XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Hà Nội thời bao cấp

   Hà Nội bắt đầu vào tiết cuối Thu. Tiết độ đẹp nhất trong năm. Nắng không còn gay gắt nhưng lại chưa vào độ hanh hao, và màu nắng rất trong. Cũng không còn những oi nồng của cái nóng đến ẩm ướt khó chịu nữa. Đã có thể với áo sơ mi dài tay để ra phố mà không còn những mảng ướt lưng. Tối đã se se trong hương sữa thảng bay trên những vòm cao trên phố. Tôi nhớ gốc sữa đầu cổng nhà, nơi anh em tôi hay bày cái bàn rượu nhỏ, rải đầy xung quanh những trắng xóa mảnh sữa rụng. Những hình ảnh cứ trôi nổi, trôi nổi và lại quanh về Hà Nội một thuở chưa xa lắm, nhưng nghèo và gắn với những câu thơ bình dân... Trong những câu chuyện với bạn bè, với anh em, thỉnh thoảng tôi có gợi nhắc về Hà Nội những tháng năm đó, tháng năm của thời bao cấp. Rất nhiều bạn bè tôi không hình dung ra những điều đó. Tôi muốn tặng bạn tôi về những hình ảnh của một thời đã qua, với những ký ức vụn vặt mà tôi vẫn lưu giữ.

   Hà Nội mở đầu xóa bỏ cơ chế gọi là '' quan liêu bao cấp '' bắt đầu từ năm 1986. Lúc đó tôi bắt đầu vào lớp 10. Cho đến những năm 1990, khi chúng tôi vào đại học rồi, vẫn còn khốn khó về nhiều thứ, nhất là hàng hóa. Chỉ sau hội nghị Thành Đô năm 1991 giữa Hà Nội và Bắc Kinh về bình thường hóa quan hệ hai nước, với ý muốn kết nối liên minh ý thức hệ cộng sản giữa hai anh láng giềng với nhau, trong bối cảnh thành trì cách mạng và cộng sản thế giới là Liên Xô cũ sụp đổ, thì hàng hóa bắt đầu phong phú và ồ ạt từ biên giới phía Bắc về Hà Nội.
   Hà Nội thời bao cấp, bắt đầu từ những năm 1960. Khi nhìn những bức ảnh cũ của ông nội, ông ngoại tôi những năm 1954 trở về trước, tôi đã có những thắc mắc. Bởi với thế hệ như bố tôi, đã được dạy ra đường là phải cho áo vào trong quần, vậy sao khi tôi lớn lên và bắt đầu có ý thức nhận biết, là đã va đập với những xô bồ ngay ngoài phố. Người lớn kể lại, Hà Nội ngày xưa không như bây giờ. Thời nào cũng có những mặt trái như trộm cắp, lưu manh hay đàng điếm, ăn chơi... cả, nhưng không xô bồ, lộ liễu, ồn ào và thành ra bất chấp xã hội như bây giờ. Ngày trước, bà tôi muốn mua hàng khi có hàng rong gánh qua cửa nhà, thì phải mang cả gánh hàng đó vào trong nhà rồi mới xem hàng và mà cả, chứ ngồi xổm ngay vỉa hè mà bới lựa thì chết với các cụ. Xưng hô thì thân thiết với nhau lắm mới là mày tao, mà chỉ trong nhà hay giữa một nhóm bạn, nhưng ở lớp học thì buộc phải xưng hô là anh - tôi. Thưa thày cũng phải nói: Thưa thày, anh X bắt nạt con...
   Thiếu nữ Hà Nội ra đường là phải áo khăn tề chỉnh. Những bộ quần áo mặc ở nhà thì chỉ được phép mặc ở nhà, không được phép mặc ra phố. Các hàng quán bán vỉa hè cũng ít, chủ yếu là các gánh phở rong bán đêm. Các hàng quà cũng có gánh bán dạo, nhưng ít xảy ra mua bán trên phố. Xỏ dép xăng-đan là phải cài quai hậu, đi giầy là phải có tất đàng hoàng... Xã hội thời đó dù đang nhá nhem chuyển giao giữa Nho học với Âu hóa, nhưng vẫn giữ những cốt cách trong ứng xử thanh lịch. Tầng lớp trung lưu thì vợ chồng xưng hô với nhau là cậu - mợ, một cách gọi cho sang thời bấy giờ. Thập thành là một thuật ngữ chỉ mức độ ăn chơi có hạng rồi: đánh đĩ thập thành là một từ rất nặng nề chỉ giới ăn sương hoặc theo quan niệm bây giờ, là các hot girl. Ông đấy thì ăn chơi thập thành !, tức là người được nhắc đến thạo đủ nghề ăn chơi, bây giờ gọi là playboy vậy.
   Sau 1954 đến đầu những năm 1960 là quãng thời gian còn rơi rớt được những thanh xưa lịch cũ. Khi cả nước xây dựng miền Bắc xây dựng XHCN chi viện cho miền Nam ruột thịt thì chính thức thời kỳ bao cấp và đói kém bắt đầu. Công nghiệp sản xuất thì chủ yếu tập trung ở khu gọi là Cao - Xà - Lá ở mạn Thanh Xuân. Đó là một cụm các nhà máy do Trung Quốc giúp xây dựng, là: Nhà máy cao su Sao Vàng (cao), nhà máy sản xuất xà phòng (xà), và nhà máy thuốc lá Thăng Long (lá), gần đó là nhà máy công cụ số 1, tiếp quản từ thời Pháp, gần ngã tư Sở. Những sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu xã hội nên thành khan hiếm, mà một phần lớn lại phải dành để chi viện cho chiến trường miền Nam. Chính sách quản lý xã hội rập khuôn 100% mô hình anh cả Đỏ bên Liên Xô. Không đáp ứng được nhu cầu xã hội, tiền tệ thiếu, hàng hóa thiếu bởi ''sản xuất tập trung theo kế hoạch hóa '' nên người ta đề ra chính sách tem phiếu.
   Cái mô hình tem phiếu với sổ gạo này thực sự là sự mới mẻ với nhiều bạn bè tôi khi nghe kể lại. Chính tôi cũng ngạc nhiên vì tưởng rằng, ở thành phố người ta làm như thế thì ở nông thôn hay các tỉnh thành khác người ta cũng làm như vậy. Bởi vì không đủ tiền để trả lương, nên người ta trả bằng tem và phiếu để mua các thứ vật dụng thiết yếu và thực phẩm. Họ định ra cán bộ thì chia loại A, B, C, D và E là công nhân, nông dân và nhân dân lao động. Khi mua hàng, các loại tem, phiếu này được cắt ô. Tiêu chuẩn cán bộ nào có phiếu đó, mỗi cán bộ trung bình 13,5kg gạo/tháng. Những năm đầu đại học của chúng tôi, học bổng cũng quy ra gạo là 13kg/tháng.

   Cái bảng trên là bảng quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn cán bộ. Bộ trưởng và tương đương thì bìa A (tức là tem phiếu loại A), thứ trưởng hay tương đương thì bìa B, cục trưởng hay tương đương thì bìa C, trưởng phòng thì bìa D. Bìa E là dành cho nhân dân và cán bộ cấp thấp... Tất cả được chỉ định theo nhân suất và định mức, tiêu chuẩn. Thịt bao nhiêu kg, gạo bao nhiêu kg, rau, đậu, củ, quả...bao nhiêu kg. Dầu, muối, mắm, chất đốt (bao gồm dầu, củi, than) cũng được định suất hết và gom vào phiếu để mua theo tiêu chuẩn. Tiền mặt cực kỳ khan hiếm. Hàng hóa khan hiếm nên bất cứ một vật dụng nào như cái quạt, bộ bàn ghế, nồi niêu xoong chảo...đều thành tài sản hết.




   Mỗi cán bộ được cấp những phiếu vải như thế này để ra cửa hàng bách hóa mua. Ô phiếu lớn nhất là ô 1m để may quần hay áo, còn lại thì chắc các bạn tự hiểu, để may underwear

   Phụ tùng xe đạp cũng có phiếu. Nhà máy xe đạp Thống Nhất không sản xuất đủ được sản lượng, nên thường thì những mặt hàng này sẽ được phân phối. Tức là một năm một lần, cán bộ cung tiêu - đời sống của cơ quan sẽ đi liên hệ với nhà máy để mua hàng về phân phối cho cán bộ. Đương nhiên sẽ không đủ cho mọi người, và sẽ phải tổ chức rút thăm. Người được bộ xích thì thiếu cái líp, người có bộ vành thì không có săm, lốp, đại loại thế nên đành phải để đợt sau rút tiếp hoặc thương lượng giữa cán bộ với nhau để nhường suất...

   Một ô tem được mậu dịch viên cắt ra sau khi đã mua hàng.

   Thêm một ô nữa...

   Và đây là một tờ phiếu tổng thể các ô để mua xăng xe máy:

  Phiếu mua chất đốt, bao gồm cả than, củi, dầu hỏa..

   Tờ phiếu này ghi rõ, mất không cấp lại:
   Đây nữa:
   Những tờ tem phiếu này có giá trị quy đổi ra thực phẩm hay vật dụng tiêu dùng thiết yếu, với nhu cầu chỉ đủ cho sự tồn tại. Vải cũng chỉ đủ may năm 2 bộ là cùng. Nên thiếu tiền mặt thì thường là người ta phải mang các loại tem phiếu này ra bán ở ngoài cho con phe. Con phe là một danh từ chỉ những người buôn bán ngoài quốc doanh. Và thường thì những con phe sẽ mua với giá thấp hơn giá trị thực của hàng hóa ghi trong tem, phiếu. Sau đó, họ sẽ dùng những tem, phiếu này mua lại hàng hóa trong cửa hàng thực phẩm hoặc bách hóa, sau đó bán ra chợ đen ăn chênh lệch. Và có một sự móc nối giữa những con phe và các mậu dịch viên. Vì với một phiếu thịt chẳng hạn, có tổng trọng lượng được mua của cả gia đình sẽ là 4kg thịt/tháng, thì con phe sau khi mua rẻ tem, phiếu, sẽ được mậu dịch viên bán cho chỗ thịt ngon hoặc chỗ vải tốt. Bởi phiếu thịt hay vải không ghi rõ thịt là loại gì, nạc hay mỡ, đùi hay mông, vai hay sấn và tương tự, vải cũng thế. Có khi trong kho còn vải phin may áo thì họ nói hết với cán bộ, và nói còn vải may quần bộ đội thôi chẳng hạn, thì cũng phải chịu chứ thắc mắc với ai ??? Mua thì mua, không mua thì lướt cho nước nó trong, khẩn trương !!!
   Cho nên thời đó, chơi được với một bà mậu dịch viên nào thì quá bằng chơi được với bộ trưởng. Nói không ngoa. Con đói, chồng thèm thịt mà ra cửa hàng thực phẩm, cái mặt lạnh tanh của chị mậu dịch viên nghếch lên thõng thượt: Hết thịt, còn mỡ với bì bóng bạc nhạc thôi, lấy thì đưa phiếu đây cắt !!! thì tội lắm. Chả hiếm gì cảnh mẹ tôi dắt tôi ra cửa hàng, sau thảo luận với mụ phe, nếu mụ mua được cân thịt thì mẹ tôi mất cho mụ một lạng. Vì bán phiếu sẽ thiệt đủ đường. Một cân thịt theo phiếu chỉ được trả bằng tiền với giá trị 7 lạng, và đồng tiền đấy ra mua thịt chợ đen thì chỉ mua được 5 lạng, cũng với kiểu mua thì mua không mua đừng ám, vớ vẩn họ chửi cho tát nước vào mặt. Nhưng cũng không dám kỳ nèo bật lại mậu dịch viên, vì nếu bị nhớ mặt thì vĩnh biệt chuyện mua hàng tử tế ở đó luôn.

   Nhà nào có trẻ em thì cũng có phiếu đường hay phiếu sữa cho trẻ:
   Hoặc với người đẻ cũng có phiếu bồi dưỡng:
   Không thể không nhắc đến một thứ tối quan trọng của thời này, đó là cái sổ gạo. Mất sổ hộ khẩu thì còn chưa chết đói, chứ mất sổ gạo thì toi là cái chắc. Giữ sổ gạo còn hơn cả giữ con ngươi mắt. Toàn bộ gạo ăn của cả nhà được dính vào cái sổ đó của tháng. Một tháng mấy chục cân gạo, mất sổ thì tiền đâu mua gạo chợ đen vào bù ??? Nên ngày đó, mặt ai mà thất thểu thì y như rằng được gắn với câu: Mặt như mất sổ gạo.

   Thời đó, cho đến tận năm 1988, mỗi sáng tôi đi học, vẫn còn xếp hàng để mua gạo. Nhưng phải nói rằng, tính tự giác hồi đó còn cao. Người ta chỉ kê hòn gạch, buộc tờ giấy ghi tên hoặc cái bao tải vo tròn ghi tên là cứ xếp hàng được. Tôi đi học sớm, ngang qua cửa hàng gạo, xếp cái bao tải vào là vô tư đi tiếp. Chứ nếu bây giờ, có khi họ ném cả gạch lẫn bao tải xuống hồ rồi. Vì thế, từ xếp gạch là thành một từ lóng cho việc xếp hàng hoặc có sự xếp đặt nào đó. Ví dụ: một cái quy hoạch quận hay phường chẳng hạn, thì cái ao đó, cái hồ đó sẽ thành cái gì thì đương nhiên đã có các đại gia xếp gạch với lãnh đạo rồi.
   Điểm qua như thế về chế độ tem phiếu, sổ gạo của thời bao cấp. Với nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa, tức là tập trung sản xuất vào các hợp tác xã, từ lúa má đến chăn nuôi, gia tăng ruộng màu ở nông thôn để cung cấp cho thành thị thì thành phố còn đói và thiếu đến vậy, đương nhiên nông thôn đói là đương nhiên. Kế hoạch hóa là họ đề ra kế hoạch 5 năm 1 lần cho tất cả các phương thức sản xuất và kinh doanh, thương mại với sự tập trung tất cả tư liệu sản xuất vào một đầu mối là Nhà nước.
   Trở lại một chút với các loại bìa mua hàng và các cửa hàng bách hóa, thực phẩm. Bìa A, là các cán bộ cao cấp được mua ở cửa hàng ở phố Tôn Đản (quận Hoàn Kiếm), bìa B, C được mua ở cửa hàng phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm) và Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng). Còn các bìa khác, mua rải rác ở các quận. Và cũng chỉ có ở Tôn Đản hay Nhà Thờ mới có các mặt hàng xa xỉ phẩm cao cấp như đường trắng, sữa, bánh biscuit hay bơ và các loại bánh kẹo có chất lượng. Vì thế, dân có câu ca là: Tôn Đản chợ của vua quan, Nhà Thờ chợ của trung gian nịnh thần. Đồng Xuân chợ của thương nhân, vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng !!!
   Bìa C của bố tôi và phiếu xăng của cái xe máy 67 mang từ Sài Gòn ra sau tiếp quản, cũng thường là được ra chợ đen. Toàn bộ thực phẩm của nhà tôi trông vào bìa E của mẹ tôi. Cái bìa C của ông trung gian nịnh thần được mua hàng cao cấp nên bán được giá hơn nhiều, phiếu xăng cũng bán, xe đắp chiếu để quy đổi ra độ đạm tối thiểu cho gia đình. Cũng vì cái xe năm thì mười họa mới được nổ máy nên cứ trục trặc suốt, bởi xăng đâu mà chạy, nên cuối năm 1986, bố tôi đành gọi người vào bán với giá gần 3 chỉ vàng. Bán nhưng kệ, không báo cáo cơ quan nên phiếu xăng cứ năm lĩnh đôi lần, lại góp vào công cuộc điều chỉnh suy dinh dưỡng cho chị em tôi.

                                                            ( Xe 67, thời cuối bao cấp)
   Hàng hóa khan hiếm thể hiện ngay tại các bức ảnh các cửa hàng bách hóa thời đó:

   Ngày Tết người ta xếp hàng đây:




   Bia hơi cũng bán kiểu phân phối và kèm, gọi là bia kèm lạc. Mua 1 cốc bia phải kèm theo mấy gói lạc, chứ họ không bán bia không:

   Hàng Tết bia cũng phải kèm thức ăn:

   Hồi đó, có loại xà phòng gọi là xà phòng 72. Nó cứng như cục gạch và giặt thì mài đau tay ra được tý bọt phều phào đến tội nghiệp. Nhưng ở vào thời đó, méo mó có hơn không. Sau khi cải cách được mấy năm từ 1986, có loại xà phòng giặt mới, như một kỷ nguyên bùng lên thay thế cho kỷ nguyên 72 là loại xà phòng Dạ Lan. Dù cũng còn lổn nhổn cục nọ cục kia và có cục cũng hóa thạch khi để lâu lâu, nhưng thế đã là hạnh phúc mãn nguyện lắm rồi vì nó còn đầy bọt và cảm giác trơn trượt chính thống của NaOH:

   Hồi đó, chỉ có mỗi lần các chiến cạ chiến hừu của bố tôi từ Sài Gòn ra chơi hay công tác thì nhà mới có các loại thuốc lá đầu lọc hạng sang như: Craven A, Capstan, Dulhill, 555... còn thì chủ yếu bố tôi hút thuốc cuộn, loại 1 đồng 10 điếu. Những loại thuốc lá phổ biến hồi đó là Sông Cầu, Du lịch, Tam Đảo, Sa Pa, Bông Sen.., nên hồi đó có câu: Sông Cầu mở đầu câu chuyện, Du lịch thì dịch vào đây, Sa Pa mặc cha chúng mày... là để chỉ những câu chuyện thưa gửi. Đến nhà sếp xin xỏ mà mang Sa Pa với Tam Đảo ra mời thì coi như nhận được cái phủi đít quần ngay. Chí ít cũng phải là Du Lịch, vì cũng đã là loại thuốc có đầu lọc, không thì cũng phải Bông Sen, chứ thuốc lá ngoại là rất đắt. Một bao thuốc 555 có thể có giá trị quy đổi cho một bữa đạm ra trò của cả nhà rồi.

   Thời đó, trẻ con chúng tôi hay chơi trò gọi là đô la. Những vỏ bao thuốc lá được gom lại, gấp thành những hình tam giác để thay cho tiền tệ. Giá trị thuốc càng cao thì vỏ thuốc càng có giá. Thuốc lá ngoại thì không cần gấp, nếu để nguyên vỏ thì còn cao hơn nữa. Tài sản của đứa nào được coi là tỷ phú khi nó có nhiều loại vỏ bao và nhiều loại cao cấp. Chơi trò ăn đô la bằng đánh đáo. Cho đô la vào một vòng tròn, rồi dùng cái đáo làm bằng các mảnh sắt nhặt ngoài công trường xây dựng mà chọi, chọi được nhiều đô la ra ngoài vòng thì càng thắng to. Hoặc chơi tú lơ khơ ăn đô la. Đủ trò cả. Mua sách cũ của nhau cũng có thể mang tiền tệ đó ra quy đổi. Thích một đồ chơi nào cũng có thể dàn xếp bằng đô la được. Nên mỗi lần các chiến hừu của cụ bô ra Hà Nội, là tôi dặn đi dặn lại phải giữ nguyên vỏ bao thuốc cho tôi, hút xong không được vo nhàu mà vứt đi. Khổ cho các ông, đi đâu hút thuốc xong cũng phải nhớ để mang những cái vỏ không về cho ông chọi con.
   Ngày đó, những vật dụng luôn được bảo quản. Bố tôi mang từ Sài Gòn ra mấy chục cái cốc giấy, thứ cốc uống một lần rồi bỏ, có hẳn quai cầm. Quai được ép vào thành cốc rồi cứ xếp dọc chồng nhau. Sài Gòn họ dùng rồi bỏ, vậy mà nhà tôi không dám mang ra dùng. Khi nào có khách, thiếu cốc lại mang ra dùng mấy chiếc, nhưng sau phải rửa cẩn thận để cất đi dùng lại. Sự thiếu thốn hiển hiện đến từng chi tiết. Hầu như không thứ đồ nào được bỏ đi. Hộp sắt tây cũng giữ lại. Những thứ nào hỏng mới bỏ và được bán đồng nát. Nhà tôi chuyển nhà năm 2005. Năm đó tôi dặn cả nhà, về nhà mới bỏ hết đồ cũ vì tôi sẽ mua mới tất cả. Nhưng rồi vẫn có những thứ bố mẹ tôi không chịu bỏ. Khi lục đống đồ ông bà mang về, còn nguyên hai chục cái cốc giấy từ ngày bố tôi mang từ Sài Gòn ra năm 1976. Tôi lặng lẽ xếp hai chồng cốc đó vào một cái hộp để khỏi bị bẹp. Tâm lý thiếu thốn đã trở thành một thuộc tính của cất giữ. Trong truyện ngắn Tình yêu cuộc sống của Jack London, kể về những người đào vàng ở nước Mỹ, có chi tiết sau khi được các thủy thủ cứu sống, nhân vật chính đã chất đầy dưới nệm giường toàn bánh biscuit. Nhân vật đã trải qua cuộc chiến đấu sinh tồn trong cái đói, cái lạnh và cả chiến đấu với sói đói. Sự đói đã ám ảnh anh ta cho đến khi anh ta đã được hoàn toàn cứu thoát.

   Cái thời thiếu thốn. Mỗi phố có một cái máy nước công cộng. Tùy từng tuyến ống, nước chảy mạnh hay yếu khác nhau. Mọi sinh hoạt tắm gội của đàn ông và trẻ em hay giặt giũ cho đàn bà đều diễn ra ở cái máy nước đó. Người ta bê hàng chậu quần áo ra vò, giặt và cùng với nó là những ngồi lê đôi mách. Hà Nội chấm dứt thời kỳ thanh lịch trong sinh hoạt cộng đồng. Khốn khó vật chất vây bủa, điều kiện sinh hoạt khó khăn đã đẩy con người ta trượt ra khỏi những khuôn mẫu đã được định hình. Ngày đó, ngăn sông cấm chợ nên buôn bán từ vùng này qua vùng khác chỉ là buôn lậu. Mọi giao thương đều do Nhà nước nắm. Thương nghiệp dân doanh hầu như không có. Nhà nước nắm cả nội thương và ngoại thương. Ai ở Hà Nội đều biết ông Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn ở những năm 1980. Ông Chẩn quê Thanh Hóa, ra Hà Nội làm thuê cho chủ sản xuất cao su từ thời Pháp. Sau một thời gian nắm được nghề, ở quê còn mảnh ao, ông bán để quyết chí làm giàu. Lốp ông Chẩn bền mà chắc, nhất là cánh xe thồ cực khoái dùng lốp của ông. Nhưng hồi đó cái gì chả hợp tác, ông không vào hợp tác là lập tức bị sờ gáy, ba bốn phen tịch thu tài sản và tù đày. Lần cuối là năm 1983, ông bị bắt và hết cửa làm. Sau sửa sai thì nghề lốp của ông cũng đi theo thời mở cửa.
   Người mở hàng phở cũng khốn khổ với bên thị trường. Họ hạch sách nguồn thịt, nguồn bánh đủ cả. Vì bò một thời bị cấm giết vì phải đảm bảo sức kéo cho nông nghiệp, hai nữa là đa phần đều phải vào hợp tác cả. Thịt từ hợp tác ra có nguồn, còn trôi nổi chỉ có giết chui mổ lậu. Vì thế người bán phở cũng trở nên có giá. Họ bắt đầu có thái độ ban phát, hách dịch khi bán hàng như những mậu dịch viên quốc doanh. Xã hội bắt đầu phân hóa và để đến bây giờ, thái độ bán hàng lấc cấc đã trở thành một nét văn hóa suy tàn của nghề dịch vụ đất Hà thành. Xã hội thế kỷ 21 đã hơn 10 năm, nhưng tàn dư còn nặng nề đến đau lòng cho khách phương xa đến với Hà Nội, chịu đựng sự vô lối, thiếu văn hóa của những lối kinh doanh kẻ cả, thiếu tôn trọng khách hàng.
 
                                          ( Một cửa hàng khắc gỗ, đẽo quay trên phố Tô Tịch)

   Hồi đó, mỗi ngã tư, góc phố đều có những hàng bơm vá sửa chữa xe đạp. Nó thịnh hành vì cái nghề đơn giản mà thô sơ, vốn liếng không bao nhiêu. Ai thất nghiệp, về hưu hay làm thêm đều có thể làm được cả. Chuyện các quân nhân ra bơm vá thường đến nỗi thành câu:

                                                      Đầu đường đại tá bơm xe
                                                Cuối đường thiếu tá bán chè đỗ đen

   Cuộc sống thiếu khó nên chuyện phát sinh các thứ nghề cũng là thường. Có một thứ nghề cho đến bây giờ đã khai tử, đó là nghề bơm mực bút bi. Ngày đó bút hết mực không vứt đi, họ mang ra phố bơm lại. Chỉ cần bộ đồ nghề nhỏ với cái bàn con ngồi vỉa hè là kiếm sống được rồi:

   Hồi tôi mới học đại học, cái bút vẽ kỹ thuật với mực tiêu chuẩn hiệu Rhoting của Đức tư bản giãy chết bán đắt kinh khủng. Hai chỉ một cái bút và một lọ mực bằng 1/6 cái bút đó. Mà tối thiểu thì một sinh viên kiến trúc phải có ba cái bút khác nét nhau. Nên bọn tôi phải lên phố Lò Đúc mua bút nội và mực nội cho rẻ. Bút dùng vẽ được vài lần thì nét bắt đầu to ra và bực nhất là bị nhỏ mực. Vẽ kỹ thuật đòi hỏi sự thể hiện các nét vẽ khác nhau mà bút nội thì sau vài lần dùng, bút nào cũng nét như nhau cả. Nên thành ra lại rèn được sự khéo léo trong khi vẽ, ấn bút thành nghệ thuật. Một cái bút có thể vẽ nhiều nét, chả khác gì các cụ xưa dùng Springle để vẽ (là 1 dụng cụ để chấm mực khi vẽ, tương tự bút bụng chửa hay xe tăng thời trước của học sinh tiểu học). Mực thì thực chất mực nội là họ mài mực tàu ra rồi họ lọc cặn đi thôi, đóng lọ bán. Tuần đầu không sao, nhưng sau đó thì lọ mực bắt đầu bốc mùi như mùi chuột chết vậy. Bọn tôi đi học thêm tiếng Anh buổi tối, hay dùng bút đó chép bài luôn và cũng để buồn thì vẽ bậy. Mùi mực bay ra làm các bạn xung quanh kêu như cháy đồi, thi nhau cúi xuống bàn xem có con chuột chết nào lơ đễnh mà chết không đúng chỗ không !!! Bọn tôi thì điềm nhiên kệ, vì quen với mùi rồi
   Hà Nội thời đó lưu truyền câu ca:
                             Một yêu anh có sen - ko (đồng hồ Seiko- Nhật)
                             Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng (xe đạp Peugeot màu đồng)
                             Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
                             Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô
                             Năm yêu không có bà bô
                             Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về (là nghĩa trang)
                             Bảy yêu anh có tay nghề
                             Tám yêu sớm tối đi về có nhau
                             Chín yêu gạo trắng phau phau
                             Mười yêu nhiều thịt ít rau hàng ngày.
   Bài này còn nhiều dị bản khác nhau, nhưng chỉ nêu một bản để thấy cái tiêu chí thời đó. Có đồng hồ Sei-ko của bọn giãy chết này:


   Nếu không, cũng phải là của Liên Xô anh em là đồng hồ Poljot:
   Còn xe đạp thì đây:

   Và đây, chính hiệu Lơ-giô con cá vàng:

   Thời đó, xe đạp có đủ biển số, hộp đựng đồ sửa chữa, bơm xe, đi-a-măng cơ năng chuyển thành điện năng chiếu sáng để đi đêm, cả chuông nữa, kêu rất oách xà loách. Như cái xe favorit dưới đây là một điển hình:

   Những thứ trên là sang trọng để thành đẳng cấp rồi đấy. Còn ông nào đi tán gái mà trang bị tận răng như trên kèm với bút máy kim tinh cài ngực áo sơ mi trắng lốp, dép nhựa Tiền Phong (tiếng lóng còn gọi là ), mũ cối Tàu lòng vàng (lóng gọi là ổi tàu) thì như bây giờ ngực gài bút Montblanc, chân đi giày Luis-Vuiton, đầu đội mũ CK vậy.

                                                             (Dép nhựa Tiền Phong đây)

                                           (Bút máy Kim tinh là cái có nắp vàng, thân nâu sẫm)

                                                                 (Mũ cối Tàu, lòng vàng)

   Nếu không, có đôi đúc tàu, tức là dép cao su (dép râu) của Tàu thì còn oách nữa:

   Cán bộ thì lủng lẳng cái đài bán dẫn đeo hông hay cặp sau yên xe, đi đâu cũng oang oang như loa phường bây giờ cũng đủ làm nhân dân té vãi:



   Để bắt đầu cho một tiếp nối của thời bao cấp, tôi cứ vân vi trong sự chọn lựa nên bắt đầu từ cái gì trước. Những mảng ký ức cứ đan xen trong nhau. Vậy thôi thì cái gì bật ra thì cứ kể trước, rồi theo mạch nhớ mà kể vậy.

   Hà Nội ngày đó, năm tôi bắt đầu có những lưu nhớ của nhận biết, cỡ từ năm 1978. Năm đó tôi vào lớp vỡ lòng mà bây giờ tương đương với lớp 1 vậy. Hồi đó nhà tôi ở trên phố Hàng Bột, giờ đổi tên thành đường Tôn Đức Thắng. Trông thẳng sang bên kia đường là một cái vườn hoa lớn, tiếp giáp với bức tường rào cũ kỹ của Quốc Tử Giám. Phố vắng lắm. Cũng bởi Hà Nội thời đó người còn thưa chứ không đông đúc thành quá tải như bây giờ. Tiếng động ngoài phố vọng lại cũng chỉ là những tiếng bánh sắt tàu điện nghiến xào xạo trên ray và tiếng leng keng, chen thỉnh thoảng những tiếng xe ô tô. Bởi thời đó, người ta di chuyển chủ yếu bằng xe đạp.

   Đây là hình ảnh chiếc tàu điện từ thời Pháp thuộc đầu thế kỷ 20, chủ yếu chạy tuyến Bưởi - Thụy Khuê - Đồng Xuân - Hàng Ngang - Hàng Đào và Bờ Hồ. Tàu điện thời Pháp ban đầu cũng đẹp hơn hẳn thời kỳ sau, khi phát triển thêm các tuyến lên Minh Khai, Mai Động (ngày đó còn là các làng ngoại thành Hà Nội), và vào Hà Đông qua Ngã tư Sở.
   Phố Hàng Ngang - Hàng Đào với đường ray tàu điện nằm chính giữa, nối chợ Đồng Xuân xuống Bờ Hồ. Hà Nội thời trước với những cột điện bằng sắt rất mỹ thuật do Pháp làm, đặt dọc hai bên vỉa hè. Nhưng dù là thời nào, tuyến phố này cũng là nơi sầm uất nhất về mật độ doanh thương.

   Tùy từng tuyến phố, tàu điện đặt giữa đường hoặc sát mép vỉa hè. Phố Thụy Khuê, nơi đặt bản doanh của xí nghiệp xe điện thì còn có hai đường ray tàu, một đường sát gần vỉa hè, cách độ 80cm gì đó, một đường chính giữa.

   Tàu điện chợ Đồng Xuân - Bắc Qua:

   Xuống đến Bờ Hồ:



   Đến Bờ Hồ, tàu điện vào bến. Bến đó gần đài phun nước bây giờ tạo thành vòng xoay ngã rẽ Hàng Gai-Hàng Bông, ngã xuôi Hàng Đào - Hàng Ngang, ngã quặt Cầu Gỗ vào chợ Hàng Bè hoặc vòng Lê Thái Tổ... Xa xa ở bức hình trên là hiệu kem Hồng Vân - Long Vân xưa. Chếch sang bên trái bức hình là nhà Thủy Tọa. Đối diện bến xe điện ngày đó là một tòa nhà thấp, sau người ta phá bỏ và xây nên tòa nhà bây giờ mà dân vẫn gọi là hàm cá mập. Bởi sự vô duyên của dáng hình kiến trúc của nó, tạo ra một vẻ đầy đe dọa và xâm phạm cảnh quan hồ Gươm một cách thô bạo.

   Ở bức hình này, sẽ thấy rõ quang cảnh bến xe điện phía bên phải. Vòng xoay có một kiến trúc vòng cung với chiều cao thấp, thụt hẳn vảo bên trong với một khoảng lùi cực kỳ hợp lý. Người Pháp quy hoạch hồ Gươm rất khoa học để giữ gìn và bảo quản cảnh quan Bờ Hồ. Họ không cho phép xây những kiến trúc cao vượt quá 24m, và lấy đỉnh Nhà hát Lớn làm chuẩn. Tòa nhà chính diện trong ảnh bị phá bỏ cuối những thời bao cấp, khoảng năm 1990 để xây nên một kiến trúc thế này đây:

   Hà Nội ngày đó, từ cây kim sợi chỉ đến cái radio, cái xe đạp, giường tủ bàn ghế và các vật dụng sinh hoạt, đều có bán ở Bách hóa tổng hợp Bờ Hồ. Bách hóa này sau phá đi, cũng độ 1990 và để hoang toàng đến 5 năm mới tiếp tục xây lại thành tòa nhà Tràng Tiền Plaza bây giờ.


    Bách hóa này nguyên là nhà Gô-đa thời Pháp, dành cho sĩ quan và viên chức Pháp đến ăn chơi nhảy múa. Ở các quận của Hà Nội thời trước cũng đều có các nhà bách hóa, nhưng lượng hàng không nhiều và đầy đủ như ở Bách hóa tổng hợp. Ngày đó Hà Nội chỉ có 4 quận nội thành, là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Được lên Bờ Hồ chơi là kiểu gì cũng có hai nơi phải vào, là nhà Bách hóa và kem Tràng Tiền. Vào nhà Bách hóa chỉ để dạo chơi, xem hàng hóa mà thôi. Những thứ hàng mà ở các bách hóa tiểu khu hay những nơi khác không có hoặc có thì vặt vãnh và vớ vẩn.
   Khi người ta phá nhà Bách hóa cũng là lúc đất nước bắt đầu khai mở các quan hệ với nước ngoài để thu hút đầu tư. Với người Hà Nội, nhà Bách hóa tồn tại như một biểu tượng của văn minh hàng hóa. Thời đó, vào các nhà bách hóa của các khu tập thể như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ thì buồn lắm. Không gian huếch hoác đến tẻ nhạt. Vì không có hàng bày trên các giá. Lèo tèo dăm ba cặp dép nhựa xanh xanh đỏ đỏ, mấy cái ruột phích nước chen với những cái bút máy Hồng Hà. Ngày chiến tranh, bút máy Hồng Hà được sản xuất cũng tốt, bơm mực ngon lành và viết không bị chảy mực, quen thuộc đến mức ai đi bộ đội cũng được tặng một bút và một cuốn sổ nhỏ. Nhưng không hiểu sao khi đã hòa bình thì cái bút máy Hồng Hà lại xuống cấp tệ hại về chất lượng đến vậy. Bây giờ thì Hồng Hà đã thay đổi nhiều rồi, chất lượng khác hẳn.
   Không bao giờ có thể thấy một cái quạt hay một đồ dùng được quy thành tài sản như giường, ghế bàn tủ ở các bách hóa nhỏ lẻ. Đến mức, nếu ở những bách hóa nhỏ đó mà có hàng mới, y như rằng dân tình kháo nhau và đổ xô đến để rình mua. Cảnh những cô mậu dịch viên ở những bách hóa nhỏ ngồi ngáp vặt, tranh thủ đan len hay uể oải đến thờ ơ, như thể cuộc sống là một chuỗi những tháng ngày vô vọng thiếu sinh khí, thể hiện qua những ánh nhìn vô hồn không cảm xúc là điều chẳng làm ai ngạc nhiên. Bởi cái quầy hàng của cô, năm thì mười họa mới có khách vãng lai. Các cô chỉ thực sự bận rộn vào những khi hiếm hoi có hàng mới bổ sung, hoặc những ngày cận Tết, bởi những ngày đó hàng được phân phối về nhiều để phục vụ bà con.
   Ngày đó, nhà nào có cái quạt tai voi cũng đã là oách xà loách lắm rồi. Đa phần là dùng quạt con cóc. Nhà nào mà có cái quạt Nhật bổn hiệu Hitachi thì là hàng khủng. Phương tiện truyền thông chủ yếu là một chiếc đài bé như cái hộp bánh biscuit, treo trên tường hoặc chiếc tivi đen trắng 14 inch. Mà tivi cũng không phải là phổ biến, bởi để có nó thì phải có cây, có chỉ. Đài radio mà có chân thì bày trang trọng, bởi giá trị kinh tế của nó. Cuộc sống với tiêu chuẩn cán bộ phiếu D với E, cả hai vợ chồng được 1kg thịt, 1kg cá/tháng với đồng lương mỗi người mấy chục đồng thì tiền đâu mà sắm quạt to với đài lớn cho được. Được mua phân phối cái đài bé tý để nghe tin tức theo đường dây phát thanh đến tận nhà đã là hạnh phúc rồi. Xin nói rõ thêm, cái đài đó là đài mua phân phối, được sản xuất với sự mặc định tần số sóng, không có chuyện dò vì làm gì có núm dò. Đường dây phát thanh được chạy đến từng nhà, chỉ việc lắp đài, đấu dây là nghe. Nhà nào có cái đài bán dẫn, dò sóng chui mà nghe tin của '' các thế lực thù địch '' như BBC thì kinh lắm. Dò được sóng nghe tin là phải nhỏ âm lượng thôi, vì gọi là '' nghe đài địch '' mà. Vậy nên mới có câu: Đắp chăn, nghe đài, đọc báo Đảng.

                                                                        Quạt tai voi



                                                                        Quạt con cóc

      Nhà nào có chiếc quạt cổ từ thời Pháp như chiếc màu đen trong ảnh đã là sang lắm. Bởi nó tốt và bền. Quạt tai voi thì xuất xứ từ Liên Xô, còn quạt con cóc thì từ Trung Quốc. Gọi là quạt con cóc vì nó bé lắm, sải cánh đường kính chỉ độ 20cm, lại có cái dáng gù gù như con cóc, nhất là lúc điều chỉnh cho nó ngóc cổ lên thì trông nó thu lu như con cóc góc nhà vậy. Quạt tai voi vì cái cánh to bản như tai voi, quạt mát hơn quạt con cóc vì lớn hơn một chút, nhưng cũng như quạt con cóc, quạt tai voi không xoay được, chỉ mát được một hướng mà thôi.

   Quạt Nhật như trong hình thì thực sự là bố tướng thời đó. Bố tướng, mẹ tá, con đại úy là từ mà ngày đó người Hà Nội dùng để chỉ những gì đắt đỏ, xa xỉ, vượt ra khỏi khả năng của đồng lương hạn hẹp và tem phiếu tiêu chuẩn. Những vật dụng như ca tráng men hay bi-đông nước Trung Quốc là vật thường thấy tại các gia đình. Ở các khu tập thể, hình ảnh quen thuộc là như nhau tất. Mỗi nhà một bộ bàn ghế gỗ mộc, đệm hay lót là thứ xa xỉ không bao giờ có. Một cái tủ đứng hai buồng (tức là có hai cánh mở). Giường gỗ bình thường trải chiếu và trăm nhà như một là chăn con công. Đó là loại chăn có vỏ in hình con công màu hồng đỏ do Trung Quốc sản xuất. Các vật dụng cũng đơn giản. Nước thì đun sôi cho vào cái chai thủy tinh 65ml, cuộn tờ giấy thành cái phễu úp lên miệng cổ chai để tránh bụi. Nhà nào cũng thế cả.

   Ảnh này là ví dụ cho những vật dụng thời đó. Đầu giường là chiếc quạt con cóc. Giường trải chiếu và chăn con công.


   Trong hình là cái chạn để bát đũa. Xe đạp có đèn soi, bộ phát điện lắp ở bánh xe trước. Khi đạp, ép cái bộ phát điện này vào lốp xe thì cơ năng đạp sẽ chuyển thành điện năng phát sáng. Nhưng vì ép nó vào lốp nên vô tình nó tạo ma sát lớn, đạp rất nặng.
                          Những chiếc ca sắt tráng men này là vật dụng bình thường ở mọi gia đình.

           Đồng hồ Slava của Liên Xô cũ. Khi chạy, hình con tảo biển thay cho kim dây, cứ chạy vòng tròn.

   Đây là hình ảnh điển hình của một căn hộ nhà cán bộ trung cấp kiểu trung gian nịnh thần. Có tivi, có tủ lạnh và bàn ghế, giường tủ...Trong một bài viết, tôi có đặt tên là Tủ lệch tức là tôi gọi kiểu nghĩa bóng. Trong hình, cái tủ lệch nghĩa đen là như vậy. Có cái tủ lệch là cũng sang lắm rồi. Vì nó có gương. Cánh đứng để quần áo, cánh lệch, tức là cái khúc nằm ngang để bày đồ ly tách ấm chén trang trí. Chiếc đài đặt cạnh tivi là đài bán dẫn, chạy pin. Đài này dò sóng được như đã nói ở trên, khác với đài sản xuất định sẵn tần số được phân phối.




  Xe đạp được mang biển số và có giấy chứng nhận (cà-vẹt) đàng hoàng. Vì cái xe cũng là mấy chỉ vàng rồi.

   Chỉ có ai đi công tác nước ngoài, thường là các nước XHCN mới có cái radio như thế này. Dưới là loa cùng các núm điều khiển âm lượng, dò sóng..., phía trên là để chạy đĩa than nghe nhạc. Những đài kiểu này chỉ có dạng vụ trưởng vụ phó hắt lên mới có, hoặc chức vụ tương đương.

   Năm 1976, bố tôi đi phép ra, mang theo cái tivi cửa lùa Deluxe có cái antenna bắt chéo, cái xe máy 67, một cái tủ lạnh nhỏ 50 lít và cái dàn Akai này. Chạy băng cối. Hồi đó chắc mới thống nhất nên chuyện nhạc nhẽo cũng thoải mái. Bốn tuổi đầu đã suốt ngày nghe Khánh Ly, Thanh Tuyền với Thái Thanh... Sau người ta cấm nghe nhạc vàng. Cũng chả rõ từ năm nào nữa, cái dàn máy Akai biến mất khỏi nhà tôi. Nó là thứ đồ đầu tiên ra đi vì công cuộc chỉnh đốn suy thể chất cho cả nhà. Chỉ nhớ trong tấm hình hồi học vỡ lòng năm 1978, tôi ngồi trên chiếc xe 67 và đằng sau vẫn còn bộ dàn máy, sau khi nhà tôi chuyển từ phố về khu tập thể. Chắc nó ra đi cỡ năm 1980 gì đó. Cái tủ lạnh nhỏ thì hoạt động hết công suất để làm đá bán cho người bán chè đỗ đen. Hồi đó, ngại nhất là hàng xóm sang xin đá. Vì đá cứ bán theo cân, nên cục lớn cục nhỏ bán tất. Không cho thì mất lòng nhau, mà cho thì hao cân hụt lượng. Mà nhà tôi lại là một trong số ít có thể đếm trên đầu ngón tay của khu tập thể có tủ lạnh.
   Sau đó thì là cái tivi ra đi. Hồi còn ở phố, mỗi tối trước cửa nhà tôi hàng phố mang ghế ra xếp kín vỉa hè để xem tivi. Năm 1979 mới xây đài truyền hình Trung ương ở Đê La Thành, nên tôi chẳng rõ những năm trước đó thì tiếp sóng ở đâu nữa, nhưng chương trình thì ít lắm. Mãi đến những năm 1980, cả tuần chỉ có tối thứ Tư mới có hoạt hình cho trẻ em, háo hức lắm, gọi là chương trình Bông hoa nhỏ. Phim cũng chỉ chiếu một tuần một lần. Sau thì có khá hơn, chương trình Thế giới động vật phát lúc 2h chiều Chủ nhật rất hấp dẫn.

   Thời gian bán tivi, tôi cũng cùng bọn trẻ con trong khu đi xem nhờ khắp nơi. Sau thì nhờ bố tôi quan hệ thế nào đó không rõ nữa, mua lại được rẻ một chiếc tivi đen trắng. Mãi đến những năm 1990, nhà dì tôi bán lại cái tủ lạnh cũ hiệu Saratop của Liên Xô, thì mới lên đời về chức năng làm lạnh và cất giữ thực phẩm. Chiếc bàn là trong ảnh là bàn là dùng than, có từ đời ơ kìa của thực dân Pháp. Ngày ấy, muốn giữ cơm nóng (để tiết kiệm dầu và điện), thì hay ủ nồi cơm vào báo và quấn kín cái chăn bông to sụ xung quanh. Sáng nấu cơm, cả nhà ăn xong cho cơm vào cặp lồng mang đi bố mẹ ăn trưa, còn lại thì cơm ủ để trưa đi học về con cái lôi ra ăn. Mãi về sau, những người đi lao động ở Liên Xô hay đi công tác mang về những chiếc bình nóng-lạnh thì mọi nhà ra sức tiết kiệm để mua một chiếc. Ủ cơm cũng tốt mà đựng đá cũng tiện.
    Chiếc máy khâu Singer này là phương tiện kiếm sống của không ít gia đình. Nghề may chả cần tay nghề cao cũng sống được. Ngày ấy, người ta liên hệ, từ mà chính thống không ít các quan chức dùng kiểu giáo điều là móc ngoặc, với các cơ quan nhà máy hay hợp tác xã về may mặc để mua vải vụn. Vải vụn đó được mua về và ráp lại, khâu thành những chiếc vỏ chăn hoặc may quần đùi cho đàn ông và trẻ con. Nhìn hoa hòe hoa sói cực. Vỏ chăn may bằng vải vụn bán rẻ nên phù hợp với cuộc sống thiếu khó đó. Tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm là câu phổ biến. Xin được là xin nên thời đó, nhan nhản các ông ra bể nước công cộng với quần đùi vải vụn. Những người buôn bán ngoài hệ thống quốc doanh thì cán bộ gọi họ là gian thương !!! Cơ quan đi liên hệ được cái gì về phân phối mà nếu không đủ thì phải rút thăm xem ai được, nhưng nêu ý kiến là bán cái thứ liên hệ được ấy đi để lấy tiền chia đều cho anh em, thì ngay lập tức bị chủ tịch công đoàn công ty phê bình ngay: Đồng chí làm thế là tiếp tay cho gian thương ! Mà cơ khổ, chia xong thì rồi ra cổng cơ quan là người ta bán ngay đi cho gian thương để lấy tiền, kể cả đồng chí chủ tịch công đoàn cũng chẳng ngoại lệ.

   Các cửa hàng, cửa hiệu ngày đó cũng bày biện đơn giản, biển hiệu cũng không màu mè đèn nến gì. Chỉ là những miếng tole đóng vào cái khung gỗ rồi kẻ vẽ chữ bằng sơn. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tôi vẫn đi đánh quả ngoài giờ học bằng nghề quảng cáo. Hoàn toàn làm thủ công bằng tay hết, từ lên maquette cho khách duyệt đến khi ra cái biển. Nghề quảng cáo hồi đó sống cũng khỏe và đa phần là họa sỹ mở, nên có một ông tên Trung, buôn ngoài thành thần cũng mở cửa hàng trên phố Nguyễn Thái Học, gần cửa hàng bọn tôi làm. Ông này đúng dân kinh doanh, buôn như chảo chớp, kẻ vẽ maquette gì gì không hề biết. Vì nghề đơn giản, đồ đạc cũng chả mấy, vốn liếng không nhiều, nên ông ấy tuyển mấy chú lao động phổ thông về làm việc sơn phết, đóng biển và mang đi treo cho khách, còn maquette thì ông ấy sang thuê bọn tôi làm. Maquette có tỷ lệ rõ ràng, nên về ông ấy chỉ việc bảo thợ phóng to ra là okie. Bọn tôi gọi ông ấy là Trung maquette. Có những cái biển phải viết chữ kiểu viết tay, gọi là phăng-tê-di, thì thợ ông ấy bó tay, lại phải sang thuê bọn tôi phóng, những trường hợp đó thì công thiết kế maquette và phóng chữ bọn tôi tính nửa lãi của ông ấy, càu nhàu cũng phải chịu. Nhưng độ năm sau, Hà Nội bắt đầu có máy photocopy phóng to thu nhỏ, ông ấy mang maquette ra thuê phóng chữ vừa khổ biển, rồi cắt ra ép vào mặt biển cho thợ tô theo đường viền, bọn tôi trơ mắt ra nhìn. Sau có biển mica thì biển sơn ít người thuê làm, cũng bắt đầu quãng năm 1992.

   Xích lô Hà Nội. Những người thất nghiệp, bộ đội xuất ngũ hoặc công nhân lương thấp bỏ việc ra ngoài đa phần chọn nghề đạp xích lô. Hà Nội ngày đó ít xe ba gác. Rất ít là đằng khác. Chủ yếu là xích lô. Nó là phương tiện vận tải chủ yếu trong nội thành. Mãi đến thời kỳ cuối của bao cấp, là những năm 1990-1991 mới có thêm xe lam. Xe lam là cái xe ba bánh như trong hình ở mé phải.
   Khánh Trắng, một đại ca giang hồ trùm sò giới cửu vạn chợ Đồng Xuân - Bắc Qua cũng xuất thân từ anh đạp xế lô. Một người khác, tên là Đường bia, giờ là một tài phiệt, đồng thời cũng là một người có số má với xã hội đen, cũng xuất thân từ nghề đạp xích lô. Ông Đường chuyên đạp xích lô chở các bom bia từ nhà máy bia ở đường Hoa Hoa Thám đến cho các quán bia hơi ở những năm 1980. Bia hơi ở Hà Nội là một văn hóa độc nhất vô nhị. Bia ngon là lẽ thứ nhất, lẽ thứ hai là bình dân. Ông Đường là người có đầu óc. Ông thấy ngay cái lẽ ra tiền của bia hơi. Ông đề nghị với nhà máy bia để ông độc quyền chuyên chở và tiêu thụ bia với nhà máy, ông cam kết tiêu thụ với số lượng khủng, từ đó, các quán bia hơi lại thành phụ thuộc nguồn bia từ ông. Giờ thì ông làm chủ của mấy cái tòa cao ốc ở Hà Nội, đồng thời là đầu nậu cung cấp bia cho hàng loạt các quán bia. Các hãng bia tươi sản xuất ở Hà Nội, hầu như tất cả đều lấy nguyên liệu từ ông.


   Nghề mài dao kéo và sửa chữa giày dép là thứ nghề thủ công đơn giản. Giờ thì các nghề đó vẫn còn, nhưng tinh vi hơn rồi. Phố Hàng Dầu bên hồ Hoàn Kiếm vẫn còn một vài hàng sửa giày dép, nghề cha truyền con nối. Nghề khắc bút (khắc vẽ tên người hay các hình phong cảnh lên bút máy) trước thịnh hành bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn cầu Thê Húc trông sang, giờ chỉ còn một ông lão đã hơn 80 tuổi còn cầm cự. Ông cụ giờ sống chủ yếu bằng trông giữ xe. Ngày xưa mà có một cái bút Kim tinh nắp vàng thân nâu đỏ của Trung Quốc, mang lên khắc tên thì tự hào kinh khiếp. Thước kẻ cũng khắc để đánh dấu. Ra chiến trường thì hầu như 100% những chiếc bút Hồng Hà được mang lên Bờ Hồ khắc để làm kỷ niệm.


      Những hình ảnh trên là những hình ảnh của thời kỳ cuối của bao cấp rồi. Có những sinh hoạt, buôn bán vẫn vậy, đã thành truyền thống như nghề bán tranh tre nứa lá hay nghề cắt tóc vỉa hè, nghề bán hàng quán vỉa hè, bia hơi vỉa hè thì trở thành một thói quen. Nhậu vỉa hè đã thành sự quen thuộc. Tôi mỗi khi nhậu, cũng chỉ thích ngồi vỉa hè bệt bạt cho khoáng đạt, chứ không thích vào nhà với bàn ghế cao ngỏng.

                                               Nghề bán tre pheo và các loại sản phẩm từ tre.

                                                   Bia hơi vỉa hè những năm cuối bao cấp.


                                                 Hàng quán vỉa hè trở thành nét quen thuộc.


                                                    Các cụ ông đọc báo bên hồ Hoàn Kiếm.

   Hà Nội có món giò chả rất ngon. Cỗ xưa Hà Nội không thể thiếu món này. Giò thái miếng to, dày, cắn gọi là ngập răng. Hiệu giò chả nổi tiếng Hà Nội là hiệu Quốc Hương ở phố Hàng Bông. Bà Chấn là chủ hiệu. Giò chả hiệu này bán trong ngày. Sáng làm chiều tối tầm 6h hơn một chút là hết hàng. Giò chả phải giã bằng tay mới ngon, mới nhuyễn và ngọt thịt. Nghề giò chả có xuất xứ từ làng Ước Lễ, đã thành thương hiệu Giò chả Ước Lễ rồi. Nhà Quốc Hương cũng xuất xứ từ làng này. Mỗi khi lên Tạm Thương uống rượu tôi thường ra hiệu Quốc Hương mua một ít làm đồ nhậu. Vào Sài Gòn, tôi lang thang ở đường Trần Hưng Đạo, góc cắt với Bùi Viện, nhìn thấy một biển hiệu Quốc Hương cũng bán giò chả, liền ghé vào mua và hỏi, thì bà chủ bảo bà là em họ nhà Quốc Hương ngoài Hà Nội. Tuy nhiên, vị giò chả này không thể so sánh được với vị giò chả Quốc Hương chính hiệu được.

   Những cảnh sinh hoạt như thế này là điển hình thời bao cấp. Ghế gỗ cho quán bán trà chén, tếu táo gọi là trà chát. Quán có thuốc lá bình dân, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo bột và kẹo chè lam. Cái điếu cày với gói thuốc lào lẻ là thường trực. Hút thuốc lào nâng cao sỹ diện, bật que diêm như bật phong ba... Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên... Bằng Kiều, ca sỹ có giọng hát cao vút như chưa bao giờ trải qua thời kỳ vỡ giọng của tuổi dậy thì, nghiện thuốc lào nặng. Thế mà hát vẫn tốt, vẫn kiếm xiền như ranh

   Hà Nội những năm bao cấp. Pa nô tuyên truyền, tranh cổ động ngàn ngạt các ngã tư. Người ta còn đắp cả phù điêu tướng sỹ tượng ở ngã tư Ô Chợ Dừa. Thời đổi mới, tức là bắt đầu từ năm 1986 do cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng với chữ ký tắt N.V.L, cùng khẩu hiệu Nói và Làm. Đổi mới, tức là bắt đầu chấp nhận những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, được cho tự do giao thương giữa các vùng miền. Cũng chính ở thời ông NVL, Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn được thả, nhưng công cuộc đòi lại tài sản bị tịch thu thì kéo mãi đến giữa những năm 1990, mà cũng chẳng được trả lại bao nhiêu.

   Giao thông không lộn xộn vì cũng vắng, nên các chiến sỹ cảnh sát giao thông cũng nhàn nhã. Xe DD đỏ ớt này ngày đấy là kinh lắm rồi, ngang với SH bây giờ, 5-6 cây vàng/chiếc, trong khi nhà chỉ hai hoặc ba cây là mua được một căn. Mà dám chắc, ngày đấy làm gì có khái niệm làm luật với mấy chiến sỹ này.


                                                                    Đường phố vắng vẻ.

   Chủ yếu phương tiện thô sơ. Xe ô tô chủ yếu là Gát 69 của Trung Quốc hoặc com-măng-ca của Liên Xô.

   Bến xe trước cửa công viên Thống Nhất. Những chiếc xe này giờ đã thành đồ bảo tàng, nhưng mãi đến những năm 1995 vẫn còn xả khói mù mịt trên đường phố Hà Nội.



                                                      Cửa hiệu sửa chữa cơ khí lặt vặt...


                                                         Hiệu giày dép phố Hàng Dầu.

                                         Nghề làm điếu cày. Giờ thì họ không làm trên phố nữa.

                               Xe thồ gạo. Xe này liên tưởng đến xe thồ thời Điện Biên của cụ Giáp.



                                                             Bán tranh Tết thời bao cấp.


   Gói quà Tết tiêu biểu thời đó. Một bao thuốc lá Điện Biên, một hộp mứt, một cân đường, ít bánh đa cuốn nem (miền Nam gọi là chả giò), một chai rượu Chanh và một miếng bóng bì để nấu canh.



                                   Quầy hàng Tết điển hình những năm bao cấp tại các bách hóa.

                       Luộc bánh chưng Tết. Luộc xong là công đoạn nén cho bánh được rền và ngon.

                                          Cưới hỏi cũng đơn giản. Hoa cưới là một bó Lay-ơn.

                                           Báo chí hướng dẫn sử dụng tem, phiếu vào dịp Tết.

                                                   Những người thuộc quân đội có tem riêng.

                                Chợ hoa Xuân. Chủ yếu là chống rét bằng áo bông hoặc áo đại cán.

                                       Áo đại cán chính là chiếc áo mà các bác bộ đội này mặc.

                  Một trong những chiếc tàu điện hiếm hoi có màu sơn còn sạch sẽ chạy tuyến Bờ Hồ.

   Những năm bao cấp, xe máy chủ yếu là xe Mobilette hoặc Babetta của các nước XHCN. Chạy lâu nên máy xuống, ọc ạch nên cứ phải dắt chạy để nổ nên còn gọi là xe Ba-bét-nhè. Xe tư bổn của các nước giãy chết thì chủ yếu là xe 67, xe Honda 50. Xe phân khối lớn hơn có xe Con thỏ của Liên Xô, xe Simson, còn gọi là xe kích của Cộng hòa Dân chủ Đức.


                                                                        Xe Babetta      

                 
                                                                         Xe Con thỏ


                                                                          Xe Simson

   Đa phần lúc đó mua được cái xe đạp Phượng Hoàng hay Vĩnh Cửu của Khựa như cái hình dưới đây là oách hơn hẳn xe đạp Thống Nhất nội địa rồi.

Về cuối những năm bao cấp, bắt đầu đổi mới nên xuất hiện những dòng xe của các nước tư bản. Ban đầu là xe Cup 70. Hoành tráng lắm, hơn đứt xe 67.

                                                                             Cup 70

                                                                          Honda 50

   Rồi xuất hiện thêm xe cup Nhật bãi rác đời 78, 79 cánh én, đánh điện má vít. Gọi là xe bãi rác bởi nó được thu mua từ bãi thải xe cũ của bên Nhật. Cánh én là vì ốp máy có dạng hình chiếc cánh én. Điện má vít nên hay trục trặc bộ điện, khó nổ. Nhưng đến đời chiếc 81 kim vàng giọt lệ như trong hình trên thì oách hơn hẳn rồi. Kim vàng là chiếc kim chỉ tốc độ màu vàng, có một cái nháy đỏ báo tốc độ xe khi vọt qua 40km/h nên gọi là giọt lệ. Học đại học mà có cái kim vàng giọt lệ này thì chỉ có hạng thiếu gia trở lên, thằng nào mà vi vút DD hay xe 82 xanh đèn vuông đít vuông, Dream 1 đời đầu yên liền thì bố tướng sành điệu rồi. Xem ảnh thời Sài Gòn hòn ngọc viễn đông những năm 60, xe Honda nhiều như quân Nguyên mà so với Hà Nội những năm 90 thì đúng là chán như con gián.

   Những chiếc xe trong hình chủ yếu là xe máy Honda đời 81 điện má vít. Chiếc màu nâu của ông đội mũ cối là Suzuki 110cc, thuộc loại xe sang ngày đó vì thuộc loại đèn vuông, đít vuông, yên liền. Đằng sau có bác đội mũ cát két là chiếc xe 82 màu xanh dương, cũng thuộc hàng khủng thời đó.

   Chiếc áo cô bạn này mặc là thời trang thời thượng. Áo lông Đức bên ngoài, áo len cổ lọ bên trong. Bên cạnh là playboy với áo Nato Mỹ, mũ bò Levi's. Hồi đó hay có trò cướp mũ. Mũ lưới lưỡi trai, mũ bò hay kể cả bộ đội với ổi tàu cũng bị vợt như thường. Hồi đó có mốt quân khu. Tức là thanh niên ăn mặc toàn đồ lính. Mốt này xuất phát từ các khu gia binh. Những thanh niên con nhà bộ đội thường lấy quần áo quân trang của bố ra mặc. Cấp nào quần áo ấy. Úy thì có quần pho úy, tá thì có pho tá. Pho tức là vải pho của quân đội Liên Xô. Mặc mùa hè thì nóng mà mùa đông thì lạnh bởi vải pha nilon nhiều. Ông nào mà bố cấp tá được diện nhờ bộ quần áo dạ tá, chân đi đúc tàu, lại thêm cái xà cột nữa thì khệnh lắm. Thanh niên ăn mặc đồ lính, với quần áo gabadin xanh Trung Quốc, mũ cối ổi tàu thì được gọi là ga cả cành. Về sau biến tấu đi, những giang hồ ăn mặc như vậy được gọi là bộ đội, không gọi là quân khu nữa. 
   Vì là khu gia binh, hợp chủng các quân khu, quân chủng...nên thành từ ban đầu là quân khu. Mốt này bắt đầu từ những năm 1980. Sau thì ăn mặc của quân khu, của bộ đội là quần xanh chéo hải quân, áo bay hoặc áo trắng xẻ tà vạt vuông thả ngoài quần, dép nhựa trắng Tiền Phong, gọi là . Thứ trang phục này vừa tiền cho những bộ đội. Còn đẳng cấp hơn là ga cả cành, đúc tàu, bởi cái đó đắt tiền hơn nhiều. Một đôi đúc tàu giá cả vài chỉ vàng chứ không ít. Ổi tàu lòng vàng giá cũng cả chỉ vàng luôn. Xe đạp thì bộ đội là phải Phượng Hoàng nó mới đúng chất. Nên bộ đội mà đi Phượng Hoàng, thì bộ đội khác có con 67 hay cup đi qua là vợt ổi hay vợt mũ ngay. Hoặc nếu đi đông thì trấn cướp công khai luôn.

   Ngày đó, những cô nàng nào mà thích yêu những anh quân khu, thì được gọi là đú khu. Phải nói rằng, xã hội cũng có những ngôn từ thích hợp với hoàn cảnh thật. Chuyện về bộ đội, xin được để lại vào những lúc thích hợp sẽ xin kể sau. Gọi theo chuyện kể chương hồi, sẽ là, hồi sau sẽ rõ.
   Giờ thì Hà Nội khác rồi. Những vật dụng, hình ảnh xa xưa đã lùi vào dĩ vãng. Còn nhiều điều muốn kể, những điều tiếp diễn qua các thời kỳ bao cấp đến cuối thời bao cấp, nhưng có lẽ, để hẹn đến entry sau. Tặng các bạn, tặng bạn của tôi những hình ảnh về một thời ở nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên.
 
(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét