XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2018

HỒI ỨC CHIẾN TRƯỜNG K - ÁM ẢNH CAO MÊ LAI

Có một địa danh mà những người lính Sư đoàn 5, MT479 và nhiều đơn vị khác, nếu đã từng tham chiến dọc biên giới Căm Pu Chia - Thái Lan may mắn trở về, không thể quên được, đó là Cao Mê Lai hoặc Phnum Mê Lai. 

Tiếng Khme, phnum là núi - Địa danh này được hiểu với nghĩa là Núi Mê Lai. 
Qua thị xã Sisophon, thủ phủ của tỉnh Bantay Miênchay, dọc Quốc Lộ 5 lên khoảng 50 km là cửa khẩu Pôi Pét - Cửa khẩu quốc tế nối Căm Pu Chia với Thái Lan. Cách cửa khẩu khoảng 10 km về phía đông là ngã ba Ni Mít, nhưng lính ta quen gọi là Ngã ba Con Voi, bởi giữa bùng binh của ngã ba này có một bức tượng hình một chú voi lớn, quay mặt về phía Căm Pu Chia.
Hệ thống giao thông, với cả đường bộ và đường sắt cùng với phố phường ở khu vực này cho thấy, những năm đất nước Căm Pu Chia phồn thịnh thì Pôi Pét là một cửa khẩu lớn, sầm uất, là nơi giao thương chủ yếu giữa Căm Pu Chia với Thái Lan. Nhưng, khi chúng tôi đến, Ni Mít và Pôi Pét thật hoang tàn. Cửa hàng, cửa hiệu, nhà cửa của dân bị phá hủy, phum sóc tan hoang, không một bóng người. Thân thể chú voi giữa bùng binh mang đầy vết đạn, nham nhở, sứt mẻ đến tội nghiệp, khiến ta có cảm giác, nơi đây vừa diễn ra những trận đánh rất ác liệt.
Từ Ngã ba Con Voi, rẽ trái, có một con đường đất dẫn đến Cao Mê Lai - một khu vực gồm nhiều ngọn đồi thấp nằm trên đường biên giới Căm Pu Chia - Thái Lan. Khác hẳn với địa hình bằng phẳng điển hình là những rừng le, rừng khộp mà chúng tôi đã qua trên khắp đất nước Căm Pu Chia, con đường từ Ni Mít vào Cao Mê Lai rất ít khộp, mà chủ yếu là rừng nguyên sinh nhiệt đới, nhiều tầng nhiều lớp. Tầng cao nhất là các loại cây thân to, cành lá xum xuê bám đầy dây leo. Dưới tán cây, tre mọc ken nhau dày đặc, cành đầy gai tua tủa, những chùm hoa dài như đuôi chồn phủ kín, khiến mặt trời hầu như không mấy khi lọt xuống dưới tán rừng. 
Chỉ là một con đường dài khoảng 30 km, nhưng trong những năm từ 1979 đến 1985, con đường này trở nên đặc biệt nổi tiếng, bởi sự tàn khốc của những trận đánh giữa bộ đội tình nguyện Việt Nam với lính Pốt và các lực lượng phản động Căm Pu Chia. Những người lính Sư 5 đã đặt cho con đường một cái tên mỹ miều là "Đại lộ kinh hoàng", hay "Đại lộ thần chết" , bởi nó thực sự là nỗi khiếp sợ đối với cả ta và địch. Những năm tác chiến tại đây, rất nhiều người lính đi vào bằng đôi chân trần, nhưng đi ra trên cáng tử sỹ, đi vào với cơ thể cường tráng, đi ra xiêu vẹo, võ vàng. Chỉ riêng các loại mìn và bệnh sốt rét, bệnh đái huyết sắc tố đã cướp đi biết bao sinh mạng bộ đội, chưa kể hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh do súng đạn chiến tranh. Đối với những người lành lặn, may mắn trở về, thì những trận đánh tại Cao Mê Lai khắc sâu trong tâm trí, không thể rời ra được, ám ảnh mãi khôn nguôi.
Mùa mưa năm 1979, Trung đoàn Q16, Sư đoàn 5 được giao đảm nhiệm phòng ngự, chốt giữ khu vực từ cửa khẩu Pôi Pét đến Cao Mê Lai. Do địa hình quá phức tạp, mưa nhiều, bộ đội bị ốm đau, bệnh tật và thương vong khá lớn do tác chiến nhiều ngày nên đơn vị gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định sử dụng Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 174, đang tác chiến trên hướng Thmo Puốk, Svai Chếch tăng cường vào Cao Mê Lai, giải vây và tạo điều kiện cho Q16 đủ sức đứng chân tại khu vực này.
***
Chúng tôi hành quân đến Ni Mít vào một chiều muộn, trời ảm đạm, mưa sập sùi, con đường dẫn vào Mê Lai lầy lội với chi chít ổ voi, ổ gà do hố mìn,hố đạn pháo và những vết bánh xe kéo pháo, xe tải tạo nên, khiến ai cũng có cảm giác thật nặng nề. Mấy chiếc xe của sư đoàn đổ quân xuống ngã ba, lính tráng lũ lượt xuống xe với súng ống, đạn dược lỉnh kỉnh rồi đi về hướng đội hình tạm thời do trinh sát tiểu đoàn bố trí. Do đường xấu, và để đảm bảo bí mật nên bộ đội không thể hành quân bằng xe cơ giới, nhiệm vụ của hai tiểu đoàn là ngay trong đêm, phải hành quân bộ, xuyên qua phía nam cánh rừng tre gai, hình thành một mũi vu hồi, cùng các đơn vị của Q16 đập tan các chốt của địch trên đường dẫn vào Cao Mê Lai.
Tôi được phân công cùng Tiến Xòe đi máy cho K9, đại đội chủ lực của Tiểu đoàn. Sau khi nhận vị trí, do quá mệt, tôi mắc tạm tăng, võng, để máy ở chế độ trực canh, rồi lăn ra ngủ, mặc cho mưa vẫn rơi lộp độp trên mái tăng và muỗi như trấu bay vo ve trước mặt. Khoảng 7 giờ tối, liên lạc gọi dậy ăn cơm, tôi khoắng vội hai bát cơm nóng hổi với bột canh rồi bật máy, chuẩn bị tư trang chờ Tiểu đoàn phát lệnh hành quân.
Do trục đường vào Cao Mê lai là đường độc đạo, phía ngoài do các tiểu đoàn của Q16 đang chốt, nhưng phía trong, nơi giáp Cao Mê Lai lại do bọn lính Pốt làm chủ, nên để tạo thế bất ngờ, tiểu đoàn không hành quân theo đường lộ mà buộc phải cắt rừng, đánh thẳng vào sườn đội hình địch. 
Sau khi hành quân khoảng 7-8 km dọc lộ, chúng tôi bắt đầu cắt rừng. Đoạn đường hành quân không dài, chỉ khoảng 15km, nhưng đó là một cuộc hành quân khủng khiếp nhất mà tôi từng gặp trong suốt những năm tháng chiến đấu trên đất Căm Pu Chia. Thêm nữa, hình ảnh anh Bùi Tiến, Trung đội trưởng trinh sát của tiểu đoàn cùng tổ trinh sát dẫn đầu đội hình hành quân làm tôi thực sự khâm phục. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn ấy, các anh vẫn xác định đúng hướng, đúng cự ly để đến khi nổ súng, đơn vị đã đánh trúng vào khu vực địch đang phòng ngự, khiến địch không kịp trở tay.
Đêm cuối tháng, trời không trăng sao, mặt đất tối om vì đi dưới tán rừng tre gai dày đặc, người trước cách người sau chỉ khoảng vài chục phân, nhưng chẳng nhìn thấy gì, việc xác định hướng đi chỉ qua tiếng bước chân của người đi trước. Những bước chân dò dẫm trong đêm, những tiếng kêu "ái", "ối', giọng xuýt xoa bị hãm lại do sợ bị lộ, gai tre rất nhiều và sắc, cào rách khắp cơ thể người lính. Đường rất trơn và tối, cạnh đường có những chiếc lá mục phát ánh sáng lân tinh, mấy thằng lính nhặt lên, đặt vào nắp ba lô người đi trước để nhìn vào đó mà đi, ánh sáng xanh lét, nhập nhòe như ma chơi.., Thỉnh thoảng lại có người ngã, tiếng oành oạch phát ra trong hàng quân, lúc xa, lúc gần, rồi tiếng xuýt xoa thật tội, các phân đội hỏa lực thì liên tục bị tụt lại phía sau bởi súng ống vướng vào các cành tre bên đường. 
Suốt một đêm vất vả luồn rừng trong điều kiện cực kỳ bí mật, mãi 5 giờ sáng, đội hình mới tiếp cận được vị trí tác chiến.
Với địa hình quá phức tạp, không có cách nào khác là phải nổ súng dọc theo chiều dài con đường. Giờ G đã ấn định, các đơn vị nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Đúng 5h15 phút, sau phát pháo lệnh, cả một khoảng rừng dài hàng cây số bỗng vang lên những tiếng nổ ầm ầm như thác đổ, tiếng cối, tiếng 12.7, tiếng B40, B41. M79 và các loại hỏa lực bộ binh quyện vào nhau, tạo thành một bản nhạc không lời vĩ đại. Những viên đạn vạch đường từ các hướng bắn lên không trung mang theo những dây lửa đan chéo vào nhau sáng rực cả bầu trời
Bị đánh bất ngờ, địch chống trả một cách yếu ớt rồi bỏ chạy về hướng Cao Mê Lai. Các đơn vị nhanh chóng tiếp cận mặt đường và chiếm lĩnh những mục tiêu địch vừa bỏ lại. Khi đi qua mấy căn hầm chúng đào sát mép đường, tôi thấy quần áo, tăng võng, súng đạn và cả những nắm cơm chúng đang ăn dở vương vãi khắp nơi. Bên gốc tre trên mặt chiến hào, một chú cua suối khá lớn bị buộc vào một bên càng đang bò lổm ngổm nhưng bị sợi dây giữ lại cứ bơi bơi mấy cái chân trong không trung... Giữa rừng sâu núi thẳm này, những thằng lính Pốt cũng chẳng có gì mà chơi, đành bắt cua lên buộc vào gốc cây để xem cho đỡ buồn.
Đi khoảng 50m, có mấy xác Pốt chết nằm ngay ven đường. Một thằng nằm ngửa, miệng há hốc, da thịt xám ngoét, hai chân duỗi thẳng, một chiếc dép đúc Trung quốc vẫn xỏ trong chân, chiếc còn lại văng cách đó mấy mét.
Đã mấy tháng vào chiến trường nhưng chưa được phát bổ sung quân trang, tôi vẫn mong có một đôi giày cao cổ hoặc một đôi dép để đi, nhưng không biết làm cách nào kiếm được, đành phải đi đôi ba ta cũ rích, rất khó chịu. Khi qua xác tên địch chết, dù rất sợ, tôi vẫn phải tháo chiếc dép từ cái chân lạnh ngắt của nó ra, nhặt thêm chiếc còn lại, miệng lẩm bẩm: "Tôi không có dép đi, xin ông đôi dép này nhé. Thông cảm cho tôi". Tay run run vì sợ...nhưng chẳng biết làm thế nào.
đành nhét vào cóc ba lô đi tiếp. 
***
Sau khi làm chủ con đường dẫn vào Cao Mê Lai, đơn vị được giao nhiệm vụ chốt chặn, không cho địch từ biên giới xâm nhập vào nội địa. Thời gian đứng chân trên hướng này không dài nhưng chúng tôi chịu những khó khăn, vất vả đến cực độ. Trời cứ mưa rả rích, nhưng nước uống không có, lính phải buộc tấm tăng vào cây tre, rồi múc nước từ những ổ voi, ổ gà trên đường, gác lên cây, chờ qua đêm khi bùn đất lắng xuống, dùng bát hớt lấy phần nước đục lờ lờ phía trên để uống.
Chiều nào cũng vậy, anh nuôi bò đến từng hầm, phát cho mỗi người hai nắm cơm và vài hạt muối. Một nắm ăn ngay và một nắm để dành đến trưa hôm sau. Những ngày đó, muối thiếu kinh khủng, cả một tiểu đoàn với gần 200 con người mà một ngày được cấp hai kg muối. Tiểu đoàn trưởng Sinh, người Quảng Ninh vốn tính điềm đạm mà ông cũng không chịu nổi, ông khùng lên quát rõ to vào máy bộ đàm khi điện cho hậu cần trung đoàn
- Mẹ kiếp, đến cả đến muối cũng không có mà ăn thì đánh đấm con c gì. Tôi nói trước nhé, nếu ngày mai mà không có muối, tôi cho lính tôi về, không đánh đấm gì nữa đâu...
Nhận 2 nắm cơm, tôi cất một nắm vào cóc ba lô, nắm còn lại mang góp chung với đại đội bộ. Trải tấm ny lông xuống đất, dùng dao găm cắt những nắm cơm thành lát, rồi mấy anh em ăn ngay khi cơm còn nóng. Cơm nắm nóng ăn với muối ngon tuyệt. Nắm cơm còn để trong ba lô, vì mưa ướt nên lúc mang ra ăn hôm nào cũng thiu. Khi ăn, thò tay vào lấy, nhớt dính đầy tay, không ăn thì đói, đành gọt vòng quanh như gọt bưởi, lấy phần lõi, ăn qua loa, chờ bữa cơm chiều...
Ngày thứ ba, tiểu đoàn được lệnh rút về Ni Mít. Nhưng, đúng lúc nhận lệnh thì địch phản kích, chúng từ bên kia biên giới dùng cối, pháo bắn cấp tập dọc con đường nơi chúng tôi đóng quân. Tiếng đạn địch bắn tới nghe thật khủng khiếp, cứ toang toác, toang toác...những bụi tre rung lên bần bật, mặt đường đầy hố đạn pháo... Rồi bộ binh địch tiến công. Cả tiểu đoàn phải căng ra quần nhau với chúng. Tiếng đạn các loại nổ khắp nơi, chạm vào thân tre cành cạch. Bộ đội từ các hướng bắn trả địch quyết liệt, nhưng giữa rừng tre bạt ngàn, mọc ken vào nhau, chẳng biết địch chỗ nào mà bắn, chỉ thấy đạn từ hướng nào bắn tới thì nổ súng theo hướng đó chứ có thấy mục tiêu đâu... Đã có mấy chiến sĩ hi sinh, một chiến sĩ quân y đang băng bó vết thương cho thương binh thì bị địch bắn gãy chân. Thằng Công điếc, anh nuôi của Trung đội Thông tin sợ quá, bản năng sinh tồn làm nó lấy cái muôi cào cào trên mặt đất, rồi rúc đầu xuống cái hố bé tẹo mới đào, hai tay ôm ngực, nằm sấp trên mặt đất nhão nhoẹt, để nguyên cái mông chổng ngược lên trời, trên lưng nó là mấy cái nồi quân dụng đen nhẻm treo lủng lẳng ngoài ba lô.
Phải nổ súng trong điều kiện hoàn toàn bị động nên phương án tác chiến của tiểu đoàn lúc đó cũng không rõ ràng. Đứng chôn chân giữa trời với chiếc áo mưa khoác trên vai, nước chảy ròng ròng từ mũ xuống vai áo, nhìn bộ đội chiến đấu với địch, Tiểu đoàn Trưởng Sinh cũng mất bình tĩnh, ông nói:
- Thằng nào có thuốc rê, cho tao một điếu.
Tôi đứng gần ông, xé cho ông mẩu báo, rồi đặt túm thuốc vào đó, đưa cho ông. Bàn tay ông run run, không thể quấn được điếu thuốc để hút nữa. Hình ảnh ấy đã diễn ra mấy chục năm rồi, mà đến hôm nay tôi vẫn thấy như đang hiện ra trước mặt.
Rồi tiếng súng im dần, tiểu đoàn bắt đầu hành quân ngược ra hướng Ni Mít. Mới có mấy ngày chiến đấu ở Cao Mê Lai mà quần áo, người ngợm ai cũng bẩn như trát bùn, quần áo rách bươm, mấy chàng lính mang B41 trên vai, mà áo chỉ còn thân, hai cánh tay áo đã xé bỏ, quần cắt ngang đầu gối rồi xé tua rua ngược lên...nhìn thật ngầu...
Những kỷ niệm về những ngày chiến đấu ở Cao Mê Lai, trên con đường tử thần ấy đã qua lâu lắm rồi, giờ chỉ còn là kỷ niệm...Nhưng mỗi khi nhớ lại,vẫn khiến lòng mình thấy rưng rưng...
(Nguyễn Văn Điền. 06/04/2018)

Nguyễn Điền
Ảnh chỉ mang tính minh họa






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét