XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Chợ sách Sài Gòn trước và sau năm 1975


 Đường Đặng Thị Nhu


Trước năm 1975, trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng những khu trung tâm của Sài Gòn đã có rất nhiều tiệm sách và những con đường sách tự phát do nhu cầu của người mua và người bán. Những học trò, những chàng, nàng sinh viên, những người mê sách… thường tìm đến con đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám ngày nay) trước cổng Trường Trường Sơn, gần rạp Nam Quang để mua những quyển sách giáo khoa giá rẻ, được mua đi bán lại từ nhiều đời học sinh.

Khu bán sách này cũng bán sách tiểu thuyết mới ra lò giá hạ do những tay đầu nậu in sách lậu tuồn ra, hệt như sách in lậu bán đầy ở lề đường bây giờ. Nếu ngon lành hơn thì ra đường Lê Lợi để tìm mua sách mới ở các nhà sách “uy trấn giang hồ” như Khai Trí (nay là Fahasa) của ông Nguyễn Hùng Trương và một dọc các nhà sách chạy dài từ góc Nguyễn Trung Trực lên Pasteur như nhà sách Thanh Tuân, Phúc Thành, Vân Hữu, Nguyễn Trung, Vĩnh Bảo…

Trong khoảng thời gian này, con đường bán đủ loại sách thượng vàng hạ cám mà dân mê sách đều biết đó là đoạn lề đường Lê Lợi cắt ngang Công Lý và Pasteur, đối diện nhà sách Khai Trí, sau lưng bờ tường Bộ Công chánh (Sở Giao thông vận tải ngày nay).

Trên lề đoạn đường sách ngắn ngủn này, hai dãy quầy sách đấu mặt vào nhau và người mua sách đi giữa hai hàng, ngó qua ngó lại để tìm những quyển sách mình thích thuộc nhiều thể loại như truyện, sách triết học, ngoại văn, sách giáo khoa với giá rẻ vì là sách cũ. Và phải kể đến một loại sách bán lén lút là Playboy, Penthouse, đàn ông con trai cứ ra đây là được “nghía” thoải mái.

Sở dĩ có đoạn đường sách này là vì thời năm 1954, nghề bán sách cũ đã xuất hiện ở lề đường Tôn Thất Đạm thông ra đường Nguyễn Huệ, lề đường Phạm Ngũ Lão kéo sang bến ô tô buýt, kéo dài xuống tận ngã tư Ký Con, sau đó tiến vào đường Lê Lợi, giới hạn từ bót cảnh sát Lê Văn Ken (cạnh BV Sài Gòn) đến đường Pasteur.

Sau 30-4-1975, khu sách lề đường Lê Lợi biến mất và một số chủ quầy trải sách trên các tấm nylon ở đầu đường Lê Lợi gần thư viện Abraham Lincoln (khu Rex bây giờ) để… có gì thì chạy cho dễ. Thời đầu khó khăn như vậy nhưng vẫn có nhiều người mua sách. Người bán và người mua sách tụ tập lai rai nơi đây một thời gian và sau này tập trung vào khu đường sách Đặng Thị Nhu. Đây chỉ là một con đường nhỏ, dài chừng 200 m nối liền hai đường Ký Con và Calmette, có những sạp chứa đầy sách, đối diện nhau qua một lối đi bộ. Khu đường sách Đặng Thị Nhu là một con đường sách nổi tiếng mà dân mê sách, các nhà văn, nhà nghiên cứu Hà Nội, Sài Gòn không thể không biết.

Ngày nay, số lượng tiệm sách, số lượng tác giả và sách in đã phát triển rất lớn so với trước đây vì nhu cầu đọc sách của người dân TP ngày càng tăng cao. Nhưng không thể phủ nhận Sài Gòn ngày xưa đã từng có những con đường sách, từ đó góp phần xây dựng và để lại dấu ấn trong tâm hồn những người đọc sách, mê sách và những người làm sách hôm nay.

Sau năm 1975, Đặng Thị Nhu là một con đường sách nổi tiếng mà dân mê sách, các nhà văn, nhà văn hóa Hà Nội, Sài Gòn không thể không biết.

Chỉ là một con đường nhỏ dài chừng 200m, nối liền hai đường Ký Con và Calmette là những sạp chứa đầy sách, đối diện nhau qua một lối đi bộ...

Đường Bùi Quang Chiêu nằm khoảng giữa hai đường Ký Con và BS Calmette, được tô màu vàng trong bản đồ phía bên dưới. Cụ Vương Hồng Sển trong sách của mình cũng đã nhiều lần khoe mua được những cuốn sách cũ quý hiếm với giá rẻ tại chợ sách này sau năm 1975.

Chính chợ sách Đặng Thị Nhu mới là nơi bán nhiều sách cũ quý hiếm của Saigon vì sau biến cố 1975 rất nhiều chủ nhân của những tủ sách hay cuốn sách giá trị (thường là những người có học cao hay có địa vị trong xã hội) đã bỏ ra nước ngoài sống, hoặc phải đi học tập cải tạo, hay nếu còn ở lại VN thì gia đình họ phải bán dần đi để lấy tiền sống qua ngày trong những năm tháng khó khăn sau 1975.

Một nguồn sách cũ nữa là sách tại các thư viện của Mỹ, sau khi người Mỹ rút đi bị dân nghèo vào hôi của gom về nhà rồi đem bán dần để đổi gạo. Thêm một nguồn sách cũ khác là từ các thư viện tiếp quản được từ các cơ quan, tổ chức trước 1975, hoặc sách cũ do nhà nước tịch thu của nhân dân, bị nhân viên làm ở đó lấy cắp đem bán. Bản thân mình cũng mua được nhiều sách cũ tiếng Anh bìa giấy ở đây với giá khá rẻ vì chỉ toàn chữ không có hình, ít người mua. Dân bán sách họ rất rành về giá trị sách dù nhiều người trong số họ học hành chẳng bao nhiêu. Những cuốn sách thật sự giá trị họ hét giá trên trời, người ít tiền sống bằng lương công nhân viên không bao giờ mua nổi, mặc dù giá sách so với giá gốc ở nước ngoài vẫn còn là rẻ. Đó là chưa kể đến những cuốn sách xưa mà những người sưu tầm ham muốn sở hữu được để chưng hay có dịp đem tham gia triển lãm...

Bốn tấm hình chợ sách Đặng Thị Nhu năm 1979 ở trên là những tấm hình duy nhất có được về chợ sách này, tác giả không rõ là ai, dường như ông là một vị khách nước ngoài làm trong ngành y tế và lưu trú tại KS Caravelle trong thời gian ở Saigon. Chúng ta cảm ơn ông vì đã ghi lại vài chục bức ảnh tại VN vào những năm tháng còn đầy khó khăn tăm tối là năm 1979 này...

Trong những yếu tố thành công của Hội sách TP.HCM, có một yếu tố không nhỏ đó là truyền thống mê sách của người Sài Gòn ngày xưa và TP.HCM hôm nay.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét