kỳ : thời kỳ quân chính, chính quyền về quân nhân, phải độc tài để dẹp loạn, dẹp mọi sự chóng đối ; thời kỳ huấn chính, có một đảng duy nhất cầm quyền dạy cho cho dân quen với chế độ dân chủ, hiểu quyền hạn , bổn phận của mình, thời kỳ thứ ba là thời kỳ hiến chính ; lập hiến pháp rồi thi hành
3. Công của Tôn Văn
Khi hay tin Tôn Văn chết, Ph. Berthelot, Tổng thư ký bộ ngoại vụ Pháp, thản nhiên bảo: “ Thế là chấm dứt cuộc đời một con người thay đổi hoài , không thực hiện được chút gì hết”. Nhưng viên thông dịch của ông ta đã ở Bắc Kinh , đâu biết rõ người Trung Hoa , đáp: “ Tôn Văn khi sống không được việc gì; nhưng chết rồi ông ta sẽ thành một vị thần “.
Hầu hết- Nếu không phảI là hết thảy – các chính trị gia phưong Tây trước năm 1925 đều coi thường Tôn Văn và chê ông như Berthelot. Lénine còn bảo ông “ ngây thơ như một trinh nử “ ( Virginale naiveté) nữa : tin ở Viên Thế Khải, ở Anh, ở Nhật nữa, hai con cá mập hung hăng nhất thời đó . Ông mâu thuẩn với ông , ông chủ trương hợp tác với những nước đãi Trung Hoa một cách bình đẳng, mà chính hai nước đó coi đồng bào ông như toi mọi, như loài vật, còn Mỹ bênh vực Trung Hoa nhất thì ông lại không nhờ cậy họ. Lúc thì ông muốn Bắc phạt, lúc thì lại muốn bắt tay với các quân phiệt ở Bắc. Ông làm Tổng Thống , rồi làm một “ chuyên viên “ hỏa xa, sau lại làm đại nguyên súy không bao lâu, lại làm Tổng Thống, mà chẳng lần nào được việc gì cả. Gần cuối đời , ông cho cán bộ Cộng Sản gia nhập Quốc Dân Đảng, như vậy khi Cách Mạng thành công, họ đương nhiên được dự vào việc nước, mà ông lại bảo “ giai cấp đấu tranh là một bệnh của xã hội “ như vậy thì làm sao ta hiểu được chủ trưong của ông? Tưởng GiớI Thạch là môn đệ của ông, mà Mao Trạch Đông cũng coi ông là bậc thầy; cả hai đều bảo mình tiếp tục sự nghiệp của ông, trớ trêu thật . Mà Uống Tinh Vệ khi làm bù nhìn cho Nhật, trong chiến tranh Trung Nhật ( coi ở sau) cũng có thể khoe rằng theo đúng đường lối thân Nhật của Tôn nữa!
Chủ trương tam dân của ông , các học giả và chính trị gia phương Tây cho là chẳng có gì đặc biệt . Họ đã có một chiến chương về quyền của con người, tiến bộ hơn chủ nghĩa của ông nhiều.
Những lời chê kể trên đều đúng hết. Nhưng ai cũng phải nhận rằng ông nhiệt tâm, ái quốc, hoàn toàn bất vị lợi, có nghị lực , kiên nhẩn suốt đời nhằm một mục đích là cứu dân, cứu nước (điểm bất biến của ông ở đó); ông có tài hùng biện , truyền được cho dân chúng ảo tưởng của ông, khiến dân chúng tin ông và trọng ông.
Lévy , học giả Pháp có cảm tình với ông nhất bảo ông sống trong thời " bạc bẽo " của lịch sử Trung Hoa.
Lời đó đúng, thời ông là thời loạn lạc , chia rẽ như cuối thời Chiến Quốc, mà ông chỉ là một nhà tư tưởng , thiếu kinh nghiệm, thấy thuyết nào mới cũng nhận, thấy nước nào mạnh cũng muốn nhờ cậy , đi vào hướng này bị kẹt thì quay tìm một hướng khác, vì vậy mà ông thường thay đổi cả trong tư tưởng lẫn hành động. Ông tùy cơ , tòng quyền để kiếm một lối thoát cho dân tộc ông, và lúc đó nhờ được kinh nghiệm của Nga, biết tổ chức đảng, tổ chức quân độI rồI, thì chết. Nếu ông sống thêm được mươi năm nữa, thì chắc được thấy cách mạng thành công mà có thể tránh cho được Trung Hoa cuộc tương tàn giữa Quốc và Cộng.
Ông chết rồi, toàn dân Trung Hoa cả phe Quốc lẫn phe Cộng (1) đều gọi ông là “ Cha của Cách Mạng " , là " Cha của nước " ( Quốc phụ) , nhà nào cũng treo hình ông với lời di chúc của ông. Nhưng từ năm 1949. Khi Cách Mạng vô sản thành công thì Hoa Lục , lòng tôn sùng cũng nhạt đi: Ông chỉ còn một ngẫu tượng lỗi thời thôi. Cái gì mà chẳng theo tốc độ của thờI đạI! May mà xác ông không bị ướp . Nếu bị ướp như Staline, Mao Trạch Đông thì chỉ vài chục năm nữa, qua thế kỷ XXI, nó sẽ thành một cổ vật như xác ướp của Pharaon Ai Cập . Nghe nói mấy năm trước , Nga đã sửa lại bộ Bách Khoa tự điển hay bộ Tự Điển triết hoạc, không còn coi Lénine là một vị thánh nữa.
Không biết tin đó có đúng không
( Sau năm 1949 bà Tống Khánh Linh ở lại Hoa Lục )
1-Vai trò của giới trí thức mới.
Từ đời Hán đến vụ Thái Bình Thiên Quốc đời Thanh, Trung Hoa chỉ có những vụ nông dân nổi loạn, mà có rất nhiều. Trong hai phần trên tôi chỉ kể những vụ thành công thôi, mà cứ một vụ thành công thì có không biết bao nhiêu vụ thất bại.
Nông dân đói quá, bị ức hiếp quá, nổi lên cướp bóc, giết quan lại. Một người trong giới họ, cũng ít học như họ, nhưng can đảm hơn, mưu mô hơn , được cảm tình của họ, qui tụ họ, làm thủ lãnh, lợi dụng lòng mê tín của họ, gây được một phong trào ; phong trào lớn lên rất mau, tớI khi quân lính của triều đình cũng đứng về phe họ nữa thì triều đình thế nào cũng bị lật đổ, và mới đầu là giặc , sau họ thành vua.
Làm vua , họ vẫn giữ chế độ cũ, tổ chức xã hội cũ, chỉ thay triều đại thôi . Hình như không có một kẻ sĩ nào cầm những phong trào đó cả, có một số giúp với tư cách quân sư hay tướng quân, và những người đó, khi thành công , cũng làm quan cho triều đại mới y như các quan thời trước, không hề có ý thức cải tạo xã hội.
Những cuộc nỗi loạn đó từ thời Chu, vẫn gọi là cách mạng, tức đổi mệnh vua ( vua chịu mệnh trời ) , đổi triều vua. Từ khi tiếp xúc với phương tây, người Trung Hoa dùng danh từ cách mạng để dịch chữ révoluction và có nghĩa là một sự thay đổi rất lớn lao về chế độ, có khi thay đổi triệt để, phá hết những tổ chức cũ , người ta cho là xấu xa mà dựng lên những tổ chức mới. Hiểu theo nghĩa đó thì từ khi có tin sử tới đầu đời Thanh, Trung Hoa chỉ có mỗi một cuộc cách mạng của Tần Thủy Hoàng; từ chế độ phong kiến qua chế độ quân chủ chuyên chế, thống nhất về mọi phương diện: đất đai, chính trị, kinh tế , văn hóa . ( Nhà Chu chỉ cải thiện chế độ phong kiến của nhà Thương, chứ không có sự thay đổi gì quan trọng )
Vụ Thái Bình Thiên Quốc cũng là một cuộc cách mạng vì Hồng Tú Toàn tuy vẫn giữ đế chế nhưng đã muốn thay đổi xã hội và văn hóa : Chia đất cho nông dân làm tập thể, gặt lúa rồi phân phối cho từng bộ, như xã hội chủ nghĩa ngày nay, cho phụ nữ hoàn toàn bình đẳng với đàn ông, được học hành , thi cử và làm quan, bỏ Nho Giáo mà thay bằng Kí Tô Giáo .
Hồng Tú Toàn thất bại. Trên nửa thế kỷ sau lại có cuộc cách mạng Tân Hợi của Tôn Văn .
Những cuộc cách mạng theo nghĩa mới này ở phương Tây , cũng như phương Đông , thời Cổ cũng như thời Kim gần như luôn luôn được một số triết gia Văn nhân mở đường , như bọn Pháp gia ( Thương Ưởng, Hàn Phi …) thời Chiến Quốc , bọn triết gia thế kỷ XVIII ở Pháp ( Montesquieu, Voltaire, Diderot, Rousseau ) bọn Marx, Hegel (Đức với bọn tiểu thuyết gia thế kỷ XIX ( Gogol Léon Tolstoï , Dostoievski, Tchekhov …) ở Nga;
Ở Trung Hoa, Thái Bình Thiên Quốc , không được người mở đường , có thể vì đó mà thất bạI chăng? Nhưng cách mạng tân HợI thì được nhóm Khang Lương, Lâm Thư, Nghiêm Phục ….mở đường cho từ một hai chục năm cuốI thế kỷ XIX.
Bọn mở đường boa giờ cũng ở trong giới trung lưu ( bourgeoisie) , vì họ được học như giớI thượng lưu cầm quyền, mà được rảnh rang để suy tư hơn bọn cầm quyền; họ tiến bộ hơn bọn cầm quyền nữa, kẻ cầm quyền boa giờ cũng thủ cựu vì quyền lợI, vì tự ái , vì ngại thay đổi; còn bọn bình dân , nhất là thời xưa thì vô học, chỉ lo yên ổn làm ăn , vợ con khỏi đói rách, không thể lập một học thuyết được.
Đó là xét về hạng người mở đường cho cách mạng. Ngay nhà làm cách mạng cũng phải là người có học. Tôi chắc tần Thủy Hoàng có học hơn Lưu Bang nhiều, ông ta đọc hàn Phi thích tới nỗi phải làm sao gặp được Hàn Phi thì mới mãn nguyện. Hồng Tú Toàn thì tú tài mấy lần rớt, nhưng rớt chưa chắc đã dốt, nhất là trong các kỳ thi dùng văn tám vế hồi xưa ;
mà ông ta biết làm thơ, vậy cũng là người có học nữa, không như bọn thủ lãnh của cuộc nổi loạn thời trước. Còn Tôn Văn thì ai cũng phải nhận là về cổ học, không sâu sắc nhưng ít nhất cũng hiểu tứ thư, ngũ kinh ( ông thưòng dẫn lời Mạnh Tử ) mà về dân tộc thì ông là người tiến bộ sớm nhất thời, ông có bằng bác sĩ , đi khắp Đông Á và tây Âu, qua cả Mỹ , thông Anh ngữ, Nhật ngữ, có thể biết qua loa vài ngoại ngữ khác nữa.
Ở trên tôi xét chung cách mạng Trung Hoa và cách mạng phương Tây khác các cuộc nông dân nổi loạn ra sao. Dưới đây tôi sẽ vạch một nét đặc biệt của cách mạng Trung Hoa từ 1911 đến 1949.
Trể nhất là từ đời Tống ( có người nói là ngay từ đời Hán ) học sinh Trung Học đã họp nhau để trình quốc sách lên triều đình, vạch mặt một số quan tham nhũng. Họ là kẻ sĩ , có bổn phận góp ý hoặc kiểm sát nhà cầm quyền trong những thời suy bại. Trung Hoa có câu : “ Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách " . Thất phu còn vậy, huống hồ là kẻ sĩ.
Tới đầu thế kỷ XX, vì Trung Hoa phải bỏ hẳn chế độ cũ mà nhóm Cổ Học Khang Lương chê là lỗI thời , để theo chế độ mới của phương Tây, nên cờ cách mạng chuyển qua tay những thanh niên có tân học, tức các sinh viên đại học trong nước và du học ở ngoại quốc về. Họ dạy học , họ giới thiệu văn minh phương Tây diễn thuyết , viết báo, viết văn. Chẳng những họ phát động , mà còn chỉ huy phong trào nữa. Họ cảnh tỉnh đồng bào , thúc đẩy đồng bào , hướng dẫn đồng bào, mà đồng bào lạI rất ít học; có thể tớI 95% không biết đọc, biết viết họ phảI dùng một thứ chữ dể đọc, một ngôn ngữ dẽ học để truyền bá tư tưởng cho rộng.
Tóm lại là các giáo sư , các văn nhân, các sinh viên có một vai trò rất quan trọng. Song song với cuộc cách mạng chính trị, phải gây một cuộc cách mạng , văn học, văn hóa. Có lúc cách mạng văn hóa thúc đẩy cách mạng chính trị; có lúc cách mạng chính trị thúc đẩy ngược lại cách mạng văn hóa.
Mới đầu người ta chuyên đả đảo văn hóa cổ, để làm một cuộc cách mạng của giới trí thức và tiểu tư sản, cách mạng này chưa thành công thì ở Nga đã có cuộc cách mạng vô sản và một số người cho cách mạng tiểu tư sản còn lạc hậu , mà chuyển hướng qua Nga. Con " sư tử Trung Hoa " ngủ thì say thật , nhưng khi thức dậy thì chồm lên cũng dữ . Người ta muốn bỏ giai đoạn tư bản đi, từ phong kiến nhảy vọt tới Cộng sản . Đó là điểm đặc biệt của cách mạng Trung Hoa: Cách mạng chính trị song song với cách mạng văn hóa, mà trong cách mạng chính trị thì cách mạng tiểu tư sản cũng song song với cách mạng vô sản .
2. Những nhà mở đường (1898 – 1916)
Trong giai đoạn đầu, giai đoạn giao (thời từ 1898 – 1916) mới chỉ có những cải cách rụt rè . Các nhà lãnh đạo phong trào du tân đều là những nhà nho ái quốc , tiến bộ, có chút tư tưởng mới, như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Hoàng Tuân Hiến ….Họ nhận thấy Khổng học, nói chung là Cổ học không hợp thời nữa, nhưng không mạt sát , nhưng họ vẫn còn dùng cổ văn để diễn một số tư tưởng , cảm xúc mới. Chủ trương của họ là cựu bình mà tân tửu, nghĩa là giữ cái bình cũ ( cổ văn, chỉ bỏ lối văn tám vế đi thôi), đánh bóng , lau chùi nó lại một chút để chứa một thứ rượu mới nhập cảng ở phương Tây, sau khi chế biến qua loa cho hợp khẩu vị dân chúng .
Ở trên tôi đã giới thiệu tư tưởng cfủa Khang Lương . Ở đây tôi chỉ ghi thêm : Lương có lẽ người đầu tiên hiểu được tác động rất lớn của tiểu thuyết trong việc cải tạo xã hội. Trong bài “ Luận tiểu thuyết dữ quân trị chi quan hệ “ ( bàn về quan hệ giữa tiểu thuyết và sự trị dân ) ông viết.
“ Tiều thuyết có lực lượng rất mạnh: nó in đúc , thấm nhuần, kích thích , đề khởi , nên muốn canh tân đầu óc dân chúng , canh tân đạo đức , canh tân tôn giáo canh tân chính trị, canh tân phong tục, canh tân học thuật, canh tân nhân tâm, nhân cách thì trước hết phải canh tân tiểu thuyết và cuộc cách mạng tiểu thuyết phải đi trước những cuộc cách mạng khác.
Rồi ông sáng lập tạp chí Tiểu Thuyết Mới , trong đó nhiều văn nhân vừa dịch tiểu thuyết nước ngoài vừa sáng tác. Mười năm sau tiểu thuyết phát triển rất mạnh là do ảnh hưởng của ông.
Đọc ấy hàng trên của ông , chúng ta thấy ngay , mặc dầu dùng cổ văn chứ không phảI bạch thoạI mà văn của công có vẻ mớI lắm, không cô động , cân đốI, mà hơi rườm, bình dị, có sức lôi cuốn , đúng là lốI viết báo, tuyên truyền.
Ông thích chép sử cách mạng của ngoạI quốc, như Ý ĐạI LợI kiến quốc tam liệt truyện , Nhã Điển tiểu sử , Triều Tiên vong quốc sử lược, để kích thích lòng ái quốc của độc giả. Ông cũng viết tiểu thuyết nữa, nhưng không hay. Về thơ chúng ta phảI kể Hoàng Tuân Hiến, sinh năm 1848 ở Quảng Đông, như Khang Lương. Đậu cử nhân được làm ở xứ quán Trung Hoa tại nhiều nước: Nhật, Mỹ, Tân Gia Ba, nên nhãn quan rộng, kinh nghiệm nhiều, hiểu tình hình thế giới, đọc nhiều sách của Rousseau, Moutesquieu , do Nhật dịch, nhờ vậy mà có óc mới.
Ông tập đại thành những cái hay của thơ truyền thống, có bài tả nỗi khổ của dân như Đỗ Phủ, có bài chép thời sự như Bạch Cư Dị, có bài ái quốc nồng nhiệt , ý chí hào hùng như Lục Du ; mà lại có nhiều ý cảnh mới như khi ông làm lãnh sự ở Mỹ, Anh, Tân Gia Ba. Ông vẫn dùng thể cổ, nhưng có một số bài dùng hình thức mới, phá cả mọi cách luật, như những bài quân ca, nhi đồng ca, mỗi câu chỉ có ba chữ, đặc biệt là ông dám dùng thể văn xuôi để làm thơ không theo luật bằng trắc, có câu dài tới trên hai chục chữ, có bài dài hơn 2000 câu khiến Lương Khải Siêu phải kính phục ( bài Ngọa Phật, Phật nằm ở Tích Lan )
Nhiều bài nội dung và hình thức đều mới đó như bài Bi Bình Nhưỡng, Ai Lữ Thuận, Khốc Uy Hải.... thật hùng hồn, lâm ly, được cả phái cựu tán thưởng; có người khen ông là "thiên niên tuyệt bút" ,"tiền vô cổ nhân". Thi sĩ Tản Đà của mình rất phục ông.
Trong giai đoạn này phải kể thêm công của hai dịch giả: Lâm Thư và Nghiêm Phục.
Chúng ta phải phục dân tộc Trung Hoa là hiếu học và có những người tận tụy suốt đời cho văn hóa. Đời Đường Huyền Trang và Nghĩa Tĩnh đã qua tận Ân Độ học đạo, đem về 657 bộ kinh Phật rồi dịch hết, làm giàu cho tư tưởng và ngôn ngữ họ rất nhiều. Cuối đời Thanh, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, họ lại gây một phong trào dịch thuật bồng bột như vậy.
Mời đầu, vào khoảng năm 1840. Thanh triều dùng một số người dịch sách phương Tây, sau họ mở trường dạy ngoại ngữ ( Quảng phương ngôn quán ) gởi sinh viên qua Âu Mỹ học, và tới 1895 , họ đã có một số sách dịch, nhiều nhất là về khoa học ( thực dụng và thuần túy); 70% , rồi tới Sử, Địa, Xã hội: 20% Sách Anh được dịch trước hết, sau mới tới sách Nhật, Đức, Pháp (1)
Nhưng những sách đó để cho nhà cầm quyền hiểu phương Tây không có mục đích khai hóa quốc dân không được truyền bá rộng. Công việc này gần cuối thế kỷ 19, một số học giả mới đứng ra đảm nhiệm.
*    *      *
Người đi đầu là Lâm Thư và Nghiêm Phục, cùng sống một thời ( Lâm 1852 - 1924, Nghiêm 1835 - 1921). Lâm chuyên dịch tiểu thuyết , Nghiêm chuyên dịch triết lý,, học thuật.
Sức làm việc của Nghiêm thật đáng kính, không kém huyền Trang. Theo thống kê của Hàn Quang, ông dịch được 171 lọaị tức tác phẩm) gồm 270 cuốn, không kể 14 lọai nữa chưa in. Trong số đó , ít nhất cũng có 40 loại có giá trị. Được hoan nghênh nhất là cuốn Ba Lê Trà Hoa Nữ di sự ( Dame aux camélias) của A. Dumas và cuốn Hắc Nô Hu thiên Lục ( la Case de l Oncle Tom ) của H. Beecher Stowe. Ông dịch đủ cả tiểu thuyết, kịch của Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Na Uy, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Nhật Bản.... từ Shakespeare, Swift Dickens, Washington Irving, tới Victor Hugo, Alexaudre Dumas ( cha và con ), Balzac, Ibsen, Cervebtes Tolstoi....
Tài tình nhất là ông ông hề biết một ngoại ngữ , nhờ bạn dịch miệng cho, rồi ông diễn ra cổ văn ( thế kỷ II, III, những người đầu tiên dịch kinh Phật cùng theo cách đó) mỗi giờ có thể viết được 1.500 chử (!) có khi bạn chưa kịp dịch miệng xong, ông đã viết xong ( theo Trịnh Chấn Đạc trong bài Lâm Cầm Nam tiên sinh, Cầm Nam là tên tự của Lâm - ở bộ Trung Quốc văn học nghiên cứu). Bạn ông chắc không thể biết được mọi sinh ngữ phương Tây, tất phải dùng những bản dịch ( chẳng hạn Nga dịch ra Anh, ra Pháp....) , vậy tới Lâm đã qua hai lần dịch , rồi tới đọc giả là qua ba lần dịch, so với nguyên tắc sai lầm tất phải nhiều. Đọc giả trách ông, ông thẳng thăán cảm ơn và nhận lời. Nhiều tác phẩm ông chỉ tóm tắt thôi.
Nghiêm Phục dịch ít hơn ông, chỉ được chín cuốn về triết lý, học thuật tư tưởng của Darwin, Huxley, Spencer, Stuart Mill...., mà bản dịch " Thiên diễn luận " ( De l origine des specs par la selection naturelle)của Darwin có ảnh hưởng rất lớn ở Đương thời ngang với cuốn Vạn Pháp Tin Lý ( L’ esprit des loi) của Moutesquieu. Nhà ái quốc Trung Hoa và Việt Nam nào cũng tìm đọc hai cuốn dó, cuốn trên vì thuyết ưu thắng liệt bại gợi cho họ lòng tự cường, quyết chiến đấu để khỏi bị sa thải trên hoàn vũ; cuốn dưới vì thuyết tam quyền phân lập; quyền lập pháp, quyền hành chánh và quyền tư pháp phải độc lập, mỗi quyền thuộc một cơ quan riêng, không được gom cả ba quyền vào một người như chế độ quân chủ chuyên chế.
Nghiêm Phục có thái độ rất nghiêm cẩn, cố tìm chữ dịch cho đúng nghĩa, “ có khi do dự cả tuần, cả tháng để tạo một danh từ. Nhưng ông có tật là dùng những tiếng có sẵn đời Tiên Tần để diễn những quan niệm, tư tưởng cuả Âu Tây, cơ hồ như ông muốn tỏ rằng những quan niệm, tư tưởng ấy tuy có vẻ mới mà kỳ thực Trung Quốc đã có từ xưa rồi. Như vậy nhã thì có nhã mà thiếu tín.
Sau Lâm Thư, công việc dịch thuật được nhóm Tiểu thuyết Nguyệt San tiếp tục. Họ dịch nhiều nhất là tiểu thuết Nga, rồi tới tiểu thuyết Pháp có lã vì hai nước đó là tổ quốc của cách mạng. Sau tới tác phẩm của Anh, Mỹ, Đức ….cả Ấn Độ nữa.
(1) Sách Nga từ năm 1919 đến năm 1949 , số dịch còn thấp, năm 1950 mới đứng đầu : 77% , trên Anh 18%
1-Vai trò của giới trí thức mới.
Từ đời Hán đến vụ Thái Bình Thiên Quốc đời Thanh, Trung Hoa chỉ có những vụ nông dân nổi loạn, mà có rất nhiều. Trong hai phần trên tôi chỉ kể những vụ thành công thôi, mà cứ một vụ thành công thì có không biết bao nhiêu vụ thất bại.
Nông dân đói quá, bị ức hiếp quá, nổi lên cướp bóc, giết quan lại. Một người trong giới họ, cũng ít học như họ, nhưng can đảm hơn, mưu mô hơn , được cảm tình của họ, qui tụ họ, làm thủ lãnh, lợi dụng lòng mê tín của họ, gây được một phong trào ; phong trào lớn lên rất mau, tớI khi quân lính của triều đình cũng đứng về phe họ nữa thì triều đình thế nào cũng bị lật đổ, và mới đầu là giặc , sau họ thành vua.
Làm vua , họ vẫn giữ chế độ cũ, tổ chức xã hội cũ, chỉ thay triều đại thôi . Hình như không có một kẻ sĩ nào cầm những phong trào đó cả, có một số giúp với tư cách quân sư hay tướng quân, và những người đó, khi thành công , cũng làm quan cho triều đại mới y như các quan thời trước, không hề có ý thức cải tạo xã hội.
Những cuộc nỗi loạn đó từ thời Chu, vẫn gọi là cách mạng, tức đổi mệnh vua ( vua chịu mệnh trời ) , đổi triều vua. Từ khi tiếp xúc với phương tây, người Trung Hoa dùng danh từ cách mạng để dịch chữ révoluction và có nghĩa là một sự thay đổi rất lớn lao về chế độ, có khi thay đổi triệt để, phá hết những tổ chức cũ , người ta cho là xấu xa mà dựng lên những tổ chức mới. Hiểu theo nghĩa đó thì từ khi có tin sử tới đầu đời Thanh, Trung Hoa chỉ có mỗi một cuộc cách mạng của Tần Thủy Hoàng; từ chế độ phong kiến qua chế độ quân chủ chuyên chế, thống nhất về mọi phương diện: đất đai, chính trị, kinh tế , văn hóa . ( Nhà Chu chỉ cải thiện chế độ phong kiến của nhà Thương, chứ không có sự thay đổi gì quan trọng )
Vụ Thái Bình Thiên Quốc cũng là một cuộc cách mạng vì Hồng Tú Toàn tuy vẫn giữ đế chế nhưng đã muốn thay đổi xã hội và văn hóa : Chia đất cho nông dân làm tập thể, gặt lúa rồi phân phối cho từng bộ, như xã hội chủ nghĩa ngày nay, cho phụ nữ hoàn toàn bình đẳng với đàn ông, được học hành , thi cử và làm quan, bỏ Nho Giáo mà thay bằng Kí Tô Giáo .
Hồng Tú Toàn thất bại. Trên nửa thế kỷ sau lại có cuộc cách mạng Tân Hợi của Tôn Văn .
Những cuộc cách mạng theo nghĩa mới này ở phương Tây , cũng như phương Đông , thời Cổ cũng như thời Kim gần như luôn luôn được một số triết gia Văn nhân mở đường , như bọn Pháp gia ( Thương Ưởng, Hàn Phi …) thời Chiến Quốc , bọn triết gia thế kỷ XVIII ở Pháp ( Montesquieu, Voltaire, Diderot, Rousseau ) bọn Marx, Hegel (Đức với bọn tiểu thuyết gia thế kỷ XIX ( Gogol Léon Tolstoï , Dostoievski, Tchekhov …) ở Nga;
Ở Trung Hoa, Thái Bình Thiên Quốc , không được người mở đường , có thể vì đó mà thất bạI chăng? Nhưng cách mạng tân HợI thì được nhóm Khang Lương, Lâm Thư, Nghiêm Phục ….mở đường cho từ một hai chục năm cuốI thế kỷ XIX.
Bọn mở đường boa giờ cũng ở trong giới trung lưu ( bourgeoisie) , vì họ được học như giớI thượng lưu cầm quyền, mà được rảnh rang để suy tư hơn bọn cầm quyền; họ tiến bộ hơn bọn cầm quyền nữa, kẻ cầm quyền boa giờ cũng thủ cựu vì quyền lợI, vì tự ái , vì ngại thay đổi; còn bọn bình dân , nhất là thời xưa thì vô học, chỉ lo yên ổn làm ăn , vợ con khỏi đói rách, không thể lập một học thuyết được.
Đó là xét về hạng người mở đường cho cách mạng. Ngay nhà làm cách mạng cũng phải là người có học. Tôi chắc tần Thủy Hoàng có học hơn Lưu Bang nhiều, ông ta đọc hàn Phi thích tới nỗi phải làm sao gặp được Hàn Phi thì mới mãn nguyện. Hồng Tú Toàn thì tú tài mấy lần rớt, nhưng rớt chưa chắc đã dốt, nhất là trong các kỳ thi dùng văn tám vế hồi xưa ;
mà ông ta biết làm thơ, vậy cũng là người có học nữa, không như bọn thủ lãnh của cuộc nổi loạn thời trước. Còn Tôn Văn thì ai cũng phải nhận là về cổ học, không sâu sắc nhưng ít nhất cũng hiểu tứ thư, ngũ kinh ( ông thưòng dẫn lời Mạnh Tử ) mà về dân tộc thì ông là người tiến bộ sớm nhất thời, ông có bằng bác sĩ , đi khắp Đông Á và tây Âu, qua cả Mỹ , thông Anh ngữ, Nhật ngữ, có thể biết qua loa vài ngoại ngữ khác nữa.
Ở trên tôi xét chung cách mạng Trung Hoa và cách mạng phương Tây khác các cuộc nông dân nổi loạn ra sao. Dưới đây tôi sẽ vạch một nét đặc biệt của cách mạng Trung Hoa từ 1911 đến 1949.
Trể nhất là từ đời Tống ( có người nói là ngay từ đời Hán ) học sinh Trung Học đã họp nhau để trình quốc sách lên triều đình, vạch mặt một số quan tham nhũng. Họ là kẻ sĩ , có bổn phận góp ý hoặc kiểm sát nhà cầm quyền trong những thời suy bại. Trung Hoa có câu : “ Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách " . Thất phu còn vậy, huống hồ là kẻ sĩ.
Tới đầu thế kỷ XX, vì Trung Hoa phải bỏ hẳn chế độ cũ mà nhóm Cổ Học Khang Lương chê là lỗI thời , để theo chế độ mới của phương Tây, nên cờ cách mạng chuyển qua tay những thanh niên có tân học, tức các sinh viên đại học trong nước và du học ở ngoại quốc về. Họ dạy học , họ giới thiệu văn minh phương Tây diễn thuyết , viết báo, viết văn. Chẳng những họ phát động , mà còn chỉ huy phong trào nữa. Họ cảnh tỉnh đồng bào , thúc đẩy đồng bào , hướng dẫn đồng bào, mà đồng bào lạI rất ít học; có thể tớI 95% không biết đọc, biết viết họ phảI dùng một thứ chữ dể đọc, một ngôn ngữ dẽ học để truyền bá tư tưởng cho rộng.
Tóm lại là các giáo sư , các văn nhân, các sinh viên có một vai trò rất quan trọng. Song song với cuộc cách mạng chính trị, phải gây một cuộc cách mạng , văn học, văn hóa. Có lúc cách mạng văn hóa thúc đẩy cách mạng chính trị; có lúc cách mạng chính trị thúc đẩy ngược lại cách mạng văn hóa.
Mới đầu người ta chuyên đả đảo văn hóa cổ, để làm một cuộc cách mạng của giới trí thức và tiểu tư sản, cách mạng này chưa thành công thì ở Nga đã có cuộc cách mạng vô sản và một số người cho cách mạng tiểu tư sản còn lạc hậu , mà chuyển hướng qua Nga. Con " sư tử Trung Hoa " ngủ thì say thật , nhưng khi thức dậy thì chồm lên cũng dữ . Người ta muốn bỏ giai đoạn tư bản đi, từ phong kiến nhảy vọt tới Cộng sản . Đó là điểm đặc biệt của cách mạng Trung Hoa: Cách mạng chính trị song song với cách mạng văn hóa, mà trong cách mạng chính trị thì cách mạng tiểu tư sản cũng song song với cách mạng vô sản .
2. Những nhà mở đường (1898 – 1916)
Trong giai đoạn đầu, giai đoạn giao (thời từ 1898 – 1916) mới chỉ có những cải cách rụt rè . Các nhà lãnh đạo phong trào du tân đều là những nhà nho ái quốc , tiến bộ, có chút tư tưởng mới , như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Hoàng Tuân Hiến ….Họ nhận thấy Khổng học, nói chung là Cổ học không hợp thời nữa, nhưng không mạt sát , nhưng họ vẫn còn dùng cổ văn để diễn một số tư tưởng , cảm xúc mới. Chủ trương của họ là cựu bình mà tân tửu, nghĩa là giữ cái bình cũ ( cổ văn, chỉ bỏ lối văn tám vế đi thôi), đánh bóng , lau chùi nó lại một chút để chứa một thứ rượu mới nhập cảng ở phương Tây, sau khi chế biến qua loa cho hợp khẩu vị dân chúng .
Ở trên tôi đã giới thiệu tư tưởng cfủa Khang Lương . Ở đây tôi chỉ ghi thêm : Lương có lẽ người đầu tiên hiểu được tác động rất lớn của tiểu thuyết trong việc cải tạo xã hội. Trong bài “ Luận tiểu thuyết dữ quân trị chi quan hệ “ ( bàn về quan hệ giữa tiểu thuyết và sự trị dân ) ông viết.
“ Tiều thuyết có lực lượng rất mạnh: nó in đúc , thấm nhuần, kích thích , đề khởi , nên muốn canh tân đầu óc dân chúng , canh tân đạo đức , canh tân tôn giáo canh tân chính trị, canh tân phong tục, canh tân học thuật, canh tân nhân tâm, nhân cách thì trước hết phải canh tân tiểu thuyết và cuộc cách mạng tiểu thuyết phải đi trước những cuộc cách mạng khác.
Rồi ông sáng lập tạp chí Tiểu Thuyết Mới , trong đó nhiều văn nhân vừa dịch tiểu thuyết nước ngoài vừa sáng tác. Mười năm sau tiểu thuyết phát triển rất mạnh là do ảnh hưởng của ông.
Đọc ấy hàng trên của ông , chúng ta thấy ngay , mặc dầu dùng cổ văn chứ không phảI bạch thoạI mà văn của công có vẻ mớI lắm, không cô động , cân đốI, mà hơi rườm, bình dị, có sức lôi cuốn , đúng là lốI viết báo, tuyên truyền.
Ông thích chép sử cách mạng của ngoạI quốc, như Ý ĐạI LợI kiến quốc tam liệt truyện , Nhã Điển tiểu sử , Triều Tiên vong quốc sử lược, để kích thích lòng ái quốc của độc giả. Ông cũng viết tiểu thuyết nữa, nhưng không hay. Về thơ chúng ta phảI kể Hoàng Tuân Hiến, sinh năm 1848 ở Quảng Đông, như Khang Lương. Đậu cử nhân được làm ở xứ quán Trung Hoa tại nhiều nước: Nhật, Mỹ, Tân Gia Ba, nên nhãn quan rộng, kinh nghiệm nhiều, hiểu tình hình thế giới, đọc nhiều sách của Rousseau, Moutesquieu , do Nhật dịch, nhờ vậy mà có óc mới.
Ông tập đại thành những cái hay của thơ truyền thống, có bài tả nỗi khổ của dân như Đỗ Phủ, có bài chép thời sự như Bạch Cư Dị, có bài ái quốc nồng nhiệt , ý chí hào hùng như Lục Du ; mà lại có nhiều ý cảnh mới như khi ông làm lãnh sự ở Mỹ, Anh, Tân Gia Ba. Ông vẫn dùng thể cổ, nhưng có một số bài dùng hình thức mới, phá cả mọi cách luật, như những bài quân ca, nhi đồng ca, mỗi câu chỉ có ba chữ, đặc biệt là ông dám dùng thể văn xuôi để làm thơ không theo luật bằng trắc, có câu dài tới trên hai chục chữ, có bài dài hơn 2000 câu khiến Lương Khải Siêu phải kính phục ( bài Ngọa Phật, Phật nằm ở Tích Lan )
Nhiều bài nội dung và hình thức đều mới đó như bài Bi Bình Nhưỡng, Ai Lữ Thuận, Khốc Uy Hải.... thật hùng hồn, lâm ly, được cả phái cựu tán thưởng; có người khen ông là
" thiên niên tuyệt bút " ," tiền vô cổ nhân". Thi sĩ Tản Đà của mình rất phục ông.
Trong giai đoạn này phải kể thêm công của hai dịch giả: Lâm Thư và Nghiêm Phục.
Chúng ta phải phục dân tộc Trung Hoa là hiếu học và có những người tận tụy suốt đời cho văn hóa. Đời Đường Huyền Trang và Nghĩa Tĩnh đã qua tận Ân Độ học đạo, đem về 657 bộ kinh Phật rồi dịch hết, làm giàu cho tư tưởng và ngôn ngữ họ rất nhiều. Cuối đời Thanh, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, họ lại gây một phong trào dịch thuật bồng bột như vậy.
Mời đầu, vào khoảng năm 1840. Thanh triều dùng một số người dịch sách phương Tây, sau họ mở trường dạy ngoại ngữ ( Quảng phương ngôn quán ) gởi sinh viên qua Âu Mỹ học, và tới 1895 , họ đã có một số sách dịch, nhiều nhất là về khoa học ( thực dụng và thuần túy); 70% , rồi tới Sử, Địa, Xã hội: 20% Sách Anh được dịch trước hết, sau mới tới sách Nhật, Đức, Pháp (1)
Nhưng những sách đó để cho nhà cầm quyền hiểu phương Tây không có mục đích khai hóa quốc dân không được truyền bá rộng. Công việc này gần cuối thế kỷ 19, một số học giả mới đứng ra đảm nhiệm.
*    *      *
Người đi đầu là Lâm Thư và Nghiêm Phục, cùng sống một thời ( Lâm 1852 - 1924, Nghiêm 1835 - 1921). Lâm chuyên dịch tiểu thuyết , Nghiêm chuyên dịch triết lý,, học thuật.
Sức làm việc của Nghiêm thật đáng kính, không kém huyền Trang. Theo thống kê của Hàn Quang, ông dịch được 171 lọaị tức tác phẩm) gồm 270 cuốn, không kể 14 lọai nữa chưa in. Trong số đó , ít nhất cũng có 40 loại có giá trị. Được hoan nghênh nhất là cuốn Ba Lê Trà Hoa Nữ di sự ( Dame aux camélias) của A. Dumas và cuốn Hắc Nô Hu thiên Lục ( la Case de l Oncle Tom ) của H. Beecher Stowe. Ông dịch đủ cả tiểu thuyết, kịch của Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Na Uy, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Nhật Bản.... từ Shakespeare, Swift Dickens, Washington Irving, tới Victor Hugo, Alexaudre Dumas ( cha và con ), Balzac, Ibsen, Cervebtes Tolstoi....
Tài tình nhất là ông ông hề biết một ngoại ngữ , nhờ bạn dịch miệng cho, rồi ông diễn ra cổ văn ( thế kỷ II, III, những người đầu tiên dịch kinh Phật cùng theo cách đó) mỗi giờ có thể viết được 1.500 chử (!) có khi bạn chưa kịp dịch miệng xong, ông đã viết xong ( theo Trịnh Chấn Đạc trong bài Lâm Cầm Nam tiên sinh, Cầm Nam là tên tự của Lâm - ở bộ Trung Quốc văn học nghiên cứu). Bạn ông chắc không thể biết được mọi sinh ngữ phương Tây, tất phải dùng những bản dịch ( chẳng hạn Nga dịch ra Anh, ra Pháp....) , vậy tới Lâm đã qua hai lần dịch , rồi tới đọc giả là qua ba lần dịch, so với nguyên tắc sai lầm tất phải nhiều. Đọc giả trách ông, ông thẳng thăán cảm ơn và nhận lời. Nhiều tác phẩm ông chỉ tóm tắt thôi.
Nghiêm Phục dịch ít hơn ông, chỉ được chín cuốn về triết lý, học thuật tư tưởng của Darwin, Huxley, Spencer, Stuart Mill...., mà bản dịch " Thiên diễn luận " ( De l origine des specs par la selection naturelle)của Darwin có ảnh hưởng rất lớn ở Đương thời ngang với cuốn Vạn Pháp Tin Lý ( L’ esprit des loi) của Moutesquieu. Nhà ái quốc Trung Hoa và Việt Nam nào cũng tìm đọc hai cuốn dó, cuốn trên vì thuyết ưu thắng liệt bại gợi cho họ lòng tự cường, quyết chiến đấu để khỏi bị sa thải trên hoàn vũ; cuốn dưới vì thuyết tam quyền phân lập; quyền lập pháp, quyền hành chánh và quyền tư pháp phải độc lập, mỗi quyền thuộc một cơ quan riêng, không được gom cả ba quyền vào một người như chế độ quân chủ chuyên chế.
Nghiêm Phục có thái độ rất nghiêm cẩn, cố tìm chữ dịch cho đúng nghĩa, “ có khi do dự cả tuần, cả tháng để tạo một danh từ. Nhưng ông có tật là dùng những tiếng có sẵn đời Tiên Tần để diễn những quan niệm, tư tưởng cuả Âu Tây, cơ hồ như ông muốn tỏ rằng những quan niệm, tư tưởng ấy tuy có vẻ mới mà kỳ thực Trung Quốc đã có từ xưa rồi. Như vậy nhã thì có nhã mà thiếu tín.
Sau Lâm Thư, công việc dịch thuật được nhóm Tiểu thuyết Nguyệt San tiếp tục. Họ dịch nhiều nhất là tiểu thuết Nga, rồi tới tiểu thuyết Pháp có lã vì hai nước đó là tổ quốc của cách mạng. Sau tới tác phẩm của Anh, Mỹ, Đức ….cả Ấn Độ nữa.
(1) Sách Nga từ năm 1919 đến năm 1949 , số dịch còn thấp, năm 1950 mới đứng đầu : 77% , trên Anh 18%
1-Vai trò của giới trí thức mới.
Từ đời Hán đến vụ Thái Bình Thiên Quốc đời Thanh, Trung Hoa chỉ có những vụ nông dân nổi loạn, mà có rất nhiều. Trong hai phần trên tôi chỉ kể những vụ thành công thôi, mà cứ một vụ thành công thì có không biết bao nhiêu vụ thất bại.
Nông dân đói quá, bị ức hiếp quá, nổi lên cướp bóc, giết quan lại. Một người trong giới họ, cũng ít học như họ, nhưng can đảm hơn, mưu mô hơn , được cảm tình của họ, qui tụ họ, làm thủ lãnh, lợi dụng lòng mê tín của họ, gây được một phong trào ; phong trào lớn lên rất mau, tớI khi quân lính của triều đình cũng đứng về phe họ nữa thì triều đình thế nào cũng bị lật đổ, và mới đầu là giặc , sau họ thành vua.
Làm vua , họ vẫn giữ chế độ cũ, tổ chức xã hội cũ, chỉ thay triều đại thôi . Hình như không có một kẻ sĩ nào cầm những phong trào đó cả, có một số giúp với tư cách quân sư hay tướng quân, và những người đó, khi thành công , cũng làm quan cho triều đại mới y như các quan thời trước, không hề có ý thức cải tạo xã hội.
Những cuộc nỗi loạn đó từ thời Chu, vẫn gọi là cách mạng, tức đổi mệnh vua ( vua chịu mệnh trời ) , đổi triều vua. Từ khi tiếp xúc với phương tây, người Trung Hoa dùng danh từ cách mạng để dịch chữ révoluction và có nghĩa là một sự thay đổi rất lớn lao về chế độ, có khi thay đổi triệt để, phá hết những tổ chức cũ , người ta cho là xấu xa mà dựng lên những tổ chức mới. Hiểu theo nghĩa đó thì từ khi có tin sử tới đầu đời Thanh, Trung Hoa chỉ có mỗi một cuộc cách mạng của Tần Thủy Hoàng; từ chế độ phong kiến qua chế độ quân chủ chuyên chế, thống nhất về mọi phương diện: đất đai, chính trị, kinh tế , văn hóa . ( Nhà Chu chỉ cải thiện chế độ phong kiến của nhà Thương, chứ không có sự thay đổi gì quan trọng )
Vụ Thái Bình Thiên Quốc cũng là một cuộc cách mạng vì Hồng Tú Toàn tuy vẫn giữ đế chế nhưng đã muốn thay đổi xã hội và văn hóa : Chia đất cho nông dân làm tập thể, gặt lúa rồi phân phối cho từng bộ, như xã hội chủ nghĩa ngày nay, cho phụ nữ hoàn toàn bình đẳng với đàn ông, được học hành , thi cử và làm quan, bỏ Nho Giáo mà thay bằng Kí Tô Giáo .
Hồng Tú Toàn thất bại. Trên nửa thế kỷ sau lại có cuộc cách mạng Tân Hợi của Tôn Văn .
Những cuộc cách mạng theo nghĩa mới này ở phương Tây , cũng như phương Đông , thời Cổ cũng như thời Kim gần như luôn luôn được một số triết gia Văn nhân mở đường , như bọn Pháp gia ( Thương Ưởng, Hàn Phi …) thời Chiến Quốc , bọn triết gia thế kỷ XVIII ở Pháp ( Montesquieu, Voltaire, Diderot, Rousseau ) bọn Marx, Hegel (Đức với bọn tiểu thuyết gia thế kỷ XIX ( Gogol Léon Tolstoï , Dostoievski, Tchekhov …) ở Nga;
Ở Trung Hoa, Thái Bình Thiên Quốc , không được người mở đường , có thể vì đó mà thất bạI chăng? Nhưng cách mạng tân HợI thì được nhóm Khang Lương, Lâm Thư, Nghiêm Phục ….mở đường cho từ một hai chục năm cuốI thế kỷ XIX.
Bọn mở đường boa giờ cũng ở trong giới trung lưu ( bourgeoisie) , vì họ được học như giớI thượng lưu cầm quyền, mà được rảnh rang để suy tư hơn bọn cầm quyền; họ tiến bộ hơn bọn cầm quyền nữa, kẻ cầm quyền boa giờ cũng thủ cựu vì quyền lợI, vì tự ái , vì ngại thay đổi; còn bọn bình dân , nhất là thời xưa thì vô học, chỉ lo yên ổn làm ăn , vợ con khỏi đói rách, không thể lập một học thuyết được.
Đó là xét về hạng người mở đường cho cách mạng. Ngay nhà làm cách mạng cũng phải là người có học. Tôi chắc tần Thủy Hoàng có học hơn Lưu Bang nhiều, ông ta đọc hàn Phi thích tới nỗi phải làm sao gặp được Hàn Phi thì mới mãn nguyện. Hồng Tú Toàn thì tú tài mấy lần rớt, nhưng rớt chưa chắc đã dốt, nhất là trong các kỳ thi dùng văn tám vế hồi xưa ;
mà ông ta biết làm thơ, vậy cũng là người có học nữa, không như bọn thủ lãnh của cuộc nổi loạn thời trước. Còn Tôn Văn thì ai cũng phải nhận là về cổ học, không sâu sắc nhưng ít nhất cũng hiểu tứ thư, ngũ kinh ( ông thưòng dẫn lời Mạnh Tử ) mà về dân tộc thì ông là người tiến bộ sớm nhất thời, ông có bằng bác sĩ , đi khắp Đông Á và tây Âu, qua cả Mỹ , thông Anh ngữ, Nhật ngữ, có thể biết qua loa vài ngoại ngữ khác nữa.
Ở trên tôi xét chung cách mạng Trung Hoa và cách mạng phương Tây khác các cuộc nông dân nổi loạn ra sao. Dưới đây tôi sẽ vạch một nét đặc biệt của cách mạng Trung Hoa từ 1911 đến 1949.
Trể nhất là từ đời Tống ( có người nói là ngay từ đời Hán ) học sinh Trung Học đã họp nhau để trình quốc sách lên triều đình, vạch mặt một số quan tham nhũng. Họ là kẻ sĩ , có bổn phận góp ý hoặc kiểm sát nhà cầm quyền trong những thời suy bại. Trung Hoa có câu : “ Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách " . Thất phu còn vậy, huống hồ là kẻ sĩ.
Tới đầu thế kỷ XX, vì Trung Hoa phải bỏ hẳn chế độ cũ mà nhóm Cổ Học Khang Lương chê là lỗI thời , để theo chế độ mới của phương Tây, nên cờ cách mạng chuyển qua tay những thanh niên có tân học, tức các sinh viên đại học trong nước và du học ở ngoại quốc về. Họ dạy học , họ giới thiệu văn minh phương Tây diễn thuyết , viết báo, viết văn. Chẳng những họ phát động , mà còn chỉ huy phong trào nữa. Họ cảnh tỉnh đồng bào , thúc đẩy đồng bào , hướng dẫn đồng bào, mà đồng bào lạI rất ít học; có thể tớI 95% không biết đọc, biết viết họ phảI dùng một thứ chữ dể đọc, một ngôn ngữ dẽ học để truyền bá tư tưởng cho rộng.
Tóm lại là các giáo sư , các văn nhân, các sinh viên có một vai trò rất quan trọng. Song song với cuộc cách mạng chính trị, phải gây một cuộc cách mạng , văn học, văn hóa. Có lúc cách mạng văn hóa thúc đẩy cách mạng chính trị; có lúc cách mạng chính trị thúc đẩy ngược lại cách mạng văn hóa.
Mới đầu người ta chuyên đả đảo văn hóa cổ, để làm một cuộc cách mạng của giới trí thức và tiểu tư sản, cách mạng này chưa thành công thì ở Nga đã có cuộc cách mạng vô sản và một số người cho cách mạng tiểu tư sản còn lạc hậu , mà chuyển hướng qua Nga. Con " sư tử Trung Hoa " ngủ thì say thật , nhưng khi thức dậy thì chồm lên cũng dữ . Người ta muốn bỏ giai đoạn tư bản đi, từ phong kiến nhảy vọt tới Cộng sản . Đó là điểm đặc biệt của cách mạng Trung Hoa: Cách mạng chính trị song song với cách mạng văn hóa, mà trong cách mạng chính trị thì cách mạng tiểu tư sản cũng song song với cách mạng vô sản .
2. Những nhà mở đường (1898 – 1916 )
Trong giai đoạn đầu , giai đoạn giao ( thời từ 1898 – 1916) mới chỉ có những cải cách rụt rè . Các nhà lãnh đạo phong trào du tân đều là những nhà nho ái quốc , tiến bộ, có chút tư tưởng mới , như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Hoàng Tuân Hiến ….Họ nhận thấy Khổng học, nói chung là Cổ học không hợp thời nữa, nhưng không mạt sát , nhưng họ vẫn còn dùng cổ văn để diễn một số tư tưởng , cảm xúc mới. Chủ trương của họ là cựu bình mà tân tửu, nghĩa là giữ cái bình cũ ( cổ văn, chỉ bỏ lối văn tám vế đi thôi), đánh bóng , lau chùi nó lại một chút để chứa một thứ rượu mới nhập cảng ở phương Tây, sau khi chế biến qua loa cho hợp khẩu vị dân chúng .
Ở trên tôi đã giới thiệu tư tưởng cfủa Khang Lương . Ở đây tôi chỉ ghi thêm : Lương có lẽ người đầu tiên hiểu được tác động rất lớn của tiểu thuyết trong việc cải tạo xã hội. Trong bài “ Luận tiểu thuyết dữ quân trị chi quan hệ “ ( bàn về quan hệ giữa tiểu thuyết và sự trị dân ) ông viết.
“ Tiều thuyết có lực lượng rất mạnh: nó in đúc , thấm nhuần, kích thích , đề khởi , nên muốn canh tân đầu óc dân chúng , canh tân đạo đức , canh tân tôn giáo canh tân chính trị, canh tân phong tục, canh tân học thuật, canh tân nhân tâm, nhân cách thì trước hết phải canh tân tiểu thuyết và cuộc cách mạng tiểu thuyết phải đi trước những cuộc cách mạng khác.
Rồi ông sáng lập tạp chí Tiểu Thuyết Mới , trong đó nhiều văn nhân vừa dịch tiểu thuyết nước ngoài vừa sáng tác. Mười năm sau tiểu thuyết phát triển rất mạnh là do ảnh hưởng của ông.
Đọc ấy hàng trên của ông , chúng ta thấy ngay , mặc dầu dùng cổ văn chứ không phảI bạch thoạI mà văn của công có vẻ mớI lắm, không cô động , cân đốI, mà hơi rườm, bình dị, có sức lôi cuốn , đúng là lốI viết báo, tuyên truyền.
Ông thích chép sử cách mạng của ngoạI quốc, như Ý ĐạI LợI kiến quốc tam liệt truyện , Nhã Điển tiểu sử , Triều Tiên vong quốc sử lược, để kích thích lòng ái quốc của độc giả. Ông cũng viết tiểu thuyết nữa, nhưng không hay. Về thơ chúng ta phảI kể Hoàng Tuân Hiến, sinh năm 1848 ở Quảng Đông, như Khang Lương. Đậu cử nhân được làm ở xứ quán Trung Hoa tại nhiều nước: Nhật, Mỹ, Tân Gia Ba, nên nhãn quan rộng, kinh nghiệm nhiều, hiểu tình hình thế giới, đọc nhiều sách của Rousseau, Moutesquieu , do Nhật dịch, nhờ vậy mà có óc mới.
Ông tập đại thành những cái hay của thơ truyền thống, có bài tả nỗi khổ của dân như Đỗ Phủ, có bài chép thời sự như Bạch Cư Dị, có bài ái quốc nồng nhiệt , ý chí hào hùng như Lục Du ; mà lại có nhiều ý cảnh mới như khi ông làm lãnh sự ở Mỹ, Anh, Tân Gia Ba. Ông vẫn dùng thể cổ, nhưng có một số bài dùng hình thức mới, phá cả mọi cách luật, như những bài quân ca, nhi đồng ca, mỗi câu chỉ có ba chữ, đặc biệt là ông dám dùng thể văn xuôi để làm thơ không theo luật bằng trắc, có câu dài tới trên hai chục chữ, có bài dài hơn 2000 câu khiến Lương Khải Siêu phải kính phục ( bài Ngọa Phật, Phật nằm ở Tích Lan )
Nhiều bài nội dung và hình thức đều mới đó như bài Bi Bình Nhưỡng, Ai Lữ Thuận, Khốc Uy Hải.... thật hùng hồn, lâm ly, được cả phái cựu tán thưởng; có người khen ông là "thiên niên tuyệt bút " ," tiền vô cổ nhân". Thi sĩ Tản Đà của mình rất phục ông.
Trong giai đoạn này phải kể thêm công của hai dịch giả: Lâm Thư và Nghiêm Phục.
Chúng ta phải phục dân tộc Trung Hoa là hiếu học và có những người tận tụy suốt đời cho văn hóa. Đời Đường Huyền Trang và Nghĩa Tĩnh đã qua tận Ân Độ học đạo, đem về 657 bộ kinh Phật rồi dịch hết, làm giàu cho tư tưởng và ngôn ngữ họ rất nhiều. Cuối đời Thanh, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, họ lại gây một phong trào dịch thuật bồng bột như vậy.
Mời đầu, vào khoảng năm 1840. Thanh triều dùng một số người dịch sách phương Tây, sau họ mở trường dạy ngoại ngữ ( Quảng phương ngôn quán ) gởi sinh viên qua Âu Mỹ học, và tới 1895 , họ đã có một số sách dịch, nhiều nhất là về khoa học ( thực dụng và thuần túy); 70% , rồi tới Sử, Địa, Xã hội: 20% Sách Anh được dịch trước hết, sau mới tới sách Nhật, Đức, Pháp (1)
Nhưng những sách đó để cho nhà cầm quyền hiểu phương Tây không có mục đích khai hóa quốc dân không được truyền bá rộng. Công việc này gần cuối thế kỷ 19, một số học giả mới đứng ra đảm nhiệm.
*    *      *
Người đi đầu là Lâm Thư và Nghiêm Phục, cùng sống một thời ( Lâm 1852 - 1924, Nghiêm 1835 - 1921). Lâm chuyên dịch tiểu thuyết , Nghiêm chuyên dịch triết lý,, học thuật.
Sức làm việc của Nghiêm thật đáng kính, không kém huyền Trang. Theo thống kê của Hàn Quang, ông dịch được 171 lọaị tức tác phẩm) gồm 270 cuốn, không kể 14 lọai nữa chưa in. Trong số đó , ít nhất cũng có 40 loại có giá trị. Được hoan nghênh nhất là cuốn Ba Lê Trà Hoa Nữ di sự ( Dame aux camélias) của A. Dumas và cuốn Hắc Nô Hu thiên Lục ( la Case de l Oncle Tom ) của H. Beecher Stowe. Ông dịch đủ cả tiểu thuyết, kịch của Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Na Uy, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Nhật Bản.... từ Shakespeare, Swift Dickens, Washington Irving, tới Victor Hugo, Alexaudre Dumas ( cha và con ), Balzac, Ibsen, Cervebtes Tolstoi....
Tài tình nhất là ông ông hề biết một ngoại ngữ , nhờ bạn dịch miệng cho, rồi ông diễn ra cổ văn ( thế kỷ II, III, những người đầu tiên dịch kinh Phật cùng theo cách đó) mỗi giờ có thể viết được 1.500 chử (!) có khi bạn chưa kịp dịch miệng xong, ông đã viết xong ( theo Trịnh Chấn Đạc trong bài Lâm Cầm Nam tiên sinh, Cầm Nam là tên tự của Lâm - ở bộ Trung Quốc văn học nghiên cứu). Bạn ông chắc không thể biết được mọi sinh ngữ phương Tây, tất phải dùng những bản dịch ( chẳng hạn Nga dịch ra Anh, ra Pháp....) , vậy tới Lâm đã qua hai lần dịch , rồi tới đọc giả là qua ba lần dịch, so với nguyên tắc sai lầm tất phải nhiều. Đọc giả trách ông, ông thẳng thăán cảm ơn và nhận lời. Nhiều tác phẩm ông chỉ tóm tắt thôi.
Nghiêm Phục dịch ít hơn ông, chỉ được chín cuốn về triết lý, học thuật tư tưởng của Darwin, Huxley, Spencer, Stuart Mill...., mà bản dịch " Thiên diễn luận " ( De l origine des specs par la selection naturelle)của Darwin có ảnh hưởng rất lớn ở Đương thời ngang với cuốn Vạn Pháp Tin Lý ( L’ esprit des loi) của Moutesquieu. Nhà ái quốc Trung Hoa và Việt Nam nào cũng tìm đọc hai cuốn dó, cuốn trên vì thuyết ưu thắng liệt bại gợi cho họ lòng tự cường, quyết chiến đấu để khỏi bị sa thải trên hoàn vũ; cuốn dưới vì thuyết tam quyền phân lập; quyền lập pháp, quyền hành chánh và quyền tư pháp phải độc lập, mỗi quyền thuộc một cơ quan riêng, không được gom cả ba quyền vào một người như chế độ quân chủ chuyên chế.
Nghiêm Phục có thái độ rất nghiêm cẩn, cố tìm chữ dịch cho đúng nghĩa, “ có khi do dự cả tuần, cả tháng để tạo một danh từ. Nhưng ông có tật là dùng những tiếng có sẵn đời Tiên Tần để diễn những quan niệm, tư tưởng cuả Âu Tây, cơ hồ như ông muốn tỏ rằng những quan niệm, tư tưởng ấy tuy có vẻ mới mà kỳ thực Trung Quốc đã có từ xưa rồi. Như vậy nhã thì có nhã mà thiếu tín.
Sau Lâm Thư, công việc dịch thuật được nhóm Tiểu thuyết Nguyệt San tiếp tục. Họ dịch nhiều nhất là tiểu thuết Nga, rồi tới tiểu thuyết Pháp có lã vì hai nước đó là tổ quốc của cách mạng. Sau tới tác phẩm của Anh, Mỹ, Đức ….cả Ấn Độ nữa.
(1) Sách Nga từ năm 1919 đến năm 1949 , số dịch còn thấp, năm 1950 mới đứng đầu : 77% , trên Anh 18%
Giai đoạn, trên là giai đoạn bình cũ rượu mới. Qua giai đoạn này họ phá luôn cái bình cũ, thay vào cái bình mới, và cuộc cách mạng văn hóa thực sự bắt đầu.
Trước hết phải kể vai trò của Đại Học Bắc Kinh ( cái lò của cách mạng văn hóa) mà người điều khiển là Thái Nguyên Bồi, được coi là cha của phong trào Văn Nghệ phục hưng Trung Hoa.
Thái sinh ở Giang Nam ( 1867 – 1940) nổi tiếng là thần đồng , đậu tiến sỉ, mới 25 tuổi đã được bổ vào viện Hàn Lâm, nghĩa là được Thanh đình trọng dụng lắm, nhưng khi sau cuộc Biến Pháp 100 ngày thất bại, ông xin từ chức, để làm cách mạng, gia nhập Đồng Minh Hội trước 1905, qua Đức học 4 năm về triết học, về làm bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ Tôn Văn năm 1912; khi Viên Thế Khải lên làm Lâm thời Tổng Thống thay Tôn Văn, ông rất sáng suốt biết Viên sẽ phản cách mạng, nên từ chức ngay, không hợp tác với Viên , rồi lại qua Đức và Pháp học nữa. Ít năm sau, chính quyền Bắc Kinh bổ ông làm tỉnh trưởng Chiết Giang ( quê hương ông ) . Ông từ Pháp đánh điện về từ chối.
Nhưng năm 1916, khi được mời làm viện trưởng viện Đại Học Bắc Kinh thì ông nhận liền. Ngay từ năm 1912, ông đã hô hào phải tôn trọng tự do tư tưởng, vì “ Giáo Dục “ phải ở trên chính trị ….không bị chính trị kiểm soát “ . Ông đã đem tư tưởng Âu Châu về truyền bá ở Trung Hoa.
Trước hết ông nhận chức Viện Trưởng , đại học Bắc Kinh rất hủ lậu. Sinh viên hầu hết là con các quan lớn, coi đại học chỉ là một bàn đạp để tiến lên quan trường. Vô đại học rồi thì được gọi là “đại nhân “ liền, vì dù dốt nát , lười biếng thì cũng ra trường và làm quan. Tư cách bọn “đại nhân “đó rất kém, cho nên đại học bị dân chúng coi là “ sòng bạc “ “ổ điếm “ , chưa bao giờ giới quan liêu sa đọa như thời ấy.
Thái Nguyên Bồi trừ ngay cái tệ đó, tuyển chọn giáo sư theo tài năng , chẳng kể là theo xu hướng nào, cho sinh viên được tự do tư tưởng , không buộc phải theo một đường lốI nào. Đúng là tinh thần trong các đại học Âu Mỹ. Nhờ vậy mà sinh viên đạI học Bắc Kinh đóng được vai trò cách mạng, bãi khóa, phản đốI chính quyền về vụ chịu chấp nhận 21 khoản của Nhật ( Vận động Ngũ Tử - năm 1919)
Trong số giáo sư Thái Nguyên Bồi tuyển, có hai người:Trần Độc Tú và Hồ Thích khởi động phong trào cách mạng văn học. Trần Độc Tú ( 1879 – 1942) lớn tuổi hơn, có cổ học ( thi đậu cử nhân ?) rồi qua Pháp học 4 năm (1907 – 1910) về nước dự cuộc cách mạng tân HợI, chống Viên Thế Khải. Năm 1915 ông sáng lập tờ tân Thanh Niên, đả đảo Khổng học thủ cựu, hô nào thanh niên phảI có tinh thần độc lập, phản kháng, tiên thủ, khoa học …
Hồ Thích ( 1891 – 1962) sinh ở An Huy theo đạo Tin Lành , biết về cổ học, nhưng không thi cử, năm 1910 qua Mỹ học ở đạI học Colombia tớI 1917, rất phục triết gia John Dewey, thầy của ông.
Namm 1917, từ Mỹ, Hồ gửi về Trung Hoa bài Văn học cải lương xô nghị ( bàn về cải lương văn học) để đăng lên tờ Tân Thanh Niên của Trần Độc Tú. Bài đó làm chấn động văn dàn, không kém tiếng súng nổ ở Vũ Xưong ngày 10 – 10 – 1911. Trong bài đó ông chủ trương:
- Văn học phảI tùy thòi thay đổI
- - Văn bạch thoạI là văn chính tông của Trung Quốc và lợi khí của văn học tương lai.
Vậy là ông muốn bỏ cổ văn đã dùng trong mấy ngàn năm, lưu lại biết bao thơ văn bất hủ, mà dùng bạch thoại, tiếng nói hằng ngày của dân chúng, vì cổ văn phải họcmới hiểu được, còn bạch thoại , hễ đọc được thì ai cũng hiểu được, mà nếu không đọc được , người khác đọc lên, người dân nào nghe cũng hiểu được.
Cổ văn ở Trung Hoa thời đó so với bạch thoại cũng như tiếng La tinh ở Ý, tiếng cổ Hy Lạp ở Hy Lạp so với tiếng Ý, tiếng Hi Lạp ở thời chúng ta. Người Ý đã bỏ tiếng La Tinh, người Hy Lạp đã bỏ tiếng cổ của họ từ sáu, bảy thế kỷ trước, người Trung Hoa bây giờ vẫn chưa bỏ cổ văn. Không bỏ nó , không dùng bạch thoại thì không thể truyền bá kiến thức trong dân chúng mau được.
Sau đó ông viết hai bài nữa, chủ trương:
- Có điều gì đáng noí thì mới nói, đừng “ Vô bệnh thân ngâm “ ( Không đau mà rên ) nghĩa là văn thơ phải mạnh mẽ, đừng lãng mạn.
- Có điều gì thì nói điều ấy, muốn nói điều gì thì noí thẳng ra, tránh dùng điển , những tiếng sáo; cứ dùng những tiếng thông tục.
- Dùng lời của ta , đừng dùng lời của người, nghĩa là đừng dùng mô phỏng , nô lệ cổ nhân, người ở thời đại nào thì dùng tiếng của thời ấy.
Hồ Thích đề xướng. Trần Độc Tú hưởng ứng. Trong một bài nghị luận về văn học cách mạng, ông hô hào :
- Đả đảo lối văn điêu luyện, a dua của bọn quý tộc, kiến thiết lối văn bình dị, tả tình của quần chúng ;
- Đả đảo lối văn cổ điển, hủ bại, khoa trương ; kiến thiết lối văn tả chân, mới mẻ , thành thực.
- Đả đảo lối văn tối tăm, khó hiểu ; kiến thiết lối văn rõ ràng thông tục.
Nhiểu giáo sư ở trường đại học Bắc Kinh như tiền Huyền Đồng, Chu Thụ Nhân ( tức Lỗ Tấn ) …tán thành , phát biểu ý kiến trong tờ Tân Thanh Niên. Tờ này và trường đại học Bắc Kinh biến thành đại bản dinh của nhóm Hồ, Trần .
Dĩ nhiên, phe cổ học nhao nhao lên phản đối, mạt sát. Có người trách Thái Nguyên Bồi, bảo muốn theo chủ trương của Hồ, Trần thì cứ mời bọn phu xe , bọn bán tương ở Bắc kinh làm giáo sư đại học, cần gì phải giao con em cho Thái nữa. Thái đáp :
-« Bắc Kinh Đại Học không bỏ cố văn mà chuyên dạy bạch thoại ; vả lại bạch thoại cũng diễn được ý nghĩa sách cổ, mà những giáo sư đề xướng bạch thoại đâu có dùng ngôn ngữ của bọn kéo xe, bán tương. Còn về nhiệm vụ của ông làm viện trưởng thì ông phải theo thông lệ trên khắp thế giới là tôn trọng t ựdo tư tưởng, dù không đồng quan niệm với các giào sư, cũng phải để họ phát biểu ý kiến, nhất là hoạt động của họ ở ngoài phạm vi nhà trường, ông lại càng không có quyền can thiệp>>.
Tiếp đó xảy ra cuộc Ngũ Tứ vận động và chính cuộc biến động này đã làm cho phong trào dùng bạch thoại lên như diều. Bọn thanh niên thấy rằng muốn cải tạo quốc gia thì phải quét sạch những tư tưởng cổ hủ, muốn cảnh tỉnh đồng bào thì phải dùng bạch thoại, ngôn ngữ của đồng bào, do đó, cuộc vận động chính trị biến thành cuộc vận động văn hóa. Vô số tờ báo đề xướng tản văn hóa mọc lên ở khắp nơi, tờ nào cũng dùng bạch thoại dễ viết hơn văn ngôn ( tức cổ văn) mà bình dân hiểu được. Thành thử cuộc cách mạng chính trị mau bành trướng.
Chỉ trong ba năm ( 1919-1922) văn bạch thoại được toàn dân chấp nhận, ngay bộ Giáo Dục cũng cho dạy văn bạch thoại ở khắp nước từ 1920.
Thế là cuộc cách mạng Hồ, Trần hoàn toàn thành công. Bốn trăm triệu người khỏi phải học một từ ngữ mà được học một sinh ngữ, đỡ tốn biết bao công phu.
Từ 1921 đến 1925, có cả trăm hội văn học thành lập. Không khí thật tưng bừng. Đúng là một cuộc cách mạng. Ngọn cờ chuyển qua tay các nhà tân học ở Nhật, hoặc Âu, Mỹ về. Cái bình cũ ( văn ngôn) đã được thay bằng cái bình mới ( bạch thoại). Mà rượu cũng mới hơn, nồng hơn. Người ta cổ xúy một thứ văn học mới để truyền bá , thực hiện chủ trương dân chủ mới . Các văn nhân hăng hái áp dụng kỹ thuật phương Tây trong việc sáng tác và chỉ mới thành công về truyện ngắn. Họ mạt sát Khổng học, đả đảo đại gia đình, đề cao cá nhân, nhất là giải phóng phụ nữ, mạnh hơn các nhà văn nước ta từ 1925 đến 1938. Phụ nữ phải bỏ tục lệ bó chân đi, bỏ công việc bếp nước, may vá đi mà lo việc quốc gia, xã hội như đàn ông, nhất là phải đòi cho được quyền tự do kết hôn.
Nổi tiếng nhất, có một bút pháp sắc sảo, mạnh mẽ, cay độc nhất là Lỗ Tấn, sanh năm 1881 ở Chiết Giang, có thời gian qua Nhật học, tác giả những truyện Cuồng nhân nhật ký, Khổng Ất Ký, Chúc Phúc, AQ chính truyện …. Trong truyện cuối đã được dịch ra nhiều tiếng, ông châm biếm xã hội nông thôn Trung Hoa ở cuối đời Thanh và đầu thời cách mạng Tân Hợi.
Thứ rượu đó đã nồng lắm rồi, như khi sau đảng Cộng Sản Trung Hoa thành lập ở Thượng Hải ( 30-6- 1921), một số người cho nó còn là nhạt nhẻo, muốn thay luôn nó nữa. Trần Độc Tú là một trong số người thành lập đảng, có tư tưởng cấp tiến, chê Hồ Thích ôn hòa quá,( lúc này Hồ đã ở Mỹ về, làm giáo sư đại học Bắc Kinh), còn giữ tác phong tư bản, nên xa dần Hồ.
Kiện tướng trong nhóm là Quách Mạt Nhược, sinh năm 1892 ở Tứ Xuyên, trong một gia đình địa chủ lớn. Viết rất nhiều, rất mau về đủ loại, văn không chuốt bằng Lỗ Tấn, nhưng rất truyền cảm, hùng hồn, cuồng nhiệt. Ông lớn tiếng hô hào :
<< Chúng tôi phản đối bọn quỷ tư bản ! Chúng tôi phản đối lối văn nô lệ. Vận động văn học của chúng tôi là phát biểu tinh thần của giai cấp vô sản, tức là nhân loại thuần túy>>.
Tư tưởng dó bắt nguồn ở Nga. Theo ông, lời phải bình dị, ai cũng hiểu được , lý luận phải đúng với biện chứng pháp, còn mục đích là lật đổ chế độ tư bản.
Vậy là về chính trị, vào khoảng 1927. Trung Quốc có hai đảng : Quốc dân và Cộng sản ( coi chương sau).
Thì về văn hóa cũng có hai phe : Hữu và tả.
Chỉ trong khoảng 15 năm ( từ 1912) họ đã tiến từ phong kiến lên dân chủ, rồi cộng sản.
A - THỐNG NHẤT TRỞ LẠI ( 1926 - 1928 ) 
1- Tưởng Giới Thạch
Ông sinh năm 1887, ở Chiết Giang gần một cảng khá tấp nập, trong một gia đình tiểu tư sản như Tôn Văn, có sách nói là gốc trung nông, có tác giả Tsui Chi lại bảo là gốc trung thương. Thuyết sau có phần đúng hơn.
Ông mồ côi cha hồi 9 tuổi, được mẹ ( bán đồ thêu) tận tình chăm sóc, dạy học ông nữa, vì cụ biết chữ, trái hẳn với đa số phụ nữ Trung Hoa thời đó. Lớn lên , ông nhớ công của mẹ và rất có hiếu với mẹ.
Chín tuổi ông bắt đầu học tứ thư, ngũ kinh, mười tám tuổi lên Bắc Kinh học một trường võ bị kiểu mới do Viên Thế Khải thành lập, được thấy tham vọng của Viên và sự thối nát của triều đình Thanh.
Từ 1907 bđến 1910, ông qua Nhật học một trường lực quân. Khi cách mạnh Tân Hợi ( 1911) phát sinh, ông trở về nước, gia nhập đoàn quân cách mạng, hoạt động ở quê ông, thắng vài trận nhỏ ở gần Thượng Hải, sau thua quân của Viên Thế Khải.
Rồi không hiểu tại sao, ông bỏ nghề võ, giúp việc cho bọn đổi bạc ở Thượng Hải, giao thiệp với giới làm áp phe, mãi biện ( compradore), giới trung gian , học cách « vận dụng « đồng tiền, hối lộ ( R.Lévy Aspéets de la Chine III PUF 1962).
Vào khoảng 1920- 1921 Tôn Văn đã lập một chính phủ ở Quảng Châu rồi kêu ông tới , thấy vẻ mặt, cử chỉ và kiến thức của ông về võ bị, cho ông chỉ huy đoàn vệ binh, rồi làm thư ký riêng , có khi đại diện cho Tôn Văn trong vài cuộc lễ nữa. Mang ơn tri ngộ đó, Tưởng rất ngưỡng mộ Tôn, coi như thầy, như cha. Năm 1922, khi tướng Trần Quýnh Minh Minh phản Tôn, tấn công đốt nhà riêng của Tôn ở Quảng Châu, tính giết Tôn, thì nhờ đoàn vệ binh do Tưởng chỉ huy bảo vệ cho, Tôn btrốn thoát được qua Hưong Cảng rồi lên Thượng Hải. Chính ở đây Tôn tiếp xúc với Joffe do Nga Sô phái qua, như trên chúng ta đã biết.
Nga sẳn sàng giúp Tôn đào tào tướng tá, và Tôn khuyến khích Tường qua Nga học thêm về võ bị. Tưởng qua Nga năm 1928, học 6-7 tháng, về mở trướng võ bị Hoàng Phố. Mỗi khóa học từ 5 tớI 8 tháng. Đầu năm 1925, trường đã đào tạo được non 700 người, trong số đó có 7 người Triều Tiên, 3 người Việt. Họ giúp Tưởng chỉ huy một đạo quân, khoảng 40. 000 người.
Trái hẳn với Tôn, Tưởng rất ít khi ra khỏi nước , chỉ qua Nhật vài lần và qua Nga lần đó thôi.
Ông học ít, không phải là lý thuyết gia như Tôn, mà là một quân nhân, một chính trị gia có tài. Ông cương quyết, mưu mô định làm việc gì thì là cho kỳ được, không chịu thỏa hiệp , có uy, hình như có tài lôi cuốn quần chúng , nếu không vậy thì cũng có tài chỉ huy . Tôn Văn có lần nghe tin đồn bậy rằng Tưởng tử trận. Tôn than thở: “mất mười vạn quân, tôi cũng không tiếc bằng mất con người ấy”.
Ngay kẻ thù của Tưởng, một tướng Nhật, cũng khen : “ Tưởng GiớI Thạch hơn hai nhà độc tài châu Âu ( tức là Hitler và Mussolini) nhiều rất nhiều. Mặc dầu ông ấy chống lạI Nhật, muốn giảI thoát Mãn Châu; để ngăn cản sự bành trướng của Nhật, nhưng chúng ta không thể không nhận rằng ông ấy tài giỏI “.
Lời đó tuy khen mà cũng hàm ý chê Tưởng độc tài. Càng về sau, trong chiến tranh Trung, Nhật, khi chính phủ Quốc Dân dảng dời lên Trùng Khánh , chúng ta càng thấy Tưởng rất độc tài mà rất nóng tính và không chịu nghe lời ai, việc gì cũng quyết định lấy, mà nhiều khi kẻ dưới quyền biết là sai, cũng không dám can, vì ông tàn nhẫn, gần như hiếu sát nữa.
Một sử gia Pháp bảo thế kỷ XX là thời của chính sách độc tài, mặc dầu chế độ dân chủ được đề cao. Lénine, Staline, Hitler, Missolini, Franco , Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông…nếu kể thêm bọn quân nhân cầm quyền ở các nước kém phát triển tạI Á, Phi Nam Mỹ, thì không biết mấy chục ngườI nữa. Nhận xét của sử gia đó sâu sắc.
2- Tưởng làm Tổng tư lệnh đem quân Bắc phạt
Đầu năm 1926, thực hành di chúc của Tôn Văn, các đồng chí mở Quốc dân đại hội ở Quảng Châu, bầu 16 ủy viên, Uông Triệu Minh tức Uông Tính Vệ làm chũ tịch, Hồ Hán Dân làm bộ trưởng Ngoại Giao.
Đảng chia làm hai phe: phe hữu của Hồ Hán dân đông hơn, hợp tác với những ngườI theo cộng sản( số này rất ít, được Tôn Văn cho gia nhập Quốc dân Đảng vơí tư cách cá nhân), nhưng không ưa họ; phe tả của Uông Tính Vệ trái lạI có cảm tình vớI cộng sản. MớI đầu ngườI ta theo đường lối của Tôn Văn cho nên tuy trong đảng có hai khuynh hướng mà vẫn là đoàn kết.
Quốc dân chính phủ thành lập rồI, việc đầu tiên là thống nhất quân sự: bỏ tên “địa phương đi” mà gọi là “Quân Quốc dân cách mạng”
Ngay cuối năm 1925, hai đốc quân tỉnh Quảng Tây là Lý Tôn Nhân và Bạch Sùng Hi đã theo cách mạng. Họ có tài và đức, biết thương dân, cần kiệm, nên Quảng Tây là một trong mấy tỉnh nghèo nhất- Quế Lâm chỉ có toàn núi đá lởm chởm như vịnh Hạ Long trên cạn mà lại yên ổn nhất, không bị cướp phá, dân vui vẻ làm ăn, Bạch Sùng Hi cầm quân giỏi, Lý Tôn Nhân cai trị giỏi, rất được dân chúng kính mến (1) Họ đứng về phe cách mạng, làm cho uy thế phe này tăng lên; và đầu 1926, có thể nói rằng miền Nam Trung Hoa không còn nạn quân phiệt nữa.
Tháng 6 năm 1926. Tưởng Giới Thạch được ủy viên hội đề cử làm Tổng tư lệnh Quốc dân cách mạng quân. Tựu chức rồi, Tưởng liền ban lệnh động viên và từ Quảng Châu đem quân dẹp các quân phiệt miền Bắc, trong sử gọi là cuộc Bắc phạt.
Từ đây ngôi sao của Tưởng mỗi ngày mỗi rực rỡ, và lần đầu ông nắm được vận mạng Trung Hoa trên hai chục năm. Trong hai năm đầu ( 1926- 1928) ông vừa diệt quân phiệt ở Bắc, vừa triệt Cộng sản; từ năm 1928 đến 1936 ông vừa tiếp tục diệt Cộng sản vừa kiến thiết quốc gia. DướI đây tôi tách ba việc đó ra, diệt quân phiệt, triệt Cộng, kiến thiết và xét riêng từng việc một.
- Bắc phạt, thống nhất quốc gia
Công việc này dể dàng nhất. Tưởng tới đâu thắng đấy, có người ( Dubarbier) gọi là một cuộc “ dạo mát quân sự” ( Promenade militaire). Dễ dàng vì đạo quân của ông được huấn luyện theo Nga, có kỷ luật , có khí giới tốt của Nga giúp, mà các sĩ quan chỉ huy ở trường Hoàng Phố ra, hầu hết có nhiệt tâm, có khả năng , có tư cách, họ hứa với nông dân sẽ giảm thuế điền, số lúa góp cho chủ điền, có người còn hứa sẽ chia đất nữa. Tưởng ra lệnh cho quân đội : “Không được cướp bóc , ăn cắp, phải sống đạm bạc, phải trọng dân”. Mao Trạch Đông sau này cũng ban những lệnh như vậy. dân dã chịu bao nỗi khốn đốn với quân phiệt, vui vẻ ủng hộ Tưởng.
Cuộc Bắc phạt bắt đầu tháng 7 năm 1926. Chỉ trong vài tháng Tưởng chiếm được hai tỉnh Giang tây và Hà Nam; rồi ông đưa một đạo quân lên Hồ Bắc , tới Hán Khẩu, chiến đấu bốn ngày, bốn đêm với quân phiệt Ngô Bội Phu lúc đó làm chủ các tỉnh dọc bờ sông Dương Tử, Ngô đại bại. Thánh 4 năm 1927, quân cách mạng chiếm được hết các tỉnh quan trọng ở phía Nam sông Dương Tử.
Trong thời gian đó, hai phe Quốc dân đảng và Cộng sãn chia rẽ nhau. Việc này chúng ta sẽ xét về sau.
Tháng 10- 1926. Tưởng làm chủ Vũ Hán ( ba thị trấn giúp nhau, Hán Khẩu, Vũ Xương, Hán Dương) trung tâm kỹ nghệ lớn nhất của Trung Hoa, sau Thượng Hải.
. Ông tiếp tục tiến lên Thượng Hải , nơi có nhiều tô giới của ngoạ quốc, nhiều kỹ nghệ, nhiều ngân hàng và đại thương gia Trung Hoa, tháng 3 –1927, không phải phi quân vụ này rất quan trọng – ông vừa chiếm được Thượng Hải , vừa diệt hết Cộng sản ở đó, rồi chiếm luôn được Nam Kinh , theo ý nguyện của Tôn Văn lúc còn sống, vậy là Trung Hoa có hai kinh đô: Vũ Hán của Uông Tinh Vệ và Nam Kinh của Tưởng Giới Thạch. Chính phủ Vũ Hán bất bình muốn diệt mầm độc tài mới ló của Tưởng.
Nhưng rồi có sự lục đục chia rẽ trong chính phủ Vũ Hán vì cộng sản hoạt động mạnh quá, thợ thuyền đình công liên miên , có người ngờ Nga nhúng tay vào muốn lật Quốc Dân đảng , chính phủ phải tuyệt giao với Nga, bắt bớ nhiều người cộng sản. Để cho chính phủ dể hành động , Tưởng xin từ chức Tổng tư lệnh , tháng 8- 1927 qua Nhật, và một tháng sau một chính phủ quốc gia thống nhất thành lập ở Nam Kinh
Cuối năm đó, Tưởng trở về Thượng Hải, cướI Tống Mỹ Linh, em ruột bà Tống Khánh Linh ( quả phụ Tôn Văn ) . Ông đã có vợ, có con rồi ( một người con, Tưởng Kinh Quốc, sau này nốI nghiệp ông ở Đài Loan), hồi đó 40 tuổI mà Mỹ Linh mớI 25 tuổi. Bà vợ sau theo đạo Tin Lành, đã học tớI bậc đại học ở Mỹ, sẽ giúp ông được nhiều trong sự hiểu biết và giao thiệp với Tây Phưong, nhất là với Mỹ.
Họ sống ở Thượng Hải và chính phủ Nam Kinh lại phảI cới Tưởng ra để hoàn tất việc Bắc phạt. Ông cầm quân trở lạI cùng với Phùng Ngọc Tường. Diêm Tích Sơn. Lý Tôn Nhân, chia đường tấn công . Đầu năm 1928, kể như bình định xong, chỉ trừ khu Bắc Kinh.
Bắc Kinh sở dĩ còn chống được , một phần là nhờ âm mưu của Nhật Bản, họ sợ thiệt hại cho quyền lợi của họ ở Sơn Đông và Mãn Châu. Đầu tháng 5- 1928 ba đạo quân của Quốc dân đảng tiến từ phía Nam và phía tây. Đồng thời Nhật cho đổ bộ nhiều quân lính lên Thanh Đảo, theo đường xe lửa tiến sâu vào nộI địa. Quân Nhật và quân Trung Hoa đụng nhau. Quân Trung Hoa phảI lùi.Tiếp sau đó, Trương Tác lâm, quân phiệt Mãn Châu, giữ chặt Bắc Kinh để hy vọng thỏa hiệp vớI Quốc Dân đảng vẫn thân vớI Nhật, bỗng bỏ Nhật, kéo quân về Mãn Châu để Trương cho Tưởng vào Bắc Kinh. Khi chuyến xe lửa riêng của Trương vừa vượt biên giới thì bị một quả mìn- của Nhật, chắc vậy- nổ tung, ông ta bỏ mạng. Con ông là Trương Học Lương , mặc dầu bị Nhật cảnh cáo nhiều lần, đã liên kết vớI chính phủ Nam Kinh. vậy là quân đội của Tưởng ung dung tiến vào Bắc Kinh , mà ở Mãn Châu , dưới quyền của Trương Học Lương, ngọn cờ thanh thiên bạch nhật của Quốc dân đảng bay phất phới. Trung Hoa được thống nhất một lần nữa. Ngày 9- 10- 1928 Tưởng được cử lên ghế Tổng Thống. Danh vọng của ông lên đến tột bực. Trên hoạn lộ ông tiến mau thật . Ông đổi tên Bắc Kinh ra Bắc Bình ( dẹp xong miền Bắc)
(1) Coi Nam du tạp ức của Hồ Thích
Cộng thua .
Trong 10 năm từ khi trục xuất cộng sản ra khỏi chính quyền , đặt họ ra ngoài vòng pháp luật, cho tới khi Quốc và Cộng liên hiệp với nhau để lập mặt trận thống Nhất chống Nhật ( 1937) , Tưởng Giới Thạch vừa cải tổ chính phủ , kiến thiết quốc gia, đối phó với ngoại quốc, vừa tận lực tấn công Cộng, nhưng không diệt được họ, chỉ xua họ ra khỏi Hoa Trung, Hoa Nam , bắt họ phải lùi lên miền Tây Bắc. Vậy là mới thống nhất xong thì nội chiến đã phát nữa.
Cộng tuy biết sức yếu, nhưng mấy năm đầu vẫn nỗi dậy, và lần nào cũng bị thiệt hại.
Tháng 9 – 1927 , họ sách động nông dân nổi lên cướp lúa sau vụ gặt lúa mùa thu , không thành công . Vụ này đưọc nhà văn phe tả , Mao Thuẫn tả trong tiểu thuyết Thu thu.
Ba tháng sau, cộng sản bị thiệt hại rất nặng ở Quảng Châu, sau khi bị trục xuất ở Nam Kinh, các cố vấn Nga, rút xuống Quảng Châu, tháng 12 – 1927, ra lệnh cho Trương Đại Lôi , chủ tịch ủy ban cách mạng, xúi giục thợ thuyền nổi lên bạo động, giết các tài chủ để chiếm đoạt tài sản .
Họ chiếm được trại lính , công sở, nhưng nhân dân Quảng Châu đa số là thương nhân , không hưởng ứng , thợ thuyền không chịu tổng đình công. Quân Quốc gia do Trương Phát Khuê , Lý tế Thâm chỉ huy, dẹp tan phiếm loạn. Trong vụ đó có đến 4.000 đảng viên bị giết , trong số có hơn 100 cố vấn Nga và viên cầm đầu tướng quân sự Cộng sản là Kirischeff.
Năm 1930, Lý Lập Tam lên thay Trần Độc Tú đã bị cách chức chủ tịch đảng từ trước rồi vì có khuynh hướng thiên hữu. Ông ở Pháp về , theo chỉ thị của Phòng thông tin đệ tam quốc tế , nhân một vụ xung đột giữa Tưởng Giới Thạch và Phùng Ngọc Tường , chiếm vài thị trấn để lập lại cơ sở thợ thuyền của đảng . Mới đầu , ông ta chiếm được Trường Sa nhờ Bành Đức Hoài, nhưng sau thua , không dám tiến lên Hán Khẩu, bị Moscou khiển trách, kéo về Nga. Quốc dân đảng nắm chắc được các thị trấn, lùng bắt tất cả những kẻ thân cộng, cộng không làm gì đươọc.
Tóm lại trong mấy năm đâu, Cộng thất bại liên tiếp, đưòng lối thường thay đổi, giới lãnh đạo cũng vậy, các cố vấn Nga phải về nước, một số ít ở lại Giang Tây, để lập một chính quyền sô viết tại đó.
Tuy vậy sự hoạt động của Cộng sản cũng thu được vài kết quả ở Phúc Kiến , Giang Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc. HỌ lập được tại đó những đạo hồng quân có khí giới dầy đủ, được huấn luyện kỷ, nhờ một tướng rất tài về du kích tướng Chu Đức.
Cộng thay đổi đường lối
- Rút kinh nghiệm mấy năm đó, họ xét lại đường lối của họ, thấy giới vô sản ( thợ thuyền ) ở các thị trấn còn yếu quá, mà chính họ lại không hoạt động ở thị trấn được, phải cách biệt với vô sản , vậy đành phải chú trọng tới nông dân và họ nhớ lại lời Lénine nói năm 1919 với một số dảng viên cộng sản Á Châu:
- “ Các Đống chí phải áp dụng lý thuyết và thực hành mà đừng quên rằng nông dân là giai cấp quan trọng nhất trong quần chúng “.
Lénine đã sửa đổi lý thuyết của Marx để cho hợp với các nước Á châu chưa được kỹ nghệ hoá, còn ở trong giai đoạn nông nghiệp.
Từ dó đảng Cộng sản Trung Hoa mới nghĩ tới việc gây một cuộc vận động dân tộc, dân chủ, điền địa, như Tôn Văn đã chú trương, cuộc vận động đó gọi là Tân Dân Chủ.
Nông dân được bọn trí thức huấn luyện , khi bạo động thì có thể dùng những kẻ cướp gốc nông dân như các triều đại cũ , vì bọn đó gan dạ ( nhưng nếu làm phản thì phải thủ tiêu liền ) , không dùng phương tiện tổng đình công nữa , mà dùng du kích chiến , đưa vấn đề cải cách điền địa lên hàng đầu. Đó là những nét chính của cuộc cách mạng Trung Hoa. Vậy, họ trở lại đường lối bạo động của các cuộc khởi nghĩa thời phong kiến , chỉ khác người lãnh đạo là giới trí thức, bọn cướp chỉ là tay sai, không tấn công ồ ạt để chiếm đất, mà dùng du kích để tỉa lần, sau cùng diệt quân đội của chính quyền, thành công rồi thì thực hành việc chia đất, như hồi xưa, những địa chủ chẳng những mất đất mà còn bị trừng trị, điễm này khác Nga.
Tóm lại, cách mạng của Trung Hoa là cách mạng điền địa cho nông dân trước hết, và do nông dân làm dưới sự lãnh đạo của đảng, chứ không phải do lực lượng thợ thuyền để diệt bọn tư bản các xí nghiệp , các công ty thương mãi, vì Trung Hoa còn ở giai đoạn tiểu tư bản chưa có lực lượng thợ thuyền.
Điều đó, Mao Trạc Đông hiểu rõ và sớm hơn ai hết, nếu không phải là có sáng kiến đưa ra . Ông không phải là lý thuyết gia, chỉ có lương tri của một nông dân, và lương tri đã thắng giáo điều
Mao Trạch Đông
Mao sinh năm 1893 ở Hồ Nam, trong một gia đình nông dân, nhưng không phải là nông dân, mà thuộc giai cấp trí thức tiểu tư sản. Cha làm ruộng, mới đầu nghèo, sau giàu làm thêm nghề buôn bán nữa. Học ở trường ông đồ trong làng, được cha mẹ cưới vợ cho rất sớm. Ông to lớn, lực lưỡng, như nông dân, hiểu những vấn đề của nông dân.
Năm 1908 ông vô học một trường huyện, được nghe nói về phong trào Duy tân, năm 1911 được thấy nhà Thanh sụp đổ và nghe nói về Tôn Văn. Trong mấy năm sauông vô trường sư phạm Hồ Nam ở Tràng Sa ( 1912- 18) , sau đó lên Bắc Kinh, làm một thư ký tầm thường trong thư viện Quốc Gia ( 1918- 19) , đọc sách của Khang Hữu Vi, Lưong Khải Siêu, các bản dịch của Rousseau, Montesquieu, tìm hiểu tư tưởng của Tôn Văn, sau cùng là thuyết Mác – Xít. Các bạn ông hồi đó đều nhận rằng thể chất ông lực lưỡng mà tinh thần ông cũng rất mạnh.
Nam 1919, ông từ chối một cơ hội qua Pháp, trở về Hồ Nam dạy học bỏ vợ trước, cưới bà vợ sau (1) con thầy học của ông, bắt đầu viết báo dự vào các cuộc hoạt động văn hóa. . Bồng bột ái quốc, dự cuộc vận động Ngũ Tứ ( 4-5-1919)
Năm 1921, ông vô đảng Cộng Sản và bắt đầu làm Cách mạng từ 1925, trong khi các đồng chí hướng về thợ thuyền ở các thị trấn thì ông hướng về nông dân, tổ chức nhiều cuộc hội họp nông dân, do đó mà ông viết được một tập mỏng nhan đề là : “ Báo cáo cuộc điều tra về phong trào nông dân ờ Hồ Nam ”. Ngày nay có người cho rằng chủ nghĩa “ Mao ” ( Maoisme ) phát sinh từ đó.
Khi Cộng sản bị khai trừ , ông quay về với nông dân , tổ chức họ, dạy họ về chính trị, vô bị, ở những khu rừng núi gần ranh giới chung của các tỉnh Giang tây, Hồ Nam, Phúc Kiến, họ thành những chiến sĩ rất có tinh thần và kỷ luật.
Năm 1931, những khu đó tập hợp lại, thành lập Chính phủ Cộng hòa Sô Viết đầu tiên của Trung Hoa ở thụy Kim ( tỉng Giang Tây ) gồm Mao Trạch Đông làm chủ tịch, Chư Đức, Chu Ân Lai, Bành Đức Hoài ....
Chính phủ đó kiểm soát được nhiui tỉnh ở rung và Đông Nam Trung Hoa, dân số được khoảng 20 triệu ( có sách nói 90 triệu) quân số năm đầu đưọc khoảng 6 vạn, ba năm sau tăng lên 30 vạn.
Từ đó Trung Hoa lại có hai chính phủ: Quốc và Cộng, Mao thành đối thủ của Tưởng.
Tưởng tấn công Mao ở Giang tây
Cộng cản mặc dầu bị đàn áp, tấn công dữ mà vẫn phát triển mạnh khiến Tưởng phải tìm cách trị cho được.
Từ 1930 đến 1934 , ông tấn công tất cả 5 lần. Lần đầu vào cuối 1930 với 100.000 binh, thua lần thứ nhì vào đầu 1931 với 200.000 binh do Hà Ứng Khâm chỉ huy, cũng thua.
lần thứ ba, đích thân Tưởng Giới Thạch chỉ huy 300.000 quân từ tháng 7 đến tháng 9 cũng năm 1931, cũng không có kết quả gì cả.
Vì Nhật c xâm chiếm Mãn Châu và Thượng Hải ( coi ở sau) Tưởng tạm để yên Cộng sản, giữa năm 1932 mới tấn công trở lại thắng được vài trận nhỏ ở Hố Bắc, nhưng kế đó lại đại bại ở Giang tây.
Sau cùng , lần thứ năm tháng 10-1933, Tưởng dùng 1.000.000 quân và 200 phi cơ, thay đổi chiến lược . Không tấn công ồ ạt nữa , mà dùng 500.000 quân bao vây, quân Cộng ở trong rừng núi thiếu gạo, nhất là thiếu muối, phải lộ diện để phá vòng vây và lúc đó bị 500.000 quân nữa chặn đánh họ không còn dùng được chiến thuật du kích mà họ rất thạo nữa. Tưởng đã dùng ngoại giao, thu xếp với Nhật, được Nhật để yên nên có thể đdem nữa số quân lực Quốc Gia, nhất định diệt cộng cho được. Vòng vây lần lần thu hẹp lại , Cộng thấy nguy, bỏ căn cứ Giang tây mà tiến về phía Tây, để lên miền Tây Bắc Trung hoa.
Họ Bắt đầu cuộc Trường hành , cũng gọi là Trường chinh, vì vừa chạy vừa phải chiến đấu, vô tiền trong lịch sử Trung hoa, có lẽ cả trong lịch sử nhân loại nữa, làm cho Tây Phương phải thần phục.
Rốt cuộc , Tưởng vẫn không diệt được Cộng, chỉ xua họ ra khỏi Hoa Trung và Hoa Nam thôi.
1-) Bà này bị Quốc dân đảng giết
Cuộc này đã được một ký giả Mỹ, Edgar Suow, chép trong một cuốn rất linh động đó là cuốn Red star over China ( Sao đỏ trên đất Trung Hoa) . Không phải chỉ có một đạo quân, mà có tới 4 đạo quân tiến trước sau nhau từ bốn nơi ( coi bản đồ dưới đây ).
Riêng đạo quân của Mao ở phía Nam Giang tây phải vượt mấy lần trùng vi, chạy về phía Bắc Quý Châu ? ggạp đạo quân của họ Lung ? rồi định lên thẳng Tứ Xuyên, nhưng bị chận đánh , phải xuống Vân Nam , vượt sông Dương Tử rồi tiến lên phương Bắc , tháng 5 – 1935 , đánh một trận lớn để qua sông Đại Độ nước cuộn cuộn, rất nguy hiểm . Họ thoát được nhưng bị hại rất nhiều rồi theo ranh giới Tứ Xuyên và tây tạng, gặp đạo quân của Chang Kuo Tao ở Mu Kung ( ?)
Đầu năm 1935 , khi mới tới Thuận Nghĩa , Mao đã bị Chang Kuo Tao chỉ trích vì Mao muốn tiến lên Thiểm tây. Tháng 7 năm đó lại có một vụ chia rẽ nữa. Chang ở lại Tứ Xuyên , Mao tiếp tục tiến lên Thiểm Tây.
Cuối năm 1935 Mao tới Thiểm tây. vậy là đi mất một năm, vượt được 10.000 ( có sách nói 12.000) cây số , trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Họ gồm 100.000 ( có sách nói 130.000). Cả v chiến sĩ lẫn dân chúng , phải rải rác ra , cách nhau, để khỏi bị phi cơ Tưởng bắn, thả bom, thành thử cả đoàn dài tới 100 cây số. Họ chỉ có một số ngựa , một số xe bò để chở một chút lương thực , đạn dược , nhất là để chở những người bệnh và đàn bà có mang. Chính vợ Mao sanh một đứa con trai phải nhờ một gia đình ở dọc đường nuôi và cha con,; mẹ con suốt đời không được gặp nhau, không biết đứa bé ấy còn sống hay hết ( 1).
Họ bện cỏ làm dép, có khi phải đi chân không, qua đèo, qua suối. Qua hai con sông Dương Tử và Đại Độ, thác chảy rất mạnh, họ phải kết bè, và chết rất nhiều .
Ở Tứ Xuyên, họ bị bọn quân phiệt còn lại tấn công để cướp khí giới . Dọc đường gặp nhiều rợ bán khai ( như rợ Lolo) rất ghét người Trung hoa, họ phải vừa chống cự , vừa chạy. Không ngày nào không vgiao chiến đấu quyết liệt. Nhưng nhiều chỗ họ gặp được những nông dân chất phác, ghét chế độ quân phiệt , giúp đở họ, tặng lương thực, quần áo, và họ nghỉ lại tuyên truyền. Mao tự hào rằng qua 11 tỉnh, đạo quân của ông đã thuyết phục được 200 triệu người theo chủ trương của cách mạng.
Đàn bà trong đoàn tỏ ra can đảm lạ thường, giỏi chịu khổ hơn đàn ông. Vợ Chư Đức đeo súng mà còn cõng một thưong binh nữa. Vợ mao bị hai chục mảnh đạn, ngoài đứa sanh ở dọc đường, bà còn để lại hai đứa nhỏ nữa cho nông dân nuôi, để được rảnh mà chiến đấu. Khi đi, 100.000 người mà khi tới Thiểm tây , chỉ còn 20.000 ( có sách nói 7.000 – 8.000 ) người . Có một số đào ngũ, nhưng cũng có một số nông dân ở dọc đường gia nhập đoàn. Trước sau họ phải vượt 18 ngọn núi , mà 5 ngọn tuyết phủ quanh năm ( nhiều người chết rét) 24 con sông lớn, một cánh đồng có 10 ngày không gặp một bóng người , qua 11 tỉnh và chiếm 62 thị trấn.
Chính trong Trường hành đó mà tài năng của Lâm Bưu, Bành Đức Hoài .... được tôi luyện , và sau thành những nhà lãnh đạo của Đảng.
Thiểm Tây có một miền đất hoàng thổ, nhiều đồi núi. Bọn Mao đục mỗi gia đình một cái hang ở lưng núi để ở, họ trồng trọt để sống, tuyên truyền chủ nghĩa, dạy dân chính trị và binh bị. Diên An thành căn cứ mới của họ, tạm thời rất yên ổn để họ lấy lại sức, tổ chức lại đảng, tăng cường lực lượng , khuyếch trương ảnh hưởng .
Năm 1936, trong ngày lễ Quốc Khánh song thập ( 10-10) Tưởng Giới Thạch tuyên bố : “Cộng sản đối với ta không còn là một đe dạo nữa...Dẹp họ bằng võ khí tuy gay go đấy, nhưng phục hồi những miền đã thành ‘ hoang ’ còn cần nhiều can đảm kiên nhẩn hơn nữa” Ông ta lạc quan vì quá tự tín.
(1) Chương này và chương sau tôi không có tài liệu của Trung Hoa, nên không tìm được nhân danh và địa danh bằng chcữ Hán ( tức Hội Xương ) (?) tức Trương Quốc Đào
KIẾN THIẾT
C. THỰC THI DÂN QUYỀN
Ba giai đoạn
Khi Quốc dân đảng cầm quyền thì Trung Hoa như một căn nhà sụp đổ. Trong mười sáu năm nội chiến, chế độ Cộng Hòa chỉ có danh mà không có thực, trên 400 triệu dân sống trong cảnh hổn độn, loạn lạc , cướp bóc gần như vô chính phủ, vì quyền hành của chính phủ Băác Kinh không bằng quyền của một quân phiệt mạnh như Ngô Bội Phu, Đoàn Kỳ Thụy chẳng hạn . “Triều đình” Bắc Kinh đại khái cũng như triều đình nhà Chu gần cuối thời Chiến quốc.
Vậy phải xây dựng lại hết. Công việc nặng nhọc đó. Tưởng Giới Thạch và mấy người thân tín của ông phải đảm nhiệm theo đúng di huấn và di chúc của Tôn Văn, người cha của Cách mạng. Mấy hàng của bản di chúc đó được các cơ quan và các trường học trong toàn quốc long trọng đọc giờ đầu ngày thứ hai mỗi tuần.
Ở trên , chúng tôi đã giới thiệu chủ nghĩa tam dân, ngũ quyền và tam giai đoạn của Tôn. Ông có lương tri và óc thực tế, hiểu biết rằng dân tộc ông 95% không biết chữ, không hiểu gì về chính trị, nên không thể áp dụng ngay chế độ dân chủ, đại nghị của phương Tây được, nhất là nạn tham nhũng, hối lộ thành một bệnh kinh niên từ mấy ngàn năm rồi, nếu cho họ bầu cử ngay thì chỉ tạo cho họ một cuộc mua bán lá phiếu bỉ ổi trên toàn quốc và những kẻ nào gian manh nhất, giàu tiền nhất sẽ thắng cử để rồi bóc lột lại dân chúng một cách tàn nhẫn nhất .
Vậy phải tiến từ từ làm ba giai đoạn : Quân chính ( quân nhân cầm quyền, dẹp phiếm loạn). huấn chçính ( dạy cho dân những căn bản về chính trị, về bổn phận và quyền lợi công dân chuẩn bị hiến pháp....) Sau cùng là giai đoạn hiến chính thi hành hiến pháp ...
Tưởng giới Thạch cho rằng giai đoạn quân chính chấm dứt năm 1928, khi Trung Hoa đã được thống nhất , các quân phiệt lớn đã bị tiêu diệt, còn một số nho nhỏ và ở xa như miền Tứ Xuyên thì không đáng kể .
Giai đoạn thứ nhì,: huấn chính , kể tiếp liền, định trong 7 năm sẽ xong. Tới 1936, kể như đã chuẩn bị xong cả: có một bản hiến pháp lâm thời năm 1931. Năm 1936 bản đó đương sửa đổi sẵn sàng để thi hành , nhưng rồi biến cố dồn dập .( Trung Nhật chiến tranh Thế giới chiến ) phải hoãn lại tới năm 1948, mới bắt đầu thi hành thì Quốc dân đảng thua đảng Cộng sản, phải chạy qua Đài Loan . Rốt cuộc ở lục địa , nó thành giấy lộn, cho nên chúng ta chỉ cần biết đại khái rằng nó phỏng theo hiến pháp của Mỹ: vị tổng thống cầm quyền sáu năm , hết nhiệm kỳ, có thể ứng cử và được bầu lại một nhiệm kỳ cuối cùng, cũng sáu năm nữa.
- Dân quyền
Trong “ tam dân “ , tôi để chính sách dân tộc lại sau, ở đây hãy xét dân quyền và dân sinh đã . Về dân quyền- tức về phương diện chính trị- tôi sẽ vắn tắt
Trong thời huấn chính . Quốc dân đảng nắm việc chỉ huy , nghĩa là Trung hoa theo chính sách đảng trị, cũng như Đức ,Nga Sô thời đó. Đảng với chính quyền liên hệ chặc chẽ với nhau; có thể nói chính quyền là của đảng nữa.
Tổ chức của Quốc dân đảng: đại hội của đại biểu toàn quốc là cơ quan tối cao, hai năm họp một lần , giữa các kỳ đại hội, quyền hành thuộc về Trung Ương chấp hành Ủy viên hội, bên cạnh có Giám sát Ủy viên hội.
Tổ chức của chính phủ : ở trung ương đặt một số ủy viên rồi cử lên một người làm chủ tịch với một số ủy viên làm thưòng vụ ủy viên, ở dưới đặt ra các bộ.
Có năm viên, tức ngũ quyền: viện Hành chánh, viện Lập pháp viện, viện Tư pháp, viện Khảo thí( coi các kỳ thi và việc tuyển các công chức), viện giám sát. Theo nguyên tắc , cả 5 viện đều độc lập , nhưng sự thực thì việc hành chánh gồm tới 12 bộ ( ngoại giao, tài chánh, kinh tế, giáo dục, tư pháp , giao thông, chiến tranh, hải quân ...) lấn cả bốn bộ kia.
Đó là ở trung ương , ở dịa phương, có tỉnh, huyện, thị xã, xã, . Huyện là đơn vị quan trọng nhất được gần như tự trị cũng như tỉnh
Một số thị xã quan trọng như Nam Kinh, Bắc kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Hán khẩu, trực thuộc trung ương chứ không thuộc tỉnh (1) ( Tổ chức của Việt Nam xã hội chủ nghĩa y hệt vậy, chắc là theo Trung Cộng, mà Trung Cộng đã dùng chính sách của Quốc dân đảng , nhưng đon vị huyện của ta nhỏ quá, chỉ bằng một xã của họ, mà đơn vị huyện của họ bằng một hai tỉnh của ta, một tỉnh của họ bằng một phần có khi cả 2-3 phần Bắc, Trung, Nam của ta) Vậy, về chính thể thì phải nhận rằng đối với Trung Hoa thời đó, rất tốt đẹp. Đó là trên lý thuyết . Cần phải xét thực hành nữa , xét người lãnh đạo nữa. Lý thuyết hay mà người lãnh đạo không chịu thi hành hoặc không đủ tư cách thì kết quả cũng hóa dở.
Người lãnh đạo
Chế độ thời huấn chính là chế độ đảng trị, nhưng sự thực là gia đình trị ( như nước ta dưới thời Ngô Đình Diệm)
Trong một hai năm đầu, Tưởng Giới Thạch còn dùng, khi thì Uông Ting Vệ, ( hồi chưa đại tấn công Cộng sản), khi thì Hồ Hán Dân. Về sau ông chỉ tin cậy mấy người rất thân của ông, : Trần Lạp Phu, Hà Ưng Khâm, Khổng Tưởng Hi, Tống Tứ Văn ...dĩ nhiên Tống Mỹ Linh, vợ ông nữa.
Chúng ta hãy xét ông trước . Tiểu sử của ông , chúng ta đã biết qua rồi. Trong số ba nhà cách mạng thời đó : Tôn văn, ông, Mao Trạc Đông thì ông có tướng tốt hơn cả, trán cao, mắt rất sáng, vẻ oai nghiêm, lạnh lùng, mà lại có nhiều nhân điện lôi cuốn quần chúng, đúng là một nhà lãnh đạo . Ông cương quyết kiên nhẫn làm việc gì thì làm cho tới nơi, rất tự tín, can đãm về tinh thần lẫn thể chất. Cho nên ta không thấy làm lạ rằng trong mười năm đầu cầm quyền, ông được toàn dân ngưỡng mộ, kính phục, coi ông là hiện thân của cách mạng của Trung Hoa nữa. Ông chống Nhật, ông tranh đấu vơói các cường quốc phương Tây để bênh vực quyền lợi dân tộc.
Ông theo một giáo phái KiTô mà cũng theo Khổng Giáo ( như NGô Đình Diệm) sống rất giản dị, khắc khổ nữa, tự chủ, không có ngoại tình, tự trọng và trọng chữ tín ( coi vụ Tây An ở sau) . Nhưng ông độc tài, nghiêm khắc quá, không cảm thấy nổi khổ của ngưuời khác, không thấy lầm lỗi của mình, quá tự cao, tự đại.
Ông ít khi tha thừ ai trừ một vài quân nhân, vì chính ông là quân nhân ; giữ được tình trong quân đội.
Tôn văn tin ở tài cầm quân của ông – mà cũng chỉ tin ở tài đó thôi – và ông đã có công thắng các quân phiệt, rồi sau lại đuổi quân cách mạng Mao Trạch Đông ra khỏi căn cứ Giang Tây, nhưng các nhà cầm quân Âu, Mỹ đều chê ông về chiến thuật rất tầm thường . Chỉ biết binh pháp cổ của Tôn Tử, hoặc của Napoléon thôi, Tệ nhất là Tưởng không lo đến sức khỏe , sự ăn uống, đến tinh thần quân đội, để cho bọn tướng, tá chỉ huy, ăn cắp, ăn hối lộ, ngược đãi lính tráng . Ông không biết rằng quân lính chết đói ( cuối chiến tranh với Nhật) mà ra lệnh cho lính trước khi ra trận phải rửa mặt.
Ông bướng bỉnh, chỉ cho mình là phải thôi, nên không ai dám góp ý kiến với ông hết.
Ông ghét Cộng sản nhất ( trái với Tôn Văn) năm 1941, Trong một diễn văn bảo : « Điều quan trọng nhất đối với tôi là chận Cộng Sản hơn là chận Nhật cho khỏi lan ra . Nhật chỉ là một vết thưong ngoài da. Cộng mới là vết thương ở tim.
Tuy nhờ tây phương ( Mỹ, Pháp) nhiều mà ông ghét họ, rất ghét văn minh của họ, chỉ đề cao đạo Khổng, đạo tam cương, ngũ thường ( coi mục Tân sinh hoạt ở sau) Ông thích đọc Luận ngữ, Kinh dịch , Mạnh tử, rồi tới Le Prince của Machiavel, Mein Kampf của Hitler.
Đoạn trên tôi đã tóm tắt những ý chính trong chương Chiang Kai – Shek ( 185- 198) của J.J Brieux ( Edition du Seul – 1950) cuối chương đó, Brieux viết :
- Năm 1945- Đồng minh thắng ( ....) Tưởng đã thắng Nhật , bãi bỏ các điều ước bất bình đẳng, Trung Hoa thành một cường quốc, Nam Kinh và thượng Hải cuồng nhiệt tiếp đón ông.
1948- ở Nam Kinh, Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, dân chúng biểu tình đòi hòa giải với Cộng, đuổi Mỹ đi, cả Tưởng nữa. Chỉ trong 3 năm , 470 triệu người thấy rằng Tưởng “ chỉ là một nhà độc tài , không phải là ngưòi bênh vực họ, không phải là người của họ, của dân chúng “.
Fairbank trong cuốn East- Asia – The modern transformation cũng bảo nhược điểm của Tưởng là không v biết tổ chức nông dân.
Tôi nghĩ: Đúng hơn là ông không quan tâm tới đời sống của nông dân chỉ cần sự ủng hộ của thị dân , của giới tư bản, trí thức, thương nhân thôi.
Có ba ngành quan trọng trong chính quyền cùa ông: Chính trị, Võ bị, Hành chánh . Ông đặt ba người tin cậy nhất của ông vào ba nghành đó: Trần Lạp Phu bộ trưởng Tổ chức Quốc dân đảng. Hà Ưng Khâm bộ trưởng Chiến tranh kiêm tham mưu trưởng. Khổng Tường Hi ( tức H.H Kung tên Mỹ) Viện phó viện Hành Chánh. Nhưng ông có tật một khi ra lệnh , ra chỉ thị rồi thì thôi, không kiểm soát xem có được thi hành hay không, cho nên có thể bảo rằng chính bộ ba đó thực sự cai trị Trung Hoa. Còn một nhân vật thứ tư nữa, vai trò kém quan trọng , vì nhiều khi bất đồng ý kiến với ông, bị ông gạt ra. Nhân vật đó là Tống Tử Văn ( quốc tịch Mỹ : T.V Soong ) , thủ tướng khiêm bộ trưởng Ngoại giao. Ông làm Tổng thống , Thống chế ( généralissime)
Trần Lạp Phu , người được Tưởng tin cậy nhất , là cháu Chan - Chi- Mein ( ?) bạn của Tưởng thời Tưởng sống cuộc đời bí mật từ 1912 đến 1923 ở Thượng Hải . Chi Mei là một nhà cách mạng , biết nhiều về các hội kín, chỉ cho Tưởng biết về những phương pháp hoạt động , bí mật, dọ thám, ám sát, về bọn buôn thuốc phiện lậu, cướp bóc, giết thuê. Những hiểu biết đó giúp Tưởng năm 1927 thuỉ tiêu nhóm Cộng sản ở Thượng hải.
Khi Chi Mein chết, giao phó cho Tưởng hai người cháu Trần Quốc Phu và Trần Lạp Phu và Tưởng coi họ như cháu của mình. Lạp Phu nhỏ hơn , rất thông minh, nét mặt thanh tú, có cả cựu học lẫn tân học, nhưng có óc thủ cựu. Rất liem khiết, có đức tin mãnh liệt , rằng muốn cứu Trung Quốc thì phải trở lại theo truyền thống . Cnũg như Tưởng , ông ta khinh người phương Tây chỉ giỏi về Kỹ thuật, còn về đạo đức thì dã man. Óc hẹp hòi, bài ngoại và chống Cộng triệt để. Ông là lý thuyết gia của Quốc Dân đàng. Lý thuyết của ông là đạo Khổng đổi mới một chút.
Ông, ngoài chức bộ trưởng Tổ chức Quốc dân đảng , còn làm trùm cơ quan mật vụ gồm 300.000 nhân viên, và đứng ngoài mà điều khiển cơ quan thông tin tuyên truyền. Ông lập đảng “ Sơ mi lam “ , dùng những thanh niên học hành nham nhở, cho vào cái đại học để dò xét bạn bè và giáo sư thiên cộng. Họ cũng như bọn sơ mi nêu của Hitler, sơ mi đen của Mussolini. Giáo sư nào mà trong giờ giảng , chỉ hơi chê đưòng lối của chính quyền là bị thủ tiêu. Chỉ dăm ba vụ thủ tiêu là họ hóa ra “ ngoan ngoãn “ hết. Vào khoảng gần cuối thế chiến , ông ta lập một bảng kê những đ-é tài cấm giáo sư, nhà văn, nhà báo đề cập tới : Cộng sản, lạm phát, tham nhũng, cảnh khổ của dân.
Nhân vật thứ nhì là Hà Ưng Khâm, quyền hành rất lớn, vì nắm hết quân đội, tính tình giống Tưởng Giới Thạch, vì cùng là quân nhân, nhưng khi Tưởng cần hy sinh một trong hai người: Hà và Trần, thì Hà bị Trần không, dân chúng sợ Trần nhất, còn đối với Hà thì thản nhiên hoặc khinh bỉ. Hà làm hại Trung Quốc, khiến quân đội suy nhược, tan rã, hoàn toàn bất lực. Không biết cầm quân, không biết tổ chức , không có thứ tự, phương pháp gì cả, cũng không biết chỉ huy nữa, chỉ lo làm giàu, hối lộ, lập giá biểu sẳn: muốn làm đại đội trưởng hoặc liên đội trưởng thì phải nộp y bao nhiêu đó. Người ta tranh nhau mua chức chỉ huy, vì chỉ trong ít tháng là huề vốn. Chỉ khổ cho dân lính: thiếu ăn, thiếu mặc, chết ở dọc đưòng, hoặc bị tử trận vì thiếu súng, thiếu đạn. Lại thêm y ghét cộng sản tới mức không chống Nhật mà chỉ lo diệt cộng.
Người Mỷ ghét y lắm, cuối cùng buộc Tưởng phải cách chức y di nếu không thì không viện trợ cho nữa, Tưởng phải cách chức bộ trưởng Chiến Tranh, nhưng vẫn giữ chức Tham Mưu trưởng của y, nghĩa là cũng vẫn như cũ.
Bọn sĩ quan cựu sinh viên trường Hoàng Phổ thâm oán y, mà không làm gì được cả.
Y có trung thành với Tưởng không? Điều đó còn ngờ. Trong vụ Tây An ( coi ở sau) . Tưởng bị bắt cóc, Hà dề nghị cho phi cơ lại dội om, san phẳng thành bình địa. Như vậy là y được dịp khóc rồi nối nghiệp chủ cũ.
Khổng Tường Hi tự xưng là cháu đời thứ 75 của Khổng Tử, vậy mà hời học ở Đại học Yale ( Mỹ) ông ta thích Mỹ lắm, đổi tên là H.H. Kung. Cha, chú làm chủ nhiều ngân hàng ở Sơn tây. Ông ta đại lý cho hãng dầu Standal Oil ở Trung Hoa. Cưới một cô em của Tống Khánh Linh ( họ Tống cũng làm chủ ngân hàng ) , thành em hay anh rể của bà Tưởng Giới Thạch, và cùng với Tống Tử Văn ( em vợ) là hai người giàu nhất Trung Quốc. Dân Trung Quốc gọi ông là ông “ thần tài họ Khổng “ . Hiền lành, thương người, làm việc rất siêng. Những người giúp việc cho ông, quý ông lắm . Nhưng dân chúng thì vừa ghét , vừa khinh bỉ vì tính nhu nhược mà tham những cái lợi nhỏ nhặt. Bà vợ làm áp phe, vơ vét không ai bằng, không bỏ lỡ một cơ hội nào cả, cô con gái cũng vậy mà lại khinh người.
Có lần ông ta bảo, xây cất những xưởng chế tạo khí giới, tốn tiền quá, để tiến đó chế tạo các máy cắt thuốc, vấn thuốc hút ... bán cho dân, có lợi hơn.
Hà Ứng Khâm làm cho quân đội sụp đổ, Khổng Tưởng Hi làm cho kinh tế sụp đổ, do ông ta mà lạm phát lên như diều, dân chúng điêu đứng. Có thể nói Khổng lót đường Cộng sản chiếm trọn Trung Quốc
Nhân vật thứ tư là Tống Tử Văn có tư cách, khí tiết, cùng với bà Tôn Văn và Tôn Khoa , con bà vợ trước của Tôn Văn, là ba người dám chống Tưởng. Ở Đại học Harvard ra, Tử Văn, là người hiếu kỷ thuật và tinh thần phương tây nhất. Âu hoá nhất. Rất thông minh, quyết định mau, có sức làm việc mạnh, có phương pháp, ghét tham nhũng, ông đúng là một chính trị gia thời đại mới.
Được hưởng gia tài cha, lúc nào không làm chính trị thì ông đầu cơ trên thị trường , có cổ phần lớn trong bảy ngân hàng, mười hai công ty thương mại, hai mươi hai xưởng lớn, một công ty hàng không ...tài sản của ông ta , kể sao hết được. Người Trung Hoa gọi ông là nhà tỷ phú.
- Tôn Khoa viện trưởng viện Hành chính, vì là con Tôn Văn nên dám thẳng thắn chỉ trích sự thối nát, độc tài của chế độ. Ông ta bảo : " Không có một người nào trong chính quyền , từ đại biếu tới công chức , mà được bàn, cả " – “Đặt ra luật pháp làm gì? Chính quyền bất tuân luật pháp trước nhất mà ! "
Tuy vậy, Tống Tử Văn và Tôn Khoa vẫn phục vụ Tưởng, khi Tưởng bay qua Đài Loan, Tống bay qua Mỹ sống đời tỷ phú. Chỉ có bà Tôn Văn là chống Tưởng để cố cứu sự nghiệp cách mạng của chồng. Khi mọi sự sụp đổ, bà ở lại lục địa.
( 1) Những thị xã như vậy ta gọi là thành phố )
Mở mang các ngành
- Giao thông vận tải
Một nước rộng 14 triệu cây số vuông (Âu Châu không kể Nga chỉ rộng khoảng 10 triệu rưỡi cây số). đất đai thì rừng rú nhiều, đồng bằng rất ít ( coi bản đồ nông phẩm ), mà lại bỏ hoang nhiều vì loạn lạc, dân số khoảng 460 triệu, 95% chỉ sống nhờ nông nghiệp, một nước như vậy mà muốn kiến thiết thành một nước kỹ nghệ đuổi kịp phương Tây, đã khó khăn lắm rồi, huống hồ còn bị nhiều trở ngại nữa :
-Trong non một thế kỷ, từ 1840, bị bọn tư bản châu Âu xâu xé bóc lột về quan thuế, không thể dùng quan thuế mà bảo hộ hàng hóa của mình được, lại thêm nổi bao nhiêu chi tiêu trong nước phần lớn ( 85%) trông vào thuế quan, thuế muối, mất 2 thuế đó thì thiếu dùng, phải vay , vay thì nghèo thêm, mất thêm quí kim, tài nguyên.
- Bọn tư bản ngoại quốc nhiều vốn, nhiều máy móc, dùng nhân công rất rẻ của Trung Hoa , dễ dàng thắng trong việc cạnh tranh với công nghiệp, Trung Hoa mới chập chững.
- Thiếu tư bản vì bọn nhà giàu chỉ quen mua vàng để dành, mua đất hoặc cho vay không có tinh thần kinh doanh, thiếu kỹ thuật gia, thiếu cả thị trường , sản xuất được món gì thì chỉ bán loanh quanh trong miền, không thể chở đi xa được – phương tiện giao thông rất thô sơ – như vậy làm sao không bị công nghiệp ngoại quốc đè bẹp.
Có hiểu như vậy chúng ta mới thấu được nỗi khó khăn và sự gắng sức của nhà cầm quyền cùng dân chúng Trung Hoa .
Một bản báo cáo của ủy viên Hội Vạn Quốc ( không rõ năm nào) nhận rằng sự gắng sức của Quốc dân đảng thành công, ít nhất là Trung Hoa, đã có bộ mặt mới mẻ hơn, bắt đầu tiến vào thời công nghiệp.
Tiến nhất là về phương diện giao thông, chuyên chở. Điều đó rất hợp lý. Muốn phát triển kinh tế thì phải phát triển giao thông trước . Khai thác mỏ đồng , mỏ thiếc, để làm gì nếu không có đường bộ , đường sông, không có xe tàu, phải chở khoáng chất bằng sức ngựa hay sức người. Sản xuất lúa gạo nhiều để làm gì nếu không có phương tiện chở đi bán ở những nơi mất mùa, như các thời trước? Chúng ta nhớ Tô Đông Pha đời Tống tự lấy làm tủi rằng đọc cả ngàn bộ sách mà không tìm được một cách cứu dân khỏi chết đói, vì thời đó không có xe cam nhông, xe lửa, tàu thủy, phi cơ như ngày nay.
Năm 1898 Trung Quốc mới thực sự bắt đầu mở mang các đường xe lửa, đến năm 1923 , xây cất được 34 đường , đa số của các công ty ngoại quốc, cộng cả lại chưa được 10.000 cây số, tới năm 1937 được 15.000 cây số, nhưng 5.000 ở Mãn Châu, là công trình của Nhật khi họ làm chủ Mãn Châu. Các hãng Anh , Pháp, Đức, Mỹ đã cất được con đường Bắc Nam, từ biên giới Sibérie tới Đông Dương, một con đường liên tỉnh nữa là đường Chiết Giang, Giang Tây. Nhưng còn những miền mênh mông như Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc , Quí Châu vẫn chưa có đường xe lửa nối với bờ biển.
Quốc Dân đảng có công sửa sang các đường lộ lớn. Thời trước cũng đã có nhiều đường lộ rộng tới 25 thước, lát đá , nhưng hư hỏng hết rồi, xe hơi dùng không được. Tưởng Giới Thạch xây được 100.000 cây số đường lộ cho xe hơi chạy, nối các tỉnh với nhau.
Về hàng hành (đi trên sông , trên biển ) . Chính quyền không phải bỏ sức ra bao nhiêu. Trung Hoa có nhiều sông , rạch và một bờ biển dài 4.000 cây số, tiện nhất là sông Dương Tử và các chi nhánh, tất cả miền Hoa Trung nhờ nó mà tỉnh này, huyện này liên lạc với tỉnh kia, huyện kia rất dể dàng . Miền Nam có sông Tây Giang. Chỉ có miền Bắc là đường thủy thiếu thốn, bất tiện vì trên sông Hoàng Hà, ghe thuyền chỉ đi được một khúc ngắn thôi. Trái lại ở Mãn Châu, nhờ có nhiều sông lớn như Hắc Long Giang, Oussouri, Soungarie, ghe thuyền qua lại rất đông.
Dọc theo bờ biển , chỉ có những ghe lớn , không cạnh tranh nổi với các tàu của ngoại quốc.
Hàng không bắt đầu có từ 1921, mới đầu về quân sự, sau mới về dân sự, nối các thị trấn lớn Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hán Khẩu, Trùng Khánh.
Bưu chính phát triển nhất, lợi cho chính phủ rất nhiều. Để đánh điện tín người ta dùng mật hiệu để thay 8.000 chữ thường dùng nhất. Gần đây đã có điện thoại nối tỉnh này với tỉnh khác.
- Canh nông
Về canh nông , công việc rất nhiều nhưng họ chỉ thực hiện được ít thôi, sửa lại chế độ thuế má, địa tô, cải thiện phương pháp canh tác, trồng bông, trà , dâu chế biến nông sản ...Họ đã lập 170 trại thí nghiệm từ trước thế chiến: hoặc chia trại ra làm nhiều phần bằng nhau cho mỗi nông đân làm riêng, hoặc không chia mà dể cày cấy chung. Nhưng chỉ là những trại nhỏ trong làng, mà người điều khiển không hăng hái, cơ hồ không có thiện chí nữa, nên sau bỏ.
Đời sống nông dân, không được cải thiện chút nào. Mỗi nông dân chỉ nuôi được hai người (ở Pháp là 5 người ) và mỗi người mỗi ngày chỉ được khoảng 2.200 calo thực phẩm (ở Pháp 3.500). Một phần nông sản như trà, bông, vải ...phải bán cho ngoại quốc với giá rẻ ( vì bị thị trường quốc tế định giá) để mua sản phẩm công nghiệp ngoại quốc với giá đắt , do đó nông dân thêm nghèo cực, bỏ làng ra thành thị mỗi ngày mỗi đông, tạo ra nhiều vấn đề: lao động , gia đình, xã hội , phụ nữ , chức nghiệp, luân lý, gia cư .....
Lỗi nặng nhất của Tưởng Giới Thạch là sau khi thống nhất, không nghĩ ngay đến vấn đề chia đất cho dân cày trong toàn quốc theo di chúc của Tôn Văn. Chính sách chia đất đó là truyền thống của dân tộc làm sao có thể quên được? Rõ ràng là ông không thực tâm lo cho dân mà chỉ muốn được lòng giới tư bản, đại điền chủ.
Mao Trạch Đông thi hành di chúc của Tôn Văn ngay từ khi còn trốn trong rừng ở Giang Tây, nhất là từ khi lên Diên An, nên rất được lòng nông dân.
Mãi đến sau thế chiến , từ 1946, thấy dân theo cộng nhiều, Tưởng mới chịu cải cách điền địa để ganh với Mao. Trong vài miền ở Tứ Xuyên, Hồ Nam, Cam Túc, Phúc Kiến, chính quyền mua hoặc tịch thu ruộng đất của bọn đại điền chủ, được độ 180.000 mẫu chia cho 8.700 gia đình, mỗi gia đình được 20 đến 30 mẫu ( mỗi mẫu là 750 thước vuông) . Có nơi chính quyền cho dân vay tiền để mua đất, có nơi cho dân vay tiền khẩn hoang. Sau cùng người ta giảm địa tô được 25% , nhưng đó chỉ là theo nguyên tắc thôi.
Những cải cách đó rất tiến bộ, tiếc rằng trễ quá, ít dân được hưỏng quá, và chỉ được vài năm thì chính phủ sụp đổ.
- Về kỹ nghệ:
Tưởng cũng không theo chính sách của Tôn Văn: Quốc hữu hóa những kỹ nghệ quan trọng. Bao nhiêu kỹ nghệ lớn đều của người ngoại quốc hết. kỹ nghệ đóng tàu, hóa học, dầu lữa, dệt vải....Người Trung Hoa ít vốn, làm những kỹ nghệ nhỏ thôi.
Chỉ có miền Mãn Châu là kỹ nghệ phát đạt, nhưng dó là công trình của thực dân Nhật để lại ( coi ở sau). Năm 1945 Mãn Châu có nhiều đường xe lửa và đường lộ lớn bằng toàn cõi Trung Hoa , sản xuất được 1.500. 000 tấn thép, xe hơi, máy bay, chất hóa tiền chính quyền Quốc Dân đảng đầu tư vào toàn quốc cũng trong thời gian đó.
Trong 14 năm chiếm Mãn Châu, người Nhật đổ vào đó 2 tỷ đô la, nhiều hơn số tiền chính quyền Quốc Dân đảng đầu tư vào toàn quốc cũng trong thời gian đó.
Ngân hàng Trung Quốc thành lập từ 1913 . Quốc dân đảng lập thêm được ba bốn ngân hàng nữa, giao cho Tống Tử Văn, Khổng Tường Hi điều khiển. Mỗi ngân hàng đó phát hành giấy bạc riêng , tới năm 1935 chính phủ mới thu tất cả những giấy bạc đó về, đổi cho một thứ giấy bạc mới, duy nhất.
Nhưng, như mọi công việc khác, họ “ chỉ cải cách cái đầu thôi , quên cái mình” quên không lập những ngân hàng nông nghiệp để giúp dân cày, và nếu chỗ nào có thì những kẻ tai to mặt lớn ở địa phương nắm hết, rốt cuộc, dân nghèo chẳng được hưởng gì cả.
2- Kinh tế .
Đời sống nông dân không được cải thiện, mà ngân sách năm nào cũng thiếu hụt, chỉ bọn các ông lớn , bà lớn trong Quốc dân đảng là giàu ngang với bọn tỷ phú ở Mỹ. Nhờ họ một phần , mà một số thị trấn có vẻ mặt mới: Công sở dinh thự mọc lên khá nhiều, theo kiến trúc mới, không còn vẻ gì là Trung Hoa nữa.
Vì chính phủ thiếu tiền nên phải in thêm giấy bạc, gây nạn lạm phát kinh khủng.
Dưới dây là giá đồng Mỹ kim trên thị trường chính thức:
- 1936 ................ 3,36 viên ( tiền Trung Hoa)
- 1941 ................ 20
- Tháng 3- 1946 ............. 2.020
- 12 – 1946 ............ 5.846
- 11- 1947 .............. 125.000
- 2 - 1948 ................. 210.000
- 7- 1948 .................. 4 triệu
- 8 - 1948 ................. 12 triệu.
Ở Trùng Khánh, gần cuối thế chiến, có nơi thiếu giấy bạc, người ta bắt dân chúng dùng tiền bằng đất sét nung, chỉ trao đổi ít lần là gẫy nát .
Lại có hồi, không rõ vào năm nào ( 1948) giấy bạc in nhiều quá, mất giá tới nỗi, muốn mua một vé xe đò, phải xách cả một va li giấy bạc đi
Năm 1948, Tưởng Giới Thạch cương quyết diệt nạn lạm phát, thương thuyết với Mỹ , và hai nước ký với nhau một hiệp ước hợp tác kinh tế :
1 - Đồng Viên rút về, thay bằng đồng Kim Viên ( gold yuan) (1) ăn một phần tư đô la, phát hành hai tỉ đồng 40% được bảo đảm bằng 200 triệu đô la do Mỹ cho vay, còn 60% bằng vàng, bằng ngoại lệ (đô la Mỹ, đô la Hương Cảng) ...
2- Một đô la mỹ đổi 12 triệu đồng viên cũ, hơi cao hơn giá chợ đen một chút
3- Chính phủ hô hào dân chúng có vàng , ngoại lệ thì đem lại gởi ngân hàng.
4- Lương lậu và giá cả sẽ bị chặn đứng. Sẽ kiểm soát kinh tế nghiêm ngặt.
Dân chúng mừng rỡ , chen chúc nhau đem vàng , bạc , ngoại tệ lại ngân hàng đổi lấy tiền mới. Chỉ trong một tháng , 3 ngân hàng chính thu được 600 triệu lượng vàng, 16 triệu đô la Mỹ, 5 triệu đô la Hương Cảng. Chính phủ săn bắt gắt gao bọn đầu cơ, xử tội nặng nhiều kẻ. Nhưng đầu cơ là cách làm giàu mau nhất, chính các ông lớn bà lớn trong Quốc Dân đảng lại thích đầu cơ hơn ai hết, ai dám bắt họ ? – Nên chỉ được một hai tháng, đồng kim viên lại mất giá :
- Tháng chín 1948 1 đô la Mỹ ăn 4 kim viên
- 11 – 1948 ................. 10
- 12 – 1948 ................. 80
- Giêng 1949 .............. 320 kim viên
- 25 tháng hai 1949 ........ 2000
- 1 tháng ba 1949 ........... 3.100
Hết phương chữa chạy. Ít tháng sau Cộng Sản chiếm Bắc Bình và Nam Kinh ;
Tôi xin nhắc lại: Kinh tế suy sụp ghê gớm như vậy chỉ trừ Quốc dân đảng dời đô lên Trùng Khánh, khoảng 1930, cho tới năm 1939 chính phủ đó vẫn còn phong độ, cho nên Dubarbier trong La Chine moderne mới khen : từ 1928 đến 1937, chưa đầy 10 năm mà Trung Hoa đã tiến đều đều hoài, nhờ một chính quyền” sáng suốt và dám làm “ . Ý kiến của Guillermaz , Lévy, Brieux, Fairbanks trái hẳn, nhưng Dubarbier không phải hoàn toàn sai: Ông ta xét bề ngoài , còn mấy nhà kia xét bề trong , nhất là bề trong từ 1938 trở đi ( trong tiết sau: chiến trang Trung Nhật, chúng ta sẽ hiểu nguyên do tại đâu).
3- Văn hóa
- Tân sinh hoạt . Có thể vì thấy Cộng sản ở những miền họ kiểm soát, tạo cho dân chúng một nép sống mới, trọng lao động, sống tập
thể, học tập chính trị .... nên Tưởng Giới Thạch cùng Tống Mỹ Linh năm 1934 cũng phát động phong trào Tân sinh hoạt.
Từ cuối thế kỷ trước, đạo Khổng bị các nhà cách mạng mạt sát quá, Tưởng nay muốn phục hưng lại, lấy ngày sinh của Khổng Tử làm một ngày quốc lễ. Ông nhắc quốc dân rằng nền văn minh Trung Quốc có từ mấy ngàn năm trước chứ không phải mới có từ 1911, mà văn minh đó hợp với chủ nghĩa của Tôn Văn. Vậy thì phải tôn trọng nó .
Ông muốn rằng người dân phải có ý niệm về trật tự trong xã hội, về trách nhiệm của mình và về sự chính trực trong hành động . Ông đề cao bốn đức lễ, nghĩa, liêm, sỉ . Bất kỳ lúc nào , và làm việc gì cũng phải nhớ bốn điều đó, cấm hút thuốc phiện ,cấm cả hút thuốc lá nữa ( cảnh sát gặp ai hút thuốc ở ngoài đường thì bắt ngừng lại, liệng điếu thuốc đi, cấm khiêu vũ, đóng cửa hết các thanh lâu, cấm cờ bạc. Ăn mặc phải chỉnh tề, mà giản dị, sạch sẽ, cấm nhổ bậy, ăn uống phải thanh đạm và điều độ, cài khuy áo đàng hoàng ( nhưng dân không có áo để mặc) mà phải cần lao, tiết kiệm, nhất là trong các lễ tang, hôn , v....v ...Tóm lại là phải sống đời khắc khổ như ông.
Trong công sở thì phải làm việc lanh lẹ, có kỷ luật, cấm ăn hối lộ. Lối sống đó không có gì mới mẻ, đại khái đều theo những qui tắc của đạo Nho và đạo Mặc, chỉ vì đã lâu rất ít người theo, bây giờ ông bắt mọi người phải theo, nên bảo nó là mới.
Dubarbier khen lắm: “ Thành công hiển nhiên, không ai chối cải được , những người có tâm đều nhận rằng đã có cái hay thay đổi”. Hằng đoàn sinh viên trong các vụ hè đi về thôn quê tập cho dân sống đời sống mới.
Phải, thành công thật. Nhưng nhiều lắm chỉ được bốn năm, rồi ai cũng chán , quên hết . Hàn Tú Anh ( Han Suyin ) một nữ sĩ cha Trung Hoa mẹ Bỉ, hồi trẻ qua Bỉ học y khoa, năm 1938, vì yêu nước mà bỏ học, trở về nước để kháng Nhật, lấy một viên tá trong quân đội Tưởng, cùng với chồng theo chính phủ chạy lên Trùng Khánh, sống 7-8 năm, sau lại trở qua Anh, viết một bộ hồi ký gồm 4 cuốn mà cuốn III nhan đề là “ Một mùa hè vắng bóng chim” , trong đó bà chép những bê bối của Quốc Dân đảng, của hạng công chức cao cấp, quân nhân, và nhất là cảnh khổ của dân chúng. Cuốn đó chứa nhiều sử liệu rất quí, vì bà sống trong cảnh mà thẳng thắn không thiên vi. Đọc bà chúng ta mới biết chính gia đình những quan lớn Quốc Dân đẳng sống trái hẳn với nếp Tân Sinh hoạt. Chồng thì gian tham, càng làm lớn càng ăn cắp lớn, đánh đập tàn nhẫn kẻ dưới, đánh cả vợ nữa, vợ thì làm biếng, suốt ngày chỉ đánh mạt chược, mà bẩn thỉu, hôi hám, ăn cơm thì xương gà, vịt liệng ngay xuống sàn gạch, ngồi đâu thì khạc nhổ tứ tung. Về việc cấm hút thuốc phiện nữa mới khôi hài: chính đoàn “ sơ mi lam” của Tưởng có nhiệm vụ đi thu nhựa thẩu bắt dân quê miền Thành Đô ( Tứ Xuyên ) , nhổ lúa để trồng thẩu, bán cho Nhật, Nhật lại bán cho các nước Đông Á, kẻ nào không trồng thì bị đánh một thứ thuế, gọi là thuế “ làm biếng” !
Công chức ít hút, vì sợ kẻ ghen ghét tố cáo với Trần Lạp Phu hay Tưởng Giới Thạch thì chết. Nhưng dân cu li không một người nào không nuốt sái, cứ khiêng đồ đi một khúc đường , hay khiêng kiệu leo ngọn đồi từ sông Dương Tử lên thị trấn Trùng Khánh gồm non 500 bực, là phải nghĩ để nuốt sái, không nuốt thì không đủ sức tiếp tục. Họ chỉ có xương với da, quần áo rách bươm, lòi thịt, lòi xương mà lúc nhúc những rận. Tôi đã nhờ cuốn đó mà hiểu được một phần lịch sử Trung Hoa hiện đại, tôi đã dịch ra non 400 trang, nhưng Bộ thông tin Sài Gòn không cho in ( 2).
Giáo dục.
Về giáo dục, chính phủ đầu tư kha khá, nhưng chú trọng nhiều hơn cả váo các trường đại học, trung học ở các thị trấn (để đào tạo một giới thượng lưu giúp đở, ủng hộ chính phủ), thêm một viện nghiên cứu. Academin Sinica ( Viện Trung Hoa) và một số thư viện, còn các trường tiểu học thì thiếu nhiều lắm, thành thử tỉ số người mù chữ không giảm bao nhiêu .
Trái lại , theo J J Brieux , cộng sản đã sớm giải quyết được nạn đó mà không tốn tiền, không cần lớp học, thầy học. Họ vẽ lên tường nhà ở thôn quê những hình lớn: mỗi hình là một con vật hay một đồ vật, bên cạnh viết chữ chỉ tên của nó. Ai đi ngang qua cũng trông thấy và ít lần thì nhớ mặt chữ. Cứ mỗi tuần ba bốn chữ, một năm được khoảng 200 chữ, năm năm thì được 1.000 chữ , tạm gọi được là không mù chữ nữa. Lối học đó sau bãi bỏ, có lẽ ít kết quả.
Trong khu vực quốc gia, người ta sang hơn, mời các giáo sư danh tiếng ở Mỹ qua, dạy cấp học bổng cho sinh viên đi du học ngoại quốc, mà đa số thích học văn chương, nghệ thuật, trong 10 năm , từ 1936 đến 1946, mặc dầu đương chiến tranh với Nhật, mà số đại học tăng từ 108 đến 140, số sinh viên từ 42.000 lên 80.000 , số trường Trung học từ 2.700 lên 3.750; học sinh từ 544.000 lên 1.160.000.
Sinh viên đại học , cả giáo sư đề bị bọn “ sơ mi lam” của Trần Lạp Phu dọ thám.
Để kết luận J J Brieux bảo nếu so sánh Trung Hoa năm 1927, khi chưa thống nhất với Trung Hoa, năm 1937, trong chiến tranh với Nhật thì phải nhận rằng Trung Hoa, đã tiến bộ. Từ 1937 đến 1944 Trung Hoa đã anh dũng chống Nhật, nhưng về chủ nghĩa dân sinh thì Quốc Dân đảng chưa thực hiện được bao nhiêu
Chí làm thỏa mãn được giới thiểu số, tức địa chủng quan lớn , quân nhân , thương nhân, kỹ nghệ gia, còn giới tối đại đa số, tức nông dân, thợ thuyền thì gần như bị bỏ rơi, Tưởng đã không theo đường lối của Tôn Văn.
Văn học.
Khi Tưởng Giới Thạch lên cầm quyền, dân chúng phấn khởi, lần này thì có nhiều sự thay đổi. Bọn thanh niên tân tiến rất hăng hái, kiến thiết quốc gia. Có bao nhiêu vấn đề phải bàn, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội. Phe tiểu tư sản chống đối phe “ vô sản” ( cũng là tiểu tư sản, nhưng theo cộng, làm cách mạng, vô sản), không khí thật sôi nổi.
Tình hình xã hội biến chuyển mạnh. Năm 1920, nội 11 tỉnh ( trên 18 tỉnh) mà đã có non 1 triệu 800 ngàn mẫu ruộng bỏ hoang, năm 1928 số ruộng bỏ hoang toàn quốc chắc phải hơn nhiều. Đã vậy mà từ 1931, liên tiếp 3 năm , Trung Hoa bị nạn lụt lớn, mỗi lần có cả chục tỉnh mất mùa, hàng trăm ngàn mẫu bị thiệt hại.
Nông dân đói, phải bỏ làng ra tỉnh. Riêng huyện Định ở Hà Bắc, trong ba tháng đầu năm 1934 trên 15.000 ( 4% tổng số dân) bỏ làng. Có huyện nông dân bỏ làng tới 60% số dân cày. Chính phủ không hề làm gì để cải thiện tình trạng. Bọn dân bỏ làng ấy phần lớn ra tỉnh làm trong các xí nghiệp ngoại quốc, tình cảnh rất khốn khổ , làm 12 giờ một ngày mà chỉ vừa đủ ăn cho khỏi chết, và sống chui rúc trong các ổ chuột. Mà dễ gì kiếm được việc làm, năm 1935 có 5 triệu 9 trăm ngàn người thất nghiệp, trung bình 6 người lao động có 1 người thất nghiệp!
Những biến chuyển đó làm lung lay chế độ đại gia đình. Dân bỏ làng ra tỉnh làm ăn, không trông cậy gì ở cha mẹ , anh em nữa, giao thiệp với những người tứ xứ cũng tha phương cầu thực như họ, do đó quan niệm gia tộc mất lần, mà tiểu gia đình hóa ra quan trọng hơn đại gia đình. Chồng làm không đủ nuôi cả gia đình , vợ phải làm thêm, có khi con cái 10- 12 tuổi cũng theo cha mẹ vô xưởng , phụ nữ đã độc lập về kinh tế , không chịu một địa vị phụ thuộc nữa, con cái thì khi kiếm được tiền rồi cũng muốn được tự do, thoát ly gia đình. Đúng vào lúc đó, nhiều sinh viên ở Âu Mỹ về, dùng bạch thoại để truyền bá những tư tưởng tự do, bình đẳng, đả đảo những quan niệm trung hiếu, tiết nghĩa, những truyền thống tam cương ngũ thường. Cái giá trị cũ bị lật đổ, mà chưa có gì thay vào, người ta có cảm giác sống trong một xã hội hỗn loạn. Do đó , văn hóa dao động một cách kịch liệt, chưa từng thấy , mà văn học phát triển rất mạnh.
Cuối chương trên tôi đã nói năm 1927, về văn hóa có hai phe hữu và tả.
Trong giai đọan 1927 – 1938, hai phe đó chống đối nhau dữ dội, và xuất hiện thêm hai phe nữa ở giữa:
- Phe tả vẫn là Quách Mạt Nhược, Lỗ Tấn, họ bị Tưởng Giới Thạch đàn áp, Quách Mạt Nhược phải trốn qua Nhật; Lỗ Tấn vì có tài , mà chỉ có tư tưởng xã hội thôi chứ không vô đảng, nên được yên.
- Phe hữu gồm có Hồ Thích, Từ Chí Ma ...
Trong các cuộc bút chiến về Lý thuyết văn học, về mục đích vị nhân sinh hay vị nghệ thuật, phe tả vì đoàn kết hơn, có tinh thần chiến đấu mạnh hơn, kiên trì hơn, nhất là có giọng sắc bén, quyết liệt , nên thắng phe hữu . Nhưng có uy tín trong giới độc giả thì vẫn là những tờ báo của phe hữu hoặc trung lập.
- Phe độc lập : gồm Lâm Ngữ Đường, Chu Tác Nhân, em Lỗ Tấn ( tức Chu Thụ Nhân)
- Phe Trung đạo gồm: Mao Thuẫn , Lão Xá, Ba Kim ...( Mao Thuẫn trong giai đoạn này chỉ có cảm tình với phe Tả mà còn giữ tư tưởng độc lập, không theo sát đường lối của Đảng Cộng sản)
Chủ trương của hai phe hữu tả, chúng ta đã biết rồi: hữu là của Quốc dân đảng mà Tả là của Cộng sản đảng, còn hai phe Độ Lập và Trung Lập khác nhau ra sao?
Theo chỗ tôi hiểu thì phe Độc Lập mà kiện tướng là Lâm Ngữ Đường thờ cá nhân chủ nghĩa, chống thứ văn học tuyên truyền bấy kỳ của phe nào. Chu Tác Nhân, cũng như Lâm , ghét sự tàn bạo , độc tài bất kỳ trong khu vực nào, cả hai đều hoàn toàn độc lập, có tinh thần tài tử.
Còn phe Trung Đạo khá đông gồm nhiều cây bút cá tài, hơi thiên tả, cũng bất mãn xã hội, cũng chống Quốc Dân đảng , nhưng không dùng văn nghệ tuyền truyền . Họ có tư tưởng tiến bộ, lưu lại được nhiều tác phẩm có giá trị.
Dưới đây tôi giớ thiệu vắn tắt ba tiểu thuyết gia có tài nhất trong giai đoạn 1927 –1937.
- Mao Thuẫn , sinh năm 1896 ở Chiết Giang, học ở Bắc Kinh đại học, sau cùng với Trịnh Chấn Đạc, Chu Tác Nhân lập Hội nghiên cứu Văn học ở Bắc Kinh . Năm 1927 hay 28 lên Thượng Hải xuất bản bộ Thực gần ba cuốn. ‘Áo diệt, Động dao, Trung cầu’ , tả sự thất bại của Cách mạng cộng sản cách mạng 1925 – 1928 (1) rất được hoan nghênh. Ông nhận xét đúng , có giọng bi quan, nên bị Cộng sản chỉ trích. Mặc dầu có vài đoạn xây dựng vụng, văn không điêu luyện như văn Lỗ Tấn, nhưng cũng đáng kể là truyện dài đầu tiên thành công viết về xã hội Trung Hoa trong những năm biến chuyển mạnh đó.
- Ba Kim ( tên thực là Lý Phế Cam) Ba Kim là âm đầu của Bakunine, và âm cuối của Kropotkine ghép lại – Bakunine và Propokine là hai nhà cách mạng Nga – Ông sinh năm 1905 ở Thành Đô ( Tứ Xuyên ).
Hồi 15 tuổi qua Paris học, rất phục Rousseau Robes Pierre. Năm 1929 về nước, ông viết rất nhiều truyện dài, truyện ngắn . Đề tài chính của ông là vận động cách mạng , đả đảo chế độ đại gia đình . Thành công nhất là bộ « Kích Lưu Tam Bộ khúc » gồm ba cuốn : Gia xuân, Thu, trong đó ta thấy ông căm phẩn và oán đại gia đình . Văn mạnh mẻ , linh động.
- Lão Xá sanh năm 1897 ở Bắc Kinh, học ở đại học Bắc Kinh rồi qua Anh học, năm 1930 về nước vừa dạy học vừa viết tiểu thuyết. Thành công nhất là truyện Lạc Đà Tường Tử ( Người phu xe Tường Tử) trong đó ông vạch sự thất bại của những chiến dấu cá nhân, và cho rằng muốn thắng thì phải đoàn kết nhau lại, làm cách mạng , cũng như một con châu chấu thì đứa trẻ nào cũng bắt được nó, cột chân nó vào sợi chỉ đến bay nó cũng không bay được nữa, « nhưng nếu nó hợp nhau thành từng đoàn ào tới từng đám thì phải biết, chỉ một loạt là chúng phá hoại hết cả mùa màng, không ai ngăn cản chúng được ». Truyện có tính cách hiện thực sâu sắc về tâm lý bố chục chặt chẽ, lời văn mạnh mẻ, hóm hỉnh, các nhà phê bình dù tả hay hữu đều nhận là một trong vài truyện hay nhất của văn học Trung Hoa hiện đại
- (1) Cũng như Lỗ Tấn thất vọng về Cách mạng Tân Hợi 1911, André Malraux cũng tả sự thật lại đó trong cuốn La Condition humain
Chú thích
1)- Dĩ nhiên Kim Viên không có nghĩa là đồng tiền bằng vàng mà chỉ là đồng tiền bảo đãm bằng vàng.
( 2) Năm 1990 NXB Hội Nhà văn xuất bản ( BT)
Xoá bỏ các điều ước bất bình đẳng.
Đứng hàng đầu trong tam dân chủ nghĩa là dân tộc, giành lại quyền tự do , độc lập đã bị liệt cường xâm nhập, cho nên trong lời di chúc , Tôn Văn dặn phải gấp trừ bỏ các hiệp ước bất bình đẳng. Việc đó không thể dùng ngoại giao xin xỏ mà được. Nước mà mạnh, dân mà đoàn kết thì chẳng cần phí sức cũng thành công.
Sau vụ Nga táp vận động ( 30-05-1925) , tức cuộc vận động phản đế của toàn dân Trung Hoa , tiếp theo là vụ tẩy chay hàng ngoại quốc ở Quảng Châu tháng 6 năm đó rồi từ đó các vụ dân tộc vận động tiến triển không ngớt, bồng bột lạ thường, người Anh thấy vậy biết rằng Trung Quốc thời này không như Trung Quốc thời Thanh nữa, nên chủ trương phải thay đổi thái độ. Ở Mỹ, Bỉ , Tây Ban Nha cũng có khuynh hướng như thế, rất lợi cho chính phủ Trung Hoa tranh đấu để hủy bỏ các hiệp ước bất bình đẳng. Chúng ta đã biết sáu nước : Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Nga lập một ngân hàng đoàn để cùng nhau cho Trung Quốc vay những số tiền lớn, họ quyết định với nhau bắt Trung Quốc có việc gì thì không được giao thiệp thẳng với một nước nào mà phải giao thiệp với cả 6 nước. Lệ cộng đồng hành động của 6 nước đó, sau vụ Ngũ Táp được họ tự ý bãi bỏ. Đó là mật thắng lợi do quốc dân tặng chính phủ.
Sau khi cách mạng Nga 1917 thành công, nhiều lần chính phủ Nga tuyên ngôn bãi bỏ các hiệp ước bất bình đẳng mà Nga Hoàng đã lý với Trung Quốc. Năm 1923, đại biểu Nga và chính phủ Bắc Kinh ký một hiệp định đại khái thi hành đúng việc bãi bỏ đó, và thừa nhận Ngoại Mông là một bộ phận của lãnh thổ Trung Hoa dân quốc, tôn trọng chủ quyền của Trung Hoa ở đấy . Việc ấy cũng tọa một thế thuận lợi cho Trung Hoa trong sự bang giao với liệt cường. Nhưng từ khi Tưởng cầm quyền, diệt Cộng thì do nhiều xích mích mà Nga và Trung Hoa tuyệt giao với nhau.
Suốt trong máy năm 1928 – 1931, bộ trưởng ngoại giao của Chính phủ Dân Quốc đảng, Vương Chính Đình, tốt nghiệp đại học Yale ( ở Mỹ) , gắng sức giao thiệp với các nước Tây phương để thu hồi quyền của dân tộc, và thành công ít nhiều.
Về việc các tô giới và các đất tô tá, Anh chỉ mới trả Trấn Giang, Uy Hải Vệ, Hạ Môn , Cô Lãnh, Bỉ trả ở Thiên tân. Về quan thuế, năm 1928 , Chính phủ Dân quốc tuyên ngôn sẽ lập lại điều ước về quan thuế với các nước, theo nguyên tắc quan thuế hoàn toàn tự chủ, Mỹ thừa nhận việc đó và ký lại điều ước về quan thuế, tiếp theo là Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển , Anh, Pháp, mỗi nước ký một điều ước riêng. Nhật ký sau cùng năm 1930. Như vậy là Trung Hoa cởi được sự trói buộc của liệt cường từ 80 năm trước.
Sau cùng, Trung Hoa cũng đòi bỏ quyền lãnh sự tài phản của liệt cường nữa, yêu cầu các nước lập lại điều ước bình đẳng mới. Một số nước : Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch chịu lập tân ước bỏ quyền lãnh sự tài phán. Các nước lớn Anh, Mỹ, Pháp .... viện lẽ điều ước cũ chưa hết hạn, chưa chịu bỏ. Năm 1929, chính phủ Dân Quốc ban bố lệnh: “ Từ ngày 1 tháng 1 năm 1930, người ngoại quốc kiều cư ở Trung Quốc mà hiện còn quyền lãnh sự tài phán đều phải nhất luật tuân giữ những pháp lệnh của chính phủ trung ương và chính phủ địa phương ....”. Thật là một quyết định mạnh mẽ. Ba Lan, Hi Lạp, Tiệp Khắc, Thổ Nhĩ Kỳ chịu ký ngay điều ước mới.
Còn những nước khác. Anh, Mỹ , Pháp, vẫn làm lơ. Việc chưa được giải quyết dứt khoát thì Nhật gây hấn với Trung Hoa , rồi đánh chiếm Trung Hoa, tiếp theo là thế chiến thứ nhì, người ta đồng tình tạm hoãn lại vụ đó.
Mãi đến ngày 1-1-1942. Mỹ nhảy vào vòng chiến với Đức, Ý, Nhật, cần có sự hợp tác của Dân Quốc ở Đông Á để diệt Nhật nhận Trung Hoa vào hàng tứ cường ( Mỹ, Anh, Nga, Hoa), và ngày Quốc khánh của Trung Hoa. ( 01-10) năm đó, Anh , Mỹ tuyên bố hủy hết các điều ước bất bình đẳng, lập điều ước mới, Hà Lan, Bỉ , làm theo ( Pháp thời đó, dưới chính phủ Pétain, đứng về phe Đức, Ý, Nhật ) . Vậy là tất cả các quyền lãnh sự tài phán, quyền sứ quán khu và trú binh, tô giới, quyền hàng hành trên các sông, nhất luật triệt bỏ hết.
Chỉ còn Cửu Long là Anh chưa chịu trả, viện lẽ Cửu Long liền Hương Cảng, rất quan hệ cho Hương Cảng , không thể trả ngay được. Trung Hoa tạm thời nhượng bộ , đợi khi nào hết hạn, thu hồi Hương Cảng sẽ thu hồi luôn Cửu Long. Trước cuối thế kỷ này sẽ hết hạn thuê Hương Cảng , chưa biết Anh và Trung Cộng sẽ giải quyết ra sao để có lợi cho cả hai bên (1): nhờ Hương Cảng mà Trung Cộng thu được khá nhiều ngoại tệ, bán được nhiều hàng hóa. Cón bào nhiêu nước khác thì điều ký điều ước mới hết. Chỉvề mỗi điẽm đó trong chủ nghĩa tam dân là anh hồn Tôn Văn được thỏa mãn
- (1) Gần đây Trung Quốc và Anh đã thỏa thuận. Anh giao Hồng Kông vào năm tới (1997) ( BT)
Chống xâm lăng - Nhật chiếm Mãn Châu
Gần cuối đời , Tôn Văn có ý muốn hợp tác với Nhật để Trung Hoa mau cường thịnh, mà cùng với Nhật đuổi hết người da trắng ra khỏi Đông Á. Chẳng riêng ông mà nhiều nhà ái quốc của mình cũng nghĩ như vậy. Mãi đến thế chiến thứ nhìchúng ta mới thấy thực dân da vàng cũng tàn bạo như thực dân da trắng.
Từ khi Nhật thắng Trung Hoa năm 1894, nhất là từ khi họ thắng Nga năm 1905 thì họ coi Trung Hoa là một miếng mồi cực ngon, khi nào Âu Mỹ vì những việc cấp bách hơn, không chú ý vào Châu Á được thì Nhật nắm ngay cơ hội , đớp một miếng ở Trung Hoa, Âu Mỹ phản ứng mạnh thì họ tạm lùi để chờ cơ hội khác vồ mồi .....
Họ không muốn cho Trung Quốc thống nhất, vì Trung Quốc sẽ mạnh lên? họ khó thực hiện được ý muốn. Luôn luôn họ kiếm cách gây với chính phủ Quốc Dân để chiếm đất, viện cớ này, cớ nọ, không có cớ thì họ tạo ra một vụ lôi thôi nhỏ nhặt, một quân nhân của họ bị giết, một chuyền xe lửa của họ nổ tung vì mìn (của họ đặt ).... để đổ bộ lục quân , hải quân lên đất Trung Hoa.
Quan trọng nhất là vụ Mãn Châu . Năm 1928, Trương Tác Lâm, một quân phiệt làm chủ Đông Tam tỉnh( Mãn Châu) như một ông vua. Ông ta giao thiệp với cả Nga, lẫn Nhật, Nhật làm thân với ông, tới khi thấy ông đổi ý , muốn phản mình ( có thể vì Trương bỗng nghĩ đến tổ quốc mà trở về với Quốc Dân đảng) thì đặt mìn cho chuyến xe lửa chở ông ta nổ tung. Con ông, Trương Học Lương tức thì chống Nhật, đem Đông Tam Tỉnh lệ thuộc vào trung ương, tức chính phủ Quốc Dân .
Nhật bèn ra tay liền tháng 9 năm 1931 đem binh chiếm Thẩm Dương ( Moukden) , và các thành thị lớn . Trương Học Lương trốn về Trung Hoa , được Tưởng Giới Thạch trọng dụng, cuối năm đó trọn Mãn Châu vào tay Nhật.
Tháng 3 năm sau, Nhật đưa Phỗ Nghi lên ngôi, Phỗ Nghi bị cách mạng Tân Hợi truất ngôi, sau được Nhật bảo vệ, chu cấp để có cơ hội thì dùng tới, từ đó Mãn Châu không còn là Đông Tam Tỉnh nữa mà thành Mãn Châu quốc. Mọi việc từ hành chánh đến võ bị, từ nội trị đến ngoại giao đều có Nhật lo cho hết .
Tưởng Giới Thạch đưa vụ đó ra Hội Vạn Quốc. Hội đề nghị một giải pháp không làm vừa lòng bên nào hết, và Nhật rút chân ra khỏi hội 1933) . Hội chẳng phản ứng gì cả chỉ đưa ra một thông cáo không thừa nhận Mãn Châu quốc thế thôi.
Sở dĩ họ bênh vực Trung Hoa một cách yếu ớt như vậy có lẽ vì một số nước cho cuộc xung đột Trung - Nhật thực ra là cuộc xung đột Nhật – Nga chiếm Mãn Châu để làm căn cứ tấn công Nga, chiếm Sibérie, Âu Mỹ không ưa Nga Xô, mặc cho Nhật hành động, và còn hy vọng Nhật đụng đầu với Nga sẽ vay tiền của họ, có lợi cho họ nữa.
Ở Trung Hoa , phe Cộng, theo Eberhard, mong rằng vụ Mãn Châu đó làm cho chiến tranh Trung Nhật nổ càng sớm, càng tốt. Nhật sẽ chiếm được miền Đông Trung Hoa, chắc chắn vậy, mà Tưởng sẽ yếu đi. Cộng sẽ nhờ Nga giúp , lập một Trung Hoa cộng sản, lúc đó sẽ đánh đuổi Nhật ra khỏi bờ cõi.
Tưởng trái lại muốn chiến tranh chậm xảy ra để ông có thì giờ diệt Cộng, và lập một đạo quân mạnh mẽ. Ông đưa ra chiến lược : Thống Nhất Quốc Gia ( nghĩa là diệt Cộng) trước đã rồi hãy kháng Nhật, vì lúc đó mới đủ sức thắng Nhật.
Lúc đó ông có đạo lộ quân thứ 19 huấn luyện kỹ, có kỹ luật, năm 1932, phải làm cho Nhật phải nể mặt. sau vụ Nhật chiếm Moukden
( Thẩm Dương ) , dân chúng ở Thượng Hải tẩy chay hàng Nhật. Nhật đem 70.000 quân đánh. Đạo lộ quân 19 không đợi lệnh của Tưởng hết sức chống cự, được nhân dân tiếp tế nên tuy ít hơn quân Nhật nhiều, cũng thắng họ được vài trận oanh liệt (1)
Nhưng số quân thiện chiến đó, đem ra chọi vơí Nhật sẽ tiêu hao lần mà không được kết quả gì, nên Tưởng tìm cách hòa hoãn với Nhật nhờ công sứ Anh làm trung gian xin đình chiến cả hai bên đều rút quân ra khỏi Thượng Hải.
Thái độ của Mỹ lưng chừng chỉ lo thủ lợi thôi, bên
( Thiếu hai trang 112 và 113 )
Sau cùng với quân đội cũng phản kháng . Đem họ đi diệt Cộng , họ đào ngũ, nhiều kẻ qua phía cộng, được cộng tiếp đón niềm nở, huấn luyện , thành những chiến sĩ chống Nhật giỏi. Một số quân phiệt như Phùng Ngọc Tường cũng đem quân đội riêng của họ đi đánh Nhật
Cuối năm 1935, cuộc trường hành của Mao Trạch Đông chấm dứt. Cộng mệt mỏi, làm chủ một miền rộng , nhưng nghèo , thưa dân ( chỉ kiểm soát được độ 1 triệu dân ) đảng viên chỉ con 40.000. Họ phải xây dựng lại từ đầu, chia làm nhiều khu tương đối tự trị, chưa tiến lên xã hội chủ nghĩa vội , tạm giữ chế độ tân dân chủ, còn cho dân có những tài sản nhỏ, còn có giai cấp , được tự do làm ăn , xóa bỏ những món nợ cũ cho dân, bỏ thuế ruộng cho chủ điền ( mà cũng khg còn lệ chủ điền cho lãnh canh nữa, ai cũng phải cày cấy lấy) khi nào cân chính phủ mới thu của dân 5% huê lợi thôi . Từ trước, nhất là từ thời các quân phiệt , nông dân bị chủ điền bốc lột, bị lính cướp bóc, bây giờ thấy sung sướng, coi cộng là những người giải thoát cho họ.
Dân chúng được học tập chính trị, được dạy cho cách thức làm ruộng, giữ vệ sinh , được tổ chức thành những đội tự vệ . Nhiều trường được mở để dạy dân cho khỏi nạn mù chữ, lần lần có cả một trường Đại học ở Bảo An, 2000 sinh viên chú trọng nhất vào việc đào tạo sĩ quan cho đạo quân thứ 8 sau này.
Nhân dân ở Thiểm tây, rồi ở Sơn tây, Sơn Đông, Hà Bắc thấy không còn họa Cộng sản nữa, mà chỉ thấy họa Nhật Bản nhất là từ khi họ chiếm gần hết Hoa Bắc ( 1935) nên chỉ mong Quốc, Cộng thỏa hiệp với nhau để kháng Nhật. Hùng hơn cả là bọn người bỏ Mãn Châu về và bọn quân của Trương Học Lương . Trương được Tưởng Giới Thạch phái lên đóng ở Tây An để bao vây Cộng sản. Thấy Cộng thay đổi khẩu hiệu « Diệt Quốc dân đảng » thành khẩu hiệu « Đoàn Kết để diệt Nhật », hơn nữa thấy đoàn quân của họ ở Thiểm Tây, Cam Túc gồm những lính cũ ở Hoa Nam còn sống sót sau cuộc trường hành, bây giờ hăng hái kháng Nhật, thấy vậy Trương Học Lương và bộ hạ , cả quân lính nữa, không thể nào tuân lệnh của Tưởng : « Diệt bọn đạo tặc đó trước hết » mà lén lút thương lượng với Cộng, cùng với Cộng lập một mặt trận thống nhất để kháng Nhật. Nhật cảnh cáo Tưởng rằng nếu không mau mau diệt Cộng, thì Nhật sẽ xóa bỏ các thỏa hiệp đình chiến đã ký.
Vậy là ngày 7- 12- 1936 Tưởng phải cùng với vài viên tướng và 200 vệ binh bay tới Tây An để dò xét tình hình. Trong ba ngày Trương Học Lương thuyết phục ông không được. Ông ta nghỉ đêm trong một ngôi chùa gần Tây An. Đêm 11- 12 , Trương dùng 170.000 quân để bắt cóc ông, vệ binh của ông bị bao vây, giết sạch. Ông không kịp mặc áo, thoát ra ngoài được, trốn trong bụi cây ở chân núi, sáng sớm hôm 12-12 bị quân Trương Học Lương bắt, đưa về Tây An. ( 2) Tin đó làm náo động toàn quốc, người ta sợ ông bị giết mà Trung Quốc lại có nội chiến nữa. Nhật sẽ chiếm thêm đất nữa. Bà Tống Mỹ Linh bay lên Tây An, chịu chung số phận với chồng.
Tưởng bị giam 14 ngày. Trong thời gian đó, Chu Ân Lai, một nhân vật quan trọng của Cộng từ Diên An lại, bàn tính với nhóm Trương Học Lương không nên giết Tưởng , mà chỉ cần buộc Tưởng chấm dứt nội chiến để cùng nhau kháng Nhật, thả hết tù chính trị, đặc biệt là tù Cộng sản và tôn trọng những tự do căn bản.
Tưởng đành phải hứa và họ thả ông ta. Ngày 26- 12 hai vợ chồng Tưởng bay về Nam Kinh,Trương Học Lương nhận lỗi đã không giữ kỷ kuật, sẵn sàng chịu tội, và Tưởng đem Trương về giam ở Nam Kinh, nhưng đối đãi tử tế , hai mươi lăm năm sau mới thả ở Đài Loan.
Vụ đó , mấy bộ sử chữ Hán( tôi có) viết cho học sinh Trung và Đại học miền Quốc dân đẳng , đều không nhắc tới. Tôi dùng tài liệu của Pháp : Lucien Bianco, J J Brieux, Roger Lévy, và của một học giả Trung Hoa viết bằng tiếng Anh: Tsui Chi .
Vụ Tây An còn là một bí mật. Người ta không hiểu Staline có ra lệnh cho Mao hoặc ít nhất là khuyên Mao để cho Tưởng sống mà chống Nhật, ngăn bớt sức bành trướng của Nhật, có hại cả cho Nga ở biên giới phía đông không. ( 2)
Tưởng bị mất mặt , nhưng ai cũng nhận rằng trước vụ đó ông ta có thái độ can đảm, cứ giữ đường lối tạm hòa hoãn với Nhật để lập lại trật tự trong nước, huấn luyện thêm quân đội đã. Ông hiểu rõ hơn các tướng khác sức mạnh của Nhật và thế yếu của Trung Hoa (3) . Sau vụ đó ông lại tỏ ra có tư cách : Giữ đúng lời hứa miệng với Cộng : thả các tù Cộng sản ra (4) và chuẩn bị để kháng Nhật.
Mà Mao cũng có thái độ đàng hoàng : sẵn sàng hợp tác với chính phủ Dân Quốc để thực hiện những nguyên tắc của Tôn Văn mà Cộng sản nhận là cần thiết trong giai đoạn đó, sẵn sàng đình chỉ mọi hành động thù nghịch Quốc dân đảng ; giải tán chính phủ để cùng nhau chống Nhật.
Vậy là Quốc và Cộng bắt tay nhau để bảo vệ chủ nghĩa dân tộc. Toàn dân Trung Hoa hoan hô cả Tưởng lẫn Mao. Uy tín danh vọng của Tưởng tăng lên mạnh. Mao được thêm cái lợi là sinh viên , kỹ thuật gia tới Diên An khá đông mà sự mua bán với khu của Tưởng cũng dể dàng.
*(1) Chính trong vụ này mà nhà Thương Vụ ấn thư quán ở Thượng Hải cháy rụi với nhiều bộ sách cổ rất quý .
(2) Theo sách Cho Tôi Đặng Tiểu Bình , tác giả Mao Mao ( con gái Đặng) thì trong vụ này có sự tham gia của Đảng cộng sản Trung Quốc mà người đại diện là Chu Ân Lai ( BT)
(3) Nhưng người ta cũng không khỏi tự hỏi nếu không có vụ Tây An này thì Tưởng sẽ còn chịu « chìa má » ra cho tới bao giờ.
(4) Hình như có một số ít ông cho là nguy hiểm, bị ông sai người ám sát sau khi được thả .
Trong khi đó, Cộng sản ở Diên An mỗi ngày mỗi mạnh. Sau khi thành lập mặt trận thống nhất Mao tự do hoạt động ở Tây Bắc, ảnh hưởng của ông bắt dầu lan ra. Tướng Lâm Bưu thắng Nhật một trận khá lớn, uy thế tăng lên dân chúng theo đông. Đảng viên được lệnh quân Nhật tới thì phải ở tại chỗ tổ chức bí mật, du kích, ám sát, phá đường, đánh cướp xe địch để lấy võ khí. Những khu đó thành khu giải phóng . Mới đầu là khu Sơn Tây, rồi lan ra thành khu Sơn Tây- Hà Bắc- Hà Nam. Họ chế tạo súng , lựu đạn, thuốc súng, súng liên thanh, máy thâu thanh..... trong những khu giải phóng, họ tổ chức bầu cử , khuyến khích phát triển kinh tế, mở các tiểu công nghệ . Năm 1939, họ có 500.000 quân chính qui và du kích. Dân quân đông hơn nhiều. Những công đó phần lớn của đệ bát lộ quân.
Ở miền An Huy tân đệ tứ lộ quân ( có sách gọi là đệ ngũ lộ quân) phát triển cũng rất mạnh gân như làm chủ cả miền hạ lưu Dương Tử. Khi họ mới thành lập trở lại, nông dân đem các khí giới cũ đã chôn giấu lại tặng. Họ tập hợp lại rất đông, chẳng bao lâu quân số từ 13.000 tăng lên 30.000 rồi 60.000. Trong tám tháng họ đánh trên 200 trận , thu được trên 1.500 súng trường, 32 súng liên thanh của Nhật.
Thấy họ phát triển mau quá, Tưởng lo ngại, coi họ mới đáng sợ hơn Nhật, tìm cách diệt. Và đầu tháng giêng 1941, xảy ra một vụ làm toàn dân Trung Hoa phẩn uất. Tưởng Giới Thạch ra lệnh cho họ bỏ khu vực họ đang hoạt động ở phía Nam sông Dương Tửmà vượt sông đó, lên phía Bắc tập hợp với đạo quân thứ VIII của Cộng). Họ không hiểu tại sao lại bỏ khu vực đó cho Nhật chiếm trở lại, nhưng họ cũng vẫn tuân lệnh. Cuối 1940 họ bắt đầu lui quân, đầu tháng giêng 1941, ở phía Nam chỉ còn 8.000 quân với những cán bộ trong bản dinh, ban chính trị, y tế ..... Khi họ mới lên đường , tới một khúc hẻm trong núi thì bị 80.000 quân ( của Tưởng) phục kích. Viên chỉ huy, Yeh Ting (?) bị bắt sống . Viên phó mất tích, 8000 người bị giết. Chính phủ Trùng Khánh làm thinh. Nhưng tờ báo Cộng sản ở đó (vì Mao đặt một phái bộ ở Trùng Khánh do Chu Ân Lai chỉ huy, Chu được thế giới nhận là một nhà ngoại giao giỏi, nhã nhặn, tươi cười, lễ độ, bình tỉnh mà thông minh) bất chấp cơ quan kiểm duyệt, cứ đăng đủ chi tiết. Viên chủ nhiệm tờ báo bị bắt. Chu Ân Lai nhận mọi việc do ông cả, ông chịu trách nhiệm. Tưởng không giám giam Chu sợ toàn dân Trung Hoa và cả thế giới nữa cho rằng ông không lo đánh Nhật mà chĩ lo diệt Cộng. Ông tuyên bố với thông tín viên ngoại quốc rằng đạo quân đó có ý làm phản,nên phải diệt.
Một thông tín viên ngoại quốc, Archibald Kerre bảo thẳng với một sĩ quan cấp tá của Tưởng “ Thật là một chuyện ghê gớm”.
Từ đó mặt trận thống nhất chỉ có danh mà không có thực. Cả hai bên đều giữ miếng, Tưởng không nghĩ tới chuyện kháng Nhật nữa, lại lo bao vây Cộng.
Giai đoạn sau, trong thế chiến 1941 – 1945.
“ Sáng ngày mùng 8 tháng 12- 1941, đường phố Trùng Khánh ồn ào náo nhiệt lên, có tiếng rao của trẻ bán báo: “ Số đặc biệt” . Thiên hạ đổ xô ra mua rồi tụ họp nhau bàn tán.
“ ...... Cả Hội đồng quân sự hoan hỉ, Tưởng Giới Thạch sung sướng tới nỗi hát một điệu tuồng cổ và cho chạy đĩa hát Ave Maria suốt ngày. Các công chức Quốc Dân đảng mặt mày tươi rói, chúc mừng nhau ríu rít. Họ cho đó là một thắng lợi lớn, họ chỉ mong có vậy thôi mong Mỹ đánh Nhật! A , bây giờ thì Mỹ và Nhật choảng nhau rồi! Trung Hoa lại sắp hóa ra quan trọng hơn nữa. Tiền bạc và khí giới Mỹ sắp tuôn vào, Mỹ sắp cho vay và cho mượn nửa tỉ chứ không phải là số tiền bần tiện như trước nữa”.
Han Suyin ( Hàn Tú Anh) – Tác giả cuốn Một mùa hè vắng bóng chim (1) – lúc đó ở Trùng Khánh , đã ghi lại nỗi vui mừng của chính quyền Quốc Gia như trên, sau khi hay tin phi cơ Nhật chỉ trong mấy giờ , sáng ngày 7 – 12- 41, tiêu diệt trọn hạm đội mạnh nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương, đậu tại Trân Châu cảng( Pearl Harbour), quân đảo Hawai (2). Thế là Mỹ tuyên chiến với Nhật, Đức, Ý và từ nay Trung Hoa, Mỹ, Anh phải liên kết với nhau. Trung Hoa thua tức là Mỹ, Anh cũng thua. Trung Hoa cầm chân được 20.000 quân Nhật thì đỡ cho Mỹ, Anh 20.000 quân địch . Một phi trường Trung Hoa, một xưởng chế tạo khí giới của Trung Hoa vào tay quân Nhật... đều thiệt hại cho cả Mỹ và Anh.
Đầu năm 1942, Mỹ , Anh long trọng mời Trung Hoa vào phe Đống Minh, và xóa bỏ hết các điều ước bất bình đẳng từ trước để cảm ơn Trung Hoa. Bỗng nhiên Trung Hoa , thành một trong bốn đại cường quốc: Mỹ, Nga, Anh, Trung .... Vẻ vang cho Trung Hoa, nhất là cho Tưởng biết bao!
Nhật thắng rất mau. Từ 1927, họ đã có một kế hoạch làm chủ Đông Á, do nam tước Tanaka, bộ trưởng bộ chiến tranh trình lên Nhật hoàng. Họ đã thực hiện được một phần kế hoạch đó: chiếm Triều Tiên, Mãn Châu, lấn vào Hoa Bắc, làm chủ được miền bờ biển Hoa Trung và Hoa Nam.
Nay diệt được hạm đội Mỹ ở Pearl Harbour, họ chiếm Hương Cảng, Phi Luật Tân, Mã Lai, Bornéo, đánh chìm hai chiến hạm lớn của Anh( Repulse và Prince of Wales), đổ bộ lên Singapour ... Ở lục địa, họ làm chủ Đông Dương, Thái Lan, Miến Điện, tiến tới biên giới Ấn Độ. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại có một cuộc chiến thắng chớp nhoáng, rực rỡ như vậy. Cuộc chiến thắng của Đức ở Pháp năm 1940 không thấm vào đâu.
Nhưng Nhật không ngờ rằng càng chiếm được nhiều đất xa thì sức càng yếu đi, mà sức quật cường của Mỹ trong khi đó tiến rất nhanh. Lại thêm nỗi lại hậu phương tức Trung Hoa, Nhật chưa bình định được: Trung Hoa được Mỹ , Anh viện trợ rất nhiều, có tướng Mỹ Stillwell làm tư lệnh tối cao cho mặt trận Trung Hoa, phụ tá cho Tưởng Giới Thạch.
Thực ra, về phía Dân Quốc , Nhật không có gì phải lo cho lắm, Tưởng vẫn theo chủ trương kẻ thù số một là Cộng. Nhật chỉ là kẻ thù thứ nhì, đòi Mỹ, Anh viện trợ thật nhiều, nhưng để dành đó đánh Cộng, còn việc đánh Nhật thì lơ là, để cho Mỹ lo gần hết.
Năm 1942, Nhật kêu gọi Tưởng liên kết với mình diệt thực dân da trắng, lập khu vực Đại Đông Á. Uông Tinh Vệ ở Nam Kinh làm tay sai cho Nhật, dụ dỗ phe Tưởng và phe Tưởng cũng có một số người nghe vì thấy Mỹ, Anh thua Nhật liểng xiểng.
Năm 1943, Quốc Dân đảng dùng một thủ đoạn đại quỉ quyệt. Khi bị Nhật tấn công, nhiều đơn vị Quốc Dân đảng được phép đầu hàng Nhật. Rồi nhiều tướng tá đào ngũ, đem khí giới qua chính quyền bù nhìn của Uông Tinh Vệ. Như vậy đỡ phải nuôi các quân đó, mà gởi Uông - tức Nhật – nuôi dùm rồi sau này dùng họ để đánh Nhật. Nhật cũng có lợi- trước mắt : bớt được một số địch, thêm được một số quân trên mặt trận Trung Hoa, như vậy có thể rút bớt quân để đem chiếm đánh các nơi khác ở Đông Á.
Có khi Nhật dùng ngay những quân đầu hàng đó để đánh Cộng sản, Tưởng càng mừng nữa, Mỹ không thể trách vào đâu được.
Như vậy năm 1943, có tới 42 tướng , 70 sĩ quan cấp tá và 500.000 quân lính quốc gia đưa qua mặt trận Nhật, giảm chiến phí cho Tưởng được bộn. Thủ đoạn của Tưởng đó, Brieux và Han Suyin đều chép theo báo Cộng sản. Tôi không dám chắc là đúng hẳn, nhưng quả thực là quân của Tưởng qua Uông khá đông.
Cũng năm đó, Tưởng tính rút quân trên mặt trận chống Nhật , để tấn công đạo quân thứ VIII của Cộng sản, sau đó lại thôi, vì sợ dư luận quốc tế, mà cũng vì tướng của Tưởng sợ tài du kích của Cộng sản, không chịu đưa quân ra trận.
Các quân nhân Mỹ thấy chính sách của Tưởng như vậy, tinh thần của tướng Quốc gia như vậy, nên bất bình, tỏ vẻ khinh ra mặt. Người bị tướng Stillwell chê nhất là Tưởng Giới Thạch : “ Chính quyền Trung Hoa ở trong tay một người ngu dốt, độc đoán đoán , bướng bỉnh, chỉ dùng sự đàn áp và tư sủng mà đứng được ... Ông ta biết những sự gian lận , thối nát mà không có cách nào trừ được”.
Ở khu Cộng sản, tình hình trái hẳn. Những phi công Mỹ thả bom Nhật mà hạ xuống khu Cộng sản thì được tiếp đón niềm nở, săn sóc rồi đưa về khu Quốc dân, họ được thấy một đạo quân có kỷ luật , không cướp bóc của dân, tinh thần hy sinh rất cao, nên ngạc nhiên không hiểu sao chính quyền họ lại giúp Tưởng . Cộng sản tuyên truyền thật khéo léo.
Năm 1942, phó tổng thống Mỹ Hennry A. Wallace đi tham quan Trùng Khánh rồi Diên An. Khi trở về, phấn khởi lắm, vì ở Diên An , rõ ràng là người ta hăng hái kháng Nhật. Người ta không xin viện trợ máy bay, xe thiết giáp, súng đại bác mà chỉ xin plastic ( chất nổ) , súng trường , bazooka. Vừa chiến đấu, người ta vừa sản xuất, để tổ chức hành chánh.
Những nhận xét đó đúng, vì tôi thấy vài tác giả phương Tây cũng khen Cộng sản như vậy. Ở Diên An người ta có kỷ luật, có tinh thần hơn ở Trùng Khánh, không tham nhũng, và năm 1942, Mao chỉ dùng du kích chiến thì xin máy bay và xe thiết giáp để làm gì? Nhưng có lẽ đó chỉ là bề ngoài.
Theo tập nhật ký 1942 – 1945 của người Nga – Vladimirov, một phái viên liên lạc của Quốc tế Cộng sản bên cạnh ban chấp hành Trung Ương Cộng sản Trung Hoa ở Diên An ( bản dịch của Hà Nội) thì Mao cũng quá quắt lắm. Cộng sản Trung Hoa trước sau bao giờ cũng mong cho Nhật quấy phá Tưởng để Tưởng yếu đi. ( Coi vụ Mãn Châu) , năm 1937, do lòng dân mong mỏi mà Tưởng và Mao lập mặt trận thống nhất chống Nhật. nhưng chỉ hơn một năm sau, mặt trận đó hữu danh mà vô thực, cả hai bên đều giữ miếng nhau, lơ là việc đánh Nhật, bảo toàn lực lượng để sau sẽ diệt lần nhau, và năm 1939, họ đồng tình phá sự thống nhất. Từ đó Cộng cũng lo đánh Quốc hơn là đánh Nhật, cũng trồng và bán thuốc phiện cho Nhật. Đặng Bảo Sơn là vua thuốc phiện ở khu Cộng, Mao cũng ngầm ra lệnh cho tân tứ quân tiếp xúc với viên chỉ huy quân đội chiếm đóng Nhật .... Tóm lại, là cũng dùng tất cả những thủ đoạn của Tưởng. Có lẽ chỉ kín đáo hơn thôi, người Mỹ không biết được.
Năm 1944, Mỹ lấy lại được các đảo ở Thái Bình Dương, tính bao vây Nhật, Nhật vội vàng mở trước một ngã thoát, tấn công ồ ạt Trung Hoa, chiếm trọn Hà Nam, một tỉnh giàu nhất miền Bắc, rồi hai đạo quân cùng tiến theo xe lửa Quảng Châu- Hán Khẩu, một khởi hành từ Nam, một khởi hành từ Bắc, gặp nhau ở Trường sa, cắt Trung Hoa làm hai. Họ dẹp hết quân Trung Hoa trong khu vực từ đường sắt đó ra tới biển . Cuối năm đó, Mỹ mất hết căn cứ ở miền Đông Nam Trung Hoa
Ở Trùng Khánh là một cảnh hoảng loạn chưa từng thấy. Kẻ giàu có thì đem vàng mua vé máy bay để trốn. Trên các đường lại có hàng triệu người tản cư như năm 1937, chết đói, chết rét ....
Quân đội tan rã. Sĩ quan chỉ nghĩ tới lợi riêng, sát phạt nhau để chiếm một miền phì nhiêu, quân lính chỉ lo cướp bóc dân chúng.
Ở Diên An dân chúng rất bình tĩnh kháng Nhật, không suy sụp về kinh tế; nhờ quân , dân cùng chung sức nhau khai thác đất đai, mục súc. thấy vậy, Nhật cho phe Quốc không đáng lo chút nào cả, đem toàn lực lượng để dẹp Cộng , dùng cả hơi độc. Cả hai bên đều thiệt hại nặng ở Hà Bắc. Chiếm được khu nào, Nhật tàn phá mùa màng, khủng bố nhân dân, phá hết các đồ đạc, dụng cụ , đốt hết lúc thóc. Có những thị trấn trên 150.000 người bị san thành bình địa, như thị trấn Thường Đức ở Hồ Nam (3)
Cộng sản phản công, đem những lực lượng rất hùng hậu, hạ đồn Nhật, diệt Hán giang. Cả hai bên đều dùng chính sách khủng bố. Quân của Uông Tinh Vệ đào ngũ, qua phía Cộng. Lần lần, Cộng lấy lại được thế mạnh, cùng nỗi dậy, đánh du kích quân Nhật ở khắp nơi, lập được những khu giải phóng ở bờ biển để đội quân Đồng Minh đổ bộ lên.
Một tờ báo Nhật nhận định đúng tình hình đó, viết : « Kẻ thù chính của chúng ta là cộng sản. Họ biết gây ý thức quốc gia và quyết chiến với ta. Còn quân Trùng Khánh thì mất hết ý chí chiến đấu rồi ».
Nhưng qua năm 1945, áp lực của Mỹ càng ngày càng làm cho Nhật thêm khốn. Tháng 4, Mỹ đổ bộ lên Okinawa, tháng 6 chinh phục đảo đó. Tháng 7 giải phóng hoàn toàn Phi Luật Tân .
Quân Trung Hoa cả hai phe biết rằng chiến tranh sắp chấm dứt, phấn khởi lên, phản công, chiếm lại nhiều thị trấn, phi trường trong các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Chiết Giang, thu lại nhiều đất đai ở Quảng Tây, Phúc Kiến, dồn quân Nhật qua Đông Dương và chiếm Móng Cáy.
Mỹ trút bom xuống các đô thị, trung tâm kỹ nghệ, hải cảng Nhật, khi Đức đầu hàng rồi. Mỹ càng lo giải quyết gấp với Nhật. Ngày 29- 7 chính phủ Nhật bác bỏ tối hậu thư của ba nuớc Mỹ, Anh, Trung Hoa. Tối hậu thư đó thảo ra sau cuộc hội nghị ở Postdam, chỉ cho Nhật lựa một trong hai điều : đầu hàng không điều kiện hoặc bị tiêu diệt.
Trong mấy tháng đó, Tưởng càng muốn lấy lòng Mỹ, tỏ ra tự do, dân chủ, thay đổi vài nhân viên trong chính quyền, dùng lại Tống Tử Văn mà người Mỹ tin cậy, cho làm chủ tịch viện Hành chánh tức như Thủ tướng . Giao bộ thông tin cho Vương Thế (4) một người liêm khiết được cảm tình của Mỹ và ra lệnh nới tay trong việc kiểm duyệt. Ông ta cho bầu lại Ủy Viên Hội đồng hành chánh và Ủy viên hội đồng giám sát.
Phe tả hy vọng được nhiều đại biểu trong chính quyền. Nhưng Tưởng lập sẵn một danh sách 480 ứng cử viên cho Quốc dân tự ý gạt bỏ 20 người ( 5) . Chỉ có 200 người chịu lối bỏ phiếu chỉ định đó. Tưởng lại còn ra lệnh mỗi cử tri phải ký tên lên lá phiếu của mình. Tới mức đó thì chỉ có vài người can đảm không bỏ phiếu, còn bao nhiêu tuân lệnh răm rắp. thế là đảng của Tưởng thắng, tay sai của Tưởng vẫn ngồi đầy trong các cơ quan từ quân đội tới đại học. Toàn quốc ghê tởm trò đó.
Rồi hai trái bom nguyên tử nổ ở Nhật, Nhật đầu hàng không điều kiện.
*(1) Hàn Tú Anh . Một mùa hè vắng bóng chim, Nguyễn Hiến Lê dịch - NXB Hội Nhà văn 1990
*(2) Theo J J Servan Shreiber trong cuốn Le Défi mondial Paris 1980. thì tổng thống Mỹ Roosevelt đã hy sinh hạm đội đó để nhử Nhật, Nhật diệt hạm đội đó thì dân chúng Mỹ mới phẩn uất , cho ông quyền được tham chiến bên cạnh Đồng Minh. Từ đầu thế chiến dân Mỹ vẫn chỉ muốn trung lập và ông đã hứa với dân sẽ trung lập để họ bầu ông trong nhiệm kỳ thứ ba, điều đó rất đặc biệt , chưa tổng Thống nào được vinh dự ấy
* (3) Tỉnh Hồ Nam này năm 1941 mất mùa rồi lại bị nạn châu chấu, dân đói quá phải ăn lá cây, một cân lá giá năm viên. Trên đường rải rác xương người, có tới ba triệu người chết đói.
* (4) Tôi không thấy chữ này trong Từ Hải và Từ Nguyên.
*(5) Cộng sản cũng dùng lối bỏ phiếu đó.
Hai bên chạy đua nước rút.
Bổng nhiên, Tưởng được cái danh là thắng Nhật, cứu quốc. Sự thực ông chỉ đứng về phe thắng Nhật thôi, nhưng dân tộc Trung Hoa cũng đã phải hy sinh tới 3 triệu người.
Năm đó ông 58 tuổi ( 1887 – 1945) ngôi sao của ông lên đến cực điểm. Cả nước tưng bừng , mà các nhà cầm quyền Quốc và Cộng thì tíu tít. Tới lúc phải chạy nước rút để chiếm cho được thật nhiều đất
“ thử xem rồi đây thiên hạ về ai?”
Theo thỏa hiệp giữa các Đồng Minh ở Yalta thì Nga sẽ giải giới Nhật ở Mãn Châu, còn từ Vạn Lý Trường thành trở xuống. Trung Hoa sẽ giải giới. Tức thì Chu Đức ( tướng Cộng) ra lệnh cho quân đội chiếm tất cả những nơi có quân Nhật từ sông Dương Tử lên tới trường thành, rồi tiến lên Mãn Châu , Mông Cổ để hợp với quân Nga. Còn Tưởng thì ra lệnh cho đạo quân thứ VIII và thứ IV của Cộng không được dời chỗ, và ra lệnh cho Nhật chỉ được giao khí giới cho quân Quốc gia.
Tưởng lại đánh điện mời Mao đến Trùng Khánh thương thuyết. Mao đòi những thị trấn lớn nào có khá đông Cộng sản thì bên cạnh thị trưởng Quốc dân đảng thêm một phó thị trưởng Cộng sản . Tưởng không chịu, muốn Trung Quốc là một quốc gia thống nhất, các tỉnh trưởng phải tùy thuộc trung ương. Mao cũng không chịu, lấy lẽ rằng Trung Quốc có nhiều miền rất khác nhau, nên dùng chính thể liên bang , mỗi địa phương có quyền tự trị rộng rãi.
Sau cùng, những cuộc thương thuyết , Quốc đã chiếm được nhiều đất rồi, muốn giải quyết bằng vũ khí cho mau.
Trong mấy năm kháng Nhật ( 1938- 1945) lực lượng của Quốc suy đi mà của Cộng thì mạnh hơn. Khi Nhật đầu hàng , Cộng đã làm chủ gần hết Hoa Bắc, trừ những thị trấn lớn , nhiều miền ở Hoa Trung và một số điểm ở Hoa Nam; Năm 1935 họ chỉ có 30.000 quân thì bây giờ có 910.000 quân chánh qui với hai triệu dân quân. Khi nhờ sự đồng tình của Nga, họ chiếm được Mãn Châu thì toàn thể số dân họ chiếm được là 130 triệu . Đảng viên của họ lên tới 1.200.000. Sức mạnh của họ về quân số , ngang với Quốc. Võ khí còn kém nhưng họ có kinh nghiệm hơn, có tinh thần chiến đấu, được lòng dân hơn. Còn về phía Quốc thì được cái danh là một trong tứ hay ngũ cường, nhưng quân đội và công chức đã mất sự hăng hái buổi đầu, nhiều kẻ hóa tham nhũng, mà kinh tế suy đến cùng cực rồi. ( Coi nạn lạm phát nói ở trên).
Nhưng năm 1946, Tưởng được Mỹ giúp rất nhiều: đủ các thứ phi cơ phóng pháo lớn nhỏ, vận tải; hằng ngàn cam nhông, xe lửa, tàu chiến nữa ... để chở quân đội quốc gia lên phía Bắc mà giải giới Nhật cho mau trước khi Cộng tới.
Ở Hoa Trung, Cộng phải rút lên Mãn Châu, lên Tứ Xuyên. Họ cũng được Nga giúp đỡ nhưng ít, Nga không nhiều phương tiện như Mỹ , vả lại Nga muốn giữ lới hứa với Đồng minh Mỹ, Trung Hoa, không muốn ra mặt giúp Cộng. Có thể còn do lẽ Staline không ưa Mao, cho thứ Cộng sản của Mao chỉ là giả hiệu ( Communisme à la margarine : Margarine là chất béo ở trong dầu như dầu đậu phụng chẳng hạn, tạm thay bơ – “ beurre” - chất béo ở trong sửa bò), vì Mao không theo đúng thuyết của Marx, dùng thợ thuyền để làm cách mạng, mà dùng nông dân . Nông dân dù bần cố nông đi nữa thì cũng còn óc tư hữu không thực là cách mạng; lại thêm cách mạng của Mao có tính cách quốc gia – nationaliste - chỉ giải phóng quốc gia thôi, thiếu tinh thần quốc tế .
Nga chỉ giúp Mao được hai việc:
1- Tước khí giới của Nhật rồi giao cho Mao ( những thị trấn ở Mãn Châu thì giao lại cho Tưởng) còn các nhà máy , đường xe lửa thì Nga chở hết về nước để kiến thiết lại xử sở.
2- Phái Thống chế Timochenko qua dạy cho quân đội Cộng cách chiếm các thị trấn lớn, các đường xe lửa, làm cố vấn cho Cộng trong mặt trận ở Mãn Châu và ở Hoa Nam, phái Thống chế Joukov - người đã thắng Đức- qua huấn luyện du kích quân của Mao đánh những trận chinh chiến ( hai bên dàn quân thành mặt trận ). Tóm lại , Nga chỉ giúp về chiến thuật và võ khí giải giới của Nhật thôi.
Vì vậy năm 1946. Quốc tiến thì Cộng phải lùi, nhưng lùi theo đúng một chiến lược khôn khéo, để cho quân của Tưởng yên ổn chiếm các thị trấn mà không kháng cự gì cả. Những thị trấn đó lần lần thành gánh nặng trên lưng Tưởng.
Sức Quốc Dân đảng tiêu ma lần vì phải chiếm đóng các thị trấn giống các đồn lũy, tự nhốt mình trong đó, các tướng tá không chịu ra khỏi mấy bức thành, sợ giao chiến , sợ bị phục kích, chung quanh thị trấn, Cộng sản tự do tổ chức thôn dã, khẩn hoang, trồng trọt.
Trong năm rút lui theo chiến lược đó, Mao dụng tạm để cho Hồ Tôn Nam chiếm Diên An. Biết Hồ sắp tới. Mao rút hết khỏi Diên An, không để lại một chút gì. Hồ vô, thấy Diên An trống rổng, tuyên bố rằng đã chiến thắng lớn. Sau đó Cộng quân nhử Hồ đi một vòng lớn khắp Hoa Bắc. Hễ Hồ tới thì Lâm Bưu phải lui. Hồ quay về thì Lâm đánh. Khi Hồ mệt mỏi rồi, Hồng quân mới xung phong và giải quyết rất mau. Tháng 5- 1947, Lâm Bưu dùng 300.000 quân chính qui với cả triệu dân , quân tấn công quân của Tưởng , bao vây Thẩm Dương, Trường Xuân, Cát lâm, Quân Quốc Dân dảng chạy tán loạn, bỏ lại quân nhu, khí giới , xe cộ.
Từ đó Cộng càng mạnh lên, mà Quốc Dân đảng càng lụn bại. Qua tháng 9- 1948 thì giai đoạn cuối cùng bắt đầu.
- Mỹ muốn hòa giải hai phe
Nhưng chúng ta hãy ngưng một chút để xét thái độ của Mỹ trong thời này đã.
Trước khi chết , tổng thống Mỹ Roosevelt dặn phải rán hòa giải Quốc và Cộng cho kỳ được. Ông không ghét Trung Cộng, thấy họ chiến đấu vì tinh thần quốc gia và chỉ theo chính sách tân dân chủ mà ông cho là đúng. Truman lên thay ông, theo chủ trương của ông, phái tướng Marshall qua, thay sứ thần Hurley, mà hòa giải Quốc và Cộng. Mấy lần Marshall thuyết phục hai bên đình chiến để hòa đàm. Ông lại ép Tưởng Giới Thạch áp dụng hiến pháp đã thảo từ mười năm trước, nay sửa lại ít nhiều trọng những tự do dân chủ.
Tưởng phải theo, tuyên bố hết thời kỳ huấn chính rồi, cuối tháng 10 – 1947 sẽ bầu cử quốc hội. Từ 21 đến 24- 10, 250.000 triệu dân đi bầu 2. 971 đại biểu.
Người ta lập danh sách và thẻ cử tri đàng hoàng, nhưng tới ngày bầu cử thì có người không nhận được thẻ, có người được 3- 4 thẻ và dùng tất cả , không được bầu kín, mà cử tri phải ghi tên người mình muốn bầu trước mặt một ông kiểm soát viên Quốc dân đảng , 95% dân quê không biết chữ thì có người của Quốc Dân đảng cầm tay vẽ cái dấu thay tên ứng cử viên A, ví dụ dấu + dân O thay tên ứng cử viên B .... việc đếm phiếu làm kín, và hai tháng sau mới có kết quả: có 2.045 ghế thì ứng cử viên chính thức ( của chính phủ giới thiệu) được 1516 ghế, trong số đó Quốc Dân đảng được 1342 ghế, còn 93 ghế của Đảng dân chủ, 81 ghế của đảng tân Trung Hoa.
Đảng Cộng sản không dự.
Dĩ nhiên Tưởng được bầu làm Tổng Thống: 2430 phiếu, địch thủ của ông là Chu Chang ( ?) 269 phiếu. Lý Tôn Nhân làm phó Tổng thống . Thủ tướng là ông Văn Hạo.
Marshall thấy trò bịp bợm đó của Tưởng chán nản bảo:
- “ Không thể cải cách gì được với con người phản động ( néactionnaire) đó”. Chắc Tưởng cũng chê lại Marshall là ngây thơ.
Trước sau, Quốc và Cộng họp nhau hai ba lần để Marshall tìm cách hòa giải nhưng làm sao hòa giải được? Khi Tưởng mạnh thì Tưởng muốn nuốt Mao, mà khi Mao mạnh thì Mao cũng muốn diệt Tưởng . Lẽ tự nhiên như vậy.
- Bây giờ ta trở lại cuộc tranh hùng của Tưởng và Mao.
Từ tháng 9 – 1948, Cộng ồ ạt tấn công. Chỉ trong ba tháng, Lâm Bưu chiếm được trọn Mãn Châu, Thiên Tân, rồi Bắc Kinh bị hạ trong hai tuần. Hoa Bắc vào trong tay Cộng, toàn là do công của Lâm Bưu.
Ông Văn Hạo từ chức Thủ tướng. Tôn Khoa vốn có cảm tình ít nhiều với Cộng ( vì nhận rằng Mao theo đúng chủ nghĩa dân sinh của cha) được Tưởng cử lên thay Hạo, hy vọng thương thuyết được với Cộng, nhưng Mao đưa ra 8 điều kiện gắt quá. Tưởng không sao chấp nhận được.
Chiếm trọn Hoa Bắc rồi, Cộng tiến xuống Hoa Nam, ngày 10 –1- 1949 Tưởng đem hết lực lượng ra đánh canh bạc cuối cùng, tức trận Hoài Hải ( Huai Hai) mà các nhà quân sự cho là một trong những trận lớn trong lịch sử hiện đại ( có thể ví với trận Waterloo của Napoléon) ở khoảng 150 cây số phía Tây Bắc Nam Kinh. Chính Tưởng lựa địa điểm đó mặc dầu các chiến thuật gia của ông cản ngăn, ông tung vào đó nửa triệu quân mà Trần Nghị và độc long tướng quân Lưu Bá Thừa chặt ra từng khúc, rồi bao vây. Một đạo quân của Tưởng tới cứu, với rất nhiều khí giới nặng, nhưng khi hay tin Tưởng tính thả bom tiêu diệt tất cả thì quân Quốc Dân đảng đầu hàng Cộng. Vậy là trong 4 tháng từ 9- 1948 tới 1- 1959, Quốc mất non một triệu quân . Trận Hoài Hải lịch sử đó, tôi không thấy một sử gia nào nói tới , trừ Bianco.
Ngày 21 –1 Tưởng rút lui khỏi chính quyền, giao việc nước cho Lý Tôn Nhân và Hà Ứng Khâm.
Sau đó Cộng vô Nam Kinh ( Tưởng đã dời kinh đô từ Trùng Khánh xuống đó mấy năm trước). Hán Khẩu , Thượng Hải, ngừng một chút để gom lực lượng rồi vượt sông Dương Tử. Chỉ trong hai ngày mà 300.000 người qua được con sông rộng 1.600 thước đó.
Từ đấy quân của Lâm Bưu tiến như vũ bảo, còn nhanh hơn quân Cộng sản Việt nam, đầu năm 1975 nữa. Có ngày vượt 45-50 cây số. Tràng sa đầu hàng ngày 4_8, Phúc Châu bị chiếm ngay 17-8, Quảng Châu ngày 15 – 10 . Rồi tới Trùng Khánh , Thành Đô , Côn Minh, Tàn quân của Tưởng chạy qua Đông Dương hoặc trốn ở Hải Nam (đảo này sau bị Mao chiếm).
Ngày 1-10- 49 Mao tuyên bố thành lập nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Mao làm chủ tịch. Ngày hôm sau 2-10 , Nga đoạn tuyệt với chính phủ Dân quốc, thừa nhận chính phủ Cộng Hoà nhân dân. Tiếp theo là các nước cộng sàn ở Đông Âu: Roumanie, Bulgarie, Hungarie.... Ngày 21 612, Mao qua Moscou ( lần đầu tiên ông ta ra khỏi nước) để chúc thọ thất tuần của Staline và ký một hiệp ước tương trợ 30 năm với Nga, Anh do dự ít lâu rồi cũng thừa nhận để bảo vệ quyền lợi ở Hương Cảng.
Sau khi từ chức Tổng Thống, Tưởng về thăm quê hương rồi lên thăm Trùng Khánh, sang Phi Luật Tân, Ấn Độ thăm thủ tướng hai nước đó, bà Tống Mỹ Linh cùng qua Mỹ xin giúp đỡ, nhưng không được một kết quả gì cả.
Mặt trận Trung Hoa – MIÊN ẤN
Trong thế chiến II
( HÌNH BẢN ĐỒ)
Cuối năm 1949, Tưởng bay qua Đài Loan , mang theo vàng trong kho và những bảo vật, mỹ nghệ ở Bắc Kinh. Quân đội còn được 2 –3 trăm ngàn người theo ông qua đó.
Năm 1938 ông ta khôn khéo lựa tỉnh Tứ Xuyên để trốn. Lần này ông cũng sáng suốt , lựa Đài Loan ở trong hệ thống chiến lược của Mỹ . Mỹ sẽ không bỏ nó, tức không bỏ ông.
Mới ba năm trước, ông ta được toàn dân hoan hô, ngưỡng mộ thì bây giờ bị 85% dân chúng ( theo Han Suyin) từ bỏ, oán ghét đến xương tủy. Mỹ đã bỏ vào Trung Hoa bao nhiêu tỉ đô la, còn bị ghét hơn nữa. Phong trào bải Mỹ phát sinh từ tháng giêng năm 1947 trong giới sinh viên. Nguyên nhân là “ tụi Mỹ đi tới đâu là mở ổ điếm tới đó. Họ là một đạo quân chiếm đóng, hành động như một đạo quân chiếm đóng ....Cái gì họ cũng có quá nhiều, họ bán số thừa thãi để lấy tiền .... Có một số đàn bà giao thiệp với họ để kiếm son bôi môi, hàng lụa, vớ nilông, thức ăn. Họ mua quịt, hành hạ kẻ nào họ không ưa. Thành phố nào cũng hóa ra thối tha. Mọi người đều ghét họ, cả những người rút rỉa tiền của họ .... Họ muốn làm gì thì làm, chửi người ta, đấm đá cu li, buộc cu li phải chạy đua như bầy thú vật “ Han Suyin trong Một mùa hè vắng bóng chim”
Chính quyền Mỹ không thấy rằng hễ viện lẽ giúp một chính quyền thối nát mà đưa quân vô nước đó thì chỉ làm cho chính quyền đó mau sụp đổ, vì như vậy là làm cho nỗi bất bình của dân chúng tăng lên, rồi đồng hóa Mỹ với chính quyền đó. Họ đã phải cay đắng thua ở Trung Hoa mà không rút ra được một bài học, lầm lẫn trở lại ở Việt Nam trong những năm 1965 – 1974. Cảnh han Suyin tả ở trên, tôi cứ ngỡ rằng đã đọc trên một tờ báo nào ở Sài Gòn mấy năm đầu 70 .
Học giả nào ở Tây Phương cũng nhận rằng Tưởng có nhiều đức, có tư cách.
Từ đời Tống hay trước nữa. Trung Hoa đã rất nghèo, mặc dù rất văn minh. Mỗi lần lụt lớn rồi hạn hán thì dân chết hàng ức hàng triệu người. Cảnh nông dân phải bán vợ đợ con , đã có vài ba đứa con rồi mà sinh thêm con gái thì nhận nước cho nó chết hoặc bỏ ở bờ sông, lề đường, những cảnh đó xảy ra rất thường.
Nạn đói kinh khủng nhất xảy ra ở miến Sơn Tây, Thiểm Tây năm 1978 - 1979: Có tới từ 9 đến 13 triệu người chết đói. Dân các miền khác đỡ hơn, nhưng dân bất kỳ miến nào cũng lo đói: Tới gần đây mà ở Phúc Kiến người ta còn chào nhau: “Ăn cơm chưa ?”
Năm 1406 đã có những sách kể trên 400 thức ăn thay lúa gạo , như món bánh tráng làm bằng cây bông vải, cây gai, có thứ miến ( bún Tàu) làm bằng bột đá nghiền thật nhỏ, trộn với đất sét, vỏ cây, rễ cây. Năm 1946, những sách đó đã được in lại , như vậy có nghĩa là tình trạng chưa được cải thiện gì nhiều.
Hễ đói quá thì không còn lễ nghĩa, nhân đạo gì cả.
Trong cuốn Origines de la révolution chinoise, Bianco chép lại vài truyện rất bi thảm. Trong một gia đình nọ ở ranh giới hai tỉnh Tứ Xuyên và Thiểm Tây, người cha chết, mà người mẹ cũng suy nhược lắm rồi. Các con bàn với mẹ, đừng chôn cha vội, có thể mẹ cũng không sống được tới mùa hè, trước khi thây của cha hôi thối ; như vậy sẽ chôn cả hai một lần, đỡ tốn kém. Mẹ bằng lòng, và các con đặt quan tài vô trong phòng lạnh nhất : phòng mẹ nằm ; rồi chất đá lên trên nấp quan tài để cho khỏi ăn xác.
Họ nghèo nên đành bỏ chữ hiếu, mà lo cho người sống trước đã.
Chuyện chó ăn xác người, cũng như chuyện khoét thịt trẻ con, cả người lớn, không còn làm cho ai nữa.
Truyện thứ nhì do các nhà truyền giáo Mỹ kể lại. Một thiếu niên nhà nghèo quá, cha mẹ bán cho một gia đình không con. Sáu năm sau gia đình này sanh được một đứa con trai, bèn đuổi đứa con nuôi đi. Nó lang thang đi xin ăn cả tháng trong miền , chỉ còn xương bọc da. Cũng chỉ vì nghèo quá mà không còn chút tình người.
Truyện thứ ba : Một nông dân mới bị bắt lính không biết kỷ luật nhà binh bị lính canh kêu lại, chỉ vì trả lời trể mà bị một viên đạn vào phổi.
Trung Hoa là xứ của đạo Khổng ; một đạo rất nhân ái, mà người ta tàn nhẫn như vậy, coi đời sống nông dân không bằng đời sống một con trâu, một con ngựa ....
Theo Han Suyin ( trong sách đã dẫn) (1) tuy theo Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh, có lần nông dân bị bắt làm xấu giữa mùa cấy hay mùa gặt, nên nổi loạn – 2.000 người bị giết. lần khác 6.000 nông dân bị bắt lính đưa lên Tây Bắc tới nơi thì chỉ còn có 700 sống sót.
Chúng ta đã biết năm 1938, Tưởng cho phá đê Hoàng Hà để chận quân Nhật. Nhật không bị chận , mà một triệu dân chết vì lụt.
Chính Han Suyin đêm tối đi đỡ đẻ cho vợ một phu xe. Họ ở trong một cái chòi cất trên lề đường. Sản phụ nằm trên một tấm ván kê lên mấy cục đá giữa một chỗ nhơ nhớp, hôi thối. Không có một ngọn đèn, đứa nhỏ sanh ra, không có một cái tả để quấn. Han Suyin phải cho họ một chiếc khăn bông để quấn nó.
Cũng theo Han Suyin , ở Tứ Xuyên cứ hai người thì có một người nghiện. Chưa bằng một lần bà đi qua ở miền Quí Châu : làng có vài ba trăm nóc nhà , nhà nào cũng tiều tụy sắp đổ nát, và người dân nào cũng nghiện, y như những bộ xương biết đi. Bà thương hại đồng bào của bà « sống như loài vật trên một non sông tuyệt đẹp ».
Lời đó khiên tôi nhớ lại cảm tưởng của tôi lần đầu tiên coi một tấm hình kéo ghe chụp vào khoảng sau 1940, in ở trang 384 cuốn East Aisa – The Modern trasformation ( 1965) . Hai chục người sắp làm hai hàng . Người nào tay phải cũng nắm kéo một sợi dây, vai trái quàng vào sợi dây để lôi. Họ cúi gập làm đôi, mặt gầm xuống, bàn tay trái chấm đất. Ở trên nhìn xuống chỉ thấy hai dẫy lưng trần, không nhận kỹ thì tưởng là lưng một bày cừu
Han Suyin còn kể nhiều cảnh thương tâm nữa, tôi không thể chép hết được.
Đời sống của họ nhục nhã, điêu đứng như vậy mà Tưởng Giới Thạch , không lo cải thiện cho họ thì họ ùn ùn theo Mao là phải. Tới khi chính quân đội của Tưởng thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc uống, cũng bỏ Tưởng nữa thì Tưởng sụp đổ tức thì. Đó mới là nguyên nhân chính, còn những nguyên nhân khác Tưởng vô tài, bất lực, tay sai của Tưởng tham nhũng ... chỉ là phụ .
*(1) Cuốn Un été sans oiseaux ( Mùa hè không bóng chim)
A- ĐẢNG VÀ HIẾN PHÁP NĂM 1954.
Thành phần của đảng
Năm 1927, sau khi các cuộc nổi dậy của thợ thuyền thất bại ở các thị trấn, Mao Trạch Đông quyết dựa vào nông dân, vì theo ông, ở Trung Hoa nông dân chiếm 80%-90% dân số, không có họ thì cách mạng không thể thành công được. Thời đó ông nghĩ rằng lực lượng cách mạng phải gồm 70% nông dân, 30% thị dân và quân đội.
Sau ông thấy chủ trương đó sai (khi in lại tác phẩm của ông, ông bỏ đoạn đó đi). Không có thợ thuyền (vô sản) hướng dẫn thì nông dân không làm được gì cả; mà thợ thuyền không có một tổ chức tiến bộ (1) - tức Đảng Cộng Sản - hướng dẫn thì không thành công. Cho nên năm 1945 ông bảo "Đảng cộng sản chúng tôi bao giờ cũng giữ quan điểm vô sản".
Năm 1949 khi cộng sản chiếm các thị trấn rồi, Ủy ban trung ương của Đảng quyết định thay đổi trung tâm hoạt động của Đảng, rán tăng thành phần vô sản lên. Năm 1954, riêng ở Thượng Hải - thành phố công nghệ lớn hạng nhì ở Trung Quốc- có hàng ngàn thợ nhà máy được vô Đảng. Nhưng vai trò của nông dân vẫn quan trọng. Những giai cấp khác mà "tiến bộ" , nghĩa là chấp nhận quan điểm vô sản thì cũng được vô Đảng.
Qui chế
Qui chế của Đảng được vạch rõ năm 1956. Đại khái như sau:
Đại hội toàn quốc được bàn trong kỳ hạn 5 năm, và theo lý thuyết, mỗi năm họp một lần để quyết định chính sách, đường lối của Đảng. Đại hội bầu uỷ ban trung ương - cũng trong 5 năm gồm 98 uỷ viên chính thức và một số dự khuyết. Chủ tịch là Mao Trạch Đông.
Ủy ban trung ương lại bầu " bộ chính trị" gồm 19 uỷ viên. Bộ này quyết định về hoạt động của Đảng và đời sống của toàn quốc.
Bộ lại cử ra bảy uỷ viên đứng đầu vào uỷ ban thường trực của bộ. Họ có quyền tối cao.
Ở cấp, tỉnh, huyện các hội nghị và uỷ ban cũng tổ chức như trung ương. Điểm này rất quan trọng: Các tổ chức của Đảng chỉ huy các tổ chức quốc gia, từ trên xuống dưới. Chủ tịch hội đồng quốc gia (tức như Tổng thống ở các nước Mỹ, Pháp), chủ tịch hội đồng bộ trưởng (tức như Thủ tướng) phải theo lệnh của uỷ ban trung ương Đảng, của bí thư Đảng. Ở tỉnh huyện, uỷ ban hành chánh phải theo lệnh của bí thư đảng bộ tỉnh hay huyện. Tổ chức đó y hệt Nga (Liên Xô) mà Việt Nam cũng vậy.
(1) Thành phần tiến bộ đó, bất kỳ trong đảng cách mạng nào, mới đầu cũng là giới tri thức tiểu tư sản.
Ý thức hệ:
Về ý thức hệ Mác xít chúng ta chỉ cần nhớ mấy điểm này:
- Giai cấp đấu tranh là hiện tượng thời nào cũng xảy ra từ xưa tới nay, muốn vô đảng thì phải chấp nhận quan điểm đó; phải quyết tâm diệt các giai cấp thù địch, tức: Bọn đế quốc, đại điền chủ, quan liêu....Như vậy là có lập trường giai cấp.
- Thiểu số phải phục tùng đa số. Khi thảo luận về mọi vấn đề thì đảng viên có thể đưa ra ý kiến của mình, bênh vực nó, nhưng khi đa số đã quyết định rồi thì dù ngược với ý kiến của mình, mình cũng phải theo triệt để, có vậy đảng mới thống nhất, mới mạch lạc được.
- Quan niệm tự do của những người không phải Mác -xít là tự do giữ quan điểm ý kiến của mình, đối với người Mác-xít, trái lại chỉ được tự do phát biểu quan điểm Mác-xít thôi.
Cấp bậc, quyền hành:
Cộng sản có mục đích diệt tất cả các giai cấp thù địch; khi diệt xong thì trong xã hội chỉ còn người cộng sản, không còn giai cấp nữa, do đó không còn giai cấp đấu tranh nữa. Nhưng giai đoạn hiện tại chưa có thể bình đẳng được, không thể ai ai cũng có quyền và hưởng lợi như nhau được; vẫn còn phải theo nguyên tắc, làm theo khả năng hưởng theo công việc của mình, quan trọng nhiều hay ít, theo sức của mình làm được nhiều hay ít. Nghĩa là vẫn có nhiều cấp bậc.
Ở Trung Hoa có bảy cấp bậc:
1. Trên cùng là bộ chính trị (Polit-buro)
2. Rồi tới những người nắm giữ chức vụ quan trọng nhất: chỉ huy Đảng ở địa phương, chỉ huy quân đội, uỷ viên chính trị trong quân đội....
3. Bí thư Đảng ở tỉnh, chỉ huy các cơ quan quần chúng.....
4. Các nhà chuyên môn, kỹ thuật gia.
5. Công chức ở tỉnh, cán bộ trung cấp, hạ cấp.
6. Quần chúng gồm: lính tráng, thanh niên, hợp tác xã viên...
7. Cuối cùng là hạng hoàn toàn không ở trong một tổ chức nào cả, số người trong hạng này mỗi ngày một giảm đi.
Tuy chia làm bảy cấp như vậy, nhưng trong mỗi cấp cũng chia làm hai ba bậc nữa, mỗi bậc được đãi ngộ khác nhau, có những quyền lợi khác nhau về lương bổng, nhà cửa, như yếu phẩm, y phục, thuốc thang.....Tôi chỉ xin kể một thí dụ: có dưỡng đường riêng cho cấp 1, cho cấp 2, cho cấp 3......; trong mỗi cấp có phòng riêng, thuốc riêng cho hạng quan trọng nhất, hạng quan trọng vừa vừa, kém quan trọng, thức ăn cũng tuỳ hạng mà phân phối....
Simon Leys trong cuốn Ombres Chinoises bảo thời Xuân Thu (thế kỷ VI tr.CN) theo sách Tả Truyện Trung Hoa chỉ có mười giai cấp, mà thời nay ở Trung Hoa có tới 30 giai cấp, mỗi giai cấp có những đặc quyền riêng. Chế độ đó có từ năm 1956.
Khi tiếp khác ngoại quốc, các cán bộ của Mao hỏi tỉ mỉ về chức vụ, địa vị của mỗi người khách để họ quyết định phải phái ai tiếp cho xứng, tiếp cách nào....và khi in hình đăng báo thì phải tính xem hình sẽ lớn nhỏ ra sao, có những nhân viên nào đăng chức tước và tên các nhân viên đó theo thứ tự nào....Rắc rối vô cùng. Âu Mĩ đâu có chú ý tới điều đó, nhưng ở Trung Hoa nhân viên nào coi về nghi lễ mà sơ suất trong việc đó có thể bị "chỉnh" gắt gao, "kỉ luật" nữa.
Chưa thể có bình đẳng được, và trong khi làm cách mạng để tiến tới bình đẳng, thì phải bất bình đẳng hơn thời phong kiến nữa. Có vậy kẻ dưới mới sợ người trên. Vả lại sức sản xuất còn kém, nước còn nghèo thì không thể nào cho mọi người hưởng thụ như nhau được. Phân phối theo 30 giai cấp như Trung Hoa, chính là "công bình" đấy, công bình như lối chia thịt của Trần Bình đời Hán (1). Các nhà cầm quyền Trung Hoa rất thuộc sử.
Chi li quá, nhưng một xã hội mà được thật công bình như vậy, không có đấu tranh mà chỉ có ganh đua thì cũng là một xã hội tốt rồi.
(1)Trần Bình thời hàn vi, làm tên mõ, giữ việc chia thịt trong làng, được mọi người khen là khéo: hương chức cao thì được phần lớn, nhỏ thì được phần nhỏ, không ai kêu ca. Trần Bình bảo: Bình tôi mà được giúp nước thì cũng như vậy không khó gì. Sau giúp Hán Cao Tổ, rồi làm tể tướng.
Cán Bộ
Trung Hoa đã nhiều lần ở đời Hán, Tống, cả đời Thanh nữa (Thái Bình Thiên Quốc), làm những cuộc cách mạng gần như cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng đều thất bại do nhiều nguyên nhân, thiếu ý thức hệ, thiếu tổ chức, thiếu phương tiện thông tin, chuyên chở......quan trọng nhất là thiếu cán bộ.
Năm 1949 khi đã chiếm hết non sông rồi, Mao phải đào tạo thật gấp rất nhiều cán bộ. Ở các thành phố họ có sẵn một số cán bộ phiến động, tuyên truyền ở các xưởng các trường, còn ở thôn quê họ phải dùng những thanh niên có khi rất trẻ, dạy gấp trong vài tháng, năm sáu tháng tại các trường: "Đại học cách mạng"; bọn đó không cần hiểu lý thuyết miễn can đảm, siêng năng, hăng hái, tận tâm, tin tưởng ở tương lai, ở Đảng là được rồi.
Người ta tung mấy trăm ngàn cán bộ như vậy vào thôn quê để dạy dân, sách động, tuyên truyền. Về ý thức hệ, họ chỉ biết lặp lại một số từ ngữ: Xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giai cấp, phản phong, phản đế, lao động là vinh quang..... mà họ không hiểu hết ý nghĩa.
Nhiệm vụ đầu tiên của họ là tạo một không khí sôi nổi, lập hội để dân nghèo, đòi công bằng xã hội, nhận định được đâu là kẻ thù, rồi phát lòng căm thù. Họ đi từng nhà, sống với dân nghèo, giúp đỡ dân trong công việc đồng áng.
Họ nói, nói suốt ngày để nhồi vào đầu óc dân những từ ngữ mới, những tư tưởng cách mạng; tổ chức các hội hè, có vũ, hát; thu thuế, quyên tiền....Còn trẻ quá, thiếu kinh nghiệm, lại tự cao, tự phụ, họ nhiều khi lầm lẫn, làm sai đường lối của Đảng, nhưng Đảng tha thứ cho hết, miễn là họ trung thành, rút họ về thị xã cho học thêm một khoá bổ túc; cùng lắm thì bắt họ tự kiểm thảo trước nhân dân.
Làm việc trong ít năm, nếu họ tỏ ra đắc lực thì được vô Đảng, với một số điều kiện dưới đây:
- Quyết tâm hy sinh đời mình cho cách mạng
- Chấp nhận kỉ luật của Đảng, Đảng sai làm gì cũng phải làm.
- Chí công, vô tư, nghĩa là đặt quyền lợi của nhân dân tức của Đảng, trên quyền lợi cá nhân;
- Tự kiểm thảo và để cho đồng chí kiểm thảo;
- Học thêm để hiểu học thuyết Mác-Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông
Đảng nhờ thống nhất, đoàn kết mà sống được, vì vậy như trên tôi đã nói, thiểu số phải triệt để phục tùng đa số. Đảng hội họp rất thường để cùng nhau quyết định đường lối. Nguyên tắc rất tốt nhưng lần lần nhược điểm xuất hiện: cả những việc nhỏ nhặt người ta cũng không dám lãnh trách nhiệm, cũng họp nhau để bàn rồi lấy đa số, do đó công việc tiến rất chậm, mất thì giờ của mọi người và nhiều người chán nản, nói cho xuôi để có đa số mà chấm dứt buổi họp.
Thêm nhược điểm này nữa: một chính quyền độc tài, muốn có đa số thì rất dễ (coi vụ cách mạng văn hoá ở sau), đa số đó không có nghĩa gì cả, mà rốt cuộc đa số phải phục tùng thiểu số, trái hẳn với nguyên tắc.
Hiến pháp 1954
Quốc hội họp năm 1954 ở Bắc Kinh gồm 1226 đại biểu của toàn quốc (25 tỉnh: 18 tỉnh Trung Hoa với các tỉnh Nội Mong tự trị, Tây Tạng...) có cả đại biểu của các dân tộc thiểu số, đại biểu hoa kiều hải ngoại nữa.
Họ họp để phê chuẩn Hiến pháp. Hiến pháp năm 1954 có lẻ là hiến pháp thứ 10 của Trung Hoa từ năm 1911, nhưng các hiến pháp trước chỉ có trên giấy tờ, không được thi hành, hoặc chỉ được thi hành trong một thời gian ngắn mà cũng không được quốc dân thừa nhận. Đảng cộng sản TH cho rằng chỉ có hiến pháp năm 1954 của họ là quan trọng nhất, thực sự là một hiến pháp được "toàn dân chấp nhận".
- Đoạn mở đầu tuyên bố là đã thắng đế quốc, phong kiến; tin tưởng sẽ diệt được sự bốc lột và sự nghèo khổ, và sẽ giữ tình thân hữu bất diệt với Liên Xô (nhưng chỉ bảy, tám năm sau tình đó đã tiêu tan)
- Đoạn về các hình thức phương tiện (mình gọi là thành phần) sản xuất, hiến pháp ghi: Có tài sản quốc gia, tức tài sản công cộng; tài sản hợp tác xã tức tài sản chung của lao động; tài sản riêng của cá nhân lao động; tức tài sản tư bản.
Vậy có 4 thành phần; về thành phần cuối, tôi muốn được biết thêm chi tiết, nhưng không kiếm được tài liệu.
- Quốc hội dân bầu, theo lý thuyết có quyền tối cao, nhưng trong thực tế, chỉ xác định những quyết định mà Đảng đã đề nghị với Quốc hội thôi.
- Điều này dễ hiểu. Giai cấp vô sản (có thể nói là toàn dân) đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng thì Đảng quyết định hết. Quốc hội không thể có quyền quyết định được, chỉ là một hình thức cho có vẻ dân chủ thôi.
Quốc hội mỗi năm chỉ họp một lần, nhưng bầu một Ủy ban thường trực có quyền tuyên bố chiến tranh khi Quốc hội không họp.
Chủ tịch Quốc hội đầu tiên là Lưu Thiếu Kỳ với 13 phó chủ tịch, trong số này có bà Tôn Văn và Đạt Lai Lạt Ma (Tây Tạng)
Ủy ban thường trực "trùm lên" hội đồng bộ trưởng.
Trung Hoa khác Nga ở điểm có thêm một chủ tịch Hội đồng quốc gia (như Tổng Thống ở các nước Tây Phương) và không có chế độ liên bang.
Có toà án tối cao của nhân dân, lại có viện kiểm soát tối cao của nhân dân(1), nhưng không có bộ luật. Vì luật pháp thay đổi hoài tuỳ theo chính sách của Đảng, có khi tuỳ theo từng miền nữa, không thể lập thành pháp điển được. Nga mấy năm trước đây (khoảng 60 sau Cách mạng năm 1917) mới có bộ luật, Trung Hoa hiện nay chắc dẫn chưa có; Việt Nam ta thì mới dự định thảo một bộ luật.
Ở Trung Hoa cũng như ở mọi nước xã hội chủ nghĩa, chỉ có một Đảng, Đảng Cộng Sản, được cầm quyền; các Đảng khác như Quốc dân đảng, Dân Chủ đảng....tuy có danh mà không có thực. Không có Đảng đối lập.
Tóm lại, Đảng và chính quyền móc với nhau rất chặt chẽ, đều bị một nhóm người chỉ huy; nhóm người này nắm hết các chức chủ tịch Đại hội đảng, Ủy ban trung ương, Bộ chính trị, đó là về phía Đảng, còn về phía chính quyền thì nắm hết các chức chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng Quốc gia, hội đồng Bộ trưởng, Quốc hội, hội đồng Quốc phòng.....
Ở các cấp dưới cũng vậy: Một đảng viên vừa làm thư ký đảng, vừa làm chủ tịch uỷ ban nhân dân, vừa làm tư lệnh quân khu.
Người nào không ưa chế độ thì chê nó là một bộ máy gồm nhiều bánh xe lớn nhỏ, hết thảy đều quay một lượt lờ một cái moay-ơ (moyeu: trái thơm) rất nhỏ. Người nào ưa chế độ thì bảo những Đảng nhỏ (như Quốc Dân đảng, Dân Chủ đảng...) vẫn có một chút ảnh hưởng...Nhưng ai đó cũng phải nhận rằng bộ máy đó chạy rất tốt: lắp xong nó rồi thì các đảng viên chủ chốt nắm chặt được toàn dân, miễn là Đảng phải đoàn kết. Khi có sự chia rẽ trong Đảng (coi vụ Cách mạng văn hoá ở sau) thì nước loạn.
Từ thời nào tời giờ, một nhà độc tài chỉ cần có một nhóm sáu bảy người tay chân, thật trung tín; nhóm đó lại có sáu bảy chục tay chân; bọn sáu bảy chục tay chân này lại sai bảo sáu bảy trăm kẻ được chủ chia cho những quyền lợi nào đó....cứ như vậy, lần lần xuống đến hang cùng ngõ hẻm, và rốt cuộc có hàng triệu kẻ làm tay sai cho một nhà độc tài, mà hàng chục hàng trăm triệu dân phải cuối đầu tuân lệnh.
Dĩ nhiên nhà độc tài phải cho bọn tay sai từ cao tới thấp đó được hưởng những quyền lợi nhiều ít tuỳ địa vị, chức vụ, như vậy họ mới trung thành.
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Hoa phân chia ra ba chục giai cấp quyền lợi khác nhau, quả là sáng suốt.
Nhưng cũng phải làm được gì cho dân nhờ, ít nhất cũng phải lo cho dân đủ ăn đủ mặc thì cái ngôi của mình mới vững được. Gương của Tưởng Giới Thạch còn đó. Trung Hoa có một câu rất hay: "Dân như nước, nhà cầm quyền như chiếc thuyền. Nước đở thuyền, nhưng cũng lật úp được thuyền"
Nhà cầm quyền Trung Hoa hiểu điều đó nên khi dân bị ép quá muốn bùng lên thì họ sửa sai liền. "Mềm nắn rắn buông" đó là nghệ thuật cầm quyền.
Các nhà chỉ huy - Mao và đồng chí.
- Mao Trạch Đông
Trong cuộc Trường hành năm 1953, Mao tỏ ra bình tĩnh, cương quyết, kiên trì có tư cách của một nhà lãnh đạo và được đồng chí nhận là thủ lãnh, nhưng vẫn có một số người chống đối đường lối của ông, mãi đến năm 1945 ông mới hoàn toàn thắng hẳn.
Bà vợ thứ nhì con thầy học của ông, bị Quốc Dân đảng giết 1938, ông cưới người thứ ba, bà này sau qua Nga ở; ông cưới người thứ tư, một đào hát tuồng hát bóng ở Thượng Hải, bỏ nghề theo Đảng năm 1933, để "đóng trò cho nhân dân coi" ở Diên An, bà này hiện nay còn sống
Suốt đời, Mao chỉ ra khỏi nước có hai lần: đều qua Nga. Ông đọc sách Anh cũng dễ dàng như đọc sách Hoa; có óc tò mò, gặp người ngoại quốc nào cũng hỏi về tình hình thế giới.
Mỗi khi qua một giai đoạn mới, ông thảo một diễn văn để vạch đường lối phải theo, cả về chính trị lẫn văn hoá(2). Những diễn văn đó gom lại, in thành một tập dày, người thì không tiếc lời khen (như Brieux), người thì cho là lý thuyết không có gì sâu sắc, chỉ đặc biệt ở tính cách thực tiễn thôi. Ông cũng làm thơ nữa, thơ luật và nhiều sách dẫn bài "Tuyết" , ông tả cảnh Hoa Bắc nhìn từ phi cơ xuống, khi ông rời Diên An lại Trùng Khánh để thương thuyết với Tưởng Giới Thạch.
Cho tới khoảng năm 1960 ông được các đồng chí kính trọng, sau đó trong "bước nhạy vọt" và vụ " cách mạng văn hoá" ông mới bị chống đối và tính tình ông thay đổi, hoá ra độc tài nham hiểm, tàn bạo, ngoan cố.
- Chu Đức lớn hơn Mao 6 tuổi, sinh năm 1887, trong một gia đình đại điền chủ ở Hoa Nam. Học hết trung học, ông vô trường võ bị ở Vân Nam, trường này dạy theo phương Tây. Năm 1916 ông chỉ huy một lữ đoàn tấn công Viên Thế Khải; rồi về sống một đời công chức giàu có, với nhiều nàng hầu ở Vân Nam. Ngoài thuốc phiện, ông còn nghiện đọc sách, nhờ vậy mà hiểu được nhiều vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
Khi hiểu rồi, ông quyết tâm theo phong trào mới, đuổi chín cô nàng hầu đi, cho mỗi người một số tiền khá lớn để nuôi con, rồi ông lên Thượng Hải, xin gia nhập Quốc Dân đảng. Thấy cái điệu bộ nghiện ngập, già trước tuổi của ông, người ta khinh ông. Ông nhất định cai và cai được, năm 1922 xin gia nhập đảng Cộng Sản, được phái qua Đức học võ bị. Ở Hanovre (Đức) ông thành lập một tổ cộng sản. Chính quyền Đức bắt giam ông hai lần rồi trục xuất ông.
Ông qua Pháp, kết bạn với Chu Ân Lai, rồi qua Nga, năm 1926 về Trung Hoa, được làm uỷ viên chính trị trong quân đội, kế đó là hiệu trưởng trường võ bị Nam Xương, một chi nhánh của trường Hoàng Phố.
Năm 1927, khi Tưởng Giới Thạch thanh trừng đảng Cộng sản, Chu Đức chống lại Tưởng, cùng với đoàn quân của ông, tiến vào miền Giang Tây-Quảng Đông hùng cứ một phương. Tại đó ông nghiên cứu chiến thuật của Nga để áp dụng vào hoàn cảnh Trung Hoa, thành một trong những lí thuyết gia giỏi nhất về du kích chiến hiện đại. Năm 1931 ông được Đảng bầu lên Tổng tư lệnh Hồng quân, và giữ hoài chức đó.
Sống rất giản dị, chỉ huy 2 triệu quân mà không đeo một dấu hiệu nào cả. Trực tính tới mức thô bạo, nhưng lòng rất tốt, được quân đội rất quý.
- Chu Ân Lai là người Âu hoá nhất trong giới lãnh đạo cộng sản; sanh năm 1898 ở Hoa Nam (Giang Tô) trong một gia đình quan liêu đại địa chủ, cha làm giáo sư, mẹ rất có kiến thức. Năm 1913, ông vô học trường trung học Thiên Tân, năm 1917 qua Nhật học đại học, hai năm sau trở về Trung Hoa tiếp tục học nữa. Theo phong trào cách mạng, cưới một nữ sinh viên cũng làm cách mạng. Năm 1919 bị bắt giam.
Năm sau được thả, ông qua Pháp để tiếp tục học, lập ở Paris một chi nhánh của đảng Cộng sản Trung Hoa. Tìm hiểu đời sống thợ thuyền trong các mỏ than ở miền Bắc và miền Khénanie, đi du lịch khắp Tây Âu, qua Anh. Sau bốn năm tiếp xúc với văn minh phương Tây và biết rõ chế độ dân chủ, ông trở về nước năm 1924, dạy ở đại học võ bị Hoàng Phố về chính trị, dưới quyền Tưởng Giới Thạch.
Cùng với Lưu Thiếu Kỳ, Chu tổ chức giai cấp thợ thuyền Thượng Hải, thành công tới mức dùng thợ thuyền không phải đổ một giọt máu mà chiếm được thị trấn đó trước khi quân Tưởng Giới Thạch tới. Khi Tưởng thanh trừng tả phái trong Quốc Dân đảng, ông bị bắt, trốn thoát lại Hán Khẩu (1). Sau khi cuộc nổi loạn ở Quảng Châu thất bại, ông trốn qua Hương Cảng, lại lập một tổ chức Cộng sản ở đó.
Năm 1928 ông được phái qua Moscou dự Đại hội thức VI của Đệ tam Quốc tế. Ông ở lại Moscou học trường Đại học Đông Phương. Năm 1931, về nước hợp tác với Mao ở Giang Tây, cùng với vợ dự cuộc Trường hành như vợ chồng Chu Đức. Năm 1935 ông lại qua Moscou dự Đại hội thứ VII. Trở về Trung Hoa, ông được phái lại Tây An, thuyết phục Trương Học Lương thả Tưởng Giới Thạch. Khi Quốc và Cộng kí hiệp ước mặt trận chống Nhật, ông đại diện cho Cộng (tựa như sứ thần của Cộng) ở Nam Kinh, Hán Khẩu, Trùng Khánh bên cạnh Tưởng Giới Thạch. Chu học rộng, sáng suốt, luôn có thái độ đàng hoàng, nhã nhặn theo Vladi_mirov, ông tuy có chủ trương khác Mao, nhưng mềm mỏng, trung thành với Mao, được Mao tin giữ chức bộ trưởng ngoại giao - có thời làm thủ tướng- cho tới khi chết, không ai thay ông được. Ông được nhiều người quý mến.
(1)André Malraux trong cuốn La Condition humaine đã dùng Chu Ân Lai và cuộc đời của Chu để xây dựng nhân vật Kyo.
- Lưu Thiếu Kỳ làm phó chủ tịch Bộ Chính trị trung ương của Đảng. Gầy, ăn nói kém, nhưng viết văn hay, cô đọng, mạnh mẽ. Cũng sinh ở Hồ Nam như Mao, học ở Moscou vô đảng năm 1922, hoạt động ở Giang Tây nhưng không dự cuộc Trường hành, mà ở lại hoạt động ngầm tại Bắc Kinh và các thị trấn Hoa Bắc. Năm 1935 tổ chức cuộc bạo động của sinh viên đòi Tưởng phải chống Nhật. Năm 1937 điều khiển Hội lao động toàn quốc. Sau làm tham mưu trưởng trong Tân đệ tứ lộ quân. Được bầu vô Ủy ban Chính trị thường trực trung ương Đảng; lãnh trách nhiệm rất quan trọng là vạch đường lối, thảo lý thuyết cho Đảng. Trong Bộ Chính trị, ông là người biết rõ nhất về Trung Hoa.
- Lâm Bưu. "Vô địch tướng quân" sinh năm 1907 ở Hồ Bắc. Ở trường Hoàng Phố ra, năm 1927 dự cuộc khởi nghĩa ở Nam Xương; năm 1935 theo cuộc Trường hành; có công đầu trong cuộc nội chiến, từ đầu cho tới cuối, từ Mãn Châu tới Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam(1946-1949), có tham vọng, tư cách kém.
- Bành Đức Hoài cũng tổ chức du kích quân ở Hồ Nam-Giang Tây, rồi theo cuộc Trường hành; đa tài, tư cách cao, uy danh chỉ hơn kém Mao và Chu Đức. Sống giản dị, không ham chức tước, quyền hành, thời nào cũng gần gũi với đại chúng, do đó hiểu được nỗi lầm than, nghe được những lời ta thán của nông dân trong vụ "nhảy vọt", dám nói thẳng với Mao, bị Mao ghét.
- Trần Nghị sinh năm 1901 ở Tứ Xuyên trong một gia đình quan liêu, năm 1919 qua Pháp theo nhóm sinh viên làm thợ, tổ chức một phân bộ Cộng sản ở Pháp năm 1921 bị trục xuất vì tổ chức vụ sinh viên Trung Hoa biểu tình ở Lyon. Năm 1923 vô Đảng, năm 1930 diệt nhóm chống đối Mao, đưa Mao lên làm lãnh tụ. Trong cuộc trường hành, chiến đấu rất hăng. Năm 1941 chỉ huy Tân đệ tứ lộ quân, trong nội chiến năm 1947-1948 được phong làm thống chế. Năm 1958 làm Bộ trưởng ngoại giao nhưng thiếu kinh nghiệm. Trong cuộc cách mạng văn hoá, bị hồng vệ binh hỏi tội, mất chức bộ trưởng nhưng vẫn còn là uỷ viên trung ương Đảng. Rất được Chu Ân Lai tin.
So sánh nhóm thân thích của Tưởng với nhóm đồng chí của Mao, chúng ta thấy hai bên trái ngược hẳn nhau về tư cách, đời sống. Nhóm Mao là những chiến sĩ gan dạ được cách mạng tôi luyện, nằm gai nếm mật với nhau (mặc dù vậy, sau này họ cũng tìm cách thủ tiêu nhau). Trong nhóm thiếu nhà khoa học, nhà kỹ thuật, không thích hợp với thời phát triển kinh tế.
Quân đội
Sức mạnh của Cộng sản là quân đội. Lính của Tưởng bị khinh rẽ, ngược đãi một số lớn vì đói rách phải cướp bóc như 100.000 quân Lư Hán ở Vân Nam mà năm 1945 Tưởng cho qua Bắc Việt để giải giới Nhật thật sự là để Việt Nam nuôi chúng mà chúng không làm loạn. Chúng bắt buộc phải nhập ngũ, không được huấn luyện, không có một lí tưởng gì cả, mà hạng chỉ huy chúng nhất là bọn quân phiệt, thiếu tư cách, tàn nhẫn, nên ngay từ đầu Tưởng ra lệnh phải tôn trọng tài sản của nhân dân, chúng cũng không theo. "Người ta không coi trọng họ là con người thì họ cũng không hành động như con người".
Trái lại, quân của Mao từ nhân dân mà ra, được Đảng tiêm một lý tưởng cao cả: Giải phóng nhân dân khỏi cái ách phong kiến và đế quốc, được đảng dạy cho cách cư xử với nhân dân-cha mẹ, chị em, anh em của họ-chỉ giúp đỡ nhân dân (cày ruộng, gặt lúa, tát nước, cất nhà....) chứ không lấy của nhân dân một chút gì, dù là một sợi chỉ, một trái cây, cho nên họ có tư cách, được nhân dân quý mến. Đúng như khẩu hiệu của Chu Đức: "Quân đội ở trong nhân dân phải như cá ở trong nước". Họ chịu cực khổ nhưng không đói (Hồi ở Diên An mỗi ngày họ được nữa kí lô kê)
Quân đội của Mao chia làm ba dạng
-Quân chính quy năm 1945 được khoảng 300.000 cuối năm 1948 được khoảng 1.500.000 lộ quân (tức bộ binh). Mới đầu không có pháo binh, sau chiếm được đại bác, cam nhông của Tưởng (do Mĩ viện trợ) họ mới lập được vài đội
- Dân quân là những tổ chức địa phương (nên cũng gọi là địa phương quân) gồm dân tình nguyện trong miền, nhiệm vụ là canh gác, giúp đở quân chính qui, diệt các thổ hào. Họ chỉ hoạt động trong miền, tự túc; ngay cả khí giới họ cũng phải tự xoay sở lấy.
- Quân du kích ở những miền có địch (Nhật hay Quốc Dân đảng).
Đa số giải phóng quân là người ở miền Bắc, còn Quốc Dân đảng thì đa số ở miền Nam; mà người miền Bắc thường lực lưỡng hơn, can đảm siêng năng hơn người miền Nam. Khí giới họ ưa nhất là lựu đạn. Những người chỉ huy họ ít khi xuất thân từ trường võ bị, nhờ chiến đấu mà rút kinh nghiệm, rồi chịu học hỏi thêm, nghiên cứu chiến thuật của Napoléon, Clausewitz, Rommel, Joukov...
Chu Đức nổi tiếng nhất, được quân đội rất trọng, danh vọng uy tín ngang với Mao Trạch Đông.
Cộng sản coi trọng chiến lược( Cách dùng địa thế, dùng người, tương quan lực lượng giữa hai bên....)hơn chiến thuật.
Về phương diện chính trị, Mao và Chu Đức tuyên truyền mạnh để tăng cường tinh thần của mình và tiêu hao tinh thần của địch; về phương diện quân sự, phải làm suy giảm sức mạnh của địch; cướp được nhiều võ khí của địch, hoặc làm cho địch đào ngũ nhiều, bắt sống rồi tuyên truyền một thời gian, kẻ nào theo thì dùng, không theo thì thả ra, cho tiền, cho gạo nữa chứ không cần giết, vì họ không dám mà cũng không muốn trở về với Tưởng. Tưởng không khi nào dùng lại họ.
Vì vậy mà 80% tù binh xin được ở lại phục vụ trong đạo quân giải phóng; họ thấy họ được nông dân không những không khinh rẽ mà còn săn sóc như con, em. Thuật tuyên truyền của cộng thật tuyệt, họ rất hiểu tâm lý dân.
Đó là chiến lược. Về chiến thuật thì cộng sản thay đổi nhiều lần cho thích hợp với khí giới họ có. Họ nghiên cứu cách sử dụng dao găm. Khi địch dùng đại bác, chiến xa, phi cơ thì dao găm không thể chống được địch, nhưng thế nào cũng có lúc địch đi lùng bố trong làng xóm, hoặc lúc hai bên đánh xáp lá cà, thì dao găm rất lợi. Rồi khi nào cướp được đại bác, xe tăng của địch thì họ nghiên cứu cách sử dụng những khí giới đó. Tinh thần học hỏi của họ cao, quân của Tưởng ngược lại, rất lười biếng.
Chiến lược của họ là không chiếm đất đai, thị trấn, rồi đóng đồn để giữ. Họ dùng nông thôn bao vây thành thị. Năm 1946-1947, Mao đã nhử cho quân của Tưởng vào chiếm Diên An, như trên chúng ta đã biết. Họ rút ra ngoài đánh du kích. Họ nói: "Địch chiếm được thị trấn nọ, không dùng mất một tên lính, nhưng phải dùng 40.000 quân để giữ thị trấn, tức là lực của địch giảm đi 40.000 người, nếu khi chiếm, địch thiệt hại 30.000 thì trước sau chúng ta bớt đi được 30.000 + 40.000 = 70.000 quân địch. Rồi chúng còn phải dùng binh và xe cộ để tiếp tế, chúng ta lại được dịp phục kích, chiếm được khí giới, quân nhu. Chúng bị nhốt trong đồn, lâu sẽ chán nản, ở ngoài ta tuyên truyền cho chúng mất tinh thần, lúc đó tấn công thắng chúng dễ dàng hơn là ở ngoài mặt trận".
Hai loại chiến tranh khác nhau bằng giải phóng và bình định. Chiến lược đó rất lợi hại, Việt Minh đã theo Mao mà thắng được Pháp, Mĩ, đều đó dễ hiểu. Chỉ có điều này khó hiểu: Pháp, Mĩ sao không rút được kinh nghiệm mà cứ đút đầu vào rọ hoài.
Một chính khách Mĩ bảo: "Chiến tranh du kích lâu mà không bại, tức là thắng đấy". Số quân của Tưởng giảm đi, khí giới của Tưởng cũng giảm đi, càng ngày tương quan lực lượng giữa hai bên càng bất lợi cho Tưởng; lúc đó (năm 1948) là lúc Mao đại tấn công và Tưởng sụp rất mau.
Trong tập "Tình thế hiện tại và nhiệm vụ của chúng ta" viết cuối năm 1947, Mao đưa ra vài quy tắc (chắc do kinh nghiệm của Chu Đức), dưới đây tôi trích vài điểm.
- Đánh những nhóm nhỏ, rải rác của địch trước, rồi sau hãy đánh những nhóm mạnh.
- Mục tiêu quan trọng nhất là tiêu ma sức chiến đấu của địch, chứ không phải là chiếm thị trấn...
- Trong mỗi trận phải tập trung sức của mình, cho mạnh gấp bốn, hoặc năm, sáu sức của địch. Bao vây chúng rồi diệt, không cho một tên thoát ra được.
- Tránh những trận kéo dài, làm hao mòn sức của mình.
- Phải chuẩn bị kỹ, hễ không chiến thắng thì đừng đánh.
Những đều đó không mới mẽ gì, chỉ là lương tri thôi; nhờ chịu kiên nhẫn áp dụng thật đúng mà quân của Mao thắng được quân của Tưởng.
Nhưng dân quân không phải chỉ có mỗi nhiệm vụ chiến đấu mà thôi; khi không cầm súng họ còn nhiệm vụ: Chính trị Giảng cho nông dân nhận định thân phận của mình thời trước và trách nhiệm của mỗi người trong thời này; hiểu được đường lối của đảng biết kẻ thù của đảng là ai....
Và Kinh tế giúp nông dân sản xuất, cải thiện phương pháp canh tác...
Sau năm 1949, khi hết nội chiến, chính quân đội phải làm những công trình kiến thiết lớn: sửa đê, thuỷ lợi, xây cầu, xây đường, xây nhà máy và sản xuất trong nhà máy nữa.
Từ năm 1950, nhất là sau chiến tranh Triều Tiên. Hồng Quân không còn là một quân đội thật sự nhân dân nữa, từ cách tuyển lính tới cách chiến đấu, sự kết hợp với nhân dân, không phải như "con cá trong nước" nữa. Không phải là tự nguyện quân mà là trưng binh; có quân phục, dấu hiệu để phân biệt cấp bậc, có khí giới tối tân như mọi quân đội của nước khác.
Theo luật 1955, đàn ông từ 18 đến 40 tuổi phải làm nghĩa vụ quân sự 3 năm trong lục quân, 4 năm trong không quân, 5 năm trong hải quân; như vậy mỗi năm có từ 5 tới 6 triệu người đúng tuổi trưng binh và trong thời bình, Trung Quốc phải nuôi 15 triệu quân, nhưng thực sự thì chính phủ chỉ gọi khoảng 1 triệu người và cả lục, không, hải quân có khoảng từ 3 tới 4 triệu người.
Sau chiến tranh triều tiên, lục quân đã được tổ chức lại theo Nga, gồm khoảng 2.500.000 người, giỏi chiến đấu, dai sức, quen chịu cực, can đảm, kiên nhẫn.
Không quân Trung Hoa lớn nhất Châu Á, gồm 2500 phi cơ chiến đấu, nhiều kiểu tối tân. Hải quân còn yếu, không đáng kể.
Nhưng lực lượng dân quân thì rất đông và mạnh; làng nào cũng có ít nhất một đại đội (ta nên nhớ làng Trung Hoa lớn bằng một huyện, hay hơn của ta). Toàn quốc có từ 20 đến 25 triệu dân quân. Nếu có chiến tranh thì 25 triệu quân đó thành 25 triệu lính trừ bị. Họ được học tập về chính trị.
Mặc dù quân đội vẫn rất trung với đảng, rất ái quốc, nhưng cũng phải nhận rằng đã có hai xu hướng: xu hướng thành một uy lực, một quyền thế trong quốc gia, và xu hướng tách rời quần chúng. Các cấp tham mưu và các kỹ thuật gia trong quân đội đã bớt quan tâm tới chính trị.
Còn chiến tranh thì quân đội còn mạnh. Hoà bình lâu quá thì thế nào tinh thần quân đội cũng nhụt đi. Có lẽ vì vậy mà nước Cộng sản nào cũng gây trong dân chúng cảm tưởng rằng tình hình thế giới bất ổn, để dân chúng phải chuẩn bị đề phòng. Mà sự thật, thế giới từ ba bốn chục năm nay rất bất ổn, vì sự tranh chấp giữa tư bản và cộng sản. Nhưng không nước nào dám nuôi cái mộng chiếm Trung Hoa, nó mênh mông quá, dân số hiện nay được một tỉ, một phần năm dân số trên thế giới rồi; nhất là nguyên tử lực của nó vào hàng ba, chỉ kém Mỹ, Nga; rồi đây thế nào nó cũng có những khí giới mà sức tàn phá tới mức tuyệt đối nhất.
(1) Sách này tác giả viết năm 1982 nên bảo bà Giang Thanh "còn sống".
(2)Như khi mới chiếm trọng Trung Hoa, ông thảo diễn văn "Tân dân chủ"
(Mao và Lâm chắc quên chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953). Lâm nịnh Mao mà không biết ngượng, “chỉ có thuyết của Mao là chân lý, tự đề cao mình mà không biết ngượng chỉ Lâm là sứ đồ duy nhất của Mao”. Thâm ý của Lâm là đưa Mao lên bệ để làm ngẫu tượng hưởng hương hoa của sứ đồ Lâm dâng lên còn Lâm sẽ làm hết mọi việc cho nước. Mao khôn, hiểu Lâm muốn “hất mình lên”, để chiếm ngôi của mình, nên bảo Lâm tốp lại.
Những năm 1960-1962, uy quyền của Mao xuống thấp nhất. Nhưng mùa thu năm 1962, lấy tư cách là chủ tịch Đảng, mặc dầu là vô quyền, ông ta vẫn có thể lên tiếng được, đọc một diễn văn bảo phải đào tạo lại thanh niên, phải ngăn chặn sự tiêu cực của cán bộ nông thôn, coi chừng bản năng tư sản của nông dân lại nổi dậy; phải xét lại vấn đề văn hoá mà bọn trí thứ đương nắm quyền để phản lại xã hội chủ nghĩa, phục hưng lại chế độ tư bản. Không ai nghe ông cả.
Năm 1965, ông tấn công mạnh hơn, trách đảng để cho cán bộ cao cấp bị hủ hoá, chính đảng đã bị suy hoại tới đầu, tới cổ rồi, phải dùng bần nông làm công việc thanh trừ từ nông thôn, nếu không tin được dân quân thì giao khí giới cho bọn bần nông đó.
Vậy Mao đã có ý làm một cuộc đảo chánh mà Lưu Thiếu Kì và Đặng Tiểu Bình không hiểu, hoặc hiểu mà vẫn tin là mình còn kiểm soát được. Mao nói là phải thanh trừ từ dưới lên. Thanh trừ ở dưới thì được, nếu dẹp luôn cả đảng ở trên cao thì loạn rồi, sụp đổ hết, điều đó không thể xảy ra được. Họ nghĩ vậy.
Mao ra lệnh cho Lâm Bưu làm một cuộc đảo chánh, chiếm Bắc Kinh năm 1966.
Mao và Lâm làm chủ Bắc Kinh rồi, còn phải chiếm các tỉnh nữa. Mao biết rằng đảng ở địa phương nếu không theo Lưu Thiếu Kì thì cũng không chịu để cho quân đội nghe Lâm Bưu mà diệt đảng; phải dùng lực lượng khác và ông ta có một sáng kiến lạ lùng, một thuật thần sầu quỉ khốc; dùng thanh niên tức hồng vệ binh để diệt cán bộ, diệt đảng. Bọn thanh niên đó dễ tin, nghe lời Mao, họ được dịp phá phách làm loạn nên hăng hái vô cùng. Thử tưởng tượng bỗng nhiên thành con cưng của chế độ, được quyền tố cáo, lật đổ các đảng viên có uy quyền đã áp chế họ, mà lại được mang cái vinh dự là chống đỡ tổ quốc, cứu thoát nhân dân để làm “cách mạng văn hoá” thì còn gì sướng bằng!
Cách mạng văn hoá
Mao cho in không biết bao nhiêu triệu bản (có sách nói là 740 triệu, không tiền trong lịch sử nhân loại) một tập Sách đỏ truyền bá tư tưởng của ông.
Ông cho rằng bước nhảy vọt và công xã nhân dân của ông thất bại. Ông chịu nhận là thất bại rồi, chịu nhận rằng những thống kê của cán bộ công xã là láo toét vì được sống mấy năm trong hoà bình, cán bộ hủ hoá, mất tinh thần cách mạng năm 1935 (vụ Trường hành), thành một bọn công chức tiểu tư sản, sợ khó nhọc, biếng nhác… vậy phải làm lại cách mạng, đưa hết những bọn cán bộ, trí thức, học sinh ở thành thị về nông thôn sống với dân quê, vào trong các nhà máy sống với các thợ thuyền, lao động cực khổ, để cho tinh thần cách mạng của họ phục hồi lại. Họ phải có tinh thần chịu nghèo, thích nghèo, thích làm các công việc tay chân, không thèm dùng máy móc của bọn tư sản không chuyên môn hoá, luôn luôn chống bọn thư lại, tiểu tư sản. Như vậy là thay đổi lại cả một nền văn hoá, cho nó thành thứ văn hoá bần cùng, vô sản, lao động. Mao dùng từ “văn hoá” theo nghĩa ấy.
Cứ khoảng 10 năm lại phải làm lại cuộc cách mạng văn hoá đó, cho tới trăm năm, ngàn năm, nếu ngưng lâu thì con người lại hủ hoá, tư sản hoá, lại có giai cấp đấu tranh nữa. Vậy cách mạng văn hoá đó có phải là thường trực tuyệt đối.
Từ khi có loài người tới nay, chưa ai có ý nghĩ làm một cuộc cách mạng như vậy. Thay đổi hẳn 600 triệu người, bắt họ thụt lùi lại, sống thời trung cổ hay thượng cổ nữa.
Cuốn Sách đỏ (tuyển tập) của Mao chỉ lớn bằng bàn tay, có thể bỏ túi được. Bọn Hồng vệ binh nhiều kẻ chỉ mới 15-16 tuổi phải học thuộc tập đó, rồi đi khắp nơi, tới cả các hang cùng ngõ hẻm, truyền bá tư tưởng của Mao, triệt hạ kẻ nào dám chống đối.
Ngày 18.8.1966, mấy trăm ngàn Hồng vệ binh tập hợp nhau tại Thiên An Môn (Bắc Kinh) để tỏ lòng trung thành với Mao rồi chia nhau thành đoàn đi khắp tỉnh, vênh váo ra lệnh cho người lớn, dạy bảo hạng người bằng tuổi cha ông chúng. Chúng thấy sách là đốt vì sách nào cũng lạc hậu, nếu không phải là phản động, đồi truỵ. Mới 4-5 giờ sáng, chúng đã cho máy khuyếch thanh chạy oang oang, nhồi vào tai thiên hạ tư tưởng của Mao.
Các tiệm sách phải đóng cửa hết. Trong 6 năm liền không in tập sách nào cả, trừ tập Sách đỏ của Mao và ít cuốn về kỹ thuật. Đúng là chính sách Tần Thuỷ Hoàng thời xưa. Muốn kiếm một bộ Tam Quốc hay Thuỷ Hử cũng không có. Trong các thư viện, người đọc sách chỉ được mượn những tác phẩm ngoại quốc đã được lựa chọn kỹ: Balzac, Zickens, Zola “những tác giả chứng nhân của thời đại mục nát, tan rã của giai cấp tiểu tư sản”. Gorki và MaiaKoski đứng hàng đầu vì họ ca tụng vô sản.
Người ta duyệt lại các giá trị văn hoá cũ của nhân loại: Shakespeare, Mozart, Bethoveen, Bach bị đả kích; ngay Tolstoi, Hugo trước kia được coi là tiến bộ nay cũng bị mạt sát.
Sáu năm sau (1972) mới bắt đầu cho in lại truyện như Hồng Lâu Mộng, Tam quốc diễn nghĩa, Ba trăm bài Đường thi… và bản dịch những cuốn L’esprit des lois của Monstquieu, Histoire de la guerre de Péloponèse của
Thucydide, La critique de la raison pure của Kant. Tức thì thiên hạ đổ xô lại mua còn những tiệm bán sách của Mao, Marx, Lenine thì vắng teo (Alam Peyrefitte – Quand la Chine s’éveillera – tr.121)
Các đền đài, viện bảo tàng đóng cửa hết, có nơi dùng làm kho chứa rác, làm trại lính. Bảo vật, nhất là các tượng bị phá huỷ.
Dân chúng có đồ cổ, tranh cổ cũng phải dấu cất đi; bọn vệ binh lau nhau có thể vào đập phá. Những tàn tích của thời phong kiến lạc hậu đó, ai còn giữ thì là phản động. Phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới mẻ. Về sau bị báo chí phương Tây chê là không biết trọng di sản văn hoá của dân tộc Mao mới sửa sai, cho khai quật một lăng tẩm của vua chúa đời Minh, được rất nhiều cổ vật đem qua Tây Âu triển lãm để thế giới thấy rằng Mao không vong bản. Lúc đó, Mao cần lấy lòng của Tây phương để được vô Liên Hiệp quốc (1971)
Đồng thời với công việc phá huỷ đó, Mao bắt thị dân phải về nông thôn, sống vời nông dân, làm việc với nông dân. Thật là một phong trào di cư vĩ đại. Ở Thiên Tân, hơn 40.000 học sinh trung học và trên 10.000 sinh viên đại học về nông thôn. Nhưng tỉnh Giang Tây mới đáng làm kiểu mẫu: trên 720.000 người (130.000 cán bộ, giáo viên, y sĩ) về nông thôn chia làm 12.000 đội sản xuất như nông dân. Các nhân viên hành chánh giảm xuống chỉ còn 1/5, còn 4/5 về nông thôn. Chỉ khổ cho các công xã nhân dân phải nuôi họ, kiếm chỗ ở, việc làm cho họ.
Các nhà bác học may mắn hơn còn được tiếp tục khảo cứu, nhưng không được ở thị trấn, gần thư viện, trong các “la bô” (phòng thí nghiệm) nữa, cũng phải về đồng ruộng hoặc vào các xưởng xem nông dân, thợ thuyền cần gì thì cũng phải tìm tòi cùng họ về cái đó.
Giáo sư đại học phải đi hốt phân, đổ vào một xe “bù ệt” (xe một bánh) đẩy đi. Quách Mạt Nhược bảo: “văn minh phát từ phân mà ra, từ khi bọn du mục biết rằng phân cừu, phân ngựa của họ chôn xuống đất làm cho cây cỏ tốt tươi”. Họ Quách bác học và thông minh thật.
Các giáo sư chở phân ra ruộng, đổ phân xuống ruộng, rồi dùng hai bàn tay nhồi đất cho thật đều, thật nhuyễn, để có sự hoà hợp mật thiết giữa đất và phân thì kết quả mới tốt. Có nơi còn tổ chức một cuộc tiếp đón linh đình, đủ kèn, trống, cờ, biểu ngữ (không hiểu có múa lân không) để đón một ngàn xe “bù ệt” phân tới.
Có hốt phân thì mới là “hồng” cả “chuyên” nữa chứ và phải làm sao cho tụi trí thức “thấy sung sướng rằng mình không còn là trí thức nữa”, thì cách mạng mới thành công (A Peyrefitte trích dẫn).
Chính Chu Ân Lai làm gương. Tôi đã thấy một tấm hình, không nhớ ở sách báo nào chụp Chu đẩy một chiếc xe bò chở đồ. Mặt ông bình tĩnh nhưng không tươi cười như khi ông tiếp khách ngoại quốc. Đúng là truyền thống từ đời Chu: thời xưa, đầu năm thiên tử ra ruộng, cày một luống để mở đầu công việc đồng áng cho dân; bây giờ đại thần (Chu) thay thiên tử (Mao); chỉ khác có thế thôi.
Mục đích của Mao là nghiền các giai cấp, trộn lộn làm một chỉ còn một thôi. Công việc của nông dân, thợ làm cũng được, và ngược lại công việc của giáo sư, y sỹ, bác học,… nông dân và thợ làm thay cũng được và ngược lại, công việc hốt phân, cày ruộng, đập sắt, xây nhà,… nhà trí thức nào làm cũng được. Cũng là truyền thống nữa. Khổng Tử chẳng bảo từ 2.500 năm trước rằng “sỹ khả bách vi” (kẻ sỹ tức hạng trí thức có thể làm được mọi việc) đấy ư? Nhưng chính Khổng Tử lại đáp Phàn Trì, môn đệ của ông muốn xin ông chỉ cho nghề nông “Ta không bằng một lão nông”, vậy là ông trọng sự chuyên môn, còn Mao thì muốn diệt cả sự chuyên nghiệp.
Các trường đại học đóng cửa luôn 4 năm từ năm 1966 đến 1970, khi mở cửa trở lại thì rút từ 4 năm xuống còn 2-3 năm. Muốn được tuyển vào thì phải giỏi về ý thức hệ, phải thuộc và biết áp dụng tư tưởng của Mao, phải biết sống chung với dân chúng, phải có tinh thần phục vụ giai cấp vô sản.
Học hết trung học (trước 6-7 năm nay rút xuống còn 4-5 năm), phải thực tập trung bình 3 năm hoặc trong xưởng hoặc ngoài đồng ruộng. Con nông dân, thợ thuyền, binh lính thì không buộc có bằng cấp gì cả.
Như vậy mới đúng với lập trường giai cấp.
Chương trình học thay đổi hẳn: nhiều môn bỏ hoặc giảm (như sử học, văn học); có mấy môn thêm như canh nông (lý thuyết và thực hành) văn hoá cách mạng… mà sinh viên ngành nào cũng phải học. Về canh nông dĩ nhiên người ta đưa nông dân lên làm giáo sư; khổ cho họ (nông dân) chứ họ không cho đó là một vinh dự.
Hậu quả là sau cuộc cách mạng tôn giáo bị dẹp, các chùa chiền, giáo đường Hồi và Ki tô phải đóng cửa, báo chí bị rút giấy phép; các rạp hát trong toàn quốc chỉ còn diễn đi diễn lại 6-7 vở tuồng (trên tổng số là 50.000 vở) mà vở Bạch Mao nữ (trang ở sau) được diễn nhiều nhất và quay phim. Vô số trí thức thất nghiệp bỏ nghề, họ không được đào tạo thêm; 5-6 năm sau, khi tình trạng bình thường trở lại Trung Hoa thiếu kỹ thuật gia một cách trầm trọng. Có tỉnh lớn bằng nửa nước ta mà trong số lãnh đạo không kiếm ra được 10 cán bộ có bằng cấp đại học; một nửa số cán bộ không hiểu nổi tài liệu của Đảng. Bộ Chính trị, Uỷ ban Trung ương Đảng không ai có bằng cấp cao. Trên số 11.3 triệu cán bộ thì 7 trịêu bị đàn áp, non 2 triệu xử tử, nên phải tuyển thêm 20 triệu Đảng viên.
Một số nhà văn bị nhục, phải xử tử như Lão Xá, hoặc phải trốn ra nước ngoài, còn đa số phải tự phê như Quách Mạt Nhược. Quách năm đó đã 70 tuổi, tuyên bố: “theo các tiêu chuẩn hiện nay, những gì tôi viết ra trước đây
không có giá trị gì cả và đáng đem đốt hết…” Nhờ nghiên cứu các tác phẩm của Mao chủ tịch, thợ thuyền, nông dân và binh sỹ viết hay hơn tôi”.
(nhưng trước sau tôi có thấy tác phẩm nào của ba giai cấp đó đâu).
Có lẽ Quách hơi ức nên dùng mấy tiếng hạn chế: “theo các tiêu chuẩn hiện nay”, và bọn binh đỏ hiểu ý tại ngôn ngoại của “quân chủ bại”, là “tên văn sỹ phản động con đẻ của gia đình phong kiến. Quách là Viện trưởng Viện khoa học nổi tiếng khắp thế giới mà còn bị như vậy thì Đinh Linh, Mao Thuần đâu được tha. Ngay Chu Dương, người từ trước vẫn là phát ngôn viên của Đảng về văn hoá mà cũng bị kết tội là mê say văn nghệ tư sản thế kỷ XIX, là phản cách mạng, đề cao Kroutchev là “cáo già, chó sói, rắn độc” (theo K.S.Karol trong La Chine de Mao – Robert Laffont – 1996)
Báo chí Trung Quốc gần đây bảo cuộc cách mạng đó đã giết chế 20 triệu người, không biết nhà cầm quyền (Đặng Tiểu Bình và bộ hạ) có phóng đại để kết tội bọn tay sai của Mao, tức bốn tên Vương Hồng Văn, Trần Bá Đạt (thư ký của Mao), Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên (nên kể thêm Giang Thanh, vợ Mao nữa), tức bốn hung thần trong cuộc cách mạng văn hoá không.
Một nhà báo của Tây phương ví Mao với Tần Thuỷ Hoàng: Mao đáp: “Tần Thuỷ Hoàng chỉ giết có 460 kẻ sỹ. Còn tôi, tôi đã giết 46.000 trí thức, tôi hơn Thuỷ Hoàng cả trăm lần chứ!”.
Ngày nay Mao đã chết, chính sách của Mao đã bãi bỏ, nhưng dù ghét Mao thì cũng chưa ai dám đập thần tượng Mao.
Rốt cuộc Mao chỉ muốn tố cáo, hại những kẻ thù của ông: Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình,… nhất là Lưu, kẻ đã chiếm ngôi Chủ tịch hội đồng Nhà nước của ông, nên phải tìm ra một lý thuyết mới: cách mạng thường trực, mớm cho bọn con nít là Vệ binh đỏ để chúng mạt sát, trừng trị bọn tay sai hoặc có cảm tình với Lưu ở các tỉnh, nhưng tuổi trẻ hăng quá, chỉ trong một tháng, chỉ trong 1 tháng, từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 năm 1966, chúng tố cáo lung tung, kết tội gần hết các nhà cầm quyền địa phương và bọn này phải phản ứng, cũng tổ chức Hồng Vệ binh địa phương để tiêu diệt Hồng vệ binh Trung ương, sinh ra loạn khắp nước, nhất là ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, hai bên đâm chém nhau. Các nhà cầm quyền địa phương lại thừa dịp tách riêng ra, không chịu nhận mệnh lệnh trung ương nữa, muốn tự trị. Bắc Kinh phải vội vàng nắm lại bọn Hồng vệ binh, dùng quân nhân dạy bảo chúng, bắt chúng vào kỷ luật.
Chu Ân Lai cũng cảnh cáo chúng là chúng chỉ có nghĩa vụ lật đổ những kẻ chính phủ chỉ cho chứ không phải là lật đổ chế độ.
Riêng thị trấn Thiên Tân, người ta đưa hàng vạn Hồng vệ binh về ruộng để được cải tạo, để được bần nông dạy dỗ cho. Đến phiên chúng phải gánh phân, nhồi phân, trồng cải bẹ (món ăn chính của bình dân Trung Hoa cũng như rau muống ở Bắc Việt). Thế là hết nạn Hồng vệ binh.
Nhưng chúng ta nên công bằng: cách mạng văn hoá ở Trung Hoa có điểm đáng khen là nghiên cứu y học cổ truyền, nhất là khoa học châm cứu, thực hiện cải thiện phương pháp, thực hiện được nhiều tiến bộ, làm được một số giải phẫu mà khỏi phải dùng thuốc mê, thuốc tê được người phương Tây khen và hiện nay môn đó bắt đầu được phát triển ở vài nước như Pháp, Việt Nam…
Tháng 10/1968, trong một cuộc họp của Uỷ ban Trung ương Đảng, Mao làm chủ tịch, người ta thừa nhận chính sách của Mao từ 1966 về cuộc cách mạng văn hoá và toàn thể đồng lòng đuổi vĩnh viễn tên “phản động” Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi đảng, tước hết các chức vụ của Lưu ở trong và ngoài đảng, bỏ tù Lưu và sau Lưu chết thê thảm ở trong ngục vì bị hành hạ tàn nhẫn, vợ con không hay gì cả.
Qua vài năm sau đến phiên của Đặng Tiểu Bình. Người ta dẫn ra những lỗi của Đặng trước kia, chẳng hạn Đặng bảo: “Chủ tịch Mao tuyên bố năm 1962 rằng tình trạng kinh tế tốt đẹp; không nó xấu chứ không tốt đẹp” – “dân chúng thiếu ăn, thiếu mặc, chúng ta tự tin quá, lừa gạt nhân dân quá” – “một số đông nông dân đòi chia đất lại cho họ; họ không tin chính sách kinh tế tập thể” – “cá nhân hay tập thể điều đó không quan trọng, quan trọng là tăng sự sản xuất thực phẩm; mèo trắng hay mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo ấy tốt” – “đa số các nhà tư sản Trung Hoa đều tay trắng làm nên nhờ nghị lực và tài năng của họ; lại Thượng Hải mà xem họ tổ chức xí nghiệp trung bình và nhỏ của họ ra sao” – “đối với bọn trí thức tiểu tư sản… thì lúc này ta cần tới họ, mặc dầu họ càu nhàu đi nữa, miễn là họ biết dạy, điều này mới là quan trọng”. Chủ trương đó của Đặng hợp với đường lối của Lénine, Lénine khuyên phải học bọn tư bản và trí thức, ít nhất là trong buổi đầu. Vì vậy mà buổi trước Đặng không bị “chỉnh”, bây giờ Đặng bị trục xuất, sở dĩ không bị hại như Lưu vì Đặng không có ý tranh quyền với Mao.
Sau cùng đến phiên Lâm Bưu, Lâm là bạn chiến đấu chí thiết của Mao, trung thành với Mao, theo triệt để đường lối của Mao, được Mao chọn làm người kế vị của mình. Vậy mà bỗng nhiên năm 1971 Lâm mất tích. Báo chí đưa ra tin Lâm cùng tám bộ hạ lên máy bay trốn qua Nga, chiếc đó bị nạn (đâm vào núi?!) ở Mông Cổ, tan xác hết…. Mọi người nghi ngờ tin đó, Lâm cùng hoà một khúc với Mao, mạt sát chính sách “xét lại” của Nga thì qua Nga làm gì? Người ta ngờ rằng Lâm đã bị Mao thủ tiêu vì Mao căm Lâm muốn hất mình khi đã nắm được quân đội miền Bắc thời Mao thất thế. Cũng chỉ là phỏng đoán vậy thôi. Việc đó hoàn toàn bí mật. Mãi năm sau mới có tin chính thức rằng Lâm bị trục xuất, thế thôi. Bị giam ở đâu hay bị giết rồi, không biết . (1)
(1) Theo số báo nhân dân Hà Nội, tháng 7-1983 thì nhà Laffont ở Paris mới phát hành bản dịch của cuốn Yao Mingle trong đó kể lại vụ Lâm Bưu bị Mao thủ tiêu bằng rốc kết trong khi ngồi xe hơi trở về dinh sau bữa tiệc Mao đãi trong Cấm Thành. Vụ đó Chu Ân Lai có nhúng tay vào. Vợ chồng (1) Lâm Bưu tan xác vì Lâm muốn giết Mao, chưa kịp thì Mao ra tay trước (NHL).
Gần đây các sách của Trung Quốc thì cho rằng Lâm làm phản, mưu đảo chính Mao. Cuộc tạo phản bất thành, vợ chồng, con cái và tay chân Lâm trốn thoát bằng phi cơ, đến Mông Cổ thì máy bay rơi. Cả đoàn tuỳ tùng và vợ chồng Lâm đều chế tan xác. Có giả thuyết cho rằng, máy bay rơi là do lệnh của Chu Ân Lai đã bàn trước với Mao Trạch Đông (BT)
Từ năm 1970, Mao nắm lại hết quyền hành nhưng uy tín đã sút nhiều, phải bỏ “nhảy vọt”, bỏ công xã nhân dân, bỏ cách mạng văn hoá vì đại đa số đều chống mà trở lại lối phát triển cũ. Nhưng kinh tế không tiến được mau vì thiếu kỹ thuật gia (họ chết nhiều mà không được đào tạo thêm); dân và cả đảng nữa thiếu tinh thần hăng say. Chính Mao cũng chán nản, buông xuôi, để cho đảng theo đường lối cũ của Lưu Thiếu Kỳ (đã bị nhốt khám) dưới nhãn hiệu của Mao.
Qua năm 1971, đường lối “quặt hẳn”: diệt phe tả, xích lại Tây phương, bắt tay Nixon (Mỹ), đả Nga nhiều hơn. Đại hội của đảng trao cho Chu Ân Lai quyền quyết định vì Mao suy nhược về thể chất lẫn tinh thần. Uy tín của Chu lên nhưng ông ta ôn hoà mà tròn trịa, không để cho Mao nghi kỵ, ông được lòng nhiều người, nhưng bị Giang Thanh và đồng bọn ghét gọi ông là Khổng Tử (Khổng Tử bị cộng sản đả dữ lắm). Ít lâu sau, Chu bị bệnh ung thư đường tiết niệu, khi mới biết nếu giải phẫu ngay thì có cơ cứu được, nhưng Giang Thanh chỉ muốn ông có cơ chết để bà dễ chuyên quyền nên tìm mọi cách giữ y sỹ, hoãn việc giải phẫu, đợi đến khi nguy ngập mới cho làm thì đã quá trễ, và Chu tắt thở tháng 1/1976. Bệnh liệt run của Mao lúc này đã nặng, lúc tỉnh lúc mê, Hoa Quốc Phong thay Chu Ân Lai làm thủ tướng nhưng Giang Thanh nắm hết quyền với bốn tên Vương Hồng Văn, Trần Bá Đạt, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên tôi đã kể trên.
Mao chết tháng 9/1976 xác được ướp. Các con trai của Mao đều bị Giang Thanh hãm hại, có người hoá điên. Mao chỉ có một người con gái với Giang Thanh, cô ta cũng bị mẹ bạc đãi.
Hoa Quốc Phong chỉ là con nuôi của Mao, quê ở Giang Tây nhưng hoạt động ở Hồ Nam, được Mao đưa lên kế vị và được nhóm Diệp Kiếm Anh đưa lên làm chủ tịch Đảng (1976). Vậy triều đình của Mao không khác gì triều đình hủ lậu thời quân chủ: hoàng hậu - Giang Thanh – ham quyền hành, muốn theo gót Từ Hy Thái Hậu, còn hoàng đế (Mao) thì bỏ ý thức hệ cộng sản mà trở về truyền thống cũ, truyền ngôi lại cho con, mặc dầu là con nuôi.(1)
(1) Kim Nhật Thành, chủ tịch Bắc Triều Tiên, hiện còn sống, đã chỉ định một người con lên kế vị mình sau này. Có người mỉa là “chủ nghĩa xã hội thừa kế”. Mà chủ nghĩa dân chủ của Tưởng cũng kế thừa nữa, truyền ngôi cho con. Có lẽ không dân tộc nào ham ngôi vua bằng dân tộc Trung Hoa
Mới đầu Hoa có ưu thế, đánh đổ bọn bốn tên mà cả nước ai cũng ghét, nhưng không động đến Giang Thanh.
Đặng Tiểu Bình được phục hồi danh dự từ năm 1973, làm Phó thủ tướng, uy tín mỗi ngày một cao. Tháng 7/1977, ông tranh quyền với Hoa, thắng, năm trọn quyền. Năm sau đưa ra chiến lược “bốn hiện đại hoá” mà Chu Ân Lai đã đề nghị từ năm 1965, và lúc này đây dân chúng các thành thị nhao nhao lên đòi thực hiện. Bốn hiện đại hoá đó là hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và văn hoá – khoa học - kỹ thuật, chẳng có gì mới.
Chính sách kinh tế nhiều thành phần được khôi phục, bỏ tư tưởng chỉ đạo tả khuynh, cá thể hoá lại lao động của nông dân; mở mang sang các nước tư bản Mỹ, Nhật… (sự thật là Mao đã thân với Mỹ từ 1972 vì tổng thống Nixon ủng hộ Trung Hoa vào Hội đồng bảo an liên hiệp quốc thay Tưởng năm 1971); dùng vốn và kỹ thuật của Tây phương để kiến thiết. Theo báo Nhân dân (Hà Nội) năm 1983, Hồ Diệu Bang biến Trạm Giang ở gần Hương Cảng thành một đặc khu kinh tế, kêu gọi tư bản ngoại quốc đầu tư, sẽ miễn hoặc giảm thuế cho họ. Họ tính đầu tư một tỷ rưỡi Mỹ kim vào đó. Chuyên gia Trung Hoa từ các vùng khác sẽ tới đó học hỏi kinh nghiệm để về thử rồi tìm một con đường phát triển mới mà họ gọi là xí nghiệp tư mà không có chủ nghĩa tư bản (private enterprise without capilism). Họ hy vọng cuối thế kỷ tổng sản lượng sẽ gấp bốn năm 1982 (Theo Far Eastern Economic Review 4/1983). Muốn vậy thì mỗi năm phải tăng lên đều đều từ 7%-8% so với năm trước.
Bây giờ Đặng mới có cơ hội thực hiện chính sách cởi mở của ông từ năm 1968, chính sách đã làm cho ông mất địa vị, mà mà không toi mạng. Ông đặt lại vấn đề hồng và chuyên (trọng chuyên hơn hồng), trọng thiết thực hơn lý thuyết.
Ông nhốt khám Giang Thanh, thanh trừng các đối thủ (như Mao hồi trước). Chính sách của Mao bị bãi bỏ nhưng không ai dám phá thần tượng Mao. Phe Giang Thanh chủ trương cải cách văn hoá hình như còn rất đông, chỉ trích ông hoặc chống đối ông. Tình hình Trung Hoa năm 1983 còn lộn xộn lắm.
Ở Đài Loan, Tưởng Giới Thạch chết trước Mao (1975). Còn Tưởng Kinh Quốc vẫn theo đường lối của cha.
(1) Quốc dân đảng và Cộng sản đảng đều thành công lớn nhưng
(2) không bền (Quốc từ 1911-1912; Cộng từ 1925-1926); tiếp theo là một khoảng 10 năm long đong (Quốc từ 1913-1923; Cộng từ 1927-1937); rồi lên cầm quyền, tràn trề hy vọng (Quốc: 1928, Cộng: 1949), nhưng chỉ được mươi năm đầu rồi lại suy loạn. Cả hai đảng đều do giới trí thức thành lập, tổ chức.
Nhân vật quan trọng trong Quốc dân đảng hầu hết là thị dân, gia đình thương nhân ở Quảng Châu (môn đệ Tôn Văn), hoặc người ở Thượng Hải, miền hạ du Dương Tử Giang du học ở ngoại quốc về (phe của Tưởng).
Những người theo Mao, trái lại cũng như Mao, đa số gốc nông dân ở Hồ Nam, chỉ có một số ít đã xuất ngoại.
Quốc dân đảng suy từ khi rời lên Trùng Khánh (1939) nhờ đứng về phe đồng minh mà vượng lên mấy năm, rồi không ngóc đầu lên được nữa vì không biết lo cải thiện đời sống nông dân như Tôn Văn đã dặn. Cộng sản đảng tuy đã thuộc lời Tôn Văn đấy, nhưng từ khoảng 1960 cũng thất bại nặng vì muốn tiến mau quá, bắt dân phải hy sinh quá sức của họ. Hiện nay (1983), Đặng Tiểu Bình có vẻ muốn làm theo đường lối kinh tế tự do của tư bản. Chúng tôi chỉ biết vậy thôi chứ không dám tiên đoán gì cả. Từ nay đến cuối thế kỷ còn nhiều biến chuyển.
Tưởng và Mao đều sống giản dị, có nhiều nghị lực, kiên nhẫn nhưng đều ham quyền, tư cao tự đại, không nghe lời khuyến cáo của ai cả. Tưởng nóng nảy, Mao bình tĩnh nhưng giả dối, thâm hiểm, hiếu sát. Cả hai đều có bốn vợ, đều truyền ngôi lại cho con. Tưởng cho Tưởng Kinh Quốc (con vợ trước), Mao cho Hoa Quốc Phong (con nuôi). Họ là những con người mới mà không bỏ được truyền thống từ 2000-3000 năm trước.
Công của Tưởng là bắt đầu hiện đại hoá Trung Quốc, ít nhất là ở thành thị, xoá bỏ được các hiệp ước bất bình đẳng, đưa Trung Quốc lên hàng ngũ cường mặc dầu chỉ có danh chứ không có thực.
Công của Mao là xoá bỏ chế độ phong kiến (Tưởng cũng có một phần công này), cứu dân khỏi bị chết đói – tuy vẫn còn đói - giải cho nông dân khỏi bị tủi nhục, khinh bỉ và làm cho Trung Quốc trở thành một cường quốc thực sự, đứng thứ ba trên thế giới (1). Không một dân tộc nào dám nuôi cái mộng diệt họ.
(1) Thời Mao làm cách mạng văn hoá, một số người Tây phương coi ông là thần tượng, muốn theo chủ nghĩa cách mạng tuyệt đối của ông. Nay họ đã bớt ngưỡng mộ ông ta
Nhưng cách mạng Trung Hoa đã làm đổ biết bao máu? Có người đoán là 50 triệu, khoảng 1/10 dân số. Cách mạng nào mà không vậy? Pháp, Nga, Algérie, Pakistan…
Kinh tế:
Trong tiết này tôi chỉ xin tóm tắt vài điểm về chính sách, mục tiêu, phương tiện và kết quả thôi. Tôi sẽ đưa rất ít thống kê và con số vì môn thống kê ở Trung Hoa chưa được chính xác lắm (chính họ nhận như vậy nên đã nhiều lần sửa con số đã đưa ra), vả lại những con số đó không đưa cho ta một ý niệm gì cả vì theo chỗ tôi biết, chưa có sử gia nào so sánh những tiến bộ của Trung Hoa với những tiến bộ ở các nước khác như Âu, Mỹ, nhất là ở các nước được phát triển như Trung Hoa, chẳng hạn Ấn Độ, Miến Điện, Việt Nam.
Về kinh tế, Trung Hoa bị những bất lợi là thiếu vốn, thiếu kỹ thuật gia nhưng lại được cái lợi là được hưởng những công trình của Nhật để ở Mãn Châu, với một cơ sở kỹ nghệ vững chắc, từ đó lan ra các miền khác, có một đảng mạnh, bắt buộc được dân phải hy sinh; sau cùng là được Nga giúp cho về vật chất lẫn kinh nghiệm.
Như trên tôi đã nói, từ năm 1950 đến năm 1957 (hết kế hoạch năm năm đầu). Kinh tế tiến triển rất mau, trừ 1958 đến 1962, suy thoái về chính sách nhảy vọt, từ 1963 lại bắt đầu phục hồi nhưng chậm, phải 7 năm mới trở lại mức sống như năm 1957. Vậy là từ 1957 đến 1970, Trung Hoa giậm chân tại chỗ.
a. Nông nghiệp (hiểu theo nghĩa rộng là trồng trọt, hoa màu, kể cả cây kỹ nghệ nữa như bông, vải)
Năm 1960, Trung Hoa có 110 triệu ha trồng trọt (1/12 diện tích) và 600 triệu dân, trung bình 1 ha cho 6 người dân làm vì thiếu đất, máy móc, phân bón (Nhật dùng phân bón gấp 10 lần Trung Hoa), nên năng suất của nông dân rất thấp, 1 người làm chỉ nuôi được 3 người, bằng 1/12 nông dân Mỹ.
Phương pháp canh tác không thay đổi, thiếu máy móc phải khai phá thêm đất đai, làm thêm công việc thuỷ lợi, nhưng tới năm 1970 Trung Hoa vẫn chưa đủ thực phẩm, phải mua thêm lúa của Úc, Canada 5-6 triệu tấn mỗi năm, giá vào khoảng 400 triệu Mỹ kim Việt Nam năm 1980 cũng như Trung Hoa, thiếu thực phẩm, Thái Lan, Miến Điện có dư để xuất cảng.
a. Kỹ nghệ
Mao theo đúng lý thuyết kinh tế của cộng sản: chú trọng đến sự phát triển kỹ nghệ nặng trước hết vì hai lẽ:
- Kỹ nghệ nặng sẽ kéo theo các kỹ nghệ nhẹ giúp cho canh nông như sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, máy cày, máy giặt,…
- Mao muốn cho Trung Quốc trở thành một cường quốc, có khí giới tối tân nhất, nghĩa là ông vẫn muốn phát triển kỹ nghệ chiến tranh nhưng không cho biết đã thực hiện được những gì.
Tài nguyên thiên nhiên Trung Hoa chắc là nhiều nhất Châu Á nhưng hình như kém xa Mỹ và Nga. Than đá khoảng 600 tỷ tấn, ở miền Bắc là chính; dầu lửa: 1700 triệu tấn ở Cam Túc, Tân Cương, Mãn Châu chưa đủ dùng.
Khoáng sản có sắt, atimoine, bismuth tungstène, uranium, thiếc, đồng, nhôm; trừ sắt ở miền Bắc còn tất thảy ở miền Nam và tây Nam khai thác khó.
Sau năm 1958, kỹ nghệ nhẹ cũng thụt lùi, nhất là từ khi Nga rút kỹ thuật gia về.
Nga năm 1950 cho vay 300 triệu Mỹ kim trả làm năm năm, nă 1954 cho vay 540 triệu rúp trả làm tám năm; năm 1959 cho vay thêm 5 tỷ rúp trả làm chín năm, nhưng Trung Hoa dùng một số lớn để giúp Bắc Hàn, Việt Nam, Mông Cổ,… gây uy tín với những nước đó.
b. Chuyên chở
Phát triển nhất là đường xe lửa. Năm 1967, Trung Hoa có khoảng 32.000 cây số đường xe lửa, nhiều nhất ở đường Tây Bắc (coi bản đồ). Đường xe hơi thì được 440.000 cây số nhưng chỉ một phần tư là dùng được quanh năm. Kỹ nghệ xe hơi đã có từ năm 1956 và trong hai năm sau sản xuất được 16.000 cam nhông.
Họ ráng đóng tàu chạy trên sông và trên biển, chưa được bao nhiêu. Ngành hàng không chưa lấy lại được mức năm 1949.
c. Ngoại thương
Thụt lùi nặng. Xuất cảng năm 1959 được 2.230 triệu Mỹ kim, năm 1962 còn 1.510 triệu, năm 1964: 1.670 triệu. Nhập cảng cũng vậy, năm 1959: 2.065 triệu, năm 1962 còn 1.160 triệu, năm 1964: 1.335 triệu.
Trung Hoa giao dịch với Tây phương mỗi ngày một tăng, với khối chủ nghĩa xã hội mỗi ngày một giảm.
b. Các công trình lớn
Cùng việc đầu tiên là chống lụt, Trung Hoa có 2.400.000.000 mẫu (mỗi mẫu vào khoảng 750 thước vuông) có thể trồng trọt được, mà chỉ có 1.470.000.000 (non 2/3) đã thành ruộng. Cần nhiều công trình thuỷ lợi cần khai thác những chỗ còn bỏ hoang.
Công trình thuỷ lợi lớn nhất là cánh đồng sông Hoài. Năm 1949, miền đó bị lụt lớn, cả triệu dân đói nên chính quyền bắt tay vào liền, huy động bốn triệu dân đắp đê, đào kinh, khai thông khắp miền bị lụt. Vậy là từ năm 1955 đến nay cứu được cả triệu dân khỏi bị nạn. Phải đắp ba cái đập ngăn nước từ các sông nhỏ chảy vào, tạo mười cái hồ lớn giữa nước vét lòng sông... đáng kể là một công trình vào hàng lớn trên thế giới.
Sông Hoàng Hà là cái hoạ từ thời thượng cổ của dân tộc Trung Hoa. Mấy ngàn năm trước đã có vài ông vua nghĩ cách vét sông mà không đắp đê nữa. Vì đắp đê mà không vét sông thì mỗi ngày lòng sông dân cao lên, cao hơn mực đất trong đồng, có chỗ (Sơn Đông) tới bảy thước hễ vỡ một khúc đê nào là tai hại cho dân không sao kể xiết, hơn nữa dòng sông thay đổi theo một hướng khác. Từ khi có sử tới bây giờ nó đã đổi dòng tới 24 lần, khi thì đổ vào Bột Hải như ngày nay khi thì chảy về phía Nam, đổ vào Hoàng Hải như năm 1954. Trung bình cứ 10 năm vỡ đê bốn lần, mà mỗi lần vỡ đê là hàng triệu người chết.
Mao Trạch Đông quyết tâm chế ngự nó. Ông tính từ năm 1957 đến cuối thế kỷ xây 46 cái đập từ thượng lưu tới hạ lưu thành một cầu thang cao 850 mét, dài 3.600 cây số, xây cất nhiều cửa nước để thuyền, tàu đi lại được (vì mùa khô lòng sông cạn, không chở được thuyền). Đến lúc đó thì một cánh đồng hoàng thổ rộng bằng một nửa nước Pháp sẽ không bị lụt nữa, rất phì nhiêu. Có người đã bảo “nếu chính quyền nước cộng hoà dân chủ chỉ làm được bấy nhiêu thôi thì cả dân tộc Trung Hoa sẽ mang ơn hàng ngàn năm sau rồi”. Nhưng các nhà chuyên môn cho rằng công trình đó khó mang lại kết quả như ý mà rất tốn kém. Hoàng Hà là con sông có nhiều phù sa nhất thế giới (trung bình 1.600 triệu tấn mỗi năm). Phải làm nhiều công trình kiến trúc đào đất, đào hầm, đào kinh trong núi để tháo nước trong các hồ chứa nước phía trên các đập cho thật mau, nếu không thì phù sa sẽ lắng xuống, chỉ một hai chục năm là đập không dùng được nữa.
Nay Mao Trạch Đông đã chết công trình đó sẽ được tiếp tục hay không?
Miền sông Dương tử cũng được sửa chữa lại đê, đào thêm kinh, đưa nước vô ruộng.
Muốn giảm nước lũ thì phải trồng lại rừng. Cộng sản tính trồng lại bốn khu rừng ở Đông Bắc và miền Trung. Có khu ài 1.100 cây số, rộng 300 cây số. Dọc bờ sông Hoàng Hải cũng sẽ trồng 600 cây số rừng để ngăn bão.
Kinh Hồng Kỳ. Để đưa nước vô miền Linhsien (1), (Vụ đào kinh này tôi chỉ thấy Simon Leys kể trong cuốn Ombres Chinoises xuất bản năm 1975. Các cuốn khác không nói tới. Không biết công trình đó đã thực hiện xong chưa) người ta bắt một con sông phải đổi dòng, chui qua một dãy núi rồi chảy vào lòng sông nhân tạo đục và xây ở sườn núi. Công việc hoàn toàn bằng tay người dân trong miền, không dùng máy móc cũng không nhờ tới kỹ sư. Người ta tính phải dùng cả trăm triệu dân làm trong mười năm để đào được 1.500 cây số kinh, phá núi, đồi, xây 134 đường hầm, 150 cống nước, chuyển 16 triệu thước khối đất và đá. Có thể dùng máy nhưng Mao không muốn. Các du khách ngoại quốc tới coi đều ngạc nhiên, cho là Mao điên, không hiểu rằng ông muốn hậu thế nhớ bài học của ông: hễ có tinh thần tin tưởng, cương quyết thì không công việc gì loài người không làm được. Bài học đó chính là bài học Ngu Công dời núi của Trung Hoa thời xưa, bài học của Tần Thuỷ Hoàng, của các pharaon (vua) thời cổ đại Ai Cập.
Cầu Nam Kinh
Con đường xe lửa từ Bắc xuống Nam, tới sông Dương Tử vẫn phải đứt quãng để qua phà. Năm 1968 Mao cho xây cầu Nam Kinh dài 1.600 thước, có hai bản cầu (tablier) một cho xe lửa, một cho xe hơi. Chín cột cầu phải xây trên những cái thùng (Caisson) rất lớn bằng bê tông cốt sắt, thả xuống đáy sông (cầu Doumeur) từ Hà Nội qua Gia Lâm cũng dùng những thùng đó nhưng nhỏ hơn vì sông Nhị Hà chỗ đó cạn). Các kỹ thuật gia Âu Mỹ đều bảo phải dùng máy để thả thùng xuống, dùng sức người thì sẽ thất bại. Mao không nghe, dùng không biết bao nhiêu dân và làm được, mặc dầu gặp rất nhiều khó khăn, suýt thất bại. Ông ta dám nghĩ, tìm một lối mới, dám hành động và coi thường mạng người.
Bom hạch tâm
Đây là thành công lớn nhất của cộng sản. Năm 1959 Nga không chịu chỉ cho Trung Hoa cách chế tạo bom hạch tâm. Mao quyết định tự làm lấy, kêu gọi hai nhà bác học chuyên về hạch tâm ở Mỹ về. Hai nhà này còn trẻ (Tchen Ning Lang, Tsung Lao Lee) được giải Nobel về vật lý. Bốn năm sau (1964) họ thử trái bom đầu tiên và thành công. Dân tộc Trung Hoa rất hãnh diện, từ đây không dân tộc nào ăn hiếp họ được nữa.
Năm 1970 họ đã có vệ tinh nhân tạo. Hiện nay lực lượng hạch tâm của họ chỉ thua Mỹ và Nga thôi.
Ngoại giao
Chính sách ngoại giao của nước nào và thời nào cũng thay đổi như chong chóng, sớm đánh tối hoà, nay thù mai bạn. Tôi chỉ có thể ghi vài nét chính thôi.
Nga – Hoa
Stalin vốn không ưa Mao, cho cộng sản của Mao là thứ cộng sản giả hiệu (communision à la morgarine). Nhưng khi thấy Mao đuổi được Tưởng đi, uy tín phe cộng tăng lên mạnh, thêm được 5-6 trăm triệu dân nữa, phe tư bản do đó yếu thế đi, tất nhiên Staline mừng, thừa nhận ngay chính phủ cộng hoà nhân dân Trung Hoa và giúp Mao khá nhiều
Mao giúp Bắc Triều Tiên đánh Mỹ và Nam Triều Tiên, giúp Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ. Năm 1954, thế của Trung Hoa càng tăng, sau hội nghị về Việt Nam (Genève), Mao giúp Ấn Độ. Năm 1955, ở hội nghị Bandoeng, Trung Hoa muốn lãnh đạo các nước chậm phát triển ở Á, Phi tuyên bố: “Trung Hoa sẽ không chiếm một thước đất của một đất nước nào”. Năm 1956, Chu Ân Lai đi thăm mười nước Á Châu, và thủ tướng các nước Cao Miên, Lào, Mã Lai... lại Bắc Kinh đáp lễ.
Staline chết, Kroutchev lên thay, chỉ trích Staline là độc tài, hiếu sát, tự tạo cho mình một thần tượng...; rồi Kroutchev thay đổi chính sách, cởi mở cho dân một chút, hoà hoãn với Tây phương; Mao chê Kroutchev là theo đúng chủ nghĩa “xét lại”, không theo đúng Mác-Lê. Kroutchev chê lại bước nhảy vọt, công xã nhân dân của Mao. Năm 1957 Nga đã hứa giúp Trung Hoa chế tạo bom hạch tâm, năm 1959 nuốt lời hứa... những việc xảy ra đó việc nào là nguyên nhân chính sự bất hoà Nga – Hoa từ năm 1960 đến nay? Không ai biết được, chỉ thấy tháng 8/1960:
- Nga rút 500 (có sách nói 1000) kỹ thuật gia về, mới bắt đầu xây cầu Nam Kinh thì bỏ dở.
- Hoa bắt tất cả các sinh viên đang học ở Moscow phải về nước
- Trong hội nghị các nhà nghiên cứu phương đông ở Moscow, không một học giả Trung Hoa nào dự.
- Các lãnh quán Nga ở Trung Hoa đóng cửa hết.
- Nga giảm xuất cảng sắt, thép qua Trung Hoa để sang giúp Ấn Độ.
Và từ 1963, hai nước anh em đó bắt đầu mạt sát nhau kịch liệt. Mao tự cho mình mới theo đúng đường lối chính truyền. Kroutchev hỏi Mao dùng nông dân và tiểu tư sản làm cách mạng quốc gia thì chính truyền ở chỗ nào?
Kroutchev bảo có thể tránh chiến tranh toàn diện, sinh tử với tư bản được vì nếu có chiến tranh như vậy thì cả hai bên đều chết. Mao chê như vậy là ý chí cách mạng tiêu tan rồi, là sợ con “Cọp giấy” (Mỹ) cho rằng Trung Hoa dù có chết nửa số dân vì chiến tranh hạch nhân thì vẫn còn ba trăm triệu người. Kroutchev cho rằng Mao hiếu chiến, gây gổ, nguy hiểm.
Hoa - Mỹ
Nhưng kẻ thù số một của Trung Hoa thời đó là Mỹ. Mỹ chiếm Đài Loan, ủng hộ Tưởng Giới Thạch, cho một hạm đội mạnh đi tuần ở bờ biển Trung Hoa, Mao không yên tâm được; Mỹ đánh bại Bắc Triều Tiên và Trung Hoa; Mỹ không cho Mao vô Liên Hiệp Quốc thay Tưởng Giới Thạch. Mỹ giúp Ngô Đình Diệm rồi đem quân qua đánh Mặt trận giải phóng Miền Nam, muốn làm chủ bán đảo Đông Dương; nếu làm chủ thì sẽ bao vây Mao ở phía Đông (Đài Loan, Nam Triều Tiên) và ở phía Nam.
Khoảng 1971-1972, Mỹ Hoa bỗng kết thân với nhau làm cả thế giới chưng hửng. Họ thoả thuận với nhau về Đông Dương rồi ư? Thoả thuận ra sao không ai biết. Rồi có hiệp định Pari năm 1973 giữa Bắc và Nam Việt, hai bên đình chiến, Mỹ rút hết quân về. Sau đó Bắc và Nam Việt lại choảng nhau tháng 5- 1975, Bắc chiếm hết Nam. Mỹ uất hận. Trung Hoa cũng vậy. Đầu năm 1979, Trung Hoa rút hết kỹ thuật gia ở Bắc Việt về. Bất lợi (Đặng Tiểu Bình tự nhận là thất sách) ủng hộ Pol Pot (cộng sản Cao Miên) chống lại Việt Nam. Việt Nam phải nhờ Nga giúp. Thế là Nga - từ 1905, trong cuộc chiến tranh với Nhật đã biết hải cảng Cam Ranh tốt thứ nhì trên thế giới - viện trợ cho Việt Nam kỹ thuật gia, quân sự gia, khí giới, tiền bạc... và có được một căn cứ quân sự tối quan trọng ở Đông Nam Á.
Mới mấy năm trước Trung Hoa là ân nhân của Việt Nam. Việt Nam nhờ viện trợ của Trung Hoa và Nga trong hai chục năm mới đuổi được Pháp, Mỹ, nay coi Trung Hoa là kẻ thù số một (Mỹ là kẻ thù số hai). Có gì bí mật trong vụ đó?
Đồng thời Trung Hoa kết thân với Mỹ, nhờ Mỹ giúp để hiện đại hoá cho. Nga ghét Mỹ và cũng ghét Hoa nữa dĩ nhiên, nhưng năm 1982 lại tỏ vẻ thân thiện với Trung Hoa, phái sứ giả qua ve vãn Bắc Kinh để phá tình hữu nghị Hoa Mỹ chăng? Bắc Kinh đưa những điều kiện mà Nga không chấp nhận được. Còn Mỹ tuy thân với Trung Hoa mà vẫn giúp đỡ, che chở, bán vũ khí tối tân cho Đài Loan, thật rắc rối.
Tương lai bán đảo Đông Dương sẽ ra sao? Người ta bảo thời đại chúng ta là thời đại dân làm chủ. Người dân Trung Hoa, Nga, Mỹ, Việt Nam... có hiểu nguyên nhân của những vụ thân và thù, thù rồi thân của chính phủ nước mình với chính phủ nước khác không? Không hiểu được đường lối của chính phủ thì làm chủ cách nào? Nhà xã hội học Pháp Raymond Aron bảo tất cả các chính quyền dân chủ hiện nay đều là giả dối (hypocrite) hết.
Các nước Á Châu
Nhật Bản
Mao trước kia muốn kéo Nhật Bản về phía mình, nhưng đảng cộng sản Nhật không mạnh nên Mao không thành công. Gần đây, Mỹ và Hoa thân thiện với nhau, Nhật theo Mỹ nên cũng thân thiện với Trung Hoa của Đặng Tiểu Bình, (có màu sắc tư bản một phần rồi), nhưng hai bên chưa hợp tác chặt chẽ. Nhật chỉ lo phát triển kinh tế thôi, có lợi thì họ giúp mà hiện chưa thấy có lợi gì nhiều. Trung Hoa hứa cung cấp dầu lửa cho họ nhưng không giữ được lời vì sản xuất còn ít.
Tây Tạng.
Năm 1954, Ấn và Hoa thân thiện với nhau, ký một hiệp ước thương mại và văn hoá về Tây Tạng. Ấn nhận Tây Tạng thuộc Trung Hoa và bỏ hết quyền của Anh ở Tây Tạng mà Ấn tự cho là được thừa hưởng. Vậy là Ấn nhượng bộ nhiều và Trung Hoa làm chủ lại ở Tây Tạng, cải tạo xã hội để chuyển lần qua xã hội chủ nghĩa. Nhưng năm 1959, dân Tây Tạng nổi lên ở Lhasa, Mao đàn áp dữ dội, Đại Lai Lạt Ma chạy trốn qua Ấn
Năm 1962, Trung Hoa chiếm miền Tây Tây Tạng mà Ấn bảo của Ấn, Hoa bảo của Hoa, biên giới miền đó khó định được rõ. Sự thực thì Tây Tạng, dân chúng về chủng tộc Hoa hơn gần Ấn, đất đai cũng vậy, mà về tôn giáo, tinh thần thì rõ ràng là chịu ảnh hưởng đậm của Ấn.
Trung Hoa tiến tới Assam, Ấn hoảng hốt, chống cự, la lớn, cả thế giới chú ý tới, phe thì bênh Ấn, phe thì bênh Hoa. Trung Hoa nhượng bộ vội rút quân về. Từ đó hai bên cãi cọ nhau trên một chục năm, chẳng đưa tới đâu. Rồi nó chìm lần, người ta quên đi. Miếng đất đó hoang vu, gần như không có dân, không đáng cho họ tranh nhau.
Mãn Châu
Năm 1950, Mao nhận Mãn Châu thuộc Trung Hoa và con sông Hắc Long Giang ở phía bắc làm biên giới giữa Nga – Hoa. Hai nước tính hợp tác để làm các công trình thuỷ lợi, tránh lụt cho các miền hai bên bờ. Nhưng từ khi hai nước hục hặc nhau thì cả hai bên cùng đem quân đóng hai bên bờ nhòm ngó nhau, thỉnh thoảng nã súng sang nhau, cũng như ở biên giới Bắc Việt nam hiện nay.
Ngoại Mông
Từ thời Nga hàng năm 1913, Nga đã viện cớ Mông Cổ loạn lạc, đem quân lại dẹp, cho Mông Cổ tự trị, nhưng cắt ra một phần gọi là Ngoại Mông do Nga kiểm soát, mặc dầu vẫn thừa nhận nó thuộc Trung Hoa (hiệp định năm 1923).
Từ 1924, Ngoại Mông thuộc hẳn về Nga, thành một nước Cộng hoà Xô Viết, thần phục Nga. Kinh đô là Oulan Bator. Ngoại Mông được Nga giúp đỡ, chỉ bảo, che chở, cũng có các sứ thần ở các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam chẳng hạn. Trung Hoa không hy vọng chiếm lại được, đó là một cớ cho Nga và Hoa xích mích với nhau.
Châu Phi và Châu Mỹ la tinh
Năm 1955, Chu Ân Lai dự hội nghị các nước Á, Phi chậm tiến ở Bandoeng, gặp Nasser. Một năm sau, Trung Hoa và Ai Cập lập quan hệ ngoại giao với nhau. Trong vụ Ai Cập lấy lại kinh Suez, Trung Hoa tận tình giúp Ai Cập về tiền bạc và còn đề nghị đưa chí nguyện quân qua nữa. Từ khi Trịnh Hoà thám hiểm Ba Tư, Châu Phi ở thế kỷ XV (đời Minh) tới nay Trung Hoa mới lại quan tâm tới Châu Phi.
Nhờ giúp Ai Cập mà uy tín của Mao tăng lên ở các nước Ả Rập. Trong hai năm 1957, 1958, Trung Hoa và các nước Syrie, Yemen, Soudan, Irak, Maroc thăm viếng lẫn nhau, ký các hiệp ước thân thiện với nhau. Thời đó Châu Phi sùng sục lên, Algiérie đòi lại chủ quyền cho các thuộc địa ở Châu Phi. Các thực dân khác ở châu đó cùng dần theo Pháp. Không có thời nào thuận tiện cho cộng sản bằng, nhất là cho Trung Hoa vì đường lối của Mao thích hợp cho các nước nhược điểm hơn đường lối của Nga. Các nước đó không cần làm cách mạng vô sản; Cần phản đế, phản phong kiến trước đã, như Trung Hoa, như Việt Nam vậy.
Mà chính các nước ở Châu Phi cũng phục Trung Hoa, ưa Trung Hoa da vàng hơn Nga da trắng. Mao nắm lấy cơ hội, đưa kỹ thuật gia, cán bộ và tung tiền vào các cựu thuộc địa, giúp Algiérie, Mali, Ghama, Guinée, Tanganika, Tchad,...
Cán bộ Trung Hoa sống giản dị, gần gũi với dân da đen hơn người Âu, mà không hiểu tại sao họ thất bại, lần lần phải rút về nước. Ngay các sinh viên da đen qua Bắc Kinh học mấy năm rồi cũng không ưa nổi người Trung Hoa. Có thể vì Trung Hoa cũng có óc kỳ thị, khinh thường người da đen; và cũng có thể người da đen thấy Trung Hoa nghèo quá (nhất là nữ sinh viên da đen ở Bắc Kinh càng thấy rõ tình trạng đó), không giúp đỡ được nhiều, không rộng rãi như thực dân da trắng, nên đâm chán họ.
Thất bại ở Châu Phi, Trung Hoa qua Châu Mỹ la tinh: Haiti, Paraguay, Guatemala, Salvador, Honduras, Uruguay, Colombie, Argentine,.. ở các nước đó, họ không tuyên truyền chính trị, chỉ lo thương mại nhưng cũng không thành công, mặc dầu ở vài nơi, có sẵn một số Hoa Kiều từ vài ba ngàn tới 50.000 (Perou).
Chỉ có CuBa từ thời Fidel Castrol cầm quyền là thân thiện với Trung Hoa, hai bên trao đổi đại sứ với nhau, thương thảo lập đường điện tín trực tiếp từ Thượng Hải đến Havana. Sở dĩ được vậy vì Cu Ba cũng là một nước cộng sản ghét Mỹ. Nhưng hiện nay Trung Hoa thân thiện với Mỹ mà Cu Ba thân thiện với Nga thì tình hình Cu Ba – Trung Hoa ra sao?
Xích mích Nga – Hoa
Đọc những trang trên chúng ta đã thấy Trung Hoa và Nga có nhiều lý do để xích mích với nhau, ngay từ thời Staline
1. Xích mích về đường lối
Staline theo đúng học thuyết Marx, dùng thợ thuyền để làm cách mạng. Mao Trạch Đông cho như vậy không hợp với hoàn cảnh Trung Hoa, một nước nông nghiệp, chưa có kỹ nghệ, lực lượng thợ thuyền rất yếu nên ông phải dựa vào nông dân làm cách mạng và ông thành công. Thực ra cuộc cách mạng của Trung Hoa chủ yếu là để diệt phong và phản đế, cũng như cuộc cách mạng Việt Nam. Công là của toàn dân, mà nông dân đông nhất, tới đại đa số vì ái quốc mà theo Mao chứ không vì học thuyết Marx. Khi thành công rồi, Mao mới chuyển nó thành cách mạng xã hội, sau một giai đoạn quá độ rất ngắn: 3 năm giai đoạn Tân Dân chủ (1949-1952). Vì công của thợ thuyền rất nhỏ nên đã xảy ra vụ ngược đời này: trong một làng nọ, các bần nông xử 26 người cộng sản và khai trừ 4 tên. Nhưng nông dân vẫn còn tinh thần tư hữu, không ưa chế độ tập thể, nên Đảng phải dạy chính trị cho họ hoài, chỉnh phong cho họ thường.
Staline chê Mao Trạch Đông là theo cơ hội chủ nghĩa, Mao chê lại Staline là theo giáo điều chủ nghĩa; và ngày nay ai cũng nhận ra rằng đường lối của Mao rất hợp với các xứ thuộc địa muốn giành lại độc lập, rằng Mao đã có công Hoa hoá chủ nghĩa Marx.
Trong tập “Nhật ký 1942-1945” (Sách đã dẫn), Vladimirov đã cho ta thấy rõ sự nghi kỵ, ghét ngầm nhau giữa Staline và Mao. Mao biết Vladimirov do thám cho Staline nhưng ngoài mặt phải niềm nở tiếp, mà ra mật lệnh cấm cán bộ của mình giao du với cán bộ của Nga.
Ở Diên An thời đó có hai phe (không kể một nhóm lưng chừng); phe theo Mao gồm Khang Sinh, Trần Bá Đạt,...; phe theo cộng sản chính thống (theo Nga) gồm Vương Minh, Bác Cổ,... Mao rất ghét Vương, muốn đầu độc Vương nhưng không thành; rồi năm 1943, Mao làm một cuộc chỉnh phong để diệt phe theo Nga. Một phần năm đảng viên bị khai trừ, một số bị giết, một số tự tử.
Khi nào Staline thua Hitler, Mao tỏ vẻ khinh Staline ra mặt; nhưng về sau Nga thắng, Mao lại ve vãn Staline để xin viện trợ. Trước sau Mao vẫn muốn gần Mỹ hơn để xin võ khí, chuẩn bị cho cuộc nội chiến, và có lẽ cũng để giảm bớt ảnh hưởng của Nga ở Viễn Đông, đừng cho nó hơn ảnh hưởng của Mỹ. Điều đó dễ hiểu: Trung Hoa có chung biên giới Đông Bắc với Nga còn Mỹ thì ở xa. Lại thêm tinh thần dân tộc của Mao rất mạnh. Staline biết vậy cho nên có cảm tình với Tưởng, ủng hộ Tưởng cho tới khi Tưởng bị Mao đánh bại.
2. Xích mích về ý thức hệ thời Kroutchev
Kroutchev tố Staline là độc tài, tàn nhẫn nên đổi Stalingrad thành Vogagrad. Mao không ưa hành động đó của Kroutchev có lẽ cũng vì Mao độc tài. Kroutchev lại muốn hoà hoãn với tư bản, Mao cho như vậy là phản Marx, theo chủ nghĩa xét lại, là không tưởng, sợ con cọp giấy Mỹ.
3. Xích mích về quyền lợi, đất đai
Khi cách mạng Nga thành công, Lenine tuyên bố trả hết đất mà Nga hoàng đã chiếm của Trung Hoa. Điều đó không biết có thực hay không, tôi chỉ biết Nga đã xé bỏ hết các hiệp ước bất bình đẳng ký với Trung Hoa, nhưng vẫn giữ đất Nga hoàng đã chiếm được ở Ngoại Mông, Mãn Châu. Trung Hoa ức vì điều đó và hai bên thường gây nhau ở biên giới Mãn Châu (bên bờ Hắc Long Giang), đóng đồn gờm nhau, lâu lâu nã súng vào nhau.
4. Theo tôi, lý do quan trọng nhất là trên một thế giới, nhất là thế giới cộng sản không thể có hai mặt trời được. Mao tự cho là tài hơn Staline, thành công hơn Staline mà Trung Hoa đất tuy hẹp hơn nhưng dân đông hơn Nga. Mao phái Chu Ân Lai dự hội nghị tại Bangdoeng là có ý lôi cuốn những nước nhược tiểu Á, Phi về với mình và ông cho rằng đường lối cách mạng của ông mới thích hợp với các nước đó. Mao gây ảnh hưởng lớn ở Albanie (Đông Âu), gửi các phái đoàn qua giúp các nước ở Châu Phi mới thu hồi được độc lập, rõ ràng là tranh thế lực với Nga. Ông “nhảy vọt” lập công xã nhân dân để tỏ rằng Trung Hoa vượt được Nga, đánh lãnh đạo phong trào cộng sản trên thế giới. Ông thất bại, Nga mỉa ông, ông càng tức. Bây giờ Trung Hoa xích về phía Mỹ cũng để mau hiện đại hoá mà vượt Nga.
Xã hội
a. Dân số: Từ thời Tần, hiện tượng dân số tăng mau vẫn là mỗi lo của nhà cầm quyền Trung Hoa. Hai ngàn năm trước Malthus, Hàn Phi đã bảo một gia đình có năm người con thì qua thế hệ sau, 5 người con đó lại sinh một người 5 người con nữa, thành 25 người. Thực ra sinh con nhưng chưa chắc đã nuôi được hết. Ngoài bệnh tật ra, còn những thiên tai, chiến tranh nữa làm giảm bớt dân số đi. Hiện nay, theo các thống kê dân số Trung Hoa tăng khoảng 2% mỗi năm (Việt Nam cũng vậy, các nước Châu Âu khoảng 1%)
Năm 1953, Trung Hoa kiểm kê dân số được 602 triệu, trong số đó 7.591.000 ở Đài Loan.
Tăng lên 2% mỗi năm, thì năm nay 1982 dân số Trung Hoa tới 1 tỷ (dân số thế giới là 4.6 tỷ và mỗi năm Trung Hoa phải nuôi thêm khoảng 20 triệu dân, thật là một gánh nặng cho nhà cầm quyền).
Năm 1950, chính quyền khuyến khích sự sinh sản, cấm ngặt thói giết con, nhất là con gái: nhận nước, bỏ ở lề đường, liệng cho heo ăn hoặc bán
con; và cho rằng nạn nhân mãn là một hiện tượng ở xã hội tư bản, không do thiếu thực phẩm để nuôi dân mà do xã hội hoá không công bằng. Mao muốn cho xã hội Trung Hoa càng đông càng có nhiều cánh tay để sản xuất, nhiều lính để ra trận.
Nhưng chỉ 4 năm sau (1954), Mao đã thay đổi ý kiến. Thấy dân số tăng mau quá, sản xuất khó theo kịp nên phát động chiến dịch hạn chế sinh đẻ. Ba năm sau, ông ra lệnh “Kiểm soát sinh đẻ”. Từ khi thất bại về bước nhảy vọt, rồi ba năm mất mùa liền (1959-1961) ông bảo dân dùng những phương pháp ngừa thai, khuyến khích sự phá thai, sự tuyệt tự chủng (stélesation), sự chậm chạp lập gia đình (Con trai 30 tuổi, con gái 25 tuổi).
Nhưng dân chúng ít người theo, kết quả không được bao nhiêu. Từ 1968, lại phát động phong trào: mỗi gia đình có hai con là vừa đủ. Chính phủ dùng những biện pháp mạnh: ở vài thị trấn, những gia đình có 3 con thì vợ chồng có thể bắt buộc phải sống xa nhau, làm mỗi người một nơi, cách nhau cả mấy trăm cây số, không được sống với con, không có nhà ở, chồng phải sống tập thể với đàn ông, vợ với đàn bà. Lần này có kết quả nhưng chậm. Và cuối thế kỷ, Trung Hoa có thể có tới 1.5 tỷ dân (1)
(1) Từ 1983, mới có tin chính phủ TH lệnh mỗi cặp vợ chồng chỉ được có một con thôi, nhiều gia đình nếu con đầu là gái thì nhận nước cho chết để chờ sinh con trai. Nếu thi hành chính sách đó thật gắt thì tới năm 2000 dân số sẽ đứng lại ở khoảng 1 tỷ. Nhưng tôi chắc những người mẹ sinh từ 3 đứa con gái trở lên sẽ thác loạn tinh thần, có thể tự tử. Rồi từ năm 2000, dân số sẽ xuống mạnh; lúc đó dân tộc TH sẽ suy nhược (và phải đối phó với nhiều vấn đề rắc rối, gái thiếu, trai thừa, người già nhiều quá, thành một gánh nặng cho người trẻ...). Hiện nay sinh suất của dân tộc Pháp là 1.3 (nghĩa là mỗi gia đình chỉ có 1.3 đứa con thôi) mà họ đã lo cái nạn suy nhược và thiếu người làm lao động bằng tay chân, phải dùng nhiều lao công Algiérie. Trong khi đó thì dân số Nga vẫn tăng đều đều...
Dân thiểu số ở Trung Hoa được khoảng 35 triệu người, 6% dân toàn quốc; một số miền nam như người Miêu ở Hồ Nam, Thái ở Vân Nam, một số ở miền núi hoặc một nửa sa mạc ở Tây Bắc, như người Mông Cổ, Mãn Châu, Hồi Hột, Tây Tạng... Trung Hoa khác hẳn với Nga, không cho những dân thiểu số có quyền tự quyết, phải bỏ tinh thần dân tộc hẹp hòi đi mà thống nhất với người Hoa, như vậy cùng hơp lý vì từ thời dân chủ họ đã sống chung với người Hoa, đã Hán hoá khá nhiều rồi. Nhưng theo hiến pháp năm 1954, họ được tự trị, có được 200 ghế ở quốc hội, được khuyến khích giữ ngôn ngữ và vài hình thức tổ chức xã hội của họ.
Hoa Kiều ở hải ngoại được khoảng 12 triệu, nhiều nhất ở Đông Nam Á (3.5 triệu ở Thái Lan, 2.5 triệu ở Mã Lai và Singapore, 1.6 triệu ở Indonexia, 0.8 triệu ở Đông Dương) làm ăn phát đạt, tiến bộ về kiến thức, vẫn hướng về tổ quốc, một số theo cộng, một số theo quốc. Bắc Kinh đối với họ có thái độ khôn khéo, hiểu biết, kiên nhẫn vì còn chính phủ quốc dân đảng ở Đài Loan thì còn cần giữ tình cảm của họ.
Từ 1950 đến 1955 có phong trào dân di cư từ nông thôn ra thành thị, và dân thành thị tăng lên từ 10 đến 15% số dân trong nước. Trong thời công xã nhân dân, số dân đó còn tăng mau hơn. Vào khoảng 1965, có 100 triệu dân ở các thị trấn, với khoảng 30 thị trấn trên nửa triệu dân và 13 thị trấn trên 1 triệu dân. Chính quyền gắng phân tán các xí nghiệp, phân xưởng về nông thôn, kỹ nghệ hoá làng mạc để hạn chế sự di cư đó.
Chế độ đại gia đình đương suy tàn rất mau, một phần vì sự kỹ nghệ hoá, một phần vì sự truyền bá ý thức hệ cộng sản, sự ban hành luật lệ mới về hôn nhân.
Đời sống của dân
Xét chung thì xã hội Trung Hoa có công bằng hơn xã hội xưa ít nhiều, giai cấp thấp nhất đỡ đói rách, bị ức hiệp, hạng bần cố nông không còn, hễ siêng năng thì đủ ăn nhưng các cán bộ cao cấp vẫn sung sướng, được ưu đãi, đặc quyền rất nhiều, mức sống rất cao.
Đảng luôn luôn xen vào đời tư của cá nhân, bóc lột giới lao động để kiến thiết quốc gia, nhất là trong thời nhảy vọt và công xã nhân dân, bắt họ phải hy sinh triệt để cho đảng nhưng đảng cũng cho họ hưởng được an ninh trật tự xã hội tuỳ theo khả năng của quốc gia; lập nhiều dưỡng đường, nhà nuôi người già (từ 1951), nhà nuôi trẻ em, nhà nghỉ mát... như vậy có lợi cho dân mà cũng có lợi cho chính phủ.
Chính phủ rất quan tâm tới giáo dục, nhất là giáo dục chính trị, giáo dục thương nghiệp. Nạn mù chữ năm 1966 chưa diệt xong nhưng số học sinh đã tăng lên mau.
Niên khoá 1952-1953 1959-1960
Ở tiểu học 51 triệu 90 triệu
Ở Trung học 3.145 triệu 12.900 triệu
Ở Đại học 194.000 810.000
Như vậy tiểu học tăng gấp hai, trung và đại học tăng gấp 4 lần trong 7 năm.
Các trường kỹ thuật tăng lên ít hơn; năm 1952-1953:636.000 học sinh, năm 1957-1958 (5 năm sau): 785.000 học sinh.
Chính phủ cộng sản tiếp tục công việc của quốc dân đảng, thử dùng mẫu tự la tinh để thống nhất cách phát âm các chữ theo giọng Bắc Kinh, bắt toàn quốc phải dùng cách đó, đem dạy ở các trường tiểu học, kết quả chưa đáng mừng vì còn gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác chính phủ cũng giản dị hoá lối viết (tức như viết tắt) của một ngàn chữ nhiều nét quá.
Không kể thời nhảy vọt và công xã nhân dân, nông dân, thợ thuyền phải làm việc quá sức, có lòng oán chính phủ, còn những thời bình thường thì đời sống của họ được đảm bảo hơn thời quốc dân đảng. Năm nào mất mùa thì họ cũng đói nhưng chắc không chế nhiều như xưa. Mỗi năm họ cũng bán được cho một ít vài lanh màu xanh lam, toàn dân dùng một màu đó.
Rất ít thịt, cá nhưng gần có đủ gạo để ăn với cải bẹ mà họ trồng khắp nơi, mỗi năm bốn mùa. Cũng như ở nước ta, sự phát gạo đáng gọi là công bằng: người lao động nặng thì được 20kg mỗi tháng, người làm việc trí óc được ít hơn, người không còn sức lao động thì ít hơn nữa. Trung bình thì mỗi người cũng được 2000Kcal thực phẩm mỗi ngày (ở phương tây, phải 3000-3500Kcal).
Hạng cán bộ đảng viên được ưu đãi. Một cán bộ đảng viên trong nhà máy, vợ làm hợp tác xã, có mẹ già, hai con được một căn nhà gần đầy đủ tiện nghi tối thiểu: bếp, cầu tiêu, có đèn điện, máy thu thanh, thỉnh thoảng được phát sữa, thịt... như vậy là tiến bộ hơn thời trước.
Cũng có cảnh chợ trời như ở Nga thời trước, ở nước ta bây giờ, nhưng đa số là trẻ em đứng bán vì không bị cảnh sát đánh đập, bắt bớ, chỉ xua đuổi đi thôi. Cảnh sát đi thì chúng lại quay lại.
Những nạn hối lộ, cho vay nặng lãi, nợ đời cha tới đời con, nhất là tệ nghiện thuốc phiện nếu chưa triệt được hẳn thì cũng giảm nhiều rồi. Xã hội lành mạn hơn, rất ít người thất nghiệp, ở không.
Con cái họ được nâng đỡ, học tới trung học, đại học nếu đủ tư cách, mặc dù trong khi học có hồi phải chịu nhiều thiếu thốn. Có trường hợp sinh viên đại học ở Bắc Kinh đói, phải xin thực phẩm và quần áo của sinh viên ngoại quốc (đa số là Châu Phi, Châu Á) vì tiêu chuẩn của người ngoại quốc cao hơn họ nhiều, gấp bốn, gấp năm; đó là chính sách chung của các nước xã hội chủ nghĩa.
Tôi nhắc lại, đó là trong thời bình thường, không bị thiên tai, hạn hán, lụt... và ở những miền trung bình, không nghèo, không giàu. Tại Cam Túc, một tỉnh rất nghèo, thời Tưởng Giới Thạch dân mặc toàn áo vá, ăn thì chỉ có cơm với muối, không biết đời sống của họ đã được cải thiện phần nào chăng?
Sau bước nhảy vọt, kinh tế suy sụp, lại gặp ba năm đói kém liền, năm 1961, có chỗ (Tràng Sa ở Hồ Nam) dân đói quá phải ăn cắp, đánh cướp xe chở rau cho cán bộ. Mỗi người dân chỉ được phát 6 tấc tây (tức 2 thước Trung Hoa) vải mỗi năm đủ để vá quần áo. Sinh viên Bắc Kinh 3 năm liền không được ăn thịt, có lần 3 tháng liền không có gạo, phải ăn khoai, bắp. Học bổng của học là 10 viên (bằng 20 quan Pháp) một tháng, còn sinh viên ngoại quốc được 100 viên, bằng lương viện trưởng, gấp 2.5 lần lương giáo viên. Nội trú đại học bẩn kinh khủng. Trong thời đó, ở Bắc Kinh người nghèo đi lượm đồ phế thải của ngoại nhân (để viết trang này tôi dùng tài liệu của Fernand Gigon và E.J.Hevi – coi mục lục sách tham khảo).
Dân Trung Hoa có thực sự hạnh phúc không?
Người Âu nào đi du lịch ở Trung Hoa về cũng được ban bè hỏi người dân Trung Hoa có hạnh phúc không?
Sung sướng hay không còn là tuỳ tâm lý, cá tính của con người hơn là tuỳ ở hoàn cảnh nên câu hỏi đó gần như vô nghĩa.
Dân tộc Trung Hoa có đặc tính là yêu đời, vui vẻ, không ủ rũ mà cũng không lạnh lùng như dân tộc Anh chẳng hạn. Bertrand Russel, một triết gia Anh qua thăm Trung Hoa năm 1920 kể lần ông đi thăm cảnh ở Tây Hồ ở Hàng Châu. Hôm đó trời nắng gắt, bọn phu khiêng kiệu cho ông leo những đường dốc hiểm trở để lên một ngọn núi, thấy họ hổn hển, gắng sức, cực khổ mà ông thương hại. Nhưng khi tới ngọn rồi, họ nghỉ một lát để thở. Tức thì họ quây quần lại, lấy ống điếu ra hút, cười nói vang lên như đời họ hạnh phúc lắm, không phải lo lắng gì cả. Bertrand Russel khen họ. Lỗ Tấn mỉa ông ta: “Tôi không biết ông ấy muốn nói gì. Tôi chỉ biết một điều là nếu những tên phu đó biết đau đớn về thân phận của mình thì Trung Hoa đã thoát khỏi cảnh điêu đứng từ lâu rồi”.
Han Suyin trong cuốn Un éte Sans oiseaux, cũng than thở cho cảnh phu khiêng kiệu cho các quan lớn và khách ngoại quốc mà leo dốc Trùng Khánh và cũng thấy chính bọn phu đó hễ tới nơi là chuyện trò, nuốt một cục xái thuốc phiện.
Lâm Ngữ Đường trong the importance of living bảo nhờ có tinh thần Lão trang đó, trong cảnh nào họ cũng tìm được cái vui mà dân tộc ông không bị bệnh thần kinh như người phương Tây và tồn tại đến ngày nay mặc dầu trải qua bao nỗi gian truân. Để đói rồi mới ăn thì thức gì cũng ngon như nem công chả phượng, lời đó đúng.
Bình dân Trung Hoa cũng như bình dân các nước kém phát triển khác, không đòi hỏi gì nhiều; hễ có cơm cho đủ no bụng, có áo đủ che thân mà không bị bắt bớ, tra hỏi thì họ cho là sung sướng rồi. Họ không cần máy thâu thanh, máy ti vi, ngay đến khi đau ốm họ cũng không cần thuốc ngoại quốc, uống bậy bạ mấy lá cây trong vườn, nếu không khỏi bệnh mà có chết thì họ cũng không oán trách ai, cho là tại số.
Như vậy ta có thể coi dân Trung Hoa dưới thời Mao Trạch Đông rất sung sướng, trừ những năm Mao “nhảy vọt” và lập công xã nhân dân. Vì trong những năm đó Mao đòi hỏi họ quá nhiều: bỏ miếng đất riêng của họ, bỏ cả vợ con họ nữa, làm việc như mọi, năm này qua năm khác để xây dựng một xã hội mà họ thấy không khác gì một trại lính, một ổ ong hay ổ kiến vĩ đại
Tâm lý của họ sau hai mươi năm bị Mao Trạch Đông nhồi sọ cả ngày lẫn đêm, cơ hồ không thay đổi gì cả. Ngay đức số 1 – theo Hồ chí Minh - của con người xã hội chủ nghĩa, tức đức chí công vô tư, bỏ cá nhân chủ nghĩa, bỏ tư hữu đi, chỉ nghĩ đến lợi ích chung. Nông dân thì săn sóc trăm thước vườn riêng của mình rất siêng năng (1) mà lơ là với ruộng chung của hợp tác xã, thiếu nữ thành thị kén chồng phải có ba quay (San chuan): đồng hồ, xe đạp, máy may. Tôi không biết thiếu nữ ở Nga kén chồng ra sao nhưng báo chí Tây phương bảo phụ nữ Nga muốn có căn nhà riêng ấm cúng cho vợ chồng với đầy đủ tiện nghi chứ không ưa đời sống tập thể; họ thích làm công việc bếp nước hơn làm thợ trong xưởng, cũng phấn son, dầu thơm, nhạc, tiểu thuyết, phim phương tây….
(1) Phần đất vườn phát cho họ làm riêng chỉ bằng 5% số ruộng vườn trong nước mà lại sản xuất được 25% thực phẩm cho toàn quốc.
Bản tính con người có thể thay đổi được. Nhà nhân chủng học Margarett Mead đã thấy ở Thái Bình Dương một bộ lạc mà đàn bà y như đàn ông ở các nước văn minh, còn đàn ông thì cũng yểu điệu làm những công việc nhẹ, trang điểm y như đàn bà… bản tính đàn ông, đàn bà ngược hẳn nhau.
Vậy cái mà ta gọi là bản tính không phải do thiên nhiên mà do con người, do xã hội tạo ra, nhưng phải lâu lắm, cương quyết trong vài trăm năm, mười thế hệ liên tục, không gián đoạn. Mà ở Nga, sau khi Staline chết cách mạng mới được non bốn chục năm đã hơi thay đổi rồi, chính sách đã bị Kroutchev “xét lại”, còn ở Trung Hoa Mao Trạch Đông mới thực sự cầm quyền được mươi năm sau khi công xã nhân dân thất bại, Lưu Thiếu Kỳ cũng không theo Mao nữa, phải cởi mở cho dân, như vậy thì làm sao có thể thay đổi tâm lý, bản tính của dân được?
Tháng 12.1982, có tin Đặng Tiểu Bình, năm 1969 bị Mao xử tội. Mao có lý khi chủ trương cứ 10 năm làm lại cuộc cách mạng văn hoá cho tới 1000 năm. Nhưng việc đó không sao làm được. Thế giới thay đổi hoài chứ. Đặng nay lãnh đạo Trung Hoa đã xé bỏ hiến pháp năm 1954 của Mao, đưa ra một hiến pháp mới được Quốc hội chấp nhận, cho dân tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do chỉ trích chính phủ, tự do hội họp… (tôi chưa rõ kinh tế được tự do tới mức nào). Đặng và Đảng đã xích lại gần tư bản Tây phương, cách mạng vô sản đã biến thành cách mạng tiểu tư sản chăng? Sự nghiệp của Mao Trạch Đông còn gì nữa đâu?
Brejnev ở Nga chết rồi, Androdop lên thay chức Tổng bí thư đảng (1982), cả hai đều muốn sống chung hoà bình với Mỹ, nhiều nước xã hội chủ nghĩa, chư hầu của Nga ở Đông Âu, hai chục năm nay vẫn thân thiện với phe tư bản Âu, Mỹ, muốn – nhưng có lẽ còn ngại Nga – phát triển kinh tế theo lối tư bản. Theo điều đó thì qua thế kỷ sau, rất có thể cộng sản chỉ còn phơn phớt hồng, thành một thứ như đảng xã hội của Mitterand của Pháp. Marx và Hegel cho rằng có luật chính (thèse) rồi phản (antithèse) sau cùng là hợp (synthèse). Sắp tới lúc hợp rồi chăng? Như vậy đáng mừng cho nhân loại.
Văn học
Tôi không xét về khoa học, khảo cổ học, kiến trúc, hoạ… vì các ngành đó không phát triển được bao nhiêu trong thời 1950-1976 (năm Mao chết), và đều bị chính trị chi phối, phải theo truyền thống cách mạng, theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, phải thực tế, hiện thực, phục vụ nhân dân… (coi La Chinese của Roger Levy – PUF)
Dưới đây tôi chỉ tóm tắt điểm chính về đường lối và hiện thực văn học Trung cộng trong cuốn Văn học Trung quốc hiện đại, tập II của tôi, xuất bản năm 1969 (1).
(1) NXB văn học, tái bản năm 1983
Tôi xét tiếp vào hai giai đoạn sau
Thời chống Nhật và thời nội chiến (1938-1949)
Năm 1937, sau vụ Tưởng Giới Thạch bị bắt cóc ở Tây An mặt trận thống nhất Quốc - Quốc thành lập để kháng Nhật. Năm sau, Hiệp hội Trung Hoa toàn quốc văn nghệ giới kháng địch cũng thành lập một cách chính thức. Lão Xá, một cây bút hơi thiên tả, được cả tả lẫn hữu tín nhiệm bầu làm chủ tịch. Quách Mạt Nhược mới ở Nhật về, Mao Thuẫn, Ba Kim phụ trách cơ quan chính của hội là Tạp chí Kháng chiến văn nghệ xuất bản ở Trùng Sa, sau dời lên Trùng Khánh.
Tuyên ngôn của Hội: “Cần thiết thực đi vào nhân dân, cần ra mặt trận để phát động quần chúng, động viên binh sỹ, lực lượng văn nghệ phải hoà với tiếng súng, nhất tề đánh vào lưng quân thù”.
Nhiều nhà văn hăng hái ra tiền tuyến, kích thích tinh thần kháng chiến của nhân dân, an ủi chiến sỹ. Họ diễn thuyết, soạn kịch, diễn kịch, viết tiểu thuyết, làm bài ca ái quốc. Một số người có tài vẫn sáng tác được những tác phẩm có giá trị như Mao Thuẫn, Ba Kim, Lão Xá, Thẩm Tòng Văn… nhưng xét chung vì mục đích họ cần viết mau nên không tránh khỏi có những tác phẩm viết theo công thức, thiếu tính nghệ thuật.
Tuy là Quốc Cộng hợp tác nhưng Cộng vẫn ở Diên An, theo đường lối riêng. Năm 1938, Mao nêu lên “Phương hướng nông công binh”, văn nghệ sỹ phải phục vụ giới lao động tức nông dân, công nhân, binh sỹ,,,, phải đề cao cuộc đấu tranh của lao động.
Mao lại phân tích quan hệ giữa tiêu chuẩn chính trị và tiêu chuẩn nghệ thuật: “Bất kỳ giai cấp nào trong xã hội cũng luôn luôn lấy tiêu chuẩn chính trị làm đầu, tiêu chuẩn nghệ thuật làm thứ yếu”
Đó là chủ trương hồng, phải quan trọng hơn chuyên về lĩnh vực văn nghệ.
Mao nhấn mạnh vào điểm này, văn nghệ không mạnh hơn được chính trị mà phải phục tùng chính trị của giai cấp vô sản.
Phục vụ cách nào? Quần chúng Trung Hoa cũng như quần chúng Việt Nam thời tiền chiến, đại đa số còn thất học, và chỉ thưởng thức được câu ca dao, tuồng hát bội, truyện lịch sử, kiếm hiệp. Thơ và kịch của Quách Mạt Nhược, tiểu thuyết và tạp văn của Lỗ Tấn, mặc dầu viết bằng bạch thoại họ cũng không hiểu nổi, nói chi đến sáng tác của những văn sỹ chịu ảnh hưởng nhiều của phương Tây. Vì vậy, Mao bảo phải trở về “những sáng tác của dân tộc”. Tất nhiên những hình thức Mao nói đó không phải là những thể thơ luật, phú, biền ngẫu, mà là những thể ca dao, tuồng đời Minh, đời Nguyễn.
Chẳng những đa số các nhà văn phe hữu mà một số nhà văn phe tả cũng thấy tình trạng này có hại cho văn học, nghệ thuật.
Mao lại bảo phải tiếp thu văn hoá truyền thống của dân tộc để làm kinh nghiệm khi sáng tác. Tiếp thu không có nghĩa là “phục cổ” mà phải phê phán trong số vốn cũ đó, phần nào hủ bại thì bỏ, phần nào có tính cách dân chủ, cách mạng thì giữ.
Nhưng các văn hào thời Đường, Tống làm sao có những tư tưởng, tác phong luôn luôn đúng với đường lối Mác – Lê được, cho nên cộng sản một mặt tiếp thu nghệ thuật của họ, một mặt cảnh giác, nhắc nhở hoài là họ bị giai cấp và thời đại hạn chế, vẫn có ít nhiều khuyết điểm mà ta phải nhận định cho chính xác.
Rồi sau cộng sản chẳng cần cẩn thận như vậy, cứ giải thích ngược lại rằng những điểm trước kia họ coi là trái với đường lối của họ. Thực ra không phải là khuyết điểm mà là ưu điểm, rất hợp với đường lối mới. Cho nên, trước họ chê Lý Bạch là lãng mạn, tiêu cực thì nay họ khen là lãng mạn tích cực, nghĩa là lãng mạn mà vẫn có tính cách phản đối xã hội đời Đường. Còn như Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, đầy rẫy những đoạn tả tình uỷ mị giữa Giả Bảo Ngọc và cô em họ Lâm Đại Ngọc trong một gia đình phong kiến sa đoạ thì được họ đề cao là có tính cách hiện thực, phản phong tích cực, đề cao sự giai cấp đấu tranh. Khiến cho Du Bình Bá, tác giả bộ “Hồng Lâu Mộng nghiên cứu” rất nổi tiếng, chỉ vì không theo đúng chỉ thị của Đảng, cứ giữ ý kiến rằng Hồng Lâu Mộng chỉ là tự tuyện của Tào Tuyết Cần, chỉ diễn tư tưởng ”sắc không” của Nhà Phật chứ chẳng có tư tưởng cách mạng gì ráo, mà bị mạt sát là phải nhận tội, hứa sẽ học tập thêm, cải thiện lần lần.
Thật ra họ nói xuôi nói ngược gì cũng được hết. Con ngựa họ bảo là con dê thì người cầm bút cũng phải bảo là con dê.
Trong thời kháng Nhật và thời nội chiến này, phía Cộng có hai tiểu thuyết gia khá nổi tiếng: Đinh Linh và Triệu Thị Lý đều theo đúng lý thuyết của Mao.
Đinh Linh là tác giả truyện Thái dương chiếu tại Tan Cang hà thượng, viết về chiến dịch cải cách điền địa mà tôi giới thiệu ở trên.
Triệu Thụ Lý cũng được một giải văn chương của Đảng cộng sản, được đảng đề cao vì nội dung lành mạnh, lời văn bình dân. Tác phẩm chính của ông là truyện Tam Lý Loan, viết sau 1949 tả sự chống đối của nông dân trong việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Rốt cuộc, nhờ tận tâm và khéo léo, cán bộ khắc phục được bọn phản động và cả làng họp nhau, quyết định vô hợp tác xã hết.
Thời kỳ chia hai (1949-1970)
Ngay từ khi chưa thống nhất xong Hoa lục, chưa thành lập chính phủ cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Mao Trạch Đông đã mở cuộc đại hội văn nghệ lần thứ nhất vào tháng 7/1949, sau đó mở thêm hai đại hội nữa.
Năm 1949, trên 800 văn nghệ sỹ đủ các ngành đến dự để nghe Mao giải thích đường lối sáng tác. Cũng vẫn là đường lối trong cuộc toạ đàm ở Diên An năm 1942 chứ không có gì khác.
Trong thời kỳ này có nhiều cuộc chỉnh phong (sửa lại cho ngay tác phong của nhà văn) mà nhẹ nhất là Hồng Lâu Mộng và hai cuộc thanh trừng vĩ đại; Cuộc Trăm hoa đua nở và cuộc Cách mạng văn hoá đã kể rõ ở trên...
Mới đầu còn có một vài nhà văn trong đảng lên tiếng. Can đảm nhất và cũng có tài nhất là Hồ Phong. Ông gửi lên Uỷ ban trung ương đảng một tập điều trần dài tới 300.000 chữ (!), giọng rất mạnh mẽ, cho rằng chính sách văn nghệ của Mao là “năm lưỡi dao đâm vào đầu óc nhà cầm bút” vì:
- Bắt nhà văn phải phục vụ nông, công binh
- Bắt họ phải cải tạo tư tưởng
- Bắt họ phải nhận sự lãnh đạo của Đảng
- Bắt họ phải dùng những “hình thức dân tộc”
- Bắt văn nghệ phải lệ thuộc chính trị
Họ bị chụp mũ là mật vụ Quốc dân đảng, bắt giam và truất hết quyền công dân.
Vụ thanh trừng đó chỉ là cá nhân, vụ Trăm hoa đua nở mới là tập thể
Sau vụ này văn nghệ sỹ mất hết tinh thần, không còn sáng tác được gì nữa vì phải theo những công thức đã vạch sẵn.
Trước hết không được bi quan, vì đã là nghệ thuật thì theo quan niệm Cộng sản Trung Hoa phải luôn luôn lạc quan. Truyện nào cũng phải có hậu; hễ là chống Nhật thì Nhật luôn luôn phải thua; hễ là nông dân chống địa chủ thì luôn luôn là nông dân phải thắng; công nhân chống với chủ thì chủ luôn phải nhượng bộ, nếu muốn sống.
Đã chủ trương lạc quan thì tất nhiên không chấp nhận bi kịch.
Mà hài kịch cũng không được hoan nghênh vì châm biếm ai bây giờ? Nông công binh cũng còn nhiều tật nhỏ đấy nhưng phải thân ái sửa sai, hướng dẫn họ chứ sao lại châm biếm?
Trong xã hội chỉ có 4 hạng người: hạng đã giác ngộ, không hủ hoá được, tức đa số cán bộ (họ nghĩ vậy); bọn cũng đã giác ngộ nhưng đôi khi còn lầm lẫn, tức một số cán bộ và đa số quần chúng; bọn chưa giác ngộ nhưng còn cải hoá được, tức bọn trung nông, tiểu tư sản ở thành thị, bọn trí thức; dưới cùng là bọn hoàn toàn xấu, tức cựu địa chủ, tay sai quốc dân đảng,
Người cầm bút khi tả những hạng người đó thì nhất định phải đề cao hạng người thứ nhất, phải cho độc giả thấy hai hạng giữa thế nào cũng được Đảng dắt về con đường chính mà thành người tốt, còn bọn cuối thì thế nào cũng bị trừng trị xứng đáng. Xây dựng tiểu thuyết hay kịch mà không nắm vững công thức đó thì bị chỉnh liền.
Tóm lại là mỗi nhân vật đều phải xếp vào một giai cấp, mang “nhãn hiệu” của giai cấp đó, tả hạng A thì phải dùng những nét trong bảng này, tả hạng B thì phải dùng những nét trong bảng kia... khỏi phải suy nghĩ, phân tích.
Khốn nỗi, viết như vậy thì mười truyện như một, chán quá mà vẫn có thể bị chỉnh là “xem nhẹ phần quan trọng của đặc điểm và kỹ xảo trong sáng tác nghệ thuật..., kết quả là thủ tiêu nghệ thuật”, là tôn trọng giáo điều. Thế thì biết làm sao bây giờ? Công việc làm văn nghệ thật khó như đi trên dây, chỉ nghiêng qua bên đây hay bên kia một chút là vỡ sọ.
Vì vậy mà những nhà văn lớp cũ, có uy tín rồi như Tào Ngu, Ba Kim, Quách Mạt Nhược... thời này bớt sáng tác. Nhưng, “một đội ngũ văn nghệ vô sản lớn mạnh mới xuất hiện”. Nông dân thợ thuyền đua nhau sản xuất, thi đua văn nghệ, lượng rất đáng kể mà phẩm chẳng có gì. Có còn hơn không.
Tới cuộc cách mạng văn hoá thì như chúng ta đã biết, văn nghệ chết đứng luôn. Không tác phẩm nào được in nữa, kể cả những tác phẩm của Mao Thuẫn, Đinh Linh, Lão Xá, thơ của Ngải Thanh (học ở Pháp về) dạy học ở Thiên An được sắp vào hàng đầu thi sĩ Cộng sản.
Rốt cuộc là trong thời này văn nghệ Trung Hoa chỉ có rất nhiều dân ca; hàng trăm vạn bài mà Quách Mạt Nhược và Chu Dương thu thập rồi chọn lọc, thành tập “Ca dao cờ đỏ” với lời giới thiệu “Đây là quốc phong mới của thời đại xã hội chủ nghĩa (...) ca tụng tổ quốc, ca tụng đảng và ca tụng lãnh tụ (...), nội dung và phong cách rất mới, đến ba trăm bài Kinh thi cũng phải thua xa”. Ca tụng lãnh tụ, vậy là tôn thờ cá nhân sao?
Về ca kịch, thì người ta sửa lại với kịch Bạch mao nữ được giải thưởng Staline năm 1952, cho Hỷ Nhi, tức Bạch Mao nữ, người con gái tóc hoá trắng vì trốn một địa chủ tàn ác, phải núp vào một hang sâu mấy năm, thành một nữ anh kiệt, tinh thần chiến đấu rất cao, không chỉ chửi suông bọn địa chủ như nguyên bản mà còn gia nhập Hồng quân để phục vụ cách mạng.
Cộng sản Trung Hoa hãnh diện về kịch đó lắm, năm 1973 còn đem diễn ở Pháp.
Guillermaz, sau khi giới thiệu văn học cộng hoà nhân dân Trung Hoa (trong La Chine populaire) kết luận:
“Vậy Trung Hoa đã bỏ văn hoá truyền thống mà không tạo được văn tư vô sản như họ tin tưởng (...). Người ta ước mong rằng khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay (1967), khỏi phải giải quyết những lo lắng cấp bách nhất về vật chất, Trung Hoa sẽ phục hưng lại được những giá trị văn hoá truyền thống vô cùng độc đáo và rất thực sự nhân bản của họ”.
Đài Loan
Đài Loan chỉ bằng non nửa tỉnh Phúc Kiến, một phần ba Bắc Việt mà hai phần ba là núi, có những ngọn cao trên 3000 thước, ngọn cao nhất non 4000 thước, ở gần bờ biển phía Đông; càng tiến về phía Tây (tỉnh Phúc Kiến) núi càng thấp dần, rồi tới đồi và một cánh đồng rộng nằm suốt bờ biển từ Nam lên Bắc. Ở cực Bắc còn một số núi lửa chưa tắt hẳn. Năm 1935, một cuộc động đất làm 15.000 người chết và bị thương.
Khí hậu tốt, rừng có nhiều cây quý. Thổ dân gốc Mã lai, hơi giống người Mọi ở nước ta. Họ sống trên rừng núi bằng săn bắn và làm rẫy. Họ là một thiểu số rất nhỏ trong số 7.5 triệu dân vào khoảng năm 1953. Năm 1970 được khoảng 13 triệu dân.
Từ mấy thế kỷ, Đài Loan làm sào huyệt của bọn cướp biển. Tới khi người Nhật chiếm được năm 1895 mới diệt hết bọn đó, đem các nhà bác học, kỹ thuật gia qua nghiên cứu đất đai, tài nguyên, bắt đầu mở đường, lập dưỡng đường, làm đường. Người Trung Hoa từ Phúc Kiến đi dư cư qua nhiều và Đài Loan được tích cực khai thác. Họ trồng gạo, bắp, đậu nành, đậu phộng, mía, trà (có tiếng là ngon), long não (ba phần tư số long não trên thế giới).
Phát triển nhất là kỹ nghệ: khai thác than đá, xây cất nhà máy thuỷ điện, nhà máy phân bón, xi măng, giấy, nhôm, làm nhiều đường xe hơi và xe lửa. Đài Loan thành một miền kỹ nghệ quan trọng của Trung Hoa.
Khi Nhật đầu hàng đồng minh, Đài Loan trở về Trung Hoa và bắt đầu suy: đồng tiền bị phá giá, dịch bệnh tả, dịch hạch phát trở lại, lúa gạo thiếu, dân đói.
Năm 1950, Tưởng Giới Thạch đem hai ba trăm ngàn quân qua với một số đông dân di cư. Ông ráng lập lại trật tự, chấn chỉnh kinh tế, cải cách chế độ.
Thế giới thừa nhận quốc gia Đài Loan của Tưởng, cho nó là hợp danh nghĩa và hợp thực tế. Thành thử có hai Trung Hoa, Trung Hoa của Tưởng và Trung Hoa của Mao. Tưởng vẫn ở trong Hội đồng an ninh Liên hiệp Quốc, Mao không được vào. Điều đó làm cho Nga và phe của Mao ức lắm mà không làm được gì.
Đầu năm 1950, Mỹ còn đang do dự không biết nên thừa nhận Trung Hoa lục địa không; sau mới quyết định cứ ủng hộ Tưởng rồi sau sẽ hay, như vậy rất có lợi cho Tưởng: rất nhiều Hoa Kiều ở hải ngoại sẽ còn hướng về Tưởng được, Mao mất một miền kinh tế phát triển và nếu tình trạng kéo dài lâu thì có thể mất luôn Đài Loan.
Tưởng mới qua Đài Loan được sáu tháng thì chiến tranh Triều Tiên nổ, Tổng thống Mỹ Truman long trọng tuyên bố rằng nếu Cộng chiếm Đài Loan thì Thái Bình Dương sẽ nổi sóng gió; ông ta lại viện trợ quân sự cho Tưởng trở lại nhưng cũng ra lệnh cho Tưởng ngưng ngay mọi cuộc tấn công Hoa Lục bằng không quân và hải quân. Hạm đội thứ VII của Mỹ được đưa ngay đến vùng biển Đài Loan để canh phòng. Vậy là Đài Loan hoá ra trung lập. Nhưng khi Eisenhower lên thay Truman thì chính sách của Mỹ thay đổi, ra mặt che chở cho Đài Loan, mặc cho Đài Loan khiêu khích Mao.
Do đó mà Tưởng và Mao tình hình căng thẳng. Mao thả bom xuống các đảo Kim Môn và Mã Tổ của Tưởng ở gần bờ biển Hoa lục; Tưởng trả đũa, đổ bộ một ít lên Hoa lục, phá quấy rồi rút lui vội vàng. Ai cũng biết Tưởng không hy vọng gì chiếm được Trung Hoa, chỉ muốn nâng cao tinh thần của quân đội, của nhân dân lên thôi. Nhiều lắm thì ông ta cũng chỉ mong khi nào Hoa lục có nội chiến thì ông ta sẽ đem quân qua giúp phe chống Cộng. Chuyện đó xa vời quá. Khi ông chế (1975) Mao vẫn nắm quyền ở Hoa lục. Con ông, Tưởng Kinh Quốc lên nối ngôi, chính sách không có gì thay đổi.
Tưởng cho phép hai đảng đối lập hoạt động. Dĩ nhiên hai đảng đều có tính cách dân chủ và chỉ đối lập nhau cho có hình thức. Kẻ nào đối lập hẳn thì bị chụp mũ là cộng sản và bị thủ tiêu liền. Người nào không tán tụng chính quyền thì cũng bị coi chừng. Tưởng vốn có tính thù dai. Xét vụ Trương Học Long thì biết, năm 1959, 23 năm sau vụ Tây An mà Trương vẫn bị an trí ở Đài Loan (1).
Từ năm 1971, chính sách của Mỹ với Trung Quốc lại thay đổi, Nixon lại thân thiện với Mao, ủng hộ Mao gia nhập Liên hiệp quốc, vậy là Đài Loan bị gạt ra ngoài.
Nhưng Mỹ vẫn không bỏ rơi Đài Loan. Mấy năm nay mặc dù tình hình Mỹ - Trung Quốc vẫn rất thắm thiết, Mỹ vẫn bán những vũ khí tối tân cho Đài Loan, có thể phải viện trợ cho nữa. Trung Quốc vẫn đương nhờ Mỹ giúp đỡ nhiều để thực hiện bốn hiện đại hoá nên chỉ phản đối cho có và Mỹ cứ làm.
(1) Đúng như tác giả (trong sách này) viết, trong cuốn Cha tôi Đặng Tiểu Bình (NXB Chính trị quốc gia), Mao Mao con gái Đặng Tiểu Bình viết: “Tưởng Giới Thạch đã căm ghét ai thì căm ghét suốt đời (…), tướng Trương (Học Lương) bắt Tưởng và giam Tưởng chỉ vẻn vẹn có 13 ngày. Còn Tưởng bắt và giam Trương hơn 50 năm”. Trương Học Lương mới mất ở Đài Loan năm 1991 (BT)
CHƯƠNG KẾT
Từ khi nhà Thanh chấm dứt đến năm 1970 (năm cuối cùng tôi có được chút ít tài liệu về kinh tế Trung Hoa), là nửa thế kỉ, Trung Hoa đã tạm giải quyết xong vấn đề dân tộc và dân quyền, mà về dân sinh thì chưa tiến được bao nhiêu; mức tăng gia về sản xuất vẫn chưa vượt được mức tăng gia về dân số, nghĩa là vẫn còn nghèo, mặc dầu đã có vài công trình kiến thiết rất lớn, đã chế tạo được bom hạch tâm và vệ tinh nhân tạo.
Với tốc độ biến chuyển rất nhanh chóng ở thời đại chúng ta, thì nửa thế kỉ có thể bằng năm sáu thế kỉ trước. Nhật và Tây Đức hai nước bại trận, bị tàn phá rất nặng, vậy mà chỉ trong 25 năm - từ 1945 đến 1970 đã kiến thiết lại hết, đuổi kịp Anh, Pháp, những nước thắng họ, và bây giờ (1983) muốn tranh nhau với cả Mĩ nữa. So sánh với hai nước đó, Trung Hoa chậm như con rùa.
Chẳng phải chỉ riêng Trung Hoa, hết thảy các nước kém phát triển (1) Á, Phi mà người ta gọi là thế giới thứ ba (2) đều tiến chậm. Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Phi Luật Tân… đều không hơn gì Trung Hoa, vì họ “cần dùng đủ thứ mà thiếu đủ thứ”, thiếu máy móc, điện lực phương tiện giao thông, thiếu thực phẩm, thiếu vốn, thiếu kĩ thuật gia, kinh tế gia, thiếu giáo sư, trường học, dưỡng đường, bác sĩ…
Hoàn cảnh Trung Hoa còn khó khăn hơn nữa: không được yên ổn để kiến thiết. Trong nửa thế kỉ đó, bỏ những năm lộn xộn, loạn lạc thòi Viên Thế Khải và các quân phiệt, bỏ thời chiến tranh Hoa - Nhật, thời nội chiến Quốc - Cộng, thì chỉ còn khoảng 30 năm: 1928 – 1937 và 1950 – 1970 là kiến thiết được. Mà trong giai đoạn 1950 – 1970, Mao phải đem cả triệu quân qua giúp Triều Tiên, rồi lại phí mất 5 năm (1958 – 1962) cho bước nhảy vọt và công xã nhân dân, và 7 năm sửa sai nữa (để phục hồi được mức kinh tế năm 1958); vậy thực sự chỉ còn 18 năm phát triển. Thành thử tình cảnh nhân dân Trung Hoa sau hai cuộc cách mạng tiểu tư sản và vô sản chưa cải thiện được bao nhiêu. Tôi chắc họ còn nghèo hơn dân quê Bắc Việt ngày nay (1983).
Đó là cái tai hại của chết độ chuyên chính, một người quyết định sai mà không ai dám can ngăn, cứ răm rắp tuân theo hết, sau cùng phải đổ máu và mất nhiều năm mới sửa lại được. Làm gì có dân chủ! Gần khắp thế giới thứ ba ngày nay đều như vậy.
Tóm lại, tới khi Mao chết, cách mạng Trung Hoa vẫn chưa thành công. Trang 266 tôi đã nói không nên hỏi người dân Trung Hoa ngày nay có sung sướng không. Theo tôi, chỉ nên hỏi: Thanh niên trí thức Trung Hoa có còn tinh thần như mươi, mười lăm năm đầu cách mạng không? Tôi e rằng dưới hai chế độ “dân chủ” của Tưởng và của Mao, tinh thần đó đã bị thui chột rồi.
*
* *
Các sử gia Pháp (Guillermaz, Dubarbier, Lévy) đều rất quý văn minh Trung Hoa, khen nó là rất độc đáo, vô cùng nhân bản, ghét sự tàn bạo, trọng Khổng giáo mà khinh Pháp gia, họ mong nhà cầm quyền Trung Quốc theo đạo trung của Khổng, bỏ thái độ thách đố về ý thức hệ và chính trị đi, thái độ khiêu khích, tự cao, tự đại về ngoại giao đi, thì các nước tiến bộ mới giúp đỡ họ phát triển.
Tsui Chi, một học giả Trung Hoa còn mong rằng dân tộc Trung Hoa ông sẽ biến học thuyết Marx thành một học thuyết Trung Hoa để cải thiện đời sống mà vẫn dân chủ, cho mọi đảng chính trị được ngang quyền nhau, không dùng sự cưỡng chế để bắt kẻ khác phục tòng. Thời trước, Trung Hoa đã chẳng biến đạo Phật của Ấn Độ thành đạo Phật của Trung Hoa dung hoà được những cái hay của Nho và Phật đấy ư? Mao đã Hoa hoá học thuyết Marx rồi đấy, những vẫn giữ chính sách một đảng, nếu không thì còn gì là Mác xít nữa.
Các nhà cầm quyền Trung Hoa hiện này xích lại phía tư bản, đưa ra chiến tranh bốn hiện đại hoá. Họ theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình năm 1969! “Chính sách kinh tế cá thể hay tập thể, điều đó không quan trọng, quan trọng là tăng sự sản xuất thực phẩm”, nghĩa là người ta không quá coi trọng ý thức hệ nữa rồi, có tinh thần thực tiễn hơn, lo cho dân hơn, sao cho họ khỏi thiếu ăn đã.
Người phương Tây nào ở Trung Hoa một thời gian cũng khen dân tộc Trung Hoa có kỉ luật, lễ độ, nhã nhặn siêng năng, giỏi chịu cực, sống đạm bạc, thông minh, có sáng kiến. Họ đã trên một tỉ người, có thể đã có những khí giới hạch tâm mạnh nhất, không một nước nào có thể diệt họ được. Họ, Mĩ và Nga đương giữ cái thế chân vạc như thời Tam Quốc không ai đoán được thế đó sẽ kết thúc ra sao, chỉ biết Nga đã lộ vẻ lo ngại khi thấy họ xích lại với Mĩ nên tìm cách ve vãn họ, nhưng trong bốn nguyên do xích mích giữa Nga và Hoa thì hai nguyên do cuối (tr.220), theo tôi, khó mà giải được.
Chú thích:
(1) Ngày nay người ta gọi là “đương phát triển” cho nhã nhặn hơn.
(2) Có người gọi là thế giới thứ tư, thế giới thứ ba trỏ những nước kém phát triển nhưng có dầu lửa như Ba Tư, Irak, Koweit, Ả Rập Séoud…